header image
Like us on Facebook Follow us on Twitter RSS feeds

MỤC LỤC

MỤC LỤC. 1

CHƯƠNG I. 5

Thời Thơ Ấu. 5

CHƯƠNG II. 18

Trở Về Nga. 18

CHƯƠNG III. 24

Khả Năng Siêu Hình của Helena. 24

CHƯƠNG IV.. 31

Âu Châu. 31

CHƯƠNG V.. 35

Trở Lại Thế Giới. 35

CHƯƠNG VI. 45

New York. 45

CHƯƠNG VII. 60

Isis Unveiled. 60

CHƯƠNG VIII. 76

Lamasery. 76

CHƯƠNG IX.. 97

Sang Ấn Độ. 97

CHƯƠNG X.. 102

Bombay. 102

1881 – 1882.. 127

1882.. 131

1883.. 141

1884. 145

Chương XI. 159

Vụ Coulomb-Hodgson.. 159

CHƯƠNG XII. 169

Giã Biệt Ấn Độ – Năm Đầu tại Âu Châu. 169

Giã Biệt Ấn Độ. 172

Năm Đầu tại Âu Châu.. 178

Chương XIII. 184

Thêm Người Chống Đối –Những Tháng Đầu tại London.. 184

Thêm Người Chống Đối. 186

Những Tháng Đầu tại London. 195

CHƯƠNG XIV.. 196

Chi Bộ Blavatsky, 17 đường Lansdowne – The Secret Doctrine - Triết Lý Bí Truyền    196

Số 17 Đường Lansdowne. 197

Bộ The Secret Doctrine - Triết Lý Bí Truyền.. 204

CHƯƠNG XV.. 209

Trường Bí Giáo. 209

Trường Bí Giáo - Esoteric Section (ES). 214

CHƯƠNG XVI. 216

TRƯỜNG BÍ GIÁO, CÓ TRANH CHẤP, BÀ CÓ ĐẠO VĂN?. 216

Có Tranh Chấp. 218

Bà có Đạo Văn ?. 222

CHƯƠNG XVII. 225

Sách Mới Và Nơi Chốn Mới. 225

Sách Mới và Nơi Chốn Mới. 226

Dời về Nhà đường Avenue Road. 227

CHƯƠNG XVIII. 235

Nhận Xét về HPB. 235

Nhận Xét về HPB. 239

Một Thế Kỷ Sau. 242

Hội Nghị Thế Giới của các Tôn Giáo. 243

CHƯƠNG XIX.. 245

Bộ The Secret Doctrine và Khoa Học. 245

Bộ The Secret Doctrine (SD Triết Lý Bí Truyền) và Khoa Học. 247

CHƯƠNG XX.. 257

Tính Đại Đồng. 257

CHƯƠNG XXI. 265

Ảnh hưởng của Theosophy với văn chương, nghệ thuật. 265

CHƯƠNG XXII. 276

Phật Giáo Truyền Sang Tây Phương & ảnh hưởng của HPB qua các tác phẩm     276

Phong Trào Tâm Linh.. 283

Kết. 285

Vinh Danh tại Quê Mẹ. 285

 


 

Chuyện được soạn theo những tài liệu có được tính đến lúc này (2004) nên sẽ có vài chỗ khác với sách được viết đã lâu, hoặc có chi tiết thêm vào hoặc có khám phá mới:

Old Diary Leaves, by Henry Steel Olcott.

Personal Memoirs of H.P.Blavatsky, by Mary K.Neff 1967

Blavatsky and Her Teachers, Jean Overton Fuller 1988.

H.P.B. by Sylvia Cranston, 1999.

The Letters of H.P.Blavatsky, volume 1. H.P.Blavatsky Collected Writings. TPH 2003.

Cách viết tên cũng sẽ có khác đôi chút do có thay đổi về ngữ âm so với cách viết thế kỷ 19 và 20. Nói riêng về quyển Blavatsky and Her Teachers, đây là sách có phần phiên dịch từ Nga, Đức, Pháp và Ý sang Anh văn chính xác nhất, bởi tác giả Fuller thông thạo những ngôn ngữ này, tự tham khảo tài liệu nguyên bản bằng Nga văn, Đức, Ý v.v. nên có thể kiểm chứng lại bản dịch dùng trong những sách viết trước đây về H.P.B. Sách có nhiều nghiên cứu công phu, đính chính một số ghi chép sai lầm của nhiều tác phẩm khác.


 

CHƯƠNG I.

Thời Thơ Ấu.

Helena Petrovna von Hahn sinh đêm 30/31 tháng bẩy năm 1831 theo lịch cũ của Nga, tính theo lịch tây phương thì đó là đêm 11/12 tháng tám. Cha của Helena (Peter Alexeyevich von Hahn 1798-1873) khi ấy là đại úy trong đoàn kỵ mã pháo binh hoàng gia, ông gốc Đức với tổ tiên là bá tước Hahn von Rottenstem-Hahn sang định cư bên Nga thời Peter III. Bà nội của Helena là nữ bá tước von Proben và Helena thừa hưởng mái tóc dầy, quăn lẫn nét mặt, tính tình sống động của bà. Về bên mẹ bà ngoại của Helena là công nương Helena Pavlovna Dolgorouky, thuộc một trong những dòng quí tộc có liên hệ với lịch sử Nga. Mẹ của Helena tên Helena Andreyevna Fadeyef (1814-1842) là một tiểu thuyết gia có tiếng với bút hiệu Zenaida R. được ví như một Georges Sand của Nga (Georges Sand: nữ tiểu thuyết gia nổi tiếng của Pháp thế kỷ 18). Tên Nga có phụ danh đi kèm với tên riêng của mỗi người nên tuy ba nhân vật bà ngoại (Helena Pavlovna), mẹ (Helena Andreyevna) và con gái (Helena Petrovna) cùng mang tên Helena nhưng không lẫn lộn vì có phụ danh khác nhau.

Helena Andreyevna Fadeyef là con trưởng, tiếp đó là Catherine về sau sinh ra Nicolas Witte là thủ tướng đầu tiên tại Nga, con thứ ba là Rostilav và chót hết là Nadyezhda chỉ hơn Helena Petrovna 2 tuổi và là người dì rất yêu quí của Helena Petrovna. Helena Andreyevna lập gia đĩnh năm 16 tuổi và sinh ra con đầu lòng là Helena Petrovna lúc 17 tuổi. Helena sinh thiếu tháng tại Ekaterinoslav (nay là Dnepropetrovsk) thành phố bên sông Dnieper ở miền nam nước Nga. Lúc ấy trong vùng có nạn dịch tả và Helena Andreyevna sinh con trong lúc mắc bệnh này, người ta không hy vọng là cả hai mẹ con sống sót nên gia đình cho mời giáo sĩ làm lễ rửa tội trẻ sơ sinh ngay sau đó. Theo nghi lễ của Chính Thống giáo tại Nga, người dự lễ đứng trong suốt buổi và nghi lễ thường kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. Cả gia trang gồm gia đình chủ nhân và trọn những người giúp việc (Nga lúc ấy còn chế độ nông nô) đều hiện diện, và bà dì tí hon Nadyezhda chỉ mới hai tuổi (sinh năm 1829) tay cầm nến sau một lúc mệt mỏi bèn ngồi bệt xuống đất cạnh chân giáo sĩ làm lễ. Bé gái Nadyezhda thiu ngủ, cây nến trong tay chao đi khiến lửa bắt vào áo lễ của giáo sĩ làm cháy áo mà không ai hay biết. Khi nghi lễ sắp xong thì người ta mới khám phá ra tai nạn và hốt hoảng dập tắt, nhưng chuyện huyên náo và giáo sĩ bị phỏng khiến có tiên đoán là cuộc đời của trẻ sơ sinh Helena Petrovna sẽ có lắm điều kỳ lạ.

Đại úy Hahn không hiện diện trong buổi lễ vì ông đang ở mặt trận trong cuộc tranh chấp Nga Thổ, nhưng qua năm sau gia đình đoàn tụ và rồi theo đại úy tới những nơi ông được phái đi. Năm 1834 Vera em gái của Helena chào đời, về sau Helena nhớ lại rằng trong những năm đầu tiên, bà vú cho hai chị em là những binh sĩ phục dịch cho cha. Trong khoảng thời gian này Helena và Vera thường được mẹ mang về nhà ông bà ngoại khi cha phải hành quân lâu. Ông ngoại Helena là Andrei Mihailovich Fadeyef được bổ nhiệm làm ủy viên trông coi các bộ lạc du mục Kalmuk tại Astrakhan nên Helena có dịp làm quen với Phật giáo và các vị Lama từ năm 6 tuổi, vì người Kalmuk là Mông Cổ theo Phật giáo Tây tạng. Cũng từ đây gia sư được mời dạy tiếng Anh cho hai trẻ. Năm 1838 ông Fadeyef làm thống đốc tỉnh Saratov bên sông Volga, Helena và Vera cùng với mẹ đi theo ông bà ngoại đến nhiệm sở mới của ông tại thành phố Saratov. Năm 1840 mẹ sinh ra em trai Leonid cho Helena và Vera, nhưng bà mắc bệnh lao và yếu dần. Dầu vậy việc học của Helena và Vera được chăm sóc kỹ với thầy được mời dạy Helena dương cầm và Đức ngữ. Helena thì không thích tiếng Đức cho lắm mà thích chạy nhẩy khắp nơi, chui hàng rào từ vườn nhà này sang nhà khác dù bị cấm, thích trèo lên cây lê cao rồi la hét trên đó, rung cây làm trái lê rơi quanh Vera. Tháng sáu năm 1840 lúc Helena hơn 10 tuổi thì mẹ qua đời, ông Hahn nay lên chức đại tá rời quân ngũ sau đó. Ba trẻ nhỏ được mang về nhà ông bà ngoại ở Saratov rồi Tiflis, từ đây bà ngoại trông coi việc giáo dục ba cháu với ba cô giáo dạy Helena và Vera tiếng Pháp, Anh và Đức chung với bà dí Nadyezhda.

Helena chịu ảnh hưởng của bà ngoại Helena Pavlovna Dolgorouky trong tuổi thiếu niên, bà Helena có học thức cao khác với tập tục thời bấy giờ, giao thiệp rộng rãi với các khoa học gia cùng thời như Sir Robert Murchison, chủ tịch London Geographical Society, nhiều nhà thảo mộc học, địa chất học. Khi tìm ra một mẫu sò hóa thạch Sir Robert dùng tên bà đặt cho mẫu hóa thạch ấy, gọi là Venus-Fadeyef. Bà biết năm sinh ngữ, có năng khiếu về nghệ thuật, vẽ bướm và hoa rất khéo và về nhiều mặt là một phụ nữ có nhân cách đáng nói. Gia đình Fadeyef có tiếng trong vùng và tuy Helena Pavlovna không đi thăm ai nhưng bà được quí chuộng đến mức người trong tỉnh luôn đến thăm viếng bà. Có nhận xét rằng bà là một khoa học gia vượt bậc, nếu sinh ở Âu châu thì hẳn sẽ rất có tiếng tăm nhưng tại Nga giá trị về mặt khoa học của bà không được nhìn nhận.

Trở lại cô cháu ngoại của bà thì cách giáo dục cho nữ giới thời ấy khác với ngày nay. Giai cấp của gia đình Helena chú trọng nhiều vào sinh ngữ mà không quan tâm lắm đến việc học toán hay những môn khác, bởi thiếu nữ thuộc dòng quí tộc không phải qua một kỳ thi nào hay cần có bằng cấp, nghề nghiệp. Họ cũng không học nữ công gia chánh vì đã có nông nô lo chuyện trong nhà. Giáo dục cho các cô là để ăn nói trôi chảy trong phòng khách, bàn tiệc, buổi dạ vũ, chính yếu là nói và viết Pháp văn thông thạo vì đây là ngôn ngữ giới quí tộc của Nga sử dụng. Thiếu nữ cần biết đọc chuyện và thơ Pháp ngữ, Anh ngữ, biết đàn dương cầm, biết vẽ và thêu thùa.

Từ thuở nhỏ Helena có khả năng kỳ lạ mà gia đình đều biết, như thấy vật hay người mà chỉ mình cô bé thấy, một trong những nhân vật này có hình dạng người Ấn uy nghi. Cô nhỏ cảm thấy quen thuộc với nhân vật như đó là thân nhân của mình, và mấy lần được nhân vật cứu khỏi tai nạn nguy hiểm. Thí dụ lúc còn là trẻ nhỏ Helena rất muốn xem một bức tranh vẽ có phủ màn trắng treo cao trên tường. Helena năn nỉ người nhà kéo bức màn cho mình xem tranh mà không được nên khi có dịp ở trong phòng một mình, Helena đẩy một cái bàn vào tường, đạt lên đó một cái bàn nhỏ, chồng thêm cái ghế bên trên rồi leo lên ghế, một tay vịn bức tường đầy bụi, tay kia vói kéo tấm màn. Helena mất thăng bẵng và không còn nhớ gì nữa. Khi tỉnh dậy bé gái thấy mình nằm trên sàn nhà không hề hấn, hai cái bàn và cái ghế được ai đó mang về chỗ cũ như trước, tấm màn được kéo che bức tranh trở lại và bằng chứng duy nhất cho thấy chuyện đã xẩy ra là vết bàn tay nhỏ bé còn in dấu trên tường phủ bụi bên dưới bức tranh. Chuyện khác là năm mười ba tuổi đang cỡi ngựa thì ngựa đâm ra sợ hãi, lồng lên bỏ chạy, Helena té khỏi yên nhưng chân còn vướng vào yên ngựa và bị kéo đi. Thay vì đầu va xuống đất và bỏ mạng, Helena cảm thấy có tay ai choàng ngang thân hình, đỡ lấy không chạm đất cho tới khi ngựa dừng lại.

Helena tính tình cương cường không chịu khuất phục ai khiến thầy cô mất kiên nhẫn. Cô học trò nhỏ không muốn tuân theo giờ giấc học cố định, nhưng lại tỏ ra có nhiều khả năng nhất là giỏi sinh ngữ và âm nhạc. Vera nhận xét chị mình Helena có đủ tánh tốt và tật xấu của chú bé trai năng động, thích phiêu lưu mạo hiểm, coi thường hiểm nguy và chẳng màng tới lời trách móc. Lúc sắp qua đời, Helena Andreyevna lo lắng cho tương lai con gái và nói như tiên tri: 'Thôi cũng may là mẹ chết trước và không phải chứng kiến việc gì sẽ xẩy đến cho Helena. Mẹ biết chắc một điều là đời của Helena sẽ không giống như các phụ nữ khác và Helena sẽ phải đau khổ nhiều.'

Ở nhà ông ngoại Fadeyev, thân nhân thấy rằng Helena không giống ai, hết sức linh hoạt, vui tánh, gan dạ, vô cùng cứng cỏi. Nó khiến Helena nghĩ ra lắm trò phá phách không có yểu điệu thục nữ chút nào, đầy lòng hiếu kỳ và mê say muốn tìm hiểu về cái chết, cái bí ẩn, lạ lùng huyền hoặc nhưng trên hết thẩy là ý muốn độc lập, đòi hỏi tự do làm theo ý mình mà không ai hay không cái gì có thể kiếm soát. Helena cũng có óc tưởng tượng hết sức phong phú kèm với tính nhậy cảm kỳ lạ, hễ có chống đối dù rất nhẹ cũng làm Helena phản kháng mạnh mẽ, tới mức các cô giáo và người nhà thấy rằng chỉ cần bị cấm làm việc gì là lập tức Helena làm ngay chuyện ấy, bất kể hậu quả ra sao. Thí dụ cỡi ngựa thì từ nhỏ Helena cỡi ngựa Cossack ngồi hai bên, trong khi lề thói bấy giờ nói rằng phụ nữ cỡi ngựa ngồi một bên. Năm 13 hay 14 tuổi, cha dẫn con gái sang Anh, Helena đòi cỡi ngựa ngồi hai bên nhưng đại tá Hahn không cho, Helena làm trận làm thượng một màn và đại tá Hahn thở phào nhẹ nhõm lúc hai cha con quay về Nga. Helena không màng tới lời khen chê lúc nhỏ, và khi lớn thì không màng dư luận, tập tục xã hội, chống báng lại những đòi hỏi của thói đời, không để ai khuất phục mình mà thách thức mọi người, mọi vật. Dầu vậy từ thuở nhỏ Helena có nhiều thiện cảm và quan tâm đối với người ở tầng lớp thấp, cô bé luôn luôn thích chơi với con của gia nhân trong nhà hơn là với trẻ khác cùng giai cấp, và gia đình phải trông chừng luôn kẻo Helena lẻn ra nhập bọn với đám trẻ trai rách rưới ngoài đường. Khi lớn thì Helena dửng dưng với giới quí tộc mà cô và gia đình thuộc về.

Ý chí cứng cỏi của Helena được cho là truyền trong dòng họ Dolgorouky, không ai kềm chế được ý chí cô nhỏ và không gì ảnh hưởng được bản chất ngang ngạnh, dũng mãnh, bất trị của Helena ngoại trừ lòng nhân ái như thấy nơi bà ngoại. Nói khác đi chỉ có người thuộc dòng Dolgorouky tức bà ngoại thì mới chế ngự, hướng dẫn được người khác cũng thuộc gia tộc này. Bà dạy cô một bài học mà Helena nhớ mãi về sau. Trong những năm theo cha ở trong doanh trại, bé gái Helena được binh sĩ dưới quyền ông chìu chuộng nhưng khi về ở với ông bà ngoại, Helena được báo trước là tự do của cô nhỏ sẽ bị giới hạn rất nhiều. Một hôm Helena không được toại ý với bà vú là người hầu trung thành lâu năm của ông bà ngoại và đánh vào mặt bà. Bà ngoại biết chuyện cho gọi cháu gái đến và Helena khai ra. Lập tức bà ngoại rung chuông trong dinh thự tụ họp tất cả mấy chục người hầu trong nhà, khi có mặt đầy đủ mọi người bà dạy cháu gái rằng cô không cư xử như thiếu nữ biết lễ nghĩa khi đánh vào mặt người hầu mà không có lý do chính đáng, cũng như bà vú bởi là thân phận nông nô nên không thể tự bảo vệ mình, bà ra lệnh cho cháu gái xin lỗi bà vú, hôn tay người hầu để tỏ ý chân thành của mình.

Helena đỏ mặt, phản ứng đầu tiên là muốn chống báng nhưng bà ngoại nói rằng nếu không vâng lời lập tức thì bà sẽ trục xuất khỏi nhà. Bà thêm là không một tiểu thư quí tộc chân chính nào lại không chịu sửa khi có lỗi với người hầu, nhất là với ai đã tận tụy một đời hết lòng phục dịch, được chủ nhân tin cẩn thương yêu. Bản tính rộng rãi và tốt bụng với người thuộc giai cấp thấp hơn mình, Helena òa khóc, quí xuống hôn tay bà vú già và xin lỗi. Về sau bà Blavatsky nói rằng chuyện này dạy cho bà là nguyên tắc đối đãi công bình với người mà địa vị xã hội khiến họ không thể đòi hỏi người gây hấn cư xử chính đáng với họ.

Khi được để yên một chỗ không bị ngăn trở, Helena ngồi một mình trong góc tối thì thầm tự kể những chuyện tuyệt vời về du hành đến các ngôi sao xa và các thế giới khác. Dinh thự ở Saratov có nhiều ngõ ngách dưới hầm, phòng trống bỏ không nhiều năm, tháp canh và vô số hốc, kẹt bí hiểm, trông nó giống như tòa lâu đài hoang phế thời trung cổ. Người quản gia dinh thự trước đây có tiếng là tàn ác, đánh đập nông nô rồi xiềng xích họ nhiều tháng trong hầm tối. Vera kể rằng bọn trẻ được cho đi khám phá những ngõ ngách trong hầm nhà, có hàng chục đầy tớ trai tráng cầm nến, đèn lồng đi theo bảo vệ. Lũ trẻ tìm thấy những chai rượu vỡ thay vì xương người, mạng nhện giăng đây vướng quần áo và không thấy xiềng xích chi, tuy nhiên óc tưởng tượng khiến chúng nhìn ánh nến lay động trên tường đá ẩm thấp và cho rằng hồn người chết hiện về. Mấy lần đi thám hiểm làm Helena tìm được chỗ an toàn để trốn học. Phải mất một thời gian lâu người ta mới khám phá ra bí mật của cô nhỏ, và mỗi lần vắng mặt Helena thì một nhóm gia nhân trai tráng lực lưỡng có cảnh sát thuộc dinh thống đốc đi theo được phái đi tìm Helena, bởi cần có người không phải là nông nô và không sợ Helena mới mang được cô nhỏ từ hầm lên nhà trên.

Helena dựng lấy một cái tháp cho mình trong góc bằng bàn ghế gẫy, sát cửa sổ có chấn song và cao tít gần nóc hầm. Cô nhỏ trốn ở đó hằng giờ mê mãi đọc chuyện. Vài lần Helena lạc lối dưới hầm, kẹt trong ngỏ ngách chằng chịt không biết đường ra nhưng không hề sợ hãi hay hối hận, nói chắc với lũ trẻ rằng mình không hề ở đó một thân một bóng mà luôn luôn có bạn chơi chung, sôi nổi trò chuyện với ai đó chỉ Helena thấy còn thì vô hình với mọi người khác.

Vera nói rằng Helena có tính khí rất lạ lùng, khi thì nghĩ ra đủ trò quậy phá không ai bằng và hết cơn phá phách thì học hành hết sức chăm chỉ chúi mũi vào sách trong thư viện của ông bà ngoại ngày đêm cho tới khi chán và quay sang chuyện khác. Ngay từ lúc còn rất nhỏ Helena kể hằng giờ cho các em và luôn cả người lớn những chuyện thật khó tin nhưng với thái độ vững vàng như của nhân chứng nhìn tận mắt, của người biết rõ mình đang nói gì.

Mặc dầu vậy, Helena có những sở thích khác đời. Nhà của ông ngoại là dinh thự lớn, rộng, xung quanh có vườn đầy những khe, ngách bí hiểm, có hồ nước và kế vườn là khu rừng tối đen thoai thoải dốc xuống bờ sông Volga. Helena cảm được sự sống kỳ bí trong thiên nhiên chung quanh mình, cô nhỏ thường trò chuyện với chim và thú vật và khi mùa đông tới không thể chạy chơi bên ngoài, cô nhỏ khám phá là phòng làm việc của bà ngoại là một thế giới khác cũng hết sức thú vị. Dinh thự thống đốc có một nơi dành riêng cho bộ sưu tập các vật thiên nhiên của bà ngoại nổi tiếng trong nước Nga thời đó, gồm các vết tích về cây cỏ, thú vật và đồ cổ. Trong đó cất nhiều vật lạ lùng như thú vật nhồi bông, đầu gấu hay cọp nhe nanh hăm dọa, trên tường có gắn những con chim bé tí ngộ nghĩnh dễ thương sặc sỡ đủ mầu, có cú vọ, diều hâu, kên kên và tít trên trần nhà là một con chim đại bàng xòe đôi cánh rộng oai nghi. Lại cũng có một con hồng hạc mầu trắng vươn cái cổ dài làm như thể nó là vật sống. Khi đám trẻ vào phòng chúng hoặc ngồi lên lưng con ngựa dồn bông hay con hải cẩu trắng, và tưởng tượng như những con vật này bắt đầu chuyển động. Helena sẽ kể nhiều chuyện thật lôi cuốn mà cũng rùng rợn, đặc biệt về con hồng hạc trắng. Những lúc không thấy cô nhỏ đâu và cả nhà đi tìm cả mấy tiếng đồng hồ thì gặp Helena đang say sưa trò chuyện với con hải cẩu và cá sấu nhồi bông, nói rằng mấy con thú này kể cho mình nghe đủ chuyện thích thú về đời của chúng, còn chim bồ câu nuôi trong nhà thì khẽ nói vào tai Helena bao nhiêu là chuyện thần tiên.

Thiên nhiên đối với Helena có sự sống riêng linh động của nó. Helena bảo nghe được tâm tình của mọi vật mọi hình thể dù sống hay chết, thấy những lực huyền bí ở nơi chỉ mình Helena thấy và nghe còn đối với ai khác thì chỉ là khoảng không trống vắng hay là vật vô hồn là hòn sỏi, ngọn đồi hay mảnh gỗ mục. Cách biệt thự của thống đốc vài trăm thước là một bãi cát rộng, hiển nhiên là đáy biển hay đáy hồ xưa kia vì trong đất có những mẫu cá, vỏ sò, răng thú vật hóa đá. Phần lớn các cổ vật này đã vỡ vụn sứt mẻ theo với thời gian. Helena có vô số chuyện để kể về thời đại xa xưa này. Vera nhớ lại rằng Helena nằm dài trên đất, hai tay nâng cằm, cùi chỏ lún sâu vào cát mơ màng kể lớn tiếng chuyện ngày xửa ngày xưa, thấy trước mắt thật rõ ràng, sống động như sờ sờ ra đó. Helena tả lại thật nên thơ cảnh sống dưới biến của những con vật này, kể như thật những cuộc tranh dành đánh nhau ở nơi cô nhỏ đang nằm, đoán chắc với lũ trẻ là mình thấy hết các trận ấy, lấy ngón tay vẽ lên cát hình dạng kỳ dị của những con thủy quái đã chết từ lâu, làm bọn trẻ gần như thấy được mầu sắc của thú vật và thảo mộc xưa kia trong vùng. Helena có tài lôi cuốn người nghe theo mình, làm họ như thực sự thấy cái mà chính cô nhỏ thấy. Khi nghe mô tả về những lượn sóng xanh dịu dàng phản ảnh tia nắng mặt trời lên cát vàng dưới đáy biển, dãy san hô và động dưới nước có thạch nhũ, hay cỏ biển lá xanh phất phơ xen lẫn những con sao biển mỏng manh lấp lánh, lũ trẻ tưởng như sóng biển êm ái mát lạnh đang mơn trớn thân hình, óc tưởng tượng của chúng bay bổng theo lời thêu dệt của Helena và quên hoàn toàn thực tại.

Có lần Helena làm lũ trẻ sợ mất hết hồn vía. Chúng đang say mê lạc vào cảnh thần tiên theo lời kể chuyện thì Helena đột nhiên đổi chuyện từ quá khứ sang hiện tại, bảo chúng tưởng tượng là những lượn sóng mát, xanh đầy tôm cá nay bao trùm chung quanh:

- Nhìn kìa, kìa, sóng đang tràn tới, nước bao bọc tụi mình. Mình đang ở sâu dưới nước!

Helena ngồi nhổm dậy trên cát, nói như thật, giọng nói đầy vẻ kinh ngạc, hoảng hốt, nét mặt trẻ thơ lộ sự kinh hoàng và thình lình đưa hai tay lên che mắt như hay làm lúc bị khích động, Helena ngã xuống cát gào lớn:

- Sóng tới kìa. Biển ngập, tụi mình chết đuối hết!

Lũ trẻ té xuống, úp mặt la hét như tin rằng nước phủ kín cả bọn và không còn ai sống sót.

Helena cũng thích chiều tối đưa lũ trẻ vào phòng rộng, tối đen nơi cất giữ thú nhồi bông của bà ngoại và kể chuyện dựng tóc gáy cho chúng nghe, bảo rằng mỗi con thú trong phòng kể chuyện đời mình cho cô bé.

Đây là gia đình theo Thiên Chúa giáo, vậy Helena nghe thuyết luân hồi ở đâu hay ai có thể nói về thuyết này cho cô nhỏ biết ? Dầu vậy, Helena nằm dài lên con vật ưa thích của mình là con hải cẩu khổng lồ nhồi bông, vuốt ve làn da mềm, trắng trơn của nó và kể cho lũ trẻ nghe những cuộc phiêu lưu của con hải cẩu đầy mầu sắc, quyến rũ làm trẻ nhỏ cũng như người lớn say mê, nhất là lũ trẻ tin như thật từng chữ Helena thốt ra.

Helena cũng thích nghe chuyện người khác kể. Trong số gia nhân có một bà vú già biết nhiều chuyện đời xưa làm bọn trẻ rất thích, buổi tối chúng đeo quanh bà năn nỉ được nghe kể những chuyện thần tiên. Nghe rồi thì tất cả quên đi nhưng Helena không hề quên, cũng không tin rằng đó chỉ là tưởng tượng mà bảo những chuyện phiêu lưu mạo hiểm tuyệt vời nhất là có thật, như người ta có thể biến thành thú vật hay bất cứ hình thể nào họ muốn nếu biết cách, hay có thể bay nếu ước muốn thật mạnh. Helena đoán chắc với lũ trẻ rằng tiên thánh lúc nào cũng hiện diện, ngay bây giờ cũng có và chỉ lộ ra cho ai xứng đáng thấy họ, ai chịu tin mà không cười chê, và cô nhỏ đưa tay chỉ một ông cụ trăm tuổi sống trong rừng gần dinh thự làm thí dụ. Dân chúng trọng ông như người biết phép thuật vì ông sẵn lòng chữa bệnh cho tất cả những ai đến cầu cứu mà cũng khiến ai làm ác mắc bệnh để trừng phạt. Ông cụ nuôi rất nhiều ong, chung quanh nhà đầy những tổ ong. Mỗi khi ra thăm ong người ông cụ phủ đầu ong từ đầu đến chân, ông thọc cả hai tay vào tổ không ngần ngại, lắng nghe ong vo ve điếc tai và dường như trả lời lại. Ong gần như ngưng vo ve mỗi khi ông nói thứ tiếng riêng với chúng mà chỉ có ông hiểu, nói lầm thầm như hát. Thấy rõ là ong và ông cụ trăm tuổi hiểu được ngôn ngữ của nhau.

Lần nào đến thăm Helena cũng hỏi đủ thứ chuyện để chăm chú nghe ông cụ giải thích làm sao hiểu được ngôn ngữ của ong, chim và thú vật, còn ông thì tiên đoán với lũ trẻ:

- Cô gái này khác hẵn các con, nhiều chuyện vĩ đại sẽ đến với cô sau này. Tiếc là già không sống lâu để thấy được những việc này nhưng chúng sẽ tới.

Năm 1847 ông ngoại Fadeyef được bổ làm giám đốc bộ thổ trạch vùng Transcaucasia, gia đình ông bà cùng ba cháu đến Tiflis nơi đăt nhiệm sở của ông. Trong tuổi thiếu niên Helena thích chọc phá, cười đùa gây huyên náo, và tính cứng cỏi không chịu khuất phục ai vẫn còn, sinh ra lòng chán ghét tập tục xã hội. Cô không thích trang phục lộng lẫy, lượt là, xã hội với lời ăn tiếng nói trau chuốt nhưng giả dối và cũng không thích dạ vũ. Lòng chán ghét này được lộ rõ khi năm 16 tuổi bị ép buộc phải dự buổi dạ vũ lớn, Helena phản đối không muốn đi nhưng người lớn trong nhà không thuận, bảo rằng nếu cô không chịu thì sẽ gia nhân sẽ thay y phục cho cô để đi dự. Nghe vậy Helena cố ý ngâm chân vào chậu nước nóng lâu tới mức phỏng chân phải ngồi nhà 6 tháng.

Helena lập gia đình với ông Nikifor Vassilyevich Blavatsky 40 tuổi năm cô 17 tuổi (7-1848). Về sau này những người thân cận với Helena đưa ra các lời giải thích khác nhau về chuyện ấy. Bà dì Nadyezhda viết:

- Cô gia sư một hôm nói rằng Helena sẽ không kiếm được tấm chồng với tính tình và thái độ của mình, và thêm rằng ngay cả ông Blavatskỵ lớn tuổi mà Helena chê là xấu, bảo ông như 'con quạ trụi lông', cũng không muốn lấy Helena làm vợ. Thách thức như vậy là đủ. Ba hôm sau Helena nói sao đó làm ông Blavatsky ngỏ lời cầu hôn và Helena nhận lời. Thiếu nữ kinh hoàng với chuyện mình làm và tím cách rút lui nhưng đã trễ.

Tuy nhiên lại một nhận xét nói rằng có động cơ khác cho việc Helena thành hôn, đó là vào khoảng thời gian này tại Tiflis có hoàng thân Galitzyne thường đến chơi nhà ông bà ngoại Fadeyef. Hoàng thân được xem là người hiểu biết nhiều về huyền thuật, trò chuyện mật thiết với Helena nên có thế đã gieo cho Helena ý tưởng muốn tìm hiểu nhiều hơn về huyền bí học, và gián tiếp đưa đẩy tới việc cô dâu Helena bỏ nhà ra đi.

Bà Blavatsky cũng ghi rằng mình nhận lời cầu hôn để đáp trả lại lời thách đố của cô gia sư. Người khác quen thân với gia đình Helena thì cho rằng nó là ý Helena muốn được tự do hơn, nghĩ rằng khi lập gia đình sẽ thoát được những gò bó trói buộc đối với một thiếu nữ trong xã hội bấy giờ. Ta biết được đích xác thời gian hôn lễ vì Vera ghi rằng tám ngày trước hôn lễ cậu em họ Serguey Yulyevich de Witte sinh ra, sau này là thủ tướng của Nga. Serguey là con của bà dì Catherine, em gái của mẹ Helena.

Ông Blavatsky khi đó là phó thống đốc tỉnh Yerivan nay là thủ đô nước Armenia thuộc dòng họ có tiếng. Dầu vậy khi hôn lễ cử hành và theo thủ tục giáo sĩ nhắc đến bổn phận người vợ là 'quí trọng và tùng phục chồng' thì Helena nói nhỏ 'Chắc chắn tôi không làm vậy'.

Sau hôn lễ Helena tìm cách bỏ đi nhưng không được vì chung quanh có gia nhân trông nom kỹ, mãi đến ba tháng sau cô mới có dịp lấy ngựa quay trở về nhà ông bà ngoại ở Tiflis. Gia đình bàn tính và quyết định gửi Helena về cho cha lúc ấy đang ở St Petersburgh. Ông dàn xếp cho Helena tới Odessa trên bờ Hắc Hải gặp mình. Trên đường đi tới đó tầu phải ghé vài nơi, Helena nại cớ cho gia nhân lên bờ trước để xếp đặt chỗ cư ngụ còn mình ở lại chờ trên tầu đến sáng, nhưng đêm hôm ấy tầu ra đi mang theo Helena sang Thổ Nhĩ Kỳ và Helena bắt đầu chuyến du lịch dài, 10 năm sau mới trở về Nga.

Du Lịch Thế Giới.

Tại Constantinople, Helena gặp được người quen và cùng với họ sang Cairo. Sự việc có vẽ ngẫu nhiên này được xem là không hẳn vậy, mà có thể do hoàng thân Galitzyne xếp đạt sau khi biết ý định muốn học hỏi huyền bí học của Helena, để giúp cô toại ý. Helena tiếp xúc được với một huyền bí gia có tiếng tại Cairo khi ấy là Paulos Metanon, có sách cho đây là chân sư S. của Ai Cập, và chứng kiến vài hiện tượng lạ, thí dụ như có lần chịu ảnh hưởng của huyễn tưởng hay Maya. Khi ấy Helena đi trong sa mạc với chân sư và tối đến dừng chân nghỉ đêm, cô tỏ ý muốn được uống tách café au lait như ở Pháp. Chân sư đáp:

- Được lắm, nếu con thích như thế.

Ngài đi tới túi da chứa nước treo trên lạc đà, lấy nước và khi quay trở về lều thì trên tay có tách nước tỏa khói thơm ngào ngạt mùi cà phê sữa. Tự nhiên Helena nghĩ đây là hóa phép tạo hiện tượng vì biết ngài có nhiều quyền năng, cô cám ơn rối rít và hân hoan uống tách cà phê nóng, khen rằng chưa bao giờ uống được cà phê như vầy, ngon hơn ở cửa hàng Café de Paris. Chân sư không nói gì chỉ cúi nhẹ người và đứng như muốn chờ lấy lại tách, trong khi đó Helena vừa nhấp cà phê vừa vui vẻ trò chuyện, nhưng đột nhiên cô thấy là cà phê biến mất mà không có gì khác hơn là nước thường trong tách. Nãy giờ tách vẫn chỉ có nước nhưng Helena chìm trong huyễn tưởng, cho rằng mình đang uống, ngửi và nhấm nháp cà phê Mocha.

Sau Ai Cập Helena đi qua vùng mà ngày nay là Lebanon sau đó là châu Phi và cũng gặp được nhiều nhân vật kỳ lạ với quyền năng khác thường, ta có thể nói là Helena khởi đầu cho việc đi tìm các hoạt động về huyền bí học từ đây. Ở Lebanon khi đến thăm cảnh điêu tàn với phế tích trong vùng hoang vắng, một thuật sĩ (magician) làm cho bạn đồng hành với Helena và cô thấy lại cảnh tượng xưa kia khi nơi này là đô thị rộng lón mút tầm mắt với đền đài hùng vĩ. Rồi hình ảnh mờ dần chỉ còn lại phế tích là dấu vết của đền thờ xưa ẩn hiện trong nhang khói mà thuật sĩ đốt lên, và tiếng sủa của linh cẩu từ xa vọng về.

Helena không viết nhật ký nên người sau khó có thời gian chính xác cho những diễn biến từ sau cuộc hôn nhân năm 1848 đến khi qua Mỹ năm 1873, vì vậy ta phải dựa vào lời kể của một số nhân vật có dịp tiếp xúc với Helena trong thời gian đó. Có vẻ như Helena sang Anh năm 1851 và gặp thầy của mình là đức M. lần đầu tiên tại đây. Đại tá Hahn, cha của Helena, gứi chi phí tài trợ những cuộc hành trình này cho con và đó hẳn phải là tài trợ đáng kể vì khách sạn mà bà cư ngụ là khách sạn nổi tiếng khi ấy (gọi là Mivarts Hotel) cũng như hiện nay (đổi tên thành Claridge's), và năm 1851 đông đảo du khách tới London dự cuộc đại triển lãm nghệ thuật và thương mại mà nổi bật nhất là dinh pha lê (Crystal Palace), một công trình vĩ đại bấy giờ.

Helena thuật rằng đức M. tới London như là một nhân vật trong phái đoàn của thứ tướng Nepal sang thăm nữ hoàng Victoria năm ấy, nhưng khi tính lại thì báo chí tường thuật phái đoàn Nepal yết kiến nữ hoàng năm 1850 còn cuộc đại triển lãm diễn ra năm sau. Vì vậy có ý kiến cho rằng H.PếB. khi viết lại chuyện xưa đã tưởng là hai việc xẩy ra cùng lúc. H.P.B có thói quen sau này rất có ích cho người tra cứu đời bà, là có những tập ký sự (scrapbook) chứa đựng nhiều chi tiết cho phép ta xếp đặt lại chuyện cũ khá chính xác. Đó không phải là nhật ký, mà là tập lưu lại bằng cớ những chuyện liên quan đến bà hay đến hội sau này. Thí dụ như các bài báo H.P.B đã viết được cắt, dán vào tập có lời chú thích đôi khi hài hước của bà bên cạnh, hay tranh do bà vẽ.

Nữ bá tước Watchtmeister, một trong những người thân cận với H.B.P. vào mấy năm cuối đời bà, ghi rằng theo lời kể của H.P.B. năm 1885-6 thì tại London năm 1851 bà tình cờ gặp một người Ấn Độ cao lớn đi cùng với vài hoàng thân Ấn Độ (nữ bá tước viết thêm rằng bà cũng có mặt tại Anh cùng lúc và nghe chuyện là các nhân vật trong phái đoàn Nepal rất đường bệ, đặc biệt một người thuộc nhóm này rất đỗi cao lớn). Helena lập tức nhận ra đó chính là nhân vật mình thường hay gặp trong thể tình cảm từ lúc nhỏ. Cô muốn chạy đến chào nhưng ngài ra dấu cô đứng yên và Helena đứng như trời trồng khi ngài tiếp tục đi.

Qua hôm sau Helena đi dạo công viên Hyde Park để trong cảnh vắng vẻ ngẫm nghĩ về cuộc du hành lạ lùng của mình, ngẩng đầu lên cô thấy ngài đang tiến lại. Trong cuộc nói chuyện tiếp sau đó, chân sư cho Helena hay là ngài đến London cùng với các hoàng thân Ấn Độ vì một chuyện quan trọng và ngài muốn gặp chính cô vì cần sự hợp tác của cô trong phần việc ngài sắp làm. Chân sư cho Helena hay việc sẽ thành lập hội và muốn cô là người thực hiện điều ấy, ngài vạch sơ ra tất cả những vấn đề cô sẽ phải gặp, cũng như cô phải sang Tibet ba năm để được huấn luyện cho công việc quan trọng này.

Một thời gian sau khi H.P.B. kể chuyện trên, bà dì Nadyezhda gửi sang H.P.B. một bưu kiện nhiều món, nữ bá tước soạn các món đưa cho H.P.B. thì thấy có một tập ký sự, mổ ra H.P.B. vui mừng reo lên, gọi bà tới xem đoạn viết ngày gặp chân sư nguyên văn bằng Pháp ngữ:

- Nuit mémorable! Certaine nuit au clat de la lune qui se couchait à Ramsgate 12 Aoùt: 1851 lorsque je rencontrais M, le Maitre de mes rêves!! Le 12 Aoũt c'est Juiller 31 style russe jour de ma naissance —Vingt ans!

(Đêm đáng nhớ! Đêm trăng sáng lúc trăng lặn tại Ramsgate 12 - 8 - 1851 tại Ramsgate khi được gặp đức M, vị chân sư trong mơ ước của tôi. 12 tháng tám 1851 là 31 - 7 theo lịch cũ của Nga, sinh nhật tôi 20 tuổi!)

Tập ký sự này hiện lưu trữ tại văn khố của hội ở Adyar. Đọc hàng chữ trên nữ bá tước hỏi H.P.B. là tại sao ghi Ramsgate mà không phải London, thì được cho biết ghi như thế để che mắt khiến ai tình cờ đọc sẽ không biết nơi chốn thật của sự việc (xin đọc thêm Fuller).

Vào mùa thu 1851 Helena rời Anh đi Canada, Hoa Kỳ, Mexico, Peru, được nghe kể nhiều chuyện lý thú về nền văn minh xưa của người bản xứ, chẳng hạn như một kho tàng vô giá còn chôn kín trong lòng núi giữa Peru và Bolivia, và chỉ được khám phá khi mọi vết tích cai trị của Tây Ban Nha biến mất khỏi trọn bắc và nam Mỹ. Helena sang Ấn Độ lần thứ nhất năm 1852 với ý muốn vào Tibet nhưng lần đầu tiên tìm cách vào Tibet này bất thành (1853), Helena đành quay xuống miền nam nước Ấn. Ta không có chi tiết đáng tin về hoạt động của H.P.B. sau đó, tuy nhiên Vera kể rằng trong năm 1853 - 54 Helena ở tại Anh và là nhạc sĩ trong ban hòa tấu Philharmonic Society of London. Những người quen thân Helena vào giai đoạn này hay giai đoạn khác trong đời Helena đều nói chung một điều rằng bà chơi dương cầm rất tài giỏi. Vào tháng sáu 1854 Helena gặp được chân sư lần nữa khi ngài qua Anh theo phái đoàn của một thân vương Ấn, nghiên cứu cho thấy đó có lẽ là hoàng thân Dhuleep Singh Maharạịa của Lahore đến diện kiến nữ hoàng Victoria. Trong cuộc gặp gỡ này ngài cho hay vận mạng của cô nằm ở đất Ấn, 'nhưng đó là chuyện 28, 30 năm sau'.

Helena sang New York mùa hè 1854, đi xuống California, Mexico rồi nam Mỹ, năm 1855 sang Nhật và trở lại Ấn lần thứ hai, tìm cách vào Tibet năm 1856 qua ngã Kashmir. Sách vở ghi rằng năm 1893 ông Olcott gặp một cựu tướng Anh tại Ấn Độ đã hồi hưu. Viên tướng này cho hay đã cầm giữ Helena lại khi cô tìm cách sang Tibet qua ngã Nepal khoảng 1854 hay 55 lúc ông là đại úy vùng biên giới. Anh bấy giờ đang cai trị Ấn, lệnh cấm nói rằng không một người Âu châu nào được băng qua sông Rungit vì gần như chắc chắn là họ sẽ bị bọn cướp trong vùng sát hại. Viên tướng nhớ lại là Helena rất tức bực vì bị giữ lại, và rồi sau đó bỏ đi khắp nước Ấn. Nghiên cứu thấy là hồi tưởng trên không đúng lắm vì tra lại văn kiện người ta thấy rằng sĩ quan này có nhiệm vụ canh phòng biên giới là từ tháng 10 - 1855 đến tháng 3 - 1856, tức trong khoảng thời gian Helena tìm cách vào Tibet lần thứ hai (1856) mà không phải thứ nhất, và lần này cũng không thành công. Tuy không tới được nơi ngài cư ngụ nhưng Helena ghi rằng việc huấn luyện về huyền bí học cho mình bắt đầu từ năm 1856 khi dong ruổi qua trên đất Ấn, và năm 1857 Helena vâng lời ngài rời khỏi Ấn trước khi có cuộc nổi loạn xẩy ra nơi này vào tháng 5 - 1857.

Helena đi Java, đông nam Á, qua Mỹ, sang Pháp, Đức và trở về Nga. Tính ra cô rời nước 10 năm và có ý kiến nói rằng Helena vắng nhà thời gian dài như vậy là do luật Nga lúc bấy giờ đòi hỏi hai vợ chồng phải ly thân 10 năm mới được phép ly dị. Về những chuyến du hành của Helena, ta có thêm một nhân chứng năm 1900. Một người Ấn du lịch Trung Hoa gửi thư cho bạn nói rằng khi trò chuyện với các lama trong vùng mà họ đi qua, họ được biết là bà Blavatsky đã có lần đến thăm nơi này và tham thiền ở đây một thời gian. Đây là vùng núi non có nhiều hang động, cảnh trí xinh đẹp và là nơi ưa chuộng của các lama.


 

CHƯƠNG II

Trở Về Nga.

Helena trở về Nga vào ngày 6-1-1859 là ngày giáng sinh theo Chính Thống giáo, đoàn tụ cùng cha là đại tá Hahn và gia đình tại Pskoff, cách thủ đô St. Petersburg 180 cây số về phía tây gần biên giới với Estonia, ở trang trại gia đình cha chồng của Vera là tướng Yarmontoff. Nghe tiếng chuông cửa Vera đột nhiên tin rằng đó là Helena, chạy ùa ra không để cho người quản gia mở cửa mà tự mình làm, và mừng rỡ đón chị nhưng thắc mắc làm sao Helena biết cả nhà đang ở nơi đây. Ngay từ buổi tối hôm ấy Vera nhận thấy là Helena đã sở đắc những quyền năng khác lạ. Dù thức hay ngủ chung quanh Helena luôn có nhiều tiếng động lạ lùng, chuyển động kỳ bí, có tiếng gõ từ mọi hướng như trên bàn ghế, thành cửa sổ, trần nhà, sàn nhà, và trên tường. Tiếng gõ thật hiển hiện là có sự thông minh trong đó, như ba tiếng là 'có', hai tiếng là 'không'. Helenna bảo hiện tượng phát ra không do ý muốn của mình, nhưng cô có thể dùng ý chí điều khiển nó xẩy nơi này hay nơi khác, và cũng có thể làm cái khó hơn là giảm bớt hay ngưng nó lại. Khi được hỏi là nguyên nhân nào sinh ra hiện tượng thì cô trả lời 'Tinh linh'.

Gia đình của Helena giao thiệp rộng nên có nhiều khách đến chơi, sự hiện diện của Helena lôi cuốn đông người ghé thăm, đạt câu hỏi để nghe tiếng gõ trả lời, có khi là một câu dài bằng những thứ tiếng khác nhau trong đó có tiếng Helena không biết. Vera kể lại cảnh tượng những buổi ấy là Helena chịu để cho mình bị thử nghiêm mọi cách dù là kỳ quặc thế mấy, để chứng tỏ cô không dùng xảo thuật để sinh ra hiện tượng. Cô ngồi yên lặng trên ghế trường kỷ hay trên ghế bành thêu may, không tỏ vẻ quan tâm gì và dường như không để ý chút nào hay dự phần tích cực vào cảnh hào hứng mà cô tạo ra chung quanh mình. Một người khách nghe tiếng gõ tính ra mẫu tự, người khác ráp lại thành câu trả lời, còn những người khác thì đặt câu hỏi trong trí và luôn luôn được trả lời mau lẹ. Trong lúc ấy khách chung quanh thảo luận sôi nổi lớn tiếng, đôi khi tỏ ra ngờ vực hay chê bai nhưng Helena kiên nhẫn và thản nhiên nghe, chỉ cười nhẹ hay nhún vai thay cho trả lời.

Để mọi người không còn cớ chi nghi hoặc, Helena thuận theo cả những đòi hỏi ngu ngốc nhất như để cho mình bị lục soát, có dây cột tay chân. Để trả đũa thỉnh thoảng Helena chọc phá ai tỏ ý nghi ngờ mình, thí dụ có lần tiếng gõ phát ra từ bên trong kính đeo mắt của một giáo sư trong khi Helena thì ngồi phía bên kia phòng. Tiếng gõ mạnh tới nỗi làm rơi kính khỏi mũi giáo sư khiến ông tái mặt kinh hoảng. Lần khác khi một phụ nữ ưa làm điệu bộ và kiêu hãnh hỏi rằng vật gì tốt nhất để sinh ra tiếng gõ, và có phải là hiện tượng xẩy ra ở đâu cũng được hay sao; câu trả lời tỏ ra lạ lùng và khó hiểu. Người ta ráp tiếng gõ lại thành chữ 'Vàng', và tiếp theo là câu 'Sẽ chứng tỏ cho bà ngay lập tức'. Thiếu phụ giữ nụ cười trên môi miệng hơi hé mở, nhưng câu trả lời vừa đưa ra thì mặt bà hóa tái nhạt và nhẩy dựng khỏi ghế, tay bịt lấy miệng, gương mặt nhăn nhó tỏ vẻ kinh ngạc, sợ hãi. Tại sao ? Vì bà cảm thấy tiếng gõ trong miệng như thú thật sau đó, còn những người chung quanh nhìn nhau đây ý nghĩa. Ngay cả trước khi bà thú nhận ai nấy biết rằng bà cảm thấy có tiếng nốc mạnh và tiếng gõ trong vàng của chiếc răng giả, và khi bà đứng dậy vội vàng ra khỏi phòng thì mọi người phá ra cười ầm ĩ.

Như chuyện thường thấy, những ai thân thiết gần gũi nhất với Helena là người nghi ngờ hơn ai hết khả năng huyền bí của cô. Cậu em trai Leonid và cha cô không tin vào chứng cớ lâu hơn bất cứ ai, cho tới khi cuối cùng lòng nghi ngờ của Leonid bị lung lay mạnh mẽ do chuyện sau. Phòng khách hôm ấy đông đầy khách đến chơi, người đánh đàn, kẻ khác chơi bài nhưng đa số thì bàn tán về hiện tượng. Leonid không chú tâm vào một chuyện gì đặc biệt mà chậm rãi đi quanh phòng, nhìn ngắm mọi người mọi chuyện. Cậu là thanh niên mạnh mẽ, bắp thịt săn chắc đang học đại học và chẳng tin ai hay tin chuyện gì. Cậu đứng lại sau lưng ghế của bà chị lớn, lắng nghe chị kể chuyện là người đồng có thể làm cho vật hóa nặng tới mức không sao nhấc lên được, hay làm cho vật bình thường nặng bỗng hóa nhẹ lạ lùng. Thanh niên ngạo nghễ hỏi chị:

- Rồi chị cho là mình có thể làm được vậy ư ?

- Người đồng làm được còn chị thỉnh thoảng cũng làm nhưng không phải lúc nào cũng thành công... để thử coi. Chị sẽ nhắm vào cái bàn nhỏ này xem sao. Ai muốn thử thì tới nâng lên bây giờ, rồi sau đó thử nâng trở lại sau khi chị làm cho bàn nặng thêm.

- Chị không đụng tới cái bàn chứ ?

- Chị đụng làm gì ?, Helena trả lời và cười nhẹ.

Nghe lời khẳng định kỳ lạ đó một thanh niên bước thẳng tới cái bàn nhỏ dành để chơi bài chỉ có một chân, nhấc nó lên nhẹ như không.

- Được lắm, Helena nói, bây giờ xin vui lòng để yên bàn và đứng lui lại.

Ai nấy vâng lời lập tức và phòng yên lặng hoàn toàn. Mọi người nín thở, hồi hộp xem Helena sẽ làm gì kế đó. Cô chỉ nhìn đăm đăm với đôi mắt to vào cái bàn nhỏ, tia mắt thật mạnh. Rồi không rời mắt khỏi vật cô yên lặng đưa tay mời thanh niên trên thử nâng bàn. Anh lại gần nắm lấy chân bàn đầy tự tin và nhấc lên, nhưng không sao làm nó nhúc nhích! Thanh niên dừng lại nói chậm rãi:

- Hay thiệt!

- Hay đó! Leonid hùa theo, nhưng nghi là thanh niên đồng tình với chị mình để lừa khách nên cậu đột nhiên hỏi chị:

- Em thử được không ?

- Cậu làm đi, bà chị vừa cười vừa nói.

Cậu em đi tới miệng mỉm cười, đưa cánh tay rắn rỏi nắm lấy chân bàn nhưng lập tức nụ cười biến mất và gương mặt lộ vẻ kinh ngạc không thành tiếng. Thanh niên lui lại một chút nhìn ngắm kỹ cái bàn đánh bài quen thuộc, đá một cái thật mạnh nhưng cái bàn nhỏ vẫn không nhúc nhích. Đột nhiên cậu áp ngực vào bàn, vòng hai tay ôm lấy nó tìm cách lắc. Gỗ kêu răng rắc nhưng vẫn đứng yên không chuyển động, làm như ba chân bàn có vặn ốc dính chặt xuống sàn nhà. Leonid không hy vọng nữa và buông tay, bước qua bên, nhăn trán miệng lẩm bẩm hai chữ:

-Lạ chưa...!

Cuộc bàn tán sôi nổi lớn tiếng thu hút nhiều khách từ phòng khác tụ lại nơi đây. Nhiều người, già cũng như trẻ thử nhấc hay tìm cách làm cái bàn nhúc nhích nhưng nó vẫn trơ trơ, không ai thành công cả. Nhìn thấy cậu em kinh ngạc và có lẽ muốn cậu mất hẳn sự ngờ vực, Helena thản nhiên cười và nói:

- Bây giờ thử nhấc cái bàn lần nữa xem sao!

Leonide ngần ngừ đi tới, nắm lấy chân bàn đẩy mạnh lên, thiếu chút nữa bị trặc tay vì dùng sức quá mạnh không cần thiết, lần này cái bàn nhấc lên như lông chim nhẹ hẫng!

Đai Tá Hahn

Vài tháng sau Vera lên thủ đô St. Petersburg lo công chuyện và Helena cùng cha đi theo, cả gia đình ngụ tại Hôtel de Paris. Tại thủ đô gia đình gặp gỡ bạn bè và một buổi tối hai người bạn già trong quân ngũ của đại tá Hahn đến chơi. Họ rất để ý phong trào Thông linh học (Spiritualism) đang có và cố nhiên muốn được thấy hiện tượng. Sau khi chứng kiến vài điều lạ lùng, khách tỏ ý kinh ngạc và không biết nghĩ sao về quyền năng của Helena, họ cũng bảo không hiểu hay giải thích được sự dửng dưng của đại tá Hahn đối với những hiển hiện này. Nói về cha của mình Vera ghi rằng ông rất thông minh, hiểu biết rộng và là người hoài nghi cái khác thường từ trước đến nay. Ông là mẫu người mà người Nga gọi là 'Voltarian'. Tối hôm ấy ông thản nhiên ngồi chơi bài một mình trong khi các hiện tượng kỳ lạ xẩy ra chung quanh. Khi nghe hai bạn tỏ ý thắc mắc về thái độ của mình, đại tá đáp rằng nó chỉ là chuyện tầm phào và ông không muốn nghe cái vớ vẩn như thế. Lời chê bai này không làm hai vị khách lớn tuổi mất hứng, mà trái lại họ khăng khăng rằng đại tá Hahn nên vì tình bạn mà thử làm thí nghiệm xem sao, trước khi bác bỏ hiện tượng con gái ông làm là không quan trọng hay là cái không thể nào có được.

Hai người bạn đề nghị ông thử những cái vô hình và quyền năng của chúng bằng cách sang phòng khác viết một chữ không cho ai thấy, rồi yêu cầu tiếng gò nhắc lại. Ông cụ chắc nhiều phần tin rằng mình sẽ thắng cuộc và sẽ có dịp cười hai người bạn già hơn là muốn làm họ vui lòng, nên cuối cùng chấp thuận. Để lại những lá bài trên bàn, ông sang phòng bên cạnh viết một chữ vào mảnh giấy bỏ vào túi, sau đó ông trở lại với bộ bài và yên lặng chờ đợi, cười mỉm với hàng râu xám trên mép. Một ông khách nói.

- Tốt, trong chốc lát sẽ biết ai được thua, ông bạn già bảo sao đây nếu chữ ông viết được nhắc lại đúng ? ông chịu tin có chuyện như vậy không ?

- Lúc này tôi chưa nói được gì nếu chữ đoán ra đúng, ông dè dặt đáp. Tuy nhiên có một điều tôi có thể đáp là một khi tôi tin được thuyết Thông linh học và chuyện có hiện tượng, tôi sẽ sẵn sàng tin có ma quỷ, thần tiên, phù thủy, đủ hết chuyện mê tín dị đoan, và quí vị có thể cho tôi nhập viện tâm thần.

Nói xong ông tiếp tục chơi bài và không màng gì nữa đến việc xẩy ra... Vera nhắc lại mẫu tự mà tiếng gõ cho biết (một tiếng gõ là A, hai là B V.V.), viên tướng già viết xuống còn Helena dường như chẳng làm gì hết...

Khi xếp lại những mẫu tự theo tiếng gõ thì họ được một chữ thật kỳ lạ, quái dị không có liên hệ gì đến bất cứ điều gì mà đại tá Hahn có thể viết ra. Mọi người tin rằng đó phải là câu rắc rối nên họ nhìn nhau sững sờ, nghi ngại không biết có nên to tiếng đọc chữ đó không, cả nhóm mới hỏi rằng câu đáp chỉ có bấy nhiêu thôi ư, tiếng gõ hóa ra khẳng định mạnh mẽ. Họ nghe một tràng từng ba tiếng gõ một, theo thỏa thuận trước có nghĩa là Đúng!... đúng, đúng, đúng!!!

Thấy cả nhóm hoang mang và thì thào, ba của Helena nhìn qua mục kính hỏi mọi người:

- Sao! Quí vị có câu đáp chưa ? Hẳn phải là cái gì sâu sắc văn hoa lắm!

Ông đứng dậy cười sau bộ râu mép và đi lại gần cả bọn. Vera bước đến cha mình nói có chút hoang mang:

- Con chỉ được một chữ.

- Chữ gì ?

- "Zaitchik."

Nét mặt đại tá biến sắc khi nghe chữ này cho ra cảnh tượng thật lạ. Ông hóa tái nhợt. Đưa tay run rẩy sửa lại cặp kính, ông hấp tấp dang tay ra và nói:

- Cho ba xem, đưa đây nào. Quả đúng vậy sao ?

Ông đón lấy mảnh giấy và đọc với giọng run rẩy:

- Zaitchik. Phải, Zaitchik. Đúng nó rồi. Lạ hết sức!

Lấy trong túi ra mẫu giấy mà ông đã viết lên đó khi sang kế bên, đại tá lặng thinh đưa cho con gái và khách đọc. Họ thấy trên giấy cả câu hỏi đặt ra và câu trả lời viết sẵn. Giấy viết như sau:

- Tên con chiến mã mà tôi ưa thích cỡi trong chiến dịch đầu tiên với Thổ Nhĩ Kỳ là gì ?

Bên dưới đó có chữ viết trong ngoặc ("Zaitchik" có nghĩa "Tiểu thố" con thỏ nhỏ hay "Bạch Lãng” sóng bạc đầu). Cả bọn đắc thắng và hân hoan bầy tỏ cảm tưởng của họ. Chữ Zaitchik duy nhất ấy có ảnh hưởng to tát với ba của Helena, và giống như chuyện hay thấy cho người thường hoài nghi, một khi khám phá là quả thực có gì đó trong những lời Helena hay nói và sự việc không có gì là xảo thuật hay dối trá, khi tin được hiện tượng này ông chú ý đến các hiện tượng với sự hăng hái của người nghiên cứu hết lòng. Đại tá làm việc ngày lẫn đêm viết lại gia phả của dòng họ nhờ vào chỉ dẫn của nhân vật vô hình. Ông dựa vào đó để kiểm lại và nếu được, điền vào những chỗ còn thiếu trong gia phả bắt đầu từ một ông tổ là hiệp sĩ thập tự quân bá tước von Rottenstern. Truyền thuyết trong dòng họ kể rằng bá tước nhờ nghe tiếng gáy của gà trống (hahn) nên tỉnh dậy trong lều và bắt được kẻ địch lẻn vào muốn ám sát ông. Nhờ cứu được mạng nên bá tước đem hình gà trống vào huy hiệu của dòng họ và tên ông biến thành Hahn von Rottenstem Hahn.

Bác của Helena là J.A. von Hahn, giám đốc bưu điện tại St. Petersburg là người quan tâm nhiều nhất đến việc làm có nét huyền bí trên. Để xác nhận những chi tiết có nguồn gốc vô hình này, người ta tra cứu những văn kiện trữ ở văn khố đóng bụi tại cả Nga và Đức, và tất cả những điều có thể kiểm lại trong tài liệu lưu trữ cho thấy nguồn tin bí ẩn cho tin không sai chạy chút nào.


 

CHƯƠNG III

Khả Năng Siêu Hình của Helena

Khả năng siêu hình của Helena được gia đình và người chung quanh tại Pskoff nhận biết rõ. Hồi thơ ấu khả năng này đã lộ ra, và rồi trong thời gian du hành 1849-59 nó được phát triển thêm. Nay khi Helena quay trở về Nga thì cô sở hữu những khả năng huyền bí mà thời bấy giờ tin là thuật đồng bóng. Vera hỏi không ngừng về những điều ấy, cô thấy là những tiếng gõ xẩy ra khi có mặt Helena trong phòng có thể làm tăng thêm hay giảm đi, và có lúc Helena còn làm ngưng hẳn bằng sức mạnh ý chí, chứng minh ngay tại chỗ. Dân gian gọi Helena là cô đồng nhưng cô cười lớn và trấn an gia đình rằng mình không phải là đồng bóng, mà là người trung gian giữa người bằng xương bằng thịt với các nhân vật khác không ai biết. Vera than là cô không hiểu sự phân biệt đó... nhưng tin rằng những lực mà Helena dùng để tạo hiện tượng có thể chia làm nhiều loại. Sinh vật vô hình loại thấp nhất tạo ra đa số các hiện tượng, còn nhân vật cao nhất thì làm để chìu lòng và hiếm khi chịu giao tiếp với người lạ. Họ chỉ hiện ra cho gia đình thấy, nghe, chạm được trong những giờ phút yên lặng an tĩnh trong nhà, khi không ai màng đến phép lạ hay muốn có thử nghiệm vô ích, hay khi không có ai cần phải thuyết phục hay giải thích.

Trong đa số trường hợp hiện tượng xẩy ra rời rạc, có vẻ như bất kể ý chí của Helena hay đề nghị của bất cứ ai, và thường thường đi ngược lại ý muốn của những người hiện diện. Gia đình rất bực bội khi có dịp để thuyết phục ai có trí thức cao độ nhưng chỉ vì Helena ngang bướng hay không muốn và chẳng có gì xẩy ra.

Vera còn nhớ ngày kia khi gia trang có tiệc lớn, nhiều gia đình ở xa tới dự có trường hợp xa đến hằng mấy trăm dặm, với mục đích là thấy được hiện tượng... Helena trấn an gia đình là sẽ làm hết sức mình. lại không khiến chuyện gì xẩy ra trong mấy ngày. Khách bất mãn ra về đầy lòng nghi ngờ, trách móc nhưng cửa vừa khép lại sau lưng họ, chuông ngựa reo nhỏ xa dần trên lối đi thì mọi vật trong phòng như bừng sống (Về sau Helena giải thích việc không làm hiện tượng khi được yêu cầu, là vì trong người mệt mà cũng chán ghét sự thèm khát không bao giờ thỏa mãn muốn thấy phép lạ của công chúng). Bàn ghế làm như đầy sức linh hoạt có tiếng nói, trọn chiều tối và đêm diễn ra như chuyện thần tiên... cả nhà vừa ngồi vào bàn dùng bữa tối thì đàn dương cầm ở phòng bên cạnh phát ra tiếng nhạc. Ngồi ở bàn ăn mọi người đều có thể qua cửa mở rộng nhìn thấy cây đàn đặt xa tít đâu kia, nắp đàn đóng kín và khóa nhưng điệu nhạc vang lớn.

Rồi khi Helena ra lệnh và đưa mắt nhìn thì cái rổ nhỏ đựng thuốc lá, hộp diêm, khăn tay hay bất cứ cái gì mà cô hỏi cần hay được yêu cầu hỏi, bay ào ào qua không khí đến cô. Kế đó lúc tất cả mọi người ngồi xuống ghế thì đèn đột nhiên tắt phụt, cả đèn bóng và nến, làm như một trận gió lớn thổi quét trọn gian nhà. Lúc bật que diêm lên thì tất cả bàn ghế: trường kỷ, ghế bành, bàn, tủ bị đặt chổng ngược lên, như thể có bàn tay vô hình lặng êm lật ngửa chúng mà không một chạm khắc tinh xảo nào hay bát đĩa nào bị vỡ.

Mọi người chưa hoàn hồn hẳn về sự việc này thì lại nghe ai đó dạo trên dương cầm một khúc nhạc quen thuộc phát ra tiếng to. Lần này là một hành khúc dài marche de bravoure. Khi mọi người cầm nến cháy sáng chạy vội đến cây đàn, và Vera đếm kỹ số người hiện diện để xem chắc là không thiếu ai, thì thấy như mình đoán trước là nắp đàn khóa kỹ, hợp âm chót của khúc nhạc vẫn còn vang vọng trong không khí, bên dưới nắp đàn nặng và đóng chạt.

Vera kế rằng Helena có thể viết câu trả lời trong lúc ba điều bốn chuyện với khách về những đề tài khác hẳn câu hỏi. Ngay từ hồi nhỏ và cho tới ngày nay lúc Vera thuật chuyện, Helena nói rằng mình thực sự thấy tư tưởng của người đưa câu hỏi, hay hình ảnh của bất cứ chuyện gì họ nghĩ treo lơ lửng trong vùng gần đầu họ. Cô chỉ làm một việc là chép lại một cách ý thức, hay để cho tay mình ghi một cách máy móc và không bao giờ để cho ai khác (lực vô hình) phụ giúp mình.

Chuyện thay đổi khi người ta muốn được trả lời bằng tiếng gõ. Trước tiên Helena phải đọc và diễn giải tư tưởng của người hổi và ráng nhớ sau khi tư tưởng biến đi, kế đó xem chừng những mẫu tự ráp thành chữ, chuẩn bị ý chí để sinh ra tiếng gõ đúng mẫu tự, và làm phát ra tiếng gõ vào đúng lúc trên bàn hay bất cứ vật nào được chọn để có tiếng gõ.

Cái đáng nói là khi thấy Helena đọc sách, gia đình như cha cô, Vera, cô giáo của Lisa, không muốn làm rộn nên hỏi thầm trong trí, đặt câu hỏi trong đầu và viết ra mẫu tự theo tiếng gõ trên tường hay trên bàn gần mình. Họ lạ lùng thấy khi Helena hiện diện thì cuộc trò chuyện không lời này với lực thông minh, thành công nhất trong lúc cô ngủ hay rất đau yếu. Thời gian sau Helena không chọn cách gõ để trả lời nữa mà viết trực tiếp hay nói đáp lại, cho rằng cách sau mau hơn và vừa ý hơn. Cô luôn luôn làm vậy một cách ý thức, giải thích là chỉ cần theo dõi tư tưởng của người thoát ra khỏi đầu họ như làn khói sáng xoáy tròn, có khi thì như một giải chất liệu rực sáng xếp lại thành hình rõ rệt quanh họ.

Có khi tư tưởng và câu trả lời cho chúng tạo ấn tượng trong trí não cô, xếp thành chữ và câu y như ý tưởng tự mình nghĩ ra. Dầu vậy hình ảnh trước đáng tin hơn vì nó độc lập và tách biệt với cảm nghĩ của chính người quan sát, là thông nhãn thuần túy mà không phải là việc chuyển di tư tưởng, cái dễ hòa lẫn vào cảm nghĩ sống động hơn của riêng mình.

Khả năng huyền bí của Helena càng ngày càng mạnh hơn, và cuối cùng có vể như cô làm chủ được mọi loại hiện tượng, và những hiện tượng rời rạc dần dần mất đi khi có mặt cô. Chúng vẫn còn nhưng rất hiếm và luôn luôn rất đáng kể.

Rougodevo

Từ thủ đô St Petersburg, cả gia đình về trang trại của Vera tại Rougodevo thuộc tỉnh Novgorod vào mùa hè 1859. Ổ đó Vera thuật lại là bất chợt họ như sống trong chuyện thần tiên và dân dần quen thuộc với việc bàn ghế tự di động, vật được dời từ nơi này sang nơi khác mà không có gì giải thích được. Gia đỉnh cảm biết đang sống hằng ngày trong sự hiện diện và can thiệp của một lực thông minh, mãi rồi họ không còn để ý tới hiện tượng nhưng ai khác chứng kiến đều cho rằng đó là phép lạ. Tất cả mọi người ở trang trại kể luôn cả gia nhân luôn thấy kể cả ban ngày giữa trưa những bóng người mờ nhạt đi lại giữa phòng trong nhà, hiện ra ngoài vườn, trên luống hoa trước nhà và gần nhà nguyện cũ. Nhiều lần ba của hai chị em, cô gia sư của Lisa cô em út nói rằng họ vừa thấy rất rõ hình dạng này hay kia....

Đại tá Hahn tục huyền, lại góa vợ lần thứ hai và có thêm con gái nhỏ là Lisa lúc này được chín tuổi. Chẳng những Helena mà nay cả Lisa cũng nhiều lần thấy những hình dạng người lạ lướt êm không tiếng động dọc theo hành lang trong ngôi nhà cũ. Cái lạ là Lisa không sợ những hình bóng này mà ngây thơ tưởng đó là người sống, chỉ thắc mắc họ từ đâu tới, là ai, và tại sao chỉ có chị cả và mình chịu chào hỏi họ. Cô bé nghĩ không ai chào hỏi các hình bóng ấy là chuyện rất thô lỗ. May mắn là khả năng này chấm dứt rất sớm và mất luôn.

Hai hay ba ngày sau khi tới đây, Helena và Vera đi dạo ở sân trước lúc trời chiều, cửa sổ những phòng trống hứng lấy ánh sáng vàng của mặt trời lặn. Helena chăm chú nhìn vào phòng và nói rằng người thấy trong phòng không phải là người thuộc thế giới này. Vera không thấy ai cả nên kinh sợ. Helena tiếp rằng trông họ như người sống nhưng không phải, y phục họ giống như trong tranh cổ mà lạ nhất trong bọn là một ông cụ già đội khăn đen kỳ lạ, mặt lộ vẻ đau khổ có móng tay dài hơn 3 tấc trông như là vuốt nhọn. Vera sợ quá bèn chạy vội vào nhà.

Ngôi làng ở Rougodevo nằm trên đất của Vera, chồng cô mua nơi đây khi trước và nay ông mất sớm nên nó thuộc về cô, dân làng là nông nô cũng thuộc về cô cùng với trang trại. Sáng hôm sau cô cho mời bô lão cao tuổi nhất trong làng đến nhà để hỏi những chuyện Helena nói hôm qua có ý nghĩa gì. Có chứ, ông đáp. Đó là ông chủ trước của trang trại, Nikolai Nikolaivich Shousherin, trang trại này thuộc về cháu ngoại của ông và bà là người bán nó cho chồng của Vera. Khi ở Lithuania, ông Nikolai mắc bệnh nặng về da làm ông không thế cắt tóc hay móng tay, móng chân vì sẽ bị chảy máu đến chết nên phải để chúng mọc dài như Helena thấy. Những gian phòng mà Helena nhìn vào là chỗ dùng để quàn người chết trong nhà trước khi mang đến nhà nguyện.

Cuộc sống êm đềm của hai chị em tại Rougodevo chấm dứt khi Helena mắc bệnh nặng. Nhiều năm trước đó trong cuộc du lịch của mình, Helena bị thương khá sâu. Vết thương thỉnh thoảng há miệng trở lại gây đau đớn nhức nhối, có khi làm Helena mê man. Bệnh hành chừng ba tới bốn ngày rồi tự nhiên êm như cũ. Kỳ này gia đình cho mời một bác sĩ ở thị trấn bên cạnh tới, ông chứng kiến một hiện tượng làm hết sức kinh ngạc. Ấy là trong lúc Helena nằm bất tỉnh, bác sĩ đang xem xét vết thương thì một bàn tay to, da sậm chen vào giữa tay ông và vết thương mà ông sắp thoa thuốc. Vết thương nằm bên dưới trái tim, bàn tay liên tục vuốt không ngừng từ cổ xuống tới thắt lưng. Sự việc khiến ông kinh hoảng mà chẳng những vậy, cùng lúc còn có tiếng động lịch kịch từ trần nhà, sàn nhà, thành cửa sổ và bàn ghế kêu cọt kẹt khắp phòng, ông phải xin có người trong phòng với mình khi thăm bệnh, sau đó không muốn trở lại thăm bệnh nữa cho dù Vera cố gắng thuyết phục.

Mùa xuân 1860 hai chị em rời Rougodevo đi Tiflis ở vùng núi Caucasus thăm ông bà ngoại mà hơn mười năm qua Helena không gặp. Trên đường, tới thị trấn Zadonsk hai chị em được biết là tổng giám mục Isadore hiện đang có mặt tại đây. Họ có quen biết ông khi xưa, lúc ông là giám mục thành phố Kiev và thường lui tới nhà ông bà ngoại hai cô ở Tiflis, nên rất muốn được gặp lại, ông cũng còn nhớ nên mời cả hai đến chơi. Dọc đường tới tu viện nơi tổng giám mục tạm trú, Vera lo trong bụng nên dặn chị:

- Chị nhớ dặn trò quái quỷ giữ yên lặng trong lúc mình gặp tổng giám mục nghe.

Helena cười lớn và nói rằng mình cũng muốn vậy, nhưng không bảo đảm. Dĩ nhiên khi nghe câu đáp thì Vera than thầm, và cô không lấy làm ngạc nhiên tuy hết sức ngượng nghịu khi có chuyện xẩy ra. Vị tu sĩ già vừa hỏi thăm Helena về những cuộc du hành của cô thì có tiếng gõ nổi lên. Một! hai! ba! Một! hai! ba! Làm như có người nhất định đòi góp lời, chen chân vào chuyện vì bàn ghế lay động kêu răng rắc, chùm hoa đăng trên trần tự đong đưa như có sự sống riêng, cửa kính, những tách trà của ba người, ngay cả tràng hạt bằng hổ phách mà tổng giám mục đang cầm trong tay cũng lắc qua lại và rung động.

Ông thấy ngay sự lúng túng của hai cô, rồi khi một cái ghế bành lắc lư tiến lại gần ông, bàn dưới tay ông rung rinh thì đoán biết mọi chuyện ngay và hỏi trong hai chị em ai sinh ra hiện tượng. Vera vội vàng trỏ sang

Helena. Tu sĩ trò chuyện với hai cô hơn ba tiếng đồng hồ, lúc thì đặt câu hỏi nói to rõ ràng, lúc thì hỏi thầm trong trí để được trả lời, tỏ ra thỏa mãn với câu đáp. Xem ra ông hết sức kinh ngạc mà cũng rất hài lòng được chứng kiến hiện tượng. Khi hai người ra về, ông ban phép lành cho hai cô và nói họ không có gì phải sợ hiện tượng, bởi:

- Không có lực gì không từ Thượng đế mà ra. Bao lâu mà con không lạm dụng năng khiếu trời cho thì không phải lo lắng. Con người không hề bị ngăn cấm việc nghiên cứu những lực bí ẩn trong thiên nhiên. Một ngày kia nhân loại sẽ hiểu rõ và sử dụng chúng.

Tiflis

Vera ghi rằng Helena lưu lại Tiflis, đô thị lớn của vùng Caucasus, khoảng bốn năm. Tính khí ngang ngạnh, Helena kết được nhiều bạn mà cũng đông người không ưa mình. Helena cư xử theo ý riêng mà không theo thói đời, chẳng hạn một người một ngựa dong ruổi trong rừng, trò chuyện với dân quê ít học, thiếu vệ sinh trong chòi đầy khói thay vì đến chơi phòng khách sang trọng của xã hội thượng lưu với các nhân vật phù phiếm...Trọn cả vùng kháo nhau về con người này, giới quí tộc xem Helena như một thuật sĩ (magician), đến xin chữa bệnh hay nhờ cố vấn chuyện riêng. Helena cũng mở thương nghiệp trên bờ Hắc Hải và sau đó là thành phố Odessa.

Năm 1862, Helena làm hòa với chồng và sống chung nhà với ông một năm tuy không phải là vợ chồng. Hai người làm thủ tục nhận nuôi một bé trai tên Yuri bị gù lưng và hay đau ốm. Về việc này một ý kiến nói rằng Yuri là con ngoại hôn của Nathalia Blavatsky, người có thể là thân nhân của ông Nikifor Blavatsky, và ông cùng Helena nhận Yuri làm con để tránh tai tiếng cho Nathalia.

Helena ở với ông ngoại tại Tiflis trong năm 1863, sang năm 64 Helena đến nơi vắng vẻ bên sông Riom kinh doanh về ngành mộc, mua bán loại gỗ đặc biệt dùng làm đuốc. Do tác dụng của nấm Polyporus squamosus gỗ hóa mềm, dễ bắt lửa và cháy trong một thời gian lâu. Helena xếp đặt việc đốn gỗ, kết bè thả trôi theo sông xuống thành phố để xuất cảng. Sau đó cô mở xưởng làm hoa giả, làm mực. Vera bảo Helena thành công trên thương trường nhưng không ở lâu trong ngành, cũng không coi việc làm này thấp kém so với địa vị của mình, đối với cô ngành nào buôn bán đúng đắn là tốt. Vera có hơi ngạc nhiên với công chuyện làm ăn của chị, tự hỏi sao Helena không chọn nghề nghiệp hợp với năng khiếu của mình hơn, bởi hồi nhỏ Helena không hề biết đến thương mãi mà có tài về nhạc và văn chương, có khả năng tri thức rất đáng kể.

Một hôm Helena té ngựa, bị hôn mê nhiều tháng. Thấy sức khỏe cô càng ngày càng suy sụp, nửa tỉnh nửa mê, bác sĩ gửi Helena về thân nhân ở thành phố Tiflis. Bởi cô quá yếu không thể đi ngựa, mà đường bộ bằng xe thì nguy hiểm, người ta mới đưa cô đi bằng thuyền lớn trên sông, có bốn người giúp việc đi theo săn sóc cho chuyến đi dài bốn ngày. Dòng nước hẹp, hai bên bờ dốc là rừng rậm hun hút, chỉ có chiếc thuyền lặng lẽ chầm chậm trôi trên sông. Các gia nhân nói rằng trong ba đêm liên tiếp, họ sợ thất kinh hồn vía bởi thấy hồn cô chủ rời khỏi thuyền đi trên nước băng qua sông về khu rừng, trong khi xác cô nằm sóng sượt trên giường trong khoang.

Hai lần thấy như thế, người lái tầu kéo thuyền thối lui, hoảng sợ thét lớn. Nếu không nhờ một lão bộc trung thành đi theo săn sóc chủ thì thuyền và bệnh nhân hẳn đã bị bỏ rơi giữa sông. Đêm chót gia nhân nói rằng họ thấy hai hình người ngoài thuyền trong khi thân xác cô chủ nằm ngủ trước mắt họ. Khi thuyền tới thị trấn Kutais nơi Helena có thân nhân, tất cả người giúp việc bỏ lên bờ đi mất chỉ còn lại lão bộc ở cạnh. Từ đây mang Helena tới Tiflis thật khó khăn, khi đến nơi Helena có vẻ không xa cái chết là mấy...

Một hôm khi bắt đầu bình phục và còn rất yếu, Helena sang phòng bà dì Nadyezhda đang viết thư, hai người chuyện trò vài câu rồi cô ngả lưng trên ghế tràng kỷ, ngủ thiếp đi vì mệt mỏi. Nadyezhda yên lặng quay sang viết thư tiếp thì bất thình lình có tiếng chân đi êm nhưng rất rõ trong phòng, đằng sau ghế của cô làm Nadyezhda quay phắt lại xem ai vào, không muốn Helena bị làm rộn trong lúc ngủ. Tuy nhiên phòng trống không có ai khác ngoài bà dì và cô cháu gái, đâu vậy tiếng chân vẫn tiếp tục nghe rõ, làm như có người nặng cân đang rón rén đi và sàn nhà kêu kẽo cọt luôn. Tiếng chân đến gần ghế trường kỷ rồi ngưng bặt đi. Tiếp đó Nadyezhda nghe tiếng động mạnh hơn, như thể ai đó thì thầm với Helena, và rồi Nadyezhda thấy một cuốn sách trên bàn gần ghế trường kỷ mở ra, trang sách lật tới lui giống như có bàn tay vô hình đang bận rộn xem sách. Một cuốn sách khác được lấy ra khỏi kệ trên tường và bay về hướng ghế.

Kinh ngạc nhưng không sợ hãi vì ai trong nhà cũng đều quen và thấy tự nhiên với chuyện lạ lùng như thế, Nadyezhda đứng dậy khỏi ghế tình đánh thức cháu gái với hy vọng làm hiện tượng ngưng lại, nhưng cùng lúc đó một chiếc ghế bành nặng nề từ đầu kia gian phòng băng tới ghế trường kỷ, làm sàn nhà rung động. Tiếng động đánh thức Helena dậy, ngay khi mở mắt cô cất tiếng hỏi người vô hình có chuyện gì thế. Đáp lại thì có tiếng thì thầm rồi mọi việc yên tĩnh như cũ, lặng lẽ kéo dài tới đêm.

Vera tin rằng khả năng của Helena thay đổi sau cơn bệnh, với việc hiện tượng chung quanh không còn xẩy ra ngoài ý của cô, nói khác đi Helena không còn chịu ảnh hưởng những lực bên ngoài mà đã làm chủ được chúng. Tại Pskoff và Rougodevo chuyện xẩy ra rất thường và Helena chưa thể kiểm soát và càng không thể ngưng hiện tượng biểu lộ, nhưng sau cơn bệnh ở Tiflis cô hoàn toàn điều khiển được lực bằng ý chí của mình. Bằng chứng là cô ngưng được hiện tượng theo ý, có khi trong nhiều tuần, và rồi có thể ra lệnh cho hiện tượng diễn ra, để những ai hiện diện được quyền chọn lựa. Ý chí của cô nay khống chế được những lực vô hình.

Về điều này, mọi người thường cho rằng hiện tượng khi Helena có mặt là do người đã khuất làm qua cô, do khả năng liên lạc được với cõi vô hình mà ta gọi nôm na là tài đồng bóng, nhưng Helena luôn luôn bác bỏ việc ấy. Cô một mực nói luôn rằng từ hồi nào đến giờ chỉ có một lực ảnh hưởng cô, là lực của Chân sư, cũng như hình bóng cô luôn thấy là hình bóng của Chân sư mà không phải là vong linh nào đã khuất. Vera bảo mình chưa bao giờ thấy Ngài nhưng không hề có chút nghi ngờ, dầu vậy cô đầy thắc mắc và khi nói thẳng cho chị hay thì Helena đáp:

- Phải chi em có hiểu biết nhiều hơn...


 

CHƯƠNG IV

Âu Châu.

Ngay khi vừa hồi phục, Helena rời Caucasus sang Ý năm 1864 rồi sau đó Hy Lạp, Ai Cập, Lebanon, Syria. Ta có nhân chứng ghi lại rằng khi họ du hành trong những nơi này, tên của cô được nhiều người nhắc tới và cô tỏ ra có hiểu biết tường tận về nhiều nếu không phải là tất cả nghi lễ, kinh điển của phái Druze (một giáo phái huyền bí ở Lebanon và Syria). Năm 1866 Helena trở về với gia quyến ở Tiflis và khoảng đầu năm 1867 thì du hành vùng Transylvania và Serbia. Sau đó Helena mang Yuri đi chữa bệnh tại Bologna, Ý nhưng không thành, đứa trẻ qua đời và được chôn cất ở một làng nhỏ miền nam nước Nga. Cuối năm 1867 Helena trở lại Ý, tham gia vào quân cách mạng của Garibaldi nhằm thống nhất nước này, bị thương nặng trong trận đánh tại Mentana gần Rome vào tháng 11, 1867.

Năm 1868, từ Florence Helena được lệnh của đức M đi sang Tibet qua ngã Serbia, Constantinople và đến

Tibet vào mùa thu, đây là lần thứ ba cô tới nơi đây. Tổng cộng thời gian Helena ở Tibet trong trọn đời mình tính ra hơn bẩy năm tuy không phải là bẩy năm liên tiếp. Theo với thời gian ta có một số chứng cớ xác nhận việc ấy, thí dụ trong quyển Tibetan Book of the Dead của W.Y.Evans-Wentz (1927), một học giả nổi tiếng về Tibet, có vị lama cho rằng các tác phẩm của HPB chứng tỏ bà có hiểu biết thâm sâu về những giảng dạy dành cho hàng lama cao cấp, giống như lời bà hay nói là mình được truyền dạy những hiểu biết đó.

Tibet.

Đức M ngụ gần tu viện Trashi Lhunpo ở Shigatse, nơi làm việc của vị Panchen Lama (còn gọi là Tashi hay Teschu Lama tức Ban Thiền Lạt Ma).Trashi Lhunpo nằm cách thủ đô Lhasa chừng 240 cây số về hướng tây tây nam. Vào thời đó vị Lama này cùng với đức Dalai Lama cai trị Tibet, về mặt chính trị đức Dalai Lama được xem cao hơn đức Panchen Lama còn về mặt tôn giáo thì hai vị ngang nhau. Tuy nhiên do vai trò của vị Panchen Lama nặng tính chất tinh thần hơn, nên dân chúng có khuynh hướng xem vị Dalai Lama là chủ tể đất nước, còn vị Panchen Lama là vị lãnh đạo tinh thần của Tibet.

Nơi cư ngụ của đức M là một căn nhà bên sông chảy giữa vách núi cao. Ngài xếp đặt cho Helena ngụ tại nhà đức K.H., có chị của đức K.H. ở cùng. Ngoài Helena hằng ngày còn một số tăng sinh Tibet thuộc phái mũ vàng (Gelukpa) cũng đến thụ giáo với đức K.H. Họ ngồi xếp bằng chung quanh ngài theo hình bán nguyệt, và khi trời đẹp thì buổi học diễn ra ngoài trời. Trong số này người tiến bộ nhất là đức D.K khi ấy 15 tuổi. Chuyện kể gia đình không muốn ngài vào chùa theo học với đức K.H. nhưng ngài nhất quyết làm theo ý nguyện. Ông nội không hài lòng nên truất quyền thừa kế của cháu, vì chuyện này đức D.K. được gọi một cách thân mật là kẻ bị truất thừa (the Disinherited).

Helena đến thăm tu viện Trashi Lhunpo và mô tả chi tiết cấu trúc của cơ sở như đền thờ, mái cong, đường trải đá dẫn tới thềm xây cao của tu viện. Đặc biệt mái dát vàng và uốn cong ở góc theo kiểu nóc của chùa Trung Hoa, với trang trí tam giác có khối cầu, hình rồng và chữ vạn đứng trên ba trụ nhỏ bên trên nóc tu viện. Kẻ chỉ trích HPB cho rằng bà không hề đến Tibet, mà sao chép lại những chi tiết trên từ du ký của người khác thí dụ tu sĩ Huc (đến Lhasa năm 1845-6), hay George Bogle thuộc sứ bộ Anh đến đây năm 1777. Tuy nhiên giáo sĩ Huc không hề đến Trashi Lhunpo hay Shigatse và do đó không mô tả nơi đây. Bogle cũng vậy, cũng không nói gì đến mái tu viện. Lời mô tả của HPB là cái đầu tiên và duy nhất nói về trang trí của mái; mãi cho đến sau khi bà qua đời mới có sách của một tác giả khác xuất bản (Sarat Chandra Das, 1902) viết về tòa nhà này và có hình về nóc với trang trí tam giác. Họa đồ trong sách phù hợp với chi tiết bà đưa ra, những chi tiết mà bà không thể biết nếu không đến gần quan sát.

Helena được học hỏi kinh sách của tu viện, viết bằng cổ ngữ Senzar. Cô học thuộc, nhớ nằm lòng ý nghĩa của chúng để sau này tặng lại cho đời qua bộ The Secret Doctrine, quyển The Voice of Silence. Cô không chỉ cư ngụ có nơi này mà đi thăm thú nhiều chỗ trong Tibet. Vào đầu thế kỷ 20 một thiếu tá người Anh tên Cross, quản lý vườn trà và những vườn tược khác cho đức Dalai Lama, do công việc đi tới miền đông bắc Tibet, nghe nói về một phụ nữ da trắng đã tới cư ngụ tại một tu viện lama ở miền bắc vào khoảng năm 1868, đó hẳn phải là tu viện Kum Bum, sinh quán của đức Tsongkapa vị cải tổ Phật giáo Tây tạng. Nhiều cụ già đoan quyết với thiếu tá Cross là đã gặp mặt phụ nữ, và ông Cross xác định đó là HPB.

Một vài điều liên quan đến thời gian học hỏi này của Helena đáng ghi lại ở đây. Nói về cổ ngữ Senzar, Helena học nó ngoài việc để đọc được kinh sách xưa mà còn vì lý do thiết thực khác, đó là để sau này có thể liên lạc một cách an toàn với các Chân sư khi làm việc ngoài đời. Ông Olcott thuật rằng khi HBP viết cho các ngài hay các ngài viết cho bà về những chuyện không muốn để người khác biết, cả hai bên dùng Senzar với HPB viết nó thông thạo như viết tiếng Nga, Pháp hay Anh. Có lần tại Ấn Độ có người lấy trộm một tờ giấy viết tay của bà, nói rằng đây là mật mã gián điệp Nga sử dụng. Họ đem tới cho cảnh sát lúc ấy thuộc nhà cầm quyền Anh, để các chuyện gia lành nghề xem tới lui mà không đoán ra giấy viết điều chi. Với HPB thì chuyện thật giản dị, nó chỉ là bản thảo viết bằng chữ Senzar và bà thách thức mọi người đọc được nó, bảo rằng chỉ có huyền bí gia Tây tạng mới hiểu được chữ.

Ta cũng có thể tò mò muốn biết Helena nói chuyện với thầy của mình bằng ngôn ngữ gì. Các Chân sư M và K.H. người Ấn, đức M biết Anh văn nhưng không thông thạo bằng đức K.H., vị sau cũng rành Pháp và Đức ngữ, và đức D.K. lại giỏi Anh văn hơn cả đức K.H. với đức M. Helena dùng Anh văn nhưng bảo rằng việc mình nói dở hay hay không quan hệ chút nào, chính ngài thì Chân sư không nói tiếng Anh nhưng hiểu trọn những ý tưởng Helena phát ra trong trí, cũng như Helena được làm cho hiểu ý ngài. Bằng cách nào thì Helena chịu thua, không thể giải thích được. Với đức K.H. Helena dùng Anh văn và đây là chuyện thú vị. Helena cải thiện khả năng Anh ngữ của mình trong thời gian học hỏi với ngài và nhiễm lối dùng chữ của Chân sư, cô dịch kinh điển viết bằng tiếng Senzar sang Anh văn và trình cho ngài sửa lại. Vì thế sau này khi có cáo buộc là HPB viết những bức thư ký tên đức K.H. thì giải thích không khó, thư của ngài dùng chữ HPB hay dùng, viết kiểu HBP hay viết chỉ vì HPB học cách nói của ngài nên viết giống theo, tức muốn nói cho đúng thì HPB dùng chữ và có cách viết giống ngài, mà không phải ngược lại.

Điểm thú vị khác là tu viện Trashi Lhunpo, nhiều năm sau (1886) ông Franz Hartmann nhận được thư của một Chân sư. Muốn tìm hiểu thêm về các ngài ông đưa thư cho một phụ nữ dùng tâm kế học (psychometry) để mô tả chi tiết quanh bức thư. Sự việc diễn ra tại Đức và người này không hề biết hội, chỉ là dân quê chất phác ít học nhưng có khả năng tâm linh. Họ cầm lấy thư và nói rằng thấy cảnh một đền thờ, mô tả chi tiết rõ ràng tu viện Trashi Lhunpo giống như HPB đã ghi, vẽ lại trang trí trên tường của tu viện. Trang trí này là những đại tự bằng tiếng Tây tạng và dù không rành ngôn ngữ đó, người phụ nữ Đức cũng vẽ lại tổng quát hàng chữ cho ông Hartmann. Ông viết thư thuật lại cho HPB lúc ấy 1886 đang ở tại Ostende, Bỉ, nhưng không đưa hình vẽ. Trong thư trả lời bà xác nhận chi tiết của người trên, nhưng cái đáng nói là bà vẽ lại trang trí của tường theo trí nhớ mà khi so sánh với bức vẽ của phụ nữ Đức, ông Hartmann thấy giống nhau một cách lạ lùng.

Việc quan trọng với Helena trong thời gian này là được học hỏi cùng đức M và đức K.H., điều mà cô hằng ao ước, đây cũng là lần đầu tiên cô gặp đức K.H. Ta không rõ Helena ở Tibet bao lâu, ít nhất là tới cuối năm 1870 vì có câu chuyện sau. Tại Nga, gia đình cô ở Odessa từ lâu không có tin tức gì không biết Helena đang ở đâu nên rất lo lắng. Họ tìm kiếm mà không có tăm hơi thế nên sẵn lòng tin rằng Helena đã chết. Ngày 11-11-1870 bà dì Nadyezhda có khách là một người đàn ông Á châu, đến trao cho bà bức thư và biến mất ngay trước mặt. Thư bằng Pháp ngữ nay còn lưu tại British Museum, viết như sau:

- Thân quyến đáng trọng của Mad. H. Blavatsky không có gì phải mất hy vọng là không còn gặp lại cô nữa. Con gái và cháu gái của họ chưa rời khỏi đời này mà đang sống, và muốn thân nhân cô thương mến biết rằng cô mạnh khỏe và rất sung sướng ở nơi ẩn cư cô đã chọn. Cô đau ốm nhưng nay đã qua khỏi nhờ sự phù hộ của đức Sangya (Phật), cô có bạn hết lòng với cô, săn sóc cho cô về cả vật chất và tinh thần. Xin quí phu nhân trong gia đình cô hãy yên tâm, chưa đến 18 tuần trăng sau cô sẽ về lại nhà.

Thư không ký tên nhưng nét chữ là của đức K.H. và có ý kiến nói rằng người mang thư là đức M, vì lời mô tả của Nadyezhda phù hợp với hình dạng ngài, cũng như về sau ngài cho hay là đã có gặp Nadyezhda.

Khoảng một tháng sau đó, Helena chào từ biệt mọi người: hai Chân sư, chị của đức K.H. và con của bà, các tăng sinh đệ tử hai ngài và rời Tibet.


 

CHƯƠNG V

Trở Lại Thế Giới.

Trên đường về tầu chở Helena qua vịnh Suez năm 1870, tức năm sau khi kinh đào mở cửa, mang cô đến Hy Lạp rồi Cyprus gặp Chân sư Hilarion. Ta được biết ngài gốc Cyprus và đã có liên lạc với Helena từ lâu (1860) trước khi cô sang Tibet năm 1867. Kế đó Helena trở lại Hy Lạp và rồi sang Cairo, nơi đây cô làm quen với hai người (lúc này chưa thành hôn nhưng về sau là ông bà Coulomb) sẽ tạo nên biến cố về sau trong hội. Helena ở lại Cairo từ khoảng tháng 10-1871 đến tháng tư 1872, trong thời gian này cô có nỗ lực đầu tiên nhằm trình bầy cho xã hội biết có thế giới khác ngoài thế giới hữu hình. Thuở ấy thông linh học (Spiritualism) được chú ý nhiều vì một số người đồng nói rằng họ có thể liên lạc với người đã khuất, (tức quan tâm về cõi vô hình và thắc mắc về việc có đời sống sau khi chết hay không của xã hội bấy giờ), hay có khả năng làm những hiện tượng không giải thích được theo sự hiểu biết khoa học bấy giờ như hiện hình, hiện đồ vật (tức những quyền năng ẩn tàng trong con người).

Nương theo thị hiếu đó Helena lập hội về thông linh gọi là Société Spirite với mục đích nghiên cứu chuyện đồng cốt và việc tạo hiện tượng. Hội hoạt động chưa được hai tuần thì đóng cửa, lý do là Helena mướn đồng cốt để biểu diễn nhưng thay vì tạo hiện tượng thật sự thì họ làm giả hiện tượng để gạt khách đến xem, uống rượu như hủ chím và thụt két. Helena bị xem là có trách nhiệm việc lường gạt nên tức giận cho những người đồng nghỉ việc, và rất bực bội vì bị mất tiền mướn cơ sở, bàn ghế. Cô tự hứa sẽ không bao giờ mở những buổi lên đồng nữa một phần vì chúng quá nguy hiểm, phần khác cô chưa đủ kinh nghiêm và đủ mạnh để kiểm soát những vong linh có thể ám ảnh khách đến xem trong buổi cầu hồn. Nguy hiểm sinh ra vì vong linh có thể nhập vào khách đế thỏa mãn đòi hỏi lúc còn sống, như Helena chứng kiến việc một thiếu nữ hiền lành tìm cách liên lạc với thế giới bên kia. Cô bị vong linh nghiện rượu nhập vào đòi uống rượu, thiếu nữ uống một cách thèm khát hết ly rượu và thúc hối mang thêm rượu ra, đòi uống nhiều ly nữa. Cô uống hết ly này tới ly kia, cuối cùng ngã lăn bất tĩnh và đau nặng nhiều tuần.

Chuyện đồng cốt, cầu hồn là điều HPB luôn đả phá mạnh mẽ, hội Société Spiríte được lập chỉ vì nó là phương tiện thuận lợi bấy giờ làm con người chú ý đến cõi vô hình, là bước đầu tiên dẫn dụ họ vào hiểu biết sâu xa hơn về hiện tượng, không khác gì kẹo ngọt thu hút trẻ con học tập. Khi lập hội Helena có những chủ ý khác như ta sẽ thấy về sau ở New York với tổ chức tương tự, mà không phải chỉ thuần vào chuyện hiện hình, triệu vong linh. Nó giống như chủ trương của Phật giáo là tùy duyên hóa độ, tùy phương tiện và trình độ của xã hội đương thời mà trình bầy Phật pháp, ở đây là MTTL. Sự việc được giải thích thêm là trong những buổi cầu hồn như vậy với người đồng ở giữa vòng và khách dự ngồi chung quanh, bầu không khí như một xoáy nước đầy từ lực xấu, tinh linh mà khách tưởng là linh hồn người chết thu hút sinh lực của khách vào người chúng, lôi kéo khách xuống trình độ thấp kém của sinh vật.

Sau nỗ lực đầu tiên lập hội bất thành Helena về với gia đình ở Nga năm 1872 nhưng ở lại nhà không lâu. Cô du lịch Âu châu trong năm 1872-73 lần nữa, và có tài liệu ghi rằng trong thời gian này Helena điều khiển ban hợp xướng hoàng gia của Serbia, mở những buổi trình tấu dương cầm tại Anh, tuy nhiên chưa ai kiếm chứng được những điều ấy và thời điểm xem ra không đúng. Mặt khác, nhiều người cùng thời nhìn nhận khả năng chơi đàn của cô như nói HPB khi hứng sẽ ngồi vào đàn dạo rất điêu luyện, chứng tổ tài năng thiện xảo cao độ vì thỉnh thoảng mới chơi. Khi khác nếu Chân sư sử dụng thân xác của bà và chơi đàn, người nghe tưởng như được thưởng thức khúc nhạc trời du dương tuyệt kỹ.

Năm 1873 vào tháng ba hay tư, từ Odessa Helena đột ngột đi Paris, ngụ tại đó với anh em họ và sang tháng 7 thì đi New York. Gia đình rất ngạc nhiên vì Helena không đưa ra lời giải thích nào, chỉ khi đã sang Hoa Kỳ (1873-4) cả nhà mới lần đầu tiên được thư cô viết nói về thầy của mình, rằng cô được lệnh Chân sư đi Mỹ mà không cho biết lý do. Cô bảo mình không nói gì về các ngài cho gia đình hay vì cả nhà sẽ không hiểu, không tin và Vera xác nhận tự nhiên là vậy. Thí dụ khi về với gia đình năm 1872 ở Odessa và được nghe thuật lại về lá thư của đức K.H., Helena giải thích cho bà dì Nadyezhda rằng thư ấy không phải là của người khuất mặt, đưa bằng cớ các Chân sư là người sống bằng xương bằng thịt, thì bà dì tin các nhân vật này chỉ là ma quỷ, hay bán linh hồn cho Satan. Bà dì là người có thiện tâm, hiền lành, nhút nhát rất được Helena thương mến, nhưng từ đó cô ngậm miệng không nói thêm với bà dì về các Chân sư.

Tuy thế Helena hăng hái bênh vực các ngài, bảo với gia đình rằng Chân sư (đức M) rất đỗi kính trọng lời dạy của đức Chúa. Cô thuật là trong thời gian tại Tibet, có lúc cô ở bẩy tuần liền trong rừng gần dãy núi Karakoram, chỉ có một mình tách biệt hẳn với thế giới nhưng hằng ngày được Chân sư đến thăm, ở đó Helena được cho thấy một đền thờ trong hang chứa nhiều tượng của các đấng huấn sư cao cả trên thế giới, trong số có tượng của đức Chúa mô tả phút ngài thứ tội cho Mary Magdalene, tượng đức Phật hứng nước trong lòng bàn tay cho một người hành khất uống, và tượng đức Ananda uống nước từ lòng bàn tay một cô gái điếm thuộc giai cấp hạ tiện. Ngày nay khi có khám phá hằng trăm hang động với các tượng Phật, Bồ Tát, tranh vẽ đầy mầu sắc hết sức sống động ở Đôn Hoàng, trong sa mạc phía tây của Trung Hoa, lời kể của Helena không còn nét hoang đường nữa. Nói thêm về Nadyezhda, dù có ngộ nhận trên ta ghi rằng nhiều năm về sau, bà Nadyezhda sinh hoạt trong chi bộ hội tại Odessa và có lần làm chi trưởng.

Trở lại chuyện, Helena thuật rằng một hôm tại Paris, cô được lệnh của Chân sư đi New York và chờ lệnh khác tại đó. Helena lập tức lấy vé hạng nhất sang New York trên tầu khởi hành ngay hôm sau tại Le Havre, trong túi chỉ dư được vài đồng. Khi sắp xuống tầu cô thấy một thiếu phụ với hai con nhỏ ngồi khóc trên bến, Helena hỏi:

- Tại sao chị khóc ?

Thiếu phụ đáp rằng chồng mình gửi tiền từ Hoa Kỳ cho gia đình sang đoàn tụ với ông. Bà chỉ đủ tiền mua vé hạng ba dưới hầm tầu nhưng khi soát vé thì hóa ra là vé giả, nay bà hết sạch tiền và bơ vơ ở chỗ xa lạ. Helena lập tức đáp:

- Chị theo tôi.

Cô tới phòng bán vé, đổi vé hạng nhất sang vé hạng ba ở hầm tầu cho chính mình và gia đính thiếu phụ. Ta có nói Helena lên đường với rất ít lộ phí, đó là tiền riêng của cô còn ngoài ra cùng với lệnh của Chân sư cô được giao một khoản tiền lớn để mang sang Hoa Kỳ, và sẽ có chỉ dẫn cách dùng khi tới nơi. Đối với Helena cô luôn vâng lời của thầy nên làm theo không thắc mắc. Câu chuyện đổi vé được lộ ra khi tầu đến New York, một ký giả xuống tầu phỏng vấn những di dân mới đến Hoa Kỳ, được nghe chuyện là có phụ nữ quí tộc người Nga đi vé hầm tầu để giúp người khác. Cô tìm hiểu thêm và viết bài tường thuật trên báo ngày 26 - 9 - 1873.

Thông Linh Học (Spiritualism)

Có lẽ nên nói qua một chút về hoạt động của phong trào Thông linh học vào thời của bà Blavatsky, tức thế kỷ 19. Giống như nhiều việc khác, phong trào được thành lập do nỗ lực từ bên trong. Ta được biết vị Chân sư khởi xướng là đức Hilarion đứng đầu cung Khoa Học tức cung 5, trong kiếp hiện thời sinh quán của ngài là đảo Crete và tiền thân của ngài là thánh Paul. Công việc chính yếu của Chân sư về mặt này liên quan đến những khả năng siêu hình và sự phát triển các khả năng ấy trong một số người. Nguyên do xa của Thông linh học liên hệ đến Thiên Chúa giáo và giống dân thứ năm. Thiên Chúa được thành lập phần lớn cho người có lòng sùng tín, dầu vậy có nhiều người đi kèm theo lòng sùng mộ và khuynh hướng tôn giáo là trí óc suy luận mạnh mẽ, họ cần một sinh hoạt có tính chất khoa học do đó Thông linh học được gợi hứng để đáp lại nhu cầu đó. Phương pháp mà khoa này sử dụng vẫn còn nằm trong giai đoạn sơ khai chưa kiện toàn và đang phát triển cả ở cõi trần và những cõi thanh.

Thông linh học bị chế diễu và mang nhiều tai tiếng vì người ta chưa biết rõ cách luật tác động ở những cõi của sự sống. Người dễ tin đi cầu hồn, cho rằng linh hồn ai đã khuất ở thế giới bên kia có thể liên lạc với người còn sống qua trung gian đồng cốt và đưa tin chính xác, nhưng đó là niềm tin sai lầm. Thí dụ hay thấy là hai người bạn thân giao ước với nhau, hẹn là ai qua đời trước sẽ về liên lạc với người còn sống tuy nhiên chuyện không thành. Lý do không phải là vì không có sự sống sau khi chết, mà chỉ vì hai người này không biết những khó khăn khi muốn làm thế. Thường thường ai có thắc mắc về việc này có trí suy luận mạnh và ít cảm xúc, tính chất ấy chỉ làm công chuyện khó hơn. Người thiên về lý trí khi qua đời sẽ ngụ ở cõi tình cảm trong thời gian rất ngắn, không đủ cho họ học kỹ thuật liên lạc với cõi trần. Sau đó họ mau lẹ sang cõi hạ trí và nếu muốn liên lạc với bạn còn ở cõi trần, họ phải học cách tiếp xúc từ cõi trí.

Tuy vậy trong buổi đầu của Thông linh học cũng như ngày nay, đa số đồng cốt không thể truyền thông tin từ cõi khác ngoài cõi tình cảm, ai ở cõi trí phải dùng 'trạm tiếp vận' và khi tin truyền đến người dự buổi cầu hồn thì nó đã biến thể ít nhiều, có khi tới mức chỉ là lời đầu Ngô mình Sở không nghĩa lý. Ai đầy lòng nghi ngờ chuyện vô hình sẽ xem đây là bằng chứng để cho rằng Thông linh học là vô giá trị và bác bỏ khoa này, còn nếu dùng hiểu biết về huyền bí học thì ta có thể giải thích như sau. Đồng cốt thường chỉ tiếp xúc được những cảnh thấp của cõi tình cảm, đây là chỗ cư ngụ của đa số người đã khuất, có ít trí thông minh và phần tinh thần chưa phát triển mạnh. Khi có dịp tiếp xúc với cõi trần qua đồng cốt, người đã khuất mà có khuynh hướng giảng đạo sẽ nắm lấy cơ hội để 'giảng chân lý', lập lại những khuôn sáo đạo đức có thể được tìm thấy trong bất cứ sách vở đạo lý nào dưới trần, nói khác đi không có gí sâu xa huyền diệu nhưng được mạnh mẽ tuyên bố, tự xưng mình là thần thánh thậm chí cả Thượng đế khiến người nghe mà không có óc phân biện tưởng thật. Trên thực tế những lời này không hề là dấu hiệu của một linh hồn tiến hóa, bởi ta chớ quên rằng những đấng cao cả làm việc từ cõi trí trở lên và phần việc của con người là phát triển khả năng để tiếp xúc được với các ngài ở nơi đây, hoạt động ở cõi của các ngài mà không phải ngược lại.

Vị Chân sư coi sóc phong trào Thông linh học đang nỗ lực phát triển một kỹ thuật để giúp con người liên lạc được với cõi trí thay vì cõi tình cảm, nơi đầy huyễn mộng và cảm xúc. Vài phần của kỹ thuật này là người đồng cần có học thức rộng, có văn hóa, họ càng phát triển chừng nào thì việc làm trung gian càng chính xác chừng ấy. Phần khác là tạo bầu không khí thích hợp cho việc liên lạc với cõi trí, tức chơi một loại nhạc trước buổi cầu hồn nhằm làm dịu xuống và hòa hợp thể tình cảm của người dự, để không có cảm xúc thiếu kiểm soát thu hút các thực thể ở cõi tình cảm. Chi tiết thêm về việc này có thể đọc trong hai quyển:

- An Outline of Modem Occultism by Cyril Scott.

- Through the Eye of the Masters by David Anrias.

Nguyên do gần của việc thành lập Thông linh học là để làm đảo ngược lại khuynh hướng vô thần của thế kỷ 19. Thế kỷ 19 là lúc có nhiều tiến bộ khoa học đầy hứng thú làm cho một số người nghi ngờ tín điều vô lý của tôn giáo, chỉ trích tín điều khó chấp thuận của tôn giáo và chọn thuyết vô thần. Việc đáng nói là chủ trương vô thần tự nó cũng được các Chân sư gợi hứng, để làm quân bình niềm tin tôn giáo khe khắt trong xã hội tây phương bấy giờ, nhưng óc vô thần phát triển quá độ và có vẻ đi xa hơn dự tính cho nó vì vậy Thông linh học được khai sinh để giảm bớt phần nào tính vô thần.

Giải thích thêm thì nhiều người vô thần tin tưởng mạnh mẽ rằng không có Thượng đế, linh hồn, hay đời sống sau khi chết. Theo họ thì chết là... hết chuyện. Nhìn về mặt huyền bí học quan điểm này cho ra kết quả không thuận lợi chút nào khi họ qua đời, nếu ai đó nhất quyết bác bỏ việc có sự sống ở bên kia thì sau khi rời bỏ xác thân, họ sẽ say ngủ trong lớp vỏ hay hình tư tưởng do chính mình tạo ra, hoàn toàn bị cắt đứt với tâm thức của linh hồn trên cao cũng như khung cảnh chung quanh cho tới khi hình tư tưởng ấy tan rã. Đó là karma của đầu óc khăng khăng không tin, và thường khi sự bác bỏ này là nhân quả của việc lạm dụng hiểu biết huyền bí trong quá khứ. Vào thế kỷ 19 con số người duy vật đi quá trớn thuộc loại này tăng lên, khiến theo quan điểm của Chân sư thì để Thông linh học phát triển là điều nên làm. Say ngủ nhiều năm là việc vô ích và uổng phí thời gian, làm trì trệ đáng kể sự tiến bộ; mà nhiều linh hồn tự tạo cho mình điều ấy thường không phải là người tiến hóa thấp, họ có thế rất hữu dụng ở cõi cao nên tình trạng này tránh được chừng nào tốt chừng ấy. Nếu con người muốn ngoan cố thì tốt hơn để họ ngoan cố về chuyên có thế giúp họ hơn là chuyện có thể ngăn trở họ. Thuyết duy vật sẽ không hề giúp cho cá nhân hay nhân loại được hạnh phúc và tiến bộ, nhưng Thông linh học có thể làm được cả hai việc này.

Nguyên nhân gần khác là đức Di Lặc hay đức Chúa, do thấy trước việc sẽ có hai thế chiến I và II, muốn có một phong trào có thể mang lại an ủi cho người còn sống theo cách mà Thiên chúa giáo không làm được. Linh mục và mục sư tuy giảng về cõi thiên đàng và sự tái hợp với người mà ta thương mến, nhưng chưa vị nào đã qua cõi thiên đàng và trở về kể chuyện mắt thấy tai nghe cho tín đồ hay làm bằng chứng cho lời thuyết giảng của mình. Khi gặp tai biến như hai thế chiến, con người không còn thỏa mãn với lời hứa mơ hồ mà muốn có bằng chứng hiển hiện là họ có thể liên lạc với thân nhân đã qua đời. Rồi ta phải kể đến hàng ngàn kẻ đau khổ vì mất người thân mà tôn giáo và tín điều mất sức hấp dẫn với họ. Vì thế mà có phong trào Thông linh học cùng rất nhiều sách vở nói về đời sống sau khi chết không theo quan điểm của tôn giáo, trong đó có hai quyển mà PST đã cho đăng là 'Bài Học Nhân Quả' và 'Hành Trình một Linh Hồn', nay mang lên website này. Sang cuối thế kỷ 20 ta có một loạt sách khác nói về kinh nghiêm cận tử (near death experience), tức là nỗ lực khác nhằm ngăn chặn thuyết duy vật và đưa bằng chứng về cõi vô hình, sự sống bất tử. Nói chung nhiều người thấy những sách loại này đáng tin, nó làm họ suy nghĩ và khiến họ tìm hiếu sâu xa hơn. Về điểm này vị Chân sư nói ở trên cũng đóng vai trò tích cực, trong nhiều trường hợp ngài gieo vào trí của thi sĩ và văn sĩ ý tưởng triết lý cao đầy thi vị để những người này diễn đạt lại theo khả năng của họ qua thơ văn.

Lòi Đồn Đãi.

HPB du hành luôn từ năm rời Nga 1849 cho đến 1873. Đặc điểm những chuyến đi này không phải là du lịch mà là tìm hiếu về hoạt động huyền bì, cùng học hỏi chuyện tâm linh ở các nơi trên thế giới. Helena gặp người da đỏ tại Mỹ châu, tới những nơi xa xôi vắng vẻ của nam Mỹ, sang Ấn Độ và Tibet vài lần, đi tới cả Cam Bốt. Có vẻ như đây là giai đoạn chuẩn bị cho việc làm sau này của Helena khi thành lập hội. Trên đất Mỹ hoạt động của Helena bước sang giai đoạn khác và có tính chất khác, không kém phần ly kỳ lạ lùng như đoạn đời của cô trước 1873. Do việc làm của mình HPB bị một số người chỉ trích và họ tìm cách hạ uy tín của bà như làm lan truyền những chuyện không có thật. Vì vậy trước khi tiếp chuyện của Helena tại New York, ta ngưng tại đây một chút để nói tới các đồn đãi về HPB trong giai đoạn trước 1873.

Gia đình của Helena là nạn nhân trực tiếp của lời dồn đãi vì họ thuộc dòng dõi quí tộc có địa vị trong xã hội Nga (ông ngoại, chú, bác, cậu là tướng, em họ Helena về sau là bộ trưởng rồi thủ tướng đầu tiên của Nga:

Sergei de Witte với mẹ của Sergei là Catherine em gái của mẹ Helena). Việc cô nhiều năm ở ngoài nước xa nhà, du hành những chỗ hẻo lánh xa cách thế giới văn minh cho người ác ý cơ hội để thêu dệt điều không thật về Helena. Bà dì Nadyezhda viết:

- Thân quyến của HPB rất ngạc nhiên và đau lòng khi đọc những bài nói là tiểu sử của Helena, ghi rằng cô được giới thượng lưu sang trọng lẫn giới hạ lưu thấp kém (hàm ý làm điếm) biết đến ở Vienna, Berlin, Warsaw và Paris, gán ghép tên của Helena với sự việc và chuyện kể tại những thành phố ấy vào lúc mà gia đình có bằng chứng rất rõ là cô ở xa Âu châu. Những chuyện kể này nói luông tuồng về Helena, cho cô đủ các tên như Julie, Nathalie V.V., thấy ngay đó là những người khác có cùng một họ Blavatsky.

Đối ngược lại thì ngay trong lúc HPB còn sống và sau khi bà qua đời, nhân chứng từng gặp bà trong những cuộc du hành ở Âu, Á và nam Mỹ lên tiếng, đưa ra bằng cớ hỗ trợ cho những gì HPB viết về hoạt động của mình trước 1873. Người đồng thời đã gặp Helena tại Cairo nay cư ngụ tại New York và tiếp tục liên lạc khi cô tới đây, viết:

- (HBP bị nhầm lẫn với nhiều người) Chỉ mới tuần qua (1877) tôi nhận được thư từ Aden, Arabia, hỏi bà Blavatsky viết bộ Isis có phải là bà Blavatsky thật sự có nhiều người quen biết ở Cairo mấy năm về trước hay không, vì người bạn cho hay là bà Blavtsky thật sự đã qua đời ở Aden năm 1868. Chuyện nhầm lẫn này vỡ lẽ khi nữ bá tước Lydia de Pashkoff, người du hành nhiều năm và là hội viên của Geographical Society of France, biết một phụ nữ tên Nathalie Blavatsky mất tại Aden. May mắn là nữ bá tước cũng biết HPB, từng gặp bà tại Syria, Ai Cập và nhiều nơi khác ở đông phương.

Năm 1875 người khác viết cho ông Olcott rằng năm 1873 họ qua Paris học đại học và quen biết Helena ở đó. Khi ấy Helena cư ngụ tại nhà của một người bà con, và người Mỹ này thường lui tới nhà người bà con đó của Helena để thăm viếng gần như là hằng ngày, dành nhiều thời gian để trò chuyên với cô ngoài giờ học do đó quan sát được sinh hoạt của Helena tại Paris. Họ kể bà dùng thì giờ để vẽ và viết, ít khi ra khỏi nhà. Nhân vật này cho biết rất quí chuộng Helena, tư cách của cô đáng trọng và một trong những thiếu phụ đặc sắc nhất họ được biết. Khi Helena sang Hoa Kỳ năm 1873 và sau đó nhân chứng trở về Mỹ, đôi bên tiếp tục liên lạc và duy trì tình thân.

Lời vu khống khác nói Helena có nhiều người tình, có ba con và bé trai Yuri là kết quả của một trong những liên hệ đó. Trong khi ấy văn khố của hội tại Adyar còn tài liệu là sổ thông hành năm 1862 cấp cho "người vợ của ông Blavatsky và Yuri được hai ông bà bảo hộ". Mặt khác phản ứng của HPB là ý kiến mạnh mẽ rằng đoạn đời trước 1875 khi thành lập hội là chuyện riêng của mình, không là chuyện của ai khác, và cũng vì có lắm sự việc diễn ra trong thời gian ấy liên quan đến nhiều người nhất là gia đình tại Nga, cô sẽ không phơi trần mọi sự hay đưa ra giải thích nào. Nó chỉgây thương tổn thanh danh những ai vô can, thí dụ cha mẹ của Yuri và thân nhân mà cô rất yêu quí.

Ta không khỏi tránh được nụ cười khi nhìn lại sự việc, Helena hứa danh dự với cha mẹ Yuri là nhận trẻ làm con và thề thốt lắm lần với mọi người rằng Yuri là con mình để làm họ tin (ngoại trừ gia đình cô vì họ biết sự thực, biết cha mẹ của Yuri). Nay nếu muốn đính chính thì phải nói ngược lại, xúc phạm đến người đã khuất là điều cô không muốn, tóm tắt là Helena há miệng mắc quai. Bởi tính khí ngang tàng, luôn nói thẳng ý nghĩ của mình không che dấu, Helena viết cho thân hữu là ai muốn nghĩ sao thí nghĩ về lời đồn đãi, mình cóc cần (I don't care!).

Năm 1890 tờ báo New York Sun cho đăng những chi tiết không thật này do kẻ thù của HPB cung cấp cùng nhiều vu khống khác. HPB nộp đơn kiện việc phỉ báng nhưng trong khi chờ xử thì bà qua đời năm 1891. Theo luật vụ kiện tự động hủy bỏ và tờ báo không còn sợ có tranh cãi gì, nhưng ngày 26-9-1892 tờ Sun làm việc đáng khen là tự ý đăng trong mục xã luận lời xin lỗi sau:

- Trên một trang khác trong báo hôm nay chúng tôi cho đăng bài của ông W.Q.Judge về cuộc đời kỳ lạ, khác thường của bà Helena p. Blavatsky thuộc hội Theosophia. Nhân dịp này chúng tôi xin ghi là ngày 20-7-1889 chúng tôi đã bị dẫn dụ sai lạc để đăng một bài của tiến sĩ E.F.Coues có chứa đựng nhiều cáo buộc về tư cách của bà Blavatsky và những người theo bà. Các cáo buộc nay được thấy là không có căn bản vững chắc, chúng tôi muốn thưa rằng không có chứng cớ nào cho các cáo buộc ấy và lẽ ra phải không đăng.

Một điểm cần lưu ý khi xem xét tài liệu của chính HPB để viết lại đời bà, là có lúc bà dấu địa danh chỉ viết... trong thư từ liên lạc, hay thay nơi chốn thật bằng một tên khác nên ta không thể có sự chính xác hoàn toàn. Lý do của sự che dấu này là đôi khi việc liên hệ đến các Chân sư thí dụ như nơi ẩn cư hay hoạt động của các ngài, và HPB không muốn lộ cho thế giới biết chỉ gây phiền toái.

Ta cũng không thể dựa vào những chuyện HPB viết (thí dụ From the Caves and Jungles of Hindostan) để ấn định thời điểm, nơi chốn, nhân vật chính xác, vì HPB bảo rằng tuy sự kiện trong chuyện đúng thật, nhưng bà dùng quyền tưởng tượng của nhà văn để gộp chuyện mười năm trước vào cùng với chuyện mười năm sau thành thứ tự liên tục, có mạch lạc xuôi chảy hợp lý! hoặc tô điểm chi tiết hoa lá cành, nói nôm na là thêm mắm muối để làm chuyện hấp dẫn.

Kế đó, nhân vật Sergei de Witte cũng nên được nói thêm cho rõ. Nhiều sách vở về HPB lấy tài liệu từ sách của ông Memoirs of Count Witte, nhưng có thắc mắc nêu ra về tính xác thực của chi tiết trong sách, và ngay cả tính xác thực của tác giả, tức không biết tác giả có thực là bá tước Witte hay ai khác. Bởi sách xuất bản năm 1921 sau khi ông đã qua đời, theo bản thảo mà chữ viết không phải đều là chữ của ông. Người ta nghi ngờ rằng đó là thời chế độ cộng sản tại Nga vừa cầm quyền, họ có thể muốn làm hạ uy tín các nhân vật thuộc chế độ cũ của Nga hoàng, do đó không chừng đã sửa đổi hồi ký của bá tước Witte. Nhiều chi tiết trong sách sai lạc một cách phi lý trong khi người ta có thể dễ dàng kiểm chứng, như nói rằng hội được thành lập tại Anh và sau đó HPB cư ngụ tại Paris cùng qua đời ở nơi ấy.

Chót hết, hai nguồn tài liệu khác về HBP cũng bị đánh dấu hỏi về tính xác thực, đó là hai loạt thư nói rằng do HPB viết, một mang tên The Dondoukoff-Korsakoff Letters, và loạt kia trích đăng trong sách A Modem Priestess of Isis của tác giả Solovioff. Tác giả Fuller chứng minh trong sách HPB and Her Teachers rằng chúng giả mạo, với nội dung nhằm hạ uy tín của HPB, lối viết không phải là cung cách của HPB, cũng như có mờ ám trong việc thư được rao bán trong thị trường sách hiếm. Thư được tạo ra để bán cho kẻ thù của bà sau khi bà qua đời, nhưng không nhà buôn bán sách hiếm nào chịu mua vì họ nghi ngờ xuất xứ. Rốt cuộc hội được mời chào mua thư và cuối cùng được tăng không. Bởi thiếu kinh nghiêm về mặt này hội tưởng là thư thật, sử dụng chúng và in thành sách tức cuốn hai HPB Speaks. Chuyện chưa chấm dứt ở đây, vì quyển này được nhiều người sử dụng để viết về HPB, trong đó có sách When Daylight Comes của Howard Muffet. vì vậy bạn đọc nên lưu ý.

Còn thư trong A Modem Priestess of Isis thì sách được xuất bản sau khi HPB qua đời do đó không thể đối chất. Chỉ có lời của tác giả Solovioff nói rằng thư do HPB viết, mà ông không thể đưa bản chính để chứng thực cũng như không có bản sao. Hoàn toàn không có tờ nào cho ta cầm lấy mà chỉ có chữ in trong sách. Một nhân vật đương thời là tiến sĩ A.L.Rawson từng quen biết với bà viết sau khi bà mất là:

- Bà Blavatsky là nạn nhân của lời phỉ báng độc ác trong nhiều năm nhưng bà bắt buộc tôi phải giữ yên lặng trong khi một lời là đủ để thanh minh cho bà.


 

CHƯƠNG VI

New York.

Helena sang New York tháng 7-1873 gần như không có đồng xu nào, cũng từ đây bà yêu cầu thân hữu gọi mình là HPB nên ta sẽ dùng chữ này trong bài. Trước khi rời Pháp HPB có cho cha hay và dặn gửi tiền cho mình tại tòa lãnh sự Nga ở New York, nhưng khi tới hỏi thì được trả lời là không có thư gì của đại tá Hahn cho con gái. Sự việc là đại tá Hahn qua đời ngày 15-7, cũng như sau đó gia đình chờ xong thủ tục pháp lý mới chuyển phần gia tài của HPB sang Mỹ cho bà vào tháng 10. Nó có nghĩa HPB gặp khó khăn tài chính trong thời gian đó. Để sinh sống HPB làm hoa giả, vẽ mẫu quảng cáo và ngụ tại nhà trọ ít tiền dành cho phụ nữ. Khi nhắc lại khoảng đời này HPB luôn tỏ ý biết ơn những người đã cho bà việc làm, mà cũng nhờ vậy ta có được các nhân chứng trong nhà trọ nói về con người HPB. Họ mô tả HPB tỏa ra uy lực, bà biểu lộ cho thấy có tài về trang trí, hội họa và âm nhạc và khi có ai hỏi thì nói rõ quá khứ của họ khiến người hỏi rất khâm phục. Người ta cũng chứng kiến khả năng siêu hình của HPB, cho ra nhận xét về con người của HPB giống như quan sát của những người khác về sau là ăn nói thẳng thắn, không biết sợ và sẵn lòng bênh vực người yếu thế.

Khi có người muốn nhờ HPB tiếp xúc với thân nhân đã qua đời, HPB bảo là chuyện ấy bất khả vì thân nhân nay thuộc về những việc cao hơn và ở ngoài tầm liên lạc. HPB tỏ ra không hề để bụng chuyện cá nhân, người chung quanh thấy bà có thể tỏ ra bất bình, tức giận nhưng không hề nhắm tới người hay vật riêng rẽ mà có tính vô tư. Họ nói lên đặc tính của HPB là không kiêng nể một ai hay điều gì, khi có trái ý thì bà mạnh mẽ bầy tỏ ý kiến làm người khác kinh ngạc.

HPB qua New York mang theo một khoản tiền lớn, nó được dành cho chuyện mà bà không biết nên cho dù túng quẫn, bà vẫn không sử dụng số tiền. Không lâu sau đó HPB được lệnh đi Buffalo mà không biết để làm chi. Khi đến thành phố này bà được trao số tiền cho người tại địa chỉ nọ, không cần giải thích mà chỉ cần lấy biên nhận và ra về. HPB làm y vậy thì thấy đó là một người đàn ông tại địa chỉ trên, đang ở trong tình trạng tuyệt vọng. Bà đến lúc ông đang viết thư vĩnh biệt gia đình, bên cạnh có khẩu súng để sẵn cho ông tự sát sau đó nếu không nhờ HPB đến. Về sau HPB nói rằng có vẻ như người đàn ông rất đáng quí trọng này bị lường gạt mất số tiền trên mà ông cần cho việc dẫn đến những biến cố quan trọng trên thế giới. Do đó số tiền cần được hoàn lại cho ông trong cuộc khủng hoảng này và bà là tác nhân được ủy thác phần việc ấy.

Nhận được phần gia tài của gia đình gửi qua vào tháng 10-1873 HPB dùng số tiền đầu tư vào nông trại nuôi gà, hùn chung với người khác và tới sống ở trang trại này vào tháng 7-1894. Tuy nhiên có sự lường gạt trong việc hùn hạp, HPB bỏ kế hoạch mở trại gà lấy trứng mà trở về New York nhờ pháp luật phân xử, thu lại được phần vốn đã ứng ra. Thời gian này có vẻ như không định hướng trong việc làm của HPB, nhưng nhìn theo khía cạnh khác thì nó là sự chờ đợi thời điểm thuận tiện, tụ họp các nhân vật và cơ hội cần thiết tức sự xuất hiện của ông Olcott và những buổi cầu hồn ở trang trại Eddy. Bởi ông Olcott từ đây có sinh hoạt gắn liền với HPB và với hội, trước khi tiếp tục chuyện ta cần trình bầy thân thế để hiếu rõ vai trò và sự đóng góp lớn lao của ông cho hội.

Henry Steel Olcott

Ông gốc người Anh, gia đình lập nghiệp tại Hoa Kỳ được khoảng tám đời tính đến ông, theo đạo Tin lành phái Methodist. Ông sinh ngày 2-8-1832, khi đang theo học ngành canh nông tại đại học Columbia thì thương nghiệp của ba ông thất bại, khiến ông phải bỏ dở việc học. ông về làm việc ở trang trại tại Ohio, đọc sách về thuật thôi miên, thực tập và thấy mình có khả năng làm giảm đau cho người khác nhờ thuật. Ông thực hiện một số phương pháp mới về canh nông khiến được biết tiếng, chính phủ Hy Lạp mời ông dạy ngành canh nông tại Athens năm 23 tuổi nhưng ông từ chối. Thay vào đó ông mở trường canh nông tại Mount Vemon, sang Âu châu nghiên cứu về ngành này, viết sách do đại học Yale xuất bản về canh nông, ông cũng viết những bài báo về ngành của mình, nhưng mở rộng công việc ký giả sang những phạm vi khác, như đến tận chỗ tường thuật về các biến cố của miền nam trong những ngày trước cuộc nội chiến Nam Bắc của Hoa Kỳ. Ông lập gia đình năm 1860, hai ông bà có hai con trai nhưng bởi không cùng xu hướng nên về sau cuộc hôn nhân tan rã.

Năm 1861 nội chiến xẩy ra, ông nhập ngũ vào quân miền bắc chủ trương bãi bỏ chế độ nô lệ. Ông được chỉ định vào ngành truyền tin, sau đó mắc bệnh sốt rét và kiết lỵ nên phải giải ngũ, nhưng rồi được giao cho việc điều tra nạn đầu cơ trong quân nhu của bộ binh làm công quỹ bị thiếu hụt nặng, được phong cấp bậc đại tá. Thượng cấp tỏ ra rất hài lòng với kết quả và khi hải quân mở cuộc điều tra tương tự, bộ trưởng hải quân hỏi mượn ông từ bộ binh để làm việc ấy. Khi tổng thống Lincoln bị ám sát thiệt mạng ngày 14-8-1865, bộ trưởng chiến tranh cho triệu hồi và chỉ định ông vào tiểu ban ba người để điều tra vụ ám sát. Sau đó ông tốt nghiệp luật năm 1868, bắt đầu hành nghề này tại New York chuyên về những vụ liên quan đến quan thuế, thuế và bảo hiểm với thân chủ là thành phố New York, thị trường chứng khoán New York, các hãng bảo hiểm, ngân hàng, công ty hỏa xa Panama và xưởng thép của Anh United Steel Manuiacturers of Sheffield.

Nghề nghiệp thành công nhưng cuộc hôn nhân không hạnh phúc, vào thời điểm của chuyện (1874) ông đang sống riêng tại New York trong khi chờ hoàn tất thủ tục ly dị. Vào tháng 7-1874, lúc ngồi ở văn phòng trí vơ vẩn nghĩ tới một hồ sơ đang lo cho thành phố New York về việc đặt đồng hồ nước, ông lan man nhớ rằng đã mấy năm chưa theo dõi phong trào Thông linh học. Cảm nghĩ ngày càng mạnh khiến ông ra phố tới sạp báo mua tờ báo chuyên về sinh hoạt này, đọc trong báo có tin nói một nông trại ở Chittenden thuộc tiểu bang Vermont có vong linh hiện hồn với hình thể đặc. Đây là nông trại của gia đình Eddy với hai người đồng chính yếu là anh em William và Horatio.

Ông lấy xe lửa đi ngay, ở lại trại vài ngày quan sát rồi phải trở về New York lo việc văn phòng. Tới tháng chín ông xuống trại lần nữa, viết bài cho báo mô tả sự việc. Ông đi Vermont lần thứ ba vào 14- 10, ghi lại trong hồi ký rằng đó là ngày nắng đẹp, cây cối đổi mầu lúc chớm thu khiến phong cảnh với lá vàng óng và đỏ rực trông giống như trải thảm lộng lẫy của triều vua. Bước vào trại, một người trong số các khách đến xem hiện tượng làm ông chú ý. Đó là một phụ nữ mặc áo đỏ, tóc mượt như tơ, dầy, mầu vàng dợn sóng đến tận chân tóc như lông trừu, nói tiếng Pháp với người bạn cùng đi với bà. Vì vậy khi thấy bà lấy ra điếu thuốc, ông bước tới đưa ra bật lửa mồi thuốc cho bà và nói:

- Permettez moi, Madame.

Nhớ lại lần đầu gặp gỡ ấy, nhiều năm sau ông Olcott nhận xét là công việc chung của ông và HPB bắt đâu bằng khói nhưng khuấy động lên ngọn lửa vĩ đại không ngừng. Ấn tượng đầu tiên của ông về cuộc nói chuyện là ông chưa hề gặp ai đặc sắc và lạ lùng như thế. Ông tả bà có gương mặt rộng nhưng đầy uy lực, thanh nhã và đường bệ khác hẳn những khuôn mặt bình thường trong phòng. Sự thu hút giữa hai vị nằm ở điểm họ có phần việc chung phải làm, ông Olcott luôn nhấn mạnh rằng ngay từ thuở ban đầu người này không hề nhìn người kia như kẻ khác phái, họ chỉ là bạn và tình cảm của ông đối với bà giống như đối với một người đàn ông khác, hơn là đối với một phụ nữ. Ông thêm rằng vẻ ngoài, cách ăn nói và hành động nói rõ HPB không có phái tính. Tới cuối tuần ông gọi HPB với tên thân mật là Jack.

HPB lưu tại trại Eddy hai tuần nhưng ông Olcott ở tới tháng 11 mới về New York, mỗi tuần hai lần ông viết bài tường thuật cho báo tại New York. Từ khi HPB dự những buổi cầu hồn, có nhiều vong linh hiện ra hơn chỉ vì bà tạo ra chúng để thí nghiệm mà người khác kể cả ông Olcott không hay, vì bà không nói cho ai rõ. Bà viết:

- Hình hiện ra không phải là chứng cớ rằng người ấy đã qua đời, vì tôi tạo nên những hình của người mà tôi tin đã khuất vào lúc đó, nhưng về sau biết ra là họ vẫn còn tại thế. Tôi tạo ý tưởng trong trí, nó giống như cái khuôn hình dạng của người và được tung vào thể tình cảm của người đồng. Trong những buổi cầu hồn đó tôi không hề gặp được vong linh ai tôi muốn gặp, mà chỉ trong giấc mơ hay trong linh ảnh tôi mới được tiếp xúc trực tiếp với thân nhân ruột thịt và bạn hữu, những ai có tình thương tinh thần mạnh mẽ với tôi. Vì những lý do về từ lực, vỏ (shells, tức thể tình cảm bị bỏ lại lúc con người thật rời cõi tình cảm lên cõi cao hơn) của người thương yêu ta rất nhiều sẽ không đến với ta, ngoại trừ một thiểu số rất ít. Họ không cần làm thế vì trừ phi là người rất đỗi xấu, họ có chúng ta trong cõi Devachan chung quanh họ, có đối tượng là những ai mà họ thương yêu lẫn những đấng họ tồn thờ, kính mến.

Vỏ một khi tách rời khỏi linh hồn không có điểm chung nào với cái sau. Nó không bị thu hút về người thân hay bạn bè mà về những ai nó có ái lực mạnh nhất về thể chất, nhục dục. Như thế vỏ của người nghiện rượu sẽ bị lôi cuốn về ai nghiện rượu hay có sẵn lòng ham thích uống rượu. Trong trường hợp đó cái vỏ sẽ làm nẩy nở ham thích này, bằng cách dùng thể của người sống làm thỏa mãn thèm khát của nó, và ai qua đời lúc còn đầỵ ham muốn tình dục với người tình còn sống thì cải vỏ sẽ bị thu hút về người sau.

Vỏ là rác thải ra ở cõi tình cảm, nó không lên được cõi cao cùng với linh hồn. Tôi thường kinh hãi và ghê sợ thấy vỏ tách khỏi thể tình cảm của người đồng, khoác lấy bộ dạng của ai đó, giả làm thân nhân của khách tới dự buổi cầu hồn làm khách hân hoan mừng rỡ, thành tâm tin đó là thân quyến đã quá vãng nay trở về để gặp họ cùng cho hay có sự sống bên kia... Phải chỉ họ biết được sự thật, phải chỉ họ tin! Nếu họ thấy như tôi hay thấy, rằng nó là một sinh vật quái dị không có hình dạng chộp lấy một người khách trong buổi cầu hồn, quấn trùm họ như cái khăn phủ mầu đen và chậm chạp biến mất vào thân hình của khách, như thấm qua các lỗ chân lông. Những vỏ này tiếp tục sống nhờ sinh lực của hàng trăm khách đến xem và của người đồng. Nhờ sự chỉ dẫn của Chân sư tôi nhận thấỵ:

* Những hình thật hiện ra ở trại Eddy là vong linh của người đã sống và qua đời trong vùng núi này.

* Hình của ai chết ở xa hơn thì hiện ra không trọn vẹn, có trộn lẫn với hình ảnh còn vương vấn trong hào quang của khách mà cái vỏ muốn hiện ra cho thấy.

* Hình giả mạo hoàn toàn, tức không phải những vỏ kích thích thể của người đồng, mà thể của họ đồng hóa một cách vô thức với hình ảnh của thân nhân hay bạn hữu đã khuất chứa trong thể của khách đến xem.

Cảnh tượng thật ghê sợ nhưng khách lại òa khóc ví mừng rở sung sướng, tưởng thật là gặp lại thân quyến làm tôi mủi lòng cho họ. Tồi hay ước phải chi họ biết hình giống thân nhân này chỉ thuần là những đam mê thuộc cõi trần, tật xấu, tư tưởng phàm tục, căn bã còn sót lại của thân nhân, cái không thể lên cõi thanh chỗ của tâm linh và linh hồn, bị thải ra trong bầu không khí trần tục và là cái mà người đồng thấy. Những hình hiện ra có thể giống hình của người đã khuất nhưng không phải là linh hồn họ, mà chỉ là hiện tượng do vỏ tạo ra.

Ta ghi nhận rằng HPB có phân biệt rõ ràng giữa linh hồn người đã khuất và cái vỏ họ bỏ lại ở cõi tình cảm. Theo tiến trình tự nhiên của sự sống, con người chết lần thứ nhất ở cõi trần khi rời bỏ xác thân và bước qua cõi tình cảm, sau một thời gian ở đó ta "chết" lần thứ hai khi rời cõi nay để sang cõi trí, bỏ lại thể tình cảm ở cõi trung giới. Thể tình cảm khi ấy thành cái vỏ, ngôi nhà bỏ không vô chủ, trôi vật vờ nơi đây, có thể làm linh hoạt nhờ năng lực của đồng cốt và khách dự buổi cầu hồn.

Giống như nhiều việc khác HPB làm, không phải ngẫu nhiên mà bà đến trại Eddy xem hiện hình, hay tình cờ gặp ông Olcott mà ghi rằng mình được lệnh tới đây với ít nhất hai mục đích:

- Thứ nhất là để gặp và làm quen với ông Olcott

- Thứ hai là để hỗ trợ phong trào Thông linh học.

Điều sau nên được nói rõ. Ta sẽ thấy mục tiêu của HPB và Thông linh học khác nhau rất xa, HPB muốn truyền bá MTTL và chống đối mạnh mẽ việc tìm cách liên lạc với người đã khuất, bà chủ trương phát triển thiên tính của con người mà không chú trọng đến việc tạo hiện tượng, là những điều mà Thông linh học quan tâm muốn nghiên cứu. Tuy nhiên trong giai đoạn đầu HPB tham dự phong trào Thông linh học để kêu gọi thế giới chú ý đến cỏi vô hình và những quyền năng huyền bí (tuy nó không huyền bí cho ai biết luật), bênh vực sự thật trong những khám phá của khoa này, nhằm làm đảo ngược khuynh hướng duy vật của con người lúc đó. Vì thế bà tạo ra hiện tượng trong buổi cầu hồn như ta thấy, lên tiếng ủng hộ người đồng khi biết họ chân thật và bị kẻ khác tấn công vì ác ý hay thiếu hiểu biết, cùng giúp Thông linh học tránh nguy cơ mà họ chưa biết. Đó là vì một số người lợi dụng lòng tin thiếu hiểu biết của công chúng để trục lợi cá nhân, khiến Thông linh học bị mang tiếng, giới trí thức bác bỏ bằng chứng về cỏi vô hình và quyền năng chưa được giải thích. Thế nên tuy bênh vực sự thật về Thông linh học, phần việc khác của HPB còn là trưng ra sự giả mạo nếu có khi nó bị lợi dụng.

Công chúng rất tò mò về các hiện tượng nên các bài tường thuật trên báo của ông Olcott được chăm chú theo dõi. Mức độ chú ý cao khiến ông viết chuyện thành sách, và những bài báo được HPB dịch sang tiếng Nga để đăng tại Moscovv. Mặt khác HPB tạo thêm nhiều hiện tượng cho thân hữu xem, dần dần ông Olcott khám phá rằng khác với người đồng bình thường bị vong linh chế ngự và làm theo ý muốn của chúng, HPB kiểm soát tinh linh sai khiến chúng thực hiện ý bà như tạo việc hiện hình, nói khác đi không có vong linh mà hình hiện ra là do tinh linh tạo nên tuy người dự không phân biệt được. Khách đến chơi với HPB có thể đặt câu hỏi và được trả lời bằng tiếng gõ, thấy hiện hình, bắt tay được với hình, sờ được cả râu tóc, đầu của hình có nghĩa đó là thể đặc mà không phải như sương khói. Có lần ông Olcott tháo nhẫn đưa cho hình, muốn họ giữ trong tay một lúc để ông có kỷ niệm về buổi cầu hồn. Đáp lại hình tỏ ý muốn giữ luôn nhẫn khiến ông không vui, vì nhẫn có giá trị cũng như ông không có ý định tặng nhẫn cho vong linh không có thân hình chỉ có đầu và tay. Tối đến khi vào giường ông thấy nhẫn được đạt trên gối nguyên vẹn không suy suyển.

Ta ghi lại những chi tiết trên để nói rằng đây là hiện tượng có thật xẩy ra trước mặt nhiều nhân chứng ngoài ông Olcott. Tính xác thực của nó còn được bảo đảm qua tư cách của ông, vì đã từng thực hiện một số cuộc điều tra trước kia ông thông thạo tâm lý và kỹ thuật lường gạt, nhận biết có dối trá hay không. Mỗi buổi cầu hồn ông và khách tham dự có những biện pháp hoặc để ngăn ngừa không có giả mạo, hoặc để khám phá nếu có; ta không đề cập chúng ở đây nhưng nếu muốn độc giả có thể tìm hiểu thêm trong sách Old Diary Leaves by H.S.Olcott

Mục đích nhắm tới của các Chân sư là khiến thế giới lưu tâm đến cỏi vô hình qua hiện tượng đồng cốt, và sau đó đi tới triết lý giải thích sự việc. Thông linh học được các ngài hỗ trợ vì nó được sự chú ý của những đâu óc trí thức và khoa học lúc bấy giờ, đây là tầng lớp mà các ngài muốn ảnh hưởng với hy vọng họ có nghiên cứu khoa học vấn đề tâm linh. Để thực hiện việc này, nương theo cơ hội lúc bấy giờ HPB lập Société Spirite tại Cairo nhưng chuyện không thành như ta đã thấy. Nay sang Hoa Kỳ HPB cố gắng lần nữa, khi có đồng cốt làm giả mạo hiện tượng gạt người đến xem và bị phác giác làm dư luận sôi nổi, làm mất uy tín của thông linh học khiến nó bị cười chê, bà lên tiếng trên báo biện hộ cho những đồng cốt đứng đắn và hiện tượng thực của họ tạo ra. Bà viết trong tập ký sự:

- Tôi được gửi tới nước này để trưng ra Chân Lý xuyên qua Thông linh học, và bổn phận của tôi là tỏ lộ nó là gì cùng vạch rõ nó không là điều chi. Tôi e ngại không chừng đã tới đây quá sớm 100 năm trước khi thuận tiện vì tình trạng hoang mang hiện giờ của tâm trí người, bởi có vẻ như mỗi lúc người ta mỗi quan tâm đến vàng hơn là đến chân lý, lời phản đối và nỗ lực yếu ớt của tôi sẽ không có ảnh hưởng nào. Dầu vậy, tôi luôn sẵn sàng để nhập cuộc trận chiến lớn lao, và chuẩn bị đầy đủ để chấp nhận bất cứ hậu quả nào có thể đến... Thông linh học với hình thức hiện giờ cần phải chấm dứt không cho đi sâu hơn và hướng sang đường lối khác. Trong thế kỷ này những huyễn tưởng và lý thuyết sai lạc của một số nhà thông linh học thật đáng xấu hổ...

Tồi được gửi từ Paris tới đây để chứng tỏ về các hiện tượng, rằng chúng là thực tại, và cho thấy sự sai lầm của lý thuyết thông linh học về 'linh hồn'. Nhưng làm cách nào để tôi có thể thực hiện việc ấy theo cách tốt nhất ? Tôi không muốn ai ai cũng biết là tôi có thể tạo ra hiện tượng y như đồng cốt nhưng theo ý mình, vì tôi nhận được lệnh ngược lại. Tuy nhiên tôi phải giữ cho thực tại sống động trong tâm những ai theo duy vật nay quay sang theo thông linh học, giữ vững tính chân thực và tính khả hữu của hiện tượng. Chỉ vì vài đồng cốt giả mạo và bị vạch trần mà những người này có thái độ hoài nghi trỏ lại. Đó là lý do tại sao tôi đến dự những buổi cầu hồn, giúp Chân sư M và nhờ quyền năng của ngài làm hiện hình, tạo hiện tượng, khiến người theo thông linh học nói chung tin đồng cốt làm ra việc ấy... Tồi có làm sai chăng ?... nhưng tôi phải cứu vãn tình trạng... Thế giới chưa được chuẩn bị để hiểu triết lý của huyền bí học, trước hết hãy để họ tự xác quyết rằng có sinh linh trong thế giới vô hình, dù là "linh hồn" của người đã khuất hay tinh linh; và rằng có những quyền năng ẩn tàng trong con người, cái có thể biến họ thành Thượng đế trên mặt đất.

Khi tôi mất đi trên cõi đời này, có lẽ người ta sẽ nhìn nhận ra động lực vô tư lợi của tôi. Tôi đã hứa dành đời mình trợ giúp con người thấy được Chân lý, và tôi sẽ giữ lời. Hãy để xã hội cười chê và nhạo báng tôi, để có người gọi tôi là đồng cốt và theo thông linh học, và người khác gọi tôi là kẻ mạo danh. Sẽ tới ngày hậu thế hiểu tôi rõ hơn.

Chân sư M ra lệnh thành lập một hội, hội kín giống như hội Rosicrucian. Ngài hứa sẽ trợ giúp.

Những lời này viết khoảng tháng 3-1875.

Tháng 6-75, thư của bà cho thân hữu có đoạn:

- Sắp tới lúc thông linh học phải quét sạch những dẫn giải sai lạc, nhầm lẫn, những điều mê tín và ý tưởng dốt nát... Nó phải được trưng ra cho thấy như là một khoa học, một luật trong thiên nhiên... (mà không phải) sự đùa giỡn của lực và vật chất mù quáng.

Ngoài việc gây uy tín cho phong trào thông linh học bằng cách tạo hiện tượng ở những buổi cầu hồn và lên tiếng bênh vực đồng cốt chân chính, HPB còn viết bài cho báo chí New York về hiện tượng đồng cốt, việc siêu hình, hỗ trợ cho tạp chí về thông linh học qua bài viết và đóng góp tài chính. Bà chọn báo The Spiritual Scientist để góp sức vì cho rằng nó khá hơn cả trong những tạp chí về thông linh học lúc bấy giờ. Có vẻ như ông Elbridge Gerry Brown chủ bút tạp chí The Spiritual Scientist, được thí nghiệm là nhân vật thứ ba ngoài HPB và ông Olcott cho việc phong trào Theosophia xuất hiện trở lại (ta nói "trở lại" vì phong trào này đã có từ lâu và tái hiện đều đặn dưới hình thức này hay hình thức khác, trong thế kỷ 19 đó là hội Theosophia, và "thí nghiêm" vì sau đó ông Brown bỏ cuộc còn ông Olcott kiên trí). HPB và ông Olcott nhận được thư của các Chân sư đề nghị họ làm hai việc trên, và kêu gọi người ta mua báo năm để ủng hộ tạp chí. Tờ báo trong một khoảng thời gian từ tháng tư - 1875 đến tháng 9-1878, trở thành phương tiện cho nỗ lực của HPB nhằm cải tổ thông linh học tại Hoa Kỳ, với việc đánh động khiến công chúng ý thức rằng khoa này cần một triết lý để giải thích hiện tượng. Tờ báo vỡ nợ tháng 9-1878, chẳng những thiếu HPB và ông Olcott một số tiền mà ông Brown còn tạo sự bất hòa với hai vị.

Betanelly.

Ta có đi trước thời gian một chút, nay trở lại năm 1875 bài viết của ông Olcott trên báo về hiện tượng ở trại Eddy có nhắc đến HPB, khiến một người Nga tên Michael C.Betanelly liên lạc với ông ngỏ ý muốn được tiếp xúc với HPB. Ông bầy tỏ lòng ngưỡng mộ rồi sau một thời gian muốn thành hôn với bà. HPB tin ông Nikifor Blavatsky đã qua đời và nay mình là góa phụ do thư của Vera từ nhà cho biết, nhưng bà từ chối nhiều bận đề nghị của ông Betanelly. Ông Olcott nhận xét ông Betanelly trẻ tuổi hơn HPB, trình độ trí thức thấp hơn, nghề nghiệp chưa vững (thương nghiệp xuất nhập cảng của ông Betanelly chỉ mới lập) nên hẳn HPB phải điên mới nhận lời lập gia đình.

Tuy nhiên HPB giải thích là ông Betanelly theo đuổi bà quá mức, thề thốt rằng hết sức thán phục khả năng trí tuệ của bà, chỉ muốn được chăm lo bà mà không hề nghĩ có đời sống vợ chồng, khiến HPB cuối cùng tin lời và thuận theo, nhưng đặt điều kiện là bà vẫn giữ tên của mình, hoàn toàn độc lập về mọi mặt và không chịu một ràng buộc nào. Việc diễn ra khoảng tháng ba hay tư 1875 đến khoảng tháng 7-1875 cuộc hôn nhân tan rã, do việc ông Betanelly không giữ đúng những lời cam kết. HPB phân trần với ông Olcott rằng trọn câu chuyện không thể tránh được, ông Betanelly và bà có karma chung không sao tháo gỡ. Cuộc hôn nhân là sự trừng phạt cho lòng kiêu ngạo tệ hại và tính háo chiến, điều làm ngăn trở sự tiến hóa tâm linh của HPB. Ngoài ra còn một đề nghị giải thích sự kiện theo cách khác, bạn có thể đọc thêm trong những sách ở cuối bài.

Trong thời gian này nhiều hiện tượng xẩy ra quanh các nhân vật kể trên, xin ghi lại đây hai chuyện làm thí dụ. ông Olcott nhận thấy nhà HPB không đủ khăn lau tay mới mua vải mang về, cắt thành khăn. HPB không viền mà để y vậy đem ra dùng. Khi ông Olcott phản đối thì HPB vui vẻ ngồi xuống lấy kim chỉ nhưng mới bắt đầu thì chân bà đá mạnh dưới bàn và nói:

- Đồ điên, ra chỗ khác chơi.

- Chuyện gì thế ? ông Olcott hỏi. HPB đáp:

- Tinh linh kéo áo tôi muốn có việc để làm.

- Số dách! ông Olcott reo lên, để nó viền khăn giúp mình bà dành làm chi, đường kim mũi chỉ của bà coi tệ quá.

HPB cười to và chê trách ông ăn nói không thuận tai chút nào. Ban đầu bà không thuận nhưng rồi xiêu lòng chịu nghe theo lời, bảo ông đặt khăn và kim chỉ vào tủ sách ở đầu kia gian phòng, khóa cửa kính của tủ lại. Ông làm y vậy xong trở lại ghế ngồi gần HPB, hai người trò chuyện đề tài bất tận mà họ ưa thích là huyền bí học. Chừng 15, 20 phút sau nghe có tiếng chít nhỏ như chuột kêu ở dưới bàn, HPB bảo rằng "vật quái quỷ" (a nuisance) đã làm xong khăn, ông mở khóa cửa tủ sách thấy quả thực 12 khăn đã được viền xong, đường chỉ vụng dại như của trẻ nhỏ mới học may. Lúc đó trời sáng rõ khoảng 4 giờ chiều, và trong lúc việc diễn ra HPB ngồi một chỗ không hề đến gần tủ.

Chuyện thứ hai là do công việc, ông Olcott từ New York đến Philadelphia và ngụ nơi đó vài ngày, ông ra bưu điện Philadelphia để xin chuyến thư từ New York về địa chỉ ở Philadelphia, chiều cùng ngày ông nhận được thư thẳng từ tay người phát thư. Bình thường lá thư có hai con dấu, một của bưu điện nơi nhận thư và một nơi phát thư, khi có chuyển thư như yêu cầu của ông Olcott thì trên thư sẽ có ba con dấu, một sẽ là nơi thư gửi đi, hai là dấu nhận của New York và ba là dấu của Philadelphia nơi thư được chuyển về. Tuy nhiên những thư trên tay ông chỉ có một là chỗ gửi thư mà không có dấu New York. Làm sao nhân viên bưu điện biết ông đi Philadelphia để chuyển thư. Chưa hết, khi mở thư ông thấy bên lề và ở những khoảng trống của thư có lời nhận xét về nội dung thư và người viết.

Miracle Club

Nỗ lực thứ ba của các Chân sư và HPB trong việc giảm bớt khuynh hướng duy vật là qua ông Olcott thành lập một hội chuyên nghiên cứu về phép lạ, mang tên "The Miracle Club" vào tháng 5-1875. Theo ông dự định của hội là thu hút những người có thành đạt trong khoa học và những ngành khác, chọn lọc hội viên trong số người nộp đơn để bảo đảm với công chúng là việc nghiên cứu của hội đáng tin. Mọi hiện tượng, hiện hình sẽ diễn ra  chỗ sáng sủa không có tủ nào.

HPB ghi nhận xét về tin này trong tập ký sự:

- Được lệnh khởi sự cho công chúng hay sự thực về hiện tượng và đòng cốt. Nay tới lúc tử vì đạo! Tất cả ai theo thông linh học sẽ chống lại tôi, cộng thêm với tín đồ Thiên chúa giáo và kẻ hoài nghi. Xin cho ý Chân sư được trọn.

Khó khăn mà HPB phải đối đầu và đau khổ phải gánh chịu hiển nhiên sẽ đến vì theo quan điếm của phong trào thông linh học, HPB tạo hiện tượng khuyến khích mọi người tin có thế giới vô hình, người chết trở về và nay quay 180 độ, tuyên bố rằng đó không phải là linh hồn người đã khuất, tất cả do tinh linh mà ra và ta chớ nên cầu hồn! Nhưng ta nên nhớ rằng tuy sinh ra hiện tượng, bà không hề nói đó là người chết thực sự trở về.

HPB nói rằng đó là lý do tại sao Ấn giáo và Phật giáo khuyến cáo về những ảnh hưởng tai hại của việc liên lạc với người đã khuất. Ngoài ra một lý do căn bản mà MTTL không khuyến khích việc có tiếp xúc giữa người sống và ai qua đời, là hành động ấy lôi cuốn người sau vào thế giới của chúng ta với bao đau khổ, tàn bạo, khiến đời sống sau khi chết trở thành địa ngục mà không phải là thiên đàng. Linh hồn cần sự bình an và ngơi nghĩ về mặt tâm linh giữa hai kếp sống. Tuy nhiên nó không có nghĩa là chúng ta bị cắt đứt hoàn toàn với thân nhân đã chết, bà viết:

- Chúng ta ở gần với họ lúc này hơn bất cứ khi nào lúc họ còn tại thế... vì tình thương thanh khiết tuy phát xuất tự tâm người nhưng có gốc rễ từ sự hằng hữu... Tình thương sau khi ai qua đời có mãnh lực thiêng liêng và kỳ lạ tác động lên người còn sống, dù bạn cho đó là huyễn tưởng. Nó thể hiện trong giấc mơ của ta và thường khi qua những sự việc khác nhau, như có sự che chở và thoát hiểm lạ lùng, bởi tình thương là cái mộc bảo vệ mạnh mẽ không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Nhân quả sẽ mang lại với nhau những ai thương yêu nhau có tình thân ái tinh thần để tái sinh lần nữa vào cùng gia tộc.

Giống như Société Spirite tại Cairo, Miracle Club mướn người đồng để làm hiện tượng nhưng cũng không thành. Tối ngày 7-9-1875 có buổi họp mặt thân hữu tại nơi cư ngụ của HPB bàn về những hiểu biết cổ xưa đã thất truyền của Ai Cập, ông Olcott nẩy ra ý nghĩ lập một hội để theo đuổi việc tìm hiểu và quảng bá hoạt động như vậy, ông viết giấy nhờ ông Judge trao cho HPB đọc, bà gật đầu đồng ý nên ông đứng lên trình bầy. Mọi ngươi chấp thuận và sau những thủ tục là tới việc chọn tên hội. Chuyện kể rằng một trong những người hiện diện tìm trong tự điển được chữ "Theosophy" và nó được dùng làm tên hội, nhưng ta cũng có mặt khác của chuyện. Ấy là chữ "Theosophy" đã được HPB dùng từ tháng 2-1875 trong thư gửi cho thân hữu, và vào tháng 7-1985 bà ghi trong tập ký sự:

- Nhận lệnh từ Ấn Độ chỉ thị việc lập một hội triết lý-tôn giáo và chọn tên cho nó.

Những buổi họp kế tiếp được dành cho việc bầu ban chấp hành với ông Olcott được chọn làm hội trưởng, thảo nội quy, chọn nơi họp, nhận hội viên và tới ngày 17-11-1875 với bài diễn văn khai mạc của ông hội trưởng, hội được chính thức thành hình.

Lý Do Thành Lập Hội.

Nhiều năm về sau ông Olcott lưu ý hội viên là khi ấy hội không có ba mục đích như ta biết ngày nay, tình huynh đệ đại đồng không được nêu ra vì ý tưởng lập hội phát sinh từ bài nói chuyện tối ngày 7-9-1875 ghi ở trên. Xét về mọi mặt thì hội phát triển dần dần tùy theo hoàn cảnh và những lực đối nghịch, đường hướng chung vẫn giữ, động lực hướng dẫn vẫn y vậy nhưng chương trình được thay đổi, mở rộng và cải thiện theo với kinh nghiệm và có hiểu biết hơn. Chương trình được hoạch định sẵn nhưng chi tiết để cho người trong hội tự soạn theo khả năng của mình. Tới năm 1878 tình huynh đệ đại đồng mới trở thành một mục đích của hội.

Vậy thì lúc ban đầu hội được xem như là tổ chức thu thập và truyền bá hiểu biết, tư tưởng triết lý cổ xưa và MTTL, nghiên cứu bí truyền. Đó là mục tiêu của đa số người hiện diện trong buổi tối thành lập hội, tuy nhiên còn một mục tiêu khác chỉ HPB biết mà giữ kín, phải đến năm 1886 mới ghi cho mọi người rõ:

1. Tạo một tình huynh đệ đại đồng không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, phái tính, giai cấp hay mầu da.

2. Khuyến khích việc học hỏi và đối chiếu Tôn Giáo, Triết Lý và Khoa Học.

3.Học hỏi những triết lý của đông phương, chính yếu của Ấn Độ và từ từ trình bầy nó cho công chúng qua sách vở giải thích các tôn giáo công truyền theo hiểu biết từ những chỉ dạy bí truyền.

4.Đối kháng lại chủ trương duy vật và óc tín điều về thần học bằng mọi cách, qua việc biểu diễn sự hiện hữu của những lực huyền bí mà khoa học không biết trong thiên nhiên, và sự hiện diện những quyền năng tâm linh và tinh thần trong con người. Cùng lúc ấy nỗ lực mở rộng quan điểm của người thông linh học bằng cách cho họ thấy rằng còn có nhiều tác nhẫn khác sinh ra hiện tượng ngoài 'vong linh' của người chết. Mê tín phải được phơi bầy và tránh hẳn, và biểu diễn bằng trọn khả năng của chúng tôi cho thấy những lực huyền bí—lành và không lành— hằng bao quanh chúng ta và lộ ra sự hiện diện của chúng bằng nhiều cách.

Năm 1886, trong thư cho một hội viên ông Hartmann HPB thêm nhiều chi tiết khác:

- Tôi được chủ tâm gửi đến Hoa Kỳ và trại gia đình Eddy. Ở đó tôi gặp ông Olcott rất mê say với chuyện về vong linh, và về sau quí yêu Chân sư nòng nhiệt y như vậy. Tôi được lệnh làm cho ông hiểu là những hiện tượng thông linh mà không có triết lý bí truyền đi kèm thì đầy nguy hiểm và sai lạc. Tôi chứng tỏ cho ông thấy rằng tất cả những gì người đòng có thể làm qua vong linh thì người khác có thể tự ý làm mà không cần vong linh nào cả; rằng ai trong thể xác mà có khả năng sử dụng những phần của thể tình cảm sẽ có thể sinh ra tiếng chuông, đọc được ý nghĩ, tạo tiếng gõ và hiện tượng vật chất, và tôi có khả năng ấy từ hồi bốn tuổi như gia đình tôi biết rành. Tôi có thể làm cho bàn ghế chuyển dịch, và khiến đồ vật có vẻ như biết bay, cánh tay bằng thể tình cảm của tôi cầm những vật này nhưng không ai thấy vì vô hình. Những điều này diễn ra ngay cả trước khi tôi gặp Chân sư.

Tôi nói cho ông Olcott hết mọi điều, bảo ông rằng tôi có biết các vị Chân sư, Đạo sư không những ở Ấn Độ và quá Ladakh, mà còn ở Ai Cập, Syria, vì ngày nay vẫn có các Chân Sư nơi ấy. Lúc bấy giờ danh hiệu 'Mahatma' của các ngài chưa được biết vì nó chỉ được gọi như thế ở Ấn Độ. Các Chân sư được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau tùy theo các nơi, thường không lên tiếng, tránh ra mặt, giữ kín sinh hoạt và chưa hề tỏ lộ chính mình cho ai khác trừ phi họ làm như tôi đã làm, là trải qua bẩy hay mười năm thử thách, chứng tỏ hết lòng tuyệt đối và giữ kín miệng ngay cả khi có thể gặp cái chết và bị đe dọa sẽ mất mạng. Tôi làm tròn những điều kiện và tôi trở thành như ngày nay...

Trọn cái tôi được phép nói là —Chân 1L. Bên kia dãy Hy Mã Lạp Sơn có một trung tâm gồm nhiều Chân sư thuộc các quốc gia khác nhau và vị Ban Thiền Lama (Teschu Lama) biết các ngài. Tất cả các ngài cùng nhau làm việc, một số vị hành động chung với đức Ban Thiền Lama nhưng các vị lama trung bình mà đa số là người dốt nát, không biết con người thật của các ngài. Thầy của tôi và đức K.H. cùng một số vị tôi quen biết rõ, sống nơi ấy. Tất cả các ngài thường xuyên tiếp xúc với những Đạo sư tại Ai Cập và Syria, ngay cả ở Âu châu.

Tôi là người đầu tiên tại Hoa Kỳ làm cho công chúng biết về sự hiện hữu của các Chân sư, và trưng ra danh hiệu đáng quí trọng của hai vị trong đại đoàn huynh đệ mà từ xưa đến nay Âu châu và Mỹ châu không biết, ngoại trừ một số Đạo sư mà thời nào cũng có. Những danh hiệu ấy được xem là thiêng liêng và đấng tôn kính trong khắp phương đông, đặc biệt ở Ấn Độ.

Thầỵ gửi tôi đến Hoa Kỳ để xem có thể làm gì hầu ngăn chặn khoa bói toán và tà thuật được người thông linh học thực hiện một cách vô thức. Tôi được mang đến gặp ông Olcott để làm thay đổi tư tưởng của ông và tôi thực hiện được việc ấy. Hội được thành lập rồi từ từ được làm cho hòa theo những chỉ dạy của triết lý bí truyền thuộc trường phái lâu đời nhất về ngành này trong trọn thế giới, một trường phái cải tổ mà cuối cùng đức Phật xuất hiện. Những chỉ dạy này không thể cho ra một cách đột ngột mà phải được gieo dần dần vào tâm.

Ông Olcott tin rằng nếu hội Theosophia không thành công thì sẽ có những người khác được sử dụng làm việc tương tự, giống như ông được cho cơ hội khi Socỉété Spirite tại Cairo tan rã năm 1871. Nhìn theo cách đó thì từ năm 1871 đã có nhiều nỗ lực bằng cách này hay cách kia sinh ra một tổ chức nhằm trình bầy MTTL, kể ra như sau:

- Société spirite, Cairo, 1871.

- Tạp chí The spiritual Scientist, New York, 1874.

- The Miracle Club, New York, 1875.

Cả ba vì lý do này hay kia bị thất bại, phải đến nỗ lực lần thứ tư là hội, New York, 1875 mục tiêu mới đạt được.

Đó là về phần hai vị sáng lập làm việc cho Chân sư. Nay về các ngài thì năm 1882, đức M viết về sự thành lập của hội:

- Một hay hai chúng tôi hy vọng rằng thế giới đã tiến khá xa về trí tuệ, nếu không phải là cũng tiến về trực giác, nên triết lý bí truyền có thể được giới trí thức chấp nhận và nên có động lực mở một chu kỳ mới về việc nghiên cứu huyền bí. Những vị khác nghĩ khác mà nay ý kiến đó thấy là khôn ngoan hơn, nhưng có đồng ý làm thử. Dầu vậy một điều kiện đặt ra là cuộc thử nghiệm phải độc lập với việc làm của chúng tôi và không được có sự can thiệp bất thường của chúng tôi.

Thế thì khi đi tìn người phụ tá chúng tôi tìm được ở Hoa Kỳ người có tư cách lãnh đạo, một người có sự can đảm đạo đức lớn lao, không ích kỹ, và những đức tính khác. Ông không phải là người toàn hảo nhất nhưng là ứng viên tốt đẹp nhất có được. Chúng tôi cho liên kết với ông một phụ nữ có những khả năng tuyệt diệu hết sức khác thường. Ngoài các điều này bà có một số khuyết điểm riêng đáng kể, nhưng không có người thứ hai nào ngoài bà thích hợp cho phần việc.

Chúng tôi gửi bà đến Hoa Kỳ, mang hai người lại với nhau và cuộc thử nghiệm khởi sự. Ngay từ phút ban đầu cả ông và bà được cho hiểu rõ rằng công chuyện hoàn toàn nằm trong tay họ, và cả hai dâng hiến trọn con người cho cuộc thử nghiêm để đổi lại phần thưởng trong tương lai xa thẩm, giống như người lính tình nguyên cho cái Vô Phương Hy Vọng (Forlorn Hope) như đức K.H. nói.

Đức K.H. đưa giải thích sau, năm 1880 và 1881:

- Những vị oãnh đạo muốn có 'tình Huynh Đệ trong Nhân Loại', một tình Huynh Đệ Đại đồng thật sự được khởi đầu, một tổ chức làm cả thế giới biết đến nó và những tâm hồn cao cả nhất phải chú ý... Cơn sóng hiện tượng đang tràn dâng hiện nay với những ảnh hưởng thay đổi trên tư tưởng và tình cảm người, khiến cho việc làm sống lại sự tìm hiểu về MTTL trở thành nhu cầu không thể không có. Vấn đề duy nhất phải giải quyết là mặt thực tế, làm sao đẩy mạnh việc nghiên cứu cần thiết và cho phong trào thông linh học động lực nó cần để tiến lên. Điều tôi muốn nói về Vô Phương Hy Vọng là khi ta nhìn ngắm mức độ to lớn của phần việc mà những người tình nguyện trong phong trào MTTL đảm trách, và nhất là vô số những tổ chức ra mặt chống đối, ta có thể xem nó như nỗ lực tuyệt vọng chống lại rủi ro kinh hồn mà người lính chân chính gắng sức thực hiện.

Ta chấm dứt phần nói về việc thành lập hội bằng lời giới thiệu một nhân vật khác quan trọng cho hội về sau tại Hoa Kỳ là William Quan Judge. Ông gốc người Ái Nhĩ Lan, sinh năm 1851 hành nghề luật sư tại New York từ năm 1872, và hiện diện trong những ngày đầu lập hội. Khi ấy sự có mặt của ông không được chú ý cũng như ông không có hoạt động gì đáng nói cho hội trong nhiều năm đầu, nhưng ông lặng lẽ chờ đợi, trung thành giữ cho ngọn lửa tinh thần âm ỉ cháy tại Hoa Kỳ sau khi hai vị sáng lập đi Ấn Độ, và khi thuận tiện làm cho nó bừng sáng rực rỡ. Ông có đặc tính vô úy (không sợ hãi), kiên tâm không mệt mỏi và do đó đã một tay gầy dựng hội tại Hoa Kỳ từ 1884, không có ai trợ giúp mà được thành công lớn lao.


 

CHƯƠNG VII

Isis Unveiled

Sau khi lập trại gà lấy trứng không thành, tháng 11-1874 HPB về ngụ ở New York số 16 Ivring Place, nơi đây bà tạo một số hiện tượng cho ông Olcott và được ông ghi lại:

-...như tay không đụng vào bàn mà làm cho bàn nghiêng hay có tiếng gõ trên bàn khi mạnh khi nhẹ, với tay bà để trên cao cách bàn chừng 15cm hay đặt tay lên bàn tay tôi áp xuống mặt bàn. Hôm khác trên đường từ sở về nhà tôi mua một quyển vở để ghi chép và khi đến nhà tôi cho bà xem và nói ý định của tôi. Khi ấy bà đang ngồi còn tôi thì đứng. Bà không đụng cuốn tập hay làm bất cứ dấu hiệu huyền bí nào mà bảo tôi cất quyển vở vào người. Tôi làm y lời và sau một lát bà kêu tôi lấy nó ra xem. Tôi thấy có hàng chữ viết ở trang đầu tiên bằng bút chí và một hình vẽ. Quyển tập đang nằm trên bàn khi tôi ghi lại chuyện này. Cái đáng nói là không có ai trừ tôi đã đụng tay vào vở sau khi mua nó, cất nó trong túi cho tới khi lấy ra để HPB xem, đứng cách bà gần một thước, cất nó lại vào người và chỉ lấy ra vài phút sau khi được kêu làm vậy. Chữ viết và hình vẽ bằng bút chí bằng bút chì được viết ra khi cuốn tập nằm bên trong áo tôi.

' Từng chút từng chút một, HPB cho tôi biết về sự hiện diện của các đạo sư đông phương và quyền năng của các ngài, tạo ra nhiều hiện tượng chứng minh là bà kiểm soát được những lực huyền bí của thiên nhiên.

Hội đã thành lập nhưng trong những năm đầu tại New York hoạt động rất ít không có gì đáng kể. Trong thời gian này việc gây chú ý nhất là bộ Isis Unveiled được xuất bản. Tuy HPB viết nhiều bài về hiện tượng siêu hình đăng trên báo chí tại New York, nhưng Isis là cơ hội cho người đời biết đến khả năng văn chương và hiểu biết về huyền bí học của bà. Trọn bộ 2 cuốn dầy hơn 1.200 trang và vẫn còn tiếp tục được phát hành hiện nay, do ba nhà xuất bản khác nhau ấn hành. Nội dung của sách phong phú đến nỗi từ ngày sách ra đời người ta thường ngạc nhiên về sự hiểu biết uyên thâm của tác giả, ông Olcott là người thân cận với HPB cũng thắc mắc là bà đột nhiên tỏ ra thông thạo nhiều vấn đề ghi trong sách nên viết một thư dài bằng tiếng Pháp gửi cho bà dì Nadya ở Nga, hỏi về mức học vấn của HPB. Thư trả lời ngày 8-5, 1877 viết:

- Helena được giáo dục theo cách dành cho thiếu nữ trong gia đình nề nếp, được dạy dỗ chu đáo nhưng không nhằm có kiến thức sâu rộng thành học giả. Ông hỏi Helena biết những ngôn ngữ gì. Từ lúc nhỏ ngoài tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ, Helena chỉ biết thêm Anh và Pháp ngữ. Về sau trong những lần du lịch Âu châu Helena học thêm một chút tiếng Ý. Lần chót tôi gặp Helena là cách đây 4 năm và tôi đoán chắc với ông đó là những thứ tiếng Helena thông thạo, về chuyện Helena tỏ ra thông thái không lường được 4 năm sau, trước đó không hề có dấu hiệu mà cũng không có chút hứa hẹn nào.

Tự HPB thì nói rằng bà được chân sư chỉ dạy, và trích lời Montesquieu nói bóng bẩy rằng công lao của mình, nếu có, trong những bộ sách chỉ là việc đóng góp sợi dây kết nhiều bông hoa thành bó hoa tuyệt sắc dâng hiến cho đời. Mà còn hơn thế nữa, ta sẽ thấy về sau bà được sử dụng như máy đánh chữ, qua đó ghi lại những điều các chân sư muốn truyền đến thế giới. Để thực hiện được việc ấy có vẻ như HPB trải qua một cuộc thay đổi tâm thức lạ lùng vào cuối tháng ba 1875 trước khi hội thành lập. Là người sống cạnh HPB ông Olcott ghi nhận điều này còn HPB nói về sự việc trong thư gửi cho em gái là Vera:

- (Khoảng đầu năm 1875) chị cảm thấy trong người có hai bản ngã (duality) rất kỳ lạ. Nhiều lần trong ngày chị cảm thấy cạnh mình có một ai khác, tách biệt hẳn với chị, hiện diện trong thân xác mình. Chị không hề mất ý thức về cá tính của mình, cái chị cảm thấy là dường như chị giữ yên lặng và người khác —người ở trong thân chị— nói bằng miệng lưỡi của chị. Chẳng hạn chị biết mình chưa hề tới những nơi chốn mà 'cái tôi khác' của chị mô tả, nhưng cái tôi này —cái tôi thứ hai— không nói láo khi nói về nơi chốn và những điều chị không biết, vì nó thực sự đã thấy và biết rõ các điều ấy rồi. Chị đành bỏ mặc, phó cho số mạng định đoạt theo ý nó vì tính ra, chị làm gì được bây giờ ? Chuyện sẽ rất kỳ quặc nếu chị bác bỏ hiểu biết mà cái tôi thứ hai bảo là nó có, nên có lúc người chung quanh nghĩ rằng chị giữ kín không nói họ nghe là vì khiêm nhượng.

Ban đêm một mình trên giường, trọn cuộc đời của cái tôi thứ hai diễn ra trước mắt chị, và chị không thấy mình chút nào mà thấy một người khác hẳn —về chủng tộc lẫn cảm xúc. Nhưng nói về chuyện đó thì có ích gì ? Biết không cũng đủ điên rồi. Chị ráng làm quen với tình trạng và quên đi sự kỳ lạ của nó. Đây không phải là chuyện đồng cốt hay ảnh hưởng không tốt mà nó cao vượt bực đưa ta đến chuyện tốt lành.

Sau đó HPB cho gia đình hay về nhân vật thứ hai này tức thầy của mình:

- Chị thấy vị thầy Ấn Độ này hằng ngày, y như gặp gỡ bất cứ người sống nào chỉ có cái khác biệt là trông ngài thanh nhẹ và trong suốt hơn. Khi trước chị giữ yên không nói gì về những lần ngài xuất hiện, cho đó là huyễn ảnh nhưng nay người khác cũng thấy được hình ảnh của ngài. Ngài xuất hiện và cho ý kiến về cách làm việc cách viết. Thấy rõ là ngài biết mọi chuyện gì đang xẩy ra, ngay cả tư tưởng của người khác và khiến chị biểu lộ sự hiểu biết của ngài. Đôi khi chị thấy như ngài phù trợ trọn con người của chị, đi vào người chị thật giản dị như hương trong không thấm qua chân lông và tan biến vào người. Lúc đó cả hai có thể nói chuyện với người khác và khi ấy chị bắt đầu hiểu và nhớ các khoa học và ngôn ngữ —tất cả những gì ngài chỉ dạy chị, ngay cả khi ngài không còn ở cạnh chị nữa.

Có vẻ như nguồn cảm hứng không phải chỉ phát xuất từ các vị thầy của HPB, mà lúc khác bà cho Vera hay:

- Không phải người nói và viết sách là chị mà là một cái gì khác bên trong chị, cái chân ngã sáng chói cao hơn, là cái nghĩ và viết cho chị.

Ban đầu gia đình rất kinh sợ khi đọc thư của HPB. Vera thuật lại trong bài báo (1891) viết sau khi HPB đã qua đời:

- Chị tôi làm gia đình ngạc nhiên với những chuyện dự tính lập hội 'Tình Huynh Đệ Đại Đồng', về học hỏi triết lý cổ truyền đông phương, về chị đã bắt đầu viết bộ sách lớn (Isis Unveiled). Tôi vẫn còn nhớ như thế mới xẩy gần đây là gia đình ngẩn ngơ ra sao với tin đó. Thật tình tôi không biết phải nghĩ thế nào, làm sao giải thích mơ tưởng viễn vông ấy... Mới đầu gia quyến không tin chúng tí nào và trong một thời gian dài về sau thân nhân nghi ngờ chuyện viết lách của chị, nói thật ra tin rằng chúng là chuyện giả mạo và lừa bịp!... Tôi luôn luôn biết chị tôi thông minh có khả năng, nhưng đột nhiên viết về một khoa như vầy, mãi cho tới gần đây tôi vẫn sợ là chị đã mất trí... Tôi chỉ nhẹ người một chút khi thỉnh thoảng Helena Petrovna gửi cho tôi những bài của chị mà báo chí Hoa Kỳ đã đăng cùng với lời bĩnh luận trên báo, chúng làm tôi yên lòng là không cần phải đưa ngay chị vào dưỡng trí viện.

Nói về Vị thầy của HPB, Vera viết:

- Chị là người không hề chịu khuất phục ai, ngay từ hồi nhỏ chỉ một mực làm theo ý mình trong mọi chuyện, đột nhiên chị tìm ra một đấng, một vị mà chị lặng lẽ tùng phục ý chí của ngài! Mà lại là người như thế nào chứ! Người biết huyền thuật, người Ấn Độ bên bờ sông Hằng như trong chuyện thần thoại! Tôi không hiểu gì hết!... Tôi phải thú thật là tới ngày nay tôi vẫn chưa hiểu. Dù tôi đến thăm chị luôn, gần như hằng năm trong năm năm qua, mỗi lần ở nhà của chị vài tháng, tôi hiểu rất ít về tất cả những lời giải thích hăng hái của chị. Ngày nay (1891) cũng như là 15 năm về trước tôi ngạc nhiên lạ lùng đối với hiện tượng không giải thích được là óc thông thái uyên thâm tự nhiên mà có của chị, hơn là với tất cả những chuyện tuyệt vời mà người trong hội gán cho chị.

Isis được khởi soạn trước khi thành lập hội. Ông Olcott viết lại (A):

- Không có gì xẩy ra một cách tự nhiên và không kèn không trống hơn cái khởi đâu của bộ Isis, một hôm vào mùa hè 1875, HPB cho tôi xem vài tờ bản thảo và nói:

- Tôi viết bài tối qua "theo lệnh" nhưng thật tình không biết là để làm chi. Có thể là cho bài gửi đăng trên báo, hay viết thành sách, hay chẳng là gì cả. Ra sao thì ra, tôi chỉ tuân theo lệnh mà làm.

Và bà cất tập giấy vào ngăn kéo, không đề cập tới nó trong một thời gian lâu. Vào tháng 9-1875 bà đến chơi nhà hai người bạn mới của mình là giáo sư Corson dạy đại học Comell và vợ ông, và tiếp tục viết sách ở đó. Bà gửi thư cho tôi, nói rằng nó sẽ là cuốn sách về lịch sử và triết lý của các học phái đông phương và sự liên hệ của chúng với các học phái của thời đại chúng ta. Bà bảo sẽ viết về những môn mà bà chưa hề học và trích dẫn từ những sách chưa hề đọc trong đời. Về điểm này để kiểm lại sự chính xác của bà, giáo sư Corson đã so sánh những câu trích dẫn của bà với các tác phẩm cổ điển của thư viện đại học và thấy là chúng đúng thực.

Nhờ các khám phá sau này về tài liệu thuộc giáo sư Corson lưu trữ tại đại học Comell, chắp nối lại ta được biết rõ thêm sự việc. Lúc đó giáo sư Corson dạy tại đại học Comell, về một số mặt ông được xem là vị giáo sư quan trọng nhất mà đại học Cornell đã có từ trước đến nay, rất có tiếng về bài giảng và bài viết của ông về văn chương Anh. Khi con gái đột ngột qua đời lúc 16 tuổi vào tháng 7 năm 1874, sự đau khổ khiến ông chú ý đến thông linh học (spiritualism) và mời HPB đến nhà ở Ithaca, New York để nhờ bà tiếp xúc với con gái. Bà tới đây khoảng tháng chín 1875, ông hy vọng bà sẽ mở buổi cầu hồn, tuy nhiên chẳng những bà không thuận mà còn khăng khăng chống lại bất cứ việc gì liên quan đến chuyện tiếp xúc với người đã khuất. Con trai giáo sư kể rằng:

- HPB dành hết thì giờ ngồi ở bàn viết, viết hoài, viết mãi, viết trọn cả ngày lẫn đêm thư từ liên lạc với người khác bằng tay. Chính ở nhà của ba tôi mà HPB bắt đầu bộ Isis Unveiled, mỗi ngày viết khoảng 25 trang lớn đặc kín. Bà không có sách để tham khảo, thư viện rất lớn của ba tôi gần như chỉ toàn là sách về văn chương Anh... và bà ít khi hỏi ý kiến ông về bất cứ chuyện gì.

Trong một cuộc phỏng vấn, giáo sư Corson xác nhận điều này:

- Bà luôn làm tôi kinh ngạc lạ lùng về việc gì sẽ tới. Bà có hiểu biết thâm sâu về đủ thứ chuyện, và cách làm việc của bà rất khác thường. Bà viết trong giường từ 9 giờ sáng, hút không biết bao nhiêu điếu thuốc lá (200 điếu một ngày), trích y nguyên văn nhiều đoạn dài từ hằng chục cuốn sách mà tôi biết rất chắc là khi ấy ở Mỹ không có cuốn nào, dịch dễ dàng từ nhiều ngôn ngữ và thỉnh thoảng gọi to cho tôi đang ngồi trong phòng làm việc của mình, để biết cách viết sang tiếng Anh cho đúng một thành ngữ cổ nào đó, vì lúc ấy bà chưa viết thông thạo như về sau thấy trong bộ The Secret Doctrine.

Cháu ngoại của giáo sư Corson nhớ là nghe ông ngoại bảo không hiểu sao HPB có được các con số, nhưng chẳng bao lâu cả nhà thấy là có một bàn tay ốm mầu nâu của người Ấn Độ từ dưới bàn vươn ra viết xuống điều gì bà cần mà khi kiểm lại thì luôn luôn đúng. Nói về những đoạn mà HPB trích dẫn trong bộ Isis, ông nhận xét là:

- Chính bà cho tôi hay là viết chúng lại khi sách hiện trước mắt bà ở một cõi khác, bà luôn luôn thấy rõ ràng trang sách và đoạn trích dẫn bà cần, chỉ việc dịch cái bà đọc sang Anh văn... Cái chắc chắn là hằng trăm cuốn sách mà bà trích không có trong thư viện của tôi, nhiều quyển không có ở Mỹ, một số rất hiếm và khó mà kiếm thấy ở Âu châu, còn nếu bà trích từ ký ức của mình thì đó lại là chuyện đáng kinh ngạc hơn là viết ra cái bà thấy ở cõi vô hình. Chuyện bà làm thật là tuyệt vời mà ai suy nghĩ theo lối thường hẳn sẽ thấy lạ lùng với lời giải thích.

Nhiều năm về sau, khi được hỏi là trong số những người đáng chú ý mà ông đã gặp ai là người nổi bật nhất, ông bảo đó là bà Blavatsky. Một tháng sau bà rời nhà giáo sư Corson quay về New York tiếp tục viết bộ Isis 17 tiếng một ngày, ngồi nhà cả sáu tháng liền không đi ra phố.

Khi soạn xong, Isis cần người viết danh mục (Index) và theo lời đề nghị của nhà xuất bản, ông Olcott mời giáo sư Alexander Wilder đảm nhận việc này. Ông Wilder là triết gia tiếng tăm lúc bấy giờ, vào năm 1908 trong bài mang tựa đề 'How Isis Was Written' ông viết:

- Đó quả là tài liệu đồ sộ, cho thấy có nghiên cứu trong lãnh vực thật rộng rãi, đòi hỏi công lao khó nhọc lẫn sự thông thạo nhiều đề tài khác nhau. Bản thảo là kết quả của việc tìm tòi lớn lao, có tính cách mạng đối với lối suy nghĩ đương thời... Đại tá Olcott rất muốn tôi làm quen với bà Blavatsky, tôi đắn đo một lúc lâu rồi cùng ông đến nơi hai vị cư ngụ ở đường 47... Bà có cung cách và hình dạng không giống như tôi tưởng, người cao nhưng không rắn rỏi, gương mặt có dấu vết và biểu lộ đặc tính của người đã đi nhiều nơi, thấy nhiều việc, suy nghĩ và kinh nghiệm lắm điều... Bà trò chuyện vô cùng khéo léo, thành thạo mọi việc mà chúng tôi thảo luận. Bà nói Anh văn trôi chảy như cách của người hoàn toàn quen thuộc với nó và suy nghĩ bằng ngôn ngữ đó. Đối với tôi nói chuyện với bà thì cũng y như với bất cứ thân hữu nào của tôi....

'Sau khi sách được in ra và phát hành, có tranh luận về ai thực sự là tác giả sách. Nhiều người không muốn nhìn nhận rằng bà Blavatsky có đủ hiểu biết hay có khả năng trí tuệ để viết ra tác phẩm như vậy. Có người cho rằng tôi mới đúng là tác giả... không ai quen thuộc với lối viết văn của tôi lại có thể tin rằng tôi là người viết Isis Unveiled. '

Về phần HPB, bà giải thích:

- Bộ Isis chứa đựng khối lớn tài liệu nguyên thủy chưa hề được tiết lộ về các đề tài huyền bí, tôi bênh vực tư tưởng và chỉ dạy trong sách mà không sợ bị cho là kiêu ngạo vì cả tư tưởng và chỉ dạy đều không phải là của tôi như tôi vẫn hằng tuyên bố. Tôi khẳng định là cả hai có giá trị to tát nhất cho người có khuynh hướng thần bí và người học hỏi MTTL.

Isis xuất bản tháng 9, 1877 gồm 2 cuốn tổng cộng hơn 1200 trang chữ nhỏ, gây tiếng vang lớn lao mà cũng tạo nhiều kẻ thù cho HPB. Bà biết trước điều này qua lời giới thiệu ở đầu sách:

- Người Thiên chúa giáo sẽ thấy là sách đặt câu hỏi về những chứng cớ cho rằng tín điều của họ đúng thật... Sách không có chữ nào chống đối lời dạy chân chính của đức Jesus nhưng tố cáo không nương tay việc hạ thấp chúng thành hệ thống tín ngưỡng sai lạc, gây hại cho niềm tin của con người vào chuyện bất tử và Thượng đế, cùng phá hại mọi kềm chế về mặt đạo đức... Sẽ có nhiều người chỉ trích ngay thẳng mà cũng có nhiều phê bình tàn tệ, nhưng chúng tôi nhìn vào tương lai, chúng tôi làm việc cho một ngày mai tươi sáng hơn.

Sách là thành công tức thì, báo chí viết rằng mức sách bán là chuyện chưa hề có trước đây cho loại sách như thế, trọn ấn bản 1000 cuốn bán hết trong vòng 10 ngày sau khi phát hành, vượt quá sự mong đợi của nhà xuất bán. Nhiều đợt tái bản tiếp theo sau đó cũng như vẫn còn tiếp tục đến ngày nay. Quyển đầu có tựa là Khoa Học (Science), quyển thứ hai là Thần Học (Theology). Từ đây tới lúc cuối đời HPB sinh sống bằng ngòi bút của mình, bà viết bài viết chuyện, dịch chuyện đăng báo tại Hoa Kỳ, Nga. Lợi tức ít ỏi nhưng bà theo sát chủ trương của mình cũng như hết sức rộng rãi với người khác như ta sẽ biết về sau. Khi thấy Isis thành công lớn, nhà xuất bản rất hài lòng nên đề nghị bà viết một cuốn khác tiếp theo và chịu ứng trước một số tiền đáng kể, dẫu lúc đó rất cần tiền nhưng HPB từ chối với lý do là bà không được phép tiết lộ nhiều bí ẩn hơn cái đã viết trong Isis.

Quyển I, Khoa Học, xem xét chương đầu của sách Origin of Species, Charles Darwin và sách Physical Basis of Matter, Thomas Huxley. HPB không phản đối quyển trước nhiều như quyển sau. Nét chính trong tư tưởng của Darwin là nhiều loài tiến hóa từ một số ít loài, nếu nhìn nhận luật tiến hóa thì nói rộng ra người ta có thể chấp nhận ý kiến ấy tuy có thể không chấp nhận phần chi tiết mà ông đề ra. Darwin không nói những loài đầu tiên từ đâu mà có, sự bỏ qua điều này khiến còn khoảng trống để tinh thần có chỗ đặt chân nhưng Huxley chặn mất khe hở này với xác định là mọi vật từ vật chất nguyên sinh (protoplasm) mà ra. Chủ trương ấy thẳng tay bác bỏ tính thiêng liêng tuy Huxley không biết, và hệ quả là ngày nay nhiều thuyết khoa học nêu ra hoàn toàn không có phần tâm linh, như nói rằng loài vật không có cảm xúc như người vì chúng không có linh hồn. Cái sau là điều mà HPB chống đối mạnh mẽ.

Trong sách, những chuyện lạ lùng ghi trong kinh thánh và những cổ thư khác được xem xét và khảng định là chúng không nhất thiết là giả tưởng hay siêu phàm (là chuyện không thể có được), mà có thể giải thích được theo một khoa học khác với khoa học vật chất hiện thời. Sách của Huxley có trích một câu nói:

- Phép lạ là sự vi phạm luật thiên nhiên.

Câu đáp của HPB dài hơn 628 trang mà tóm tắt là:

- Đúng thế, nhưng có những luật trong thiên nhiên mà quí vị không hiểu.

Quyển II, Thần Học, bà thách đố lời tự tôn của Thiên chúa giáo là sở hữu những chỉ dạy chỉ riêng nó có, và trình bầy cho thấy các biểu tượng trong tôn giáo này phát sinh từ biểu tượng của nhiều tôn giáo trước nó, nhất là của Ai Cập. Có một triết lý minh triết nằm bên trong mỗi tôn giáo lớn và triết lý này giống y nhau trong các tôn giáo. Cái yếu tính vĩnh cửu, không thể xóa nhòa, bất khả tư nghị mà mọi suy luận chỉ vô ích, là cái vô phái tính. Không có cực nào vì hai cực là một, khi theo sự tuần hoàn hai cực đối nghịch nhau thì một vũ trụ thành hình. Cực nữ hay Thánh Mẫu Đồng Trinh đích thực được gọi là Isis trong tôn giáo của cổ Ai Cập, từ đây sinh ra tinh vân và các vì tinh tú, nhưng ý niệm này được giáo hội Thiên chúa giáo đồng hóa với mẹ của một nhà tiên tri. Một số tranh đức Mẹ Đồng Trinh vẽ những ngôi sao lấp lánh quanh đầu ngài, còn hoa huệ mà ngài cầm trong tay ở những tranh khác thì không gì hơn là biến thể tây phương của hoa sen, loại hoa thánh của Isis. Quan niệm ba ngôi của tây phương cũng phát xuất từ Osiris và Horus, Cha và Con của Ai Cập cổ.

Theo bà Phật giáo là tôn giáo trưng bầy triết lý minh triết này rõ ràng nhất. Buddhi có nghĩa là huệ, minh triết và khi nói tới Phật giáo bà không nhất thiết nói đến một kinh sách nào vì có những vị Phật đã xuất hiện trước đức Thích Ca và đức Di Lặc sẽ đến với thế gian sau ngài. Điều bà luôn luôn muốn nói khi dùng chữ Buddhism là cái triết lý minh triết học hỏi được từ các Chân Sư mà không hàm ý Phật giáo.

Trong chương cuối của quyển II có ghi '10 Điểm của Isis' với lời giới thiệu:

- Để hiểu các nguyên lý của luật thiên nhiên có can dự... độc giả cần giữ trong trí những định đề căn bản của triết lý đông phương mà chúng tôi đã giải thích. Ta hãy nhắc lại thật ngắn:

1. Không có phép lạ. Mọi việc xẩy ra là kết quả của luật vĩnh cửu, không thay đổi, luôn luôn tác động.

2.Thiên nhiên có ba phần thành một: có một thiên nhiên hữu hình, khách quan; một thiên nhiên vô hình, nội tại, chủ lực, cái là mô hình giống hệt cái trước và là nguyên lý thiết yếu cho nó; và trên cả hai cái là tinh thần, cái nguồn cội của mọi lực, chỉ mình nó là vĩnh cửu và bất hoại.

3.Con người cũng gồm có ba phần: ta có thân xác là cái khách quan, linh hồn là con người thật, và một phần thứ ba bao trùm soi sáng hai phần này, cái là chủ tể và là tinh thần bất tử. Khi con người thật hòa hợp được với cái sau thì ta trở thành thực thể bất tử.

4.Huyền thuật (magic), nói về mặt khoa học thì đó là sự hiểu biết về những nguyên lý và phương cách mà nhờ đó con người có được sự toàn tri, toàn năng và kiểm soát những lực trong thiên nhiên trong lúc còn ở trong xác phàm. Nếu nói như là một thuật thì đó là việc áp dụng hiểu biết này vào thực hành.

5.Minh triết cổ thời khi bị lạm dụng thì thành tà thuật còn nếu sử dụng cho mục đích tốt lành thì ta có huyền thuật chân chính hay Minh Triết.

6.Thuật đồng cốt là cái đối nghịch với sự đắc đạo, người đồng là dụng cụ thụ động cho những năng lực khác lạ, còn vị đạo sư chủ động kiểm soát mình và tất cả những tiềm năng thấp hơn.

8.Tất cả những vật đã từng hiện hữu, đang hay sẽ là, đều được lưu trữ trong ký ức của vũ trụ vô hình. Vị đạo sư có huấn luyện khi dùng nhãn quang tâm linh có thể biết tất cả những gì đã biết hay có thể biết được (trong thái dương hệ của chúng ta).

9.Một trong những huyền thuật là việc linh hồn tự ý rút khỏi thân xác có ý thức. Với một số đồng cốt cũng có sự rút khỏi này nhưng nó vô thức và không tự ý... Đối với việc di chuyển đó đây của linh hồn thì nó không bị hạn chế trong không gian lẫn thời gian. Nhà huyền thuật tinh thông về khoa huyền bí có thể làm cho thân xác mình như biến mất đi, hay có vẻ như lấy hình dạng khác theo ý họ, làm cho thể thanh của họ hiển hiện hay cho nó hình dạng khác...

10. Căn bản của huyền thuật là hiểu biết cặn kẽ mặt thực dụng của điện từ học, tính chất, sự tương quan và tiềm năng của chúng. Tóm tắt thì Huyền thuật là Minh triết tinh thần; thiên nhiên là tôi tớ vật chất cho thuật sĩ (magician). Có một nguyên lý thiết yếu thấm nhuần mọi vật mà ý chí của người hoàn thiện kiểm soát được... Vị đạo sư có thể kiểm soát cảm xúc và thay đổi tình trạng của thể xác và thể thanh của người khác chưa phải là đạo sư, ngài cũng có thể chế ngự và điều động tinh linh ngũ hành nếu muốn. Ngài không thể kiểm soát tinh thần bất tử của bất cứ ai dù sống hay chết, vì tinh thần ấy là những điểm linh quang như nhau của Bản Chất Thiêng Liêng, và không thể bị những gì khác lạ bên ngoài chế ngự.

Viết Isis là công lao khó nhọc, có vẻ như HPB không để tâm sắp xếp bài viết cho thành hệ thống mạch lạc, trọn bản thảo của bà là những đoạn về đề tài này hay kia không thứ tự. Ngoài việc sửa lại Anh văn của bản nháp ông Olcott còn xếp đặt để các phần liền lạc với nhau cho sách có cơ cấu. Ông không hề thay đổi bất cứ đoạn nào mà ông nhận ra là của Chân sư viết, mà chỉ làm vậy với những gì tin chắc là thuộc về HPB. Về sau khi bà đã qua đời, có cáo buộc là HPB trích dẫn tác giả khác mà không trưng ra xuất xứ, ông cho rằng có thể là khi chuyển các đoạn từ chỗ này sang chỗ kia để có trình tự hợp lý hơn, không chừng ông đã lấy ra một phần trong đoạn bà trích dẫn và do đó không có ghi xuất xứ.

Ông cũng chia trọn bản thảo thành hai phần, một phần chứa đựng tất cả những gì có vẻ như để trả lời khoa học vật chất lúc ấy tức cuốn I có tên Khoa Học, và phần kia là cuốn II tức Thần Học, so sánh các dị biệt giữa chỉ dạy của MTTL và giáo hội. Mục lục cuốn I và các tiểu đề mô tả cũng do ông soạn ra, còn người khác làm việc ấy cho cuốn II. Isis thường được xem như là sách giới thiệu MTTL đến người tây phương, nhưng đông phương cũng đáp ứng rất thuận lợi với sách. Nhiều người Ấn khi đọc sách đã biết thêm về giá trị của tôn giáo mình và sau đó gia nhập hội, thí dụ như Damodar, T. Subba Row ta sẽ gặp về sau này.

Chi tiết về những việc lạ lùng xẩy ra trong lúc HPB viết quyển Isis, cách sách được soạn, có ghi kỹ trong bộ hồi ký 'Old Diary Leaves' của ông Olcott nên ta trích nhiều đoạn trong sách này để hiểu rõ hơn. Ta đã trích dẫn đoạn đầu ở là phần A nay sách ghi tiếp (B):

- Khi về New York trở lại bà không chăm chỉ cho lắm trong việc này, chỉ thỉnh thoảng mới viết; nhưng khoảng một hay hai tháng sau khi thành lập hội, bà và tôi lấy hai căn ở số 433 West đường 34, bà ở tầng một và tôi ở tầng hai, từ đó việc soạn cuốn Isis diễn ra không gián đoạn hay ngơi nghĩ gì cho tới khi xong vào năm 1877.

'Trong trọn đời mình bà chưa hề bỏ công cho việc trước tác nào vậy mà tôi cũng chưa hề biết có ký giả nào hằng ngày làm việc có thể so sánh được với bà về sự chịu đựng bền bĩ hay khả năng làm việc không biết mệt. Từ sáng đến tối khuya bà ngồi tại bàn viết, rất hiếm khi mỗi người trong hai chúng tôi đi ngủ trước 2 giờ sáng. Ban ngày tôi có việc làm của mình ở văn phòng, nhưng luôn luôn sau bữa cơm tối ăn sớm chúng tôi cùng ngồi vào chiếc bàn lớn để làm việc, như phải làm mới sống được, cho tới khi cơ thể mệt lả bắt buộc phải ngừng. Quả là một kinh nghiệm!

'Bà làm việc không theo một kế hoạch định sẵn mà ý tưởng tuôn vào trí như giòng suối chảy liên tục luôn luôn tràn bờ. Nó đến một cách lặng lẽ rỉ rã không ngưng, mỗi đoạn tự nó có trọn ý nghĩa và có thể tách bỏ ra mà không hại gì đến câu trước hay câu sau. Cầm bản thảo của bà lên xem thật là hình ảnh lạ lùng: cắt rồi đắp dán, cắt lại và dán lại cho tới khi nếu soi một trang lên ánh sáng ta sẽ thấy nó gồm 6, 8 hay cả 10 miếng cắt từ những trang khác dán lại với nhau và bài viết được nối bằng câu hay chữ giữa các khúc này.

'Tôi sửa lại mỗi trang bản thảo nhiều lần, mỗi trang của bản in thử, viết nhiều đoạn cho bà, thường khi chỉ là diễn tả ý tưởng của bà mà khi ấy bà chưa thể viết theo ý của mình bằng tiếng Anh, giúp bà tìm câu trích dẫn và làm những chuyện khác hoàn toàn là phụ thuộc. Cuốn sách hoàn toàn là công lao của riêng bà mà thôi nếu chỉ nói đến những cá nhân ở cõi trần này, và bà phải nhận lãnh hết mọi lời khen chê về sách. Vậy thì, HPB lấy tài liệu ở đâu để viết bộ Isis, tài liệu mà không thể truy nguyên từ nguồn bà có thể có được ? Đó là từ Thiên Ảnh ký (Akashic Record), từ linh hồn bà, từ các bậc Thầy của bà mà người ta gọi bằng nhiều cách khác nhau như Huynh Trưởng, Đạo sư, nhà Hiền Triết. Làm sao tôi biết được ? Đó là nhờ hai năm làm việc với bà về cuốn Isis và nhiều năm nữa cho việc viết lách khác.

'Xem bà làm việc là một kinh nghiệm hiếm có và không bao giờ quên được. Thường thì chúng tôi ngồi đối diện ở hai bên chiếc bàn lớn và tôi có thể thấy mọi cứ động của bà. Bút của bà lướt thoăn thoắt trên trang giấy rồi bà đột nhiên ngưng lại, nhìn vào khoảng không với mắt vô thần như của người dùng thông nhãn (clairvoyance), nheo mắt lại như thể nhìn vào vật vô hình trong không trước mặt bà, và bắt đâu chép xuống cái bà đã thấy. Khi trích dẫn đã xong, mắt trở lại bình thường và bà tiếp tục viết cho đến khi dừng lại nữa với gián đoạn tương tự.

'Tôi nhớ rất rõ hai lần khi tôi cũng có thể thấy và ngay cả cầm lấy những cuốn sách mà bà đã chép trích dẫn xuống giấy từ phần thể vía tương ứng của sách, và bà đã chìu ý làm hiện ra sách bằng vật chất đậm đặc cho tôi dò lại khi đọc bản in thử, vì tôi không chịu thông qua những trang này trừ phi biết chắc là bà trích dẫn đúng. Sự việc xẩy ra lúc chúng tôi ngụ tại số 302 West đường 47, nơi được bạn bè gọi là Lama viện (Lamasery) và là văn phòng điều hành của hội. Tôi nói:

- Tôi không thể thông qua đoạn trích dẫn này được, vì tôi tin chắc là nó không giống như bà viết.

HPB bảo:

- Để ý làm chi, nó đúng mà, thông qua đi.

Tôi không chịu và cuối cùng bà nói:

- Đợi một phút để tôi thử lấy sách.

Ánh mắt xa vắng hiện ra trong mắt bà và rồi bà chỉ vào góc phòng ở xa có kê sách để chưng những vật lạ, nói bằng giọng không hồn:

-Đó!

Xong bà trở lại bình thường:

- Kìa, ra kia mà lấy!

'Tôi tới chỗ và thấy hai cuốn sách mình cần ở đó mà theo tôi biết trong nhà trước đây không có hai cuốn này. Tôi so sánh bản văn với đoạn trích của HPB, chỉ cho bà thấy là tôi nghi ngờ đúng vì có lỗi, sửa lại bản in thử và theo lời yêu cầu của bà, đặt hai cuốn sách vào chỗ cũ trên kệ. Tôi lại ghế ngồi và làm việc tiếp, lát sau khi quay lại nhìn về phía đó thì sách đã biến mất! Ai nghi ngờ là tôi loạn trí thì mong sao đó là điều hay cho họ. Chuyện y vậy cũng xẩy ra trong trường hợp một cuốn sách khác được mang từ xa đến đây, nhưng cuốn này bây giờ vẫn còn ở đây trong tay chúng tôi.

'Những trang mà HPB viết xong mỗi lúc có những khác biệt rõ ràng. Trong khi chữ viết giống hệt như nhau trong trọn bản thảo khiến cho ai quen với nét chữ của bà luôn luôn có thể biết trang nào là chữ của HPB, nhưng khi xem kỹ ta khám phá là ít nhất có ba hay bốn cách khác nhau, mỗi cách kéo dài nhiều trang rồi nhường chỗ cho nét viết khác. Lối viết chữ của trọn công việc trong một buổi tối hay nửa buổi tối sẽ đột nhiên nhường chỗ cho chữ viết khác kéo dài trong suốt phần còn lại của tối ấy. Một loại chữ viết tay như vậy của HPB rất nhỏ không điệu đà, chữ khác mạnh mẽ phóng khoáng; cái khác nữa cũng không tô vẽ, cỡ chữ vừa phải rất dễ đọc, lại còn chữ khác viết nguệch ngoạc khó đọc với chữ a, x và e có nét lạ mắt kỳ quặc. Rồi lại có những lối đặt câu Anh văn hết sức khác nhau. Đôi khi mỗi hàng tôi phải sửa nhiều chỗ nhưng khi khác thì nhiều trang tôi có thể thông qua không có mấy lỗi về thành ngữ hay chính tả phải sửa lại.

'Phần bản thảo hoàn hảo nhất được viết cho bà trong lúc bà ngủ, thí dụ là đoạn mở đầu của chương nói về nền văn minh của Cổ Ai Cập (chương 14 quyển 1). Tối đó chúng tôi ngưng việc vào khoảng 2 giờ sáng như thường lệ, cả hai mệt nhoài nên không nghỉ để hút thuốc và trò chuyên như thường lệ trước khi ai về phòng nấy; bà gần như thiếp ngủ trong ghế mình khi tôi chúc bà ngủ ngon, nên tôi vội vã về phòng của mình. Hôm sau khi tôi xuống nhà lúc ăn sáng xong, bà cho tôi xem một chồng ít nhất 30 hay 40 trang có chữ viết của bà rất đẹp, và nói một Chân sư đã viết cho bà. Đó là bài viết toàn hảo về mọi phương diện, được cho đi in ngay không cần xem lại.

'Chuyện lạ lùng là mỗi thay đổi trong bản thảo của HPB được báo trước hoặc là bà rời phòng chốc lát, hay bà ngồi sững bất động xuất thần, mắt vô hồn của bà nhìn xuyên qua tôi vào không gian và trở lại bình thường gần như tức khắc, và cũng có sự thay đổi rất rõ rệt về cá tính hay đúng hơn là đặc tính riêng về dáng điệu, cách nói chuyện, sự linh động của cử chỉ và trên hết cả là tính khí.

'HPB rời phòng là một người mà trở vào phòng là một người khác, không phải là thay đổi hữu hình về cơ thể mà khác về cử động, lối ăn nói và điệu bộ, mức linh hoạt về trí não khác nhau, quan niệm khác biệt, chữ viết Anh ngữ cũng khác, cách đặt câu và văn phạm, và ngay cả tính tình cũng rất khác. Lúc vui nhất thì bà y như thiên thần mà khi tệ nhất thì thôi, nó trái ngược hẳn.

'Bà có viết Isis như là một người đồng cốt thường gặp không ? Tôi xin trả lời là chắc không. Tôi đã gặp đủ mọi loại đồng cốt như nói chuyện, xuất thần, viết, tạo hiện tượng, chữa bệnh, có thông nhãn và hiện hình, thấy họ làm việc, dự những buổi cầu hồn của họ và quan sát những dấu hiệu họ bị nhập vô và chiếm hữu. Trường hợp của HPB không giống bất cứ ai. Gần như tất cả những gì họ làm được bà cũng làm được, mà tự ý làm khi nào bà thích, ban ngày hay ban đêm, không cần có đông người họp thành vòng, đòi chọn nhân chứng hay áp đặt những điều kiện thông thường. Lại nữa tôi có bằng chứng mắt thấy là ít nhất vài người làm việc với chúng tôi là người sống, vì đã thấy họ bằng xương bằng thịt tại Ấn Độ, sau khi đã thấy họ trong thể tình cảm ở Hoa Kỳ và Âu châu, đã chạm vào người và nói chuyện với họ.

'Một trong những Vị đã sử dụng bà, người mà tôi đã gặp tận mắt, có hàm râu dài và râu mép xoắn lại kiểu Rajput hai bên mép. Ngài có thói quen kéo râu mép không ngừng khi suy nghĩ miệt mài, làm một cách máy móc và vô ý thức. Thế thì, có những khi con người HPB tan biến đi và bà trở thành 'Vị' khác, lúc ấy tôi ngồi nhìn tay bà làm như kéo và xoắn hàng râu mép chắc chắn không thấy mọc ở môi trên của bà, mắt thì có cái nhìn xa vắng. Tới khi Vị râu mép quay trở lại chuyện đang làm và ngẩng đầu lên thấy tôi chăm chú nhìn ngài, thì vội vàng đưa tay trên mặt xuống và tiếp tục chuyện viết lách.

'Rồi lại có Vị khác không thích Anh văn đến độ không hề nói với tôi bằng ngôn ngữ nào ngoài Pháp ngữ, ngài có tài cao về nghệ thuật và rất say mê các phát minh cơ khí. Vị khác nữa thỉnh thoảng ngồi đó nguệch ngoạc bằng bút chì trên giấy và tuôn cho tôi hàng chục câu thi vị với ý tưởng khi thì cao siêu khi thì hài hước. Theo cách đó mỗi ngài trong số các Vị có đặc tính riêng thật rõ rệt, nhận ra ngay như đặc tình thuộc bất cứ thân hữu nào của ta. Một ngài vui tính, thích kể chuyện và rất có duyên, Vị khác chững chạc, kín đáo và thông thái. Một vị thì điềm đạm, kiên nhẫn và tốt bụng giúp đỡ, Vị nữa khó tính đôi khi rất bực mình. Có một Vị luôn luôn sẵn lòng nhấn mạnh lời giải thích có tính triết lý hay khoa học về đề tài mà tôi đang viết bằng cách làm hiện tượng cho tôi thấu đáo, trong khi với Vị khác thì tôi chẳng dám đá động tới chuyện.

'Một buổi tối tôi học một bài học để đời. Trước đó tôi mang về nhà hai cây viết chì mềm, tốt, đúng là vật cần cho chuyện viết lách của chúng tôi và đưa HPB một cây còn một cây cho mình. Bà có tật rất xấu là hay mượn dao gọt bút chì, bút chì và những vật dụng văn phòng rồi quên trả, một khi cất chúng vào ngăn kéo phía bên bà là chúng sẽ nằm ở đó luôn bất kể bạn phản đối thế nào. Tối đó Vị có tài nghệ thuật vẽ phác họa trên tờ giấy thường và trò chuyện với tôi, rồi ngài hỏi mượn một cây viết chì nữa. Óc tôi nẩy ngay ra ý:

- Nếu bây giờ cho mượn cây viết chì tốt này thì nó sẽ chui vào hộc tủ của bà và mình không còn cây nào để dùng.

'Tôi không nói ra, chỉ nghĩ trong đầu nhưng ngài nhìn tôi chế diễu nhẹ nhàng, thò tay ra cái khay đựng viết nằm giữa hai chúng tôi, đặt cây viết chì của mình vào đó, mấy ngón tay lăn nó vài lần và bất chợt một lố cây viết chì giống y hệt, cùng hiệu và cùng phẩm chất hiện ra! Ngài không nói lời nào, cũng không nhìn tôi nhưng máu dồn lên thái dương và tôi thấy xấu hổ như chưa bao giờ xấu hổ trong đời. Sao đi nữa, tôi thấy mình không đáng bị trách cứ như thế vì nghĩ đến tật ưa cất giữ dụng cụ văn phòng của HPB coi!

'Khi bất cứ ai trong các Vị này hiện diện thì bản thảo của HPB sẽ có đặc tính y hệt như lần trước ngài đến viết. Nếu lúc đó bạn đưa tôi bất cứ trang bản thảo nào của Isis thì gần như chắc chắn là tôi có thể cho hay Vị nào đã viết nó. Vậy thì con người HPB ở đâu trong những lúc có thay đổi ấy ? Theo tôi hiểu, bà cho mượn thể xác của mình như ta cho mượn máy đánh chữ, và bỏ đi lo chuyện huyền bí khác có thể làm trong thể tình cảm của mình; một nhóm các Đạo sư thay phiên sử dụng thân xác bà. Khi các ngài biết là tôi có thể phân biệt ai với ai tới độ đặt ra tên cho mỗi vị và HPB với tôi dùng tên ấy nói về họ trong lúc các ngài vắng mặt, thì họ thường nghiêm trang cúi chào hay gật đầu thân thiện chào từ giã khi sắp rời phòng nhường cho Vị khác đến nhập xác. Đôi khi các ngài nói chuyện với tôi về một vị trong bọn, như bạn hữu kháo nhau về người thứ ba, bằng cách ấy tôi biết đôi điều về lai lịch của mỗi Vị, và chúng tôi cũng chuyện vãn về HPB vắng mặt lúc đó, phân biệt bà với thể xác mà các ngài mượn của bà.

' Một buổi tối có một bà khách vui tánh đến chơi. Trước khi về bà vuốt ve HPB, ngồi trên tay ghế của bà, vỗ nhẹ bàn tay của HPB và hôn lên má bà. Tôi đứng gần đó thấy gương mặt lộ ra cái nhìn kinh ngạc chịu trận của Vị (phái nam) lúc ấy ở trong thân xác bà. Tôi đưa bà khách ra cửa và khi quay trở vào gần như muốn òa ra cười lớn bởi Vị này — một đạo sư khắc khổ người Ấn — đưa mắt rầu rĩ nhìn tôi nói thật khổ não không bút nào tả hết:

- Bà khách HÔN tôi!

Tôi phải ngồi phịch xuống ghế.

Có buổi tối nghĩ rằng đang nói chuyện với HPB, tôi bảo:

- Lão Mã, ta làm việc nào.

Theo ý chúng tôi là hai con ngựa kéo xe, nhưng tôi đỏ bừng lên xấu hổ, vì vẻ kinh ngạc và nghiêm nghị sửng sốt hiện ra trên nét mặt cho tôi thấy mình lầm to và cũng nhận ra đó là Vị nào. Đây là một trong những Vị mà tôi tôn kính vô vùng, ngài gốc miền nam Ấn Độ, là bậc Thầy của các Chân sư, vẫn còn sống nơi ấy như là một điền chủ.'

Trong thư cho em gái là Vera, HPB nói về việc này như sau:

- Có Vị đến và bao trùm chị như một màn sương và lập tức kéo chị ra khỏi xác, rồi chị không còn là 'cái tôi HPB' nữa mà là người khác, là một ai mạnh mẽ đầy quyền năng, sinh ở vùng khác hẳn trên thế giới. Còn về phần chị thì gần như là ngủ thiếp hay nằm cạnh đó, không tỉnh thức hẳn, không ở trong cơ thể của mình mà gần bên, chỉ có một sợi dây ràng buộc chị vào nó. Tuy nhiên có lúc chị thấy và nghe mọi việc thật rõ ràng, hoàn toàn ý thức là xác thân nói và làm gì, hay ít nhất chủ nhân mới của nó nói và làm gì. Chị hiểu và nhớ kỹ đến nỗi sau đó có thể lập lại, luôn cả việc viết xuống lời của ngài. Vào lúc như thế chị thấy nét mặt ông Olcott và người khác kinh ngạc nể sợ, và thích thú theo dõi cách ngài nhìn họ tội nghiệp qua mắt của chị, và dạy họ bằng miệng lưỡi của chị. Cái trí của ngài bao trùm não bộ của chị như đám mây.

Bà viết cho Vera về cuốn Isis:

- Khi viết cuốn Isis chị viết thật dễ dàng không mệt nhọc gì mà là nỗi vui thật sự. Tại sao chị lại được khen chứ ? Bất cứ khi nào chị được kêu viết thì chị ngồi xuống và vâng lời, rồi chị có thể viết dễ dàng về gần như bất cứ đề tài gì: siêu hình học, tâm lý, triết lý, các tôn giáo cổ, động vật học, khoa học thiên nhiên hay cái gì khác. Chị không bao giờ tự hỏi:

- Liệu mình viết được đề tài này không, hay:

- Mình có đủ khả năng làm việc này không ? mà chỉ ngồi xuống và viết. Tại sao ? Vì có ai đó tinh thông mọi việc đọc cho chị viết như Thầy của chị, và đôi khi những Vị khác mà chị đã biết trong những cuộc du hành bao năm về trước. Em đừng tưởng là chị đã loạn trí, chị nói úp mở cho em trước đây rồi... và chị nói thật với em là bất cứ khi nào viết một đề tài chị biết rất ít hay không biết gì hết, chị kêu gọi các ngài và một trong các ngài sẽ gợi hứng cho chị, nghĩa là ngài cho chị chỉ giản dị chép lại từ bản thảo, ngay cả sách in trải ra trước mắt chị trong không khí, trọn lúc ấy chị không hề thiếu ý thức một giây nào.

Thư khác cho Vera có đoạn:

- Chị bác bỏ hoàn toàn lời nói rằng sách là sự hiểu biết hay ký ức của riêng chị vì chị không thể nào tự mình có được những nhận xét hay kết luận như trong sách... Nói thật với em chị được trợ lực và người giúp đỡ là Thầy của chị... Coi nào, em biết chị mà. Chị học  đâu để viết được bao chuyện như thế ? Tất cả những hiểu biết này từ đâu mà ra ?


 

CHƯƠNG VIII

Lamasery

Nay ta nói về đời sống và những sinh hoạt khác của HPB trong thời gian bà ở Hoa Kỳ trước khi sang Ấn Độ (1874-1878). Khoảng tháng 12-1874 HPB đi Boston, tới ở Philadelphia. Ông Olcott có câu chuyện trong giai đoạn này như sau:

- HPB mời tôi xuống Philadelphia chơi, tôi nhận lời và dự tính nghỉ ở New York chỉ hai hay ba ngày nên tôi không dặn văn phòng của tôi chuyển thư. Tuy nhiên khi đến nơi, thấy rằng bà muốn lưu tôi ở lâu hơn nên hôm sau tôi ra bưu điện cho địa chỉ ở Philadelphia nhờ chuyển thư. Thông thường lá thư sẽ có hai con dấu, mặt trước là con dấu bưu điện nơi gửi và mặt sau là con dấu nơi nhận, nếu thư được chuyển tới nơi khác với địa chỉ trên thư thì sẽ có thêm những con dấu khác cho tới khi đến tay người nhận. Chiều ngày ra bưu điện nhờ chuyển thư, tôi sắp ra khỏi nhà để đi dạo một vòng thì người bưu tá đến mang cho tôi một số thư từ rất xa, có một cái từ nam Mỹ, ghi địa chỉ của tôi ở New York, có những dấu bưu điện đi qua mà không có dấu New York. Chúng đi thẳng tới tôi ở Philadelphia mà không qua bưu điện New York chi hết, và không ai ở New York biết địa chỉ Philadelphia của tôi, vì chính tôi không biết địa chỉ lúc ra đi. Tôi nhận thư từ tay người phát thư, có nghĩa HPB không liên can gì và khi mở ra xem, bên trong mỗi thư có chữ viết tay y như trong những thư mà tôi nhận được của Chân sư ở New York. Chữ viết hoặc ở ngoài lề hoặc  khoảng giấy trắng mà người viết thư để trống. Lời viết hoặc là phê bình về tư cách hay động cơ của người viết thư, hay những chuyện về việc học hỏi huyền bí học của tôi. Nó là cái khởi đầu cho một loạt các chuyện ngạc nhiên lạ lùng xẩy ra trong khoảng hai tuần tôi ở Philadelphia. Tôi nhận được nhiều thư mà không thư nào mang con dấu bưu điện New York, dù rằng tất cả ghi địa chỉ văn phòng của tôi ở đó.

Từ Philadelphia bà quay trở về New York tháng 7-1875, cùng với ông Olcott ngụ trong tòa nhà số 46 Irving Place, đây là nơi diễn ra những cuộc họp dẫn tới việc thành lập hội Thesophia. ông Judge kể:

- Tôi được gặp HPB lần đầu tiên khi bà mướn apartment ở phố Ivring Place tại New York. Nhà có nhiều phòng. Phòng trước nhìn xuống đường Ivring Place, phòng sau nhìn ra vườn. Tôi đến thăm bà lần đầu vào buổi tối, thấy bà ngồi giữa đám đông những kẻ luôn luôn bị sự hiện diện của bà thu hút. Nhiều ngôn ngữ khác nhau được nghe thấy trong phòng, bà Blavatsky đang chuyện trò thao thao bằng tiếng Nga rất say sưa đột nhiên quay sang đưa ra nhận xét bằng tiếng Anh với ai khác đang nói về một đề tài khác hẳn với cái bà dự. Làm vậy không hề gây xáo trộn cho bà vì lập tức bà quay trở lại câu chuyện tiếng Nga, tiếp tục ngay ở nơi nó đã bỏ dở khi nẫy.

'Nhiều chuyện nói trong tối hôm đầu tiên đó làm tôi chú ý sinh óc tưởng tượng. Tôi thấy ý nghĩ thầm kín của mình bị đọc được, chuyện riêng tư bị bà biết hết cả. Bà không hỏi mà chắc không thể nào có việc là bà dò la về tôi, bà nhắc đến vài chuyện riêng tư của tôi và những cảnh ngộ lạ lùng cho thấy ngay là bà biết rất rõ về gia đình tôi, quá trình, khung cảnh quanh tôi và khuynh hướng trong lòng.

'Hôm sau tôi nghĩ cách làm thí nghiêm với bà Blavatsky.Tôi lấy một con bọ rầy cổ mà bà chưa hề thấy, và nhờ một nhân viên của bạn tôi gói lại, gửi đi bằng bưu điện. Tay tôi không đụng tới cái gói mà cũng không biết nó được gửi lúc nào. Nhưng khi tôi đến thăm bà vào cuối tuần, bà ngỏ lời cám ơn về con bọ rầy, tôi giả bộ không biết nhưng bà nói làm bộ chỉ vô ích thôi và cho tôi hay luôn là đã gửi nó cách nào, ở đâu. Giữa khoảng thời gian từ lúc gửi cái gói đi và tôi đến thăm bà tôi không hé môi cho ai hay. Tôi đến thăm bà rất thường tại nhà bà ở đường 34. Trong những phòng đó tôi hay nghe tiếng gõ trên bàn ghế, cửa kính, gương, cửa sổ và tường, chuyện hay thấy trong những buổi cầu hồn tắt đèn tối. Tuy nhiên với bà thì hiện tượng xẩy giữa lúc đèn sáng, và chỉ xẩy ra khi bà ra lệnh, rồi không thể có lại nữa một khi bà ra lệnh chúng ngưng. Chúng tỏ ra có thông minh và làm theo lời bà yêu cầu từ nhẹ đến mạnh, từ nhiều đến ít cái một lần.

Sau đó hai vị dọn sang số 433 West 34 th Street, lấy hai căn ở hai tầng kế nhau, bà Blavatsky ở tầng dưới còn phòng của ông Olcott ở tầng trên. Gia đình em gái của ông Olcott tên Belle Mitchel cũng ngụ tại đây ở tầng trên nữa.

Tới tháng 8-1876 thì hai vị mướn hai apartment số 302 West 47 th Street và ở cho đến khi sang Ấn Độ. Tòa nhà có apartment của HPB ở tầng thứ nhất vẫn còn tại thành phố New York, apartment của ông Olcott ở tầng thứ hai. Do lối bài trí trong nhà, tính chất những cuộc chuyện vãn nơi ấy và có lẽ cũng do con người của HPB, khách đến thăm hai vị gọi chỗ này là Lama Viện (Lamasery), và nơi đây trở thành chỗ thu hút nhất của thành phố New York. Bà Belle Mitchell với chồng và các con cũng ngụ trong apartment trong cùng tòa nhà với HPB và ông Olcott, ở tầng trên Lamasery. Bà Belle rất thân cận với HPB, về sau khi có người chỉ trích HPB bà Belle viết bài bênh vực, nói rằng đã chứng kiến nhiều hiện tượng lạ lùng và tuyệt diệu do HPB tạo ra không chủ tâm hay có chuẩn bị trước. Nhiều hiện tượng kỳ lạ xẩy ra ở Lamasery mà bà Belle gián tiếp dự phần nên là chứng nhân. Nhưng trước tiên ta hãy nghe ông Olcott nói về cảnh nhà ở đây.

- Thông lệ của chúng tôi tại Lamasery là như sau, hai chúng tôi điểm tâm khoảng 8 giờ sáng và ăn tối lúc 6 giờ chiều rồi làm việc đến quá nửa đêm, tùy theo công việc và khách đến làm gián đoạn nhiều ít. HPB ăn trưa ở nhà còn tôi ở dưới phố gần văn phòng. Sau điểm tâm tôi đi làm còn HPB ngồi ở bàn làm việc, chiều đến hai chúng tôi dùng chung bữa tối có người giúp việc nấu ăn vì bà Blavatky không thạo chuyện bếp núc. Nếu không có ai làm bếp thì tôi sẽ xắn tay áo làm không dám nhờ đến bà, vì một lần khi muốn ăn trứng bà đặt quả trứng sống vào giữa than hồng trong lò sưởi. (Có lẽ ông không biết rằng với lối giáo dục thuộc giai cấp của bà tại Nga,

HPB không được dạy nữ công gia chánh mà mọi chuyện trong nhà đều có gia nhân phục vụ.) Bữa tối thì thường khi chúng tôi có khách ít có mấy buổi tối được ngồi một mình. Việc nhà rất giản dị, chúng tôi không uống rượu và thức ăn không cầu kỳ. Có người giúp việc lo bữa tối, dọn dẹp xong thì họ về, sau đó mọi chuyện chúng tôi tự lo lấy.

Kể ra không có gì tuy cái quan trọng hơn là lo trà, đường và sữa cho khách. Thí dụ phòng đầy khách lúc 1 giờ sáng, ai ngỏ ý muốn uống trà thì HPB trả lời tỉnh queo:

- Phải lắm, ta uống đi.

Nhưng không nhúc nhích, làm như trà sẽ tự động được mang ra. Ông Olcott mấy lần chạy đi mua đường và sữa, tự nhiên là tiệm không mở cửa nên cuối cùng bực quá ông viết giấy đính trong nhà:

Xin khách vào bếp tự pha trà lấy, có thể có sữa và đường trên kệ.

Xin cứ tự nhiên.

Khách đến chơi thuộc đủ mọi thành phần, sự phân biệt giai tầng trong xã hội được gát bỏ ở thềm nhà, ta có người giầu và nghèo, người Thiên chúa giáo và không theo Thiên chúa giáo, người có học và ít học, ai cũng được đón tiếp niềm nở và thắc mắc của họ về tôn giáo hay những đề tài khác được chăm chú lắng nghe. HPB bẩm sinh là người quí phái rất mực nên tỏ ra rất tự nhiên đối với giới thượng lưu cao tột, mà cũng là người vị tha có óc bình đẳng, bầy tỏ lòng hiếu khách thân thiện với vị khách tầm thường nhất. Nhận xét này của ông Olcott được hỗ trợ thêm bằng lời của người khác nói rằng:

- Ở Lamasery người ta có thể gặp giáo sĩ Công giáo, diễn viên, bác sĩ quân y, thương gia, nữ bá tước ngoại quốc, nghệ sĩ và thỉnh thoảng cả người Á châu. Gần như ai cũng không tin vào giáo hội, ai cũng thật thông minh tài giỏi, ai cũng chống đối lại thói thường về mặt này hay kia, và ai cũng công nhận bà Blavatsky là người dẫn đầu trong cuộc phản kháng của giới trí thức... Tất cả những đề tài có thể tưởng tượng ra trên mặt đất, trên trời hay dưới vực sâu đều được thảo luận nơi đây với triết lý, sự hóm hình trộn lẫn với nhau, điều không tìm thấy trong hai quyển Isis đồ sộ.

Có cả giáo sĩ Do Thái giáo cũng đến, thảo luận bộ Kabalah của Do Thái giáo mấy tiếng đồng hồ ban đêm hay nhiều buổi tối với bà, nói với HPB rằng tuy họ nghiên cứu kinh sách của tôn giáo mình 30 năm nay, HPB đã dạy cho họ những điều không ngờ, làm sáng tỏ những đoạn mà ngay cả bậc thầy giỏi dang nhất của họ cũng không hiểu. Người nữa ghi lại quan sát của mình:

- Gương mặt bà lạ lùng hiếm thấy, nhiều tâm tình khác nhau có vẻ như liên tục lộ ra trên nét mặt của bà. Làm như bà không hề hoàn toàn chú tâm vào một đề tài nào. Đôi mắt cho thấy có cảm xúc tinh tế, nhận thức bén nhậy, nó luôn luôn làm tôi có cảm tưởng bà có hai cái tôi, như thể bà ngồi đây mà không có đây, chuyện trò mà nghĩ ngợi hay hành động ở nơi xa xôi khác... Trọn cá tính lộ ra sự tự chủ, uy lực. Liếc sơ qua chồng thư mà người giúp việc mang vào, tôi kêu lên:

- Thư từ nhiều quá, thưa bà! Bằng các thứ tiếng khác nhau nữa! Bà suy nghĩ bằng ngôn ngữ nào vậy ?

Bà đáp:

- Bằng ngôn ngữ của riêng tôi, không phải tiếng Pháp, Nga hay bất cứ thứ tiếng nào mà ông biết.

Khách trò chuyện và khi họ ra về thì hai vị tiếp tục bài viết của mình. Trọng tâm của nơi đây là phòng làm việc có một bàn dài hai vị ngồi đối diện nhau viết lách đến khuya; bạn bè tặng bà cây dương cầm để chơi trên có chưng tượng Phật. Chính tại Lamasery mà việc viết sách Isis diễn ra cho thật nhiều chuyện thú vị lạ kỳ. Việc biểu lộ những lực tâm linh và luật thiên nhiên luôn luôn được HPB làm trong vòng thân hữu riêng tư, ông Olcott cho rằng những hội viên ban đầu của hội bỏ đi sau đó vì HPB từ chối không tạo phép lạ trong những buổi họp. Trước đó vào tháng 4 - 1875 HPB viết:

- Tôi học được là không thể chỉ dùng sự kiện đáng ngờ để thuyết phục kẻ khác, và ngay cả mỗi sự việc có thật cũng luôn luôn hàm chứa một điểm yếu này hay kia dễ dàng cho người chống đối vin vào đó. Ấy là tại sao tôi đặt ra qui tắc là không bao giờ dù trong bất cứ trường hợp nào cho phép người ngoài dùng khả năng tâm linh của tôi. Trừ ông Olcott và hai hay ba người bạn rất thân, không ai thấy được chuyện gì xẩy ra quanh tôi.

Tuy vậy thời gian sau khi Isis viết xong thì số người chứng kiến hiện tượng có nhiều hơn, lên đến 6 hay 8 người, cũng như số hiện tượng tạo ra, các loại hiện tượng tăng hơn trước đó. Ông Olcott ghi rằng khi chỉ có hai người miệt mài lúc đêm khuya ở bàn viết, thỉnh thoảng HPB diễn tả những quyền năng huyền bí trong con người và thiên nhiên bằng cách làm ra hiện tượng không định trước, để giúp ông hiểu các luật huyền bí đề cập trong cuộc thảo luận lúc đó của hai người mà cũng để chỉ dạy ông về khoa học siêu hình, không khác nào việc làm thí nghiêm của khoa học gia.

Với những người khác, ta có nói đến giáo sư Alexander Wilder ở trên đã soạn phần danh mục cho quyển Isis. Ông cũng là khách thường trực tại Lamasery. Trong tất cả những khách nơi đây, có vẻ như ông là người duy nhất coi việc HPB tạo hiện tượng không có gì là quan trọng, ông tin bà có khả năng đó. Đối với ông cái quan trọng hơn hết là những cuộc thảo luận về triết lý với bà, một chân ông gác lên thành lò sưởi chân kia thượng ở nơi khác. Sang ông Judge thì ông viết:

- Bà chỉ ngụ ở đường 34 vài tháng rồi dọn sang đường 47. Khi bà yên nơi yên chỗ ở đường 47 rồi thì như thường lệ từ sáng đến tối đủ mọi loại khách đến chơi quanh bà, và những chuyện kỳ bí tiếp tục xẩy ra, như cảnh tượng và âm thanh khác thường. Tôi đến chơi nhiều buổi tối như vậy, thấy giữa cảnh đèn sáng choang có những quả banh lớn sáng chói lăn khắp bàn ghế hay chạy nhẩy tung tăng từ nơi này sang nơi khác, trong khi tiếng chuông ngân thánh thót hết sức êm tai thỉnh thoảng vang lên giữa khoảng không trong phòng. Những tiếng động này thường bắt chước hoặc tiếng đàn dương cầm hay chuỗi âm thanh mà tôi hay người khác huýt sáo. Trong lúc những điều này xẩy ra thì HPB ngồi đọc hay viết Isis không màng đến chúng. Những mẫu tin ngắn hay câu hiện lên giấy xẩy ra rất thường và tôi xin kể một thí dụ diễn ra trước mắt và tay tôi theo cách không thể nào nghi ngờ được.

'Một hôm khoảng 4 giờ tôi đọc cuốn sách mà bạn ông Olcott mang đến. Tôi ngồi cách HPB khoảng hai thước lúc đó đang cắm cúi viết. Tôi cẩn thận đọc trang tựa của sách nhưng quên mất chính xác tựa là gì. Dầu vậy tôi biết là không có chữ nào viết trong đó. Khi mới đọc câu đầu tiên, tôi nghe có tiếng chuông trong không và nhìn lên, thấy bà Blavatsky đang chăm chú ngó tôi. Bà hỏi.

- Anh đọc cuốn gì đó ?

'Lật trở lại trang tựa tôi sắp lớn tiếng đọc tên sách thì đập ngay vào mắt là một lời nhắn viết bằng mực ngang trên đầu trang, nơi mà vài phút trước đó tôi đã nhìn và thấy không có gì cả. Đó là câu nhắn khoảng bẩy hàng mực chưa ráo hẩn, có ý khuyến cáo về sách. Tôi chắc chắn là khi cầm cuốn sách trong tay thì không có chữ nào viết trên đó.

'Về bất cứ vật nào được mang một cách lạ lùng vào phòng bà hay bay trong không theo cách phi thường để tới thì luôn luôn bầu không khí còn phảng phất rất kỳ lạ trong một lúc một mùi dễ chịu, không phải lúc nào cũng giống nhau. Khi thì đó là mùi trầm có lẫn tinh dầu hoa hồng, khi khác là một mùi hương của đông phương mà tôi không biết, và có lúc nó giống như mùi nhang trong chùa. Một hôm bà hỏi tôi có muốn ngửi lại mùi hương, tôi thưa vâng thì bà cầm lấy khăn tay của tôi trong tay bà chốc lát, khi bà đưa lại cho tôi khăn tay ngát mùi hương quen thuộc. Để cho thấy là tay bà không có vật gì có thể truyền mùi hương vào khăn, bà cho phép tôi xem xét cả hay bàn tay thấy không có mùi nào. Nhưng sau khi tôi tin chắc là không có vật gì có mùi dấu trong tay bà thì lại thấy một bàn tay bắt đầu tỏa một mùi lạ lùng rất đậm, còn tay kia thì tuôn ra từng đợt mùi nhang cũng rất nồng.

'Một buổi tối tôi hấp tấp sao lại một bức họa tôi đã vẽ, và nhìn quanh trên bàn tìm con dao rọc giấy để chà mặt trái bức vẽ, làm cho phần than chì trên tranh in vào tờ giấy trắng. Trong lúc tôi đang tìm có người nói rằng dùng mu muỗng canh là tốt nhất, tôi đứng dậy tính vào bếp ở cuối nhà để lấy muỗng nhưng HPB nói:

- Khoan, anh khỏi cần đi, chờ một chút.

'Tôi dừng ở cửa phòng còn bà ngồi trên ghế dơ tay trái lên. Ngay lúc ấy một muỗng canh lớn bay trong không xuyên qua vách tường đối diện vào tay bà. Không có ai ở đó ném muỗng cho bà, còn phòng ăn từ đó cái muỗng bay tới thì cách chỗ chúng tôi chừng 10 m, và có 2 bức tường ngăn nó với phòng khách.

'Văn phòng làm việc của tôi cách chỗ của bà ít nhất gần 5 km. Một hôm khoảng 2 giờ trưa tôi ngồi trong phòng đọc một văn kiện luật pháp, trí tôi để cả vào đấy. Không có ai khác trong phòng còn phòng gần nhất thì cách phòng tôi một khoảng. Đây là khoảng trống trong tòa nhà để cho ánh sáng vào những phòng bên trong. Đột nhiên tôi cảm thấy trên tay có cảm giác lăn tăn, cái luôn luôn cảm biết trước khi chuyện lạ xẩy ra lúc có mặt HPB, và vào lúc ấy từ trên trần rơi xuống cạnh bàn rồi từ đây rơi xuống sàn một mẫu giấy xếp thành hình tam giác của bà gửi cho tôi, nét chữ là của bà.

'Khi khác từ bức tường bà tạo ra hàng chục hộp sơn mà tôi muốn có để vẽ tranh trong phòng bà. Hay có lần người ta mang đến cho bà một phong thư dán kín, bà cầm thư ấy trong mấy ngón tay và lập tức nhấc lên phong thư thứ hai y hệt, tức trong tay bà có hai phong thư là phó bản của nhau. Hơn thế nữa, bà tháo chiếc nhẫn trên tay có gắn ba viên lam ngọc (saphire), trao cho một bà khách đeo nó một lát rồi khi ra về mang theo nhẫn với bà, nhưng chiếc nhẫn thật vẫn nằm trên ngón tay HPB, bà khách chỉ mang ảo ảnh của nhẫn. Và có cả trăm thí dụ như thế.

'Tuy nhiên tất cả những chuyện này hóa mờ nhạt so với những giờ phút tuyệt vời lắng nghe lời dạy của những đấng Cao cả đến lúc đêm khuya khi mọi vật yên tĩnh, nói chuyện với ông Olcott và tôi cả tiếng đồng hồ. Khoảng thời gian từ nửa đêm đến 4 giờ sáng là lúc tôi nghe và thấy nhiều nhất khi đến với bà ở New York.

Làm sao tạo đồ vật hay khiến cho đồ vật bay từ xa đến ? Có lời giải thích sau:

- Việc lấy lá thư từ trong bao thư dán kín mà không làm gẫy dấu si, hay lá thư thành hình trong không, đậm đặc lại rơi xuống tay người trong phòng, mưa hoa rơi tới tấp xuống đất, chiếc nhẫn hóa thành hai và những thí dụ khác là do việc thu hút tụ lại của nguyên tử, nó có thể bị gián đoạn hay làm cho thu hút với bất cứ nhóm nguyên tử nào. Vật chất có thể được định nghĩa như là ether cô đọng và  trong tình trạng phân hóa, giống như giọt nước là hơi nước đã bị phân hóa. Khi ta làm cho vật chất đã phân hóa trở lại tình trạng chưa phân hóa thì để nó đi xuyên qua những chất ở trong trạng thái phân hóa là chuyện không khó tí nào, giống như luồng điện chạy xuyên qua chất dẫn điện. Điểm chính của thuật là dùng ý chí làm gián đoạn và tái tạo trở lại sự tương quan giữa các nguyên tử trong chất nào đó: tức kéo các hạt nguyên tử ra thật xa với nhau làm chúng trở nên vô hình, nhưng vẫn giữ chúng trong tình trạng lơ lửng hay trong vòng bán kính bị thu hút, để khiến chúng tụ trở lại theo ái tính sẵn có và xếp đặt thành chất liệu như cũ.

Ông Judge thêm rằng một khi được làm tiêu tán và trở thành vô hình, vật có thể được gửi theo dòng tạo ra trong chất ether đến bất cứ nơi nào trên trái đất. Tại điểm đã chọn, lực phân tán được thâu hồi lại và tính liền lạc có trở lại tức thì khiến vật xuất hiện nguyên vẹn. Ngày nay khoa học nói là khoảng trống giữa các hạt nguyên tử trong vật ở thể đặc thì rất lớn giống như khoảng không giữa các hành tinh, như thế vật chất đặc chỉ là ảo ảnh.

Theo ông Judge có hai cách sinh ra hiện tượng vật chất đi xuyên qua vật chất, thí dụ như hòn đá xuyên qua bức tường đặc. Lời giải thích thứ nhất là một vật nhỏ được làm tan rã bằng phương tiện huyền bí rồi cho đi xuyên qua những vật khác, cách thứ hai là nếu nó được mang đi mà không làm tan rã thì những chướng ngại đặc nào đứng cản trở trên đường sẽ được phân tán sinh ra khoảng trống đủ cho vật đi qua. Ông đưa thí dụ là HPB lấy một vật nhỏ như cái nhẫn trước mắt ông, đặt nó trên bàn rồi làm nó xuất hiện bên trong ngăn kéo đóng kín gần đó mà tay bà không động tới nhẫn. Để làm vậy hoặc bà phân tán nó và làm vật đi xuyên qua vào trong ngăn kéo, hay làm tan rã ngăn kéo để có khoảng trống đủ cho cái nhẫn xuyên qua.

Nay ta trở lại những hiện tượng bà làm ở Lamasery như ghi trong sách của ông Olcott.

- Một buổi tối tôi cùng một bà bạn tên Houghton đi dự một buổi cầu hồn, HPB từ chối không đi. Bà đồng làm hiện trong tay tôi một nụ hồng xinh đẹp chưa nở hết còn lấp lánh những giọt sương khuya. Bà kinh ngạc nói:

- Tinh linh bảo 'Thưa đại tá, đây là quà cho bà Blavatsky'.

'Tôi đưa nụ hoa cho bà Houghton và khi về đến nhà, bà đưa lại cho HPB lúc ấy đang hút thuốc lá và trò chuyện với khách. Bà Houghton đi ra ngoài cởi nón và áo khoác, còn tôi thì ngồi xuống nhập bọn với mọi người. HPB cầm nhánh hoa trong tay, ngửi hương hoa với vẻ mặt xa vắng mà ai thân cận biết ngay bà sắp làm hiện tượng, vẻ mơ màng của bà bị ngắt ngang vì ông Houghton nói:

- Hoa đẹp quá, thưa bà, xin cho tôi xem chút ?

Bà đưa nó cho ông gần như là máy móc và vẫn giữ cái nhìn xa xôi. Ông ngửi nụ hoa nhưng đột nhiên kêu to:

- Sao nặng quá, tôi chưa thấy hoa nào giống vầy. Coi kia, nó nặng tới nỗi rũ xuống!

Tôi nói:

- Ông nói sao. Có gì lạ đâu, hồi nẫy tôi cầm hoa trong tay có gì đâu. Để tôi coi nào.

Tôi đưa tay tới lấy hoa mà thấy nó nặng thật. HPB kêu:

- Cẩn thận, đừng làm gẫy!

'Tôi nhẹ nhàng lấy ngón cái và ngón trỏ tay phải nâng nụ hoa lên xem xét, thấy không có gì khiến phải nặng lạ lùng nhưng rồi giữa nụ hoa có một điểm vàng nhấp nháy và tôi chưa kịp nhìn kỹ lại thì một cái nhẫn trơn, nặng bằng vàng rớt ra, như thể có lò xo đẩy nó rơi xuống sàn giữa hai chân tôi. Nụ hoa lập tức đứng thẳng trở lại và mất đi sức nặng kỳ lạ trước đó. Ông Houghton và tôi đều là luật sư, do nghề nghiệp nên rất thận trọng và cẩn thận xem xét nụ hoa mà không thấy dấu hiệu nào là có ai đã đụng vào cánh hoa. Nụ khép chặt và những cánh hoa úp lên nhau sát tới nỗi không thể nào ấn nhẫn vào lòng nụ mà không làm rách bông hoa. Lại nữa HPB chỉ cầm hoa trong tay vài phút trước khi đưa cho ông Houghton, với cả ông và tôi chăm chú nhìn dưới ba ánh đèn sáng choang.

'Chiếc nhẫn nặng 15 gr, tôi đang đeo nó lúc này. Nó không phải là vật tự nhiên có mà thuộc về HPB và là cái từ nơi khác mang lại. Một năm sau khi thành lập hội, một buổi tối em gái tôi và chồng đến thăm HPB và tôi. Trong lúc chuyện trò em tôi hỏi xem cái nhẫn và xin kể lai lịch của nó. Cô cầm lấy nhẫn ngắm nghía rồi đeo lên tay khi tôi đang nói. Sau đó cô đặt nhẫn lên lòng bàn tay trái và đưa cho HPB, nhưng bà không đụng tới mà úp kín mấy ngón tay em tôi lại chốc lát rồi buông ra, bảo cô nhìn. Nó không còn là cái nhẫn trơn bằng vàng mà có ba hạt kim cương nhỏ gắn vào họp thành hình tam giác.

'Một buổi tối giáng sinh em tôi từ nhà của cô ở lầu trên trong tòa nhà của Lamasery, xuống gọi chúng tôi lên xem cây thông giáng sinh mà cô trang hoàng cho các con khi ấy đã ngủ trong giường. Chúng tôi xem các món quà và HPB ngỏ ý tiếc là không có tiền để mua quà đặt dưới cây, bà hỏi em tôi là cháu trai mà bà rất thương thích món gì. Khi được biết là trẻ thích cái còi có tiếng to, bà nói:

- Tốt, chờ một lát xem.

'Lấy trong túi ra xâu chìa khóa, bà cầm ba chìa khóa trong tay và lát sau đưa cho chúng tôi xem một cái còi to bằng sắt treo tòng teng ở chỗ ba chìa khóa trên xâu. Để làm nên cái còi bà đã dùng hết chất sắt trong ba chìa khóa và hôm sau phải làm lại ba chìa khóa mới. Khi khác, chừng một năm sau khi chúng tôi đã về ở Lamasery, tôi phải gửi bộ muỗng nĩa bằng bạc của gia đình tôi đi nơi khác và HPB giúp tôi gói chúng. Sau bữa cơm tối chúng tôi uống cà phê nhưng không còn cái gắp đường bằng bạc, tôi đưa cho HPB tách đường và để vào đó cái muỗng cà phê. Bà hỏi cái gắp đâu, tôi bảo không còn nữa và bà nói:

- Chà, vậy phải có cái khác.

'Đoạn bà với tay xuống dưới ghế lấy ra một cái gắp không có gì đặc sắc khó thấy ở tiệm kim hoàn. Hai tay gắp dài hơn bình thường còn chia ở đầu thì giống như của cái nia lấy dưa ngâm dấm (pickle). Một tay gắp có khắc danh hiệu của Chân sư M. Vật này hiện được lưu tại Adyar. Hiện tượng mô tả một luật quan trọng, đó là muốn tạo nên bất cứ vật gì từ vật chất rời rạc trong không gian, bước đâu tiên là phải nghĩ ra vật ấy: hình dạng, kiểu mẫu, mầu sắc, chất liệu, trọng lượng và những đặc tính khác; hình phải sắc sảo với mọi chi tiết thật rõ nét. Bước kế là dùng ý chí đã luyện thuần thục, đem hiểu biết về các luật của vật chất và cách tụ lại, sai khiến tinh linh làm theo kiểu mà ta muốn có. Nếu người ra lệnh tỏ ra thiếu sót về chi tiết thì kết quả sẽ không hoàn hảo. Trong trường hợp này rõ ràng là HPB lẫn lộn trong trí hai hình dạng, một là cái gắp đường và hai là cái nĩa lấy dưa, hợp chúng lại với nhau cho ra cái kiểu lai này. Kết quả vì vậy là chứng cớ nói rằng hiện tượng bà tạo ra là thật, nó mạnh hơn là nếu bà tạo ra cái gắp đường hoàn hảo vì ta có thể mua nó trong tiệm ở bất cứ đâu.

'Một dịp khác tôi có công chuyện phải đi Albany, nhân cớ ấy HPB đi theo để thăm ông bà Ditson đã hẹn từ lâu. Bà không có óc thực tế về chuyện hằng ngày, và thường phải nhờ cậy bạn bè giúp việc thu xếp hành lý. Trong dịp này bạn của bà là ông Marquette sắp đồ vào túi xách Gladstone mà bà sẽ mang theo. Túi còn nằm mở to trong phòng bà lúc xe đến cổng để đưa chúng tôi ra ga xe lửa. Túi rất đầy và tôi phải xếp lại vài món trên cùng, ráng sức ấn mới đóng được túi rồi khóa lại. Tự tay tôi mang túi ra xe, từ xe lên toa xe lửa và xe lửa dời bánh. Tôi phải kể như thế cho bạn rõ khi đọc tới phần sau. Giữa đường tới Albany, một chai thuốc ho có chất nước sánh trong túi áo của bà bị vỡ làm cho nhiều món trong túi áo hóa nhẹp: thuốc lá sợi, giấy quấn thuốc lá, khăn tay và mấy món khác. Nó khiến cho phải mở túi Gladstone lấy ra một số vật để tìm thuốc lá, giấy quấn v.v. Tôi làm hết mấy chuyện đó, xếp lại đồ trong túi, đóng nó và khóa trở lại; khi tới Albany tôi lại mang nó đặt lên xe chở tới nhà ông bà Ditson, xách lên bậc tam cấp và đặt xuống thềm nhà bên ngoài cửa phòng khách.

'Bà Ditson mới gặp bà lần đầu lập tức mừng rỡ hỏi han HPB, trong khi con gái nhỏ của bà đứng cạnh chân bà khách lạ cũng làm quen với khách lấy tay vỗ nhẹ lên tay bà. HPB cảm thấy bị ngắt chuyện nên sau cùng bảo:

- Nào, nào, cháu ngoan, đứng yên một lát rồi bà có quà xinh lắm cho cháu.

- Đâu, đâu ? Cho cháu ngay đi. Trẻ hỏi.

'Tôi tin là món quà ấy còn nằm trong tiệm bán đồ chơi nào đó của Albany mà tôi sẽ bị kêu đi mua, nên đâm xấu bụng, rỉ tai xúi cháu nhỏ hỏi bà dấu món quà ở đâu. Trẻ làm theo và HPB nói:

- Đừng lo cháu ạ, bà cất nó trong túi xách.

'Vậy là đủ cho tôi hành động ngay, tôi hỏi bà chìa khóa, đi ra ngoài mở túi và thấy trước mắt khi túi mở banh ra một cây đàn piano gói rất mỹ thuật, có cỡ khoảng 37.5 cm X 10 cm với cái búa bằng bấc để chơi đàn nằm bên cạnh!

'Coi coi, HPB không xếp đồ vào túi của bà ở New York, không đụng tới nó chút nào cho tới lúc này; Tôi đóng và khóa túi trước khi đi; mở ra trở lại, tháo tung, xếp lại và khóa lần nữa lúc đi giữa đường, và ngoài túi ấy HPB không có hành lý nào khác. Tôi không biết cây đàn làm sao mà có, và làm sao có thế chui nằm trong túi trước đó đã đầy tới miệng.

'Một ngày có ông bạn ngưòi Anh đến chơi mang theo con trai chừng 10 hay 12 tuổi. Chú nhỏ đi thơ thẩn quanh phòng ngắm nghía, coi mấy cuốn sách của chúng tôi, xem xét đồ trưng bày trong phòng, gõ thử cây dương cầm và tò mò ngó cái này cái kia. Rồi chú hóa ra chộn rộn muốn đi về, kéo tay áo ba muốn ông cắt ngang câu chuyện rất lý thú với HPB. Người cha không thể ngăn con quậy phá và sắp đứng lên ra về thì HPB nói:

- Ô, không sao đâu, cháu chỉ muốn có gì để chơi thôi. Coi nào, để xem tôi kiếm ra được đồ chơi nào cho cháu.

Nói rồi bà đứng lên khỏi ghế đưa ra vòng qua cánh cửa ngay sau lưng, và rút ra một đồ chơi lớn hình con trừu có bánh xe mà tôi biết chắc là trước đó không hề có ở đấy.'

Nói về chuyện những hộp sơn mà ông Judge đề cập phớt qua ở trên, ông Olcott viết:

- Tôi có mặt lúc đó nên xin thêm sự quan sát của tôi là nhân chứng cho chuyện. Đó là buổi chiều ở Lamasery, ông Judge đang vẽ cho bà bức họa nhưng thiếu mầu nên chưa làm xong. HPB hỏi ông cần những mầu nào, khi biết rồi bà đi lại cây dương cầm nằm sau ghế ông Judge đưa áo ra như để hứng vật. Sau đó bà thả áo xuống bàn trước mặt ông Judge và 13 lọ mầu khô hiệu Winsor and Newton lục tục rớt ra, là những mầu ông đã hỏi xin. Lát sau ông nói muốn có sơn mầu vàng, bà kêu ông lấy cái tách trong phòng ăn, rồi bảo ông đưa cho bà chìa khóa cửa bằng đồng. Cầm lấy hai vật này ổ dưới cạnh bàn bà chà xát mạnh chiếc chìa khóa lên đáy tách, xong đem chúng ra ngoài trở lại và mặt phẳng của đáy tách có phủ một lớp sơn vàng nguyên chất tinh ròng nhất. Tôi hỏi tại sao cần chìa khóa thì được giải thích là cần phải có linh hồn của kim loại làm cái nhân, để thu thập trong không gian những nguyên tử của bất cứ kim loại nào khác bà muốn làm đậm đặc.

Tiếp tục về phép lạ, bài trên báo Hartford Daily Times ngày 2-12-1878 ghi chuyện sau của một ký giả:

- Độc giả sẽ thấy khó tin và bây giờ nhìn lại tôi cũng thấy vậy nhưng cùng lúc tôi biết ngũ quan không đánh lừa tôi, ngoài ra còn một người khác hiện diện khi ấy với tôi. Tôi thấy bà tạo nên vật như cách sau. Bà cùng với bạn tôi và tôi dạo phố, bà nói muốn mua các mẫu tự để trang trí cho tập ký sự của bà (scrapbook). Đây là tờ giấy lớn in 26 mẫu tự đủ mầu lấp lánh. Chúng tôi tìm hết các nơi mà không thấy đâu có, cuối cùng mua được chỉ có một tờ nhưng dĩ nhiên là bà cần nhiều tờ nên đành phải chịu, chưa biết sẽ làm được gì với tờ này. Bạn tôi và tôi ngồi cạnh cái bàn nhỏ còn bà đem tập ký sự ra, bận rộn dán chữ vào tập và tức mình chắt lưỡi:

- Tôi cần hai chữ S, hai P, hai A.

Tôi nói.

- Để tôi ra phố tìm, chắc có tiệm bán.

Bà trả lời.

- Không, anh không cần. Và đột nhiên bà ngẩng lên hỏi.

- Hai anh có muốn thấy tôi làm ra vài chữ ?

- Làm ra ? Làm làm sao ? Sơn chữ à ?

- Không, làm vài chữ giống hệt như các chữ này.

- Nhưng làm sao làm được ? Cái này là do máy in.

- Được chứ, xem này!

Bà đặt một ngón tay lên chữ S và nhìn vào đó vô cùng chăm chú, nhíu mày lại tổ ra đây ý chí. Khoảng nửa phút sau bà mỉm cười nhấc ngón tay lên lấy ra hai chữ S giống hệt nhau và kêu to:

- Xong rồi!

***

Bà cũng làm y vậy với chữ P. Rồi bạn tôi nghĩ thầm:

- Nếu đây là giả mạo thì khám phá được, mỗi tờ chỉ có một chữ của một mẫu tự, để mình thử bà.

Nên anh nói:

- Giả thử lần này thay vì làm hai chữ rời nhau riêng biệt, bà làm chúng dính lại với nhau như A—A được không ?

- Chẳng sao cả, cách nào làm cũng được.

Bà đáp thản nhiên và đặt ngón tay lên chữ A, vài giây sau bà nhấc ngón tay lên, đưa cho anh bạn coi hai chữ A dính liền vào nhau theo ý anh muốn. Chúng y như là được cắt ra từ cùng một tờ giấy, không có vết nối hay dán nào cả. Bà phải cắt chúng rời nhau mới dùng được. Sự việc xẩy giữa ban ngày trước mặt bạn tôi và tôi, và được làm chỉ để cho bà dùng, cả hai chúng tôi hết sức kinh ngạc và đầy lòng khen ngợi, xem xét hai chữ hết sức cẩn thận, thấy chúng y hệt nhau.'

Tiếp tục với ông Olcott là chuyện sau:

- Một buổi tối như thường lệ hai chúng tôi hút thuốc trong lúc làm việc, bà vấn thuốc còn tôi hút tẩu. Tôi nhớ đó là cái tẩu mới và thuốc nhồi là loại tốt, nhưng bà đột nhiên ngửi rồi kêu to:

- Chà, ông hút thuốc gì tệ quá!

Tôi đáp là bà lầm rồi, vì cả tẩu và điếu thuốc không có gì đặc biệt. Bà nói:

- Nào, tối nay tôi không thích nó đâu, ông hút thuốc điếu đi.

Tôi đáp.

- Không, tôi không hút vì bà sẽ bực lắm.

- Sao ông không dùng thứ cái tẩu của Thổ từ Constantinople ? Bà hỏi.

- Tại vì tôi không có, thế thôi.

- Vậy thì, có cái cho ông đây.

Bà bảo, thò tay xuống bên dưới ghế bành và mang lên một cái tẩu đưa cho tôi. Nó bằng đất sét đỏ, miệng loe ra có mạ vàng, thân tẩu bọc nhung đỏ trang trí bằng một dây xích mạ vàng có đính những đồng tiền giả. Tôi cầm lấy tẩu và nói giản dị.

- Cám ơn bà.

rồi nhồi tẩu và châm lửa rồi tiếp tục làm việc. Bà hỏi.

- Ông thích nó không ?

- Được lắm, tôi đáp, nhưng thay vì đỏ thì tôi thích nhung xanh.

- Tưởng gì, có tẩu nhung xanh vậy. Bà nói, đưa tay xuống nữa rồi nhấc lên có cái tẩu thân bọc nhung xanh. Tôi cám ơn bà và tiếp tục làm việc. Cứ như thế tiếp tục và bà nói:

- Đây, cái tẩu con.

và đưa cho tôi một cái tẩu nhỏ làm theo kiểu tẩu lớn.

Có vẻ như bà đang vui muốn làm tôi ngạc nhiên nên kế đó bà tạo ra cái ống gắn thuốc lá kiểu Thổ có nạm vàng và hổ phách, bình cà phê và tách đường kiểu Thổ, cuối cùng là một cái khay chạm nổi có trang trí cẩn men giả. Tôi hỏi:

- Còn hết ? Bộ có cửa hàng Thổ bị cháy hay sao ?

Bà cười phá ra bảo rằng bấy nhiêu là đủ cho tối nay. Sau đó rất nhiều người đã thấy mấy cái tẩu và bộ đồ pha cà phê trong phòng của chúng tôi; khi rời New York chúng được đem cho hết bạn bè của chúng tôi trừ cái khay và tách đường mà tôi đem sang Ấn và còn giữ đến giờ.

Trong thời gian này, việc tạo hiện tượng không phải chỉ giới hạn vào riêng bà Blavatsky, mà còn được vài nhân vật khác thực hiện, vẫn theo sách của ông Olcott (Old Diary Leaves):

- Hôm qua chủ nhật (1876) tôi đang ngồi đọc sách trong phòng thì nghe tiếng gõ cửa. Tôi nói 'Mời vào' thì vị Chân sư người Hy Lạp đi vào cùng một vị khác da sậm chừng 50 tuổi, lông mày và râu rậm mầu xám. Chúng tôi hút xì gà trò chuyện một lúc. Tôi hỏi ngài có quen biết bà Blavatsky. Ngài đổi đề tài và do đó cho tôi hiểu rằng bổn phận đâu tiên của người đệ tử mới nhập đạo là không hỏi câu nào có tinh riêng tư, mà chỉ đón nhận cái gì đến với họ.

'Ngài nói muốn cho tôi thấy việc làm ra hoa như các đạo sư có thể làm, cùng lúc đó ngài đưa tay chỉ lên không và coi coi, hình dáng mờ nhạt của hoa này rồi hoa kia, lá này rồi lá nọ từ trong khoảng không hiện ra. Căn phòng sáng trưng vì mặt trời đang chiếu vào, hoa càng lúc càng đậm đặc lại, một mùi hương dễ chịu lan khắp phòng. Hoa nằm lửng lơ như lông trôi trong không khí, mỗi cái nằm rời nhau rồi chúng hợp thành từng bó hoa, và một đóa hồng to, linh lan, hoa trà, hoa lài, và cẩm chướng rơi xuống tụ vào tay tôi. Những đóa hoa khác tách ra trở lại rơi lả tả như mưa lên sàn nhà. Tôi ngẩn người kinh ngạc vì hiện tượng.

'Ngài hỏi tôi có nhớ hồi mùa hè năm ngoái khi tôi vô ý để quên chiếc ghế nhồi bông ngoài hàng hiên, nửa đêm thức đậy vì trời sấm sét đổ mưa nặng hạt, và sáng ra ngạc nhiên thấy chiếc ghế khô rang trong khi vật gì quanh nó bị ướt mèm. Tôi nhớ lại chuyện ấy. Ngài bảo đó là hiện tượng được tạo ra để kích thích trực giác tôi cho bén nhậy hơn, làm tôi ý thức vài quyền năng mà con người có thể làm.

'Trong lúc ngài đang nói thì mưa bắt đầu rơi lộp độp quanh chúng tôi trong phòng, rõ ràng mưa lớn đang rơi. Thấm ướt nhẹp, quần áo tôi cũng vậy, sách trên bàn, đồng hồ, hình chưng trên lò sưởi ướt hết, nhưng không giọt nào rơi trúng hai vị Chân sư. Các ngài ngồi đó yên lặng hút xì gà còn tẩu của tôi ướt quá nên không cháy được. Tôi chỉ ngồi chịu trận nhìn sững hai ngài thật ngốc nghếch. Có vẻ như các vị thích thú với sự kinh ngạc của tôi, nhưng chỉ tiếp tục ngồi hút mà không nói gì. Cuối cùng vị trẻ hơn bảo tôi đừng lo, không có gì bị hư hại đâu.

'Mưa đột ngột chấm dứt y như nó thình lình bắt đầu, rồi vị lớn tuổi hơn lấy trong túi ra một hộp sơn mài và mở nắp, cho thấy có miếng pha lê hình tròn lõm. Ngài bảo tôi nhìn vào đó. Tôi cầm lấy hộp để cách mắt hơn một tấc và che mắt tránh nắng, sao cho không có tia phản chiếu rơi lên miếng pha lê, cái hộp tỏa ra một mùi hương liệu thơm nồng giống như mùi trầm mà không phải chỉ có vậy. Ngài nói tôi muốn thấy bất cứ gì thì chỉ cần nghĩ đến nó, mỗi lần một việc mà thôi. Tôi làm như lời. Tôi nghĩ đến mẹ tôi đã qua đời như bà vẫn thường ngồi cạnh tôi 20 năm về trước. Tôi thấy một cánh cửa ở đằng xa, nó tiến lại càng lúc càng gần hơn, hiện ra rỏ hơn cho tới khi tôi mất ý thức về những vật bên ngoài và thấy như đang ở tại căn phòng tôi nghĩ trong trí. Những chi tiết đã quên từ lâu, tranh ảnh, bàn ghế v.v. hiện ra; mẹ tôi ngồi đó và câu chuyện 20 năm về trước được tiếp tục.

'Tôi nghĩ đến cảnh sắc thiên nhiên và lạ thay, tôi đứng chỗ mà núi non, thung lũng, sông, nhà cửa nằm trước mặt tôi. Tôi ở đó, không phải trong phòng ở đường 34. Việc diễn ra hơn một tiếng đồng hồ, làm như tôi có thể vút từ vùng khí hậu này sang vùng khác theo tốc độ của tư tưởng và gọi được bất cứ ai hiện ra nếu tôi muốn nói chuyện với họ. Những chuyện đã xẩy ra cho tôi lúc ngủ thoát ra ngoài cơ thể cũng được cho tôi thấy, nhưng nó chỉ có ít và không quan trọng, vì khi xem ra tôi tò mò hơi nhiều thì có một lực ngăn không cho tôi thấy gì cả.

'Chuyện diễn ra xong tôi hỏi vị trẻ tuổi có quen biết bà Blavatsky, nhưng tôi nghĩ ông phải biết bà vì căn flat của bà ở trong cùng tòa nhà, tôi nói tiếp mô tả con người, trí thông minh, tánh tình của bà v.v. Vị lớn tuổi nhờ tôi gửi lời thăm hỏi bà và bảo nếu được phép sẽ ghé thăm bà. Tôi chạy xuống tầng dưới ào vào phòng khách của bà, thấy ngồi đó hai vị y hệt đang hút thuốc với bà và trò chuyện thân tình như thể họ là bạn cố tri. Bà ra dấu bảo tốt hơn tôi đừng vào, tựa như đôi bên có chuyện riêng cần bàn với nhau. Tôi đứng ngẩn ra nhìn trân trân người nọ tới người kia, vô cùng kinh ngạc. Tôi nhìn lên trần, phòng tôi ngay trên phòng bà Blavatsky, nhưng hai ngài không từ trên trần rơi xuống đây. Bà nói:

- Ông ngắm gì vậy, ông Olcott ? Có chuyện gì thế ? Hẳn ông điên rồi.

'Tôi không nói gì mà vội vã chạy băng lên lầu trở lại, mở toang cứa không thấy ai trong phòng. Tôi chạy xuống tiếp, họ đã biến mất. Tôi nghe cửa trước đóng lại, nhìn ra cửa sổ thấy hai vị vừa mới quẹo góc đường. Bà cho hay hai ngài ngồi với bà hơn một tiếng đồng hồ, và chỉ chịu nói có thế. Khi tôi cho bà xem quần áo ướt của tôi và bó hoa là chứng cớ tôi không ngủ mê, bà chỉ đáp:

- Có gì đáng nói đâu. Đừng hỏi tôi gì hết vì tôi sẽ không nói chi đâu.

'Trong nửa giờ từ lúc hai vị biến mất, trong phòng không còn một giọt hơi ẩm hay có sự ẩm ướt nào cho thấy là mưa đã rơi. Nhưng y phục tôi vẫn còn ướt và phải phơi trước lò suởi cho khô.'

Theo ý ông Olcott, các hiện tượng HPB làm ra khi ấy có thể được giải thích bằng một trong những cách sau:

- Một số hiện tượng đòi hỏi có sự hiểu biết rốt ráo về tính chất của vật chất, về lực nối kết làm các nguyên tử tụ lại với nhau, nhất là có sự hiểu biết về Akasha, thành phần của nó, cái nó chứa đựng và tiềm năng.

- Hiện tượng liên quan đến quyền năng của tinh linh khi có ý chí của người sai khiến.

- Hiện tượng sinh ra do thôi miên và gợi ý, tạo nên ảo giác về thị giác, thính giác và xúc giác.

- Hiện tượng cần đến khả năng tạo hình hay chữ viết, thí dụ việc in hình hay viết lên giấy hay những mặt phẳng khác.

- Hiện tượng do việc đọc được tư tưởng hay dùng thông nhãn thấy được việc quá khứ hay việc tương lai.

- Hiện tượng do việc giao tiếp tự ý giữa trí của HPB và trí của người sống khác cũng có khả năng huyền bí như bà hay hơn.

- Hiện tượng loại cao nhất có đặc tính tinh thần hay trực giác, hay hứng khởi, do bà tiếp xúc được với Thiên Ẩnh KMy (Akashic Records), cái ký ức không hư hoại được lưu giữ trong thiên nhiên.

Ông thắc mắc như Vera trước đây tại Nga, là tại sao bà làm biết bao hiện tượng cho thân hữu mà về sau không chịu làm cho ai nghi ngờ quyền năng và hiểu biết huyền bí. Có nhiều lý do cho việc này:

1. Một lý do được nêu ra trong thư của đức K.H. cho ông Sinnett như ta sẽ đọc về sau.

2. Lý do khác là hiện tượng được tạo ra để củng cố niềm tin của ông Olcott và ai khác, y như đức Chúa làm phép lạ để củng cố niềm tin của các đệ tử.

3. Cái chót là khi ấy hội mới thành lập cần gây ấn tượng trong công chúng nên bà tạo hiện tượng.

Thỉnh thoảng HPB cũng chơi dương cầm. Ông Olcott viết:

- Bà là nhạc sĩ dương cầm xuất sắc, chơi với cung cách và sự biểu lộ thật tuyệt vời. Bàn tay bà đích thực là mẫu cho nhà điêu khắc, cả trong trí tưởng lẫn thực tại và chưa bao giờ nó được thấy rõ bằng khi lướt tay trên phím làm vang lên khúc nhạc huyền diệu. Bà là học trò của Moscheles... Đôi khi lúc trời chiều bà ngồi trong phòng chỉ có hai chúng tôi ngẫu hứng chơi đàn làm người ta tưởng như được nghe thiên thần tấu nhạc hay ban hợp ca trên thiên đàng xướng thanh.

Người khác cũng có nhận xét tương tự, khi HPB tới ở chơi theo lời mời của giáo sư Corson, vợ ông kể:

- HPB ngồi xuống và chơi đàn theo hứng vô cùng khéo léo, tỏ ra có tài thiện nghệ rất đáng kể cho ai chỉ thinh thoảng mới chơi khi có hứng trong lòng.

Trước khi kể tiếp, ta ghi thêm vài chuyện lý thú khác của hai vị;

'Một hôm bạn chúng tôi là ông Sullivan trước kia là đại sứ Hoa Kỳ tại Portugal đến chơi. Trong lúc trò chuyện chúng tôi bàn đến hiện tượng hóa hai (duplication). Chiều hôm ấy tôi mang về nhà tờ giấy bạc 1000 mỹ kim đưa cho HPB cất. Bà lấy nó trong ngăn kéo ra đưa cho ông Sullivan cầm rồi cuộn lại trong tay. Xong bà kêu ông mở tay ra coi có gì, ông làm theo, banh tờ giấy bạc và thấy bên trong có cuộn một tờ khác giống hệt nó, y số thứ tự. Ông kêu lên:

- Hoan hô, làm giàu cách này được lắm!

HPB trả lời.

- Không đâu, đây chỉ là trò tâm lý. Chúng tôi, những ai có quyền năng này, không dám dùng nó cho lợi riêng của mình hay ai khác, giống như ông không dám làm bạc giả. Cách nào cũng là lấy cắp của chính phủ.

'Bà từ chối không thỏa mãn óc tò mò của chúng tôi là làm sao biến nó thành hai tờ, vừa cười vừa bảo chúng tôi ráng mà tìm hiểu lấy. Hai tờ giấy bạc để nằm cạnh nhau trong hộc tủ và khi khách đã về rồi, bà cho tôi thấy là chỉ còn lại tờ thật ban đâu, tờ sao đã tan biến mất.

'Một thời gian ngắn trước khi rời New York, HPB cùng với tôi ra phố sắm vài món cho bà, tổng cộng lên đến 50 mỹ kim. Bởi lúc ấy bà không mang theo tiền nên tôi trả thay cho bà và lấy biên lai. Lúc sắp qua cửa vào nhà bà buông cánh tay tôi và cầm lấy bàn tay tôi, nhét vào đó mấy tờ giấy bạc, nói:

- 50 đồng của ông đây!

'Tôi nhắc lại là bà không có tiền trong người, không có khách nào tới nhà để bà có thể mượn tiền, hay khi chúng tôi rời nhà bà biết là sẽ mua gì hay chi ra bao nhiêu. Bà chỉ giản dị có tiền khi thực sự cần nó và khi đúng là bà nên có nó. Lấy thì dụ có lần tôi được nhờ đến một thành phố và làm công chuyện cho các Chân sư cái sẽ có hệ quả nghiêm trọng. Tôi ước lượng là phải cần ít nhất từ một đến hai tháng mới xong, và bởi tôi trả tiền nhà Lamasery và chi phí trong nhà cũng như có nhiều món phải chi tiêu, tôi thành thật bảo HPB là không thế bỏ việc ở New York để đi xa. Bà đáp:

- Được lắm, làm điều mà ông thấy cần làm. Ông chưa phải là đệ tử thực thụ và các Chân sư không có quyền gì bắt ông phải ngưng công việc của mình.

'Dầu vậy tôi không thể chịu được ý nghĩ là từ chối không làm chuyện nhỏ nhặt nhất mà Chân Sư kêu tôi làm, và tuy không thể thấy là làm sao có đủ lợi tức khi vắng mặt ở văn phòng, cuối cùng tôi bảo mình sẽ đi với bất cứ giá nào. HPB hỏi tôi sẽ mất bao nhiêu lợi tức khi đi xa, tôi cho bà hay con số thấp nhất là khoảng 500 mỹ kim một tháng. Tôi đi lo công chuyện đến tháng thứ hai mới trở về. Khi ra ngân hàng xem còn bao nhiêu, tôi kinh ngạc nghe nói là tiền có 1000 mỹ kim nhiều hơn số tôi tính. Nhân viên có lầm không ? Không, đúng là số tiền họ đã nói. Tôi mới hỏi xem họ có nhớ hình dạng của người dường như là đã ký thác hai lần 500 $ vào trương mục của tôi. May sao họ nhớ vì người đàn ông có hình dạng lạ lùng: rất cao, tóc đen thả dài xuống vai, mắt đen xuyên thấu, da nâu, nói tóm tắt là người Á đông. Cùng một người này gửi tiền hai lần, chỉ đưa tiền và bảo cho nó vào trương mục của tôi. Ông không có sổ băng của tôi và bảo người thâu tiền ghi giùm tờ giấy gửi tiền vì, 'ông không thể viết tiếng Anh'.

'Lúc khác ở Bombay bà luôn luôn có tiền cho mình khi cần hết sức. Lúc chúng tôi mới đến đó, chỉ có đủ tiền chi xài việc trong nhà cho vài tháng sắp tới mà thôi, đừng nói đến đến việc ăn tiêu xa xỉ hay dư dả, vậy mà chúng tôi đi thăm vài nơi trên đất Ấn như sẽ kể về sau và bà thêu dệt thành sách rất sống động (mang tên Caves and Jungles of Hindustan), chi ra khoảng 2000 rupees mà không có ảnh hưởng gì. Quĩ không bao giờ cạn vì chúng tôi được Chân sư cung cấp những gì cần khi làm công việc của các ngài.

'Tôi hỏi làm sao chuyện ấy có được khi Chân sư sống ngoài thế giới của việc phải đi làm kiếm tiền, HPB đáp các ngài là những vị canh giữ các mỏ và kho tàng ngọc ngà châu báu vô tận, do karma liên kết với chúng kho tàng có thể được dùng làm việc thiện cho nhân loại bằng những cách khác nhau. Tuy nhiên một số các kho tàng này nhiễm hào quang của tội ác mà nếu đào lên và luân lưu nó trước khi karma hóa giải sẽ sinh ra tội ác mới, làm tăng thêm khổ não cho nhân loại. Mặt khác do karma một số người sẽ như tình cờ tìm được tiền của chôn dấu hay vật quí giá khác, hay nhờ kinh doanh thu hút được tài sản nhiều hay ít. Tinh linh của kim loại là tác nhân mang lại những điều này.

'Riêng về hội Theosophia, tôi có thể nói rằng biết bao nhiêu lần tôi thấy hộp tiền gần cạn, tương lai về tiền bạc rất là nản nhưng rồi luôn luôn tôi nhận được từ nguồn này hay kia số tiền tôi cần, và công việc của chúng tôi không hề bị ngưng một ngày nào vì thiếu phương tiện. Ta cũng nên nhớ lại HPB không thể quyết định là khi nào mình nên nhận được tiền cho công việc hay không. Năm 1873 khi từ Paris đến New York bà cạn túi và phải nhận may thuê để sống. Bà không có tiền từ trên trời rớt xuống vì chưa tới lúc.'

Nói về con người HPB, ông viết:

- HPB không phải là người khắc khổ, không ăn chay, có vẻ như để có sức khỏe bà cần phải ăn thịt, cả tôi cũng vậy. Bà hút thuốc liên miên, rất khéo léo trong việc vấn thuốc. Bà có thể tay trái vấn thuốc trong khi tay phải viết bài. Khi viết Isis bà ngồi một chỗ cả ngày, cái vận động duy nhất là đi qua phòng ăn hay nhà tắm và trở lại bàn viết. Vì ít vận động như thế nên khi sách viết xong, bà cân nặng 115 ký. Lúc ấy chúng tôi bắt đầu tính chuyện sang Ấn Độ nên bà tuyên bố sẽ xuống cân để tiện việc đi lại và bà xuống cân thật, chỉ còn có 70 ký! Bà ở mức này luôn tới khi qua Ấn và sau đó một lúc lâu, nhưng rồi lên cân trở lại và giữ như thế cho đến khi qua đời.

'Bà là người rất thẳng thắn, ăn nói bộc trực khi không cần chuyện trò xã giao với người mới quen, khi phải chào hỏi lịch sự như vậy thì bà hết sức nhã nhăn trong mọi cung cách của mình. Dù vẻ ngoài có thể lôi thôi ra sao bà có dáng điệu của người quí phái mà nếu muốn, sẽ rất lịch thiệp như một công tước phu nhân của Pháp. Nhưng trong đời sống bình thường, hằng ngày lời chê trách của bà thật sắc bén như dao và khi giận dữ thì nổ bùng. Đối với bà cái tội duy nhất không thể tha thứ được là giả dối và ra vẻ kênh kiệu, khi đó bà không nương tay và không tiếc lời chỉ trích, Thường khi bà thấy được những tội lỗi dấu kín của người khác nói chuyện với bà, và nếu họ chê bai MTTL hay chính bà thì HPB sẽ tuôn cơn thịnh nộ lên đầu họ. Nhưng nếu đó là người ngay thẳng thiếu hiểu biết thì bà luôn luôn có lời dịu ngọt và đôi khi tặng quà. Bà ưa thích đi ngược với thói đời và không gì khiến hài lòng bà hơn việc làm và nói những điều khiến người giả dối kinh ngạc. Thí dụ có tối nhà đông khách cả nam lẫn nữ, HPB mặc áo ngủ ra tiếp khách. Con người bà thấy rõ rệt là không có ý gì về phái tính nên chẳng ai thấy khó xử khi bà làm vậy, khách nữ giới không hề thấy bà là tình địch mà các ông thì không thể tưởng tượng là bà muốn lôi cuốn họ vào chuyện tình cảm. Nét mặt, lời nói và hành động đều cho thấy bà không có chút cảm xúc gì về phái tính.

'Bà dùng chữ mạnh bạo mà không có ý xấu nào, và nếu tật này không làm người câu nệ khó chịu phải lên tiếng than phiền — người mà bà thấy được tội lỗi kín của họ do thông nhãn (clairvoyance) —, hẳn bà đã bỏ nó. Vì bà có tánh giống như mọi người mà mạnh hơn nhiều là làm chuyện cấm đoán chỉ vì có tinh thần đối kháng. HPB chống đối với mọi thói đời về niềm tin, thị hiếu, y phục, tư tưởng, hành vi mà cũng có một đặc tính làm người lạ ngạc nhiên và làm ai yêu quí bà thấy rất lôi cuốn, đó là khi gặp chuyện gì hài lòng thì bà hớn hở như trẻ thơ, như khi thân nhân gửi món quà lạ lùng từ Nga qua, bà vui thích đem khoe với mọi người làm họ cũng thích thú. Bà không hề để bụng giận ai, hễ tức mình thì tuôn ra một thôi một hồi làm đối phương choáng váng nhưng sau đó bà lại nhã nhăn, lịch thiệp như cũ. Tánh tình HPB cứng cỏi và nhân vật duy nhất mà bà chịu tôn kính là các Chân sư; ý chí bà mạnh mẽ nên khi tức giận hay có điều phật ý thì trọn con người bừng bừng xáo trộn. Ta có nói nhiều nhân vật sử dụng thân xác bà trong lúc viết bộ Isis, nhưng ngay cả với các Ngài khi thể xác có sự bực bội tột độ thì ít ai dùng được nó ngoại trừ vị Chân sư là Thầy của bà, có ý chí còn sắt đá hơn HPB, những Vị khác hiền hòa hơn lúc đó không tới gần hay không thể tới gần.


 

CHƯƠNG IX

Sang Ấn Độ

Kể từ cuối 1876 đến năm 1878, hội Theosophia không còn hoạt động. Tuy nhiên ảnh hưởng lớn mạnh của nó thấy qua việc thư từ liên lạc với hai vị sáng lập tăng lên, báo chí đăng các bài viết gây nhiều tranh cãi của hai người, các chi bộ được thành lập ở Corfu và London, và nhiều người tán đồng ở Ấn Độ và Tích Lan cũng liên lạc với hai vị. Tại Hoa Kỳ, những nhà thông linh học có tiếng vào hội lúc ban đâu nay tất cả đều ra khỏi hội, những buổi họp gần như ngưng, tiền niêm liễm hội viên phải đóng được hủy bỏ nhưng cái ý tưởng thì chưa bao giờ mạnh mẽ bằng, hay phong trào đầy lực sinh động khi nó loại bỏ cơ cấu tổ chức bên ngoài và tinh thần của nó cô đọng lại vào tâm não và linh hồn hai vi sáng lập.

Tháng 7 năm 1878 HPB trở thành công dân Hoa Kỳ. Cũng trong năm nay tình cờ hai vị được biết là có một tổ chức tại Ấn giảng dạy minh triết trong kinh sách của Ấn giáo. Đôi bên liên lạc và vì lý do nào đó hai vị rất thán phục tổ chức này và muốn hội Theosophia hợp làm một với nó. Việc đã xúc tiến trước khi hai vị sang Ấn, nhưng khi nhận được bản điều lệ của tổ chức này thì thấy rằng tổ chức thiên nặng về Ấn giáo thay vì chủ trương tình huynh đệ đại đồng như của hội, nên việc hòa hợp chấm dứt. Hoa Kỳ lúc đó xem ra không phải là nơi thuận tiện để có hoạt động về Theosophia, hội gần như ngủ yên trong lúc này mà ta cũng có ý kiến khác là việc sang Ấn đã manh nha từ năm 1877. ông Judge ghi rằng bà Blavatsky nhờ ông soạn hợp đồng cho bà và nhà xuất bản bộ Isis, khi soạn xong và bà ký vào đó, HPB bảo:

- Nay tôi có thể tính đến chuyện sang Ấn.

Về phần ông Olcott trong quyển 'Old Diary Leaves', ông tả lại một kinh nghiệm cho ra kết quả trọng đại cho đời ông như sau:

- Khi đã làm xong việc hôm ấy về quyển Isis, tôi chào HPB rồi quay về phòng mình, đóng cửa lại như thường lệ, ngồi xuống hút thuốc và đọc sách, chẳng bao lâu tôi mê say theo dõi chuyện mà nếu tôi nhớ đúng là quyển 'Travels in Yucatan' của Stephens. Bàn và ghế của tôi nằm ở bên trái trước cánh cửa phòng, chiếc giường nhà binh nằm bên phải, cửa sổ thì đối diện với cửa lớn và phía trên cao của bàn là cái đèn bằng gaz từ tường đâm ra.

'Tôi yên lặng đọc sách, hướng trọn tâm trí vào đó... Tôi ngồi với vai hơi quay về phía cửa, bất chợt tôi thoáng thấy có cái gì mầu trắng ở góc phải của khóe mắt phải, kinh ngạc tôi quay đầu bỏ rơi cuốn sách và thấy đứng sừng sững trước mắt tôi một người đông phương có vóc dáng cao lớn, y phục trắng, quấn khăn có sọc mầu hổ phách bằng lụa có thêu tay. Ngài có tóc đen nhánh thả dài từ khăn xuống vai, râu đen chẻ ở giữa cằm theo kiểu cách của các hoàng thân Ấn, xoắn lại ở hai đầu và vắt qua tai. Mắt ngài sống động với ngọn lửa tâm linh, vừa hiền dịu mà cùng lúc nhìn xuyên thấu tâm can, là mắt của vị thầy và của quan tòa nhưng được làm nhẹ đi bằng tình thương của người cha, ngắm nhìn đứa con đang cần lời chỉ dạy và hướng dẫn. Ngài là nhân vật rất mực uy nghi, có sự đường bệ của sức mạnh đạo đức, sáng rực nét tinh thần cao hơn người đời thật rõ ràng nên tôi thấy mình hèn mọn trước mặt ngài và cúi đầu, khuỵu gối như ta làm trước mặt thần linh hay nhân vật cao cả như thần linh. Có bàn tay để nhẹ lên đầu tôi, có giọng nói mạnh mẽ nhưng êm ái kêu tôi ngồi xuống và khi tôi ngẩng lên nhìn thì ngài đã ngồi vào chiếc ghế bên kia bàn.

'Ngài cho tôi hay là đến vào lúc có biến cố tôi cần đến ngài, rằng hành động của tôi đã mang tôi tới điểm này, rằng chỉ có tôi mới quyết định có nên hay không việc ngài và tôi nên thường gặp nhau trong đời này như là những người cùng làm việc lành cho nhân loại, rằng có một phần việc vĩ đại sắp phải làm cho nhân loại và tôi có quyền dự phần vào đó nếu muốn, rằng có một mối dây huyền bì chưa thể giải thích cho tôi rõ lúc này đã mang HPB và tôi lại với nhau, một mối dây không thể làm đứt đoạn dù đôi lúc bị căng thẳng. Ngài cho tôi hay những chuyện về HPB mà tôi không thể nhắc lại, cũng như chuyện về tôi không liên quan đến ai khác. Tôi không thể nói ngài ở đó bao lâu, có thể nửa tiếng hay một tiếng mà cũng có thể chỉ là một phút vì tôi không để ý tới thời gian trôi qua.

'Cuối cùng ngài đứng dậy, tôi lạ lùng với chiều cao của ngài (6'6", khoảng 2.1m) và nét mặt chói lọi của ngài, không phải vẻ rực sáng bên ngoài mà là nét êm dịu của ánh sáng bên trong, của tinh thần. Đột nhiên óc tôi tự hỏi:

- Nếu đây chỉ là huyễn tưởng thì sao ? nếu đây là do HPB thôi miên làm tôi thấy ảo ảnh ? Ước sao có được vật sờ mó được để chứng tỏ cho mình thấy là ngài thực sự đã tới đây, có cái gì mà mình cầm được trong tay sau khi ngài đã đi rồi!

'Chân sư mỉm cười nhân từ như thể đọc được ý nghĩ của tôi, tháo khăn fehta trên đầu, nhẹ nhàng chào từ giã tôi và — biến mất, ghế ngài không còn ai, chỉ có tôi một mình với cảm xúc riêng! Không hẳn là một mình vì trên bàn có nằm chiếc khăn thêu quấn đầu, một bằng cớ hữu hình và còn mãi cho tôi thấy là mình không bị bỏ quên, hay bị làm mà mắt, mà đã mặt đối mặt với một trong những bậc Huynh Trưởng của nhân loại, một trong các Chân sư mà chúng ta là đệ tử dại khờ.

Kinh nghiêm này là yếu tố chính khiến ông Olcott quyết định sang Ấn Độ cùng HPB vào tháng 12-1878, dầu vậy ông phải giải quyết vài chuyện thực tế trước đó, ấy là tuy rất muốn đi Ấn nhưng ông không thể rời Hoa Kỳ trước khi hai con trai có công việc làm, mà ông cũng chưa biết là mình sẽ sinh sống bằng cách nào nếu không hành nghề luật là việc làm của ông lúc này, lại còn phải chu cấp cho người vợ đã ly dị. Trong buổi nói chuyện trên Chân sư trấn an rằng ông sẽ tìm ra cách giải quyết và hai con trai của ông cũng sẽ được chăm lo. Thật vậy, chẳng bao lâu người con lớn tìm được chỗ làm ở CaMornia, còn ông Judge kiếm được việc cho người con thứ. Khi ấy ông Olcott dàn xếp để có thể làm việc xuất nhập cảng tại Ấn, ý của ông là bán sản phẩm về văn hóa Ấn sang Hoa Kỳ cũng như làm đại diện cho hàng hóa Hoa Kỳ tại Ấn. Tổng thống Hayes ký tên thư giới thiệu ông đến tất cả các bộ trưởng và lãnh sự Hoa Kỳ, và bộ ngoại giao cấp cho ông sổ thông hành ngoại giao, cùng giao cho ông việc tường trình những cơ hội mậu dịch cho Hoa Kỳ tại Á châu.

Theo lời khuyên của bác sĩ, ông Olcott để râu mọc dài che chở cho cổ họng dễ bị cảm của ông. Râu đã mọc dài khoảng 10 cm thì một buổi sáng khi thức dậy ông cảm thấy có gì dưới cằm. Ông mất một tiếng đồng hồ mới gỡ rối được thì thấy đó là một lọn râu đã mọc trong đêm dài đến 35 cm. Khi đưa cho HPB xem bà giải thích rằng Chân sư đã khiến râu mọc đêm qua để làm nơi dự trữ sức che chở cho ông. Vì chỉ là một lọn nếu thả dài tới bụng trông sẽ kỳ lạ nên ông nhét nó dưới cổ áo cho tới vài năm sau râu mọc đều. (Râu tóc chứa đựng năng lực nên HPB có nhận xét rằng các vị sư tóc dài thường sống lâu hơn ai cạo tóc râu).

Vào tháng 5-1878 nhà phát minh Thomas Edison gia nhập hội (năm 1979 vào dịp lễ kỷ niệm 100 năm sáng chế bóng đèn điện, văn khố Edison tại Madison, New Jersey triển lãm những tài liệu về ông Edison trong đó có một biên lai đóng niên liễm cho hội Theosophia của ông Edison). Nói về ảnh hưởng của MTTL đối với triết lý của Edison, trước khi ông qua đời báo chí hỏi ông có tin người ta vẫn tiếp tục sống sau khi chết hay không, Edison đáp:

- Việc tiếp tục sống duy nhất mà tôi có thể nghĩ ra là bắt đầu chu kỳ sống khác trở lại.

Nói khác đi là luân hồi tái sinh.

Cũng vào tháng 5 hai vị được lệnh khởi sự chuẩn bị việc qua Ấn sau này. Ông Olcott chỉ định các hội viên trông coi chuyện hội tại Hoa Kỳ trong lúc ông vắng mặt. Vào tháng 11 HPB ghi trong nhật ký rằng Chân sư Serapis ra lệnh đi Ấn, trễ nhất là trong khoảng 15 - 20 tháng 12, ngài muốn hai vị đi ngày 17-12. Cuối cùng mọi việc thu xếp xong, trả nhà, bán đấu giá bàn ghế. Trước khi rời nước ông Olcott đến thăm Edison và mua đem sang Ấn một máy thâu âm nặng 50 ký, ngày 15-12 trong buổi tiệc chia tay tại Lamasery, khách đến tiễn biệt thay phiên nhau nói vào máy cho các hội viên tại Ấn để hai vị mang băng sang đó. Ta có lời của HPB, ông Olcott, ông Judge, và nhiều người khác trong thuở ban đầu của hội. Chuyện không may là về sau (1895) cuộn băng bị hư theo với thời gian không còn phát ra tiếng nữa.

Hai vị chào từ giã chùm đèn đã chứng kiến bao đêm họ ngồi viết Isis, và lên tầu lúc 7 giờ tối ngày 17-12, cùng đi với hai vị sang Ấn là hai thân hữu người Anh. Từ New York họ sang tới London vào ngày đầu năm 1879.

Tại đây khi đang đi trong thành phố với bạn lúc trời mù, ông nghe một người kêu lên kinh ngạc mà khi quay lại, ông bắt được ánh mắt cứa một người Ấn cao lớn cũng đang quay đầu lại. Hai vị cư ngụ vài ngày tại nhà người quen ở London, sau chuyện trên khi về đến nhà ông Olcott nghe kể là như thường lệ chủ nhà đóng cửa cài then, nhưng khi bà chủ nhà từ phòng khách ra định tới phòng HPB thì giật nẩy mình khi thấy một người Ấn rất cao lớn đang đứng trong phòng, giữa cửa ngoài và cửa phòng HPB, đôi mắt sắc bén lạ thường. Người này không giải thích làm sao vào được nhà mà chỉ nói:

- Tôi muốn gặp bà Blavatsky.

ông đi về phía cửa phòng bà, làm như biết phòng nên chủ nhà mở cửa phòng cho ông đi vào. Ông chắp tay chào HPB theo kiểu Ấn, nói bằng ngôn ngữ mà chủ nhà không biết, bà tính đi ra thì bà Blavatsky ra dấu cho bà ngồi. Chủ nhà không biết tại sao người bằng xương bằng thịt có thể đi xuyên qua cửa vật chất đóng kín...

Sau vài ngày lưu tại London và ông Olcott thuyết trình tại hội quán của hội Theosophia ở đây, hai vị lên tầu sang Bombay nay gọi là Mumbai và tới nơi ngày 15-2, 1879. Lúc còn ở New York trước khi đi ông Olcott nhờ người lo mướn chỗ cư ngụ tại Bombay, sang tới nơi ở được vài ngày ông nhận ra là mình đã bị gạt với giá mướn quá cao và bị tính tiền những khoản vô lý. Ngày 7-3 hai vị tìm được nơi khác trong khu của người Ấn (thay vì là khu của người da trắng) nơi ít người da trắng lui tới và về ngụ chỗ này. Ở đây ông và bà mỗi vị có nhà riêng cho mình, ông cũng mướn người giúp việc cho bà Blavatsky là một cậu trai 15 tuổi người Ấn tên Babula, tỏ ra rất trung thành, ở cùng bà cho tới ngày cuối đời. Chẳng mấy chốc hai vị có nhiều khách đến thăm, và chín ngày sau đó ông cũng nhận được thư của ông Alfred Percy Sinnett, chủ bút tờ The Pioneer, một trong những tờ báo rất có thế lực tại Ấn, ngỏ ý mời hai vị đến chơi nếu có dịp lên vùng phía bắc, cũng như sẵn sàng đăng tải những sự kiện liên quan đến việc làm của hai vị tại Ấn.


 

CHƯƠNG X

Bombay

Trong những tháng đầu năm 1879 hai vị có những lý do riêng cảm thấy bị ngã lòng. Có lúc ông Olcott nghĩ rằng qua Ấn là sai lầm lớn. Ta không biết ông gặp những khó khăn gì ngoài sự lường gạt nói ở trên khi vừa đến Bombay cùng lo lắng về sinh kế trong tương lai. Tâm trạng này được đề cập trong một thư ông nhận được của Chân sư:

- Vì bạn đi tới kết luận là rời quê hương tới nơi này là hành động điên khùng... chúng ta nên có một hiểu biết chung càng sớm càng tốt cho mọi người. Để bắt đầu, ý muốn qua Ấn rất đỗi nồng nhiệt là của bạn... Đừng mơ tưởng cái không thể có, đừng hy vọng rằng vào phút cuối bạn sẽ được trợ giúp. Nếu bạn không đủ sức qua được thời kỳ thử thách và xác định bạn đủ tư cách của vị đạo sư tương lai bằng cách bắt buộc hoàn cảnh tùng phục mình, bạn hoàn toàn không thích hợp cho bất cứ thử thách nào khác...

Nó cho thấy có nhiều việc làm ông ưu tư trong thời gian này. Về phần bà Blavatsky một nguyên do lớn gây buồn lòng là dân bản xứ khăng khăng chẳng chịu hợp tác trong việc tái tạo lại văn hóa của mình. HPB viết vào năm 1881:

- Từ sáu năm nay (từ 1875) chúng tôi đã xác nhận công khai rằng khoa Yoga của Ấn là một khoa học đích thực, có hằng ngàn chứng cớ xác nhận và ủng hộ nó, và tuy chỉ còn ít nhà Yogi chân chính của Ấn, ai thành tâm vẫn có thế tìm được các ngài nếu theo đúng đường. Rằng những xác nhận này bị người Âu châu thách thức là chuyện đương nhiên phải có, tuy thế việc người Ấn, hậu duệ của triết gia cổ thời cũng chối bỏ và bài bác là liều thuốc cay đắng khó nuốt. Dầu vậy chúng tôi không thì thầm mà mạnh dạn nói lên thông điệp của mình. Lời nói của chúng tôi quay trở về mình gần như là không có vang vọng nào trong khoảng không bao la là Ấn Độ. Hiếm thấy có linh hồn can đảm nào đứng lên bảo rằng chúng tôi nói đúng, rằng yoga có thật, và rằng vị Yogi chân thực vẫn còn hiện hữu. Chúng tôi được nghe rằng Ấn Độ đã chết, rằng mọi ánh sáng tinh thần đã tắt ngấm từ lâu trong ngọn đuốc của xứ sở này, rằng khoa học hiện đại đã chứng minh chuyện xưa chỉ là sai lạc... Nhưng khi người ta thấy rằng chống đối không làm chúng tôi im tiếng, và không chứng cớ nào cho sự chống đối được nêu ra, thì có những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện cho thấy có sự thay đổi ý kiến.

Chuyện khác cũng gây thối chí là việc trong 18 tháng đầu trên đất Ấn, mật vụ Anh theo dõi HPB, tin rằng bà có thể là điệp viên Nga, ngay cả ông Olcott cũng bị nghi ngờ. Vào lúc này hai nước Nga và Anh tranh dành ảnh hưởng ở bán đáo Ấn, có thể việc hai vị giao thiệp với người bản xứ nhiều hơn là với những người da trắng khác làm họ bị đặt câu hỏi. Nhiều người bản xứ bị ảnh hưởng vì những nghi ngờ này đã không muốn gia nhập hội. Thư và điện tín gửi tới bị mở ra đọc, thư gởi đi thỉnh thoảng bị tịch thâu. Nhà cầm quyền cho người theo dõi từng bước của hai vị rất lộ liễu nên một lần ở ga xe lửa trước khi lên tầu, HPB tới nhân viên bám theo đuôi và đùa cợt cảm tạ sự hộ tống của ông. Tầu về đến Bombay, hai vị tới toà lãnh sự Hoa Kỳ nơi ấy yêu cầu có lời phản đối. Khi trả lời chính quyền Bombay của Anh đáp với toà lãnh sự rằng họ không có ý gì thất lễ.

Mặt khác, trong suốt những năm ở tại Ấn, HPB cũng là cái đích cho một số nhà truyền giáo vu khống, phỉ báng, họ xem hoạt động của bà (nhằm khôi phục minh triết cổ xưa của Ấn giáo) như dẫm chân lên quyền trời cho của họ là đi cứu rỗi linh hồn người ngoại đạo. Một Chân sư khi nói về công việc của phong trào Theosophy gọi đó là 'Mong ước khó thành', và giải thích:

- Khi nhìn vào mức độ của công việc mà người chí nguyện cho phong trào phải thực hiện, và nhất là có vô số kẻ dàn hàng đối nghịch, ta có thể sánh nó với nỗ lực tuyệt vọng chống lại địch thủ mạnh hơn bội phần mà người chiến sĩ chân chính can đảm ra tay.

Ông Olcott thắng được ý muốn quay trở về Hoa kỳ và vào tháng 7-1879 hai vị quyết định xuất bản nguyệt san The Theosophist, ông sẽ trông coi mặt thương vụ còn bà Blavatsky chủ biên. Phân chia là vậy nhưng trong những số đầu ta sẽ thấy mỗi tháng bà bận rộn đóng, gói báo gửi tới người mua, báo bầy kín trên sàn trên bàn viết trong phòng làm việc của bà. Với công việc này hai vị may mắn có được phụ tá đắc lực và hết lòng là Damodar K. Mavalanka, Damodar là nhân vật đáng được nói tới nên ta sẽ đề cập thêm tới ông dưới đây. Nói tiếp về tờ Theosophist, báo có tầm vóc quốc tế, được lưu hành ở nhiều nước thu hút độc giả ở phương tây những người chưa hề nghe nói đến MTTL. Số đầu tiên ra vào tháng 10-1879. Bài viết của HPB trong 6 năm bà làm chủ biên rất đáng kể, sau này những bài ấy được in lại trong 5 cuốn đầu của bộ Collected Writings. Chuyện đáng nói là các Chân sư viết một số bài báo qua tay HPB, càng làm cho báo thêm giá trị.

Sau khi đọc Isis và gia nhập hội, Damodar viết:

- Không có gì là phóng đại khi nói rằng chỉ trong mấy tháng nay tôi mới là thực sự là người đang sống, vì giữa cuộc sống tôi có lúc này và cuộc sống mà tôi hiểu trước kia có một khoảng cách không sao lấp bằng... Khi đó ước vọng của tôi chỉ là tậu thêm nhiều đất đai, có địa vị trong xã hội và thỏa mãn ước muốn, thèm khát của mình...

'Việc hội Theosophia đã soi sáng cho tôi về đất nước mình, tôn giáo, bổn phận của tôi. Tôi trở nên tín đồ Ấn giáo tốt đẹp hơn hồi nào đến giờ, tôi cũng nghe tương tự là người Parsi nói họ trở nên tín đồ Hỏa giáo tốt đẹp hơn kể từ khi gia nhập hội Theosophia. Tôi cũng thấy Phật tử viết thư cho hội bảo rằng việc học hỏi MTTL làm họ quí chuộng tôn giáo của mình hơn nữa. Thế thì việc học hỏi này làm cho mỗi người tôn kính đạo của mình nhiều thêm. Nó cho họ cái nhìn xuyên qua chữ nghĩa vô tri và thấy rõ ràng phần tinh thần... Nếu ta xem xét tất cả tôn giáo theo nghĩa thông thường thì dường như chúng chống đối nhau về nhiều chi tiết, không cái nào thuận với cái nào... Phải có một căn bản chung trên đó mọi hệ thống tín ngưỡng đặt nền tảng, và cái căn bản chung đó nằm ở gốc mọi điều, đó là chân lý.'

Damodar là người đầu tiên dùng chữ Mahatma để nói về các vị Chân sư ở Hi Mã Lạp Sơn. Trước đó các ngài được gọi là những vị Huynh Trưởng. Đây chỉ là chữ mới trong Anh ngữ cho người tây phương, còn thì chữ này đã được dùng từ lâu ở Ấn để chỉ những bậc sáng suốt.

Tháng 8-1879 bà Blavatsky nhận được thư của một người quen biết là Emma Coulomb nhờ được giúp đỡ. Trở ngược câu chuyện một chút, ở trang 20 ta có ghi năm 1871 Helena sang Cairo và quen với ông bà Coulomb lúc đó chưa lập gia đình với nhau. Đi vào chi tiết là Helena lên tầu Hy Lạp đi Cairo nhưng tầu nổ và chìm ở nứa chặng đường, trong số 400 hành khách chỉ có 16 người sống sót. Helena được cứu và mang về Ai Cập nhưng mất hết tiền bạc và hành lý, do đó cô gặp khó khăn trong lúc chờ đợi chính phủ Hy Lạp bồi thường. Khi ấy Emma giúp việc tại khách sạn Helena cư ngụ đã tốt bụng cho Helena mượn tiền để qua tai nạn trên. Nay tại Ấn, bà có thư của Emma cho biết đã thành hôn với con trai của người chủ khách sạn là Alexis Coulomb. Công việc làm ăn không khá tại Cairo khiến hai ông bà Coulom sang Ấn Độ, mở khách sạn tại Tích Lan nhưng cũng không thành công. Họ đang bị kẹt tại Tích Lan và muốn biết là nếu sang Bombay, hai vị có thể tìm việc cho họ được không ? Ông Olcott thuận mời hai ông bà sang Bombay và giúp hai người tìm việc.

Tháng 12-1879 hai vị tới thăm ông bà Sinnett lần đầu tiên tại Allahabad phía bắc Ấn Độ, đi theo có Damodar và Babula. HPB chẳng những không uống rượu mà chỉ cần hơi rượu cũng làm bà khó chịu, nhưng khi ngụ tại nhà ông bà Sinnett, rượu được dùng tự do tại nơi này và HPB bị chìm trong hơi rượu suốt hai tuần. Một người bạn của ông Sinnett là ông Allan Octavian Hume đến chơi gặp hai vị sáng lập, sau đó xếp đặt cho ông

Olcott có một buổi thuyết giảng về Theosophia tại Allahabad. Trong buổi nói chuyện ông có chút sơ sót nên trên đường về bà mạnh mẽ vạch ra điều ấy với lời phê bình lớn tiếng. Ông Sinnett ngạc nhiên về cơn bão bất ngờ mà cũng ghi rằng ông Olcott can đảm nhận chịu sự trách cứ, còn chính người trong cuộc là ông Olcott viết:

- Cố nhiên là vậy. Tôi quí yêu những đặc tính đáng quí của bà và rất cảm tạ việc bà đã chỉ cho tôi đường đạo. Tôi chấp nhận cơn thịnh nộ của bà vì điều tốt đẹp mà bà sinh ra thì trội hơn rất nhiều mọi đau khổ cá nhân ta phải chịu.

Tiếp tục cuộc thăm viếng của hai vị sáng lập ở phía bắc Ấn, sau ngày 18-12 hai vị đi Benares. Ở đây ông Olcott tới thăm xã giao giáo sư Thibault người Đức, dịch giả kinh Veda sang tiếng Anh. Tối hôm đó ông Thibault tới nơi hai vị cư ngụ để đáp lễ, cùng đi với ông là một số học giả về Phạn ngữ, có mặt trong buổi nói chuyện là bà Blavatsky và năm người khác có Damodar. Trong câu chuyện giáo sư Thibault nói rằng các học giả Phạn ngữ đoán chắc với ông là hồi xưa có những nhà yogi thực sự có quyền năng kỳ lạ mô tả trong kinh sách, thí dụ như họ có thể làm trận mưa hoa hồng rơi xuống trong căn phòng như mọi người đang ngồi, nhưng nay thì không còn ai có thể làm như vậy.

Nghe thế là đủ cho HPB ra tay. Bà phất tay phải trong không với cử chỉ thật oai vệ và có khoảng một chục bông hồng rơi xuống. Trong khi những người khác hứng chí nhặt hoa, ông Thibault ngồi chết sững như trời trồng, ông hỏi bà có thể làm lại lần thứ hai chăng. Bà lập lại cử chỉ và có thêm hoa rơi, một cành rơi trúng đầu ông Thibault, tung lên và rớt vào lòng ông. Ông giật mình, mở rồi nhắm mắt nhiều bận xong nói:

- Sức nặng nhân với vận tốc chứng tỏ là hoa phải được mang về từ xa.

Ông Olcott không cho biết chiều cao của trần nhà, nhưng ta biết đó là căn nhà trệt như thế trần chắc không cao lắm. Phép lạ chưa chấm dứt vào tối hôm ấy. Khi ông Thibault đứng dậy ra về, ông Olcott kéo màn cửa đưa ông ra và Damodar cầm đèn theo sau. Ông bắt tay giáo sư Thibault người đứng trong bóng tối ngoài nhà, khi ông quay lại thì thấy bà Blavatsky đứng dậy, gương mặt có cái nhìn lạ lùng đây quyền uy cái gần như luôn luôn thấy trước khi sinh ra hiện tượng. Ông gọi ông Thibault trở lại. Bà Blavatsky cầm lấy ngọn đèn từ tay Damodar, móc ngón trỏ tay trái vào móc đèn, chỉ ngón trỏ tay phải vào ngọn lửa và nói một cách uy nghi:

- Đi lên.

Ngọn lửa vươn lên cao hơn.

- Đi xuống.

Nó lụn từ từ cho tới khi còn rất nhỏ và có mầu xanh ở cuối tim đèn.

- Đi lên, ta ra lệnh.

Ngọn lửa đi lên trở lại.

- Xuống!

Nó xuống như trước. Bà đưa cây đèn cho Damodar, gật đầu với ông Thibault mà không thốt lời nào, và vào nhà trở lại.

Sau đó bà giải thích với ông Olcott chuyện chẳng đáng gì cả. Một vị đạo sư đã vặn cho tim đèn lên xuống mà thôi, nhưng ông không tin. Ông cho rằng bà đã làm chủ được tinh linh lửa. Có lần bà nói rằng tinh linh đất, nước và không khí thường dễ cho sai khiến nhưng muốn khiến tinh linh lửa làm chuyện gì thì khó hơn nhiều. Ông nghĩ là bà không muốn nhìn nhận rằng mình có được quyền năng nhiều như vậy.

Ta có nói HPB sống bằng nghề cầm viết từ khi qua Hoa Kỳ, bà đi nhiều nơi chứng kiến nhiều việc và biến những điều mắt thấy tai nghe thành chuyện lý thú. Thuở ấy Ấn Độ còn đầy sự bí ẩn huyền hoặc đối với người tây phương nên bài viết về nước này được nhiều chú ý, năm 1879 HPB tiểu thuyết hóa cuộc du hành của mình trên đất Ấn, gửi đăng báo tại Nga. Những điểm chính trong chuyện là có thật tuy nhiên như bất cứ tác giả nào bà thêm bớt, tô điểm tình tiết vì vậy người đọc không nên tin hết mọi điều trong đó, mà chúng cũng không xẩy ra theo thứ tự kể trong bài. Kế nữa tuy chuyện bắt đầu viết khi bà sang Ấn năm 1879 nhưng trước đó bà đã qua Ấn nhiều lần, thế nên chuyện không phải chỉ gồm những việc xẩy ra từ năm 1879 mà còn chứa đựng nhiều điều bà đã gặp trong những lần du hành trước, về sau chuyện được cháu gái của bà là Vera Johnston dịch sang Anh văn với tựa đề From the Caves and Jungles of Hindostan. Tại Nga, loạt bài của HPB về đất Ấn gây chú ý sôi nổi, chuyện kéo dài trong vài năm trên báo. Ảnh hưởng của chuyện được thấy khi năm 1884 sang Âu châu ông Olcott gặp hai người Nga bị quyến rũ đi du lịch qua Ấn do đọc chuyện đăng báo. Họ cho hay chuyện lôi cuốn làm mê say mọi người ở Nga.

Cuối tháng giêng ông bà Coulomb từ Tích Lan sang tới Bombay, giữ lời hứa ông Olcott liên lạc với thân hữu tìm việc cho ông Coulomb nhưng việc không kéo dài lâu, rốt cuộc hai vị thuận cho ông bà Coulomb ở chung nhà, ông Coulomb biết nghề mộc, sửa máy nên lo chuyện quanh nhà còn bà Coulomb giữ phần việc quản gia.

HPB biết đến Phật giáo từ lúc nhỏ, khi theo ông ngoại tới ngụ trong vùng Astrakhan ở cửa sông Volga đổ vào biến Caspian, với dân chúng nơi đây thuộc người Kalmuck theo Phật giáo. Khi trưởng thành ta đã thấy bà sang Ấn sang Tây Tạng nên không xa lạ với Phật giáo. Từ khi sang Ấn, ông Olcott và bà dự tính sẽ viếng thăm các hoạt động của Phật giáo tại Tích Lan. Để có thể đi xa một thời gian dài, hai vị chuẩn bị trước nhiều số báo The Theosophist. Họ rời Ấn ngày 7-5 bằng tầu và đến Tích Lan ngày 17-5, đây là lần đầu tiên hai vị tới đây nhưng dân cư nơi này đã nghe tiếng ông và bà trước đó. Chuyến đi này có ý nghĩa quan trọng và lớn lao chẳng những cho Phật giáo tại nơi đây mà cho Phật giáo nói chung trên thế giới nên ta dành một chút thời gian để nói thêm về sự kiện này, dù nó chỉ là sự việc nhỏ trong đời bà Blavatsky.

Trong thời gian đó Tích Lan cũng như Ấn là thuộc địa của Anh, nhà cầm quyền tại Tích Lan cấm đoán ngặt nghèo sinh hoạt tôn giáo tại đây, tỏ ra kỳ thị Phật giáo như luật bắt buộc dân chúng phải thành hôn trong giáo đường Anh giáo.

Vào thập niên 1870 một trong những phản ứng của người Tích Lan là loạt tranh luận giữa đại diện Phật giáo và Anh giáo. Nhà sư Megethuvatte Gunananda có những buổi thuyết giảng nhằm phá bỏ ảnh hưởng của các nhà truyền giáo, đáp lại người theo Thiên Chúa giáo mở một cuộc họp đông đảo cho công chúng, nhất quyết triệt hạ ông. Họ thách thức ông đến tranh luận công khai với những học giả giỏi dang nhất của họ. Gunananda chỉ có một mình nhưng không chùn bước, ông đối diện với lực lượng kết hợp của Thiên Chúa giáo và với tài hùng biện, lý luận đanh thép hạ được đối thủ khiến họ phải ngượng ngùng chịu thua. Âm vang của cuộc tranh luận lịch sử này lan sang tận Hoa Kỳ và vài năm sau ông nhận được thư của một đại tá Mỹ và phụ nữ quí tộc người Nga tỏ ý hoan nghênh chiến thắng của ông, cùng cho hay việc thành lập hội Theosophia. Kèm theo thư là bộ Isis. Ông Gunananda từ đó liên lạc với hai vị thường xuyên và bắt đầu dịch một số đoạn trong Isis sang tiếng Tích Lan. Các bài dịch này được lưu hành trên khắp đảo và chẳng bao lâu dân chúng quen thuộc với tên Olcott và Blavatsky.

Trong chuyến viếng thăm này hai vị chịu lễ qui y tam bảo, thọ ngũ giới. HPB có thiện cảm với Phật giáo nhưng trọng tâm hoạt động của bà vẫn luôn luôn là MTTL. Bà viết:

- Quả đúng là tôi xem triết lý của đức Phật là hệ thống cao siêu nhất, tinh tuyền nhất và trên hết thẩy, hợp lý nhất so với tất cả. Nhưng hệ thống này đã bị biến dạng trong bao thế kỷ qua do tham vọng và lòng cuồng tín của hàng tăng sĩ và đã trở thành tôn giáo đại chúng... Tôi muốn uống nước tận nguồn hơn là nước của bất cứ dòng suối nào trong vô số dòng suối phát xuất từ đó... Đức Phật khi cải cách và phản đối lại những lạm dụng của hàng giáo sĩ Bà La Môn cố tình, đã hoàn toàn đặt căn bản trên ý nghĩa bí truyền của kinh sách tuyệt diệu có từ ban sơ.

Hai vị đi các nơi trong Tích Lan, lập một số chi bộ và đón nhận nhiều người gia nhập hội. Một trong những người này là nhà sư Anagarika Dharmapala, sau này là nhân vật tiếng tăm có đóng góp rất đáng kể trong việc truyền bá Phật giáo ở thế kỷ 20, lúc đó 16 tuổi, ông kể lại mối quen biết với bà:

- Vào tháng 12-1884 bà Blavatsky và ông Olcott lại viếng thăm Colombo trên đường tới Madras. Tôi thưa với ba tôi rằng muốn đến Madras làm việc với hai vị. Mới đâu ba tôi ưng thuận, nhưng tới ngày tôi lên đường, ba nghiêm trang bảo nằm mơ thấy điềm xấu và không thể cho tôi đi. Vị sư trưởng, những vị sư khác mà tôi quen biết từ lúc nhỏ, ông bà tôi, ai cũng chống đối. Tôi không biết phải tính sao, nhưng lòng tôi nhất định đi vì tôi nghĩ nó sẽ dẫn đến cuộc đời mới cho tôi. Bà Blavatsky đối mặt với các vị sư và cả gia đình tôi. Bà thật là phụ nữ tuyệt vời, đầy năng lực với ý chí dẹp tan hết mọi trở ngại... Thế nên gia đình tôi thuận lòng...

'Có lúc bà bảo tôi rằng vì tâm hồn và thân xác tôi trong sạch, tôi có thể tiếp xúc với các đạo sư ở Hi Mã Lạp Sơn. Thành ra năm 19 tuổi tôi quyết định dành trọn đời học khoa học huyền bí, nhưng tại Madras bà chống lại kế hoạch ấy. Bà dạy:

- Việc sáng suốt hơn là bạn hiến đời mình cho việc phụng sự nhân loại, và trước hết thẩy hãy học tiếng nam Phạn (Pali), ngôn ngữ thánh của đức Phật.

'Thuở đó chữ viết Pali ít được biết đến... Từ lúc ấy đến khi bà rời Madras, HPB chăm lo cho tôi, bà viết dặn dò tôi đi theo ánh sáng trong tâm. Tôi theo sát lời khuyên của bà và tôi rất vui được làm chứng về khả năng soi sáng tâm linh thật kỳ diệu của HPB...'

Đây chỉ là một trong những lời của người thời đó, cho thấy lòng ưu ái của HPB đối với người trẻ. Theo với chuyện ta sẽ biết được những người khác có kỷ niệm đáng nhớ về cách đối xứ của HPB với họ lúc nhỏ.

Về chuyến đi Tích Lan, xin mời bạn đọc một giai thoại lý thú của dịp này đăng trong báo PST 49 trang 39. Ngày 13-7, hai vị quay về Ấn. Một hôm bà kêu ông Olcott vào nhà của mình để giới thiệu với ông một khách của bà, đó là vị Chân sư Serapis người Ai Cập, vị đã gửi ông nhiều thư tại Hoa Kỳ. Ngài cho hai vị lời khuyên về cách điều hành hội và sau đó ông Olcott được yêu cầu rút lui khỏi phòng nên không thấy Chân sư rút lui bằng cách nào. Ông chỉ ghi là khi ông bước ra thì ngài ngồi cùng bà Blavatsky trong phòng. Trong tháng 8 hai vị nhận được thư của ông Sinnett mời lên chỗ nghỉ hè của ông tại Simla và hai vị rời Bombay lên đường ngày 27-8. Từ giai đoạn này hai nhân vật Sinnett và Hume đóng vai quan trọng trong một thời gian đầu của hội nên ta cần biết thêm một chút về họ.

Alan Octavian Hume

Ông Alan Octavian Hume được xem là cha đẻ của quốc hội Ấn. Tuy là người Anh nhưng ông đã cùng với bà Annie Besant hô hào, khuyến khích người Ấn và tranh đấu cho Ấn Độ được độc lập, nhưng đó là chuyện trong tương lai. Ông là viên chức cao cấp sở thuế của nhà cầm quyền Anh tại Ấn và cũng là thẩm phán tòa sơ thẩm, rất có khả năng và óc thông minh sâu sắc. Ngoài công việc hành chánh mà ông tỏ ra giỏi dang, ông Hume còn ưa thích ngành điểu học, nhiều giống chim mới được ông khám phá, phân loại và trưng bầy ở nhà trong tủ đặt quanh tường như trong viện bảo tàng. Dầu vậy sách ghi rằng khi gia nhập hội ông gửi điện tín cho những người chuyên bắt chim cho ông ở khắp nơi, bảo họ ngưng không bắn chim nữa vì một trong những chủ trương của MTTL là không lấy đi sự sống...' Từ đó ông cũng ăn chay trường.

Là người có lý trí mạnh mẽ, đầu óc khoa học, do chứng kiến nhiều hiện tượng mà bà Blavatsky hay vị khác làm trước mặt ông và nhiều nhân chứng, ông tin vào sự hiện hữu của Chân sư và cõi vô hình. Khi được hỏi về sự hiện hữu của các Chân sư và các ngài làm được điều gì tốt lành, ông viết:

- Nay tôi biết là các vị Huynh Trưởng hiện hữu trong đời, nhưng các chứng cớ mà tôi có được thì hoàn toàn chủ quan và do đó chỉ hữu ích cho riêng tôi mà thôi, trừ phi bạn xem việc tôi ở đây, tại Simla, nhận thư của một trong các Ngài là thầy của tôi, thả rơi trên bàn mà chỉ có tôi một mình trong nhà còn bà Blavatsky, ông Olcott và tất cả những đệ tử khác v.v. cách xa đây hàng ngàn dặm.

Còn nói về việc các vị Huynh Trưởng làm điều gì tốt lành cho tôi hay người khác... nếu bạn xem việc thành lập hội Theosophia là một chuyện tốt thì ít nhất đó là một những điều tốt lành các Ngài đã làm cho ngưòi khác, và nếu bạn nghĩ nó tốt cho tôi vì khiến tôi bỏ được tất cả mọi ham muốn vật chất và chuyên chú hoàn toàn trọn con người mình vào việc tạo điều tốt đẹp cho người khác, thì tôi chắc ta có thể nói đây là điều tốt lành mà các vị Huynh Trưởng đã làm cho tôi.

Ông trở thành chi trưởng chi bộ của hội tại Simla, tuy trái ý với HPB một số điều nhưng sau này khi báo chí đăng bài vu khống HPB gọi bà là người hoang đàng vô lương tâm (an unscrupulous adventuress), ông viết một bức thư dài bênh vực bà trong đó có đoạn:

- Quí vị có thế gọi ai là người hoang đàng khi chẳng những họ không lấy tiền từ chủ trương họ theo đuổi mà ngược lại, còn dốc hết tiền riêng của mình chi ra cho nó không ? Nếu không thì chắc chắn đại tá Olcott và bà Blavatsky không phải là kẻ hoang đàng, vì tôi biết chắc chắn hai vị đã bỏ thêm vào số thu nhập của hội Theosophia hơn 2.000 đồng bảng Anh (thập niên 1880). Sổ sách hội được kiểm toán thường xuyên, in ra và công bố nên ai muốn đều có thể xem xét để chứng thực.

Hiện Tượng tại Simla.

Về ông Sinnett cũng có nhiều điều lý thú để ghi nhưng đây chưa phải lúc. Ông là một nhân vật giao du rộng rãi trong tầng lớp cầm quyền của Anh tại Ấn nên qua ông, hai vị sáng lập tiếp xúc được với những người da trắng có thế lực. Những người này do óc hiếu kỳ có thể lạ lùng với việc một luật sư Mỹ và một phụ nữ quý tộc Nga lại theo Phật giáo và bênh vực Ấn giáo, cho rằng tôn giáo này có minh triết thâm sâu trong khi giới trung lưu Anh chỉ thấy đầy sự dốt nát, mê tín dị đoan. Sự tò mò khiến họ tìm hiểu về MTTL mà hội quảng bá, nhờ vậy tôn trọng người bản xứ cùng tôn giáo của họ hơn, tiến thêm một chút về tình huynh đệ đại đồng và bớt kỳ thị. Vào lúc này khi chính sách đa văn hóa được áp dụng ở nhiều nơi và sự kỳ thị về mầu da, chủng tộc, phái tính, tôn giáo đã bớt, chúng ta có thể coi đó là điều không quan trọng, nhưng vào thập niên 1880 tại Ấn đó là chuyện mới mẻ gây chú ý.

HPB có tính chẳng chịu khuất phục ai, lệ thường là ai mới đến một nơi thì đi thăm trước những người đã ở lâu nơi đó hay có thế lực để tự giới thiệu mình, nhưng HPB trong lần đến nhà ông bà Sinnett ở Allahabad năm 1879 và năm nay đến Simla không hề thăm viếng ai. Dầu vậy tiếng tăm của bà được nhiều người nghe nên khi biết tin bà ở nhà ông bà Sinnett, các nhân vật người Anh ở hai nơi trên nườm nượp tới thăm mà không phải ngược lại, một phần để mong được thấy phép lạ. Lần trước ở Simla bà chìu ý nhiều người tạo nên tiếng gõ trên bàn, trên cửa; lần này hai sự việc lạ lùng xẩy ra gây bàn tán sôi nổi và sau đó khi được ông Sinnett viết thành sách (The Occult World) phát hành ở Anh, đông người đọc làm tiếng vang lớn hơn và hội Theosophia cùng các Chân sư được biết tới nhiều hơn. Một số người nhờ đọc quyển này The Occult World mà đến với hội, hay biết tới minh triết đông phương. Sự việc diễn ra như sau.

Đến Simla, hai vị đi cáng do ông Sinnett gửi đến có nhiều người khiêng, lên nhà trên sườn đồi. Tánh HPB không nể nang ai mà hễ có chuyện gì bất bình thì không giữ trong lòng mà lộ ra trên nét mặt, lời ăn nói. Trận bão có thể ào ào thành giông tố tơi bời sấm sét thịnh nộ đáng sợ, nhưng ai đã chứng kiến hay là cái đích cho cơn thịnh nộ nói rằng khi bão qua rồi thì bà quên hoàn toàn, trở lại là nhân vật quí phái cư xử nhã nhặn, bặt thiệp như cũ. Bởi bà giao tiếp nhiều với người Anh, sắc dân nổi tiếng về sự kềm chế cảm xúc như câu nói 'phớt tỉnh Ăng lê', vui buồn có trào dâng hay sâu đậm thế mấy cũng giữ vẻ thản nhiên ngoài mặt, do đó họ đối nghịch với HPB. Một số người còn cảm thấy không thoải mái với cách nói chuyện hay cư xử bộc trực của bà, còn ông Sinnett thì tuy quí chuộng HPB và vui lòng được bà nhận lời đến chơi, nhưng hồi hộp lúc tiếp khách vì không biết họ sẽ phản ứng ra sao khi giông tố bất thình lình xẩy ra. Ông phê bình với ông Olcott là khi lớn tiếng thì HPB không phải là quảng cáo tốt đẹp cho triết lý mà bà khuyến dụ mọi người.

Dầu vậy, ông mời được nhiều viên chức chính quyền đến gặp hai vị, trong đó có thiếu tá Henderson, người đã ra lệnh cho theo dõi hai vị. Ngày 29-9 bà Blavatsky và ông Olcott cùng bà Sinnett đi dạo chơi trên đồi, HPB hỏi bà Sinnett ao ước điều gì nhất, bà Sinnett bảo muốn nhận được thư của các Chân sư. HPB xé một mảnh giấy mầu hồng, lấy tay vạch vài dấu hiệu vô hình trên đó, xếp giấy thành hình tam giác và đi ra xa chừng 20 m. Tới sườn đồi và hướng về phía tây, bà làm vài dấu hiệu rồi tung giấy lên không. Khi đó bà Sinnett bảo muốn thư trả lời rơi trong lòng mình, nhưng HPB đáp nó không xuống đó mà sẽ ở trên cây. Bà đi lại một cây nhưng không thấy gì ở đó. Cả ba người đi tới chỗ khác xa hơn nữa, chỗ trước đó họ chưa tới, mới đầu họ cũng không thấy gì ở đó nhưng rồi bà Sinnett trèo lên cây chừng một thước và nhìn quanh quất cành lá. Bà không thấy gì cả nhưng khi quay đầu lại mà không cử động gì khác, bà lập tức thấy ngay trước mặt ở chỗ mà mới đây không thấy có gì, một tờ giấy mầu hồng xếp lại hình tam giác giống như tờ được thẩy trong không, có cành lá ghim xuyên qua. Khi bà gỡ ra và đem xuống đọc thì giấy ghi hàng chữ:

- Tôi được dặn để thư ở đây cho bạn. Nay tôi có thể làm gì cho bạn đây ?

Cả ông Olcott và ông Sinnett không coi hiện tượng này là chứng cớ để trưng ra cho ai hoài nghi, vì thư không hiện ra ở chỗ mà bà Sinnett muốn, hay họ có thể nói đó không phải là mảnh giấy được thấy tung lên không, hay nó là mảnh giấy khác có hình dáng tương tự được HPB đặt sẵn ở đó trước. Mặc dầu vậy ông Sinnett thuật theo lời bà Sinnett là khúc cây nhỏ đâm xuyên qua thư vẫn còn xanh, tươi và ẩm ướt như thể chỉ mới được bẻ ra để ghim thư, nó chưa bắt đầu khô và héo lại trong trường hợp được bẻ lâu từ trước.

Bây giờ ông Sinnett nẩy ra ý viết thư cho các vị Huynh Trưởng nếu bà Blavatsky chịu chuyển giùm ông. Ông Hume cũng viết thư cho bà yêu cầu cùng việc ấy. Bà đáp nó nằm ngoài khả năng của bà nếu không được giúp đỡ và nó tùy thuộc bà có được trợ lực hay không. Mọi người quanh đó nghe một tiếng như tiếng chuông nhỏ ngân lên gần đầu bà, và HPB nói rằng đó là dấu hiệu cho biết làm được, ông có thể xúc tiến. Về sau bà nói thêm là khó mà tìm được Vị nào chịu liên lạc thư từ với ông Sinnett và ông Hume. Trước tiên bà hỏi thầy của mình là đức M thì ngài từ chối thẳng (ngài cung một!) không muốn bận bịu tới việc ấy, liên lạc với những Vị khác cũng bị từ chối. Cuối cùng đức K.H. tự ý nhận làm (ngài cung hai!).

Hiện tượng nổi tiếng hơn cả diễn ra vào ngày 3-10, 1880. Ai nấy dậy sớm để đi chơi ngoài trời. Người giúp việc cho ông bà Sinnett xếp sáu bộ bát đĩa cho sáu người: ông bà Sinnett, hai vị, thiếu tá Henderson và một người khách nữa. Mọi người sẵn sàng lên đường, các ông đi ngựa còn các bà đi cáng, thì có khách cỡi ngựa đến và được mời nhập bọn đi chơi luôn. Tuy mọi người biết nơi sẽ đến nhưng có một số đường khác nhau dẫn tới chỗ đó, và đường mà họ đi thì không định trước. Sau vài giờ họ tới một khoảng cỏ bằng phẳng hơi dốc, có cây lớn cho bóng mát. Họ dừng lại và gia nhân trải khăn, đốt lửa nấu nước làm trà và cà phê, khi đó có khám phá là chỉ có 6 bộ tách và đĩa cho 7 người, ông Olcott nghe bà Sinnett khiển trách gia nhân là đã không lấy thêm một bộ bát đĩa khi thấy số người tăng lên thành bẩy, rồi bà quay lại phía mọi người, nói rằng đành phải có hai người dùng chung một tách, ông Olcott đề nghị một người uống bằng đĩa, và có ai đó đề nghị đây là cơ hội cho bà Blavatsky dùng huyền thuật tức hiểu biết bí truyền tạo thêm một tách và đĩa.

Ông Sinnett ghi:

– HPB trả lời rằng làm vậy rất khó nhưng nếu chúng tôi muốn thì bà sẽ thử, lập tức ai nấy chú ý ngay. Bà đi ra xa một chút chỗ chúng tôi đang ngồi, trong vòng bán kính khoảng 12 thước với tâm là chiếc thảm trải để ăn picnic. Tôi dõi mắt theo bà rất sát, muốn biết rồi sự thể diễn tiến ra sao. Bà đánh dấu một chỗ trên mặt đất và gọi một ông trong nhóm mang con dao tới để đào. Nơi được chọn nằm ở bìa bờ dốc nhỏ, cỏ mọc phủ đầy xen lẫn với bụi cây nhỏ. Thiếu tá Philip Henderson mang dao tới, đầu tiên ông phạt đám cỏ với chút khó khăn vì rễ cứng và mọc đan lẫn vào nhau rối nùi. Ông dùng dao chặt đám rễ và xới đất, lấy tay bới chúng sang bên để cuối cùng, đụng vào cạnh của một vật trắng mà khi đào ra hết thì đấy là tách trà muốn có.

Đào thêm một chút thì tới chiếc đĩa đi kèm với tách. Cả hai vật nằm trong đám rễ lan ra khắp nơi trong đất, làm như rễ mọc quanh hai món; tách và đĩa có mẫu y hệt như bộ tách từ nhà mang đi tới chỗ picnic, và khi chúng tôi trở về nhà thì chúng thành bộ đĩa tách thứ bẩy dùng cho buổi điểm tâm. Buổi chiều khi quay về, vợ tôi là người vào nhà trước tiên và hỏi ngay ông bếp là nhà có bao nhiêu tách đĩa đặc biệt thuộc loại ấy. Bộ tách này đã cũ và trải qua nhiều năm nên có mấy chiếc bị vỡ, nhưng ông bếp đáp ngay là tất cả còn lại chín tách. Khi lấy ra đếm lại thì quả đúng vậy, chưa kể đến chiếc tách đào lên. Vậy là có mười chiếc tất cả, còn nói về mẫu trên tách thì nó có chút đặc biệt, chúng tôi mua nhiều năm về trước ở London nên chắc chắn không thể nào có kiểu tương tự ở Simla.

Thiếu tá Henderson rất thú vị với chuyện này nên trong cuộc bàn luận sau đó, có người đề nghị là ông gia nhập Hội ngay khi ấy tại đây. Ông nhận lời tức khắc, nhưng cần phải có bằng hội viên. Liệu HPB có thể dùng khả năng để mang bằng tới đây chăng ? Bà cho chúng tôi hay là bằng sẽ được gửi tới và mô tả là sẽ có nhiều vòng dây quấn quanh tờ giấy, nằm trong đám dây leo. Nếu đi kiếm chúng tôi sẽ tìm thấy nó trong rừng quanh đây, nhưng bằng này là cho ông Henderson nên ông là người sẽ tìm ra vật. Chúng tôi túa ra đi kiếm khắp nơi, trong bụi cây trên mặt đất hoặc trên cây, bất cứ chỗ nào và ông Henderson tìm ra cuộn giấy gói lại y như lời mô tả. Tấm bằng ghi tên thiếu tá Philip D. Henderson là hội viên, có một lá thư viết bằng mẫu thư của Hội với tiêu đề, và với bút tự và chữ ký của ông Olcott làm ông sửng sốt kinh ngạc.

Một lúc sau chúng tôi dời chỗ xuống khoảng rừng thấp hơn, nơi có một nhà nghỉ là cái am Tây Tạng. Cả bọn giải trí bằng cách đi thăm trong ngoài cái am, HPB nhận xét là am thấm đẫm từ lực tốt lành, và rồi khi nằm dài trên cỏ ngoài am, có ai đó muốn uống thêm cà phê. Người giúp việc được kêu làm cà phê nhưng họ đã dùng hết nước. Nước suối ở Simla không dùng được để pha cà phê, mỗi khi đi picnic như thế này người ta phải luôn luôn mang theo nước lọc trong chai. Có vẻ như tất cả những chai nước mang theo trong giỏ đã hết sạch, vì người giúp việc lục giỏ ra để kiếm thì chỉ toàn là chai trống.

Chuyện duy nhất phải làm là tới nhà máy rượu cách đây khoảng 1.5 cây số để xin nước. Tôi viết vài hàng lên mảnh giấy cho người giúp việc cầm đi với mấy chai không. Thời gian trôi qua, họ quay lại mà không có nước làm chúng tôi bực bội, lý do là hôm ấy chủ nhật không có người Âu châu nào ở nhà máy rượu để đọc lời ghi trên giấy, mà người giúp việc không sáng dạ, thay vì tìm người hỏi xin nước lại cắp nách chai không đi về.

Mấy người trong bọn tản lần ra, không ai trông mong có phép lạ nữa nhưng khi ấy HPB đột nhiên ngồi dậy, đi lại giỏ cách đó hơn 15 thước, cầm lên một chai trong số những chai không mà người giúp việc mang về. Bà quay người đi lại phía chúng tôi, tay cầm chai nép trong lớp áo, khi bà cười to đưa chai ra thì nó đầy nước. Tôi nếm nước trong chai thấy nó không có vị như nước lọc chúng tôi dùng, mà có vị khác, không giống như nước thủy cục ở Simla, và cũng không giống nước đục có mùi khó chịu trong giòng suối duy nhất chẩy qua vùng rừng này.

Ông Sinnett là ký giả có óc tìm tòi nên phân tích sự việc như sau:

– Nếu cho rằng bộ tách đĩa không do phương tiện huyền bí mà ra thì phải có người chôn chúng trước trong đất. Tôi đã tả cho thấy đặc tính của đất chỗ đào ra hai vật, thấy chắc là nhiều năm nay cây cỏ nơi đây không bị đào xới. Nếu cho rằng có đường hầm đã đào nhằm dấu vật thì thuyết này khó lòng đứng vững, vì đường hầm như thế phải lớn và sẽ để lại dấu vết. Kế nữa không ai biết trước là có đề nghị tạo ra bộ tách đĩa, nó có là do sự thể ngay tại chỗ vào lúc đó; nếu không có thêm người nhập bọn với chúng tôi vào phút chót thì số tách đĩa mang theo sẽ đủ, và không ai bận tâm đến việc này. Thêm vào đó người giúp việc là tác nhân chọn tách đĩa mang theo mà không người khách nào biết, họ có thể chọn bất cứ loại nào.

Nói thêm về văn bằng hội viên, để giải thích hiện tượng ta ghi lời thuật của ông Olcott:

Khi bà Blavasky và tôi viếng thăm tiểu bang Baroda vào năm 1882, hai hội viên là chánh án Gadgil và ông Kirtane hỏi HPB cách in chữ vào giấy như thế. Bà giải thích là do việc hình ảnh của mọi vật và mọi sự việc được lưu trữ trong cõi tình cảm, bà không cần phải thấy người nào hay biết cách viết, hình ảnh mà bà muốn in; bà chỉ cần biết manh mối là có thể tìm, quan sát chúng và rồi khiến chúng thành hình. Hai người năn nỉ xin bà làm thí dụ cho thấy, cuối cùng bà xiêu lòng và bảo:

– Vậy thì, cho tôi tên của ai không có thiện cảm chút nào với Hội TTH, ai mà cả ông Olcott và tôi không hề quen biết.

Ngay lập tức hai người nói tên ông X, Công sứ người Anh, rất là không ưa Hội và hễ có dịp là nói xấu hai chúng tôi. HPB lấy một tờ giấy trên bàn, kêu hai ông làm dấu. Khi cầm lại tờ giấy bà nói:

– Bây giờ xin hai ông chỉ hướng nhà của ông X.

Họ cho bà hay, HPB trải giấy ra lòng hai bàn tay nằm ngửa, yên lặng một chút rồi đưa tờ giấy cho hai người, còn bà thì đi ra chỗ khác, ngồi xuống. Hai ông reo lên kinh ngạc khi thấy tờ giấy trắng ban đầu nay là bức thư gửi cho ông Olcott, với bút tự và chữ ký là của ông X. Chữ viết rất đặc biệt, nét nhỏ, còn chữ ký thì giống cuộn dây rối nhỏ hơn là tên người. Tôi nghĩ hai ông Gadgil và Kirtane hẳn phải phá ra cười khi đọc bức thư. Thư viết 'Đại tá Olcott quý mến,' xin tôi thứ lỗi cho những lời dèm xiểm ông đã nói về hai chúng tôi, muốn tôi ghi tên ông vào danh sách người mua 'tờ tạp chí The Theosophist nổi tiếng khắp thế giới' và ghi là ông muốn thành hội viên của Hội TTH. Cuối thư là câu 'Thành thật kính chào' với tên của ông. HPB không hề thấy giòng chữ viết tay nào hay chữ ký của ông X, chưa hề gặp ông trong đời, vậy mà thư được in vào tờ giấy nằm giữa hai bàn tay của bà, khi bà đứng ở giữa phòng trời ban ngày sáng trưng, có ba nhân chứng quan sát.

Trở lại chuyến đi Simla năm 1880, ông Olcott có cơ hội nói chuyện cởi mở với chính phủ thuộc địa của Anh, yêu cầu họ rút lại các nhân viên mật vụ luôn theo sát chân hai người. Chẳng những chánh phủ chịu làm vậy mà còn lợi dụng sự có mặt của HPB, kêu bà dịch giùm một số văn kiện và thư từ tiếng Nga sang tiếng Anh.

Thời gian ở Simla kỳ này của HPB là những buổi liên tục thăm viếng, picnic, và nói chung là được lắm người quý chuộng. Điều hấp dẫn họ dĩ nhiên là hy vọng được chứng kiến việc bà sử dụng quyền năng huyền bí, và không có mấy ai mà không được thỏa mãn. Vào chiều tối cùng ngày xẩy ra việc hóa tách và đĩa trong buổi picnic, ông bà Sinnett và hai vị theo lời mời trước đó của ông bà Hume, đến nhà của hai người sau để ăn tối cùng một số khách khác. Họ ngồi ở bàn tròn, đa số khách đã chứng kiến nhiều hiện tượng huyền bí với sự hiện diện của HPB nên câu chuyện ở bàn ăn hướng về điều ấy, và rồi bà Blavatsky hỏi bà Hume có muốn ước điều chi đặc biệt. Mới đầu bà Hume ngần ngừ, sau một chút bà nói là đặc biệt muốn nhận một vật là món nữ trang nhỏ đã có hồi trước, nhưng cho con gái từ lâu và cô đã làm mất.

Khi ấy HPB bảo nếu bà Hume tượng hình trong trí thật rõ ràng vật ấy, bà sẽ tìm cách đem nó tới đây. Bà Hume đáp mình nhớ như in món nữ trang, và tả nó là chiếc kim cài áo (brooch) kiểu xưa hình tròn cẩn ngọc trai; và vẽ hình khi được yêu cầu. Lúc đó bà Blavatsky lấy một đồng tiền treo ở dây chuỗi đồng hồ của mình, gói nó trong hai miếng giấy quấn thuốc lá và bỏ vào áo mình, đồng thời nói rằng bà hy vọng sẽ có được chiếc kim cài áo tối nay.

Xong bữa ăn, HPB cho bà Hume hay là tờ giấy gói đồng tiền đã biến mất. Một lúc sau ở phòng khách bà nói vật sẽ không được mang vào phòng mà phải ra ngoài vườn tìm; khách đi theo bà túa ra vườn và HPB bảo bà nhìn bằng thông nhãn thấy chiếc kim cài áo rơi vào khoảng hoa trồng theo luống có hình ngôi sao. Ông Hume dẫn cả bọn ra chỗ ấy ở phía ngoài xa khu vườn. Người ta tìm lâu, soi đèn kỹ lưỡng và cuối cùng bà Sinnett thấy một gói giấy nhỏ là hai miếng quyến quấn thuốc nằm trong đám lá. Họ mở ngay tại chỗ và thấy món nữ trang y như bà Hume đã mô tả trước đây, và bà xác nhận đó là vật bà đã mất

Không ai trong số khách đến ăn tối trước đây đã thấy hay nghe nói về vật, trừ ông bà Hume; về phần hai người thì ông Hume từ nhiều năm nay không hề nghĩ đến nó, bà Hume thì chưa cho ai hay từ khi mất món nữ trang, cũng như từ lâu bà không nhớ tới vật. Sau khi tìm thấy, bà mới nói rằng chỉ khi HPB hỏi bà có muốn điều gì chăng thì trí mới bật nhớ món nữ trang là quà tặng của mẹ bà. Tưởng nên nói thêm là con gái bà Hume cho hay cách đó một năm, trên đường về Anh cô có dừng lại ở Bombay là nơi HPB lúc đó đang cư ngụ, nhưng khi ấy cô đã mất chiếc kim cài áo từ lâu và cũng không hề gặp HPB. Dầu vậy, khi câu chuyện được tiết lộ thì nhiều lời chỉ trích ngu dốt tuôn đến chín thực khách hiện diện, nói rằng đấy chẳng qua là sự khéo léo tráo tay.

Ngày 13 tháng mười, ông P.J.Maitland, một trong chín thực khách của bữa ăn tối tại nhà ông Hume ở trên, kể chuyện sau.

– Tôi ngồi nói chuyện một mình với hai vị tại phòng khách nhà ông Sinnett ở Simla. Sau khi bàn về nhiều chuyện, bà Blavatsky nói rằng bà muốn làm thử một thí nghiệm theo cách mà ông Sinnett đã đề nghị. Bà lấy hai miếng giấy quyến để vấn thuốc lá trong túi ra, dùng viết chì gạch nhiều lằn song song làm dấu trên mỗi miếng, rồi xé một mảnh ở đầu mỗi miếng giấy đưa cho tôi. Lúc đó bà ngồi gần tôi còn tôi thì chăm chú theo dõi cách bà làm, mắt tôi không cách tay bà hơn 60 cm. Bà không chịu cho tôi làm dấu trên giấy hay xé nó, bảo rằng người khác mà làm thì giấy có nhiễm từ lực của họ và chỏi lại với từ lực của bà.

Dầu vậy, hai mảnh giấy xé ra được đưa thẳng cho tôi, và tôi không thấy có cách chi để tráo với những mẫu giấy khác. Đó là điểm then chốt để bảo đảm là hiện tượng ngay thật hay không; hai mảnh xé ra nằm trong lòng bàn tay trái tôi, nắm chặt lại trong suốt cuộc thí nghiệm cho tới khi xong. Nói về hai miếng lớn hơn, bà Blavatsky quấn thành hai điếu thuốc, đưa điếu thứ nhất cho tôi cầm trong lúc bà quấn điếu thứ hai. Tôi xem xét điếu thuốc trong tay rất kỹ để có thể nhận ra nó sau này.

Quấn thuốc xong, HPB đứng dậy cầm hai điếu thuốc trong tay và xoa tay với nhau. Tiếng giấy cọ sát mới đầu nghe rất rõ, nhưng sau chừng 20, 30 giây thì ngưng hẳn và bà nói:

– Dòng từ lực đi vòng qua cuối phòng, tôi chỉ có thể gửi điếu thuốc ở gần đây thôi.

Lý thuyết là dòng từ lực có thể tạo ra để chuyên chở vật được phân tán trước đó theo lực đến bất cứ chỗ nào, bất kể có vật chất nhiều ít ngăn trở ra sao. Một lát sau bà cho hay một điếu rơi trên đàn dương cầm, điếu kia rới gần cái giá. Tôi ngồi trên ghế trường kỷ lưng dựa vào tường, cây đàn nằm đối diện và cái giá có đặt vài món đồ sứ đứng ở bên phải, giữa cây đàn và khung cửa. Ta nhìn thấy cả hai rất rõ ngang qua căn phòng hơi hẹp. Mặt đàn có chất đống những tập nhạc và bà Blavatsky nghĩ là điếu thuốc rơi trong ấy.

Tôi lấy ra từng tập nhạc một để qua bên mà không thấy gì, bèn mở nắp cây đàn và thấy điếu thuốc lá nằm trên miếng gie nhỏ bên trong. Tôi lấy điếu này ra và nhận biết nó là điếu tôi đã giữ trong tay. Điếu thuốc kia được tìm thấy trong cái tách đậy kín trên giá. Cả hai điếu vẫn còn ẩm ở mép khi được thấm ướt để vấn thuốc. Tôi đem chúng ra bàn mà không cho bà Blavatsky hay ông Olcott thấy và do đó không sờ vào được; khi banh ra phẳng phiu, đường xé lồi lõm thấy ăn khít với hai mảnh giấy mà tôi luôn luôn giữ trong tay, những nét bút chì làm dấu cũng ráp y hệt. Như vậy có vẻ hai miếng giấy gói thuốc đúng là hai miếng mà tôi đã thấy xé ra. Tôi vẫn còn giữ chúng, nói thêm thì đại tá Olcott ngồi gần tôi trong lúc làm thí nghiệm, lưng ông quay về bà Blavatsky và ông ngồi yên không xê dịch cho tới khi xong.

Ngày 29 tháng mười 1880, ta có một hiện tượng khác. Đêm hôm trước, ông Sinnett tin là chân sư KH đã đến nói chuyện cùng mình. Sáng hôm sau, ông nhận được một thư của ngài trên bàn ở phòng ngoài, hứa là sẽ cho ông một vật trên đồi – lúc cả nhóm đi ăn trưa – như là bằng cớ cho sự hiện diện của ngài gần ông đêm qua. Nhóm gồm năm người, ông bà Sinnett, hai vị, bà Alice Gordon, lên một đỉnh đồi gần đó. Nay theo lời thuật của ông Sinnett:

– Trong bữa ăn, HPB cho hay đức KH hỏi chúng tôi muốn có vật mà ngài sẽ gửi cho tôi đặt ở đâu. Từ đầu tới phút này không hề có nói gì về hiện tượng mà tôi đang đợi, mà chỉ là trong lúc đang nói chuyện khác thì HPB đưa ra câu hỏi trên, và không đóng góp lời nào vào chuyện.

Thực vậy, không có chút bàn luận gì và hoàn toàn ngẫu nhiên mà tôi có chọn lựa sau. Ngẫm nghĩ một lát tôi nói:

– Trong cái gối kia, chỉ tay vào một cái gối mà một bà đang ngồi đó dựa vào. Tôi vừa nói xong thì nhà tôi kêu lên.

– Ồ không, trong gối của em này.

Tôi nói.

– Được lắm, xin cho trong gối của nhà tôi.

Điều này được ưng thuận và như thế, nó cho thấy tôi được tự do chọn lựa mà không có điều kiện nào đặt ra. Tôi muốn có trong cái gối vì phút ấy chợt để mắt tới nó, và rồi vợ tôi thêm ý, đổi lại yêu cầu của tôi và làm sự việc hay hơn, vì gối được chọn không hề rời khỏi nhà tôi từ sáng đến giờ. Đó là gối dựa thường ngày trong cáng, bà luôn luôn dựa vào nó trên đường về hay ra khỏi nhà, khi cáng được khiêng lên tận đỉnh đồi. Về cái gối thì nó bằng nhung nén chặt cứng, có trong nhà bao nhiêu năm nay. Hễ ở nhà thì gối đặt ở phòng khách nằm sờ sờ trong góc chiếc trường kỷ, khi nhà tôi đi ra ngoài thì nó được mang vào cáng, và khi trở về sẽ lại theo chân nhà tôi.

Khi đã thỏa thuận về cái gối, nhà tôi được kêu đặt nó bên dưới tấm thảm của bà. Bà tự tay mình làm vậy, bên trong chiếc cáng. Nó nằm trong đó chừng một phút xong bà Blavatsky cho hay chúng tôi có thể tháo gối ra. Tôi lấy con dao bỏ túi rọc đường may áo gối, việc này phải mất thì giờ một chút vì đường may quanh gối được may rất kỹ, rất chắc, phải tháo từng mũi một, không xé được. Lúc một bên của áo gối đã gỡ xong, chúng tôi thấy lông dồn gối nằm trong một túi riêng cũng may kín bốn bề. Giữa túi này và áo gối không thấy có gì cả, thành ra chúng tôi lại tháo túi gối và khi làm xong, nhà tôi lục trong đám lông chim dồn gối.

Vật đầu tiên bà tìm ra là mẫu giấy ba góc, đề tên tôi với nét chữ nay đã quen thuộc của Vị trao đổi với tôi. Thư như sau:

Bạn thân mến,

Chiếc kim cài áo thứ hai này được đặt trong chỗ rất lạ lùng chỉ để cho bạn thấy tạo ra hiện tượng thực là việc rất dễ làm, và nghi ngờ nó lại càng dễ hơn nữa.

Tôi sẽ tìm cách giải quyết điều khó khăn bạn nói tối qua về cách trao đổi thư từ của chúng ta. Bạn sẽ nhận được một địa chỉ mà bạn có thể dùng luôn, tức là trừ phi bạn thật tình muốn liên lạc qua gối.

Koot Hoomi Lal Sing.

Trong lúc tôi đọc thư này, nhà tôi lục thêm trong đám lông và thấy chiếc kim cài áo của bà nói trong thư. Kim này rất quen và rất xưa mà nhà tôi thường để trên bàn phấn khi không dùng. Người ta có thể cho rằng không chừng bà Blavatsky đã mó tay vào gối, nhưng tôi chỉ nhắc đến chuyện tối qua vào lúc ăn sáng hôm nay, và từ lúc thức dậy HPB không hề rời khỏi mắt chúng tôi, ngồi nói chuyện với nhà tôi ở phòng khách. Bà phải làm vậy ngược với ý của mình vì bà muốn ở trong phòng viết bài, nhưng được chân sư dặn đi ra ngồi ở phòng khách với nhà tôi buổi sáng. HPB vâng theo lời mà lầu bầu vì công việc bị gián đoạn, và không biết tại sao phải làm thế. Về sau thì lý do thật rõ ràng, có liên quan đến hiện tượng, là phải sao cho chúng tôi không có chút nghi ngờ nào là bà đã làm gì trong buổi sáng, để xác định rằng hiện tượng quả chân thật.

Lẽ tự nhiên nếu biết trước là sẽ chọn cái gối thì không cần phải phiền tới 'Lão Phu Nhân' là tiếng chúng tôi gọi HPB. Việc nhà tôi có gối cạnh mình suốt buổi sáng là đủ, nhưng tôi được cho tự do chọn lựa chỗ để đặt chiếc kim cài áo, và không ai kể cả tôi nghĩ ra trước tới cái gối.

Hiện tượng chót ta ghi ra đây do bà Alice Gordon cho biết.

– Một buổi sáng mùa hè 1880, tôi tới thăm HPB tại nhà của ông bà Sinnett mà không có hẹn trước, gặp bà một mình trong phòng. Câu chuyện quay sang các hiện tượng và tôi hỏi bà có thể gửi gì cho chồng tôi hay tôi bây giờ, sau khi tôi về nhà. Bà đáp là không thể làm được, vì phải biết nơi chốn để hướng tư tưởng đến đó, nhưng thêm rằng vì tôi không hề làm phiền bà để được thấy hiện tượng, bà muốn làm một chuyện cho tôi. Đột nhiên bà nhớ là hồi sáng có đi nha sĩ nên đề nghị là sẽ gửi một điếu thuốc tới đó, nếu tôi đi thẳng lại chỗ này và lấy vật; tôi gật đầu ưng thuận.

HPB lấy ra miếng giấy quyến giữa ban ngày sáng rõ, tôi đứng thật gần quan sát. Bà xé một góc đưa cho tôi, bảo giữ kỹ và tôi nghe theo, cất ngay mảnh giấy vào túi nhỏ. Bà quấn điếu thuốc với miếng giấy kia và sắp sửa lấy hai tay vò điếu thuốc thì nẩy ra ý làm một thí nghiệm mới. Bà nói:

– Thử coi, nếu không được thì cũng chẳng sao vì hiện tượng này là cho bà.

Thế thì bà cho điếu thuốc vào lửa. Vài giây sau HPB bảo xong rồi, cho tôi hay tìm nó ở đâu. Lập tức tôi đi về nhà và làm bạn bè kinh ngạc khi bảo họ tìm điếu thuốc dưới khăn bàn trong một căn phòng, và y như rằng chúng tôi kiếm ra điếu thuốc. Lúc mở giấy vấn thuốc và so sánh nó với mảnh giấy tôi mang theo người, chúng ăn khớp hoàn toàn với nhau. Dĩ nhiên nghe thì có vẻ như trò ảo thuật, nhưng tôi tin chắc là đã chứng kiến thấy mảnh giấy mà tôi giữ, được xé từ chính miếng giấy quyến vấn điếu thuốc.

Bà Alice Gordon thuật tiếp.

– Hẳn bạn đã đọc về tiếng chuông reo ở cõi thanh. Tôi nghe được nhiều lần hiện tượng này khi có mặt bà Blavatsky, trong nhà cũng như ngoài trời. Âm thanh gần giống tiếng chuông nhất là tiếng phát ra khi gõ nhẹ vào ly rượu thủy tinh mỏng, cho ra tiếng nhạc trong. Đôi khi có nhiều tiếng nối nhau tạo thành âm điệu. Tôi nhớ có lần một ông đi vào phòng kế bên phòng HPB đang ngồi, ở đó ông cũng nghe được tiếng chuông reo. Vào thời điểm đó gần như ngày nào cũng có hiện tượng xẩy ra, và chúng tôi hầu như luôn luôn chờ đợi là có gì đó sẽ tới.

Một hôm đột nhiên tôi nẩy ra ý là nên viết cho đức KH, làm như chúng tôi biết chân sư rất rõ vì có nhiều thư từ qua lại với ngài. Thế thì tôi viết thư, cầm nó thẳng vào phòng bà và hỏi liệu ngài có thể lấy thư ? Tôi thú thật là không mong ngài làm vậy. HPB đáp là bà không biết. Tôi mới cho bà xem phong bì có chứa bức thư của tôi đã viết, và bà bảo tôi đặt nó dưới tấm khăn trải bàn ở chỗ bà hằng ngồi viết, để xem coi thư có được lấy đi. Tôi làm như lời.

Trong phòng không có ai ngoài hai chúng tôi, rồi bà đề nghị là tôi không nên rời mắt khỏi bà, và tôi theo sát y vậy. Chúng tôi đi ăn trưa, khi quay trở lại bà kêu tôi nhìn bên dưới tấm khăn. Bức thư của tôi đã biến mất. Tôi được thư trả lời của đức KH nhưng do bà trao lại. Tôi tin là thư được mang đi một cách huyền bí tuy với người ngoài cuộc thì chứng cớ không rõ ràng cho lắm.

Trong số 57 ta có thuật HPB tạo hiện tượng trên chiếc khăn tay cho anh Ross Scott năm 1879, một chuyện tương tự cũng diễn ra năm sau. Vào tháng năm 1880, từ Bombay hai vị đi tầu SS Ellora sang Colombo, Tích Lan. Theo lời thuật của một nhân chứng, chuyện vui trong chuyến đi này là ông thủy thủ trưởng bị chọc cho khổ sở vì HPB. Ông người Scotch (Tô Cách Lan), to lớn vạm vỡ, mà cũng vụng về, râu tóc đỏ hoe, không ưa bất cứ điều gì khác với đạo Tin Lành của ông.

Ngay từ phút đầu tiên sau khi rời cảng Bombay, ông đã tranh cãi với HPB để rồi cuối cùng tuyên bố rõ ràng bà là con của Cha Nói Dối, và thêm rằng vì tầu chở người hư hỏng như thế, ông cầu trời cho tầu tới bến bình an. Về phần ông, ông nghi không được vậy nhưng cầu thì vẫn hay hơn. Nghe ông thủy thủ bộc trực nói thế chỉ làm HPB phá ra cười lớn. Cuối cùng, một tối khi hành khách ngồi uống cà phê sau bữa cơm chiều, bà nói với ông rằng đã chán tính cứng đầu cứng cổ của ông, không chịu tin là bà có quyền năng dùng những luật thiên nhiên giúp bà làm điều mà ông gọi là trò ảo thuật, và bà sẽ dạy cho ông ngay ở đây trong lúc này phải ăn nói giữ gìn hơn.

– Tốt lắm, thưa bà, bà cứ làm đi, nếu được. Tôi xin đợi đây. Ông trả lời với vẻ chê bai.

– Ông có khăn tay trong túi không ? bà hỏi.

Viên thủy thủ cởi nút áo khoác và đưa cho bà chiếc khăn tay bằng vải trơn, có đường viền nhỏ mầu xanh dương.

Bà Blavatsky thảy khăn lên bàn trước mặt mình, gạt đĩa thức ăn, ly cà phê, ly nước qua bên, rồi kéo ghế thật sát vào bàn. Nhân chứng ngồi ngay cạnh bà, theo dõi hết sức thích thú; những người khác cũng vậy, còn ông thủy thủ trưởng ngồi ở cuối bàn cách chỉ hơn một thước, nhìn với vẻ khinh mạn hiện rõ trên nét mặt dãi dầu.

Sau khi gạt hết mọi vật qua bên không còn gì trước mặt, bà chống hai cùi chỏ lên cạnh bạn, nhặt chiếc khăn lên cuộn tròn lại thật nhỏ. Xong bà bóp nó trong hai nắm tay mạnh đến nỗi mặt đỏ bừng lên tới nỗi gần như tím lại. Mồ hôi đắt đầu lấm tấm trên trán và chẩy xuống mặt và cổ, nhưng bà vẫn tiếp tục bóp chặt rồi chặt hơn nữa, đôi mắt nhắm nghiền; chúng tôi nhìn bà thấy nét mặt lộ vẻ đau đớn, mầu sắc trên khuôn mặt dần dần biến đi cho tới lúc bà nhợt nhạt như xác chết.

Tôi đoán trọn sự việc diễn ra trong vòng hai phút, không hơn, và rồi bà mở tay, miệng há to như thể cổ họng bị khát khô cháy. Đại tá Olcott ra hiệu cho chúng tôi yên lặng và trong một chập bà mở mắt ra, gương mặt có sắc trở lại. Bà cố gắng lên tiếng nhưng chỉ nói thì thào:

– Đưa nó cho ông ta.

Cùng lúc ấy chỉ vào chiếc khăn tay. Nó được đưa cho ông thủy thủ người Tô Cách Lan, ông có vẻ lo ngại khi mở khăn nhưng vô cùng kinh ngạc khi thấy tên của mình được thêu tuyệt xảo ngay ở giữa khăn. Chữ thêu bằng lụa trắng, nằm trong vòng tròn mầu xanh dương nhạt cùng mầu với đường viền khăn; đường kính vòng tròn là khoảng năm phân.

Viên thủy thủ trưởng nhìn chăm chú vào chữ thêu trong một chốc, rồi ngẩng lên nhìn vào gương mặt nhạt sắc nhưng đắc thắng của HPB, bà cũng đang hướng vào ông với đôi mắt sáng ngời. Ông chửi thề thật to rồi bỏ đi về phòng ở mũi tầu. Trong suốt thời gian còn lại của chuyến đi ông không hề đến gần bà, nói chuyện với bà, hay không ngồi vào cùng bàn khi HPB đã ngồi đó rồi, và điều duy nhất mà ông nói về chuyện này là nhắc lại hy vọng rằng nhờ Trời tầu sẽ an toàn đến Tích Lan.

Cũng trên tầu này, ông Olcott thuật một chuyện khác liên quan đến khả năng lạ lùng của HPB.

– Vị thuyền trưởng già của tầu là người mập mạp, vui tánh, không tin tưởng gì vào chuyện tinh thần lẫn vật chất. Ông hay nói đùa với HPB về quan điểm của chúng tôi một cách ngây ngô thật đáng tội, nên chúng tôi chỉ biết cười mà thôi. Một hôm bà ngồi chơi bài một mình là thú tiêu khiển ưa thích của bà, vị thuyền trưởng ghé lại trong lúc bà trầm ngâm và thách bà bói bài để nói về tương lai của ông.

Mới đầu bà từ chối nhưng cuối cùng ưng thuận, kêu ông chia bài và đặt những lá bài lên mặt bàn. HPB nói:

– Lạ quá, không thể được!

– Sao ? vị thuyền trưởng hỏi.

– Điều lá bài tiết lộ. Ông chia nữa đi.

Ông làm theo lời với kết quả có vẻ cũng y vậy, bởi HPB nói lá bài tiên đoán chuyện không có nghĩa gì cả nên bà không muốn nói cho ông nghe. Nhưng thuyền trưởng cứ hỏi tới, bất đắc dĩ bà nói rằng các lá bài cho hay ông không đi biển lâu nữa mà sẽ được đề nghị làm việc trong đất liền, và sẽ rời nghề hàng hải. Vị thuyền trưởng to lớn la to với lời tiên đoán, bảo HPB nó đúng như ông mong mỏi. Ông không muốn gì hơn là được rời nghề đi biển, nhưng không nghĩ mình sẽ được may mắn như vậy. Không ai nói gì thêm ngoài việc thuyền trưởng thuật lại lời tiên đoán cho người phụ tá, rồi từ đây lan ra thành chuyện cười cho cả tầu. Nhưng sau đó là hồi hai của việc.

Một hay hai tháng sau khi chúng tôi trở về Bombay, HPB nhận được thư của thuyền trưởng Wickes, ghi rằng ông cần xin lỗi bà đối với cách xử sự của ông về việc bói bài, và phải thành thật khai rằng lời tiên đoán đã thành sự thật đúng nghĩa. Sau khi thả chúng tôi xuống Tích Lan, ông tiếp tục chuyến hải hành tới Calcutta. Khi đến nơi, ông được bổ nhiệm làm Cảng Trưởng tại Karwar (tôi tin là ở Mangalore), ông nhận lời và trở về với tư cách là hành khách trên chính tầu của mình!

Ông Olcott nhận xét rằng tuy có khả năng như vậy, HPB không hề tiên đoán bất cứ chuyện không may nào xẩy đến cho bà do bạn bè phản bội hoặc kẻ thù ác tâm. Nếu có thì bà không hề kể cho ông hay bất cứ ai khác nghe. Ngược lại, có lần bà bị trộm lấy mất vật mà bà quí chuộng ở Bombay, nhưng bà không tìm ra được kẻ trộm mà khi kêu cảnh sát tới thì cũng không giúp gì được cho họ. Có chuyện ấy vì HPB theo sát nguyên tắc của chánh đạo là quyền năng chỉ để dùng cho người mà không cho chính mình.

Ta có thể thắc mắc việc HPB có khả năng huyền bí lại làm bạn với những người mà về sau trở thành kẻ thù, bà giải thích bằng cách trích lời của triết gia Seneca:

– Người ta có lỗi nếu tỏ ra không biết ơn, nhưng tôi sẽ có lỗi nếu không cho ra tình bạn. Muốn có ai là người biết ơn thì tôi phải tỏ tình bạn với nhiều người không có lòng này.

Tới đây ta cần dừng lại để trả lời hai câu hỏi quan trọng, là HPB thực hiện phép lạ để làm gì, và chúng được thực hiện ra sao. Với câu hỏi đầu, trí năng nếu không có phần tinh thần hướng dẫn có thể đưa con người lạc lối, là chìm đắm trong cõi vật chất thay vì vươn lên cõi cao; tinh thần khoa học đang lớn mạnh của tây phương vào cuối thế kỷ 19 trụ chính yếu vào thế giới hữu hình của ngũ quan, bác bỏ thế giới vô hình cùng những quyền năng ẩn tàng trong con người. Để chữa lại sự thiếu hiểu biết ấy, khi có quan điểm cho rằng những quyền năng yoga chỉ là thứ yếu, HPB trả lời:

– Phải lắm, nếu nói về mặt hiện tượng. Nhưng ta nên nhớ rằng Tây phương không biết gì về quyền năng yoga trong con người, và bao lâu mà họ chưa biết thì chưa thể có nghiên cứu khoa học đích thực, nhất là trong ngành tâm lý.

Bà biện luận rằng điều quan trọng là phô diễn cho thấy có thể tạo hiện tượng huyền bí mà không cần phòng tối, vong linh, đồng cốt hay bất cứ những vật dụng lỉnh kỉnh nào. Người đã thấu lẽ đạo không còn màng đến phép lạ, nhưng ai yếu đức tin đôi khi nhờ khích lệ mà vững lòng hơn. Thí dụ là những phép lạ của đức Jesus có tính an ủi, nâng đỡ con người trong buổi ban đầu của Thiên Chúa giáo. Với ai nhận xét rằng HPB lẽ ra không nên tạo hiện tượng, mất thì giờ với chuyện không đáng; để trả lời bà luôn luôn nói rằng vào thời điểm Hội được thành lập, cần phải làm công chúng chú ý đến Hội và hiện tượng giúp đạt mục tiêu này hiệu quả hơn hết. Nếu bà chỉ hoạt động bằng cách giảng dạy triết lý, sẽ có rất ít người chịu tới nghe...

Các chân sư cũng cho ý kiến rõ ràng về hiện tượng. Khi đó, báo từ London gửi theo đường tầu sang Ấn phải mất nhiều ngày; ông Sinnett tin chắc rằng nếu chân sư tạo hiện tượng bằng cách mang sang Ấn một tờ báo cùng ngày với báo phát hành ở London, phân nửa dân thành phố London sẽ theo TTH ngay, tuy nhiên đề nghị này bị chân sư KH bác bỏ với lời dạy:

– Chính vì ý cho rằng thí nghiệm mang báo ở London (sang Ấn) sẽ làm ai hoài nghi ngậm miệng – mà nó thành chuyện không thể làm được... Giả thử chúng tôi thuận theo ước muốn của bạn, liệu bạn có thật sự biết hậu quả sẽ ra sao khi thành công chăng ?... Tôi xin nói rằng nếu công chúng tin đây là chuyện thật họ sẽ sát hại bạn ngay trước khi bạn đi được một vòng công viên Hyde Park; còn nếu không tin thì chuyện nhẹ nhất có thể có là bạn sẽ mất uy tín khi rao truyền ý tưởng đó...

Và khi không có sự hiểu biết trọn vẹn về Akasha, tính chất và các phối hợp của nó, làm sao khoa học mong giải thích được như vậy ? Chúng tôi không tin là khoa học gia của bạn sẽ tin; trước tiên phải phô diễn sự việc cho họ thấy, làm cho chúng trở thành tài sản của họ, thuận theo cách thức xem xét riêng của họ trước khi họ chịu nhìn nhận chúng là sự kiện. Họ sẽ đòi hỏi có thử nghiệm này rồi thử nghiệm kia, và phải làm cho họ thấy, mỗi hiện tượng kế tiếp phải tuyệt vời hơn cái trước đó. Bạn cho rằng không mong ai đó sẽ tin trừ phi họ chính mắt mục kích. Liệu một đời người có đủ để làm thỏa mãn trọn cả thế giới người hoài nghi không ?...

Cùng với nhiều người khác, bạn trách chúng tôi là quá giữ kín chuyện. Nhưng chúng tôi biết đôi điều về bản tính con người, nhờ kinh nghiệm nhiều thế kỷ dài – phải, bao nhiêu thời đại – đã dạy chúng tôi... Ta phải thắng thiên kiến của thế giới từng bước một, mà không phải bằng sự ồ ạt.

Thư khác ngài nhấn mạnh:

– Bạn luôn coi nhẹ ý tưởng một Tình Huynh Đệ Đại Đồng, thắc mắc nó có ích hay không, và đề nghị tổ chức lại Hội theo nguyên tắc một trường chuyên nghiên cứu về huyền bí học. Hỡi bạn và người huynh đệ đáng kính và đáng trọng, không bao giờ sẽ có chuyện ấy!

Chân sư M viết một cách rõ ràng:

– Hãy cố vượt qua màn ảo ảnh lớn lao mà người khắp nơi học thuật huyền bí luôn luôn được thầy của họ nhắc nhở – là lòng ao ước thấy hiện tượng. Giống như sự thèm rượu và thuốc phiện, nó lớn mạnh thêm khi được thỏa mãn... Nếu bạn không thể hài lòng khi không có hiện tượng, bạn sẽ không bao giờ học được triết lý của chúng tôi... nhưng khi chọn minh triết thì với thời gian, tất cả những việc khác sẽ được thêm vào...

HPB nói thêm:

– Bạn là trẻ con hay sao mà muốn có điều kỳ diệu ? Bạn có quá ít niềm tin đến nỗi cần phải có kích thích luôn luôn hay sao, như ngọn lửa sắp tàn cần nhiên liệu! Tất cả các bạn giống như bao trẻ con chơi đùa với lửa vì nó đẹp, trong khi lẽ ra bạn phải là người lớn học triết lý vì muốn có triết lý mà thôi.

Mạnh mẽ hơn nữa, Đức Maha Chohan, thầy của hai chân sư KH và M, xác định trong bức Thánh thư 1881:

– Chúng tôi không thể mảng lo dạy một thiểu số người Âu châu – phè phỡn với sự sung túc của hoàn cảnh quá ưu đãi – những hiện tượng như tiếng chuông ngân, tách trà hiện hình, sự cách mặt truyền âm và sự cấu tạo huyễn hình, mà lại đành để cho quần chúng vô minh, nghèo nàn, đơn côi, bị bạc đãi, phải tự lo, tự liệu trong kiếp sống này cũng như sau khi chết sao ? Không bao giờ. Thà là Hội Thông Thiên Học mất đi với các sáng lập viên không may của nó, còn hơn là để cho nó trở thành một hàn lâm thần bí hay một huyền linh học viện...

 Người ta còn nghĩ rằng: chúng tôi, là những môn đồ khiêm tốn của các bực Lạt Ma Hoàn thiện ấy, lại có thể để cho Hội Thông Thiên Học bỏ mất đi cái mỹ danh Tình Huynh đệ giữa nhân loại, để trở thành một tâm linh học viện. Không thể được, thưa chư huynh. Chư Huynh đã sống quá lâu trong ảo ảnh đó rồi, chúng ta phải hiểu nhau hơn.

Quyền năng siêu hình được HPB giải thích:

Bạn hãy cẩn thận đừng để cho khuynh hướng siêu hình vượt hơn sự phát triển trí tuệ và tinh thần. Khả năng tâm linh khi được kiểm soát hoàn toàn, kềm chế và có trí năng hướng dẫn, là phương tiện có giá trị trong việc phát triển. Tuy nhiên khi những khả năng này được buông thả, kiểm soát thay vì chịu kiểm soát, dùng người thay vì được sử dụng, đưa người học đạo vào việc lú lẫn nguy hiểm nhất, và cầm chắc việc đạo đức bị phá hoại.

Về cách làm hiện tượng, giải thích đã được trưng ra trước đây xin độc giả xem lại bài Vị Chân Sư số 57, và bài HPB số 55, t. 69.

..........

1881 – 1882

Sau khi đi Simla vào mùa thu 1880, hai vị đi thăm một số thành phố và thị trấn phía bắc Ấn, với ông Olcott giảng TTH tại những nơi này. Sang tháng 12 và lễ Giáng sinh, hai vị ghé thăm ông bà Sinnett tại Allahabad. Đầu năm 1881 hai vị quay về Bombay. Trong thời gian vắng mặt trụ sở Hội đã dời về nơi khác rộng rãi hơn so với chỗ trước, nằm trong vùng của người bản xứ với khách khứa ra vào không ngớt suốt ngày. Vào tháng ba 1881, ông bà Sinnett về nước nghỉ hè, tại Anh ông Sinnett hoàn tất quyển The Occult World, cho xuất bản vào tháng 6. Nội dung thích thú và lạ lùng của sách làm xã hội tây phương bàn tán xôn xao, dư luận bắt đầu chú ý tới Hội và coi trọng sự trình bầy MTTL.

Nhờ ông Sinnett mà ta có lời mô tả về chỗ ở mới và sinh hoạt của HPB.

– Sau khi rời Anh, tôi trở về Ấn Độ và tới Bombay vào tháng bẩy 1881, ở lại đó vài ngày với bà Blavatsky tại trụ sở Hội khi ấy nằm tại Breach Candy, căn nhà tên Crow's Nest trên một gò cao bên đường. Tôi nghe là nhà không ai cư ngụ đã lâu, vì có tiếng là có rắn và có ma, nhưng cả hai điều này không làm bận tâm những người mới đến mướn. Căn nhà chia làm hai phần, phần dưới dành cho việc Hội và là chỗ ở đạm bạc của ông Olcott; phần trên đi lên bằng cầu thang có mái xây theo triền dốc của gò, là nơi cho bà Blavatsky và là văn phòng của tờ The Theosophist. Ở đây cũng có một phòng trống, tất cả phòng cùng ở một tầng, mở ra hàng hiên rộng có mái, hàng hiên này là phòng khách, phòng ăn, phòng làm việc của HPB. Cuối mút hàng hiên bà có một phòng viết nhỏ. Hàng hiên có mái đầy khách suốt ngày cho tới khuya, gồm khách bản xứ tới lui và hội viên quí mến bà đến thăm viếng.

Thường bà dậy sớm viết bài báo tiếng Nga hoặc dịch, hoặc viết bao nhiêu thư hoài không dứt, gửi đi bốn phương về việc Hội, hoặc soạn bài cho tờ Theosophist; rồi trong ngày bà dành phần lớn thì giờ trò chuyện với người bản xứ trong phòng ở hàng hiên, hoặc quay trở lại công việc của mình, lớn tiếng phản đối là đã bị thường xuyên gián đoạn ra sao, cùng lúc đó gọi người giúp việc thân tín là Babula bằng giọng vang khắp nhà, kêu đi mời khách này hay nọ mà HPB biết là đang chờ ở dưới muốn được gặp bà.

Rồi đang giữa cuộc tranh luận ráo riết với ai uyên bác về một điểm trong đức tin Ấn giáo hiện thời mà bà phản đối, cho là không phù hợp với ý nghĩa thực trong kinh Veda, hoặc lời trách cứ mạnh mẽ một phụ tá của tờ Theosophist về điều chi đó sai lầm mà lúc này, đối với bà nó lớn như vung đầy sấm sét, chợt có lẽ HPB 'nghe giọng nói mà họ không nghe' – lời kêu gọi ở cõi thanh của Chân sư bà nơi xa xôi, hoặc một trong các Huynh trưởng và trong tích tắc bà quên hết mọi chuyện khác, vội vàng đi vào bất cứ một phòng trống nào để có thể ở một mình trong vài phút, và nghe lời nhắn hay bất cứ lệnh nào gửi cho bà.

Tối đến bà không hề muốn vào giường. HPB ngồi đó hút thuốc lá và nói chuyện – nói với năng lực không mệt mỏi trông hết sức tuyệt vời – về triết lý Đông phương đủ loại, về sai lầm của những ai viết về thần học, về những câu hỏi nêu ra với cuốn Isis Unveiled (mà chưa được giải đáp), hoặc về đề tài đáng tội nào có liên quan đến việc điều hành Hội, hoặc lời mỉa mai ngu dại nào hướng đến bà, đặc tính nào mà báo chí địa phương gán cho bà, với cùng sự hăng hái, sôi nổi.

Vài tuần sau khi tôi về Ấn, bà lên Allahabad ở nhà tôi chơi mươi ngày, rồi cùng với tôi đi Simla làm khách nhà ông Hume trong khoảng thời gian còn lại của mùa hè năm ấy. Bà không được mạnh nên chặng cuối của cuộc hành trình – mà ngay cả ai mạnh khỏe cũng thấy ê ẩm – là một cực hình, khiến cho bản tính dễ bị khích động của bà lộ ra những nét đặc biệt ngộ nghĩnh. Lý do là ở Simla, xe 'tonga' đi mất tám tiếng từ chân đồi lên tới nhà trên đỉnh, mà đây không phải là phương tiện hạng sang.

Xe có bánh thấp, chỉ cao hơn mặt lộ có 3 tấc, có hai hàng ghế chứa được bốn người kể luôn cả xà ích, hai ghế trước hai ghế sau. Mỗi xe chứa được một hành khách, hành lý (tương đương với chỗ của một hành khách khác), và một gia nhân. Chúng tôi đi hai xe tonga, để gia nhân và hành lý vào một xe, còn bà Blavatsky và tôi ngồi băng sau một xe khác, băng trước có một xách tay bên cạnh người lái xe. Xe tonga đi mau, thay ngựa đều đặn ở mỗi trạm và ngựa chạy nước kiệu trên đường trừ những nơi dốc nhất. Hành khách bị lắc lư không ngớt nhưng khó mà lật xe tuy thỉnh thoảng có xẩy ra chuyện ấy, vì đường núi rất gồ ghề và ngựa hay dở chứng.

Khi ngựa kéo không theo ý người đánh xe, xe có thể nghiêng ngả làm hành khách yếu bóng vía kinh hoảng. Chuyện như thể xẩy ra không lâu sau khi chúng tôi lên đường, khiến HPB tuôn cơn thịnh nộ đối với trọn phương tiện di chuyển bằng xe tonga và nền văn minh mà nó là một phần. Tôi còn nhớ mình cười thầm lúc ấy, nghĩ rằng sấm sét chỉ có mình tôi nghe thật uổng. Ngày dài thêm và chuyến đi càng lâu thì bà càng bực bội mạnh hơn nữa, nhất là bất cứ khi nào người đánh xe sau thổi hồi kèn điếc tai. Bà sẽ cắt ngang bất cứ chuyện gì đang nói để hài tội tiếng 'kèn đồng' không may này.

Nhân vật A.P.Sinnett sẽ được nói kỹ trong loạt bài về sau trên PST, trong chuyện về HPB này ta chỉ nói thêm là từ tháng bẩy khi về Ấn, ông Sinnett bắt đầu nhận được các bức thư dài của hai chân sư về các vấn đề triết lý, khoa học và tâm linh mà về sau dựa vào đó, viết ra cuốn thứ hai tên Esoteric Buddhism. Khi sách được xuất bản năm 1885, nó mở ra thế giới mới về ý tưởng đối với sự tiến hóa của con người và vũ trụ. Ông có công lớn trong việc làm thế giới tây phương chú ý đến Hội và MTTL qua hai quyển The Occult World và Esoteric Buddhism.

Ta nên nhớ là vào những ngày đầu của Hội, sách vở về MTTL chưa nhiều, do đó hai quyển ấy giúp ích lớn lao trong việc trưng ra những ý niệm căn bản của MTTL cho ai chưa biết. Một nhân chứng thời bấy giờ tại London là Frances Arundale ghi rằng:

– Quyển sách làm giới thần học và khoa học bị chấn động như có bão. Ngày nay người ta không nhận thức được ảnh hưởng của quyển Esoteric Buddhism và những sách vở TTH đối với giới thần học và văn học như thế nào. Hai danh từ Karma và Tái Sinh là những chữ hầu như chưa hề biết tới trước đây, nay nhiều vị lãnh đạo tôn giáo nhắc tới trong những bài thuyết giảng. Báo chí đầy lời chỉ trích hoặc lên án những ý tưởng mới, nhưng chúng tồn tại và hạt đã gieo giờ mang lại bao kết quả.

Trong thư gửi cho ông Sinnet, đức KH khuyên ông cần phải cẩn thận:

– Sự hiểu biết chỉ có thể truyền dạy từ từ; và vài hiểu biết cao nhất – nếu thực sự đến với tai đã được chuẩn bị của bạn – có thể nghe như lời vô nghĩa điên rồ đối với bạn... Khoa học huyền bí không phải là một trong những bí mật có thể đột nhiên được truyền đạt bằng lời nói hay chữ viết. Nếu được vậy thì việc mà tất cả các vị 'Huynh Trưởng' cần làm là viết ra cuốn Cẩm Nang về thuật này, tựa như văn phạm được dạy trong trường vậy.

Lỗi lầm chung của người đời là cho rằng chúng tôi cố tình che phủ chính mình và quyền năng của mình trong màn bí ẩn – rằng chúng tôi muốn giữ lấy hiểu biết của mình cho riêng mình, và 'cố ý cùng mạnh mẽ từ chối' không truyền đạt chúng. Sự thực là bao lâu mà người sơ cơ chưa đạt tới trình độ cần thiết cho sự Giác ngộ mà họ có quyền và xứng đáng được hưởng việc ấy, đa số nếu không phải là tất cả những bí mật không thể truyền đạt được. Sự giác ngộ chỉ đến từ nội tâm.

 Vào mùa hè và đầu thu 1881, HPB ở tại Simla với gia đình ông Hume vài tháng tại nhà họ. Khoảng cuối tháng 10 bà đi Lahore, có lời nói rằng bà gặp chân sư M. ở đó. Sau đó bà làm một chuyến đi dài lên phía bắc Ấn theo lệnh của thầy. Vào thời điểm này, ông Olcott ở Tích Lan nên đây là lần đầu tiên bà một mình đi thăm các thành phố và thành lập các chi bộ. HPB trở về Bombay vào cuối tháng 11.

Ta có chuyện chót cho năm này do bà Alice Gordon ghi:

– 'Tôi cũng xin thuật một chuyện khác mà tôi là nhân chứng duy nhất với bà Blavatsky. Một ngày năm 1881, tôi vào phòng bà không báo trước lúc hai chúng tôi cùng ở chơi nhà ông bà Sinnett. Bà đang ngồi viết ở bàn đặt sát một cửa sổ nhỏ. Phòng rất ấm, tôi mới đề nghị mở cửa sổ cho có gió một chút, cửa có gắn bản lề trên đầu để đẩy ra.

Tôi đẩy cửa bên dưới có chút khó khăn, nhưng nó sập vào trở lại và đập vào thanh gỗ để chống cho cửa mở, thanh gỗ đâm xuyên qua cửa kính. HPB tỏ ra sôi nổi còn tôi tưởng ấy là vì cửa kính bị vỡ nên nói:

– Không sao, đem sửa gắn lại kính được.

Nhưng bà kêu to:

– Không, không, xin đứng yên, tôi thấy có bàn tay, sắp có chuyện gì đó.

Tôi đứng gần thành cửa sổ, giữa bà và cánh cửa. Rồi bà nói:

– Kéo màn lại.

Bức màn nhỏ chỉ ra tới thành cửa, nhưng tôi vừa kéo ngang qua thì bà kêu:

– Mở ra đi.

và trước mặt tôi có một lá thư gửi cho ông Hume với câu "Nhờ bà Gordon trao giùm", bằng nét chữ của ngài KH mà tôi rất quen thuộc. Tôi kết luận là thư được gửi cách ấy để ông Hume có thể có bằng cớ là thư đến một cách lạ lùng, còn tôi thì chắc chắn trăm phần trăm là trước đó một phút tôi thấy chỗ ấy không có gì, và rồi thư hiện ra. Tôi cũng tin chắc là không có cánh tay phàm của ai đặt thư ở đấy.

1882

Vào khoảng đầu năm 1882 bà Blavatsky tiếp một người khách tên R. Jagannathia. Ta hãy nghe ông kể:

– Tôi gặp HPB lần đầu tiên do ông Damodar K. Mavalankar giới thiệu, tại phòng trước của trụ sở Hội, nói với bà rằng tôi có viết bài cho tờ báo The Philosophic Inquirer với tên 'R.J.' và 'Veritas'. Bà ngồi trong ghế, chung quanh là một nhóm nhỏ những người quí mến bà. Cảm tưởng đầu tiên tôi có là bà không thuộc về trái đất này vì bà có đôi mắt sáng ngời mạnh mẽ, nằm dưới đôi mày cong nổi bật. Thân hình là nữ giới nhưng lời ăn tiếng nói là nam giới, bề ngoài phàm trần mà thực tại như người trời...

Bà kêu lên:

– A, tôi biết là có ngày ông sẽ đến gặp tôi.

Tôi hỏi làm sao bà có thể mong là tôi đến, vì bà là người TTH còn tôi là người vô thần. HPB kêu ông Damodar lấy tập ký sự (scrapbook) của bà, chỉ cho tôi thấy có dán những mẫu tin về các bài giảng của tôi về đề tài 'Kapila, Buddha và Shankara', và nói rằng bà đọc kỹ các đóng góp của tôi cho tờ báo The Philosophic Inquirer, bà quí chúng vì chúng lộ tinh thần đi tìm Chân lý. Bởi chuyện thế tục không làm đủ thỏa mãn ước vọng cao của tôi, bà kết luận hợp lý rằng tôi sẽ đến gặp bà để có thêm ánh sáng về vấn đề của tất cả các vấn đề – tức bí ẩn của sự sống và sự chết.

Rồi HPB hỏi tôi muốn biết điều gì. Tôi hỏi bà vài điểm có bề ngoài khó hiểu, mỗi câu đã được tôi sắp đặt rất kỹ tối hôm trước. Là hội viên của The National Secular Society of England, tôi chắc mẩm trong bụng rằng những vấn đề mà tôi đặt ra không sao giải thích được, và chúng sẽ đòi hỏi bà phải vận dụng trí tuệ tinh tường và triết lý của mình. Nhưng tôi kinh ngạc biết bao vì bà đáp hết câu này tới câu kia, mỗi câu được trả lời một cách rành mạch làm tôi mãn nguyện. Bà dành ra đến gần ba tiếng đồng hồ để giải thích thắc mắc của tôi. Những dữ kiện lịch sử, triết lý và khoa học mà bà đưa ra để hỗ trợ cho biện luận mạnh mẽ không sai chạy, làm trí não thô thiển của tôi rối mòng.

Trọn cử tọa mê mẩn lắng nghe, và có một điểm đặc biệt trong câu trả lời của bà tôi không thể nào bỏ qua. Ấy là bà thông thuộc nhiều đề tài đến mức trong câu trả lời của bà, những câu hỏi phụ đã được biết trước và giải đáp luôn một lần cho xong tất cả. Sang ngày thứ hai và thứ ba chúng tôi lại cũng bàn thảo mấy tiếng đồng hồ với cùng cử tọa, vì mỗi ngày qua sự thích thú lại tăng dần theo với những thắc mắc càng ngày càng khó của tôi, và câu đáp giỏi dang, thỏa mãn của bà.

Tới ngày thứ ba, sau khi trả lời những thắc mắc mà tôi đã dành nhiều thì giờ suy nghĩ chọn lọc, sử dụng hết hiểu biết và học hỏi vô thần của mình, bà vui vẻ hỏi tôi còn gì để nói nữa không. Tôi đáp ngay không ngần ngừ rằng 'hết chuyện rồi', làm mọi người nổi lên một tràng cười cả mấy phút.

Trong thâm tâm tôi cho TTH là điều tựa như nhiều tôn giáo khác trên thế giới, và sự hiểu biết cùng tài khôn khéo của HPB thì không hơn là bao kiến thức của sinh viên thông thường. Nghĩ vậy làm tôi bạo dạn 'ra đi để chiến thắng mà trở về chiến bại'; nhưng tôi mừng đã bị bà chinh phục, vì sự thua cuộc làm tôi được lợi ích lớn lao, bởi HPB mở mắt cho tôi thấy nền tảng mà tôi đứng khi ấy trơn trợt biết chừng nào. Trong ba ngày bà phá tan bẩy năm kiến thức của tôi về những lý thuyết vô thần...

Nhân vật vĩ đại về trí tuệ, minh triết và uy lực này hỏi tôi nghĩ gì về MTTL, tôi có muốn gia nhập hội để giúp phong trào TTH chăng nếu tin tưởng vào chân lý của MTTL. Bà nói mình đã thành lập Hội TTH theo lệnh guru của bà, một vị Chân sư người Ấn, để truyền bá sự hiểu biết về Tôn giáo Minh Triết hay Brahma-Vidya. Nhưng bà thấy tiếc là nhiều người Ấn thông minh, học rộng lại thờ ơ với phong trào, nhìn bà nghi ngờ vì bà người tây phương và thuộc giống dân xa lạ.

Tôi đáp ngay sẽ gia nhập, làm việc và sẵn sàng hy sinh mạng sống cho Mục Đích thiêng liêng bao lâu tôi còn sức sống trong người... Từ đó tới nay tôi đã làm việc cho Hội TTH, luôn luôn nhớ đến lời hứa thiêng liêng của mình với HPB, người đã mở mắt cho tôi và soi sáng sự vô minh của tôi. Bà làm tôi chú ý đến những hiểu biết quí giá, chói ngời nằm sâu trong kho tàng minh triết đông phương; bà cho tôi lời khuyên thật tốt lành, như là hiền mẫu, khi kêu tôi đọc Áo Nghĩa Thư (Upanishads), kinh điển mà triết gia Schopenhauer gọi là 'sự an ủi trong lúc sống và an ủi trong lúc chết'.

Một nhân vật tên John Smith thuật:

Ngày 31 tháng giêng 1882 khi mở số thư thường ngày được mang tới, người ta thấy một thư có ghi vài hàng chữ đỏ khác với phần chính của thư. Khi ấy đại tá Olcott lấy hai thư chưa mở, hỏi bà Blavatsky xem bà có thể cảm nhận nội dung trong thư. Đặt hai thư lên trán, bà nói một thư có ghi chữ 'vô ý', và thư kia ghi vài điều về đại tá Olcott và một chi bộ tại Cawnpore. Tôi xem xét các lá thư thấy phong bì dán kín, tôi mở chúng ra và đọc nội dung thấy những chữ y như lời bà nói. Một thư là từ Meerut, một từ Cawnpore, và một từ Hyderabad.

Qua hôm sau đại tá Olcott nhận xét là nếu tôi lấy một thư nào trong lúc ở đây, có thể có cùng chữ viết như vậy trong đó. Tôi trả lời:

– No chance of that, as no one would write to me (Không mong có vậy, vì không có ai viết thư cho tôi).

Khi đó bà Blavatsky nhìn sững một lát rồi nói:

– Tôi thấy có một Huynh trưởng ở đây, ngài hỏi bạn muốn có bằng cớ về điều chúng ta vừa nói không ?

Tôi đáp là nếu có thì tôi rất cám ơn. Bà đứng dậy khỏi bàn, kêu chúng tôi đi theo. Nắm lấy tay tôi, bà dẫn đi dọc theo hàng hiên, ngưng lại nhìn quanh ở vài điểm cho tới khi chúng tôi tới cửa phòng ngủ của tôi. Và rồi bà muốn tôi vào phòng một mình, nhìn quanh xem có gì lạ rồi đóng những cửa khác. Tôi làm theo, thấy là phòng vẫn bình thường. Kế đó bà bảo chúng tôi ngồi xuống, khi làm thế bà kẹp hai bàn tay tôi trong hai bàn tay của bà. Vài giây sau một lá thư rơi xuống chân tôi.

Có vẻ như lá thư bắt đầu phía trên cao cách đầu tôi một chút. Khi mở phong bì tôi thấy một tờ giấy có đóng con dấu của chính quyền tỉnh Tây bắc và tỉnh Oudh, và những chữ sau viết bằng mực đỏ, theo cùng nét chữ thấy trong những thư hồi sáng qua:

– NO CHANCE... ('Không có cơ hội để viết cho bạn bên trong thư của bạn, nhưng tôi có thể viết trực tiếp. Hãy làm việc cho chúng tôi tại Úc châu, và chúng tôi sẽ chứng tỏ là không quên ơn mà sẽ cho bạn thấy về sự hiện hữu thực sự của chúng tôi, và xin cám ơn bạn.')

Theo ý tôi, xem xét kỹ lưỡng sự việc cho thấy không có gì giả mạo.

Vào ngày 10 tháng tư 1882, ông Norendro Nath Sen viết:

Sáng hôm ấy tôi đến thăm bà với ý định rõ ràng là không bầy tỏ mong ước muốn thấy có bất cứ phép lạ nào. Ngoài bà Blavatsky và tôi còn có thêm vài người khác trong phòng. Trong lúc đang nói chuyện tổng quát, bỗng bà chăm chú vào một điểm, bà kêu ông Mohini Mohun đi ra ngoài xem có ai ẩn nấp trong phòng bên cạnh. Ông làm theo như được yêu cầu nhưng không thấy có ai. Ông vừa trở về chỗ ngồi thì có một tờ giấy nhỏ, thấy ngay là có tác nhân vô hình bắn nó nghiêng từ điểm bên trên vách ván cao ngăn gian phòng, thư rơi gần chỗ ông Olcott ngồi sau đoạn đường bay dài hơn sáu thước.

Theo lời yêu cầu của HPB, ông Mohun nhặt miếng giấy, đọc nội dung như sau:

– Đừng làm giảm giá trị của Chân lý bằng cách nhét nó vào đầu óc của ai không muốn nghe. Đừng tìm kiếm trợ lực trong tâm của ai yêu nước chưa đủ để làm điều lành cho đồng bào mình một cách xả kỷ. Họ hỏi 'Ta có thể làm được điều tốt lành gì ?' ' Ta có thể làm lợi chi cho nhân loại, hay cả cho đất nước của ta ?' Họ chính thực là những kẻ yêu nước nửa vời. Trong cảnh đất nước bị suy sụp vì thiếu sinh khí, thiếu sự bơm hơi tiếp sức của lực mới mẻ, kẻ ái quốc thật sự sẽ nắm lấy bất cứ hy vọng nào. Nhưng có ai yêu nước thật sự ở Bengal không ? Nếu có nhiều hẳn chúng ta đã gửi bạn tới đó từ lâu; chúng tôi khó mà cho phép bạn lưu tại Ấn ba năm mà không đi thăm Calcutta, thành phố có những đại trí thức mà không có lòng. Bạn có thể đọc thư này cho họ.

K.H.

Cả bà Blavatsky và ông Olcott không mong chờ thư nào như thế; và chắc chắn cả hai không quan tâm đến cách bí ẩn mà thư được mang vào phòng. Chuyện thật khó tin nhưng đó là sự kiện không chối cãi được.

Vào 31 tháng ba, HPB đi Allahabad sau đó tới Calcutta. Ngày 19 tháng tư, hai vị đi tầu thủy sang Madras nay đổi tên là Chennai. Đây là chuyến đi dẫn tới sự việc quan trọng vì không lâu sau đó, Madras trở thành trụ sở của Hội. Trong chuyến đi này chi bộ Madras được thành lập và Subba Row gặp HPB lần đầu tiên.

Trong một đoạn trước ta có nói chuyến đi xe ngựa tonga cực nhọc tám tiếng đồng hồ, từ trạm xe lửa dưới chân đồi lên đến nhà ông Hume trên đỉnh đồi ở Simla. Nay để có thêm ý niệm về việc đi lại cực nhọc ra sao ở Ấn Độ vào thời điểm của chuyện, hầu ý thức nỗi nhọc nhằn hai vị trải qua khi đi khắp nước để giảng, lập chi bộ, và sự quyết tâm phổ biến MTTL của hai người, ta hãy thuật lại chuyến đi vào tháng 5 từ Nellore đến Guntur.

 Khởi đầu hai vị đi thuyền trong kinh Buckingham, sau đó là đoạn đường dài 55 cây số hiểm trở tới nỗi hai vị phải đi cáng, xuyên qua vùng nhiều rắn hổ mang. Có chặng đi ngang qua suối sâu, sáu người khiêng phải đội cây đòn khiêng cáng trên đầu mới làm khách không bị ướt. Chặng trở về họ đi xe bò trên đoạn đường dài gần 120 cây số, gồ ghề, lồi lõm để ra ga xe lửa; nhưng tới nơi thì được biết phải 12 tiếng sau mới có xe đi Madras là nơi hai vị muốn đến.

Tại đây, chi nhánh hội được thành lập và các hội viên thúc giục hai người dời trụ sở từ Bombay về Madras. Có sự đồng ý và hội viên đóng góp mua nhà đất ở vùng ngoại ô Adyar ngày 17 - 11 - 1882, đúng bẩy năm sau khi thành lập Hội tại New York 1875. Trước khi rời Bombay để tới ngụ hẳn tại Madras, HPB đi Sikkim gặp hai vị Chân sư KH và M, ở cùng hai ngài mấy ngày gần Darjeeling. Trên đường về, bà ghé lại Darjeeling một thời gian, sống cùng một số hội viên từ miền nam Ấn Độ lên đây. Trong số này có Mohini Chatterjee là luật sư tại Calcutta, anh là một trong số các hội viên giỏi dang vào buổi đầu của Hội; Mohini ghi lại kinh nghiệm sau:

– Trong khoảng thời gian ghé thăm Darjeeling, tôi ngụ chung nhà với vài hội viên khác... đa số họ giống như tôi là nghi ngờ sự hiện hữu của các chân sư tại Himalaya. Lúc ấy tôi có gặp tại Darjeeling mấy người tự xưng là chela (đệ tử) của các Huynh trưởng tại Himalaya, đã từng gặp mặt và sống chung với các ngài nhiều năm. Họ cười phá lên khi thấy chúng tôi nghi ngờ. Một trong những người này cho chúng tôi xem bức hình vẽ rất khéo một nhân vật trông hết sức thánh thiện, và bảo đó là hình Chân sư Koothoomi (nay là chân sư đáng kính của tôi), vị chân sư mà ông Sinnett đề tặng cuốn The Occult World.

Vài ngày sau khi tôi tới đây, một anh bán hàng rong người Tây Tạng tên Sundook tình cờ vào nhà chúng tôi chào hàng. Anh rất được quen mặt ở Darjeeling và vùng chung quanh, mỗi năm tới đây chuyên buôn bán sản phẩm của Tây Tạng. Sundook tới nhà chúng tôi mấy lần suốt khoảng thời gian chúng tôi ở đây; đó là con người đơn sơ, dáng dấp chững chạc, tánh tình dễ chịu, tốt lành một cách tự nhiên, không thấy có tánh gì của kẻ bán khai như người Tây phương gán cho dân Tây Tạng.

Nói thêm thì lúc này HPB không có mặt tại Darjeeling, do đó đây là chứng cớ độc lập về sự hiện hữu của các chân sư do Sundook đưa ra. Mohini ghi tiếp:

– Ngày đầu tiên chúng tôi hỏi anh mấy câu tổng quát về Tây Tạng và phái Mũ Vàng (Gelugpa - chính đạo; phái Mũ Đỏ được xem là có dùng tà thuật) mà anh cho hay mình ở trong phái ấy. Lời kể của anh tương ứng với lời thuật của Bogle, Turnour và nhiều người du lịch khác.

Sang ngày thứ hai chúng tôi hỏi anh có nghe nói ai ở Tây Tạng có quyền năng lạ thường ngoài các vị lama tài giỏi, anh đáp có những người như vậy, giải thích rằng các ngài không phải là lama thông thường mà cao hơn những vị này rất xa, hay sống ẩn trong núi, quá Shigatze hay cũng gần thủ đô Lhasa. Anh bảo các ngài tạo ra rất nhiều hiện tượng kỳ diệu hoặc 'phép lạ', và một số chela của các ngài (gọi là lotoos ở Tây Tạng) chữa người ốm bằng cách lấy tay vò lúa ngay trong cánh đồng cho họ ăn gạo v.v.

Thế rồi một người trong bọn chúng tôi có sáng kiến thật hay. Không nói lời nào, anh lấy bức hình đức KH đưa cho Sundook xem. Sundook nhìn nó vài giây rồi như chợt nhận diện là ai, anh cung kính đảnh lễ trước bức hình, bảo đó là hình một vị Chohan (Mahatma) anh đã được gặp... Anh kể là thấy vị Chân sư này có nhiều đệ tử đi kèm, vào khoảng đầu tháng mười năm ngoái, ở một nơi gọi là Giansi cách Shigatze hai ngày đường về phía nam; đây là chỗ Sundook tới để bổ hàng. Khi được hỏi về tên của vị chân sư, câu đáp của anh làm chúng tôi ngạc nhiên vô kể:

– Các vị đó được gọi là Koothum-pa.

Chúng tôi hỏi kỹ thêm, muốn biết anh dùng chữ 'Các vị đó' để chỉ ai, và đó là tên của một hay nhiều người, anh đáp rằng có nhiều người Koothum-pa, nhưng chỉ có một vị đứng đầu là trưởng phái mang tên đó; các đệ tử luôn luôn được gọi theo tên của thầy họ; ở đây tên của vị thầy là Koot–hum nên tên của đệ tử là 'Koot-hum-pa'. Khi tra tự điển thì sự việc sáng tỏ thêm, chúng tôi đọc trong tự điển Tây Tạng là chữ 'pa' có nghĩa 'người'; 'Bod-pa' là người xứ Bod hay Tây Tạng v.v. Tương tự thế, Koothum-pa có nghĩa người hay đệ tử của Koothoom hay Koothoomi.

Khi nghe hội viên bảo là người Ấn không tin có những bậc 'Huynh Trưởng - Brother' ở Tây Tạng, Sundook đề nghị dẫn bất cứ ai tình nguyện vào nước đó để xem, và thuyết phục chúng tôi là những vị ấy hiện hữu thực sự... Chúng tôi cũng cho anh xem chuỗi tràng hạt đặc biệt của bà Blavatksy, anh bán hàng rong bảo vật này chỉ có được do đức Teshu (Panchen - Ban Thiền) Lama tặng cho ai đó mà thôi, không thể dùng tiền mua ở bất cứ nơi nào...

Câu hỏi đặt ra là khi Trung Cộng xâm lăng Tây Tạng năm 1950, người ta không thấy có chân sư nào. Ngay cả hồi thập niên 1920, bà Alexandra David–Neel ghi rằng mình không hề gặp các chân sư người Ấn trong lúc du hành ở Tây Tạng. Họa sĩ Nicholas Roerich khi đi Tây Tạng cũng trong thập niên 1920, cho hay không gặp được các ngài, tuy có gặp một vị lama vân du, kể ông nghe nhiều chuyện về xứ Tây Tạng thật. Một hôm Roerich hỏi:

– Này Lama, ông có gặp mấy người Azaras và Kuthumpas không ?

Lama đáp:

– Nhiều người chúng tôi trong đời có gặp người Azaras và Kuthumpas và người tuyết phục vụ họ. Chỉ mới gần đây người ta không còn thấy người Azaras trong thành phố nữa. Tất cả rút về sống trong núi. Họ rất cao lớn, râu tóc dài, bề ngoài trông giống người Ấn...

Bây giờ không còn gặp được người Kuthumpas, lúc trước họ có mặt bình thường ở vùng Shigatse và hồ Manasarowar, nơi khách hành hương đi tới núi Kailasa. Ngay cả người tuyết bây giờ cũng hiếm thấy. Người đời do thiếu hiểu biết tưởng lầm họ là ma quái hiện hình. Có những lý do thâm sâu về tại sao những Đấng Cao Cả nay không còn tự nhiên đi lại trong dân gian. Vị thầy trước của tôi kể cho nghe nhiều chuyện về minh triết của người Azaras. Chúng tôi biết nhiều nơi có những Đấng Cao Cả ngụ, nhưng lúc này các chỗ ấy bị bỏ hoang. Ấy là bí ẩn lớn.

Rồi Roerich hỏi tiếp:

– Lama, có đúng là các Ashram đã được dời khỏi vùng phụ cận thành phố Shigatse ?

– Bí ẩn này không nên nói tới, vị Lama đáp, tôi có nói là nay có thể không còn thấy người Azaras trong vùng Shigatse.

Lời của lama cho thấy rõ là Tây Tạng nay trong chu kỳ suy thoái. Ông nói:

– Nhiều lama mặc tăng bào lama nhưng đời sống bên trong của họ còn tệ hơn so với người thường. Nhiều khi trong mấy ngàn lama, bạn chỉ thấy vài cá nhân rời rạc có thể đàm đạo với bạn về những đề tài cao siêu, và cho câu đáp giá trị. Nhưng không phải trong tôn giáo của bạn cũng vậy sao ?

Ta ra ngoài lề một chút để nói về nơi ẩn cư của các Đấng Cao Cả. Một lý do vì sao các địa điểm này không được người đời khám phá đã có ghi trong bài HPB số báo 57, nay ông Hodson đưa thêm chi tiết với lời của Chân sư M.:

– Không ai, không một ai có thể thấy, khám phá, đến thăm Chúng ta hay nơi ẩn cư của Chúng ta ngược với ý Chúng ta muốn, ấy là điểm hàng đầu trên tất cả trong chuyện liên quan đến đời sống riêng tư của Chúng ta.

'Tương tự vậy, không ai bay ngang qua sa mạc Gobi, đi du lịch hoặc lạc chân tới đó có thể thấy những di tích của những tòa nhà khi xưa nằm trên Bạch Đảo (Great White Island) của biển Gobi. Này con, việc xâm phạm vào sự riêng tư của chúng ta và của Thiên đoàn nói chung là điều cấm kỵ, sự ngăn chống mạnh đến nỗi phát minh vĩ đại nhất của khoa học ngày nay và tương lai vẫn không làm cho ai vào được vùng của chúng ta mà không do ý chúng ta muốn. Ấy là đòi hỏi duy nhất của chúng ta, là có sự riêng tư không gì xâm phạm được.

'Ngay cả những đệ tử và các vị đạo đồ thuộc cấp độ nào đó đi thăm chúng ta, họ cũng không hề làm được, không thể tìm thấy chúng ta và nơi cư ngụ trừ phi chúng ta cho phép. Đây là một lệnh bất khả vi phạm của Chính phủ bên trong của Địa cầu - sự riêng tư không thể bị xâm phạm.

'Ta đoan chắc với con rằng sự kín đáo ấy được duy trì bằng một màn ảo ảnh, mà trí não mạnh nhất của ai chưa phải là đạo đồ không thể thấu nhập hay phá tan.'

Sự che chở thế ấy không những chỉ áp dụng cho chỗ làm việc của các nhân viên trong Thiên đoàn, mà luôn cả những trung tâm huyền bí trên trái đất cũng có 'hàng rào bất xâm nhập bao quanh', tự nhiên là bằng phương tiện huyền bí. Một trong những nơi này là hòn núi đá Uluru của Úc châu còn gọi là Ayers Rock. Có giải thích nói rằng nơi đây là địa điểm cho việc chứng đạo (initiation) rất đặc biệt, dành riêng cho cả một châu vào thời trước; ngày nay người ta e ngại việc du khách tò mò hay vô tư không ý thức tính cách tinh thần của nơi đây sẽ làm giảm đi phần linh thiêng của địa điểm. Thí dụ như kim tự tháp ở Ai Cập bị nhiễm ô uế do kỹ nghệ du lịch.

Từ ngàn xưa Uluru tỏa ra năng lực tinh thần bao trùm châu Úc, ấy là vì tảng núi đã được đặt vào đúng trung tâm của Úc châu thuộc vùng nam cực. Nơi giữa vùng Uluru có một lòng chảo linh thiêng mà du khách không thể bén mảng, ngay cả những du hồn (người xuất vía không được mời tới nơi này) cũng không xâm nhập được. Chung quanh chân núi và vùng đất hoang bao lấy núi cũng còn gìn giữ dấu vết của bậc đạo đồ từng đảm nhiệm việc canh giữ, duy trì năng lực của Uluru.

Ta đã lan man sang chuyện khác, nay trở lại với bà Blavatsky, vào giữa tháng 11-1882, sau khi ở Darjeeling quay về, HPB tới Allahabad chơi với ông bà Sinnett rồi trở lại Bombay. Sau đó HPB và ông Olcott tới Madras ngày 19 - 12, 1982, ngụ hẳn tại đây. Nay ta hãy để ông Sinnett mô tả nơi cư ngụ của hai vị tại Adyar.

Vào ngày 16 - 12, 1882 có một buổi tiệc từ giã hai vị sáng lập hội Theosophia do thân hữu người bản xứ tổ chức, trước khi ông bà rời Bombay tới cư ngụ tại căn nhà ở Adyar, Madras do hội viên góp tiền mượn để mua.

Căn nhà này khá hơn rất nhiều ngôi nhà chật hẹp thiếu tiện nghi tại Bombay. Thành phố Madras rất rộng, chạy dài 10 - 12 cây số bờ biển; Adyar là ngoại ô mãi phía nam có sông Adyar nhỏ chảy qua khu đất ra biển, nhưng trước khi tới bãi biển nó tỏa ra thành một vùng nước nông lớn, có căn nhà đứng trên khoảnh đất rộng rãi. Ấy là nơi cư ngụ thoải mái của bà Blavatsky và những người giúp việc.

Tầng trên căn nhà là các phòng dành riêng cho bà, một trong những phòng này mới xây được dùng làm 'phòng huyền học – occult room' cho bà, phòng riêng đặc biệt kín đáo. Bà bỏ công trang hoàng một tủ treo độc dành cho việc liên lạc giữa các Chân sư và bà và gọi đó là Bàn Thờ. Bà đặt trong đó vài món đơn sơ mà rất quí giá về mặt huyền bí, hai bức hình nhỏ của các Chân sư và mấy món khác. Mục đích của bàn thờ là chuyện hết sức rõ ràng cho ai quen thuộc với lý thuyết về hiện tượng huyền bí, tức là nơi được giữ cho thanh khiết không bị nhiễm bất cứ từ lực nào, có liên kết với việc làm tan rã và kết hợp các lá thư lại, dùng cho công chuyện giữa Chân sư và chela.

Vài ngày sau có mấy hội viên phụ xếp dọn đồ đạc của hai vị vào nhà. HPB rất hãnh diện về thư viện của Hội, bà viết:

– Thư viện Adyar do hội trưởng là đại tá Olcott cố công thực hiện, là niềm vinh hạnh cho Hội Theosophia. Dù chỉ mới thành hình có ba năm, nó đã có một bộ sưu tập lớn những tác phẩm Đông phương có giá trị lớn lao, gồm 3.046 quyển, bên cạnh hơn 2.000 quyển bằng ngôn ngữ Tây phương và một số bản thảo quý hiếm có bằng lá kè.

Nhân vật Subba Row nói ở trên là hội viên thông thái và sáng chói nhất trong giới hội viên người Ấn. Nay hội có giải thưởng Subba Row hằng năm trao tặng cho ai có công truyền bá MTTL, nhưng khi ông mới gặp hai vị sáng lập thì chưa có kiến thức gì về văn chương Phạn ngữ. Lúc đi học Subba Row được trao tặng học bổng và giải thưởng về Anh ngữ và tâm lý, tuy nhiên ông tỏ ra không chú ý đến huyền học, chuyện tâm linh hay kinh điển cổ của Ấn Độ. Sau khi ông qua đời năm 34 tuổi, ông Olcott hỏi thăm mẹ Subba Row, một phụ nữ học thức thuộc giai cấp Brahman là giai cấp cao nhất trong xã hội Ấn, về sự việc và ghi:

– Bà kể rằng con trai chỉ khởi sự bàn luận về siêu hình học sau khi gặp hai vị sáng lập Hội; mới đầu là liên lạc thư từ với HPB và Damodar và sau đó thành tình thân khi đôi bên gặp nhau năm 1882 tại Madras. Làm như kho tàng về kinh nghiệm huyền bí bỏ quên đã lâu nay đột nhiên mở rộng cửa cho ông, ông nhớ lại chuyện kiếp trước, nhận ra Guru của mình và từ đó tiếp xúc với ngài và các Chân sư khác, có trao đổi với chính các ngài tại trụ sở Hội và bằng thư từ với những Vị ở nơi khác. Ông cho mẹ hay rằng HPB là một Yogi tài giỏi, và đã chứng kiến nhiều hiện tượng lạ lùng khi có mặt của bà.

Về phần Subba Row thì ông viết cho bạn:

– Thiên Đoàn khắp nơi trên thế giới nay có luật là muốn được thâu nhận vào hàng ngũ thì người ta phải gia nhập Hội Theosophia. Tôi không lầm khi cho anh hay rằng tự bản thân tôi biết nhiều trường hợp là đệ tử - một người là đệ tử rất cao... bị Guru thúc giục gia nhập Hội, bằng không sẽ bị các ngài bỏ rơi -.

Điều này phù hợp với việc một trong các Chân sư viết cho ông Sinnett:

– Phong trào này có nhiều điều mà bạn không hề hay biết, và công việc của Hội Theosophia có dính liền với công việc tương tự đang bí mật diễn ra trong khắp các phần đất trên thế giới.

Đó là chuyện ban đầu về Subba Row, về sau càng lúc ông càng bớt trợ lực cho Hội, vì nghĩ rằng có những hiểu biết tâm linh chỉ thuộc về ai trong giai cấp Brahman của ông mà thôi, không thể đem chia sẻ cho người da trắng. Năm 1884 vào lúc có bản báo cáo bất lợi của Richard Hogdson và SPR (The Society of Psychic Research - Hội Nghiên Cứu Tâm Linh), ông viết cho HPB:

– Bà có tội nặng nhất trong các tội. Bà đã tiết lộ bí mật của Huyền bí học - điều thiêng liêng nhất và ẩn kín nhất. Thà bà bị hy sinh còn hơn là dạy cho người Tây phương những điều không hề dành cho họ. Người ta tin tưởng quá nhiều vào bà. Đã tới lúc cần làm cho họ nghi ngờ, bằng không họ sẽ gợi ra hết nơi bà tất cả những gì bà biết. 

1883

So với những năm trước bà đi ra ngoài nhiều, năm nay bà dành thì giờ làm việc tại trụ sở Hội hơn, viết bài cho báo The Theosophist, tính ra gần 700 trang sách trong bộ Collected Writings cho riêng năm ấy. Bà đưa ra nguyên lý thất nguyên trong huyền bí học, nói về con số bẩy thấy trong bản chất con người cũng như vũ trụ, đây là nguyên lý căn bản của MTTL. Nói về con người thì tính chất này biểu lộ qua việc con người có bảy nguyên lý, ghi trong quyển Chìa Khóa TTH (The Keys to Theosophy) như sau:

Tứ Thể Hạ hư hoại

Thể Xác (Sthula)

Thể Phách (Linga Sarira)

Sinh Lực (Prana)

Ham Muốn và Dục Vọng (Kama Rupa)

Tam Thể Thượng bất hư hoại

Trí Năng (Manas)

Linh hồn thiêng liêng (Buddhi)

Tinh Thần (Atma).

Trí Năng hay Manas được xem là gồm hai phần trong lúc tái sinh, phần thấp liên kết với tứ thể hạ được gọi là Hạ Trí hay trí não; phần cao hòa hợp với Buddhi và Atma gọi là Thượng Trí hay trí trực nhận. HPB giải thích: 'Cuộc sống tương lai và vận mạng theo nhân quả của người tùy thuộc vào việc Manas đi xuống thấp về Kama Rupa, chỗ trụ của nguyên lý thú tính, hoặc hướng lên trên về Buddhi cái Ngã Tinh thần', nơi phát sinh tiếng nói lương tâm và tình thương cùng từ tâm lan ra cùng khắp. Bà định nghĩa Atma 'là một với Vô Cùng, là một tia của cái trước'.

Bẩy nguyên lý này được trình bầy trong quyển Esoteric Buddhism của ông Sinnett xuất bản năm 1883. Sách làm độc giả tây phương kinh ngạc. Các giáo hội Thiên Chúa giáo như Công giáo hay Tin Lành chỉ giảng dạy rằng con người có hai phần là thân xác và linh hồn, mà giảng dạy này cũng không nói rõ con người là linh hồn có thân xác hay ngược lại. Đa số người tin họ là thân xác vì giáo hội dạy rằng muốn lên thiên đàng, xương thịt phải được phục sinh! Vì vậy linh hồn trở thành điều chi đó mơ hồ trôi nổi quanh quất, không ảnh hưởng mấy cuộc sống của ta.

Theo MTTL, sự phân chia làm bẩy phần không phải chỉ thấy riêng nơi con người mà áp dụng cho tất cả những loài khác, kể luôn kim thạch. Sự khác biệt trong các loài tùy vào việc trong bẩy nguyên lý có bao nhiêu cái tiềm ẩn và bao nhiêu linh hoạt. Chỉ nơi cá nhân đã hoàn thiện trọn bẩy nguyên lý mới linh hoạt hoàn toàn. Điểm chung cho tất cả các loài là mọi vật đều sống động và đang tiến hóa, và có khả năng ghi nhận cùng phản ảnh ấn tượng.

Nhờ vào khả năng này mà ta mới có thể giải thích được khoa cảm thị hay tâm kế học (psychometry). Trong thư gửi cho bà dì Nadya rất thân chỉ hơn mình hai tuổi, HPB cho một thí dụ về tính chất ghi nhận rất lạ lùng này:

– Cháu nhận được xấp báo Novoye Vremyas của dì gửi và lên giường lối sau mười giờ một chút (dì biết là cháu dậy lúc năm giờ). Cháu lấy một tờ gần mình nhất mà không chọn, nằm dài người suy nghĩ mải miết về một cuốn sách Phạn ngữ mà cháu tin sẽ giúp phê bình học giả Max Muller một cách lý thú trong tờ báo của cháu. Vậy dì thấy là cháu không nghĩ chi về dì cả, trong khi đó tờ báo vẫn nằm trên gối dưới đầu cháu, phủ một phần trán.

Đột nhiên cháu thấy mình được mang về căn nhà xa lạ mà lại quen thuộc, căn phòng thấy mới mẻ nhưng cái bàn giữa phòng thì lại thân quen; và ngồi ở bàn là dì – dì thân yêu của cháu, đang ngồi hút thuốc và suy nghĩ rất lung. Mâm cơm tối đã dọn lên bàn nhưng không có ai khác trong phòng, chỉ có vẻ như cháu thoáng thấy dì Catherine đi ngang qua cửa. Rồi dì giơ bàn tay ra lấy tờ báo trên bàn để nó sang bên. Cháu chỉ có giờ đọc tên báo Herald of Odessa, rồi sau đó mọi việc biến mất. Nhìn thì có vẻ như không có gì lạ trong chuyện này, nhưng chuyện lạ là như sau.

Cháu tin chắc là đã mang tờ báo Novoye Vremya vào giường, và nhớ lại đã thấy hình ảnh trong đầu vài lát bánh mì đen trên bàn cạnh dì, bất ngờ cháu nẩy ý muốn nếm miếng bánh, dù chỉ là mảnh vụn. Cháu tự hỏi mình điều ấy có nghĩa gì. Chuyện gì đã khiến cháu có ý muốn đó ? Để quên chuyện không thể làm được ấy, cháu mở tờ báo ra khởi sự đọc, mà xem này, đó là tờ Herald of Odessa, không phải tờ Novoye Vremya trong tay cháu chút nào hết. Và hơn thế nữa, dính trên báo có những vụn bánh mì lúa kiều mạch mà cháu ước ao!

Hóa ra những vụn bánh này đụng vào trán cháu đã truyền vào tâm thức cháu trọn khung cảnh, không chừng đã xẩy ra vào đúng phút chúng dính vào tờ báo. Nếu như thế thì vụn bánh mì tác động như là máy chụp hình; những vụn bánh khô cho cháu niềm vui thật sâu đậm, mang cháu trở về với dì trong một phút ngắn ngủi. Cháu cảm được trọn không khí ở nhà nên trong nỗi vui mừng cháu liếm miếng vụn lớn nhất, còn những miếng nhỏ hơn thì đây – cháu cắt ra vì chúng dính vào tờ báo và gửi trở lại cho dì. Để chúng quy cố hương mang theo một phần tâm hồn của cháu.

Ra ngoài đề một chút thì Nadya dần dần chú tâm đến TTH, vào tháng tám 1883 bà chủ động trong việc thành lập chi bộ tại Odessa và giữ chức chi trưởng.

Nay chuyện tại Âu châu làm hai vị quan tâm. Năm 1882 ông Sinnett bị cho nghỉ chức chủ biên tờ The Pioneer tại Ấn, nên gia đình về Anh và tới nơi tháng 5, 1883. Tháng giêng năm 1884, chi bộ London bầu chi trưởng mới là bác sĩ Anna Bonus Kingsford, bà thiên về triết lý thông giáo (Gnostic) trong Thiên Chúa giáo và triết lý cổ (Hermes) của Ai Cập hơn là triết lý đông phương, tức khác với thị hiếu của ông bà Sinnett và nhiều hội viên khác. Sách của bà về Thiên Chúa giáo bí truyền rất được hâm mộ, đặc biệt là quyển The Perfect Way or The Finding of Christ, xuất bản năm 1882. Đây là nhân vật đặc biệt mà nếu thuận tiện, xin đề nghị bạn đọc thêm quyển tiểu sử của bà The Red Cactus (2007); tuy sinh trong thời trọng nam khinh nữ, việc giáo dục cho phái nữ bị giới hạn, bà có ý tưởng đi trước thời đại về nữ quyền và khi đại học y khoa tại Anh không nhận nữ sinh viên, Anna qua Pháp học lấy bằng bác sĩ.

 Anna tỏ ý nghi ngờ sự hiện hữu của các Chân sư, tuy nhiên các ngài lại ủng hộ chức chi trưởng của bà. Có hai chủ trương của Anna làm các ngài có nhiều thiện cảm, thứ nhất là bà quyết liệt chống đối việc mổ xẻ thú vật trong các thí nghiệm y khoa, thứ hai bà cổ võ mạnh mẽ việc ăn chay vào lúc đây là quan niệm mới mẻ tại Anh. Anna sử dụng kiến thức và kinh nghiệm của mình để hoạt động không ngừng cho hai việc ấy, bà thuyết giảng, viết bài khảo cứu, viết báo, có sự can đảm rất đáng phục.

Vào tháng 12, 1883, HPB bị ốm phải chống nạng; bệnh trở nặng hơn sang đầu năm 1884 và bác sĩ khuyến cáo là bà cần đổi không khí một thời gian, bằng không bà có thể chỉ sống được thêm ba tháng. Do vậy, có xếp đặt là bà đi Pháp với ông Olcott đi theo, vì ông cũng có việc phải làm là can thiệp với chính phủ Anh tại London để người Tích Lan có được tự do tôn giáo, họ đã bị cấm cản điều ấy trong mấy thế kỷ qua. Trong thời gian lưu lại London, ông cũng dự tính giải hòa vấn đề của chi bộ London giữa chi trưởng Kingsford và nhóm ông Sinnett.

Thấy trước là sẽ đi xa một thời gian nên hai vị có xếp đặt để công việc tiếp tục tại trụ sở Hội trong lúc họ vắng mặt. T. Subba Row được chọn làm quản lý tờ The Theosophist thay cho HPB trong giai đoạn này; ngoài ra một ban kiểm soát được thành lập để điều hành việc Hội, gồm một số hội viên tây phương và người bản xứ trong đó có bác sĩ Franz Hartmann người Đức. Ông Hartmann kể lại chuyện sau:

– Ngày đầu tiên tới Adyar, tôi có kinh nghiệm không ngờ sau với HPB, và cũng không hỏi mà được. Tôi vào phòng bà thấy bà đang viết bài. Không muốn làm rộn bà nên tôi ngồi xuống cạnh cửa sổ và nghĩ tới một bà bạn của mình, đã qua đời ở Galveston mấy năm trước, tự hỏi những 'nguyên lý' của bà bạn nay ra sao. Tôi để ý thấy bà Blavatsky lật tờ giấy và có vẻ như chơi với cây viết chì một cách lơ đãng, mắt nhìn xa xăm. Rồi bà đưa tôi tờ giấy, nó trả lời thắc mắc của tôi bằng một hình vẽ thể xác của bạn tôi nằm dài trên đất, có một tinh linh đứng cạnh nhìn thể tình cảm thoát ra, và một cầu vồng tượng trưng cho phần linh hồn của bà bạn đi lên những cõi cao hơn.

Ông viết thêm:

– Tôi nhận được nhiều bằng chứng tương tự về quyền năng huyền bí qua HPB, nhưng hiện tượng ngạc nhiên nhất đối với tôi là tôi thấy mình có thể viết các bài báo về những đề tài huyền bí cho tờ The Theosophist, và đứng thuyết giảng cho công chúng không có chuẩn bị trước tại Ấn rồi sau đó Mỹ, Đức và Ý, làm cử tọa thích thú theo dõi. Mà đó là tôi chưa hề nói trước công chúng trước khi qua Ấn.

Trở lại với ban kiểm soát, một trong những phần việc của họ là giám thị việc làm của ông bà Coulomb, cư ngụ tại nhà Hội ở Adyar. Nguồn cơn việc hai ông bà Coulomb đến giúp việc cho Hội đã ghi trong PST số 57, xin độc giả coi lại nếu cần. Ở đây, ta ghi chuyện là năm 1879, bà Coulomb viết bài bênh vực HPB đăng trên báo Times tại Tích Lan:

– Tôi không có quen bất cứ hội viên nào của Hội TTH, trừ bà Blavatsky. Tôi được biết bà từ tám năm qua và tôi phải nói sự thật là không thấy có gì không phải về cá tính của bà. Chúng tôi ở cùng thành phố và bà được xem là một trong những phụ nữ khôn ngoan nhất thời này. Bà Blavatsky là nhạc sĩ, họa sĩ, nhà ngôn ngữ học, tác giả, và tôi có thể nói là có rất ít phụ nữ ngay cả cũng rất ít các ông có hiểu biết nói chung về sự vật như bà Blavatsky.

Hai vị sáng lập rời Ấn Độ ngày 20 - 2, 1884, đi theo có Babula, người giúp việc cho bà Blavatsky và một số người Ấn trong đó có Mohini. Tầu chở họ cập bến Marseilles ngày 12 - 3, 1884. 

1884.

Tới Pháp, hai vị thấy rằng đi đâu cũng có người muốn gặp mình, thuở đó TTH bắt đầu được coi trọng, có chân đứng trong xã hội và trở thành thời thượng trong giới trí thức. Vị sáng lập thứ ba là William Q. Judge từ Hoa Kỳ trên đường sang Ấn cũng ghé lại Pháp làm việc với HPB vài tháng, còn chính bà viết về điều này như sau:

– Ông được lệnh của chân sư dừng chân ở đây để giúp tôi viết bộ The Secret Doctrine.

Tới Marseilles, hai vị HPB và ông Olcott đi Nice và là khách của công nương Caithness (nữ công tước Pomar) tại biệt thự của bà, về sau nhân vật này lên Paris ngụ tại đây và thành lập một chi nhánh của Hội TTH. Từ Nice, hai vị sáng lập đi Paris gặp Mohini và ông Judge ở đó. Bốn người cư ngụ tại số 46 đường Notre Dame des Champs do công nương Caithness mời, và đây là nơi làm việc của HPB trong suốt thời gian bà ở Paris.

Những tờ báo lớn tại Paris tỏ ra rất quan tâm đến hoạt động của hội viên TTH, ngày 1-4, 1884 tờ Le Rappel của văn hào Victor Hugo có đăng một bài ba cột về sự phổ biến của TTH, ngày hôm sau tờ Le Temps cũng có bài. Ngày 21-4, tờ Le Matin viết bài nửa cột về việc hội viên khắp nơi tựu về nhóm họp ở Paris. Cùng ngày, tờ British Morning News ở Paris phỏng vấn HPB, loan báo rằng một buổi nói chuyện lớn dành cho bà sẽ được tổ chức vào ngày 10-5, tại một trong những biệt thự lộng lẫy của công nương Caithness ở khu Faubourg St Germain tại Paris.

Trong lúc HPB và ông Olcott ở tại Âu châu, tại Ấn ban kiểm soát sa thải ông bà Coulomb vì có hành vi lầm lỗi, trong đó có một cáo buộc là đã lạm dụng quỹ của Hội. Hai ông bà tức giận và đi tới nhóm các nhà truyền giáo Thiên Chúa giáo (thuộc chi phái Presbytarian) tại Madras. Sau đó nhóm này loan báo là hai ông bà thú nhận đã trợ giúp HPB trong việc tạo ra nhiều hiện tượng giả mạo. Bà Coulomb cũng nói là khi quen biết HPB ở Cairo, bà khám phá HPB là người có đạo đức thấp (xin so lại với bài viết của bà năm 1879 ở trên).

HPB và ông Olcottcott qua ở Âu châu bẩy tháng trong năm 1884, đi nhiều nước để lo công việc Hội mà chủ yếu là tại hai nước Pháp và Anh. Ta sẽ dùng nhiều nguồn tài liệu để tìm hiểu những gì xẩy ra thời gian này:

– HPB, Sylvia Cranston

– My Guest - HPB. Francesca Arundale,

– Reminiscences of HPB, Bertram Keightley.

Hai vị sáng lập có chương trình thật bận rộn tại Âu châu, nơi nào họ đến cũng được nhiều người muốn tới gặp và trò chuyện. Lên tới Paris không lâu, ông Olcottcott rời nơi này đi London, và xếp đặt để mở buổi họp cho chi bộ London ngày 7 tháng tư, nhằm giải quyết tranh chấp giữa hai nhóm hội viên ủng hộ hai khuynh hướng khác nhau, một bên muốn học hỏi triết lý Đông phương ông Sinnett trình bầy trong quyển Esoteric Buddhism, bên kia thiên về triết lý Thiên Chúa giáo bí truyền, với chi trưởng là bác sĩ Anna Kingsford trưng ra trong các tác phẩm của bà. HPB cũng được mời nhưng từ chối không đi.

Tối hôm trước ngày họp, bà và ông Judge ngồi nói chuyện tại Paris, ông viết:

– Trong lúc đàm luận, tôi cảm được dấu hiệu khi xưa mỗi lần có thư của Chân sư, và thấy bà đang lắng nghe. Bà nói:

– Ông Judge này, Chân sư kêu tôi thử đoán xem việc lạ lùng nhất mà ngài có thể ra lệnh lúc này là gì ?

Tôi đáp:

– Là bà Kingsford được bầu làm chi trưởng.

– Thử chuyện khác đi, bà nói.

– Là bà được lệnh đi London.

Quả đúng vậy, ngài ra lệnh cho bà lấy vé tầu tốc hành lúc 7.45, và cho giờ chính xác những chặng tầu ngừng tại các trạm khác nhau và giờ tầu đến London. Những giờ này đều đúng mà chúng tôi không có thời biểu trong nhà. Bà không thích lệnh một chút nào và tôi có thể nói rằng với sức khỏe kém, thân hình dềnh dàng, chuyến đi rất cực nhọc cho bà. Nhưng tôi đưa bà ra ga, lên tầu và an vị, bà chỉ mang theo một túi xách tay nhỏ.

Suốt trong lúc ấy bà thú thật không hiểu tại sao lại có lệnh như thế, vì hội viên tại London có thể nghĩ bà làm vậy để tăng ảnh hưởng sau khi đã từ chối không đi, còn ông Olcott chắc chắn sẽ la lối khi gặp bà.

Trước khi HPB tới buổi họp thì việc bầu cử đã xong, nay chi bộ London có chi trưởng mới là ông Finch với ông Sinnett là chi phó và thư ký, và cô Francesca Arundale là thủ quỹ. Kết quả không giải quyết được tranh chấp và bầu không khí căng thẳng; ông Leadbeater mới vào hội trong thời gian này và có mặt tại buổi họp, ghi lại:

– Đột nhiên cánh cửa đối diện với chúng tôi mở toang và một phụ nữ to lớn mặc áo đen mau lẹ đi vào, ngồi xuống ở đầu ngoài của băng ghế chúng tôi. Bà ngồi đó lắng nghe vài phút cuộc tranh cãi trên bục, và rồi bắt đầu tỏ dấu hiệu rõ ràng là không còn kiên nhẫn. Khi thấy tình trạng không khả quan hơn, bà đứng bật dậy, thốt lên một chữ 'Mohini' bằng giọng ra lệnh trong quân đội, và bước ra khỏi cửa đi vào hành lang. Mohini với vóc dáng chững chạc, trang trọng vụt chạy xuống cuối căn phòng dài, và ngay khi tới hành lang, không dè dặt phủ phục người cúi đầu xuống đất trên sàn ngay chân của phụ nữ áo đen.

Nhiều người khác bối rối đứng dậy, không biết chuyện gì xẩy ra, nhưng một lát sau chính ông Sinnett chạy ra cửa phòng, trao đổi vài lời rồi quay trở vào phòng, ông đứng lên đầu băng ghế của chúng tôi, nói với giọng ngân vang:

– Xin cho tôi được giới thiệu đến chi bộ London, bà Blavatsky.

Không thể mô tả được cảnh tượng, hội viên rất đỗi hân hoan mà cùng lúc có sự nể phục, tụ quanh bà, người thì hôn tay, vài người quì xuống trước bà và hai hay ba người òa ra khóc. HPB điều khiển buổi họp, đòi hỏi có lời giải thích cho tình trạng rối ren, và sau đó thảo luận với ban điều hành chi bộ. Mọi người đi tới thỏa thuận là bà Kingsford nên tách ra lập một chi bộ tên The Hermetic Lodge, còn chi bộ London tiếp tục hoạt động như cũ.

Một nhân chứng khác là bà Mary Gebhard cũng có mặt hôm đó, thuật lại chi tiết sau:

– Vào ngày 7 tháng tư trong buổi họp của hội tôi có linh ảnh và thấy Chân sư. Lúc ấy tôi đang chăm chú lắng nghe bài diễn văn mở đầu của ông Olcott. Tôi thấy đứng bên phải của tôi ở đằng trước một chút có một người trông oai nghi, rất cao lớn và tôi nhận ra ngay lập tức là Chân sư, nhờ đã thấy bức hình mà ông Sinnett có. Ngài không mặc y phục trắng, mà tôi thấy dường như vải sậm với sọc mầu, quấn quanh người. Linh ảnh chỉ hiện ra vài giây, và tôi nghĩ những ai khác ngoài tôi cũng thấy Chân sư hiện diện ở buổi họp là ông Olcott, ông Mohini và đương nhiên là bà Blavatsky.

Bà Gebhard thêm rằng Mohini sụp lạy nhân vật này mà không phải HPB.

HPB lưu lại London một tuần, ngụ tại nhà ông bà Sinnett, và gặp gỡ nhiều hội viên tại London. Bà cũng đi thăm phòng thí nghiệm của khoa học gia Sir William Crookes. Trở lại Paris, HPB cùng ông Judge và Mohini đến Enghien, không xa Paris cho lắm, và ở đó khoảng ba tuần tại nhà của ông bà bá tước d'Adhémar. Ông Judge ghi:

– Bà tiếp tục chuyện viết lách, còn tôi theo lời yêu cầu của bà đọc lại kỹ bộ Isis Unveiled, ngồi trong cùng phòng, ghi chú ở cuối mỗi trang vì bà có ý dùng nó để chuẩn bị cho bộ The Secret Doctrine. Mỗi buổi chiều theo thói quen mọi người tụ trong phòng khách trò chuyện một lúc, và ở đây cũng như trong phòng ăn có diễn ra một số hiện tượng. Có nhiều cuộc thảo luận với bá tước một bên và HPB bên kia, thường khi đang giữa chừng mấy chuyện này, bà đột nhiên quay sang Mohini và tôi đang ngồi đó lắng nghe, nhắc lại cho chúng tôi những tư tưởng vừa nẩy sinh trong óc...

Có buổi tối sau khi ai nấy đã ở trong phòng khách một lúc, ngồi không có ánh đèn, ánh trăng chiếu trên mặt hồ và cảnh vật hoàn toàn tĩnh lặng, HPB chìm trong trạng thái trầm tư. Không lâu sau đó bà ngồi lên đi ra đứng ở góc cửa sổ nhìn ra mặt nước, trong chốc lát một chớp sáng dịu lóe vào phòng và bà lặng lẽ mỉm cười.

Sau khi HPB qua đời, nữ bá tước d'Adhémar viết về cùng sự việc:

– Làm như HPB đắm chìm trong tư tưởng, rồi đột nhiên bà đứng dậy ra khỏi ghế, đi tới cửa sổ đã mở rộng và giơ tay với cử chỉ ra lệnh. Người ta nghe tiếng nhạc thoảng nhẹ từ xa, tiến lại gần từ từ thành giai điệu yêu kiều tràn ngập căn phòng khách mà mọi người đang ngồi. Ai cũng nghe thấy điệu nhạc và có người nhận xét về nét đẹp của khúc nhạc và tiếng nhạc yếu dần rồi mất hẳn khi nó trôi ra xa.

Sau đó HPB trở lên Paris, rồi em gái bà là Vera và bà dì Nadya từ Nga sang, ở chơi với bà đến cuối tháng 6. Chuyện sau xẩy ra trong giai đoạn này và được các nhân chứng thuật lại trong bài đăng trên báo ngày 12 - 7 - 1884:

– Chúng tôi ký tên dưới đây đã chứng kiến hiện tượng sau:

Vào sáng ngày 11 - 6, chúng tôi hiện diện trong phòng khách của hội Theosophia tại Paris, khi người đưa thư mang tới một phong thư. Cửa phòng chúng tôi đang ngồi được mở rộng nên mọi người nhìn ra được hành lang. Người giúp việc mở cửa lớn khi có chuông reo, nhận lá thư từ người phát thư và mang vào cho chúng tôi ngay lập tức, đưa tận tay bà Jelihovsky (em gái HPB, tên Vera). Bà thẩy nó lên cái bàn tròn trước mặt mình mà ai nấy ngồi chung quanh.

Thư gửi cho bà dì Nadya của HPB, do thân nhân từ Nga là dì Catherine. Trong phòng có nhiều người và HPB cũng ngồi cạnh bàn. Vera nẩy ra ý ngay lúc đó và hỏi ngay HPB là bà có thể đọc nội dung của thư trước khi mở ra. Nghe vậy, HPB lập tức cầm lá thư còn dán kín, đưa lên áp vào trán và đọc to điều mà bà nói là nội dung của thư; bà còn viết chúng ra tờ giấy trắng trên bàn. Xong bà nói vì Vera vẫn còn cười và thách thức quyền năng của bà, bà sẽ cho ai hiện diện một bằng chứng rõ ràng hơn nữa là bà có thể sử dụng quyền năng tâm linh bên trong phong bì dán kín.

HPB nói rằng tên của bà có ghi trong thư và bà sẽ gạch dưới tên xuyên qua phong bì bằng bút chì đỏ. Để làm vậy bà viết tên mình lên tờ giấy lúc nẫy có ghi nội dung thư, cùng với hai tam giác lồng vào nhau bên dưới chữ ký người viết, mà bà sao ra tờ giấy nói trên. Bà làm vậy cho dù Vera nói rằng tác giả bức thư ít khi ký tên mình đầy đủ khi viết thư cho thân nhân, và ít nhất trong trường hợp này HPB sẽ thấy là mình lầm. HPB đáp:

– Muốn gì thì muốn, chị sẽ làm cho hai tam giác hiện ở chỗ tương ứng bên trong thư.

Kế tiếp bà đặt lá thư chưa mở bên cạnh tờ giấy ghi nội dung lên bàn, và đặt tay úp lên cả hai lá thư, bà nói như vậy để tạo cầu nối cho luồng năng lực tâm linh chạy qua. Rồi với nét mặt biểu lộ sự tập trung tư tưởng mạnh mẽ, bà giữ cho tay mình lặng yên một lúc, sau đó, bà thẩy lá thư ngang qua bàn tới em mình và nói:

– Tiens, c'est fait. (Đây, xong rồi).

Bà dì Nadya người có tên trên thư mở ra xem và thấy rằng bà Blavatsky đã quả thực ghi lại nội dung của thư, trong thư có tên HPB, tên được gạch dưới bằng bút đỏ như bà đã nói và hai tam giác chéo nhau được vẽ bên dưới chữ ký của người viết thư, và chữ ký có nguyên tên như bà đã mô tả. Chúng tôi còn ghi nhận một điểm lạ lùng khác, là một trong hai tam giác mà bà Blavatsky vẽ ra có chút khuyết điểm, và khuyết điểm này cũng được in lại y hệt bên trong lá thư dán kín.

Tên của các nhân chứng được liệt kê trong bài báo.

Vera hỏi ông Olcott làm sao HPB chuyển mầu chì đỏ từ bút chì ngang qua phong bì dán kín. Ông trả lời:

– Muốn phân tích hiện tượng này, ta cần hiểu rằng một trong những quyền năng còn ẩn dấu, hoàn toàn chưa biết và chưa được nghiên cứu là quyền năng thu hút, dời chỗ và di chuyển nguyên tử. Như thế trong trường hợp này, bà Blavatsky thu hút nguyên tử của cây bút chì đỏ vào sinh lực của bà, làm chúng luân lưu trong cơ thể như dòng điện, từ tay phải sang các ngón tay trái, rồi làm chúng đi ngang qua những lỗ rất nhỏ có trong tất cả tờ giấy nào, và đặt chúng vào chỗ mà bà đã ấn định trước bằng cách tập trung ý chí vào.

Vera gửi thư tả hiện tượng này cho báo Nga, trong đó có câu chuyện sau:

– Mấy hôm trước tất cả chúng tôi ngồi chung với nhau khi ông Judge nhận được trong xấp thư của ông một lá thư từ Hoa Kỳ, và ông lập tức mở ra. Chuyện đầu tiên làm ông chú ý không phải là nội dung thư mà là sự kiện có vài chữ được gạch dưới bằng mực đỏ, và có một câu viết chéo ngang qua tờ giấy bằng cùng thứ mực, với chữ ký quen thuộc của Chân sư... Thoạt tiên tôi nghĩ người viết ở New York có thể làm như thế, nhưng về sau tôi phải thay đổi ý tưởng của mình.

Khoảng hai ngày sau bà Blavatsky lắng nghe một người khách trẻ tuổi là anh Bertram Keightley. Anh phàn nàn bực bội về mẹ anh vì bà khăng khăng rằng hoặc anh quay về nhà ở Liverpool, hoặc tiếp tục chuyến đi ở lục địa Âu châu, vì lý do sức khỏe:

– Mẹ tôi rất sợ là tôi có thể bỏ hết mọi chuyện và theo bà đi Madras, anh nói...

Khi đó người đưa thư rung chuông, và trong số những thư khác, có một thư của bà Keightley gửi cho con trai. Anh mở thư không vội vàng hấp tấp, nhưng đột nhiên mặt anh đỏ bừng lên, và anh trông sửng sốt lẫn kinh sợ. Trong thư, chữ của mẹ anh về việc con cái phải tôn trọng và vâng lời cha mẹ được gạch dưới bằng mực đỏ với chữ ký quen thuộc.

Bà de Morsier, thư ký của hội tại Paris, cho tôi (Vera) hay là một lá thư của chân sư tới đúng lúc mà bà thấy cùng với phong bì đặc biệt của nó, nằm trong một lá thư khác không liên hệ, đã ngăn bà không tự tử, làm bà thành hội viên tận tụy hết lòng.

Trong một thư khác cho một tạp chí định kỳ của Nga, Vera ghi lại cuộc trò chuyện với chị mình về việc có thể dùng quyền năng tâm linh tạo nên đồ vật. Khi Vera ngỏ ý mạnh mẽ không tin là có hiện tượng như vậy, HPB trả lời:

– Thế thì đừng tin. Chị chẳng quan tâm chút nào về việc tin tưởng vào mấy chuyện tầm phào như thế.

Vera có năm con phải nuôi nấng và thường gặp khó khăn về tài chính, viết:

– Tôi tức giận tranh cãi là chuyện này không phải là không có nghĩa lý. Rằng nếu chị có thể tạo ra vàng và ngọc quí dễ dàng thì chị nên làm cho tôi giàu có. Chị tôi cười lớn và nói làm như thế sẽ là trò ma thuật, với kết quả có hại cho những ai liên quan đến chuyện. Chị bảo:

– Karma của em và của chị là bị nghèo và chúng ta phải chấp nhận nó. Nếu chị tìm cách làm giầu cho em hay chính chị bằng cách thức như thế, thì chị sẽ làm hại cả hai, không nhất thiết phải trong kiếp này mà trong nhiều thế kỷ sắp tới.

Tôi hỏi:

– Thế tại sao chị lại cho người khác món quà gây hại như vậy nếu nó mang lại chuyện xấu ?

Bà trấn an tôi rằng những chuyện kỳ lạ bà được phép làm là để thuyết phục người duy vật đầu óc đặc sệt, không hề hiểu chuyện gì trừ phi dí nó vào mũi họ, rằng có vô số quyền năng bên trong con người.

Trong bài viết Is Creation Possible for Man (The Theosophist, Dec 1881) HPB ghi rằng những vật được tạo ra theo phương pháp tâm linh không phải tự dưng mà có, mà được tạo từ vật chất đã có trước trong trạng thái thăng hoa. Khi làm chúng hiện ra được gọi là phép lạ, thì cũng như gọi sự kiện hơi nước tụ lại thành mây và rơi xuống thành mưa rồi thành băng là phép lạ, hoặc carbon ở thể lỏng kết tinh lại thành kim cương cứng chắc hơn hết thẩy là phép lạ. Đôi khi vật chất tụ lại để thành đồ vật đã ở sẵn thể đặc, như chuyện đã kể là HPB sắp xếp những hạt nguyên tử trong xâu chìa khóa để tạo thành cái còi tu huýt làm quà giáng sinh cho một em nhỏ.

Cuối tháng sáu, HPB rời Paris đi London. Thư bà viết ngày hôm trước đó ghi rằng:

–... Ngày mai tôi đi London... Tôi ốm và tinh thần không phấn chấn cho lắm. Vào những phút như vầy chỉ có Theosophia là khiến tôi tiếp tục làm việc.

Tới London ở ga xe lửa Charing Cross, cả Mohini và Keightley sụp xuống trước mặt bà làm người chung quanh kinh ngạc, như thể bà là tượng thần thánh chi. Cử chỉ này làm HPB bực bội, nhưng Mohini có lý do làm vậy. Hồi tháng tư 1884, tức trước khi hai vị sáng lập lên đường qua Âu châu, Mohini nhận được thư của Chân sư anh:

Thư cho riêng Mohini.

Người Âu châu coi trọng hình thức. Ta phải làm cho họ chú ý bề ngoài trước khi tạo được ấn tượng bên trong, lâu dài, thường xuyên. Hãy nhớ và tìm hiểu tại sao ta muốn con làm điều sau:

Khi Upasika (nữ đệ tử tức HPB) đến, con sẽ ra đón và chào bà như thể con chào bà tại Ấn, và như thể bà là mẹ con. Con phải làm người ta kinh ngạc, và nếu đại tá (ông Olcott) có hỏi tại sao, hãy trả lời ông rằng con chào con người bên trong, nhân vật sử dụng thân xác, mà không phải HPB, vì con được chúng ta căn dặn. Cho riêng con thì có chi tiết này, là Đấng cao cả hơn ta (tức đức Maha Chohan, đức Văn Minh) đã vui lòng ưng thuận xem xét trọn sự việc qua bề ngoài là bà, và rồi cũng bằng cách thức ấy, thỉnh thoảng đến thăm Paris và những nơi khác có hội viên nước ngoài cư ngụ. Vì thế con sẽ chào kính mỗi lần đến gặp hay rời bà ra về trong thời gian con ở Paris, bất kể lời phê bình và sự ngạc nhiên của bà. Đây là một thử thách.

Vào tháng năm sau khi anh đang ở Paris sau khi từ London về, Mohini nhận được một thư khác cũng từ Chân sư nói trên:

... Chớ quên rằng tất cả những thành quả tốt đẹp sẽ có cho nước Ấn Độ của chúng ta... đều do nỗ lực của riêng bà. Con khó mà bầy tỏ đủ lòng kính trọng và biết ơn đối với HPB, hoặc cho bằng bà xứng đáng được nhận.

Nói riêng về HPB, cung cách này làm bà rất khó chịu. Chuyện ghi rằng bà không ưa việc khen ngợi lấy lòng và bất cứ hình thức tôn kính nào bầy tỏ đối với bà. Có lần một hội viên Ấn đi tới trước mặt sụp xuống chạm vào chân bà và đảnh lễ (đây là tục lệ của Ấn và được thực hành hằng ngày, con cái đã lớn đều mỗi ngày có cử chỉ này đối với cha mẹ), HPB đứng bật dậy bước ra khỏi ghế và trách ông 'Tôi không phải là thánh, xin đừng tôn thờ tôi.'

Tại London, HPB cư ngụ sáu tuần tại nhà cô Francesca Arundale. Em gái cô mất sớm và cô nhận nuôi cháu trai nhỏ, George Arundale, sau này là hội trưởng hội Theosophia quốc tế. Francesca Arundale viết:

– Thói quen của bà khi ở với chúng tôi là dành ban sáng để viết bài. Bà hay bắt đầu lúc bẩy giờ sáng mà thường khi sớm hơn, nghỉ một chút để ăn trưa rồi tiếp tục đến ba hay bốn giờ chiều. Sau đó thì bà tiếp khách cho đến tối, khách liên tục nối đuôi nhau gặp bà. Tự nhiên là nhiều người đến vì hiếu kỳ, do tiếng tăm về quyền năng của bà. Lúc ấy hội nghiên cứu chuyện siêu hình (Society for Psychical Research SPR) chưa tìm hiểu những chuyện xẩy ra trong Hội tại Adyar, và một số thành viên của họ thường có mặt để mong được chứng kiến những chuyện lạ lùng họ muốn thấy.

Khoảng thời gian tôi thích nhất luôn luôn là vào sáng sớm, lúc đó bà luôn luôn dễ nói chuyện, miệng xếp thành đường cong ưa nhìn, mắt sáng và hiền từ, và làm như bà luôn luôn hiểu và thông cảm không những với điều mà ta muốn nói, mà cả với điều ta không nói. Tôi không hề cảm thấy sợ hãi HPB, dù đôi khi bà dùng ngôn ngữ rất mạnh. Bằng cách nào đó ta luôn luôn cảm biết đó chỉ là ngôn ngữ mạnh ngoài mặt mà thôi.

Tôi có thể liệt kê biết bao trường hợp này rồi kia về hiện tượng, nhưng bà Blavatsky coi nhẹ những điều này, và chúng là phần nhỏ nhất trong sự nghiệp của bà; cũng như ai chỉ đến để mong được thấy hiện tượng, chỉ là một phần của đám đông. Nhiều người nhiệt thành tìm hiểu về khoa học và triết học sẽ tới lui nhiều bận, bị thu hút bởi quyền năng của óc thông minh tỏ ra vô cùng giỏi dang trong cách bà xử sự với nhiều đề tài nêu ra cho bà. Những giáo sư trang nghiêm của đại học Cambridge đến và dành trọn buổi chiều trò chuyện với HPB, và nay tôi có thể thấy trước mặt hình ảnh to lớn của bà mặc áo rộng ngồi trong ghế bành lớn, với giỏ thuốc lá kế bên, trả lời những câu hỏi sâu xa, uyên bác về lý thuyết của vũ trụ học, và những luật quản trị vật chất.

Rất thường khi Mohini Chatterji sẽ giải đáp thắc mắc về triết lý Ấn Độ. Tôi ít khi gặp ai mà có thể đưa ra lời giải thích rõ ràng và mạnh mẽ như vậy, bằng ngôn từ hết sức đẹp đẽ. Người ta rất thích nghe bài nói chuyện của anh, và chúng tôi ít khi hết khách trước một hay hai giờ sáng.

Có thể có những lúc Mohini được một vị cao hơn anh ảnh hưởng. Trong một thư gửi cho ông Sinnett viết trước khi nhóm bà và ông Olcott sang Âu châu, HPB nói kín đáo là chuyện này sẽ xẩy ra:

– Đừng nhầm lẫn một Mohini mà ông biết, với một Mohini sẽ đến, xếp nhé... Sứ giả sẽ được cấp một bề trong cũng như y phục bề ngoài.

....

Mohini cộng tác với bà Laura Holloway để viết quyển Man: Fragments of Forgotten History. Bà mới từ New York đến để gặp các hội viên tại London, và trong một khoảng thời gian cũng ở nhà của Francesca Arundale cùng với bà Blavatsky. Lúc ban đầu, có nhiều hy vọng là bà sẽ là một người làm việc tương lai cho phong trào Theosophia, khả năng viết sách và tâm linh của bà được ông Judge chú ý và khen ngợi, còn HPB khi được biết Laura sẽ tới thì mong tìm được người tiếp tục công việc cho bà.

Dầu vậy, bà Laura Holloway (L.H.) không đáp ứng lại lòng mong đợi ấy, trong thư cho Francesca Arundale một Chân sư viết:

– Đầu tiên là nói về bạn của con, L.H. Tội cho bà! Khi liên tục đặt cái ngã lên trên và đằng trước Chân ngã bên trong và tốt đẹp hơn – tuy bà không biết – trong tuần qua bà đã làm những chuyện khiến bà tách lìa khỏi chúng ta hoàn toàn... Như bà có nói, cách của bà không phải là cách của chúng ta, cũng như bà không hiểu những cách ấy. Cái ngã ảnh hưởng quá mạnh ý tưởng của bà về tính thích hợp của việc, chắc chắn bà không sao hiểu được cách hành động trong cõi sinh hoạt của chúng ta.

Hãy cho bà hay một cách nhẹ nhàng, rằng nếu HPB (như là một thí dụ) có sai lầm tối qua – như quan điểm tây phương luôn luôn cho là như thế, khi tính bốc đồng tự nhiên của bà có vẻ như không tế nhị và thật thô lỗ – nói cho sát thì bà làm vậy theo lệnh trực tiếp của Chân sư bà. Bà không hề có phút nào kể đến chuyện có coi được hay không, khi lo thực hành lệnh như thế. Theo nhãn quan của các con, thành phần văn minh và có văn hóa của nhân loại, việc bầy tỏ cảm xúc thực trong buổi họp mặt xã giao là một lỗi không tha thứ được; nhưng theo quan điểm của chúng ta – tức người Á châu thiếu văn hóa – nó lại là đức tính cao tột nhất. Trước khi nó thành thói quen cho bà, HPB đã phải đau khổ vì bản tính tây phương của mình, và thực hành nó như là việc hy sinh thanh danh của bà.

Trong lúc HPB bận rộn khách khứa tại London và Paris, ông Olcott cũng đi lo công việc của ông, có những buổi giảng và gặp gỡ nhiều người tiếng tăm để làm họ chú ý đến Theosophia. Ông gặp các nhân vật như thiên văn gia Camille Flammarion, giáo sư John Couch Adams người khám phá ra hành tinh Neptune khoa học gia Sir William Crookes, văn sĩ, thi sĩ v.v., đến nói chuyện tại đại học Oxford v.v.

Ông cũng tiếp xúc với các thành viên của SPR, và cho tổ chức này hay ông sẵn lòng để cho họ xem xét như là một nhân chứng, về những hiện tượng do HPB hoặc các vị thầy của bà làm ra xuyên qua bà. Sau đó một tiểu ban được lập ra cho mục đích này và mở nhiều cuộc họp, cả Mohini và ông Sinnett cũng được xem xét, nói thêm thì ông Sinnett là một hội viên của SPR. Tiểu ban này có ông Frederic Myers, cũng là hội viên của hội Theosophia. Trong một buổi phỏng vấn ông Myers hỏi ông Olcott là có thể nào thuyết phục được HPB để thực hiện vài hiện tượng tâm linh trước mặt tiểu ban. Khi biên bản buổi họp được công bố thì trong phần cước chú có ghi câu trả lời của bà:

– Không ai có thể thuyết phục tôi làm vậy, trừ phi Chân sư ra lệnh tôi hy sinh mình thêm lần nữa – H.P.Blavatsky.

Tại sao bà không ưng thuận ? Câu chuyện sau do Francesca Arundale ghi lại có thể giải thích phần nào. Chuyện diễn ra khi ông Myers đến nhà cô thăm HPB:

Bà và khách bắt đầu nói về hiện tượng và ông tỏ ra rất thích thú. Ông nói:

– Tôi mong sao bà có thể cho tôi bằng chứng về quyền năng huyền bí của bà. Bà có thể làm một điều gì đó để chứng minh là có những lực huyền bí mà bà vừa đề cập tới ?

– Làm vậy thì có lợi gì ? bà Blavatsky hỏi. Dù ông có thấy và nghe ông cũng sẽ không tin.

– Cứ thử xem sao, ông nói.

Bà nhìn ông một chốc theo cách thức lạ lùng, xuyên thấu của mình, rồi quay sang tôi và nói:

– Xin cho một bát nước.

Hai người ngồi trong phòng sáng trưng ánh trời chiều mùa hè; bà ngồi bên phải ông Myers, còn ông ngồi trong ghế nhỏ cách xa chừng một thước. Tôi mang lại cho bà cái chén nước bằng thủy tinh, và bà kêu tôi đặt nó trên một cái ghế đẩu ngay trước mặt ông Myers, hơi xa bà. Tôi làm y vậy. Chúng tôi ngồi một chốc, lặng lẽ chờ đợi và rồi từ cái bát vang ra bốn hay năm nốt, hay được gọi là tiếng chuông trung giới. Thấy ngay là ông Myers kinh ngạc, ông nhìn HPB và bàn tay xếp lại trong lòng của bà, rồi nhìn trở lại cái bát thủy tinh; không có liên kết nào thấy được giữa hai phần. Những nốt của cái chuông trung giới lại vang lên, trong trẻo thánh thót, và bà Blavatsky không chút động đậy.

Ông quay sang tôi, và ta có thể thấy là ông bị hoang mang không biết làm sao có tiếng chuông. HPB mỉm cười và nói:

– Không có gì tuyệt vời cho lắm, chỉ là hiểu biết nhỏ về cách điều khiển vài lực của thiên nhiên.

Khi ông Myers ra về, ông quay sang tôi và nói:

– Cô Arundale, tôi sẽ không bao giờ nghi ngờ nữa.

Nhưng ai ngờ được cái trí đa nghi, hay thay đổi. Chưa tới hai tuần sau ông viết thư, bảo là ông không tin, và âm thanh có thể được tạo ra bằng cách này hay cách khác. HPB không chút dao động mà giải thích:

– Tôi đã biết trước, nhưng nghĩ cứ cho ông được điều mà ông hỏi xin.

Bởi luôn luôn có cách giải thích cho qua về hiện tượng, đó là lý do tại sao rất khó mà chứng minh sự thực về những luật huyền bí. Khoa học thuần túy thỉnh thoảng cũng gặp cùng vấn đề khi tìm cách chứng tỏ những hiện tượng vật chất. Thực vậy, theo khoa học gia danh tiếng Gregory Bateson:

– Khoa học thăm dò, nó không chứng minh. Nó luôn luôn bị giới hạn bởi dụng cụ mà nó sử dụng. Nếu ta sáng chế ra một viễn vọng kính hoặc kính hiển vi mạnh hơn, hoặc tạo ra một máy cyclotron dài hơn và vật gì từ xưa đến nay chưa được khám phá ra, sẽ được tiết lộ, và những lý thuyết hiện thời có thể phải hay đổi, có khi từ căn bản.

Trong quyển The Secret Doctrine (1:477–78) HPB nhận xét:

Do chính bản chất của nó, khoa học không thể vén màn bí mật chung quanh chúng ta. Đúng là khoa học có thể thâu thập, phân loại và tổng quát hóa hiện tượng; nhưng huyền bí gia, biện luận từ dữ kiện siêu hình được nhìn nhận, tuyên bố rằng nhà thám hiểm gan dạ, ai thăm dò những bí mật sâu kín nhất của thiên nhiên, phải vượt qua cái giới hạn chật hẹp của giác quan, và đưa tâm thức mình vào cõi của căn do và vùng của nguyên nhân tiên khởi. Muốn làm được vậy họ phải phát triển những quan năng hiện đang ngủ im – ngoại trừ trong vài trường hợp biệt lệ – trong cơ thể của con người.

Khi so sánh khoa học đông phương và tây phương, tiến sĩ Walt Anderson nhận xét:

– Chúng ta ở phương tây quá thán phục máy móc nên tin rằng chỉ có chúng là có thể khám phá được sự thực. Làm như nhiều vật lý gia không thấy rằng thực tại lộ ra trong nghiên cứu và lý thuyết của họ có thể được kinh nghiệm.

Ông thêm là ở phương tây:

– Vũ trụ được khám phá bằng máy cyclotrons, tia lasers và viễn vọng kính, trong khi ở đông phương,

– Khoa học phần lớn là không có tính kỹ thuật, mà dựa trên cơ thể cùng cái trí có kỷ luật, như là việc tham thiền thâm sâu.

Trong tác phẩm tuyệt diệu Yoga Sutra của Patanjali có câu này:

– Bằng cách tập trung cái trí vào vật cực tiểu, che dấu hoặc xa xôi, trong mỗi mặt của thiên nhiên, người khổ hạnh có được hiểu biết trọn vẹn về chúng.

Lời bàn về câu này ghi là:

– Chữ 'hiểu biết' dùng ở đây có ý nghĩa rộng lớn hơn là ta quen hiểu nó. Chữ hàm ý sự đồng hóa hoàn toàn của cái trí, trong một khoảng thời gian, với bất cứ vật gì hoặc đề tài gì mà nó hướng tới.

Ta có thể tưởng tượng là có khoa học gia đương thời nào chịu làm như thế chăng ? Tìm hiểu thì khoa học gia Brian Josephson của đại học Cambridge, được giải thưởng Nobel về vật lý học năm 1978, và là vật lý gia tiếng tăm trên thế giới, coi trọng rất mực triết lý đông phương bí ẩn. Ông đánh cá với uy tín khoa học đáng kể của mình, rằng ông có thể đạt được hiểu biết về thực tại khách quan bằng cách thực hành kỹ thuật tham thiền lâu đời của đông phương.

Tập luyện và làm hoàn thiện dụng cụ là con người để thành vật tiếp nhận chân lý thì không phải là công việc dễ dàng, nhưng một Chân sư đã viết:

 Bạn hãy tin tôi, sẽ tới một lúc trong đời vị đạo đồ khi những khổ cực mà ngài trải qua được ban thưởng ngàn lần. Muốn có được thêm hiểu biết, ngài không cần phải đi qua diễn trình chậm chạp, li ti của việc nghiên cứu và so sánh những vật khác nhau, mà có được hiểu biết tức thì, rõ ràng của mỗi một chân lý... Vị đạo đồ thấy và cảm và sống ngay tại nguồn của mọi chân lý căn bản...

Trong khi ấy, những tia chớp của trực giác có thể giải được nhiều vấn đề nhỏ hơn, kiểm bằng óc lý luận và chứng cớ hiện có.

Vào tháng tám, HPB đi Cambridge vài ngày theo lời mời của SPR, trong dịp này bà gặp ông Richard Hodgson, một hội viên của SPR. Không lâu sau đó ông được chọn làm điều tra viên cho SPR về những hiện tượng mà HPB và các vị thầy của bà tạo ra ở Ấn Độ. Ông Olcott đã mời có cuộc điều tra này, nhưng HPB nghi ngại về quyết định ấy của ông.

Giữa tháng tám, HPB rời Anh đi Elberfeld, Đức quốc; ông Olcott đã cho thành lập một xứ bộ Thesophia tại đây trước khi bà đến. Bà là khách của gia đình ông bà Gustav và Mary Gebhard và ở đó bẩy tuần. Cùng đi với bà có Laura Holloway, Mohini, Bertram Keightley và gia đình Arundales.

Gia đình Gebhard đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử phong trào Theosophia. Ông Gustav là một nhà ngân hàng giàu có và là nhà sản xuất tơ lụa. Ông từng là lãnh sự tại Iran, có khiếu về ngôn ngữ và nói thông thạo Anh và Pháp ngữ. Bà Mary vợ ông có khuynh hướng bẩm sinh về triết lý và huyền bí học; được nghe nói về hội Theosophia, bà liên lạc với ông Olcott và rồi gia nhập hội. Đa số các con của hai ông bà cũng trở thành hội viên.

Chương XI

Vụ Coulomb-Hodgson

 Nay ta ghi lại vài chuyện xẩy ra tại Elberfeld khi HPB tới viếng thăm nơi ấy vào tháng 8-1884. Cùng với bà, ông Gustav Gebhard cũng mời một số người khác đến ghé nhà chơi nhiều ngày. Phòng khách tại gia trang của ông bà là một phòng rộng, trần cao với cửa rất cao. Thân hữu thường ngồi trong phòng này chuyện vãn trước khi xuống ăn tối ở tầng dưới. Đôi khi HPB không xuống ăn cùng, mà được dọn bữa trong phòng bà trên lầu.

Tối hôm có chuyện dưới đây, HPB ở trên lầu, ngồi trong ghế bành to trong khi mọi người xuống nhà dùng bữa, và bà chủ nhà hỏi HPB muốn dùng gì để cho người giúp việc mang lên. Sau bữa tối, chủ và khách quay về phòng này, thấy HPB ngồi yên lặng trong ghế của bà như thể nẫy giờ không hề rời nó. Thân hữu tụ lại chung quanh bà như thường lệ và trò chuyện rồi có người nói:

– Có vật gì trăng trắng trên đầu cánh cửa vậy ?

Người ta mang ghế đến và lấy vật đó xuống, hóa ra đó là một phong bì (có thư của đức K.H.) gửi cho cô Arundale khi ấy là thủ quỹ chi bộ London. Với thân hình to lớn, không thể nào có việc HPB đặt thư ở chỗ ấy nên có vẻ như thư muốn chứng tỏ sự việc không liên hệ gì với HPB.

Vào ngày 25-8-1884, Rudolph con trai ông bà Gebhard thuật:

– Tôi luôn luôn thích làm trò ảo thuật. Hồi ở London tôi có học với thầy Field là một ảo thuật gia trứ danh, khiến tôi trau dồi và trở nên rất khéo léo. Từ lúc ấy về sau tôi trình diễn nhiều lần một cách tài tử, làm quen hầu hết những 'bậc sư' của thuật này, và trao đổi các thủ thuật với họ. Tôi quan sát rất kỹ khi những diệu thủ này trổ tài, vì vậy thói quen đó làm tôi thành quan sát viên tinh anh về những thủ thuật, nó làm tôi mạnh dạn nhận xét về hai chuyện xẩy ra tại nhà chúng tôi ở Elberfeld trong thời gian bà Blavatsky, ông Olcott và một số nhỏ thân hữu, hội viên đến ngụ.

Chuyện đầu tiên là một thư của đức K.H. gửi cho ba tôi, diễn ra vào buổi tối trước sự hiện diện của một số nhân chứng. Lúc đó khoảng chín giờ tối. Chúng tôi ngồi trong phòng khác thảo luận nhiều đề tài khác nhau, rồi bà Blavatsky chợt để ý thấy có việc khác thường đang xẩy ra trong phòng. Một lát sau bà nói mình cảm thấy có sự hiện diện của các 'Chân sư'', và có lẽ các ngài có ý làm một điều gì đó cho chúng tôi. Thế nên bà hỏi chúng tôi muốn có chuyện gì xẩy ra. Mọi người thảo luận một lúc ngắn xem điều gì tốt nhất, và cuối cùng đồng ý là hỏi xin một thư viết cho ba tôi, G. Gebhard, về đề tài mà ba sẽ chọn thầm trong trí.

Vào lúc đó, ba tôi lo lắng nhiều về anh tôi đang ở tại Hoa Kỳ, và rất mong muốn có lời khuyên của Chân sư về con trai mình. Trong khi ấy, bà Blavatsky, vì bị ốm lúc gần đây nên ngồi nghỉ ở ghế dài và nhìn quanh phòng. Đột nhiên bà nói to rằng có chuyện gì đó với bức tranh sơn dầu lớn treo bên trên cây dương cầm trong phòng, bà thấy có gì tựa như một tia sáng xẹt về hướng bức tranh. Lời này lập tức được bà Holloway xác nhận, và rồi mẹ tôi cũng đồng ý; mẹ tôi ngồi đối diện với một tấm gương lớn quay lưng về bức tranh và cũng thấy phản chiếu trong gương như tia sáng mờ, đi về hướng bức tranh. Khi ấy bà Blavatsky hỏi bà Holloway xem kỹ và cho biết chuyện gì đang xẩy ra. Bà Holloway nói là thấy có gì đó đang thành hình bên trên bức tranh, nhưng không thể thấy rõ đó là vật chi.

Bây giờ ai nấy chú ý vào bức tường cao bên dưới trần nhà, chỗ mà nhiều người thấy có những tia sáng chói, nhưng tôi phải nói là về phần mình, bởi không có thông nhãn, tôi không thể thấy ánh sáng hay chuyện gì khác ngoại trừ những gì tôi vẫn luôn thấy trên tường. Và khi bà Blavatsky bảo nay bà tin chắc rằng có gì đó đang xẩy ra, tôi đứng dậy (tất cả chúng tôi đều đang ngồi) và trèo lên cây dương cầm, lấy tấm tranh khỏi tường nhưng vẫn còn dính vào móc, lắc kỹ và nhìn đằng sau tranh, nhưng không thấy gì cả! Gian phòng có đèn chiếu sáng, và không có cm nào của tấm tranh mà tôi không thể thấy. Tôi thả bức tranh trở lại chỗ, nói không thấy có gì, nhưng bà Blavatsky nói bà cảm thấy chắc chắn là phải có cái gì đó, nên tôi leo lên trở lại và thử tìm lần nữa.

Bức tranh này là tranh sơn dầu lớn, có dây treo vào móc trên tường ở trên đầu, thành ra khi phần dưới được nâng ra khỏi tường thì có một khoảng cách 15 cm giữa tường và mặt sau tấm tranh, cái sau hoàn toàn không đụng tường. Hai bên tranh có hai đèn gaz và khoảng không giữa tranh với tường được chiếu sáng. Dầu vậy lần thứ hai này tôi cũng không thấy có gì như lần đầu, tuy dòm rất kỹ. Để cho chắc, tôi leo lên cây dương cầm, đưa tay lên xuống dọc theo khung tranh hai lần mà cũng không thấy gì, khung dầy gần 8 cm.

Thả bức tranh trở lại chỗ cũ, tôi quay lại bà Blavatsky hỏi bà muốn tôi làm gì thêm, thì bà kêu lên:

– Tôi thấy bức thư, nó có đó!

Tôi lẹ làng quay lại bức tranh và thấy vào lúc ấy một bức thư rơi xuống đằng sau nó lên trên cây dương cầm. Tôi nhặt lên, thư gửi cho 'Herr Consul G. Gebhard' (Ông Lãnh sự G. Gebhard), và viết về điều mà ba tôi muốn hỏi. Mặt tôi hẳn phải lộ vẻ hoang mang, vì mọi người cười nhạo vui vẻ 'anh chàng ảo thuật gia trong nhà'.

Đối với tôi đây là một hiện tượng được diễn ra trọn vẹn nhất. Không ai đụng vào bức tranh ngoài tôi ra; tôi cẩn thận xem xét nó thật kỹ, và bởi tôi chủ ý tìm một bức thư, vật như thế không thể nào lọt khỏi sự chú ý của tôi trong khi chuyện đó có thể xẩy ra nếu tôi tìm vật gì khác; vì khi đó tôi có thể không để ý gì đến mẫu giấy. Bức thư có kích thước 5 x 10 cm nên không phải là một vật nhỏ.

Ta hãy thử xem xét hiện tượng này coi nó có thể sinh ra bằng thủ thuật được chăng

Giả dụ có mấy bức thư được làm sẵn, gửi cho nhiều người khác nhau, bàn những chuyện khác nhau. Có thể nào tráo tay để đặt thư vào chỗ đã định không ? Có thể lắm, nó chỉ tùy thuộc vào đó là chỗ nào, và người ta có chú ý vào nơi đó trước không. Muốn đặt lá thư đằng sau bức tranh là chuyện rất khó, nhưng có thể làm được nếu trong một lúc tâm trí chúng ta được hướng tới một chỗ khác và lá thư được ném vào đằng sau bức tranh trong lúc ấy.

Thủ thuật tráo tay là sao ? Nó chẳng là gì ngoài việc có cử động mau lẹ, nhiều hay ít một chút, vào lúc mà không ai để ý tới bạn. Tôi làm bạn chú ý một chốc vào điểm nào đó, thí dụ vào bàn tay trái của tôi, do vậy tay phải tôi được tự do có vài cử động không bị để ý thấy; còn nói về thuyết 'sự nhậm lẹ của bàn tay đánh lừa được con mắt' thì nó hoàn toàn sai lầm. Bạn không thể có cử động bằng tay nhanh đến mức mắt không thể theo dõi và bắt gặp; chuyện duy nhất bạn có thể làm là hoặc che dấu cử động cần thiết bằng một cử động khác không liên quan gì đến việc bạn nhắm tới, hoặc hướng sự chú ý của người quan sát đến một điểm khác, và rồi nhanh nhẹn thực hiện điều phải làm.

Trong trường hợp này mọi sự chú ý của chúng tôi được hướng vào bức tranh, trước khi câu hỏi đặt ra là chúng tôi muốn có gì, và được giữ ở đó luôn trong lúc ấy, ai muốn ném lá thư mà không bị bắt gặp thì không thể nào làm được. Còn nếu cho rằng lá thư được dấu đằng sau bức tranh từ trước thì đó là chuyện hoàn toàn không thể có, nó không thể nào thoát được sự chú ý của tôi khi tôi kiếm nó nhiều lần.

Giả dụ bức thư được đặt trên đầu khung bức tranh, và tay tôi khi rà theo khung làm thư rơi ra mà tôi không hay, nó hẳn phải làm thư rơi xuống ngay tức khắc, thế mà phải 30 giây sau mới thấy có thư. Xem xét hết mọi khía cạnh thì tôi thấy dường như không thể nào dùng mẹo chi để thực hiện được hiện tượng này.

Ngày hôm sau của chuyện, tôi vào phòng bà khoảng giữa trưa nhưng thấy bà có khách tôi bèn lui ra, đi tới phòng mà mọi người ngồi chơi tối hôm trước; ngay lúc ấy tôi nẩy ra ý xem lại bức tranh lần nữa để chắc chắn là thư không thể nào được dấu đâu đó ở sau tranh. Chỉ có mình tôi trong phòng, và trong lúc xem xét bức tranh thì không có ai vào phòng; sau khi xem kỹ tôi tin chắc là nếu được dấu đằng sau tranh thì thư không thể nào qua mắt được tôi. Và rồi tôi quay trở lại phòng của bà, thấy khách vẫn còn đó, tiếp tục chuyện vãn.

Đến tối, mọi người lại tụ trong phòng, HPB nói:

– Các Chân sư theo dõi anh hôm nay và rất thú vị với thí nghiệm của anh, khi anh loay hoay muốn biết xem thư có thể được dấu đằng sau bức tranh.

Nào, trước tiên thì tôi bảo đảm rằng không có ai trong phòng vào lúc tôi xem lại tranh, thứ hai là tôi không hé miệng kể lại thí nghiệm này cho ai trong nhà. Tôi không sao giải thích được HPB bằng cách nào biết được chuyện tôi làm, ngoại trừ việc dùng thông nhãn.

Sang tháng chín, có tin là tạp chí Madras Christian College Magazine tại Ấn Độ, là cơ quan của một nhóm truyền giáo, đăng bài cáo buộc những hiện tượng HPB đã làm là giả mạo, dựa trên các thư của ông bà Coulomb gửi cho chủ biên của báo. Đây là những thư được cho là do HPB viết, trong lúc đi lại đó đây tại Ấn, ra lệnh tạo hiện tượng giả mạo tại Adyar. Bài báo được gửi đến những tờ báo Anh ngữ hàng đầu tại Ấn gây sôi nổi. Sau đó tờ Times tại Anh cũng đăng tin, và bài trả lời của HPB được báo cho đăng ngày 9 tháng 10.

Tưởng nên ghi là trước đó vào tháng năm, trong lúc HPB còn ở Paris, bà đã được báo trước rằng bà Coulomb tại Adyar có kể chuyện với nhiều người là HPB có viết cho bà những thư mà nội dung làm HPB có tội. Trong một thư gửi cho ông Sinnett, bà viết:

–... Khi Subba Row viết cho tôi ở Paris, bảo tôi nhớ lại kỹ và cho ông hay là có viết thư nào cho bà Coulomb mà có thể gây nguy hại chăng, vì nếu có thì tốt hơn nên mua lại với bất cứ giá nào, còn hơn là để cho bà phá hoại thanh danh của tôi và hội Theosophia; tôi trả lời ông (tháng năm 1884) là tôi không hề viết cho bà điều gì mà phải sợ bị đem ra công bố, và bà nói dối, và bà muốn làm gì thì cứ tự nhiên.

HPB cũng viết cho ông Olcott:

– Nếu tôi có ngu như lừa và viết những thư như vậy cho ông bà Coulomb, hẳn tôi sẽ không bao giờ đi Âu châu, hẳn tôi sẽ làm trận làm thượng để Hội đồng Kiểm soát trục xuất họ, hẳn tôi đã quay về ngay khi có tin dữ.

Cô Arundale nhớ lại:

– Cuối tháng chín HPB lại đến ngụ ở nhà chúng tôi một thời gian ngắn trước khi đến nhà ông bà Oakley để cùng đi Ấn Độ. Bà rất chán nản và không khỏe, gần như rã rời với vấn đề mà bà phải trải qua. Trong một thư viết cho tôi vào lúc ấy, chỉ trước khi rời Elberfeld, bà nói: Tôi đã từ chức thư ký liên lạc của hội. Tôi công khai tách biệt mình với hội, vì tôi nghĩ bao lâu tôi còn trong hội và đứng đầu hội, tôi sẽ là cái bia để nhắm vào, và hội sẽ vì vậy bị ảnh hưởng... Tim tôi – nếu còn phần nào – bị tan nát với hành động này. Nhưng tôi phải hy sinh mình cho lợi ích của hội. Công cuộc phải đi trước con người và các nhân vật. 

Tuy phải đến tháng 12-1885 bản báo cáo Hodgson viết cho SPR mới được công bố, nó ủng hộ những cáo buộc của ông bà Coulomb nên ta phải xét chung hai chuyện. Việc xem xét chi tiết có vẻ không cần thiết nữa vì 100 năm sau đó, vào năm 1986, SPR đưa ra một bản thông cáo báo chí ghi rằng chuyện 'vạch trần' nhà huyền bí học người Nga, bà H.P.Blavatsky, của SPR năm 1885 bị nghi ngờ nghiêm trọng. SPR cho xuất bản bài phê bình mạnh mẽ của tiến sĩ Vernon Harrison trong tạp chí SPR vol. 53, tháng tư 1986, về bản báo cáo năm 1885. Ông Harrison là một hội viên lâu năm của SPR, và là chuyên gia về bút tự, là giám đốc nghiên cứu cho cơ sở ấn loát Thomas De La Rue, chuyên in sổ thông hành, tiền giấy, tem v.v. cho chính phủ Anh.

Bản thông cáo báo chí viết:

– Trọng tâm của sự việc là hai bộ thư có tranh cãi. Một bộ do hai người làm của hội Theosophia tại trụ sở ở Ấn Độ bị cho nghỉ việc, cung cấp, được cho là thư viết tay của bà Blavatsky, làm bà liên can đến việc giả mạo những hiện tượng huyền bí. Bộ thư kia hiển hiện là viết để hỗ trợ hội Theosophia, do những thành viên của một tổ chức huynh đệ đông phương, thường được gọi là các Mahatma. Tiến sĩ Hodgson chấp nhận bộ trước là thư thực, và biện luận rằng bộ thư của các Chân sư là sản phẩm giả mạo của bà Blavatsky và người đồng lõa. Ngược lại, tiến sĩ Harrison đề nghị là những thư gây tội mới là tài liệu giả mạo, do hai người làm bị mất việc soạn ra để trả thù, trong khi bộ thư của các Chân sư, nay được lưu trữ trong thư viện Anh quốc (British Library), không phải là bút tự của bà Blavatsky, dù có ngụy trang hay không.

Người ta cần đọc bản phân tích chi tiết dài của tiến sĩ Harrison về chứng cớ về bút tự. Ông ghi là chứng cớ mà Hodgson tìm ra 'quá yếu, thiên lệch, rối bung tới mức nó dễ dàng được dùng để chứng minh là bà Blavatsky viết cuốn Huckleberry Finns - hoặc tổng thống Eisenhower viết cuốn Mahatma Letters.'

Kết luận của ông Harrison là HPB không viết những thư của Chân sư được chuyên gia của ba cuộc điều tra độc lập khác hỗ trợ. Sau đây là vài điểm chính của vụ Coulomb - Hodgson.

Đầu năm 1884, khi HPB sửa soạn rời Ấn Độ để đi Âu châu, bà đến thăm hoàng thân Harisinghji tại Varel. Cùng đi theo có nhiều người khác và bà Emma Coulomb, với bà Coulomb đặc biệt hỏi xin được đi cùng. Trong vài dịp trước bà Coulomb hỏi mượn ông hoàng 2.000 rupee mà không được, và bà hy vọng lần này sẽ thành công. Khi HPB khám phá ý định ấy, bà la rầy làm bà Coulomb tức giận, quyết trả thù:

– Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bà trong suốt đời còn lại của tôi, và sẽ gây hại cho bà với hết sức mình.

HPB không ngạc nhiên là bà Coulomb có ý nghĩ không lành đối với bà. Bà viết cho ông Sinnett:

– Bà bắt đầu xếp đặt việc lừa gạt từ năm 1880, từ ngày đầu tiên đặt chân lên Bombay, trụ sở của hội Theosophia khi ấy, cùng với chồng bà, cả hai không giầy dép, không tiền và đói khát. Bà đề nghị bán bí mật của tôi cho mục sư Bowen của tờ Bombay Guardian vào tháng bẩy 1880, và thực sự bán nó cho mục sư Patterson vào tháng năm 1885... Tôi có gì để than phiền chứ ? Chân sư đã để cho tôi quyết định giữa việc làm theo lời dạy của đức Phật, ngài khuyên chúng ta chớ nên quên cho ăn ngay cả một con rắn chết đói, không chút sợ hãi là nó có thể quay lại và cắn bàn tay cho nó ăn – hoặc phải đối đầu với karma chắc chắn sẽ trừng phạt ai quay mặt đi trước cảnh tội lỗi và khốn cùng, hoặc không cứu giúp người có tội và người khổ đau.

Trước khi HPB đi Âu châu, bà Coulomb xin cho hai ông bà có độc quyền ra vào những phòng bà Blavatsky ở lầu hai để giữ cho chúng không bị hư hại. Khi HPB phản đối là bà đã cho phép bác sĩ Hartmann dùng thư viện của bà, Emma tỏ ra lo lắng và khăng khăng rằng nếu ông hay bất cứ ai khác có thể vào phòng thì bà 'không nhận trách nhiệm' về chuyện gì có thể xẩy ra. Khi đó HPB chấp thuận yêu cầu của bà.

Trong số những người tại Adyar, ông Olcott là người ít nghi ngờ hai ông bà Coulomb nhất, cả hai tỏ ra thân thiện đối với ông. Họ làm việc nhiều và làm giỏi dang. Vào ngày 5 tháng tư, lúc ông đi cùng Mohini từ Paris sang London, ông nhận được một thư của Chân sư theo cách lạ lùng. Thư viết:

– Đừng ngạc nhiên nếu con nghe có chuyện gì tại Adyar. Cũng đừng nản lòng. Có thể con có chuyện bực bội lớn trong nhà phải giải quyết, tuy chúng ta cố gắng ngăn ngừa nó trong giới hạn của karma. Các con đã nuôi dưỡng một kẻ phản bội và thù địch trong nhà từ mấy năm qua, và phe truyền giáo sẵn sàng dùng điều gì mà dụ được bà cho họ. Đang có âm mưu diễn ra. Bà bực tức vì có ông Lane Fox và quyền hạn mà con giao cho Hội đồng Kiểm soát.

Tại Ấn Độ, một lá thư khác gửi cho bác sĩ Hartmann là trưởng Hội đồng Kiểm soát, theo cách huyền bí và ghi:

– Trong một khoảng thời gian qua bà đã liên lạc công khai, thường xuyên với người thù nghịch đối với công cuộc TTH, là vài nhà truyền giáo. Bà mong họ sẽ trả hơn 2.000 rupee nếu bà giúp họ làm sụp đổ thanh danh, hoặc ít nhất làm tổn hại cho Hội, bằng cách gây hại cho uy tín của hai vị sáng lập. Do đó có ám chỉ về 'cửa bí mật' và các thủ thuật đánh tráo. Hơn thế nữa, khi cần thì sẽ khám phá ra cửa bí mật vì họ đã chuẩn bị trước rồi... Hãy giữ kín hết sức những điều nói ở trên nếu con muốn ở thế mạnh. Đừng để cho bà nghi ngờ là con đã biết chuyện, nhưng nếu con muốn có lời khuyên thì hãy cẩn thận. Tuy nhiên hãy hành động đừng chậm trễ.

Hội đồng không hành động ngay, mà khi hành động thì lại có biện pháp thái quá. Ngày 14 tháng năm có cuộc duyệt xét và hai ông bà Coulomb bị cáo buộc là phạm một số lỗi gồm đòi tiền, tống tiền, vu khống, và lạm dụng tiền của Hội. Không có phản bác nào đối với những cáo buộc này, và hai người bị trục xuất. Hội đồng có thể mừng là sau rốt tống khứ được người sinh chuyện, nhưng hai ông bà Coulomb đi thẳng tới các nhà truyền giáo Thiên Chúa giáo và đề nghị bán những thư ngụy tạo để trả thù.

Ông R.A.V. Morris viết:

(Từ trước tới nay) các nhà truyền giáo có được sự việc diễn ra theo ý họ. Với lợi thế của sắc dân cai trị hỗ trợ sau lưng, họ có thể tự nhủ rằng đạo Bà La Môn, là giáo điều của sắn dân 'thấp kém', nên bắt buộc phải là tôn giáo thấp kém, chắc chắn sẽ tàn lụi và theo với thời gian sẽ được thay bằng Thiên Chúa giáo. Do đó khi tờ The Theosophist ra đời và một nhóm người Âu châu (và một người Mỹ) khởi sự phong trào tích cực làm sống lại những tôn giáo bản xứ với sự tinh tuyền thưở đầu, các nhà truyền giáo nhìn ra nguy hiểm đối với sự thượng tôn chủng tộc và tôn giáo của họ, và chọn chiến thuật thiếu danh dự là bôi lọ uy tín của người lãnh đạo phe đối nghịch, như là bước đầu tiên để đẩy bà và hội của bà ra rìa.

Hội đồng Kiểm soát thực ra muốn trục xuất hai ông bà Coulomb từ mấy tuần trước, nhưng ngưng lại khi nhận được thư sau của đức KH:

– Bao lâu ai chưa phát triển ý niệm toàn thiện về công bình, họ nên phạm sai lầm vì tình thương hơn là có hành động bất công dù nhỏ thế mấy. Bà Coulomb là người đồng cốt và như vậy không có trách nhiệm về nhiều điều bà có thể nói hay làm. Cùng lúc bà là người tử tế và có lòng từ thiện. Người ta phải biết cách đối xử với bà để khiến bà thành bạn rất tốt. Bà có khuyết điểm của mình nhưng ảnh hưởng xấu của chúng có thể giảm thiểu bằng cách gợi trong trí bà ý nghĩ đạo đức bằng cảm nghĩ thân thiện và tốt lành.

Bản tính đồng cốt của bà giúp được ta về chiều hướng này, nếu sử dụng đúng cách. Vì vậy ta mong muốn là cho bà tiếp tục phụ trách công việc nhà; dĩ nhiên là Hội đồng Kiểm soát giám thị, và hội ý cùng với bà để không có chi tiêu không cần thiết. Có nhiều cải tổ cần làm, và có thể làm với sự giúp đỡ thay vì chống đối của bà Coulomb... Đưa thư này cho bà Coulomb xem để có thể là bà hợp tác với các con.

Khi Hội đồng ra lệnh cho hai ông bà Coulomb rời khỏi Hội, họ từ chối không đi đâu cho tới khi HPB về. Khi đó Hội đồng gửi điện tín cho bà ở Paris để được bà ưng thuận. Có vẻ như bà miễn cưỡng làm theo, vì bà gửi điện tín cho hai ông bà Coulomb như sau:

– Rất tiếc hai ông bà phải đi. Xin chúc thành đạt.

...

Sau khi đã trục xuất hai người, Hội đồng lập tức lên lầu hai xem xét, và kinh ngạc khi thấy những gì ông Alexis Coulomb đã làm trong lúc độc quyền ra vào nơi đây. Khi ông Judge từ London qua với ông Olcott và được bà Blavatsky cho toàn quyền điều khiển, ông mở cuộc điều tra trọn vẹn. Đi vào phòng ngủ của HPB, ông thấy một khung trống chưa làm xong trong tường ngăn phòng ngủ với phòng họp riêng và thư viện bên cạnh, thư viện mới được thêm vào năm trước. Một bên trong phòng họp có tủ gọi là tủ thờ, cất hình các Chân sư và những vật kỷ niệm trong thời gian bà sống chung với các ngài tại Tây tạng, và là nơi một số hiện tượng xẩy ra, như đồ vật từ xa được mang tới đây theo cách huyền bí. Hiển nhiên ông Coulomb có dụng ý là khung trống mà ông làm sẽ mở ra ngay sau tủ thờ, vì khi hai ông bà thú nhận là đồng loã với HPB trong việc giả mạo hiện tượng, họ nói là một trong hai người sẽ đứng sau chỗ này và đặt vật hay thư vào tủ thờ.

Ông Coulomb không có giờ làm xong khung trống. Ông Judge viết là nó còn mới quá tới nỗi bốn bề của nó còn lồi lõm không trơn láng, và thạch cao còn rơi vãi trên sàn. Trong phòng ngủ, ông Coulomb đặt một cái tủ có vách giả để che cái khung trống trong tường. Lời chứng của ông Judge có đoạn:

– Cái vách còn mới quá không sử dụng được, người ta phải đá mạnh vô nó để nằm vào chỗ mới cho thấy là có nó trong tường. Vật này không được xếp đặt trước, không thoa dầu cho trơn tru và không được bào láng. Ông Coulomb đã bị cho nghỉ việc trước khi có giờ làm xong. Trong căn phòng trổ ra hành lang ông đã khôn khéo làm một bức vách... Nó chưa làm xong và người ta phải dùng lực mới mở ra, và chỉ mở được bằng búa. Trong phòng trước ông cũng làm một vách khác lấy ra được... Tôi phải dùng búa và dùi để mở nó. Những vật này được phác giác và xem xét trước mặt nhiều người, rồi khi đó và tại đó họ viết ý kiến của họ trong cuốn sổ tôi đưa ra dành cho việc ấy, và sổ này hiện cất tại trụ sở hội.

Hiển nhiên trọn việc sắp xếp này được làm sau khi chuyện đã rồi, để cho nó hợp với cáo buộc là có giả mạo. Có nhìn nhận là ông Coulomb làm nó vì tiền, bởi vài ngày sau khi chúng tôi đã hoàn tất việc xem xét, hiệu trưởng trường Christian College đến Hội – điều mà ông không hề làm trước đây –, và hỏi xin cho ông cùng các bạn của ông được xem căn phòng và tủ thờ.

Ông gần như năn nỉ chúng tôi để cho ông đi lên lầu, nhưng chúng tôi không cho vì thấy ông chỉ muốn có kết cục cho điều mà ông gọi là 'vạch trần'. Khi đó bác sĩ Hartmann hỏi ông trước mặt tôi, là đã trả công bao nhiêu cho ông Coulomb về việc làm của ông ta, và ông trả lời, có hơi bị bất ngờ không đề phòng, là đã trả khoảng 100 rupee. Điều này thuận với tờ biên bản của bác sĩ Hartmann là ông Coulomb tới gặp ông (sau khi bị trục xuất) và nói rằng có người chịu trả ông 10.000 rupee để phá hoại Hội. Ông Coulomb chỉ phóng đại số tiền để xem chúng tôi có thể trả hơn hầu mua chuộc ông giữ im lặng.

Lời chứng của ông Judge được đăng trên hai tờ tạp chí định kỳ tại Boston, và dường như ông Hodgson và những người điều tra khác về sau không biết tới chúng. Hodgson đến nơi sáu tháng sau khi ông bà Coulomb đã rời Hội. Tới lúc này thì cảnh bề bộn mà ông Alexis Coulomb để lại đã được dọn sạch, và lỗ hổng trong tường đã được lấp kín.

Nay ta nói về những thư được cho là (1) do HPB viết và (2) giả mạo như là thư của Chân sư.

Nói về (1), năm 1986, tiến sĩ Vernon Harrison xem xét lại bản cáo trạng Hodgson năm 1884 và khám phá chữ viết của ông Alexis Coulomb và của HPB giống nhau lạ lùng. Do vậy, chuyện không có gì khó khi ông Coulomb giả mạo những thư buộc tội cho bà. Ông Harrison có vẻ không biết vào lúc HPB ngụ tại Adyar thì chữ viết giống nhau này là điều ai cũng biết. Có lần HPB viết cho ông Sinnett:

– Chữ viết của ông Alex Coulomb giống chữ tôi một cách tự nhiên. Mọi người đều biết có lần Damodar bị gạt khi nhận được lệnh viết theo chữ viết của tôi, yêu cầu lên lầu vào phòng ngủ của tôi ở Bombay để gặp tôi, trong khi tôi đang ở tại Allahabad. Đó là một trò đùa của ông Coulomb, thích thú là đã gạt được Damodar – một chela (đệ tử) – và làm hình giả dạng như tôi nằm trên giường khiến Damodar kinh ngạc, và cười anh chàng đến ba ngày. Điều không may là mẫu giấy đó không được giữ lại. Ông viết không để nhằm vào hiện tượng nào mà chỉ để chọc cười, và viết nhiều mẫu như vậy. Và nếu ông có thể bắt chước thật khéo chữ viết của tôi trong mẫu thư ngắn, thì tại sao ông lại không thể chép lại (ông có bốn năm để học và làm nó) mỗi thư của tôi gửi cho bà Coulomb trên cùng loại giấy, và viết bất cứ chuyện gì ông muốn ? Chân sư cho tôi thấy cảnh ở cõi trung giới ông Coulomb ngồi ở bàn của mình chép lại một mẫu giấy của tôi. Ông nghĩ người ta có tin lời trình bầy của tôi không ? Vậy có ích gì ?

Tiến sĩ Harrison vạch ra rằng:

– Phương thức mà cuộc điều tra của Hodgson làm theo có sai lầm lớn lao, khi ông dường như không hề xem xét các thư của ông bà Coulomb, và ông bỏ qua một số mẫu thư... trong bản tường trình những thư được xem là buộc tội HPB.

Từ đây trở đi, ông Hodgson không còn thể gọi mình là người điều tra vô tư. Thay vào đó ông trở thành nhân chứng thù nghịch và phải được xem là như thế.

CHƯƠNG XII

Giã Biệt Ấn Độ – Năm Đầu tại Âu Châu

Chuyện hóa tệ hơn là nay những thư từ qua lại giữa HPB và ông bà Coulomb đã hoàn toàn mất biệt. Tháng 7 – 1890, ông Elliott Coues viết bài gửi báo Sun có lời lẽ nhục mạ HPB nên bị HPB kiện ra tòa. Để chuẩn bị việc hầu tòa, ông Coues mua lại của ông bà Coulomb những thư mà hai người nói là do HPB viết, tuy nhiên ông không hề dùng những thư này để biện hộ cho mình, và sau đó tờ Sun đăng bài xin lỗi HPB, cũng như các bức thư biến mất. Tiến sĩ Harrison nhận xét rằng đó là bằng cớ mạnh mẽ muốn nói:

–... 'các thư này quả thật giả mạo, và như vậy lời chứng của ông bà Coulomb thật không đáng tin... Ông Hodgson chấp nhận chứng từ của ông bà Coulomb mà không thắc mắc, và nếu ta gạt bỏ chúng thì phần lớn biện luận của ông bị sụp đổ.’

Lời chứng của hai ông bà không những là về các thư được xem là do HPB viết, mà còn liên hệ đến nhiều hiện tượng do HPB hoặc những vị thầy của bà làm ở Ấn Độ. Một điều mà trước đây nhiều người bỏ sót không để ý là có vài chữ lạ trong các thư. Để hiểu rõ sự việc thì ta cần biết thêm chi tiết là những thư mà hai ông bà Coulomb đưa ra nói là thư trao đổi giữa HPB với họ viết phần nhiều bằng tiếng Pháp, mà là tiếng Pháp dở trong khi Pháp văn của HPB có sự thanh nhã và đúng chữ. Lại nữa thỉnh thoảng có vài chữ tiếng Ý trong các thư với nội dung mà ai quen với lối viết của HPB sẽ thấy ngay đó không phải là cách suy nghĩ của bà. Mãi sau này, năm 1998, tác giả Jean Overton Fuller nghiên cứu thì khám phá là bà Coulomb nói tiếng Ý và có lần dạy kèm tiếng Ý.

Một điểm khác cũng làm người ta nghi ngờ đây là thư giả, là việc từ trước tới sau HPB không được cho xem chúng để hoặc nhìn nhận hoặc bác bỏ.

Nói về điều (2) là ý kiến cho rằng thư bà viết mà giả mạo như là thư của Chân sư, khi hai chuyên gia về chữ viết là F.G. Netherclift và Sims tại London được cho xem mẫu chữ viết của HPB và những thư được xem là của Chân sư KH, hai người kết luận các thư ấy không phải do HPB viết. Tuy nhiên sau khi xem xét ông Hodgson cho rằng thư do HPB viết. Khi từ Ấn quay về Anh, ông Hodgson ngạc nhiên thấy các chuyên gia không đồng ý với mình nên tìm cách thuyết phục họ. Kết quả là hai chuyên gia thay đổi ý kiến và nhìn nhận là tất cả những thư (được cho là của Chân sư KH viết) là do HPB viết. Phê bình về điểm này, tiến sĩ Harrison ghi:

– Tôi thấy nỗ lực trắng trợn của ông Hodgson tìm cách ảnh hưởng phán đoán của hai chuyên gia thật là sai lầm. Không tòa nào trên nước Anh sẽ chấp nhận bản tường trình được biết là soạn trong tình trạng như thế.

Trong bài tường trình năm 1986 dài 21 trang, ông Harrison xem xét lại những thư khác nhau liên hệ đến chuyện và cho ý kiến:

– Tôi không thấy có bằng chứng nào là HPB đã viết những thư gọi là thư của Chân sư KH, và tôi thấy có bằng chứng đáng kể là bà không viết chúng. Tôi không biết ai viết những thư của các Chân sư, mà nói rằng HPB viết chúng – hoặc phần lớn các thư – thì tôi thấy không đáng tin. Đó là nhận xét chuyên môn của tôi.

Ta ghi lại chi tiết sau để làm rõ chuyện, tiến sĩ Harrison là chuyên gia về nét chữ và làm việc với những tổ chức như ngân hàng trung ương của Anh. Có hai chuyên gia khác về nét chữ cho ý kiến hỗ trợ kết luận của ông Harrison, một trong thế kỷ 19 và một trong thế kỷ 20. Năm 1886, ông Gustav Herbard trao hai thư một của HPB và một của đức KH mà ông nhận được năm 1884, cho tiến sĩ Ernst Shutze chuyên gia chữ viết cho triều đình Đức. Trong thư đi kèm với ý kiến của mình, ông Shutze nhấn mạnh:

– Nếu ông tin rằng cả hai thư do tay của cùng một người viết thì ông có nhầm lẫn to tát... Sự dị biệt giữa hai chữ viết hiển hiện thật rõ ràng khiến tôi tuyệt đối không thể kết luận là chúng do cùng một người viết ra.

Chuyên viên chữ viết thứ hai là tiến sĩ Paul Kirk thuộc phân khoa tội phạm học ở đại học California. Năm 1963, ba mẫu viết tay được trao cho ông, một của HPB, một của Chân sư KH và cái thứ ba là của Damodar, do ông Hodgson cáo buộc là Damodar có viết vài thư của Chân sư. Những mẫu này lấy từ chính bản tường trình của Hodgson, nhưng không lộ tên của người viết. Ý kiến của tiến sĩ Kirk là các mẫu này do ba người khác nhau viết.

Chót hết, năm 1980 tại Nga người ta dùng phương pháp có nhiều tiêu chuẩn như số âm trong các chữ, số chữ trong câu v.v. để xem xét các thư. Kết luận đưa ra nói là HPB không phải là tác giả những thư của Chân sư.

Hodgson cho rằng động cơ thúc đẩy HPB giả mạo các thư là lòng yêu nước và ông tin bà làm gián điệp cho nước Nga. Phản ứng của HPB đối với những cáo buộc về mình là muốn hội tại Adyar đưa Hodgson ra tòa. Tuy nhiên ông Olcott là luật sư nên nhìn vấn đề cách khác, thấy rằng thưa kiện không có ích gì nên quyết định không theo đuổi vấn đề.

Để cho công bằng thì nên ghi thêm là khi ông Hodgson mới tới Ấn bắt đầu cuộc điều tra của mình tại văn phòng hội quốc tế ở Adyar, ông có thái độ thân thiện, không nghi ngờ và tỏ sự nồng nhiệt đối với các chỉ dạy của Theosophia trong quyển The Occult World của ông Sinnett.

Để kết luận phần nói về bản tường trình của ông Hodgson, ta trích ra ý kiến của tiến sĩ Harrison trong bài của ông viết cho tạp chí của hội SPR (Hội Nghiên cứu Tâm linh), hơn 100 năm sau khi hội này cho đăng bài của ông Hodgson:

– Trong nhiều năm ông Hodgson được xem như là mẫu mực của người nghiên cứu tuyệt hảo về chuyện tâm linh, và bản tường trình của ông là khuôn mẫu về một bản tường trình việc nghiên cứu tâm linh phải ra sao... Ngược lại, bản tường trình Hodgson là bản văn thiên lệch cao độ, không có chút tính chất trung dung khoa học nào. Nó là bài luận tội của Công Tố Viên, không ngần ngại chọn những bằng cớ hợp với lập luận của mình, làm ngơ và ém nhẹm tất cả những gì có khuynh hướng phản bác luận đề của ông. Ta không hề được nghe lời biện hộ của bên bị cáo.

Tôi không thể thanh minh được cho hội đồng của tổ chức SPR về lời chê trách là đã cho phát hành bản tường trình tệ hại từ đầu tới cuối này. Có vẻ như họ không làm gì hơn ngoài việc chuẩn y cho rồi ý kiến của ông Hodgson, và không thực hiện nỗ lực nào để kiểm lại những khám phá của ông hoặc đọc bản tường trình của ông để phê bình cặn kẽ. Nếu làm vậy, những sai lầm về cách thức, sự bất nhất, cách lý luận sai lạc và thiên lệch, sự thù nghịch đối với đề tài và lòng khinh khi đối với người bản xứ cùng những nhân chứng khác, hẳn sẽ hiển hiện và vấn đề sẽ được gửi trả lại để xem xét thêm...

Điều hết sức lạ lùng là ông Hodgson không những đã dẫn dụ được hoàn toàn hai chuyên gia Netherclift và Sims của British Museum, mà luôn cả những người có tầm vóc như ông Myers, Gurney và bà Sidgwick, chưa nói tới nhiều thế hệ những người nghiên cứu chuyện siêu hình từ khi bản tường trình 1885 được cho ra.

Giã Biệt Ấn Độ.

Cho dù có tiên đoán là HPB không dám trở về đối mặt với những người vu cáo bà, PHB chuẩn bị từ London quay về Ấn Độ. Trong một bài phỏng vấn trên báo Pall Mall Gazette (23-10-1884), bà nói:

– Tôi đang sửa soạn trở về Ấn Độ để truy tố những ai phá hoại tư cách của tôi, những kẻ giả mạo thư từ.

Trong thư cho gia đình mình tại Nga, HPB viết:

– Mọi việc thay đổi hết. Một cơn gió thù nghịch đang thổi tới cho chị. Làm sao còn có gì chữa được bệnh cho chị, làm sao chị còn có thể có sức khỏe được nữa ? Chị phải mau lẹ quay về vùng khí hậu chết người đối với chị. Chị phải làm sạch những mưu mô và chuyện tệ hại này vì chúng gây hại không phải chỉ riêng cho chị, chúng làm lay chuyển niềm tin của những người trong công việc Hội, và cho Hội mà chị đã dâng hiến trọn tâm hồn mình. Vây làm sao chị có thể lo sự sống của chị ?... Có hơn một ngàn người đã tỏ ý bênh vực chị. Không phải chỉ bằng thư từ, mà điện tín với phí tổn cả ngàn rupee đã được gửi tới tờ Times ở London. Ở Ấn thì còn hơn trận bút chiến trên báo. Có khoảng hai trăm học sinh Ấn đã rút tên khỏi trường Christian College này, đây là trường đã cho đăng những bức thư lạ lùng của chị...

Madame Novikov đưa ông Mackenzie Wallace tới gặp chị, ông đã từng sống ở Nga, đã viết một cuốn sách rất hay về nước Nga và nói tiếng Nga thật rành. Ông sẽ được bổ nhiệm làm bí thư cho Phó Vương tại Ấn là Lord Dufferin. Ông cho chị một thư giới thiệu với Nubar Pasha tại Cairo, nhờ cậy Pasha giúp chị trong việc tìm kiếm thông tin về ông bà Coulomb.

Ta nhớ lại là HPB gặp bà Coulomb lần đầu tiên tại Cairo. Trong thư trên, Nubar Pasha là một nhà Ai Cập học nổi tiếng, và là thủ tướng Ai Cập vào lúc HPB có thư giới thiệu này.

HPB lên tầu quay về Ấn vào ngày 31-10, đi qua Alexandria, Port Said, Cairo và Sri Lanka. Đi cùng với bà là hai ông bà Cooper-Oakley và tới Port Said thì có ông C.W.Leadbeater nhập đoàn, ông sang Ấn để làm việc tại hội chánh ở Adyar. Bốn vị lưu lại Cairo 10 ngày, tại đây HPB được giới thượng lưu đón tiếp trọng hậu, thủ tướng Nubar Pasha và nhiều người khác gia nhập Hội, riêng thủ tướng được đón nhận như là hội viên danh dự. Bà Isabel Cooper-Oakley, người cùng trong chuyến đi này nhớ lại:

– HPP là người đồng hành rất thú vị, hiểu biết đủ loại của bà về mỗi mặt của Ai Cập vừa rộng vừa lạ lùng. Phải chi có giờ tôi sẽ kể chi tiết về thời gian ấy tại Cairo, những chuyến đi vào khu thương mại đặc sắc và thích thú, và lời mô tả của bà về dân chúng và cách sinh sống của họ. Chuyện đặc biệt thú vị là một buổi trưa dài ở viện bảo tàng Boulak bên bờ sông Nile. Tại đó HPB làm ông Maspero – nhà Ai Cập học tiếng tăm – kinh ngạc do kiến thức của bà, và khi ông đưa đi thăm khắp viện bảo tàng, bà chỉ cho ông thấy những đẳng cấp của các vị vua - đạo đồ (Initiate kings), và những vị này là người ra sao về mặt bí truyền.

Về việc xem xét hành vi của ông bà Coulombs, HPB gửi điện tín cho ông Olcott vào ngày 24-11:

– Thành công mọi việc. Là tội phạm. Có chứng cớ theo luật.

Bà Isabel Cooper-Oakley viết:

– Rời Cairo, HPB và tôi đi ngay đến Suez. Ông Oakley ở lại Cairo để lấy giấy tờ của cảnh sát về ông bà Coulomb; ông Leadbeater nhập đoàn với chúng tôi ở Suez. Mất hai ngày chờ có tầu rồi chúng tôi lên đường đi Madras. Tôi ít khi hổ thẹn về đồng bào của mình nhưng phải thú thật là có cảm nghĩ ấy trong hai tuần của chuyến đi. Tờ thông tin đầu tiên mà các nhà truyền giáo viết được luân lưu trên tầu và người ta nghe được hết những lời nhục mạ nào có thể có về HPB.

Bà tiếp rằng cuộc chào đón họ khi tầu tới Ấn thực là điều chỏi nghịch:

– Một phái đoàn có dàn kèn đồng đi theo, đi tầu nhỏ ra gặp chúng tôi... Khi xuống tầu thì tại đầu cầu tầu có cả trăm người đứng đón HPB, chúng tôi được hội viên nồng nhiệt đưa lên xe có trang hoàng hoa giấy chở đi, v.v. và rồi đông đảo những gương mặt da sậm tươi cười bao quanh lấy chúng tôi.

Nhóm người được mang tới Pacheappah's Hall, ở đây HPB được trao cho bản văn có ba trăm học trò trường Madras College ký tên, luôn cả học trò trường Christian College là nơi đã in cáo buộc của ông bà Coulomb. Một đoạn của bản văn viết như sau:

– Bà đã dành cuộc đời cho việc bất vụ lợi là quảng bá chân lý của Triết lý Bí truyền. Đối với những chuyện huyền linh thiêng liêng của tôn giáo và triết lý của chúng tôi, bà đã làm cho ánh sáng chiếu tràn ngập trong đó bằng cách tung ra trên thế giới tác phẩm tuyệt vời Isis Unveiled của bà. Nhờ sự trình bầy của bà mà đại tá Olcott đã được thúc đẩy để thực hiện công việc vĩ đại, là làm sinh động trở lại ngọn lửa đang tàn của tôn giáo và tinh thần trên đất Ấn.

Ông Olcott nhớ lại:

– Bà cứ hối thúc tôi tìm cho bà một thẩm phán, hoặc luật sư hoặc trạng sư, ai cũng được, để cho bà làm tờ tuyên thệ và khởi sự đơn từ nhưng tôi từ chối ngay. Tôi nói với bà rằng trong vài ngày nữa sẽ có Đại hội và phận sự lớn lao của chúng ta là đưa trường hợp của bà ra trước các đại biểu, lập một tiểu ban đặc biệt gồm những luật sư giỏi dang nhất của chúng ta, và để họ quyết định bà phải làm gì; và rằng bà với tôi đã hòa mình vào Hội quá chặt chẽ tới nỗi chúng tôi không nên tiến hành mà cần biết ý định của các bạn đồng sự.

Bà la lối và khăng khăng đòi hỏi nhưng tôi không đổi ý, và khi bà dọa là sẽ tự mình làm để 'xóa vết nhơ về tư cách của mình', tôi đáp là tôi sẽ từ chức và để cho Đại hội quyết định giữa hai chúng tôi. Tôi biết quá nhiều về thủ tục luật pháp nên không làm chuyện dại dột như vậy, và rồi bà thuận theo ý tôi.

Khi đại hội diễn ra, một tiểu ban đặc biệt được thành lập gồm 14 người là luật sư, thẩm phán và chính khách trong Hội để xác định cách theo đuổi việc này. Bản tường trình của họ cho đại hội kết luận là 'HPB không nên kiện ra tòa những ai phỉ báng bà'. Trong cuộc thảo luận tiếp theo đó, biện luận chính cho việc không khởi tố nói rằng, thứ nhất, nếu có vụ xử thì danh tính thiêng liêng của các Chân sư sẽ bị chế nhạo, và thứ hai, bằng chứng của hiện tượng huyền bí không thể được chứng minh tại tòa. Người ta hoan nghênh bản tường trình này, và ông Olcott thêm là chiều hôm sau khi HPB xuất hiện trước cử tọa 1500 người tới dự kỷ niệm 9 năm thành lập Hội, bà được hoan nghênh nhiệt liệt, và khi nhiều thuyết trình viên nhắc đến bà trong bài nói nói chuyện của họ thì nó gợi nên sự đáp ứng nhiệt thành.

Tuy vậy, HPB không còn hăng hái khi có quyết định không đưa nội vụ ra tòa. Chuyến viếng thăm Cairo của bà như vậy hoài công. Bà e ngại là theo cái nhìn của thế gian, việc bà không chịu khởi tố sẽ bị diễn dịch như là thú nhận có lỗi và điều này sẽ phản ảnh tới tư cách của Hội.

Một thế kỷ sau, khi bình luận về quyết định của các đại biểu tại Đại hội của Hội năm 1885, tiến sĩ Harrison nhận xét rằng ông không thể gỡ cho họ được việc là đã không 'để cho vị sáng lập Hội có được sự biện hộ công bằng, có vẻ như họ chỉ lo cứu vãn tiếng tăm của họ. Dù bà là kẻ giả mạo hay không, HPB đáng được có phiên xử công bằng để lắng nghe vụ của bà. Bà đã không hề được cho cơ hội như thế. Nếu có được sự trợ giúp về luật và của chuyên gia như bà hỏi xin, cả ông Hodgson và hội SPR hẳn sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng,' và luôn cả hai ông bà Coulomb.

Đến cuối tháng giêng 1885, HPB đau nặng tới nỗi có điện tín gọi ông Olcott về, giữa lúc ông đang có việc tại Miến Điện. Bà Cooper-Oakley ghi lại:

– Ba tuần mà tôi chăm sóc cho bà là những ngày giờ đầy lo lắng, khi bệnh tình bà ngày càng nặng hơn và bác sĩ thúc thủ khi chót hết bà bị hôn mê. Việc cho thấy ảnh hưởng che chở cho HPB tuyệt diệu là dường nào, dù bà mạnh hoặc đau, vì tuy tôi hoàn toàn có một thân một mình với bà ở tầng trên cùng của căn nhà... vậy mà đêm này sang đêm khác tôi đi bách bộ qua lại trên mái phẳng, hít thở không khí tươi mát trong khoảng 3-4 giờ sáng và tự hỏi khi ngắm nhìn cảnh bình minh trên vịnh Bengal, là tại sao mình không cảm thấy sợ hãi gì, ngay cả khi bà nằm dài như đã chết; tôi không hề nghĩ là có gì đáng sợ sẽ xẩy ra cho HPB.

Cuối cùng tới một đêm đáng lo khi bác sĩ đầu hàng trước cơn bệnh của bà, và nói rằng không thể làm gì được nữa, không thể cứu được bà. Khi ấy bà đã hôn mê và thiếp đi thêm nhiều giờ sau đó. Các bác sĩ nói bà sẽ mê như vậy rồi đi luôn, và tôi cảm nhận theo cách suy nghĩ của người thường, là buổi thức đêm để canh hôm ấy sẽ là buổi chót. (Chồng bà đã đi Madras để xin giấy phép hỏa thiêu).

Ở đây tôi không thể viết về chuyện gì xẩy ra, nó là một kinh nghiệm tôi không bao giờ quên được, nhưng vào khoảng 8 giờ sáng HPB đột nhiên mở mắt và tỏ ý muốn ăn sáng, đây là lần đầu tiên trong hai ngày qua bà nói chuyện được tự nhiên. Tôi tới gặp bác sĩ, họ tỏ ra kinh ngạc hết sức đối với thay đổi này. HPB nói, 'A, bác sĩ này, ông không tin vào các Chân sư cao cả của chúng tôi.'

Kinh nghiệm mà bà Cooper-Oakley nói ở trên cũng được nhiều người chứng kiến. Chuyện xẩy ra là trong tối hôm ấy:

 Ở phòng ngoài hai ông bà Cooper-Oakley, Damoda Mavalanker, Bawaji D. Nath và bác sĩ Franz Hartmann ngồi nói chuyện nhỏ giọng với nhau, chờ xem HPB có gọi gì. Đột nhiên ngoài hàng hiên Chân sư M. xuất hiện với trọn hình dạng tỏ tường, ngài mau lẹ đi xuyên qua phòng ngoài vào phòng của HPB. Trong lúc đó, ai nấy ở phòng ngoài rút lui... Khi HPB hồi tỉnh, bà cho những thân hữu tin cẩn là Chân sư của bà đã tới và cho bà hai lựa chọn, hoặc bà qua đời, chấm dứt sự hy sinh đau khổ và có được bình an, hoặc tiếp tục sống thêm vài năm để viết bộ The Secret Doctrine...

Ngày 11 -3-1885 HPB gửi thư cho luật sư của Hội, cho hay bà phải từ chức Ký Lục (Corresponding Secretary) của Hội vì lý do sức khỏe. Thư từ chức được đăng trên tờ The Theosophist, kèm với chứng từ của bác sĩ, nói rằng bà cần rời xa khung cảnh ở Madras, nơi không ngừng gây lo lắng và khích động cho bà, cũng như phải thay đổi không khí, tới vùng ôn đới và nơi yên tĩnh hơn.

Quyết định rời Adyar không phải là do HPB, thực ra bà phản đối việc ấy vì không muốn bỏ dở dang công việc cho Hội tại Ấn. Quyết định ấy là do những ai quan tâm đến sức khỏe của bà cũng như là ai khác không còn tin tưởng vào sứ mạng của HPB, và xem sự tiếp tục hiện diện của bà ở Adyar là điều ngượng ngùng.

Một trong những nguyên do chính cho sự xấu hổ là ông Hodgson. Ngoài vai trò là người điều tra sự việc cho SPR, ông đi quá phận sự của mình và gieo vào trí óc hội viên khắp nơi rằng ông đã chứng minh chuyện về HPB chỉ toàn là lường gạt. Ngày cuối của tháng ba, 31, HPB rời Ấn và không hề trở lại. Bà đi tầu sang Naples, Ý, cùng đi với bà có cô Mary Flynn, Bawaji một chela người Ấn và bác sĩ Hartmann.

Phải tới cuối năm 1885 bản tường trình Hodgson mới phát hành. Kết quả thực ngạc nhiên như bác sĩ Hartmann ghi lại trong quyển tự thuật của ông. Theo đó, vụ tai tiếng:

– … khiến cho sự hiện hữu của hội và giáo lý TTH được cả thế giới biết đến, và hệ quả là hàng ngàn người tìm đọc sách của HPB, làm quen với quan điểm của bà mà nếu không có việc này thì hẳn cả đời họ sẽ không biết gì về TTH.

Đặc biệt tại Hoa Kỳ phong trào TTH có sự sống mới. Chỉ bốn tháng sau khi có bản tường trình của ông Hodgson, tạp chí The Path của ông W.Q. Judge ra đời ở New York. Năm sau tại Anh có sự chỗi dậy tiếp theo với tờ Lucifer của HPB bắt đầu phát hành. Nhiều năm về sau, cô Francesca Arundale nhận xét:

 Trong những ngày đầu khi hết chuyện bất lợi này đến chuyện không may khác xẩy ra, dường như đe dọa sự sinh tồn của phong trào TTH, chúng tôi than 'việc này chắc chắn là khai tử Hội'; về sau chúng tôi thấy rằng giống như chim phượng hoàng hồi sinh trong tro than, Hội đã có sự sống mới từ chính thương tích của mình, và sự tấn công làm cho Hội hóa mạnh hơn.

Ta đi trước thứ tự thời gian của chuyện để trích ra một đoạn trong bài viết của HPB năm 1890, cho thấy thống kê xác nhận điều trên ra sao. Bà viết:

 Chúng ta hãy bắt đầu với năm 1884, khi tổ chức SPR tại London mở cuộc xem xét Hội. Bản tường trình chính thức năm ấy cho hay tính đến ngày 31-12-1884, trên khắp thế giới có 104 chi bộ của Hội Theosophia. Trong năm 1885, làm như đáp lại những ai tác họa cho Hội, có 17 chi bộ mới nhận văn bằng, năm 1886 có 15, 1887 có 22, 1888 có 21... Tính đến tháng 6-1889 sổ sách ghi có tới 200 chi bộ...

Và nếu không một âm mưu, không cuộc tấn công nào có thể lay chuyển Hội một cách đáng ngại hoặc ngăn trở hoạt động của nó, thì không gì sẽ có thể làm được vậy...

Đây là chuyện nhiều năm sau mới tới, vào lúc này 1885 nó không rõ ràng như vậy khi HPB giã biệt Ấn, và năm sau đó gây cho bà nhiều việc đau lòng.

Năm Đầu tại Âu Châu

Khi rời Ấn đi Naples hồi tháng ba 1885, HPB không có dự định rõ ràng là sẽ định cư vĩnh viễn nơi nào. Bà không quan tâm đến nơi chốn mà mối bận tâm hằng ngày của bà là chuyện viết bộ The Secret Doctrine. Dù đau ốm, bà vẫn soạn bản thảo cho sách ngay cả khi ở trên tầu. Bác sĩ Hartman, người cùng đi với bà ghi rằng 'thường khi cả chồng giấy có ghi chữ "để cho sách' thấy nằm sẵn trên bàn của bà lúc ban sáng trước khi bà bắt đầu làm việc'.

Sau khi đến Naples ngày 23-4, bà ở đó ba tháng, nhưng vì trời ẩm ướt bà bị phong thấp luôn và bởi chỗ ở không thích hợp cho chuyện viết sách nên HPB quyết định dời sang Würzburg ở miền bắc Bavaria của Đức. Bà viết cho ông Sinnett:

 Tôi không muốn ở tại bất cứ một trung tâm lớn nào của Âu châu, nhưng tôi phải có một phòng ấm và khô, cho dù lạnh bên ngoài... Tôi thích Würzburg. Nó ở gần thành phố Heidelberg và Nuremberg, và tất cả những trung tâm mà một trong các Chân sư (đức KH) đã từng sống, và chính Ngài khuyên Thầy tôi gửi tôi đến đó. May mắn là tôi nhận được bên Nga mấy ngàn franc (tiền nhuận bút các bài viết của bà), và vài nhà hảo tâm ở Ấn gửi tôi 500 rồi 400 rupee... Tôi dự tính mướn vài phòng và sẽ rất vui được gặp ông cạnh ấm trà samovar...

Trên đường đi HPB dừng ở Rome một tuần, và ở Thụy Sĩ cũng một tuần với ông Solovyov (ta sẽ nói thêm về nhân vật này về sau) và bà de Morsier. Bà đến Würzburg vào khoảng giữa tháng tám, chỉ có Bawaji đi theo cùng vì bác sĩ Hartmann và cô Mary Lynn đã rời nhóm trước rồi. Không lâu sau đó bà viết tiếp cho ông Sinnett:

– Cho chính tôi, tôi quyết định sống lặng lẽ. Tôi có thể làm được nhiều việc bằng cách ở trong bóng tối hơn là lại nổi bật trong phong trào một lần nữa. Hãy để tôi ẩn náu ở chỗ không tên tuổi và viết, viết, viết, và dạy bất cứ ai muốn học. Bởi Chân sư bắt buộc tôi phải sống, hãy để tôi sống và chết giờ đây trong cảnh tương đối bình an. Rõ ràng Ngài muốn tôi vẫn làm việc cho Hội vì Ngài không cho phép tôi ký hợp đồng với Katkov (chủ báo tại Nga) – có trị giá ít nhất 40.000 franc cho tôi – để viết chỉ riêng cho báo và tạp chí của ông. Ngài không cho phép tôi ký hợp đồng như thế hồi năm ngoái ở Paris khi nó được nêu ra, và bây giờ cũng không thuận vì – Ngài nói – thì giờ của tôi 'sẽ phải dành làm chuyện khác.'

Dù HPB muốn về hưu, tin về nơi cư ngụ của bà chẳng bao lâu truyền rộng. Ông Solovyov và người em dâu đến thăm bà vài tuần; sang tháng chín cô Francesca Arundale và Mohini sang chơi, rồi bà dì Nadya của HPB cũng là khách tới thăm trong thời gian này. Sau đó lần lượt các nhân vật như bác sĩ Hartmann, giáo sư Sellin, Arthur Gebhard và nhiều người khác cũng đến.

Tiến sĩ William Hübbe-Schleiden, hội trưởng xứ bộ Đức đến thăm bà năm lần, ông là học giả uyên bác, là tác giả nhiều sách, học luật và kinh tế chính trị; ông du lịch nhiều trong những chuyến thám hiểm địa lý. Ông cũng từng là tùy viên cho tòa tổng lãnh sự Đức tại London. Vài năm sau những lần đến thăm HPB, ông Hübbe-Schleiden được mời ghi lại những quan sát của ông về cách HPB viết bộ The Secret Doctrine. Ta trích vài đoạn trong bài của ông như sau:

– Khi tôi đến thăm bà vào tháng 10-1885... bà chẳng có mấy cuốn sách, chưa tới nửa tá... Tôi thấy bà viết xuống những câu tựa như chép lại từ vật gì đó trước mặt bà, mà tôi không thấy có gì cả... Tôi thấy nhiều lần nét chữ mầu xanh quen thuộc của đức KH như là câu sửa lại và thêm bớt trong bản thảo của bà, luôn cả trong những cuốn sách thỉnh thoảng nằm trên bàn giấy của bà. Tôi để thấy điều này xẩy ra chính yếu vào buổi sáng trước khi bà bắt đầu làm việc. Tôi ngủ trên giường xếp trong phòng làm việc của bà, sau khi bà đã vào phòng riêng, và giường xếp đặt chỉ cách bàn giấy của bà chừng một thước. Tôi nhớ nỗi kinh ngạc một buổi sáng khi thức dậy thấy nhiều trang giấy lớn đầy chữ viết bằng bút chì xanh ấy nằm trên bản thảo của bà, ở chỗ của bà trên bàn. Tôi không biết làm sao những trang này có đó, nhưng trước khi đi ngủ tôi không thấy có chúng trên bàn, và không ai đặt chân vào phòng ban đêm, vì tôi rất dễ bị đánh thức dậy.

Ông Hübbe-Schleiden cũng ghi là ông có mặt khi HPB viết bài 'Thú Vật có Linh Hồn chăng ? (Do Animals Have Souls ?)', đăng ba kỳ trên tờ The Theosophist (Jan-March 1886). Tuy qua nhiều thế kỷ giáo hội Công giáo La Mã dạy rằng thú vật không có linh hồn, HPB tiết lộ là thánh Paul và những giáo sĩ ban đầu của giáo hội đã xác nhận khác với điều ấy. Đây không phải chỉ là việc tranh luận về thần học vì khi giáo hội bác bỏ việc những sinh vật thấp hơn người có linh hồn và bất tử, tín đồ Thiên chúa giáo không thấy phải dè dặt trong bắt thú vật làm việc quá sức trong nông trại, đi săn để tiêu khiển, hoặc bẫy thú làm vật trang sức cho phụ nữ. Trong xã hội ngày nay gà bị nuôi như cái máy để đẻ trứng, và những thú vật khác bị hành hạ đau đớn và bị chết khổ sở trong phòng thí nghiệm.

Tạp chí AV, tờ báo của hội chống mổ xẻ thú vật sống tại Mỹ (Anti-Vivisection Society) đăng bài này của HPB trong số tháng 10-1982. Bài viết trong báo có đoạn:

 (Đây là) một trong những bài thông thái nhất và có sức dẫn dụ nhất từng được phát hành, về đề tài linh hồn của thú vật... Helena Blavatsky chứng minh cho thấy các thánh Paul và John Chrysostom cũng tin vào việc linh hồn thú vật phục sinh... Bà trích dẫn nhiều bài của thánh Paul như là chứng cớ cho thấy ông tin vào việc thú vật có đời sống sau khi chết, và chủ trương rằng người và thú trên địa cầu chịu đau khổ giống như nhau ('trọn các tạo vật kêu than’) trong khi gắng bước trên đường tiến hóa để tới đích.

Bài viết thêm:

 Tôi tin rằng bài viết dài và uyên bác của HPB được gợi hứng từ bên kia. Nó cho thấy có hiểu biết về triết lý mà chỉ riêng điều ấy là chuyện hết sức lạ lùng và gần như không thể có được cho người sống đời bận rộn và rong duổi nhiều như bà.

Bài trên tờ AV chấm dứt với đoạn trích sau đây trong bài 'Do Animals Have Souls ?' của HPB:

 Khi thế giới tin rằng cầm thú là tạo vật bất tử như người, việc mổ xẻ thú vật sống và những cách hành hạ khác mà chúng phải chịu hằng ngày sẽ chấm dứt, vì chính phủ sẽ bắt buộc phải ngưng hành vi man rợ và đáng xấu hổ ấy.

...

Năm 1885 một nhân vật xuất hiện giúp coi sóc chuyện nhà để HPB được rảnh rang viết sách. Bà bá tước Constance Wachtmeister (CW) gốc Pháp nhưng lập gia đình với đại sứ Thụy Điển và Na Uy tại Anh, tiếp đó ông là ngoại trưởng Thụy Điển. Sau khi ông qua đời năm 1871, bà tìm hiểu về thông linh học (spiritualism) mà không được thỏa mãn. Bà đọc quyển Isis Unveiled năm 1880 và gia nhập Hội tại London, rồi gặp HPB năm 1884 trong thời gian HPB tới Paris. Tại Enghien, Pháp, HPB cho bà hay 'nhiều việc mà tôi nghĩ chỉ có mình tôi biết, rồi bảo là chưa tới hai năm sau, tôi sẽ dành cả đời mình cho Theosophia. Vào lúc ấy tôi có lý do để xem đó là chuyện không sao có thể xẩy ra...'

Trong phần tiếp theo đây ta trích từ quyển Reminiscences of HPB and 'The Secret Doctrine', xuất bản năm 1883, câu chuyện về mối liên hệ giữa bà và HPB.

Khi rời Thụy Điển vào mùa thu 1885, bà CW không có ý định đi thăm HPB ở Würzburg. Nơi bà nhắm đến là Ý và đã có xếp đặt trước để tới đó ở vào mùa đông cùng bạn bè. Trên đường tới Ý, bà ghé thăm gia đình Gebhards tại Elberfeld. Bà Gebhards đề nghị bà CW hoãn chuyến đi Ý để tới thăm HPB vì bà nhận được thư nói về tình trạng khó khăn của HPB. Nữ bá tước viết thư và đề nghị tới ở một tháng với HPB, nhưng HPB nhã nhặn từ chối, giải thích là bà không có phòng trống cho khách và đang bận rộn viết bộ The Secret Doctrine. Lúc bà CW sửa soạn rời Elberfeld, xe taxi đậu sẵn chờ ở cửa thì có điện tín tới:

 Đến ngay Würzburg, cần bà lập tức. HPB.

Khi bà CW đến, HPB nói:

 Tôi phải xin lỗi là xử sự có hơi kỳ lạ... tôi chỉ có một phòng ngủ ở đây và nghĩ rằng bà quen sống rộng rãi và có thể không muốn ở chung nơi này với tôi... nhưng sau khi gửi thư rồi, Thầy nói chuyện và bảo rằng tôi phải mời bà đến.

Bà CW bỏ chuyện nghỉ mùa đông mà đến với HPB, ngủ cùng phòng với HPB ngăn bằng một bức bình phong, khởi đầu mối liên hệ kéo dài nhiều năm cho đến khi HPB qua đời. Chỉ trừ vài lần bà CW phải đi công chuyện, còn thì trọn thời gian ấy hai người luôn ở chung một nhà.

Nữ bá tước kể lại khung cảnh của việc viết sách The Secret Doctrine:

– Cảnh làm tôi chú ý nhiều nhất và khích động trí óc của tôi hơn bất cứ điều gì khác, khi tôi bắt đầu giúp việc cho bà Blavatsky, và nhờ vậy thấy thoáng qua vài điều về công việc viết sách của bà, là số sách ít oi có sẵn. Bản thảo của bà chứa đầy tới mức tràn ngập nào là sách dẫn, câu trích, từ một khối những tài liệu hiếm và uyên thâm về đủ mọi đề tài.

Một thời gian ngắn sau khi tôi đến Würzburg, bà hỏi tôi có biết ai có thể đến thư viện Bodleian tại Oxford cho bà. Tôi có biết một người để nhờ việc ấy, và bạn tôi xác nhận được một đoạn văn mà HPB đọc ở cõi trung giới, với tên sách, chương, số trang và những con số bà ghi lại đúng hết.

Có lần tôi được giao việc khó là kiểm lại đoạn văn trích từ quyển sách tại Vatican. Tôi có quen một ông có thân nhân tại Vatican nên tìm được cách kiểm chứng đoạn văn này, với chút khó khăn. Có hai chữ sai còn tất cả những chữ còn lại đều đúng, và lạ lùng thay tôi được nghe là hai chữ này rất mờ nhạt, khó mà nhìn ra được.

Đây chỉ là vài thí dụ trong nhiều chuyện như vậy. Bất cứ khi nào HPB cần có thông tin rõ ràng về bất cứ đề tài gì cần nhất trong khi viết, chắc chắn thông tin ấy sẽ đến với bà bằng cách này hay cách kia, hoặc do liên lạc với thân hữu ở xa, trên báo hay tạp chí, hoặc trong lúc chúng tôi tình cờ đọc sách, và chuyện như vậy xẩy ra thường xuyên đến mức nó không phải chỉ là chuyện tình cờ. Tuy nhiên bà sẽ dùng cách thức thông thường hơn là khác thường khi nào có thể được, để không làm tiêu hao năng lực của mình khi không cần thiết.

Ngày tháng trôi qua và khách đến rồi đi, nữ bá tước khám phá là 'HPB xử sự khác nhau với từng người', bà giải thích:

– Tôi không hề thấy bà đối xử như nhau với hai người. Bà nhận ra ngay điểm yếu trong tâm tính của mỗi người, và cách lạ lùng mà bà thăm dò chúng là chuyện thật ngạc nhiên. Ai có tiếp xúc hằng ngày với bà dần dần có được hiểu biết về cái tôi, và ai chịu học theo cách dạy thực tiễn của bà thì có thể có tiến bộ. Tuy nhiên với nhiều học trò của bà thì tiến bộ là điều không nuốt trôi, bởi phải đối mặt với khuyết điểm của mình là điều không hề dễ chịu; thành ra nhiều người bỏ đi. Dầu vậy những ai qua được thử thách và chọn theo bà, sẽ khám phá trong lòng mình sự phát triển nội tâm mà chỉ nhờ vậy mới dẫn vào huyền bí học.

Nói về cách phương pháp này áp dụng ra sao trong trường hợp của mình, bà CW tiết lộ:

– Khi mới đến với HPB tôi là người sống theo thói đời thường, được hưởng nhiều may mắn. Nhờ địa vị chính trị của chồng tôi, tôi có được vị thế đáng kể trong xã hội; vì vậy phải mất một thời gian dài tôi mới ý thức được tính vô thường, hư vô của những điều từ trước tới nay tôi xem như là chuyện đáng ao ước nhất trong đời, và phải tập luyện nhiều cũng như phải phấn đấu khó khăn với chính mình tôi mới thắng được lòng tự mãn, sinh ra do sống đời ăn không ngồi rồi, thoải mái và có địa vị cao. Có quá nhiều điều phải đẩy ra khỏi tâm tôi, như lời HPB nói.

Vào cuối tháng chạp 1885 khi nữ bá tước mới ở cùng HPB hơn một tháng, bản tường trình Hodgson được phát hành. Giáo sư Sellin mang một bản đến cho HPB vào đêm giao thừa. Người ta tin là sẽ có bản tường trình bất lợi, nhưng chuyện xẩy ra thực là quá tệ với hai trăm trang 'chứng cớ' về các hiện tượng giả mạo của HPB.

 Đi đi, trước khi bà bị vấy lây với nỗi xấu hổ của tôi. HPB bảo bà CW. Bà không thể dừng chân ở đây với người bị tàn phá thanh danh... người mà đâu đâu cũng sẽ bị vạch ra là kẻ lường gạt và giả mạo.

HPB viết cho một hội viên tại Hoa Kỳ:

 Điều an ủi là trọn gánh nặng chỉ rơi cho tôi, vậy càng tốt, vì các Chân sư được xem như chỉ là huyền thoại. Danh tính các ngài đã bị phàm hóa quá nhiều và quá lâu rồi.

Ngày 6-1-1885, vài hôm sau khi HPB nhận được bản tường trình của SPR, ông Hübbe-Schleiden nhận được một thư của Chân sư. Ông bị xáo động mạnh vì chứng cớ của Hodgson là vài cách dùng chữ của Chân sư KH trong các thư của ngài cũng được dùng trong văn viết của HPB, gợi ý rằng bà là tác giả những thư này (của đức KH). Chuyện lạ là – khi bà viết cho ông Sinnett cùng ngày – đêm hôm trước bà thấy lại trong giấc mơ cảnh những ngày bà sống ở Tây Tạng khi ngài dạy Anh văn hàng ngày cho bà. Khi tiến sĩ Hübbe-Schleiden nhận được thư vào sáng hôm ấy, ý nghĩa của giấc mơ hóa ra rõ ràng. Chuyện tự nhiên là vài cách dùng chữ của bà giống như của đức KH, vì ngài dạy bà những cách ấy!

Chẳng lâu sau đó ông Hübbe-Schleiden đến thăm HPB tại Würzburg. Sau khi từ giã bà ra về, ông kinh ngạc thấy kẹp trong tập tường trình Hodgson là bản văn sau với chữ được kết tụ (precipitated) vào giấy:

– Nếu điều này có thể có ích gì cho tiến sĩ Hübbe-Schleiden – tuy tôi không tin như thế – thì xin ghi là người khiêm tốn ký tên dưới đây, chứng nhận rằng bộ 'The Secret Doctrine' được một phần do tôi và một phần do vị Huynh đệ của tôi là ngài KH đọc cho Upasika (nữ cư sĩ - HPB) ghi.

M.

Tôi tự hỏi mẫu giấy này của tôi có xứng đáng chiếm một chỗ chọn lọc với những văn kiện mà ông Hodgson đưa ra, và nó sẽ được xem giống cách viết nào nhất của HPB ? Chứng cớ chỉ nhằm làm tiến sĩ thỏa nguyện là – 'càng nhiều bằng chứng đưa ra thì càng ít được tin'. Xin bạn hãy nghe theo lời khuyên của tôi và đừng công bố hai tài liệu này. Để cho mình được thỏa mãn, tôi rất vui xin trấn an bạn rằng khi hoàn tất thì bộ The Secret Doctrine là tác phẩm của đức M., Upasika và cái tôi khiêm hạ.

KH.

Sáu năm sau, hai bản văn này được đăng trong tạp chí The Path (4-1893).

Chương XIII

Thêm Người Chống Đối –Những Tháng Đầu tại London

Sau khi bản tường trình Hodgson được phổ biến, bà CW nhớ lại:

– Nó làm như Hội bị một đòn chí tử, ngày này sang ngày kia đều có đơn từ chức của những người trước kia được xem là sáng chói dẫn đầu trong Hội, hoặc có thư nhục mạ của người trước đây là thân hữu. Những hội viên còn lại ít nhiều bị tê liệt, điều họ muốn chỉ là giữ yên lặng và im hơi lắng tiếng không cho ai thấy để không bị cười chê. Nhưng trong cảnh tăm tối ấy có lóe sáng vài ngôi sao rực rỡ, là những bạn hữu quí giá đồng cam cộng khổ trong mọi chuyện, và quả thực HPB còn sống là nhờ lòng thiện cảm và sự quí mến của những người này.

Một bạn hữu như thế là ông William Q. Judge tại New York. Ngày 5-2-1886 ông viết thư sau cho HPB:

– Trước khi bà nhận được thư này thì tôi sẽ gửi một thư cho tờ Boston Index, tờ này in lại bản tường trình Hodgson. Hẳn bà đã thấy là ông không kể đến tôi, mà tôi là một thành phần quan trọng. Bởi tôi có đó. Tôi đã xem xét mọi việc, tôi đã điều khiển công chuyện và tôi nói rằng không có cửa nào đằng sau tủ thờ. Rồi còn thư của Chân sư, bà biết là tôi nhận được nhiều thư có nét chữ giống chữ viết của tôi. Họ sẽ giải thích được điều ấy ra sao ? Tôi có tự lừa dối mình không ? và nhiều chuyện nữa giống vậy.

Bà có thể trông cậy tôi vào lúc này để được giúp đỡ bất cứ điều gì cần. Xin nhớ lại là tôi đã có mặt tại Enghien với bà vào ngày có một trong những hiện tượng. Họ không kể tới những lúc mà tôi nhận được thư từ tay người đưa thư và có mẫu tin bên trong ...

Thư của nữ bá tước cho ông Sinnett ngày 18-2-1886 cho thấy vào lúc ấy hiếm có thư bầy tỏ sự tin tưởng như trên gửi cho HPB:

– Sáng nay khi thư đến thì như mọi lần có những thư với ác ý, nhưng tạ ơn Trời tôi có thể gửi đến ông một thư đã làm 'Lão Phu Nhân' thấy ấm lòng, sau bao lời ong tiếng ve túa đến bà. Ông Judge có 10 năm kinh nghiệm với những hiện tượng của HPB vậy mà ông không kêu lên 'Gian Lận' như Bawaji. Bà Blavatsky muốn ông đọc thư này cho Bawaji và Mohini.

Cả Bawaji và Mohini khi đó ngụ tại London và về phe những ai quay lại chống đối HPB trong khoảng thời gian này. Bà CW ghi nhận là 'không có gì khó hiểu khi việc soạn bộ The Secret Doctrine phải dừng lại trong những ngày sóng gió ấy', và cuối cùng khi tiếp tục trở lại thì tâm trí khó mà có được sự an tĩnh và thản nhiên. Bà viết tiếp:

– Một buổi chiều HPB bảo tôi: 'Bà không tưởng tượng được là sẽ cảm thấy ra sao khi có quá nhiều tư tưởng và làn sóng bất lợi hướng đến bà; nó giống như ngàn mũi kim châm chích và tôi phải dựng lên bức tường bao chung quanh để bảo vệ mình'. Tôi hỏi liệu bà có biết những tư tưởng không thân thiện đó từ đâu tới chăng; bà đáp, 'Có, không may là tôi biết, và tôi luôn luôn ráng nhắm mắt lại để không thấy và không biết', và để chứng minh cho tôi thấy chuyện quả là vậy, bà cho tôi hay thư nào đã được viết, trích ra những đoạn trong thư, và quả nhiên một hay hai ngày sau chúng đến. Tôi có thể kiểm chứng lại những câu bà trích và thấy đúng thật.

Có một hôm vào lúc này, khi vào phòng làm việc của HPB, tôi thấy trên sàn có la liệt những tờ bản thảo bị loại bỏ. Tôi hỏi giấy tờ bừa bãi như vầy là sao và bà trả lời, 'Phải, tôi ráng viết 12 lần một trang này cho đúng, mà mỗi lần Chân sư đều nói nó sai. Tôi nghĩ chắc mình sẽ hóa điên, viết tới lui nhiều lần như vậy, nhưng xin để cho tôi yên, tôi sẽ không nghỉ tay cho tới khi làm xong chuyện, cho dù phải thức suốt đêm.'

Tôi mang cho bà tách cà phê để bà được khỏe khoắn lấy lại sức, rồi để bà tiếp tục công việc mệt nhọc của mình. Một giờ sau có tiếng bà gọi, và khi bước vào tôi thấy là chót hết đoạn văn đã hoàn tất được như ý, nhưng phải khổ công nhiều và lần này kết quả thường là không chắc và cũng chỉ nhỏ nhoi.

Trong lúc bà ngồi dựa ra sau thưởng thức điếu thuốc và cảm giác nhẹ nhõm sau việc làm cực nhọc, tôi ngồi ghé lên tay ghế của chiếc ghế bành lớn của bà và hỏi làm sao bà phạm lỗi lầm khi viết lại những điều được cho bà hay. HPB đáp:

'Bà xem đây, chuyện tôi làm là như vầy. Tôi tạo ra một khoảng trống trong không trước mặt mình, tập trung ý chí và tầm nhìn vào đó, và những cảnh tượng nối tiếp nhau diễn ra trước mắt tôi như các bức hình phong cảnh liên tục trôi đi. Hay là, nếu tôi cần trích dẫn từ sách, tôi sẽ chú tâm hết sức và thể vía của sách hiện ra cho phép tôi trích điều mà tôi cần. Trí não tôi được tự do không bị phân tâm, khổ sở chừng nào thì nó càng có thêm năng lực và sức tập trung chừng ấy, khiến tôi càng dễ làm như vậy; nhưng hôm nay sau bao chuyện bực mình tôi gặp phải vì bức thư  mà tôi nhận được của X, tôi không thể tập trung đúng cách, và mỗi lần cố công thì tôi viết câu trích dẫn sai hết. Chân sư nói bây giờ thì nó đúng rồi, ta đi dùng bữa tối đi.'

Bữa tối lúc bẩy giờ  kết thúc một ngày làm việc. Sau đó, bà bá tước kể:

– 'Chúng tôi trải qua một buổi tối dễ chịu với nhau. Ngồi thoải mái trong ghế bành lớn, HPB chia bài để chơi một ván cờ Patience mà theo bà sẽ khiến trí não được nghỉ ngơi. Làm như hành động máy móc khi chia bài, xếp những lá bài, cho phép trí não bà được tự do không còn chịu áp lực cố công tập trung như khi làm việc ban ngày. Bà không hề muốn nói chuyện về TTH vào buổi tối. Sự căng thẳng của tâm trí lúc ban ngày hóa ra nặng nề đến mức trên hết thẩy bà cần được nghỉ ngơi, thế nên tôi ra công để có được càng nhiều sách báo và tạp chí càng tốt, đọc các bài viết trong đó và những đoạn mà tôi nghĩ nhiều phần sẽ làm bà vui và thích thú. Đến chín giờ tối thì bà lên giường, mang theo báo tiếng Nga và đọc chúng tới khuya.'

Ta khó mà tưởng tượng HPB vào những phút thảnh thơi nhẹ nhàng như vậy, và hình chụp của bà chỉ cho thấy khía cạnh nghiêm nghị của tâm tính. Đôi khi vào những phút như thế này bà bá tước nói:

– 'Bà là người chuyện duyên dáng, có phong thái hồn nhiên vô cùng lôi cuốn. Quả vậy, tôi nghe người ta nói rằng phụ nữ đẹp nhất của Anh chỉ là bông hoa mờ nhạt tầm thường bên cạnh nhân vật đáng nói này ... Khi bà cười, bà mở miệng và mắt mở to hồn nhiên như của trẻ nhỏ. Tôi chưa hề thấy phụ nữ lớn tuổi nào mà cười với vẻ tự nhiên thơ ngây như thế.'

 

Thêm Người Chống Đối

Chuyện về thời gian HPB ở Würzburg sẽ không đầy đủ nếu ta không kể chi tiết về cuộc viếng thăm của ông Solovyov người Nga vào tháng 8 và 9 năm 1885, và những gì đưa tới việc có mặt của ông vào lúc này.

Ông gặp bà Blavatsky lần đầu tiên tại Paris vào mùa xuân 1884, khi ấy bà tin tưởng ông là người TTH có tâm địa tốt lành, không phải chỉ là hội viên suông. Tuy nhiên hai năm sau, trong một thư gửi cho ông Sinnett (ngày 3 - 3, 1886) bà gọi ông là người chống đối, mưu hại TTH. Solovyov viết sách tiếng Nga về bà Blavatsky năm 1892 tức sau khi bà qua đời, và sách được dịch sang Anh văn và hội nghiên cứu tâm linh (Society for Psychic Research) cho xuất bản năm 1895, bản dịch này (A Modern Priestess of Isis) được nhiều người trích dẫn nên ta cần xem nó đúng thực ra sao.

Một nhà phê bình có tiếng của xã hội Nga lúc bấy giờ là ông Victor Bourenine, có bài điểm sách đăng trên báo ngày 30 - 12, 1892 mà ta trích vài đoạn như sau:

– 'Ông Solovyov viết nhiều chuyện lịch sử tiểu thuyết,  Còn bà Blavatsky có tài nghệ văn chương không phải hạng bình thường, căn cứ vào những bài viết của bà trên báo. Theo ý tôi chúng thú vị và có tài trăm lần hơn tất cả những chuyện lịch sử nửa vời của ông Solovyov cùng tất cả những bài viết hoang tưởng hoặc không hoang tưởng của ông.

Rất có thể là tôi nghĩ sai, nhưng khi đọc quyển A Modern Priestess of Isis của ông, tôi đi tới kết luận sau, hoặc là ông không nói đúng về bà Blavatsky, bẻ cong sự kiện một chút, nói chung có bịa đặt, hoặc là trong thời gian quen biết bà thì sức khỏe ông không được khả quan. Xin để độc giả có nhận xét riêng của mình.'

Sau đó ông Bourenine trích những thư mà ông Solovyov gửi cho HPB, chứng tỏ rõ ràng chuyện của ông Solovyov là bịa đặt. Ông Bourenine có được những thư này từ bà Vera, em gái của HPB.

Nay xem kỹ quyển sách trên ta thấy đa số dữ kiện trong sách hóa ra chỉ là chuyện do ông tưởng tượng. Ban đầu Solovyov đi theo bà Blavatsky tới nhiều chỗ, thư từ qua lại thường xuyên với mục đích là mong được bà chia sẻ hiểu biết và chỉ dạy cách làm hiện tượng. Vera trích lại một thư HPB viết cho bà:

– Chị không hiểu được Solovyov, không biết phải làm gì với ông. Ông không để cho chị yên mà năn nỉ dạy ông làm hiện tượng – làm sao có thể dạy những điều ấy được ? Ông hỏi 'Làm sao bà tạo ra được âm nhạc trong không ?' Thật, chị có thể nói gì được với ông đây ? Chị đáp, 'Này, y như ông thấy đó, tôi vẫy tay trong không và có tiếng nhạc vang lên ... ' Chị có thể nói gì khác hơn được nữa ? Để ông trải qua những gì chị đã trải qua ở Ấn Độ và rồi may ra ông sẽ cũng đạt được những quyền năng này. Thực tế là ông chỉ làm mất thì giờ của chị và của ông.' ...

Vẫn theo Vera:

– 'Lần khác, HPB tỏ ra tức giận sau khi Solovyov ra về, bà nói với chúng tôi, 'Ông mới lạ làm sao ! Ông nói 'Tại sao bà chỉ cho ông Olcott mà không chỉ cho tôi !' Nào chị có dạy ông Olcott làm gì đâu, sự việc chỉ là ông bẩm sinh có nhiều từ lực.'

Vera giải thích rằng quả thực ông Olcott có từ lực mạnh mẽ, bà chính mắt thấy ông chữa hết bệnh nhiều người, thí dụ như bệnh phong thấp của bà và ông cũng chữa lành cho Solovyov mà chính ông này về sau công bố.

Sau khi yêu cầu mà không được HPB làm cho mãn nguyện, ông quay sang dèm xiểm bà với nhiều người khác, tạo nên dư luận bất lợi cho HPB trong vòng thân hữu, gây khó khăn cho việc làm của HPB. Dầu vậy, Vera kể tiếp là quyển sách của Solovyov khiến cho nhiều người chú ý đến Theosophy và tìm sách của HPB để đọc, và cũng vì vậy người ta biết đến HPB hơn. Ngày nay nhìn lại, tác giả Sylvia Cranston tin rằng Vera có công rất lớn trong việc ghi lại những chi tiết trong đời HPB. Nếu không có các tài liệu do Vera để lại, nhiều chuyện về HPB hẳn sẽ chìm mất tăm không dấu vết.

Trở lại năm 1885, ngoài Solovyov sinh chuyện bực mình HPB còn gặp phải những vấn đề khác do chính người thân cận với bà gây nên. Mohini và Bawaji là hai đệ tử  người Ấn theo HPB sang Âu châu, hai người được hội viên mến phục, tỏ lòng ngưỡng mộ khiến họ sinh lòng tự tôn, gây hậu quả là hội viên xưa nay vẫn trung thành với Hội giờ đâm ra có ác cảm. Thư từ trao đổi giữa HPB và người khác cho thấy Mohini và Bawaji tạo nên vấn đề nghiêm trọng cho phong trào TTH ở Pháp, Đức cũng như cho đời sống riêng tư của một số hội viên. Bạn đọc nào muốn nghiên cứu kỹ về giai đoạn này xin đọc thêm quyển HPB's Letters to A.P. Sinnett.

Sang mùa xuân năm 1886, HPB dự tính rời Würzburg nóng nực khi hè đến và đến ngụ tại thành phố Osten ở ven biển nước Bỉ. Tuy nhiên ông Gebhard, một hội viên tận tụy người Đức mời được bà ghé chơi với gia đình ông ở Elberfeld. HPB định là chỉ ghé thăm vài hôm, nhưng bà bị trặc chân và các đau yếu khác khiến phải dừng lại ở đây hơn hai tháng. Trong thời gian này em gái bà là Vera với con gái cùng tên, cũng đến nơi đây. Cô cháu gái Vera kể:

 Thường thường buổi sáng xuống nhà ... tôi thấy HPB chăm chú xem công chuyện. Theo tôi biết bác không viết gì lúc sáng sớm như vầy mà cẩn thận xem lại những gì đã viết tối hôm trước. Một hôm nét mặt HPB lộ vẻ rối trí; không muốn làm rộn  bác nên tôi yên lặng ngồi xuống và chờ cho bác lên tiếng ...

Cuối cùng bác gọi. "Vera", bác nói, "con chỉ bác coi Pi là gì được không ?" Câu hỏi làm tôi kinh ngạc, tôi nói theo tôi nghĩ thì pie là một món ăn của Anh. "Đừng có điên như thế", HPB nói có hơi nóng nẩy, "con không hiểu bác hỏi về hiểu biết toán học của con sao ? Lại đây xem chuyện này."

'Tôi nhìn vào trang giấy nằm trên bàn trước mặt bác, thấy nó đầy những con số và các bài tính toán, chẳng bao lâu tôi nhận ra là con số π = 3'14159 viết sai hết thành 31'4159. Tôi mừng rỡ đắc thắng và mau lẹ chỉ cho HPB thấy lỗi này. "Đúng rồi !", bác nói "dấu phết ( ' ) sai chỗ này làm bác rối trí suốt buổi sáng nay. Hôm qua bác ghi vội điều bác thấy và hôm nay mới nhìn lại bác cảm thấy mạnh mẽ là có gì đó không ổn, nhưng ráng hết sức mà vẫn không nhớ dấu phết nằm chỗ nào khi nhìn thấy con số này."

'Hồi ấy tôi hiểu biết rất ít về TTH nói chung và cách viết sách của bác tôi nói riêng, nên tự nhiên là tôi lạ lùng không biết làm sao HPB lại không thể sửa được lỗi nhỏ như thế, trong các bài tính toán rất phức tạp do chính tay mình ghi xuống.

'"Con còn khờ lắm," bác nói, "nếu con nghĩ rằng bác thực sự biết và hiểu hết những điều mà bác viết. Bác đã nhắc đi nhắc lại với con và mẹ của con bao lần, rằng những điều mà bác viết là do được đọc cho nghe, đôi lúc bác thấy bài viết, con số và chữ trước mắt mình mà không hề biết chút gì về chúng". Nhiều năm sau đọc lại bộ The Secret Doctrine, tôi nhận ra trang này, đó là một trong những trang bàn về thiên văn học của người Ấn.'

Mùa hè này chỉ có HPB, Vera và con gái ở Ostend, vì bà bá tước Wachtmeister về Thụy Điển thu xếp công chuyện nhà. Tới cuối mùa hè, bà trở qua nhưng thay vì cùng HPB quay lại Wurzburgh, hai người quyết định ở lại Ostend vì nơi đây gần London và hội viên nơi đó hơn.

HPB tiếp tục soạn thảo bộ Secret Doctrine nhưng bà không hài lòng với loại mực có sẵn ở Ostend, vì vậy bà tìm ra một công thức hay hơn và tự làm mực cho mình – như đã có lần làm vậy ở Nga hồi trước. Khi phẩm chất tốt đẹp của loại mực mới này được lan rộng, nó khiến bà phải chế tạo nhiều hơn và chẳng mấy chốc việc làm mực của HPB trở thành một tiểu thương nghiệp. Bà bá tước kể lại rằng có hôm một thiếu phụ nghèo khó đến xin HPB giúp đỡ, bà cho tay vào túi áo thì thấy là túi rỗng không, kéo hộc bàn viết ra xem thì cũng y vậy. Khi đó HPB nhớ tiệm làm mực của mình và kêu lên "Này, Constance (tên bà bá tước), cho thiếu phụ này tiệm làm mực đi, nó sẽ giúp bà qua cơn túng thiếu" - và đó là chuyện xẩy ra.

Giai thoại khác cũng được kể lại về thời gian HPB ở Ostend. Bác sĩ Buck, một bác sĩ nổi tiếng trong thời của ông và cũng là một hội viên tiếng tăm, viết:

– Một người bạn của tôi, người mà có thể đã khám phá nhiều điều về kinh Kabbalah hơn bất cứ ai khác thời hiện đại, và cũng là người đã dành hơn hai mươi năm cho công việc chuyên môn này, có lần nêu lên những thắc mắc liên quan đến cuộc nghiên cứu riêng của ông, và tỏ ý nghi ngờ rằng không ai đang sống có thể hoặc sẽ trả lời các thắc mắc này. Tôi mới đề nghị ông viết cho HPB về vấn đề, và một thời gian sau thì ông làm vậy.

Kết quả là gần bốn mươi trang bản thảo chữ viết thật khít khao, trả lời từng câu hỏi mà ông đã nêu, và thêm vào đó một mỏ hiểu biết làm người nhận thư rất đỗi kinh ngạc. Tác giả này chưa từng là hội viên hội TTH, nhưng vào lúc đó ông bầy tỏ niềm tin tưởng là HPB là phụ nữ tuyệt vời, uyên thâm nhất trong thời này hay bất cứ thời nào. Ông là một chuyên gia, đã dành nửa đời học hỏi một ngành ít được biết tới và khó hiểu, lại thấy rằng HPB hoàn toàn thông thạo mọi nghiên cứu của mình.'

Nhân vật này là học giả J. Ralston Skinner, sách của ông The Source of Measures được in ra năm 1875 cho đến nay vẫn tiếp tục được xuất bản. Thư từ liên lạc giữa ông và HPB được khám phá là lưu trữ tại đại học Harvard. Bà xác nhận với ông về sự hiện hữu của các Chân sư, về phần Skinner khi soạn xong quyển The Source of Measures đã gửi cho bản thảo HPB đọc, cùng nói rằng bà có thể dùng sách như là tác phẩm của chính bà, nhưng HPB từ chối. Bà viết:

– Làm sao tôi có thể trích dẫn mà không có dấu ngoặc cho biết là trích từ sách của ông ? Làm sao tôi có thể trích mà không đề tên ông ?

Quyển The Secret Doctrine có trích vài đoạn dài từ sách này. Trong số thư từ lưu trữ tại Harvard có một bức hình của HPB, đằng sau tấm ảnh ghi:

– Xin tặng thân hữu sơ giao - nhưng là người bạn rất, rất xưa, ông Ralston Skinner ...

May 1887.

Đầu tháng giêng 1887, HPB cho ông Sinnett hay một tin lạ lùng bà vừa nhận được:

– Báo chí Nga lại đầy chuyện về tôi. Có vẻ như 'bàn tay tôi' cứu một người đàn ông thoát chết trong khi ông đang thóa mạ tôi và gọi tất cả sách vở của tôi là Láo Khoét. Bài báo có tựa 'Bàn Tay Bí Ẩn' ... Dì tôi ... viết thư hỏi đó là tôi hay Chân sư làm chuyện ấy. Sự việc mô tả là xẩy ra vào mùa thu năm 1886.

Tìm hiểu thì bài báo nguyên thủy sau đó được nhiều tờ báo khác in lại trong làng báo của Nga, nội dung như sau:

– Chúng tôi ngồi an vị trong hàng hiên rộng lớn thuộc căn nhà nghỉ hè của chúng tôi ở gần St. Petersburg. Lúc đó bắt đầu xế chiều, chúng tôi ăn trưa sớm và nay ngồi chơi, hút xì gà cùng thuốc lá ngoài trời. Trời có dông, không khí nặng nề chung quanh ... mọi vật đều bất động và lặng lẽ. Vị nữ chủ nhân đáng quí, Marya Nikolaevena, đem ra cuốn sách và bắt đầu đọc chuyện của tác giả Radda Bai (bút hiệu trên báo Nga của HPB) tên 'Blue Hill of Nilgiri'. Chúng tôi ai nấy lắng nghe thích thú ... Để sách xuống, bà nhìn hết chúng tôi rồi nói nhỏ nhẹ 'Thật là tuyệt vời !'

"Nhưng chắc chắn là chuyện mà Radda Bai kể ta nghe ... là chuyện hoang đường và huyền hoặc !", một người đàn ông có mặt ở đó nói lạnh lùng ... ấy là Piotre Petrovitch, một nhà hùng biện không mệt mỏi và đáng chú ý ... "điều gì bà ấy cho là thật thì tôi chỉ thấy là chuyện bịa đặt mà thôi."

Chúng tôi nhìn ông ngạc nhiên, rồi khi vừa nói xong câu chót, chúng tôi thấy ông đột ngột lo lắng nhìn xuống cánh tay mặt đang nằm trên lan can của hàng hiên. Ông đứng bật dậy khỏi ghế trước sự kinh ngạc to lớn của chúng tôi, như thể bị rắn hổ mang cắn; ông chạy xuống mấy bậc thềm, xem xét đầy lo âu từng góc của mẫu vườn nhỏ trước nhà, nhìn dưới gầm hàng hiên và dưới mái, rồi sau cùng quay trở về chỗ ngồi, mặt trông hết sức nhợt nhạt làm như ông thấy ma hiện hình.

"Có chuyện gì thế ?" nữ chủ nhân Marya Nikolaevna kêu lên, rất kinh sợ. Thay vì trả lời, Piotre Petrovitch lặng thinh tìm kiếm tiếp. Ông coi lại lần nữa mặt đất bên dưới các bậc thềm, rồi nhìn ra xa vào khu rừng, và chót hết bắt đầu đi quanh mấy cái ghế, nhìn xuống bên dưới chúng ... 'Các bạn có thấy ai không ?' ông hỏi. Chúng tôi lạ lùng nhìn nhau và cùng trả lời "Không thấy ai hết !"

"Nhưng tôi thấy có một người ... và – cả một bàn tay nữa," ông nói với cùng một giọng run run, "đó là bàn tay của đàn bà không chối cãi được, có phần trong suốt, với gân xanh nổi lên đan qua lại. Tôi thấy có vẻ như ai đó từ vườn trước đây đi lại phía tôi, nắm lấy cánh tay trên cùi chỏ, ở chỗ này này, và sau khi ấn tay tôi ba lần đã tìm cách kéo tôi từ hàng hiên xuống vườn." Trong khi nói như vậy, Piotre Petrovitch thở hổn hển và mặt trắng bệch kinh hoảng.

"Vậy có lẽ anh phải cẩn thận hơn, đừng bác bỏ chuyện hoang đường Ấn Độ nhé ! Đó là thể tình cảmcủa 'Radda Bai' kéo tay anh, tỏ ý anh không nên chế nhạo người khác ! ... chúng tôi nói.

Nhưng anh không nghe lời chúng tôi mà cứ lặng thinh, sợ sệt, chốc chốc nghi ngờ xem xét tay áo phải của áo khoác, chỗ mà anh thấy bàn tay bí ẩn. Chỉ một lúc ngắn sau anh chịu hết nổi nên đứng dậy ra khỏi ghế lần nữa, đi trở lại ra vườn; ở đó anh có được phong thái tự nhiên như cũ và bắt đầu thuật lại đầu đuôi câu chuyện lần nữa. Cả bọn chúng tôi đi theo anh, cười vui thích chí anh chàng không tin này.

Trong khi ấy bầu không khí nặng nề hơn và đầy điện. Một đám mây lớn mầu đen đầy sấm sét nằm ngay trên đầu chúng tôi, u ám và đầy nét đe dọa, rồi một tia chớp đột nhiên vụt ra xẹt vào ngôi nhà chúng tôi vừa đi khỏi. Ai nấy giật nẩy mình kinh ngạc, vì ngay trước mắt chúng tôi cột ống khói to lớn trên mái rơi xuống vỡ vụn tan tành, gạch và xi măng lăn ầm ầm vang dội từ đầu nhà xuống tới vườn. Ghê gớm hơn nữa là cây cột mà Piotre Petrovitch dựa vào trong lúc ngồi ghế bành, đột nhiên cong vòng rồi đổ sụp phát tiếng răng rắc kinh hồn, và trọn mái nhà lớn và nặng rơi xuống, sập với một tiếng ầm kinh khủng trên hàng hiên ... Chúng tôi không phát được tiếng nào vì cảm thấy khủng hoảng và quá đỗi kinh ngạc !

"Bàn tay, bàn tay của bà ... Đúng rồi ! Các bạn biết không, bàn tay ấy kéo tôi ra khỏi hàng hiên !" anh nhắc đi nhắc lại với mỗi người trong bọn chúng tôi, mặt trắng bệch sợ hãi, mắt mở to. Phần chúng tôi thì hoảng hốt quá không thốt được lời chi, bởi chúng tôi cũng vừa được cứu thoát khi theo chân Piotre đi ra vườn.'

Giao thừa năm 1887 HPB chỉ có một mình. Bà đã đưa nữ bá tước Wachtmeister đi London có chuyện riêng. Trong lúc ở đó, nữ bá tước được thư của HPB viết về tương lai của Hội. Thư tiết lộ rằng HPB có cuộc nói chuyện dài với Chân sư -  đã lâu lắm bà mới nói nhiều như thế, và bà được dạy:

 ... trọn Hội đang bị thử thách tàn bạo. Ai qua được giai đoạn này mà không lay chuyển sẽ có được kết quả cho mình, ai vẫn tiếp tục không có hành động gì hoặc thụ động, ngay cả ai quay lưng đi, cũng nhận hệ quả cho họ. Ấy là thử thách chót và tuyệt đại hơn hết thẩy. Mà cũng có tin cho hay, hoặc là tôi phải quay về Ấn để qua đời vào mùa thu này, hoặc từ nay đến tháng 11 tới tôi phải tạo nên một nhân gồm các hội viên chân thành, một trường của riêng tôi, không có thư ký, chỉ riêng mình tôi, với càng đông người mà tôi có thể dạy càng tốt. Tôi có thể dừng ở đây hoặc đi Anh, hoặc bất cứ điều gì tôi muốn.

Chuyện đáng nói là không lâu sau đó, Bertram Keightley là hội viên tại London đến thăm HPB tại Ostend. Anh thuật lại:

– Tôi qua đó để thúc giục HPB về chuyện nên làm là sang ngụ tại London, để lập một trung tâm cho hoạt động tích cực về Theosophy. Tất cả có sáu người chúng tôi, thấy bất mãn sâu xa với tình trạng hờ hững dường như lan khắp trong hội tại Anh, và chúng tôi đi tới kết luận rằng chỉ có HPB mới có thể cho trợ giúp hữu hiệu, để tái tạo sự linh hoạt đang ngưng lại của phong trào, và khởi sự việc làm tích cực, được hướng dẫn sáng suốt.

Nhóm ít người gồm các hội viên trẻ này họp mặt đều đặn với nhau, họ gặp phải bế tắc trong việc học hỏi Theosophy và cho rằng chỉ có HPB mới giải đáp những thắc mắc của họ. Lần kế, người khác trong nhóm qua thăm bà là bác sĩ Archibald Keightley  (là chú cháu với Bertram, với cháu Archibald hơn ông chú Bertram một tuổi), thúc đẩy HPB nhiều hơn để sang London. Tuy nhiên ông Sinnett  chống đối mạnh mẽ quyết định này. Trước đó bà viết cho ông thư sau:

– Ông hỏi ý kiến tôi về chuyện của chi bộ London. Ông đã hỏi thì chắc ông có thể muốn nghe những gì mà Chân sư nói vài lần về chi bộ London. Tôi không thể nhắc lại lời của ngài nhưng ông có thể nắm được ý của nó trong sách Khải Huyền (Revelation) 3:15 và 16 (Ai có tai hãy nghe thần linh nói về các hội thánh ... Tôi biết công việc của bạn, rằng bạn không hào hứng mà cũng không thờ ơ; tôi muốn hoặc bạn lãnh đạm hoặc hăng hái. Vì thế khi bạn lừng khừng thì tôi sẽ tống xuất bạn ra.) Ông có thể xét đoán và tôi xin để cho ông tự suy ra. Nó hàm ý bất cứ điều gì cho một động lực mới mẻ thì cũng hay hơn sự bất động. Nếu ông tiếp tục lâu hơn tình trạng trì trệ hiện có của mình, chi bộ London sẽ bị rêu phong bao phủ trong vòng một năm ...

Bert Keightley nêu ra vấn đề khác là cách ông Sinnett quản trị; ông tin rằng Theosophy nên được dành riêng hoàn toàn cho loại tổ chức mà ở Anh gọi là 'Hội quán – Club', tức giới thượng lưu y phục sang trọng so với quần chúng. Ngược lại, Bert Keightley nói rằng các hội viên trẻ của chi bộ London 'tin là nếu muốn Theosophy hoàn thành sứ mạng của nó trong thế giới, nó phải thu hút được quần chúng, người thuộc mọi sinh hoạt mà cho dù có ít học hỏi chuyện siêu hình, vẫn có trọn khả năng hiểu được những nguyên lý căn bản của Theosophy ...'

Một số hội viên thuộc chi bộ London viết cho bà những thư riêng nài nỉ, như là cách chót hết để khuyến dụ bà sang ngụ tại đây. Để trả lời HPB viết một thư dài chung cho mọi người, trong đó có đoạn:

– Nếu tôi có thể vực chi bộ của bạn dậy, hãy dùng tôi làm cây cột xấu xí nhất, hoặc dùng như hồ trên cái bay của bạn để trát kín và lấp những chỗ vỡ vụn của bức tường thuộc chi bộ London không may. Nhưng nếu người thợ hồ trước hết không xếp đặt vật liệu cho gọn gàng và chuẩn bị gạch thì xi măng có thể làm được gì ?

Khi bằng lòng sang Anh, kế hoạch đầu tiên của HPB là đi London ngày 27-3 và ở đó suốt mùa hè. Lúc này bà bá tước đã về Thụy Điển bán nhà và sau đó sẽ sống luôn với HPB tại Anh.

10 ngày trước khi rời Ostend, HPB bị bất tỉnh trong lúc ngồi trên ghế. Điều này xẩy ra nhiều lần và bác sĩ chẩn bệnh là thận hư nặng. Bà Mary Gebhard từ Eberfeld đến, thay phiên với nữ bá tước chăm sóc HPB. Bác sĩ cho rằng bệnh tình không cứu vãn được nên nữ bá tước gửi điện tín cho một hội viên ở London là bác sĩ Ashton Ellis. Ông lập tức đến ngay, xoa bóp những cơ quan bị tê liệt của HPB. Nó cho kết quả tạm thời, nhưng chẳng lâu sau đó thấy rõ là HPB đang chết dần. Bà Gebhard đề nghị nên làm di chúc, vì qua đời ở ngoại quốc mà không có di chúc sẽ sinh ra rắc rối dây dưa không dứt. Thế nên vị lãnh sự Hoa Kỳ cùng với một luật sư và bác sĩ Bỉ xếp đặt sẽ đến vào hôm sau.

Đêm hôm ấy, nữ bá tước hãi hùng khi ngửi thấy thoảng qua mùi đặc biệt báo hiệu cái chết, thỉnh thoảng phát ra. Bà không mong là HPB còn sống được qua đêm. Quá mệt mỏi, bà ngủ thiếp đi. Sáng ra bà kinh ngạc thấy HPB ngồi dậy trong giường ngỏ ý muốn ăn sáng. Bà cho hay được có hai chọn lựa trong đêm, hoặc chọn con đường dễ và ra đi, hoặc tiếp tục với công việc, với rủi ro là phải đối đầu với những thách đố lớn hơn những gì đã gặp từ trước tới nay.

Khi luật sư, bác sĩ và vị lãnh sự đến, họ thấy ai nấy trong nhà vui mừng hớn hở. Bác sĩ cứ nhắc đi nhắc lại, "Nhưng lẽ ra bà phải qua đời rồi ... phải ra đi rồi." Ông chưa biết có trường hợp nào như vậy mà bệnh nhân hồi phục được. Việc làm di chúc tiến hành suông sẻ cho đến khi luật sư thấy là HPB để lại hết tài sản của bà cho nữ bá tước, và không để lại gì cho thân nhân. E ngại là nữ bá tước không chừng đã tạo ảnh hưởng với HPB, ông phản đối nhưng HPB chống lại mạnh mẽ. Để tránh sự bàn cãi, bà Gebhard nhẹ nhàng cho luật sư hay, "Khi biết bà Blavatsky để lại tài sản bao nhiêu hẳn ông sẽ không còn phản đối ý bà, vì nếu qua đời, bà còn không có đủ tiền để lo hậu sự".

Mọi việc xong xuôi vài giờ sau, khi khách ra về, vị lãnh sự Hoa Kỳ cười và nói:

– Thôi, tôi nghĩ bấy nhiêu chuyện cũng đủ làm một phụ nữ sắp chết phải mệt!

Nói về những sự hồi phục có vẻ như là phép lạ, về sau HPB cho ra một manh mối trong bộ The Secret Doctrine (1:555).

– Chúng tôi tuyên bố và giữ vững ý tưởng rằng Âm thanh là một năng lực huyền bí vĩ đại; nó là một lực kinh khủng, theo đó điện lực do một ngàn cái thác Niagara sinh ra không sao đương cự với một lực nhỏ nhất khi được điều khiển bằng hiểu biết huyền bí. Âm thanh có thể được tạo ra để nâng kim tự tháp Cheops lên không, hoặc ai sắp chết, thở hơi cuối cùng, có thể được hồi sinh, tràn đầy năng lực mới và sức mạnh.

Bởi Âm Thanh tạo ra, hay đúng hơn là nó thu hút lại với nhau các nguyên tố làm nên chất ozone, cách tạo tác này nằm ngoài tầm hóa học nhưng trong vòng giới hạn của khoa luyện kim. Nó lại còn có thể làm hồi sinh người hay vật mà thể sinh lực chưa tách rời hoàn toàn khỏi thể xác  khi sợi dây từ điện đứt rời. Tôi đã được cứu thoát khỏi thần chết ba lần bằng cách ấy nên có kinh nghiệm bản thân đôi điều về chuyện..

HPB nói thêm rằng điều này có vẻ không khoa học quá nên người ta không để ý tới. Tuy nhiên trong thế kỷ qua khoa học đã biểu diễn cho thấy âm thanh nâng cao được vật. Cơ quan NASA đã dùng âm thanh để nâng, quay và di chuyển vật trong không gian từ tháng 8 – 1979. Họ xuất bản hơn 20 bài viết mô tả khảo cứu được thành công trong lãnh vực này, luôn cả hình chụp vật như quả cầu bằng thép lơ lửng trong không. Cuộc nghiên cứu được thực hiện tại phòng thí nghiệm Jet Propulsion, California Institute of Technology.

Ngày 1 tháng năm 1887, HPB rời Ostend đi London, ngụ tại ngôi nhà nhỏ tên Maycott ở Upper Norwood. Nơi đây thành trung tâm hoại động của Theosophy trong vài tháng, sau đó bà dời sang nhà khác rộng rãi hơn, và như vậy bắt đầu một giai đoạn mới của việc làm tích cực cho Theosohy trong thế giới tây phương.

 

Những Tháng Đầu tại London.

Bertram Keightley, khi thuật về việc HPB viết bộ The Secret Doctrine, ghi lại những ngày đầu tại Maycott:

– ...Cuối cùng chúng tôi đóng gói vật dụng, về đến Maycott và chỉ mới vào nhà được hai tiếng, HPB đã cho mang bút giấy ra và cặm cụi viết ngay trở lại. Khả năng làm việc của bà thật đáng phục, từ sáng sớm đến chiều tối bà ngồi ở bàn miệt mài, và ngay cả khi ốm tới mức đa số người sẽ nằm liệt giường, bà vn một mực theo đuổi công chuyện phải làm xong.

Ba tuần sau khi HPB tới London, một chi bộ TTH được ra đời. Ông Olcott thuật rằng

– ...  'một nhóm mười bốn người trẻ hợp lại thành lập chi bộ Blavatsky mà về sau gây tiếng tăm, tên chi bộ cho thấy nó được chọn để làm lời bầy tỏ công khai lòng trung thành với bà, nhằm phản đối âm mưu của ông bà Coulomb và các nhà truyền giáo làm thanh danh của bà bị hoen ố.'

Biên bản của chi bộ Blavatsky ghi lại buổi họp chính thức đầu tiên vào ngày 19 - 5, viết rõ "mục đích của chi bộ là làm việc tích cực".

Buổi họp kế là ngày 25 - 5, thông qua quyết định phát hành một tạp chí và thành lập công ty ấn loát. Trong quyển Reminiscences, Bertram Keightley giải thích làm sao có việc đồng ý ra tạp chí:

– (HPB) thấy rằng phải cần ít nhất một năm hay hơn bộ The Secret Doctrine mới xong và đem in; (nên bà) thúc giục là trong lúc chờ đợi thì không thể không có việc truyền bá trong công chúng hoặc một hoạt động bên ngoài, và cách duy nhất mà chúng tôi có thể thực hiện là cho ra một tạp chí với HPB làm chủ bút. Thành ra chúng tôi quyết định bắt đầu một tạp chí tên Lucifer: the Light–Bringer, và khởi sự diễn tiến công việc ngay.

Báo Lucifer có một đồng chủ bút là Mabel Collins, người soạn quyển sách nhỏ Light on the Path (Ánh Sáng trên Đường Đạo) được ưa chuộng trong Hội. Maycott là nhà riêng của bà nơi diễn ra những việc trên.

CHƯƠNG XIV

Chi Bộ Blavatsky, 17 đường Lansdowne – The Secret Doctrine - Triết Lý Bí Truyền

Chẳng lâu sau đó, HPB giao chồng bản thảo cao gần một thước của bộ The Secret Doctrine cho hai thanh niên Bertram và Archibald Keightley đọc và cho ý kiến. Sau khi dành nhiều thì giờ xem xét, họ kết luận rằng đây là tác phẩm khác thường nhưng cách trình bầy 'không có hệ thống, cơ cấu hoặc sắp xếp nào'. HPB liền giao cho hai người việc sửa chữa lại; họ không muốn thay đổi hình thức nguyên thủy của bản thảo nên cho đánh máy lại theo chuyên nghiệp và làm việc với bản đánh máy này.

Năm 1889, khi Archibald Keightley dự một đại hội của Hội tại Hoa Kỳ, anh được báo New York Times phỏng vấn. Khi phóng viên đặt câu hỏi là HPB 'ngày nay có tạo ra hiện tượng nào với quyền năng huyền bí mà người ta gán cho bà khi trước ?', câu trả lời có liên quan đến bộ The Secret Doctrine:

– Rất hiếm, trừ phi chúng xẩy ra một cách tự nhiên khi làm việc ... Trong lúc soạn bộ The Secret Doctrine hồi mới từ Ấn Độ sang, bà không có lấy một quyển sách tham khảo hoặc có uy tín nào bên cạnh, vậy mà bà thường khi trích những đoạn dài hai, ba trăm chữ từ nhiều tài liệu, ghi tên tác giả, cuốn thứ mấy, và số trang chính xác như thể có sách tham khảo trước mặt. Tôi cảm thấy không thoải mái về điều này và nói với bà, "Bà nghĩ tôi nên kiểm lại cho chính xác những phần trích này không ?"

"Cứ làm đi, nếu anh muốn," bà đáp. Thành ra tôi mang một chồng như thế ra British Museum, nơi duy nhất mà tôi biết có những sách bà trích. Ở đó tôi thấy chúng chính xác từ những điểm nhỏ nhất trở đi, ngoại trừ trong một hay hai trường hợp tôi không thấy đoạn văn trích ra nằm ở số trang mà bà ghi. Lấy thí dụ số trang nói là 307, mà nó không có đó. Tuy nhiên tôi nẩy ý và tìm trang 703 thì nó nằm ở đó, y từng chữ một. Việc con số hoán đổi là do hình ảnh nơi cõi trung giới bị đảo ngược, trưng ra sự vật y như phản chiếu trong gương. Khi cơ thể mệt mỏi thì không phải lúc nào bà cũng để ý sửa lại việc đảo lộn này ...

"Những câu trích mà tôi nói ở đây phần lớn nằm trong tạp chí Journal of the Asiatic Society tại Calcutta, nhiều đoạn nằm trong các bài của đại tá Wilford; những bài viết này đăng cách đây năm, sáu mươi năm, không phải là hết sức hiếm nhưng chỉ rất ít người có chúng, và chắc chắn là bà không có cũng như không có cách nào tham khảo trong lúc viết sách, ngoại trừ bằng cách nhìn nơi cõi trung giới như tôi vừa nói."

Trong số khách đến thăm HPB vào mùa hè 1887 có ông Alexander Fullerton từ Hoa Kỳ. Ông làm việc tích cực cho hội tại New York, và là cánh tay mặt của ông Judge trong việc cho ra tờ The Path; ông bỏ sự nghiệp của mình là giáo sĩ Anh giáo để làm việc toàn thời cho Theosophy. Ông hồi nhớ:

– Tôi nhớ rất rõ những lời nói đầu của tôi với HPB vào tháng tám 1887. Tôi bảo là lẽ đương nhiên tôi thấy phập phồng khi đứng trước mặt người có khả năng đọc được tư tưởng. Bà đáp rằng làm như vậy là thiếu lương thiện. Tôi nói tôi không cho nó đúng là 'thiếu lương thiện'. Bà trả lời, Không, đó là thiếu lương thiện, vì bà không có quyền biết được những chuyện bí mật của người khác mà không được họ ưng thuận, y như bà không có quyền sở hữu ví tiền của họ; và bà không hề dùng quyền năng trừ phi chính đương sự yêu cầu, hoặc khi trường hợp đòi hỏi phải làm vậy.

 

Số 17 Đường Lansdowne

Sau bốn tháng trụ tại nhà 'Maycott', chi bộ Blavatsky cần trụ sở rộng hơn, gần trung tâm thành phố London hơn. Hai thanh niên Keightley tìm được nơi đúng ý là số 17 đường Lansdowne, một ngôi nhà hai tầng có vườn xung quanh.

Việc dời về chỗ mới vào tháng chín 1887 trùng với biến cố đáng nói là việc phát hành số ra mắt tạp chí mới tên Lucifer. Hình thức báo và cách trang trí cho thấy có đối chọi rõ ràng so với tờ The Theosophist, trang đặc kín, chữ nhỏ và giấy trắng đục.

Tựa báo làm nhiều người lạ lùng, kể cả thân nhân của HPB, vì quan niệm thông thường gắn liền tên Lucifer với quỉ dữ, hoặc với thiên thần bị sa đọa. Bà giải thích đầy đủ nghĩa chữ này trong bài bình luận mở đầu của báo, nhưng lời giải thích rõ nhất được thấy trong thư gửi cho gia đình:

– Sao cả nhà lại trách cứ tôi về việc gọi tên báo của tôi là Lucifer ? Ấy là một tên tuyệt vời ! Lux, Lucis tiếng Latin là ánh sáng, và ferre là mang lại; 'Người Mang Lại Ánh Sáng' – còn chữ nào hay hơn nữa ? ... Chỉ vì quyển thơ Paradise Lost của thi sĩ Milton mà tên Lucifer thành đồng nghĩa với thiên thần sa đọa. Mục tiêu đầu tiên của báo tôi sẽ là gột rửa vết nhơ do sự hiểu lầm của tên này, vốn được những người Thiên Chúa giáo đầu tiên dùng để gọi đức Chúa ...

'Tiếng Hy Lạp gọi đó là Eosphoros, người La Mã thì dùng chữ Lucifer – chúng đều là danh hiệu của Kim tinh (Venus) hay sao mai, báo hiệu ánh sáng chói lọi của mặt trời ... Không phải đức Chúa nói về mình là "Ta, Jesus ... là sao Mai chói sáng" hay sao ? (Khải huyền, 22:16) ... tờ báo của chúng tôi cũng sẽ như ngôi sao trắng nhạt, thanh khiết của rạng đông, báo trước ngày chói chang của chân lý – là sự hòa hợp mọi sự bất hòa, mọi diễn dịch theo chữ nghĩa, trong ánh sáng duy nhất của chân lý theo tinh thần.'

Để tránh nạn giáo điều, tạp chí nhận đăng bài của hội viên lẫn người không phải là hội viên.

Nay ta thuật những chuyện liên quan đến HPB trong thời gian này, dựa theo hồi ức của những người quen biết hoặc là cộng sự viên của bà. HPB tỏ ra có hiểu biết biết nhiều về việc chữa bệnh, có lần bà mô tả tầm quan trọng của việc có sự hòa hợp trong đời sống như sau:

– ... Nếu bạn tập vận động cơ thể buổi sáng hay tối là đủ ... hay nếu bạn có thể luyện việc tập trung tư tưởng và chú tâm vào âm nhạc – hay đúng hơn là hòa âm. Vì khi tâm hồn có sự hòa điệu về lý trí, tâm linh và tinh thần, thấm đẫm trong đó, nó sẽ cho ảnh hưởng mạnh mẽ lên phần sinh lý của con người. Khi ta bị xáo trộn về lý trí và không thể tập trung vào một điều gì đặc biệt, cơ thể sẽ sinh ra sự bất hòa dẫn đến tình trạng bệnh tật.

Khi khác cũng về việc có hay không có sự hòa hợp, HPB cho biết ảnh hưởng của nó đối với tình trạng sinh lý:

– Một nửa, nếu không muốn nói là hai phần ba những sự đau ốm và bệnh tật của chúng ta, là kết quả của óc tưởng tượng và lòng sợ hãi. Hãy diệt điều sau và cải thiện điều trước, rồi thiên nhiên sẽ lo phần còn lại.

Tuy nhiên bà cũng thêm rằng người ta không nên cao ngạo đến mức coi thường những bệnh mà nếu không được chữa ngay có thể làm thiệt mạng.

Sau khi HPB qua đời, Alice Cleather – một hội viên có dịp tiếp xúc nhiều với HPB – nói chuyện với bác sĩ của HPB tại London là ông Z. Mennell và ghi rằng:

– Đó là một cuộc trò chuyện đáng nhớ, dài gần hai tiếng đồng hồ (ông để cả phòng đợi đầy bệnh nhân ngồi chờ trong lúc chúng tôi bàn luận). Chúng tôi đề cập rất ít đến sức khỏe của tôi ... mà nói nhiều về HPB. Ông kể cho tôi hay bà đã gợi hứng ông ra sao trong công việc chữa bệnh của ông; bà đã dạy ông biết bao điều về tính chất của cơ thể và khả năng của nó – nhất là não bộ. Một số điều mà bà biểu lộ cho thấy với chính cơ thể của mình thì vượt xa hơn hẳn tất cả những gì mà y khoa biết được, tới mức trình bầy chúng trước Y Sĩ Đoàn (mà tôi tin ông là một hội viên tiếng tăm) chỉ là điều vô ích. Ông thuật là đã trưng một trường hợp mà gặp phải óc nhất quyết hoài nghi thật vô vọng, làm ông còn muốn thử lần nữa.

Sang việc HPB chữa bệnh, Archibald Keightley kể là có lần bị nổi mẩn đỏ và nóng sốt cao độ, vì làm việc Hội quá sức:

– Lúc ấy bác sĩ của HPB đến và ông xem bệnh cho tôi. Tôi không biết ông nói gì, khi đó tôi nằm nửa mê nửa tỉnh, thấy HPB leo lên hai cầu thang dốc đứng (bà không chịu lên thang lầu nếu không bắt buộc phải lên, vì leo cầu thang làm bà đau đớn) lên chỗ tôi nằm, để chính mắt kiểm lại lời của bác sĩ về tình trạng của tôi. Bà ngồi xuống, nhìn tôi rồi trong lúc nói chuyện cầm ly nước giữa hai bàn tay, và sau đó tôi uống nước này; xong bà xuống lầu kêu tôi đi theo. Tôi làm theo và được cho nằm trên giường xếp trong phòng bà, đắp chăn cẩn thận.

Tôi nằm ở đó nửa thức nửa ngủ trong khi bà viết không ngừng, ngồi ở bàn trong chiếc ghế bành to, quay lưng về phía tôi. Thời gian trôi qua tôi không nhớ là bao lâu, nhưng đột nhiên vụt qua đầu tôi có một lóe sáng mầu mầu đỏ đậm. Lẽ tự nhiên tôi giật bắn mình, nhưng  tiếng nói phát ra từ lưng ghế bảo:

– Nằm xuống, anh chú ý để làm chi vậy ?

Tôi làm theo và ngủ thiếp đi, sau khi được kêu về phòng tôi lăn ra ngủ trở lại, sáng hôm sau thì khỏe người tuy có hơi váng vất một chút. Rồi tôi được cho đi Richmond, bảo phải thật mạnh mới được quay về.

Cũng trong hồi ức này, Archibald thuật lại những buổi họp của chi bộ Blavatsky lúc còn đặt trụ sở tại đường Lansdowne:

– Những buổi thảo luận diễn ra không nặng phần hình thức, ai nấy ngồi quanh đặt câu hỏi với bà Blavatsky ... Một phần thú vị của chúng tôi là việc bà trả lời bằng cách đặt một câu hỏi khác, tìm thêm chi tiết theo cách của bà. Đó là phương pháp rất hữu hiệu và thường khi làm rối trí người nêu ra thắc mắc. Nếu câu hỏi đặt ra là do lòng khao khát chân thành muốn có hiểu biết, thì bà không nề hà giải đáp cặn kẽ trong vòng khả năng của bà. Nhưng nếu vấn đề được nêu lên để làm bà bực mình, khó chịu thì kết quả rất tệ cho người hỏi. Cuộc họp kéo dài một lúc lâu nhưng bà Blavatsky thích thú với việc đấu trí.

Đủ mọi người có mặt trong phòng họp vào những tối thứ năm, và ta không thể nói được là sẽ có ai tới dự. Thỉnh thoảng lại có cả những khách vô hình mà vài người thấy được và người khác lại không thấy, cho ra kết cục lạ lùng. Bình thường bà chịu lạnh rất dở nên phòng của bà lúc nào cũng được giữ cho rất ấm, tới mức đôi khi hóa nóng bức khó chịu trong buổi họp. Một buổi tối trước giờ họp, tôi xuống lầu thấy căn phòng lạnh như tủ đá, cho dù lò sưởi cháy đều và đèn bật sáng rõ. Tôi nói để bà hay nhưng bà chỉ cười to và đáp:

– Ồ, tôi có người bạn đến thăm và họ quên lấy đi bầu không khí của họ.

Hôm khác tôi nhớ là phòng đông người từ từ cho tới lúc không còn ghế trống. Trên ghế dài có một người Ấn rất chững chạc, ăn mặc đủ bộ với khăn quấn đầu và lễ phục. Cuộc thảo luận diễn ra và có vẻ như ông khách rất chú ý, vì thấy ông theo dõi một cách thông minh ý kiến của mỗi người phát biểu. Tối hôm ấy chi trưởng của chi bộ đến rất trễ, đi vào ngó quanh tìm chỗ ngồi. Ông đi thẳng tới ghế dài và ngồi xuống – lọt thỏm ngay vào lòng của vị khách người Ấn đường bệ, ông này kinh ngạc và lẹ làng biến phụt mất tiêu !

Giữa các lần họp và trong ngày, chi bộ Blavatsky rộn ràng hoạt động. Ngoài khách đến thăm, luôn luôn còn có một số người tình nguyện có mặt, phụ giúp nhiều công chuyện khác nhau. Có hôm một nhóm như thế tụ lại thảo luận điều mà họ xem là chuyện cấp bách. Tới chỗ bế tắc, một trong các bạn trẻ gõ cửa phòng HPB và xin bà giải quyết giùm vấn đề:

– Thưa bà, cô hỏi, điều quan trọng nhất cần để học hỏi Theosophy là gì ?

– Là lương tri thông thường (common sense), em à.

– Và thưa bà, theo bà thì điểm thứ hai là gì ?

– Có óc khôi hài.

– Và điều thứ ba ạ ?

Tới đây hẳn lòng kiên nhẫn không còn mấy.

– Ồ, thì có thêm lương tri thông thường !

Trong thời gian này HPB ít khi đi ra ngoài, nhưng vào đầu năm 1889 nữ bá tước Wachtmeister và họa sĩ Edmund Russell người Hoa Kỳ khuyến dụ được bà chịu đến phòng chụp hình của nhiếp ảnh gia có tiếng Enrico Resta tại London để chụp vài bức. Một trong những bức này là tấm hình nổi tiếng của bà có tên là The Sphinx. Nhiều năm về sau, ông Resta kể lại cuộc viếng thăm này trong thư cho ông John Coast, lúc ông là hội trưởng tại London.

– Một buổi sáng (8 Jan 1889) ... tôi đang ở trong phòng làm việc ... rất bận rộn chụp hình thì người phụ tá nói nhỏ là có một bà muốn được chụp ngay nếu có thể, vì bà có rất ít giờ rảnh ... Bà Blavatsky đi vào cùng với nữ bá tước Wachtmeister. Bà lập tức ngồi xuống cạnh cái bàn nhỏ và tôi để ý thấy bà đưa tay phải vào túi áo và vấn một điếu thuốc lá mà ông sẽ thấy trong hình ...

Không cần có dàn xếp gì trong phòng chụp, bà Blavatsky tỏ ý muốn nhìn thẳng vào máy ảnh trong tư thế tự nhiên ấy, và bởi có ấn tượng hết sức mạnh mẽ về nhân cách và phong thái của bà,  tôi chụp sáu hình và hân hoan thấy là thành công tốt đẹp. Bà Blavatsky đứng dậy, cám ơn tôi đã cho bà làm xong công chuyện mau mắn, nói rằng có họa sĩ khen ngợi với bà việc làm của tôi. Hình được gửi cho bà xem và được hồi đáp với một thư bầy tỏ sự hài lòng với kết quả, và như ông biết, mấy ngàn tấm hình đã được in ra cho hội Theosophia...

Thỉnh thoảng tôi nhận được thư mời tới thăm vị phu nhân tuyệt vời này, ở đó cuộc chuyện trò bàn đủ mọi khía cạnh về cuộc đời, có lẽ như quyền năng vô hạn của tính thiện, hoặc bà tỏ ý thích thú về công việc của riêng tôi mà tôi ưa thích. Vài năm sau tôi đóng cửa văn phòng, và âm bản duy nhất mà tôi chọn giữ lại là sáu tấm kèm theo thư này. Tôi quý chuộng chúng sâu đậm, và chúng còn phẩm chất hoàn hảo, nhưng nay đã 85 tuổi tôi nghĩ mình không nên tiếp tục giữ những biểu hiệu sống thực của một nhân vật tuyệt vời.

...

Một trong những khách của HPB vào những năm bà ở London là một nhà quí tộc người Tây Ban Nha tên José Xifré. Nói về cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa ông và HPB, Xifré bảo rằng một cái nhìn từ mắt của bà 'xuyên thấu và hủy diệt  cái ngã mà tôi là cho tới lúc ấy,' và

– ... 'những ý tưởng của nó, khuynh hướng và thành kiến, có khắc sâu ít nhiều, bị mất biệt ... Tôi sẽ không tìm cách giải thích sự kiện có vẻ kỳ lạ này, nhưng giống như nhiều chuyện khác, nó dựa trên luật karma vĩ đại ... Tất cả những hiểu biết mà tôi có được là nhờ bà ... Sự bình lặng êm dịu và quân bình đạo đức có được là nhờ quen biết HPB.'

Khi khác ông xác nhận rằng HPB đã hai lần cứu mạng ông, một dịp như vậy xẩy ra khi ông rời London đi lục địa Âu châu. Bà nói:

– Ông không đi hôm nay.

Xifré đáp rằng ông phải đi. Khi HPB khăng khăng muốn ông đừng đi, ông trả lời:

– Nhưng tôi bắt buộc phải đi, chuyện tuyệt đối cần là tôi phải đi, tôi không thể hoãn lại việc ra đi.

– Ông sẽ không đi, ông phải ở lại London tối nay, bà ra lệnh như thế.

Ông miễn cưỡng tuân theo. Ngày hôm sau báo tường thuật rằng chuyến xe lửa chở thư ban đêm mà lẽ ra ông phải đi, bị đụng nát đáng sợ.

Cho dù có sự chống đối của giáo hội Công giáo, ông Xifré cùng với nhiều cộng tác viên tích cực truyền bá Theosophia tại Tây Ban Nha. Đến cuối năm 1889, bản dịch những sách Isis Unveiled, Esoteric Buddihsm, Light on the Path  The Key to Theosophy được hoàn tất. Tờ giới thiệu 'Theosophy là gì ?' được phân phát ở các đại học, thư viện và hội quán trong khắp Tây Ban Nha. Tháng năm 1893 tạp chí TTH tên Sophia được ấn hành tại Madrid và tiếp tục trong 17 năm. Công việc phổ biến TTH của ông Xifré cuối cùng bị chấm dứt khi ông mất tài sản, điều mà ông tin là do giáo hội Công giáo gây ra.

Tại Anh quốc, giáo hội Anh giáo chủ động trong việc cấm tạp chí Lucifer ở nơi nào có bán. Chắc chắn điều làm giáo hội bực mình nhất là bài xã luận trong Lucifer số tháng 12, 1887 dưới hình thức một thư gửi Tổng Giám Mục Canterbury. Trong đó chứng cớ được đưa ra cho thấy 'gần như hầu hết những điểm trong giáo điều của giáo hội đều đối nghịch thẳng thừng với lời dạy của đức Jesus.' Bài viết kết luận như sau:

– Và nay, thưa Tổng Giám Mục, chúng tôi xin kính cẩn đặt trước ông những điểm chính về sự khác biệt và bất đồng ý kiến giữa MTTL và các giáo hội Thiên Chúa giáo, và trình cho ông rõ sự đồng nhất giữa MTTL và lời dạy của đức Jesus. Ông đã nghe chúng tôi nói về niềm tin của mình, được cho hay  ý trách móc cùng lời than phiền mà chúng tôi gán cho giáo hội nặng phần giáo điều. Chúng tôi, một nhóm nhỏ gồm vài cá nhân thấp thỏi, không của cải hay thế lực trần gian, nhưng với hiểu biết mạnh mẽ, đã hợp lực với hy vọng thực hiện việc làm ông nói rằng Thầy của ông đã giao phó cho các ông, nhưng đáng buồn thay đã bị giáo hội Thiên Chúa giáo, sang giàu và là tổ chức khổng lồ chế ngự, làm ngơ.

Chúng tôi tự hỏi ông có xem bài báo này là sự kênh kiệu ? Trong đất nước có tự do tư tưởng, ngôn luận, hành động này, liệu ông có nhìn nhận chúng tôi khác hơn là sự cấm kỵ (anathema) mà giáo hội thường dùng để phán cho ai muốn cải thiện ? Hay liệu chúng tôi hy vọng được rằng bài học cay đắng của kinh nghiệm, do chủ trương như thế mang lại cho giáo hội trong quá khứ, sẽ làm thay đổi tâm hồn, soi sáng sự hiểu biết của những ai cầm quyền trong giáo hội.

Điều này không phải chỉ là sự nhìn nhận chính đáng rằng tổ chức tương đối nhỏ là hội TTH không mở đường cho việc chống đối đức Chúa hoặc có liên hệ với sự Ác như giáo hội đã tin, mà là người giúp đỡ thực tiễn, và còn  có thể là người cứu vớt, cho Thiên Chúa giáo, và nó chỉ cố công làm công việc mà đức Jesus, giống như đức Phật, và những vị 'con của chúa Trời' khác, hiện hữu trước ngài, đã truyền cho mọi tín đồ làm nhưng các giáo hội vì nặng tính giáo điều, hoàn toàn không sao đạt đuợc.

Vị tổng giám mục giữ yên lặng không trả lời, còn thư độc giả gửi về Lucifer cho thấy bài được chấp thuận rộng rãi. Tạp chí cho phát hành thêm 15.000 bài bình luận này như là một thách đố thêm cho giáo hội để cải tổ.

...

Cũng trên tờ Lucifer từ tháng 11–1887 có đăng bài ba kỳ với tựa 'The Esoteric Character of the Gospels – Tính cách Bí truyền của Thánh Kinh'. Bài là nguyên do khiến ai hiểu lời dạy của đức Jesus theo sát nghĩa đen chống đối Theosophy thêm.

HPB vạch ra rằng năm sách trong kinh tân ước (sách thánh Mark, John, Luke v.v.) tự chúng tiết lộ là đức Jesus dạy cho đệ tử của ngài triết lý bí truyền:

– Các con được cho biết sự bí ẩn của cõi Trời, nhưng ai ở ngoài thì dụ ngôn được dùng để nói về những chuyện ấy. (Mark 4:11).

– Và khi chỉ có thầy trò với nhau, đức Jesus giảng giải mọi điều cho đệ tử của ngài trong khi với người khác ngài không nói mà không dùng dụ ngôn. (Mark 4:33–34). Trong kinh thánh ta có nhiều dụ ngôn, nhưng ai hiểu được ý nghĩa bên trong của chúng ?

Bà Blavatsky nói rằng ý nghĩa bí truyền được phái Thông Giáo (Gnostics) của Thiên Chúa giáo gìn giữ và giảng dạy, chính họ thì được các đệ tử của đức Jesus truyền dạy. Ta có thể tưởng tượng lời tuyên bố như thế sẽ gây chấn động cho giới Thiên Chúa giáo chính thống ra sao vào thời của bà; vì họ được dạy rằng phái Thông giáo là nhóm rối đạo nguy hiểm, nẩy sinh trong giáo hội Công giáo vào thế kỷ thứ hai.

Trải qua nhiều thế kỷ, những giáo sĩ tiên khởi của giáo hội đã cho hủy hoại mỗi một văn bản nào có thể tìm ra được của Thông Giáo. Ai theo Thông giáo thường bị kêu án tử hình, và tất cả những gì người ta có thể biết về chi phái này là từ tài liệu bị bẻ cong của những tác giả Thiên Chúa giáo. Chính tên Thông Giáo thì có nghĩa hư hỏng đối với các thế hệ sau.

Những sử gia vô tư như Gibbon nghĩ cách khác. HPB trích lời ông nói rằng người Thông giáo là :

– Người thông thái nhất trong các tín đồ Thiên Chúa giáo, và họ không chịu chỉ thuần là người tin tưởng mà thôi. Cũng như họ không bằng lòng với việc chỉ học hỏi, mà muốn có kinh nghiệm trực tiếp, có tính cá nhân với sự hiểu biết (Gnostics). Tên này bắt nguồn từ chữ Hy Lap có nghĩa 'hiểu biết'.

Nhiều tài liệu cổ về Thông giáo được khám phá từ sau thế chiến II tại Ai Cập, trước đó HPB đã có nhận xét:

– Một trong những sự kiện ngạc nhiên nhất mà chúng tôi quan sát thấy được là việc cho rằng ai nghiên cứu sâu xa không nên xem việc khám phá không ngờ và gần như là phép lạ, hay xẩy ra của những văn kiện quan trọng vào lúc thích hợp nhất, với sự xếp đặt tiền định. Nếu ai gìn giữ hiểu biết cổ thời thấy rằng giờ phút thuận tiện đã đến, và khiến cho tài liệu, sách vở, hoặc cổ vật rơi vào tay đúng người như chuyện tình cờ, thì có phải là chuyện lạ lùng không ?

 

Bộ The Secret Doctrine - Triết Lý Bí Truyền

Cuốn 1 của bộ The Secret Doctrine được phát hành vào tháng 10-1888, và cuốn 2 vào tháng giêng năm sau. Đề tựa bên dưới tên sách ghi 'Tổng hợp của Khoa học, Tôn giáo và Triết lý'. Cuốn 1 tên 'Cosmogenesis – Vũ trụ Khai nguyên', mô tả cách những thế giới phát sinh, hay đúng hơn là tái sinh sau giai đoạn ngơi nghỉ, và cách mà bầu riêng biệt của chúng ta cùng những loài thấp tiến hóa đến lúc hình người được phát triển.

Cuốn 2 có tên 'Anthropogenesis – Nhân loại Khai nguyên' bàn về sự tiến hóa hơn nữa của hình thể ấy, việc trí tuệ được khơi dậy do sự đầu thai của linh hồn người từ những thế giới trước; sự tiến hóa sau đó của những giống dân ban đầu cho tới ngày nay, và sự phát triển tương lai dự phóng cho các giống dân này nếu thiên cơ nguyên thủy được thực hiện.

Trong phần mở đầu của bộ The Secret Doctrine, HPB đặt ra ba định đề căn bản là nền tảng của trọn bộ sách:

a. Có một Nguyên Lý toàn hiện, vĩnh cửu, vô hạn và không thể biến đổi, bất khả tư nghì, vì nó vượt ra khỏi năng lực nghĩ bàn của nhân loại, và chỉ có thể bị suy giảm do biểu lộ hay bắt chước của con người  ... Để làm cho những ý tưởng này rõ nghĩa hơn với độc giả trung bình, họ hãy khởi đầu với định đề rằng có một Thực Tại tuyệt đối có trước hết mọi thực thể biểu lộ và bị chi phối. Căn Nguyên vô tận và vĩnh cửu này ... là gốc rễ không gốc rễ của mọi vật đã, đang và sẽ là ...

b. Sự Vĩnh cửu của vũ trụ nói chung ... Khẳng định thứ hai của bộ The Secret Doctrine là luật chu kỳ có tính phổ quát truyệt đối, có tới có lui, có lên có xuống như khoa học vật chất đã quan sát và ghi nhận trong mọi ngành của thiên nhiên. Sự thay đổi nối tiếp nhau của Ngày và Đêm, Sống và Chết, Ngủ và Thức, là một sự kiện rất thông thường, thấy ở khắp nơi và không có ngoại lệ, nên ta dễ thấy ra một trong những luật căn bản của vũ trụ trong đó.

c. Sự đồng nhất căn bản của mọi linh hồn với Đại Hồn, điều sau tự nó là một mặt của Căn nguyên bất tri; và hành trình bắt buộc cho mỗi linh hồn – là điểm linh quang của Đại Hồn – qua vòng tái sinh theo luật chu kỳ và nhân quả trong suốt cuộc tiến hóa. Nói khác đi, không linh hồn thiêng liêng nào có thể có sự hiện hữu (có ý thức) độc lập trước khi điểm linh quang này phát ra từ Đại Hồn, đã:

1. Trải qua hết mọi hình thái sơ đẳng của thế giới hiện tượng ... và

2. Có được cá thể riêng rẽ, trước hết do động lực tự nhiên và rồi do sự tự thúc đẩy, tự cố gắng (do Karma của nó kiểm soát), nhờ vậy tiến lên qua mọi mức thông minh, từ cái trí thấp nhất đến Manas cao nhất, từ kim thạch và cây cỏ tới đại thiên thần thiêng liêng (Dhyani Buddha). Triết thuyết cốt lõi của triết lý bí truyền không nhìn nhận có ân huệ hay năng khiếu đặc biệt nào trong người, ngoại trừ điều gì họ có được do nỗ lực riêng và công trạng trong suốt chuỗi dài tái sinh ...

Ấy là ý niệm căn bản trên đó The Secret Doctrine được dựng nên ... Một khi độc giả có được hiểu biết chúng rõ ràng, và ý thức ánh sáng mà chúng tuôn rải đến mọi vấn đề của sự sống, họ sẽ không cần minh chứng gì thêm, vì sự thực ấy đối với họ rõ ràng như vầng thái dương ở cõi trời.

Ý niệm nhân quả và tái sinh được ghi trong định đề thứ ba, và nơi khác trong sách có ghi thêm:

Chỉ ai tin luật tái sinh và ai tin vào Karma mới mơ hồ cảm nhận rằng trọn bí ẩn của Sự Sống nằm trong loạt biểu hiện không đứt đoạn của nó ... Ai tin vào Karma phải tin vào định mạng, là từ khi chào đời tới lúc lâm chung, mỗi người dệt sợi chỉ này rồi kia quanh họ, như con nhện chăng tơ ...

Luật này, dù ý thức hay không ý thức, không tiền định điều chi hay một ai ... Karma không tạo điều chi cũng như không xếp đặt gì. Chính con người là kẻ sắp đặt và tạo ra nguyên nhân, và luật Nhân Quả điều chỉnh hệ quả; sự điều chỉnh này không phải là hành động mà là sự hòa hợp trong vũ trụ, luôn có khuynh hướng trở lại vị trí ban đầu của nó, tựa như cành cây khi bị ép chúc xuống quá sẽ bung trở lên với sức mạnh tương ứng. Nếu nó khiến cho cánh tay cố sức bẻ cong nhánh khỏi vị trí tự nhiên của nó, ta có nói rằng nhánh cây làm gẫy tay chăng, hay sự điên rồ của mình đã làm cho ta khổ sở ?

Karma không hề tìm cách phá hoại sự tự do trí tuệ và cá nhân ... Nó không che dấu luật lệ của nó nhằm làm người hoang mang, hoặc sẽ trừng phạt ai dám tìm hiểu bí ẩn của nó. Ngược lại, ai trình bầy sự kiện nhờ học hỏi và thâm cứu đường lối phức tạp của nó, và làm sáng tỏ những cách thức ít được biết tới, theo dó biết bao người bị hại vì vô minh đối với những mê lô' của cuộc sống, là nỗ lực cho lợi ích của đồng loại mình.

Ai tin vào karma không thể được xem như là người vô thần hoặc theo chủ nghĩa duy vật, và càng không phải là người tin vào thuyết định mạng ...

 Karma ... là triết thuyết giải thích nguồn gốc của điều Ác, và làm cao cả ý niệm của chúng ta về công lý thiêng liêng không thay đổi phải như thế nào, thay vì hạ giá trị Thần thánh không ai biết và không thể biết được mà ta gọi là bạo chúa nhẫn tâm, lắt léo, là đấng quan phòng.

Nhà huyền bí học hay triết gia sẽ không nói về điều thiện hay ác của Trời, mà, do đồng hóa nó với Karma-Nemesis, họ sẽ dạy rằng cho dù thế, nó gìn giữ điều thiện và canh giữ con người trong kiếp này cũng như trong những kiếp tương lai; và nó trừng phạt kẻ ác trong những lần tái sinh về sau không sai chạy, bao lâu mà việc họ làm xáo trộn dù chỉ hạt nguyên tử nhỏ nhất trong thế giới vô hạn của sự điều hòa, chưa được chót hết làm cân bằng.

Bởi chỉ có luật karma – luật vĩnh cửu và bất biến – là sự hòa hợp tuyệt đối trong thế giới vật chất cũng như trong thế giời tinh thần. Do đó, không phải Karma trừng phạt hay ban thưởng mà đó là chúng ta thưởng phạt chính mình tùy theo ta làm việc với, xuyên qua và theo thiên nhiên, tuân theo những luật mà sự Hòa Điệu tác động, hay vi phạm chúng.

(Liên kết với cách làm việc của karma) là những hình ảnh vô hình của cõi trung giới, 'kho hình ảnh của vô tận' ghi lại trung thực mọi hành vi và luôn cả tư tưởng của người ... Như đã nói trong quyển 'Isis', màn ảnh thiêng liêng và vô hình này là Sinh Thư ... Ký Vĩnh Cửu không phải là mộng mơ viễn vông, vì chúng ta có việc sao chép y vậy trong thế giới vật chất trọng trược. Tiến sĩ Draper ghi rằng 'Không hình bóng nào in lên tường mà không do đó lưu lại dấu vết vĩnh viễn có thể làm thấy rõ khi dùng đúng cách thức. Trên tường trong nhà riêng tư nhất của chúng ta, nơi mà ta nghĩ là ngăn chặn được hết mọi sự dòm ngó, và hành vi của ta không thể nào bị lộ liễu, có dấu vết của hành động của ta, hình bóng của bất cứ gì ta đã làm.' Trong sách Principles of Science, vol. II, t. 455, hai tác giả Jevons và Babbage tin rằng mỗi tư tưởng làm chuyển vị những phần tử của não, khiến chúng chuyển động, rải chúng cùng khắp trong vũ trụ, và mỗi hạt của vật chất đang hiện hữu phải là sổ lưu trữ của mọi điều gì đã xẩy ra.

Thế nên, HPB viết:

Triết thuyết cổ xưa đã bắt đầu có quyền công dân trong việc suy xét của thế giới khoa học.

Một luật động lực học huyền bí nói rằng 'một lượng năng lực định rõ được sử dụng ở cõi tinh thần hay trung giới, cho ra kết quả lớn lao hơn là cùng lượng ấy tác động ở cõi trần'. Như thế, việc chặn đứng chỉ một nguyên nhân xấu sẽ chặn đứng không chỉ có một, mà hàng loạt nhiều ảnh hưởng xấu. Và nếu một một Đoàn thể hoặc ngay cả nhiều Đoàn thể trong tương lai không thể ngăn chặn các quốc gia đôi khi xâu xé nhau – mà vẫn kết hợp trong tư tưởng và hành động, và nghiên cứu triết lý về bí ẩn của sự sống, sẽ luôn luôn ngăn chặn được vài người ... không tạo thêm duyên cớ trong thế giới có đầy sự khổ và sự ác ... Tình trạng này sẽ kéo dài ... cho đến khi ta khởi sự hành động từ bên trong thay vì luôn làm theo khích động từ bên ngoài ... Sự kết hợp giữa phần con người là phản ảnh hữu hoại và cái Ngã thiêng liêng bên trong càng mật thiết chừng nào,  những điều kiện bên ngoài và những kiếp tái sinh về sau càng bớt hiểm nguy chừng ấy.

Vậy thì luật tái sinh có liên hệ mật thiết, hoặc đúng hơn là không thể tách rời với luật karma, hay với việc tái sinh của cùng cá nhân tinh thần trong chuỗi dài gần như là bất tận của nhiều cá tính. Cái sau là như trang phục và các vai do cùng một diễn viên đóng, và diễn viên đồng hóa mình với mỗi trang phục và vai cũng như khán giả đồng hóa họ y vậy, trong vài giờ đồng hồ. Con người bên trong, hay con người thật, kẻ tạo cá tính cho những vai này, trong suốt lúc đó biết rằng mình là Hamlet trong khoảng ngắn ngủi của vài màn, mà trong cõi ảo ảnh của người là cho trọn kiếp của Hamlet. Và anh biết đêm trước mình là Vua Lear, và đêm trước nữa họ biến đổi thành vai Othello; tuy vậy nhân vật hữu hình (trên sân khấu) thì được giả dụ là không biết về việc này.

Điều không may là trong cuộc sống thực sự, vô minh ấy lại hết sức thật. Dầu vậy, con người vĩnh cửu ý thức trọn vẹn sự kiện, tuy rằng do con mắt 'tinh thần' trong xác thân vật chất bị thui chột, hiểu biết ấy không thể gây ấn tượng cho tâm thức của phàm ngã về nó ... và tuy não bộ hồng trần có thể quên nhiều chuyện trong một kiếp ở cõi trần; cái khối ký ức chung không bao giờ lãng quên linh hồn thiêng liêng bên trong chúng ta. Lời thì thầm của nó có thể quá êm nhẹ, âm những chữ của nó có thể quá xa xôi làm ngũ quan của thân xác không ghi nhận được, nhưng bóng dáng của chuyện đã qua, cũng như của chuyện sẽ tới, nằm trong khả năng cảm nhận của nó, và luôn hiển hiện trước con mắt tâm linh của nó ...

Trong định đề thứ hai của bộ The Secret Doctrine, nó ghi rằng linh hồn bất tử bên trong chúng ta sẽ nhập vào Đại Hồn vào cuối chu kỳ. Triết lý đông phương nói về điều này như là việc nhập niết bàn và sinh ra thắc mắc từ xưa là phải chăng điều ấy muốn nói sự tiêu tán cá nhân. Các nhà đông phương học của tây phương tin như vậy còn The Secret Doctrine trả lời:

- Tin rằng Niết Bàn là sự tiêu tán thì cũng giống như nói rằng người ta rơi vào giấc ngủ say không mộng mơ ... rằng họ cũng bị tiêu tán ... Hòa nhập không hề có có nghĩa là 'giấc ngủ không mộng mơ' mà ngược lại đó là sự hiện hữu tuyệt đối, sự hòa nhập vô điều kiện, hay là trạng thái mà ngôn ngữ con người mô tả vô cùng thiếu sót không mong sao làm được ... Trí người ở giai đoạn phát triển này không thể ... đạt tới cõi này của tư tưởng. Nó loạng choạng ở đó, bên bờ Tuyệt đối và Vĩnh Cửu không thể hiểu được ...

Cũng như cá tính ... không mất biệt vì được nhập vào trở lại. Vì, cho dù vô biên như thế nào theo quan điểm con người, trạng thái đại niết bàn paranirvana cũng vẫn có giới hạn trong Vĩnh Cửu. Một khi đạt tới đó, cũng chân thần ấy sẽ từ đó tái hiện như là thực thể cao hơn nữa, ở một cõi cao hơn, để tái khởi đầu chu kỳ sinh hoạt đã toàn hảo...

Trong mỗi chúng ta sợi chỉ vàng của sự sống liên tục có tên Sutratma, sợi chỉ lấp lánh của chân thần bất tử, vô tư, trên đó trọn những kiếp sống dưới trần của ta treo dọc như chuỗi hạt, theo lời mô tả đẹp đẽ của triết lý Veda.

HPB nói rõ rằng ngay cả khi chân thần con người hòa tan vào Đại Hồn ở cõi niết bàn, cá tính không hoàn toàn bị hấp thu. Bà giải thích về niết bàn như sau:

- Khi ấy mỗi vật trở thành chung là một, mọi cá tính được hòa vào làm một, nhưng mỗi cái đều biết chính nó.

Và nơi khác trong bộ The Secret Doctrine ghi:

- Trước hay sau, tất cả những gì hiện nay có vẻ như hiện hữu, sẽ ... thực sự ở trong trạng thái đại niết bàn, nhưng có sự khác biệt lớn lao giữa thực thể ý thức và vô thức. Trạng thái đại niết bàn mà không có tâm thức của cái Ngã thì không phải phúc lạc mà giản dị chỉ là tiêu tan (trong bẩy lần Vĩnh Cửu).

Có nghĩa quả cầu bằng sắt đặt dưới ánh nắng gắt của mặt trời sẽ hóa nóng cùng khắp, nhưng không cảm thấy hay quí chuộng sự ấm áp, trong khi một con người sẽ cảm xúc như vậy. Chỉ với cái trí trong trẻo và không bị cái ngã làm đen tối, và sự đồng hóa công trạng của bao kiếp sống dâng hiến cho việc trở thành là một với tập thể là trọn thế giới sinh động, mà con người bỏ được sự hiện hữu cá nhân, và hòa tan vào, trở thành là một với Tuyệt đối, và tiếp tục có sở hữu trọn vẹn ngã thức.

Nếu hệ quả của những kiếp qua không được bảo tồn thì mỗi vũ trụ khi tái sinh sẽ phải làm từ đầu không có kinh nghiệm nào để sử dụng. Ở nơi khác HPB nói rằng khi những linh hồn cao cả nhận chứng đạo (initiation) cuối cùng, mỗi chân nhân phải nhớ hết mọi lần tái sinh của mình. Nó thấy chuỗi những kiếp qua của mình nhờ một luồng sáng thiêng liêng. Nó thấy trọn hết nhân loại là một ngay tức khắc, mà cũng luôn luôn còn, như đã có khi trước một tia sáng luôn luôn là cái 'Tôi'.

Trong một thí nghiệm sinh học đáng chú ý, nó được chứng tỏ cho thấy điều ta vừa nói ở trên có thể thực sự là vậy. Một bài trong tạp chí The New Scientist (11 Nov 1982) thảo luận thí nghiệm của tiến sĩ David Bohm như sau:

Một bình chế theo kiểu đặc biệt có trụ quay bên trong, giữa ống trụ và thành thủy tinh của bình là một khoảng hẹp chứa glycerine. Trụ quay có tay quay ở trên đầu bình, và người ta nhỏ vài giọt mực từ bên trên vào glycerine bên dưới. Khi quay tay quay làm ống trụ chuyển động, người ta thấy mực đậm mầu bắt đầu bị trộn vào glycerine nhớt lạt mầu hơn và loãng dần tới mức gần như không còn gì. Rồi khi tay quay cho quay ngược thì làm như có phép lạ, giọt mực đầu tiên tái hiện, nó được gỡ ra trở lại từ glycerine, tái tạo mình và thành liền lạc như ban đầu. Khi nhỏ nhiều giọt mực liên tiếp vào glycerine, ta cũng thấy kết quả y hệt; mỗi giọt mực tái hiên khi tay quay quay ngược trở lại.

Tiến sĩ Bohm nay tin rằng hình thể hóa giải chính mình tương tự vậy từ vũ trụ như là một khối, và rồi hòa vào trở lại chỉ để tái hiện lần nữa, cứ liên tục như thế mãi không ngưng ... Nó hàm ý việc chúng ta 'biến mất' không nhất thiết có nghĩa đó là chung cuộc cho ta.

Quan niệm như vậy về sự tiến hoá của con người có lẽ còn mang nhiều ý khác khi nối kết với tư tưởng là những thực thể hữu thức từ các thế giới trước trở lại mang theo hiểu biết thụ đắc từ những thế giới ấy. Nếu đúng, điều này sẽ làm thay đổi hoàn toàn khái niệm về cuộc tiến hóa trong sách vở, điều nói rằng nhân loại đầu tiên chỉ là người ăn lông ở lỗ không cao hơn thú vật là mấy. Có lẽ quan điểm theo TTH sẽ dễ hiểu hơn bằng cách loại suy như sau. Trường học do thầy cô bắt đầu mà không phải do học sinh; và gia đình khởi sự bằng cha mẹ thay vì các con, cái khuôn mẫu này áp dụng cho trọn gia đình nhân loại như là một khối. Ai tái sinh đầu tiên trong các thế giới trước là người cao cả nhất và khôn ngoan nhất.

CHƯƠNG XV

Trường Bí Giáo

Theo The Secret Doctrine, trong những ngày đầu của nhân loại, khi con người vẫn còn trong trắng, có một Đấng Cao Cả xuất hiện giữa loài người, và sau ngài là một nhóm thực thể nửa thần thánh, nửa phàm nhân:

– Họ được để riêng cho một số công chuyện, họ họp thành nhà trẻ cho các đạo sư nhân loại tương lai trên trái đất này và trong chu kỳ hiện thời.

65hpbDưới sự hướng dẫn trực tiếp, lặng lẽ của vị Maha Guru (Đại Huấn Sư) mà những vị huấn sư thiêng liêng khác,  ở cấp thấp hơn, trở thành những vị dẫn đạo của nhân loại ban sơ từ lúc tâm thức khởi đầu bừng tỉnh.. Nhờ các vị Thầy này mà nhân loại sơ khai còn non yếu có được ý niệm đầu tiên  về tất cả các ngành nghệ thuật và khoa học, cũng như là hiểu biết tinh thần; và các ngài là người đặt viên đá tảng cho những nền văn minh cổ xưa, đang làm cho thế hệ học giả đương thời bị rối trí. Hãy để những ai nghi ngờ điều này giải thích sự bí ẩn của việc người thời xưa có hiểu biết khác thường ... người mà được cho là từ nhân loại dã man giống như thú vật và người bậc thấp đi lên  ... Không ai phát sinh từ nhân loại ăn lông ở lỗ cổ thời có thể tiến đến nền khoa học như thế mà không cần được trợ giúp, cho dù tiến hóa về tư tưởng và óc thông minh qua hàng ngàn năm.

Hiểu biết khác thường nói ở trên gồm chẳng những hiểu biết cao độ về toán và thiên văn, mà luôn cả khả năng tạo những kỳ quan về kiến trúc và các tác phẩm tuyệt vời về nghệ thuật, như các bức vẽ trong hang từ 16.000 năm về trước, được khám phá gần Lascaux, Pháp, năm 1940 hoặc trong hẻm núi ở sa mạc Sahara năm 1933, được mô tả như là một trong những kho tàng lớn nhất mà tổ tiên chúng ta thời tiền sử để lại. Một số hình vẽ người ở hai nơi này được cho là ngang với điêu khắc của Hy Lạp cổ thời, hoặc tác phẩm của các nghệ sĩ thời Phục Hưng.

Nếu đúng như nhận xét của HPB là TTH dạy rằng sự phát triển của con người trên địa cầu khởi sự với điều cao nhất và hay nhất của những thế giới trước, thì không có gì đáng ngạc nhiên khi ta nghe là TTH cũng dạy rằng sự thức tỉnh của sự sống bắt đầu không phải trong vật chất, mà trong tinh thần. Giáo sư Theodore Roszak ghi trong sách Unfinished Animal của ông năm 1975 rằng:

HPB cho là ai theo thuyết tiến hóa của Darwin bắt đầu ở điểm giữa của trọn diễn trình tiến hóa. Do không có đặc tính tinh thần trong tư tưởng của họ, phương pháp của họ chỉ có thể áp dụng cho phần sau, phần sinh học của việc phát triển mặt vật chất của chúng ta. Mà ngay cả ý nghĩa đầy đủ của giai đoạn này cũng không thể nắm được cho tới khi nó đi kèm với sự chuyển hóa của tinh thần trong vũ trụ là điều đi trước nó, và tiếp tục chi phối nó. Theo hệ thống của HPB, vật chất hiện hữu chỉ để làm vật tiếp nhận tinh thần; nó đáp ứng với nhu cầu khai mở dần của tinh thần như là một phần của chu kỳ cứu độ lớn. Bà ghi rằng 'Hành tinh vật chất của chúng ta chỉ là tôi tớ cho tinh thần, là chủ của nó'. Khái niệm đã có từ lâu về sự tiến hóa nằm trong Minh Triết ẩn dấu này là triết lý bí truyền của HPB ... bà tin nó là cốt lõi của mọi tôn giáo và triết lý.

Tiền nhân 'dốt nát' của chúng ta đã truy ra luật tiến hóa trong trọn vũ trụ ... từ chất ether khắp nơi đến tinh thần của con người nhập thế, họ truy ra một chuỗi không gián đoạn nhiều thực thể. Những cuộc tiến hóa này đi từ thế giới tinh thần vào thế giới vật chất trọng trược, và qua đó về trở lại cội nguồn của vạn vật. Việc 'đi xuống của các loài' đối với tiền nhân là tinh thần đi xuống, cái nguồn uyên nguyên của mọi vật, thành sự 'hạ phẩm cách của vật chất'.

Ông viết tiếp:

Dầu vậy, nhìn theo một góc cạnh thì cho dù sự chìm đắm của tinh thần trong vật chất là sự hạ phẩm cách, nó lại nhằm mục đích làm tâm thức ta phong phú vô kể. Theo đường tiến hóa tập thể của chúng ta, và qua bao kiếp luân hồi, chúng ta đi qua hết mọi các loài: kim thạch, thảo mộc, thú cầm, nhân loại, thiêng liêng.  Và nhờ 'thu thập kinh nghiệm' khổ công mới có mà mỗi con người trở thành tiểu thiên địa trong vũ trụ ... mục tiêu của chúng ta là khiến tâm thức con người chứa đựng hết tất cả mọi hình thức có thể có được của sự hiện hữu. Theo cách ấy, chúng ta là tác nhân nâng sự sống của cây cỏ và thú cầm, vật chất vô cảm vô tri, lên mức có ngã thức. Chính vì để đạt tới sự nâng cao tâm thức trong vũ trụ mà tinh thần hy sinh chính nó trong việc đi xuống đầu tiên. HPB trích nhiều lần kinh Kabbala rằng: Hòn đá thành cây, cây thành thú, thú thành người, người thành tinh thần, tinh thần thành Thượng Đế.

HPB đặt thời đại chúng ta ở điểm giữa của diễn trình, nơi mà tinh thần, sau khi tới giai đoạn làm người trên đường đi của nó, trở thành sẵn sàng có lại ký ức về nguồn gốc của mình và có được động lực cần thiết để nâng chính nó và bản tính phàm trần lên mức thiên tính. Công việc này sẽ cần hàng ngàn năm tinh luyện và giác ngộ theo hệ thống vũ trụ học của HPB, nhưng đích của nó rõ ràng trong cái nhìn của bà, là viễn tượng của Phật giáo Đại thừa (Mahayana) về sự cứu độ thế giới.

Năm 1935, năm mươi năm sau khi bộ The Secret Doctrine được xuất bản, George Russell, trong một thư gửi cho tác giả Seán O'Faoláin, ghi lại sự chú ý trong giới văn học và học giả khi tác phẩm này xuất hiện:

Bạn chê bai HPB có hơi dễ dàng rằng bà 'vớ vẩn'. Chưa hề có ai ảnh hưởng tư tưởng của bao người nam và nữ giỏi giang mà lại là người 'vớ vẩn'. Nguồn gốc thật của ảnh hưởng của bà nằm trong bộ The Secret Doctrine, bộ sách về các tôn giáo trên thế giới gợi ý hoặc phơi bầy tính duy nhất nằm trong mọi tôn giáo lớn ... nó là một trong những tác phẩm hào hứng nhất và kích thích nhất được viết ra trong một trăm năm qua. Nói rằng những nhân vật như thi sĩ Yeats, hóa học gia tiếng tăm William Crookes là hội viên trong hội của bà, nhà nhân chủng học Carter Blake, và nhiều học giả cùng khoa học gia khắp các nước, những ai đã đọc các sách của H.P.Blavatsky, bị chuyện 'vớ vẩn' lôi cuốn, là coi nhẹ họ. Nếu có khi nào bạn đến thư viện quốc gia ở Kildare Street và có vài giờ rảnh, hãy xem phần 'The Proem' trong bộ The Secret Doctrine, và bạn sẽ hiểu ra điều bí mật của ảnh hưởng mà người phụ nữ khác thường này có đối với người đồng thời của bà ... Bạn không nên bị dư luận dẫn dụ sai lầm ... mà hãy thử tìm hiểu bí mật thực sự của sức ảnh hưởng của HPB vẫn còn mạnh như xưa, vì tôi thấy điều ấy ở đây (London) nơi có nhiều nhà trí thức và văn sĩ tiếng tăm.

Tiến sĩ C. Carter Blake nói ở trên cũng có nhận xét về HPB:

Xét theo lẽ thường ta sẽ thấy chuyện lạ là một phụ nữ lớn tuổi, đau ốm, không tham khảo thư viện nào và không có sách nào đáng kể trong tay, lại có hiểu biết lạ lùng như bà Blavatky có. Thực vậy, chuyện không sao hiểu được, trừ phi bà có khả năng trí tuệ khác thường, và đã dành trọn cả đời học hỏi. Ngược lại, ta có được chứng cớ không nghi ngờ được từ nhiều nguồn là mức học vấn của bà Blavatsky không so bằng với học sinh trung học thời nay.

Nhưng sự kiện là bà biết nhiều hơn tôi trong phần chuyên môn của tôi thuộc nhân chủng học. Thí dụ, hiểu biết của bà vượt trội hơn của tôi về đề tài xương hàm Naulette. Trang 744 quyển hai bộ The Secret Doctrine nói về sự hiện hữu của 'loài hữu nhũ thời Pliocene và việc bãi biển thời Pliocene được đội cao lên'. Tôi nhớ có chuyện trò với bà năm 1888 ở nhà đường Lansdowne, vào lúc bà đang viết bộ The Secret Doctrine, và kinh ngạc lớn lao khi bà đưa ra sự việc bãi biển đội cao lên ở Taruja là thuộc về niên đại Pliocene. Tôi vẫn nghĩ chúng thuộc về thời Pleistocene, theo cách lý luận của Darwin và Spotswood Wilson. Kể từ khi đó, sự kiện những bãi biển này thuộc niên đại Pliocene đã được chứng minh cho tôi trong sách Istoria Fiscia de Chile của tác giả Gay, sách của Castlenaw về Chile, và những sách khác ... tuy chọn nó là đề tài chuyên môn cho mình tôi chưa đọc những sách này, và tới khi bà Blavatsky nói cho hay về thời Pliocene tôi mới được biết về chúng.

Ở trang 755 cuốn hai bộ The Secret Doctrine, bà đề cập tới dấu chân hóa thạch ở Carson, Indiana, Hoa Kỳ và đây lại là bằng chứng thú vị khác cho thấy bà có được thông tin không phải bằng cách đọc tư tưởng người khác. Khi bà nói chuyện với tôi về dấu chân, tôi không biết là có chúng, và sau đó nhân viên Viện Nhân Chủng Học cho tôi hay là một bài viết về đề tài này trong thư viện của họ chưa hề có ai mượn đọc.

Chắc chắn là bà Blavatsky có nguồn chi tiết chính xác (tôi không nói nó là gì), vượt khỏi hiểu biết của chuyên gia trong chính ngành của họ.

Dù thế, HPB tin là khoa học gia nói chung sau này sẽ làm ngơ những gì bà viết:

Họ sẽ phải thay đổi quan niệm của mình không phải do sự kiện tinh thần, TTH, hay bất cứ hiện tượng vật chất hay ngay cả trí tuệ, mà chỉ vì lổ hổng và thiếu sót khổng lồ mở ra hằng ngày và sẽ tiếp tục mở ra trước mặt họ, như người ta sẽ khám phá cái này sau cái kia, cho tới khi chót hết họ phải sửa lại theo lương tri đơn sơ.

Có khoa học gia ngày nay đồng ý với bà, họ nói:

Sự thật khoa học vững chắc duy nhất mà tôi tin tưởng hoàn toàn, là chúng ta dốt nát sâu đậm về thiên nhiên. Thực vậy, tôi coi đây là khám phá lớn của sinh vật học trong hàng trăm năm qua.

Bộ The Secret Doctrine ấn bản thứ nhất bán hết mau lẹ, nhà in phải in lần hai. Tờ báo Pall Mall Gazette cần người điểm sách bộ này và chủ bút giao việc đó cho bà Annie Besant mùa xuân năm 1889. Bà sinh năm 1846, hồi tuổi trẻ bà theo Thiên Chúa giáo và đầy lòng sùng mộ; bà thành hôn với linh mục Anh giáo. Sau đó niềm tin của bà vào giáo điều của giáo hội bị lung lay, ảnh hưởng tới cuộc hôn nhân khiến hai người chia tay. Bà viết:

Khi tôi lật trang này rồi trang kia của sách, sự thích thú trở thành mê say; tôi cảm thấy chuyện quen thuộc biết bao, trí tôi đưa ra kết luận trước khi tới phần đó, vì chuyện tự nhiên hết sức, thật mạch lạc, tinh tế mà cũng dễ hiểu biết chừng nào. Tôi thật không ngờ, choáng người vì sự sáng theo đó những sự kiện rời rạc được thấy là những phần của một khối chung vĩ đại, và hết tất cả các thắc mắc, rối rắm, vấn đề, dường như biến mất ... về sau não bộ dần dần hấp thu điều mà trực giác nắm biết là chân lý. Nhưng tôi đã thấy ánh sáng, và trong chớp lóe soi sáng ấy tôi biết việc tìm kiếm mệt nhọc đã xong, và tôi đã thấy được Chân lý.

Tôi viết bài điểm sách, rồi xin chủ bút viết một thư giới thiệu với tác giả. Xong tôi viết cho bà xin được tới gặp.

HPB hồi đáp:

Từ lâu tôi cũng muốn được làm quen với bà, vì tôi không khâm phục gì hơn trong thế giới bằng sự gan dạ và lòng can đảm hiếm có, dám ra mặt thẳng thắn nêu lên ý kiến của mình đối đầu với trọn thế giới. Tôi có nhà mỗi ngày vào buổi tối từ 7 đến 11 giờ đêm ... Thư mời này là cho luôn cả ông Burrows hay bất cứ ai khác mà bà muốn đi cùng với bà.

Herbert Burrow là một người có tiếng theo chủ thuyết xã hội và là một cộng tác viên thân cận với bà Besant. Khi hai người đến gặp HPB, bà Besant nhớ lại:

Bà nói về những cuộc du hành, về những nước khác nhau, chuyện trò thật hấp dẫn, mắt mơ màng, ngón tay thon tuyệt đẹp không ngừng vấn các điếu thuốc lá. Chuyện không có gì đặc biệt để ghi lại, không có lời nào về Huyền bí học, không có gì bí ẩn, một phụ nữ lịch lãm tiếp khách buổi tối đến thăm bà.

Tôi lại thăm lần nữa và hỏi về hội Theosophia, muốn gia nhập ...

Bà nhìn tôi thật sâu sắc trong một lúc.

– Bà có đọc bản tường trình về tôi của hội Nghiên Cứu Tâm Linh chưa ?

– Chưa, tôi không hay biết gì cả.

– Bà tìm đọc đi, và nếu sau khi đọc xong, bà trở lại đây thì để coi.

Tôi mượn bản tường trình, đọc tới đọc lui. Tôi lẹ làng thấy nền tảng mà biện luận nằm trên đó mỏng manh biết chừng nào. Những giả dụ mà kết luận dựa vào, tính chất không thể tin được của lời cáo buộc, và - tệ hơn hết thẩy - cái nguồn sai lầm của chứng cớ. Mọi chuyện dựa vào ông bà Coulomb mà họ tự cho mình là đồng lõa trong việc lường gạt.

Bà Besant và ông Herbert Burrow gia nhập Hội ngày 10-5-1889. HPB viết tin này cho gia đình và nói thêm:

– Bà thật là thanh cao, tuyệt diệu, chân thành ! Là nhà hùng biện Desmosthenes mà mặc váy ! ... Đúng là nhà hùng biện mà chúng tôi cần.  Tự chị thì không thể diễn thuyết được; người khác cũng thế, họ biết nhưng không thể trình bầy chuyện.

 

Trường Bí Giáo - Esoteric Section (ES).

Vào mùa thu 1888, tạp chí Lucifer có thông báo về việc thành lập phân bộ Bí Giáo của Hội Theosophia. Ông Olcott, là hội trưởng, giải thích mục đích và cơ cấu của phân bộ mới này:

1.  Để khuyến khích sự quan tâm về mặt bí truyền của hội Theosophia bằng việc học hỏi sâu xa hơn triết lý bí truyền, có việc thành lập một phân bộ tên 'Esoteric Section' của Hội Theosophia.

2. Việc thành lập và người duy nhất điều khiển là do bà Blavatsky, là Trưởng phân bộ; bà là người duy nhất có trách nhiệm về kết quả, và phân bộ không có liên kết chính thức nào với Hội, ngoại trừ với vị Hội trưởng sáng lập.

3. Ai muốn gia nhập phân bộ và sẵn lòng tuân theo nội qui xin liên lạc trực tiếp với bà Blavatsky, số 17 Lansdowne Road, Holland Park, London.

Khi HPB qua đời ngày 8-5-1891, ông Olcott cho hay có từ một đến hai ngàn hội viên nhiệt thành của E.S.

Trong thư viết ngày 1-12-1888 cho thân hữu, HPB ghi lại mục đích và tính chất của phân bộ:

– Ở đâu cũng có nhu cầu này. Tôi không thể đưa ra công khai nhiều điều (hoặc trên tạp chí Lucifer hay là trong bộ The Secret Doctrine), và các hội viên lâu năm đã qua thử thách có quyền học vài điều về huyền bí học hơn là người ngoài hội; tứ phía có lời yêu cầu thành lập một phân bộ như thế - khi tôi còn sống và có thể còn hữu ích cho người khác.

 Ở đây không có sự chuyên quyền hoặc ra lệnh cho ai, không làm ra tiền hoặc phải trả tiền; không có vinh quang gì cho tôi mà có một loạt những hiểu lầm, nhục mạ, nghi ngờ, và vô ơn gần như sẽ đến trong tương lai kế đây; nhưng nếu trong 100 (109) người TTH đã thệ nguyện mà tôi có thể đưa chỉ được khoảng nửa tá người vào đường ngay nẻo thật là tôi sẽ chết được vui lòng. Nhiều người vào nhưng chỉ ít người được chọn. Tôi chỉ có thể vạch con đường cho ai chịu chấp nhận chân lý, ai mà tâm hồn tràn đầy lòng vị tha, từ thiện, và có tình thương cho trọn các loài, ai chót hết mới nghĩ đến mình ...

  ES không thuộc về thế gian, việc trần; nó không can dự vào mặt hành chánh bên ngoài của các chi bộ ... nó không đòi hỏi lệ phí hay tiền bạc, vì 'tựa như tôi nhận hiểu biết không theo cách đó, thì tôi sẽ không cho ra như vậy', và tôi thà chết đói ngoài đường còn hơn là nhận một xu cho việc chỉ dạy chân lý thiêng liêng ...

Chi phí duy nhất là tiền tem thư và giấy bút, và chi bộ Blavatsky sẽ tài trợ điều này, nếu tác quyền bộ The Secret Doctrine không đủ cho tôi trang trải phí tổn ... Tôi có gì, hoặc đúng hơn là điều gì được phép tiết lộ, tôi sẽ cho ra tuy không nhiều.

Việc bà từ chối không có hứa hẹn xa vời về những điều kỳ diệu sẽ xẩy ra nếu hội viên gia nhập ES cho thấy trái ngược hẳn lời chiêu dụ của những tổ chức gọi là tâm linh ngày nay, cùng lệ phí đáng kể mà họ hay đặt ra.

Trước khi gia nhập ES, thành viên tương lai viết cho HPB để biết chắc bổn phận của họ là gì. Có người muốn biết quân nhân có thể gia nhập được chăng ? HPB trả lời:

– Nói rằng quân nhân không được tự do là sao ? Lẽ tự nhiên, không quân nhân nào khi ở trong thân xác được tự do tới bất cứ nơi nào họ muốn. Nhưng chỉ dạy bí truyền có liên quan gì đến con người bên ngoài đâu ? Người quân nhân có thể phải ở lâu trong bót gác của họ như sò hến gắn chặt vào thân tầu, nhưng chân ngã của họ được tự do đi tới đâu nó muốn, và suy nghĩ điều gì nó thích nhất.

Tuy nhiên bà thêm vào:

Không ai bị đòi hỏi phải mang gánh nặng nặng hơn họ có thể kham; hoặc phải làm nhiều hơn họ có thể làm ... ai bị ràng buộc vào nhiệm vụ của họ ở một nơi không có quyền bỏ nó để làm tròn nhiệm vụ khác dù vĩ đại hơn thế mấy đi nữa; vì nhiệm vụ đầu tiên được dạy trong huyền bí học là làm phần việc của mình không sai chạy cho mỗi nhiệm vụ ... Trong tháng qua tôi đã phải nhắc hoài đến mỏi miệng điều ấy. Có người hỏi 'Tôi có phải rời bỏ vợ con, nhà cửa chăng khi có lời thệ nguyện ?'

Tôi đáp 'Không', vì ai bỏ bê một chuyện sẽ cũng không trung tín với chuyện khác. Không vị Chân sư đích thực, đúng nghĩa nào sẽ nhận làm đệ tử kẻ sẵn sàng hy sinh bất cứ ai ngoài họ ra để tới với Ngài.. Nếu do hoàn cảnh hoặc vị thế của họ trong đời mà người ta không thể trở thành học viên trọn vẹn trong kiếp này, hãy để họ chuẩn bị hành trang trí tuệ cho kiếp sau, và như thế sẵn sàng ngay khi có lời kêu gọi đầu tiên khi anh tái sinh lần nữa.

Trong ES học viên không được dạy huyền bí học thực hành, hoặc cách tạo hiện tượng tâm linh, kể luôn cả nghi thức huyền thuật - ceremonial magic. Trong một thư của bà HPB ghi rằng các nghi lễ ấy có thể nguy hiểm:

 

... Tôi không thích nghi thức huyền thuật. Đồ hình kỷ hà và con số đặc biệt tự chúng có năng lực tác động lên tinh linh vô tri khiến chúng linh hoạt, năng lực và sinh vật mà bạn có thể phủ nhận ... Chúng tôi theo triết lý bí truyền Veda của Ấn giáo ... biết năng lực mà những vòng và đồ hình có đối với tinh linh. Ấy là tại sao tôi tin vào nhưng ghét và kinh sợ nghi thức huyền thuật. Hãy cẩn trọng đối với một vài con số và sự kết hợp của chúng, bạn à ...

 

65hpb

CHƯƠNG XVI

TRƯỜNG BÍ GIÁO, CÓ TRANH CHẤP, BÀ CÓ ĐẠO VĂN?

Người khác nhận xét về ES:

– Khi ES được thành lập, người ta bắt đầu cảm thấy có một ảnh hưởng mới trong lịch sử Theosophy. Tuy các tạp chí về Theosophia không viết gì nhiều về phân bộ - tất cả hoạt động của nó diễn ra bí mật do lời thệ nguyện - ảnh hưởng của tổ chức mới này là làm củng cố năng lực và lòng tận tụy của những hội viên có nhiệt tâm nhất của Hội, mà lợi ích hiển nhiên nhất là cho công việc của phong trào. Với tư cách là trưởng ES, HPB được tự do không bị ràng buộc vào thủ tục điều hành trong mối liên hệ của bà với học viên, những người mà bà xem như là học trò của mình, và bà cho ra những chỉ dạy riêng cho họ, giúp cho giai đoạn phát triển nội tâm họ đang có.

Bởi các tài liệu chỉ phát hành cho học viên trong vòng ES, người ta không thể dùng cơ sở ấn loát thương mại. HPB kể lại trong thư cho em gái Vera về cách thật sơ đẳng được dùng trong việc in văn bản; Vera than phiền rằng lâu quá không có thư của chị, HPB trả lời:

– Nghĩ coi chị phải bận rộn như thế nào, cô em gái vô tâm. Mỗi tháng chị viết bài chỉ dẫn 'Esoteric Instruction' từ bốn mươi đến năm mươi trang, tài liệu về khoa học huyền bí không thể đem in. Có năm hay sáu trong số học viên tình nguyện cực nhọc làm việc vẽ, viết và in thạch bản buổi tối khoảng 320 bản; rồi chị phải coi lại, hiệu đính, so sánh và chữa lại để không có lỗi và để chi tiết bí truyền không bị sai lạc.

Kế đó bà kê ra một loạt dài những chuyện khác bà phải làm. Nói thêm về việc in tài liệu cho ES, xin bạn đọc thêm bài về ES trong PST 61 và James Pryse trong PST 49. Vắn tắt thì James Pryse và anh của ông chuyên nghiệp về nghề in và đã xuất bản nhiều báo tỉnh nhỏ ở Hoa Kỳ, hai người giúp ông Judge tại New York lập cơ sở ấn loát để in tài liệu HPB gửi qua cho học viên ES tại đây. Xong việc, HPB cho mời James sang London làm điều tương tự. Nhà in HPB Press được thành lập, cho in không những tài liệu ES mà luôn cả sách của Hội và những ấn phẩm khác.

HPB có ý niệm thật rõ ràng giữa tiền bạc và việc làm của ES. Trong thí dụ thứ nhất, có vẻ như học viên ES muốn có hình của Chân sư. Họ được yêu cầu trả phí tổn và có ý kiến cho rằng làm vậy thì giống như 'bán' hình. HPB đáp:

– Tại sao lại nói đến việc 'bán' hình ? Trả chi phí chỉ cho việc làm ra hình thì gọi là 'bán' hay sao ? Nói khác đi đặc ân của hội viên chỉ là được trả phí tổn để có hình ... Tôi không hiểu làm sao hình các Chân sư lại hóa ra bớt 'thiêng liêng' vì ta phải trả công cho nhiếp ảnh gia làm ra hình. Bạn vui lòng giải thích được không ?

Thái độ này cho thấy HPB không có đức tin mù quáng với bất cứ điều gì liên hệ đến các vị Chân sư, mà có suy nghĩ mạch lạc sáng suốt. Có lẽ tính thực tế với tiền bạc phần nào do bà từng có thương nghiệp và hiểu rõ cách sử dụng nó đúng đắn. Chuyện thứ hai là thư ngắn sau đây gửi cho học viên ES, thư này chưa hề được xuất bản trước đây từ khi nó được phát hành riêng ngày 1-11 năm 1889.

– Tôi vừa được cho biết là một lá thư của tôi, kêu gọi hội viên nói chung mua báo năm tạp chí Lucifer và hiến tặng cho Lucifer, được đính kèm theo bài Preliminary Explanations số III cho học viên của ES. Nhân cơ hội này tôi xin nói rõ như sau:

Sự việc được làm mà tôi không biết, và nó đi ngược với lệnh rõ ràng của tôi là không bao giờ liên kết việc làm bên ngoài với việc làm bí truyền, và nhất là bất cứ chuyện gì liên quan đến tài chính.

Vì vậy, tôi yêu cầu tất cả học viên ES nào đã nhận được hai phần này, phân chúng ra tách bạch với nhau, đặc biệt nhớ rằng lời kêu gọi gây quỹ không có liên hệ - cũng như không thể có bất cứ liên hệ nào trực tiếp hay gián tiếp - với lời thệ nguyện đã hứa.

Tôi lấy làm tiếc vô cùng và bực bội là chuyện như vậy đã xẩy ra, vì có thể có học viên ES sẽ cho rằng tôi kêu gọi gây quỹ cho báo Lucifer nhắm vào ai có lời thệ nguyện. Xin nói một lần cho rõ cho ai nghĩ như thế là KHÔNG  BAO  GIỜ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi sẽ làm cho khoa học thiêng liêng mất đi sự thiêng liêng do liên kết nó với chuyện tiền bạc.

 

Có Tranh Chấp.

Vào tháng 6-1889, HPB viết:

– Năm 1879 một nhà thần bí ở Ấn Độ nói với tôi là mỗi mẫu tự có ảnh hưởng tốt hay xấu cho đời sống và công việc của mỗi người. Ai mà tên bắt đầu với chữ có âm nghịch với ai khác thì phải tránh người sau này. Tôi hỏi:

– Mẫu tự nào nghịch nhất đối với tôi ?

Ông đáp:

– Hãy coi chừng chữ C. Tôi thấy có ba chữ C chiếu đáng sợ trên đầu của bà. Bà phải coi chừng chúng đặc biệt trong mười năm tới, và che chở cho Hội của bà không bị ảnh hưởng của chúng. Đó là mẫu tự của ba người trong Hội mà về sau thành ba thù địch lớn nhất.

Tôi quên lời tiên đoán lạ lùng ấy cho tới năm 1884 khi ông bà Coulombs sinh chuyện. Tôi tự hỏi tiến sĩ Coues và bà Mabel Collins có thuộc trong danh sách này ?

Chuyện đáng chú ý thêm về ba nhân vật trên, và một nhân vật nữa về sau là ông Coleman, là họ của cả ba chẳng những bắt đầu với cùng mẫu tự C mà còn là 'Co'. Nay nhìn lại tựa cho chương này tình cờ hai chữ ấy cũng là chữ đầu của chương !

Lai lịch chuyện bắt đầu khi ông Eliott Coues gặp HPB và ông Olcott năm 1884 ở Âu châu. Ông gia nhập hội khi ấy và lúc trở về Hoa Kỳ, lập chi bộ ở Washington, D.C.; về sau làm chủ tịch ủy ban kiểm soát của xứ bộ Hoa Kỳ. Ông là nhà cơ thể học, sử gia, điểu loại học, thiên nhiên học. Ông được trọng vọng, gần như là kính nể nhất trong số những chuyên gia lập nên khoa điểu loại học.

Cuộc tranh chấp ghi trong chương này khởi sự khi ông Coues ở Hoa Kỳ và bà Mabel Collins ở London hợp lực với nhau, và cho đăng hai thư của ông Coues trong tạp chí Religio-Philosophical Journal ngày 11-5 và 1-6-1889. Trong thư đầu, ông Coues viết là khoảng bốn năm về trước (tức 1885), do lòng ưa thích quyển The Light on the Path ông viết thư cho bà Collins, khen ngợi sách và hỏi nguồn gốc đích thực của sách. Có thắc mắc này vì có ý là quyển The Light on the Path, do Chân sư K.H. hoặc một vị đạo sư người Ấn nào khác thuộc Hội Theosophia đọc cho bà viết. Mabel Collins mau lẹ hồi đáp bằng thư viết tay, nói rằng The Light on the Path được gợi hứng hay đọc cho viết từ nguồn nói trên. Ông Coues nói tiếp rằng từ khi ấy cho đến nay 2-5-1889 hai người không có trao đổi thư từ thêm, khi ông bất chợt nhận được thư sau của bà, viết ngày 18-4-1889:

... Tôi thấy phải có bổn phận viết cho ông về một chuyện khó khăn và đau lòng đối với tôi mà không thể trì hoãn lâu hơn. Ông có nhớ là đã viết thử hỏi tôi ai là người gợi hứng cho quyển The Light on the Path ... Vào lúc đó tôi đang học với bà Blavatsky và cũng đang tìm hiểu về bà. Hồi ấy tôi không biết gì về các bí ẩn của hội Theosophia, và tôi thắc mắc tại sao ông lại viết thư hỏi tôi chuyện này. Tôi đưa thư ông cho bà xem, kết quả là tôi viết thư trả lời theo lời đọc của HPB ... Nay tôi muốn lương tâm được thanh thản và xin nói rằng tôi đã không tự mình viết thư đó, mà viết chỉ để làm vui lòng bà; và giờ nhận ra mình đã sai lầm khi làm vậy.

Tôi phải nói thêm rằng theo sự hiểu biết của tôi quyển The Light on the Path  không do ai gợi hứng, mà thấy nó được viết trên tường ở nơi tôi viếng trong tâm tưởng ... đọc được rồi viết xuống. Tôi không có bằng chứng gì về sự hiện hữu của một Chân sư nào, tuy tôi luôn tin tưởng là phải có lực của Chân sư.

Trong thư thứ hai cho tạp chí nói trên, ông Coues ghi là trong thư đầu ông không trưng ra bản chính bức thư của bà Collins, nay ông viết lại nguyên văn của thư, thêm rằng ấy là thủ bút của bà Collins, không ghi ngày tháng và không ký tên. Thư ông viết:

– ... Tác giả quyển The Gate of Gold là bà Collins, quyển này cùng với hai quyển The Light on the Path và The Idyll of the White Lotus được một đạo sư đọc cho bà viết, đây là vị thuộc nhóm các đạo sư mà xuyên qua bà Blavatsky đã có tiếp xúc đầu tiên với thế giới tây phương. Tên của vị gợi hứng không thề cho biết vì tên riêng của các Chân sư đã bị làm hoen ố đủ rồi ...

Đây là chính xác từng chữ một, điều bà Collins nay cho biết đã viết sai lạc cho tôi, vì bà Blavatsky 'năn nỉ và van nài' bà Collins làm vậy, và bà Collins cũng viết theo lời đọc của HPB. Nghe quả đúng là có cung cách của HPB.

Thư 1885 này của bà Collins viết cho ông Coues là do ông bịa đặt ra. Truy kỹ thì quyển The Gate of Gold mãi tới năm 1887 mới xuất bản ! Thêm vào đó, năm 1885 khi thư viết bà Collins học với HPB và bà đọc cho bà Collins trả lời, HPB lúc ấy đang ở tại Ấn Độ, cách xa London hằng ngàn dặm đường. Lần đầu tiên HPB đọc sách The Light on the Path là năm 1886, khi ông Arthur Gebhard tặng bà một quyển tại Đức.

Bà Collins thường không nhận mình là tác giả ba quyển sách nói trên, mà ghi rằng chúng do một trong các vị đạo sư đọc cho bà viết. HPB xác nhận ngài là đức Hilarion, vị Chân sư người Hy Lạp, và là vị hợp tác với bà trong loạt chuyện riêng do bà viết. HPB nói về quyển The Light on the Path như sau:

... Quyển The Light on the Path đã được dịch sang Phạn ngữ và được các học giả người Ấn xem như là một kiệt tác Phạn ngữ. Cả trăm năm nay không có việc dịch sang Phạn ngữ nhưng sách có tính chất Phật giáo và bí truyền làm hài lòng người Ấn thông thái. 

Quyển sách nhỏ này là thực là châu ngọc, thuộc về và sinh ra từ cùng trường phái tư tưởng Ấn–Âu và Phật học, và thông thái như bộ The Secret Doctrine.

Điều mà ông Coues không ghi trong hai thư của ông cho tạp chí là bà Collins vừa bị trục xuất khỏi ES. Bà kiện HPB nhưng tại phiên tòa tháng bảy 1890, luật sư của HPB đưa cho luật sư của bà Collins một thư do bà Collins viết, và người này lập tức xin tòa chấm dứt vụ kiện. Nội dung của thư sau đó không hề được tiết lộ.

Sự bất mãn của ông Coues bắt đầu khi hội đồng kiểm soát mà ông nắm quyền chuyên chế trong hai năm, được bãi bỏ. Vào tháng 10-1886, mười hai chi bộ Hoa Kỳ lập thành xứ bộ Hoa Kỳ và bầu ông William Q. Judge làm tổng thư ký. Trong một thư cho thân hữu, HPB viết chuyện diễn biến sau đó:

... Trong thời gian qua ông Coues viết cho tôi nhiều điều, trong đó có việc yêu cầu là phải để cho ông kiểm soát xứ bộ Hoa Kỳ. Ông nỗ lực gợi cho tôi chống lại hai ông Judge và Olcott, và đã thực sự đi xa tới mức gợi ý rằng tôi nên hợp vào âm mưu dối gạt họ ! Trước khi có đại hội mới rồi tại Chicago, ông viết cho tôi đề nghị là vẫn còn thời gian cho ông được bầu làm hội trưởng xứ bộ, và yêu cầu tôi nên gửi điện tín cho đại hội ra lệnh như thế.

Điểm chính trong yêu cầu của ông là tôi cố tình dối gạt trọn xứ bộ Hoa Kỳ bằng cách nói ý muốn của Chân sư là ông nên được bầu làm hội trưởng. Không cần phải nói, mưu của ông không thành ! Và nay, như là kết quả của việc ấy, ông quay trở lại hăm dọa Hội và tôi đủ điều.

Tham vọng của ông Coues muốn khống chế hội được lộ ra trong hai tài liệu trích các thư của ông cho HPB. Thư trả lời của HPB được tìm ra lúc gần đây trong bộ tài liệu của ông Coues thuộc tổ chức State Historical Society of Wisconsin, và đăng trong bài sáu kỳ trên tạp chí The Canadian Theosophist (từ số tháng 9-10-1984 đến số tháng 9-10-1985).

Kết quả của mưu mô này làm bản cho phép thành lập chi bộ Gnostic của hội bị rút lại ngày 22-6-1889 và ông bị trục xuất khỏi hội. Sau khi ra khỏi hội, ông tiếp tục công kích HPB và lại mạnh mẽ hơn trên báo chí. Đáp lại thì HPB giữ yên lặng.

Sang năm 1890 ông thay đổi chiến thuật, mở rộng cuộc tấn công và chọn tờ báo Sun là một trong những tờ báo hàng đầu của New York, có bài vở được trích lại khắp nơi trong nước và chủ bút là ký giả có tiếng Charles Dana. Cuộc tấn công bắt đầu với bài xã luận đăng trên tờ Sun ngày 1-6-1890, Theosophia bị gọi là đạo bá láp (humbug religion), và công chúng được giáo sư Coues cho thấy những mánh khóe dối gạt của bà sau khi ông đã bị gạt nhiều năm.

Số báo ngày 20-7 có một bài 'phỏng vấn' dài với ông xuất hiện trên phụ trang của báo có chứa đựng mọi điều tệ hại nhất có thể tưởng tượng về bà. Từ đó về sau, những ai viết tiểu sử có khuynh hướng thù nghịch với HPB thường trích dẫn từ bài được gọi là 'phỏng vấn' này.  Cả tờ Sun và ông Coues đã dối gạt công chúng khi gọi bài báo là cuộc 'phỏng vấn', vì ông viết cả hai bài trên. Nó có nghĩa một ký giả tưởng tượng đặt những câu hỏi cò mồi mà ông Coues đã viết sẵn câu trả lời. Tài liệu của ông Coues nói trên đang lưu trữ tại Wisconsin có nguyên bản bài viết ông soạn cho tờ Sun.

Trong bài, hai thân hữu Hoa Kỳ có tiếng nhất của HPB là ông Olcott và ông Judge được cho là người khờ khạo và là đồng lõa sẵn lòng của bà. Như là bằng chứng cho tính vô đạo đức của HPB, ông Coues trích dẫn nhiều thư nói rằng vào năm 1857 hay 1858, bà thuộc giới 'demi monde – nhà thổ', có liên hệ với hoàng thân Emile de Wittgenstein và sinh ra một con trai có khuyết tật, sau đó trẻ qua đời tại Kieff năm 1868. Cáo buộc này khiến chót hết HPB phải lên tiếng và nói:

... Cáo buộc phản ảnh mạnh mẽ về đạo đức của tôi và bôi nhọ danh tánh của người đã khuất, một người bạn thân lâu năm của gia đình nên tôi không thể làm thinh, do đó tôi đã cho luật sư của tôi tại New York khởi tố tờ Sun về tội phỉ báng ...

Hai đơn thưa được nộp cho tòa, một về ông Coues và một về tờ Sun. Cả hai nhắm vào cáo buộc nói bà vô đạo đức và đòi bồi thường thiệt hại 50.000 mỹ kim. Vì có nhiều vụ phải xử, phiên tòa kéo dài sang năm 1891. Tháng ba 1891, trong cuộc trình bầy tại tòa trước khi có phiên xử, luật sư cho tờ Sun nhìn nhận là thân chủ của mình không thể chứng tỏ được về cáo buộc vô đạo đức. Ý kiến đưa ra nói rằng nay câu hỏi chỉ còn là số tiền bồi thường là bao nhiêu.

Việc nhìn nhận không có bằng chứng là thắng lợi đáng kể. Sau đó, luật sư của HPB vào ngày 27-4-1891 đưa ra chứng thư của chuyên gia y khoa, cho thấy những lời phỉ báng mà ông Coues đặt ra là hoàn toàn vô căn cứ. Tài liệu cũng cho thấy là luật sư bên nguyên cáo cho tòa hay là hai y sĩ về sản phụ khoa sẵn sàng làm chứng rằng khác với cáo buộc của tờ Sun, bà Blavatsky không có sinh con.

Chủ bút Charles Dana của tờ Sun không phải là người dễ dàng chấp nhận thua cuộc, và có tiếng là theo đuổi tới cùng đối tượng làm ông giận dữ. Tuy nhiên ta phải nói rõ tư cách của ông là tờ Sun ngày 26-9-1892, đăng bài xã luận nhìn nhận có sai lầm trong việc cho in bài viết của ông Coues; hành động này đáng nói ở điểm tờ báo không bị bắt buộc phải làm vậy về mặt luật pháp.

Chuyện quan trọng là bài đính chính không chỉ giới hạn vào cáo buộc về tính vô đạo đức, mà gồm luôn cả những cáo buộc khác ông Coues đã đưa ra. Bài viết:

– Chúng tôi cho đăng ở một trang khác bài viết của ông William Q. Judge nói về cuộc đời lãng mạn và khác thường của bà Helena P. Blavatsky đã quá cố. Nhân cơ hội này chúng tôi nhìn nhận rằng vào ngày 20-7-1890 chúng tôi đã nhầm lẫn khi cho đăng trên báo Sun bài của tiến sĩ Coues tại Washington, trong đó có cáo buộc về tư cách của bà Blavatsky, và luôn cả những ai theo bà, xem ra không có căn bản vững chắc. Bài của ông Judge giải tỏa hết những thắc mắc liên quan đến bà Blavatsky mà ông Coues đưa ra, và chúng tôi muốn nói rằng không có chứng cớ nào cho những cáo buộc của ông Coues về hội Theosophia và cá nhân ông Judge, và lẽ ra không nên đăng.

Bà có Đạo Văn ?

Năm 1890, khi tờ Sun đăng bài viết của ông Coues gọi là phơi bầy HPB, có một cuộc tấn công khác vào tư cách của bà được một người tên William Emmette Coleman lặng lẽ soạn. Chẳng lâu sau đó, ông tung ra cáo buộc là trong tất cả những bài viết của bà HPB đạo văn người khác ở mức thật lớn lao. Nay ta có thêm một chữ 'Co' khác !

Để hiểu về cáo buộc đạo văn ta ghi định nghĩa trong tự điển là 'Lấy cắp và trưng ra ý kiến hay chữ của người khác như là của mình'. HPB không làm vậy. Bà cho ông Ralston Skinner hiểu biết và sau này ông dùng nó viết thành sách, ông tặng cho HPB, nói thêm rằng bà có thể dùng nó như là sách của chính bà. HPB đáp:

- Làm sao tôi có thể trích mà không có dấu trích ? ... Làm sao tôi có thể trích dẫn mà không ghi tên ông ?

Việc mà ông Coleman cho là đạo văn là cách viết mà bất cứ ai xuất bản kết quả nghiên cứu của mình đều làm, kể luôn cả ông. Giải thích cho rõ thì cần có sự phân biệt giữa nguồn sơ cấp và nguồn thứ cấp. Thí dụ nếu ta trích thơ của Nguyễn Du thì thơ ấy là nguồn sơ cấp, còn khi ta trích bài của Tản Đà trích lời Nguyễn Du, văn Tản Đà khi ấy là nguồn thứ cấp. Theo ý ông Coleman, trong thí dụ sau ta phải ghi chú ngay tại chỗ không những Nguyễn Du mà luôn cả Tản Đà. Dầu vậy, cách viết hợp lệ mà đa số tác giả nghiên cứu hằng theo là chỉ ghi ra nguồn sơ cấp. Trong bộ Isis Unveiled, HPB thường ghi nguồn là tác giả nguyên tác và không ghi nguồn thứ cấp.

Ngày nay văn sĩ nhìn nhận nguồn thứ cấp một cách gián tiếp qua việc gộp trong danh mục tên những sách mà họ dùng trong việc nghiên cứu. Ghi hết tất cả thì không nên vì trong vô số tài liệu tham khảo, chỉ một số ít được xem là đáng nêu. Nếu ông Coleman cho rằng HPB phạm qui tắc khi viết văn thì hằng trăm ngàn tác giả khác cũng sẽ có lỗi và bị ông cho là đạo văn.

Theo cách viết sách thời của bà, tác phẩm của HPB không ghi thư mục. Tuy nhiên, nguồn thứ cấp của bà thường được nhắc tới trong sách khi trích tài liệu sơ cấp; vì vậy người đọc biết quyển sách là nguồn thông tin giá trị. Lấy thí dụ ông Coleman cáo buộc rằng HPB dùng bốn mươi bốn đoạn trong quyển The Gnostics and Their Remains của tác giả C.W.King cho bộ Isis, mà không ghi chú nguồn gốc. Tuy nhiên, khi dùng cuốn Gnostics như là nguồn sơ cấp, bà ghi chú tên sách và tác giả ba mươi hai lần.

Chuyện lý thú là văn hào Goethe của Đức nhìn nhận là đã có được tài liệu theo cùng cách thức như các văn sĩ khác đã làm, nhưng bạn sẽ không biết được điều ấy trừ phi bạn đọc được câu khó tìm đề cập tới điều này  do người viết tiểu sử của ông tìm ra:

... Tôi có được thành đạt của mình ... là do hàng ngàn chuyện và người khác ngoài tôi ra, tạo nên tài liệu cho tôi ... và tất cả chuyện mà tôi đã làm chỉ là nắm giữ lấy chúng, và gặt hái được những gì người khác đã gieo thay cho tôi ... Chuyện chính là có ham muốn mạnh mẽ, và kỹ năng cùng sự kiên trì để thực hiện nó. Tác phẩm của tôi là một tổng hợp ký tên Goethe.

Chính ông Coleman không phải lúc nào cũng làm như lời ông dạy là ghi ra nguồn thứ cấp. Trong tiểu luận 'Sunday Not Being the Real Sabbath', ông mượn mà không ghi nguồn gốc nhiều trích dẫn trong tài liệu về cùng đề tài của tác giả William Henry Burr. Trong tập sách 16 trang ông Burr than phiền về ông Coleman và viết:

- Sự kiện là như sau, ông Coleman mượn trong tác phẩm nhỏ của tôi tất cả những gì ông trích ra hay tóm tắt từ ít nhất mười lăm tác giả. Mỗi một trích dẫn mà ông đưa ra từ các tác giả này là mượn từ tôi, và ông không thêm chút gì từ tác phẩm của họ mà không có trong tác phẩm của tôi.

Ông Coleman cũng không ghi chú tên sách của ông Burr, và ông Burr cũng dẫn cho thấy những đoạn nào ông Coleman đã đạo văn.

Ông Coleman tuyên bố mục đích của HPB trong việc trích nhiều tác giả trong quá khứ và hiện tại là để cho thấy bà đọc nhiều, là người thông thái trong khi thực ra 'sự dốt nát của bà về tất cả các ngành hiểu biết thực là to lớn'. Vậy người ta tự hỏi làm sao bà có thể hiểu được những cuốn sách dầy cộm mà bà nghiên cứu, và chọn chỉ phần tài liệu hợp cho mục đích của mình. Tác giả Beatrice Hastings nhận xét:

- (Ông Coleman) không màng đến sự kiện HPB trích dẫn tác phẩm chính yếu là để hỗ trợ cho bà trong việc liên kết khoa học huyền bí trải từ thời rất xa xưa đến ngày nay. Bà sẽ trích từ cuốn sách xưa hay từ tờ báo New York một cách tự nhiên như nhau, bao lâu mà sự kiện hợp cho mục đích của bà.

Ông Coleman thấy làm ngơ việc bà không ngừng trích dẫn tên và người có thẩm quyền là chuyện rất tiện lợi cho ông. Sự thật là ít khi không có trang nào trong sách mà không có một tên, ta được lôi cuốn đi mau lẹ từ người có thẩm quyền này sang người khác, và không chút nghi ngờ điều mà bà thu thập và muốn cho thấy bà không tự tạo ra đề tài của bà. Bà khó mà trích ra tên thường hơn nữa mà không làm độc giả chán. Biết tới đâu nên ngừng như bà đã làm, đòi hỏi sự khéo léo trong việc viết văn ... Còn có gì khéo hơn việc từ một thư viện rộng lớn có chi tiết rải rác đó đây mà hợp những điều căn bản  lại trong một cuốn sách ?

Dầu vậy, nếu nghĩ nghĩ rằng tác phẩm của bà Blavatsky phần lớn chỉ là bàn về những sách khác là sai lầm. Ông Coleman muốn ta tin rằng bộ Isis nói riêng chẳng khác gì hơn là vay mượn từ sách của những người khác nhưng ta dễ dàng chứng minh ngược lại. Khi đếm từng hàng ta thấy là chỉ có 22 % là phần trích dẫn, còn 78% là tư tưởng của bà Blavatsky. Hơn nữa, phần trích dẫn không có giá trị chính mà chỉ là hỗ trợ cho đề mục chính của bà. Ngày nay khi sách được trích dẫn thì không phải những gì HPB chọn lọc từ sách người khác được trích lại, mà là của chính bà, hay nói theo cách của HPB là từ các vị thầy của bà.

Phần trên là ý kiến trong bài của ông Coleman về việc đạo văn chính yếu nhắm vào bộ Isis. Nay ông quay sang bộ The Secret Doctrine và những tác phẩm khác của bà, phần này cho thấy ông đi quá xa tới mức không còn có thể gọi mình là người nghiên cứu thành thật nữa. Khi bàn về bộ Isis, ông ghi số trang, tên sách trích dẫn và đôi khi luôn cả những đoạn song song với nhau; nhưng nay khi qua bộ The Secret Doctrine ông không cung cấp chi tiết như vậy nữa mà nói rằng:

- ... bằng chứng chi tiết và chứng cớ của mỗi đoạn trích dẫn cho vào sách sẽ được cho ra đầy đủ trong sách mà tôi đang soạn để xuất bản – tác phẩm phơi bầy trọn TTH.

Lời hứa này được nhắc lại nhiều lần trong bài viết của ông, như muốn trấn an người đọc là chẳng bao lâu sẽ có tất cả những bằng chứng. Tuy nhiên từ ngày có bài viết này, tháng tám 1893 cho tới khi ông qua đời năm 1909, mười sáu năm trôi qua mà không hề có bóng dáng cuốn sách xuất hiện. Ông không đưa tin gì thêm về việc xuất bản sách lẫn xin lỗi về sự chậm trễ này.

Bộ The Secret Doctrine dài 1.570 trang, nếu không ghi những số trang có trích dẫn trong đó lẫn số trang của sách là nguồn thứ cấp thì làm sao tìm ra các đoạn song song ? Vậy chẳng lạ gì là ông Coleman không hề viết sách của mình. Ông đã tính toán kỹ, người ta tin việc nghiên cứu mà ông nói đã làm mà không cần bằng chứng đã hứa.

Một khám phá mà ông Coleman hãnh diện công bố là ông đã tìm ra nguồn của kinh Dzyan, những câu kinh mà HPB nói rằng bộ The Secret Doctrine và cuốn The Voice of Silence viết dựa trên đó. Theo ông Coleman, những câu kinh Dzyan là 'của HPB đặt ra – là tổng hợp viết theo văn của bà từ nhiều nguồn khác nhau'. Chứng cớ của ông sẽ được trưng ra trong cuốn sách mà ông hứa hẹn, là cuốn không hề xuất hiện.

CHƯƠNG XVII

Sách Mới Và Nơi Chốn Mới

 

Nhiều người khác cũng tuyên bố đã xác định được nguồn những câu kinh này. Trong thư trao đổi với thư ký riêng của HPB là ông G.R.S. Mead, nhà đông phương học nổi tiếng Max Muller đồng thời  với HPB cho rằng bà ... pha trộn Phật giáo và triết lý Veda với  tư tưởng tây phương. Trọn TTH của bà là bản dịch sai những văn bản bắc Phạn (Sanskrit) và nam Phạn (Pali) được hâm lại - rechauffé.

Ông Mead hồi đáp, ghi rằng ông Muller không cho biết sách nào có đoạn nào mà những câu kinh Dzyan trong bộ The Secret Doctrine hay cuốn The Voice of Silence đã dựa trên đó. Dù vậy, ông Mead muốn cho phổ biến thư chỉ trích của học giả Max Muller và sẽ có lời phê bình. Ông Max Muller lẹ làng xin ông Mead đừng làm thế mà cho ông nhận lại thư của mình ngay, vì ông muốn viết lại cho kỹ.  Thư được hoàn trả, ông Mead dài cổ chờ đợi mà vẫn không được bằng cớ hứa hẹn chứng tỏ rằng HPB không gì khác hơn là người, từ những bản dịch sai, đã tom góp lại thành sách lạ lùng cho ai khùng điên đọc.

HPB gọi nguồn của kinh Dzyan là bộ kinh Kiu-te, bà qua đời năm 1891; sang thế kỷ 20 năm 1983 có những khám phá cho rằng đó là bộ kinh tên Kanjur, một trong những tạng kinh lớn của Phật giáo Tây Tạng. Bộ kinh có trong thư viện của những tu viện phái mũ vàng thuộc Phật giáo Tây Tạng cũng như trong tu viện của những phái khác như Kargyudpa, Nyingmapa và Sakyapa, và được xem là chứa đựng những chỉ dạy bí truyền của đức Phật.

Trong phần giới thiệu bộ The Secret Doctrine, HPB nói về những ai bác bỏ những điều bà viết vì cho rằng chúng lấy trộm từ những tác giả như Eliphas Levi, Paracelsus, và từ tư tưởng Phật giáo và Ấn giáo. Bà trả lời rằng nói vậy không khác gì ai viết về cuộc đời đức Chúa là lấy trộm từ kinh thánh, và viết về kinh Phật là lấy trộm từ triết lý của đức Phật và Ấn giáo. Bà viết:

... Nhưng cho công chúng nói chung và độc giả của The Secret Doctrine, tôi xin lập lại điều mà tôi đã thưa từ lâu, và nay tôi xin mượn lời của Montaigne:

TÔI KẾT LẠI MỘT BÓ NHỮNG  HOA  HÁI ĐƯỢC, VÀ  KHÔNG  GÓP  VÀO  MÓN  GÌ  CỦA  RIÊNG  TÔI,   NGOẠI  TRỪ  SỢI  DÂY  ĐỂ  CỘT  BÓ  HOA.

 

Sách Mới và Nơi Chốn Mới.

Vào tháng bẩy 1889, bác sĩ muốn HPB nghỉ ngơi ít nhất hai tuần, bà cần đổi không khí. Theo lời mời của thân hữu, HPB đi Pháp tới Fontainebleau, không xa Paris và ở đó ba tuần. Chuyến đi đáng kể vì tại nơi này HPB viết phần lớn cuốn The Voice of Silence. Bà Besant cũng ghé qua nơi đây vài ngày và tả lại cảnh viết sách:

- Tôi đến Fontainebleau ở chơi một, hai ngày với HPB. Bà đã tới đó trước để nghỉ ngơi vài tuần. Tôi thấy bà dịch những đoạn tuyệt vời từ quyển Kim Huấn Thư – The Book of the Golden Precept mà nay được biết tới rộng rãi bằng tên The Voice of Silence. Bà viết mau lẹ, không có tài liệu nào trước mặt, và tới chiều kêu tôi đọc to để xem 'Anh văn có hợp tai'. Nhiều người khác ngồi quanh HPB khi tôi đọc. Bản dịch tiếng Anh toàn hảo và đẹp đẽ, trôi chẩy du dương; chúng tôi chỉ thấy một hay hai chữ cần sửa, và bà nhìn chúng tôi như trẻ thơ kinh ngạc, lạ lùng với những lời khen ngợi của chúng tôi - lời khen mà ai biết viết văn sẽ bằng lòng ngay nếu họ đọc bài thơ tuyệt vời ấy.

Trong những phần trước ta có nói các học giả đông phương như  ông Suzuki đã nhìn nhận sự chân chính của The Voice of Silence, mà các nhân vật tây phương nổi tiếng cũng quý chuộng sách. Đại thi hào Alfred Tennyson của Anh được cho là đã đọc sách vào lúc ông sắp chết. Khi nhận xét về một trong những bài thơ chót của ông, HPB nói:

- Làm như Tennyson có đọc sách TTH, hay được cùng những chân lý vĩ đại gợi hứng như chúng ta.

Ông George Mead, thư ký riêng của HPB nói ở trên, bắt đầu làm việc với HPB vào đầu tháng tám 1889. Một trong những chuyện mà bà giao cho ông là xem lại bản thảo quyển này. Ông viết:

- Tôi thưa với bà sách là tác phẩm ưu việt nhất trong tất cả sách vở TTH, và khác với thói quen của mình, tôi ráng diễn tả thành lời sự hào hứng cảm thấy trong tim ... HPB không hài lòng với tác phẩm của mình, và tỏ ra hết sức lo lắng rằng bà không dịch được hết ý của nguyên tác ... Đây là một trong những đặc tính chính của HPB. Bà không hề có tự tin với tác phẩm của mình, và vui vẻ lắng nghe mọi lời phê bình, ngay cả của ai lẽ ra nên làm thinh. Chuyện lạ là bà luôn luôn thật nhút nhát với những bài viết và sách hay nhất của mình, và lại hết sức tự tin với những bài gây tranh cãi. Bà là người vĩ đại ở giữa người phàm ... muốn đặt nền tảng thì cần có người vĩ đại, mà khi di chuyển tới lui bắt buộc họ lật đổ nhào ngẫu tượng trong miếu thờ của người thấp thỏi hơn.

Trong khi đó tại London, quyển The Key to Theosophy được xuất bản. Trong quyển này sự phân biệt giữa Theosophia và hội Theosophia được giải thích rõ ràng.

Dời về Nhà đường Avenue Road.

Tháng tư năm 1890 công việc làm sách, ra báo của HPB phải ngưng lại một thời gian vì bác sĩ lo ngại cho sức khỏe của bà, và đòi hỏi bà nghỉ ngơi. Mà đây là lúc nhiều chuyện xẩy ra. Trụ sở của hội tại Anh chẳng bao lâu dời từ Lansdowne Road về chỗ rộng rãi hơn tại Avenue Road. Việc đã được chuẩn bị từ nhiều tháng để có thể dời nhà vào tháng bẩy. Một phần của chỗ mới là nhà của bà Annie Besant, được bà cho hội sử dụng. HPB viết cho em gái Vera:

- Chị bị cấm làm việc lúc này, nhưng cũng hết sức bận rộn lo dời nhà từ đầu này của London sang đầu kia. Nhóm đã lấy ba căn riêng biệt nối với nhau bằng khu vườn, trong nhiều năm ... chị đang cho xây phòng giảng có 300 chỗ; phòng sẽ theo kiểu đông phương, lót gỗ mài sáng bóng có lát gạch bên ngoài để cho khỏi lạnh; bên trong không có trần nhà, mái có xà nâng đỡ và cũng làm bằng gỗ mài bóng. Một hội viên là họa sĩ sẽ vẽ những hình ảnh biểu tượng và tranh trên gỗ. Oh, sẽ đẹp lắm.

Ông Olcott ghi:

- Họa sĩ R.Machell vẽ hai mái chúc xuống của trần, với biểu tượng của sáu tôn giáo lớn và 12 hình của đường hoàng đạo.

Ngày nay trong thiệp Giáng sinh ta hay thấy sáu tôn giáo lớn được nối kết như vậy,  nhưng vào thời ấy đó là chuyện chưa nghe ai nói tới. Buổi họp đầu tiên là vào ngày 3 tháng 7-1890. HPB viết cho em:

- Ở cuối gian phòng họ để một ghế bành lớn cho chị, và chị ngồi đó như ngồi trên ngai. Ngồi đấy mà không tỉnh trí chi hết vì chị yếu quá, có bác sĩ sẵn đó trong trường hợp chị ngất đi ... Có khoảng 500 người dự tức là gần gấp đôi số người gian phòng có thể chứa ...

Ông Sinnett và nhiều người khác đọc diễn văn, nhưng không cần phải nói, không ai nói hay cho bằng bà Annie Besant. Trời ạ, bà nói hay lạ lùng ! Chị chỉ ước sao em có thể nghe được bà. Nay bà là đồng chủ bút với chị cho tờ Lucifer, và là chi trưởng chi bộ Blavatsky. Ông Sinnett chỉ có một mình tiếp tục là chi trưởng của chi bộ London. Còn chị thì trở thành tương đương với giáo hoàng, chị được đồng thanh chấp thuận làm chủ tịch của tất cả những xứ bộ tại Âu châu. Nhưng hết những chuyện này có ích gì cho chị ? ... Nếu chị được mạnh khỏe hơn một chút - đó mới là chuyện cần. Còn vinh dự và danh vị hoàn toàn không phải là điều chị ưa thích.

Đa số nhân viên tại trụ sở Avenue Road ngụ luôn ở đấy. Bà Besant viết về giai đoạn này như sau:

- Qui luật của nhà rất giản dị, nhưng HPB đòi hỏi sống có điều độ chặt chẽ; chúng tôi ăn sáng lúc 8 giờ, làm việc cho tới ăn trưa là một giờ, rồi làm tiếp đến bữa tối lúc bẩy giờ. Sau bữa tối thì ngưng công chuyện cho Hội, và chúng tôi tụ ở phòng HPB, ngồi nói chuyện về kế hoạch, nhận chỉ dạy và lắng nghe bà giải thích những điểm gút mắc. Tới nửa đêm là tắt hết đèn.

Chính bà thì viết không ngừng; luôn luôn đau ốm mà với ý chí không gì chế ngự được, bà thúc đẩy thân xác mình làm việc ... Trong vai người thầy bà kiên nhẫn thật tuyệt vời, giải thích một chuyện tới lui mãi theo những cách khác nhau, cho tới khi thua cuộc sau một lúc lâu, bà ngả người ra sau trên ghế nói:

- Trời ạ, chắc tôi khùng điên nên bạn không thể hiểu chăng ? Đây, anh/chị X ...

(với ai mà gương mặt ánh lên nét thông hiểu một chút):

- ... chỉ cho những người hết thuốc chữa này là tôi muốn nói gì.

Ai mà kiêu hãnh, tự cao tự đại, cho là mình thông thái thì bà không nương tay, nếu học trò tỏ ra có hứa hẹn, lời sắc bén sẽ chọc thủng vỏ mầu mè. Có người thì bà tỏ ra rất giận dữ, la mắng khiến họ vực mình khỏi sự uể oải; nói cho đúng bà khiến mình như là dụng cụ để tập luyện cho học trò, không màng họ hay bất cứ ai nghĩ gì về mình, miễn là kết quả có lợi cho họ.

Ông George Mead nói về cách HPB huấn luyện học trò của mình đã tác động ra sao cho ông:

- Một điều mà bà luôn luôn làm tôi phải nhớ là có được ý thức về 'fitness of things – làm cho đúng', và bà không nương tay nếu luật về sự hòa hợp này bị vi phạm, không cho người ta tìm được khe hở nào để thoát, và không chấp nhận bất cứ viện dẫn gì, tuy sau đó một phút, bà trở lại là người bạn và vị huynh trưởng đáng mến, người đồng hành không ai có thể dễ thương hơn.

Vera sang chơi với HPB vào tháng tám ở London, nhớ lại:

- Trong thời gian tôi ở đó có nhiều điều làm tôi lo ngại về chị. Tuy tất cả ai làm việc tại đây tỏ ra kính nể, yêu mến và quí chuộng chị, họ đều là người mới, hết sức bận rộn và thêm vào đó, quen với đời sống thật khắc khổ. Không có ai biết cách làm cho chị bớt những chuyện bực bội và bất tiện của đời sống hằng ngày, và có chăm sóc đúng cách, để ý tới chị là điều mà HPB cần ...

Chỉ có nữ bá tước Wachtmeister, theo ý tôi, người đã chăm lo chị thật tuyệt ở Wurzburg và làm chị hồi phục ở Ostend, là có thể cứu được chị. Tôi bảo chị điều ấy nhiều lần. Nhưng từ sáng sớm đến tối bà ra văn phòng ở ngoài phố, cách đây mấy dặm. HPB khăng khăng chống lại đề nghị của tôi, trấn an tôi rằng bà bá tước cần cho công việc và không thể làm ngơ nó. Chị tôi không có tính tư lợi. Do đó vào mùa hè năm ấy chị gửi Bertram Keightley qua Ấn với cùng lý do - anh là người tận tâm với chị như thể chị là mẹ ruột của anh và còn hơn thế nữa. Chị cho rằng nơi ấy cần anh. Và quan trọng hơn nữa, việc anh rời London cần thiết và sẽ có lợi cho anh.

Trong những buổi tối chót mà chúng tôi có với nhau, niềm vui thích lớn nhất của chị là được nghe những bài hát giản dị bằng tiếng Nga. Chị quay sang con gái này rồi con gái kia của tôi, bảo:

- Hát cho bác đi con ! Hát bất cứ bài nào của quê mình ...

Chị lắng nghe thật xúc động và vui sướng như thể biết là sẽ không bao giờ được nghe chúng nữa.

Tới cuối năm 1890, hội Theosophia tại London cho phát hành quyển một của bộ hai cuốn tên Transactions of the Blavatsky Lodge; quyển hai ra vào cuối năm 1891. Trọn bộ liên quan đến bộ The Secret Doctrine, và gồm những câu đáp của HPB cho thắc mắc nêu ra với bà, trong những buổi họp của chi bộ Blavatsky từ tháng giêng đến tháng sáu 1889. Phần trả lời của HPB được ghi lại bằng tốc ký và sau đó được bà coi lại để phát hành.

Một tập sách nhỏ tên 'The Secret Doctrine and Its Study' do ông Robert Bowen ghi lại về những buổi họp tương tự khi chi bộ dời về Avenue Road. Tài liệu ghi ngày 19-4-1891, tức chỉ hai mươi ngày trước khi bà qua đời. Ông viết:

... Tôi cho rằng bộ The Secret Doctrine có chứa đựng tất cả những gì mà HPB biết, và còn hơn thế, vì nhiều điều trong sách là từ những vị có hiểu biết vô cùng rộng rãi hơn bà. Hơn nữa, bà hàm ý không sao lẫn lộn được là người khác có thể bắt được hiểu biết trong sách mà bà không có ... Bà nói cho chúng tôi không chút nghi ngờ gì là đừng xem bà như thẩm quyền sau cùng, và cũng không xem ai như thế, mà chỉ dựa hoàn toàn vào nhận thức riêng mở rộng của chúng tôi.

Nghĩ vậy mà đúng. Tôi trình thẳng với bà ý trên và bà gật đầu, mỉm cười. Được bà mỉm cười chấp thuận đáng giá biết bao.

Bà đã thay đổi nhiều từ khi tôi gặp bà hai năm về trước. Bà đã gắng gượng tuyệt vời ra sao đối với bệnh nặng của mình. Nếu ai không biết gì và không tin gì, HPB sẽ làm họ tin rằng bà là điều chi đó xa vời và vượt ra ngoài thân xác, bộ óc. Tôi cảm thấy, nhất là trong những buổi họp cuối cùng khi bà đau nặng, là chúng tôi nhận được chỉ dạy từ một nơi khác và cao hơn. Làm như chúng tôi cảm biết điều bà nói hơn là nghe với đôi tai xác thịt của mình. Người khác cũng nói y vậy tối qua.

Những Ngày Cuối của HPB

Ông George Mead viết về giai đoạn này như sau:

- Khi chúng tôi dọn về trụ sở mới, có nhiều chuyện thay đổi. Bây giờ nhìn lại thì có vẻ gần như là bà tập cho chúng tôi sẵn với việc bà có thể ra đi bất cứ lúc nào ... Từ khi bà đi Brighton dưỡng bệnh hồi đầu năm ngoái, thân xác bà đã bị đau đớn nhiều và không thể làm việc như trước kia. Nhưng chúng tôi luôn luôn sống với hy vọng lớn lao là bà có lại được sức khỏe bình thường.

Tại Lansdowne Road bà luôn vui thích tiếp khách, và gần như tối nào họ cũng đến gặp bà; còn tại Avenue Road dần dần bà cô lập mình càng lúc càng nhiều, và thường khi buổi tối bà cũng không gặp ngay cả người trong nhà, trừ phi bà đặc biệt cho kêu họ đến.

Lại nữa, lúc gần đây bà lặng thinh lạ lùng, ít khi cho thấy năng lực mạnh mẽ là đặc tính riêng của bà. Cái ý chí không gì khuất phục được vẫn còn đó, tuy thân xác đã mỏi mòn, vì bà ngồi ở bàn làm việc ngay cả khi lẽ ra phải vào giường, hoặc trong áo quan.

Trong thư cho thân hữu ngày 25-5-1891, bà bá tước Wachtmeister cũng bầy tỏ cảm xúc tương tự:

- Chúng tôi quả thật đã có một thời gian đáng sợ, và nay làm như không thể nào có thể cảm nhận được là HPB đã ra đi. Tất cả chúng tôi tin chắc là bà sẽ sống tới cuối thế kỷ, thành ra tuy suốt mùa đông năm nay thấy bà đau yếu luôn và sức lực giảm dần, không ai thực sự hoảng hốt. HPB viết thật ít trong mùa đông này, và như tôi đã viết cho bạn, bà dần dần tách rời mình với chúng tôi. Nay tôi tin bà biết ngày cuối đời sắp tới, và làm vậy để cho chúng tôi quen với sự vắng mặt của bà, cũng như để theo dõi và xem chúng tôi có thể tiếp tục lấy tự mình không cần có bà; giờ thì chúng tôi phải làm việc lấy một mình và theo cách tốt nhất có thể làm.

Trong những tháng cuối đời bà, HPB bận rộn soạn cuốn Theosophical Glossary. Sách được phát hành năm 1892, một năm sau khi bà qua đời. Bà cũng lo viết lại vài chuyện ngắn huyền bí mà sau này được xuất bản cùng năm và có tên Nightmare Tales, tuy sách chứa đựng nhiều hơn cái tên gợi ý.

Thư hằng năm của HPB cho đại hội TTH Hoa Kỳ - năm nay tổ chức tại Boston - viết ngày 15-4, ba tuần trước khi bà qua đời. Đại diện cho bà là bà Annie Besant, dịp đi Mỹ kỳ này là lần thứ nhất bà tới đây. Nhìn lại những biến cố xẩy ra về sau cho Hội, thư có vẻ như là lời tiên tri:

- Từ khi tôi trở lại Âu châu năm 1885, đây là lần thứ ba tôi có thể gửi một phái đoàn từ Anh đến quí huynh đệ và những bạn đồng công dân Hoa Kỳ, để tham dự đại hội TTH thường niên, và nói lên lời chào mừng nồng hậu của tôi. Thân xác tôi đau ốm luôn, nên niềm an ủi duy nhất tôi còn có được là được nghe về tiến triển của công cuộc thiêng liêng mà tôi đã cống hiến sức khỏe và sức lực mình cho nó. Tuy nhiên, ngày nay vào lúc cả hai điều này suy yếu dần, tôi chỉ có thể cho ra lòng tận tụy thiết tha và lời chúc lành không hề suy yếu, cho sự thành công và phúc lợi của đại hội.

Do đó, tin từ Hoa Kỳ, thư này rồi thư khác, cho hay có thêm chi bộ mới và kế hoạch xem xét kỹ rồi kiên nhẫn thực hiện để quảng bá Theosophia, làm tôi hớn hở và vui sướng không lời nào tả được với bằng chứng tăng trưởng của hội ...

Xin cho tôi nhắc lại một lần nữa với các bạn rằng công việc như thế nay lại cần hơn bao giờ hết. Giai đoạn mà chúng ta đã tới, trong chu kỳ sẽ chấm dứt giữa 1897-1898, là và tiếp tục là một giai đoạn căng thẳng kéo dài và tranh chấp lớn lao. Nếu hội TS qua được khoảng này thì tốt; nếu không, tuy Theosophia không hề hấn chi, Hội sẽ tiêu tán - rất tệ hại và thế giới bị khổ sở ... Không nên mất cơ hội cho việc gây mầm mống bất hòa, lợi dụng cách xử sự sai lầm và giả dối; gieo hoài nghi, tăng khó khăn, tỏ ra ngờ vực tệ hại đến mức sự đoàn kết trong Hội có thể bị tan vỡ, và hàng ngũ hội viên bị rối loạn và thưa dần.

Chưa bao giờ việc hội viên hội Theosophia tâm niệm chuyện ngụ ngôn xưa về bó đũa lại cần thiết hơn hết như hiện nay: phân tán ra thì bó đũa sẽ bị gẫy vụn từng chiếc một không tránh khỏi; bằng đoàn kết lại thì không một lực nào trên đời có thể hủy hoại được nhóm Huynh Đệ của chúng ta.

Nay tôi đau lòng thấy là giữa các bạn, cũng như giữa các hội viên Âu châu và Ấn Độ, có khuynh hướng tranh cãi nhau chuyện không đáng, và để cho lòng tận tụy của bạn với công cuộc của Theosophia chia rẽ các bạn.

Hãy tin rằng ngoài khuynh hướng tự nhiên ấy do sự bất toàn sẵn có của bản tính con người, kẻ thù hằng theo dõi sẽ lợi dụng những đặc tính cao thượng nhất của bạn để phản bội và dẫn dụ bạn sai lầm ... Việc tự tỉnh thức chưa bao giờ cần thiết hơn khi ước muốn riêng lãnh đạo và lòng kiêu hãnh bị tổn thương, trá hình như lòng tận tụy và việc làm xả kỷ; nhưng trong cơn khủng hoảng hiện nay của Hội, việc thiếu lòng tự chủ và tỉnh thức có thể gây tử vong trong mỗi trường hợp ... Nếu mỗi hội viên trong Hội chịu là động lực vô tư để làm lành, không màng đến lời khen hay chê bao lâu họ phụng sự cho tình huynh đệ, tiến bộ có được sẽ làm thế giới kinh ngạc, và đưa con thuyền Theosophy khỏi cơn nguy.

Đời tôi không còn dài, và nếu ai trong các bạn học được gì từ những chỉ dạy của tôi, hoặc nhờ tôi giúp mà thoáng thấy được Chân Ánh Sáng, để đáp lại tôi xin bạn làm cho công cuộc được vững mạnh và nhờ sự đắc thắng ấy, Chân Ánh Sáng - được làm sáng hơn và vinh hiển hơn nhờ nỗ lực chung và  riêng của bạn -, sẽ làm sáng tỏ thế giới.

Cầu xin ân lành của các vị đại Huấn Sư xưa và nay đến với bạn. Xin hãy nhận tình hữu ái chân thật không thay đổi của tôi, và lòng biết ơn chân thành tự trong tâm  tôi đối với việc làm của tất cả các bạn.

Thư được đọc vào ngày đầu của đại hội, 26-4-1891 trong buổi họp chiều. Sau đó bà Besant đọc một thư khác của HPB:

Chư Huynh Đệ hội viên thân mến,

Tôi chủ ý không có lời nào về thân hữu lâu nhất và cộng tác viên của tôi, ông W. Q. Judge trong bài đọc chung của tôi gửi đến các bạn, vì tôi nghĩ rằng nỗ lực không mệt mỏi và tự hy sinh của ông cho việc xây dựng Theosophia tại Hoa Kỳ xứng đáng được đặc biệt nhắc tới.

Nếu không có ông W. Q. Judge, hẳn Theosophia không có được như ngày nay tại Hoa Kỳ. Ông là người có công chính trong việc xây dựng nên phong trào giữa các bạn, và ông là người đã chứng tỏ qua ngàn cách lòng trung thành trọn vẹn của mình đối với quyền lợi tốt đẹp nhất của Theosophia và Hội.

Trong một đại hội Theosophia không nên có chỗ cho lòng thán phục lẫn nhau, nhưng việc vinh danh  cần được nêu ra ở nơi nào xứng đáng nhận nó, và tôi hân hoan nhân cơ hội này xác nhận trước công chúng qua thân hữu và cộng tác viên của tôi là bà Annie Besant, lòng tri ân sâu xa đối với việc làm của vị Tổng Thư Ký của các bạn, và xin gửi đến ông trước mặt mọi người lời cảm tạ chân thành nhất và lòng biết ơn sâu sắc nhất của tôi, nhân danh Theosophia, cho công việc cao cả ông đã  và đang làm.

Thân ái,

H.P.Blavatsky.

Trong khi đó tại Anh ngày thứ bẩy 25-4, HPB bị cúm, khi ấy đang có dịch này lan tràn ở London. Trong hai tuần kế tiếp, nhiều lần bà nói với bác sĩ Mennell là mình sắp chết, nhưng bởi bà đã qua mặt tử thần nhiều phen, ông hay ai khác trong nhà không hề tin việc ấy. 'Thông điệp' cuối cùng của HPB cho Hội được nói với bà Cooper-Oakley hai đêm trước khi bà qua đời. Lúc ba giờ sáng, bà đột nhiên ngước lên và nói:

- Isabel, Isabel, xin giữ cho mối dây không bị đứt lìa, đừng để cho kiếp này (last) của tôi bị thất bại.

Bà dùng chữ 'last' nhưng có vẻ không ngụ ý đó là kiếp chót (final), vì như thế sẽ đi ngược với một trong những huấn thị căn bản của quyển The Voice of Silence, qua lời nguyện của đức Quan Thế Âm.

Ngày 7-5-1891, đêm trước khi HPB qua đời, bà bị đau đớn nhiều, Laura Cooper, em gái bà Cooper-Oakley viết:

- Vì càng lúc càng bị thở khó khăn, HPB không thể nghỉ ngơi trong bất cứ tư thế nào; bà thử hết mọi cách mà không được và cuối cùng, bà phải ngồi trong ghế có gối lót chung quanh. Bà ho gần như không ngừng, làm kiệt sức ... Khoảng bốn giờ sáng ngày 8-5 thấy có vẻ HPB đỡ hơn, mạch của bà cũng khá mạnh và từ lúc ấy đến 7 giờ sáng là lúc tôi rời bà, mọi chuyện đều yên và tốt lành. Khi đó chị tôi thế chỗ, để tôi đi nghỉ vài giờ và tôi có nhắn bác sĩ Mennell cho hay về tình trạng của HPB khi ông đến thăm bệnh. Ông làm thế sau chín giờ một chút, cho hay chuyện khả quan, thuốc kích thích cho tác dụng tốt và mạch mạnh hơn, ông không thấy có gì đáng phải lo ngại lúc này và khuyên tôi nghỉ ngơi vài tiếng, kêu chị tôi có thể lo công việc của chị.

Khoảng 11.30 ông Wright gọi tôi dậy, bảo tôi đến ngay lập tức vì HPB hóa nặng hơn và cô điều dưỡng cho là bà chỉ có thể sống được vài giờ.

Đột nhiên có thay đổi thêm, và khi tôi thử làm thấm ướt môi bà, tôi thấy cặp mắt thân yêu đã bắt đầu lịm dần, tuy bà vẫn giữ trọn tri thức tới chót. Lúc còn sống HPB có thói quen động đậy bàn chân khi bà suy nghĩ lung, và bà tiếp tục cử động ấy gần như tới lúc ngưng thở.

Khi không còn hy vọng nào, cô điều dưỡng rời phòng, để ông C.F.Wright, W.R.Old và tôi ở cạnh HPB yêu quí; hai người đàn ông quì ở trước, mỗi người cầm một bàn tay của bà, còn tôi ở một bên với cánh tay choàng qua người đỡ lấy đầu bà; chúng tôi bất động như thế trong nhiều phút, và HPB ra đi thật nhẹ nhàng tới nỗi chúng tôi gần như không nhận ra phút giây bà ngừng thở; một niềm an tĩnh lớn lao tràn ngập gian phòng ...

Trong tuần trước đó, nhiều chuyện lạ xẩy ra tại nhà hai người dì Nadya và Catherine của HPB ở Nga. Nadya kể lại cho em gái của HPB là Vera và sau đó, một bản được gửi cho ông Olcott. Năm 1893, bản này được ông cho đăng trong tờ The Theosophist, số tháng 4.

- Dì có điềm báo trước nhưng mới đầu không hiểu. Cháu biết chiếc nhẫn mà HPB gửi cho dì từ Ấn chứ ? Nhẫn to, trơn có ngọc mã não - agate; viên ngọc phẳng hình thuôn mầu hơi vàng nhạt, trong suốt và ở giữa có một nhánh rêu rất nhỏ nằm trong đó. Dì đeo nhẫn khoảng 12 năm nay, và mầu nhẫn không hề thay đổi - nó luôn luôn trong vắt như gương. Nhưng khoảng một tháng nay (ngày ghi trên thư là 16 tháng năm 1891) dì nhận thấy nhẫn sậm mầu dần, không còn sáng rực rỡ nữa. Cuối cùng nó đen như than làm cho không còn thấy được nhánh rêu. Dì không hiểu làm sao viên ngọc thạch anh như vầy lại có thể hóa đen đậm; dì rửa, kỳ cọ và lau chùi kỹ mà không có hiệu quả gì. Viên ngọc vẫn đen cho tới khi Helena chết, khi ấy ngọc dần dần trong trẻo và vài ngày sau có lại sự trong suốt tự nhiên của nó.

Ngày thứ hai của lễ Phục sinh, gia đình nghe ở ngay chính giữa bàn ăn một tiếng gõ lớn đến mức làm ai nấy giật mình. Lúc đó Helena còn sống, nhưng trọn mấy ngày tiếp theo gia đình nghe những tiếng động lạ, như  thủy tinh vỡ, bàn ghế gẫy, dộng mạnh, ngày và đêm. Khi dì nhận được thư của nữ bá tước Wachtmeister cho hay bệnh tình trở nặng, lúc ấy Helena không còn nữa nhưng gia đình chưa hay là Helena đã qua đời.

Dì đọc thư này trong phòng khách cho dì Catherine, nghe xong chị của dì bảo 'Tôi tin chắc là Helena sẽ lành bệnh'. Ngay lúc ấy có một tiếng ầm lớn, hai dì sợ hãi đứng bật dậy chạy ra xem có chuyện gì, vì tiếng động phát ra từ một góc phòng, làm như thể tường sập xuống thành mảnh vụn. Rồi hai dì nghĩ có lẽ bàn ăn với đủ hết ly tách và chén đĩa sứ trên đó bị vỡ tan. Nhưng không có gì xẩy ra hết; tất cả vẫn ở y chỗ không hề hấn gì. Sau khi dì nhận được thư và điện tín của cháu, không còn tiếng ồn nào hết.

 

CHƯƠNG XVIII

Nhận Xét về HPB

Bác sĩ Franz Hartmann thuật một trường hợp tương tự là có người chết xa nhà. Gia đình ông nghe nhiều tiếng động to đến nỗi làm hàng xóm thức dậy. Ông Hartmann nhận xét:

- Chuyện có thể do hình tư tưởng mãnh liệt của người sắp qua đời. Cơ thể là nơi chứa đựng một lượng lớn năng lực, chúng được bung ra vào lúc con người chết đi và có thể sinh ra tiếng động như thế. Paracelsus cho rằng thể tình cảm sinh ra chúng.

Nhưng người ta cũng nghe được âm thanh đẹp đẽ khi HPB chết, như thư của dì Nadya viết cho Vera:

- Mấy lần trong buổi tối và một lần ban ngày ... cây phong cầm gần bức hình lớn của Helena đột nhiên bắt đầu chơi một mình. Nắp đàn đóng và không có ai đụng tới nó. Rồi cũng vậy, chuông reo vang mà không có duyên cớ chi cả.

Hai ngày sau khi HPB qua đời và trước khi hai bà dì biết tin HPB đã chết, gia đình

- ... tụ họp trong phòng khách rộng như thường lệ vào buổi chiều, tiếng là đọc sách nhưng thật ra là nghĩ nhiều về cô cháu gái ở xa. Đột nhiên dì Catherine nhìn chăm chú vào một góc tối của phòng ở đằng xa (nơi có tiếng động lớn phát ra khi trước)  và thì thào, 'Chị thấy Helena ! Kìa, Helena đang ở đó !' Dì mô tả hình bóng mặc áo trắng có những bông hoa trắng lớn trên trán của Helena, y hệt như cảnh Helena được đặt nằm trong áo quan.  Đấy là lời chào vĩnh biệt của Helena với trần thế.

Thân xác của HPB được hỏa thiêu tại Woking, Anh ngày 10-5. Trong số người tham dự có ông William Stewart Ross, chủ bút tờ Agnostic Journal. Trong số báo ngày 16-5, ông mô tả tang lễ được tóm tắt như sau:

- Trời London trĩu nặng mầu xám, chúng tôi lái xe hôm ấy qua những cánh đồng xanh và bao nhiêu là cây ăn trái, đi tới nhà hỏa thiêu thân xác của Helena Petrovna Blavatsky. Chúng tôi không đưa lên giàn hỏa một chiến sĩ, mà chúng tôi đưa tới ngọn lửa một nhà tiên tri, một nhân sư hay một người báo mộng, khác với những gì mà ta hay thấy trong cảnh bình thường ở đời.

Tôi đến nhà hỏa thiêu ... xe tang đến, quan tài được mang vào nhà nguyện, đặt lên giá bằng gỗ sồi, và tất cả chúng tôi đứng dậy, quan tài được mở nắp. Ông G.R.S. Mead, thanh niên có gương mặt thanh nhã, bước tới trước đầu quan tài, đọc một bài diễn văn đáng chú ý. Cánh cửa từ lò thiêu sang nhà nguyện mở ra và bốn nhân viên đưa quan tài vào cửa này. Bốn hội viên, những người biết và yêu quí bà Blavatsky, và giống như tôi thấy người phụ nữ cao cả nhất mà cũng bị chê trách nhất trên đời, đi theo thân xác bà qua cánh cửa rộng dẫn tới lò thiêu.

Bất cứ ai biết suy xét khi gặp HPB có thể dễ dàng hiểu tại sao bà được yêu mến sâu đậm như vậy, và cũng không dễ gì đoán được tại sao bà bị công kích dữ dội như thế. Bà là người phơi bầy rõ cảm xúc của mình, và thật không may cho ai muốn được thăng tiến trong đời, bà không hề có mảy may lòng đạo đức giả. Bà không chấp nhận hành xử như ..., tựa như chim ưng không thể bắt đi chặng đường dài theo dấu chân lừa.

Bà không gọi ai đã bôi bác và xử sự sai lầm với bà bằng tên gì tệ hơn chữ 'vớ vẩn'. Với những kẻ công kích bà như ông bà Coulomb, ông Coues, bà nói tới họ với ý tương đương như ghi trong kinh thánh 'Xin Cha tha tội cho họ vì họ không biết mình làm gì', ngay cả khi những kẻ tấn công này làm hết sức mình để gây tổn thương cho cả thân xác và linh hồn bà với bao nhiêu thương tích đáng sợ, rồi chà xát muối và độc chất thêm vào đó. Rất ít người được như bà, có tình thương trào dâng lai láng.

Tại London, ông W.T. Stead, chủ bút tờ The Review of Reviews, viết trong số báo Feb-Jul 1891:

- Trong số nhiều vị thầy tâm linh mà tôi ngồi dưới chân học hỏi trong nghề làm báo, bà Blavaatsky là một người độc đáo nhất. Có những kẻ tưởng rằng  đã bác bỏ được Theosophy khi cười chê chuyện về tách trà được tạo ra ... Điều mà bà Blavatsky làm là chuyện vô cùng lớn lao hơn việc tạo ra tách trà. Bà làm cho người nam và người nữ có học nhất mà hoài nghi, tin tưởng nồng nhiệt đến độ không màng lời cười chê và coi thường việc bách hại – rằng chẳng những thế giới vô hình bao quanh chúng ta có thực thể thông minh vượt bực so với hiểu biết của ta về chân lý, mà người ta còn có thể tiếp xúc được với những vị lặng lẽ kín đáo ấy, được các ngài chỉ dạy điều thiêng liêng huyền bí về Thời gian và sự Vĩnh cửu ... Ấy là thành quả lớn lao, là điều mà ban đầu có thể bị cười chê rằng bất khả. Thế mà bà đã thực hiện được phép lạ đó.

Bà Blavatsky là người Nga ... đã khiến các nhân vật Anh-Ấn hàng đầu say mê tin vào sứ mạng truyền bá Theosophy của bà ... và trong những năm cuối đời bà thành công làm bà Annie Besant thuận theo mình, với bà Besant trong nhiều năm đứng đầu nhóm vô thần tranh đấu lớn tiếng. Một phụ nữ có thể đạt được hai điều này quả là người đích đáng ...

Bà Blavatsky, ở giữa một thế hệ có tính duy vật và máy móc, đã thành công trong việc khiến ai tò mò và kinh tế gia nhìn nhận rằng ít nhất có ý niệm nói là mọi điều vật chất chỉ là ảo ảnh thoảng qua, và chỉ riêng có tinh thần là đáng kể. Bà Blavatsky cũng củng cố và gần như tạo ra trong trí nhiều người cảm nhận rằng cuộc đời này chỉ là cuộc thử thách. Về mặt ấy chỉ dạy của bà hợp với tinh thần của Tân Ước nhiều hơn là với chỉ dạy giả dối gọi là Thiên Chúa giáo trong thời đại chúng ta.

Bà mở rộng chân trời của trí não, và mang lại cảm nhận vô biên về điều bí ẩn vô hạn của chiến tranh, bí ẩn không thể có giới hạn.

Trong một bài xã luận về sau Stead viết:

- Chuyện tái sinh có thể hay không có thể đúng thực. Dù đúng hay sai, tính đến cuối thập niên qua nó là điều gần như không thể nghĩ tới được cho người Âu châu trung bình. Nay chuyện không còn như thế nữa. Đông đảo người vẫn bác bỏ nó như là điều vô chứng cớ nay đã nhận biết giá trị của nó như là giả thuyết giải thích nhiều điều bí ẩn của đời người ... không còn gì phải bàn cãi là việc nhìn nhận tái sinh là điều khả hữu đã mở rộng tư tưởng chung ... Và điều ấy, thành quả lớn lao không phải thắc mắc, sẽ luôn được nối kết với tên của bà Blavatsky.

Bài xã luận sau đăng trên tờ New York Daily Tribune, ra ngày 10-5, 1891.

- Có ít phụ nữ trong thời chúng ta bị hiểu lầm dai dẳng, bôi xấu, và nhục mạ hơn bà Blavatsky, nhưng tuy sự vô minh và độc ác gây tệ hại cho bà, có nhiều dấu hiệu nói rằng công việc của đời bà sẽ minh chứng cho nó, rằng nó sẽ trường tồn, và sẽ tác động mãi mãi ...

Cuộc đời bà Blavatsky thật đáng nói, nhưng đây không phải là chỗ hay là lúc viết về thăng trầm của nó. Chỉ cần nói rằng trong gần hai mươi năm bà đã hiến mình cho việc quảng bá triết thuyết, các nguyên tắc căn bản của đạo đức cao quí nhất. Việc xóa bỏ trong thế kỷ mười chín hàng rào chủng tộc, dân tộc tính, giai cấp, và thành kiến về tầng lớp, và nuôi dưỡng tinh thần tình huynh đệ đại đồng mà  bậc Thầy cao cả nhất thúc giục trong thế kỷ thứ nhất, có vẻ không tưởng ra sao với một số đầu óc thì nét cao quí của mục đích ấy chỉ có thể bị lên án bởi ai bác bỏ Thiên Chúa giáo.

Bà Blavatsky nói rằng việc truyền tục của nhân loại phải dựa trên sự phát triển lòng nhân ái. Về điểm ấy bà cùng một ý với những tư tưởng gia vĩ đại nhất, không phải chỉ trong thời nay mà của muôn đời ... Điều này không mà thôi đủ làm cho giảng dạy của bà xứng đáng được xem xét nghiêm chỉnh và thẳng thắn bởi những ai tôn trọng những ảnh hưởng tạo nên tâm thức đúng đắn.

Về mặt khác ... bà đã làm công việc quan trọng. Có thể nói không ai trong thế hệ hiện giờ làm nhiều hơn bà về việc mở trở lại kho tàng tư tưởng, minh triết, và triết lý đông phương bị khóa kín từ lâu. Chắc chắn không ai đã làm nhiều cho bằng về việc soi sáng tôn giáo minh triết sâu xa mà đông phương luôn suy tư, và mang ra ánh sáng những tác phẩm văn học cổ xưa, có nội dung và chiều sâu làm thế giới tây phương vô cùng kinh ngạc, do được dạy dỗ với niềm tin thiếu sót là về mặt tư tưởng suy luận, phương đông chỉ sinh ra điều sơ đẳng, tệ hại.

Sự hiểu biết của bà về triết lý đông phương và huyền học thật bao trùm. Không đầu óc chân thật nào có thể nghi ngờ điều này sau khi đọc hai tác phẩm chính của bà. Thực thế, bước chân của bà thường khi dẫn đến nơi chỉ vài người thông thạo có thể bước tới, nhưng tính cách và khuynh hướng của tất cả những tác phẩm của bà đều tốt lành, thúc đẩy và kích thích. Bài học mà bà không ngừng nhấn mạnh chắc chắn là điều mà thế giới cần nhất, và luôn luôn cần, tức cần có việc chế ngự cái tôi và làm việc cho người khác. Không cần phải nghi ngờ là triết thuyết như vậy khó nuốt cho ai tôn thờ cái tôi, và có lẽ nó không có cơ hội được mọi người chấp thuận, chưa kể đến việc được áp dụng. Nhưng ai nam hay nữ chủ tâm từ bỏ mục tiêu và tham vọng cá nhân để phổ biến niềm tin như thế chắc chắn đáng được quí trọng, ngay cả khi cảm thấy mình có thật ít khả năng làm theo lời kêu gọi sống đời cao đẹp hơn.

Việc làm của bà Blavatsky đã mang lại thành quả, và có vẻ như định mạng sắp đặt cho nó sẽ còn sinh ra thành quả đáng kể hơn, đáng khen hơn trong tương lai. Từ lâu ai thận trọng quan sát đã nhận ra là tính cách của tư tưởng đương thời bị ảnh hưởng của nó về nhiều hướng. Tình nhân loại rộng hơn, suy nghĩ tự do hơn, thái độ chịu xem xét triết lý xưa theo quan điểm cao hơn. Như thế, bà Blavatsky đã cho ra dấu ấn của mình trong thời đại này. Và cũng như vậy, công việc của bà sẽ theo đuổi bà ... và ngày nào đó, nếu không phải lập tức, sự cao cả và thanh khiết của mục tiêu của bà, minh triết và nội dung các giảng dạy của bà, sẽ được nhìn nhận đầy đủ hơn, và ký ức về bà sẽ được cho danh dự mà nó xứng đáng được có.

Nhận Xét về HPB.

Họa sĩ Edmund Russel người Mỹ quen biết HPB tại London vào cuối thập niên 1880. Trên tạp chí Lucifer bà nhắc đến ông như là 'người bạn chung Edmund Russell rất được ưa chuộng'. Thi sĩ nổi tiếng Yeats nói về ông như sau:

- Hôm nọ tôi gặp (ở nhà bà Blavatsky) một người rất lạ lùng đáng nói ... ý kiến của ông đáng để ý lắm ... Ông là người lý thú nhất mà tôi gặp ở nhà bà mới đây.

Dưới đây là phác họa của ông Russel về HPB:

- Tôi có đọc nhiều bài viết về Helena Petrovna-Hahn Blavatsky, đa số bài làm tôi nghĩ người viết chúng hẳn chưa bao giờ thấy mặt bà. Họ viết mà không có mấy ý thức về cá tính của nhân vật, tựa như người thợ săn ở Phi châu đối với con mồi mà họ hạ sát, điên cuồng trong nỗ lực đánh bẫy con vật. Mọi chuyện bị ngăn chặn hết để cố công chứng minh rằng bà là người bịp bợm. Nó chỉ khẳng định mạnh mẽ rằng bà không phải như thế. Bà thực sự là đích lớn cho người ta bàn tán.

Tôi có cơ hội quan sát bà trong mọi cảnh ngộ vào những năm cuối của đời bà tại Lansdowne Road, Holland Park. Tôi không hề là cộng sự viên mà là người trong nhóm thân cận với bà. Là người ngoài, họa sĩ, người trẻ nhất trong nhóm ái mộ bà, tôi nghĩ tôi làm bà được vui, và bà nói chuyện rất thẳng thắn với tôi. Bà đã hoàn toàn sống xa rời xã hội, ai muốn thấy bà phải đến để gặp bà. Có người rụt lại ở thềm nhà và nói 'Tôi ngại đi vào'; 'Tôi run rẩy khi nghĩ đến việc gặp bà' chẳng mấy chốc ngồi dưới chân HPB.

Bà Ràng  Buộc Bằng Tình Thương Mà Không Phải Do Lòng Sợ Hãi.

Dòng khách khứa đến với bà là tụ họp đủ mọi sắc tộc, sĩ quan người Ý và Nga, giai cấp Brahmin người Ấn, Bengali, giáo sĩ Hy Lạp, người thần bí thuộc đủ các nước. Ai cũng cảm nhận sự thâm sâu và uy lực của bà. Mỗi ai cũng cảm biết sự thu hút của bản tính hòa đồng của bà. HPB nâng con người lên tới mức tốt đẹp nhất của họ ngay tức khắc. Điều ấy cho người ta lực mới khiến họ cảm thấy gặp được người có thể nhìn thẳng vào con người thật của họ, không bị chi phối bởi những vụn vặt mà người khác coi nặng. Lẽ tự nhiên, ai quá tin tưởng kinh sách, ai hiểu nghĩa đen kinh sách, sợ hãi việc diễn dịch các biểu tượng , không thấy thoải mái với hiểu biết hợp lý và sâu xa của bà; họ bỏ đi gọi bà là 'phụ nữ đáng ngại'. Đôi khi vợ những nhân vật này thú nhận, 'Chúng tôi không hoan nghênh, nhưng dù vậy vẫn yêu mến bà'.

Tôi còn nhớ kỹ em gái HPB là bà Zhelihowsky, thường đến thăm chị ở chơi lâu. Très grande dame, một phu nhân tóc xám phong cách quí phái và trang trọng, được biết tới nhiều trong tầng lớp cao nhất của xã hội Nga. HPB có thể có phong thái hết sức thanh lịch nếu bà muốn nhưng ít khi chịu bỏ công. Bà có sự giản dị của ai biết mình là hoàng tộc và chỉ làm theo ý mình.

Khi bà muốn lôi cuốn ai vào cuộc tranh luận, bà giả vờ như không biết Anh văn giỏi cho lắm, tuy nhiên mức hiểu biết và khả năng Anh ngữ tăng dần khi bà nhập cuộc tranh cãi. Nhìn ngắm bà tiến thoái với một ký giả tới để cho bà vào bẫy – ngắn gọn, đầy mưu tính, tra gặn – thật là thú vị. Những lúc như thế bà tạo nét mặt khờ khạo thật là hiệu quả, như thể chỉ khôn hơn một chút thì may ra bà được coi là người khờ khạo; dẫn dụ để cho anh dùng hết lý luận của mình, xong bà chiếm lại từng bước từng bước của mình, thả bom cho nổ, để cuối cùng hạ anh đo ván. Rồi bà cười vang và nắm lấy tay anh:

- Anh giỏi lắm, lại chơi thường nhé, cứ lại đây luôn !

Tôi đã thấy bà đang giữa cuộc tranh luận đột nhiên lấy nắm tay đập trán.

- Sao tôi ngu thế nhỉ ! Anh bạn à, xin thứ lỗi cho tôi, anh đúng rồi, và tôi sai.

Có mấy người làm được như thế ?

Có bài điểm sách nói rằng không có gì gọi là Minh Triết Thiêng Liêng đã từng hiện hữu, triết lý bí truyền là chuyện bà tự đặt ra. HPB trả lời:

- Nếu nghĩ vậy hẳn tôi sẽ ngả nón bái phục HPB. Tôi chỉ là người ghi chép mà họ gọi tôi là người tạo ra chuyện. Vậy là còn hơn cả điều tôi đòi hỏi !

Hoàn toàn dửng dưng với lời thị phi, bà không hề bận tâm đến chuyện bác bỏ. Có lần bà nói với tôi:

- Bùn rơi xuống người tôi lâu quá rồi nên tôi không màng ngay cả việc dương dù lên.

Samadhi hay tâm thức cõi trời là lý tưởng của bà. HPB là thanh sắt nung nóng đỏ trở thành lửa, mà quên đi chính bản chất của mình. Đa số người lo lắng về nhu cầu hay niềm vui của mình, còn bà dường như không có nhu cầu hay niềm vui của chính bà. Thường khi bà không ra khỏi nhà cả nửa năm. Luôn cả không đi dạo trong vườn. Gương như thế cho ảnh hưởng là sự bí mật của việc tăng trưởng và bành trướng lạ lùng của hội Theosophia. Bà sống theo chân lý vĩ đại, vậy mà bị gọi là kẻ gian dối; có lòng rộng rãi to tát thế nhưng bị xem là kẻ lường gạt; chán ghét mọi điều giả mạo, lại bị cho là nữ hoàng giả nhân giả nghĩa.

Bà biết rành về kinh thánh, tuy đối với bà nó chỉ là một trong các kinh điển, tất cả đều thiêng liêng đối với bà, vì qua Theosophia của bà hay Minh Triết Thiêng Liêng, HPB dạy chúng ta là không có nhiều tôn giáo mà chỉ có một, và tư tưởng ấy cuối cùng xem ra đang thắng thế. Bà là người học hỏi thâm sâu những tương đồng thấy chung (trong nhiều tôn giáo), vài diễn dịch của bà thật bất ngờ. Lời cuối của đức Chúa,

- 'Eli ! Eli ! Lama Sabachthani – Hỡi Thượng đế, sao ngài bỏ rơi con ?'

 đối với nhiều người nói lên sự đau khổ, và được xem như là lời bác bỏ sứ mạng của ngài, nhưng HPB biến câu nói thành niềm hân hoan:

- 'Hỡi Thượng đế,, Hỡi Thượng đế, Ngài đã làm con vinh hiển biết bao !'

Bà là nhân vật vĩ đại cuối cùng. Chỉ có đền thờ hang động của Ấn Độ mới có thể mô tả được về bà.  Bà là đền thờ Elephanta hay Ajunta nóc có phù diêu đã phai nhạt về vinh quang rực rỡ.

Tôi biết nhiều người cao cả gần như thần thánh – Salvini, Gladstone, Robert Browning, William Morris, Rodin, Sarah Bernhardt – mà không ai có uy lực quét khắp càn khôn như bà, tuy tất cả nhân vật này đều có nét duyên dáng trẻ thơ khi không phải bận rộn chuyện hằng ngày. Vĩ nhân luôn luôn vẫn là trẻ thơ, và thỉnh thoảng để cho mình thoát khỏi sự ràng buộc.

Chắc chắn bà là nhân vật vĩ đại nhất tôi đã gặp. Ngay kẻ thù của bà – và bà có nhiều – cũng nhìn nhận điều này. Ai chỉ sống theo thói đời không sao hiểu được việc bà không mầu mè. Bà không ngừng thay đổi từ trẻ thơ cười hớn hở sang tuổi già đạo mạo. Như thế không được. Họ không hề để rơi mặt nạ của mình.

Trông bà như một người đàn ông, đàn bà, con sư tử, diều hâu, con rùa, cóc, vũ trụ – là đủ hết mọi điều. Nhìn bề ngoài bà gợi ý những hình dạng lạ lùng như họa sĩ Blake vẽ, có y phục, tóc, cử chỉ làm như là một phần của đá và cây bao quanh chúng ... và chuyện trò với thần thánh. Gương mặt Cossack của bà khi an tĩnh đôi lúc cho thấy nét buồn rầu của việc là nhân vật vĩ đại phải sống dưới trần, nhưng thường thường nó phản chiếu niềm vui. Không có gì làm bà thấy cay đắng. Bà không bị bi thảm theo nghĩa kịch Hy Lạp.

Tại Hoa Kỳ, có lần tôi đi thuyết trình và sau đó được mời dự tiệc. Bàn tiện rất là dài, có nhiều giáo sĩ thuộc đủ chi phái. Cuộc chuyện trò chán hết sức. Cách duy nhất làm cho một buổi tiệc lớn được thành công là làm cho việc trò chuyện bắn qua lại bàn tiệc. Tôi để cho buổi tiệc trôi qua đến nửa chừng, và vào lúc lắng xuống:

- Bà Livermore ! Bà có gặp bà Blavatsky lần nào chưa ?

Kết quả thực là kỳ diệu. Ai nấy choàng tỉnh. Từ lúc đó ai cũng sáng chói hoặc công kích hoặc biện hộ, và tôi ngạc nhiên thấy các nhà lãnh đạo tôn giáo đã nghiên cứu tư tưởng của bà sâu xa như thế nào. Tuy nói chung không chấp nhận triết thuyết của bà, ánh sáng của bà đã soi tới bàn thờ thiêng liêng của họ và tư tưởng về Thiên Chúa giáo của bà đã nói trúng suy nghĩ của họ.

Thỉnh thoảng tôi nghe có người bảo 'không thích' bà hoặc ganh tị với bà. Nói vậy cũng giống như không thích Khải Hoàn Môn – Arc de Triomphe hoặc ghen tị với con Nhân Sư – Sphinx. Bà dễ yêu và tinh thần sáng rỡ như thi sĩ William Blake khi là ông cụ thật già lão sau bao thiếu thốn và không được quí chuộng, nói với bé gái nhỏ:

- Cháu à, ông chỉ có thể mong là đời cháu rồi sẽ được tươi vui và đẹp đẽ như ông.

Một Thế Kỷ Sau.

Vào lúc Helena Blavatsky qua đời, cộng sự viên của bà là ông William Q. Judge nhớ lại:

Tại London, có lần tôi hỏi bà cơ may để thu hút được người vào hội Theosophia là bao nhiêu, khi so con số hội viên với hằng triệu người ở Âu châu và Hoa Kỳ, những ai chưa biết hoặc quan tâm đến hội. Dựa người ra sau trên ghế đang ngồi trước bàn viết của bà, HPB đáp:

- Khi ông nghĩ đến và nhớ lại những ngày hồi năm 1875 và sau đó, lúc ông không tìm được ai chịu để ý tới tư tưởng của ông, và nay nhìn vào ảnh hưởng lan rộng của tư tưởng minh triết thiêng liêng – dù gọi là gì đi nữa – thì không tệ cho lắm. Chúng ta làm việc không phải chỉ để người ta có thể gọi mình là người thông thiên học, nhưng là để cho triết thuyết mà ta yêu quí có thể ảnh hưởng và khơi động trọn tâm trí của thế kỷ này.

Trong những phần trước của sách vài ảnh hưởng này đã được thảo luận. Trong những phần sau ta sẽ xem xét khoảng thời gian một trăm năm sau khi HPB qua đời, tìm chứng cớ của điều tương tự trong các lãnh vực khoa học, tôn giáo, nghệ thuật, tâm lý và những mặt khác mà con người quan tâm. Những chương này cũng gồm bằng chứng là HPB như trong bộ The Secret Doctrine đã tiên đoán các khám phá tương lai mà khoa học sẽ có. Tuy nhiên bà không tuyên bố mình là người đầu tiên đưa ra lời tiên tri, vì bà xem mình chỉ là người truyền lại minh triết, đã được người xưa biết tới, học được từ các vị thầy của bà. Bà cũng không tuyên bố là mình luôn luôn đúng trong việc truyền lại – cả bà và các vị thầy của bà không hề cho rằng mình không có sai lầm.

Tự nhiên là người ta có thể giả dụ ảnh hưởng của HPB trong thế kỷ 20 cho ra kết quả lớn nhất trong hội viên thuộc các hội Theosophia khác nhau trong một trăm năm qua. Tuy nhiên đó là đề tài khác không nằm trong phần này. Nhiều việc đáng nói xẩy ra trong giai đoạn này về tôn giáo và khoa học, và có vẻ như chúng liên kết với ảnh hưởng của HPB và những vị thầy của bà.

 

Hội Nghị Thế Giới của các Tôn Giáo.

Một diễn biến chưa hề có trước đây xẩy ra vào tháng chín 1893, như là một phần của hội chợ Columbia tại Chicago, nhân dịp chào mừng bốn trăm năm Mỹ châu được Christopher Columbus tìm ra. Đó là Hội nghị Thế giới của các tôn giáo. Ông Rick Fields tác giả người Mỹ, là Phật tử, mô tả.

- Để chứa trọn hội chợ, người ta cho xây nguyên một thành phố dọc theo bờ hồ Michigan. Biệt thự chói lọi của 'thành phố trắng' làm gợi nhớ lại những đế quốc vĩ đại của quá khứ, Hy Lạp, La Mã, Ai Cập, Ý thời Phục Sinh ... Con số hồi đáp cho hơn mười ngàn thư mà ban tổ chức gửi đi khắp thế giới (mời tham dự) làm ngay cả ai lạc quan nhất cũng phải choáng ngợp.

Trong lễ khai mạc, chủ tịch hội nghị là tiến sĩ John Henry Barrows nhận xét:

- Tôn giáo, giống như ánh sáng trắng của cõi Trời, đã phân tán thành nhiều mảnh mầu sắc qua lăng kính của người. Một trong những mục tiêu của Hội Nghị của các Tôn Giáo là biến đổi vẻ rực rỡ nhiều mầu trở lại thành ánh sáng trắng của chân lý cõi trời.

Có nhiều chi phái Thiên Chúa giáo từ trước tới nay chưa hề tụ họp chung với nhau, và những tôn giáo lớn của đông phương trước đây chưa bao giờ được mời sang tây phương. HPB, người đã làm việc thật khó nhọc để thực hiện sự hòa giải ấy, hẳn sẽ hân hoan được có mặt.

Chuyện không ngạc nhiên là vài chi phái Thiên Chúa giáo từ chối không tham dự. Vị giáo trưởng Anh giáo tại Anh, tổng giám mục Canterbury, viết:

- Thiên Chúa giáo là tôn giáo duy nhất.

và thêm rằng ông không thấy 'làm sao Anh giáo có thể được xem như là một thành viên của Hội Nghị Thế Giới của các Tôn Giáo mà không phải ngang hàng với những thành viên khác và bình đẳng với họ về vị trí và các lời tuyên bố của họ.

Ngồi trên bàn chủ tọa trong lễ khai mạc để chào mừng buổi họp là các nhà lãnh đạo Tin Lành, một hồng y Công giáo ở New York, giáo sĩ Do Thái giáo, và các giáo sĩ, học giả đông phương. Giáo sư Carl Jackson trong quyển Oriental Religions and American Thought, ghi nhận.

- Một số đại diện Á châu là người TTH, kể luôn cả Kinza Hirai và Dhamapala, hai diễn giả chính về Phật giáo ở hội nghị. Bài nói chuyện của ông Hirai có tựa đề ' Synthetic Religion' trong đó ông đưa ra hình ảnh tất cả các tôn giáo hòa hợp với nhau, gợi ý rõ ràng ảnh hưởng của Theosophia. Dharmapala ... lại có liên hệ chặt chẽ hơn với Theosophia, ông từng là phụ tá và thư ký riêng cho ông Olcott trong công việc tại Sri Lanka.

Cũng nên nhắc lại là ban đầu, Dharmapala được HPB chỉ dạy và bà là người đề nghị ông thành học giả Phật giáo nam Phạn và nhà truyền giáo. Ông Jackson viết tiếp:

- Đại biểu gây nhiều tranh cãi nhất tại hội nghị là ông Alexander Russell Webb – hay 'Mohammed' Webb như bây giờ ông muốn được gọi – cũng là người TTH ... Ông Olcott, người đã phỏng vấn ông Webb năm 1892 một thời gian ngắn sau khi ông từ chức lãnh sự Hoa Kỳ tại Manila, tuyên bố rằng ông Webb là 'người biện hộ cật lực cho Phật giáo' cho tới 'vài tháng trước khi ông theo Hồi giáo'. Được hỏi về việc đổi đạo, ông Webb cho ông Olcott hay là 'tuy nay thành người Hồi giáo ông vẫn không ngừng là người TTH nồng nhiệt', rằng 'Hồi giáo, theo ông hiểu nó' là 'rõ ràng hòa hợp' với Theosophia.  Việc ông Webb chống đỡ không e dè cho Hồi giáo tại hội nghị gây ra tiếng vang lớn. Chót hết có giáo sư G.N. Chakravarti (cũng là người TTH) hợp với Vivekananda trong việc trình bầy Ấn giáo tại hội nghị ...

Dharmapala và Chakravarti cũng là đại biểu cho hội Theosophia. Các đại biểu khác cho hội là ông W.Q.Judge và J.D.Buck của Hoa Kỳ, và bà Annie Besant, Isabel Cooper-Oakley từ Anh quốc.

Có một lúc làm như hội Theosophia bị từ chối không cho có đại diện. Mới đầu hội được giao cho tiểu ban Tâm Linh để xếp chỗ, nhưng ông Eliott Coues là chủ tịch và đương nhiên là sẽ có quyết định bất lợi. Rồi hội được chuyển cho tiểu bạn về Đạo đức và Cải tổ Xã hội do em của ông Coues cầm đầu ! Sáu tháng trôi qua mà không có tin tức chi.

Rồi đến tháng 4-1893, ông George Wright, đại diện cho hội tại Chicago, được gọi đến văn phòng chủ tịch của hội nghị. Ông Wright kể:

- Họ làm tôi sững sờ khi cho hay là tiểu ban Tôn giáo đồng thanh chấp thuận cho hội Theosophia có một cuộc họp riêng của nó trong thời gian có hội nghị tôn giáo, và tôi được chỉ định làm chủ tịch tiểu ban tổ chức.

Ông William Q. Judge, phó hội trưởng hội chánh và là trưởng ban tổ chức buổi họp của hội, cũng được chỉ định làm chủ tịch buổi họp. Hội được cho họp hai ngày 15 và 16-9. Có quá nhiều người đến dự nên ban tổ chức hội nghị cho hội hai buổi họp cuối tuần chưa có chương trình trước khi có hội nghị diễn ra, và vào giờ hàng đầu là tám giờ tối. Tuy phòng họp có chỗ ngồi cho 4.000 người, vẫn còn hàng trăm người đứng ở hành lang và dựa tường. Hai bài nói chuyện của bà Annie Besant trình bầy karma và luật tái sinh so với các vấn đề xã hội, và một số diễn giả khác của TTH cũng đề cập tới các ý tưởng này.

Ông Judge có bài nói chuyện dài trước khi hội nghị chính diễn ra, về 'chỉ dạy bị thất lạc của Thiên Chúa giáo', là cách ông hay gọi sự luân hồi. Qua tối hôm sau, cũng trước khi có hội nghị chính, ông thảo luận việc tái sinh theo quan điểm của luật chu kỳ nói chung. Tuy nhiên bài nói chuyện của ông bị một mục sư Tin Lành đột ngột làm gián đoạn. Mục sư giải thích là vì không có ai tại buổi họp của Tin Lành, người ta tin là nhiều tín hữu đã nhầm lẫn tới phòng họp này do có sai lạc trong việc thông báo, vì vậy xin họ vui lòng rời ngay. Nhưng không ai nhúc nhích trong cử tọa đông kín người ! Tới kết thúc của phiên họp lịch sử, tiến sĩ Barrow tuyên bố:

- Hội nghị đã cho thấy rằng Thiên Chúa giáo vẫn là tác nhân thúc đẩy nhanh nhất cho nhân loại ... rằng không có bậc thầy nào so sánh được với đức Chúa, và không có đấng Cứu Thế nào ngoài đức Chúa ... Tôi tự hỏi có người đông phương nào hiện diện tại đây hiểu lầm việc họ được tiếp đón nhã nhặn như là dân chúng Hoa Kỳ sẵn sàng theo tôn giáo đông phương thay vì tôn giáo của mình.

CHƯƠNG XIX

Bộ The Secret Doctrine và Khoa Học

Dầu vậy sử gia Carl Jackson khám phá là cảm tưởng nhiều nhân chứng khác có ý nghĩa khác hẳn:

– Quan sát viên tại các buổi họp liên tục thấy những bài thuyết trình Á châu tạo nên ấn tượng tích cực.  Cô Florence Winslow xác nhận rằng hội nghị đã trở nên một 'sự kiện mà các nguyên tắc và bài học không bao giờ còn có thể bị xóa nhòa khỏi tâm thức người Thiên Chúa giáo Hoa Kỳ'. Cô cho phần lớn tác động là do cá tính mạnh mẽ của những vị đại diện Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo và Thần đạo tại hội nghị. 'Sự nghiêm trọng, hăng hái, thành tâm và đặc tính tinh thần' của họ làm chặn đứng mọi tư tưởng rằng tôn giáo Đông phương sẽ 'chìm trong sương khói' trước sự đắc thắng của Thiên Chúa giáo. Cô ca ngợi Dharmapala là 'người dịu hiền nhất trong các ông, gần như là tín đồ Thiên Chúa giáo trong sự thành kính của ông đối với đức Chúa' và khen Vivekananda như là 'một trong những người có trí thức rộng rãi và đầy đủ nhất' tại đó cũng như là 'một nhà hùng biện xuất sắc'.

Lucy Monroe, người cho bình luận tại chỗ trên tờ The Critic về các buổi họp, cũng được Dhamarpala và Vivekananda gây ảnh hưởng mạnh mẽ, gọi hai người là 'những nhân vật đáng chú ý nhất của hội nghị'. Cô gợi ý rằng có lẽ 'kết quả cụ thể nhất' của hội nghị là 'cảm tưởng nó gợi nên về những nhà truyền giáo ở ngoại quốc'.Chưa bao giờ sự khinh thường của việc gửi các sinh viên thần học được giáo dục nửa vời, đi giảng đạo cho người đông phương khôn ngoan và thông thái, được trình bầy một cách mạnh mẽ như vầy cho cử tọa nói tiếng Anh'.

Điều này có vẻ như chuyện viễn vông so với quan niệm thắng thế ở tây phương mười tám năm về trước, khi HPB bắt đầu việc làm của bà trong công chúng nhằm đảo ngược ý tưởng rằng người Á châu là bán khai dốt nát, và tôn giáo của họ là mớ hỗn độn các niềm tin mê tín dị đoan. Nhưng nỗ lực của bà không phải là điều đầu tiên có trong đường hướng ấy. Các triết gia Hoa Kỳ như Emerson, Thoreau và Whitman tự do nói về lòng khâm phục của họ đối với đông phương. Trong số những người khác có Sir Edward Arnold, nổi tiếng với tác phẩm The Light of Asia về cuộc đời đức Phật, và bản dịch quyển The Bhagavad–Gita lấy tên The Song Celestial; đây là bản dịch Anh văn được thánh Gandhi ưa thích của tác phẩm cổ điển Ấn. Năm 1888, nữ hoàng Victoria vinh danh việc làm của ông Arnold bằng cách phong tước Hiệp Sĩ cho ông. Khi thi hào Tennyson qua đời năm 1892, ông Arnold được nữ hoàng chọn làm thi bá của Anh.

Sir Edwin trong một lần phỏng vấn khi được hỏi là có gặp HPB lần nào chăng, ông đáp:

– Tôi biết bà Blavatsky rất rõ và có quen biết hai ông Olcott và A.P. Sinnett, và tôi tin không chút nghi ngờ rằng phong trào TTH có ảnh hưởng tuyệt vời đối với nhân loại. Nó làm cho số đông người hiểu điều mà Ấn Độ luôn luôn hiểu, và đó là điều quan trọng của chuyện vô hình.

Vũ trụ thật sự là cái mà bạn không thấy, và dân quê tầm thường nhất của Ấn biết điều ấy do thừa hưởng lại. Người TTH gây ấn tượng lên thế hệ hiện giờ về điều cần thiết phải chấp nhận sự hiện hữu của điều vô hình.Cảm quan chúng ta rất là hạn chế, và ai cũng nên biết rằng đằng sau cảm quan còn có sân trường phát triển vô hạn.

Trong sách A Year Under the Shadow of St. Paul's, mục sư E.C.Paget thuật về một buổi tối với Sir Edwin Arnold, ông viết:

– Khi nhắc đến tên bà Blavatsky, Sir Edwin kể lại việc ông quen biết bà và thành quả trí tuệ lạ lùng của bà. Để mô tả, ông kể có lần ông tự nhiên hỏi bà về ngày tháng của một học giả Phạn ngữ nổi tiếng, và bà lập tức nói ngay hết sức lẹ làng với sự chính xác tuyệt hảo.

Đổi lại, lòng khâm phục của HPB đối với ông Arnold cũng hiển hiện, vì trong chúc thư của mình bà yêu cầu là thân hữu tựu lại mỗi năm vào ngày bà qua đời và đọc một đoạn trong quyển The Light of Asia  The Bhagavad Gita, hai sách mà ông dịch. Hiện nay, ngày này được hội viên khắp nơi tổ chức tưởng niệm và gọi là lễ Hoa Sen Trắng, tên do ông Olcott đặt ra vì tại Adyar, Ấn Độ, vào ngày giỗ đầu của HPB hoa sen nở rộ khác thường.

 

Bộ The Secret Doctrine (SD Triết Lý Bí Truyền) và Khoa Học.

Vào năm 1988, để kỷ niệm 100 năm ngày xuất bản bộ SD, có nhiều cuộc hội thảo về tác phẩm này được tổ chức ở Hoa Kỳ, Âu Châu và Ấn Độ. Trong một buổi như thế tại thành phố Culver, California có nhận xét đưa ra:

– Nhà phê bình sách năm 1888 khi nhận được bộ SD sẽ khó mà cho rằng nó có thể được tái bản nhiều lần. Đó là bộ sách dầy 1.500 trang, có nhiều từ ngữ triết lý và tôn giáo viễn đông đối ngược với khoa học thế kỷ 19 và những lý thuyết khoa học nay đã bị loại bỏ. Nhưng vì lẽ nào đó, bộ SD vẫn tiếp tục được xuất bản 100 năm sau, và vẫn tiếp tục được nghiên cứu ...

Điều gì trong bộ SD khiến nó trường tồn và tiếp tục ảnh hưởng tư tưởng ngày nay, khi những tác phẩm khác đồng thời đã bị quên lãng từ lâu ? Có lẽ ấy là vì sách thực ra là tác phẩm cho thế kỷ 20, được viết 100 năm trước thời điểm của nó ... Nếu tác giả bộ SD không thể tiên đoán những khám phá trong tương lai, hẳn sách đã hóa lỗi thời mau lẹ so với khoa học mỗi ngày một tiến. Thật vậy, HPB đã tiên đoán rằng 'Chỉ vào thế kỷ 20 mà một phần, nếu không phải trọn bộ tác phẩm này, mới được chứng thực' (2:442).

Có ít tiên đoán được ghi trong bộ SD, các tiên đoán sau đáng chú ý vì thời điểm rõ ràng được nêu ra về sự thể hiện của chúng (cuốn 1, 611).

– Mức độ chính xác, sự sâu rộng và độ dài của các bí ẩn trong Thiên nhiên chỉ có thể được tìm thấy trong khoa học bí truyền đông phương. Chúng thật là thâm diệu và rộng lớn tới mức chỉ có ít Vị, rất ít các Vị cao cả nhất mà chỉ có một số rất nhỏ đạo sư biết đến sự hiện hữu của các Ngài, là có thể có được hiểu biết.Nhưng chúng có đó hết cả, và từng điều một, các dữ kiện và tiến trình của hoạt động trong Thiên nhiên sẽ được cho phép đi vào các khoa học chính xác, và một số ít nhân vật sẽ có được trợ giúp một cách lạ lùng để giải mã các bí mật của nó.(Thí dụ ảnh hưởng cung bẩy đang bắt đầu trên thế giới nên hai ông bà Curie và ông Millikan là các khoa học gia thuộc cung bẩy nhờ vậy mà có những khám phá về phóng xạ).

Nhiều khám phá lớn thường được xẩy ra vào cuối những chu kỳ lớn, có liên kết với sự phát triển của các giống dân. Chúng ta đang ở cuối chu kỳ hiện tại 5.000 năm tên Kaliyuga của giống dân Aryan, và giữa năm nay (1888) và năm 1897, tấm màn che của Thiên nhiên sẽ có một xé toạc lớn và khoa học duy vật sẽ nhận được đòn chí tử.

Tiên đoán này có hai phần.Phần đầu đặt ra câu hỏi là có khám phá nào đáng nói đã xẩy ra cho khoa học trong giai đoạn chín năm nêu trên không. Tác giả David Deitz trong sách The New Outline of Science của ông cho ra cái nhìn tổng quát giúp ích cho ta như sau:

– Lịch sử của nền văn minh có ít điều nào đối chọi hơn sự dị biệt về quan điểm của các vật lý gia thế kỷ 19 so với hậu duệ của họ trong thế kỷ 20. Khi tới cuối thế kỷ 19, vật lý gia thấy là đã làm xong phần việc của họ. Một khoa học gia tiếng tăm thời ấy, khi có bài diễn văn năm 1893, nói rằng có lẽ đã có hết tất cả những khám phá lớn trong ngành vật lý ... và theo ông, vật lý gia của tương lai không có gì phải làm ngoài việc lập lại và thực hiện tinh xảo hơn các thí nghiệm đã có trong quá khứ, xác định trọng lượng nguyên tử nào đó hay một hằng số của thiên nhiên tới một hay hai số lẻ thêm vào. (Chủ tịch khoa vật lý tại đại học Harvard không khuyến khích việc học lên cao sau cấp cử nhân, vì không còn mấy đề tài quan trọng chưa có giải đáp).

Và rồi hai năm sau đó vào ngày 28-12, 1895, ông Wihlhelm Conrad Roentgen trình cho hội Y khoa Vật lý tại Wurzburg, Đức, bản tường trình đầu tiên của ông viết về việc tình cờ khám phá ra tia X. Ngày đầu năm 1-1,1896, ông gửi bản sao bài này cho các khoa học gia bạn tại Berlin và những nơi khác, kèm theo hình chụp đầu tiên của tia X ông đã chụp ... mà tấm lạ lùng nhất cho thấy rõ những xương của bàn tay người. Đây chính là điều mà khoa học gia năm 1893 nói rằng không thể xẩy ra: là có việc tìm ra một khám phá mới.

Ông Roentgen đã tìm ra một tia bí ẩn dễ dàng đi xuyên qua chất đặc như tia nắng mặt trời chiếu qua kính cửa sổ. Không có gì trong vật lý thế kỷ 19 giải thích được hiện tượng kinh ngạc này ... Chẳng riêng gì khoa học gia mà luôn cả dân chúng khắp nơi cũng lấy làm hào hứng với tin ấy, và chỉ ngày trước ngày sau ông Roentgen hóa ra nổi tiếng khắp thế giới (ông được giải Nobel vật lý năm 1901).

Khám phá lớn kế đó trong ngành vật lý nguyên tử là tính phóng xạ, có vào năm 1896 do ông Antoine Henri Becquerel tìm ra ở Paris, vài tuần sau khi có tuyên bố của ông Roentgen. Cha ông Becquerel cũng là một vật lý gia, đã nghiên cứu về tính phát huỳnh quang, là sự kiện nhiều chất sau khi được cho hứng nắng mặt trời đã phát sáng trong chỗ tối.

Ông Becquerel nhớ lại công trình của cha mình, và tự hỏi có gì tương tự giữa tính phát huỳnh quang và tia X. Vì vậy, ông lấy giấy đen bao lại một tấm phim chụp hình, và đặt trên đó một tinh thể muối uranium mà cha ông đã dùng. Ông để chúng ra nắng và khi rửa phim,  thấy nó bị mờ hay hóa đen, chứng tỏ là quả thật có một tia nào đó đi xuyên qua giấy đen. Ông đặt giả dụ là tia nắng mặt trời đã làm cho uranium phát ra tia X.

Khi chuẩn bị để thí nghiệm thêm, ông Becquerel tình cờ khám phá không phải tia X ông muốn tìm, mà là tính phóng xạ. Nhà vật lý tiếng tăm Robert Millikan nhận xét:

– Tính phóng xạ là cách mạng cho tư tưởng con người, vì nó có nghĩa là vài, ngay cả 'nguyên tử vĩnh cửu' như uranium và thorium, không được vững bền và tự nhiên phóng ra những mảnh năng lực lớn của chúng, do đó biến mình thành nguyên tử khác ... Trong tất cả những khám phá mới đây là điều lạ lùng nhất đối với tư tưởng con người, và khuấy động nhiều nhất óc tưởng tượng của ta, vì nó hủy diệt ý tưởng về tính bất biến của các nguyên tố, và cho thấy mơ ước của nhà luyện kim (biến kim loại thấp thành vàng) không chừng sẽ thành chuyện thật.

Việc 'vén màn bí ẩn' kế đó nằm trong khoảng thời gian mà bộ SD xác định là điều quan trọng hơn hết thẩy, tức khám phá ra âm điện tử năm 1897 của Tiến sĩ J.J.Thomson. Năm 1936, tiến sĩ Karl Compton, cựu chủ tịch viện Massachusetts Institute of Technology (MIT) trong bài diễn văn khi thôi chức chủ tịch America Association for the Advancement of Science, có nhận xét:

– Lịch sử khoa học có nhiều thí dụ trong đó một ý niệm hay khám phá mới dẫn tới tiến bộ lớn lao trong những ngành mới mẻ rộng lớn ... mà trước đó người ta không ngờ là có sự hiện hữu của chúng ... Nhưng tôi thấy rằng không có thí dụ nào kỳ lạ cho bằng việc khám phá ra âm điện tử, vật nhỏ nhất trong vũ trụ, mà chỉ trong một thế hệ đã biến đổi khoa vật lý trì trệ dậm chân tại chỗ, khoa hóa học và thiên văn học không có phát triển chi, thành các khoa học sinh động nẩy nở, tràn đầy những tìm tòi của tri thức, diễn giải liên kết nhau và có giá trị thực tiễn.

Khám phá của ông Thomson là cực đỉnh của một loạt thí nghiệm do Sir William Crookes khởi sự, Ông là người tìm hiểu về việc phát điện trong khoảng chân không trong ống Crookes do chính ông sáng chế ra. Ống này là tiền thân của ống trong máy truyền hình và đèn huỳnh quang ta dùng hiện giờ. Thí nghiệm của ông Crookes hàm ý là có trạng thái thứ tư của vật chất mà ông gọi là chất phát xạ, và hai mươi năm sau hóa ra đó là âm điện tử ! Chuyện thú vị là trong bộ SD (cuốn 1:621), H.P.B. tiên đoán là 'Khám phá chất phát xạ của ông Crookes sẽ cho kết quả là làm soi sáng hơn về nguồn gốc của ánh sáng, và làm cách mạng tất cả những suy đoán hiện giờ.'

Nhà vật lý học Millikan cho rằng việc khám phá ra âm điện tử là 'điều hữu dụng nhất cho nhân loại, với vô số ứng dụng của nó vào radio, viễn thông thuộc đủ mọi loại, cho đến phim ảnh và hằng chục kỹ nghệ khác'. Các khám phá khoa học được đẩy mạnh nhiều hơn do việc dùng các dụng cụ điện tử.  Chính bộ SD đã được dùng cho nhiều mục tiêu thực tiễn.  Ông Hubert S. Turner, người phát minh ra dây cáp điện thoại coaxial, là dây được đặt trong khắp Hoa Kỳ vào cuối thập niên 1940, đã dùng kèm với việc làm của mình vài đoạn chính yếu trong bộ SD (1:128-32), nói về Vòng Bất Quá (Ring Pass-Not - sự phân chia thế giới hình thể và không hình thể), và áp dụng ý nghĩa huyền bí sâu xa của nó vào thế giới của lực vật lý.

Phần hai về tiên đoán trong bộ SD rằng ' tấm màn che của Thiên nhiên sẽ có một xé toạc lớn và khoa học duy vật sẽ nhận được đòn chí tử',  trong quyển  Time, Matter and Value sau khi nhắc lại những khám phá mới trong vật lý, Millikan kết luận rằng ' Kết quả là thuyết duy vật tín điều trong vật lý đã chết'. Nhân vật khác là Raymon F. Yates trong quyển These Amazing Electrons cũng xác nhận, 'Trường phái cũ đã thối lui hoàn toàn.Vật lý học hóa ra hết sức lạc lõng. Trong một lúc nó bị choáng váng bởi những câu hỏi  nặng nề ồ ạt tràn đến. Viên gạch rắn chắc chót đã rơi khỏi thành trì của thuyết duy vật, và hệ thống gọn ghẽ về việc phân loại, đặt để cho mỗi vật một chỗ riêng biệt mà nó cần cù sắp xếp đã vỡ tan tành'.

Theo ông David Deitz, tới cuối thế kỷ 19 có vẻ như 'một cuộc cách mạng lớn đã xẩy ra trong ngành vật lý học'. Ông nói tiếp:

– Bốn khám phá đáng kể là tia X, tính phóng xạ, chất radium và âm điện tử, làm khoa học gia tin rằng công việc của chỉ mới bắt đầu mà không phải chấm dứt. Đã tới lúc đi sâu vào bên trong âm điện tử. Tuy nhiên khó có thể tin là hồi đầu thế kỷ 20 người ta thấy trước được những tiến bộ lớn sẽ có trong lý thuyết hay ứng dụng tuyệt vời sinh ra từ hiểu biết mới này.

Sự thức tỉnh khoa học đi từ việc khám phá âm điện tử tiếp tục diễn ra với hai khám phá thêm và làm suy yếu hơn nữa nền tảng của triết lý duy vật. Đó là:

– 1900. Vật lý Lượng tử - Quantum Physics. Nhà vật lý học Max Planck đặt nền tảng cho lý thuyết lượng tử  với quan sát là vật chất phát ra và hấp thụ phóng xạ gồm lượng tử (ban đầu gọi là quantum mà về sau Einstein gọi là photon – quang tử), cho thấy ánh sáng có tính hạt cũng như là tính sóng. Năm 1913, vật lý gia Niels Bohr đưa ra giả thuyết là âm điện tử nhẩy từ tầng này sang tầng kia quanh nhân nguyên tử, bằng cách phát ra hay hấp thụ lượng năng lực, mà không đi qua khoảng không gian ở giữa. Đây là một bước lớn tách rời khỏi thuyết có tính cơ học.

– 1905. Phương trình của Einstein: E = mc2 cho nhìn nhận thêm là khối lượng hay chất liệu thì tương đương với năng lực, và thời gian và không gian là những phần nội tại trong kết hợp chất liệu – năng lực tạo nên vũ trụ.

Ta có nói rải rác trong những phần trước là một số khoa học gia quan tâm đến bộ SD. Cháu gái của Einstein nói  rằng ông luôn luôn có một bộ trên bàn làm việc của mình. Bộ sách này chứa đựng nhiều chi tiết mà khoa học trong thời H.P.B. phủ nhận, nhưng về sau được chứng minh là đúng thật, và rất có thể là nó có manh mối về nhiều sự việc khác chưa được chấp nhận hiện nay. Dưới đây là ba thí dụ cho thấy sách nói trước về các khám phá đã có trong vật lý học.

 

A– Nguyên tử phân chia được.

Isaac Newton viết trong  sách Optics rằng 'Ban đầu Thượng đế tạo nên vật chất đặc, là những hạt có khối lượng, cứng, không thể được xuyên thấu với kích thước và hình thù, tính chất, tỉ lệ trong không gian thích hợp nhất cho mục đích mà ngài tạo ra chúng'.

Về sau khoa học gia loại bỏ phần thần học trong nhận xét này tuy nhiên vẫn giữ lại phần 'những hạt có khối lượng, cứng, không thể được xuyên thấu' hay nguyên tử, như là đơn vị căn bản tạo nên vũ trụ. Khi âm điện tử được khám phá non1897, nền tảng duy vật của khoa học bắt đầu rã tan.Nguyên tử phân chia được.

H.P.B. nói như sau trong bộ SD (1:519-20):

– Nguyên tử phân chia được, và phải gồm các hạt hay những phần nhỏ hơn nguyên tử ... Trọn khoa Huyền bí học dựa trên thuyết lý rằng vật chất có bản chất ảo và nguyên tử phân chia được tới vô tận.

Nói về tính phân chia được tới vô tận của nguyên tử, có nhận xét là 'khoa học đi từng bước về hướng này, mới đầu tìm ra âm điện tử, rồi dương điện tử, trung hòa tử, rồi quark và những hạt khác.Nay nó tiến đến lý thuyết dây (string) và sóng, tương ứng với khoa học mô tả trong bộ SD.

Khi mới có lý thuyết về quark, khoa học gia Wener Heisenbert nhận xét:

– Cho dù ta tìm ra quark, dựa vào những điều đã biết thì chúng có thể lại được phân chia thành antiquark v.v.và như thế ... ta phải bỏ rơi triết lý của Democritus (triết gia Hy Lạp đưa ra đầu tiên ý niệm về nguyên tử là vật nhỏ nhất không thể phân chia được) và ý niệm về những hạt căn bản. Thay vào đó ta nên chấp nhận về tính đối xứng căn bản (fundamental symmetries) là ý niệm trong triết lý của Plato.

B– Nguyên tử chuyển động luôn luôn.

Khoa học gia thời H.P.B. chẳng những không tin là nguyên tử phân chia được, mà còn tin là chúng không chuyển động, ngoại trừ trong trạng thái hơi. Bộ SD (1:507-8) viết:

– Huyền bí học nói rằng trong mọi trường hợp khi vật chất  có vẻ trơ trơ (inert) nhất thì nó ở trong trạng thái linh hoạt nhất. một khối gỗ hay đá tỏ ra bất động và không xuyên thấu được theo ý ta, dầu vậy sự thực là những hạt của nó có sự rung động mãi mãi không ngưng, nhanh đến mức với mắt thường trọn khối xem ra không có chút chuyển động; và khoảng không gian giữa những hạt này khi chúng rung động – nhìn theo cõi khác và nhận thức khác – thì to lớn như khoảng phân cách giữa các tinh thể tuyết hay những hạt mưa. Tuy vậy đối với vật lý học điều này sẽ bị xem là vô lý ...

Ngày nay khó mà tin rằng có lúc ý kiến trên bị xem là vô lý.

Theo bộ SD sự chuyển động mãi mãi không ngưng của nguyên tử trong vật ta xem là chất đặc thuận theo luật chung trong vũ trụ 'nói rằng thiên nhiên không có ngơi nghỉ hay ngừng chuyển động'. Điều này hợp với quan điểm của Einstein như được thảo luận trong quyển The Theory of Relativitytheo tác giả Garrett Service:

– Khảo cứu khoa học cho thấy là trong vật cực nhỏ cũng như vật cực lớn ... tất cả là chuyển động ... chúng ta không thấy có gì đứng yên. Einstein nói rằng sự việc là vậy bởi sự chuyển động phải được xem là việc tự nhiên, cũng như là tình trạng thực sự của vật chất, trạng thái của vật mà không cần ta giải thích, vì nó sinh ra từ chính bản chất của vũ trụ.nó là điều thiết yếu của sự hiện tồn.

C. Vật chất và năng lực chuyển biến được cho nhau.

Khoa học thế kỷ 19 tin điều ngược lại, và Einstein bác bỏ nó với phương trình E = mc2. Nhà vật lý học  Millikan diễn dịch phương trình như sau:

– ... m là vật chất tính bằng gram, c là vận tốc ánh sáng tính theo cm (300.000.000.000 cm/ giây), và E là đơn vị năng lực tuyệt đối gọi là erg. Nói theo ngôn ngữ thông thường, phương trình của Einstein cho biết là nếu một gram vật chất được biến đổi thành nhiệt trong một phút, sẽ có 90 tỉ kilowatt công suất được liên tục sinh ra.

Ông nói tiếp.

–  Ở đây là ý niệm hết sức quan trọng, nói rằng vật chất chuyển biến được thành năng lực tỏa ra.

Nay một cách tổng quát hơn để giải thích sự kiện đã được chứng minh này là nói rằng vật chất là năng lực được cô đọng, còn năng lực là vật chất được tản ra.

Trong bộ SD (1:623), H.P.B. trích từ tạp chí Path của ông W.Q. Judge (Jan 1887, 297):

– Trong Khoa học Huyền bí, lực và vật chất chỉ là hai mặt của cùng một Chất Liệu.

Vật chất ấy bà gọi là prakriti, phát sinh từ vật chất tiên khởi là mulaprkriti (vật chất gốc).

Trong quyển Isis Unveiled (1:198), bà trực tiếp khẳng định tính chuyển biến được giữa lực và vật chất:

– Mỗi thể hiện khách quan, dù đó là sự cử động của tay hay chân sống động, hay cử động của một thể không hữu cơ, đòi hỏi hai điều kiện là ý chí và lực, cộng thêm với vật chất hay điều làm vật cử động thấy được với mắt ta; và ba điều này đều là những lực chuyển biến được ...

Đoạn trích dưới đây (SD 2:672) đặc biệt đáng chú ý chẳng những vì chữ atomic energy cho thấy là nguyên tử có năng lực, mà còn vì H.P.B. có vẻ như là người đầu tiên dùng chữ này hiện rất thông thường ngày nay.

– Câu 'Chuyển động sóng của những hạt sinh động' được hiểu ra theo thuyết của một nguyên lý phổ quát chính ... tinh thần, độc lập với vật chất của chúng ta, và thể hiện như là năng lực nguyên tử chỉ nơi cõi tâm thức của chúng ta.

Từ hết tất cả những điều nói trên, không có gì đáng ngạc nhiên khi các nhà xuất bản bộ SD hiện thời cho biết là giáo sư các trường cao đẳng và đại học thường xuyên đặt mua sách này. Một giáo sưtại  California Institute of Technology cứ vài năm lại đặt mua sách. Khi dò hỏi thân thiện thì người ta được cho hay là khi nào có quá nhiều ghi chú chi chít trong sách, làm không đọc được nữa thì ông đặt mua bộ mới.

Năm 1982 giáo sư hóa học và sinh viên tại Massachusetts Institute of Technology (MIT) đặt ra kế hoạch để nghiên cứu các chỉ dạy trong bộ SD có liên quan đến ngành của họ. Tiến sĩ Philip Percion, một khoa học gia làm việc về bom nguyên tử, năm 1988 nói rằng các giáo sư  và sinh viên tại MIT đã lập hội hóa học và thường xuyên học hỏi bộ SD. Ông cũng cho biết thêm là ông cùng nhiều giáo sư hóa học, đa số là giáo sư MIT đã về hưu, gặp nhau theo định kỳ để thảo luận bộ SD tại Harvard Club ở New York.

Nói thêm thì khoa học gia Millikan quan tâm thật sâu xa về bộ SD, và là một trong các khoa học gia đầu tiên làm Einstein chú ý tới bộ sách. Trong thời gian ông Millikan là giám đốc Norman Bridges Lab tại Cal Tech (1921-1945), một bộ SD trong thư viện của đại học có quá nhiều người muốn đọc nên để mượn sách, người ta phải ghi tên vào danh sách chờ đợi dài.

...

Nay từ vật lý chúng ta quay sang khoa sinh học, bắt đầu với di truyền học.

Thế giới khoa học hoan nghênh việc tìm ra cơ cấu di truyền tử của hai khoa học gia James Watson và Francis Crick, xem nó như là giải quyết được hết tất cả những bí ẩn lớn trong sinh học tế bào.Hai ông được giải Nobel về sinh lý học. Ngày nay, các nhà sinh vật học ý thức rõ ràng là những thắc mắc lại càng khó hiểu hơn bao giờ hết.

Nguồn gốc được cơ cấu di truyền tử là một bí ẩn hoàn toàn; khoa học gia không biết làm sao thiên nhiên tạo ra nó. Sir Fred Hoyle vạch cho thấy là bên trong chất liệu di truyền trong nhân tế bào, có 200.000 chuỗi amino acid xếp đặt theo cách thức rất đặc biệt, phức tạp mà hai ông Watson và Crick tạo ra mẫu là dây xoắn đôi. Ông Hoyle nói là xác suất để có được cách xếp đặt này do tình cờ theo luật đào thải tự nhiên và ngẫu nhiên dị biến, thì tương tự như xác suất thẩy một con xúc sắc mà được 5 triệu lần liên tiếp nhau số sáu.

Một bí ẩn khác liên quan đến cơ chế 'bật' và 'tắt' (on / off) của các di truyền tử (gene). Mỗi tế bào trong cơ thể chúng ta có chứa trong nhân một bộ trọn vẹn các di truyền tử, và chứa đựng tất cả chi tiết để tạo ra một con người mới.Dầu vậy, trong bất cứ một tế bào nào, chỉ có một số di truyền tử là linh hoạt. Thí dụ với tế bào da hay tế bào  gan, chỉ những di truyền tử nào có thể sinh ra loại tế bào ấy mới được 'bật lên', có linh hoạt. Tất cả những di truyền tử khác được 'tắt' đi. Nếu tất cả những di truyền tử linh hoạt cùng một lúc thì sẽ có việc tăng trưởng rối loạn không phân biệt xẩy ra, tức ung thư.

Thế nên khoa học gia sau đó nói tới loại di truyền tử chưa được khám phá mà họ gọi là tác động (operator), phận sự của nó được những di truyền tử khởi động (activator) bật lên, và rồi được di truyền tử  'điều hành' (regulator) tắt đi. Đối với các nhà di truyền học, di truyền tử khởi động được tìm kiếm mạnh mẽ nhất và được xem như là đầu mối cho bí ẩn của sự sống.

Để nhấn mạnh những điều khó nghĩ trong sinh học tế bào và di truyền học, tiến sĩ Lewis Thomas nói về vấn đề liên quan đến việc sinh ra não bộ con người.

– Chuyện lạ lùng thực sự là như thế này, (em bé khởi đầu) từ một tế bào duy nhất; tế bào phân chia thành hai, rồi bốn, rồi sáu và cứ thế tiếp tục. Tới một giai đoạn nào đó khi các tế bào phân hóa, có nẩy sinh một chùm tế bào mà sau này thành não  bộ con người.

Chỉ sự hiện diện của những tế bào đặc biệt này là một trong những điều lạ lùng nhất của trái đất.Một chùm tế bào được khởi động để thành trọn cơ quan lớn có hàng tỉ tế bào để suy nghĩ và tưởng tượng. Tất cả chi tiết cần thiết để học đọc và viết, chơi đàn, hay cử chỉ đưa tay ra chống vào thân cây, được chứa đựng trong tế bào đầu tiên ấy. Tất cả văn phạm, tất cả số học, tất cả âm nhạc.

Ta không biết làm sao việc 'bật lên' xẩy ra ... không ai có ý kiến gì làm sao vài tế bào của phôi thai đột nhiên có được tính chất của não bộ.

Hơn nữa, não tự nó phức tạp một cách thật kinh ngạc nên chủ bút khoa học Tom Alexander của tạp chí Fortune ghi nhận:

– Tính toán sơ khởi gợi ý rằng, đơn giản là không thể nào có đủ thông tin trong các phân tử DNA tạo nên sơ đồ di truyền của cơ thể, để ấn định cách hai tế bào thần kinh kết nối với nhau.

Khoa học gia nói 'Con số những nối kết (giữa hai tế bào thần kinh) mà não bộ dùng mỗi ngày thì nhiều hơn tất cả hệ thống điện thoại trên thế giới', và 'Não có khả năng dùng trong một tích tắc hằng triệu nối kết'.

Nay trong bộ SD (2:149), H.P.B. viết:

– Trọn chuyện tranh cãi giữa người đời và các khoa học huyền bí tùy vào niềm tin và sự chứng tỏ cho thấy có thể sinh lực (thể phách – ta gọi là etheric body còn H.P.B. gọi là astral body)  bên trong thể xác, và cái trước độc lập với cái sau.

Bà nói rằng 'phần tâm linh bên trong của tế bào vật chất – 'phần tinh thần' chế ngự 'phần thể chất' sẽ được tìm thấy trong đó, và điều này là 'chìa khóa ngày kia sẽ phải mở ra cánh cổng vào vùng đất chưa biết của nhà sinh học, điều mà ngày nay gọi là bí ẩn đen tối của phôi thai học' (1:219).

Đề tài này được xem là rất quan trọng trong bộ SD tới mức trong ba định đề nêu ra trong cuốn hai, có một định đề là 'Thể sinh lực được sinh ra trước thể xác, cái trước là khuôn mẫu cho cái sau'. Trong quyển The Ocean of Theosophy, ông W.Q. Judge viết:

– Thể sinh lực làm bằng chất liệu hết sức thanh nhẹ so với thể xác hữu hình, và có tính co dãn rất mạnh, nên trong suốt đời người nó thay đổi rất ít trong khi thể xác thay đổi mỗi lúc ... (Thể sinh lực) có tính mềm dẻo, kéo dài được và mạnh mẽ. Chất liệu tạo nên thể có tính điện và tính từ magnetic.

Theo chỉ dạy này, thể sinh lực không tách riêng với thể xác mà thấu nhập và nuôi dưỡng nó. Nếu không có vật thì thể xác không thể  liền lạc. Thể sinh lực được cho biết là tăng trưởng theo cùng với  thể xác, như vậy lúc thụ thai hẳn nó có kích thước rất nhỏ mà có hình dạng toàn hảo.

Trong số bằng cớ đưa ra về sự hiện hữu của thể sinh lực, là hiện tượng quen thuộc về tay chân ảo (phantom limb) trong trường hợp tay hay chân bị phế bỏ. Khi ấy, ông Judge viết, 'phần thể sinh lực tương ứng không bị đụng tới thành ra người ta có cảm tưởng là nó vẫn còn đó trên người mình, vì dao kéo hay acid không gây thương tích cho cái mẫu sinh lực này.'

Bác sĩ Oliver Sacks, nhà thần kinh học tác giả quyển sách bán chạy nhất The Man Who Mistook His Wife for a Hat, nói về tay chân ảo như sau:

– Tất cả ai mất chân, tay, và tất cả ai làm việc với họ, biết rằng tay chân ảo là điều tối cần nếu người ta muốn sử dụng tay chân nhân tạo.  Y sĩ Michael Kremer viết, 'nó có giá trị vô cùng to tát đối với  ai mất chân, tay. Tôi chắc chắn là không một ai mất chân, tay có thể đi mãn nguyện cho tới khi hình ảnh thân xác, nói khác đi là tay chân ảo được hòa hợp vào đó'. một bệnh nhân như vậy, dưới sự chăm sóc của tôi, tả cách anh phải 'đánh thức' cái chân ảo của mình vào buổi sáng: đầu tiên anh co phần chân còn lại về mình, rồi vỗ mạnh – như vỗ mông em bé - vài lần. Vỗ năm hay sáu  lần thì cái chân ảo đột nhiên giật mình tỉnh dậy nhờ kích thích bên ngoài ... Chỉ khi ấy anh mới lắp chân giả vào và bước đi.

Vẫn theo ông Sacks, tài liệu về chân tay ảo làm người ta rối trí không biết hiện tượng là thật hay là có tính bệnh lý, nhưng bệnh nhân thì không lẫn lộn chút nào. Một người nói.

– Có vật đó, có cái chân ảo và đôi khi nó đau muốn chết, hay mấy ngón chân quắp lại, hay cứng đờ. Chuyện còn tệ hơn lúc giữa khuya hay khi chân giả được lấy ra, hay khi tôi không làm gì hết. Nó hết đau khi tôi lắp chân giả vào và đi lại.Tôi vẫn cảm biết rất sống động về cái chân như nó còn nguyên vẹn, nhưng đó là cái chân ảo tốt, khác; nó làm linh hoạt cái chân giả và cho tôi bước đi được.

CHƯƠNG XX

Tính Đại Đồng

Vào tháng sáu 1981 bài viết của khoa học gia Rupert Sheldrake tên A New Science of Life: The Hypothesis of Formative Causation khi được đăng trên báo làm tranh cãi nổ bùng. Tạp chí Nature, một trong những tạp chí khoa học hàng đầu của Anh gọi đó là 'ứng viên đáng bị lên giàn hỏa nhất từ nhiều năm nay' (gợi ý việc giáo hội Công giáo La Mã có thói quen xử hỏa thiêu những ai có ý tưởng khác lạ, hay bất đồng ý kiến với họ thời xưa); tờ New Scientist cũng tiếng tăm ngang ngửa nhận xét rằng  ' Ta thấy rõ đây là việc nghiên cứu khoa học quan trọng về bản chất  của thực tại sinh học và thể chất'. Ý kiến nữa của Arthur Koestler gọi lý thuyết của ông Sheldrake là '... giả thuyết có tính kích động và thách đố vô cùng, được trình bầy nghiêm chỉnh, đề ra một phương thức mới khác lạ về sự tiến hóa'.

Tại Hoa Kỳ bài viết gây chú ý tới mức Sheldrake được mời nói chuyện tại thủ đô Washington trước Tiểu ban về Tương lai của quốc hội. Ông là tiến sĩ về sinh hóa, và làm nghiên cứu tại đại học Cambridge về sự phát triển của cây và sự lão hóa của tế bào. Ông cũng là hội viên của hội Theosophia. Năm 1984 Sheldrake đến nói chuyện về thuyết của ông  tại hội Theosophia Hoa Kỳ; bài tường thuật của giáo sư Hannon tóm tắt như sau:

– Ông bắt đầu bằng việc giải thích ý niệm căn bản trong lý thuyết của mình. Ngoài những vùng lực mà khoa học đã biết như trọng trường, từ trường, Sheldrake đưa ra giả thuyết là có vùng lực di truyền tạo hình (morphogenetic fields) hay vùng M. Ông nói chúng là cơ cấu tổ chức vô hình, có vai trò là đúc khuôn hay tạo hình dạng vật như tinh thể, cây cỏ và thú vật, và cũng có ảnh hưởng về mặt tổ chức cho hành vi. 

Nói khác đi, vùng lực này là đồ hình mẫu, kiểm soát và tạo ra các đơn vị cùng một loại. Các đơn vị mới này 'hòa – tune' theo (hay cộng hưởng với) và rồi lập lại khuôn mẫu đã tạo ra trước đó, với khuôn mẫu này có thể tác động vượt thời gian và không gian. Giải thích thêm thì khi mỗi đơn vị mới được tạo và nắn thành hình, nó tăng cường vùng M làm cho 'thói quen' thành hình. Giả thuyết này áp dụng suốt từ các phân tử trong tinh thể cho đến sinh vật phức tạp. Một điểm quan trọng là việc hóa ra càng lúc càng dễ hơn, mau hơn cho các đơn vị về sau của bất cứ loại nào dùng cơ cấu này. Tới chót, cơ cấu trở thành nội tại và hoàn toàn bất biến.

Sheldrake thảo luận về quan điểm thông thường trong di truyền học và cách DNA làm việc. Theo đó cách sinh vật phát triển  -  vì một lẽ nào đó - được ghi sẵn trong  DNA của chúng. Ông biện luận rằng quả đúng là DNA ghi mã số thứ tự của các amino acid tạo nên protein; tuy nhiên khi nhìn theo quan điểm của vùng M, hình dạng và cách tổ chức của tế bào, mô, cơ quan và sinh vật như là một tổng thể, được quản trị bởi một đẳng cấp những vùng tạo hình không thừa hưởng tính hóa học mà thay vào đó, có được thẳng từ sự cộng hưởng tạo hình - morphic resonance, truyền lại từ những sinh vật đã có trước đó thuộc cùng  loại.

Để làm sáng tỏ ý mình, tiến sĩ Sheldrake đưa ra thí dụ là máy truyền hình. Ta hãy tưởng tượng có một người không biết gì hết về điện, mới được cho thấy máy truyền hình lần đầu tiên. Ban đầu họ có thể nghĩ là cái máy thật sự có chứa những người tí hon mà hình ảnh hiện ra trên màn ảnh. Nhưng khi nhìn vào bên trong và chỉ thấy dây điện cùng các phụ tùng, họ có thể suy luận là bằng cách nào đó hình ảnh hiện ra do sự tương tác phức tạp giữa những phần trong máy.

Giả thuyết này đặc biệt có vẻ hữu lý do sự kiện là hình ảnh bị biến dạng hay mất đi khi bỏ đi các phần này. Nếu khi đó ta đề nghị là hình ảnh thực ra tùy thuộc vào các ảnh hưởng vô hình từ xa xôi (đài phát tuyến) đi vào trong máy, họ có thể gạt bỏ nó. Lý thuyết của họ, là không có gì từ bên ngoài đi vào máy, có thể được tăng cường khi khám phá là sức nặng của máy vẫn y vậy khi bật hay tắt máy.

Quan điểm này có vẻ giống như  ý niệm thông thường trong sinh học, với dây điện, phụ tùng trong máy truyền hình v.v. tương ứng với DNA, phân tử protein v.v. Sheldrake đồng ý là thay đổi về di truyền có thể ảnh hưởng việc thừa hưởng hình dạng hay bản năng, bằng cách biến đổi việc 'bắt sóng', hay khiến nó bị rối loạn. Nhưng các yếu tố di truyền tự chúng có thể chi phối hoàn toàn việc thừa hưởng hình dạng và bản năng, không khác gì việc hình ảnh trên màn ảnh của máy truyền hình có thể được giải thích chỉ bằng đồ hình mắc dây điện trong máy.

Công chúng rất là thích thú với việc nghiên cứu của ông Sheldrake nên tờ New Scientist trong số ra ngày 28-10-1982, đặt giải thưởng 250 bảng Anh cho ai nghĩ ra được thí nghiệm chặt chẽ nhất để xem xét ý tưởng của ông. Tổ chức Tarrytown Group thì khuyến khích nỗ lực lớn hơn, treo giải thưởng 10.000 mỹ kim cho ai thực hiện thí nghiệm hay nhất để hoặc xác nhận, hoặc bác bỏ giả thuyết của Sheldrake.

Nay tiếp tục phần tóm tắt trên:

– Ông Sheldrake cho hay lý thuyết này được tâm lý gia nổi tiếng William McDougal, thuộc đại học Harvard, trình ra đầu tiên cho giới  khoa học vào thập niên 1920. Người ta thấy là các thế hệ tiếp nhau của chuột, ngay cả chuột khờ dại, có khả năng thoát khỏi bồn nước, trong đó có mê lộ, được cải thiện đáng kể. Khi thí nghiệm được lập lại ở Scotland và Úc châu, người ta thấy bất kể chuột nào được dùng, tất cả đều có cách làm của nó được cải thiện.

Theo quan điểm của Sheldrake, hệ thần kinh của  người cũng do vùng M quản trị, nên nguyên tắc này cũng phải áp dụng cho con người. Điều này sẽ cho ra ảnh hưởng lớn lao đối với hiểu biết của chúng ta về cách thức và tại sao người ta học. Học theo loại này như thế sẽ là loại thừa hưởng căn bản từ giống loài, 'nhớ lại' có tính tự động ít nhiều. Nó hoàn toàn không nằm trong não bộ của cá nhân, mà được cho trực tiếp từ cơ cấu của giống loài qua sự cộng hưởng tạo hình.

Bài viết của ông Sheldrake đăng trên số đặc biệt mùa thu 1983 của tạp chí The American Theosophist kết luận:

– Vài điểm của giả thuyết về nguyên do tạo hình làm ta nhớ lại những điều của huyền bí học hay truyền thống dân gian, thí dụ như ý niệm về thể sinh lực (thể phách), ý tưởng về hồn khóm của các loài vật, và triết lý về thiên ảnh ký (akashic records). Tuy nhiên giả thuyết được nêu ra như là một giả thuyết thuần túy khoa học, và như vậy sẽ phải được phán đoán bằng thí nghiệm. Nhưng nếu bằng chứng thí nghiệm hỗ trợ nó, khi ấy nó có thể đặt căn bản cho một khoa học mới về sự sống, đi xa hơn khoa sinh học giới hạn có tính cơ học như hiện nay.

Vùng M có thể được xem như là tương ứng với từ trường; cái sau có hình dạng cho dù là nó vô hình. Trong trường hợp của một thỏi nam châm, hình dạng này được thấy qua đường nét mà vụn sắt tạo nên quanh thỏi. Vùng tạo hình, do cơ cấu riêng của nó, uốn nắn các tế bào đang phát triển, mô, sinh vật theo khuôn mẫu. Lấy thí dụ nơi phôi thai người, vành tai đang phát triển được uốn theo một vùng tạo hình có hình vành tai, và cái chân đang phát triển theo vùng có dạng cái chân.

Nhưng các vùng này là gì, và chúng từ đâu tới ? ... Tôi tin rằng chúng có thật như các vùng trọng trường và điện từ trường trong vật lý, và chúng là một loại vùng mới có tính chất rất đặc biệt. Giống như các vùng đã biết của vật lý, chúng kết nối những vật tương tự xuyên qua không gian làm như không có gì nằm giữa, mà thêm vào đó chúng còn kết nối xuyên qua thời gian.

Ý niệm muốn nói rằng vùng di truyền tạo hình uốn nắn một con vật hay cây cỏ đang tăng trưởng  thành hình, phát sinh từ hình dạng của những sinh vật đã có trước thuộc cùng loại. Diễn trình theo đó sự việc xẩy ra được gọi là cộng hưởng tạo hình. Tương tự vậy, vùng xếp đặt sinh hoạt của hệ thần kinh một con vật được sinh ra từ những con vật đã có trước thuộc cùng loại; nói về hành vi có tính bản năng, thú vật lấy ra hành vi từ vùng ký ức chung của giống loài.

(Giải thích thêm thì con chó nào cũng có một số hành vi giống nhau, chúng lấy từ ký ức chung của loài chó; tương tự vậy cho mèo, khỉ v.v.)

Như vậy thì có vẻ như trong thiên nhiên có khuynh hướng chia sẻ hiểu biết một khi học được. Ngay cả tinh thể cũng làm vậy. Giáo sư Hannon vạch ra:

– Quả thật khó mà kết tinh lần đầu tiên các hóa chất mới được tổng hợp, và từ từ về sau chúng có khuynh hướng kết tinh dễ dàng hơn.

Nơi con người thì sao ? trong sách The Presence of the Past - Morphic Resonance and the Habits of Nature (1988) của mình, ông Sheldrake tìm tòi và thấy:

– Nhiều thí nghiệm được làm với các kỹ năng đã có từ lâu cho ra những kết quả thấy như có ảnh hưởng của sự cộng hưởng tạo hình. Thí dụ vài nhóm ở Hoa Kỳ và Anh được cho học ba câu hát của trẻ con bằng tiếng Nhật, một câu rất quen thuộc với bao nhiêu thế hệ trẻ em Nhật, còn hai câu kia được soạn giống câu đầu nhưng không có ở Nhật. Kết quả là câu đồng dao truyền thống dễ học hơn.

Thí nghiệm khác dùng chữ ngoại ngữ, phân nửa thật và phân nửa làm rối tung, cho ai không biết ngoại ngữ ấy. Kết quả cũng giống vậy, chữ thật thì dễ học hơn. Rồi có thí nghiệm làm với tín hiệu Morse và bàn đánh chữ được máy điện toán, tức những mẫu mực được chấp thuận khắp nơi hơn trăm năm qua. trong cả hai trường hợp, mẫu mực quen thuộc đã lâu thì dễ học hơn bất cứ mẫu nào mới soạn ...

Bằng chứng đáng nói nhất về một thể tạo hình ở cõi vô hình do hai khoa học gia Harold Saxton Burr và S.C. Northrop thuộc đại học Yale đưa ra. Hai ông khám phá là trong cơ thể của mọi sinh vật có điều mà họ gọi là kiến trúc sư điện - electric architect, một cơ cấu có tính điện  từ. Bài viết của họ được trình ra sau bốn năm nghiên cứu về sự phát triển cơ quan của chuột và salamander. Hai giáo sư mô tả hiện tượng điện đi kèm sự tăng trưởng của chúng, khuôn mẫu này được ghi lại trong tâm động đồ và não động đồ, cho thấy đặc tính rõ ràng của mỗi loài.

Diễn giải bằng ngôn ngữ giản dị, tờ New York Times ra ngày 25-4, 1939 vạch ra ý nghĩa của cuộc thí nghiệm.

– Trong cơ thể của sinh vật có một kiến trúc sư đúc khuôn và uốn nắn từng cá nhân, theo khuôn mẫu riêng biệt đã định trước, và kiến trúc sư này ở lại trong cơ thể từ các giai đoạn tiền phôi thai cho tới lúc chết đi. Tất cả những gì khác trong cơ thể đều có thay đổi luôn luôn; vô số tế bào tạo nên cơ thể được sinh ra, hóa già lão và chết đi, được thay thế bằng những tế bào khác, tuy nhiên vị kiến trúc sư điện là điều duy nhất không đổi còn hoài suốt đời trong cơ thể, tạo ra tế bào mới và tổ chức chúng theo cùng khuôn mẫu của những tế bào nguyên thủy, và như vậy theo nghĩa đen, không ngừng tái tạo thân xác.  Cái chết xẩy ra cho sinh vật sau khi kiến trúc sư điện bên trong nó ngưng hoạt động.

(Ý niệm) kiến trúc sư điện hứa hẹn một cách mới để hiểu về bản chất của sự sống, và các diễn tiến của nó. Sự việc muốn nói là mỗi sinh vật có một điện trường, tựa như thỏi nam châm phát ra chung quanh nó một từ trường.  Tương tự vậy, theo tiến sĩ Burr, mỗi loài vật và rất có thể là mỗi cá nhân trong loài có điện trường đặc biệt của chúng, giống như những lằn lực quanh thỏi nam châm.

Như vậy, điện trường này có mẫu riêng của nó, uốn nắn thành hình dạng của nó tất cả chất liệu nào của sự sống đi vào trong vùng ảnh hưởng của nó, do đó tạo nên chính mình trong chất sống, chẳng khác nào như điêu khắc gia tạc ra ý tưởng mình trong đá.

Ba mươi ba năm sau, giáo sư Burr ra sách và ghi là 'trong gần nửa thế kỷ, lý thuyết này được thử nghiệm trong những điều kiện có kiểm soát chặt chẽ và không gặp mâu thuẫn nào'. Trong số ngày 26-1, 1982, một bài viết trên tạp chí New Scientist duyệt xét lại những thí nghiệm trong 'sinh lý điện học' và đặt câu hỏi:

– Tại sao chỉ có vài người chịu nghiên cứu công trình này khi kết quả ban đầu tỏ ra hứa hẹn như vậy ?

Bài viết kết luận là 'Câu trả lời có thể có liên kết với khuynh hướng và thị hiếu ảnh hưởng mỗi ngành khoa học.' Các thí nghiệm mới sử dụng dụng cụ điện tử mới nhất có được đã làm lộ ra các điện trường mới chưa được khám phá trước đây, có liên kết với sự tăng trưởng của tế bào trong trứng có thụ tinh thành phôi thai. Bài viết tiếp tục.

– Nay những diễn biến bí ẩn từ trước tới nay về nguồn gốc của việc tạo hình mời gọi có nghiên cứu trở lại, với điểm khởi đầu là tìm hiểu về điện ... một trong những bí ẩn lạ lùng nhất này là sự hình thành hệ thần kinh ... Tế bào thần kinh mọc nhánh dài len lỏi đi khắp nơi trong cơ thể, lắm khi qua chặng đường dài biết bao lần so với kích thước của tế bào, để tới cơ quan mà nó tác động. Điều gì khiến nhánh thần kinh biết sẽ đi tới đâu ?

Có lẽ chỉ giản dị là nó đi theo các đường từ lực của mẫu trong thể sinh lực.

Nay một vấn đề căn bản hơn được đặt ra liên quan đến thể tình cảm là việc nó làm mẫu cho thể xác. Ai hay cái gì là người tạo mẫu ? Bộ The Secret Doctrine ghi:

–Vũ trụ được vận hành và hướng dẫn từ bên trong ra ngoài ... Trọn vũ trụ được hướng dẫn, kiểm soát và linh hoạt bởi một loạt vô tận những đẳng cấp sinh linh, mỗi cấp có nhiệm vụ phải thực hiện ... Chúng có mức tri thức và thông minh khác nhau vô cùng tận. Loài tiến xa nhất có thể gọi là thợ Trời, là những đấng xưa kia là người và nay có uy lực cùng trách nhiệm của thần linh.

Hỗ trợ cho tư tưởng này đến không lâu sau khi H.P.B. qua đời, và từ chỗ không ngờ là nhà sinh vật học tiếng tăm Thomas Huxley, người dẫn đầu nhóm theo thuyết Darwin trong thế kỷ mười chín, và trong phần lớn đời mình ông là kẻ hoài nghi. Trong sách Some Essays on Controversial Subjects, ông viết:

- Nhìn vào vật chất theo quan điểm khoa học cứng rắn nhất, giả dụ nói rằng giữa vô số thế giới rải rác đó đây trong không gian vô tận, không thể có sự thông minh nào lớn hơn của người, như sự thông minh nơi người thì lớn hơn của con bọ hung; không có sinh vật nào được phú cho khả năng chi phối đường lối của thiên nhiên lớn hơn của con người, như  đường lối của con người thì lớn hơn của con ốc sên, đối với tôi chẳng những không có căn bản mà còn có lòng khinh mạn.

... Ta dễ dàng tạo ra các thực thể trong vũ trụ, theo nấc thang đi lên dần tới một điều mà thực sự không thể phân biệt được với sự toàn lực, toàn hiện và toàn tri.

Ông cũng thay đổi quan điểm của mình về tâm thức.

– Tôi hiểu tín điều chính của thuyết Vật Chất là không có gì trong vũ trụ ngoài vật chất và lực ... được xem là điều đầu tiên và cuối cùng của sự hiện hữu ... Ai không tin như thế thì bị người hăng hái tin tưởng xem là khùng điên hay giả dối. Nhưng tôi mạnh mẽ không tin điều này ... Trong vũ trụ còn một điều thứ ba là tâm thức mà tôi không thể xem là vật chất hay lực, hay là bất cứ thay đổi nào nghĩ ra được của một trong hai điều ấy.

Trong phần dưới đây ta chỉ đề cập vắn tắt hai điều theo The Secret Doctrine và khoa học là vật chất có trí năng hay không, và vũ trụ học. 

Khoa học gia Alfred Russel Wallace, người nghĩ ra thuyết đào thải tự nhiên độc lập với Darwin, nhìn nhận một cách thẳng thắn giới hạn của thuyết ấy. Ông tin rằng hành động hướng dẫn của 'kẻ hiểu biết cao hơn' là 'phần cần thiết của những luật lớn quản trị vũ trụ vật chất'. Wallace thêm rằng thuyết đào thải tự nhiên không thể cắt nghĩa làm sao nghệ sĩ và nhạc sĩ và những tài năng khác về mỹ thuật được sinh ra, cũng như là các tài năng này không cho lợi điểm cạnh tranh nào trong cuộc tranh đấu để sống còn.

Bộ The Secret Doctrine ghi thêm:

– 'Sự đào thải tự nhiên không phải là một thực thể, mà là một câu tiện dụng để mô tả cách sinh ra sự sống còn của loài thích ứng và sự loại bỏ của loài không thích ứng trong các sinh vật, trong cuộc tranh đấu để hiện hữu ... Nhưng đào thải tự nhiên ... như là một Quyền Lực (Power) thì trên thực tế chỉ thuần là chuyện hoang đường; nhất là khi được dùng để giải thích nguồn cội của các loài. Tự nó thì sự đào thải tự nhiên không thể sinh ra chuyện chi, và chỉ tác động vào chất liệu thô sơ đưa tới.

‘Câu hỏi thực sự của vấn đề là Nguyên Nhân gì - hợp với nhiều nguyên nhân thứ yếu khác – sinh ra các 'thay đổi' nơi sinh vật. Nhiều nguyên nhân phụ này thuần tính vật thể, khí hậu, dinh dưỡng v.v. Phải lắm. Nhưng ta phải đi tìm một nguyên lý sâu xa hơn vượt qua những mặt thứ yếu của sự tiến hóa tự nhiên. Thí dụ là sự 'thay đổi bất chợt' và 'phân hóa tình cờ' của người duy vật ... bất lực không giải thích được các phức tạp lớn lao và những điều kỳ diệu trong cơ thể con người ... Nguyên nhân bên dưới của sự thay đổi trong các loài ... là trí tuệ tiềm thức thấm nhuần vật chất, có thể truy ra chót hết tới sự Phản Ảnh của Minh Triết Thiêng Liêng của Thần Thánh.’

Quan điểm của bà Blavatsky rằng sự đào thải tự nhiên và ngẫu biến không thể cho ra một thế giới phức tạp như của chúng ta, càng lúc càng được nhiều khoa học gia tự chấp nhận. Thí dụ đưa ra là tờ Time trong số ra tháng tư 1988 trích sách Infinite in All Directions của giáo sư  vật lý Freeman Dyson tại đại học Princeton:

– Tôi không tin rằng vũ trụ này ngẫu nhiên mà có. Tôi tin là trí năng hiện hữu theo nghĩa nào đó rất thực trong vũ trụ. Nhưng nó là hệ quả chính hay ngẫu nhiên của một cái gì khác ? Ý kiến chính trong các sinh học gia có vẻ nói rằng trí năng ngẫu nhiên sinh ra từ phân tử DNA hay vật gì khác. Tôi nghĩ khó mà có chuyện ấy. Cho rằng trí năng là phần chính của thiên nhiên từ lúc ban đầu, và chúng ta chỉ là sự biểu hiện của nó ở giai đoạn hiện nay của lịch sử thì có vẻ hợp lý hơn. Không phải là trí năng có sự sống của riêng nó, nhưng trí năng ấy hàm chứa sẵn trong cách vũ trụ được tạo dựng, và sự sống là cách của thiên nhiên cho trí năng cơ hội mà nó không thể có được nếu không nhờ vậy.

Ý kiến thứ hai của nhà sinh vật học Lewis Thomas về địa cầu (trên báo New York Time 15-7-1989):

– Thử nghĩ chuyện lạ lùng nhất trong mọi chuyện nghịch lý, cái tư tưởng nói rằng một sinh vật như trái đất rất đỗi to lớn và phức tạp, với bao hệ thần kinh chằng chịt tương tác, liên lạc làm việc với nhau, từ con dế và đom đóm tới triết gia, mà chính nó lại không có trí năng. Tôi không thể tin như thế.

So sánh thì hồi thế kỷ 19, ông W.Q. Judge một trong những sáng lập viên hội Theosophy nói trái đất là 'một thực thể mà không phải chỉ là một khối vật chất thô kệch'.

Tiếp tục về trí năng trong vật chất, H.P.B. viết:

– ... mỗi hạt nguyên tử ... tự nó là một tiểu vũ trụ (và biểu lộ một mức độ tâm thức).

Nay thử xem quan điểm của Thomas Edison:

– Tôi không tin là vật chất có tính trơ, chịu tác động của một lực từ bên ngoài. Đối với tôi dường như mỗi hạt nguyên tử có một phần trí năng thô sơ. Hãy thử xem cả ngàn cách mà nguyên tử hydrogen kết hợp với những nguyên tố khác ... Bạn muốn nói rằng chúng làm vậy mà không có trí năng ư ?

Brian Josephson, giáo sư vật lý và là khoa học gia khác được giải Nobel nói:

– ... Vật lý gia có khuynh hướng tin rằng vật chất  là điều chi không có sự sống, có tính máy móc và suy nghĩ lầm đường. Ở mức nhỏ nhất, vật chất có vẻ xử sự giống như điều chi có tính sinh học và sống động. Có thể có sự sống và trí năng bên dưới hiện tượng ta thấy thường ngày, và vượt luôn cả hiện tượng mà khoa vật lý nghiên cứu ... Tương tự vậy, dường như hết mọi vật chất có sự hợp nhất hay toàn vẹn huyền bí mà khoa học gia không thể giải thích được, nhưng thường được mô tả trong các tôn giáo đông phương.

Nhận xét khác là của giáo sư sinh học George Wald, người đồng nhận giải Nobel về sinh lý học năm 1967:

– Tôi và thực tế là tất cả sinh vật gia và đa số người cho rằng tâm thức hay trí năng là sản phẩm có về sau trong cuộc tiến hóa của loài vật. Nay tôi nghĩ là thay vì vậy, sự hiện diện luôn có ở khắp nơi của trí năng đã hướng vật chất theo đường lối đó. Tôi nhận ra là nhiều người cũng nghĩ vậy, vì  những ý tưởng như thế đã có từ ngàn năm qua trong triết lý đông phương; và đông người trong  nhóm quan trọng các vật lý gia ( hồi tiền bán thế kỷ 20 ) đã đi tới cũng chính tư  tưởng đó. Tôi thấy Eddington có lúc nói rằng tính chất của thế giới là trí năng, và cho nó địa vị chính so với vật chất. Rồi Von Weizsacker, vật lý gia có tính triết học nói rằng ... trí năng và vật chất là hai nét song đôi của mọi thực tại.

Suy đoán như vậy dẫn tới điều không tránh được là xem xét sự sống chẳng những trên trái đất mà luôn cả nơi khác trong vũ trụ, và rồi sự tử của vũ trụ và sự tử của con người. Thuyết Big Bang nói về sự bùng nổ ban đầu và từ đó vũ trụ được thành lập nay được xét lại, với ý cho rằng không phải chỉ có một sự bùng nổ duy nhất mà có nhiều lần như thế lập đi lập lại theo chu kỳ, nói khác đi vũ trụ tái sinh nhiều bận:

– Câu hỏi là vũ trụ 'mở - open' và sẽ tiếp tục mở rộng mãi mãi, hay nó 'đóng - closed', ngày kia sẽ ngưng mở rộng, sụp đổ và rồi tái sinh, giống như vòng sinh tử của Ấn giáo.

Stephen Hawking, vật lý gia tiếng tăm của Anh, viết trong quyển A Brief History of Time ... rằng ban đầu ông tin vào một vũ trụ 'mở', và sẽ bị hủy diệt mãi mãi. Nhưng nay ông và các bạn đồng sự cho là vũ trụ tiếp tục mở rộng rồi co thắt, không có khởi đầu hay kết cuộc. Như thế sự nổ bùng Big Bang không phải chỉ có một lần.

H.P.B. viết đoạn sau trong bộ Isis Unveiled và rồi nhắc lại trong  bộ The Secret Doctrine:

– Triết lý bí truyền, như Phật giáo và Bà La Môn giáo và ngay cả kinh Kabalah của Do Thái giáo, dạy rằng Tinh chất (Essence) vô biên mà ta không biết, hiện hữu trong mọi thời đại và xuất hiện kế tiếp nhau đều đặn, hòa hợp hoặc tích cực hoặc tiêu cực. Nói cho văn vẻ thi vị thì các tình trạng này được gọi là 'Ngày' và 'Đêm' của Brahma - Thượng đế, với ngài 'thức' hay 'ngủ'.

Khi bắt đầu giai đoạn tích cực, triết lý bí truyền  dạy rằng Tinh chất thiêng liêng này mở rộng từ trong ra ngoài và từ ngoài vào trong , và vũ trụ hữu hình hay hiện tượng là kết quả sau cùng của một chuỗi dài những lực vũ trụ theo đó chuyển động dần. Tương tự vậy, khi tình trạng tiêu cực xẩy ra, Tinh chất thiêng liêng co rút lại, và công trình sáng tạo từ từ lần lượt biến mất. Vũ trụ hữu hình hóa tan rã, vật chất bị tứ tán, và sự 'tối đen' lại một lần nữa phủ lấy bề mặt của 'thẳm sâu'. Dùng ẩn dụ của Mật Thư sẽ cho ý tưởng rõ ràng hơn, là hơi thở ra của 'tinh chất' đó tạo nên thế giới, và hơi thở vào làm nó mất dạng. Diễn trình này đã từng có từ vô biên, và vũ trụ hiện thời của chúng ta chỉ là một trong một loạt bất tận, vô thủy vô chung.

Nói thêm thì hiện đang có việc đặt lại câu hỏi về thuyết nổ bùng Big Bang (vũ trụ chỉ sinh ra có một lần và rồi tiêu tán), và thuyết cho rằng vũ trụ tái sinh theo định kỳ ngày càng có thêm ủng hộ.

CHƯƠNG XXI

Ảnh hưởng của Theosophy với văn chương, nghệ thuật

Phần kế đây ta nói vắn tắt về ảnh hưởng của Theosophy với văn chương, nghệ thuật như hội họa, âm nhạc.

A. Văn Chương

Tại Ái Nhĩ Lan, thi sĩ Yeats được giải Nobel và  văn sĩ George Russell là hai văn nghệ sĩ tiếng tăm. Liên hệ giữa Theosophy và sáng tác của hai người được ghi như sau trong quyển tiểu sử của George Russell, tác giả John Eglinton:

– Có lẽ không quốc gia nào có thời kỳ sinh hoạt văn chương mà không đi kèm với, hay trước đó không có, sự kích thích do quan tâm về tôn giáo ... Ai tìm kiếm điều ấy tại Ái Nhĩ Lan vào lúc này (1937), sẽ thấy được nó trong sự sôi nổi mà sinh hoạt ban đầu của phong trào TTH tại Dublin gợi nên trong tâm hồn của một nhóm thanh niên. Bằng chứng là không những vào lúc đó không có phong trào tôn giáo nào khác ở Ái Nhĩ Lan, mà hai ông Russell và Yeats, về sau là hai nhà lãnh đạo chính của sinh hoạt Phục Hưng Văn Học, có liên hệ chặt chẽ với phong trào TTH.

Russell và Yeats chế ngự hoàn toàn sinh hoạt nói trên và chi phối trọn đời sống trí thức của Ái Nhĩ Lan trong thời đại của họ.

Trong quyển khác, Ireland's Literary Renaissance, tác giả Ernest Boyd viết:

Phong trào TTH cho ra một tâm văn chương, nghệ thuật và trí thức, từ đó tỏa ra ảnh hưởng mà ngay cả ai không thuộc về nó cũng cảm thấy được. Hơn nữa, phong trào đặt nền tảng chung cho tất cả ai nhiệt thành nhất trong các trí thức già cũng như trẻ. Nó mang lại với nhau các nhân vật khác biệt nhất, mở rộng rõ ràng phạm vị của văn chương mới, nhấn mạnh tiến bộ rõ rệt trong tất cả phong trào quốc gia trước đây... Nó là một nơi hòa hợp trí tuệ mà từ đó các yếu tố chân chính và vững chắc của dân tộc tính hiện ra được củng cố, và phần cặn bã rơi rớt mất đi.

William Butler Yeats (1865-1939)

Thi sĩ Yeats là hội viên tích cực của chi bộ TTH ở Dublin, Ái Nhĩ Lan. Khi gia đình sinh sống tại London, ông tiếp xúc với H.P.B. trong thời gian bà cư ngụ nơi đây.Ông thành hội viên chi bộ London và khi trường bí giáo thành lập năm 1888, ông là một trong những học viên đầu tiên của trường.Thời đại của ông là thời đại của thuyết duy vật, thuyết tiến hóa. Điều sau thuyết phục được trí tuệ của ông nhưng  Yeats không hài lòng, và ông ước ao có một điều gì đó thỏa mãn được mong muốn kéo dài của tâm tư. Phân tích của giáo sư William York Tindall về Yeats năm 1942 ghi:

– Giáo hội ở Ái Nhĩ Lan không còn làm ông thỏa mãn ... Trong sự hoang mang đó ông khám phá được Theosophy, ... cho tâm hồn ông sự mở rộng mà nó cần, và dường như không làm trí tuệ phản đối.

Ông rất quan tâm đến H.P.B như thấy trong đoạn thư sau gửi cho bạn:

– Hãy đến gặp bà ngay khi anh tới London ...

Bài viết khác của ông ghi:

– H. P.Blavatsky ... nhất định là phụ nữ học rộng và có tư chất ...

– Tôi tin các vị thầy của bà Blavatsky là huấn sư chính đáng, học rộng, và tôi tin tưởng họ như trò tin vào thầy.

Thi sĩ rời trường Bí Giáo năm 1889, tuy vậy ông chịu ảnh hưởng của H.P.B. như lời phân tích sau của Richard Ellman, tác giả quyển tiểu sử Yeats: The Man and the Mask.

Nói về các triết lý thì Yeats mặc nhiên chấp nhận phần lớn những gì mà hội viên  TTH tin, tuy chuyện dễ hiểu là ông thích gán cho Boehme, Swedenborg và ai đáng tin khác như là nguồn của chúng, hơn là cho bà Blavatsky ... Dù ý tưởng của bà cho ra ảnh hưởng ngay tức thì hay tiềm tàng trong trí não của ông, chúng đều cho tư tưởng của ông một căn bản, và tràn lan trong triết lý của ông. Thí dụ tác phẩm A Vision có đầy nối kết với Theosophy.

... Truyền thống huyền bí học và tôn giáo mà Theosophy giải thích có nhiều điều hữu lý, thâm sâu ... Theosophy cho ông cái khiên và thanh kiếm, và ông xông tới như hiệp sĩ Don Quixote tuy có chút ngần ngừ, tấn công điều xấu của đời sống hiện tại ... Cho dù ông ra khỏi hội, năm hay sáu năm trong Hội, trong đó có ba năm tích cực hoạt động đã để lại ảnh hưởng cho ông.

Hơn thế nữa, Yeats nhìn nhận với John Eglinton rằng tổng quát mà nói, hội Theosophy đã làm nhiều điều cho văn chương Ái Nhĩ Lan hơn đại học Trinity College của Ái Nhĩ Lan đã làm trong ba trăm năm.

–George W. Russell (1867-1935)

Là thi sĩ, nhà văn, nhà báo, chuyên gia kinh tế, được xem là người Ái Nhĩ Lan cao cả nhất trong thời của ông. Ông quen biết với Yeats khi học chung ở đại học, và qua Yeats cùng Charles Johnston (thành hôn với cháu gái của H.P.B.) mà ông biết đến Theosophy. Một bạn thân của ông viết về những ngày này:

– ... Ông là thanh niên ngượng nghịu và ít lời, tuy nhiên ông hấp thu Theosophy với mức độ nhanh chóng như có phép mầu, làm như nó là bài học quen thuộc tạm thời bị quên lãng mà nay được gợi nhớ lại, với hiểu biết đầy đủ hơn. Chỉ trong một tuần ông đã có thể dự vào cuộc thảo luận với những sinh viên khác lớn tuổi hơn, và có bài giảng về điều vừa học - tuy mới mà cũ.

Hiểu biết về Theosophy của ông có được từ những bài viết trong tạp chí The Path của ông W.Q.Judge và Lucifer của bà Blavatsky ... Sau đó là các tác phẩm của bà như The Secret Doctrine, The Voice of Silence  The Key to Theosophy. Theo lời của Russell, 'được đắm mình trong các sách này, tôi thấy lạ lùng rằng mình đã có thể làm gì để được sinh ra trong thời đại mà minh triết như thế được dâng tặng cho mọi ai có thể hỏi xin, mượn, hay lấy cắp một bản những sách vở này'.

Trong thư viết cho bạn ngày 17-10-1922, Russel kể về các hội viên TTH làm việc trong những phong trào khác ngoài Hội, 'và đem vào đó một khuynh hướng tinh thần. Tôi cố gắng làm vậy trong các phong trào kinh tế và văn hóa mà tôi có dự phần ở Ái Nhĩ Lan.'

Qua Charles Johnston (nói ở trên) và vợ ông, Russell có dịp gặp gỡ H.P.B. Khi có người thắc mắc là hiện tượng do bà tạo ra chân thật hay không, ông nói:

– Họ muốn nói gì thì nói, còn tôi đã thấy bà làm nhiều điều kỳ diệu.

Có người cho rằng sự liên hệ của Russell với Theosophy và hội TTH ở Dublin chỉ là một giai đoạn trong đời của ông lúc mới trưởng thành.Tuy nhiên hành động của ông chứng tỏ chuyện khác. Từ 1898 đến 1933 khi ông rời Ái Nhĩ Lan, Russell giữ cho một nhóm nhỏ tên The Hermetic Society được sống động  gồm các học viên chân thành. Còn ông viết cho bạn về nhóm này:

Có lúc nhóm đông người tham dự, khi khác thì là nhóm ít người. Nó lên, xuống, rồi lên trở lại; người ta đến rồi đi chỗ này chỗ kia, và tôi thấy mãn nguyện trong lòng là mọi người ít nhiều đều trải qua việc tắm mình trong các ý tưởng TTH. Tôi không có triết lý riêng nào, không có gì ngoại trừ H.P.B., W.Q. Judge, The Bhagavad Gita, Upanishads, Patanjali, và một hay hai kinh sách ... Tôi làm hết sức mình để theo việc học mà H.P.B. và W.Q.J. đã khởi xướng.

Điều làm nhiều người quý mến ông là Russell sốngtheo triết lý của mình. Khi ông qua đời năm 1935,  báo tường thuật là đoàn người đi theo linh cữu người ông tới nghĩa trang dài gần hai cây số.

–James Joyce (1882-1941)

Ông là tác giả quyển sách nổi tiếng Ulysses, và lần đầu tiên gặp Russell, Joyce cùng ông nói chuyện về Theosophy.Sách ghi lại rằng Joyce 'thật tình chú ý đến những đề tài TTH như chu kỳ cuộc sống, luân hồi, các đấng cao cả nối tiếp nhau, và phần minh triết trường tồn nằm trong các tôn giáo lớn'. Joyce đọc các sách của ông Sinnett và bà Blavatsky, và rút nhiều điều từ chúng đem vào tác phẩm của mình (thí dụ như ý niệm luân hồi trong Ulysses), tới mức quyển James Joyce's Ulysses của tác giả Stuart Gilbert khuyến cáo người đọc:

– Ta không thể hiểu được ý nghĩa của Ulysses, biểu tượng của nó và tầm quan trọng của đề mục nêu trong sách nếu không có hiểu biết về lý thuyết huyền bí là nền tảng của chuyện ... Nhiều đoạn tối nghĩa trong sách sẽ thành dễ hiểu hơn nếu ta ghi nhớ điều này trong trí.

Nhà phê bình khác thì viết:

– Joyce xem huyền bí học là cái khung thích hợp cho ý niệm văn chương nghiêm chỉnh nhất của ông, giống như Yeats.

Phần dưới đây là tóm tắt về ảnh hưởng của Theosophy với vài văn sĩ Anh và Hoa Kỳ:

– Jack London (1876-1916), mạnh mẽ đề cập tới thuyết luân hồi trong các tác phẩm của mình. Chuyện The Star Rover của ông có đoạn:

Cả đời mình tôi có ý thức về những nơi chốn và thời điểm khác. Tôi ý thức có những người khác trong tôi ... Tôi chưa hề hé môi nói chữ 'vua', vậy mà nhớ là có lần tôi là con trai một vì vua. Còn nữa, tôi nhớ có lần mình là nô lệ và là con trai một nô lệ, đeo vòng bằng sắt quanh cổ mình ... Tất cả những cái tôi trước của tôi đều có tiếng nói, âm vang, thúc giục trong  người tôi ... Tôi là người nam được người nữ sinh ra. Tôi là người nữ được người nữ sinh ra.Tôi là người nữ và sinh con.Và tôi sẽ tái sinh nữa.Ồ, tôi sẽ còn tái sinh biết bao lần nữa.

Văn sĩ khác (Prewitt) nói rằng nhờ đọc Jack London mà lần đầu tiên sách cho ông hình ảnh rõ ràng về việc linh hồn tái sinh.

– Emil M. Foster (1879-1970) .

Có nhận xét:

– Không cần phải suy đoán về sự chú ý của E.M. Foster đối với bà Blavatsky vì ai cũng biết là văn sĩ thường quan tâm về bà và phong trào TTH.

Nói về tác phẩm nổi tiếng A Passage to India đã được quay thành phim, các nhà phê bình ghi nhận là bối cảnh của sách được đặt ở vùng đất tinh thần của Theosophy, và một nhân vật trong chuyện bà Moore có nhiều nét tương đồng với bà Blavatsky.

Trong chuyện khác Howards End, nhân vật Margaret Schlegel đọc sách TTH, suy nghĩ về hào quang, cõi trung giới v.v.

– D.H. Lawrence (1885-1930)

Trong một cuộc phỏng vấn nhiều năm sau khi ông đã qua đời, vợ ông cho biết:

– Ông đọc và ưa thích tất cả những tác phẩm của bà Blavatsky, vừa đọc vừa mỉm cười về hình ảnh quả trứng (tượng trưng cho vũ trụ) mà bà dùng, và rồi ông cũng nói tới hình ảnh này nhiều lần trong sách của ông.

Còn chính ông thì viết trong quyển Fantasia of the Unconscious:

– Tôi thành thật tin rằng thế giới ngoại đạo lớn lao mà Ai Cập và Hy Lạp là những nước rơi rớt lại, cái thế giới đi trước thời đại chúng ta, đã có một khoa học rộng lớn và không chừng toàn hảo của riêng nó, một khoa học về sự sống. Sang thời nay khoa học đó tàn lụi thành huyền thuật và trò lừa đảo.Nhưng ngay cả minh triết cũng suy tàn.

Tôi tin rằng khoa học lớn lao ấy có trước khoa học của chúng ta, và khác biệt hẳn về chi tiết và tính chất so với khoa học của ta; nó đã có thời phổ biến khắp nơi trên địa cầu. Tôi tin là nó bí truyền, được giữ kín trong khối giáo sĩ đông đảo. Tựa như toán, cơ học và vật lý được định nghĩa và giảng giải theo cùng cách trong  đại học ở Trung Hoa, Bolivia hay London, Moscow ngày nay thì tôi thấy có vẻ như trong thế giới ngày trước so với thế giới ngày nay của ta, có một khoa học lớn lao và vũ trụ học được giảng dạy bí truyền trong hết các nước trên địa cầu, Á châu, Polynesia, Mỹ châu, Atlantis và Âu châu ...

Nhiều điểm trong các chuyện của ông (The Plumed Serpent, Apocalypse) được cho là bắt nguồn từ ý tưởng trong sách của bà Blavatsky.

– T.S.Eliot (1888-1965) là nhà thơ nổi tiếng với tập thơ The Waste Land (Hoang Địa), có hình ảnh của bà Blavatsky thấp thoáng trong đó qua nhân vật Madame Sosostris. Vậy chưa đủ, ông đem hẳn bà vào thơ của mình trong  bài A Cooking Egg, và phê bình gia cho rằng các tác phẩm của ông lộ ra sự tương tác huyền bí giữa cấu trúc cơ thể con người và cấu trúc của vũ trụ.

– Thorton Wilder (1897-1975) dùng bà Besant làm thí dụ cho bài viết của mình, và khi khác thì cho nhân vật nói lên triết lý mà Hội đưa ra như luân hồi, nhân quả.

– L. Frank Baum (1856-1919)  là tác giả chuyện nhi đồng có tiếng 'The Wizard of Oz'. Mẹ vợ của ông là hội viên hội Theosophy, và nhờ bà mà ông biết đến Hội rồi gia nhập năm 1885.Tuy nhiên trước đó hai năm, với cương vị là chủ bút một tờ báo ông giới thiệu hội Theosophy tới độc giả.Ý tưởng có nét TTH tràn ngập trong chuyện The Wizard of Oz từ đầu tới cuối, và cho ông hứng khởi.

 

B. Nghệ Thuật.

Nay ta bước sang ảnh hưởng của Theosophy trong nghệ thuật như hội họa và âm nhạc. Bắt đầu với hội họa, trong quyển An Art of Our Own, The Spiritual in Modern Art, tác giả Roger Lipsey viết:

Khi Theosophy bước vào thế kỷ 20 và bành trướng mạnh mẽ từ nước này sang nước kia, trong một khoảng thời gian nó trở thành một văn hóa khác nổi bật. Nó là trường phái mà nghệ sĩ và người tìm ý nghĩa cuộc sống có thể tìm thấy sự mô tả khác biệt hẳn về thế giới và con người.

Ai trong chúng ta chưa từng xem và thưởng thức các họa phẩm của Piet Mondrian, một người theo đuổi Thesophy suốt cả đời ông ? Kadinsky, từ lâu được xem là 'họa sĩ của họa sĩ ', trong những năm gần đây đã có tiếng tăm nhờ nhiều cuộc triển lãm đầy đủ họa phẩm và nghiên cứu về ông. Dù không hề là người TTH đúng nghĩa và có sở thích đa dạng, ông là người cả đời đi tìm chân lý và có vẻ như  rút ra được hiểu biết căn bản của mình về 'chân lý' có nghĩa gì từ ... quan điểm của TTH về thế giới.

Kadinsky và Mondrian được xem là hai sáng lập viên chính cho nền hội họa tân thời hay nghệ thuật trừu tượng.

–Wassily Kadinsky (1866-1944).

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của họa sĩ, tờ New York Times có bài viết của phê bình gia Hilton Kramer về ông.Kramer bàn về giai đoạn chính yếu mà họa sĩ học hỏi Theosophy, cho phép ông có bước nhẩy cách mạng vào thuật trừu tượng. Kramer ghi,

– Theo cách suy nghĩ của họa sĩ, việc ông gắn bó với Theosophy ít nhất bảo đảm cho ông là nghệ thuật trừu tượng sẽ đạt tới ý nghĩa tinh thần cao hơn.

Điều ghi nhận đặc biệt về Kadinsky là quyển sách nhỏ Concerning the Spiritual in Art của ông. Sách xuất bản năm 1911 rất đúng lúc và hào hứng khiến các nghệ sĩ tiền phong avant-garde ở khắp nơi để ý tới thông điệp của sách. Trong những trang đầu ông đề cập tới bà Blavatsky:

–  Nghệ thuật đi tìm sự trợ giúp của người sơ khai và quay về thời đại bị bỏ quên một nửa để có sự giúp đỡ từ phương pháp đã quên một nửa. Tuy nhiên, những phương pháp này vẫn còn sống động và được sử dụng trong các nước mà chúng ta, do sự hiểu biết rộng rãi của ta, hóa ra quen thuộc với lòng thương hại và dạ chê bai. Người Ấn thuộc về một nước như thế, và thỉnh thoảng họ trực diện các nhà thông thái thuộc nền văn minh của chúng ta với những vấn đề  mà hoặc ta bỏ qua không chú ý, hoặc gạt qua bên với cách nói và lời giải thích hời hợt.

Bà Blavatsky là người đầu tiên, sau khi sống nhiều năm ở Ấn, thấy sự liên kết giữa 'những người bán khai' đó và 'nền văn minh' của chúng ta. Từ phút ấy có phong trào tinh thần vĩ đại mà ngày nay thành đông người và có hình thức rõ ràng là Hội Theosophy. Hội gồm các nhóm người tìm giải pháp cho vấn đề tinh thần bằng hiểu biết nội tâm. Lý thuyết của Theosophy dùng làm căn bản cho phong trào này là do bà Blavatsky đề ra, dưới dạng hỏi đáp qua đó học viên nhận được lời đáp rõ ràng theo quan điểm TTH cho thắc mắc của mình.

Họa sĩ giải thích thêm ấy là quyển The Key to Theosophy. Tuy nhiên tài liệu nghiên cứu về ảnh hưởng của Theosophy cho rằng khi đưa ra lý thuyết riêng cho mình và rồi thực hiện chúng bằng tranh vẽ, ông lại sử dụng rất nhiều ý tưởng trong bộ The Secret Doctrine, sách của hai vị A. Besant và C. W. Leadbeater.

–Piet Mondrian (1872-1944).

Nhà họa sĩ Hòa Lan này hiện nay được xem là người sáng lập cao tột nhất của nghệ thuật trừu tượng. Ông gia nhập Hội năm 1909, và quyển tiểu sử Mondrian ghi 'họa sĩ quan tâm sâu xa về của vấn đề tôn giáo, và luôn luôn tích cực chú ý đến Theosophy'. Sách viết thêm:

– Theosophy đối với Mondrian không phải chỉ là niềm ưa thích riêng. Khoảng năm 1910 nhiều nghệ sĩ  qua TTH đi tìm những giá trị sâu xa và phổ quát hơn, ý nghĩa nằm sau ý nghĩa, những chiều đo mới của sự hiểu biết.

Nói về món nợ mà Mondrian có đối với Đông phương xuyên qua Theosophy, các phê bình gia khác nhận xét:

– Theosophy ... trước hết là phương tiện cho họa sĩ thoát khỏi  ảnh hưởng của cha mình.

– Nhờ Theosophy mà ông có được tự do thoát khỏi tín điều của giáo phái Calvin.

– Việc học hỏi Theosophy của ông kéo dài và tỉ mỉ.

Năm 1972 kỷ niệm bách chu niên ngày sinh của họa sĩ, cùng với cuộc triển lãm tranh ông ở New York, một bài viết được đưa ra mang tên 'Mondrian và Theosophy' . Bài viết giải thích:

– Những ý tưởng liên quan đến cuộc thảo luận của ông nằm rải rác trong biết bao tài liệu, cuộc thảo luận do H.P.B. và ai quanh bà phụ trách.

Nhiều tranh của Mondrian vẽ theo quan điểm TTH về sự tăng trưởng do luật tiến hóa, do luân hồi. Quan điểm ấy thấm nhuần khắp hết các bài viết lý thuyết của họa sĩ; ông đặc biệt ám chỉ tới thuyết tiến hóa nói trong bộ The Secret Doctrine như là yếu tố quyết định trong lịch sử nghệ thuật. Năm 1918 khi trả lời một cuộc phỏng vấn, họa sĩ nói:

– Những điều tôi có được đều là từ trong bộ The Secret Doctrine mà ra.

Xưởng vẽ của ông được mô tả như sau:

– Mondrian rất kỹ lưỡng về các vật trong phòng vẽ của mình. Thế nên chuyện đáng để ý là ông cho treo một hình chụp lớn trên tường trong  phòng làm việc, bên cạnh những khung mầu thuần sắc. Đây là hình  vẽ chân dung lớn hơn người thật của nhà huyền bí học có ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 19, H.P. Blavatsky.

–Paul Klee (1879-1940)

Ông cũng là một trong những họa sĩ lập ra môn phái trừu tượng. Klee chú ý đến tiềm thức, tranh của ông mang tính chất thần bí và nhà phê bình Knotts nhận xét như sau về ảnh hưởng của bà Blavatsky đối với họa sĩ:

  Chắc chắn ông Klee có chú ý đến việc bà Blavatsky giải thích các lực bí ẩn liên quan đến một mức độ khác của tâm thức con người, một mức độ mà ông luôn thấy mình có liên kết. Trong tác phẩm của mình ông Klee gần như luôn luôn tách rời vật khỏi khung cảnh ngay cạnh chúng, và đặt chúng vào những cõi không ngừng mở rộng, với kết quả là có sự tương ứng giữa trái đất và vũ trụ, vật sống và vật chết, chuyện quá khứ và hiện tại.

–Paul Gauguin (1849-1903)

Ông là họa sĩ đại diện cho trường phái biểu tượng, và là một họa sĩ khác chịu ảnh hưởng của Theosophy. Sử gia nghệ thuật Thomas Buser viết như sau trong bài 'Gauguin's Religion' đăng trên tạp chí Art Journal số mùa hè 1968:

 Một trong nhiều điều khác biệt về Paul Gauguin là ông vẽ tranh tôn giáo. Có ít tranh tôn giáo của các họa sĩ lớn thuộc cuối thế kỷ 19, và có ít họa sĩ lớn quan tâm đến tôn giáo, dù là trong đời sống riêng tư. Tuy nhiên, với Gauguin, tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong nghệ thuật và đời ông ... Dầu vậy niềm tin của ông dễ có tính thần bí hơn là theo giáo hội lúc bấy giờ ... Nói giản dị thì Gauguin có vẻ như  say mê Theosophy.

Vào những giai đoạn khác nhau, điều ông viết và vẽ đi song song chặt chẽ với triết lý TTH của tác giả Édouard Schuré trong quyển Les Grands Initiés được ưa chuộng ... Ngay từ thuở đầu, chuyện làm Gauguin thích thú về Theosophy là triết lý của nó về vị đạo đồ hay người có khải thị, có thể nhìn xuyên qua cõi bên kia ...

Buser tin rằng chắc chắn Gauguin biết đến Theosophy từ năm 1889 lúc quyển sách trên xuất bản. Thực vậy, Theosophy đi song đôi với sự sáng tạo trong kiểu vẽ già dặn của họa sĩ. Ít nhất, sự hiểu biết về Theosophy giúp giải thích làm sao ông có thể tìm ra nhiều tương hợp như thế, giữa các kiểu thức của nghệ thuật tôn giáo trong nhiều nền văn minh khác biệt như Java, Ai Cập, Hy Lạp v.v.

Bài viết của Buser kết luận:

– Tuy các nhân vật trong tranh Gauguin có thể không bao giờ được 'giải thích' trọn vẹn, có một điều nói được về họ. Nói không rào đón thì khi suy nghĩ về một đề tài, ông suy nghĩ theo Theosophy. Trí tưởng tượng của ông có tính TTH.Theosophy là quan điểm của ông về thế giới. Hy vọng rằng hiểu biết này của chúng ta không giải thích cho qua tranh Gauguin, mà làm ý nghĩa của chúng sâu xa hơn...

Ý nghĩa tranh Gauguin có chứa đựng huyền bí học, về nhiều mặt huyền bí học đặt ra nền tảng cho trọn trường phái Biểu Tượng. Dầu vậy trong trường hợp của Gauguin, triết lý TTH cho ông cái sườn trí tuệ để nhờ vậy làm sâu đậm thêm ý nghĩa của tranh vẽ, còn cảm nhận của ông biến bố cục tranh thành tác phẩm có óc tưởng tượng cao độ.

Thiện cảm của Gauguin đối với các ý tưởng trong TTH gồm luôn cả việc tái sinh, và ông ghi như sau trong tác phẩm Modern Thought and Catholicism, viết vào những năm cuối đời trên đảo Tahiti, xuất bản sau khi ông đã qua đời. Ông vẽ xong một bức tranh lớn năm 1898 có tên ' Chúng ta từ đâu đến, ta là gì, ta đi về đâu ?'; đó cũng là câu mở đầu cho sách nói trên, và ông tiếp tục:

Chuyện ngụ ngôn về cái thang của Jacob từ đất bắc lên trời mà các thiên sứ đi lên xuống các bậc, quả giống với việc lên và xuống theo nấc, từ thấp nhất đến cao nhất trong đời, tùy theo việc sử dụng tích cực nhiều hay ít tính chất của các ngài ... giáng cấp hay nâng cấp theo mức xứng đáng và không xứng đáng. (Ấy là) ý niệm về luân hồi như được nhìn nhận trong Ấn giáo, và là điều mà Pythagoras học từ người Ấn và dạy lại ở Hy Lạp ... Nó nói rằng linh hồn tạo nên các thể, linh hồn cho ra cuộc tiến hóa của các sinh vật  thuộc đủ loài ... Thượng đế ... là biểu tượng cho tinh thần tinh khiết bất diệt, cái tinh thần chung của vũ trụ ... trở thành nguyên lý của mọi sự hòa điệu, là chung cuộc sẽ đạt tới mà đức Chúa trưng ra, và trước ngài là đức Phật đã nói tới. Và mọi người sẽ thành Phật.

Vào tháng 11-1986 Los Angeles County Museum of Art có buổi khai mạc khu triển lãm mới, với cuộc triển lãm tên The Spiritual in Art and Abstract Painting 1890-1985. Cuốn thư mục trong dịp này ghi lại hơn bốn trăm họa phẩm, và cuộc triển lãm dài ba tháng sau đó lên Chicago rồi sang the Hague. Ở cuối thư mục có một hình lớn của H.P.B và bài dài hai trang viết về Theosophy, nói rõ ràng:

– Hội Theosophy trở thành tổ chức có ảnh hưởng rộng rãi nhất qua việc thăng tiến trong công chúng các giảng dạy huyền bí ở thời đại hiện nay ... hội tỏ ra quan trọng về mặt lịch sử trong việc làm phổ thông hóa ý tưởng về luân hồi, nhân quả, các Chân sư, và Tây tạng như là vùng đất của minh triết muôn đời; trợ giúp cho việc hồi sinh Phật giáo ở Tích lan và Ấn giáo tại Ấn độ.

–Gustave Mahler (1860-1911)

Lúc sinh thời, Mahler không được chú ý mấy như là nhà soạn nhạc, mà ông chỉ được biết tới ở Âu châu và về sau ở Mỹ châu như là nhạc trưởng. Các hòa tấu khúc của ông và nhiều sáng tác khác đi trước thời đại, nên được đón nhận với sự thắc mắc hơn là ngợi khen. Ông đã tiên đoán rằng 'Thời của tôi chưa đến', và đúng y như vậy.Nay ông được xem như là một nhạc sư tài ba.

Năm 1895, Mahler khởi sự viết hòa tấu khúc thứ ba. Tuy những hòa tấu khúc trước đây của ông có tính bi thảm và lộ ra sự tỉnh mộng cay đắng với đời, bản thứ ba được mang tên 'The Joyful Knowledge – Hiểu Biết Hoan Hỉ', và nhà nghiên cứu về Mahler nhận xét tác phẩm có 'một niềm lạc quan mới tìm ra, hay đúng hơn nó là một sự tỏ ngộ thần bí về sự hữu lý và mục đích của việc hiện hữu'.

Hiểu Biết Hoan Hỉ này là gì ?Trong quyển tiểu sử của ông, bạn thân Mahler kể lại một cuộc trò chuyện với nhạc sư tại Hamburg năm 1895. Vào dịp ấy Mahler nói với lòng tin tưởng mạnh mẽ:

– Tất cả mọi chúng ta đều tái sinh; chính sự xác quyết này làm đời sống có ý nghĩa; và khi sinh ra ở đời sau mà ta không nhớ gì về đời trước, điều ấy không có ảnh hưởng chi hết. Điều quan trọng không phải là cá nhân và sự an vui của họ, mà là ước vọng lớn lao về sự toàn thiện và sự thanh khiết nơi mỗi lần tái sinh.

Có thể nói là bản hòa tấu khúc thứ ba mô tả việc tái sinh của sự sống qua các loài thấp đến con người và đi xa hơn nữa. Trong một thư cho bạn, Mahler ghi là ông muốn diễn tả trong bản này sự phát triển của thiên nhiên theo đà tiến hóa, nó ẩn dấu trong chính mình hết tất cả những gì đáng sợ, cao cả và luôn cả nét đáng yêu. Ông nói thêm:

– Lẽ tự nhiên chưa có ai hiểu điều này. Tôi luôn luôn ngạc nhiên, thấy lạ lùng là đa số người khi nói 'thiên nhiên' thì chỉ nghĩ đến hoa cỏ, chim chóc, và mùi thơm của rừng. Không ai biết về thần Dionysus, đại thần Pan. Coi đó !Nó như một chương trình, tức là cái mẫu về cách tôi soạn nhạc.Bất cứ ở đâu và luôn luôn, nó chỉ là tiếng nói của thiên nhiên.

Hành âm thứ nhất của tấu khúc được xem là tượng trưng cho 'thiên nhiên' trong trọn tổng thể của nó ... được làm thức tỉnh từ sự yên lặng thăm thẳm mà nó có thể làm reo lên và vang dội lại. Những hành âm tiếp theo mô tả các giai đoạn của việc tái sinh, đi lên từ thảo mộc qua thú cầm, con người, trở về Nguồn Thiêng liêng toàn năng, toàn tri.

Ta được biết niềm tin của nhạc sư về sự tái sinh có được là nhờ ông tiếp xúc với các thân hữu là hội viên hội Theosophy, quen biết trong thập niên 1890.

–Jean Sibelius (1865-1957)

Vào sinh nhật 90 tuổi của nhạc sư Sibelius, bài phê bình âm nhạc trên tờ New York Times (December 1955) viết:

– Mối tương quan giữa sự sống và âm nhạc là một trong các quan tâm chính của Sibelius ... Sự đồng hóa của ông với đồng nội, rừng cây, biển cả và trời cao sâu xa đến mức nó luôn luôn thấm nhập vào nhạc của ông ... Hồi là thiếu niên, Sibelius dạo chơi thơ thẩn trong cảnh thiên nhiên ở quê nhà là tỉnh Hame. Chim chóc luôn luôn làm ông thích thú. Có lần ông nói với con rể 'Mấy triệu năm về trước, trong những kiếp xưa của ba, hẳn ba phải có liên hệ với thiên nga hay ngỗng trời, vì ba vẫn còn cảm thấy tình luyến ái đó'.

Một người bạn và là hàng xóm của ông cho biết Sibelius nói chuyện cởi mở với thân hữu gần gũi về niềm tin của ông về việc tái sinh, và luôn cả những kiếp trước của mình. Một giáo sư Hoa Kỳ kể là có lúc họ sang Phần Lan tìm tới nhà của gia đình nhạc sĩ để thăm, và được nghe hàng xóm của nhạc sư thuật rằng Sibelius và các nhạc sĩ quanh ông tham gia nhiều vào việc học hỏi Theosophy cũng như chỉ dạy của tổ chức Rosicrux.

–Alexander Scriabin (1872-1915)

Phần này đã ghi trong bài Nhạc Thiên Nhiên và Scriabin, PST 55, xin mời bạn xem lại.

CHƯƠNG XXII

Phật Giáo Truyền Sang Tây Phương & ảnh hưởng của HPB qua các tác phẩm 

Phật Giáo Truyền Sang Tây Phương

Tính đến giữa thế kỷ trước, Phật giáo được xem là một tôn giáo bên lề tại Âu châu và Mỹ châu.Thay đổi bắt đầu xẩy ra khi quyển sách bìa mềm tựa Buddhism được nhà sách Penguin phát hành năm 1951 tại Hoa Kỳ và Anh.Từ đó tới nay đã có hơn một triệu cuốn được bán ra. Christmas Humphreys (1901-1983), tác giả sách, là chủ tịch và là sáng lập viên Hội Phật giáo tiếng tăm ở London, và lèo lái tổ chức trong 60 năm.

Ông cũng là người có tiếng trong ngành luật, là Công tố viên Thượng cấp của chính phủ Anh và sau đó là quan tòa thuộc Tối cao Pháp viện. Cha của ông cũng là quan tòa có tiếng, được gọi là 'Ông Tòa Treo cổ', còn ông Humphreys được xem là  'Ông Tòa Dịu hiền, giúp thay đổi cuộc đời của ai bị ông xét xử.

Quyển Buddhism thường nhắc đến Theosophy và trích từ các bài viết của HPB. Điều này không có gì lạ vì Humphreys là hội viên của Hội cũng như là một Phật tử. Nhiều lần ông nói:

– Hội viên của Hội Theosophy than phiền là tôi thiên về Phật giáo quá, còn Phật tử than phiền vì tôi thiên về TTH quá, nhưng nếu tôi tìm ra một tôn giáo nào mà thích hợp hơn cho nhiều người hơn, tôi sẽ đổi đạo trong tích tắc.

Việc ông làm quen với Phật giáo và về sau với TTH xẩy ra vào lúc ông học luật tại đại học Cambridge.Có lần ông giải thích chuyện gì đến với ông trong quãng đời ấy.

– Hồi 16 tuổi tôi là tín đồ Thiên Chúa giáo nhiệt thành ... Tôi có người anh trai lớn hơn bốn tuổi, bị tử trận ở Ypres trong thế chiến thứ nhất, và thế giới của tôi tan vỡ. Lòng tôi tràn ngập một mối đau khổ vô hạn, với ý thức dữ dội về sự bất công ... Thế giới không còn ý nghĩa gì hết vì không còn hạnh phúc chi cả. Tôi bắt đầu đọc hết mọi điều trong ngành đối chiếu các tôn giáo ...

Tới năm 1919, ông đọc được cuốn Buddha and the Gospel of Buddhism, tác giả Coomaraswamy và nói thầm trong lòng, 'Sách nói đúng, chắc mình là Phật tử !' Ông bảo ý thức bừng tỉnh thực sự của mình đến nhờ hiểu biết ý niệm về nhân quả và luân hồi:

– Đối với tôi, triết lý đầu tiên xem ra hiển nhiên là sự Luân hồi.Tôi không học lại Phật giáo này, mà tôi nhớ lại nó. Tôi biết nó gần như  không cần phải bỏ công đọc lại cuốn sách, và chỉ trong một thời gian ngắn tôi bắt đầu viết và giảng về Phật giáo.

Tuy không hoàn toàn thỏa mãn với triết lý Phật giáo thường được giảng dạy trong thế giới, Humphreys đã tìm ra một lối để đi:

– Tôi thấy con đường nhưng tại sao nó ở đó ? Bản đồ hay một phần bản đồ ở đâu, để tôi có thể thấy khởi đầu và viễn ảnh về chung cuộc của nó ? Vì ngay cả bước kế tiếp cũng hóa chán nếu chính cái hướng của đường Đạo còn mờ mịt không biết ... Bà Rhys Davids (một học giả uyên thâm về kinh sách Phật giáo Tiểu thừa) nói 'Phật giáo là con đường dài giữa sự bất toàn hiện thời của chúng ta và sự toàn thiện tiềm ẩn nơi mọi người'. Nhưng tôi muốn thấy Thiên Cơ ấy. Tôi nhớ mình đứng khựng lại giữa đường trong thành phố Cambridge và lớn tiếng đòi hỏi 'Vậy không được, chán chết, vậy không được ! Mình là ai và mình là gì chứ, quay cuồng trên mảnh đất tí xíu này trong vũ trụ riêng biệt này ?’

‘Tôi tìm thấy Thiên Cơ của mình trong lời bàn của Kinh Dzyan, kinh điển rất cổ xưa của Tây Tạng, trong quyển sách tên The Secret Doctrine, của HPB. Cuốn sách này cho tôi lần đầu tiên điều tôi thấy, lúc đó cũng như bây giờ, như là sự diễn giải rõ ràng vạch ra vũ trụ thành hình như thế nào và ngưng lại ra sao, và nằm trong đó là việc khai sinh và ý nghĩa của con người. Đây là bản đồ của việc trở thành.’

Humphreys gia nhập chi bộ của Hội Theosophy ở đại học, và chẳng mấy chốc thành chi trưởng. Sau khi tốt nghiệp đại học Cambridge năm 1922, ông hoạt động tại hội ở London.Vài năm sau đó ông xin phép được thành lập một chi bộ Phật giáo bên trong Hội, và được chấp thuận.

Một trong những học trò của ông là cô Muriel Daw, ghi rằng khi nghiên cứu quyển The Secret Doctrine và rồi nhập tâm quyển The Voice of the Silence, ông thành ra kính yêu Helena Blavatsky với lòng ngưỡng mộ sâu xa. Ông có lòng tôn kính đối với cái tinh thần đã chiếu rạng qua bà và lòng biết ơn thật vô hạn đối với cuộc đời bà.Hứng khởi bà gợi nên không hề phai nhạt nơi ông, và bức hình của bà treo ở đầu giường ông cho tới khi ông mất.

Hoạt động của ông trong chi bộ Phật giáo thuộc Hội Theosophy kéo dài hai năm. Rồi ông nói:

– Năm 1926 với sự đồng ý của tất cả hội viên chúng tôi rời Hội Theosophy, với lý do là theo quan điểm của chúng tôi, sinh hoạt của chi bộ lúc ấy hướng quá nhiều vào các tổ chức bên ngoài tới mức gạt qua bên phần giáo huấn mà các Chân sư ở Tây Tạng truyền cho bà Blavatsky.

Tổ chức được thành hình mang tên The Buddhist Society với sự giúp đỡ của nhiều người, trong đó có một hội viên TTH tên Aileen Faulkner, mà năm sau thành hôn với ông Humphreys. Cuộc hợp tác tỏ ra mỹ mãn và kéo dài hơn 50 năm. Một thành viên khác cũng hoạt động tích cực trong tổ chức mới này là ông Edward Conze, người mà Humphreys xem là nhân vật lãnh đạo uy tín trong ngành Phật giáo Đại thừa.

Edward Conze cũng là hội viên TTH lâu năm dù làm việc với The Buddhist Society. Ông quí chuộng bộ The Secret Doctrine và tin bà Blavatsky là hậu thân của ngài Tsongkapa, nhà cải cách Phật giáo Tây Tạng hồi thế kỷ 19, và sáng lập ra phái Mũ Vàng là chi phái của đức Dalai Lama và Ban Thiền Lạt ma (Panchen Lama).

Sau khi thành lập The Buddhist Society, Humphreys tiếp tục thuyết giảng và viết sách về TTH. Trong quyển Exploring Buddhism, ông nhận xét là quyển The Secret Doctrine có thể được chấp nhận như là một trong các tác phẩm tôn giáo vĩ đại nhất đã có cho con người. Trong phần giới thiệu quyển Karma and Rebirth, ông cho độc giả hay rằng quyển sách là 'nỗ lực nhỏ bé nhằm xem xét lại đề tài theo những tài liệu có sẵn', chính yếu là kinh điển Ấn giáo và Phật giáo. Ông tiếp tục:

– Khi bình luận thêm vào những kinh sách này, các tác phẩm của HP Blavatsky người từng được học tập trong tu viện Tây Tạng, có ba nguồn 'thẩm quyền' khác mà tính chung, cho ra căn bản cho luật bao trùm khắp, hướng dẫn và quản trị sự tiến hóa của nhân loại.

Hội phải chật vật mới tồn tại và được sự trợ giúp lớn lao của một học trò của bà Blavatsky là tăng sĩ Dharmapala thuộc Tích Lan. Ông đến Anh hai năm để chỉ dạy Phật giáo cho The Buddhist Society; từ Thụy Sĩ  Dharmapala viết cho Humphreys, tự giới thiệu về mình bằng cách nói đến 'tác phẩm thuần Phật giáo', quyển The Voice of the Silence. Không cần phải nói, The Buddhist Society mừng rỡ đón tiếp Dharmapala.Về sau ông lập nên tổ chức British Maha Bodhi Society tại Anh.

Năm 1927, học giả Nhật tiến sĩ D.T. Suzuki cho phát hành cuốn Thiền Luận đầu – Essays in Zen Buddhism. Humphreys nhận xét là 'sách cho chúng ta nhiều hiểu biết hơn ngoài Thiền Phật giáo; nó cho ta viễn ảnh chói ngời về sự mênh mông của Phật giáo Đại thừa, khi cho tới nay hiểu biết của ta hoàn toàn chỉ nằm trong Phật giáo Tiểu thừa,' ngoại trừ quyển The Voice of the Silence của bà Blavatsky.Năm 1910, Suzuki viết cho vị hôn thê của mình là cô Beatrice Lane ở đại học Columbia về cuốn The Voice rằng 'Đây là Phật giáo Đại thừa chân chính'.

Humphreys gặp ông Suzuki năm 1936 tại đại hội thế giới các tôn giáo và kết tình thân, mối giao hữu kéo dài tới khi Suzuki qua đời năm 1966. Phải chờ tới giữa thập niên 1950 khi ông Suzuki có mặt tại Hoa Kỳ mà phong trào Thiền mới nẩy sinh. Đây là lúc 50 tâm lý gia và bác sĩ tâm thần Mỹ gặp ông tại Mexico để học về những ý tưởng của ông, và có nhiều mối liên hệ khác được kết với những tư tưởng gia quan trọng của tây phương.

Ngoài ông Suzuki, một người khác có công lớn nhất trong việc phổ biến Phật giáo tại Hoa Kỳ là Alan Watts; ông đã viết 30 cuốn sách về đề tài này cùng những đề tài khác. Trong quyển In My Own Way, ông viết về ông bà Humphreys như sau, dùng tên thân mật của hai người:

– Toby và Puck cho tôi một sự giáo dục mà không tiền của nào có thể mua được, và tôi chịu ơn hai người vô kể. Dù rằng lúc này tôi trách nhẹ nhàng vài diễn giải của Toby về  Phật giáo, tôi sẽ luôn yêu quí ông như là người đã thật sự làm óc tưởng tượng của tôi linh hoạt, và đặt để tôi trên trọn đường đời của tôi. Ta cần hiểu rằng Toby và Puck, trước tiên hết thẩy, là hội viên Hội Theosophy ... Như vậy, qua sách vở của bà Blavatsky mà các truyền thống này được đến với Toby lúc ông là sinh viên ở đại học Cambridge cùng với Ronald Nicholson.

(Về sau Ronald Nicholson thành giáo sĩ Ấn giáo tên Sri Krishna Prem, và viết quyển sách giá trị tên Man the Measure of All Things, bàn về bộ The Secret Doctrine).

Trong thời gian ông Watts hợp tác  với Humphreys tại London, ông biên tập tạp chí của The Buddhist Society trong hai năm, và do đó có được huấn luyện căn bản để làm việc về  Phật giáo. Ông biết được Suzuki qua Humphreys.

Humphreys có cống hiến đáng kể cho việc nở rộ phong trào Thiền. Ngoài những sách mà ông viết và các lớp ông dạy, Humphreys có công phần lớn trong việc làm cho tác phẩm của tiến sĩ  Suzuki phát hành rộng rãi trong quần chúng tây phương, và là đại diện cho Suzuki ở Âu châu. Dầu vậy, ông không chỉ nhắm vào một trường phái duy nhất của Phật giáo. Mối quan tâm hơn hết của ông là Phật giáo Thế giới, và ông tin rằng chỉ bằng cách kết hợp mọi trường phái với nhau thì ta mới khám phá được hết sự vĩ đại của Phật giáo. Năm 1945 ông trình bầy nét chung của những chỉ dạy như vậy trong tác phẩm 'Twelve Principles of Buddhism', sách được tất cả các chi phái Phật giáo chấp nhận, và đã được dịch ra 14 ngôn ngữ.

Có lần ông được mời góp bài về HPB cho một quyển sách.Humphreys viết:

– Thật là phụ nữ tuyệt vời làm sao ! ... bị hiểu lầm, nói xấu và chê bai, bà có bộ óc thực giỏi dang, lịch lãm và uyên bác thâm sâu; là linh hồn đúng thực cho lòng rộng rãi; một phụ nữ  có hành động và ăn nói thẳng thắn, không chịu nói lời đãi bôi và tầm phào mà ta nói đưa đẩy theo xã hội để được tiếng là biết xử sự phải phép, mà đưa ra sự thật cho bất cứ ai muốn có nó ... Bà không hề đứng trung lập hay là ai cũng thấy bà theo một cách chung. Bà kết được nhiều thân hữu sẵn lòng chết vì  bà, và kẻ thù muốn giết hại bà nếu họ làm được ... Đôi mắt xanh mạnh mẽ có thể nhìn thấu tư cách của người nam hay nữ  đến với bà, và thấy luôn cả ai về sau sẽ phản bội bà ... Bà sẽ giúp đỡ từ số tiền ít oi của mình (và bà luôn có ít tiền) tất cả ai cần được giúp, cho dù lúc ấy bà biết là họ đang âm mưu phá hoại công cuộc mà bà hiến trọn đời mình cho nó ...

‘Bà có sức thu hút mạnh mẽ khi nói chuyện, bà không hề thuyết giảng mà sẽ trò chuyện, và ai được nghe bà nói thì không thể còn nghĩ đến việc gì khác.Năm 1920 khi gia nhập Hội, tôi quen một số người biết rành về bà và họ cùng đồng ý một điều là sau khi đã gặp bà rồi thì không gì còn giống như trước nữa.’

Nay ta sẽ tóm tắt ảnh hưởng của HPB qua các tác phẩm của bà đối với một số ngành sau:

Thuyết Luân Hồi

Bà Blavatsky được cho là đã làm sống lại niềm tin vào thuyết luân hồi trong thời hiện đại, tuy nhiên phải tới giữa thế kỷ 20 con số tác giả viết về thuyết này mới gia tăng mau lẹ. Nói một cách dè dặt thì tại Hoa Kỳ, có ít nhất 1/4 dân số người đã trưởng thành tin vào sự luân hồi. Đây là thống kê trong một nước mà đa số người sinh ra thuộc các tôn giáo không dạy về việc tái sinh, thế nên kết quả thăm dò như vậy thật đáng kể.

Có nhiều nhân vật giúp mang lại thay đổi ngạc nhiên này, và mỗi nhân vật đều có liên quan ít nhiều đến TTH:

● Edgar Cayce (1923) được ông Arthur Lammers khuyến khích soi kiếp để chữa bệnh, với ông Lammers là hội viên hội Theosophy. Ban đầu khi nhận ra là con người có những kiếp trước do soi kiếp, điều này làm ông Cayce bị xáo trộn mạnh mẽ khi tỉnh dậy (ông phải thiếp ngủ mới có thể nhìn lại quá khứ), bởi ông là người Thiên Chúa giáo. Ông bị lòng nghi ngờ dằn vặt, và chỉ sau khi học hỏi kỹ và tìm hiểu kinh thánh cặn kẽ, sau chót ông mới chấp nhận có việc tái sinh.

Trong lúc thiếp ngủ như vậy, ông Lammer đặt câu hỏi với ông Cayce:

– Thông tin về kiếp trước của người ta lấy ở đâu ra ?

Dù thiếp ngủ, ông Cayce đánh vần rõ ràng chữ Akasha (danh từ), và Akashic (tĩnh từ), và giải thích:

– Akasha là chữ Phạn chỉ chất liệu ether căn bản trong vũ trụ, có tính điện - tinh thần. Akasha ghi lại không xóa nhòa được mọi âm thanh, ánh sáng, chuyển động hay tư tưởng từ khi vũ trụ thành hình. Nó ghi lại ấn tượng như tấm phim chụp hình bén nhạy, và có thể xem như là máy chụp hình khổng lồ đúng đắn của càn khôn. Bên trong mỗi chúng ta có khả năng đọc dữ kiện này sinh ra do làn rung động, nó tùy thuộc vào sự nhậy cảm của ta, và gồm có việc tâm thức hòa đúng mức, tựa như vặn radio cho đúng độ dài sóng ... Thiên ảnh ký còn có thể gọi là 'Ký ức chung của Thiên nhiên' hay 'Cuốn Sách Đời'.

● Tâm lý gia Gina Cerminara viết sách Many Mansions về ông Cayce năm 1950 làm nhiều người biết đến ông, về sau xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ, và cô là hội viên hội Theosophy. Trong nhà thì ông ngoại và mẹ cũng là hội viên; cô nói:

– Tôi rất cám ơn về hiểu biết mà Theosophy đã cho tôi. Khi nghiên cứu việc làm của ông Cayce, gần như  không có gì mà ông nói mới mẻ đối với tôi hay làm tôi kinh ngạc, vì đa số phù hợp với điều viết trong sách vở TTH.

● Các giáo sư đại học có tiếng nghiên cứu và giảng dạy về thuyết luân hồi như C.J. Ducasse, Ian Stevenson, làm cho thuyết được coi trọng hơn. Ban nhạc The Beatles cũng chú ý đến triết thuyết đông phương, và chuyện ít ai biết là ca sĩ Elvis Presley học hỏi trong nhiều năm bộ The Secret Doctrine và quyển The Voice of the Silence của HPB. Có người nói về việc ấy như sau:

– Sách vở mà Elvis Presley ưa thích để có được thăng bằng trong đời mình được sinh ra hồi thập niên 1870 ở thành phố New York do bà Blavatsky kỳ lạ lập ra ... Thực vậy, danh ca rất ưa thích cuốn sách mỏng tên The Voice of the Silence của bà dịch từ kinh sách Tây Tạng, nên thỉnh thoảng mang nó ra đọc trên sân khấu, và nó gợi hứng cho anh đến nỗi anh đặt tên cho ban hát thánh ca của riêng mình là Voice.

Khi danh ca đổi thợ hớt tóc sang người mới là Larry, người này làm anh lưu ý đến các Chân sư. Cô Priscilla, vợ của ông, viết trong cuốn tiểu sử Elvis and Me:

– Elvis khám phá ra là còn có nhiều bậc Thầy ngoài đức Jesus, như đức Phật, Muhammad, Moses và những người khác, mỗi người được chọn cho một mục đích riêng. Nay tôi chứng kiến một điều nơi Elvis là sự lộ ra một phần bản tính của anh, khao khát có câu trả lời cho hết mọi thắc mắc căn bản về cuộc đời.

Anh hỏi Larry là tại sao trong số bao nhiêu người trên mặt đất, anh lại được chọn để ảnh hưởng bao nhiêu triệu linh hồn. Được đặt vào vị thế độc đáo này, anh có thể đóng góp ra sao để cứu thế giới bị đè nặng vì nạn đói, bệnh tật và sự nghèo khó ? Mà trước tiên tại sao con người lại phải chịu biết bao đau khổ như vậy ? Và tại sao anh không có được hạnh phúc, khi anh sở hữu nhiều hơn bất cứ ai muốn có ?Anh cảm thấy mình còn thiếu điều gì đó trong đời. Anh hy vọng với nhận xét của Larry, anh sẽ tìm ra con đường dẫn tới các câu trả lời.

Anh hăng hái muốn tất cả chúng tôi - nhất là tôi - thấm nhuần hết mọi hiểu biết mà anh đọc được. Elvis hân hoan chia sẻ mọi điều, đọc cho chúng tôi cả mấy tiếng và đưa cho đọc những cuốn nào mà anh nghĩ là chúng tôi sẽ thích.

... Anh đọc chúng tới lui khiến cho sách hóa nhầu, góc sách xếp lại làm dấu, trang bị hoen ố, gần như mỗi trang có bút chì ghi nốt ... anh bảo tôi, 'Ta phải kiểm soát dục vọng của mình để chúng không kiểm soát được ta'.

● Người khác là Geddes MacGregor, giáo sư triết tại Âu châu và Hoa Kỳ mà cũng là giáo sĩ Anh giáo. Tại Hoa Kỳ ông là giáo sư triết ở đại học Southern California, và dạy triết lý tôn giáo từ 1960 đến 1975. Với tư cách là giáo sĩ, ông được chỉ định thuyết giảng tại St. Paul's Cathedral và Westminster Abbey ở Anh từ năm 1970. Ông viết nhiều sách về Thiên Chúa giáo, trong đó có hai cuốn về luân hồi. Trong một bài giảng năm1982, ông nói:

– Tôi nhớ kỹ hồi năm 15 tuổi, tình cờ tôi đọc được vài cuốn sách do các hội viên tiếng tăm của Hội Theosophy viết. Tôi lập tức bị thu hút, vì chính các cuốn sách thì ít mà đúng hơn là vì những gì có vẻ như chúng làm tôi gợi nhớ lại ... Khi tôi bắt đầu dành đời mình cho Thiên Chúa giáo, cùng lúc ấy tôi lầm tưởng là phải để qua bên những chỉ dạy như thế của TTH; nhưng thực ra tôi không hề từ bỏ chúng, mà cũng không thể làm vậy.

Ngược lại, chúng hằng soi sáng tất cả suy nghĩ của tôi về Thiên Chúa giáo, tuy chỉ trong khoảng thập niên qua tôi mới thấy rõ hơn hết so với trước kia, sự liên kết giữa kinh nghiệm và quan điểm của các nhà thần bí lớn trong Thiên Chúa giáo và Minh Triết Thiêng Liêng, mà nhờ Trời tôi được tiếp xúc thật sớm sủa trong đời, chặt chẽ như thế nào. Nó ở đó nẩy mầm trong tâm, ảnh hưởng hiểu biết tinh thần của tôi về mọi mặt mà chỉ đi tới thành quả trọn vẹn về sau, vào lúc tương đối trễ trong đời.

Không ai, những người đã đọc sách của tôi với con mắt tinh tế, mà không thể nhận ra (đôi khi còn rõ hơn chính tôi) là các ý niệm về MTTL ấy đã ảnh hưởng sâu đậm dường nào đến tư tưởng của tôi.  Tựa như những người xây cất vương cung thánh đường thời trung cổ, tôi đã tạo tác giỏi hơn là tôi tưởng ... Tôi luôn luôn thích thú với nhận thức đặc biệt rõ ràng là vì một lẽ nào đó, ở tuổi còn nhỏ tôi  được cho ý thức sự hiểu biết và cảm nhận mà tôi cần, để thủ đắc một số lớn kiến thức chuyên môn.

Các sách của ông về luân hồi xuất bản từ năm 1978 là:

– Reincarnation in Christianity: A New Vision of the Role of Rebirth in Christian Thought.

– Reincarnation as a Christian Hope.

– The Christening of Karma: the Secret of Evolution.

Giáo sư cũng dạy về thuyết luân hồi tại đại học University of California at Berkeley và đại học Iowa. Năm 1976 khi được mời giảng tại đại học McGill ở Montreal, Canada, ban đầu ông đưa ra ba đề tài cho ban tổ chức chọn. Nhưng rồi ông nẩy ý nghịch ngợm và ghi thêm đề tài thứ tư 'Thuyết luân hồi có tương hợp với Thiên Chúa giáo ?' Câu trả lời tức khắc là:

– Làm sao chúng tôi chịu đề tài nào khác hơn được !

Phong Trào Tâm Linh

Từ  thời của HPB tới nay, tư tưởng con người đã được mở rộng hơn với nghiên cứu về tiềm thức, tâm lý, phân tâm học, tân kỷ nguyên (New Age), kinh nghiệm cận tử (near death experience) v.v. Xem xét kỹ thì trong bất cứ ngành nào kể trên, ta đều có thể ghi nhận ảnh hưởng của HPB. Để tượng trưng thì phong trào tâm linh nở rộ vào cuối thế kỷ trước khiến có ý tưởng cho rằng HPB là mẹ đẻ sáng lập ra việc nghiên cứu chuyện thần bí tại Hoa Kỳ.

Bài viết trên tạp chí McCall số tháng 3-1970  của tác giả Kurt Vonnegut, Jr. tựa đề 'The Mysterious Madame Blavatsky' có những đoạn sau:

– Tôi thấy nhiều người Mỹ biết mơ hồ là có một bà Blavatsky ở đâu đó trong quá khứ xa xăm của chúng ta. Khi tôi hỏi họ đoán xem bà là ai và làm gì, họ đều giả dụ chung rằng bà là người lường gạt nổi tiếng nhất trong số nhiều người lường gạt, giả vờ là nói chuyện được với ai đã khuất. Câu trả lời này thiếu hiểu biết và bất công ...

Bà được 42 tuổi khi tới Hoa Kỳ năm 1873 và tâm trí bà đầy ắp những triết lý bí truyền, nhưng bà lại không muốn làm chuyện tiếp xúc với ai đã chết ... Bà nói rằng mình đã du hành vòng quanh thế giới ba lần trước khi ngừng lại nơi đây. Tờ Daily Graphic tại New York viết :

'Bà sống đời thực sôi nổi, đi tới nhiều vùng của đông phương, tìm kiếm cổ vật dưới chân kim tự tháp và chứng kiến nhiều điều huyền bí trong đền thờ Ấn giáo ...'

Trước tiên bà thật là can đảm khi đi xa như vậy chỉ một mình. Bà cũng thật khôn ngoan, biết hết sinh ngữ này rồi sinh ngữ kia, học những điều mà các hiền triết trong vùng biết. Và bà cũng thật rộng rãi, gần như không muốn gì hết cho mình ... Và bà cũng rất kinh sợ là ai không xứng đáng, không được luyện tập lại có thể mầy mò huyền thuật và sinh ra thảm họa.Bà tạo nên kẻ thù tại Hoa Kỳ vì nói rằng người đồng gặp rủi ro với những lực mà họ không hiểu.

Ông Vonnegut trích đoạn sau trong một bài viết của HPB về huyền bí học:

– Chỉ có động cơ, và động cơ mà thôi, là khiến việc sử dụng quyền năng thành tà thuật, ác độc, hay chính thuật, tốt lành. Ta không thể nào dùng lực tinh thần nếu trong tâm còn dấu vết lòng ích kỷ dù là thật nhỏ. Bởi, trừ phi dụng ý hoàn toàn được trong sạch, phần tinh thần sẽ tự biến sang phần tâm linh, tác động lên cõi trung giới và hệ quả tệ hại có thể được sinh ra. Quyền năng và lực của thú tính (là bản chất tâm linh) có thể được dùng bởi ai ích kỷ và muốn trả thù, cũng như nó có thể được dùng bởi ai không ích kỷ và sẵn lòng tha thứ; còn quyền năng tinh thần chỉ có nơi ai có tâm hoàn toàn thanh khiết, và đó là Huyền Thuật Thiêng Liêng.

Bài viết dài của ông được kết luận như sau.

– Có thể nói tôi viết về bà Blavatsky từ bên trong, lắng nghe bà và những ai yêu quí bà. Tôi cũng có thể dễ dàng tin rằng đời bà là trò cười hạ cấp, và mau mắn trích lời kẻ thù của bà, họ cho rằng bà là kẻ giả mạo trơ trẽn. Ít nhất, bà Blavatsky mang lại cho Hoa Kỳ minh triết từ phương Đông là điều mà nó rất cần khi đó, và vẫn còn rất cần ngày nay ... Nên tôi nói 'Cầu chúc bà Blavatsky được bình an và vinh danh bà'. Tôi hân hoan và thích thú rằng bà là công dân Mỹ ... Dù bà có thể khác đời, bà là người thực đáng yêu, nghĩ rằng mọi người là huynh đệ của mình, và bà là công dân của thế giới.

Trong những điều bà nói thì có câu này:

Chớ để mặt trời chói lọi làm khô một giọt lệ đau khổ

Trước khi con có thể tự mình lau ráo nó khỏi mắt của kẻ khổ đau.’

...

HPB trưng ra huyền bí học chân thực nên nếu so sánh điều bà viết với những gì được gọi là huyền bí học, chắc chắn bà sẽ từ chối không muốn nhận là 'mẹ đẻ sáng lập ra việc nghiên cứu chuyện thần bí tại Hoa Kỳ'; và điều gọi là huyền bí học của phong trào tân kỷ nguyên thực ra có huyền bí học giả hiệu.

Kết

Vinh Danh tại Quê Mẹ

Tại Hoa Kỳ, một nhóm gồm 200 người là học giả, giáo sĩ và người thường gọi chung nhóm nghiên cứu về đức Jesus (Jesus Seminar) sau sáu năm miệt mài tìm hiểu, dùng các chứng cớ mới nhất để có lịch sử đáng tin, khám phá là không có hơn 20% những câu nói được gán cho ngài trong kinh Tân Ước là thực sự do ngài thốt ra. Trong số những câu ngài không hề nói là câu 'Ta là con đường, sự thật và sự sống.Không ai đến được với Cha ta mà không qua ta'.Như vậy khám phá này làm suy yếu giáo điều chính của Thiên Chúa giáo là chỉ qua đức Jesus mà ta mới được cứu rỗi.

Còn về những lời được tin là do ngài thốt ra, người ta thấy có một câu ghi trong cả ba sách thánh Matthew, Mark và John với khác biệt nhỏ, về việc nhà tiên tri không được vinh danh nơi quê hương mình, hoặc nói dễ hiểu là 'Bụt chùa nhà không thiêng'.

Ứng dụng câu ấy vào trường hợp của HPB, sách của bà luôn luôn bị cấm tại Nga thời cộng sản. Thế nhưng tới năm 1990, tờ The Theosophist số tháng tám ghi:

– Quê hương của bà Blavatsky nay sống động với chú ý về cuộc đời và sự nghiệp của bà, thấy qua chuyến đi của bà Radha Burnier, Chánh Hội Trưởng Hội TTH quốc tế (Adyar) sang Moscow và St Petersbugh từ ngày 14-24 tháng 6, 1990 theo lời mời của Hội Nhà Văn Nga và tổ chức 'Peace Through Culture'.

‘Có hai buổi tiếp đón quan trọng tại Moscow, lần đầu tiên diễn ra vào ngày 18-6 với việc khai mạc cuộc trưng bầy về HPB ở trụ sở bề thế của Hội Nhà Văn. Nó có hình ảnh của bà, các tác phẩm của bà bằng Nga văn, trích đoạn từ các bài viết của HPB, nhận xét của thánh Gandhi, Jawaharlal Neru, Nicholas Roerich, và nhiều người khác về ảnh hưởng của bà trong đời họ, và một số sách TTH bằng Anh ngữ lấy từ Adyar.

‘Báo chí và truyền hình tại Moscow tường thuật sự việc này, và mấy triệu người xem được thấy lễ khai mạc vào giờ tin tức thuận lợi trên truyền hình, khi tin loan báo là năm 1991 sẽ được chào mừng là International Year of Blavatsky; đó cũng là kỷ niệm 100 năm ngày bà tạ thế.

‘Hôm sau, ngày 19-6 có một buổi họp tại sảnh đường của Hội Nhà Văn Nga để vinh danh HPB.Không có đủ ghế cho hơn 500 khách tham dự, đến chẳng những từ Moscow mà còn từ nhiều thành phố khác. Một bức chân dung lớn của bà có hoa bao quanh được đặt trên khán đài. Chủ tịch tổ chức 'Peace Through Culture' khi ấy là ông Valentine M. Sidorov nói sơ lược về cuộc đời của HPB, giải thích ba mục đích của Hội Theosophy, và chào mừng bà Chánh Hội Trưởng. Ông nói cuộc viếng thăm của bà là biến cố lịch sử, sau hơn 70 năm sách của HPB bị cấm và Hội Theosophy bị ngăn cấm nơi quê hương của bà.  Tiếp theo là bài nói chuyện của bà Radha Burnier ... Sau lúc giải lao ngắn, các bài thơ về HPB được đọc lên và những bài dân ca mà bà ưa thích được trình bầy. Mỗi nghệ sĩ đều dâng hoa tưởng nhớ HPB.

‘Chương trình tại St. Petersburg cũng gồm hai buổi họp, trong đó một buổi là tại trụ sở Hội Nhà Văn. Sau phần giới thiệu ngắn và bài nói chuyện của bà Radha Burnier, cử tọa được mời đặt câu hỏi. Mức chú ý sâu sắc của người tham dự, khoảng hai trăm người, thấy rõ qua những câu hỏi khác biệt và các loại về Hội và Theosophy.Thành viên của tổ chức Roerich Foundation góp phần rất nhiều vào chương trình, và mối liên hệ giữa Hội với gia đình Roerich cũng được thảo luận.

‘Một số cuộc nói chuyện riêng được tổ chức tại cả Moscow và St. Petersburg với ai thắc mắc muốn tìm hiểu và với cảm tình viên. Trong buổi thảo luận với nhân viên của tổ chức 'Peace Through Culture', có đề nghị đưa ra là xin phép viên chức thành phố Dnepropetrovsk (tên cũ là Ekaterinoslav), sinh quán của HPB, để đặt tấm bảng thích hợp lên căn nhà mà bà sinh ra, nay may mắn thay vẫn còn nguyên vẹn. Điều này được thực hiện vào ngày 12-9, 1991 theo lịch Nga hiện giờ, là ngày sinh của HPB. (Lịch tây phương hiện nay là 12-8, lịch Nga cũ là 31-7.)

‘Phần khác của chương trình International Year of Blavatsky còn là tái bản 5.000 quyển The Secret Doctrine bằng tiếng Nga. Bà Chánh Hội Trưởng Radha Burnier đề nghị dùng bản tiếng Nga hiện có để in tại nhà in Vasanta Press, Adyar, vì nước Nga đang thiếu giấy nên không thể in ra kịp để phát hành vào năm 1991. Dự tính là sách sẽ được cung cấp bộ sách cho thư viện và những cơ sở quan trọng khác tại Nga.

‘Như thế một khởi đầu mới đáng nói đã có, làm cho Theosophy được biết tới rộng rãi hơn ở Đông Âu. Chuyện đáng mừng là sáng kiến do chính người  trong nước Nga nêu lên, vùng đất rộng lớn mà không may là bao năm qua bị tăm tối, nay khao khát có hiểu biết tinh thần và ánh sáng cần để giải quyết những vấn đề của nhân loại.’

Trong International Year of Blavatsky, điều có ý nghĩa là dân chúng Nga đã cởi bỏ trói buộc của chế độ cộng sản và thay bằng chính quyền dân chủ, qua việc cuộc đảo chánh của phe bảo thủ Soviet vào tháng tám 1991 bị thất bại.

Tổ chức 'Peace Through Culture', cơ quan bảo trợ những cuộc họp nói trên tại Moscow và St. Petersburg, là một hội phi chính trị và phi chính phủ. Tên của nó do họa sĩ Nicholas Roerich đặt ra, ông là hội viên của Hội và là nghệ sĩ Nga nổi tiếng, với các họa phẩm được trưng bầy trong nhiều viện bảo tàng. Các bức trang trí của ông cho sân khấu những vở nhạc kịch của Wagner, Moussorgsky và Rimsky-Korsakov, và ballet như 'Rite of Spring' của Stravinsky được xem là tác phẩm nổi tiếng. Roerich còn viết nhiều sách về nghệ thuật, văn hóa và triết lý. Ông cũng đi thám hiểm và là khoa học gia, thực hiện việc khảo cổ lớn rộng ở Nga và Trung Á. Ông được đề nghị tặng giải Nobel hòa bình, do đã soạn hiệp ước để có sự bảo vệ của thế giới những dinh thự, đền đài và các nơi đáng quí về văn hóa, trong lúc hòa bình lẫn chiến tranh. Hiệp ước nào được 36 nước ký trong thập niên 1930.

Roerich là bạn thân của phó tổng thống Hoa Kỳ Henry Wallace, ông đề nghị là nay đã tới lúc dùng mặt chưa khắc của con dấu của Hoa Kỳ. Ông Wallace chuyển ý này sang tổng thống Roosevelt, và ngày nay trên tờ giấy bạc đồng dollar có mặt trái của con dấu, với biểu tượng là kim tự tháp chưa xây xong và con mắt huyền bí nằm thay cho viên đá tảng. Hàng chữ Novus Ordo Seclorum (Một Trật Tự Mới của Thời Đại) nằm dưới kim tự tháp.

Món quà của Hội Theosophy (Adyar) là 5.000 bộ The Secret Doctrine dùng bản dịch của bà Helena Roerich, phu nhân ông Nicholas Roerich, xuất bản tại Riga, Nga năm 1937, được ông Boris de Zirkoff cháu của HPB khen là tuyệt vời. Ta được biết bản dịch thực ra là công việc của trọn gia đình, với ông Nicholas và hai con trai cũng đóng góp.

Nói thêm về hoạt động của ông Roerich, ông được xem là anh hùng tại Nga, và chủ tịch Mikhail Gorbachev cũng ưa thích họa sĩ. Năm 1987 Gorbachev mời con trai của Roerich đến dùng cơm trưa tại điện Kremlin và cho hay ông muốn bảo trợ một trung tâm Roerich tại Moscow. Kết quả là nhiều trung tâm Roerich được lập nên trong các đô thị khắp nước, và bà Raisa Gorbachev tham gia vào việc lập quỹ mang tên Roerich.

Sau đó, Gorbachev cho phi cơ sang Ấn để con trai ông Roerich là Svetoslav chuyển trọn bộ tranh của Roerich từ Bangalore, Ấn Độ, nơi ông cư ngụ sang Moscow và nay chúng được cất giữ ở đó.

Về việc ông bà Roerich gia nhập Hội năm nào, thì trong tài liệu lưu trữ tại thư viện Roerich ở New York có thư của Hội Theosophy tại Anh, cho thấy hai vị vào Hội năm 1920. Ta không biết trước đó hai vị có là hội viên tại Nga hay chưa. Trong những năm cuối đời, gia đình Roerich sống tại Ấn. Từ Darjeeling, ông viết thư cho bà Annie Besant. Chánh Hội Trưởng lúc ấy (31-3-1924):

– H.P.Blavatsky, vị sáng lập vĩ đại Hội Theosophy, trong bài viết chót hết của bà, vạch ra sự quan trọng của nghệ thuật. Bà thấy trước ý nghĩa tương lai của lực sáng tạo lớn lao này, điều sẽ giúp xây dựng thế giới mới, vì nghệ thuật là chiếc cầu gần nhất giữa các quốc gia khác nhau. Chúng ta nên luôn luôn ghi nhớ ý tưởng này của nhân vật cao cả, và cách giản dị nhất để giữ nó luôn trong tâm trí là nên lập tại Adyar một bảo tàng viện nghệ thuật, hiến dâng trong danh nghĩa H.P.Blavatsky. Một viện như thế sẽ thu hút đại diện của mọi ngành nghệ thuật, và tụ hợp người mới quanh nơi đã sinh ra bao ý tưởng cao cả. Nếu Hội sẵn lòng xem xét đề nghị của tôi, tôi xin tặng cho nhà bảo tàng Blavatsky bức tranh 'Sứ Giả – The Messenger' của tôi, được vẽ tại đây, để tưởng nhớ người phụ nữ vĩ đại ấy.

Đề nghị được chấp thuận và vào ngày 18-1, 1925, một bài báo viết:

– Ông Roerich kéo tấm màn để lộ bức họa và nói, 'Tại ngôi nhà Ánh sáng này tôi xin trưng bức họa, hiến dâng cho Helena Petrovna Blavatsky, như là tâm điểm cho Nhà Bảo Tàng Blavatsky tương lai có tiêu ngữ 'Mỹ Lệ là Trang Phục của Chân Lý'.

Bức họa, khoảng 105 x 90 cm, là tranh tempera với mầu chính là mầu tím, vẽ một thiếu nữ trong ngôi chùa Phật giáo, mở cửa đón nhận sứ giả lúc sáng sớm.

Nhân viên viện bảo tàng Roerich giải thích là thiếu nữ trẻ tuổi trong tranh tượng trưng cho nhân loại, còn sứ giả bước vào ngôi chùa tượng trưng cho HPB, và công việc của bà trước công chúng bắt đầu năm 1875.

Nơi cư ngụ cuối đời của ông bà Roerich là tại thung lũng Kulu trong tiểu bang Punjab của Ấn, ở đây ông Roerich viết một thư cho cháu bà Blavatsky là ông Boris de Zirkoff, có đoạn:

– Xin cám ơn thư ngày 20-5, 1939 của ông, thư chỉ mới đến góc núi này của chúng tôi hôm nay. Tôi rất mừng được viết cho ông bằng tiếng Nga, và cũng mừng rằng ông là thân nhân của HPB, người mà chúng tôi có lòng tôn kính sâu đậm. Sẽ tới lúc tên của bà vang dội khắp nước Nga, với sự quí chuộng và tôn kính ... Người Nga thường lãng quên  chính các vị lãnh đạo tư tưởng của mình, và nay là lúc chúng ta học quí chuộng kho tàng đích thực ...

‘Trong khi tôi đang viết những giòng này cho ông, trước mắt tôi ở nơi xa tít mọc lên những đỉnh núi tuyết phủ và đường đèo vòi vọi dẫn sang Tây Tạng. Chúng đứng như là nhân chứng lặng thinh cho các Chân lý trường cửu mà sự tái sinh động nằm khuất trong đó, cùng với sự toàn thiện sau cùng của nhân loại. Các Đấng Cao Cả luôn sẵn sàng trợ giúp nhưng con người thường khi quay lưng với sự giúp đỡ ấy. ‘

Giờ đây, thanh niên Nga đặc biệt là người hăng hái trong việc học hỏi các chỉ dạy của HPB. Họ cũng quan tâm đến việc tìm kiếm trong thư viện và đại học những thư  của bà đã thất lạc từ lâu. Trong quyển History of the Russian Theosophical Movement, tác giả Helen F. Pissareff ghi là năm 1909, bà cùng với một nhóm hội viên Nga sang dự đại hội quốc tế Theosophy tại Budapest. Trên đường về nước, họ đi thuyền qua Athens, Istanbul và Odessa. Đây là trạm chót vì mọi người đều muốn gặp hai cháu gái của HPB, là con gái của Vera, em bà. Họ được đón tiếp nồng hậu và được tặng nhiều hình ảnh, chân dung và các tài liệu quí giá khác.Chúng được lưu trữ tại trung tâm Theosophy ở St. Petersburg trong một quyển sách hình lớn.Những năm về sau nhà cầm quyền cộng sản tịch thâu các vật này.

Ngày nay việc truy tầm các tài liệu về HPB tiếp tục diễn ra trong các thư khố và thư viện Nga. Có ít nhất khoảng một trăm bức thư của bà đã được tìm thấy. Vì vậy ta có thể nói không phải là HPB không được vinh danh nơi quê hương mình. Nhưng còn Hoa Kỳ, vùng đất mà bà chọn để hoạt động thì sao ? Nơi đây có nhiều hội viên và sách của bà được lắm người học hỏi, nhưng khi nước Nga loan báo năm 1991 là năm quốc tế về Blavatsky, không một tờ báo hay tạp chí định kỳ tại Mỹ đăng tải tin này.

Vì sao như thế ? Bài viết tên 'Helena Petrovna Blavatsky' của ông James Pryse, viết năm 1898 gợi ý trả lời:

– Kẻ thật sự cao cả vượt xa trước đồng loại mình, và chỉ được quí chuộng đúng mức bởi các thế hệ sau; chỉ có ít người trong thế hệ của họ là hiểu được ai như thế. Việc xem xét vào lúc có sự việc chỉ gặp ở chuyện nhỏ, với chuyện lớn người ta phải chờ một khoảng thời gian tương xứng để lượng xét chúng đầy đủ.Người ta nói rằng trong số các tượng dự cuộc thi được đặt trong đền thờ của cổ Hy Lạp, có một tượng xem ra thô sơ, chưa hoàn chỉnh và sần sùi góc cạnh, làm giám khảo cười chê. Nhưng mỗi một tượng trơn láng hoàn hảo chỉ được đặt lên cao để rồi bị hạ xuống vì chi tiết của chúng không phân biệt được với nhau ở độ cao như vậy, và vẻ sáng từ mặt phẳng được mài nhẵn nhụi của nó chỉ làm rối loạn đường nét của tượng, tác phẩm bị chê bai cuối cùng được đặt vào chỗ và ai nấy mê mẩn kinh ngạc vì nét mỹ lệ của nó, vì bề mặt gồ ghề của vật làm cho đường nét rõ ràng, và khoảng cách xa làm dịu bớt đường cong sù sì chỉ đẽo sơ sài của tượng.

‘Nếu H.P.Blavatsky có vẻ thô kệch, thiếu tế nhị và ngay cả thô lỗ với ai quanh bà, nó chỉ là vì bà vĩ đại. Vào thời buổi này với cách xử sự chìu lòng người, những trường phái tư tưởng theo qui ước, điều tầm thường được khoe trương, bà xem ra bị đặt không đúng chỗ. Tựa như nhà tiên tri thuở xưa, sôi nổi như Elijah, lừng lẫy như Isaiah, thần bí như Ezekiel, bà tung ra lời chê trách sự xấu xa và giả dối của thế kỷ 19. Bà là người tiền phong hét to trong chỗ có rối loạn niềm tin.Bà không thuộc vào thời đại này. Thông điệp của bà đến từ quá khứ vĩ đại, và bà truyền nó không phải cho thời hiện nay mà là cho tương lai.

‘Bởi hiện tại bị chìm khuất trong màn tối đen của chủ nghĩa duy vật, và chỉ có ánh sáng trong thời xa xưa mới soi sáng được tương lai ... Bà tuyên bố cho ai có tai để nghe các chân lý đã bị quên lãng mà nay nhân loại cần. Bà làm chứng nhân cho sự Hiểu Biết vào thời đại đã trở thành không hiểu biết.Bà mang đến tin về Thiên Đoàn mà vào thuở xa xưa là 'Người Chăn Dắt' nhân loại.’

Trong bài nói chuyện tại trụ sở hội ở Hoa Kỳ, nhân bách chu niên ngày bà qua đời, 8- 5 - 1991 của giáo sư Stephan Hoeller có đoạn:

– … Bà là ai ? Ta không biết. Có lẽ sẽ chẳng bao giờ ta biết được.Bà vẫn mãi là điều bí ẩn cao quí.

‘Nhưng có một điều khác mà ta biết, ấy là ai không biết ơn về điều họ nhận được thì chắc chắn không đáng được ân huệ thêm. Nên bổn phận của ta ngày hôm nay là bầy tỏ lòng tri ân đối với việc bà là người như  bà đã là, và về điều bà cho chúng ta, mang đến cho ta… Ta phải tạ ơn bà hôm nay và cho tới ngày cuối đời của mình. Xin vạn tạ, Helena Petrovna, thâm tạ, đa tạ vô cùng.’

Để kết thúc câu chuyện về cuộc đời và ảnh hưởng của Helena Blavatsky, đây là vài hàng của bà để lại.Người ta tìm thấy chúng trên bàn viết sau khi thân xác của bà chết đi ngày 8-5, 1891.

Có một con đường, dốc đứng và gai góc, chứa đầy hiểm nguy đủ mọi loại, nhưng vẫn là một con đường; và nó dẫn đến tâm của vũ trụ.Tôi có thể nói với bạn cách tìm những Vị sẽ chỉ cho bạn cổng bí mật chỉ đưa vào nội tâm ... Vì cho ai thắng cuộc và tiến bước, có một phần thưởng vượt hết mọi điều, quyền năng ban phước và cứu độ con người.Và cho ai thất bại, còn những kiếp khác có thể đạt tới thành công.

 

HẾT