header image
Like us on Facebook Follow us on Twitter RSS feeds

C.W. Leadbeater

CÕI TRỜI CHÂN PHÚC
(HAY LÀ CÕI THƯỢNG GIỚI)

(THE DEVACHANIC PLANE)

 

TÔ HIỆP và nhóm dịch thuật KROTONA

KROTONA, 2009

 


 

MỤC LỤC

MỤC LỤC

GHI CHÚ VỀ TỰA ĐỀ QUYỂN SÁCH

LỜI MỞ ĐẦU

PHẦN GIỚI THIỆU

NHỮNG ĐẶC TÍNH TỔNG QUÁT

MỘT CẢNH TRÍ LỘNG LẪY

SỰ CHÍ PHÚC NƠI CÕI THIÊN ĐÀNG

MỘT PHƯƠNG PHÁP NHẬN THỨC MỚI

MÔI TRƯỜNG SINH HOẠT

NHỮNG LÀN SÓNG VĨ ĐẠI

(The Great Waves)

CÕI HẠ THIÊN VÀ CÕI THƯỢNG THIÊN

HOẠT ĐỘNG CỦA TƯ TƯỞNG

HÌNH TƯ TƯỞNG

NHỮNG CẢNH CỦA CÕI THƯỢNG GIỚI

NHỮNG LƯU TRỮ CỦA QUÁ KHỨ

(The Records of The Past)

NHỮNG CƯ DÂN

I. NHÂN LOẠI (HUMAN)

NHỮNG HIỆN THÂN (THE EMBODIED)

TRONG GIẤC NGỦ HOẶC XUẤT THẦN

NHỮNG NHÂN VẬT KHÔNG CÒN GIỮ XÁC THÂN

NHỮNG ĐỨC TÍNH CẦN CHO CUỘC SỐNG Ở CÕI THIÊN ĐÀNG

LÀM THẾ NÀO CON NGƯỜI ĐẠT ĐƯỢC SỰ SỐNG TRÊN CÕI THIÊN ĐÀNG LẦN ĐẦU TIÊN

CẢNH THỨ BẢY, CẢNH THẤP NHẤT CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG

CẢNH THỨ SÁU, VÙNG THỨ NHÌ CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG

CẢNH THỨ NĂM; VÙNG THỨ BA CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG

CẢNH THỨ TƯ; VÙNG TRỜI THỨ TƯ CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG

THỰC TẠI CỦA SỰ SỐNG THIÊN ĐÀNG

(The Reality of The Heaven Life)

SỰ TỪ BỎ CUỘC SỐNG CÕI THIÊN ĐÀNG

CÕI THƯỢNG THIÊN

(The Higher Heaven – World)

CẢNH THỨ BA; VÙNG THỨ NĂM CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG

CẢNH THỨ NHÌ; VÙNG THỨ SÁU CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG

CẢNH THỨ NHẤT; VÙNG THỨ BẢY CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG

II. NHỮNG LOÀI KHÔNG THUỘC HÀNG NGŨ NHÂN LOẠI

(Non – human)

LOÀI TINH HOA CHẤT

(The Elemental Essence)

LOÀI TINH HOA CHẤT LÀ GÌ ?

SỰ CHE PHỦ CỦA LINH HỒN

(The Veiling of The Spirit)

CÁC LOÀI TINH LINH

(The Elemental Kingdom)

CÁCH TIẾN HOÁ CỦA LOÀI TINH HOA CHẤT

LOÀI CẦM THÚ

NHỮNG VỊ THIÊN THẦN

(The Devas or Angels)

NHỮNG ĐẲNG CẤP THIÊN THẦN

III. NHỮNG LOÀI GIẢ TẠO

(Artificial)

KẾT LUẬN

HỘI THÔNG THIÊN HỌC CÓ BA MỤC ĐÍCH

CHÂN THÀNH TRI ÂN

 


GHI CHÚ VỀ TỰA ĐỀ QUYỂN SÁCH

*******

Chúng tôi được biết, tác giả nhận thấy theo nguyên ngữ “Devachan” không chính xác để diễn tả cảnh giới này, và có thể gây hiểu lầm. Muốn đơn giản và chính xác hơn, tác giả đã yêu cầu nhà xuất bản thay đổi tựa đề quyển sách là “The Mental Plane” (Cõi Trí hay Cõi Thượng Giới). Nhưng nhà xuất bản cho biết, nếu thay đổi tựa đề có thể gây ra vài rắc rối và khó khăn trong việc xin lại bản quyền. Do đó tựa đề quyển sách vẫn giữ nguyên là “The Devachanic Plane”. Chúng tôi tạm dịch là “Cõi Trời Chân Phúc”, thay vì là “Cõi Cực Lạc” hay “Cõi Thiên Đàng” để tránh những ý niệm sai lạc về cõi này mà vài tôn giáo đã diễn tả. Tuy những danh từ đều chỉ cùng một cõi, nhưng theo quan niệm lưu truyền trong những tôn giáo khác nhau, nên những tín đồ của các tôn giáo ấy có những cách nhìn khác nhau về cõi chân phúc này.

 

TÔ HIỆP và nhóm dịch thuật KROTONA


LỜI MỞ ĐẦU

*******

 

Tôi xin có vài lời giới thiệu quyển sách nhỏ này. Đây là quyển thứ sáu trong loạt những quyển sách khổ nhỏ trình bày Minh Triết Thiêng Liêng dưới hình thức đơn giản theo nhu cầu của đại chúng. Một số người than phiền giáo lý Thông Thiên Học quá sâu xa, khó hiểu và có một chân lý quá cao đối với những độc giả bình thường. Chúng tôi hy vọng những quyển sách phát hành gần đây có thể đáp ứng nhu cầu thiết thực cho người đọc. Minh Triết Thiêng Liêng không chỉ dành riêng cho những nhà trí thức, mà cho tất cả mọi người. Có lẽ trong số những độc giả lần đầu tiên thoáng nhìn thấy những giáo lý Minh Triết Thiêng Liêng trong quyển sách nhỏ này, có vài học giả rất nhiệt tâm và những người mới nhập môn chân thành tìm hiểu những vấn đề sâu xa, khó khăn hơn trong triết lý, khoa học và tôn giáo. Nhưng những quyển sách khổ nhỏ này không chỉ dành riêng cho những học giả nhiệt thành, không ngã lòng trước những khó khăn lúc đầu; mà còn dành cho tất cả những độc giả đang bận rộn trong công việc hằng ngày, những người muốn tìm hiểu những chân lý trọng đại, có thể chấp nhận cuộc đời họ đang chịu đựng được dễ dàng hơn, và bớt sợ hãi khi đối diện với sự chết. Những tác phẩm này được viết bởi những người phụng sự các Chân Sư, họ là những Huynh Trưởng của giống dân chúng ta; các Ngài không có mục đích nào khác hơn là phụng sự nhân loại.


 

PHẦN GIỚI THIỆU

*******

Trong quyển sách nhỏ trước, chúng tôi đã diễn tả đến một giới hạn nào đó cõi trung giới, là một vùng thấp trong thế giới vô hình bao la, trong đó chúng ta đang sống mà không để ý đến. Trong quyển sách nhỏ này, chúng tôi có ý định làm công việc khó hơn, là trình bày vài ý niệm về cõi cao kế tiếp – cõi trí hay thế giới thiên đàng (heaven world), trong văn chương Thông Thiên Học chúng ta gọi đó là Cõi Trời Chân Phúc (Devachan or Sukhavati).

Khi gọi cõi này là thế giới thiên đàng (the heaven world), chúng tôi ngụ ý nơi đó chứa đựng những ý tưởng tâm linh cao cả về cõi trời, được trình bày trong nhiều tôn giáo khác nhau; nhưng những sự trình bày đó không có nghĩa là quan điểm duy nhất. Đó là một vùng trong vũ trụ, đối với chúng ta rất quan trọng, một cõi bao la và lộng lẫy, chứa đựng sự sống linh động; nơi đó chúng ta đang sống, cũng như chúng ta đã sống qua những giai đoạn giữa các kiếp luân hồi trước khi xuống cõi trần. Do thiếu sự phát triển và bị giới hạn bởi lớp áo xác thân, chúng ta không nhận thức được cõi trời cao siêu huy hoàng chung quanh chúng ta, nơi đây và ngay bây giờ. Những ảnh hưởng từ thế giới phúc lạc này tác động liên tục lên con người, chỉ có điều là chúng ta phải hiểu và tiếp nhận nó. Đối với người bình thường, dường như không thể có cõi này, nhưng đối với các huyền bí gia, đó là một thực tại rất rõ ràng. Đối với những người chưa nắm vững chân lý căn bản này, chúng ta chỉ có thể nhắc lại lời dạy của một vị Thầy trong Phật Giáo: “Đừng than phiền, khóc lóc, cầu xin, mà hãy mở mắt ra nhìn. Ánh sáng ở chung quanh con, con chỉ cần vứt bỏ tấm băng che mắt và nhìn. Ánh sáng này rất tuyệt diệu và đẹp đẽ, vượt lên tất cả những mơ ước, cũng như sự cầu nguyện của con người, và tồn tại vĩnh viễn.” (Linh Hồn của một Người, trang 163).

Các học viên Thông Thiên Học phải tuyệt đối nhận thức chân lý quan trọng này, vũ trụ được phân chia thành nhiều vùng hay nhiều cõi khác nhau; mỗi cõi được cấu tạo bởi chất liệu có độ đậm đặc thích hợp của riêng nó. Mỗi cõi bao trùm, thấm nhập vào cõi kế tiếp bên dưới nó. Cần phải hiểu rõ những cõi mà chúng ta gọi là “cao hơn” hay “thấp hơn”, không phải do vị trí của chúng đối với nhau (vì chúng chiếm cùng một vùng không gian), mà do mực độ đậm đặc của chất liệu cấu tạo nên những cõi ấy; nói khác đi là do mức độ phân chi (subdivided), vì tất cả những loại vật chất mà chúng ta biết, trên căn bản đều giống nhau, chỉ khác ở mức độ phân chi và tốc độ rung động của chúng.

Do đó, khi nói một người đi từ cõi này đến cõi kia, chúng ta không có ý nói người ấy di chuyển trong không gian, mà chỉ là sự thay đổi của tâm thức. Vì trong mỗi người chúng ta đều có đủ các loại vật chất thuộc về những cõi trong không gian; và ở mỗi cõi con người có một thể tương ứng, nếu biết cách sử dụng, con người có thể sinh hoạt nơi cõi ấy. Vì vậy, khi nói một người đi từ cõi này qua cõi kia, có nghĩa là người ấy chuyển tâm thức từ thể này qua thể kia; thí dụ như thay vì ở thể xác, người ấy tập trung tâm thức để hoạt động ở thể vía hoặc thể trí. Theo tự nhiên, mỗi thể chỉ đáp ứng với những rung động thuộc cõi riêng của nó. Vì thế, nếu một người đang “tập trung” tâm thức vào thể vía, người ấy chỉ nhận thức những sinh hoạt ở cõi trung giới; cũng như khi tâm thức chúng ta đang dùng những giác quan thể xác, chúng ta không nhận thức được gì khác ngoài thế giới vật chất, mặc dù tất cả những cõi như cõi trần, cõi trung giới, cõi thượng giới và nhiều cõi khác vẫn luôn hiện tồn và đang hoàn toàn sinh động chung quanh chúng ta. Thực sự, tất cả các cõi hợp thành một toàn thể không gian bao la sinh động, nhưng vì năng lực yếu kém, trong mỗi lúc, chúng ta chỉ có thể quan sát được một phần rất nhỏ.

Khi xét đến vấn đề nơi chốn và sự thấm nhập giữa các cõi, chúng ta phải cẩn thận để khỏi nhầm lẫn. Cần phải hiểu trong ba cõi thấp trong thái dương hệ, không có một cõi nào tự nó hiện tồn riêng rẽ, trừ khi chúng ta đề cập đến trạng thái đặc biệt về nguyên tử cấu tạo nên mỗi cõi. Mỗi bầu hành tinh vật chất có cõi trần (tính luôn luôn cả bầu khí quyển), cõi trung giới và cõi thượng giới; tất cả thấm nhập vào nhau, do đó cùng chiếm một vị trí trong không gian; nhưng chúng hoàn toàn tách biệt và không nối kết với những cõi tương đương của một bầu hành tinh nào khác. Chỉ khi nào tâm thức chúng ta nâng lên đến những mức độ cao của cõi bồ đề, chúng ta mới nhận thấy được trạng thái chung đối với tất cả những hành tinh trong dãy tiến hóa của chúng ta.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, có một trạng thái nguyên tử vật chất trong mỗi cõi này, là sự nới rộng của vũ trụ. Vì thế, nếu tách riêng ra, chúng ta có thể nói 7 loại nguyên tử của những cảnh (sub-planes) cấu tạo nên một cõi vũ trụ (cosmic plane) thấp nhất, đôi khi được gọi là vũ trụ vật chất (cosmic-prakriti). Thí dụ, chất dĩ thái ở giữa các hành tinh dường như tràn ngập khắp cả không gian,[1] ít nhất đến tận các ngôi sao xa xăm mà mắt trần không thể thấy được. Chất dĩ thái này được cấu tạo bằng những nguyên tử căn bản cõi trần trong điều kiện bình thường, không nén ép. Đến nay, chúng ta đã biết tất cả những hình thức thấp và phức tạp hơn chất dĩ thái chỉ tồn tại bằng cách kết hợp với các thiên thể khác nhau; chúng kết hợp chung quanh các thiên thể này, và có lẽ vượt ra xa khỏi bề mặt của chúng rất nhiều.

Điều này đúng chính xác đối với cõi trung giới và thượng giới. Cõi trung giới của trái đất chúng ta thẩm thấu xuyên qua trái đất và bầu khí quyển của trái đất, và còn vượt ra khỏi bầu khí quyển. Thời xưa, người Hy Lạp gọi cõi này là thế giới ở dưới mặt trăng. Cõi thượng giới cũng thẩm thấu xuyên suốt qua cõi trung giới, và còn mở rộng xa ra không gian hơn cõi trung giới.

Trong những cõi này, chỉ có nguyên tử vật chất (atomic matter)[2] của mỗi cõi được ở trạng thái tự do, cùng tràn lan với chất dĩ thái giữa các hành tinh. Do đó, ngay nơi dãy hành tinh của chúng ta, một người không thể nào đi từ một hành tinh này qua một hành tinh khác bằng thể vía hoặc thể trí, cũng như không thể bằng thể xác. Khi một người tiến hóa cao, trong nhân thể (causal body), họ có thể đạt tới đó, nhưng cũng không dễ dàng và không nhanh bằng một vị đã nâng tâm thức lên đến cõi bồ đề (buddhic plane).

Khi nắm vững những sự kiện này, học giả sẽ tránh được sự nhầm lẫn giữa cõi thượng giới của trái đất và cõi thượng giới của những hành tinh khác nhau trong dãy hành tinh chúng ta. Nên biết, bảy bầu của dãy hành tinh chúng ta là các bầu hành tinh có thực, chiếm các vị trí riêng rẽ và xác định trong không gian, dù có một vài bầu trong các bầu này, không có cõi vật chất. Các bầu A, B, F và G tách biệt xa chúng ta, và khoảng cách giữa chúng cũng xa nhau, giống như giữa hỏa tinh và địa cầu. Chỉ có sự khác nhau là hỏa tinh và địa cầu đều có cõi trần, trung giới và thượng giới, trong khi bầu B và F không có gì thấp hơn cõi trung giới (tức không có cõi trần, LDG); còn bầu A và G không có gì thấp hơn cõi thượng giới (tức không có cõi trung giới và cõi trần, LDG). Cõi trung giới được trình bày trong quyển 5, và cõi thượng giới trong quyển sách này, chỉ áp dụng cho địa cầu chúng ta mà thôi, chứ không áp dụng cho các hành tinh khác.

Cõi thượng giới là môi trường sinh hoạt của sự sống thiên đàng, là cõi thứ ba trong năm cõi rộng lớn, có liên hệ đến loài người hiện nay; ở dưới cõi này là cõi trung giới và cõi trần, còn trên cõi này là cõi bồ đề và cõi niết bàn. Ngoại trừ trong giai đoạn đầu của người rất kém tiến hóa, cõi thượng giới là cõi mà người bình thường phải trải qua thời gian dài trong diễn trình tiến hóa. Nói rõ hơn, ngoại trừ trường hợp người rất kém tiến hóa, tỉ số thời gian của kiếp sống ở cõi trần so với ở cõi thượng giới ít khi cao hơn 1/20. Đối với những người khá tốt lành, thì tỉ số thời gian này nhiều khi thấp hơn 1/30.[3] Thật vậy, nơi đó đích thực là quê hương thường trực của chân ngã luân hồi hay linh hồn con người. Mỗi lần đầu thai xuống cõi trần, chỉ trong một giai đoạn ngắn nhưng quan trọng cho công cuộc tiến hóa. Như thế, trong lúc đang sống ở cõi trần này, thật đáng công cho chúng ta học hỏi, nghiên cứu về kiếp sống ở cõi thượng giới, hầu có được sự hiểu biết trọn vẹn quê hương đích thực của chúng ta.

Thật không may, có những sự khó khăn dường như không thể vượt qua được, nếu chúng ta muốn diễn tả những sự kiện về cõi thứ ba này của vũ trụ bằng ngôn từ; có những khó khăn là điều tự nhiên, bình thường chúng ta cũng không đủ từ để diễn đạt những ý tưởng và tình cảm, ngay ở cõi thấp nhất là cõi trần. Những độc giả của quyển “Cõi Trung Giới” (The Astral Plane) cũng nhớ rằng, thật khó để diễn tả ý niệm về những điều kỳ diệu của cõi này cho những người chưa có kinh nghiệm vượt khỏi thế giới vật chất. Chỉ có thể nói rằng, muốn diễn tả những kết quả của sự quan sát về cõi này, chúng ta phải cố gắng mười lần nhiều hơn so với cõi trung giới. Chẳng những chất cấu tạo nên cõi thượng giới biến đổi và di động nhanh hơn chất cấu tạo cõi trung giới, mà tâm thức thuộc về cõi này còn rộng bao la hơn bất cứ điều gì chúng ta có thể tưởng tượng nơi cõi trần, và chính những trạng thái của nó hoàn toàn khác biệt. Vậy, muốn diễn dịch những điều trên đây bằng ngôn ngữ thông thường, quan sát viên sẽ thấy rất bối rối; chỉ có thể tin cậy vào trực giác của độc giả để lấp đầy những khuyết điểm không tránh khỏi trong khi diễn tả.

Chúng ta chỉ nói một trong những thí dụ về những sự khó khăn của chúng ta, đó là dường như ở cõi thượng giới không có sự hiện tồn của thời gian và không gian. Ở cõi trần, những biến cố xảy ra tiếp theo nhau, và ở những nơi chốn cách xa nhau; còn ở cõi thượng giới, những sự việc dường như xuất hiện cùng một lúc và ở cùng một nơi. Đó là kết quả được tạo ra do tâm thức của chân ngã, mặc dù có vài trường hợp có thể xem như sự đồng thời tuyệt đối là thuộc tính của một cõi cao hơn. Ở cõi thiên đàng, cảm giác này chỉ là kết quả do những sự việc xảy ra liên tiếp quá nhanh, trong khoảng thời gian cực nhỏ, không thể phân biệt được. Như trong đêm tối, có người cầm một cây có đóm lửa sáng ở đầu và quay tròn, thí dụ một cây nhang được quay trên 10 vòng trong một giây đồng hồ, mắt chúng ta chỉ nhận thấy một vòng tròn sáng liên tục. Thực tế không phải thực có một vòng tròn liên tục, nhưng vì mắt con người không thể phân biệt những ấn tượng giống nhau, liên tiếp xuất hiện theo nhau với khoảng cách nhỏ hơn 1/10 giây đồng hồ.

Khi chúng ta cố gắng diễn tả một tình trạng hiện tồn hoàn toàn khác hẳn với đời sống cõi vật chất, như chúng ta đang nghiên cứu, sẽ không thể tránh được sự khó hiểu, và có thể khó tin đối với những người chưa có kinh nghiệm cá nhân về sự sống ở cõi cao. Như tôi đã nói, điều đó không thể tránh được; vì thế, nếu độc giả cảm thấy không thể chấp nhận sự trình bày những nghiên cứu của chúng tôi về thế giới thiên đàng, họ phải đợi đến lúc cá nhân họ có thể tự nghiên cứu. Tôi chỉ có thể khẳng định lại, như tôi đã làm trong quyển “Cõi Trung Giới” rằng, công việc của chúng tôi được thực hiện với tất cả tinh thần cẩn thận hợp lý để bảo đảm tính chính xác. Chúng tôi có thể nói trong mọi trường hợp, không có sự kiện nào cũ hay mới, được trình bày trong quyển sách này mà không được ít nhất là hai người khác đã được huấn luyện trong nhóm chúng tôi xác nhận và quan sát kỹ lưỡng riêng rẽ. Những sự kiện này lại được xác nhận là đúng bởi những người nghiên cứu có nhiều kinh nghiệm hơn, có nhiều kiến thức hơn chúng ta trong vấn đề này. Tuy sự trình bày nơi đây có thể chưa được đầy đủ, nhưng tôi nghĩ rằng rất đáng tin cậy.

Cách sắp xếp tổng quát của quyển sách trước, nếu có thể sẽ tiếp tục áp dụng đối với quyển sách này, để cho độc giả có thể so sánh từng phần của hai cõi. Tuy nhiên đầu đề của phần “Quang Cảnh” (Scenery) của quyển sách trước không thích hợp cho cõi thượng giới, như sẽ được trình bày trong nội dung của phần sau; cho nên chúng tôi sẽ thay thế bằng đầu đề khác như sau.


NHỮNG ĐẶC TÍNH TỔNG QUÁT

 

Có lẽ phương pháp gặp nhiều khuyết điểm nhất trong việc khảo sát đề tài quá khó khăn này là cố sử dụng đồng tử (in media res) để kiểm lại những gì mà một đệ tử hay một học viên đã được huấn luyện, nhận thấy được lần đầu tiên nơi cõi thiên đàng. Tôi dùng danh từ đệ tử một cách rất thận trọng, để chỉ một người đã được một trong những vị Chân Sư minh triết thu nhận. Trong số những đệ tử, có lẽ chỉ một ít người có thể đi vào vùng phúc lạc tuyệt diệu này với đầy đủ ý thức, để khi trở về cõi vật chất còn nhớ được rõ ràng những điều mà họ đã thấy. Không có một “vong linh” (spirit) tử tế nào từ cõi trên xuống, sử dụng một đồng tử chuyên nghiệp để kể lại các việc tầm thường, không giá trị; cũng không một người có nhãn thông tầm thường nào có thể nâng được tâm thức lên cao, mặc dù trong số ấy đôi khi có người lão luyện và thanh khiết nhất có thể vào được cõi đó, khi họ ở trong trạng thái xuất thần sâu xa thoát khỏi sự kiểm soát của những nhà thôi miên. Ngay trong trường hợp này, họ chỉ kinh nghiệm được một cách mập mờ về niềm phúc lạc thâm sâu khó tả, thường bị nhuộm màu sâu đậm bởi đức tin về tôn giáo của họ.

Sau khi chết, đến lúc nào mà linh hồn đã vào cõi này, sẽ không còn bị lôi kéo trở lại trần gian bởi những tư tưởng đau buồn, luyến thương của những người thân và bạn bè, cũng như không bị thu hút bởi những buổi cầu hồn. Cho đến khi tất cả những năng lực tinh thần vận dụng trong kiếp sống vừa qua đã được hoàn toàn phục hồi, một lần nữa con người sẵn sàng khoác lên một lớp vỏ xác thân mới. Ngay khi có thể trở về tiếp xúc với cõi trần, linh hồn thiếu kinh nghiệm cũng không thể kể lại ý niệm thực sự về cõi này. Như chúng ta đã biết, chỉ có những người có thể bước vào cõi đó với tâm thức tỉnh thức trọn vẹn, mới có thể di chuyển một cách tự do, cũng như hấp thu được tất cả vẻ đẹp kỳ diệu nơi cõi thiên đàng. Tất cả điều này sẽ được giải thích đầy đủ, khi chúng ta đề cập đến các cư dân trên cõi trời này.

MỘT CẢNH TRÍ LỘNG LẪY

 

Một nhà huyền bí học danh tiếng đã viết các điều sau đây từ ký ức của Ngài. Tôi không biết bản văn này được viết từ lúc nào, nhưng hình như một bản dịch khác của đoạn văn được khai triển thêm, xuất hiện trong quyển “Sự Nối Tiếp của Phật Kinh” (Catena of Buddhist Scriptures) của Beal.

 ”Đức Phật của chúng ta nói: Cách xa chúng ta vô số thế giới, có một nơi gọi là cực lạc quốc (Sukhavati). Cõi này được bao quanh bởi bảy vòng rào, bảy lớp màn rộng lớn, bảy hàng cây báu chắn gió. Thánh địa này là nơi cư trú của các vị La Hán (Arhats), kế đến là các vị Bồ Tát (Bodhisattvas), và được quản trị bởi các Đấng Như Lai (Tathagatas). Nó có bảy cái ao quý báu, nước của các ao đều trong như thủy tinh như nhau, nhưng có 7 đặc tính và phẩm chất khác nhau. Hỡi thiện tri thức, đó là cõi cực lạc (Devachan). Có loài hoa thiêng Udambara mọc rễ sâu trong bóng tối ở mỗi cõi trần, và nở hoa cho những người nào đạt tới cõi này. Thật là hạnh phúc cho người nào được sinh ra trong cõi phúc lạc đó, họ đã bước qua cầu vàng và đến 7 ngọn núi vàng; không còn sự đau khổ, phiền muộn đến với họ trong chu kỳ này.”

Đoạn văn này, có nhiều ẩn ý trong lối nói bằng biểu tượng đẹp đẽ của người Đông phương. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy vài đặc tính chính khá rõ ràng đối với những người nghiên cứu thời hiện đại. “Bảy ngọn núi vàng”, chỉ có thể là 7 cảnh của cõi thượng giới, mà giữa các cảnh được ngăn cách bởi các lớp ngăn không thể chạm vào, nhưng là thực và có hiệu quả; đó là “7 vòng rào, 7 lớp màn bao la, 7 hàng cây báu chắn gió”. Bảy loại nước trong như thủy tinh, mỗi loại có đặc tính và phẩm chất phân biệt, tượng trưng cho những loại quyền năng khác nhau và trạng thái của tư tưởng kèm theo những quyền năng ấy. Trong khi có một đặc tính chung cho tất cả, là sự phúc lạc thâm sâu, tuyệt diệu mà họ có thể cảm nhận. Quả nhiên, loài hoa của cõi này, “rễ mọc sâu trong bóng tối ở mỗi cõi trần”; vì từ những thế giới khác nhau mà mỗi người bước vào cõi trời tương đương; và hạnh phúc không có thứ ngôn ngữ nào diễn đạt được, là những nụ hoa bừng nở đối với người nào có thể đạt tới cõi này, tùy theo lối sống của họ. Họ phải “bước qua cầu vàng”, qua khỏi dòng suối ngăn cách cõi thượng giới và cõi dục giới. Đối với họ, sự tranh đấu giữa lý tưởng cao cả và những điều thấp hèn đã chấm dứt. Vì thế “trong chu kỳ trên cõi phúc lạc này, họ không còn bị đau khổ hoặc phiền muộn nữa”. Họ vui hưởng hạnh phúc nơi đây cho đến ngày họ luân hồi xuống cõi trần, khi ấy, một lần nữa họ phải rời bỏ cõi trời chân phúc này.

 

SỰ CHÍ PHÚC NƠI CÕI THIÊN ĐÀNG

 

Cường độ hạnh phúc là ý niệm quan trọng đầu tiên, dùng làm nền tảng cho tất cả những nhận thức của chúng ta về cuộc sống nơi cõi thiên đàng. Chúng ta đang nói về một thế giới, mà chính trong cấu trúc của nó không chứa chấp được những sự xấu, ác và thống khổ. Không những trong thế giới đó mọi loài đều hạnh phúc, mà trong thực tế còn tốt đẹp hơn nhiều. Đó là một cõi mà những thực thể hiện hữu đang vui hưởng chân hạnh phúc tinh thần cao siêu nhất. Một thế giới có thể đáp ứng lại mọi nguyện vọng cao cả của con người, hạnh phúc này chỉ bị giới hạn bởi khả năng ước vọng của con người đến được mức độ nào.

Nơi đây, lần đầu tiên chúng ta bắt đầu nhận thức được vài điều về bản chất thực sự của Nguồn Sống vĩ đại. Lần đầu tiên chúng ta sẽ thoáng thấy từ xa thế nào là đức Thượng Đế (Logos), và hiểu được Ngài muốn chúng ta phải như thế nào. Kinh ngạc trước sự thực kỳ diệu nơi cõi thượng giới, và với sự hiểu biết chân lý này, sự sống đối với chúng ta không còn giống như trước nữa. Chúng ta không thể không ngạc nhiên về sự vô vọng không hợp lý của người cõi trần đối với quan niệm hạnh phúc. Thật vậy, chúng ta buộc phải nhìn thấy phần đông người ở trần gian có quan niệm đảo điên vô lý, cũng như không ý thức rõ rệt; và họ thường quay lưng đối với chính mục đích mà họ đang tìm kiếm. Nhưng cuối cùng nơi đây, chân lý và mỹ lệ vượt qua tất cả những điều mà thi nhân mộng tưởng. Ánh sáng huy hoàng, tuyệt diệu của cõi này làm cho tất cả những sự vui thú khác trở nên tầm thường, mờ nhạt, không thực tế và không thể nào làm cho con người thỏa mãn.

Chúng ta sẽ cố gắng làm sáng tỏ một vài chi tiết về vấn đề này ở những phần sau; bây giờ, chúng ta cần nhấn mạnh về cảm giác sáng chói nơi cõi này. Cảm giác này có được không phải chỉ do sự vắng bặt những điều xấu ác và mâu thuẫn, mà vì đó là một niềm vui trọn vẹn, tràn đầy, không thay đổi. Đó là cảm giác đầu tiên nổi bật, mà người đã vào cõi thiên đàng đều có kinh nghiệm; cảm giác này vẫn tồn tại cho đến khi nào người ấy vẫn còn ở đó. Khi người ấy có nhiều kinh nghiệm hơn về những khả năng của thế giới mới mà họ đang sống, năng lực tinh thần của họ được nâng cao hơn nhiều, và họ có thể thực hiện bất cứ điều gì. Người ở nơi cõi ấy cảm nhận được một niềm hạnh phúc lạ lùng khó tả; cảm giác này đến một cách tự nhiên và ở mãi với họ khi họ còn hiện diện nơi cõi này. Niềm vui tuyệt vời của những người khác cũng là nguồn vui của chính họ. Ở cõi trần không có điều gì giống như thế, cũng không có hình ảnh nào có thể tượng trưng cho điều đó. Theo quan niệm tâm linh của chúng tôi, giả sử đời sống vui thú trong thời thơ ấu được mang lên cõi thiên đàng, và tăng cường độ hạnh phúc lên nhiều ngàn lần, có lẽ sẽ gợi ý một cách lờ mờ vài ý tưởng về sự phúc lạc nơi cõi ấy. Sự so sánh này không đầy đủ để diễn tả một cõi mà sinh lực tâm linh rất phi thường như cõi trời này.

Loại sinh lực mãnh liệt này biểu lộ do sự rung động cực nhanh của các phân tử và nguyên tử chất liệu cõi thượng giới. Theo lý thuyết, chúng ta đều biết ngay tại cõi trần không có bất cứ một phần tử vật chất nào, dù là phần tử cấu tạo nên phần đậm đặc nhất của những chất đặc, mà có lúc bất động. Tuy nhiên, khi chúng ta có thần nhãn, khái niệm này không còn là một lý thuyết khoa học đơn thuần, mà nó trở thành một sự kiện thực sự luôn hiện hữu. Chúng ta sẽ nhận biết được một cách thâm sâu đặc tính đại đồng của sự sống, mà trước kia chúng ta không nhận ra được. Chân trời trí tuệ của chúng ta rộng mở, chúng ta bắt đầu thoáng thấy những điều kỳ diệu của thiên nhiên, mà đối với người bình thường những điều đó chỉ giống như những giấc mộng điên cuồng.

Bạn hãy thử tưởng tượng hiệu quả phát sinh trong trí một người quan sát, sau khi họ rời bỏ cõi trần để nghiên cứu tỉ mỉ sự sống linh hoạt và những rung động nhanh nơi cõi trung giới. Khi ấy họ sẽ thấy có một giác quan mới tuyệt diệu mở ra bên trong, làm cho họ nhìn thấy được một thế giới khác còn cao hơn nữa, và nơi cõi đó những tầng số rung động còn nhanh hơn; cũng như ở cõi trần, những rung động của ánh sáng nhanh hơn những rung động của âm thanh. Ở thế giới đó, sự sống hiện diện khắp nơi như nhịp đập không ngừng với những cấp độ khác nhau nhưng tương hợp nhau, chung quanh và bên trong quan sát viên; và năng lực sống càng được nâng cao vô cùng.

MỘT PHƯƠNG PHÁP NHẬN THỨC MỚI

 

Cảm giác mà người ở cõi ấy nhận thức được, không do sự kỳ diệu của cõi trời này; mà do họ không còn bị giới hạn trong sự nghe, thấy, hoặc cảm nhận bằng những cơ quan riêng rẽ như ở cõi trần. Sự nhận thức này cũng không phải do sự nới rộng vô hạn của khả năng thấy và nghe như ở cõi trung giới. Thay vì những khả năng này, họ cảm thấy có sự hiện diện bên trong họ một quyền năng mới lạ, nó không phải là bất cứ khả năng riêng rẽ nào được đề cập ở trên, nhưng bao gồm tất cả những khả năng ấy và còn nhiều hơn nữa. Khi có sự hiện diện của một người hoặc một vật nào đó, quyền năng này chẳng những cho họ thấy, nghe và cảm giác được, mà còn cho họ biết tức khắc tất cả những chi tiết về người và vật đó, bên trong lẫn bên ngoài, cũng như những nguyên nhân, hậu quả và khả năng của chúng; ít nhất là những đặc tính có liên quan từ cõi thượng giới trở xuống. Người cõi ấy nhận thấy rằng đối với họ, suy nghĩ đồng nghĩa với nhận biết, vì giác quan trực tiếp cao siêu của họ không bao giờ có sự hoài nghi, lưỡng lự hoặc trì hoãn. Nếu họ nghĩ về một nơi chốn nào, thì họ hiện diện ngay tại nơi đó; nếu họ nghĩ đến một người bạn nào, người bạn đó hiện diện trước mặt họ. Trên cõi này, không còn có sự hiểu lầm nào xảy ra; không có bất cứ một biểu hiện bên ngoài nào có thể phỉnh lừa và làm cho họ lầm lạc, vì mỗi tư tưởng và tình cảm của người bạn phơi bày như một quyển sách mở ra trước mắt.

Nếu họ may mắn có một người bạn trong số các bạn của họ, đã khai mở được giác quan cao siêu hơn, giữa hai người sẽ có sự thông cảm hoàn toàn, mà người ở thế gian không thể quan niệm được. Đối với họ, không có sự chia rẽ và khoảng cách; tình cảm không bị che giấu, mà được biểu lộ một cách hoàn hảo, thay vì chỉ diễn đạt được phân nửa do sự vụng về của từ ngữ; hỏi và trả lời không cần thiết, vì người ta đọc được hình tư tưởng của nhau, và sự trao đổi những ý tưởng xảy ra nhanh như tia chớp hiện ra trong trí.

Họ có thể tìm tòi hiểu biết tất cả mọi sự vật; nơi cõi cao này, không có gì vượt quá mức tìm hiểu của con người; thời quá khứ của thế giới được phơi bày dưới mắt họ cũng giống như thời hiện tại. Ký ức vũ trụ (memory of nature) được ghi lại, không bao giờ bị xóa bỏ, luôn luôn sẵn sàng dành cho họ sử dụng, và lịch sử thời cổ xưa cũng như thời cận đại được mở ra trước mắt nếu họ muốn. Họ không cần trông cậy vào những sử gia, vì sử gia có thể không chính xác và thường chỉ diễn tả một phần. Những người ở cõi này có thể tự nghiên cứu bất cứ biến cố nào mà họ muốn biết với sự chính xác tuyệt đối, họ nhận thấy “chân lý, toàn thể chân lý, và không có gì ngoài chân lý.” Nếu họ có thể đạt đến những cảnh cao hơn của cõi thượng giới, họ sẽ nhận thấy được những tiền kiếp quá khứ xa xưa của họ, như nhìn vào những hình ảnh được chiếu ra từ một cuộn phim. Họ nhận thấy những nguyên nhân nghiệp quả tạo ra hoàn cảnh hiện tại của họ; và cũng nhận thấy những nghiệp quả cần phải thanh toán đang chờ đợi họ, trước khi “hành trình lâu dài, buồn chán chấm dứt”. Do đó, họ nhận biết một cách không lầm lẫn vị trí đúng thực của họ trong sự tiến hóa.

Câu hỏi thường được nêu ra là, ở cõi này người ta có thể nhìn thấy tương lai rõ ràng cũng như nhìn thấy quá khứ không? Câu trả lời là không, vì quan năng này thuộc về một cõi cao hơn. Trên cõi thượng giới, người ta có thể dự đoán trước các biến cố đến một mức độ nào đó, nhưng việc biết trước này sẽ không hoàn hảo. Vì trong mạng lưới định mệnh, có sự can dự của người đã được khai mở, ý chí mạnh mẽ của họ có thể đưa những sợi chỉ mới vào mạng lưới định mệnh, và thay đổi phương cách sống trong kiếp tới. Cuộc đời của một người tầm thường, kém phát triển, không có ý chí, có thể được đoán trước khá rõ rệt; nhưng khi chân ngã quyết định tự điều khiển lấy tương lai, thì khó có thể đoán trước một cách chính xác.

 

MÔI TRƯỜNG SINH HOẠT

 

Như thế, người vào cõi thượng giới với đầy đủ tri thức, đầu tiên họ cảm thấy một thứ hạnh phúc mãnh liệt, một sinh lực khó tả, một năng lực gia tăng rộng lớn, và từ đó họ có sự tự tin hoàn toàn. Sau khi quen sử dụng quan năng mới để nghiên cứu môi trường chung quanh, họ sẽ thấy những gì? Họ cảm thấy như đang ở giữa một bầu vũ trụ hoàn toàn đầy ánh sáng, màu sắc và âm thanh luôn thay đổi, dù trong những giấc mơ hay tưởng tượng cũng không cao đẹp tuyệt diệu đến như thế. Thực sự tại cõi trần, mắt không thể thấy, tai không thể nghe và tâm cũng không thể cảm nhận được những điều kỳ diệu, rực rỡ nơi cõi thiên đàng. Khi người nào đã có một lần kinh nghiệm với đầy đủ tri thức nơi cõi tuyệt diệu ấy, họ sẽ nhìn thế giới với đôi mắt rất khác xa. Kinh nghiệm này hoàn toàn không giống với bất cứ điều gì chúng ta biết ở cõi trần. Nếu thử diễn tả lại bằng ngôn từ những kinh nghiệm ấy, họ sẽ cảm thấy bối rối và hoàn toàn bất lực; chẳng những ngay từ đầu họ phải bỏ cuộc vì không thể nào diễn tả đúng được, mà họ cũng không thể truyền đạt một chút ý niệm nào cho những người chưa đến được cõi ấy.

Hãy để người khác tự tưởng tượng lấy, với cảm giác chân phúc sâu đậm và sự gia tăng năng lực phi thường như đã diễn tả. Họ cảm thấy như đang trôi nổi bềnh bồng trong một đại dương ánh sáng sinh động; được bao quanh bởi những thực thể khác nhau có hình thể và màu sắc tuyệt đẹp. Toàn cảnh biến đổi tùy theo mỗi làn sóng tư tưởng mà người ấy phóng ra ngoài. Đúng như họ vừa khám phá được, tất cả chỉ do sự diễn đạt tư tưởng của họ trong chất liệu cõi thượng giới và trong tinh hoa chất của cõi đó. Chất liệu tạo nên cõi thượng giới có cùng bản thể với chất tạo thành thể trí, cho nên khi những phân tử của thể trí rung động, tức có sự phát sinh tư tưởng, sẽ lan truyền ngay ra chất tư tưởng bao quanh và tạo nên những rung động tương ứng, trong khi nó cũng tự phản ảnh chính xác và hoàn toàn trong tinh hoa chất. Tư tưởng cụ thể tạo ra một cách tự nhiên hình dáng của vật thể mà nó nghĩ đến, trong khi tư tưởng trừu tượng thường thể hiện bằng mọi kiểu mẫu hình thể theo hình học rất hoàn hảo và đẹp tuyệt vời. Chúng ta nên biết nhiều tư tưởng đối với chúng ta ở cõi trần chỉ là những tư tưởng trừu tượng, nhưng ở cõi cao này chúng trở thành những sự kiện cụ thể.

Trong thế giới cao siêu này, người nào thích tư duy trong im lặng và tự mình cô lập với những cảnh vật chung quanh, họ có thể sống thực trong thế giới của riêng họ mà không bị gián đoạn, có một lợi ích khác là họ thấy được tất cả những ý tưởng và hiệu quả của những ý tưởng của họ, toàn cảnh đều trải qua trước mắt. Trái lại, nếu muốn nghiên cứu cõi đang ở, họ phải rất cẩn thận ngưng tư tưởng trong một lúc, để sự sáng tạo của chính tư tưởng không thể ảnh hưởng đến chất liệu rất nhạy cảm ở chung quanh, làm thay đổi điều kiện nghiên cứu.

Không nên lầm lẫn sự giữ cho cái trí ngưng hoạt động với sự cố gắng làm cho cái trí trống không, được chỉ dạy trong vài phương pháp thực hành Yoga. Trong trường hợp Hatha Yoga, cái trí bị làm cho trì độn xuống đến mức hoàn toàn thụ động, để nó không còn một tư tưởng riêng tư nào có thể chống lại bất cứ ảnh hưởng nào đến từ bên ngoài, đưa đến trạng thái gần giống như đồng cốt (mediumship). Trong khi ở trường hợp thứ nhất, con người càng giữ được cái trí tỉnh táo, minh mẫn và chủ động càng tốt; giữ cho tư tưởng ngưng lại trong một lúc chỉ để ngăn cản cá nhân tính xen vào công việc quan sát mà họ muốn thực hiện.

 Khi một người thành công trong việc đi tham quan cõi thượng giới, họ nhận thấy chính họ không còn là một trung tâm chói sáng của tất cả những màu sắc, hình thể và âm thanh kỳ diệu, mà là một sự hài hòa trong toàn cảnh sáng chói rực rỡ, rộng lớn hơn và đầy đủ hơn; tôi thử cố gắng mô tả nhưng không thành công, vì nó không ngừng biểu hiện. Khi tìm ra cách giải thích hiện tượng này, họ bắt đầu nhận thấy tất cả vẻ lộng lẫy, không phải chỉ là sự biểu lộ ngẫu nhiên, không mục đích, một cảnh bình minh của miền cực bắc cõi thiên đàng; tất cả đều có ý nghĩa, mà chính họ có thể hiểu. Bỗng nhiên họ nhận biết được những gì mà họ đang quan sát với sự thích thú ngây ngất đó, chỉ đơn giản là thứ ngôn ngữ đầy màu sắc rực rỡ (glorious colour-language) của các vị thiên thần tiến hóa cao, đang diễn đạt hay trao đổi tư tưởng với nhau. Nhờ kinh nghiệm và thực hành, họ nhận thấy chính họ cũng có thể sử dụng phương thức diễn đạt mới, tuyệt diệu đó; và do sự khám phá này, họ sở hữu thêm một khả năng lớn lao khác đang chờ đón họ. Đó là năng lực tiếp chuyện và học hỏi từ những nhân vật cao cả không thuộc hàng nhân loại ở cõi này; chúng ta sẽ đề cập vấn đề này đầy đủ hơn khi nói về những cư dân ở cõi thượng giới trong một chương khác.

Đến đây độc giả cũng thấy rõ vì sao trong quyển sách này chúng ta không thể dành một tiết mục để tả cảnh sắc cõi thượng giới, như đã làm trong quyển “Cõi Trung Giới”. Thực sự, cõi thượng giới không có cảnh sắc, ngoại trừ cảnh sắc do tư tưởng của từng cá nhân tạo ra. Cũng nên nhắc đến sự kiện là trong nhiều trường hợp, vô số thực thể liên tục xuất hiện trước người quan sát, thường tự phô bày vẻ đẹp trác tuyệt nhất; vì thế sự diễn đạt bằng ngôn từ những trạng thái của sự sống nơi cõi cao này gặp nhiều khó khăn. Chúng ta có thể nói tất cả những cảnh sắc đều có thể có nơi đây; không có một vẻ đẹp nào mà con người có thể tưởng tượng được ở mặt đất, bầu trời hay biển cả, mà không hiện diện ở nơi đây một cách đầy đủ hơn, với cường độ tăng nhiều lần hơn, ngoài sức tưởng tượng của con người. Nhưng trong tất cả thực thể sống động rực rỡ này, mỗi người chỉ thấy được điều gì mà chính năng lực bên trong của họ có thể thấy được; nói khác đi là do trình độ phát triển mà họ đã đạt được trong kiếp sống ở cõi trần và cõi trung giới.

 

NHỮNG LÀN SÓNG VĨ ĐẠI

(The Great Waves)

 

Nếu quan sát viên muốn phân tích sâu xa hơn về cõi này, để biết sự thực như thế nào khi chưa bị quấy rối bởi tư tưởng hoặc cuộc đàm thoại của bất cứ một trong những cư dân ở cõi này; họ có thể thực hiện bằng cách tự bao bọc bởi một cái vỏ khổng lồ mà tất cả những ảnh hưởng nói trên không thể xâm nhập vào, dĩ nhiên, họ phải duy trì cái trí hoàn toàn yên tĩnh, rồi khảo sát những trạng thái hiện có bên trong cái vỏ ấy.

Nếu làm thí nghiệm này thật cẩn thận, họ sẽ thấy đại dương ánh sáng này không ở trạng thái yên tĩnh, vì các phân tử của nó liên tục rung động mạnh và nhanh, nhưng đồng nhất. Những ánh sáng đầy màu sắc đẹp đẽ rực rỡ, thay đổi hình dáng liên tục, không còn phát sinh ra nữa. Bây giờ người quan sát có thể nhận thấy hàng loạt những nhịp đập khác điều hoà, hoàn toàn khác hẳn với các hiện tượng giả tạo lúc trước. Các nhịp đập này là sự biểu hiện phổ quát hiển nhiên, mà cái vỏ bao bọc được tạo ra không thể ngăn cản hay loại bỏ ra ngoài. Chúng không gây nên sự thay đổi màu sắc, cũng không tạo ra hình thể nào, nhưng trôi chảy điều hòa không bị ngăn trở, xuyên qua tất cả chất liệu cõi thượng giới, hướng ra ngoài rồi lại trở vào trung tâm, như sự thở ra hít vào của hơi thở vĩ đại ngoài tầm hiểu biết của chúng ta.

Chúng ta có thể phân biệt vài loại luồng sóng khác nhau rõ rệt theo khối lượng, theo giai đoạn rung động, và sắc thái của sự hòa điệu mà chúng tạo ra. Trong số đó có một luồng sóng lớn hơn những luồng sóng khác, giống như nhịp đập trái tim của toàn hệ thống. Luồng sóng vĩ đại này bắt nguồn từ những trung tâm không được biết đến, thuộc các cõi khác rất cao, tuôn sự sống xuyên qua khắp thế giới chúng ta, rồi như thủy triều được rút về những trung tâm phát xuất ra chúng. Luồng sóng đến như một đường cong dài dợn sóng, có âm thanh giống như tiếng rì rào của biển cả; xuyên qua đó vọng lại một nhạc khúc khải hoàn vĩ đại, phi thường, thật đúng là âm nhạc của những cõi trời. Người nào đã một lần nghe được bài hát kỳ diệu của thiên nhiên này, sẽ không bao giờ quên được. Ngay nơi cõi vật chất ảm đạm đầy ảo tưởng, người ấy vẫn luôn nghe tiếng thì thầm của nó, giữ mãi trong tâm trí để nhắc nhở về sức mạnh, ánh sáng và sự huy hoàng của nguồn sống thực sự ở trên.

Nếu người quan sát có tâm và trí trong sạch và đã tiến bộ về tâm linh đến một trình độ nào đó, tâm thức của họ có thể đồng hoá với sự luân lưu của làn sóng kỳ diệu này; linh hồn của họ hòa nhập vào đó, và tự để cho làn sóng mang họ về nguồn. Tôi có thể nói, làm như thế là không khôn ngoan, trừ trường hợp có Chân Sư ở bên cạnh, để kéo họ đúng lúc ra khỏi sự lôi cuốn mãnh liệt đó. Nếu không, làn sóng này với sức mạnh bất khả kháng, sẽ cuốn họ vào những cõi cao thật xa, mà linh hồn chưa thể chịu đựng những sự huy hoàng lộng lẫy quá mức; họ sẽ bị mất ý thức và không biết khi nào và làm cách nào để thu hồi tâm thức trở lại. Mục đích tối hậu của sự tiến hoá là đạt đến sự hợp nhất; nhưng chúng ta phải tiến đến mục đích cuối cùng này với một tri thức đầy đủ và hoàn hảo như một vị vua chiến thắng, vinh quang tiếp nhận sự nghiệp; chớ không phải trôi giạt, thấm nhập trong trạng thái trống không gần như bị hủy diệt.

 

CÕI HẠ THIÊN VÀ CÕI THƯỢNG THIÊN

 

Tất cả những điều chúng ta đã cố gắng diễn tả ở trên, chỉ áp dụng cho vùng thấp nhất cõi thượng giới. Cõi thượng giới cũng giống như cõi trung giới và cõi trần, được chia làm 7 vùng khác nhau. Bốn vùng thấp, được gọi chung là cõi “sắc tướng” (Rupa) hay là những cảnh có hình tướng; các cảnh này tạo nên cõi hạ thiên; nơi đây người tiến hóa trung bình sẽ trải qua một cuộc sống phúc lạc lâu dài giữa hai lần đầu thai. Ba vùng kia gọi là cõi “vô sắc tướng” (Arupa) hay là cõi không có hình tướng, tạo thành cõi thượng thiên; đây là nơi sinh hoạt của chân ngã luân hồi, là quê hương thật sự của linh hồn con người. Những danh từ Phạn ngữ này được dùng vì ở các cảnh sắc tướng (Rupa), mỗi tư tưởng tạo nên hình dạng xác định; trong khi ở những cảnh vô sắc tướng (Arupa), tư tưởng diễn đạt theo cách thức hoàn toàn khác lạ, chúng tôi sẽ giải thích sau. Có sự phân chia rõ ràng giữa hai vùng rộng lớn này của cõi thượng giới, do đó để sinh hoạt trên hai vùng này, cần phải sử dụng những dẫn thể khác nhau của tâm thức.

Dẫn thể thích hợp để sinh hoạt ở cõi hạ thiên là thể trí (mind body); trong khi ở cõi thượng thiên là nhân thể (causal body), tức vận cụ của chân ngã luân hồi, duy trì từ kiếp này sang kiếp kia trong suốt giai đoạn tiến hoá. Còn có một sự khác biệt lớn khác là ở bốn cảnh thấp của cõi thượng giới, ảo giác vẫn còn tồn tại đến một mức độ nào đó. Thật ra ảo giác này không tồn tại đối với người mà trong kiếp sống có đầy đủ tri thức; nhưng nó tồn tại đối với người chưa tiến hóa, họ qua đây sau khi xảy ra hiện tượng mà người đời gọi là sự chết. Những tư tưởng và nguyện vọng cao thượng trong kiếp sống ở cõi trần gom lại làm thành một lớp vỏ bao chung quanh họ, tạo nên một thế giới chủ quan của riêng họ, và trong lớp vỏ đó họ sống kiếp sống thiên đàng của họ. Những người này không nhận thấy, hoặc nhận thấy rất ít những điều kỳ diệu thật sự của cõi thượng giới ở bên ngoài lớp vỏ, nhưng thường họ tin rằng họ thấy được tất cả điều gì mà họ muốn thấy.

Tuy nhiên, nếu chúng ta nghĩ rằng đám mây tư tưởng ấy (thought-cloud) như là một giới hạn, đó sẽ là một sự sai lầm; nhiệm vụ của nó là chỉ cho phép con người đáp ứng với một vài rung động nào đó, chứ không phải ngăn chặn họ đáp ứng với những rung động khác. Thực ra những tư tưởng bao quanh con người là những năng lực, từ đó họ rút ra những điều phong phú của cõi trời. Cõi trí này chính là một phản ảnh của Thiên Trí (Devine Mind), một kho tàng vô tận từ đó con người hưởng chân phúc cõi thiên đàng. Mức độ chân phúc mà con người rút ra được, tùy thuộc vào năng lực tư tưởng, cũng như nguyện vọng của họ có trong kiếp sống ở cõi trần và cõi trung giới.

Trên cõi thượng thiên, giới hạn này không còn nữa; thật ra ngay ở cõi này cũng có nhiều chân ngã chỉ ý thức một cách yếu ớt, mơ màng về sự vật chung quanh; nhưng khi họ thấy, tương đối họ thấy đúng thật, vì tư tưởng không còn khoác lên những hình thể giới hạn như ở cõi thấp.

HOẠT ĐỘNG CỦA TƯ TƯỞNG

 

Trạng thái chính xác của thể trí đối với các nhân vật cư trú trong những cảnh khác nhau sẽ được trình bày đầy đủ hơn nơi những chương thích hợp. Tuy nhiên nơi đây chúng ta cũng cần hiểu cách thức tư tưởng tác động ở mức độ thấp và cao, trước khi có thể hiểu một cách chính xác bản chất của hai vùng rộng lớn này. Trong việc cố gắng làm sáng tỏ vấn đề, có lẽ cũng nên trình bày chi tiết một vài thí nghiệm do những người khảo sát thuộc nhóm chúng ta thực hiện.

Ở giai đoạn đầu của việc nghiên cứu, chúng ta nhận thấy rõ rằng ở cõi thượng giới cũng như trung giới, đều có sự hiện diện của một loài tinh hoa chất, hoàn toàn phân biệt với chất liệu làm ra cõi đó. Loài tinh hoa chất này rất nhạy cảm đối với tác động của tư tưởng, sự nhạy cảm này xảy ra tức khắc, nhanh hơn rất nhiều so với ở cõi thấp. Nhưng ở cõi thượng giới tất cả đều là chất của tư tưởng; nên thể trí không những chỉ tác động lên tinh hoa chất mà còn lên chính chất liệu của cõi thượng giới, vì thế chúng ta cần phải phân biệt giữa hai hiệu quả này.

Sau nhiều thí nghiệm còn chưa xác định, có một phương pháp được chấp nhận, vì nó đưa ra một ý niệm khá rõ ràng về sự khác nhau của những kết quả phát sinh. Một người nghiên cứu ở tại cảnh thấp nhất của cõi thượng giới gởi ra các hình tư tưởng, trong khi những người khác lên một cảnh cao kế tiếp, để có thể từ trên quan sát điều gì xảy ra, như vậy có thể tránh khỏi sai lầm. Khi có đủ những điều kiện này, người ta thử gởi đi một tư tưởng thương yêu và khích lệ, đến một người bạn đang ở một xứ rất xa.

Thí nghiệm có kết quả rất rõ ràng: một lớp vỏ rung động được cấu tạo bằng chất liệu cõi thượng giới, phát ra mọi hướng chung quanh người điều khiển; giống như một vòng tròn gợn sóng trên mặt nước im lặng phát xuất từ một điểm, nơi mà viên đá rơi vào. Chỉ có sự khác biệt là lớp vỏ rung động hình cầu di chuyển ra theo nhiều chiều đo (dimensions), thay vì chỉ ở trên một bề mặt phẳng (flat surface). Những rung động này giống như những rung động ở cõi vật chất, nhưng kéo dài lâu hơn nhiều, cường độ giảm đi khi chúng cách xa điểm khởi hành; khi chúng tiến đến một khoảng cách rất xa, chúng có vẻ như kiệt quệ và trở nên rất yếu, không còn được nhận thấy nữa.

Như thế, ở cõi thượng giới mỗi người đều là một trung tâm tư tưởng sáng chói, và tất cả các tia sáng phát ra theo mọi hướng mà không chút nào cản trở lẫn nhau, giống như tia sáng ở cõi vật chất. Hình cầu rung động mở rộng ra này có sắc trắng đục và lóng lánh nhiều màu sắc, nhưng khi hình cầu tiến ra xa, những màu sắc này càng lúc càng mờ dần.

Tuy nhiên, hiệu quả đối với loài tinh hoa chất ở cõi này hoàn toàn khác hẳn. Trong tinh hoa chất, tư tưởng tức khắc tạo ra một hình ảnh rõ ràng giống như hình dáng con người, chỉ có một màu, nhưng biểu lộ ra vô số bóng sắc từ tối đến sáng của màu ấy. Hình dáng này lóe lên như chớp, vượt đại dương; đến với người bạn mà lời chúc lành được hướng đến. Nơi đây, nó tự khoác lên tinh hoa chất của cõi trung giới, và trở thành một tinh linh nhân tạo bình thường của cõi này; nó chờ đợi khi có dịp sẽ tuôn rải ảnh hưởng hữu ích mà nó chứa đựng cho người bạn, như chúng tôi đã giải thích trong quyển “Cõi Trung Giới”. Khi khoác lên hình thể ở cõi trung giới, sự sáng chói của tinh hoa chất cõi trí bị mất đi rất nhiều, mặc dù màu hồng vẫn còn chiếu rực rỡ bên trong lớp vỏ, bây giờ lớp vỏ này được tạo thành bởi chất liệu cõi thấp hơn. Điều này cho thấy rằng, sau khi tư tưởng nguyên thủy làm linh hoạt loài tinh hoa chất ở cõi riêng của nó, rồi cũng từ tư tưởng đó cộng thêm hình thể bằng tinh hoa chất cõi trí, tác động như linh hồn trong tinh hoa chất cõi trung giới. Sự kiện này gần giống với cách thức mà linh hồn nguyên thủy khoác lên lớp áo này sau lớp áo kia, trong khi đi xuống những cõi và những cảnh khác nhau của vật chất.

Theo cách thức trên, những thí nghiệm kế tiếp cho thấy màu sắc của tinh hoa chất dự phần trong cuộc thí nghiệm thay đổi tùy theo đặc tính của tư tưởng. Như trên đã nói, tư tưởng yêu thương sâu đậm, sẽ tạo ra một thực thể có màu hồng rực sáng. Một lời chúc chân thành chóng lành bệnh, gởi đến người bạn đang bệnh, sẽ thu hút loài tinh hoa chất có màu trắng bạc rất đáng yêu. Trong khi một tư tưởng chân thành, cố gắng làm vững mạnh tâm trí người đang chán nản và thất vọng, sẽ tạo ra hình ảnh một sứ giả, có màu vàng kim đẹp đẽ sáng chói.

Người ta nhận thấy trong tất cả những trường hợp này, ngoài sự tạo ra những màu sắc chói sáng và những rung động trong chất liệu cõi thượng giới, còn có một lực rõ ràng trong hình thể tinh hoa chất, được gởi đến người mà tư tưởng hướng tới, và sự kiện này xảy ra không thay đổi, chỉ có một trường hợp ngoại lệ sau đây. Một trong những người thực hành thí nghiệm, trong khi đang ở cảnh thấp của cõi này, hướng một tư tưởng yêu thương và lòng tôn sùng mạnh mẽ đến một vị Chân Sư, vị Thầy tâm linh của anh ta, người quan sát đang ở cảnh cao hơn, nhận thấy kết quả xảy ra trái ngược với những trường hợp được kể trên.

Cần nhắc lại rằng, đệ tử của một trong những Chân Sư, luôn luôn nối kết với vị Thầy của họ bằng một luồng tư tưởng và ảnh hưởng liên tục; sự kiện này được biểu lộ trên cõi thượng giới như một tia sáng, hoặc một dòng suối ánh sáng chói lọi đầy màu sắc, tím, vàng kim hay xanh lơ. Người ta thường nghĩ rằng tư tưởng yêu thương, chân thành của đệ tử sẽ tạo ra một sự rung động đặc biệt theo đường nối kết này. Tuy nhiên thay vì như thế, màu sắc của luồng sóng nối kết thình lình trở nên rực rỡ hẳn lên, và một dòng ảnh hưởng tâm linh rất rõ ràng hướng về đệ tử. Như thế chứng tỏ rằng, khi người đệ tử nghĩ về Chân Sư, họ đã thật sự làm sinh động con đường nối kết với Ngài, và mở rộng con đường cho sức mạnh từ những cõi cao hơn tuôn thêm xuống trợ giúp họ. Dường như Chân Sư tích lũy ảnh hưởng và năng lực trợ giúp rất cao độ; bất cứ tư tưởng nào làm tăng cường hoạt động của đường vận hà thông thương đến Ngài, sẽ làm mở rộng đường vận hà, để cho tình thương như đại dương của Ngài có lối tuôn xuống.

Ở các cảnh vô sắc tướng, sự khác biệt nhau về hiệu quả tác động của tư tưởng rất rõ ràng, đặc biệt liên quan đến tinh hoa chất. Sự biến động gây ra trong chất liệu các cõi thì tương tự nhau, tuy cường độ gia tăng rất lớn đối với cõi được cấu tạo bằng loại vật chất tinh vi hơn. Nhưng trong tinh hoa chất không có bất cứ hình thể nào được tạo ra, và cách tác động cũng hoàn toàn khác biệt. Trong tất cả các thí nghiệm ở những cõi thấp hơn, người ta thấy rằng loài tinh linh bay lượn chung quanh người suy tưởng, và chờ đợi cơ hội thích hợp để tiêu dùng năng lượng của chính họ lên thể trí, thể vía, cũng có khi lên thể xác của họ. Nhưng ở đây, hiệu quả xảy ra như một tia chớp của tinh hoa chất từ nhân thể (causal body) của người suy tưởng, hướng trực tiếp đến nhân thể của người mà họ nghĩ tới. Sự khác biệt là trong khi tư tưởng ở những cõi thấp luôn luôn hướng đến phàm ngã; ở cõi cao này chúng ảnh hưởng đến chân ngã luân hồi, con người thật sự. Nếu thông điệp của chúng ta có liên hệ đến phàm ngã, nó chỉ đến với phàm ngã từ trên cao, qua trung gian vận cụ nhân thể.

 

HÌNH TƯ TƯỞNG

 

Dĩ nhiên không phải tất cả những tư tưởng ở cõi này đều được gởi trực tiếp đến vài người nào đó. Có nhiều tư tưởng chỉ được tạo ra, rồi trôi nổi lang thang vô định hướng; có vô số tư tưởng loại này, chúng có hình thể và màu sắc rất thay đổi, việc nghiên cứu chúng là một khoa học riêng biệt rất lý thú. Muốn diễn tả chi tiết, mặc dù chỉ những loại chính trong các tư tưởng, chúng ta cũng không đủ chỗ trong quyển sách này. Nhưng những nguyên tắc theo đó những loại tư tưởng được tạo ra, có thể tìm thấy trong những đoạn văn gợi ý nhất do bà Besant viết ra trong tạp chí “Lucifer” (về sau trở thành là tập Kỷ Yếu Thông Thiên Học) tháng Chín 1896. Bà đưa ra ba nguyên tắc quan trọng trong việc tạo thành hình tư tưởng do tác động của cái trí: (a) Phẩm chất của tư tưởng xác định màu sắc của hình tư tưởng. (b) Bản chất của tư tưởng xác định hình dáng của hình tư tưởng. (c) Sự minh bạch của tư tưởng xác định đường nét rõ ràng của hình tư tưởng. Sau khi đưa ra những thí dụ ảnh hưởng đến màu sắc của hình tư tưởng, bà tiếp theo:

“Nếu thể vía và thể trí rung động dưới ảnh hưởng của lòng sùng kính, hào quang con người sẽ được tràn ngập một màu xanh da trời; với mức độ, cũng như sự đẹp đẽ và sự rõ ràng tuỳ theo chiều sâu, cao độ và sự trong sạch của cảm giác tôn sùng. Chúng ta có thể thấy hình tư tưởng phát xuất lên từ một ngôi nhà thờ, những hình tư tưởng này phần nhiều có chu vi không được rõ nét, các đường biên còn mờ nhạt, như những khối mây màu xanh dâng lên cuồn cuộn. Thường thì màu này bị mờ đục do sự trộn lẫn bởi những tình cảm ích kỷ, khi ấy màu xanh bị trộn lẫn với màu nâu, làm mất sự sáng chói và trong suốt. Nhưng tư tưởng sùng kính của một tâm hồn không ích kỷ có vẻ đẹp đáng yêu, giống như màu xanh thẳm của một bầu trời mùa hè. Xuyên qua các đám mây màu xanh này, thường hiện ra các ngôi sao màu vàng kim rất sáng chói, hướng lên trên giống như những tia lửa.

“Sự nóng giận tạo ra màu đỏ với nhiều sắc thái, từ màu đỏ gạch đến màu đỏ tươi; sự nóng giận thô bạo tạo ra các tia chớp màu đỏ đục và tối từ những đám mây màu nâu sậm; trong khi sự “tức giận cao thượng” tạo ra màu đỏ tươi trong sáng, nhìn không đến nỗi xấu xí, nhưng nó gây cảm giác rùng mình không thích thú.

“Sự thương yêu tạo ra những đám mây màu hồng, có sắc thái khác nhau; màu đỏ đục khi tình yêu có bản chất thú tính, màu hồng tươi hoà lẫn màu nâu khi con người có tính ích kỷ, và màu lá cây mờ đục khi có sự ghen tuông. Khi tình yêu trở nên thanh khiết, không còn yếu tố ích kỷ, sẽ tạo nên màu sắc rất tươi đẹp, như màu hồng sắc sảo của các tia sáng buổi bình minh, và tuôn tràn như những vòng tròn càng lúc càng rộng hơn, cho thấy sự dịu dàng, rộng rãi và lòng trắc ẩn đối với tất cả mọi người cần sự nâng đỡ.

“Trí tuệ tạo ra hình tư tưởng màu vàng; lý luận trong sáng hướng đến mục đích tâm linh, sẽ cho ra một màu vàng tinh xảo và rất đẹp; trong khi lý luận để đạt mục đích ích kỷ, và tham vọng, sẽ có màu cam sậm, rõ rệt và mãnh liệt.” (Lucifer, bộ xix, trang 71.)

Chúng ta nhận thấy đoạn văn trên mô tả hình tư tưởng thể trí, luôn cả hình tư tưởng thể vía; một số loại tình cảm cần sử dụng chất liệu ở cả cõi thấp và cõi cao hơn, mới có thể diễn đạt được. Sau đó, bà Besant cũng có đưa ra vài thí dụ về những tư tưởng cao thượng của chúng ta, tạo ra những hình ảnh đẹp mắt giống như đóa hoa hay vỏ ốc. Bà cũng kể ra trường hợp đặc biệt mà tư tưởng tạo ra hình dáng con người, có thể gây ngộ nhận với sự hiện hình:

“Một hình tư tưởng có thể lấy hình dáng người đưa ra tư tưởng đó. Nếu một người có ý muốn mạnh mẽ hiện diện ở một nơi đặc biệt nào đó, đến thăm một người khác và muốn được người bạn nhìn thấy mình, trong trường hợp này hình tư tưởng được tạo ra có thể giống hình dáng của chính họ. Nếu một người đã mở thần nhãn có mặt ở nơi đó, có thể lầm tưởng là người ấy hiện hình trong thể vía. Một hình tư tưởng của loại này có thể chuyển một thông điệp, nếu có ý tưởng muốn gởi đi; khi ấy, nó đánh thức những rung động trong thể vía của người nhận, và những rung động này truyền từ thể vía đến não bộ, ở não bộ những rung động được diễn dịch thành một tư tưởng hay một câu nói. Hình tư tưởng như thế, có thể chuyển trở lại người đã tạo ra nó, do sự liên hệ từ điện giữa nó và người ấy.”

Những ai muốn nắm vững phần rất phức tạp này của đề tài đang nghiên cứu, cần phải đọc thật cẩn thận toàn bài này, mà nơi đây chúng tôi chỉ rút ra một phần nhỏ; vì kèm theo bài viết, có trưng bày nhiều hình màu rất đẹp, để những người chưa tự mình thấy được, có thể nhận thức một cách gần đúng thế nào là hình tư tưởng thực sự, nó trình bày rõ ràng hơn bất cứ bài viết nào từ trước đến nay.

 

NHỮNG CẢNH CỦA CÕI THƯỢNG GIỚI

 

Ngoài cách sử dụng những từ ngữ rất tổng quát, thật khó trả lời cho câu hỏi về sự khác nhau giữa chất liệu cấu tạo nên những cảnh khác nhau của cõi thượng giới. Thật ra không có đủ hình dung từ để diễn tả cảnh thấp nhất của cõi thượng giới, và không còn xót lại từ nào để diễn tả những cảnh cao hơn. Thật vậy, ngoại trừ chúng ta có thể nói rằng khi càng lên cao, chất liệu càng trở nên tinh vi hơn, hài hoà hơn; ánh sáng sinh động và trong suốt hơn, âm thanh cũng trở nên điều hòa hơn. Càng lên cao càng có nhiều sắc thái phụ tinh xảo hơn, được biến đổi từ những màu chính, và có thêm những màu sắc mới xuất hiện mà ở cõi trần chưa bao giờ thấy. Vì thế cũng đúng khi người ta nói một cách thi vị rằng, ánh sáng nơi cõi dưới là bóng tối của cõi trên.

Có lẽ vấn đề sẽ đơn giản hơn nếu chúng ta bắt đầu quan sát tư tưởng từ trên cao thay vì từ dưới thấp. Chúng ta sẽ nhận thấy vật liệu cấu tạo nên cảnh cao nhất của cõi thượng giới, được làm sinh động và linh hoạt nhờ một nguồn năng lượng hằng tuôn xuống như ánh sáng từ một cõi bên trên cõi thượng giới. Kế đó, nếu chúng ta đi xuống cảnh thứ nhì,[4] chúng ta sẽ nhận thấy chất liệu của cảnh thứ nhất trở thành năng lượng cho cảnh thứ nhì. Nói một cách chính xác hơn, năng lượng nguyên thủy cộng thêm lớp áo bằng chất liệu cảnh thứ nhất, tạo thành năng lượng làm sinh động cho chất liệu cảnh thứ nhì. Cùng một cách thức như thế, chúng ta nhận thấy năng lượng làm sinh động cho cảnh thứ ba là năng lượng nguyên thủy, khoác lên hai lớp màn bằng chất liệu của cảnh thứ nhất và thứ nhì. Như thế, khi xuống đến cảnh thứ bảy, năng lượng nguyên thuỷ bị bao bọc bởi 6 lớp, do đó nó trở nên yếu hơn nhiều và hoạt động kém đi. Tiến trình này rất giống những lớp màn bao phủ linh thể (Atma), là chân linh nguyên thuỷ xuống như là nguyên thể Chân Thần, cung cấp năng lượng cho chất liệu của các cõi trong vũ trụ. Đây là một sự kiện thông thường trong thiên nhiên, mà người nghiên cứu cần phải làm quen với quan niệm này. (Xin xem quyển “Minh Triết Cổ Truyền” của bà Besant.)

 

NHỮNG LƯU TRỮ CỦA QUÁ KHỨ

(The Records of The Past)

 

Khi nói về những đặc tính tổng quát cõi thượng giới, chúng ta nên đề cập đến cái hậu nền luôn luôn hiện diện, do sự lưu trữ những sự việc trong quá khứ, tức ký ức vũ trụ, nguồn lịch sử duy nhất đáng tin cậy của thế giới. Trong khi những gì xảy ra ở cõi vật chất, tự nó không được ghi giữ lại hoàn toàn, nhưng chỉ là phản ảnh từ cõi cao hơn, nơi ấy chúng biểu hiện rõ ràng, chính xác và liên tục; khác với sự biểu hiện không liên tục, ngắt quãng ở cõi trung giới. Cho nên chúng ta chỉ có thể chấp nhận những hình ảnh thuộc quá khứ, do một người đã có nhãn thông với khả năng nhìn được cõi thượng giới. Ngay trong trường hợp người đã có nhãn thông, nếu họ chưa có khả năng di chuyển từ cõi thượng giới xuống cõi trần với đầy đủ tri thức, cũng có thể nhầm lẫn khi diễn tả lại những sự việc mà họ đã thấy ở cõi trên.

Đối với những học giả đã thành công trong việc khai mở những năng lực tiềm ẩn bên trong, để có thể sử dụng giác quan thuộc về cõi trí trong khi đang ở trong thể xác, có một phạm vi nghiên cứu lịch sử hấp dẫn, làm cho họ say mê. Nếu thích, họ có thể xét lại tất cả những giai đoạn lịch sử mà chúng ta đã biết, sửa chữa những sai lầm và quan niệm lệch lạc thường xen lẫn vào lịch sử. Họ cũng có thể lướt qua cả lịch sử thế giới từ lúc khởi thủy, nhìn sự phát triển chậm chạp của trí thông minh trong con người, họ theo dõi sự nhập thế của các vị Hoả Tinh Quân (Lords of the Flame), và sự phát triển các nền văn minh hùng mạnh mà các Ngài đã sáng lập.

Sự nghiên cứu của họ không chỉ giới hạn về sự tiến bộ của con người, vì họ có trước mặt như một viện bảo tàng, tất cả hình thể kỳ lạ của thú vật và thảo mộc hiện diện trong giai đoạn đầu của thế giới. Họ có thể theo dõi những thay đổi kỳ diệu của địa chất đã xảy ra, và nhìn sự diễn tiến của các trận đại hồng thủy đã làm thay đổi toàn bộ bề mặt của quả địa cầu nhiều lần.

Khi khảo sát được những lưu trữ này, chúng ta có thể biết được rất nhiều sự việc khác nhau; đây là lợi điểm mà cõi thượng giới cung cấp cho những cõi thấp hơn. Thêm vào đó, có nhiều cơ hội dành riêng cho người mở được khả năng cao và mới mẻ này; họ có đặc quyền liên hệ trực tiếp, không trở ngại, chẳng những với thế giới của đại thiên thần (great devas), mà còn với các vị Chân Sư minh triết. Do được vui hưởng niềm phúc lạc thâm sâu, sẽ đem lại sự nghỉ ngơi và làm giảm bớt những căng thẳng mệt nhọc từ cuộc sống vật chất. Trên tất cả, khả năng của học giả được nâng cao, giúp cho họ phụng sự nhân loại đắc lực hơn. Như thế, chúng ta bắt đầu thoáng thấy điều lợi ích mà nghiên cứu sinh đạt được, khi họ có thể tùy theo ý muốn và với đầy đủ tri thức bước vào vùng sáng chói của cõi trời chân phúc.


 

NHỮNG CƯ DÂN

 

Trong khi cố gắng diễn tả những cư dân ở cõi thượng giới, điều tốt nhất là chúng ta có thể phân chia thành ba nhóm chính như chúng ta đã làm trong quyển “Cõi Trung Giới” gồm: nhân loại (human), những loài không thuộc hàng ngũ nhân loại (non-human) và những loài giả tạo (artificial). Dù ở đây hiển nhiên số lượng trong mỗi nhóm không đồng đều nhau, vì những đặc tính được tạo ra do những đam mê xấu xa của con người rất nhiều ở cõi thấp, không tồn tại được nơi cõi cao này.

 

I. NHÂN LOẠI (HUMAN)

 

Cũng như khi nghiên cứu cõi trung giới, những cư dân thuộc con người ở cõi thượng giới cũng được phân chia thành hai nhóm: những người còn sống với thể xác ở cõi vật chất, và những người không còn thể xác ở cõi vật chất.

Người đời thường gọi một cách nhầm lẫn giữa sống và chết. Chỉ cần có một chút kinh nghiệm ở những cõi cao này cũng đủ thay đổi trên căn bản, quan niệm của học giả về những chuyển biến xảy ra lúc con người “chết”. Ngay lúc ấy, có sự mở rộng của tâm thức con người về cõi trung giới, hoặc hơn nữa về cõi thượng giới. Họ nhận thấy trọn vẹn sự sống thực sự, mà khi còn ở cõi vật chất họ chưa bao giờ biết đến. Con người rời bỏ cõi vật chất để “đi vào” đời sống thực sự, chứ không phải ra khỏi nó. Hiện tại, trong Anh ngữ không có những từ ngữ thích hợp và chính xác để diễn tả những tình trạng này. Một cách tổng quát, có lẽ từ ngữ “hiện thân” (embodied) và “không hiện thân” (disembodied) ít gây hiểu lầm hơn những từ ngữ khác. Như vậy, chúng ta hãy nghiên cứu những cư dân ở cõi thượng giới, theo sự sắp xếp thành những tiêu đề như đã nói ở trên.

 

NHỮNG HIỆN THÂN (THE EMBODIED)

 

Những người trong khi còn giữ xác thân hoạt động với đầy đủ tâm thức và linh hoạt hoàn toàn trên cõi thượng giới, chính là những vị Chân Sư và các đệ tử được điểm đạo của các Ngài. Vì chỉ đến khi người đệ tử được Chân Sư truyền dạy cách sử dụng thể trí, họ mới có thể di chuyển tự do, nhất là ở những cảnh thấp của cõi thượng giới. Trong lúc còn sống ở cõi trần, để có thể hoạt động có ý thức trên những cõi cao, con người cần phải phát triển nhiều hơn, vì khả năng này cũng đồng nghĩa với sự hợp nhất của con người. Như thế khi ở cõi trần, họ không chỉ là một phàm ngã thuần túy, mà họ có được ít nhiều ảnh hưởng từ chân ngã ở trên. Nói khác đi, họ là chân ngã bị ngăn cản và giam giữ bởi xác thân; nhưng chắc chắn rằng trong con người của họ có năng lực và sự hiểu biết của chân ngã tiến hóa cao.

Những người đã có nhãn quan cõi thượng giới, nhìn thấy các vị Chân Sư và những đệ tử điểm đạo xuất hiện với một vẻ rất tuyệt vời, như những quả cầu lộng lẫy đầy ánh sáng và màu sắc. Đi đến đâu, các Ngài xua đuổi những ảnh hưởng xấu ác đến đó và tác động lên tất cả người nào đến gần các Ngài, như mặt trời tác động lên các loài hoa. Các Ngài tỏa ra chung quanh niềm an lạc và hạnh phúc; ngay đối với những người không thấy được các Ngài cũng cảm nhận được. Chính ở cõi trời này mà phần lớn công việc quan trọng nhất của các Ngài được hoàn thành, nhất là trên những cảnh cao của cõi thượng giới, nơi chân ngã có thể được ảnh hưởng trực tiếp. Chính từ cõi này, các Ngài tuôn xuống những ảnh hưởng tâm linh to lớn lên thế giới của tư tưởng; cũng chính ở đó, các Ngài thúc đẩy tất cả những phong trào quan trọng và hữu ích cho con người. Từ cõi này, nhiều sức mạnh tâm linh từ những vị Ứng Thân (Nirmanakayas) hy sinh cao cả được phân phát. Cũng nơi đây, những giáo huấn trực tiếp được ban cho những đệ tử tiến hoá cao có đủ tư cách tiếp nhận; vì ở đó, giáo huấn được truyền đạt dễ dàng và đầy đủ hơn ở cõi trung giới. Ngoài những điều kể trên, đây là một môi trường lớn để các Ngài lo cho công việc liên quan đến những người mà chúng ta gọi là đã chết; chúng ta sẽ bàn đến điều này trong một chương khác.

Thật thích thú khi nhận thấy, một nhóm cư dân mà chúng ta ép buộc phải đề cập đến ở cõi trung giới, hoàn toàn vắng mặt nơi đây. Vì đặc tính của thế giới này là không ích kỷ và hướng về tinh thần, cho nên các vị bàng môn tả đạo và những đệ tử của họ hiển nhiên là không có chỗ dung thân. Sự ích kỷ là bản chất của các trường phái tà giáo, và họ nghiên cứu những sức mạnh huyền bí hoàn toàn để phục vụ cho mục đích cá nhân. Trong số những người ấy, có nhiều người phát triển trí năng rất cao, vì thế chất liệu cấu tạo nên thể trí của họ rất linh hoạt và nhạy cảm theo vài đường hướng đặc biệt. Nhưng trong mọi trường hợp, những đường hướng này được kết nối với vài loại tham vọng cá nhân, do đó chúng chỉ có thể diễn đạt xuyên qua phần thấp của thể trí, mà nó đã trở nên vướng mắc với chất liệu cõi trung giới, không thể gỡ ra được. Do những lý do ấy, mà hoạt động của những người này bị giới hạn ở cõi trung giới và cõi trần. Một người sống với khuynh hướng ích kỷ và xấu ác, đôi khi cũng có những tư tưởng trừu tượng; khi ấy họ cũng có thể sử dụng thể trí nếu họ đã học được cách sử dụng thể này, nhưng ngay khi có yếu tố cá nhân xen vào, và muốn đạt được vài mục đích xấu, tư tưởng này không còn trừu tượng, và một lần nữa sự hoạt động của người ấy được nối kết với chất liệu quen thuộc với họ trong cõi trung giới. Người ta có thể nói rằng, một huynh đệ trong bóng tối (black magician) chỉ có thể hoạt động trên cõi thượng giới, nếu họ đã quên chính họ là một người bàng môn tả đạo (black magician). Nhưng dù cho họ quên điều đó, họ chỉ có thể được nhận thấy trên cõi thượng giới đối với những người có tâm thức linh hoạt trên cõi đó, nhưng không bao giờ được nhận thấy đối với những người đang nghỉ ngơi, hưởng phúc lạc nơi cõi thiên đàng sau khi từ trần; vì mỗi người này hoàn toàn ẩn dật trong thế giới tư tưởng riêng của họ, và không có điều gì bên ngoài có thể ảnh hưởng đến họ, vì vậy họ tuyệt đối an toàn. Điều này biện minh cho sự diễn tả xưa về cõi thiên đàng, như là một nơi mà “người hung ác không còn quậy phá và những linh hồn mệt mỏi được nghỉ ngơi.”

 

TRONG GIẤC NGỦ HOẶC XUẤT THẦN

 

Khi bàn về những linh hồn còn giữ xác thân ở cõi trần, đi vào cõi thượng giới, một câu hỏi tự nhiên được nêu ra: Một người tầm thường trong giấc ngủ, hoặc một người trong trạng thái xuất thần, có bao giờ được vào cõi này không? Câu trả lời cho cả hai trường hợp là điều đó có thể xảy ra, nhưng rất hiếm. Cuộc sống trong sạch và có lý tưởng là một điều kiện tiên quyết và tuyệt đối; khi chưa có đủ điều kiện này, cho dù họ có đến được cõi đó, họ cũng chưa có được ý thức thực sự, mà chỉ có khả năng tiếp nhận được vài ấn tượng.

Để giải thích về việc con người có thể vào cõi thượng giới trong khi xác thân đang ngủ, chúng ta có thể nhắc lại một trường hợp xảy ra, có liên hệ đến những thí nghiệm về tâm thức trong trạng thái nằm mơ do hội Thông Thiên Học ở Luân Đôn thực hiện. Vài điều của thí nghiệm này được kể lại trong quyển sách nhỏ của tôi có tựa “Những Giấc Mơ”. Những người đã đọc quyển sách này, có thể nhớ lại hình ảnh tư tưởng (thought-picture) về một quang cảnh rất đẹp vùng nhiệt đới, xuất hiện trong trí của nhiều hạng người khác nhau, trong lúc họ đang ngủ, và họ nhớ lại đến một mức độ nào đó khi thức dậy. Trong các trường hợp được thí nghiệm, có một trường hợp đặc biệt không liên quan đến hiện tượng giấc mơ, trường hợp này được trình bày sau đây.

Đó là một người có tư tưởng trong sạch, có khả năng tâm linh, nhưng chưa được huấn luyện. Hình ảnh tư tưởng xuất hiện ra trong trí của cô có đặc tính khá bất ngờ. Hạnh phúc tuyệt diệu và những tư tưởng tâm linh cao cả được khiêu gợi do sự chiêm ngưỡng quang cảnh tuyệt vời này; như thế lúc đang ngủ, tâm thức sẽ hoàn toàn chuyển qua thể trí; hoặc nói cách khác, được nâng lên đến cõi thượng giới. Tuy nhiên, từ đó không thể ức đoán rằng cô ấy nhận thức được những gì chung quanh và tình trạng thực sự nơi cõi ấy. Cô ta chỉ ở trong trạng thái một người tầm thường đến cõi thượng giới sau khi chết; trôi nổi trong biển ánh sáng đầy màu sắc, tuy nhiên cô cũng hoàn toàn thấm nhập vào tư tưởng của riêng cô và không ý thức điều gì bên ngoài. Cô an nghỉ trong sự chiêm ngưỡng ngây ngất cảnh trí và tất cả những ý tưởng gợi lên cho cô. Dĩ nhiên, sự mặc tưởng này kèm theo thị giác thông suốt; với một nội tâm sắc sảo, sự cảm nhận càng hoàn toàn hơn. Năng lực tư tưởng đặc biệt ở cõi thượng giới tăng lên, và cường độ phúc lạc cũng cao hơn. Trạng thái này duy trì qua nhiều giờ, mặc dù hoàn toàn không có ý thức về thời gian. Sau cùng khi thức dậy, cô cảm thấy một sự bình an thâm sâu và một sự an vui nội tâm không thể giải thích được, vì cô không nhớ lại được những gì đã xảy ra. Tuy nhiên, dù bộ óc vật chất có nhớ lại được hay không, chắc chắn kinh nghiệm này có tác động thúc đẩy sự tiến hoá tâm linh của linh hồn.

Với số trường hợp thí nghiệm không nhiều, nên không đủ đưa ra kết luận vững chắc, nhưng có một điều gần như chắc chắn là kết quả được diễn tả ở trên, chỉ có thể xảy ra trong trường hợp một người đã đạt được một vài trình độ khai mở tâm linh. Đối với trường hợp thôi miên, cũng cần điều kiện như vậy để một người trong trạng thái xuất thần có thể đạt tới cõi thượng giới. Điều này thực sự là như thế, có lẽ chưa có đến một người trong số một ngàn người có thông nhãn bình thường có thể đạt đến cõi đó. Tuy nhiên như tôi đã nói, trong trường hợp rất hiếm ấy, người có thông nhãn đạt tới cõi thượng giới, chẳng những là người đã khai mở một cách đặc biệt, mà còn phải có đời sống và mục đích trong sạch. Ngoài những điều kiện đặc biệt như trên, người mới khai mở năng khiếu tâm linh cũng còn gặp phải sự khó khăn trong việc diễn dịch lại chính xác theo ngôn ngữ phàm trần những gì đã thấy ở cõi trên. Dĩ nhiên tất cả những sự lưu tâm trên đây, chỉ để nhấn mạnh về sự cần thiết của việc huấn luyện kỹ càng tất cả các nhà tâm linh, dưới sự hướng dẫn của một vị thầy có đủ khả năng, trước khi những tường trình về những gì họ đã thấy ở cõi cao được chúng ta tin tưởng.

 

NHỮNG NHÂN VẬT KHÔNG CÒN GIỮ XÁC THÂN

 

Trước khi khảo sát chi tiết tình trạng của những thực thể không còn xác thân, ở những cảnh khác nhau của cõi thượng giới, chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng sự khác nhau giữa hai vùng “sắc tướng” (rupa) và “vô sắc tướng” (arupa) mà chúng ta đã đề cập ở trên. Ở vùng sắc tướng, con người hoàn toàn sống trong thế giới tư tưởng của riêng họ, vẫn hoàn toàn đồng hóa với phàm ngã trong kiếp họ vừa rời bỏ. Ở vùng vô sắc tướng, con người chỉ là chân ngã luân hồi (reincarnating ego) hay linh hồn. Nếu là người đã phát triển tâm thức đủ để nhận biết khá rõ ràng sự vật ở cõi này, sẽ hiểu đến mức độ nào đó mục tiêu tiến hóa mà họ đang theo đuổi, và công việc mà họ phải thực hiện.

Nên nhớ mỗi người phải trải qua cả hai giai đoạn này, giữa lúc chết và lúc sinh. Đa số những người chưa tiến hóa có ý thức rất ít về các cõi này, chúng ta có thể nói rằng, họ trải qua giấc mơ xuyên qua hai cõi đó. Dù có ý thức hay không, tất cả nhân loại đều phải tiếp xúc các cảnh cao của cõi thượng giới, trước khi họ có thể tái sinh. Khi con người tiến hóa nhiều hơn, sự tiếp xúc này càng trở nên rõ ràng và thực đối với họ. Không những con người càng trở nên có ý thức nhiều hơn, mà thời gian họ trải qua thế giới này cũng lâu dài hơn; vì tâm thức con người được nâng lên một cách chậm chạp nhưng vững chắc, xuyên qua các cõi khác nhau của hệ thống tiến hóa.

Thí dụ, người nguyên thuỷ tương đối có ít tri thức về các cõi khác, ngoại trừ cõi trần trong lúc họ sống; và những cảnh thấp của cõi trung giới sau khi họ chết; điều này cũng giống như đối với những người chưa tiến hóa trong xã hội chúng ta ngày nay. Người tiến hoá hơn một chút, giữa hai lần tái sinh, sẽ trải qua một thời kỳ lưu ngụ ngắn ở cõi thiên đàng (dĩ nhiên là ở các cảnh thấp), nhưng họ vẫn phải trải qua một thời gian lâu hơn ở cõi trung giới. Con người càng tiến hoá, kiếp sống cõi trung giới càng trở nên ngắn hơn, và kiếp sống cõi thiên đàng càng dài hơn. Đến khi con người phát triển tâm linh và trí tuệ cao, họ không bị trì hoãn ở cõi trung giới, mà chỉ đi xuyên qua nó; họ sẽ được vui hưởng một thời gian lưu trú dài và hạnh phúc ở những cảnh thấp của cõi thượng giới. Tuy nhiên vào lúc này, tâm thức trong chân ngã được đánh thức ở mức độ cao, và sự sống ý thức trên cõi thượng giới được chia ra làm hai giai đoạn, mà giai đoạn thứ nhì là giai đoạn ngắn nhất được trải qua ở những cảnh cao với nhân thể (causal body).

Tiến trình mà chúng ta vừa diễn tả, sẽ được lặp lại: giai đoạn sống ở các cảnh thấp thu ngắn dần, và giai đoạn sống ở các cảnh cao trở nên lâu dài và đầy đủ hơn, cho đến ngày tâm thức được hợp nhất. Khi phần cao và phần thấp của cái ngã hợp nhất, không thể phân chia, con người không còn có thể tự bao phủ trong đám mây tư tưởng của riêng họ, và họ có thể thấy xuyên qua nó toàn thể cõi thiên đàng rộng lớn chung quanh. Họ sẽ nhận thấy còn có những mục đích thật sự trong kiếp sống của họ, và đây là lần đầu tiên, họ bắt đầu sống thực sự. Thực ra, vào lúc đạt tới những trình độ cao này, họ đã đặt chân trên đường đạo, và nắm vững những bước tiến bộ tương lai.

 

NHỮNG ĐỨC TÍNH CẦN CHO CUỘC SỐNG Ở CÕI THIÊN ĐÀNG

 

Sự sống ở cõi thượng giới thực tại hơn sự sống ở cõi trần; điều này rõ ràng hơn khi chúng ta xem xét những điều kiện cần thiết để đạt đến trạng thái cao cả này. Nếu một người muốn sống trên cõi thiên đàng sau khi lìa trần, lúc sống ở cõi trần họ phải phát triển những đặc tính tốt nhất và cao quí nhất, đáng ao ước của giống dân chúng ta. Đặc tính cốt yếu để một nguyện vọng hay một sức mạnh tư tưởng tồn tại nơi cõi thượng giới, là không ích kỷ.

Tình thương đối với gia đình hay bạn bè, cũng như lòng tôn sùng tín ngưỡng tôn giáo, có giá trị lớn đưa con người vào cõi thiên đàng. Tuy nhiên, đừng nên lầm lẫn mà cho rằng tất cả các loại tình thương, hay tất cả lòng tôn sùng đều có vị trí trên cõi này sau khi con người từ trần. Vì mỗi loại tình cảm đều có hai khía cạnh: ích kỷ hoặc vị tha, mà chỉ có loại tình cảm vị tha mới xứng đáng được gọi là tình cảm thật sự.

Có loại tình thương nhắm đến đối tượng nào đó, không mong đợi được đáp lại, cũng không bao giờ nghĩ đến cá nhân mình, mà chỉ nghĩ đến những gì mình có thể làm được cho người mà mình thương. Một tình cảm như thế phát sinh sức mạnh tinh thần, và sức mạnh này chỉ có thể biểu hiện trên cõi thượng giới. Nhưng còn có một loại tình cảm khác, đôi khi người ta gọi là tình yêu, nhưng nói cho đúng, đó là sự đam mê ích kỷ, ham muốn được yêu. Người ấy chỉ luôn nghĩ về những gì họ muốn nhận vào thay vì cho ra, thứ tình cảm này dễ đưa đến thói xấu đáng sợ là tánh ganh tỵ. Đây là loại tình cảm không chứa bất cứ một mầm mống nào cho sự phát triển tinh thần, nó không bao giờ có đủ sức mạnh đưa con người vượt lên khỏi cõi trung giới.

Tình cảm của vài lớp người sùng tín tôn giáo cũng giống như thế, tư tưởng của những người này không nhắm vào sự vinh danh những bậc thần linh, mà chỉ nhắm vào sự được cứu rỗi cho linh hồn đau khổ của họ. Điều đó khiến người ta phải nghĩ rằng những lớp người này chưa phát triển tí nào để được xứng đáng với danh xưng linh hồn.

Mặt khác, trong tôn giáo có những người tín ngưỡng thực sự, không bao giờ nghĩ đến bản thân, mà chỉ có tình thương và sự tri ân hướng về bậc Thần Linh hoặc vị Giáo Chủ; họ đầy nhiệt tâm ước muốn làm việc cho Ngài hoặc nhân danh Ngài. Tình cảm như thế thường đưa đến một cuộc sống lâu dài, có phẩm chất cao ở cõi thượng giới.

Dĩ nhiên, trong trường hợp này, dù vị Thần Linh hay vị Giáo Chủ nào đi nữa, những tín đồ của đức Phật, của đức Krishna, đức Ormuzd, thánh Allah và đức Christ, tất cả đều được phần thưởng phúc lạc trên cõi thiên đàng. Thời gian và phẩm chất của phần thưởng này tuỳ thuộc vào cường độ và sự tinh khiết trong tình cảm của họ, mà không tùy thuộc chút nào vào “đấng” mà họ sùng bái. Mặc dù đấng Giáo Chủ mà họ tôn kính, chắc chắn ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận giáo huấn của họ trong suốt cuộc sống ở cõi cao này.

Tuy nhiên, hầu hết lòng tôn sùng cũng như tình yêu của con người, không luôn luôn hoàn toàn trong sạch, cũng không luôn luôn hoàn toàn ích kỷ. Thật ra, tình thương có thể thấp kém đến độ không có một tư tưởng hoặc động lực không ích kỷ nào xen vào được. Mặt khác, một tình cảm hoàn toàn trong sạch và cao thượng, đôi khi cũng bị vẫn đục bởi một cảm giác ghen tỵ, hoặc bị thoáng qua bởi một tư tưởng ích kỷ. Trong tất cả mọi trường hợp, định luật công bình tuyệt đối sẽ xét đoán không sai chạy. Ngay lúc có một tia sáng của tình cảm cao thượng lóe ra trong tâm hồn của người kém phát triển, chắc chắn người ấy sẽ nhận được một phần thưởng ở cõi thiên đàng, mặc dù không có điều gì khác trong kiếp sống trần gian giúp cho linh hồn được nâng cao khỏi cõi trung giới. Như thế, tư tưởng thấp hèn đã làm lu mờ tia sáng thánh thiện của tình yêu thực sự, sẽ đem đến cho họ cuộc sống ở cõi trung giới; điều này không ngăn cản chút nào sự sống vinh diệu ở cõi thượng giới, do một ít mầm mống thiện mà con người đã gieo trồng được trong những năm sống ở trần gian.

 

LÀM THẾ NÀO CON NGƯỜI ĐẠT ĐƯỢC SỰ SỐNG TRÊN CÕI THIÊN ĐÀNG LẦN ĐẦU TIÊN

 

Trong những giai đoạn đầu tiên của sự tiến hoá, có nhiều linh hồn trễ nải, không bao giờ đạt được cõi thiên đàng một cách có ý thức, và có một số lớn linh hồn chỉ tiếp xúc tương đối sơ sài với một vài cảnh thấp của cõi thượng giới. Dĩ nhiên, mỗi linh hồn phải hoà nhập với cái ngã thực sự trên các cõi cao trước khi luân hồi; nhưng không có nghĩa là linh hồn có được kinh nghiệm này một cách hữu thức. Chúng ta sẽ khai triển phần này của đề tài, khi khởi sự nghiên cứu cõi “vô sắc tướng” (arupa). Có lẽ tốt hơn nếu chúng ta nghiên cứu từ thấp lên trên, bắt đầu từ những vùng thấp nhất của cõi “sắc tướng” (rupa). Vậy thì, lúc này chúng ta hãy để qua một bên phần nói về nhóm nhân loại mà sau khi chết, tâm thức của họ chỉ giới hạn ở cõi trung giới; và chúng ta hãy khảo sát về trường hợp một người mới vượt qua được khỏi cõi trung giới, người lần đầu tiên có được tâm thức thức tỉnh yếu ớt, thoáng qua ở cảnh thấp nhất của cõi thượng giới.

Hiển nhiên có những cách thức khác nhau để cho một linh hồn ở giai đoạn đầu của sự phát triển, thực hiện bước tiến quan trọng này; nhưng mục đích của chúng ta trong lúc này cũng tạm đầy đủ với sự trình bày một câu chuyện ngắn, cảm động về một cuộc sống thực sự do các nghiên cứu sinh chúng ta ghi nhận lại, khi họ khảo sát vấn đề này. Nhân vật này có một sức mạnh phát triển lớn, đó là một cô thợ may nghèo, ở trong một xóm nhà tồi tệ, tiêu điều và bẩn thỉu nhất trong một ngõ hẻm hôi thúi ở cuối phía đông thành phố Luân Đôn, không đủ ánh sáng và không khí.

 Tự nhiên, người phụ nữ này có trình độ học vấn thấp, vì cuộc đời của cô bị trói buộc bởi công việc cực nhọc, triền miên trong điều kiện thiếu thốn. Tuy nhiên cô có một tấm lòng tốt, nhân hậu, tràn đầy tình thương và hảo tâm đối với mọi người. Căn nhà nhỏ của cô cũng nghèo nàn như những căn nhà khác trong xóm, nhưng nó sạch sẽ và gọn gàng hơn các căn nhà khác. Khi trong xóm có người bệnh cần giúp đỡ, vì không tiền nên cô thường dùng thì giờ của mình ra công săn sóc cho họ trong khả năng của cô với lòng thiện cảm chân thành. Vì thế, các nữ công nhân nhà máy ở chung quanh xem cô như một “vị thần hộ mạng”. Họ ngưỡng mộ cô như một thiên thần cứu trợ và thương yêu, luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người gặp cảnh rắc rối hay bệnh hoạn. Thường thường sau một ngày làm việc mệt nhọc gần như không ngừng nghỉ, cô thức khuya đến nửa đêm, để thay phiên săn sóc một vài người trong số những người đau khổ, bệnh hoạn, mà lúc nào cũng có trong một xóm bẩn thỉu của thành phố Luân Đôn. Trong nhiều trường hợp, lòng nhân đạo không mệt mỏi của cô, đã làm thức tỉnh tâm hồn của những người biết ơn và thương mến cô, đó là một thứ tình cảm cao thượng duy nhất mà họ có được trong suốt cuộc đời của họ.

Tình trạng sống ở cái xóm ngõ hẹp này vẫn tồn tại như thế, người ta không lấy làm lạ khi có vài người bệnh từ trần. Cô đã giúp đỡ họ nhiều hơn là cô nghĩ; chẳng những cô giúp cho họ tạm thời trải qua những khó khăn, mà còn mang lại cho họ động lực quan trọng trên con đường tiến bộ tâm linh. Đó là những linh hồn chưa phát triển, thuộc lớp người chậm tiến hóa, chưa có một kiếp tái sinh nào của họ được thúc đẩy bởi sức mạnh tâm linh, để có thể cho họ có được một đời sống tri thức trên cõi thượng giới. Bây giờ lần đầu tiên, chẳng những một lý tưởng mà họ có thể cố gắng đạt đến hiện diện trước mắt họ, mà còn có một tình thương thực sự không ích kỷ được đánh thức trong lòng họ do những hành động của cô. Chính cảm giác mạnh mẽ này đã nâng họ lên tiếp xúc nhiều hơn với chân ngã, vì thế sau thời gian lưu ngụ của họ ở cõi trung giới chấm dứt, họ sẽ có được kinh nghiệm đầu tiên ở vùng thấp nhất của cõi thượng giới. Có lẽ đó chỉ là một kinh nghiệm ngắn thuộc mức độ thấp, mới nhìn qua thấy không quan trọng. Nhưng thật ra kinh nghiệm này rất quan trọng, vì một khi năng lực tinh thần vĩ đại của sự vị tha được đánh thức, nó luôn có khuynh hướng tái lập trở lại. Mặc dù dòng năng lực đầu tiên này chỉ ít oi, nhưng sẽ tạo ra trong linh hồn một vài phẩm chất mà chắc chắn sẽ được tái lập lại vào kiếp sau.

Như thế lòng từ thiện đáng yêu của cô thợ may nghèo đã đem đến cho một số linh hồn kém tiến hóa sự mở đầu của đời sống tâm linh có ý thức. Sau những kiếp luân hồi kế tiếp nhau, ý thức này sẽ không ngừng lớn mạnh hơn, và trong tương lai còn tác động nhiều hơn cho các kiếp sống ở cõi trần. Giai thoại này có thể giải thích sự quan trọng của yếu tố con người trong việc làm từ thiện của nhiều tôn giáo khác nhau, đó là sự nối kết trực tiếp giữa người cho và người nhận.

 

CẢNH THỨ BẢY, CẢNH THẤP NHẤT CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG

 

Cô thợ may nghèo trong câu chuyện kể trên, đã mang những người được cô săn sóc lên đến vùng thấp nhất của cõi thiên đàng, có đặc tính chính là tình thương đối với gia đình hoặc bạn bè, dĩ nhiên tình thương này không ích kỷ nhưng có một chút hẹp hòi. Tuy nhiên, nơi đây chúng ta nên cẩn thận để tránh sự hiểu lầm. Khi chúng ta nói, tình cảm gia đình đưa một người đến cảnh thứ bảy của cõi thượng giới, và lòng tôn sùng tín ngưỡng tôn giáo đưa đến cảnh thứ sáu; tự nhiên người ta thường lầm tưởng rằng nếu một người phát triển cao độ cả hai đặc tính này, thời gian lưu trú của họ ở cõi thiên đàng sẽ được chia ra hai phần. Trước tiên, họ trải qua một thời gian dài hạnh phúc ở cảnh thứ bảy do tình thương không ích kỷ trong gia đình và bạn bè, kế đến họ lên một nấc cao hơn và trải qua thời gian ở cảnh thứ sáu, cho đến khi cạn hết lực tinh thần được tạo nên bởi những nguyện vọng tín ngưỡng tôn giáo.

Thật ra, điều này không xảy ra như thế; giả sử một người có tâm thức tỉnh thức ở cảnh thứ sáu, ở đó họ nhận thấy chung quanh họ có nhiều nhân vật mà họ thương mến, trong hình thức cao cả nhất của lòng tôn sùng. Rất có lý khi chúng ta nghĩ rằng một người có lòng tín ngưỡng tôn giáo, cùng lúc cũng có tình thương đối với gia đình, sẽ xứng đáng được phát triển cao hơn và rộng rãi hơn, so với một người mà trí óc chỉ được ảnh hưởng bởi một chiều hướng mà thôi; nguyên tắc này không thay đổi từ thấp lên cao. Cõi cao hơn có đặc tính của riêng nó và bao gồm luôn những đặc tính của cõi thấp hơn nó; và như thế, hầu hết những dân cư ở cõi trên, có đầy đủ những đức tính hơn những dân cư ở cõi thấp.

Khi nói tình thương đối với gia đình là đặc tính của cảnh thứ bảy, không có nghĩa đặc tính tình yêu chỉ giới hạn ở cảnh này; mà nên hiểu rằng, nếu muốn sau khi từ trần đạt đến cảnh này, con người phải có tình thương là đặc tính cao quí nhất của họ, và chỉ có đặc tính này mà thôi là đủ để họ có được sự sống ở cảnh này của cõi thiên đàng. Nhưng loại tình thương rộng lớn, cao quí hơn ở cảnh này dĩ nhiên cũng có thể được tìm thấy ở những cảnh cao hơn.

Những vị quan sát cõi thượng giới nhận thấy có một lớp người tiêu biểu trong số những cư dân ở cảnh thứ bảy. Một thí dụ trong số lớp người này là một người buôn bán ở một cửa hàng nhỏ, trí thông minh chưa phát triển, cũng chưa có tín ngưỡng rõ rệt, đó chỉ là một người buôn bán nhỏ chân thật, đàng hoàng. Anh ta đi nhà thờ đều đặn vào các ngày Chúa Nhật do thói quen và cũng là một việc làm đúng đắn. Nhưng đối với anh ta, tôn giáo chỉ là một đám mây mờ, mà thật sự anh không hiểu gì cả; đối với anh, tôn giáo không có liên quan gì đến công việc hàng ngày, cũng không ảnh hưởng đến các quyết định để giải quyết những vấn đề. Vì vậy, anh không có lòng tín ngưỡng thâm sâu, để có thể được nâng lên đến cảnh trên kế tiếp. Nhưng tình thương của anh đối với vợ con có nhiều đặc tính không ích kỷ. Hình ảnh những người thân trong gia đình luôn ở trong tâm trí anh, anh làm việc từ sáng đến chiều trong một cửa hàng nhỏ, anh đã lo nghĩ cho những người thân hơn là lo cho chính bản thân mình. Sau một thời gian lưu ngụ trên cõi trung giới, kế đó anh được tự do rời khỏi cảm dục thể đang trong tiến trình phân hủy. Được nâng lên cảnh thấp nhất của cõi thiên đàng, anh thấy tất cả những người thân thương đoàn tụ chung quanh anh.

Trình độ phát triển trí tuệ và tâm linh của anh cũng không hơn gì khi anh sống ở cõi trần, vì sự chết không đem đến một sự thay đổi đột ngột những đặc tính này. Hoàn cảnh chung quanh ở cõi này, nơi mà anh và gia đình xum họp, không phải thuộc loại hoàn toàn thanh cao, vì họ chỉ thể hiện lý tưởng của loại hạnh phúc không tùy thuộc vật chất mà anh mơ ước trong suốt cuộc sống ở cõi trần; tuy nhiên, anh cảm thấy hạnh phúc sâu đậm ngang tầm tay. Từ khi anh luôn nghĩ đến người thân, thay vì chỉ nghĩ đến chính anh, khuynh hướng vị tha phát triển nhiều hơn, khuynh hướng này sẽ tạo nên những đặc tính thường trực của linh hồn, và sẽ tái xuất hiện trong tất cả những kiếp sống tương lai nơi cõi trần.

Sau đây là trường hợp tượng trưng khác: Một người đã chết bỏ lại đứa con gái duy nhất còn quá nhỏ; ở cõi thiên đàng, ông luôn được gần gũi với con, và đứa con luôn ở trong tình trạng tốt lành; ông không ngừng phác hoạ tương lai đầy hứa hẹn cho nó. Trường hợp một thiếu nữ trẻ khác, luôn luôn suy tưởng đến sự hoàn hảo của cha cô, và chuẩn bị dành cho ông một sự bất ngờ lý thú mới. Trường hợp khác nữa, là một phụ nữ Hy Lạp đang có một thời gian hạnh phúc tuyệt diệu bên cạnh ba đứa con, trong đó có một đứa con trai có hình thể rất đẹp, bà vui sướng tưởng tượng đến sự vinh quang của con bà trong những trận thi đấu thế vận hội.

Trong vài thế kỷ gần đây, có một sự việc nổi bật là người ta nhận thấy có nhiều người La Mã, người ở thành Carthage và người Anh ở cảnh thứ bảy này. Do sự kiện những người thuộc các quốc gia này, đều có đặc tính chính là lòng vị tha, thể hiện bằng tình cảm gia đình. Trong khi ở cảnh này, có tương đối ít những người Ấn Giáo và tín đồ Phật Giáo, vì tín ngưỡng tôn giáo của họ thấm nhuần trong đời sống hàng ngày, do đó sau khi từ trần, họ được đưa lên thẳng cảnh cao hơn.

Dĩ nhiên có sự khác biệt gần như vô tận trong số những trường hợp được quan sát. Trình độ tiến bộ khác nhau của họ được phân biệt bởi những cấp độ sáng chói khác nhau, trong khi phẩm chất của sự phát triển được biểu lộ bằng các màu sắc khác nhau. Một số người đang yêu thương sâu đậm, sau khi từ trần tâm trí họ luôn nghĩ đến người mà họ thương yêu, đến nỗi không còn nghĩ gì đến những người khác. Trong số những trường hợp này có một người đàn ông tên Malay, còn ở giai đoạn tiến hóa thấp, ông này có chút ít kinh nghiệm về sự sống cõi thiên đàng do sự liên kết với đứa con gái mà ông rất thương mến.

Trong tất cả những trường hợp vừa kể, nhờ có tình thương không ích kỷ đã đem đến cho họ sự sống trên cõi thiên đàng. Thật vậy, ngoại trừ thứ tình cảm này, trong cuộc sống thế gian của họ không có hoạt động nào khác có thể biểu hiện ở cõi thiên đàng. Đa số các trường hợp được quan sát ở cảnh này, hình ảnh của những người được họ yêu thương không được hoàn hảo, theo đó, chân nhân hay linh hồn của những người được họ yêu thương chỉ có thể biểu hiện một cách bất toàn qua những hình ảnh ấy; nhưng dù sao sự biểu hiện ấy cũng đầy đủ hơn và đem lại sự hài lòng hơn lúc họ sống với nhau ở cõi trần. Khi ở cõi trần, chúng ta có cái nhìn rất khiếm khuyết đối với những người bạn, và chỉ biết họ qua những khía cạnh đồng tính chất đối với chúng ta; thật sự chúng ta không nhận thấy những khía cạnh khác trong bản chất của họ. Sự liên hệ và hiểu biết những người thân có ý nghĩa rất nhiều đối với chúng ta ở cõi trần, và thường đó là những vấn đề lớn nhất trong cuộc sống. Tuy nhiên, sự liên hệ và hiểu biết lẫn nhau này luôn có nhiều khiếm khuyết. Ngay trường hợp chúng ta tưởng như đã hiểu tường tận một người, cả thể xác lẫn linh hồn, thật ra chúng ta chỉ có thể biết ở họ một phần được biểu lộ nơi các cõi thấp trong lần đầu thai này, còn lại phần thâm sâu trong chân ngã họ, chúng ta hoàn toàn không hiểu một chút gì về họ. Thật vậy, nếu chúng ta sử dụng được nhãn quan trực tiếp và hoàn hảo của thị giác cõi thượng giới, lần đầu tiên chúng ta sẽ thấy trọn vẹn người bạn mà chúng ta gặp lại sau khi người ấy từ trần; có lẽ chúng ta sẽ không nhận ra người ấy, vì chắc chắn họ không giống người bạn thân mà trước kia chúng ta lầm tưởng đã hiểu rõ.

Cần phải hiểu rằng, một tình thương nhiệt thành, và chỉ cần tình thương này thôi cũng đủ đem một người vào cuộc sống thiên đàng của người kia; đó là một mãnh lực rất mạnh của cõi này. Mãnh lực này hướng đến tận linh hồn của người thương và kích động sự đáp ứng lại. Cấp độ linh động, tức năng lượng sự sống của sự đáp ứng này tự nhiên tuỳ thuộc vào trình độ phát triển của linh hồn người được thương yêu, nhưng trong mọi trường hợp sự ứng đáp này là thực sự hoàn toàn.

Dĩ nhiên, linh hồn hoặc chân ngã chỉ có thể được đạt đến hoàn toàn đầy đủ trên cảnh riêng của nó, một cảnh trong phần vô sắc tướng của cõi thượng giới. Nhưng ít nhất ở mỗi giai đoạn của cõi thiên đàng, chúng ta tiến đến gần nó hơn khi chúng ta ở cõi trần. Như thế, trong những điều kiện thích hợp, từ cõi thượng giới chúng ta có thể biết rõ người bạn hơn khi chúng ta ở cõi trần. Ngay khi không có điều kiện thích hợp, ở cõi thượng giới chúng ta cũng có mức độ gần với thực tại hơn ở cõi trần.

Về phương diện này, cần phải có sự phát triển đến một trình độ nào đó của cả hai người liên hệ. Nếu người đang sống trên cõi thiên đàng có tình thương sâu đậm và có trình độ phát triển tâm linh khá cao, sẽ tạo ra được một hình tư tưởng hoàn toàn và rõ ràng của người bạn mà họ đã biết, để xuyên qua hình ảnh này linh hồn người bạn có thể biểu lộ khá đầy đủ. Muốn dùng cơ hội này một cách hoàn hảo, linh hồn người bạn cũng cần phải đạt đến một trình độ phát triển khá cao.

Như chúng ta thấy, có hai lý do có thể làm cho sự biểu lộ không được hoàn hảo. Hình ảnh được tạo ra bởi người đã từ trần có thể quá lu mờ, và không có hiệu quả để cho phép người bạn sử dụng, mặc dù người bạn đã có trình độ tiến hoá khá cao. Trường hợp thứ nhì, hình ảnh được tạo ra hoàn hảo, nhưng trình độ phát triển của người bạn chưa đủ để có thể sử dụng nó.

Nhưng trong bất cứ trường hợp nào, linh hồn của người bạn đáp lại do tình cảm quyến luyến của người ở cõi thượng giới; dù ở vào giai đoạn phát triển nào, nó cũng lập tức đáp ứng lại bằng cách tiến đến thấm nhập vào hình ảnh đã được tạo ra. Con người thật có thể biểu lộ nhiều hay ít qua hình ảnh đó, tùy thuộc hai yếu tố như đã được đề cập ở trên; trước hết là phẩm chất hình ảnh được tạo ra, kế đến là linh hồn có thể biểu lộ nhiều hay ít. Dù hình ảnh được tạo ra có yếu đi nữa, nhưng trường hợp này là ở cõi trí, cho nên chân ngã vẫn dễ đạt tới hơn đối với cõi trần, thấp hơn trọn hai cõi.

Nếu người bạn vẫn còn sống ở cõi trần, tự nhiên người này hoàn toàn không biết gì về chân ngã thật sự của họ lại biểu lộ thêm trên cõi cao. Có điều chắc chắn là sự biểu lộ ấy trung thực hơn và chứa đựng gần đúng cái ngã thật, hơn là cái ngã thấp thỏi mà hầu hết mọi người nhận thấy ở cõi trần.

Có điều lý thú là một người có thể cùng lúc đi vào sự sống thiên đàng của vài người bạn đã từ trần, người ấy có thể tự biểu lộ đồng thời trong tất cả các hình dạng khác nhau này, trong khi người ấy cũng chăm sóc thể xác ở cõi trần. Ý niệm này cũng không có gì lạ đối với người nào đã hiểu rõ sự liên hệ giữa các cõi khác nhau. Người này có thể dễ dàng tự biểu lộ cùng một lúc trong vài hình dạng ở cõi trời; giống như chúng ta đồng thời nhận thức được nhiều điểm tiếp xúc với nhiều đồ vật lên những phần khác nhau trong cơ thể chúng ta. Sự liên hệ của một cõi này với một cõi khác cũng giống với sự liên hệ của một bề đo này với một bề đo kia; không có một số những đơn vị nào thuộc một bề đo thấp có thể tương đương với một đơn vị của bề đo cao hơn; giống như thế, không có một số những biểu lộ này có thể làm hết đi năng lực đáp ứng của chân ngã ở trên. Trái lại, những sự biểu lộ như thế cho họ thêm một cơ hội đáng kể để phát triển ở cõi thượng giới. Theo định luật công bằng của trời đất, cơ hội này là kết quả trực tiếp và là một phần thưởng dành cho những phẩm hạnh và hành động ban phát tình thương.

Tất cả những điều này cho thấy rõ rằng khi con người tiến hóa, những cơ hội của họ trong mọi chiều hướng trở nên to lớn hơn. Khi họ phát triển nhiều, họ thu hút tình thương và sự tôn kính của nhiều người, và vì thế có nhiều hình tư tưởng vững chắc trên cõi trí tùy ý họ sử dụng. Đồng thời, năng lực biểu lộ cũng như sự cảm nhận của họ xuyên qua mỗi hình ảnh này gia tăng rất nhanh theo sự tiến bộ của họ.

Các quan sát viên nhận thấy có một trường hợp đơn giản có thể dùng làm thí dụ điển hình. Một người mẹ đã từ trần khoảng 20 năm trước, để lại hai đứa con trai mà bà rất thương yêu. Tự nhiên hình ảnh của chúng nổi bật nhất trong cuộc sống của bà trên cõi thiên đàng, và cũng rất tự nhiên bà nghĩ về chúng còn ở tuổi 15, 16, lúc bà rời xa chúng. Tình thương mà bà không ngừng ban rải lên những hình tư tưởng này, thực sự tác động như một sức mạnh hỗ trợ tuôn xuống cõi vật chất cho hai người đàn ông đã trưởng thành. Nhưng ảnh hưởng đối với hai đứa con bà rất khác nhau, điều này không phải vì tình thương của người mẹ đối với đứa này nhiều hơn đứa kia, mà vì có một sự khác biệt to lớn về sinh lực của chính những hình ảnh này. Đối với người mẹ, không có sự khác biệt, bà thấy hình ảnh hai đứa con đồng đều nhau và chúng đều giống như sự kỳ vọng của bà. Nhưng các quan sát viên nhận thấy rõ ràng một trong hai hình ảnh này tràn đầy sinh lực hơn hình ảnh kia. Trong việc truy tìm nguyên nhân của hiện tượng đáng chú ý này, họ đã khám phá ra rằng một trong hai người con này đã lớn lên và trở thành một thương gia, không có tính xấu ác nào đặc biệt và cũng không có sự tiến hoá nào về tâm linh. Trong khi người em có nguyện vọng cao thượng, sống một đời sống tinh luyện và có trí thức. Cuộc sống tinh thần của người em làm tâm thức phát triển trong linh hồn nhiều hơn người anh; do đó chân ngã của người em có thể làm linh hoạt đầy đủ hơn hình ảnh lúc còn trẻ do người mẹ tạo ra trong cuộc sống thiên đàng của bà, và hình ảnh này càng nhận được nhiều sinh lực từ linh hồn, nó càng sống động và sáng chói hơn.

Khảo sát thêm, người ta biết được có nhiều trường hợp tương tự như thế, điều này cho thấy rõ rằng linh hồn càng tiến hóa về phương diện tâm linh, càng biểu lộ đầy đủ hơn trong hình ảnh được tạo ra do tình thương yêu của người bạn. Do biểu lộ đầy đủ hơn, người ấy có thể nhận được nhiều lợi ích hơn từ năng lực sống động của tình thương người bạn qua những hình tư tưởng này. Khi linh hồn phát triển thêm, những hình ảnh này đại diện đầy đủ hơn cho người ấy; đến lúc người ấy tiến đến cấp độ Chân Sư, người ấy sẽ sử dụng những hình tư tưởng một cách có ý thức, như là một phương tiện để giúp đỡ và dạy dỗ các đệ tử.

Chỉ theo những đường lối này mới có thể có sự liên lạc hữu thức giữa những người vẫn còn bị giam cầm trong xác thân vật chất với những người đã bước qua cõi thượng giới. Như đã nói, một linh hồn có thể sáng chói rực rỡ xuyên qua hình ảnh của nó trong cuộc sống của một người bạn ở cõi thiên đàng. Trong sự biểu lộ của linh hồn xuyên qua xác thân ở cõi trần, nó có thể hoàn toàn không ý thức gì về những sự kiện ấy, vì thế nó tự nghĩ rằng không thể nào liên lạc được với người bạn đã từ trần. Nếu trái lại, tâm thức của linh hồn đã phát triển đến trình độ hợp nhất, và có thể sử dụng trọn vẹn những năng lực khi vẫn còn ở trong xác thân vật chất, nó có thể nhận thấy rằng trong cuộc sống buồn thảm ở cõi trần, nó vẫn có thể tiếp xúc mặt đối mặt với người bạn ngày xưa, sự chết không làm mất đi người nó thương yêu, mà chỉ đem đến cho người bạn một sự sống rộng lớn hơn, và sự sống này vẫn luôn ở quanh chúng ta.

Hình dáng của người bạn trông giống như lúc họ còn ở cõi trần, nhưng có phần sáng chói kỳ diệu. Hình dạng của thể trí cũng như thể vía là sự mô phỏng hình dạng của xác thân vật chất; bên ngoài là cái vỏ hình bầu dục có hình dạng tùy theo nhân thể (causal body); do đó nó trông giống như một hình thể làm bằng một lớp sương mù đậm đặc, bao quanh bởi một lớp sương mù loãng hơn. Trong suốt cuộc sống ở cõi thiên đàng, phàm ngã được duy trì phân biệt, cho đến khi tâm thức hoàn toàn rút vào nhân thể thì cảm giác về phàm ngã được hoà tan trong chân ngã. Lúc ấy, lần đầu tiên kể từ khi luân hồi, con người nhận ra mình chính là chân ngã thực sự và tương đối trường tồn.

Đôi khi có người đặt câu hỏi: trên cõi thượng giới người ta có ý thức về thời gian không? Có sự luân phiên ban đêm ngủ và ban ngày thức không? Ở cõi thiên đàng chỉ có một lần thức dậy, đó là sự khởi đầu của một cảm giác phúc lạc tuyệt vời, khi con người bắt đầu cuộc sống nơi cõi đó. Cũng chỉ có một lần ngủ duy nhất là lúc con người từ từ đắm chìm vào trạng thái hạnh phúc vô thức, khi thời gian dài của cuộc sống ở cõi thiên đàng chấm dứt. Như từ đầu chúng ta đã diễn tả, chân phúc ở cõi thiên đàng nhiều hơn gấp trăm lần hạnh phúc của tổng số những giờ hạnh phúc nhất trong kiếp sống ở cõi trần. Đang ở cõi vật chất, chúng ta khó có thể diễn đạt một cách hoàn hảo về ý niệm này. Thực sự, có vô số loại hạnh phúc khác nhau ở cõi thiên đàng, nhưng ở cõi này không có vấn đề thức hay ngủ.

Cuối cùng, khi thể trí tách rời khỏi thể vía, thường xảy ra một giai đoạn vô thức hoàn toàn; tùy theo trường hợp, thời gian vô thức thay đổi rất nhiều; giai đoạn này cũng tương đồng với giai đoạn theo sau cái chết của thể xác. Sự hoạt động của tâm thức cõi trí được đánh thức khi chấm dứt giai đoạn vô thức, giống như sau giấc ngủ người ta tỉnh thức trở lại. Buổi sáng, lúc mới thức dậy, đôi khi người ta cảm thấy dễ chịu, thoải mái, trong giai đoạn đó con người có cảm giác thích thú, mặc dù cái trí chưa hoạt động và chưa kiểm soát được thể xác. Khi thức tỉnh ở cõi thiên đàng, đầu tiên con người cũng trải qua một giai đoạn dài hay ngắn của cảm giác phúc lạc mạnh mẽ và tăng dần, trước khi tâm thức hoạt động hoàn toàn ở cõi này. Cảm giác vui thích đầu tiên này thấm nhuần vào toàn thể tâm thức, nhưng khi họ từ từ thức tỉnh, họ nhận thấy mình đang sống trong một thế giới mà những người chung quanh đều có đặc tính lý tưởng giống như của chính người ấy, và những đặc tính này thích hợp đối với cảnh nào của cõi thượng giới mà họ vừa đến trú ngụ.

 

CẢNH THỨ SÁU, VÙNG THỨ NHÌ CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG

 

Có thể nói, đặc tính chính của vùng này là tín ngưỡng, sự tôn sùng và nhân cách hóa những vị thần linh trong tôn giáo. Điều khác biệt giữa sự sùng kính này với tín ngưỡng tôn giáo của những người ở cảnh thứ nhì cõi trung giới là: sự sùng kính ở cảnh thứ sáu của cõi thượng giới không có bất cứ vết tích nào về tính ích kỷ (con người cảm thấy không còn bận tâm đến kết quả hay sự ban thưởng nữa), trong khi ở cảnh thứ nhì của cõi trung giới[5], lòng tôn sùng được khơi dậy do sự hy vọng hay ham muốn được vài lợi ích cá nhân. Như vậy ở cảnh thứ nhì cõi trung giới, lòng tin về tôn giáo thường chứa đựng yếu tố tính toán ích kỷ; trong khi lòng tôn sùng hoàn toàn không có dấu vết xấu xa ích kỷ, sẽ nâng con người lên cảnh thứ sáu cõi thượng giới.

Mặt khác, sự sùng bái trong giai đoạn này phần lớn hướng về một đối tượng cao cả được nhân cách hóa, phải được phân biệt cẩn thận với những hình thức sùng kính còn cao hơn nữa, trong đó người sùng kính hoàn thành vài công việc đã định nhân danh vị cao cả. Khi xét vài thí dụ về những trường hợp được quan sát trên cảnh này, sẽ cho thấy rõ ràng hơn là chỉ diễn tả suông.

Nhiều người có những hoạt động tinh thần ở cảnh này thuộc về các tôn giáo Đông phương; ít nhất những người này có đặc tính tôn sùng tương đối thuần túy, nhưng không qua luận lý và trí khôn. Có những người tôn sùng thần Vishnu (đấng Bảo Tồn) như là hoá thân của đức Krishna hoặc dưới một hình thức nào khác; cũng có một số môn đồ thờ thần Shiva (đấng Hủy Diệt). Mỗi người được bao phủ bằng một lớp vỏ tư tưởng riêng của họ, chỉ với vị thần linh của riêng họ, lãng quên phần nhân loại còn lại, ngoại trừ những người thân mà họ thương yêu ở cõi trần. Thí dụ, người ta thấy một tín đồ thờ thần Vishnu, hoàn toàn bị thu hút vào sự sùng kính ngây ngất hình ảnh vị thần này, mà người ấy đã nguyện hiến dâng trọn cuộc đời.

Tính chất đặc biệt ở cõi này được tìm thấy trong số những người phụ nữ, họ chiếm đa số trong những cư dân ở đây. Có một phụ nữ Ấn Giáo, đối với bà, người chồng trở thành một vị thần, bà cũng tưởng tượng đức Krishna còn trẻ, đang vui đùa với các con bà; những người con của bà hoàn toàn thực và nhân tính, còn bé Krishna được xuất hiện sống động trong hình thể bằng gỗ màu xanh dương. Đồng thời trong cuộc sống thiên đàng của bà, đức Krishna cũng xuất hiện dưới một hình thể khác, một thiếu niên trẻ, mảnh mai đang thổi sáo; nhưng bà không lẫn lộn hoặc bị xáo trộn bởi sự biểu lộ song đôi này. Một người đàn bà khác sùng bái thần Shiva, bà có ý nghĩ lẫn lộn giữa vị thần này với chồng bà, bà xem người chồng như là sự biểu lộ của vị thần đó, và người này thường biến đổi thành người kia. Cũng có một số tín đồ Phật Giáo ở cảnh này, nhưng họ chỉ là những người không hiểu biết nhiều về giáo lý, họ xem đức Phật như một đối tượng đáng thờ phụng hơn là một vị đại Huấn Sư.

Những tín đồ Thiên Chúa Giáo cũng chiếm một số nhiều trong những cư dân cõi này. Lòng mộ đạo của họ không có đặc tính trí thức, thí dụ như một người nông dân Cơ Đốc Giáo không có học thức và một “người lính” chân thành trung hậu của “đội quân cứu rỗi”, cả hai đều giống như đã mô tả ở trên. Những người này cũng được bao phủ trong sự chiêm nghiệm về đấng Christ hay đức Mẹ theo ý niệm riêng của họ. Một người nông dân Ái Nhĩ Lan say mê trong sự sùng bái thâm sâu đức Mẹ Maria đồng trinh; anh ta tưởng ra hình ảnh đức Mẹ đang đứng trên mặt trăng, dang hai tay ra và nói chuyện với anh ta. Một tu sĩ thời trung cổ đang chiêm nghiệm ngây ngất về cảnh tượng Chúa bị đóng đinh trên thánh giá, cường độ lòng trắc ẩn và tình thương của ông này, khiến cho ông nhìn máu chảy ra từ những vết thương bị đóng đinh của đức Chist, xuất hiện trong thể trí của chính ông.

Một người khác, dường như đã quên câu chuyện buồn thảm về việc đóng đinh trên thập tự giá, ông chỉ nghĩ về đấng Christ vinh quang đang ngự trên ngai của Ngài, trước mặt Ngài là một biển cả trong suốt như thủy tinh, chung quanh có vô số người tôn sùng, trong số đó có ông và vợ cùng gia đình. Mặc dù ông có tình thương sâu đậm dành cho gia đình, nhưng sự sùng kính đấng Christ vẫn chiếm vị trí đầu tiên trong tư tưởng của ông. Ý niệm của ông đối với thần thánh, thiên về vật chất đến nỗi hình ảnh của Ngài liên tục thay đổi giữa hình thể của một người và hình thể của con cừu mang cây cờ, là biểu tượng chúng ta thường thấy ở những cửa sổ của nhà thờ.

Một trường hợp đáng chú ý khác, có một nữ tu sĩ người Tây Ban Nha đã chết vào tuổi 19 hoặc 20. Ở thiên đàng cô nhớ lại thời mà đức Christ còn sống trên cõi trần, và tưởng tượng cô đang tháp tùng Ngài qua những biến cố xảy ra liên tiếp được kể lại trong phúc âm; sau khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá, cô săn sóc cho mẹ Ngài, đức Mẹ đồng trinh Maria. Những hình ảnh mà cô nghĩ ra về cảnh vật và trang phục của xứ Palestine hoàn toàn không chính xác, có lẽ đó cũng là điều bình thường. Trong tâm của cô, Đấng cứu thế và các đệ tử của Ngài lại mặc y phục những nông dân Tây Ban Nha; và vùng phụ cận Jérusalem chỉ có núi cao, với những cánh đồng nho mọc đầy trên sườn núi, và những cây ô liu được phủ một lớp rong rêu màu xám đặc biệt của xứ Tây Ban Nha. Sau cùng, cô tự nghĩ là cô tử vì đạo và được lên cõi thiên đàng, cuộc sống này cứ lặp đi lặp lại trong niềm vui thích của cô.

Một thí dụ nhỏ, kỳ lạ về cuộc sống thiên đàng của một đứa trẻ, có thể kết thúc phần liệt kê những câu chuyện về cảnh thứ sáu của cõi thượng giới. Em bé chết vào lúc 7 tuổi, ở cõi thiên đàng em bận rộn đóng vai trò trong những câu chuyện về tôn giáo mà chị vú em người Ái Nhĩ Lan đã kể lại cho em nghe. Em thích nhất là tự nghĩ mình đang chơi đùa với cậu bé Jésus, và giúp cậu này nắn các con chim sẻ bằng đất sét, và theo huyền thoại cậu bé Jésus này đã làm chúng trở nên sinh động và bay lên.

Người ta thấy rằng, sự tôn sùng mù quáng và phi lý mà chúng ta vừa nói, không bao giờ nâng những người sùng đạo lên những trình độ tâm linh cao. Nên nhớ, trong tất cả mọi trường hợp, họ hoàn toàn hạnh phúc và thoả mãn trọn vẹn, vì những gì mà họ nhận được luôn luôn có giá trị cao nhất đối với khả năng mà họ có thể mơ ước. Điều này cũng không có lợi nhiều cho tương lai của họ, vì chỉ với sự tôn sùng mà thôi sẽ không bao giờ giúp cho cái trí phát triển; tuy nhiên nó sẽ làm tăng thêm khả năng cho con người tiếp nhận một hình thức tôn sùng cao hơn; và trong hầu hết trường hợp sẽ đưa đến một đời sống thanh cao. Khi một người đã trải qua một kiếp sống, và vui hưởng cõi thiên đàng như chúng ta vừa diễn tả, mặc dù họ không tiến nhanh trên con đường phát triển tâm linh; ít ra họ cũng tránh được nhiều sự nguy hiểm. Trong kiếp sau, họ ít có nguy cơ bị rơi vào những tội lỗi nặng nề, hoặc bị kéo ra khỏi lối sống nhiệt tâm sùng đạo; họ cũng ít có nguy cơ vùi sâu vào lối sống trần gian đầy ham muốn, tham lam, trụy lạc. Như thế việc nghiên cứu về cảnh này, cho chúng ta thấy sự cần thiết nghe theo lời khuyên của thánh Peter: “Hãy thêm đức hạnh vào lòng tin, và thêm sự hiểu biết vào đức hạnh.”

Những kết quả lạ lùng như thế phát sinh từ những hình thức thô sơ của tín ngưỡng; chủ nghĩa duy vật còn thô sơ hơn, đã gây nhiều đau khổ khắp Âu Châu cách nay không lâu. Trong quyển “Chìa Khoá Thông Thiên Học”, bà Blavatsky có nói, trong vài trường hợp người theo duy vật chủ nghĩa không được sống có ý thức trong cõi thiên đàng, vì khi còn sống họ không tin có sự tồn tại sau khi chết. Tuy nhiên, có lẽ vị sáng lập viên vĩ đại của chúng ta (bà Blavatsky) đã sử dụng từ ngữ “người duy vật” theo một ý nghĩa rất hạn chế, khác hơn ý nghĩa thông thường; vì cũng trong tác phẩm này bà đã quả quyết, đối với những người duy vật, sau khi chết họ không thể có bất cứ sự sống ý thức nào. Trong khi những người làm việc ban đêm trên cõi trung giới đều biết và gặp nhiều người được gọi chung là những người duy vật ở cõi đó, và chắc chắn là họ có tri thức.

Một thí dụ khác, một người duy vật rất nổi tiếng là bạn thân của một trong các hội viên chúng ta, cách nay không lâu được thấy ở trên cảnh cao nhất của cõi trung giới, chung quanh anh ta toàn là sách vở, anh ta tiếp tục nghiên cứu, gần giống như lúc còn ở cõi trần. Khi được hỏi, anh ta phải nhận rằng những lý thuyết mà anh ta đã theo đuổi khi còn ở cõi trần đã bị bài bác bởi những sự kiện và luận lý không thể chống lại được. Nhưng khuynh hướng bất khả tri luận của người duy vật vẫn còn mạnh, làm cho họ không chấp nhận sự hiện tồn của cõi cao hơn cõi họ đang ở. Chắc rằng với tính chất như thế, người này chỉ có thể đạt tới sự chín chắn đầy đủ trên cõi trí. Dù họ hoàn toàn không tin có một sự sống nào khác sau khi chết, cũng không ngăn cản những kinh nghiệm cõi trung giới của họ, do đó có thể những năng lực cao hơn trong người họ về sau sẽ thúc đẩy họ vào cõi thượng giới.

Chắc chắn do sự vô tín ngưỡng mà người duy vật này bị mất mát rất nhiều. Nếu họ có thể hiểu được cái đẹp của lý tưởng tôn giáo, năng lực mạnh mẽ của sự tôn sùng sẽ được khơi dậy, và họ đã gặt hái nhiều kết quả; tất cả những điều đó đáng lẽ thuộc về người ấy, nay đã bị mất đi. Những người này có tình cảm gia đình thâm sâu không ích kỷ, điều này cũng tạo ra nhiều năng lực và đưa đến kết quả ở nơi nào đó trên cõi thượng giới. Sự thiếu sót một loại năng lực, không thể ngăn cản tác động của một loại năng lực khác.

Một trường hợp khác vừa được quan sát mới đây về một người duy vật sau khi chết, thức tỉnh trên cõi trung giới, ông ta cho rằng mình vẫn còn sống, và đang trải qua một giấc mơ không thích thú. Điều may mắn cho ông ta trong nhóm người cứu trợ làm việc ở cõi trung giới, có con trai người bạn cũ của ông ta, nhận trách nhiệm tìm ông ta để giúp đỡ. Đầu tiên, người duy vật nghĩ rằng anh thanh niên này chỉ là một hình ảnh trong giấc mơ; nhưng sau khi nhận thông điệp của người bạn cũ, đề cập về những vấn đề xảy ra trước khi cậu trẻ tuổi này được sinh ra, ông ta mới tin sự thực là ông đang sống ở một cõi khác; sau đó ông rất hăng hái ham muốn tìm hiểu những sự kiện về cõi này. Trong điều kiện đó, những điều chỉ dẫn cho ông ta rất có hiệu quả, và sẽ làm thay đổi lớn lao chẳng những sự sống trên cõi thượng giới đang chờ ông ta, mà còn ảnh hưởng đến kiếp đầu thai sắp tới của ông ở cõi trần.

Những điều chúng ta thấy trong hai thí dụ vừa kể trên và nhiều thí dụ khác nữa không làm chúng ta ngạc nhiên, vì đó chỉ là những điều mà chúng ta có thể hiểu được qua kinh nghiệm sống ở cõi trần. Ở cõi trần, chúng ta luôn nhận thấy định luật thiên nhiên không bao giờ khoan dung cho sự vô minh của chúng ta. Nếu người nào đó tưởng rằng lửa không làm phỏng da, thử đặt bàn tay vào ngọn lửa, phút chốc chứng minh cho họ thấy là họ đã sai lầm. Cũng giống như thế đối với một người không tin có sự tồn tại sau khi từ trần, họ không ảnh hưởng gì đối với những sự kiện của thiên nhiên; sau khi chết, không sớm thì muộn họ cũng khám phá ra là họ đã sai lầm.

Loại người theo duy vật chủ nghĩa mà bà Blavatsky đã nói ở trên, là những người duy vật quá hăng say và thô tục, chớ không phải những người bình thường tin theo chủ thuyết duy vật. Những người theo chủ nghĩa duy vật, nếu còn giữ được những đặc tính cần thiết cho cuộc sống cõi thượng giới, cũng có thể nhờ vào những đặc tính ấy cho những sinh hoạt về sau ở cõi này.

 

CẢNH THỨ NĂM; VÙNG THỨ BA CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG

 

Đặc tính chính của cảnh này là sự diễn đạt lòng tôn sùng bằng hành động. Thí dụ tín đồ Thiên Chúa Giáo ở cảnh này, thay vì chỉ sùng bái suông Đấng cứu thế, họ còn cảm thấy cần phải đi ra ngoài đời làm việc cho Ngài. Đặc biệt chính cõi này là nơi thực hiện những chương trình và những kế hoạch quan trọng mà ở cõi trần không nhận biết được; do cảm hứng từ lòng tín ngưỡng tôn giáo từ cõi này, mà nhiều tổ chức lớn thực hiện những công việc từ thiện và nhân đạo. Tuy nhiên, nên nhớ rằng chúng ta càng lên cao, càng có nhiều sự kiện phức tạp hơn, vì thế tuy chúng ta vẫn có thể đưa ra một đặc tính đặc biệt chung cho cảnh này, nhưng có nhiều sự thay đổi và ngoại lệ, không dễ dàng xếp loại vào một đề mục tổng quát.

Xin kể một trường hợp tiêu biểu mặc dù có hơi cao hơn trung bình một ít, về một người đàn ông thực thi các dự tính quan trọng để cải thiện những điều kiện sống của tầng lớp thấp kém trong xã hội. Ông ta có lòng tin tôn giáo sâu đậm, nhưng lại cảm thấy rằng giai đoạn đầu cần thiết để giúp đỡ người nghèo là phải cải thiện điều kiện sống vật chất. Bây giờ ở cõi thiên đàng, chương trình mà ông thực hiện với tình thương và sự chú ý từng chi tiết, đem lại thành công vẻ vang, đó là chương trình mà ông đã suy nghĩ đến khi còn ở thế gian; rất tiếc hiện nay ông ta không có mặt ở thế gian để làm công việc đó.

Ông quan niệm, nếu sở hữu một gia sản khổng lồ, ông sẽ mua và chiếm độc quyền nhiều cơ sở mua bán phụ, và chỉ có 3 hoặc 4 công ty lớn. Ông nghĩ ra phương pháp để tiết kiệm thật nhiều bằng cách loại bỏ việc quảng cáo cạnh tranh lãng phí; nhờ vậy ông có điều kiện tăng lương cho công nhân mà không cần phải điều chỉnh giá hàng bán ra cho công chúng. Một phần dự án của ông là mua đất đai xây cất nhà ở cho công nhân, mỗi căn nhà đều có một cái vườn nhỏ. Sau nhiều năm làm việc, mỗi công nhân đều có cổ phần lợi tức của công ty, đủ để an hưởng lúc tuổi già. Khi thực hiện chương trình làm việc như thế, người có lòng từ thiện này hy vọng cho thế giới biết rằng có một khía cạnh thực dụng cao cả trong Thiên Chúa Giáo; ông cũng mong muốn đem nhiều linh hồn về với đức tin, do sự tri ân đối với người đã mang lại lợi lộc vật chất cho họ.

Trường hợp tương tự là một vị hoàng tử Ấn Độ, ở thế gian ông có lý tưởng được giống như vị vua anh hùng và linh thánh Rama. Ông cố gắng sửa đổi cách sống và đường lối trị nước theo gương Ngài. Ở cõi trần có nhiều biến cố đáng buồn xảy ra, cuốn theo nhiều công trình thất bại, nhưng cuộc sống thiên đàng của ông hoàn toàn thành công, mỗi cố gắng và quyết định của ông đều có kết quả mỹ mãn. Dĩ nhiên trong thâm tâm ông, đức Rama thường khuyên bảo và hướng dẫn ông hành động, để đáp lại, ông luôn tôn sùng Ngài.

Một trường hợp cảm động và kỳ lạ khác liên quan đến tôn giáo của một nữ tu sĩ; bà không thuộc nhóm trầm tư mặc tưởng, mà thuộc về những tổ chức dấn thân làm việc ngoài đời. Để làm châm ngôn cho cuộc sống, bà dựa theo câu trích dẫn sau : “Điều gì mà con đã làm để giúp đỡ cho một trong các huynh đệ Ta, chính con đã làm điều đó cho Ta.” Bây giờ, trên cõi thiên đàng, bà vẫn nhiệt tâm làm việc theo lời chỉ dạy của đức Chúa Trời, bà luôn bận rộn chăm sóc người bệnh, nuôi dưỡng người đói khát, cứu giúp và phân phát quần áo cho người nghèo khổ. Điều đặc biệt lạ kỳ trong trường hợp này là, khi bà giúp đỡ người nào thì đối với bà người đó biến đổi ngay thành hình dáng đấng Christ mà bà ngưỡng mộ, sùng bái rất nhiệt tâm.

Một thí dụ đặc biệt về hai chị em rất mộ đạo. Một người bị tàn tật què quặt, người kia chịu hy sinh cả cuộc đời để săn sóc em. Khi ở cõi trần, họ thường bàn bạc và dự tính sẽ thực hiện công việc từ thiện và tôn giáo, nếu họ có phương tiện. Giờ đây nơi cõi thiên đàng, cô em trở nên khoẻ mạnh, không còn tàn tật nữa; người này là hình ảnh nổi bật đối với người kia, và mỗi người nghĩ rằng người kia hợp tác với mình để thực hiện những ước muốn khi còn sống ở cõi trần. Đây là một thí dụ rất hay về sự tiếp tục cuộc sống thường nhật của những người có mục đích vị tha; chỉ có một sự thay đổi duy nhất là sự từ trần đã loại trừ bệnh tật và đau khổ, và con người dễ dàng làm công việc mà lúc ở cõi trần họ không thể làm được.

Ở cõi này cũng có nhiều hoạt động truyền giáo đúng đắn, chân thành cao độ, thể hiện đức tin và sự quên mình; dĩ nhiên các nhà truyền giáo vô minh và cuồng tín không thể đạt đến cảnh này. Người ta có thể gặp một ít trường hợp rất cao thượng, như trường hợp nhóm Livingstone; ở đây họ bận rộn theo đuổi công việc họ thích, khuyến khích vô số người theo một tôn giáo đặc biệt nào đó mà họ là người cổ động. Một trong những trường hợp nổi bật được chúng tôi chú ý là, một người Hồi Giáo đang tự nghĩ mình làm việc với một tấm lòng rất nhiệt thành để chuyển hóa toàn thế giới theo đúng với những qui tắc được chấp nhận theo đức tin Hồi Giáo.

Trong vài trường hợp, người có khả năng về phương diện nghệ thuật cũng có thể đạt tới cõi này. Nhưng ở đây, cũng cần phân biệt là nếu nhạc sĩ hay họa sĩ có mục đích ích kỷ, muốn được nổi tiếng, hoặc họ có thói quen tự để cho tình cảm ganh tỵ nghề nghiệp ảnh hưởng, tự nhiên không thể tạo ra sức mạnh có thể đưa họ đến cõi thượng giới. Trái lại, nếu người nghệ sĩ chân chính vĩ đại, ý thức mình được giao phó năng lực phi thường để nâng cao tâm linh của đồng loại, những người đó sẽ đạt đến những cảnh còn cao hơn nữa. Ở giữa hai thái cực này, có những người theo đuổi nghệ thuật chỉ vì ý thích riêng, hoặc coi đó như là một món quà hiến dâng cho Thượng Đế mà không nghĩ đến đồng loại, trong vài trường hợp, những người này có thể đạt được cảnh này của cõi thiên đàng.

Chúng ta có thể kể thí dụ về trường hợp một nhạc sĩ có lòng tín ngưỡng rất cao, chỉ biết luôn cố gắng làm việc trong tình thương yêu hiến dâng cho đức Christ, không biết gì về sự sắp xếp tráng lệ của âm thanh và màu sắc là do cảm hứng sáng tác từ linh hồn, được tạo ra trong chất liệu cõi thượng giới. Nhưng lòng nhiệt thành của ông không bị hoang phí, tuy ông không nhận thấy được nhưng nó đã đem lại kết quả là sự an vui cho nhiều người. Do đó mà trong kiếp tái sinh sắp tới, ông sẽ có lòng tôn sùng sâu đậm và có thiên tư cao về âm nhạc. Tuy nhiên, vì không có nguyện vọng rộng lớn hơn để giúp đỡ nhân loại, cho nên cuộc sống thiên đàng loại này chỉ có thể lặp đi lặp lại mãi. Nếu xét lại ba cảnh thấp của cõi thượng giới vừa đề cập ở trên, chúng ta nhận thấy tất cả những trường hợp liên hệ đều biểu lộ lòng tận tụy dành cho cá nhân, như gia đình, bạn bè hoặc một vị thần minh được nhân cách hoá, chớ chưa có lòng hiến dâng rộng lớn hơn cho toàn thể nhân loại; điều này sẽ được thấy ở cảnh kế tiếp.

 

CẢNH THỨ TƯ; VÙNG TRỜI THỨ TƯ CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG

 

Đó là cảnh cao nhất trong cõi sắc tướng (rupa); những hoạt động trong cảnh này rất biến đổi, khó phân nhóm theo đặc tính đơn giản chung. Tuy nhiên chúng ta có thể phân chia thành bốn phần chính: theo đuổi không ích kỷ kiến thức tâm linh; tư tưởng cao thượng của triết học hay khoa học; khả năng thực hành về văn hoá hay nghệ thuật với mục đích vị tha; và phụng sự chỉ vì lòng ham thích phụng sự. Để hiểu rõ hơn những đặc tính của những nhóm này, chúng ta cần xét đến một số thí dụ thuộc mỗi nhóm.

Tự nhiên là hầu hết cư dân có kiến thức tâm linh ở cảnh này đều có nguồn gốc từ những tôn giáo ở cõi trần. Chúng ta cũng nhớ ở cảnh thứ sáu, tín ngưỡng của nhiều Phật tử dựa theo hình thức tôn sùng vị giáo chủ vĩ đại, xem Ngài như là một cá nhân. Trái lại, ở đây chúng ta có các tín đồ thông minh hơn, nguyện vọng tối thượng của họ là được ngồi dưới chân Ngài để học hỏi, họ ngưỡng mộ Ngài như một vị Huấn Sư hơn là mục tiêu để thờ phượng.

Giờ đây trong cuộc sống cõi cực lạc, lòng ước vọng cao cả ấy được thực hiện, họ thực sự tiếp thu bài học chân lý từ đức Phật. Hình ảnh mà họ tạo ra về Ngài không phải là một hình thể trống rỗng, vì hình ảnh này thực sự được soi sáng bởi sự minh triết, quyền năng và đức từ bi kỳ diệu của một bậc đại Huấn Sư cao cả nhất ở thế gian. Vì vậy, họ đạt được những kiến thức mới, và có tầm nhìn sâu rộng hơn, điều này rất hữu ích cho kiếp sống tới. Có lẽ họ sẽ không nhớ lại các sự kiện riêng biệt mà họ đã học (tuy nhiên khi các sự kiện ấy hiện ra trong trí của họ trong một kiếp tương lai, nhờ trực giác mà họ nhận thức lại chân lý), nhưng kết quả của sự học hỏi sẽ được đúc kết vào chân ngã (ego), tạo nên khuynh hướng mạnh mẽ cho con người dễ chấp nhận những triết lý sâu rộng hơn.

Chúng ta nhận thấy ngay một cách rất hiển nhiên và rõ ràng, một kiếp sống như thế trên cõi thiên đàng sẽ thúc hối sự tiến hoá của chân ngã. Một lần nữa chúng ta thấy, người được sự hướng dẫn của những vị Huấn Sư thật sự có năng lực, sẽ đạt được những lợi ích rất lớn trên đường tiến hóa.

Chúng ta cũng nhận thấy hình thức giáo huấn được đưa ra bởi một vị chưa tiến hóa cao lắm. Như trường hợp một nhà văn có tiếng và phát triển về tâm linh, đã trở thành hình ảnh sống động, và như một người bạn trong cuộc sống ở cõi thượng giới của người sinh viên. Với đức hạnh của một linh hồn tiến hóa cao, nhà văn này có thể tự làm sinh động hình tư tưởng của mình; và trong những trường hợp thích nghi, có thể soi sáng những giáo huấn chứa đựng trong sách vở do ông đã viết ra, làm sáng tỏ hơn những ý nghĩa thâm sâu ẩn tàng bên trong.

Trong số những tín đồ Ấn Giáo, có nhiều người theo con đường minh triết đạt được cuộc sống nơi cảnh này, nếu những vị huấn sư của họ có kiến thức tinh thần thực sự. Một vài người tiến bộ trong số những người theo phái Thần Bí Hồi Giáo (Sufis), và phái Bái Hỏa Giáo (Parsis) cũng đến được cảnh này. Chúng ta cũng thấy có một số người theo thuyết Trực Quang (Gnostics) tâm linh đã phát triển, lưu ngụ một thời gian dài nơi cõi trời này. Hồi Giáo cũng như Thiên Chúa Giáo hình như không nâng đa số tín đồ của họ lên đến mức độ này; vài người thuộc hai tôn giáo ấy đạt được cảnh này, vì họ có những đức tính của riêng họ, chớ không tùy thuộc vào giáo lý mà tôn giáo đã dạy họ.

Trong cảnh này cũng có những sinh viên huyền bí học tận tụy và chân thành, nhưng chưa tiến bộ nhiều đến mức độ có quyền và năng lực khước từ cuộc sống thiên đàng, để phụng sự thế gian. Trong số những người này, có một vị lúc còn sống được vài người trong nhóm quan sát viên biết đến, đó là một vị tu sĩ Phật Giáo. Vị này đã hăng say nghiên cứu Thông Thiên Học, từ lâu ấp ủ hy vọng sẽ có một ngày, được học hỏi trực tiếp với các vị Chân Sư minh triết. Hình ảnh đức Phật luôn ngự trị trong cuộc sống thiên đàng của vị này, trong khi hai vị Chân Sư liên hệ đặc biệt với Hội Thông Thiên Học xuất hiện như hai vị phụ tá của Ngài, để giảng dạy và bình luận giáo lý của đức Phật. Cả ba hình ảnh này biểu lộ tròn đầy quyền năng và minh triết đại diện cho ba vị đó. Vì vậy, vị tu sĩ này nhận được những giáo huấn thực sự về huyền bí học, kết quả có thể đem vị tu sĩ này đến con đường điểm đạo trong kiếp đầu thai sắp tới.

Một trường hợp khác xảy ra từ trong hàng ngũ chúng ta được gặp ở cảnh này, cho thấy sự nghi ngờ, khắc nghiệt không có cơ sở vững chắc sẽ đưa tới hậu quả đáng sợ. Đó là trường hợp một học viên chân thành và hy sinh, nhưng đến cuối đời đã không may rơi vào tình trạng bị nghi ngờ một cách bất công bởi người bạn cũ và cả vị thầy của bà là bà Blavatsky. Thật đáng buồn mà nhận thấy do cảm giác này mà bà bị ngăn trở đến mức độ không tiếp nhận được những lời giáo huấn và những ảnh hưởng cao cả, mà đáng lẽ bà được vui hưởng trong cuộc sống ở cõi thiên đàng. Không phải những ảnh hưởng cao cả và những giáo huấn không được đưa đến bà, điều đó không bao giờ xảy ra, nhưng thái độ của chính cái trí của bà làm cho bà không tiếp nhận được. Dĩ nhiên bà hoàn toàn không ý thức về điều ấy, và hình như bà tự nghĩ đã nếm đủ mùi vị sung sướng của sự liên hệ toàn vẹn và hoàn hảo với các vị Chân Sư. Tuy nhiên, các quan sát viên nhận thấy rõ rằng sự tự giới hạn của bà là điều không may, nếu không bà đã có thể gặt hái những ích lợi lớn hơn. Một kho tàng tình thương, năng lực và kiến thức hầu như không giới hạn chờ đón bà, nhưng chính vì sự không cảm nhận đã làm hư khả năng tiếp nhận những điều ấy.

Cũng nên hiểu rằng, ngoài những vị Chân Sư minh triết liên hệ đến những hoạt động của chúng ta, còn có những vị Chân Sư minh triết và nhiều trường phái huyền bí học khác, hoạt động theo những đường lối tổng quát tương tự như đường lối của chúng ta, và chúng ta thường gặp những học viên theo học những đường lối ấy trên cảnh này.

Bây giờ, chúng ta xét qua một hạng cư dân khác ở cảnh này, đó là những người có tư tưởng triết lý và khoa học cao siêu. Nơi đây, chúng ta gặp nhiều nhà tư tưởng bất vụ lợi và cao quí, họ mong muốn có được sáng suốt và hiểu biết với mục đích khai ngộ và giúp đỡ người chung quanh. Chúng ta không thể bao gồm trong hạng này, những học giả triết học Đông phương cũng như Tây phương, đã phí thời giờ để lý luận dài dòng và phân tích vụn vặt; vì hình thức bàn luận này chỉ vì tánh ích kỷ và lòng tự cao, nên nó không thể nào giúp con người hiểu biết các sự kiện vũ trụ. Tự nhiên là những ý tưởng nông cạn không chứa đựng minh triết như thế, không thể tạo ra những kết quả giúp con người phát triển ở cõi trí.

Ở cảnh này, chúng tôi nhận thấy có một học giả thuộc trường phái Tân Platon (Neoplatonic), cũng may tên tuổi của người này còn được ghi lại trong lịch sử của thời kỳ đó. Trong kiếp sống ở cõi trần, ông đã hết sức cố gắng bền bỉ để nắm vững giáo lý của trường phái này. Bây giờ trên cõi thượng giới, ông bận rộn trong việc làm sáng tỏ những bí mật của giáo lý ấy, và cố gắng hiểu ý nghĩa của nó đối với cuộc sống và sự tiến hoá của nhân loại.

Một nhà thiên văn học đầu tiên có đức tin về chính thống giáo (orthodox), về sau do học hỏi nghiên cứu, ông lại thiên về phiếm thần học (pantheism). Trong suốt kiếp sống ở cõi thiên đàng, ông vẫn theo đuổi nghiên cứu và tiếp nhận được những sự hiểu biết từ Đại Đoàn Thiên Thần (Great Orders of the Devas). Xuyên qua ảnh hưởng của các vị này mà các tinh tú to lớn vận chuyển theo từng chu kỳ vĩ đại, diễn đạt như ánh sáng sống động, thay đổi nhanh chóng xuyên thấu vạn vật. Ông mất hút trong trạng thái trầm tư về một toàn cảnh bao la với những đám tinh vân đang xoáy lốc, dần dần thành lập các hệ thống hành tinh và thế giới. Ông dường như có được ý tưởng lờ mờ về hình dáng vũ trụ, mà ông tưởng tượng giống như một con thú khổng lồ. Tư tưởng của ông tỏa ra chung quanh ông có hình dạng như tinh linh, giống hình những ngôi sao. Đối với ông, nguồn vui đặc biệt là nghe được loại âm nhạc có tiết điệu chậm, phát ra từ những hợp xướng vĩ đại của những bầu hành tinh đang chuyển động.

Loại hoạt động thứ ba ở cõi này là phát huy cao độ nghệ thuật và văn chương, để tạo nguồn cảm hứng do ý muốn nâng cao và tinh thần hoá từng giống dân. Nơi đây, chúng ta thấy tất cả những nhạc sĩ vĩ đại của nhân loại như Mozart, Beethoven, Bach, Wagner và nhiều người khác nữa, đang rải khắp cõi thiên đàng những hoà điệu rất kỳ diệu, hơn cả tấu khúc hay nhất mà họ sáng tác ở cõi trần. Dường như từ các cõi cao, một dòng thác âm nhạc thiêng liêng tuôn đổ vào họ, được họ chuyên biệt hóa và sáng tác lại theo cảm hứng của riêng họ, xong gởi đi khắp các cõi lượn sóng vĩ đại của những hòa âm để làm gia tăng phúc lạc cho thế gian. Người có đầy đủ tri thức trên cõi trí, có thể nghe rõ ràng và thưởng thức âm điệu kỳ diệu này. Ngay đối với các thực thể không hoá thân ở cảnh này, mỗi thực thể được bao phủ bởi một đám mây tư tưởng của riêng họ, cũng cảm hứng sâu xa và được ảnh hưởng nâng cao do âm điệu này.

Các hoạ sĩ và điêu khắc gia, nếu thực hiện nghệ thuật trong tinh thần hào phóng và vô tư lợi, ở cảnh này họ không ngừng sáng tạo và gởi ra mọi loại hình ảnh tuyệt vời, những hình ảnh này chỉ là những tinh linh giả tạo do tư tưởng họ tạo ra, đem lại hạnh phúc và khích lệ đồng loại. Những ý niệm đẹp đẽ này không những chỉ đem lại niềm phúc lạc sâu xa cho những linh hồn đang sống ở cõi thượng giới, mà trong nhiều trường hợp còn ảnh hưởng đến trí não của những nghệ sĩ còn sống ở cõi trần. Những nghệ sĩ hiện ở cõi trần này có thể được cảm hứng và tạo lại những dòng nhạc ấy, để làm cho một phần nhân loại được trở nên cao thượng, giúp họ phấn đấu với những hỗn loạn của cuộc đời trần tục.

Trên cõi này, chúng tôi còn ghi nhận có một hình ảnh đẹp và gợi cảm về một thiếu niên, trước kia là một ca đoàn viên đã chết vào lúc 14 tuổi. Âm nhạc và nghệ thuật chiếm trọn linh hồn của cậu bé, nó có ý muốn diễn đạt niềm tin tôn giáo đến nhiều người chen chúc nhau trong một thánh đường rộng lớn; cùng lúc đó, nó tuôn xuống họ nguồn khích lệ và cảm hứng dồi dào từ cõi trời. Cậu bé không suy nghĩ nhiều về bài hát, món quà lớn này; nhưng đã sử dụng món quà đó một cách có ích lợi, cố gắng nâng tiếng nói đồng loại lên cõi thiên đàng, và âm thanh cõi thiên đàng vang dội xuống nhân loại. Cậu bé luôn ước muốn hiểu biết về âm nhạc nhiều hơn để trở nên xứng đáng hơn cho công việc nhà thờ. Ở cõi thiên đàng, ước muốn của nó đã có kết quả. Một hình ảnh kỳ diệu, rõ ràng của nữ thánh Cécile thời trung cổ đang cúi mình trên nó, hình ảnh này tạo nên do tư tưởng thương yêu của nó đối với bức ảnh trong kính màu ở cửa sổ nhà thờ. Về bên ngoài, hình ảnh này trình bày một huyền thoại mơ hồ về giáo hội với nét vẻ thô kệch, nhưng lại che giấu một chân lý sinh động và diệu kỳ. Vì hình tư tưởng hồn nhiên của tuổi trẻ được một trong các vị thiên sứ cao cả thuộc hệ thống âm nhạc ở trên trời làm sinh động, và qua đó, Ngài dạy cho cậu bé ca đoàn một loại âm nhạc cao cả hơn những loại âm nhạc được biết ở thế gian.

Nơi cảnh này, cũng có một trong những hạng người bị thất bại ở cõi trần, do thảm kịch của kiếp sống còn để lại những dấu vết kỳ lạ, mặc dù họ đã được ở cõi thiên đàng. Trong một thế giới mà tất cả những tư tưởng của những người thương yêu đến với nhau trong tình thân thiết, người này đang suy nghĩ và viết văn trong đơn độc. Khi còn ở thế gian, ông đã cố gắng viết một tác phẩm lớn, vì thế đã từ chối không viết những điều tầm thường, không giá trị để kiếm miếng ăn hàng ngày. Nhưng ông không nhận được sự ủng hộ của người đọc, nên phải kéo lê một cuộc đời nghèo khổ, sống lang thang đói lạnh cho đến lúc lìa đời trong đau thương và buồn thảm. Ông đã sống cô độc trọn cuộc đời, trong thời niên thiếu không bạn bè, không thân nhân. Khi đến tuổi trưởng thành, chỉ biết làm việc theo ý mình, bỏ qua tất cả những điều chỉ dẫn để tạo cho cuộc sống được khá hơn; ông chỉ theo đuổi lý tưởng vì tương lai và hạnh phúc nhân loại.

Bây giờ ông suy tư và viết, không có người nào mà ông đã yêu thương ở cõi trần hiện diện trong cuộc sống thượng giới của ông; lý tưởng mà ông đã mơ mộng từ lâu trải ra trước mắt ông, vì đó mà ông muốn sống. Ông muốn phụng sự nhiều người, và vui sướng thấy hạnh phúc con người tràn ngập trong tâm hồn, điều này biến cuộc sống cô đơn của ông thành cuộc sống thiên đàng. Khi ông tái sinh trở lại cõi trần, chắc chắn sẽ thủ đắc năng lực thành đạt, cũng như khả năng hoạch định cho cuộc sống để thực hiện lý tưởng cao cả từ cõi trời này; điều này sẽ đem lại phần nào hạnh phúc cho cuộc sống con người ở thế gian.

Trên cảnh này ta cũng gặp nhiều người, khi sống ở cõi trần đã hiến mình phụng sự kẻ khác, vì họ cảm nhận được sự ràng buộc trong tình huynh đệ giữa nhân loại, họ phụng sự vì lý tưởng phụng sự mà không vì mong muốn làm hài lòng một vị thần linh nào. Họ làm việc với sự hiểu biết và minh triết, chuyên tâm thiết lập nhiều dự án từ thiện lớn và những kế hoạch vĩ đại để cải thiện thế giới. Trong lúc ấy, họ phát triển những năng lực cho phép họ thực hiện được những điều này vào một ngày nào đó nơi cõi vật chất.

 

THỰC TẠI CỦA SỰ SỐNG THIÊN ĐÀNG

(The Reality of The Heaven Life)

 

Vài nhà phê bình do sự hiểu biết không rõ ràng giáo lý Thông Thiên Học về sự sống sau khi từ trần, cho rằng sự sống của một người bình thường ở cõi hạ thiên chỉ là một giấc mơ và là một ảo ảnh. Khi họ tự tưởng tượng đang hạnh phúc giữa những người thân và bạn bè, hoặc vui sướng với nhiều dự án thực thi được thành công trọn vẹn, thực tế họ cũng chỉ là nạn nhân của một thứ ảo giác lạ lùng. Sự kiện này trái với điều mà người ta gọi là “thực tế khách quan bền vững” (solid objectivity) của cõi trời do chính thống giáo hứa hẹn. Có hai cách để giải đáp lại sự phê bình này: Thứ nhất, khi chúng ta nghiên cứu các vấn đề của kiếp sống tương lai, chúng ta không nên chú trọng đến giả thuyết nào trong hai giả thuyết giúp chúng ta hài lòng (tóm lại, đó chỉ là vấn đề ý kiến) mà phải xem xét giả thuyết nào là đúng thực. Thứ nhì, khi tìm hiểu trọn vẹn sự kiện chúng ta sẽ thấy rằng, những người tán thành thuyết ảo tưởng, đang nhìn vấn đề theo quan điểm sai lầm, và hoàn toàn hiểu lầm các sự kiện.

Đối với điểm thứ nhất, trạng thái thực sự của vấn đề có thể được khám phá dễ dàng do những người đã phát triển năng lực, với đầy đủ tri thức bước qua được cõi thượng giới trong lúc còn sống ở cõi trần. Những điều họ nghiên cứu được về cõi này, hoàn toàn phù hợp với những lời chỉ dạy của các đấng Chân Sư minh triết xuyên qua vị sáng lập vĩ đại của Hội chúng ta, cũng là vị huấn sư chúng ta là bà Blavatsky. Điều này loại bỏ ngay được thuyết “thực tế khách quan bền vững” đã được trình bày ở trên, và trách nhiệm đưa ra những bằng chứng có thể dành cho những người bạn chính thống giáo của chúng ta. Đối với điểm thứ nhì, nếu người ta cho rằng con người chưa hiểu hoàn toàn về sự thực ở những cảnh thấp của cõi thiên đàng thì ảo giác vẫn tồn tại ở đây, và chúng ta phải thành thật chấp nhận điều này. Nhưng đó không phải là ý nghĩa thông thường mà những người phê bình đưa ra; họ thường bị đè nặng bởi cảm giác rằng cuộc sống ở cõi thiên đàng có nhiều ảo tưởng và vô ích hơn đời sống thế gian, ý tưởng này không thể hoàn toàn bác bỏ sự kiện.

Người ta biện luận rằng chính chúng ta tự tạo ra giới hạn quanh chúng ta, nên chúng ta chỉ thấy một phần rất nhỏ của cõi thượng giới. Thật ra, ở tại cõi trần cũng thế, con người không bao giờ cảm nhận được toàn thể thế giới bên ngoài, họ chỉ cảm nhận một phần nào đó qua những giác quan, tùy theo sự thông minh cũng như trình độ giáo dục. Điều hiển nhiên là trong suốt cuộc sống ở cõi trần, sự nhận thức của một người trung bình về mọi vật chung quanh, quả thật hoàn toàn sai lầm, rỗng tuếch và không chính xác. Họ không biết rằng năng lực mạnh mẽ của dĩ thái, của cõi trung giới và thượng giới, nằm bên trong tất cả những gì mà họ thấy, tạo nên thành phần quan trọng nhất của thế giới. Đối với cõi vật chất, họ cũng không biết rõ những sự kiện hữu hình khó hiểu chung quanh mà họ gặp hàng ngày. Sự thật là ở các cõi thiên đàng, họ sống trong một thế giới mà phần lớn do họ tự sáng tạo ra; vì do vô minh mà con người không nhận thấy điều đó ở cõi thượng giới hoặc ở tại cõi trần.

Người ta nói rằng ở cõi thiên đàng, con người dùng tư tưởng để thay thế các thực thể. Họ hoàn toàn đúng, vì cõi này là cõi của tư tưởng, không điều gì có thể là thực ngoại trừ tư tưởng. Ở đó, chúng ta nhận ra sự kiện lớn ấy mà ở cõi trần chúng ta không nhận ra được, vậy thì cõi nào có nhiều ảo tưởng hơn? Những tư tưởng của con người ở cõi này quả nhiên là thực tại, và có thể tạo ra những kết quả rõ ràng lên những người còn sống. Những kết quả này chỉ có thể hữu ích, vì ở cảnh cao đó không có gì khác hơn là tư tưởng thương yêu. Như thế, chúng ta thấy do sự lầm lẫn mà người ta cho rằng cuộc sống ở cõi thiên đàng là một ảo ảnh; những người này chỉ hiểu biết một cách phiếm diện về những trạng thái ở cõi thiên đàng. Sự thực là khi càng lên cao, chúng ta càng tiến đến gần với cái thực tại duy nhất.

Người mới nghiên cứu có lẽ sẽ hiểu về sự thực và hoàn toàn tự nhiên về phần cao hơn này của cuộc sống con người, nếu họ xem điều này chỉ là kết quả do cuộc sống ở hai cõi thấp. Tất cả chúng ta đều biết rõ rằng, những lý tưởng tuyệt diệu và những nguyện vọng cao cả nhất không bao giờ được nhận thức hoặc tạo nên kết quả hoàn toàn ở cõi trần, cho nên về phương diện này, chúng ta dường như đã phí năng lực và hoài công vô ích. Nhưng chúng ta biết vấn đề này không phải như thế, vì định luật bảo tồn năng lượng tác động ở những cõi cao cũng như ở những cõi thấp. Trong khi sống ở cõi trần, phần nhiều năng lượng tâm linh do một người phát ra không thể tác động lên họ, vì trước khi những thể cao được giải thoát khỏi gánh nặng của xác thân, họ không thể đáp ứng lại những rung động tinh vi, thanh nhẹ. Nhưng lần đầu tiên trong cuộc sống cõi thiên đàng, tất cả những chướng ngại này không còn nữa, năng lượng tích luỹ lập tức tuôn ra, tạo thành một phản động lực tự nhiên, theo định luật công bình tuyệt đối. Như ông Browning đã diễn tả một cách hùng hồn như sau:

“Điều thiện sẽ không bao giờ mất, cuộc sống sẽ diễn tiến như trước. Điều ác không có giá trị, là hư không, là sự yên lặng ẩn tàng. Điều nào đã là thiện thì cũng sẽ thiện; đối với điều ác, phải làm thiện nhiều hơn. Trên mặt đất, các vòng cung bị đứt đoạn, nhưng trên thiên đàng là một vòng tròn hoàn hảo.”

“Tất cả điều chúng ta đã ước muốn, hy vọng và mơ mộng về điều thiện sẽ xuất hiện. Không phải chỉ là hình ảnh mà là chính nó: không đẹp, không tốt, không quyền lực. Giọng hát của ai đã đi xa, nhưng vẫn tồn tại đối với nhà soạn nhạc. Khi sự trường cửu xác định khái niệm của một giờ.”

“Lý tưởng cho thấy quá cao, làm anh hùng đối với thế gian quá khó. Khi sự đam mê rời bỏ mặt đất, nó tự biến mất trên bầu trời. Âm nhạc được gởi đến Thượng Đế bởi người đang yêu và thi sĩ. Ngài chỉ nghe một lần cũng đủ, chúng ta sẽ nghe trở đi trở lại.”

Một điều khác cần nhớ là cách thức mà thiên nhiên đã sắp xếp cho cuộc sống sau khi từ trần rất hợp lý, vì nó đưa đến mục đích làm cho mọi người có được hạnh phúc tròn đầy, tùy theo khả năng tiếp nhận hạnh phúc của họ. Nếu ở cõi thiên đàng chỉ có một khuôn mẫu hạnh phúc theo như lý thuyết chính thống giáo, sẽ luôn luôn có một số người chán ngán thứ hạnh phúc ấy, có một số người không thể theo đuổi nó, cũng có những người không muốn tham dự vào đường hướng đó do thiếu sự giáo dục cần thiết. Do kiếp sống ở cõi thiên đàng phải kéo dài vô tận, một sự kiện hiển nhiên khác cần nêu ra là sẽ có sự bất công, nếu chỉ có một loại phần thưởng dành cho tất cả mọi người vào cõi thiên đàng, không phân biệt điều gì mà họ mong muốn và điều gì mà họ đáng được thưởng.

Đối với thân nhân và bạn bè, có sự sắp xếp như thế nào để có thể được toàn vẹn hạnh phúc? Nếu người đã từ trần có thể theo dõi những sự thay đổi vô thường của số phận người thân còn sống ở cõi trần, thì họ khó có thể vui hưởng phúc lạc cõi thiên đàng. Trái lại nếu họ không biết điều gì xảy đến cho người thân, họ phải chờ đợi những người thân lìa trần mới có thể gặp lại, như thế sẽ có một giai đoạn trì hoãn đau khổ thường kéo dài qua nhiều năm, không kể đến nhiều trường hợp người thân thay đổi rất nhiều, tình cảm không còn như xưa.

Thiên nhiên có phương cách rất khôn ngoan để cho mọi người tránh được những sự khó khăn này. Con người tự chọn cho mình thời gian cũng như tính chất của kiếp sống trên cõi thiên đàng, do những nguyên nhân mà họ đã tạo ra khi còn sống ở thế gian. Vì thế, con người chỉ có thể thụ hưởng được một số lượng mà họ đáng được hưởng, và phẩm chất của niềm phúc lạc thích hợp nhất đối với tính khí của họ. Những người mà họ yêu thích nhất, sẽ ở với họ mãi mãi, và luôn biểu lộ những đức tính tốt và cao quí nhất. Trong khi không bao giờ có bóng dáng của sự bất hoà và thay đổi xen vào giữa họ, vì người ở cõi thiên đàng lúc nào cũng nhận được những thân nhân đúng như ước muốn. Sự sắp xếp này đem lại cho con người những điều cao đẹp nhất mà họ có thể tưởng tượng được, tất cả những suy tưởng này là ý niệm tốt đẹp nhất của con người, nhưng chân lý là ý niệm của Thượng Đế.

 

SỰ TỪ BỎ CUỘC SỐNG CÕI THIÊN ĐÀNG

 

Từ lâu, các sinh viên huyền bí học đều biết, sự từ bỏ phần thưởng cõi thiên đàng là một trong những phương thức để cho một người có trình độ cao tiến triển nhanh hơn. Nói cách khác, là từ bỏ sự sống chân phúc ở cõi thiên đàng giữa hai lần đầu thai, trở lại cõi trần nhanh hơn để thực hiện công việc ở thế gian. Từ ngữ “phần thưởng” được sử dụng ở trên không được chính xác lắm, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn nếu xem kiếp sống ở cõi thiên đàng như là kết quả cần thiết của cuộc sống ở thế gian, hơn là một phần thưởng. Có thể nói trong suốt kiếp sống ở thế gian, nhờ có tư tưởng và khát vọng cao cả mà con người làm khởi động một số năng lực tâm linh; năng lực này sẽ tác động trở lại con người, khi họ đạt tới cõi thượng giới. Nếu năng lượng này tương đối ít oi, sẽ bị tiêu hao nhanh, và thời gian của kiếp sống trên cõi thượng giới sẽ tương đối ngắn ngủi; trái lại, nếu năng lượng đó được tạo ra nhiều, thời gian lưu ngụ ở cõi thiên đàng của họ sẽ kéo dài lâu hơn.

Vì vậy, khi con người càng phát triển về tâm linh, thời gian sống ở cõi thiên đàng sẽ lâu hơn. Nhưng chúng ta đừng nghĩ rằng vì thế mà sự tiến hóa của họ bị chậm lại, hoặc họ có ít cơ hội để giúp đỡ đồng loại. Sự lưu lại ở cõi thiên đàng tuyệt đối cần cho những người chưa đạt đến trình độ phát triển tâm linh cao. Vì chỉ trong những điều kiện của cuộc sống cõi thiên đàng, những khát vọng của họ mới có thể phát triển thành quan năng, kinh nghiệm thành minh triết. Như thế, sự tiến bộ mà linh hồn đạt được sẽ lớn hơn nhiều đối với trường hợp do một phép mầu nào đó, họ có thể kéo dài cuộc sống ở thế gian, tương đương với thời gian ở cõi thiên đàng. Nếu trái lại, toàn thể định luật thiên nhiên sẽ không có hiệu quả nữa, vì càng tiến gần mục đích quan trọng, càng phải cố gắng quyết liệt để tự chiến thắng bản thân. Thật là phi lý, nếu nghĩ rằng một định luật thiên nhiên có mâu thuẫn với minh triết cao siêu.

Việc từ bỏ cuộc sống cõi thiên đàng không phải là điều có thể đạt được đối với tất cả mọi người. Đại luật không cho phép bất cứ người nào từ chối một cách mù quáng sự việc gì mà họ không biết rõ, nó cũng ngăn cản con người đi lạc ra khỏi đường tiến hoá bình thường, ngoại trừ cho đến khi nào có sự chắc chắn rằng việc tách ra khỏi định luật ấy đem lại lợi ích tối hậu cho họ.

Theo nguyên tắc chung, không có người nào có thể từ bỏ chân phúc cõi thiên đàng, trước khi họ đã có được kinh nghiệm về nó trong lúc sống ở cõi trần. Đến khi con nguời tiến hoá đầy đủ để có thể nâng tâm thức lên cõi thượng giới, và có thể nhớ lại đầy đủ, rõ ràng những sự kiện vinh quang ở cõi ấy, từ đó làm cho sự nhận thức ở cõi trần được thăng hoa.

Một ý tưởng nhỏ có thể làm cho sự kiện này được sáng tỏ và vô tư hơn; chúng ta có thể nói được rằng, sự tiến hoá của linh hồn là vấn đề chính nơi đây. Chỉ có người mong muốn hy sinh chân phúc cõi thiên đàng, mới hiểu được đầy đủ động lực của việc làm này, và ép buộc phàm nhân phải làm theo quyết định của họ. Thật ra khó có sự hoàn toàn công bằng, vì sự thụ hưởng phúc lạc ở vùng sắc tướng của cõi thiên đàng, mặc dù thuộc về chân ngã (ego) nhưng chỉ thuộc về chân ngã qua sự biểu lộ của phàm ngã. Đó là sự sống của phàm ngã, với tất cả môi trường quen thuộc vây quanh, được mang theo lên vùng thấp của cõi thiên đàng. Vì thế, trước khi có thể từ bỏ tất cả điều đó, phàm ngã phải nhận thức rõ ý nghĩa của sự từ bỏ ấy, trong vấn đề này phải có sự hòa hợp giữa hạ trí và thượng trí.

Muốn được như thế, người ấy phải đạt được tâm thức cõi thượng giới ngay khi sống ở cõi trần, tương đương với tâm thức mà người ấy sẽ có sau khi lìa trần. Nhưng chúng ta cần nhớ, sự tiến hoá của tâm thức bắt đầu từ thấp lên cao. Đa số nhân loại tương đối chưa được phát triển, họ chỉ có tâm thức trong thể xác mà thôi. Thể vía của họ phần nhiều chưa có hình dạng nhất định, và chưa được sắp xếp hoàn hảo. Như chúng ta đã biết, thể vía là cầu liên lạc giữa linh hồn và lớp áo vật chất, và là vận cụ tiếp nhận cảm giác; nhưng thể vía của những người này chưa xứng đáng là vận cụ để con người thật sử dụng trong sự biểu lộ năng lực.

Đối với các giống dân tiến bộ, thể vía của họ phát triển nhiều hơn, và trong nhiều trường hợp, tâm thức trong nó tương đối có khả năng hoàn toàn; nhưng hầu hết những người này chỉ nghĩ về mình, phần nhiều chỉ ý thức về những tư tưởng của riêng mình, ít nghĩ đến những người chung quanh. Khi tiến hóa cao hơn, một số ít người theo đuổi nghiên cứu huyền bí học; họ được thức tỉnh đầy đủ trên cõi này, sử dụng được hoàn toàn những quan năng thể vía và đạt được nhiều lợi ích.

Tuy nhiên lúc đầu, nhiều người khi tỉnh thức trở lại trong xác thân, không nhớ lại được những hoạt động và kinh nghiệm cõi trung giới; có khi sau một thời gian khá lâu, họ vẫn chưa có được khả năng này. Sự nhớ được hay không, những sinh hoạt ở cõi trung giới không có gì quan trọng, theo nguyên tắc chung, họ có ký ức từng phần và gián đoạn; nhưng trong nhiều trường hợp, với những lý do khác nhau, cũng không cần thiết để bộ óc xác thân ghi nhận lại những sự việc ở những cõi cao.

Dĩ nhiên, khi có được ý thức khá rõ ràng ở cõi thượng giới, chứng tỏ họ sẽ còn tiến bộ xa hơn nữa. Đối với một người đang phát triển bình thường và đều đặn, tâm thức ấy thường chỉ được thiết lập khá rõ ràng giữa cõi trung giới và cõi trần. Nhưng trong tình trạng mất quân bình và giả tạo của nền văn minh hiện đại, sự phát triển của con người không phải luôn luôn được điều hoà và bình thường, vì thế có những trường hợp tâm thức phát triển ở cõi thượng giới được nối kết một cách hợp lý với cõi trung giới, mà không truyền xuống bộ óc xác thân.

Những trường hợp này rất hiếm, nhưng hiển nhiên là có, đó là những trường hợp ngoại lệ. Một phàm nhân thuộc loại này, có thể đã tiến hoá đủ để hưởng niềm phúc lạc khó tả của cõi thiên đàng, và cũng có quyền từ bỏ nó; trong khi họ không thể mang ký ức đó xuống thấp hơn cuộc sống cõi trung giới. Vì theo giả thuyết, cuộc sống cõi trung giới có thể biểu hiện hoàn toàn và đầy đủ tâm thức của phàm ngã; sự nhớ lại như thế là đúng theo lẽ phải, mặc dù không có ký ức nào xuống bộ óc xác thân trong trạng thái thức tỉnh. Một điều quan trọng cần nhớ là, mặc dù chính phàm ngã phải từ bỏ, nhưng cũng chính nó phải kinh nghiệm; nó phải mang những ký ức trở lại cõi mà nó đã từng hoạt động bình thường với đầy đủ tri thức; nhưng cõi đó không nhất thiết phải là cõi trần, nếu những điều kiện được đầy đủ ở cõi trung giới. Trường hợp như thế ít khi xảy ra, ngoại trừ những người ít nhất đã được một trong những vị Chân Sư minh triết thu nhận làm đệ tử dự bị.

Người nào muốn hoàn thành công việc quan trọng này, phải làm việc với tất cả lòng chân thành để trở nên xứng đáng là một dụng cụ hữu ích, được đặt vào bàn tay của những vị trợ giúp thế gian; họ phải hăng hái, chân thành tuyệt đối làm việc vì sự tốt lành tâm linh của đồng loại. Không nên tự phụ cho rằng mình đã xứng đáng nhận được một vinh dự nào đó, thay vì phải hy vọng một cách khiêm nhường, có lẽ sau một hay hai kiếp cố gắng thật nhiều, họ có thể được Chân Sư thu nhận.

 

CÕI THƯỢNG THIÊN

(The Higher Heaven – World)

 

Bốn cảnh thấp của cõi thượng giới, còn được gọi là cõi hạ thiên hay cảnh “sắc tướng” (Rupa), là nơi sinh hoạt của phàm nhân tạm bợ; bên trên cõi hạ thiên là ba cảnh cao của cõi thượng giới, còn được gọi là cõi thượng thiên hay cảnh “vô sắc tướng” (Arupa), là quê hương thực sự và tương đối thường hằng của con người. Khi giác quan đã được khai mở ở cõi này, con người sẽ thấy rõ vì đã vượt lên khỏi ảo giác của phàm ngã và trung gian méo mó của cái ta thấp hèn. Tâm thức của họ có thể còn yếu, mơ màng, chưa thức tỉnh hẳn, nhưng ít nhất sự thấy của họ đúng thực, tuy còn giới hạn. Những trạng thái tâm thức khác biệt hẳn với những gì mà chúng ta quen thuộc ở cõi trần; những từ ngữ về tâm lý học không thể diễn tả đúng, mà còn đưa đến sự hiểu lầm. Cõi này được gọi là vùng thực thể (noumenal), để phân biệt với thế giới hiện tượng (phenomenal), đó là vùng không có hình thể, trái với vùng có hình thể. Đúng ra cõi này vẫn còn là một thế giới của sự biểu lộ, dù nó thực hơn đối với những cõi thấp, nhưng nó vẫn có hình thể, tuy chất liệu cấu tạo nên những hình thể ấy rất ít và bản chất rất thanh nhẹ.

Sau khi hoàn tất giai đoạn mà chúng ta gọi là cuộc sống thiên đàng, còn một giai đoạn khác mà linh hồn phải trải qua trước khi tái sinh lại cõi trần, đa số con người đều trải qua giai đoạn tương đối ngắn này. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đề cập đến nó, nếu muốn có khái niệm đầy đủ về sự sống siêu hình của con người.

Chúng ta thường hiểu sai về kiếp sống con người, vì chúng ta có thói quen nhìn một cách phiếm diện và không để ý đến bản chất thực sự và mục đích của nó. Thường chúng ta nhìn kiếp sống này trên quan điểm thể xác vật chất, mà không theo quan điểm của linh hồn, như thế không được quân bình. Mỗi tác động của chân ngã xuống các cõi thấp và thu hồi trở lại, quả thực là một đường đi hình vòng cung rộng lớn. Chúng ta hãy lấy một đoạn ngắn của hình cung phía dưới vòng tròn này, xem nó như là một đường thẳng từ khởi đầu đến chấm dứt, để diễn tả một sự kiện quan trọng chưa hoàn tất, trong khi điểm trở về thực sự của vòng tròn hoàn toàn ngoài tầm hiểu biết của chúng ta.

Hãy nghĩ về một người thật sự đang ở cõi riêng của người ấy; khi vừa bắt đầu có ý thức rõ ràng vị thế của mình, một ý muốn được biểu lộ phát xuất từ nội tâm bắt họ phải tuân theo. Ý muốn này ghi ấn tượng lên người ấy bởi luật tiến hóa do ý chí của đức Thượng Đế (Logos). Người ấy làm giống như hành động của Ngài, bằng cách tự đi xuống những cảnh thấp hơn.

Trong tiến trình này, con người tự khoác lên mình những lớp y phục dệt bằng thứ vật chất của những cõi khác nhau mà họ trải qua; như cõi thượng giới, cõi trung giới và cõi trần, trên một bước vững chắc hướng ra ngoài. Khởi sự từ một mảnh nhỏ của sự hiện tồn ở cõi trần, mà chúng ta gọi là sự sống của họ, sức mạnh hướng ngoại rất mạnh. Trong những trường hợp bình thường, ở giữa con đường ra đi này, sức mạnh ấy yếu dần và kiệt quệ, khi ấy họ bắt đầu con đường hướng nội trên vòng cung trở về.

Điểm nối tiếp giữa con đường ra đi và con đường trở về không thay đổi thình lình và không tạo thành một góc cạnh, mà vẫn là một phần trên đường cong của vòng tròn; giống như một hành tinh quay chung quanh quỉ đạo, khi đến một viễn điểm (aphelion) trong không gian và quay vòng trở lại. Đó là điểm quay về của một tiểu chu kỳ tiến hoá, mặc dù nó không rõ ràng đối với chúng ta. Ở Ấn Độ thời cổ đại, điều đó đánh dấu như là lúc chấm dứt thời kỳ gia trưởng (Grihastha) của cuộc sống con người ở cõi trần.

Từ điểm ấy, tất cả năng lực con người thu rút trở về bên trong, giảm dần sự chú ý đối với những sự vật trần gian, và tập trung sự chú ý vào các cõi cao siêu. Từ đó chúng ta có nhận xét rằng, những điều kiện sống hiện đại của người Tây phương rất không thích hợp với sự tiến bộ thực sự.

Lúc con người rời bỏ xác thân, không phải là một sự kiện quan trọng đặc biệt trên vòng cung tiến hóa. Sự biến đổi tiếp theo cũng không có gì quan trọng, đó là lúc mà người ta thường gọi là sự chết ở cõi trung giới, và sự sinh ra ở cõi thượng giới, thật ra đó chỉ là một sự chuyển đổi tâm thức từ vật chất cõi tình cảm sang vật chất cõi trí, trong tiến trình của sự thu rút trở vào như chúng ta đã đề cập ở trên.

Kết quả sau cùng của kiếp sống chỉ biết được khi trong diễn trình trở về, một lần nữa tâm thức hướng về trung tâm của nó là chân ngã trong cõi thượng thiên, quê hương của nó. Khi ấy con người có được những đức tính mới mà họ đã đạt được trong suốt tiểu chu kỳ tiến hoá đặc biệt này. Lúc ấy con người có một cái nhìn thoáng qua về toàn thể sự sống mà nó đã trải qua, trong phút chốc một tâm thức rõ ràng hơn loé lên trong linh hồn để nó thấy được những kết quả của kiếp sống vừa mới hoàn tất, và trong một mức độ nào đó, nó thấy được vài điều sẽ xảy ra trong kiếp kế tiếp.

Cái nhìn thoáng qua này không cho con người biết bản chất của kiếp sắp tới, ngoại trừ một cảm nhận tổng quát không rõ ràng. Con người thấy được mục đích chính của kiếp sống sắp tới, nhưng giá trị đặc biệt của sự thấy này là để cho linh hồn học được bài học nghiệp quả của hành động trong quá khứ. Bài học này đem lại cho linh hồn một cơ hội, nó có thể ứng dụng được nhiều hay ít còn tùy theo giai đoạn tiến hóa mà nó đã đạt được.

Đầu tiên, linh hồn chỉ ứng dụng được một ít những gì nó đã trải qua, vì khi tâm thức còn chưa phát triển, nó khó có thể hiểu rõ và phối hợp các sự kiện với nhau; nhưng nó sẽ khai mở dần năng lực lượng định những gì nó thấy. Về sau, nó có khả năng nhớ lại tia chớp loé lên của ký ức ở cuối kiếp sống trước và so sánh chúng; dần dần nó có thể ước tính sự tiến bộ mà nó đang đạt được trên con đường nó phải trải qua.

 

CẢNH THỨ BA; VÙNG THỨ NĂM CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG

 

Đây là cảnh thấp nhất của cõi vô sắc tướng, cũng là vùng có nhiều dân cư nhất trong số những vùng mà chúng ta đã biết. Có gần 60 tỷ linh hồn con người đang trên con đường tiến hoá thuộc hàng nhân loại, ngoài ra còn có một số tương đối ít những nhân vật có khả năng hoạt động ở cảnh thứ nhì và thứ nhất. Mỗi linh hồn hiện diện như một hình bầu dục, trước tiên chỉ là một lớp màng mỏng không màu sắc, gần như vô hình, trạng thái rất mỏng mảnh. Khi chân ngã phát triển, hình thể này có nhiều màu sắc chiếu lấp lánh, giống như bong bóng bọt xà bông; màu sắc chỉ hiện trên mặt ngoài, giống như sự thay đổi màu sắc do ánh nắng mặt trời chiếu lên tia nước của một thác nước.

Lớp màng này được cấu tạo bằng một chất rất thanh nhẹ, tinh vi, thanh khiết, sống động mãnh liệt và dao động như một ngọn lửa đang linh hoạt. Khi phát triển, nó trở thành một bầu phát quang đầy màu sắc chói sáng; những rung động cao độ làm phát ra từ mặt ngoài những gợn sóng với màu sắc luôn thay đổi; những màu sắc chưa từng có ở cõi trần, sáng chói, lóng lánh nhưng êm dịu, không thể diễn tả bằng ngôn ngữ. Hãy đem những màu sắc lúc mặt trời sắp lặn ở Ai Cập, cộng thêm vào sự êm dịu tuyệt vời của bầu trời Anh quốc vào một buổi hoàng hôn đẹp trời, rồi nâng cao độ ánh sáng, sự trong suốt và rực rỡ hơn những màu sắc vẽ trên hộp bánh của trẻ em. Nếu chưa được nhìn thấy, người ta không thể tưởng tượng được, vẻ đẹp của những bầu chói sáng này hiện ra dưới nhãn quang của vị đã mở được khả năng thấu thị, khi họ nâng tâm thức lên cõi trời này.

Tất cả những nhân thể (causal bodies) này đều chứa đầy một thứ lửa sinh động, rút ra từ một cõi cao hơn; và các bầu này (tạm gọi là bầu nhân thể) dường như được nối liền lên cõi cao bằng một sợi dây ánh sáng rung động lấp lánh, được nhắc đến trong Thiền Định Chân Kinh (Stanzas of Dzyan): “Tia lửa được treo từ Ngọn Lửa bằng một sợi dây rất mịn của vũ trụ điện (Fohat).”

Linh hồn càng phát triển càng nhận được nhiều ảnh hưởng hơn từ đại dương vô tận của Tinh Thần Thiêng Liêng (Divine Spirit), tuôn xuống qua sợi dây này như một con kênh - sợi dây này giãn nở, trở thành một vận hà rộng rãi cho ảnh hưởng từ trên xuống như nước lụt đến cảnh dưới kế đó; giống như một cái vòi rồng nối liền giữa trời và đất; ở phần cao của nó, giống như là một bầu to lớn được đổ vào bởi một nguồn suối sinh động, và nhân thể dường như hoà tan trong biển ánh sáng.

Đoạn Chân Kinh đó nói tiếp: “Sợi chỉ nối liền Người Canh Gác (the Watcher) với hình bóng của Ngài, trở nên rắn chắc và sáng chói hơn mỗi khi có sự thay đổi. Ánh sáng mặt trời buổi sáng sớm đã biến đổi thành ánh sáng chói lọi của buổi trưa. Ngọn Lửa đã nói với Tia Lửa: đó là bánh xe hiện tại của người. Người chính là Ta, là hình ảnh của Ta và cái bóng của Ta. Ta đã tự khoác lên lớp áo trong người, và người là hiện thể của Ta, cho tới ngày sẽ đến với chúng ta, khi người sẽ lại trở thành chính Ta và những kẻ khác, chính người và Ta.”

Những linh hồn còn liên hệ đến xác thân vật chất, được phân biệt với những linh hồn không còn liên hệ đến xác thân vật chất do những cách rung động khác nhau trên bề mặt của những bầu nhân thể. Cho nên ở cảnh này, người ta có thể biết ngay một người đang có luân hồi ở cõi trần hay không. Một số đông linh hồn dường như còn mơ màng, chỉ có tri thức một phần; trong số đó, một ít còn ở trạng thái chỉ là lớp màng không màu sắc. Những linh hồn đã thức tỉnh trọn vẹn, xuất hiện sáng chói rõ ràng, nổi bật giữa đám đông như ngôi sao lớn giữa các ngôi sao khác. Giữa những linh hồn phát triển và những linh hồn kém phát triển, có nhiều cấp độ khác nhau biểu hiện thành những tầm cỡ, màu sắc và vẻ đẹp khác nhau, mỗi bầu nhân thể tượng trưng chính xác giai đoạn tiến hoá đã hoạch đắc.

Dù có được tâm thức cõi này, đa số các linh hồn vẫn chưa phát triển đủ để hiểu mục đích của sự sống, hay luật tiến hoá mà họ đang dấn thân vào. Họ đi vào con đường tuân theo sự thúc đẩy của ý chí vũ trụ (cosmic will) và cũng do lòng ham sống (tanha) tức lòng khao khát mù quáng để được biểu lộ sự sống, một sự ham muốn tìm một vùng mà ở đó họ có thể cảm xúc và tri thức sự sống. Trong giai đoạn đầu, các linh hồn kém phát triển này, không thể cảm biết những sự rung động cực kỳ nhanh và xuyên suốt của loại vật chất rất thanh nhuyễn ở cõi riêng của chúng. Chỉ có những chuyển động mạnh, thô kệch và tương đối chậm của loại vật chất nặng nề thuộc về cõi trần mới có thể gây nên sự đáp ứng ở những linh hồn ấy. Vì thế chỉ có ở cõi trần, họ mới có thể cảm thấy sống động; điều này giải thích tại sao họ có sự ham muốn cuồng nhiệt tái sinh nơi cõi thế gian. Trong giai đoạn đó, sự ham muốn của họ rất thích hợp với định luật điều khiển sự tiến hóa của họ. Các linh hồn chỉ có thể phát triển do sự va chạm từ bên ngoài; họ đáp ứng lại dần những va chạm, mà trong giai đoạn sơ khởi này họ chỉ có thể tiếp nhận chúng trong kiếp sống ở cõi trần. Năng lực đáp ứng dần dần tăng lên, trước hết họ trở nên có tri thức đối với những rung động cao và thanh nhẹ ở cõi vật chất; kế đó một cách chậm chạp hơn, họ đáp ứng được những rung động cõi trung giới. Thể vía của họ từ trước đến nay chỉ là chiếc cầu chuyển cảm xúc đến linh hồn, dần dần trở thành vận cụ có tổ chức hoàn hảo có thể sử dụng được, và ý thức của họ bắt đầu hướng vào bên trong thay vì chỉ là những cảm xúc thuần tuý của thể xác.

Do tiến trình học hỏi và đáp ứng với những va chạm bên ngoài, về sau những linh hồn học cách “tập trung” tâm thức vào thể trí, sống trong hình ảnh tư tưởng và hòa hợp với những hình ảnh của chính họ đã tạo ra, do đó cái trí của họ có thể kiểm soát tư tưởng. Xa hơn nữa là một giai đoạn thật dài mà trọng tâm hướng về nhân thể, và linh hồn nhận ra sự sống thực sự của chúng. Khi ấy, những linh hồn sẽ đạt tới cảnh cao hơn nữa và không còn cần đến kiếp sống thấp thỏi ở cõi trần. Trong hiện tại chúng ta đang đề cập đến đa số người còn kém tiến hoá, còn lần mò theo những gợn sóng của đại dương phàm ngã ở những cõi thấp của sự sinh tồn; họ chưa nhận thức được rằng những phàm ngã chỉ là phương tiện cho sự tiến hóa. Họ không thấy quá khứ và tương lai của họ, cũng chưa ý thức ở cõi riêng của chính họ, một cách chậm chạp họ rút ra kinh nghiệm và đồng hoá nó, họ phát triển sự nhận thức về vài điều tốt đáng làm và những điều xấu không nên làm; tuy chưa hoàn hảo nhưng phàm ngã bắt đầu ghi nhận tiếng nói lương tâm, cảm giác được điều phải và điều quấy. Theo đà phát triển, cảm giác này càng ngày càng xác định rõ ràng hơn và trở nên hiệu quả hơn trong việc hướng dẫn cách cư xử.

Do có tâm thức tròn đầy, xuất hiện như ánh chớp, linh hồn tiến hóa ở cảnh này phát triển đến mức có thể xem xét lại quá khứ, theo dõi những nguyên nhân, và học hỏi nhiều sự kiện từ việc nghiên cứu quá khứ. Từ đó những rung động được gởi xuống dưới trở nên xác định và rõ ràng hơn, và được biểu lộ trong tâm thức ở cõi thấp như là những trực giác chính xác.

Cần nhắc lại rằng, những hình ảnh tư tưởng ở những cảnh “sắc tướng”, không mang vào được những cảnh cao cõi thiên đàng. Tất cả những ảo ảnh đều tự biến mất; mỗi linh hồn biết sự liên hệ thật sự của nó, thấy những linh hồn khác và được nhận thấy trong bản chất vinh quang của chính nó, như một con người bất tử trải qua từ sự sống này đến sự sống khác, với tất cả những sợi dây ràng buộc kết nối với bản thể thật sự của nó.

 

CẢNH THỨ NHÌ; VÙNG THỨ SÁU CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG

 

Sau khi khảo sát qua vùng đông đúc dân cư, chúng ta sẽ đi qua vùng thưa thớt dân cư hơn, giống như ra khỏi thành phố đến miền đồng quê yên tịnh; vì ở giai đoạn tiến hoá hiện tại, chỉ có một số ít người lên được mức độ cao này. Dù linh hồn kém tiến hóa nhất trong số những linh hồn ở cảnh này, cũng tự tri thức rõ ràng và nhận thức hoàn toàn môi trường chung quanh. Ít nhất đến một mức độ nào đó, những linh hồn ở nơi đây có thể xem xét lại những giai đoạn mà họ đã trải qua trong quá khứ, và nhận thức được mục đích cũng như phương pháp của sự tiến hoá. Con người biết rằng họ phải tự phát triển và nhận ra những giai đoạn của cuộc sống vật chất, cũng như những giai đoạn sau khi rời bỏ xác thân xuyên qua những vận cụ thấp của họ. Họ thấy phàm nhân mà họ đã liên kết là một phần của chính họ, họ cố gắng hướng dẫn nó, dùng kiến thức và kinh nghiệm của quá khứ để nhận định những nguyên tắc đức hạnh, cũng như xác định điều phải hay quấy. Họ chuyển đạt những điều này xuống thể trí thấp, chăm sóc và hướng dẫn những hoạt động của nó. Ở phần đầu của cuộc sống nơi cảnh này, họ thường thất bại trong việc làm cho cái trí thấp hiểu được nền tảng và nguyên tắc hợp lý mà họ đưa ra. Về sau, họ thành công hoàn toàn trong việc gieo ấn tượng về những ý niệm trừu tượng như chân lý, sự công bình và danh dự, và chúng trở thành những quan niệm chi phối sự sống của hạ trí.

Có những nguyên tắc về đức hạnh mà xã hội, quốc gia và tôn giáo áp đặt để dẫn dắt con người trong đời sống hằng ngày, đã bị loại bỏ do sự cám dỗ thình lình, do lòng ham muốn và đam mê. Nhưng có vài điều mà con người đã phát triển không thể làm, đó là những điều đối nghịch với chính bản năng của họ; họ không thể lừa dối, phản bội hay có hành động bất kính. Một vài nguyên tắc đã cắm rễ sâu vào bản thể của họ; không thể làm trái lại được, dù đó là sự căng thẳng của hoàn cảnh, hoặc một dòng thác quyến rủ, vì các nguyên tắc này là sự sống của linh hồn. Tuy nhiên, trong khi linh hồn vừa thành công trong việc hướng dẫn vận cụ thấp, linh hồn hiểu một cách không rõ ràng về vận cụ này, và cách thức sinh hoạt của nó, vì nó chỉ thấy một cách lờ mờ các cõi thấp, hiểu về nguyên tắc hơn là chi tiết. Một phần sự tiến hoá của nó ở cõi này bao gồm sự tiếp xúc một cách có tri thức và trực tiếp với phàm ngã, đại diện một cách bất toàn cho nó ở các cõi dưới.

Điều này có thể được hiểu rằng ở cảnh này chỉ có những linh hồn rất mong muốn phát triển tâm linh. Dĩ nhiên họ trở nên thụ cảm nhiều đối với những ảnh hưởng từ các cõi cao hơn. Con kênh thông thương lớn hơn và mở rộng, tạo thành lối chảy cho một dòng nước rất mạnh. Dưới ảnh hưởng này, tư tưởng có phẩm chất đặc biệt rõ ràng, ngay ở người ít phát triển, điều này làm cho hạ trí có khuynh hướng thiên về triết lý và tư tưởng trừu tượng. Đối với người tiến hoá cao hơn, họ có tầm nhìn sâu xa thông suốt cả quá khứ, nhận ra những nguyên nhân và kết quả cũng như những phần nhân quả còn lại chưa thanh toán xong.

Không bị ràng buộc bởi xác thân, những linh hồn sống trên cảnh này có nhiều cơ hội phát triển, vì họ có thể tiếp nhận những sự hướng dẫn từ các nhân vật cao hơn, và tiếp xúc trực tiếp với các vị huấn sư của họ. Sự liên lạc không còn bằng những hình ảnh tư tưởng nữa, mà là những tia sáng chói khó tả, tinh túy của tư tưởng bay như một ngôi sao từ linh hồn này đến linh hồn kia. Những ý tưởng được diễn đạt như những làn sóng ánh sáng phát ra từ ngôi sao trung tâm, không cần bày tỏ riêng rẽ. Một tư tưởng giống như một cái đèn sáng đặt trong một gian phòng, nó làm hiện ra tất cả đồ vật chung quanh, không cần phải diễn tả bằng lời nói gì cả.

 

CẢNH THỨ NHẤT; VÙNG THỨ BẢY CỦA CÕI THIÊN ĐÀNG

 

Đây là cảnh vinh diệu nhất của cõi thượng giới. Chỉ có một số ít cư dân đến từ hàng nhân loại chúng ta; không ai có thể lên được cảnh cao này ngoại trừ những vị Chân Sư minh triết và từ bi cùng các đệ tử được điểm đạo của các Ngài. Không thể nào tả được vẻ đẹp của hình dáng, màu sắc và âm thanh ở cảnh này, vì ngôn ngữ hữu hạn của thế gian không đủ từ ngữ diễn đạt sự lộng lẫy sáng chói của nó. Trong những linh hồn này có một số những người tận tâm thuộc giống dân chúng ta, do kết quả mà họ đã gieo ở những cõi thấp. Những người này đã hoàn tất sự tiến hóa tinh thần, bản thể cao siêu của họ chiếu soi qua những thể thấp, từ đó họ nhìn phàm nhân không hơn gì một bức màn ảo ảnh. Họ nhận ra rằng, họ không phải là bản thể thấp hèn, họ chỉ dùng nó như vận cụ để kinh nghiệm. Đối với người tiến hoá hơn trong số những nhân vật ở cảnh này, dù còn một số trở ngại trong sự biểu lộ nhưng họ cũng nhận thức rõ ràng giữa vận cụ và cái ngã bên trong. Do đó tâm thức của họ không bị gián đoạn, chẳng những từ ngày này đến ngày khác, mà cả từ kiếp này đến kiếp khác. Đối với họ, nhớ lại những kiếp sống quá khứ không khó khăn, chúng luôn hiện diện trong tâm thức, họ cảm thấy chúng chỉ là một kiếp duy nhất, thay vì nhiều kiếp sống riêng rẽ.

Ở độ cao này, linh hồn ý thức được những cảnh thiên đàng thấp hơn cũng rõ như cảnh của họ đang ở. Nếu họ biểu lộ ở những cảnh thấp ấy bằng hình tư tưởng trong kiếp sống ở cõi thiên đàng của những bạn bè, họ có thể làm cho những hình tư tưởng này hữu dụng hoàn toàn đối với bạn bè. Ở cảnh thứ ba, và ngay ở phần thấp của cảnh thứ nhì, linh hồn chỉ tri thức lờ mờ các cảnh bên dưới, và chỉ tác động trong hình tư tưởng theo bản năng và tự động. Nhưng khi linh hồn đã đến cảnh thứ nhì, tầm nhìn của nó liền trở nên sáng tỏ hơn. Linh hồn thấy thích thú khi nhận ra những hình tư tưởng như là những vận cụ, xuyên qua đó nó có thể tự diễn đạt nhiều hơn và theo nhiều phương cách hơn trước kia, khi nó chỉ diễn đạt qua phàm ngã.

Bây giờ, linh hồn sinh hoạt với nhân thể trong ánh sáng tuyệt diệu và sự lộng lẫy của cảnh thiên đàng cao nhất, tâm thức của nó tức khắc hoạt động hoàn hảo ở mọi nơi của những vùng thấp; linh hồn sẽ hướng dẫn và thêm năng lực vào hình tư tưởng, nếu họ muốn dùng các hình này trong mục đích giáo hóa.

Từ mức độ cao nhất của cõi thượng giới, đa số ảnh hưởng tuôn xuống từ các vị Chân Sư minh triết làm việc cho sự tiến hoá của nhân loại. Các Chân Sư tác động trực tiếp vào linh hồn con người, ban rải năng lực cảm ứng, kích thích sự tăng trưởng của linh hồn, làm phát triển trí tuệ và thanh lọc tình cảm con người. Những thiên tài nhận được sự soi sáng từ đó, tất cả những cố gắng vươn lên đều được hỗ trợ. Như những tia sáng của mặt trời tuôn ra khắp nơi, xuất phát từ một trung tâm duy nhất, mỗi hình thể tiếp nhận và sử dụng chúng tùy theo bản chất riêng của nó. Cũng giống như thế, các Huynh Trưởng của nhân loại có trách nhiệm ban phát ánh sáng và nguồn sống xuống cho tất cả mọi linh hồn; mỗi người sử dụng nhiều hay ít tùy theo khả năng tiếp nhận và đồng hóa của họ, từ đó họ tăng trưởng và tiến hoá. Như vậy, sự vinh diệu cao siêu của cõi thượng giới cũng đồng nghĩa với sự vinh quang của việc phụng sự kẻ khác, và những ai đã tiến hoá về tinh thần là những dòng suối tuôn tràn sức mạnh đến cho những người còn đang leo lên những nấc thang tiến hóa.

 

II. NHỮNG LOÀI KHÔNG THUỘC HÀNG NGŨ NHÂN LOẠI

(Non – human)

 

Khi chúng ta thử diễn tả những loài không thuộc hàng ngũ nhân loại trên cõi thượng giới, chúng ta sẽ gặp phải những sự khó khăn gần như không thể vượt qua. Vì khi đến cảnh thứ bảy của cõi thiên đàng lần đầu tiên, chúng ta tiếp xúc với một cõi do vũ trụ trải rộng ra; do đó chúng ta có thể gặp vô số thực thể mà ngôn ngữ con người không thể diễn tả. Trong khuôn khổ tác phẩm này, tốt hơn là chúng ta tạm gác qua một bên vô số thực thể thuộc khu vực vũ trụ, và giới hạn sự nghiên cứu của chúng ta đến những cư dân đặc biệt thuộc cõi thượng giới của dãy hành tinh chúng ta. Cũng như trong quyển “Cõi Trung Giới”, chúng ta không diễn tả các vị khách viếng thăm đến từ những hành tinh, hoặc từ những hệ thống khác. Dù rằng những vị khách viếng thăm này, ít khi đến cõi trung giới, lại có rất nhiều trên cõi thượng giới; nhưng chúng ta cần áp dụng cùng một nguyên tắc khảo sát. Vì vậy, chúng ta chỉ nói sơ lược về loài tinh hoa chất cõi thượng giới, và những vị thuộc hàng ngũ thiên thần (Deva) có liên hệ trực tiếp ở cõi thượng giới. Điều khó khăn nhất là trình bày cho độc giả các ý niệm tương đối đơn giản này, mà không làm vấn đề phức tạp hơn.

 

LOÀI TINH HOA CHẤT

(The Elemental Essence)

 

Chúng ta cũng nhớ một trong những bức thư đầu tiên, nhận được từ một vị Chân Sư có nói, chỉ những người đã được điểm đạo mới am hiểu bản thể loài tinh hoa chất thứ nhất và thứ nhì. Vì vậy, với ngôn ngữ cõi trần, chúng ta chỉ diễn tả được một phần. Trước tiên, chúng ta phải có ý tưởng rõ ràng loài tinh hoa chất thực sự là gì ? Vì đây là một vấn đề dễ gây nhầm lẫn, kể cả một số người có đọc sách Thông Thiên Học.

 

LOÀI TINH HOA CHẤT LÀ GÌ ?

 

Tinh hoa chất chỉ là tên gọi áp dụng cho tinh hoa chân thần (monadic essence), trong những giai đoạn tiến hóa đầu tiên. Tinh hoa chân thần có thể được định nghĩa như là sự tuôn xuống vào vật chất của Nguồn Sống Thiêng Liêng, xuất phát từ Thượng Đế Ngôi Hai. Trước khi có sự tuôn xuống đến giai đoạn cá nhân hóa để có sự thành lập nhân thể của con người, nó phải trải qua và làm linh động sáu giai đoạn tiến hóa thấp, đó là loài cầm thú, thảo mộc, kim thạch và ba loài tinh hoa chất. Khi năng lượng xuyên qua ba giai đoạn liên tiếp này, đôi khi nó được gọi là chân thần động vật, thực vật hay khoáng vật. Từ ngữ này dễ đưa đến sự nhầm lẫn, vì rất lâu trước khi đạt tới một trong các loài này, nó đã trải qua nhiều chân thần, chớ không phải một. Tuy nhiên, cái tên đã được thừa nhận để diễn đạt ý tưởng rằng, mặc dù từ lâu có sự phân biệt những tinh hoa chân thần, nó vẫn chưa tiến đến trình độ cá thể hóa. Bây giờ, khi tinh hoa chân thần này đang cung ứng năng lượng qua ba loài tinh hoa chính đến trước loài khoáng chất, nó được gọi là “tinh hoa chất” (elemental essence).

 

SỰ CHE PHỦ CỦA LINH HỒN

(The Veiling of The Spirit)

 

Nhưng trước khi chúng ta có thể hiểu bản chất của tinh hoa chân thần và cách thức nó tự biểu lộ ở các cõi khác nhau, chúng ta hãy theo dõi cách thức mà linh hồn tự bao phủ trong tiến trình đi sâu vào vật chất. Chúng ta không xét nguồn gốc sự tạo thành vật chất trong các cõi, mà chỉ xét về sự đi xuống của luồng sóng mới của sự tiến hoá nhập vào vật chất đã có.

Trước giai đoạn mà chúng ta vừa đề cập đến, luồng sóng sinh hoạt này đã trải qua sự tiến hoá trong vô số thời đại, mà chúng ta không thể nào hiểu được hoàn toàn, nó lần lượt vào trong những nguyên tử, phân tử, và tế bào. Nhưng chúng ta hãy tạm thời gác lại phần lịch sử khởi thuỷ này, mà chỉ khảo sát sự nhập thế vào vật chất của những cõi mà trí óc con người có thể hiểu được, mặc dù cao hơn nhiều đối với mức độ vật chất.

Cũng nên hiểu rằng khi linh hồn lưu ngụ trên bất cứ một cõi nào đó trên đường đi xuống vào trong vật chất, do một sức mạnh bất khả kháng của sự tiến hoá riêng, nó phải nhập vào và tự biểu lộ ở một cõi thấp kế đó, và ít nhất là nó trú ngụ vào nguyên tử vật chất của cõi thấp này; thu hút chất liệu tạo thành lớp áo vật chất mà nó tác động như một linh hồn, hay một năng lực thúc đẩy bên trong. Cũng tương tự như thế, khi linh hồn tiếp tục nhập thế xuống cảnh thứ ba, nó tự thu hút chung quanh những vật chất thuộc nguyên tử của cõi thứ ba này, và trở thành một thực thể có thân xác hay vỏ bọc bên ngoài, được tạo thành bởi nguyên tử vật chất của cõi này.

Nhưng lực tác động trong thực thể này, có thể nói là linh hồn của nó, không phải là linh hồn trong trạng thái mà nó được thấy đầu tiên trên cõi cao nhất. Nó chính là linh hồn cộng thêm lớp màng bằng nguyên tử vật chất của cảnh thứ nhì mà nó đã trải qua. Khi linh hồn xuống xa hơn, đến tận cõi thứ tư, thực thể càng trở nên phức tạp hơn, vì nó sẽ mang thể vật chất của cõi thứ tư ấy, và thể này được sinh động do bên trong có linh hồn đã khoác lên hai lớp màng làm bằng nguyên tử vật chất của cõi thứ nhì và thứ ba. Diễn trình này tự lặp lại đối với mỗi cõi của thái dương hệ; đến lúc lực nguyên thuỷ đạt đến cõi trần thì nó được che phủ trọn vẹn, cho nên không có gì đáng ngạc nhiên khi con người thường không nhận thức được bản thể tâm linh của họ.

Thí dụ, một người bình thường có nhãn thông mà chưa được huấn luyện, thử nghiên cứu chân thần khoáng vật, khảo sát sinh lực trong loài kim thạch. Thị giác của người có nhãn thông này chắc chắn chỉ giới hạn ở cõi trung giới, và ngay ở cõi trung giới, thị giác đó có lẽ cũng rất bất toàn; vì vậy đối với người ấy, năng lực chỉ giới hạn ở cõi trung giới. Trái lại, đối với một nghiên cứu sinh đã được huấn luyện, khảo sát nó với năng lực cao, sẽ thấy rằng những gì mà người có thông nhãn đã sử dụng ở cõi trung giới, chỉ là nguyên tử vật chất trung giới được làm vận hành bởi lực đến từ trạng thái nguyên tử của cõi thượng giới. Một nghiên cứu sinh có trình độ cao hơn, có thể thấy nguyên tử vật chất cõi thượng giới cũng chỉ là một vận cụ chịu sự tác động từ cảnh cao nhất của cõi bồ đề. Trong khi một vị Chân Sư sẽ nhận thấy rằng chất liệu cõi bồ đề chỉ là vận cụ của cõi niết bàn, và năng lực xuyên suốt tác động lên lần lượt những lớp màng. Trên thực tại, năng lực này đến từ cõi vũ trụ nguyên thủy (cosmic - prakritic plane), và là sự biểu lộ của Năng Lực Thiêng Liêng (Divine Force).

 

CÁC LOÀI TINH LINH

(The Elemental Kingdom)

 

Những tinh hoa chất mà chúng ta thấy trên cõi thượng giới, thuộc hai loài thứ nhất và thứ nhì của giới tinh hoa chất. Một luồng sóng sinh hoạt thiêng liêng từ những thiên niên đại trước đã hoàn tất sự tiến hóa đi xuống xuyên qua cõi bồ đề, tuôn xuống cảnh thiên đàng thứ bảy, và làm sinh động khối vật chất nguyên tử cõi thượng giới, và trở thành loài tinh hoa chất thứ nhất. Trong giai đoạn này, ở điều kiện đơn giản nhất nó không phối hợp các nguyên tử thành những phân tử để tạo nên hình thể của riêng nó, nhưng chỉ kết hợp do sự hấp dẫn và bởi một sức ép rất lớn. Chúng ta có thể tưởng tượng, năng lực lần đầu tiên tuôn xuống cõi này hoàn toàn không quen thuộc với những rung động ở đó, và không thể đáp ứng lại chúng. Trải qua nhiều thời đại ở mức độ này, nó tiến hóa do sự làm quen với tất cả những rung động có thể có ở đây, vì thế bất cứ lúc nào nó cũng có thể làm linh động và sử dụng tất cả những phối hợp vật chất riêng biệt trên cõi này. Trong suốt giai đoạn tiến hoá lâu dài này, nó sẽ có được tất cả những phối hợp có thể có ở ba cảnh vô sắc tướng. Đến cuối cùng, nó trở lại mức độ nguyên tử, dĩ nhiên nó chỉ tích chứa những năng lực tiềm ẩn mà nó đã đạt được.

Trong giai đoạn tiếp theo, nó tự xuống cảnh thứ tư cõi thượng giới, tức phần cao nhất của cõi sắc tướng, và thu hút vật chất vùng này để tạo ra một cơ thể. Khi ấy, chính nó là loài tinh hoa chất thuộc loại thứ nhì trong trạng thái đơn giản nhất. Nhưng cũng như trước kia, càng tiến hoá nó càng khoác lên nhiều lớp y phục khác nhau, tạo thành bởi tất cả những sự kết hợp có thể của vật chất ở các cảnh thấp.

Cũng là điều tự nhiên khi người ta nghĩ rằng, những loài tinh linh sinh hoạt ở cõi thượng giới có sự tiến hóa cao hơn những loài tinh linh thứ ba thuộc cõi trung giới. Nhưng không đúng như thế, khi nói đến giai đoạn tiến hoá này, từ ngữ “cao hơn” không có nghĩa như bình thường là tiến bộ nhiều hơn, mà trái lại kém tiến bộ hơn; vì nơi đây chúng ta đang đề cập đến tinh hoa chân thần trên cung tiến hoá đi xuống, và sự tiến bộ của loài tinh linh bằng phương tiện đi xuống vào trong vật chất, thay vì sự tiến hóa hướng thượng lên các cõi cao như trường hợp nhân loại. Nếu học viên không nhận định rõ ràng về sự kiện này, họ sẽ bị vướng mắc vào những sai lầm, và không thể có được cái nhìn đúng đắn về phần này của sự tiến hoá.

Những đặc tính tổng quát của loài tinh hoa chất được diễn tả khá dài trong quyển “Cõi Trung Giới”, tất cả điều gì đề cập đến những chi nhánh phụ của loài này và sự nhạy cảm kỳ diệu của những loài này đối với tư tưởng con người, đều giống như ở cõi thượng giới. Có lẽ cần phải giải thích thêm về sự sắp xếp theo bảy hàng ngang của mỗi loài liên hệ đến những phần khác nhau của cõi thượng giới. Trong trường hợp của loài tinh hoa thứ nhất, nhánh cao nhất của nó liên quan đến cảnh thứ nhất, trong khi cảnh thứ nhì và thứ ba, mỗi cảnh được phân chia thành ba phần, và mỗi phần được một trong các chi nhánh tinh linh trú ngụ. Loài tinh hoa chất thứ nhì tự phân chia đến cõi hạ thiên, nhánh cao nhất của nó liên quan đến cảnh thứ tư, trong khi cảnh thứ năm, thứ sáu và thứ bảy mỗi cảnh được chia ra thành hai phần, mỗi phần do một nhánh tinh hoa chất của sáu nhánh còn lại trú ngụ.

 

CÁCH TIẾN HOÁ CỦA LOÀI TINH HOA CHẤT

 

Trong phần đầu của quyển sách này, chúng ta đã nói nhiều về tác động của tư tưởng lên loài tinh hoa chất, nên chúng ta không cần lặp lại nơi đây. Nhưng chúng ta cần biết rằng, loài tinh hoa chất nơi đây rất nhạy cảm đối với tác động của tư tưởng hơn ở cõi trung giới; dù một tư tưởng yếu ớt cũng gây sự đáp ứng tinh vi tuyệt diệu, mà những quan sát viên có thể thấy được rõ ràng. Chúng ta sẽ hiểu rõ hơn nếu nhận thấy rằng sự ứng đáp như thế chính là sự tồn tại của cuộc sống loài tinh hoa chất; sự tiến bộ của chúng được trợ giúp rất nhiều bởi tác động của tư tưởng, nhất là tư tưởng của những vị tiến hóa cao.

Hãy tưởng tượng, trong một lúc những tinh hoa chất hoàn toàn không tùy thuộc vào tác động của tư tưởng, chúng sẽ kết tụ lại nhau, không thành hình thể nhất định của những nguyên tử cực nhỏ đang dao động; chúng chứa đầy sinh lực với một sức sống mạnh mẽ kỳ diệu, tuy nhiên chúng tiến hóa rất chậm trên con đường đi xuống vào trong vật chất. Nhưng khi tư tưởng xâm chiếm, làm cho loài tinh hoa chất hoạt động ở cõi sắc tướng, chúng tạo thành mọi loại hình thể đẹp đẽ, và ở cõi vô sắc tướng chúng tạo thành những dòng ánh sáng lấp lánh, do đó chúng nhận được những rung động giúp chúng phát triển thêm. Khi mỗi tư tưởng từ cõi cao này hướng xuống những sự việc ở cõi trần, tự nhiên nó phải khoác lên mình vật chất của những cõi thấp này. Khi nó tiếp xúc với loại vật chất ở cõi thấp, loài tinh hoa chất mà nó khoác lên như một lớp màng đầu tiên dần dần quen đáp ứng với các rung động thấp, và điều này trợ giúp rất nhiều cho sự tiến hóa nhập thế của nó.

Loài tinh hoa chất cũng dễ bị ảnh hưởng bởi âm nhạc, bởi sự tuôn đổ huy hoàng của âm thanh hùng tráng mà chúng ta đã đề cập ở trên. Những âm thanh này được tuôn ra từ những cõi cao do những nhạc sư vĩ đại, họ thực hiện điều này với phương tiện đầy đủ hơn ở những cõi cao, mà khi ở cõi trần thô kệch này họ chỉ mới bắt đầu.

Một điểm khác cần phải nhớ là, ở cõi này có sự khác nhau to lớn giữa sự cao cả và năng lực tư tưởng, mà ở cõi trần chúng ta khó diễn tả được. Tư tưởng bình thường của chúng ta bắt đầu trong thể trí trên cõi hạ thiên, khi đi xuống nó đã khoác lên mình một loại tinh hoa chất cõi trung giới thích hợp với nó. Nhưng khi một người tiến bộ khá cao, có tâm thức hoạt động trong chân ngã ở cõi thượng thiên, tư tưởng của họ bắt đầu ở cõi này và khoác lên lớp áo đầu tiên được cấu tạo bằng loài tinh hoa chất của cõi hạ thiên, cho nên có đặc tính tinh vi hơn, xuyên suốt hơn và có hiệu quả hơn về nhiều phương diện. Nếu tư tưởng hướng về các mục tiêu cao thượng, sự rung động của tư tưởng đó có đặc tính quá tinh vi, cho nên không thể diễn đạt được ở cõi trung giới; nhưng khi chúng ảnh hưởng được vật chất cõi thấp này, chúng sẽ tạo ra kết quả sâu xa hơn những tư tưởng phát sinh ở gần cõi trung giới.

Áp dụng nguyên tắc này cho cõi kế tiếp, chúng ta thấy tư tưởng của vị đã điểm đạo phát sinh từ cõi bồ đề, bên trên cõi thượng giới, sẽ tự khoác lên tinh hoa chất của cảnh cao nhất cõi thiên đàng; trong khi tư tưởng của vị Chân Sư (Adept) tuôn xuống từ cõi niết bàn, mang một năng lực vĩ đại phi thường của cõi cao cả này, ngoài phạm vi hiểu biết của con người.

Vì thế, khi có nhận thức cao hơn, chúng ta thấy trước mặt một chân trời khả năng rộng mở. Chúng ta sẽ nhận ra sự thật ở những cõi cao này, công việc thực hiện trong một ngày có hiệu quả nhiều hơn công việc nặng nhọc kéo dài cả ngàn năm ở cõi trần.

 

LOÀI CẦM THÚ

 

Ở cõi thượng giới, loài cầm thú được tượng trưng bằng hai nhóm chính. Ở cõi hạ thiên, chúng ta thấy có các hồn khóm liên hệ đến đa số loài thú, và trên cảnh thứ ba, những nhân thể của một số tương đối ít loài thú đã được cá nhân hoá. Nói đúng ra, những nhóm này không còn là loài thú nữa, đó là những nhân thể còn trong tình trạng hoàn toàn sơ khai, chưa phát triển đầy đủ về kích thước cũng như màu sắc, và mới phát sinh những rung động đầu tiên.

Sau khi rời bỏ thể xác và thể vía, con thú có cá tính thường trải qua một kiếp sống rất lâu dài, mơ màng, ở cảnh tương đối thấp của cõi thiên đàng. Trong thời gian đó, tình trạng của nó tương tự với những người cùng ở cõi này, nhưng tư tưởng của nó hoạt động kém hơn rất xa. Nó được bao quanh bởi những hình tư tưởng của riêng nó, và chỉ ý thức lờ mờ về chúng, dĩ nhiên trong đó có những hình ảnh của các bạn bè của nó, chúng biểu lộ trong trạng thái thân thiện nhất. Một tình thương đủ mạnh và không ích kỷ sẽ tạo nên những hình ảnh như thế, nó cũng đủ mạnh để đến với linh hồn của con vật mà nó yêu thích, và kích thích sự đáp ứng lại. Lòng tốt tuy nhỏ nhặt của chúng ta đối với thú vật cũng giúp đỡ chúng, và điều này cũng trở lại giúp sự tiến hoá của chúng ta.

Khi con thú được cá nhân hoá, rút về nhân thể để chờ bánh xe tiến hoá, trong diễn trình xoay chuyển sẽ cho nó một cơ hội đầu thai làm con người sơ khai. Nó dường như bị mất hoàn toàn tri thức về những sự vật bên ngoài, và trải qua một thời gian trong trạng thái vô thức bình an và thoả thích sâu đậm. Sự tiến hoá bên trong trên vài phương diện nào đó chắc chắn xảy ra, dù chúng ta khó hiểu bản chất của nó. Ít nhất có một điều chắc chắn là, đối với mỗi thực thể đến được cõi thượng giới, hoặc nó chỉ vừa gia nhập vào hàng ngũ tiến hoá của con người, hoặc nó đang chuẩn bị vượt qua khỏi sự tiến hoá này. Dù thế nào đi nữa, cõi thiên đàng cũng là một hạnh phúc cao cả nhất mà con người có thể có được, mặc dù ở bất cứ trình độ nào.

 

NHỮNG VỊ THIÊN THẦN

(The Devas or Angels)

 

Ngôn ngữ con người chỉ có thể diễn tả một phần nhỏ các nhân vật cao cả tuyệt diệu này, và hầu hết những điều mà chúng ta biết về họ đã được viết trong quyển “Cõi Trung Giới”. Đối với người chưa đọc quyển sách này, tôi xin giải thích lại một cách đại cương về các thực thể này.

Như chúng ta biết, hệ thống tiến hóa cao cả nhất có liên hệ đặc biệt đến quả địa cầu là những thực thể mà người Ấn Giáo gọi Devas và những nơi khác gọi là Angels, những con của đức Thượng Đế v.v... Tóm lại, chúng ta có thể xem họ, như một loài cao hơn loài người một cấp, cũng như loài người cao hơn loài thú một cấp. Nhưng có một sự khác biệt quan trọng là, nếu sự tiến hoá của con thú không thể theo đường lối nào khác, ngoài con đường tiến đến làm người; còn con người sau khi đạt tới trình độ Chân Sư toàn thiện, có thể có nhiều con đường cao cả khác nhau để lựa chọn, trong số đó có con đường đưa đến sự tiến hóa của Đại Thiên Thần (Great Deva) (Xin xem quyển “Những Vị Cứu Trợ Vô Hình”).

Trong nền văn hoá Đông phương từ ngữ “deva” thường được dùng một cách mơ hồ để chỉ hầu hết những thực thể không thuộc con người. Vì thế từ ngữ này thường dùng để chỉ những vị có quyền năng tâm linh cao cả nhất; mặt khác, nó cũng dùng để chỉ những tinh linh thiên nhiên và các loài tinh linh giả tạo. Tuy nhiên nơi đây, từ ngữ này được dùng giới hạn để chỉ những vị thuộc giai cấp tiến hóa cao.

Mặc dù liên hệ đến địa cầu, các vị thiên thần này không bị giới hạn ở đây, vì toàn thể dãy tiến hóa hiện tại của chúng ta gồm bảy bầu hành tinh, đối với họ chỉ là một thế giới duy nhất, và sự tiến hoá của họ xuyên qua một hệ thống vĩ đại gồm bảy dãy. Những người điều hành trong nhóm của họ được tuyển lựa, phần chính từ hàng ngũ nhân loại thuộc thái dương hệ chúng ta, vài vị thấp hơn và vài vị cao hơn những vị cao cả của chúng ta; nhưng chỉ có một phần nhỏ thuộc nhân loại chúng ta đã đến trình độ gia nhập vào hàng ngũ của họ. Nhưng chắc có vài loài trong số nhiều loài thuộc giới thiên thần, chưa tiến hóa qua giai đoạn có thể so sánh với hàng ngũ nhân loại.

Hiện nay, chúng ta chưa thể hiểu nhiều về họ, nhưng có một điều rõ ràng là mục tiêu tiến hoá của họ cao hơn mục tiêu tiến hoá của nhân loại. Nói khác hơn, mục tiêu tiến hoá của nhân loại chúng ta là có một số nhân loại đạt đến địa vị Chân Sư, trước khi chấm dứt cuộc tuần hoàn thứ bảy; mục tiêu tiến hoá của thiên thần là nâng hàng ngũ cao nhất của họ đến một mức độ cao hơn trong cùng một giai đoạn tương đương. Đối với họ cũng như đối với chúng ta, có một con đường dốc đứng nhưng rất ngắn dẫn tới đỉnh cao siêu nhất, dành cho những ai nhiệt tâm cố gắng. Ngoài ra, vấn đề các thiên thần tiến hoá theo mức độ nào, chúng ta không thể hiểu rõ mà chỉ có thể phỏng đoán.

 

NHỮNG ĐẲNG CẤP THIÊN THẦN

 

Ba nhóm thiên thần thuộc hạng thấp, khởi sự từ hạng thấp nhất thường được gọi là các vị thiên thần cõi cảm dục (Kamadeva), các vị thiên thần cõi sắc tướng (Rupadeva) và các vị thiên thần cõi vô sắc tướng (Arupadeva); người ta có thể diễn dịch các từ ngữ này tương đương với các thiên thần của cõi trung giới, cõi hạ thiên và cõi thượng thiên. Đối với chúng ta, thể thấp nhất của con người là thể xác, còn đối với các vị thiên thần thể thấp nhất mà họ sử dụng là thể vía. Vì vậy, họ ở đúng vào vị trí của con người khi đạt tới bầu hành tinh F, khi đó bình thường họ sống với thể vía, sẽ rời bỏ thể này đến vùng cao hơn và sống trong thể trí, cũng như chúng ta sẽ ở trong thể vía. Khi phát triển đầy đủ, họ sẽ vào được nhân thể mà không cần cố gắng nhiều như đối với chúng ta khi sử dụng thể trí. Cùng một cách thức như thế, thân thể bình thường của những thiên thần cõi sắc tướng là thể trí, vì họ sống trên bốn cảnh sắc tướng của cõi thượng giới. Trong khi những vị thiên thần cõi vô sắc tướng thuộc về ba cảnh cao của cõi thượng giới, họ không có thân thể nào nặng trược hơn nhân thể. Trên các vị thiên thần cõi vô sắc tướng còn có bốn nhóm thiên thần quan trọng khác nữa, trú ngụ lần lượt ở bốn cảnh cao hơn thuộc thái dương hệ của chúng ta. Sau cùng, ở cao hơn hết, ngoài vùng thế giới thiên thần là các vị Hành Tinh Quân; nhưng sự nghiên cứu về các vị cao cả này ngoài phạm vi của quyển sách.

Trong hai nhóm lớn thiên thần trú ngụ ở cõi thượng giới mà chúng ta vừa đề cập đến, mỗi nhóm lại chia ra thành nhiều lớp khác nhau. Chúng ta chỉ hiểu một cách rất tổng quát về sự sống của họ. Tôi nghĩ rằng tôi không thể diễn tả rõ những ấn tượng trong trí của những quan sát viên, khi họ quan sát những nhóm thiên thần này, cho nên tôi xin lặp lại chính những lời của một người trong bọn họ: “Tôi cảm thấy có một ý thức vui thích mãnh liệt, một tâm thức kỳ diệu không thể tả bằng lời; rất lạ lùng và hoàn toàn khác biệt với bất cứ điều gì mà tôi đã cảm thấy trước đây, không giống với bất cứ loại kinh nghiệm nào của con người, do đó tôi hoàn toàn không có hy vọng diễn tả lại bằng lời.”

Ở cõi trần, chúng ta không có hy vọng diễn tả lại hình dáng của những nhân vật cao cả này, vì hình dáng của họ biến đổi theo từng tư tưởng của họ. Trong một đoạn trước, chúng ta đã nói về sự kỳ diệu phi thường của sự diễn đạt tư tưởng bằng màu sắc. Như chúng ta đã biết, đối với các cư dân thuộc con người sinh hoạt có ý thức trên cõi thượng giới, trong một vài điều kiện có thể nhận được nhiều bài học từ các vị thiên thần. Người đọc có thể nhớ lại, làm thế nào mà hình ảnh của vị thiên thần được linh động hóa trong cuộc sống của một ca đoàn viên, dạy em này âm nhạc tuyệt diệu hơn bất cứ loại âm nhạc nào ở cõi trần. Một trường hợp khác, vài ảnh hưởng của thiên thần hành tinh đã trợ giúp sự tiến hoá của một nhà thiên văn học.

Sự liên hệ của những vị thiên thần đối với loài tinh linh thiên nhiên (Xin xem quyển “Cõi Trung Giới”), cũng giống như sự liên hệ giữa con người và loài thú, nhưng ở một mức độ cao hơn. Con thú chỉ có thể đạt được cá tính hóa khi nó được sự hỗ trợ của con người. Cũng giống như thế, một tinh linh thiên nhiên thông thường chỉ có thể được luân hồi và cá tính hóa trường tồn bằng cách liên kết với các thực thể có đặc tính tương tự trong hàng ngũ thiên thần.

Dĩ nhiên, khi nói về sự tiến hoá vĩ đại của các thiên thần, chúng ta chỉ nói được phần ngoại biên của vấn đề rộng lớn này. Mỗi người sẽ tự nghiên cứu đầy đủ hơn khi đã phát triển tri thức trên các cõi cao ấy. Những gì được diễn tả ở phần trên chỉ là một phác hoạ sơ lược, tuy nhiên có thể cho chúng ta một ý niệm tổng quát về những vị cứu trợ, mà khi con người tiến hoá hơn sẽ có dịp tiếp xúc với các vị ấy. Điều này cho thấy mỗi nguyện vọng sẽ đem lại cho con người những khả năng có thể thúc đẩy họ tiến lên, để thích ứng với những gì mà thiên nhiên đã sắp xếp cho họ.

 

III. NHỮNG LOÀI GIẢ TẠO

(Artificial)

 

Trong đề tài cõi thượng giới mà chúng ta đang bàn đến, thiết nghĩ cũng cần nói lướt qua những loài giả tạo. Ở cõi này, loài tinh linh giả tạo còn nhiều hơn ở cõi trung giới; chúng hiện hữu tạm thời do tư tưởng của các cư dân ở đó tạo ra. Chúng ta nên nhớ ở cõi thượng giới, tư tưởng rất quan trọng và đầy năng lực; lực này chẳng những được sử dụng bởi những cư dân thuộc nhân loại, kể cả những người còn giữ xác thân và những người không còn xác thân, mà cũng được dùng bởi những vị thiên thần và những vị khách đến từ các cõi cao hơn. Như thế, chúng ta thấy ngay sự quan trọng và ảnh hưởng của các thực thể giả tạo. Chúng ta cũng không còn cần lặp lại nơi đây, các vấn đề được đề cập trong quyển sách trước về hiệu quả của tư tưởng con người và sự cần thiết canh chừng những tư tưởng phát ra. Chúng ta đã diễn tả đầy đủ về sự khác nhau giữa tác động của tư tưởng trên những cõi sắc tướng và vô sắc tướng, và làm thế nào mà những tinh linh giả tạo của cõi thượng giới được hiện tồn. Chúng ta cũng đã biết đại khái rằng có rất nhiều, không thể kể hết được những thực thể tạm thời khác nhau thuộc loại này, và những tác động rất quan trọng của chúng. Những vị Chân Sư và những đệ tử đắc đạo của các vị ấy đã sử dụng triệt để những hiệu quả này; cũng cần nhắc lại, những tinh linh giả tạo được tạo ra do tư tưởng mạnh mẽ của những vị ấy sẽ tồn tại lâu hơn và có năng lực lớn hơn nhiều đối với những tinh linh giả tạo ở cõi trung giới.


 

KẾT LUẬN

 

Khi lướt nhìn lại những gì đã viết, chúng tôi thấy rất hổ thẹn với ý nghĩ là diễn tả không được đầy đủ. Mặc dù chúng tôi đã cố gắng rất nhiều để diễn đạt những sự huy hoàng tráng lệ của cõi thiên đàng, nhưng với ngôn từ rất giới hạn của thế gian, chúng tôi không làm gì tốt hơn được. Thật đáng tiếc quyển sách không được hoàn hảo, tuy nhiên có còn hơn không; độc giả cần có một khái niệm về những gì sẽ xảy ra bên kia nấm mồ, tuy chỉ là những hiểu biết chưa rõ ràng. Khi con người đến được vùng trời sáng sủa đầy chân phúc này, chắc chắn họ sẽ nhận thấy nhiều hơn những gì họ mong đợi; hy vọng rằng họ sẽ không quên những điều tuy ít oi nhưng cần thiết mà họ đã tiếp thu trong tác phẩm này.

Trong sự cấu tạo nên con người, có những khí thể thuộc về hai cõi cao hơn cõi thượng giới. Thể bồ đề là biểu hiện của con người ở cõi mà chúng ta gọi là cõi bồ đề (buddhic plane), và linh thể (Atma) là một điểm linh quang trong con người) ở cõi thứ ba của thái dương hệ, thường được gọi là cõi niết bàn (nirvanic plane). Ở người trung bình, các khí thể cao này chưa khởi sự khai mở; và những cõi mà các khí thể này thuộc về rất khó mà diễn tả được bằng ngôn ngữ thế gian, còn khó hơn là đối với cõi thượng giới. Chúng ta có thể nói rằng, ở cõi bồ đề tất cả những giới hạn đều không còn nữa, và tâm thức con người mở rộng cho đến nơi nào mà họ còn nhận thức được; không phải chỉ là lý thuyết suông, mà tuyệt đối do kinh nghiệm. Con người nhận thức được rằng, tâm thức của đồng loại cũng bao gồm trong tâm thức của chính họ. Họ cảm nhận, biết và kinh nghiệm một cách hoàn hảo tuyệt đối lòng thiện cảm bên trong tất cả mọi người, vì nó thực sự là một phần của chính họ. Ở cõi niết bàn, con người đạt được một bước tiến xa hơn và nhận thấy rằng, tâm thức của họ và tâm thức của những người khác là một, vì tất cả mọi tâm thức trên thực tế chỉ là những mặt nhỏ của tâm thức vĩ đại, vô hạn của Thượng Đế (Logos); trong Ngài, tất cả sống, vận hành và hiện thực. Cũng như khi “giọt sương rơi vào biển cả lấp lánh”, kết quả tạo ra là một tiến trình đảo ngược, và đại dương tuôn đổ vào giọt nước mà bây giờ, lần đầu tiên giọt nước nhận ra rằng nó chính là biển cả, không phải chỉ là một phần mà là toàn thể. Thật là một điều nghịch lý, không thể hiểu được và hình như không thể xảy ra được, thế mà đó là sự thực tuyệt đối.

Tuy nhiên, ít nhất chúng ta có thể hiểu rằng, trạng thái chân phúc ở cõi niết bàn không giống như ý tưởng của những người vô minh cho là một tình trạng hư vô trống không; mà trái lại, đó là một trạng thái linh hoạt rất mạnh mẽ và hữu ích. Khi chúng ta tiến cao hơn trên nấc thang tiến hóa, khả năng của chúng ta trở nên phong phú hơn, công việc của chúng ta dành cho người khác càng rộng lớn hơn; minh triết và quyền năng vô hạn đồng nghĩa với khả năng vô biên dùng để phụng sự nhân loại, vì minh triết và quyền năng được hướng dẫn bởi lòng từ bi vô lượng.

HẾT

 

 

 


HỘI THÔNG THIÊN HỌC CÓ BA MỤC ĐÍCH

 

Tạo tình huynh đệ đại đồng không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, nam nữ, giai cấp hay màu da.

Khuyến khích việc học hỏi, đối chiếu tôn giáo, triết lý và khoa học.

Nghiên cứu những định luật thiên nhiên chưa giải thích được và những quyền năng ẩn tàng trong con người.

Muốn gia nhập Hội, bạn chỉ cần thừa nhận mục đích thứ nhất và xin liên lạc với Hội nơi quốc gia bạn cư ngụ; hay với một bạn hội viên nào bạn biết.

Muốn biết thêm chi tiết, xin viết thơ cho vị tổng thơ ký Hội .

Bản dinh chính: Adyar, Chennai (Madras), 600 020 India

Hoa Kỳ: Theosophical Society in America

 P.O. Box 270

 Wheaton, IL 60189-0270

Canada: 2123 Jacques Hertel

 Montréal, QC

 H4L 1R4

Pháp Quốc: 4 Square Rapp

Paris VII è, France

 


CHÂN THÀNH TRI ÂN

 

Quý vị trợ giúp việc ấn loát các sách Thông Thiên Học.

Mọi chi tiết xin liên lạc:

- Nguyễn Trung Nghĩa, 16 Krotona Hill, Ojai, CA 93023.

- Điện Thoại: (805) 640-0637. - E-mail: nghia.12@sbcglobal.net



[1] Một số người cho rằng chất dĩ thái là trung gian dẫn truyền những làn sóng điện từ (electromagnetic waves).

[2] Đừng hiểu lầm nguyên tử vật chất (atomic matter) được đề cập nơi đây với nguyên tử được diễn tả trong khoa học vật chất. Ở đây nguyên tử vật chất được dùng để diễn tả mức độ thanh nhuyễn nhất của vật chất cõi trung giới, thượng giới và những trạng thái khác của vật chất.

[3] Thí dụ đối với người bình thường, kiếp sống ở cõi trần là 100 năm, thì kiếp sống ở cõi thượng giới khoảng 2000 năm hoặc ít hơn một chút. Còn đối với người tốt thì nếu kiếp sống ở cõi trần là 100 năm, thì kiếp sống ở cõi thượng giới là 3000 năm, hoặc nhiều hơn. (LDG)

[4] Xin lưu ý, nơi đây 7 cảnh của cõi thượng giới được tính theo thứ tự từ trên xuống dưới.

[5] Bảy cảnh của cõi trung giới được đếm ngược từ dưới lên trên; từ cảnh thứ 7 là cảnh thấp nhất lên cảnh thứ nhất là cảnh cao nhất. (LDG)