header image
Like us on Facebook Follow us on Twitter RSS feeds

VỊ CHÂN SƯ III

 (Quyển Ba “The Initiate in the Dark Cycle”, xuất bản năm 1932.)

By HIS PUPIL

Nguyên tác: Cyril Scott

Người dịch: Thanh Thiên

Nguồn: phungsutheosophia.org

Lời giới thiệu của Dịch giả

GIỚI THIỆU

CHƯƠNG I

Vị Đạo Đồ Thiên Thần

Ghi Chú của Dịch giả

CHƯƠNG II

CHƯƠNG III.

Tin Dữ Đến.

CHƯƠNG IV

‘Âm của Lời Thinh Lặng’

CHƯƠNG V

Krishnamurti: Một Vấn Đề.

CHƯƠNG VI

Người Tiền Phong của Đạo Đức Mới.

CHƯƠNG VII

David Anrias: Chiêm Tinh gia và Huyền Bí gia

CHƯƠNG VIII

Bức Điện Tín

CHƯƠNG IX

Ngôi Nhà của Chân Sư

CHƯƠNG X

Thảo Luận của Thầy

CHƯƠNG XI

Sự Thật về Krishnamurti.

CHƯƠNG XII

Thầy J.M.H. Bàn về Nhiều Việc.

CHƯƠNG XIII

Tương Lai của giống dân Anh.

CHƯƠNG XIV

Một Linh Hồn trong Đêm Tối

Chương XV

Người Đưa Tin của Chân Sư Koot Hoomi

Chương XVI

Hai Chân Sư ở Hi Mã Lạp Sơn.

 

Lời giới thiệu của Dịch giả

Tới đây là hết quyển hai ‘The Initiate in the New World’ trong bộ ba cuốn ‘The Initiate’. Nay ta bắt đầu quyển ba ‘The Initiate in the Dark Cycle’, xuất bản năm 1932. Từ năm 1932 đến nay có thêm nhiều khám phá về các nhân vật hoặc chi tiết trong bộ sách này, cũng như có những diễn biến liên quan đến vài điểm mà sách nêu ra. Tới đoạn nào như vậy, ta sẽ có lời chú thích để giúp độc giả hiểu rõ hoặc nắm vững điều tác giả trình bầy trong cuốn chót của bộ.

Tưởng cần nói thêm là bộ sách ‘The Initiate’ rất được ưa chuộng, được tái bản nhiều lần từ đó tới nay, và có nhiều ấn bản tuy nội dung không khác nhau lắm. Trong một ấn bản nay không còn nữa, tác giả ghi là có trình lên Chân sư thư của một độc giả tỏ ý ngưỡng mộ ngài sau khi đọc xong cuốn 1 ‘The Initiate’, cùng trình bầy ước muốn được theo chân các đấng cao cả. Chân sư mỉm cười và hỏi Scott là ông có nhận ra điều gì đáng để ý của thư, Scott còn ngơ ngác thì ngài chỉ cho thấy trên phong thư không có địa chỉ người gửi. Ngài nói:

– Đây là người khiêm nhượng, ông tự cho mình chẳng đáng làm con, làm ta bận lòng nên tuy viết về niềm tin của mình, ông đã không mong và không kèm địa chỉ để được con trả lời. Ông nên biết rằng những ai có lòng thành và quyết tâm đều được các Chân sư lưu ý và theo dõi tuy họ không cảm biết, không ai bị bỏ rơi.

Thời điểm quyển ba được xuất bản cũng đáng được đề cập, vì trong một thời gian ngắn sau đó vài quyển khác cũng chào đời mà giống như cuốn này, đã được hân hoan đón nhận và hiện giờ cũng vẫn được ưa chuộng, nhờ giá trị độc đáo của chúng. Dưới đây là bản tóm tắt thời điểm và những tác phẩm, xuất bản chỉ cách nhau vài năm trong giai đoạn đáng nói này:

1932 – The Initiate in the Dark Cycle, Cyril Scott.

Through the Eyes of the Masters, David Arias.

1933 – Watchers of the Seven Spheres, H.K. Challoner

1935 – An Outline of Modern Occultism, Cyril Scott

The Vision of the Nazarene, Cyril Scott

The Wheel of Rebirth, H.K. Challoner

The Adepts of the Five Elements, David Arias

1936 – A Greater Awareness, Cyril Scott

1938 – Music, Its Influences throughout the Ages, Cyril Scott

Vắn tắt thì tất cả những sách trên trình bầy các điểm chính của Minh Triết Thiêng Liêng hay Theosophia một cách giản dị, khiến quần chúng dễ dàng chấp nhận hơn, cùng lúc cho ra nhiều hiểu biết giá trị về huyền bí học. Độc giả lâu năm của PST hẳn đã nhận ra là nội dung các sách này từng được trích dẫn trong các bài viết trên PST, với chủ ý là để người Việt cũng được biết chúng như người tại các nước khác.

Sau đây xin mời bạn đọc cuốn ba và là cuốn chót của bộ ‘The Initiate’, do Thanh Thiên dịch

 

GIỚI THIỆU

Vào lúc mà những thay đổi lớn lao trong vũ trụ đang xẩy ra trong các cõi vô hình, cùng với những biến đổi và xáo trộn tương ứng nơi cõi trần, các Chân sư Minh Triết đã cho tôi hân hạnh khi đề nghị tôi viết cuốn ba tiếp tục cho quyển ‘The Initiate’. Mục đích của các ngài là đưa ra thêm một chút hiểu biết và giác ngộ cho một nhân loại đang bị hoang mang rất tội, và đặc biệt hơn là cho những học viên Huyền Bí Học loại cao hơn. Có lúc họ bị đối đầu và nay vẫn còn bị vậy, với những vấn đề mà họ cảm thấy không thể giải quyết.

Tính chất của những vấn đề này và cách giải quyết mà các Chân sư dùng để truyền hiểu biết cần thiết sẽ được trình bầy về sau trong sách. Hơn thế nữa, gợi ý của các ngài và sự thực hiện chúng có thể ngẫu nhiên đáp ứng với mục tiêu cá nhân của tôi và không quan trọng bằng, là tránh cho tôi một số điều nan giải mà tôi vướng vào, như là kết quả của hai quyển trước. Vì tôi trở thành mục tiêu cho bao nhiêu là thư, thắc mắc và đòi hỏi mà phần lớn là tôi không thể đáp lại thỏa đáng.

Thư đến từ khắp nơi trên thế giới, và một số người viết những thư này yêu cầu tôi xin với Guru của tôi để nhận họ làm đệ tử; người khác năn nỉ tôi xin ngài can thiệp vào các vấn đề và khó khăn của họ hoặc của bạn họ; người khác nữa muốn đến nói chuyện với tôi như là bước đầu tiên để được gặp ngài. Vài người như thế tự khen mình nức nở, kê ra nhiều tính chất khác nhau mà họ cho là làm họ xứng đáng thành đệ tử của ngài.

Các bà vợ viết cho tôi, muốn biết họ phải làm gì đối với ông nhà thiếu thủy chung, và các đức ông chồng hỏi đối phó làm sao với các bà không chung thủy. Nói vắn tắt thì tôi nghĩ thầy Justin Moreward Haig sẽ khuyên gì trong trường hợp riêng của họ? Tôi còn nhận được cả lời đe dọa rằng nếu không tiết lộ cách mà Chân sư làm điều gọi là ‘phép lạ’ của ngài, tôi sẽ bị xem là thiếu tình huynh đệ chân thực, vì không Đấng Từ Bi nào sẽ giữ hiểu biết lấy cho riêng mình, mà sẽ chia sẻ nó với người khác!

Tuy vài người liên lạc thư từ này viết là họ ái mộ sách của tôi (nhân đây tôi xin cám ơn các vị ấy), họ lại nêu ra những thắc mắc mà nói cho đúng, đã được trả lời trong hai tác phẩm trước rồi. Điều này hàm ý hoặc họ không hoàn toàn nắm được ý nghĩa của sách, hoặc họ đã làm điều mà nhiều người làm liên hệ với kinh thánh – là chấp nhận những chỉ dạy riêng biệt nào hợp với nhu cầu của họ, và làm ngơ những điều khác.

May mắn là thư từ loại khó ăn nói chỉ là một mặt của câu chuyện. Tôi còn nhận được nhiều thư khác ghi rằng người viết đã thực sự được cứu thoát cảnh hôn nhân tan vỡ, nhờ lời dạy của Chân sư. Một số người nữa nhiệt tình cho rằng ngài có can dự vào việc chuyển hóa hoàn toàn quan điểm của họ về cuộc đời; và người khác nữa tin là họ đã được các sách trợ giúp khi gặp khủng hoảng về vật chất hay tâm linh.

Dầu vậy, khi viết lời Giới Thiệu này nói nhiều về việc liên lạc thư từ, tôi không có ý ngăn cản độc giả nào thấy bị thúc giục phải viết cho tôi về những câu hỏi chưa được đề cập trong hai quyển sách. Mặt khác, tôi xin mau mắn nhắc quý độc giả rằng viết thư cho tôi để nhờ dàn xếp việc gặp mặt Chân sư chỉ là điều vô ích, vì nếu có kiên nhẫn đọc hết cuốn thứ ba này, họ sẽ thấy làm sao và vì sao đòi hỏi như thế không thể thỏa mãn được. Hơn nữa họ sẽ nhận thức là, vì xem ra họ chưa hiểu sự việc sau khi đọc lời giới thiệu quyển thứ hai, tôi không ở vị thế làm hài lòng được ai tìm cách, hoặc ai vẫn còn cố công, khuyến dụ tôi đừng giữ kín nữa mà cho họ biết ngay Chân sư là ai, tìm được ngài ở đâu.

Có những lời đồn đãi rằng ngài là nhân vật này hay nọ, và tôi nhận được các thư hỏi điều ấy có đúng chăng. Nhân đây tôi xin trả lời không dè dặt rằng ấy là lời đồn đãi sai lạc. Sao đi nữa, những Guru sống trong thế giới tây phương – và đây là điểm quan trọng – không thể làm công chuyện của mình giống như cách thức của những nhà Yogi người Ấn, sẵn lòng giảng cho ai tỏ ý muốn nghe, và có vẻ không tránh né chuyện có sách vở, tờ thông tin (palmphlet) viết về họ, tuyên bố sự thánh thiện và hành tung đích xác của họ. Thực thế, dù không thiết tha với cõi trần, họ làm như không có gì phản đối việc thành nhân vật trong quần chúng. Nhưng tình trạng ở đông phương khác xa với tình trạng tây phương. Tôi chưa hề nghe có một Guru tây phương hay Chân sư nào là nhân vật của quần chúng. Các Mahatma ở nơi thâm sơn cùng cốc của Tây Tạng, cho phép sách viết ra mô tả khung cảnh sống của các ngài là một chuyện, và các chân sư tây phương cho phép có tiết lộ tương tự là chuyện khác hẳn.

Không sách nào đã viết, mô tả tông tích của các Chân sư người Anh, thí dụ vậy; một trong những lý do là việc xuất bản một cuốn sách như thể sẽ dẫn đến những việc công kích đối với sự riêng tư của các ngài, và do đó phá rối công việc quan trọng mà các ngài, chung với các Chân sư khác, đang làm cho nhân loại.

Vì thế xin nói rõ ở đây là những quyển sách của tôi không hề được viết để ‘quảng cáo’ Guru của tôi như là vị Thầy mà tất cả những ai nghĩ họ đáng có được huấn luyện huyền bí, có thể dễ dàng gặp mặt bằng xương bằng thịt; mà đúng ra cho mục đích rộng rãi hơn là làm chứng về sự hiện hữu của những Đấng Cao Cả, các Guru, Chân sư, những vị khiêm tốn tự gọi mình là các Huynh Trưởng của nhân loại.

Trước hết, có những người chưa hề nghe nói tới các Chân sư và do vậy không tin vào các ngài; thứ hai, có những người muốn tin là các ngài hiện hữu nhưng thấy không tin được; và thứ ba là những người kém may mắn nhất, những ai đã có lần tin mà nay đâm ra nghi ngờ mạnh mẽ. Hạng người thứ nhất không cần làm bận trí chúng ta, nhưng người hạng thứ hai và thứ ba có lẽ cần được ai có hiểu biết rõ ràng làm chứng nhân giúp đỡ họ, so với chuyện đối nghịch là chỉ có niềm tin mà thôi.

Bởi dù sao đi nữa, hiểu biết của ai đã thấy có thể gợi nên niềm tin trong trí ai chưa thấy, và trong thế giới của huyền bí học, niềm tin chót hết có thể dẫn tới sự hiểu biết. Ai đã tin vào các Chân sư Minh Triết và thuận theo chỉ dạy của các ngài, là tạo nên liên lạc thần giao cách cảm với các ngài; hoặc nói theo chữ chuyên môn của vô tuyến điện là bắt được làn rung động của các ngài. Tuy nhiên, ngoài chuyện ấy ra, vào những giai đoạn khác nhau trong lịch sử thế giới, các Chân sư sẵn sàng dùng giáo huấn và lời khuyên để làm quân bình phần đạo đức, thói đời và niềm tin đang thay đổi. Trong những bài ghi nhận mà ngài cho phép tôi viết ra, tôi đã cố công cho thấy – dù thiếu sót thế mấy – Guru của tôi đã thêm sự đóng góp của ngài vào các huấn thị này.

Dầu vậy, chúng ta chớ nên hiểu lầm ngay từ đầu. Tôi, người cho mình tên Charles Broadbent, không phải là ai có tiếng tăm về mặt tinh thần hoặc văn chương như chắc chắn nhiều nhà phê bình và ai khéo quan sát đã nhận thấy từ những sách trước của tôi. Tôi không phải là ông thánh và khả năng văn chương của tôi còn thiếu sót rất nhiều, đến nỗi tôi cảm thấy trọn công việc lẽ ra phải giao cho ai viết tiểu sử, hoặc tiểu thuyết gia có tiếng tăm thay vì cho tôi.

Nhưng cái lạ là không có tiểu thuyết gia nào như thế xuất hiện. Còn nói về thánh thì họ có thể viết về những trạng thái huyền bí của tâm thức tuy có khó một chút, nhưng khi ghi lên giấy cuộc trò chuyện sơ đẳng nhất thì kết quả là sự méo mó đáng tội. Vậy ta nên hiểu rằng tôi chỉ là dụng cụ trong tay những đấng mà hiện nay không thể tìm ra ai khá hơn; có lẽ vì có nhiều việc quan trọng hơn phải làm, các ngài còn không hề thử tìm ai khác.

Như thế, các ngài tin rằng độc giả của tôi có đủ suy xét để hiểu rằng tuy người viết không có gì hứa hẹn, nhưng câu chuyện được kể không nhất thiết vô ích và dối gạt. Nên các ngài không bận tâm rằng tôi là ‘linh hồn tiến hóa’ hay không, hoặc tôi có đủ điều kiện tinh thần này hay kia. Lý do tôi được chọn để viết những đề tài quan trọng như thế mà sẽ được bàn tới trong những chương sau, là vì đời tôi diễn ra khiến cho tôi ở trong địa vị đáng ao ước là có thể dành phần lớn ngày giờ cho đòi hỏi của các Chân sư. Thực vậy, tôi thấy hoạt động của các ngài – những gì mà tôi được phép theo dõi – là chuyện lý thú tuyệt vời nhất trong kiếp này của tôi, và tôi không tưởng tượng ra được việc làm nào khác cũng gợi hứng và kích thích như là ‘người tùy phái chạy việc’ hiểu theo nghĩa bóng cho các ngài.

........

 

Ai đi theo con đường của Tình Thương có thể đau lòng khi người thân của họ qua đời. Ai theo con đường Quyền Lực có thể đau khổ khi quyền lực của họ bị đối kháng. Nhưng ai theo con đường Minh Triết sẽ tìm thấy Bình An, vì Minh Triết không thể bị lấy mất đi. Khi Minh Triết mạnh đến nỗi nó chìm vào tiềm thức và tràn ngập trở lại vào tâm thức, nó làm con người không còn cảm thấy đau khổ; vì ánh sáng của nó xua tan bóng tối khỏi mọi lớp tâm thức.

Justin Moreward Haig.

 

CHƯƠNG I

Vị Đạo Đồ Thiên Thần

Một thời gian ngắn sau khi cuốn The Initiate in the NewWorld được xuất bản, tôi buộc phải gửi một thư cầu cứu S.O.S. cho Guru của tôi, thầy Justin Moreward Haig. Viết thư này không dễ, vì không cần phải nói, tôi biết ngài không phải là người có toàn năng; ngài không thể làm kẻ chết sống lại, và ở nhà ngài tại Boston cách xa hàng ngàn dặm, cũng không thể làm cho điều vô hình trở thành hữu hình cho ai đã mất khả năng thấy chuyện tâm linh. Vì nhà tôi, chúng tôi cho là do vài lần giải phẫu, đã không còn thông nhãn và không thể liên lạc bằng phương tiện siêu hình với Chân sư.

Sự mất mát này làm nàng rất buồn khổ, và chỉ bớt đi lúc chúng tôi gặp được Chris, nhờ khả năng riêng của bà, đã có thể làm sự việc sáng tỏ hơn khi nay Viola không còn có thể tự mình thấy được. Mà giờ Chris cũng đã qua đời và chuyện hóa đen tối hơn cho Viola, vì cộng thêm với sự mất mát là nỗi đau khổ vì không thể sử dụng chính quan năng mà chỉ có nó mới có thể bắc cầu qua hố thẳm ngăn nàng và bà bạn thân mến.

Chris không phải là người bạn theo nghĩa thông thường. Bà có những đặc tính độc đáo làm khác với người bình thường. Bà có vẻ như thuộc về một thế giới khác hơn là thế giới này, thế nhưng lại có sự thấu hiểu lạ lùng và thông cảm để làm vơi bớt khổ nàn của nó, bà trở thành trụ cột mà đời chúng tôi xoay quanh trong nhiều năm. Cái chết của bà làm Viola, người có liên hệ thân ái mạnh mẽ với bà và theo con đường tình thương hơn là minh triết, thấy tan nát trong tim. Tánh khí thiên về tình cảm hơn là triết lý, nàng dũng cảm ráng đè nén sự đau khổ của mình vì nó không hợp với lý tưởng tinh thần nhưng rốt cuộc chỉ làm việc hóa tệ hơn. Thế nên với hy vọng là có được lời khuyên để làm vơi bớt sự đau khổ của nàng, tôi quyết định gửi thư S.O.S. cầu cứu Guru tôi. Tôi không hề tưởng tượng được là hệ quả từ quyết định đơn giản ấy lại cho ra tài liệu đủ để viết phần lớn trong cuốn thứ ba này.

...........

Trong lúc tôi ngồi đây với vài trang đầu tiên của sách, ký ức tôi quay trở về người phụ nữ nhỏ bé ấy, tuổi trung tuần, trông bề ngoài không có gì đáng để ý, mà lại đóng vai trò thật quan trọng trong đời sống tâm linh của chúng tôi, và truyền đến một số nhỏ người có khả năng tiếp nhận nó, biết bao hiểu biết từ các Chân sư Minh Triết. Tôi vẫn hình dung ra được bà với mái tóc bạc trắng và gương mặt trẻ trung khác hẳn, có đường nét không đẹp nhưng trông vẫn duyên dáng nhờ sự biểu lộ nét dịu dàng tinh thần.

Tôi thấy trong tâm tưởng bà ở trong ngôi nhà khách hơi cũ kỹ của mình, nơi tiếp đón những người bị thiệt hại trong đời theo mọi hình thức, ai bị tổn thương về thể chất và tâm hồn – chẳng những họ được niềm nở đón chào mà trong đa số trường hợp còn được chữa lành bệnh riêng biệt của họ. Họ kêu nài bà suốt ngày, bà không hề có giờ khắc nào cho riêng mình. Tôi thấy bà luôn luôn tất bật, tìm cách làm chuyện bất khả là có mặt ở mọi nơi cùng lúc, lắm khi hết hơi kiệt sức và gần như bị đau dây thần kinh không ngớt; thế mà bà luôn luôn ngọt dịu và ôn tồn, khi thì nhờ cái chạm tay có từ lực kỳ lạ làm êm dịu cơn nhức đầu của ai, khi khác bà an ủi một cô gái có tình duyên không hạnh phúc; một lúc bà giải quyết một vấn đề siêu hình khó hiểu cho người nghiên cứu triết lý tỉ mỉ, lúc sau bà tìm cách hòa giải sự dị biệt của cặp vợ chồng không hợp nhau. Ngay cả lúc này đây tôi vẫn còn ngạc nhiên với sự thích nghi gần như tức thì mà bà có thể làm, đối với những đòi hỏi đủ loại và chỏi nhau của họ.

Đó là ngôi nhà cất lan ra tứ bề kỳ lạ, với bệnh nhân khác biệt thuộc đủ mọi thành phần. Christabel Portman và chồng của bà làm như không thể đóng cánh cửa hiếu khách của hai vị đối với người khác, bất kể thành phần xã hội hay địa vị của họ, ai có nhu cầu vậy là đủ cho họ được nhận vào; nhà sản xuất xà phòng ở miền bắc, giới quý tộc của Anh lẫn ngoại quốc, giáo sư mệt rã rời, công chức người Ấn độ, người Pháp, Hòa Lan, Syria, tất cả những người này và còn nhiều nữa vào lúc này hay kia đã tụ hội và ngụ một thời gian tại ngôi nhà ‘The Pines’, nhà nghỉ mát mà hai ông bà Portman cùng với một bác sĩ, mở ra để trị những bệnh tâm lý kỳ lạ. Với khả năng kỳ diệu của mình, Chris chẳng những chẩn đoán bệnh và còn có cảm nhận tâm linh về cách thích hợp nhất để chữa nó. Tuy nhiên bệnh mà bà chữa hay nhất, như Viola luôn nói, là bệnh ‘khổ tâm’...

Một số người này là hội viên hội Theosophia, đến đây theo lời giới thiệu của hội viên khác; người khác nữa thì đến theo lời đề nghị của bác sĩ chữa trị khác lề lối thông thường, và rồi thấy mình thắc mắc, đôi khi lại bị chấn động một chút khi thấy mình ở chung với nhóm người có tâm tánh lạ lùng như vậy. Tôi nhớ rất rõ những mẫu đối thoại không đầu đuôi mà thường được nghe ở bàn ăn đông người, khi giọng của người này hay người kia nổi bật lên hẳn giữa tiếng ồn ào nói chung, hoặc đột nhiên có khoảng lặng thinh khiến vài câu nói tiếp nhau nghe rõ mồn một.

– Tôi chắc ông biết, ông Smith, là tất cả khó khăn của ông do Karmic (nhân quả) mà ra..., một bà nói hăng hái không có chút ý nhị khôi hài nào.

– Ở Manchester hổng hề nghe chữ đó, ông Smith mỉa mai đáp lại. Tôi không biết phải vậy không, nhưng bác sĩ Hodges nói tôi bị bón.

– Không, không, ông không hiểu, đúng vậy không, bà Portman?

– Mais pardon, Madame..., giọng mũi một người Pháp chen vào câu chuyện đang nói, giống như tiếng kèn nhỏ giọng, cái Tuyệt Đối trong bất cứ trường hợp nào không hề biểu lộ – voyons, ça n’est pas logique ça!

– Nhưng tôi luôn luôn hiểu là sách nói...

– Anh muốn nói sao thì nói, đương nhiên rồi, miệng nói vậy nhưng bà người Yorkshire này không có vẻ là bà nghĩ như thế, nhưng tôi thích nghe chuyện đức Chúa và theo đạo Thiên Chúa.

– Không ai trong chúng ta bác bỏ đạo Thiên Chúa cả, bà Satterthwaite ạ.

– Sir Thomas thật tuyệt vời, ông thật sự có tình huynh đệ.

– Bà đó thích tước vị lắm..., người ngồi cạnh tôi thì thào nhận xét.

– Có phải hạt nguyên tử trường tồn luôn luôn nằm ở huyệt cổ họng không, bà Portman?

– Chris này, tôi có giấc mơ lạ lắm – nó có thể nào là hồi ức của kiếp trước không?

– Lạ lắm – mấy ngón chân của tôi luôn luôn tê rần khi tham thiền; bà có nghĩ là nó muốn nói...

– Năm nay, sang năm, có lúc, không bao giờ..., ai đó đang hăng hái đếm những hột mận.

Và Chris ngồi ở đầu bàn, luôn luôn là chỗ cầu viện cuối cùng, lúc thì bà ráng để không cười rũ rượi, lúc khác bà tìm cách giảng hòa chuyện gay go, và mang lại một chút hòa hợp giữa sự va chạm của bao nhiêu cá tính khác nhau.

.........

Và nay ký ức tôi quay lại một cảnh khác hết sức khác lạ, Chris trong khu vườn rộng và thơ mộng của bà với sân cỏ và lối đi quanh co, hồ bông súng, nhà bát giác và vòm cổng có hoa hồng leo; Chris, nói về chuyện siêu hình cấp cao cho một số nhỏ người trong lúc họ lắng nghe mê say và thán phục. Vì bà không hề cố tình gây ấn tượng cho người nghe, bà không hề làm họ bực bội vì cho rằng bà ‘thuyết giảng’. Hơn nữa, nếu chủ ý và ‘hòa vào tâm thức cõi cao’ (tune–in) thì bà có thể cho những bài giảng đúng đắn và uyên bác về những đề tài mà trước đó bà không biết chút gì. Tôi nhớ có lần có ai đó thách thức bà nói một bài ngắn về nghệ thuật Nhật Bản, chẳng những bà chìu theo mà còn nói hết sức hay.

Tuy mọi người đồng ý rằng ‘bà Portman là người đàn bà tuyệt diệu’, ngay cả hội viên của hội Theosophia, trừ một số rất ít, không biết rằng mối liên hệ của bà với các Chân sư Minh Triết mà họ được dạy tôn kính, gần gũi tới bực nào. Nếu biết, hẳn vài người trong nhóm sẽ không tin. Giống như bà Blavatsky bị hiểu lầm, với Chris ngay từ lúc rất bé bà đã có thông nhãn thấy được Đấng oai nghi tỏa ra tình thương rạng rỡ, mà sau này bà biết là một trong các Chân sư tại Himalaya – vị Guru đặc biệt của bà.

Tôi nhớ có hôm khi chúng tôi ngồi chung với nhau trong một góc kín đáo của khu vườn, bà kể tôi nghe làm sao khi cơ thể say ngủ, bà thoát ra đi tới nhà ngài tại Shigatse, và với vẻ mê say thích thú của trẻ thơ, lắng nghe ngài dạo phong cầm, cây đàn trong nhà ngài nơi ấy; vì Chân sư Koot Hoomi có quan tâm đặc biệt tới âm nhạc, và tìm cách gợi hứng tất cả những ai cảm nhận được ảnh hưởng của ngài tùy mức độ khác nhau.

Tự Chris bà cũng có tài chơi theo hứng. Bà có thể nghe khúc nhạc thoát trần tuyệt vời của thiên thần, và trong khả năng giới hạn của dương cầm, diễn dịch nó sang âm thanh của trần thế. Về một mặt, thấy có vẻ lạ lùng là ai tài giỏi như vậy lại có số mạng đặt để phải sống trong bầu không khí bệnh tật và tâm trí rối loạn, nơi mà tôi luôn luôn cảm thấy là bản tính nhậy cảm của bà co rút lại trong lòng.

– Ồ, phải chi tôi được làm nhạc sĩ!

đôi khi bà ao ước kêu lên, nhưng rồi lại nở nụ cười ngộ nghĩnh của bà:

– Thôi, số mình không được vậy.

và như để gạt bỏ tư tưởng này, bà sẽ chạy đi khích lệ bệnh nhân này hay kia trong số đông người; rồi một lát sau, bà đi ngang qua tôi nữa khi lo chuyện từ tâm cho người khác, vừa đi vừa buông câu:

– Đừng tưởng là tôi không ưa thích công việc cho những người bệnh hoạn nhé!

– Họ càng đau ốm chừng nào, bà có vẻ càng thương họ chừng nấy, tôi vặn lại. Tiếng cười của bà chìm dần theo khoảng xa, trả lời cho tôi.

.........

Một ngày kia tôi kể cho bà Chris nghe về Guru của mình, thầy J.M.H., tuy không nói tên ngài.

– Hay quá vậy! bà kêu lên, hết sức nồng nhiệt, và rồi mắt bà có cái nhìn xa vắng, cho biết bà đang cảm nhận sự việc. Sau một lúc bà cười một mình – nụ cười hóm hỉnh và bí ẩn.

– Chris này, tôi nói, bà đừng giữ riêng cho mình đấy nhé. Coi coi, không chừng bà biết về Chân sư của tôi nhiều hơn là chính tôi biết. Nói nghe đi, khai ra hết đi!

Bà cười vui vẻ.

– Anh làm tôi buồn cười quá.

– Tạ ơn Trời; nhưng tôi chờ nghe nói bà biết gì về Chân sư tôi.

– Ồ, không bao nhiêu đâu; chỉ có điểm là công việc của ngài dường như có liên hệ với chuyện chuẩn bị xác thân cho chi chủng mới.

– Thấy chưa! tôi kêu to, tôi không hề biết chuyện đó.

– Ồ, không à? bà tỏ ra, hoặc giả vờ tỏ ra ngạc nhiên.

– Làm sao tôi biết? Ngài không hề cho tôi hay. Tôi tự hỏi tại sao.

– Đường lối làm việc của các Chân sư thường bí ẩn, bà nói, có lẽ ngài nghĩ nó không quan trọng.

– Hoặc có lẽ ngài không muốn cho tôi hay, và giờ bà kể ra tuốt luốt, tôi trêu bà.

– Ngài không màng là anh biết hay không, nếu ngài quan tâm thì tôi đã không nói cho anh hay.

– Được lắm, xin kể thêm đi!

– Trọn mấy chuyện tập Yoga mà ngài dạy...

– Phải, chúng thì sao?

– Chúng là nhằm mục đích làm cơ thể mạnh hơn và có kiểm soát hơn, cũng như là nhậy cảm hơn. Đó là những điểm mà giống dân mới phải có.

– Bà muốn nói là khi các đệ tử của ngài có con thì chúng sẽ thừa hưởng trọn những điều ấy à?

– Đương nhiên là vậy.

– Và tại sao đặc biệt là ở Mỹ?

– Vì có một số đông người ở đó có cơ thể thuộc chi chủng thứ sáu. Mà không phải chỉ ở nơi ấy. Vào lúc này Guru của anh đảm nhiệm phần việc cho Hoa Kỳ trong chu kỳ đặc biệt này. (từ `1909 đến 1944).

– Nghe hay quá. Bà nói thêm đi.

Nhưng có ai kêu bà đi chữa người đang bị động kinh. Luôn luôn có gián đoạn này hay kia.

Tôi nhớ có vài người hiếu kỳ thỉnh thoảng đến nhà ‘The Pines’, ngoài mặt thì với lý do là họ thấy ‘không khỏe’, mà thực ra thì họ muốn ấn tượng tâm linh của họ được xác nhận, hoặc là chỉ muốn nói với Chris về các ấn tượng đó. Một bà tốt bụng mà lầm lạc tin rằng mình thường hầu chuyện với Đức Mẹ Đồng Trinh. Có bận bà còn kêu Chris quì xuống, bảo rằng Đức Mẹ đang có mặt... Xui thay, điều Chris có thể thấy chỉ là một vong linh tinh quái, hết sức vui thú với trò giả mạo đấng cao cả ấy; và do đó bà phải làm việc khó nói là cho bà khách hay linh ảnh của bà xẩy ra nhiều phần từ tiềm thức của mình, hoặc sao đi nữa hình mà bà thấy không phải như bà tưởng, và rằng đức Mary Đồng Trinh chẳng hề dính dáng đến chuyện...

Tôi lại nhớ một phụ nữ khác, to lớn hồng hào, khăng khăng rằng bà được ‘Huấn Thị’ từ những đấng cao siêu không tưởng tượng nổi. Tuy nhiên, các đấng này, lạ lùng thay, lại tỏ ra rất chìu lòng. Để bảo vệ sức khỏe của bà, bác sĩ cấm không cho uống rượu port; nhưng sau khi nhịn được vài ngày, bà oang oang cho tất cả chúng tôi - và bác sĩ - hay rằng ‘Thầy’ của bà đã bác lệnh cấm của bác sĩ! Một lần nữa Chris lại phải can thiệp...

Cố nhiên bà không phủ nhận là thỉnh thoảng những phụ nữ ấy thực sự có thông nhãn. Nhưng bà vạch ra vấn đề là giống như tất cả những ai khác có thông nhãn mà không được luyện tập, họ không thể lọc lựa để phân biệt trấu với gạo, hay cũng không thể ngăn những ‘cảm nhận’ và ‘linh ảnh’ của họ không bị ham muốn riêng nhuộm mầu. Giúp cho những người loại này biết tự kiểm hơn mà không làm họ ngã lòng nhiều, là việc không dễ làm, mà đó là phần lớn công việc của Chris.

...

Tôi có thể tiếp tục kể ra bao nhiêu hồi ức khác với Christabel Portman, nhưng làm vậy sẽ kéo dài nhiều trang thành nguyên một cuốn sách. Ngay cả khi phác họa sơ sài về con người bà như thế này, nó không phải chỉ là để viết cho vui mà là lời mở đầu cho cái hồi ức sống động hơn hết thẩy - hôm sáng chủ nhật khi bà đến kêu tôi và nói:

– Chân sư ngỏ ý muốn nói chuyện với anh.

...

Chris ngồi đó, trong cái ghế chỉ có một mình cạnh lò sưởi trong căn phòng nhỏ lót gỗ sồi, được dùng riêng cho việc tham thiền; nhưng nụ cười thân ái mà bà chào đón tôi thì không phải của bà, và tuy giọng nói là của bà, cách nhấn âm và dùng chữ khác hẳn.

Môi bà nói những lời nhẹ nhàng và thân ái:

– Chào con...

và tay bà cầm lấy tay tôi trong một lúc trước khi ra hiệu cho tôi ngồi xuống - với cử chỉ cũng không phải là của bà.

Và khi đó tôi hiểu rằng bà đã làm việc mà chỉ có người đạo đồ cao cấp mới có thể làm - bà đã bước ra khỏi thân xác có ý thức, tạm thời nhường nó cho Chân sư mình sử dụng.

Phải chi tôi được phép viết ra tất cả những gì ngài nói trong dịp ấy và những dịp khác, khi ngài cho tôi hân hạnh là được hầu chuyện với ngài, nhưng ngài khuyên nên giữ kín. Bởi nhiều phần những chuyện ngài nói có tính riêng tư, và đa số những gì ngài dạy tôi không thể được tiết lộ trong một quyển sách. Tuy nhiên tình thương của ngài, lòng khoan dung, khiêm tốn, ngôn ngữ phong phú, khả năng soi sáng những vấn đề khó khăn hoặc diễn giảng các chân lý bí ẩn chỉ bằng vài chữ giản dị và thí dụ thi vị - tôi cảm thấy bắt buộc phải ghi ra.

Dù trí tuệ và nét tinh thần vượt bậc tỏa ra từ ngài, Chân sư trông thật là người hết sức dễ mến. Không có chút gì trịch thượng của thái độ từ trên cao ngất nhìn xuống sự yếu đuối khờ dại của người trần đáng thương chưa tiến hóa là chúng ta. Nhiều lần tôi tỏ ý hối tiếc về những thất bại của mình nhưng thay vì la trách, ngài trấn an và an ủi với lời nhìn nhận rằng công việc phải làm thật khó mà hoàn thành trong khoảng thời gian ngắn. Bao lâu mà ngài thấy học trò thực tâm cố gắng hết sức mình để hoàn tất việc thì ngài không hề trách cứ họ; chỉ khi họ thờ ơ hoặc thiếu suy xét thì ngài mới tỏ dấu không hài lòng.

Sau những buổi được tiếp chuyện như thế, tôi thường ra khỏi phòng cảm thấy được tươi tỉnh lại, ngất ngây vừa hồn vừa xác, và với hồi ức thật sắc đậm cho đến bây giờ tôi vẫn có thể nhớ lại hầu hết những lời ngài.

...

Rồi nay Chris qua đời, và những buổi hầu chuyện làm phấn khởi tinh thần phải chấm dứt.

Bà mắc phải chứng bệnh chết người và đau đớn do có bệnh nhân quanh mình luôn luôn, không ngừng đòi hỏi bà chuyện nọ kia; cũng như bà luôn luôn cho ra mà hiếm khi nhận được gì trở lại; càng ngày càng tuôn ra thêm sức lực mòn mỏi của mình cho chồng, người mà trong nhiều năm vẫn cố công làm việc dù mắc bệnh nan y. Người ta đã sinh ra ỷ lại vào bà quá nhiều, thế nên để giúp cho sự tiến hóa tinh thần của họ, và cũng vì những lý do liên quan đến cuộc tiến hóa của riêng bà, quyết định thấy là tốt nhất bà nên rút về.

Vì tình thương, bà hy sinh cả đời cho nhu cầu người khác, giống như hàng ngàn năm trước bà đã hy sinh đi từ những cõi tự do và vui thú của thế giới thiên thần, xuống cảnh giới đầy xáo trộn và giới hạn của trái đất. Trong tầm nhìn nhỏ hẹp của chúng ta bà là một con người, mà với ai có thể thấy thì tinh thần bà vẫn còn giữ bản chất thiên thần, được thiên thần quí mến cũng như bà yêu quí chư thiên. Và vì tình thương đó, những vị thiên thần chữa bệnh đã hướng dẫn tay bà khi Chris chạm vào người ốm; thiên thần âm thanh gợi hứng khi bà dạo đàn; ngay cả những tinh linh nhỏ bé, tất bật giữa các bông hoa, hòa niềm hớn hở của mình với lòng hớn hở của bà và luôn luôn tỏa ra mọi vật chung quanh.

Ghi Chú của Dịch giả

Ta ngưng ở đây một chút để đi vào chi tiết một nhân vật trong chuyện.

Lợi điểm khi đọc bộ sách quí này nhiều năm sau khi được xuất bản là theo với thời gian, các dữ kiện hoặc lắng xuống hoặc được tiết lộ khiến chuyện rõ nghĩa thêm; cũng như lý do chuyện được đưa lên PST là để người Việt hiểu rõ một giai đoạn lý thú trong lịch sử phong trào TTH, khi nay có nhiều tài liệu được công bố, cho phép ta nhìn lại giai đoạn này một cách trọn vẹn - điều mà thế hệ trước không được hưởng - thấy phân minh tách bạch và có nhận định sáng suốt hơn.

Vậy thì, dựa vào các nguồn tài liệu từ khi sách ra đời tới nay, vài điều có thể nói được về Christabel Portman trong chuyện. Đây là một nhân vật có thực tên Ellen Louisa Chaplin (E.L. Chaplin 1874 - 1927), cũng như nhà dưỡng bệnh ‘The Pines’ trong chuyện có thực, ngoài đời mang tên ‘The Firs’, tại Sussex, Anh quốc. Bà được nhắc tới kỹ hơn trong quyển Music: Its Secret Influence throughout the Ages của Scott với tên Nelsa Chaplin và trong quyển tự thuật của Scott ‘Bones of Contention’, mà cũng được ông Jinarajadasa đề cập một cách che đậy, phớt qua, khi trong một quyển sách của mình ông nói đại ý rằng các đệ tử là người sống trong đời bình thường như mọi ai khác, và trong cương vị nào người ta cũng có thể phụng sự, lấy thí dụ có đệ tử là người quản lý một hostel vâng theo lệnh thầy. Nay ta có thể nói đó là Ellen Louisa Chaplin. Chồng của bà, Alexander (Alec) Chaplin (1874 - 1932?), là chuyên viên quang tuyến; ông cùng với bà và một bác sĩ thí nghiệm những cách mới để chữa bệnh theo sự gợi ý của đức Jesus tại The Firs.

Alec Chaplin qua đời vì bao tử bị tia X tàn phá, do ông đã dùng tia X để chữa người khác; ông là một trong những người đầu tiên thí nghiệm với tia X dẫn tới việc quang tuyến gây hư hại cho bao tử không thể chữa lành, ông mắc bệnh trong nhiều năm và chết lần mòn vì bệnh. Gợi ý về căn bệnh này được ghi trong quyển The Wheel of Rebirth (Vòng Tái Sinh, đăng trong PST và trên trang web), chương Đức, nói về những người trong kiếp trước đã lạm dụng tinh linh lửa (thí dụ như các tu sĩ, phán quan của Công giáo La Mã ngày xưa kết tội và đưa lên giàn hỏa những ai mà họ cho là theo quỉ dữ), và ngày nay họ:

–... chịu rủi ro với mạng sống của mình để thí nghiệm, vì lợi ích của đồng loại, với dòng điện và những tia mà về sau sẽ được dùng để trị đa số những bệnh tật của con người. Nhiều kẻ... bị thương tật khi làm vậy và cuối cùng thân xác họ... bị hủy hoại bởi cùng chất mà có lần họ đã dùng nơi người khác.

Như thế ít nhất năm nhân vật là ông bà Scott, Challoner, và ông bà Chaplin nay được thấy có sinh hoạt liên hệ với nhau, và tuy mối liên hệ này được giữ kín trong nhiều năm, chỉ được đề cập lúc mới đây, nó lại là nền tảng cho nhiều sách của Scott, vợ ông và Challoner viết trong giai đoạn này.

Chung quanh nhà The Firs có rừng bao bọc biến nơi đây thành chỗ u tịch, u nhã. Sử liệu địa phương ghi là ông Alec Chaplin cũng dùng điện để chữa trị bệnh tâm thần, và nơi này hoạt động từ khoảng năm 1918. Chót hết, trong quyển tự thuật So Rich A Life, tác giả Clara Codd cho hay đã tới ngôi nhà - mà Scott mô tả về sau trong quyển ba của bộ The Initiate - nhiều lần, nhận ra các nhân vật trong chuyện là người từng có mặt tại đó. Ta có thể đoán bà muốn nói nhà dưỡng bệnh The Firs.

Vai trò và vài nét chính về con người của E.L. Chaplin được Scott nói nhiều trong quyển Music. Ông ghi bà là đệ tử của đức K.H., có thông nhãn ở mức cao và có sự nhậy cảm khác thường. Bà tiếp xúc bằng thần giao cách cảm với thầy từ khi còn bé, bà dùng những khả năng trên để giúp người mà không nhận hồi đáp nào, và không hề lợi dụng chúng cho mục đích nào khác. Khi còn là trẻ nhỏ, bà đã có khả năng ra khỏi thể xác đến nơi cư ngụ của đức K.H. cách xa Anh quốc vạn dặm, chứng kiến những sinh hoạt của ngài.

Ngoài ra bà còn có thể hòa vào tư tưởng của Chân sư (tune–in), ghi nhận được ý nghĩ của ngài tựa như radio hay truyền hình bắt được làn sóng điện, tựu trung chỉ là một hình thức rung động. Lúc còn nhỏ bà đã có thể chơi nhạc và chơi theo hứng (improvise) một cách thần kỳ. Em nhỏ cũng thân thiết với chim chóc, hoa cỏ; điều này cộng với sự tài giỏi về âm nhạc khiến cho em gần như là tiên nữ hơn là trẻ nhỏ bình thường.

Càng lớn, khả năng về âm nhạc càng tăng và hoàn thiện. Khi chơi đàn theo hứng, bà có thể diễn tả các trạng thái tâm thức, hoặc ngay cả những hòa điệu bà có thể nghe được khi ngắm nhìn một buổi hoàng hôn đẹp đẽ, vì với ai có khả năng, một buổi hoàng hôn có thể thấy cũng như có thể nghe được. Đôi khi Chân sư K.H. đích thân chơi qua bà, khi ngài muốn có tác dụng đặc biệt nào đó - thường là trong việc chữa bệnh - cho những ai bà đang chăm sóc. Tưởng nói thêm thì The Firs là nơi chữa những bệnh lạ và khó trị, nhiều bệnh như thế làm bác sĩ rối mù.

Tại đây, theo sự hướng dẫn của các Chân sư, một phương pháp trị bệnh bằng mầu sắc được thực hiện - bằng cách chiếu đèn mầu - cho những bệnh mà cách chữa thông thường tỏ ra không hữu hiệu, phương pháp cho ra vài kết quả rất đáng kể, với bệnh thường được thấy có nguồn gốc tâm lý và liên can tới những thể thanh. Trong việc này, khả năng thông nhãn của bà để định bệnh thật là vô giá, thêm vào đó bà tỏ lòng thiện cảm và thông cảm với tất cả những ai bị đau khổ tâm trí hay thân xác. Tự chúng thì những tình cảm này là thuốc thoa, làm cho nhiều linh hồn không bè bạn hoặc bị đời vùi dập ê chề được êm ái. Bà khuyên nhủ ai bị hoài nghi, mặc cảm và sợ hãi dằn vặt, và khi bối rối không biết nên chữa trị ra sao một bệnh nhân nào, bà lắng nghe tiếng nói của Thầy hướng dẫn và chỉ bảo.

Bà có vinh dự thật lớn lao là cả hai Chân sư K.H. và đức Jesus thường xuyên dùng bà làm trung gian cho hai ngài, ta nên biết Chân sư Jesus đặc biệt quan tâm đến những ai chuyên về chữa bệnh. Bà thuật cho Scott lần đầu tiên khi Chân sư K.H. đưa bà ra khỏi thân xác của mình ra sao, và lúc đứng qua bên trong thể thanh, bà chứng kiến ngài điều khiển thể xác của bà để nói chuyện với chồng và bác sĩ hợp tác.

Tuy vậy nhiều bệnh nhân ở The Firs chưa hề nghe nói đến Chân sư, ngoại trừ một cách mù mờ, và xem bà Chaplin như là người dễ mến có trực giác tuyệt vời; còn vài người là hội viên hội Theosophia và tin rằng các Chân sư chỉ liên lạc với những vị lãnh đạo trong Hội, không hề ngờ là sự tiếp xúc của bà với các ngài thực sự chặt chẽ ra sao.

Ta có thể hỏi thẳng là tại sao một người được trời cho có nhiều tài năng độc đáo như vậy, dù là có tính kín đáo, lại không được người ngang hàng với bà biết đến. Câu đáp là vận mạng của bà trong kiếp này không phải để được nhận biết và ca ngợi trong quần chúng. Đúng hơn thì đời bà là sự hy sinh thân mình diễn ra trong cảnh tương đối chìm khuất lặng lẽ. Những ai thân thiết hiểu rằng cuộc đời bà có đau khổ không ngừng; do trọn con người của bà đáp ứng tuyệt diệu với các hòa điệu nơi cõi cao cũng như cõi trần, và bà có niềm khao khát lớn lao là dành trọn đời mình cho âm nhạc, để diễn tả bằng âm thanh cõi trần vài âm vang của âm nhạc cõi trời mà bà tinh tế cảm nhận. Tuy nhiên có những việc khác phải làm và không vui bằng, và vì những việc này bà phải gác lại ước muốn trên, và chỉ trong vài dịp hiếm hoi mới biểu lộ như đã nói. Hơn nữa, bà phải gánh chịu một thân xác luôn đau yếu, cảnh nghèo khó, ưu tư và bị dằn vặt vì bao vấn đề đủ loại; ngay cả sự ghen tỵ và lòng ganh ghét mà do tính khiêm nhường và giản dị bà không ngờ là sẽ gặp phải.

Thế nhưng bà sinh sống và chịu đựng đau khổ chẳng những thật anh hùng, không than vãn mà còn vui lòng hân hoan cho tới phút cuối; hân hoan theo nghĩa tâm thức của bà, cho dù phải chật vật đối phó với những gian truân trong đời nơi cõi trần, gần như hằng là một với niềm hân hoan của những đấng Cao cả.

Scott làm việc với bà Chaplin suốt bẩy năm dài, trong thời gian ấy nhiều lần Chân sư K.H. nói chuyện với ông qua bà, cho ông hiểu biết minh triết của ngài, và một lần như thế ngài đề nghị ông viết sách về âm nhạc với sự trợ giúp của bà Chaplin là đệ tử và là trung gian cho ngài. Sau đó, thời giờ được ấn định dành cho việc bà Chaplin tiếp xúc với Chân sư; trong lúc bà lắng nghe bằng thông nhĩ những dữ kiện ngài đưa ra, Scott ghi chép lại để về sau đi vào chi tiết.

Có những lúc bà phải xem trong Thiên Ảnh ký (Akashic Records), vì vài phần trong sách liên quan đến lịch sử xa xưa. Khi khác bà trả lời những câu hỏi mà Scott phải nêu ra về điểm khó khăn này hay kia. Sau khi hoàn tất vài chương, ông đọc lại cho bà trong khi bà lắng nghe lời phê bình của Chân sư hoặc sửa chữa mà ngài muốn đưa ra.

Trong một ấn bản của cuốn ba The Initiate in the Dark Cycle thuộc bộ sách The Initiate, có tranh vẽ chân dung bà Ellen Louisa Chaplin.

Nay xin tiếp tục chuyện.

CHƯƠNG II

Lời kêu cầu S.O.S. cho Thầy tôi được viết ra xong xuôi, rồi Viola thêm vài hàng tự trách mình thật đáng tội là không có óc triết lý, cũng như vì cảm nhận mà nàng biết là lòng đau khổ ích kỷ. Tôi bảo nàng mấy câu thú tội đó không cần thiết; tuy nhiên trong lòng tôi cảm phục là nàng đã thành thật và không tìm cách biện minh cho mình.

Chuyện lạ là ngay trưa hôm ấy đi gửi thư, tôi gặp Toni Bland trong phòng gửi áo của một hội quán.

– Hình như chúng ta đã gặp nhau trước rồi, anh nói.

Trong một chốc tôi không nhớ anh là ai, rồi cả hai chúng tôi nhớ ra cùng một lúc.

– Thầy Moreward Haig. Toni nói, bắt tay tôi.

Anh là chàng nhỏ người gọn gàng, ẻo lả mà tôi gặp nhiều năm về trước ở nhà thầy J.M.H. và đã dùng bút mô tả con người nhưng có che đậy trong quyển đầu của bộ The Initiate (PST 46). Tôi luôn luôn sợ giây phút gặp lại anh, lỡ anh đã đọc sách và nhận ra được nhân dáng của mình.

Anh để ý thấy sự ngượng ngập của tôi và mỉm cười.

– Tôi có thể phiền trách anh, anh nói, nhưng tôi không làm. Lời phác họa của anh có mục tiêu rất tốt.

Giống như người hèn nhát, tôi giả vờ không hiểu.

– Chắc chắn anh không quên sách của chính mình chứ? anh gợi ý.

– Coi nào, tôi đáp, viết sách đã mệt rồi, anh đâu thể mong là tôi lại còn sức để đọc nó nữa!

Anh cười lớn và đột nhiên tôi bắt đầu thấy cảm phục anh chàng nhỏ bé này. Anh có thể xử sự khác hẳn, vì tôi đã chế diễu anh ra sao trong sách. Sau đó tôi nhận đúng là vậy và chúng tôi trò chuyện lâu, kể tách bạch sự việc. Thầy J.M.H. đã khuyến cáo tôi hồi hai mươi năm về trước là chớ nên phán đoán lầm anh do bề ngoài; mà ngay cả vậy, chuyện xem khó xẩy ra là ai khác lại có thể thay đổi thành tốt đẹp hơn nhiều như thế; và điều ấy chỉ làm cho tôi thấy một lần nữa rằng vị Thầy có thể đạt được gì với học trò chịu gắng công.

...

Vài ngày sau đó tôi mời Toni Bland đến dùng trà để gặp nhà tôi và anh Lyall Herbert, một nhà soạn nhạc và cũng là đệ tử của thầy J.M.H., tôi đã gặp anh ở Boston. Chúng tôi mong chỉ có mấy người trong bọn thôi, nhưng ai ngờ là bà Saxton lù lù bước vào phòng. Bà to con và tánh tình nhất quyết này thường hay lui tới nhà The Pine. Thực vậy, tôi là người đầu têu giới thiệu bà tới đó để chữa bệnh. Bà là hội viên hội Theosphia trong vài năm, nói rằng mình là người ái mộ hết lòng bà Besant, một lòng một dạ tin tưởng Chân sư và là thành viên của Liberal Catholic Church.

Tuy thế, đột nhiên bà bỏ hết để theo Krishnamurti; và bởi Krishnamurti thường lên tiếng phê bình Theosophia, các Chân sư và giáo hội đủ mọi loại, nên bà cũng làm theo... Lý luận của bà khi thay đổi thái độ là có lần bà Besant tuyên bố trước công chúng rằng Krishnamurti là vị Huấn sư Thế giới (The World Teacher). Tốt lắm! Vậy điều gì vị Huấn sư Thế giới dạy đương nhiên là phải đúng.

Sau màn giới thiệu xong xuôi, bà Saxton ngồi phịch xuống ghế, nhìn Toni kỹ càng và tôi có thể thấy bà xếp anh ngay lập tức vào hạng đàn ông ẻo lả, không đáng nói, những người mà bà đặc biệt không ưa. Chúng tôi chưa gặp lại bà từ khi Chris qua đời, nên tôi nói mấy câu về chuyện bi thảm là cái chết của Chris.

– Bi thảm à? bà Saxton hỏi, và giọng nói vui vẻ hỉ hả của bà hàm ý phản bác. Tôi không thấy vậy chút nào.

– Nhưng có quá nhiều người hóa ra lệ thuộc vào Chris -chắc chắn là...

– Họ phải tập tự đứng lấy bằng chân của mình, bà ngắt lời một cách trịch thượng.

– Ngay cả khi họ yếu tới mức chân bị loạng choạng hay sao? Herbert hỏi lại, thích chí lắm.

Bà Saxton khinh khỉnh nhìn và làm ngơ anh.

– Coi coi, bà nói tiếp, cô Hart - cái cô gàn dở nhỏ người luôn luôn quanh quẩn Chris - cho biết là đang tìm cách liên lạc với bà nhờ đồng cốt!

– Ồ, bà có nghĩ... Viola hăm hở nói, rồi đỏ mặt và ngưng lại.

– Liệu tôi nghĩ là cô sẽ có được kết quả hay không ư? Bà Saxton tiếp lời cho hết ý của nàng. Đương nhiên là không rồi. Tội nghiệp Chris - bà cũng bị xui xẻo đó chứ - tin rằng ta cần Chân sư để tiến bộ và mấy chuyện như thế. Nhưng tôi tin chắc là dù đang ở đâu, bà cũng ở ngoài tầm của những ai chìu theo nhược điểm của mình và nhờ đồng cốt tìm bà.

– Tội cho cô Hart chưa... Viola nói nhỏ. Tôi biết nàng đang nghĩ đến cô giáo sư bị đau dây thần kinh và bị khủng hoảng, Chris là tất cả mọi điều đối với cô.

– Phước thay cho ai đau buồn, vì họ sẽ được an ủi. Bland lặng lẽ nói, và Viola nhìn anh tỏ ý biết ơn.

– Nếu người ta sống theo Chân lý, bà Saxton tuyên bố, họ sẽ không cần được an ủi.

– Nếu... Toni lên tiếng.

– Nếu người ta đừng tự mãn quá như thế... Viola bắt đầu nói, nhưng tôi nhăn mặt nhìn khiến nàng ngậm miệng.

– Vậy ra bà đang học hỏi về Krishnamurti, Lyall hỏi chuyện bà Saxton.

– Mỗi lần có họp tại Ommen thì tôi đều tới đó. Bà đáp lại, như thể bà nhất quyết đi cho dù có hay không có trại.

– Nói nghe coi, anh nghĩ gì về Krishnamurti và những lời tuyên bố của ông? Viola quay sang hỏi Toni.

– Đó là sự sửa sai tuyệt vời cho việc ỷ lại tinh thần kéo dài quá đáng. Là triết lý Advaita (Bất Nhị) dưới hình thức của thời đại mới, được một linh hồn rất đẹp đẽ và thanh khiết diễn giảng.

– Vậy anh không nghĩ ông là vị Huấn sư Thế giới à? nàng hỏi tiếp.

Anh cười đáp.

– Ta có cần vị Huấn sư Thế giới dạy cho ta điều gì xưa như trái đất không? Gọi người bảo ta là không ai, dù cao cả thế mấy, có thể dạy ta bất cứ điều gì, là Huấn sư thì có đúng không?

Bà Saxton hậm hực nhìn Toni, nhưng bởi anh có thói quen nhắm mắt lại và nhẹ nhàng suy luận mơ màng, anh không thấy vẻ mặt của bà.

– Ta có tuyệt đối phải có thầy khi muốn học đàn dương cầm hay không? anh tiếp tục. Có lẽ không. Nhưng khi nhờ vào hiểu biết rộng lớn hơn và sự hướng dẫn của thầy, ít nhất chúng ta có thể tránh được nhiều vấn đề và đỡ mất thời gian.

– Nếu có ai được xem là vị Huấn sư Thế giới về Dương cầm, tới và bảo chúng ta rằng tất cả thầy dạy dương cầm đều chỉ là chướng ngại cho việc ta học chơi đàn, thì ngộ biết mấy! Quí vị không thấy sao, cả đám những ai tự cao tự đại tưởng tượng mình là danh cầm thủ Paderewski, trong khi điều họ làm được chỉ là đập tơi bời cây đàn?

– Nghe mới hay chưa... bà Saxton quay sang nhà tôi mỉa mai nói.

Sau khi bà ra về, chúng tôi liếc nhìn nhau.

– Bà không ưa tôi chút nào, Toni khôi hài than.

– Bà cũng chẳng ưa gì tôi! Herbert cười lớn thêm vào.

– Lời giảng của Krishnamurti làm bà thành như vậy đó! Viola tức giận phê bình.

– Vậy không công bằng, tôi xen vô; rồi quay sang mấy người kia. Tôi quen biết bà từ nhiều năm nay và bà luôn luôn như thế. Hồi xửa hồi xưa tôi có nài nỉ thầy J.M.H. đi tới gặp bà, và sau đó tôi đem bà vào cuốn sách đầu của bộ The Initiate (PST 47), dĩ nhiên là có che đậy kỹ...

– Anh với sách của anh... Toni nhỏ giọng và nháy mắt.

– Bà nhận liền ra ngài trong chuyện, mà may phước cho tôi là bà không nhận ra chính mình. Khi bà theo hội Theosophia, phần nào do đọc sách của tôi và nghe nói về các bậc Chân sư, bà khoe là đã biết một ngài bằng xương bằng thịt. Bây giờ đi theo Krishnamurti, đương nhiên là bà cho các ngài ra rìa. Dầu vậy, trách cứ ông về sai sót của bà thì không công bằng chút nào. Coi coi, bà cũng còn chưa hiểu ông muốn nói cái gì!

– Như vậy là... Viola cười rắn mắc.

– Có người thay đổi cá tính của mình cũng như là thay đổi triết lý, Bland nhận xét, người khác thì chỉ thay đổi triết lý. Anh mở mắt ra và mỉm cười.

– Em thấy anh bạn nhỏ con của anh thiệt là dễ thương, Viola bảo tôi sau khi chỉ còn lại hai chúng tôi. Mà anh ta nói trúng phóc hay hết sức, lại thêm nhã nhặn.

– Vậy mà hồi anh mới gặp ảnh lần đầu, làm như ảnh không dám nói nặng với ai!

– Em không tin, nàng cười to, mà chắc ai cũng vậy. Anh ta là người mình sẽ cầu cứu khi có vấn đề. Còn cái bà dở hơi kia, và câu nói trịch thượng của bà về Chris...

– Chu choa, tình huynh đệ để đâu rồi? Tôi chặn lời, trêu chọc nhà tôi.

– Tình huynh đệ khỉ mốc! nàng bẻ lại. Ngay cả thái độ của bà cũng không phải tự nhiên mà có, bà chỉ xí của Krishnamurti. Chỉ vì ông giảng ở đâu đó rằng hễ thương ai thì sớm hay muộn có nghĩ là sẽ bị đau khổ, bà... bà...

– Trưng ra cho tụi mình lời nói của Krishnamurti chỉ mới đuợc hấp thu nửa vời, như là giải đáp cho sự đau khổ của tụi mình, phải không?

Nàng phải phá ra cười cho dù ráng dằn lại.

– Sự việc là - tôi bắt đầu nhưng Viola nói tiếp ngay ý của tôi - là Chris chết không hề là thảm kịch cho bà, bà không hề thực tình thương mến Chris!

– Đúng vậy. Nhưng ngay cả ai yêu quí Chris – như anh nè, anh rất quí bà, em biết đó – vậy mà anh đâu có bị chấn động nhiều như em, hở cưng.

– Ồ, anh quân bình và có óc triết lý nhiều hơn em biết bao, nàng kêu lên không nghĩ ngợi. Phải chi em được như anh, nhưng em không phải là anh, đành chịu vậy! Em biết anh vui mừng không có chút ích kỷ là Chris nay được tự do, dĩ nhiên là em cũng thế, chỉ có điều là em nhớ bà biết chừng nào... Giọng nàng run run và tôi nhận ra là dù lời thơ có hơi sáo nhưng tâm tình mô tả lại đúng thật:

–... Còn thấy đâu hình bóng nhau...

Mọi tranh luận của trí não phải chào thua.

– Thôi, tôi nói và cố tình làm ra vui vẻ, anh tự hỏi thầy J.M.H. sẽ viết gì. Anh tin thầy sẽ chuyển lời nhắn của bà. Sao đi nữa, em có nhớ là lúc mẹ anh chết, Chân sư Koot Hoomi không câu nệ mà cho anh hay qua Chris nhiều tin về mẹ không?

– Nó làm em yêu quí ngài nhiều hơn, Viola nói nhỏ, vì ngài thật là... người...

Nàng trầm ngâm một lúc lâu rồi bầy tỏ ao ước.

– Ô, em mong biết bao là thầy J.M.H. không ở xa như vậy, bằng không mình có thể được trả lời ngay lập tức.

Làm như nàng là người đang bị chìm mà bắt được chiếc phao.

Ghi Chú:

Để rộng đường dư luận và nếu muốn lắng nghe những ý kiến khác về hiện tượng Krishnamurti, bạn đọc có thể xem thêm hai tài liệu sau:

– Krishnamurti and the Search for Light, by Geoffrey Hodson, circa 1939.

Cyril Scott and a Hidden School: Towards the Peeling of an Onion, by Jean Overton Fuller (Theosophical History Occasional Papers, Vol. VII) 1998. Cần dè dặt với tài liệu này vì có một số điểm không đúng.

 

CHƯƠNG III.

Tin Dữ Đến.

Mấy tuần trôi qua mà vẫn không có tin gì về Thầy. Phải chi sức khỏe và tinh thần Viola khá hơn, và tình trạng tài chính của chúng tôi tươi sáng hơn một chút, hẳn tôi rất muốn băng biển đến nhà thầy J.M.H. Đã nhiều năm trôi qua sau những ngày tháng đáng nhớ khi tôi gặp ngài và các đệ tử của thầy tại Boston. Thời gian thay vì làm phai dần uớc muốn được gặp lại ngài bằng xương bằng thịt, lại chỉ làm nó mạnh mẽ hơn.

Trong những năm ấy tôi tự hỏi sao ngài không hề gợi ý là tôi sang thăm, nhưng như Chris đã nhận xét rất đúng:

– Cách làm việc của các Chân sư thường bí ẩn lạ lùng...

Hẳn nhiên là ngài có lý do của mình. Hơn thế nữa, tôi lại có hân hạnh tuyệt vời là được hầu chuyện và nhận chỉ dạy của vị Chân sư tại Himalaya mà thầy J.M.H. nhiều lần nhắc đến với lòng yêu quí, xem ngài là bậc Đạo đồ cao hơn chính thầy. Các vị Chân sư Minh Triết đôi khi có cách làm việc là tạm thời chuyển đệ tử sang một Guru khác, và tâm tình nhỏ mọn - xin thầy đại xá - gọi là ‘ganh tị trong nghề’ không hề có nơi các ngài.

Mà đương nhiên với việc Chris qua đời và Viola mất đi khả năng tâm linh, tôi lại bị hoàn toàn lệ thuộc vào phương tiện liên lạc thông thường để có được chỉ dẫn và lời dạy. Thế nên chẳng lạ gì là cả nàng và tôi chờ thư của thầy J.M.H. và không che dấu lòng nóng nẩy của mình.

Rồi buổi sáng kia tin dữ đến.

Thay vì có thư trả lời mà chúng tôi mong đợi, tôi nhận được thư từ người thư ký của ngài, ghi vắn tắt là Guru đã biệt tăm. Vẻ mặt của tôi khi đọc những hàng chữ hẳn phải cho thấy sự kinh ngạc và lo lắng tột cùng:

– Có chuyện gì không hay vậy?

Viola hỏi, nàng vừa xuống để ăn sáng. Tôi không thể làm gì khác hơn mà phải cho nàng hay. Giây phút đó thật đáng sợ vì tôi biết tin có nghĩa gì đối với nàng. Nhà tôi đã mất Chris, và nay lại mất thêm Guru, bao nhiêu hy vọng tiêu tán cùng với ngài. Viola đang đau ốm, không đủ sức để bị chấn động như vầy, nhưng tôi bất lực không ngăn chặn được nó. Nàng hóa trắng bệch, không nói tiếng nào, rồi òa khóc.

Để an ủi nàng, tôi tìm cách làm tin nhẹ bớt đi.

– Cưng à, tôi nói, vòng tay ôm lấy nàng, em đâu hề nghĩ là ngài sẽ mất biệt luôn phải không? Chắc chắn ngài sẽ trở lại bình an vô sự. Em có tưởng tượng là ngài bỏ đi mất không một lời từ biệt và để các đệ tử như thế này không? Hẳn nhiên là ngài có ý sẽ trở lại.

– Mình đâu hề nghĩ là các Chân sư sẽ khiến Chris bỏ tụi mình mà đi, nhà tôi nức nở, vậy mà các ngài để bà ra đi... Ô, em không chịu được. Liệu em sẽ mất hết những người mà em yêu quí hay sao?

Đột nhiên tôi đâm ra tức giận với thầy J.M.H. Ngài có quyền gì để bỏ đi như thế và gây ra đau khổ? Trời biết là Viola là đệ tử trung thành với ngài trong năm cả hai chúng tôi ở Boston, và nàng đã anh dũng hy sinh mình theo lệnh của ngài. Thầy phải biết rất rõ là bây giờ nàng đang đau ốm, đã mất bạn, vậy mà ngài chọn ngay lúc này để biến mất tăm! Rồi tất cả những đệ tử khác của ngài thì sao? Bộ thầy để cho họ đau khổ không một lời giải thích ư?

Nhưng có tư tưởng giận dữ chẳng ăn thua gì, và sao đi nữa chúng không an ủi được Viola; thành ra tôi ráng hết sức để gạt bỏ chúng. Còn có những thư khác đang chờ mở xem, trong đó có một phong bì dầy với con dấu bưu điện Boston. Tôi mở thư ra xem.

Anh Broadbent thân, tôi đọc.

Như Heddon đã viết cho anh, ở đây chúng tôi đang có một tin động trời. Thầy J.M.H. đã biệt tích. Hai tháng trước ngài ra đi, rời chúng tôi với hàm ý là vài ngày sau sẽ trở lại, vậy mà chúng tôi ngồi chong ngóc chờ thầy từ đó tới nay. Lại có ý nói là thầy lên thiên đàng trong tai nạn xe lửa ở California, vì trong danh sách người tử nạn có một người tên J.M.H.

Bác sĩ Moreton, một trong những đệ tử mà tôi nghĩ anh chưa gặp, đã mướn phi cơ đi xem xét, nhưng không nhận dạng thi hài được. Nhiều thi hài khác cũng trong tình trạng như vậy. Chứng cớ có được chỉ là một valise mới có tên J.M.H. đóng trên đó. Nói riêng thì tôi không tin người này là Guru của chúng ta. Bậc Đạo đồ như ngài không có nhân quả khiến phải bị thiệt mạng vì xe lửa lật.

Tôi nghĩ Heddon, là đệ tử cao cấp nhất của thầy J.M.H., biết nhiều về chuyện mà anh không nói thôi, mà như vậy chẳng giúp gì cho chúng tôi. Mấy đệ tử khác nói họ có linh tính là thầy J.M.H. sắp bỏ đi, vì mới đây ngài quở trách họ là không tiến mau theo hết sức mình. Thầy hỏi bộ họ tưởng là ngài sẽ luôn luôn có đó để dẫn họ đi từng bước hay sao!

Sao đi nữa, tôi nghĩ là nên viết cho anh hay, và mong là anh không xuống tinh thần cho lắm. Ngoài ra, tôi muốn cho anh biết là tôi sắp đi London. Ba tôi đau trong mấy tháng và qua đời hồi năm ngoái, để lại cho tôi hầu hết tiền của ông. Tại sao không chi một ít và đi đó đây? Tôi có thể vui tính nhưng trời, chuyện này làm tôi hơi buồn một chút. Cuộc sống mà không có thầy J.M.H. - chà, tôi chỉ thấy muốn bỏ đi một thời gian cho khuây khỏa.

Khoảng một tháng nữa là tôi đi, và sẽ gọi cho anh khi tới nơi. Cho hỏi thăm Viola nhé.

Thân,

Arkwright.

Tái bút:

Anh có thấy Guru hiền lành nào đi lại ở London không?

Người viết bức thư thân ái này quả nói trúng phóc khi ghi là có tin động trời. Tôi nói được gì với Viola bây giờ đây? Nàng không đụng tới bữa sáng và đã ra khỏi phòng, nhờ vậy nó cho tôi có giờ để suy nghĩ. Cho nàng hay có lẽ thầy J.M.H. đã bị thiệt mạng thì đó là tin tệ nhất. Với tâm trạng hiện giờ của nàng, chỉ gợi ý sơ sơ là có thể có chuyện bi thảm là đủ khiến nàng tin đó là chuyện thật. Và nó có thật hay không? Biết đâu thầy J.M.H. vẫn còn vài nhân quả phải cân bằng, và ngài đã chọn cách đó? Ý nghĩ thật kinh sợ biết chừng nào! Ngài đi chuyến xe lửa đó, biết là xe có thể đụng bất cứ phút nào và ngài sẽ thiệt mạng... Hoặc không chừng ngài không phải là bậc Đạo đồ cao cấp như chúng tôi đã tưởng về ngài. Không chừng không giống như những nhà Yogi cao cấp người Ấn mà ngài hay nhắc đến, thầy không thể tiên đoán giây phút cái chết của mình, và ngay cả khả năng thông nhãn đáng kể của ngài đã bị những Đấng cao hơn ngài rút lại.

Và tôi, người từng nghĩ là không bao giờ nghi ngờ, lại thấy mình chìm sâu vào trạng thái tâm hồn tê tái nhất. Cứ vừa tìm cách gạt bỏ những mối nghi ngờ của tôi bằng lý luận này, thì một lý luận trái ngược khác lập tức nẩy ra trong trí, như thể có ai đó đứng chực bên cạnh, tạo ấn tượng về nó trong trí não tôi.

Trong lúc đó nhà tôi, chắc trong phòng trên lầu, đang vật vã với cơn thảm sầu hai mặt. Tôi phải lên với nàng. Nhưng tôi quyết định không nói gì về lá thư của Arkwright. Nếu sau này tôi nhận được bằng chứng xác định là thầy J.M.H. đã bị thiệt mạng, khi ấy tôi sẽ phải báo tin cho nàng hay thật khéo léo.

Tôi thấy Viola nằm trên giường, đau đớn cả xác lẫn tâm.

– Tội nghiệp cô Hart đó quá... nàng bắt đầu một cách yếu ớt.

– Phải, cưng, cô ta thì sao?

– Anh có nghĩ là thật sự cô có thể liên lạc với Chris không? Anh nhớ chuyện bà Saxton nói đó.

Tôi gật đầu.

– Không biết được. Tôi trả lời khích lệ. Em có tính thử không?

– Em nghĩ muốn gặp cô ấy, anh gọi cho cô được không?

Tôi đi ra chỗ để điện thoại. Tôi nói chuyện được với cô Hart, mà đúng hơn là có mình cô nói.

– Anh gọi cho tôi thật hay quá... tôi chờ anh chị hết sức, nhưng thấy ngại ngùng... Anh chắc là tôi không làm phiền khi đến nhà anh chị chứ? Thật à? Không làm chị mệt ư? Tôi biết chị không khỏe, mà khi mình không khỏe - tôi nghĩ tốt hơn không nên ở lâu. Giả dụ tôi chỉ ghé lại một khắc thôi? Vậy có lâu không? Tôi có nên...?

– Trời đất ơi! Tôi than khi cuối cùng ngưng được và gác máy.

Chiều hôm đó cô Hart đến; nhỏ người, chộn rộn, liến thoắng, không rõ bao nhiêu tuổi, hoàn toàn không tân thời chút nào. Tôi tính không có mặt trong buổi nói chuyện mà rốt cuộc lại dính.

Cô bị rối bời với bao nỗi hy vọng, nghi ngờ, mong mỏi và hoang mang xáo trộn vào nhau. Cô ngồi xuống cạnh nhà tôi với thái độ của đứa trẻ muốn kể hết mọi chuyện cho người khác hay, mà thực tình cô đã bắt đầu kể trước khi chúng tôi có thể mời cô ngồi.

– Bà mới dễ thương làm sao... thật là tử tế... bà chỉ tính tôi có năm shillings khi tôi nói là mình không dư giả và bị nhức đầu... bà Chris khả ái thường tỏ ra dễ thương với họ -như có phép mầu... Mà, trời... nhưng tôi không được làm chị xuống tinh thần, chị Broadbent... coi nào, tôi đang nói gì? A, phải, bà đồng này, chỉ có năm shilling thôi... bà tốt quá phải không? Vậy mà người ta nói đồng cốt chỉ làm tiền. Bà mô tả Chris - Ồ, tôi tin chắc đó là Chris - tóc bạc, áo xanh bà hay mặc vào buổi tối, những cử chỉ nhỏ nhặt ngộ nghĩnh của bà, nụ cười của bà - mọi chuyện, và bà nói Chris thăm hỏi tôi và bảo bà không ở xa lắm đâu, thật đấy, và rồi...

Đột nhiên giọng nói cô Hart lạc hẳn và mắt cô đầy lệ:

–... và rồi ông Clegg làm hư chuyện hết, mà ông được xem là người đồng tuyệt vời!

– Làm hư chuyện à? Viola hăm hở hỏi, là làm sao?

– Về sau, khi tôi kể cho ông nghe – tôi hay gặp ông, chị biết chứ – ông bảo Chris đã tiến xa và hẳn đã lên tới cõi cao làm cho mình không thể nào liên lạc được với bà! Vật mà người đồng thấy chỉ là cái vỏ tình cảm của bà – nghĩ coi, chỉ là cái vỏ tình cảm – mà tôi tin chắc là...

– Tôi tưởng, tôi nhẹ nhàng ngắt tràng câu nói, người nào càng tiến hóa bao nhiêu, thì càng có lòng từ bấy nhiêu, và bà sẽ càng muốn tìm cách an ủi những ai bà phải từ bỏ mà đi.

– Ồ, anh Broadbent, thiếu phụ nhỏ bé đáng tội kêu lên, mắt cô lại đầy lệ, anh thực tình nghĩ thế à?

– Tôi thấy làm sao có ai nghĩ khác được chứ, tôi đáp. Rồi tôi xin lỗi và chuồn đi.

Về sau tôi nghĩ người như Harold Clegg đáng lẽ phải sáng suốt hơn, và không nên thao thao nói cho người như cô Hart nghe giả dụ của anh về đời sống sau khi chết của Chris. Sao anh không để cho cô được an ủi với ảo tưởng, nếu đó là ảo tưởng, mà lại gạt biến nó đi một cách phũ phàng như thế? Và nay dĩ nhiên là Viola can dự vào; nàng hay gặp Harold Clegg tại The Pines và rất phục khả năng thông nhãn của anh; thành ra nàng dễ tin những gì mà anh xác nhận không khôn ngoan chút nào.

Và nỗi lo sợ của tôi hóa ra đúng thế. Khi cô Hart đã về, Viola nói một cách rầu rĩ:

– Em sợ cách đó cũng không có hy vọng gì... Có lúc em tưởng – nhưng nếu Harold Clegg nói đúng về Chris thì anh ta đã phải thấy bà rồi, đâu cần người đồng.

– Không nhất thiết phải vậy, tôi tiếp lời. Bà quí mến anh chàng thật đấy, nhưng không có dây liên hệ thực sự giữa đôi bên. Nói cho đúng thì nhiều phần là bà sẽ đến với ai thực tình cần bà hơn là ai nghĩ bà đã tới chỗ nào đó rồi - như Kim tinh hay chòm sao Pleiades. Vớ vẩn!

Nàng cười buồn rầu.

– Cô Hart muốn em đi tới người đồng của cô. Làm như cô nghĩ là em có thể biết đó thực là Chris hay không. Em bảo cô lúc này em không còn thông nhãn và không thấy được gì, nhưng...

– Nếu nó làm cho cô vui hơn, tôi ngắt lời, thì nên đi.

Nhưng cuối cùng hóa ra tôi cũng đi dự.

...

Chỗ đó là căn phòng nhỏ kỳ dị nằm trên con đường có hơi tồi tệ. Người đồng tên Euphonia chẳng có gì khác đời. Bà không nói cho chúng tôi nghe mấy chuyện tâm linh nửa vời hoặc bá láp. Bà có khả năng đồng cốt đặc biệt, và làm hết sức mình để giúp chúng tôi.

Sau khi ngồi yên trong ghế bành vài phút, bà bắt đầu vặn vẹo thân hình; đột nhiên bà ngồi bật dậy và xoa hai tay với vẻ hài lòng mau mắn. Snowflake, vong linh hướng dẫn bà đồng, đã tới, về sau vong linh cho hay mình là cô gái da đỏ. Snowflake vui tánh, hay nói đùa và có lối nói lạ đời. Cô gọi tôi là ông Nam (Mr. Man), và gọi cô Hart với Viola là ‘quí nương’.

– Ô, cô nói, quay sang Viola, chung quanh ông Nam của cô có mầu sắc thiệt dễ thương; ổng hổng phải linh hồn tầm thường, hông đâu... ở bên nây người ta thương ông lắm, ông làm chuyện lớn lúc bên ngoài thân xác và cũng chuyện lớn lúc bên trong thân xác... Tụi tui biết ông đã lâu, thiệt đó... ông có tiếp xúc với mấy Thầy Lớn... tui như con sâu cái kiến thôi...

– Nào, nào, tôi trách móc, cô muốn làm tôi ngượng đỏ mặt hay sao đây?

Cô cười phá lên một tràng.

– Aha, ai có da sậm như tui làm sao đỏ mặt được!

Rồi đột nhiên cô hóa ra nghiêm nghị.

– Ah, quí nương cũng có hào quang xinh đẹp, mà sao buồn quá, đau khổ nhiều, làm tui muốn khóc luôn... quí nương kia cũng vậy, buồn hoài, buồn quá, bạn quen mà, Snowflake đã gặp rồi, tóc trắng, áo xanh, cười dễ thương, qua bên nây làm ai ở lại cũng buồn, nhưng không sao, tui với bà đồng, để coi coi.

Cô ngừng một chút, chộn rộn một lát rồi:

– Bây giờ có quí nương xinh đẹp tới đây, nói muốn dùng bà đồng, nhưng mà, cô lắc đầu, khó lắm, khó quá, quí nương chút nị mà linh hồn thiệt lớn, rung động mau quá bà đồng không theo kịp. Để ráng chút, Snowflake phụ...

Bà đồng ngồi lọt trong ghế và bất động một lúc. Bà lại ngồi bật dậy, lần này không có vặn vẹo nhưng tim bà đập quá mau tới nỗi ngồi ở chỗ tôi mà cũng nghe được. Chris, nếu quả thực đó là Chris, đưa hai tay ra với cử chỉ có thể là của bà, một cho Viola và một cho cô Hart. Tôi nghe nhà tôi hít một hơi dài. Rồi có một giọng nói rất nhẹ, không phải giọng của Snowflake hay của chính bà đồng, nói:

– Tụi mình gặp lại hè...

Viola rụt người lại, Chris sẽ không hề có cách nói như thế.

– Bạn tưởng tôi đã bỏ bạn đi biệt tăng tích, một cách nói khác bà cũng không hề dùng, nhưng tôi không thể làm vậy. Bạn muốn gặp tôi, nên tôi tìm cách đến... Giống như ngày trước, phải không?

– Chris, bạn ơi, bạn có được vui không? cô Hart hỏi, ráng kềm lại xúc động của mình.

– Vầy vậy thôi, bà đáp lại với nụ cười héo hắt. Tôi sẽ vui nếu họ không buồn nhiều như vậy.

– Bà muốn nói mấy người bệnh của bà ư? Viola hỏi nhẹ.

Bà rùng mình.

– Nhầy nhụa quá.

Viola rụt người lại nữa, tuy về phần tôi, tôi nhận ra ý nói về tình trạng đờ đẫn của hào quang những ai sầu não.

– Tôi phải đi, Chris nói đột ngột, năng lực hết rồi. Bà cầm tay tôi và ép nó. Anh bạn à, bà nói nhỏ, tôi không có giờ để nói với anh.

Bà đồng bật ngửa ra sau trong ghế.

Viola rời buổi cầu hồn mà vẫn còn chán nản và kiệt lực. Về mặt tình cảm, nàng tin đó là Chris, nhất là trong vài phút đầu khi Chris có vẻ như điều khiển bà đồng; nhưng về trí óc thì nàng bị điều như là sự giả mạo Chris thô bỉ làm dội ngược.

– Mấy chữ dễ sợ đó... nàng nhắc tôi.

Tuy vậy, với hy vọng là có được kết quả hay hơn, nhà tôi đi tới bà đồng nhiều bận. Nó luôn luôn cho cảm giác có một tình thương gần muốn làm ngợp, nhưng khi tình thương này được Snowflake diễn tả với cách đặt câu vay mượn, hoặc của chính bà đồng, thì ảnh hưởng đâm ra chỏi nghịch.

– Nó cứ lấp lửng... Viola nhìn nhận với tôi, Chris, rồi lại không hẳn là Chris, Chris bị cá tính của bà đồng che lấp mất đi.

Chúng tôi không có được điều gì thực sự đáng tin hoặc cho biết rõ về đời sống và sinh hoạt của bạn chúng tôi ở những cõi bên kia; thực vậy, chẳng những không cho ấn tượng gì là bên ấy có sự vui vẻ và mỹ lệ, bà lại như bị sự đen tối và sầu não của tình trạng trên trái đất, mà bà phải tiếp xúc, làm tràn ngập, khi hy sinh đi xuống vào cõi vật chất đậm đặc hơn để dùng bà đồng. Từ từ, Viola tin đó là một sự hy sinh.

Tuy có vẻ như Chris nỗ lực một cách anh hùng hầu duy trì dây liên lạc mà bà đã tạo, chỉ để cho những bạn bè đang sầu khổ của mình, càng lúc bà càng hóa ra không phải là chính con người thật của mình, làm như bà rút ra khoảng cách ngày càng xa; khi tới cuối cùng Viola cảm thấy không còn lý do để mời gọi bà về từ những cõi mà chắc chắn chỉ là sự hoan lạc. Dần dần, nàng chấp nhận và bỏ hẳn không đi dự những buổi cầu hồn.

Thế nhưng, một thời gian sau Euphonia gọi điện thoại cho Viola, mời nàng đến gặp bà vì theo chữ của bà, nàng ‘chống lại là phải lắm...’ Trong nhiều trường hợp khi bà, hoặc đúng hơn là Snowflake, muốn hăng hái giúp nhất, đã thua thảm hại. Chỉ dẫn đưa ra lại làm hoang mang thêm, lời tiên tri thì không thành. Tội cho Euphonia, thực tình là người cả tin, bị tuyệt vọng hết sức. Như vậy bà không gì khác hơn là kẻ giả mạo vô ý thức và ngoài ý muốn hay sao?

Tự mình thì bà không biết mình nói gì khi Snowflake nhập vào điều khiển, nhưng lẽ tự nhiên bà thấy có trách nhiệm với chuyện gì ‘xẩy ra’; và nếu năng khiếu trời cho của bà chỉ được dùng để gạt gẫm và làm người khác thất vọng... Tóm tắt là xin Viola, một trong những khách hàng có thiện cảm nhất, vui lòng đến dự một buổi cầu hồn với bà; nàng không phải trả tiền tuy Euphonia thú thật đang gặp khó khăn... Bà chỉ muốn có cơ hội này để thử khả năng của mình và trấn an mình rằng nó chưa mất hẳn. Bà đồng nói tiếp ‘Nếu Snowflake không làm được gì cho cô thì sẽ không thể làm gì được cho ai khác, và tôi chỉ có nước dẹp tiệm’.

Viola sẵn lòng gặp bà ngay, nàng nói:

– Em có thể tưởng tượng bà như đang ở trong địa ngục.

– Có lẽ bây giờ khi em tới với tinh thần hoàn toàn không ích kỷ, tôi trêu nàng, không chừng em có thể có được kết quả thực sự đáng công.

Nàng nhún vai và cười to.

– Em hết hy vọng rồi, nhưng không thể làm Euphonia thất vọng, bà đã làm hết khả năng của bà cho em.

Đột nhiên tôi nẩy ý, sao không đem ai có thông nhãn tới dự chung buổi cầu hồn? Có Harold Clegg đó. Tuy không phải lúc nào anh ta cũng nói đúng, nhưng có lẽ anh có thông nhãn đủ mạnh để giúp được bà đồng đang khổ sở. Và tại sao không mở buổi cầu hồn ở nơi thuận lợi hơn, tức ngay trong nhà chúng tôi, rồi có lẽ nên mời Lyall Herbert tới và ‘tạo’ khung cảnh cho bà đồng bằng vài khúc nhạc...

........

Lyall Herbert đã chơi xong nhạc trong vở Parsifal; bà đồng đã thiếp đi và Snowflake điều khiển sự việc.

– Ô ô, cô bắt đầu, xoa hai tay như thường lệ, nhạc dễ thương quá, và chỗ gì mà dễ yêu quá vậy, tui không ngại tới đây đâu... rồi ba ông đây, tui cám ơn lắm... Rồi cô khởi sự rên rỉ. Nhưng bà đồng của tui tội lắm, buồn hết sức, đau lòng lắm, tại tui nói tầm bậy tầm bạ với ông Nam và quí nương là hai người mà bà đồng biết, làm ông Nam và quí nương thiệt là giận... Tụi tôi ráng nói sự thiệt, nhưng có lúc hông có dễ... bụi bặm bên nây nhiều lắm... rồi có khi mấy vong linh cố ý hướng dẫn tui nói sai để giúp cho cuộc tiến hóa của ông Nam và quí nương... Nhưng bây giờ làm ơn cho bà đồng hay là bà không có lường gạt, để bà đừng lo nữa.

Khi đó tôi hỏi, như trong những lần cầu hồn trước Viola đã hỏi, liệu cô có thể cho chúng tôi tin gì về thầy J.M.H. Ngài có thực sự bị thiệt mạng không, và nếu không thì ngài đang ở đâu và tại sao mất dạng? Nhưng cô chỉ lắc đầu và nói ngay cả bên ‘cõi của mình’, cô cũng không được cho biết hết mọi chuyện. Cô cho chúng tôi hay tiếp theo cách lạ lùng của cô, là nhạc mà Herbert chơi sinh ra làn rung động cao khiến cho ‘bà nhỏ con áo xanh’, cô gọi Chris như vậy, đến được một chốc. Ngay cả trong ánh sáng mờ nhạt tôi cũng thấy được niềm vui mừng không ích kỷ hiện trên mặt Herbert, và nét ngạc nhiên pha với lòng mong mỏi lộ trên mặt Viola. Nhưng khi Chris nhập vô thì tuy có vẻ như bà tuôn rải tình thương ra chung quanh, bà chỉ nói được thì thào:

– Không phải lúc nào tôi cũng nói được qua bà đồng này, tôi đi tìm khắp nơi, tìm hoài... có ai khác làm cầu nối được chúng ta với nhau... tôi tới để cho các bạn hay...

Bà tan biến dần.

– Sao, anh thấy thế nào? chúng tôi hỏi Clegg sau khi bà đồng đã về.

– Snowflake nói đúng, anh đáp, tình trạng ở cõi trung giới trong lúc này bị xáo trộn gây khó khăn nhiều cho việc tâm linh. Tôi dám nói là nhiều người đồng như kiểu Euphonia thấy mình cũng bị gay go như vậy.

– Tuy nhiên, tôi nghĩ mình đã giúp bà tự tin hơn khi cho hay Snowflake nói gì. Viola bảo

– Trông bà vui hơn hẳn so với khi mới tới, Herbert nói, và chúng tôi cùng đồng ý với anh..

– Trong lúc Herbert chơi đàn, Clegg tiếp tục kể cho chúng tôi hay những ấn tượng của anh, tôi thấy cô gái da đỏ ngộ nghĩnh lượn chung quanh bà đồng. Rồi đột nhiên – phụt! – và cô biến mất vào huyệt tim của bà giống như làn khói bị hút vào ống khói.

– Nhưng còn Chris thì sao? Viola hăm hở hỏi.

– Khi Snowflake nói chuyện, tôi thấy bà hiện ra... Ồ, đúng là bà Portman, Clegg không hề dùng tên cúng cơm của bà, bà đứng xa xa một chút cạnh bức tường.

– Tôi tưởng anh có nói, tôi mở miệng, là bà đã đi lên chỗ cao... nhưng Viola ra hiệu cho tôi đừng ngắt lời.

– Khi cô gái nhỏ da đỏ rút lui, bà Portman tìm cách điều khiển hào quang bà đồng và gây ấn tượng về tư tưởng của bà lên đó; nhưng bà không điều khiển hoàn toàn cơ thể của Euphonia được như Snowflake. Có vẻ như bà thấy làm chuyện bà đã làm đủ khó rồi, và phải nhờ Snowflake giúp vào. Trọn câu chuyện là xà ngầu giữa bà Portman, bà đồng và cô nhỏ hướng dẫn bà đồng.

– Đúng như tôi luôn luôn nghĩ, Viola kêu to, nó có tình thương tuyệt vời của Chris, rồi khi bà tìm cách nói ra lời...

– Giống như chơi đàn dương cầm mà có đeo bao tay dầy... Lyall gợi ý, chống mấy ngón tay dài vào một bên gương mặt nhậy cảm có nét giống như Chopin, anh hay có cử chỉ đó.

– Nó đúng là thí dụ tôi muốn nói mà nghĩ không ra.

– Tôi cứ nghĩ chuyện xui là, Clegg nhận xét, mấy người đồng không chịu tính toán hơn; họ có năng khiếu đó mà không chịu nghiên cứu huyền bí học một cách khoa học. Bà đồng này không biết việc gì đang thực sự diễn ra.

– Ông già, hôm nọ anh nói trật đường rầy..., tôi nhất định nói điều muốn nói. Ai bảo Chris đã đi xa lắc làm cho không thể có liên lạc được nữa?

Anh cười xin lỗi.

– Tôi nói theo cái óc mà không dùng khả năng tâm linh của mình.

– Cái não có thể rất sai lầm, Herbert nói khô khan.

– Chút xíu nữa là anh làm tan vỡ tim cô Hart, tôi bảo, không có ý chơi chữ (Miss Hart’s heart), nhưng Clegg dở về tâm lý quá nên không hiểu.

– Mấy người nào thấy được thì hay gặp vấn đề như vậy, họ không thể đặt mình vào địa vị của ai không thể thấy... Viola phê bình sau khi anh đã ra về. Rồi nàng nói một cách ao ước.

– Em nghĩ, em tự hỏi ai sẽ là trung gian mới mà Chris bảo là đang tìm cho tụi mình...

 

CHƯƠNG IV

‘Âm của Lời Thinh Lặng’

 

Nhưng tôi đã nhẩy chuyện mà không theo diễn biến có thứ tự lớp lang.

Vào ngày nhận được thư của Arkwright làm chấn động, tôi gọi điện thoại cho Toni Bland và Lyall Herbert, mời họ đến nói chuyện; tôi thấy bắt buộc phải cho hai người hay lỡ họ không được một trong các đệ tử nói thẳng cho biết.

Lyall Herbert bị ảnh hưởng thấy rõ khi tôi đọc cho cả hai nghe lá thư của Arkwright; Toni, ngược lại, sau cái chấn động thoảng qua ban đầu, nhắm mắt lại theo thói quen của anh, và lập tức ra công trấn an chúng tôi.

– Nói cho cùng, anh ngẫm nghĩ, vị Chân sư vẫn tiếp tục là Chân sư dù ngài có tạm thời mất thể xác hay không.

– Nhưng một vị Chân sư không bỏ đi và để bị thiệt mạng theo như vầy, Lyall phản đối. Để mình bị đóng đinh vì công cuộc cao cả là một chuyện, mà nó là chuyện khác khi để mất thân xác hoàn toàn mạnh khỏe trong tai nạn hỏa xa.

– Anh tin vào điều tệ hại nhất trước khi mình biết đó là chuyện thật à? Toni chất vấn.

– Thiệt tình tôi không biết nghĩ sao, tôi lên tiếng, trọn sự việc làm tôi hoang mang hết sức. Khi đọc lá thư ấy, tôi không ngại nói thật với mấy anh là mới đầu tôi có ý nghi ngờ.

– Nghi ngờ cái gì? Toni hỏi

– Như vầy, tôi tự hỏi thầy J.H.M có đúng như là tụi mình nghĩ về ngài hay không!

– Tôi cũng cảm thấy giống vậy, Lyall bảo, tuy nói ra thì có xấu hổ một chút.

Toni mỉm cười.

– Nó có phải là câu hỏi về luật chu kỳ không? anh gợi ý.

Chúng tôi không hiểu ý anh.

– Hai anh có nhớ vị Chân sư được gọi là Bá tước St. Germain hồi ngay trước cuộc cách mạng Pháp? Toni tiếp tục.

Tôi gật đầu.

– Sau khi làm việc ở Paris, ngay cả việc tới lui trong xã hội một thời gian giống như thầy J.H.M làm ở London, ngài đã mất tăm một cách bí ẩn phải không?

– Đúng đó, Herbert nhìn nhận.

– Đúng, nhưng mà tại sao? Toni nói tiếp. Tôi nghĩ đó là vì các Chân sư làm việc theo chu kỳ, và khi tới lúc chấm dứt một chu kỳ thì các ngài cần thay đổi đường lối và phải có thích nghi đủ loại. Anh mở mắt và nhìn tôi. Phải thầy J.H.M biến mất khỏi London khoảng năm 1908?

– Khoảng đó, tôi đồng ý.

– Và khoảng 12 năm trước tụi mình gặp ngài trở lại ở Hoa Kỳ, tôi tới đó vài tháng sau khi anh về, Broadbent. Lúc đó thầy J.H.M có hề cho chúng ta hay ngài làm chuyện chi không?

– Chắc chắn là ngài không hề nói với tôi, tôi đáp. Hồi tôi tới thì thầy đã trụ vững vàng ở đó với nhóm đệ tử của ngài, nhưng thầy đã ở đó bao lâu rồi thì ngài không hề cho biết.

– Thế thì, anh có nghĩ là thầy sẽ trở lại nữa không? Lyall hỏi. Tôi chỉ quan tâm đến việc đó thôi. Tôi làm cật lực trong thời buổi khó khăn này để dành dụm có đủ tiền quay lại Boston, rồi bây giờ... Anh bỏ lửng và tôi ý thức được anh cảm xúc ra sao.

– Mà thầy có bao giờ gợi ý điều đó không? Toni hỏi với một nụ cười.

– Không, bây giờ nghĩ lại thì thầy không có nói!

Toni lắc đầu.

– Tính toán kiểu đó là điều nguy hiểm khi chuyện có liên quan đến vị Guru. Hồi thầy J.H.M viết thư mời tôi sang Boston, ghi rõ ngày giờ chính xác, tôi hăng hái quá và gửi điện tín hỏi có thể tới sớm hơn một tháng. Thư trả lời là chữ Không thẳng thừng, ngắn gọn không có giải thích nào. Đến khi tôi sang, ngài rầy tôi đã gửi bức điện tín ấy. Từ đó tôi học được bài học của mình.

– Thế nhưng, anh coi này, tôi vạch ra. Tôi nhận được nhiều thư hỏi xin tôi dàn xếp buổi gặp mặt với thầy J.H.M, trong khi ngay cả chúng ta, học trò của ngài, không thể đi tới gặp thầy sớm hơn một phút giờ mà ngài đã chọn. Có lần tôi làm gan gửi cho thầy bức thư của một độc giả nằng nặc đòi và ngài trả lời ‘Này con, ta tưởng con có đủ thông minh để hiểu rằng ta không giúp được gì cho một bà chỉ coi mình là trọng...’ Thầy nói nặng thật, mà trúng ngay hồng tâm.

– Và rồi bây giờ không ai có thể gặp thầy, Lyall nghiền ngẫm với chút cay đắng. Phải nói là tôi thấy thiệt là khó cho hết các đệ tử của ngài. Nếu ngài không bị thiệt mạng thì ít nhất cũng nên phản bác lại tiếng đồn, bằng cách nào đó, thay vì để mọi người phải đau khổ như vầy. Hành vi đó của bậc Chân sư xem lạ lùng quá.

– Lạ hay không, Bland nói, lên tiếng thật mạnh mẽ, thì có một điều chắc chắn chúng ta phải không làm, là để cho mấy lời bàn tán khiến mình nghi ngờ vô ích và cô lập. Dù sống hay chết, về mặt tinh thần thầy J.H.M sẽ không hề lìa xa chúng ta; nhưng ta sẽ tách rời mình khỏi ngài nếu mất niềm tin vào đúng lúc ngài làm điều chi ta không giải thích được. Hãy nhớ, lòng nghi ngờ tạo nên rào cản mà ngay cả vị Chân sư không được phép, hoặc có lẽ là không thể, phá đi.

Sau đó tôi lặng lẽ quyết định là sẽ trung thành với Guru của chúng tôi bất kể có chuyện gì, và tôi tin Herbert cũng có quyết định tương tự. Về thái độ của Toni, thấy như anh chẳng có mấy nghi ngờ, ít nhất là ngoài mặt. Nhưng nói cho ngay, tuy tôi đâm ra quí mến và cảm phục anh, vẫn có một cái gì đó về anh làm tôi thấy bí ẩn. Sao đi nữa, cơn chấn động mà chúng tôi đã gặp phải, và chỉ những ai đã có tiếp xúc riêng với một Guru mới hiểu được nó có nghĩa gì, mang cả ba chúng tôi lại gần với nhau hơn, và quyết định của chúng tôi là gặp nhau thường hơn, nói chuyện về thầy là vị có ý nghĩa biết bao đối với chúng tôi.

...

Mấy tuần trôi qua, và Arkwright, anh chàng đệ tử người Mỹ hồn nhiên, có mặt trong quyển hai của bộ The Initiate, tới Anh quốc và ngụ tại nhà chúng tôi. Tự nhiên là một trong những câu hỏi tôi đặt ra với anh là về thầy J.H.M, có tin gì thêm chăng?

– Không có lấy một chữ! anh đáp

– Mà chính anh vẫn nghĩ là thầy không bị thiệt mạng ư?

– Có lúc tôi nghĩ vậy, mà có lúc tôi không nghĩ vậy. Điều làm chuyện kỳ lạ là dường như không có chi tiết gì về người mang tên J.H.M mà thân xác bị nạn; không có bạn bè hay thân quyến nào tới để nhận diện ông ta. Bác sĩ Moreton đã hỏi đủ cách.

Khi đó tôi hỏi những đệ tử khác phản ứng ra sao với sự mất mát này.

– Có mấy người tỏ ra thật tuyệt vời, anh rộng lòng nhận xét, dù thầy J.H.M không còn đó nữa họ vẫn tiếp tục và theo đuổi việc làm. Mấy người khác... anh nhún vai. Vấn đề với tụi tôi bên đó là coi trọng cá nhân chủ nghĩa, ai mà có sức thu hút một chút và làm chuyện khác thường là chúng tôi bu lại như con nít thèm kẹo.

‘Tôi rất nghi là thầy J.H.M đã nói trước với Heddon để anh tiếp tục công chuyện sau khi ngài đã rời, nhưng bởi anh không có cá tánh thu hút, một số chela nhất là phái nữ, không thuận theo chương trình. Trời đất, mà anh biết, thầy J.H.M đã giảng cho mình đủ dùng cả đời, nếu thực tâm muốn ứng dụng. Nhưng ý tưởng muốn giữ trung tâm làm chỗ học tập và khuyến khích lẫn nhau không được mọi người tán đồng, nên số thành viên đã giảm xuống.’

Anh ngưng một lát để châm điếu thuốc.

– Có một hay hai cô đi sang mấy ông tự gọi mình là Swami phái Veda, người khác đi xuống California, để xem Krishnamurti có gì dạy được họ. Chắc anh có nghe về ông rồi, mà cũng có thể không... Sao đi nữa..

Nhưng lúc ấy con trai nhỏ của tôi ùa vào phòng, và trong phút chốc Arkwright biến thành cậu học trò hào hứng trong giờ chơi.

Tôi không hề đoán ra được làm sao bà Saxton lại thỉnh thoảng ghé qua nhà chúng tôi, trừ phi đó là do bà thấy mình có mãnh lực chi phối được nhà tôi và bị điều ấy thu hút không cưỡng được, làm phiền nhà tôi. Tuy nhiên vào dịp này, chuyện hóa ra là bà đến nhà với dụng ý rõ rệt, hơn là chỉ để phô bầy cao kiến của bà cho chúng tôi nghe.

– Trời hôm nay không dễ chịu cho lắm, bà nhận xét giả lã với Arkwright, sau khi bắt tay anh.

– Phải, tôi đoán cái khí hậu gàn dở của nước bà có bị chê bai một chút, anh trả lời một cách vui vẻ, thành ra đối với tôi nó y như tôi đã tưởng.

Vẻ mặt của bà Saxton muốn nói như nữ hoàng Victoria ngày xưa là ‘không vui’, nhưng bà không nói gì. Tôi hóa giải bầu không khí bằng cách tiết lộ là bà thích triết lý.

– A, cái đó mới hay! Arkwright reo lên. Chà, lúc này người ta cần nó tại vì không ai còn theo tôn giáo nào, mấy cô thì rượu chè và mỗi đêm ngủ với một chàng khác nhau, và nói chung thì thế giới rối lung tung xòe.

Anh nhìn bà Saxton với vẻ hiền lành và thân thiện mà nếu không cứng lòng và dễ phật ý, hẳn bà quí mến anh ngay.

– Thấy tình hình não nề của thế giới không làm nhụt lòng hăng hái lẫn tinh thần của anh, tôi cười nói.

– Tính tôi vậy, có lẽ phải có chuyện gì ghê gớm lắm mới khiến tôi nao núng.

– Tôi tới đây, bà Saxton trịnh trọng bảo Viola, để cho cô một vé dự buổi giảng của Krishnamurti vào tối mai. Tôi mua nó hồi mấy tuần trước cho cô Hart – nó hay cho cô ấy lắm nếu cô hiểu ra, tội cho cô – mà coi, thiệt bực là bây giờ cô bị sưng cuống phổi.

– Ồ, tiếc quá hở, Viola kêu lên, tiếc giùm; nhưng bà Saxton vì sao đó lại coi đấy là chuyện đáng phiền thay vì đáng tiếc.

– Thế là Viola sẽ được nghe giảng và hay cho nàng thay vì..., tôi nghĩ thầm.

– Thế thì vé là cho cô đấy! bà Saxton cho cảm tưởng là Viola phải thấy mình may mắn có cơ hội được giải thoát khỏi những điều mê tín dị đoan đủ loại mà nàng đang đắm chìm trong ấy.

– Tôi thích lắm, Viola ưng thuận. Tôi có đọc tờ tạp chí ngộ nghĩnh mầu vàng của ông, nhưng chưa hề thực sự nghe ông giảng.

– Nó sẽ làm thay đổi trọn quan điểm của cô, bà Saxton nghiêm khắc cho nàng hay.

– Ra là Krishnamurti có ở đây sao? Arkwright nói. Coi coi, cái anh chàng (guy) mà...

– Anh chàng (Guy)?! bà Saxton ngắt lời, tức giận. Ông ta có gương mặt đẹp vô cùng.

Tôi giải thích với bà rằng ở Mỹ chữ này (guy) không có ý nói về hình nộm hoặc pháo bông, mà làm như bà không tin tôi. (Đây là chơi chữ, tại Anh có ngày Guy Fawkes, dân chúng đốt hình nộm và đốt pháo bông vào ngày này).

Arkwright cười ngất vì chữ dùng trật chìa của mình, và bảo với bà rằng anh không có ý gây phiền lòng cho bà.

– Người hay lắm, anh thêm vào với lòng kính phục thật tình. Tôi có nghe ông giảng ở Mỹ, triết lý đông phương trong y phục tây phương. Đúng như bà nói, mặt đẹp. Mà ưa lập lại chính mình, và khi ai lập lại chính mình quá nhiều thì người nghe nhấp nhổm không yên.

Câu đó làm bà Saxton chịu hết nổi, vội vàng kiếu đi.

– Tôi đoán còn lâu lắm bà mới chịu gặp lại tôi. Arkwright tặc lưỡi nói khi bà ra về.

Nhưng tôi bảo đảm với anh là Toni Bland và mấy người khác cũng làm cho bà có cảm tưởng đó.

– Làm như bà cho rằng bất cứ liên hệ tình người nào cũng là chướng ngại cho việc giải thoát... nhà tôi nhận xét.

CHƯƠNG V

Krishnamurti: Một Vấn Đề.

‘Oh Krishnaji! Năm 1926 ông khiến tất cả chúng tôi tin rằng chúng tôi đi tìm hạnh phúc, năm 1927 là tìm giải thoát, năm 1928 chân lý, năm 1929 sự độc đáo; năm 1930 ông phá vỡ niềm tin của chúng tôi về luân hồi, chân sư, đấng cứu thế, và nay ông nói về việc loại bỏ cái ‘Tôi’, cái ngã, cái tình trạng không sinh không tử, cái sự sống làm như có nghĩa với ông mà không có nghĩa với chúng tôi. Và ông còn nói đến việc thành đạt, thực hiện, tột đỉnh. Sự thành đạt, của ông có phải là diễn trình theo nghĩa ông có nhiều điều để nói, và thông điệp của ông đi từ trạng thái chưa toàn vẹn nay sang toàn vẹn?’

‘Star Bulletin’, Sep 1931.

 

Viola đã đi dự buổi giảng của Krishnamurti, và chúng tôi họp thành bọn tứ quái: Toni Bland, Lyall Herbert, Arkwright và tôi. Chúng tôi ngồi nán lại ở bàn ăn, rồi đi sang phòng khách, và dụ được Lyall chơi một ít nhạc Scriabine cho nghe. Anh vừa mới đứng lên rời cây dương cầm thì Viola đi về.

Cố nhiên chúng tôi nóng lòng muốn biết nàng nghĩ sao về buổi giảng, và tôi hỏi đùa là nàng đã cải đạo chưa để thành tín đồ của ông. Nhà tôi cười.

– Không đâu, em chỉ là khán giả chăm chú thôi. Các nữ tín hữu dường như hoặc là người nào ao ước muốn làm mẹ chăm sóc ông, hoặc say mê lông mày và hình dạng tuyệt mỹ bề ngoài của ông, muốn một điều gì khác hẳn... Rồi lại có vô số người Bất định, dù trí não chưa đủ sức, vẫn cố gắng bắt lấy những điều yếm thế trong bài giảng của ông.

– Chị thật tình thấy nó tiêu cực à? Lyall hỏi.

– Chà, đối với tôi ông chỉ là Tông Đồ của Yếm Thế, nàng đáp, tựa như Chris là Tông Đồ của Hoan Lạc... Ngoài ra, ông đầy sự mâu thuẫn, bảo người ta phải tự nghĩ cho chính mình – tuyệt, có nghĩa là tới một mức nào đó – và rồi chặn hết mọi ngõ ngách của tư tưởng riêng. Chúng ta được nghe là không thể tới đích bằng việc thờ phượng, hay nghệ thuật hay mỹ lệ hay sự giúp đỡ của các Chân sư hay nghi lễ. Tại sao không kìa?

‘Krishnamurti có thể không cần những điều này cho mình, nhưng còn người khác thì sao? Chắc chắn nếu họ chọn việc đi tìm Thượng đế qua mỹ lệ, hay nghệ thuật hay bất cứ cái gì khác... Coi coi, mọi tôn giáo và triết lý (có vẻ như ông không nghiên cứu chúng, còn nếu có, ông đã vứt chúng vào sọt rác cùng với bao chuyện khác), mỗi vị huấn sư từ thời xa xưa mờ mịt tới nay đều hàm ý rằng dù đi bất cứ con đường nào để tìm Thượng đế, người ta cũng tới được Ngài!

‘Nhưng Krishnamurti không những phá hủy con đường, hoặc những con đường, mà luôn cả chính mục tiêu. Bắt đầu thì bạn không được dùng chữ ‘Thượng đế’... Thực tại tối hậu (Ultimate Reality) của Krishnamurti chỉ là ý niệm trừu tượng mơ hồ, có lúc gọi là ‘Sự Sống’, khi khác là ‘Chân Lý’, mà không hề cho ý nào là tuyệt vời hoặc vui thú.

– A, nói về quí cô quí bà, Arkwright cười, thì quí vị không có giỏi về chuyện trừu tượng – thiếu sót nằm sẵn trong tâm lý của quí vị. Điều mà quí vị muốn là hình ảnh Chúa Cha dễ thương, hiền từ trên đám mây dầy vàng óng, êm êm, có ngay những điều an ủi để cho, bất cứ khi nào quí vị kêu lên xin xỏ.

– Tôi đâu có muốn mấy cái đó! nàng cười to. Nhưng anh phải nhìn nhận là dù anh tin thuyết Nhị Nguyên muốn có một vì Thượng đế bên ngoài, vượt ra ngoài anh để hướng tới ngài và thờ phượng; hoặc anh theo Nhất Nguyên muốn thể hiện mình như là một với Đại Ngã thì lý trí – chưa nói tới con tim – đòi hỏi phải có một mục tiêu hấp dẫn, có sức thu hút, ít ra phải vậy!

‘Anh có thể nghĩ ai không muốn đứng trên đỉnh núi đìu hiu, trơ trọi chẳng có gì, gió lạnh buốt, nhìn ngắm khoảng trống không là hèn nhát, yếu đuối, nhưng tôi hỏi làm vậy có đáng không? Nếu cái ‘Viên Mãn (Completeness)’ này của Krishnamurti đồng nghĩa với hạnh phúc thì trông nó thực là xanh xao, loắt choắt bên cạnh niềm hoan lạc mà Chris nói về, và sống niềm vui đó... Bà không nhân cách hóa Thượng Đế; bà đặt ý niệm về Ngài ra ngoài tư tưởng (bất khả tư nghì), nhưng chỉ để cho thấy là mọi vẻ mỹ lệ, kỳ diệu, và huyền bí đều chỉ là nét thoáng qua hay phản ảnh của một Thực Tại tuyệt vời không thể nhìn ngắm được tách bạch...

‘Vị Chân sư nói qua Chris làm biểu lộ Ngài như là nét Khả Ái, Từ Ái thật rõ ràng, những điều mà ai cũng ước ao dù hữu ý hay không, mỗi người theo cách của mình, và Ngài đáp ứng lại với mỗi người theo nhu cầu của họ. Ngài nói:

“Trí tuệ con người không thể hiểu điều Vô Cùng không khác gì côn trùng bên dưới sàn không hiểu được vị Chân sư, nhưng các con có thể biết điều này, rằng Ngài là Tình Thương... và Tình Thương ấy là lý do cho vũ trụ, lý do cho chính sự hiện hữu của các con!”

– Nhưng Krishnamurti không phủ nhận tình thương, có một lúc ông luôn luôn nói về nó, tôi phản đối.

– Ah, có một lúc, chắc vậy, mà bây giờ không còn nữa; và ngay cả khi ông nói thì người ta có cảm tưởng tình thương ấy nó vô tình và mơ hồ gần như là ngại ngùng, dè dặt. Nó là cảm xúc khác biết bao với cảm xúc ta có khi Chân sư Koot Hoomi nói: Tình Thương mà ta cảm với mỗi người các con, là Thượng Đế... Ngài lại nói: Tình Thương và Chân Lý là điểm chính của vũ trụ, và Tình Thương là Chân Lý, nó không như Krishnamurti nói: Chân Lý không thể mang lại an ủi... Làm sao ta hòa giải hai quan điểm đó?

– Chị có đặc biệt muốn vậy không? Lyall hỏi.

– Cho riêng tôi thì không, 50 ông Krishnamurti cũng không phủ nhận được ý niệm về Chân sư mà Chris đã nói cho chúng ta nghe, và trước đó là từ thầy J.H.M... Tôi nghĩ đến những người đáng thương có thể đã nghe những lời tương tự, mà không có sự kiên trì như chúng ta để ghi khắc mãi trong tâm. Họ cũng từng được dạy rằng các Chân sư là Huynh Trưởng của chúng ta, dìu dắt họ một cách thương yêu để ‘hòa hợp với Vô Cùng ở những mức càng ngày càng cao hơn...’, như ông Leadbeater có nói đâu đó.

‘Rồi Krishnamurti tới và bảo họ rằng Chân sư chỉ là cây nạng, thành ra họ vứt cây nạng, lảo đảo đi vài bước, có lẽ để đi tìm sự ‘Giải thoát’ của ông, rồi té lăn ra đất. Ông có đề nghị cho họ đôi cánh thay cho cặp nạng, hoặc luôn cả việc chỉ họ cách mọc cánh cho chính mình? Làm gì có ông! Ông chưa phải là tâm lý gia để bảo họ bắt đầu ở đâu. Ông kê toa với cùng một món lập đi lập lại mãi: ‘Chuyện gì tôi làm được, bạn cũng làm được’... Không hề kể tới việc mỗi người có giới hạn do sinh ra nhân quả, hoặc trình độ tiến hóa hoặc bất cứ gì khác.

‘Với Chris, bà biết không thể đối xử với hai người nào cùng một cách; đó là bí quyết thành công của bà khi xử sự với người, bà không hề yêu cầu mọi người làm cùng mot viec như nhau!.’

Chúng tôi phải phá ra cười, nhưng Viola, đi tới lui trong phòng như con trai, có đầy thiện cảm và tức giận mà có vẻ như bài giảng đã gợi nên trong lòng.

– Cười thì dễ lắm... Tôi dám nói là bắt người ta tự mình dùng chân đứng dậy và tự suy nghĩ lấy là chuyện tốt, nàng tiếp tục, trong số đông người bao lâu nay lắng nghe lời nói của cấp lãnh đạo trong hội Theosophia, mấy người có thể hoặc có suy nghĩ độc lập, hoặc có đủ óc phân biện để lọc lựa trấu và gạo trong bài giảng của Krishnamurti? Anh phải thấy sự biểu lộ trên nét mặt của họ trong buổi giảng, khi họ ráng hết sức và chăm chỉ theo vị Huấn Sư Thế Giới tới đỉnh vinh quang trơ trụi và thấy – nếu họ thành thật với chính mình – rằng không có vinh quang nào cho họ mà chỉ có trống không!

‘Anh có thể thấy trong ánh mắt hoang mang của họ cái địa ngục mà họ đang trải qua, nhất là phụ nữ. Ông đã lấy đi hết mọi điều của họ, luân hồi, đời sống sau khi chết, tái ngộ với người thân sau khi chết, sự giúp đỡ và lòng từ của Chân sư – coi coi, trọn cấu trúc tinh thần trong đời họ – mà không đưa lại cho họ điều gì để thay thế, ngoại trừ một trạng thái tâm thức mù mờ không quyến rũ được chút nào quả tim hay óc tưởng tượng.

– Anh không hoàn toàn đồng ý... tôi khởi sự nói, nhưng nàng làm ngơ tôi, và tiếp tục bênh vực những ai mà rõ ràng được nàng xem là kẻ đau khổ nặng nề.

– Họ vấp té vô vọng trong khoảng không, tội nghiệp chưa! Quá dễ bảo và quen vâng lời nên không phủ nhận Krishnamurti hoàn toàn và chịu nêu cao nguyên tắc khi xưa; không thể nắm lấy điều ông muốn nhắm tới và nhờ vậy được mãn nguyện, và thiếu sáng kiến để tự tạo đường riêng cho mình.... Họ tự hỏi nếu những gì họ được dạy từ trước tới nay chỉ là chuyện tưởng tượng dễ yêu, nó là điều họ phải đối mặt trong những đêm không ngủ, và đó thật đáng sợ.

‘Không gì gây tan nát cõi lòng cho bằng bảo ai đó hay là những gì họ tin tưởng là không có thật. Ngay cả ai chỉ tin vào chính mình cũng phát khùng luôn khi niềm tin ấy bị lung lay... Nếu những chỉ dạy ban đầu là tưởng tượng thì họ làm gì bây giờ? Krishnamurti đã hủy hết tất cả những mốc điểm xưa của họ; nếu bây giờ họ dùng lại chúng hoặc nghĩ theo những quan niệm cũ, họ bị rầy la. Họ kêu cầu cùng ông với hy vọng rằng ông vẫn còn điều gì đó chưa nói, điều gì chưa biểu lộ trong bài giảng của ông mà cho phép họ hòa giải được chuyện cũ với chuyện mới, và họ bị thất vọng từng điểm một. Họ sẽ ra sao đây?’

– Không chừng có ai đó sẽ tới, Bland đề nghị, ai sẽ tìm cách tái tạo niềm tin của họ vào các Chân sư.

– Có thể là quá trễ, có thể họ không còn đủ sức đáp ứng. Họ đã bị tả tơi quá nhiều, có mấy người đã lớn tuổi quá. Anh không thể phá vỡ niềm tin trong bao nhiêu năm mà không gây hại cho chính sức mạnh của niềm tin, tôi tin chắc việc ấy. Đôi khi tôi tự hỏi các Chân sư có buồn lòng một chút, khi thấy hố thẳm mà Krishnamurti đã đặt ra giữa các Ngài và những ai mà có lần các Ngài đã có thể dìu dắt... Và bây giờ, nàng thêm vào với tâm tình chợt thay đổi, làm điên đầu các anh xong tôi phải đi làm miếng bánh mì để ăn!

Nàng vẫy chào chúng tôi một cách trêu chọc và bỏ đi ra.

Tôi chắc ông bạn Krishnamurti chọc chỉ nhiều điều, anh bạn Mỹ của chúng tôi tỏ lòng thiện cảm mà cũng có vẻ buồn cười.

– Thấy giống vậy, tôi đồng ý.

– Này, khi anh vừa mất Guru của mình và luôn cả người bạn thân nhất, Herbert phản đối, đó không phải là lúc thích hợp nhất để đi nghe Krishnamurti chế nhạo các Chân sư và luôn cả việc còn sống sau khi chết.

– Đúng, nhưng không ai trong các anh nhận ra, Toni nói một cách nghiêm trang, là tuy Viola có thể không còn thông nhãn, nhưng chỉ lại rất dễ cảm thụ. Chị nhậy cảm với tâm trí của người xung quanh, và bị thúc đẩy để biểu lộ những tư tưởng và cảm xúc chung của các phụ nữ thiếu may mắn, ai không thể hoặc không dám tự bầy tỏ ý họ.

– Hay đó, Arkwright đồng tình.

– Riêng tôi thì tôi luôn luôn đặc biệt chú ý tới sự phát triển của Krishnamurti, tôi nhận xét. Việc ông ban đầu là người theo Nhị Nguyên rồi thành Nhất Nguyên của phái Veda là điều gây thắc mắc nhiều nhất. Đáng tội là ông chỉ nói thoảng qua thuyết Nhất Nguyên, thay vì giảng giải nó trọn vẹn. Chỉ nói cho ta hay rằng Chân lý là hạnh phúc, hoặc ngay cả hạnh phúc vĩnh cữu thì chưa đủ. Người theo phái Nhất Nguyên đúng nghĩa nói rằng Chân lý là sự Hoan Lạc – Hiện Hữu – Hiểu Biết –Tuyệt Đối...

– A, mà nếu ông nói như vậy, Toni xen vào, trọn cảm tưởng có thể sẽ rất khác xa. Lấy thí dụ khi nói Chân Lý không thể làm an ủi, nhưng không lập tức giải thích câu nói đó, là chỉ làm xáo trộn người khác và khiến họ bất mãn. Ai biết chính mình là sự Hoan Lạc Tuyệt Đối thì đâu cần sự an ủi, mà đó là điểm then chốt!

– Tôi tự hỏi, Lyall ngẫm nghĩ, liệu ông có biết mình đang giảng về Nhất Nguyên hay không?

– Tôi chịu thôi! Arkwright bảo.

– Thấy ông có vẻ e ngại, Lyall diễn giải thêm, là người ta có thể tìm ra được một điểm liên hệ nào giữa triết lý của ông và niềm tin của riêng họ, nên tôi ngờ lắm.

– Dù ông có nhận biết nó hay không, sự kiện cũng vẫn y vậy, tôi nói, và tôi có thể dễ dàng chứng tỏ cho các anh. Tôi lấy chồng tạp chí Star Bulletin mà tôi sưu tập, và không cố ý chọn lựa, lấy ra vài đoạn có đúng cảm tình làm nhà tôi bực bội. Nghe này:

– Thành đạt tâm linh không nằm ở việc theo chân người khác, dù là lãnh tụ hay thầy hay nhà tiên tri... Tức đi theo ai là sự yếu đuối... Người trung gian chỉ là cây nạng... Chân Lý không nằm trong tiếng tăm, trong xã hội, thứ bậc, giáo hội...

– Giống như tôi thoát khỏi lề thói và niềm tin, tôi sẽ giúp người khác được tự do khỏi những niềm tin, giáo điều, tín điều và tôn giáo đặt điều kiện cho cuộc sống.

Tôi đi lại kệ sách và lấy xuống bài giảng của Vivekananda về kinh Vedanta, rồi đọc to:

– Không gì làm chúng ta có đạo đức cho bằng thuyết Nhất Nguyên... Khi chúng ta không có ai để níu lấy, không có ai để làm vật tế thần, khi chúng ta không có quỉ dữ lẫn Thượng Đế để qui những điều xấu của ta cho họ, khi ấy ta có thể lên tới điểm cao nhất và tốt đẹp nhất của chúng ta. Hành hương, sách vở và kinh Veda, nghi thức không hề trói buộc được tôi... Tôi là người có sự Hoan Lạc.

Tôi lại quay về chồng tạp chí mầu vàng, và đọc thêm những đoạn khác:

...

– Cái ‘Tôi’ là giới hạn của sự chia rẽ... do nỗ lực có chú tâm tiếp tục luôn, mỗi phút trong ngày, bạn phải phá bỏ đi bức tường giới hạn, và như vậy cho bạn có sự tự do chân thực của tâm thức... Đó là sự bất tử... Đó là vượt không gian và thời gian, sinh và tử...

Tôi quay lại Vivekanana lần nữa:

– Hãy nghe ngày lẫn đêm rằng bạn là linh hồn ấy hoặc Đại Ngã. Nhắc lại nó mãi cho đến khi nó đi vào trong máu huyết của bạn... để trọn cơ thể chứa đầy một ý tưởng duy nhất ‘Ta là linh hồn bất sinh, bất tử, hoan lạc, hằng chói lọi.

Sau đó chúng tôi so sánh nhiều đoạn khác. Thí dụ:

Krishnamurti: Tôi tin tưởng rằng theo căn bản, con người được tự do.

Vivekanana: Chúng ta có tự do, ý tưởng ràng buộc chỉ là ảo ảnh.

Krishnamurti: Hạnh phúc nằm trong việc từ bỏ tột cùng.

Vivekanana: Đừng bị ràng buộc.

Cứ như thế giống nhau.

– Thôi, tôi đoán vậy là đủ để kết luận, chót hết Arkwright nói.

– Vấn đề là, Lyall góp ý. Krishnamurti không có tài làm người ta hiểu được ý mình. Ông có thể hiểu được mình muốn nói gì mà không truyền được nó đến người khác. Tôi sợ là chỉ những ai đã được một Guru dạy rõ ràng trước đó mới thực sự hiểu ra ông đang nói gì.

– Chính thế, Arkwright nói. Phần còn lại của cử tọa hiểu được là ông bác bỏ chuyện này chuyện kia, nhưng khi ông giảng ý khác thế vào đó, thì chuyện thay đổi hẳn. Chúng mình biết ông muốn nói gì vì đã học thuyết Advaita (Bất Nhị) với thầy J.H.M.

– Thầy cũng có dạy, đừng quên nhé, tôi khăng khăng nói cho được, nó không phải là triết lý thích hợp để rao giảng như là cách duy nhất đạt sự Giải Thoát.

CHƯƠNG VI

Người Tiền Phong của Đạo Đức Mới.

Viết những sách loại này có nêu một số chỉ dạy khác với thói thường, và trong đó có người thật can dự, có thể khiến tôi gặp rắc rối thật đáng ngượng ngùng...

Nhiều năm về trước tôi có tình bạn thân thiết với một cô gái tên Gertrude. Cha cô là Phó tế của nhà thờ, và thầy J.H.M. là tác nhân giúp đỡ ông; thực vậy, ngài có mặt cạnh giường của ông lúc lâm tử. (Xin đọc PST 31 bài ‘Linh Mục Wilton’). Vì tất cả những gì ngài đã làm cho ba cô và chính cô, Gertrude yêu quí thầy J.H.M. với lòng sùng mộ người ta có với bậc Guru, tuy chỉ về sau cô mới nhận thức ý nghĩa trọn vẹn của chữ này.

Hồi 23 tuổi cô là thiếu nữ xinh đẹp, nhưng khi là thiếu phụ tuổi trung tuần, trong trí tôi cô lại xinh đẹp hơn nữa. Sau khi ba cô qua đời, cô thành hôn với một luật sư có tiếng, và cả ba chúng tôi luôn là bạn thân của nhau. Trong nhiều năm, Gertrude và chồng cô rất đỗi hạnh phúc, tuy nói thật ra thì Alfred - đó là tên tôi gọi anh - yêu cô nhiều hơn là cô yêu anh.

Rồi một hôm tôi ăn tối ở nhà hai người và để ý thấy có gì không ổn. Gertrude trông không được tự nhiên và Alfred thì rầu rĩ. Tôi thân với họ nên hỏi thẳng có chuyện trục trặc hay sao, câu trả lời lửng lơ của hai người cho thấy ngay là họ không muốn kể cho tôi nghe, nên tôi hiểu ý và nói sang đề tài khác.

Nhưng tôi đã lầm, không phải là hai người không muốn kể cho tôi nghe, chẳng những họ thay phiên nhau tuôn hết nỗi lòng cho tôi rõ, mà còn đặt tôi làm tòa kháng cáo.

Alfred và tôi ngồi với nhau hút xì gà. Anh hắng giọng.

– Tự nhiên là tôi không biết ông Guru của anh, nhưng ngài đã có ảnh hưởng lớn lao đối với Gertrude, và tôi dám nói là luôn cả với tôi nữa, theo cách gián tiếp.

Tôi tự hỏi có chuyện gì đây, nhưng không có sẵn ý nào để tiếp lời anh nên tôi chờ.

– Hm, anh ngẫm nghĩ, như thể đang tìm chữ cho đúng, anh hỏi là có gì không ổn... Chà, có, có chuyện. Tôi không có tánh ghen tuông. Tôi đồng ý với Guru của anh, chuyện đó thiếu phẩm cách và trẻ con. Nhưng tôi mạnh mẽ phản đối vợ tôi làm thân với một thằng không ra gì, đi lộ liễu khắp London. Coi coi, hắn lại còn mượn tiền nàng.

Tôi đồng ý chuyện đó tệ thật.

– Chẳng những nàng muốn tôi che dấu cảm xúc riêng của tôi về chuyện, và muốn nói gì thì nói tôi có một số bản năng tự nhiên, cho dù đã ráng hết sức đè nén chúng, nàng lại không hề kể đến quan điểm của tôi trong chuyện.

Không phải là tôi không muốn nàng có hạnh phúc, nhưng nói cho cùng tôi cũng phải kể tới địa vị của tôi nữa chứ! Phải chi nàng kín đáo một chút... Đằng này nàng thật hãnh diện với điều xẩy ra và thấy phải loan cho cả nước biết; nàng tin rằng mình là người tiên phong hay là chuyên gia về Tân Đạo Đức, hay cái gì đó mà Guru của anh cho tên.

– Điều gì thu hút nàng? tôi hỏi.

– Có Trời biết... anh nhún vai. Thực tế là, anh chữa lại, hắn trông điển trai theo kiểu ẻo lả mà tôi không ưa chút nào.

– Anh có làm gì về chuyện này chưa? Tôi hỏi.

– Tôi có thể làm được gì? Khi tôi phản đối thì nàng bảo tôi đọc lại mấy cuốn sách của anh.

Tôi nhăn mặt.

– Tôi e rằng anh không phải là đức ông chồng duy nhất gặp phải tình trạng khó xử này do sách của tôi. Tôi nói để an ủi. Tôi nhận được thư của nhiều người khác trong cảnh rối rắm tương tự.

– Hm... anh tư lự, thế à, anh có vậy ư? Thôi, chuyện là vậy đó, tôi không biết phải làm gì. Anh ngưng một lát. Vợ chồng tha thứ chuyện ăn vụng của nhau là một việc, nhưng đây là điều khác hẳn. Guru của anh... theo tôi hiểu khi đọc sách của anh, không hề khuyến khích lòng ích kỷ trắng trợn.

– Hẳn rồi, đương nhiên là không...

– Cái trục trặc là nàng không chịu nhận rằng đó là lòng ích kỷ, mà nói đến chuyện cải hóa hắn ta, và đủ thứ việc tầm bậy tầm bạ.

– Phụ nữ thích trò cải hóa lắm. Tôi cười lớn, nhưng anh miên man với suy nghĩ của mình.

Rồi anh ngập ngừng hỏi.

– Tôi chắc anh không viết được cho Guru của anh và hỏi ngài...

– Ông bạn ơi, tôi ngắt lời, phải chi Trời cho tôi làm được việc ấy, nhưng tôi không biết bây giờ ngài ở đâu, hoặc ngài còn sống hay chết... Thiệt tình là cả Viola và tôi đang bị khó nghĩ lúc gần đây, đầu tiên là nàng mất người bạn thân nhất, và nay thầy J.H.M. lại mất tích luôn.

Anh tỏ ra thông cảm, và đồng ý là trong hoàn cảnh này, đề nghị của anh chỉ vô ích.

– Sao đi nữa, tôi đánh bạo nói, anh nghĩ tôi hỏi chuyện Gertrude thì có lợi gì không...?

Anh cười có chút cay đắng.

– Nàng sẽ tìm anh để nói, chờ đi rồi anh sẽ thấy ngay!

Tôi thấy Gertrude chỉ có một mình trong phòng khách.

–Alfred có vô không? nàng hỏi.

– Ảnh đang viết thư, tôi đáp, không cho nàng hay là thư chỉ là cái cớ để hai chúng tôi được tự do nói chuyện. Tôi ngồi xuống cạnh nàng trên ghế sofa.

– Tôi chắc ảnh có kể cho anh nghe hết rồi chứ? nàng nói, rồi tiếp theo ngay không cho tôi có giờ trả lời, Tôi tưởng tôi hiểu Alfred nhưng rõ ràng là tôi không hiểu... tôi mong ảnh xử sự khác hơn chứ; làm như là ảnh cho ra tay này và lấy lại bằng tay kia.

Tôi không nói gì, quyết định là để mình nàng nói lúc này.

Nàng đột ngột quay sang tôi.

– Tôi có kinh nghiệm hết sức tuyệt vời... Hay hết sức, anh biết không, khi có thể giúp người thiệt sự xứng đáng.

Tôi cười thầm, vừa mới nghe ‘người thực sự xứng đáng’ là ‘thằng hư hỏng mượn tiền’.

– Sao, anh có nghĩ vậy không? Nàng gặng hỏi, bắt buộc tôi phải lên tiếng.

Tôi phải đồng ý rằng đúng vậy.

– Basil thiệt là dễ thương! Phải chi Alfred thấy được như thế...

– Ai cũng tạm thời ‘dễ thương’ khi mình có cảm tình với họ... Tôi không kềm được và lên tiếng.

– Anh cứ giỡn hoài, Charlie, nàng trách tôi; đây là chuyện đàng hoàng. Anh ta là mối dây từ kiếp trước, Oh, tôi biết ảnh đúng vậy, ngay phút đầu tiên chúng tôi gặp nhau, tôi biết liền khi ấy. Chắc chắn là anh hiểu chứ?

Nhưng cho dù nàng thật đáng yêu, hẳn tôi sẽ hiểu nhiều hơn nếu nàng đừng quá nồng nhiệt như thế. Khi Gertrude sôi nổi thì tôi đâm chán, và nàng biết thế.

– Nếu ai cũng thấy phải có tình yêu nam nữ với hết mọi mấy dây liên kết trong quá khứ... Tôi bắt đầu nói một cách khô khan, nhưng nàng làm ngơ nhận xét của tôi với sự cao ngạo đáng kể.

– Anh không thấy đây là cơ hội để... chà... để sống đúng theo lời thầy J.M.H. dạy sao? Tôi luôn nói với Alfred như thế... Nếu tôi không cho Basil điều mà anh ta nghĩ là không thể không có, ảnh nói là sẽ bỏ đi, giản dị vậy thôi; ảnh không chịu được...

Nhưng rõ ràng là theo Gertrude việc Basil không thể ‘chịu được’ lại là niềm thỏa mãn hơn là chuyện đáng tiếc.

– Giả thử anh ta bỏ đi thiệt thì sao, tôi ướm thử, chuyện gì sẽ xẩy ra?

– Oh, sao anh tối quá vậy, nàng kêu to, bộ phải nói rõ ra hết sao? Không phải tôi có nói với anh là... ơ... về mặt tinh thần... Cô ngưng không nói tiếp và nhún vai với việc như hết thuốc chữa của tôi.

– Điều mà chị muốn nói với tôi, chị này, và không muốn nói thẳng ra, tôi bảo, để giúp nàng, là chị là linh hồn tiến hóa hơn chồng chị, và thay vì bỏ anh khiến anh không có cơ hội tâm linh vô giá là được liên kết với chị, chị thích phạm... tôi muốn nói, chị thích không thủy chung với anh hơn. Rồi lại còn hãnh diện nữa! Tôi đắc thắng thêm vào.

– Coi này, tôi chỉ làm như lời thày J.M.H. sẽ bảo là đúng, cô đáp lại, làm ngơ lời chế diễu của tôi.

– Oh không, chị không phải vậy, chị chỉ là thiếu phụ bình thường bị lú lẫn thôi, tôi cười to và nàng co người lại. Nói gì thì nói, rõ ràng là chị muốn lên giường với anh chàng này...

– Anh thiệt thô lỗ quá! nàng xen vào.

–... nhưng thay vì đối đầu với sự kiện thì phụ nữ giống như chị tự lừa dối mình và người khác, là chị có mục tiêu cao thượng nào đó. Chị biết rất rõ là nếu chị tống khứ anh chàng thì làm lợi cho anh ta hơn hết thẩy – loại người anh ta cần như vậy. Nhưng mà không, chị thích để thiên hạ đàm tiếu về chị, và đặt chồng chị vào vị thế mà không ai ở địa vị của anh có thể để cho mình bị như vậy. Chắc chắn chị sẽ không bảo tôi là thầy J.M.H. khuyên làm vậy chứ?

Cố nhiên là nàng trả miếng bằng một tràng biện luận, không cái nào đúng chỗ; nàng còn hàm ý rằng đó là lỗi của Alfred nếu anh buồn vì chuyện này, và bổn phận của tôi là tìm cách làm anh chấp thuận quan điểm của nàng. Nhưng tôi giữ vững ý mình và để nàng tuôn ra cho hết.

– Coi này, cuối cùng tôi bảo, ráng khuyến dụ nàng suy nghĩ hợp lý một chút, đừng buồn với điều tôi sắp nói, nhưng tôi thấy là Alfred hiểu đúng ý thầy J.M.H. về mấy chuyện này hơn là chị. Anh không có ích kỷ, bằng cớ là không ngăn cản chị và đòi hỏi là chuyện phải chấm dứt, anh chỉ yêu cầu là chị đừng khoa trương cho ai biết, và tôi đồng ý với anh.

Tôi cầm lấy tay nàng, và tuy tôi đã hơi lớn tuổi không còn rung động với sức thu hút của nàng, trong lòng tôi không khỏi thông cảm với anh chàng kia, không biết là ai, đã bị vẻ đáng yêu của nàng chinh phục.

– Tôi tin chắc là, tôi nói tiếp, nếu mình có thể gặp và hỏi thầy J.M.H., ngài sẽ nói điểm tệ hại nhất trong trọn chuyện này là chị không thành thật với chính mình. Vì sự thu hút của Basil plus fort que vous, chị giả vờ là mình chỉ đáp ứng lại để nâng cao anh ta lên, nghĩa là chuyện vớ vẩn... Rồi để thỏa mãn lòng kiêu ngạo của mình, chị giả vờ rằng mình là người tiên phong của chủ trương tân đạo đức, nhưng làm vậy chỉ khiến chị hóa lố bịch.

Và cuối cùng, khi đã xử sự với chồng với lòng ích kỷ không chối cãi được, chị đâm bực vì anh không đóng trọn vai trò mà chị đã gán cho anh... Sự thực là chị muốn có cuộc tình, muốn chồng khoan dung với việc ấy, và xuyên qua tôi, có sự chấp thuận của thầy J.M.H.... Vắn tắt thì chị Gertrude này, tôi kết luận, vỗ nhẹ tay nàng và cười lớn, chị khó có được cả hai điều này, đừng mong có hết ba điều như vậy.

 

CHƯƠNG VII

David Anrias: Chiêm Tinh gia và Huyền Bí gia

 

Chúng tôi gặp David Anrias tại nhà của người bạn, và biết ơn họ hết sức, vì cuộc gặp gỡ này với anh cho thấy không những nó rất quan trọng cho chúng tôi mà còn cho cả cuốn sách này. Tuy Viola gọi đùa anh là ‘Phù Thủy’ anh không có vẻ gì là ghê gớm, về cả sắc diện lẫn tư cách. Ngược lại, mặt anh lộ nét vui tánh kèm với óc hài hước sâu đậm mà ai càng biết anh nhiều càng thấy rõ. Thực vậy, anh là người độc đáo mà người Đức gọi là ein original. Cách nói chuyện của anh bình thường, tuy sắc bén và tượng hình khi anh nghiêm trang, lúc anh đùa cợt thì câu chuyện có đầy những chữ lạ lùng về chiêm tinh, phân tâm và TTH, chưa kể những chữ tắt và các chữ ngộ nghĩnh khác.

Sau khi đã quen biết nhau rồi, chúng tôi thường gặp anh luôn; David Anrias cho hay anh đã ở Ấn Độ mấy năm, và thường tới ngụ mấy tháng liền tại một chỗ ở Nilgiri Hills, tập tham thiền ở đó dưới sự chỉ dẫn của một vị chân sư mà bà Blavatsky gọi một cách đặc biệt là the Old Gentleman of the Nilgiri Hills. Vị Chân sư này chuyên về chiêm tinh học của những vũ trụ lực, và trông coi cùng khuyến khích việc phát triển khoa học này bất cứ khi nào có thể được. Có vẻ như ngài thấy bộ óc của Anrias thuộc loại có thể huấn luyện theo đường lối tương tự như của ngài.

– Anh chị xem này, nó chỉ là việc hòa hợp với một mức rung động đặc biệt, Anrias giải thích cơ chế của việc (modus operand). Lẽ tự nhiên mỗi Chân sư có làn rung động riêng của ngài, nhưng trước khi tìm cách tiếp xúc với vị nào, điều tuyệt đối cần thiết là tham thiền về ngài trước hết, rồi cảm nhận ngài trong huyệt tim, vì ở trong huyệt ấy ta mới cảm nhận ra những nét riêng của Các Ngài. Khi có thể làm vậy, tôi phải tập làm tĩnh lặng cái trí để khiến nó thụ cảm với trí của ngài ở mức khá cao.

– Nhưng làm sao anh luôn luôn biết chắc là anh đạt tới làn rung động của một vị Chân sư? Rủi đó là của Tà đạo hoặc ai đó không tốt giả mạo thì sao? Viola hỏi, tỏ ra hết sức chăm chú.

– Không thể được, anh đáp, không Tà đạo nào có thể giả mạo được làn rung động hoặc xướng lên được nốt chính dựa trên tình thương, và đó là cách giữ gìn duy nhất.

Anh nói tiếp, cho chúng tôi hay rằng sau nhiều năm thực hành anh có thể hòa hợp với một số Chân sư khác. Cuối cùng, anh cảm thụ được mạnh mẽ nhiều độ dài sóng khác nhau nên có những lúc anh không cần phải có hòa hợp trước với các ngài mà có thể cảm ngay sự hiện diện của Chân sư bất cứ khi nào các ngài muốn tiếp xúc.

Tự nhiên khi nhà tôi và tôi nghe chữ Chân sư thì chúng tôi hỏi anh tới tấp. Khi đó anh tiết lộ một sự kiện làm hai chúng tôi mừng rỡ. Chân sư Koot Hoomi đã dùng thần giao cách cảm yêu cầu anh tiếp xúc với chúng tôi qua những người bạn đã nói ở trên. Thực vậy, ngài tỏ ý muốn lập tức có dây liên lạc với chúng tôi qua anh, vì chúng tôi đang trải qua một thời gian khó khăn. Tôi xin vạch ra là vào lúc ấy Anrias không biết là chúng tôi đã có liên hệ trước đó với Chân sư K.H. qua Chris. Anh chỉ mới đọc vài cuốn sách của tôi; thực vậy, Chân sư ghi ấn tượng ý này cho anh lúc anh đang đọc cuốn mà tôi ký tên thật. Về sau Anrias thú thật với chúng tôi là anh không phản ứng một cách nồng nhiệt cho lắm.

–Tôi đang ở trong vận xấu lúc đó, sao Thái Dương xếp góc 90 độ với Thổ tinh, mà bị kêu tiếp xúc với người khác cũng đang ở trong vận xấu, rồi thêm chuyện quí ego ở cung khác với tôi, nó luôn luôn khiến chuyện thêm rắc rối, thành ra tôi không khỏi chống lại ý tưởng ấy.

Chúng tôi không khỏi phá ra cười về sự thẳng tính và cách đặt câu của anh

Tự nhiên là ngay khi có dịp thì chúng tôi hỏi David là anh có thể cảm nhận điều gì về thầy J.M.H. Nhưng cho dù anh đưa ra vài suy đoán, anh không thể cho chúng tôi biết điều gì xác định; mà đúng ra, anh có cảm tưởng là không được phép làm vậy.

Còn về Chris, người mà Viola rất nóng lòng muốn biết tin, sau khi lặng thinh một chốc, anh cho chúng tôi hay là anh nhận được từ Chân sư của bà, là bởi Chris là đệ tử của ngài, bà đã hòa làm một với tâm thức của ngài ở Himalaya, thay vì nghỉ ngơi ở thiên đàng (Devachan) như thói thường.

– Oh, vậy là bà thực sự hạnh phúc! Viola reo lên với sự nhẹ lòng.

– Nỗi vui được làm một với Thầy của mình thì không có gì sánh bằng trên thế giới. Nhưng tại sao, David hỏi thêm có chút kinh ngạc, chị lại cho rằng bà không được vui?

– Tại những mẫu tin mà chúng tôi có được qua bà đồng, thiệt, nó không hề cho ý vui vẻ thật sự.

– Ấy là vì để liên lạc với chị, mà bà không có điểm nào chung với người đồng, có lẽ bà phải dựa vào chị, và bởi chị đang sầu não, ý đưa ra chỉ là phản ảnh tâm tình của chị, David giải thích, mà cho dù kết quả nghèo nàn như vậy, tôi nghĩ là vì tình thương của bà thật lớn lao đối với ai ở lại nên bà vẫn tìm cách tiếp xúc với chị với hết sức mình, qua năng lực thiên thần của bà.

Khi David về rồi, Viola nói với tôi

– Em tạ ơn trời biết chừng nào khi ảnh giải thích mọi việc về Chris, nó làm tan gần hết điều bất như ý về câu chuyện... Ngừng một lát nàng thêm vào. Sao đi nữa, bà đã cho vài tin đáng nói qua Snowflake, chắc chắn David là đường dây mà Chris đã tìm.

Trong mùa đông năm ấy, David, Viola và tôi hay ngồi bên lò sưởi thảo luận nhiều đề tài, hoặc David thuật cho chúng tôi nghe những kinh nghiệm của anh ở Ấn Độ. Từ lâu tôi luôn luôn thắc mắc về tâm lý của sắc dân này.

– Tại sao, tôi hỏi, người Ấn có những triết lý tuyệt diệu như vậy mà lại xem có vẻ xảo quyệt và lười biếng về nhiều mặt như thế?

Lời giải thích của anh làm sáng tỏ rất nhiều. Anh bảo chúng tôi là mỗi sắc dân có phát triển một đặc tính riêng, cũng như là có giới hạn riêng của nó, và không ai có thể thoát hoàn toàn ảnh hưởng của sắc dân mình là điều thường ảnh hưởng tiềm thức của họ, ngay cả khi họ không ngờ nhất. Người Ấn thừa hưởng khả năng là thông hiểu tư tưởng siêu hình mà không có chút nỗ lực nào để áp dụng nó vào thế giới sự vật. Ở phương Đông luôn luôn có ước vọng thầm kín là đi tìm Chân lý chỉ cho cá nhân mà thôi, kèm với quan điểm hoàn toàn khác biệt về thương mại, về mặt này tính lừa lọc được xem là chuyện tự nhiên.

Khí hậu làm cho khó mà có những thú vui vật chất nên thú vui trở thành gần như là thuần trí tuệ, và thường khi chỉ là việc có thể tháu cáy lẫn nhau, nhất là từ khi những toà án kiểu Anh được thiết lập ở Ấn. Ngay cả người nghèo nhất cũng sẵn sàng đánh cá khi đưa nhau ra toà, với hy vọng trẻ con là ăn được người khác. Những người này không hề nghĩ rằng tiến bộ huyền bí không thể nào có được nếu không có lòng yêu quí Chân lý thật sự và lòng thành thật ở đời trong cuộc sống hằng ngày. Vì vậy, người ta hay thấy khả năng hiểu việc siêu hình và ưa thích chúng đi đôi với tâm lý cố tình gạt gẫm che dấu.

Một buổi tối Viola hỏi anh nghĩ gì về vấn đề Krishnamurti. Anh quen biết chính Krishnamurti và có lòng quí mến lớn lao đối với ông.

– Chị nghĩ sao khi mình được giao cho một chức vụ cao tột và rất khó khăn, anh trả lời, trước khi có giờ ý thức cá tính của mình và điều mình muốn trong đời? Chị không thấy chuyện gì xẩy ra sao? Từ hồi nhỏ ông bị tiên kiến về phận sự và việc giảng dạy của ông bao quanh. Chị có ngạc nhiên là khi bắt đầu tự mình suy nghĩ, ông chống lại hầu hết những gì mong chờ nơi ông, và đặt ra một triết lý đối nghịch hẳn với điều mà hội Theosophia mong đợi? Sự kiện ông tránh dùng tất cả những từ ngữ về TTH, khi vài chữ có thể có ích, chỉ chứng tỏ cho thấy điều gì diễn ra trong tiềm thức của ông.

– Vậy tôi đoán là chính cái phản ứng của tiềm thức ông, Viola ngắt lời, là lý do cho việc là khi có thắc mắc nêu ra trong buổi giảng, làm như ông thấy bắt buộc phải đem vô đó vài hàm ý bất lợi về Theosophy, cho dù nó có liên quan hay không với câu hỏi.

– Chính thế. Và nay chị biết là tại sao ông vươn lên hùng dũng như Samson và đập đổ những cột trụ nâng đỡ ngôi đền TTH, như là cố gắng cuối cùng để dành lại sự tự do tinh thần của ông.

– Phải rồi, nhưng trong lúc làm vậy ông đè nát người sùng bái ông. Anh có thực sự nghĩ là sự tự do tinh thần của một người thì đáng với sự khổ não mà ông đã gây ra cho hàng ngàn người khác? Viola thách thức anh.

– A, nhưng chị phải nhớ là chính những người tôn thờ ông nay phải chịu phần lớn trách nhiệm cho thái độ hiện giờ của ông... David bắt đầu đi tới lui trong phòng, đó là thói quen của anh khi nói về một đề tài thú vị. Điều tôi muốn nói để quí vị hiểu là những đòi hỏi chỏi lẫn nhau của đám đông muốn làm chela tại những buổi giảng của ông, tác động lên hào quang của Krishnamurti, nên để thoát thì nó ép buộc ông phải đưa ra thuyết nói rằng cả chela và tổ chức là chướng ngại thay vì là điều thiết yếu.

Anh ném đuôi điếu thuốc vào lò sưởi và ngưng lại, mồi một điếu mới.

– Lúc này theo tôi thì giảng sao đi nữa cũng không có lợi gì... Nói cho cùng, có bao nhiêu diễn giả khi giảng chỉ đưa ra ý chung chung, nếu không thì khẳng định các tín điều về các trạng thái tâm thức chỉ nhờ kinh nghiệm mới biết, không thể nào cắt nghĩa được; và còn nữa, muốn kinh nghiệm chúng người ta phải sinh ra với lá số có các hành tinh ở vị trí thích hợp phối hợp đúng cách với nhau.

– Chà, thấy rõ là tôi không có các sao hợp với nhau, Viola cười to, triết lý của Krishnamurti không ích gì cho tôi hết.

– Tự nhiên rồi, David trả lời, nó không có ích gì cho bất cứ phụ nữ nào. Thực vậy, chỉ những ai đã tập Raja Yoga trong những kiếp trước như H.P.B. và A. Besant mới có thể hiểu được lời ông nói. Nói gì thì nói, như tôi vừa đề cập, mà có nhắc lại cũng không sao.

Anh chĩa ngón tay trỏ bên mặt vào lòng bàn tay trái trông mạnh mẽ mà cũng nhậy cảm, trọn việc nghe bài giảng của người khác về Tình Huynh Đệ hay bất cứ lý tưởng gì chỉ có thể sinh ra kết quả nông cạn, ngoài mặt, cho cử toạ và sẽ thất bại ngay ở lần thử thách nghiêm trọng đầu tiên!

– Tôi nghĩ anh nói có nhiều điều phải lắm, tôi đồng ý với anh, tuy cả hai chúng tôi phải phá ra cười với cách anh nói.

– Thử nói về Tình Huynh Đệ, David tiếp tục, ngồi trở lại vào ghế bành, người ta nói nhiều về nó, nhưng nó chỉ thực sự cho kết quả bên trong, mà không phải là do nói hoài hủy... Tôi nhớ có lần đi lang thang vào quầy bưu điện của một làng nhỏ ở vùng Nilgiris... Giọng anh mang nét xa xăm. Khi tôi trả tiền tem, tôi nhận ra người coi quầy là chela của một Chân sư. Chúng tôi hiểu nhau ngay tức khắc không cần lời nói là phương tiện vụng về... Tôi hiểu ra là người đó phải có khả năng thông nhãn, và anh ta đã có nhiều kinh nghiệm, cả trong thể xác lẫn ngoài thể xác. Có lẽ anh ta cũng cảm nhận y vậy với tôi... Rồi tôi còn nhớ một lần khác nữa, khi tôi gặp vài người Ấn tới đưa cho tôi một bản dịch từ tiếng Phạn mà tôi cần; chúng tôi không nói lời nào, nhưng qua sự giao cảm không lời, dựa trên cùng cái nguồn chỉ dạy tinh tế, chúng tôi người này biết người kia ngay lập tức, rằng cả hai đều là chela của Chân sư tôi.

Chúng tôi lặng thinh một lúc dài, đăm đăm nhìn vào ánh lửa, theo đuổi ý nghĩ riêng của mình.

Đột nhiên David móc đồng hồ ra xem.

– Hơn mười một giờ rồi, quí ego! anh kêu to, nhẩy bật dậy, tới giờ đón chuyến xe bus cuối đi về.

 

CHƯƠNG VIII

Bức Điện Tín

Arkwright, có vợ anh đến nhập bọn, đi chơi lục địa Âu châu để tiếp tục cuộc viễn du của mình. Chúng tôi tiễn anh đi một cách tiếc rẻ, và có buổi ăn tiễn biệt nhỏ, có mặt cả Toni và Herbert. Trông Toni có vẻ lo lắng, suy nghĩ và chúng tôi tự hỏi anh có điều gì trục trặc. Nhưng vài ngày sau tôi bị chấn động lớn, khi đọc trên báo nói là anh có liên hệ vào một vụ tai tiếng rất là phiền nhiễu. Tính ra đó là một trong những chuyện kéo dài gây khó khăn cùng cực cho bản tính nhậy cảm của Toni. Vụ tai tiếng này, tôi nghĩ và hy vọng, nay đã bị quên lãng, thành ra nói càng ít càng hay. Lẽ ra tôi không nói gì về nó hết, nếu nó không có ý nghĩa huyền bí như về sau mới rõ.

Trong lúc ấy, Viola và tôi tiếp tục gặp David nhiều bận; ngoài sinh hoạt về chiêm tinh anh còn tìm hiểu ảnh hưởng của điện ảnh và có được nhiều thông tin quí giá từ Thầy của anh. Thực vậy, anh được biết là trong chu kỳ này của Mars Hỏa tinh, phim ảnh đóng một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc tiến hóa và giáo dục cho quần chúng.

– Nó như thế này, David nói trong một lúc tâm tình anh cởi mở, tuy những ego của tuổi Song Ngư Pisces và ai bi quan về huyền bí học mà có Thổ tinh trong lá số ở vị trí quan trọng, anh tặc lưỡi, có thể chê bai phim ảnh như là trò nhảm nhí, các Chân sư có quan điểm rất khác với họ.

– Đó là điểm làm các Ngài thật tuyệt diệu và rất là người, Viola kêu lên, anh có nhớ không, nàng quay sang tôi, khi mình đưa Chris tới buổi dượt vũ ở nhà hát Prince of Wales, bà thích thú hết sức? Coi coi, mấy cô vũ ballet dượt tới dượt lui không biết mấy tiếng đồng hồ, mệt rũ người ra, phải múa hoài hủy cho tới khi ai nấy làm toàn hảo và nhà sản xuất hài lòng. Chris bảo bà không thể tin là một buổi dượt tầm thường lại có thể là trường dạy tuyệt vời về lòng kiên nhẫn và sự tự chủ!

– Phải, và trời đất, cái bà gì... em quên mất tên rồi, kinh ngạc hết sức khi biết Chris muốn đi xem hát chứ! Tôi thêm vào, nhất là xem màn tạp lục! Tôi sắp tiếp thì thoáng thấy bóng dáng bà Saxton, lúc đó chúng tôi đang ở nhà hàng, và bà đi vào với một người bạn.

– Ôi trời, tôi kêu kên, anh mong bà không thấy tụi mình.

Nhưng bà thấy, và xăm xăm đi lại bàn chúng tôi. May là bà chỉ đứng nói chuyện có vài phút, rồi quay về bạn của bà ở chỗ khác.

 

– Vóc người Hổ Cáp Scorpio, Mars ảnh hưởng xấu Ascendant, David suy nghĩ, nhìn bề ngoài của bà và diễn giải theo chiêm tinh học, có tính bi quan, tự tôn mặc cảm, cứng rắn...

Chúng tôi phá ra cười.

– Coi làm như có ám khí, thân xác như sắp đi vào nhà Hỏa Thiêu...

– Này này, tôi phản đối, đừng tiên đoán chuyện chết chóc nhé!

– Anh chờ rồi coi. Oh, chừng nào thì cô hầu bàn chậm chạp mới mang thức ăn tới cho bọn mình? Anh ngắt lời, đột nhiên rắn mắc. Tôi biết cô ta tuổi Kim Ngưu Taurus, tuổi chậm nhất trong các tuổi trên đường Hoàng Đạo Zodiac.

– Dẹp cô hầu bàn và đường Hoàng Đạo đi, Viola nói một cách rắn rỏi, tôi muốn nghe thêm về mấy phim ảnh đó.

Nhưng tâm tình anh đã thay đổi và anh để ý tới một cặp ngồi cách xa mấy bàn.

– Nhìn anh chàng Dương Cưu Capricorn môi mỏng kìa, ngồi một mình với ego nữ, cả mười phút rồi mà anh ta không thốt tiếng nào, tuy anh ta mê mệt với thể của cô nàng.

– Chắc đó là lý do chính, tôi gợi ý.

– Nếu anh ta là người Anh thì đó là lý do, đàng này, với một người Pháp... Quí vị không biết là phản ứng của mỗi sắc dân khác nhau ra sao. Tôi có tìm hiểu về chuyện nay, coi coi... Có vẻ như anh sắp tuôn một mạch về chuyện hứa hẹn là đề tài rất hấp dẫn, nhưng Viola vừa cười vừa đem anh trở lại điều nàng muốn.

– Mấy phim ảnh... nàng khăng khăng đòi.

David phác cử chỉ tỏ vẻ nóng nẩy, nhưng đột nhiên chúng tôi để ý thấy trên tường bức hình của một diễn viên có tiếng. Anh ngắm nhìn nó một lát rồi nói với vẻ thích thú trở lại:

– Quí vị có bao giờ nghĩ là tài tử nổi tiếng như vậy phải chịu áp lực ở cõi trung giới mạnh tới bực nào không? Thử tưởng tượng hàng ngàn tư tưởng và tình cảm liên tục hướng tới anh chàng! Lẽ tự nhiên nếu anh chú tâm làm công chuyện gì khác thì chúng không ảnh hưởng tới anh cho lắm; nhưng khi anh không phòng bị, thí dụ vậy, hoặc lúc ngủ và làm việc trong thể vía, chúng dễ dàng bao lấy anh trong một xoáy những lực tương phản nhau làm rối nùi nếu anh không biết cách tự bảo vệ mình.

May mắn là tình trạng này đã được vài Chân sư tiên liệu trước, và các ngài mở một khóa huấn luyện đặc biệt để nhờ đó các tài tử điện ảnh có thể trong một thời gian tương đối ngắn học được cách tạo cảnh giác mạnh mẽ nơi cõi trung giới.

Tôi không tự mình tìm ra được những điều này, anh giải thích, mà được nghe Thầy của tôi dạy. Bình thường thì người ta phải mất nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều kiếp, để phát triển được tính cảnh giác ấy, nhưng vì các tài tử điện ảnh này thường ở trong vị thế khó khăn do việc họ nổi tiếng, họ cũng rất hăng hái muốn có hiểu biết để tự bảo vệ mình. Một khi có rồi, kết quả thường là họ muốn có thêm hiểu biết cao hơn; theo cách đó họ tiến mau hơn là khi chỉ sống đời bình thường không có gì đặc sắc.

– Lúc thức ở cõi trần thì tôi chắc họ không biết gì hết về những chuyện này, phải không? Tôi hỏi.

– Không, trừ phi họ là người rất mạnh về tâm linh – là chuyện ít khi thấy – và có thể nhớ lại giấc mơ.

– Hành tinh nào quản trị giấc mơ? Viola hỏi, nàng chú ý về mặt chiêm tinh của câu hỏi.

– Neptune, Hải vương tinh, David trả lời, nó cũng ảnh hưởng ma túy và huyền học (mysticism)

– Cái phối hợp lạ lùng, tôi bình luận, tôi không thấy làm sao những điều này có liên kết với nhau.

– Neptune, anh giải thích, có liên quan với thế giới ảo ảnh và nghệ thuật. Cả phim ảnh và nghệ thuật có liên hệ chặt chẽ với ảo ảnh, như ai cũng có thể thấy nếu suy nghĩ về điều này một chút. Khi Greta Garbo xuất hiện trên màn ảnh cho ta thấy, trong khoảng thời gian ấy cô làm ta lú lẫn mà tin rằng ta thực sự thấy cô bằng xương bằng thịt. Khi hoạ sĩ vẽ tranh phong cảnh, họ tạo nên một ảo ảnh là ta đang thực sự thấy phong cảnh ấy.

– Còn ma túy? tôi hỏi.

– Ma túy cũng tạo nên ảo giác. Ai nghiện thuốc lại không chịu trả bất cứ giá nào để có được giấc mơ do ma túy mang lại?

– Đúng rồi. Tôi đồng ý. Nhưng còn huyền học thì sao?

– Nhà thần bí phải đi qua những cảnh giới ảo ảnh mới đi tới cõi Thực Tại. Mà ngay cả Thực Tại theo nghĩa triết lý lại là ảo ảnh theo quan điểm ở cõi trần – nên nhìn từ góc cạnh nào thì huyền học cũng liên hệ với ảo ảnh bằng hình thức này hay kia, tuy đương nhiên là chân lý huyền bí tối hậu không phải là ảo ảnh.

–Giải thích tuyệt hết sức, Viola khen, nhưng sao đi nữa, thấy lạ là cùng một ảnh hưởng có thể làm mình hoặc thành nhà thần bí hoặc người nghiện ngập.

– A, nhưng đừng quên, David kêu to, luôn luôn hăng hái muốn trình bầy đề tài ruột của anh có chứa bao bí ẩn đối với óc phàm, là ảnh hưởng của hành tinh chỉ tạo nên khuynh hướng phản ứng với chuyện này hay kia; còn cá nhân phản ứng nhiều hay ít và theo chiều hướng nào tùy thuộc vào trình độ tiến hóa và những lực hành tinh khác tác động lên họ.

– Có phải Neptune là một trong những hành tinh được gọi là ẩn? Viola hỏi thêm, tôi nhớ có đọc đâu đó như vậy.

– Cả Neptune và Uranus khi xưa được xem là hành tinh ẩn.

– Khác biệt giữa hành tinh ẩn và lộ là gì? tôi hỏi, đại khái thôi.

– Hành tinh hiển lộ là những hành tinh có liên lạc trực tiếp về tâm linh và ở cõi trung giới với địa cầu; chúng là cái hướng dẫn và theo dõi địa cầu về luân lý và thể chất – anh nên nhớ rằng tất cả những hành tinh này đều do những đấng hết sức cao cả quản trị, có quyền hạn nhiều hơn mình tưởng tượng...

Coi này, anh tiếp tục và nhấn mạnh, trong lúc lơ đãng mà khéo léo đặt cân bằng lọ tiêu ở đầu mũi dao, Saturn, Jupiter, Mercury và Venus thuộc về loại này, tôi muốn nói là chúng ảnh hưởng nhân loại như là trọn khối, trong khi đó Uranus và Neptune, tức các hành tinh ẩn hay là mật, chỉ có thể ảnh hưởng những thể cao hơn của người tiến hóa hơn cả, và điều này chỉ mới thay đổi lúc gần đây. Theo các nhà chiêm tinh Ấn Độ, sự việc thay đổi từ ngày trăng tròn tháng giêng 1910 – nói cho chính xác là từ lúc đức Thái Dương Thượng Đế có chứng đạo (initiation) mức vũ trụ...

– Cái gì, anh muốn nói là ngay cả Thượng đế cũng có chứng đạo? Tôi kinh ngạc ngắt lời anh.

– Tôi nghe Thầy tôi dạy như thế, David cắt nghĩa.

– Úi trời...!

– Nghe lạ quá phải không, tôi bảo đảm anh thấy vậy; dù thế nó là một sự kiện huyền bí, nó nói rằng tất cả những sinh linh trong vũ trụ, dù trên hay dưới địa vị Thái Dương Thượng Đế, phải qua những kỳ chứng đạo tương xứng với mức tiến hóa của họ. Để nói tiếp, kể từ lúc ấy Neptune và Uranus trở thành các hành tinh hiển lộ, theo nghĩa chúng, hay nói đúng ra là các lực phát xuất từ các hành tinh này được xếp đặt để tạo nên những đường từ lực mới bên trong thái dương hệ.

Những đường lực này đặc biệt tụ vào địa cầu của chúng ta; và một trong những kết quả là các lời tiên tri dựa trên cách tính trước kia nay không còn đúng nữa, vì cách tính đó không kể tới ảnh hưởng của Neptune và Uranus trong cuộc sống thường ngày, và Jupiter, luôn luôn được xem là hành tinh tốt lành nhiều uy lực nhất, vẫn được xem là cho ảnh hưởng hành tinh mạnh mẽ nhất trong tương lai. Ngay cả hội Theosophia cũng bị lầm với giả định này, và tưởng rằng nghi lễ, một trong những điều mà Jupiter quản trị, sẽ đóng vai trò nổi bật trong hoạt động của hội. Dầu vậy, hội thấy là đáp ứng về loại nghi lễ mà hội làm, không đúng như mong đợi.

– Anh muốn nói tổ chức Liberal Catholic Church à? Viola ngắt lời, nhưng David nói tiếp, làm ngơ câu hỏi của nàng.

– Mấy năm trước, anh bảo, khéo léo đặt lọ tiêu xuống bàn, tôi có viết trong nhiều tạp chí TTH là người ta phải kể tới ảnh hưởng của Neptune và Uranus, và chỉ dựa trên Jupiter không mà thôi thì vô ích. Nhưng không cần phải nói, chẳng ai để ý tới chút gì...

– Tôi không ngạc nhiên, Viola chọc anh, chẳng hề có ai chú ý đến tiên tri thật đâu, nhất là khi họ lại hành nghề tự do như anh.

– Này anh bạn, tôi nói, anh phải viết một quyển sách về những khám phá về mặt chiêm tinh và những chuyện khác của anh.

Anh cười rất hồn nhiên như chú học trò nhỏ,

– Tôi muốn làm vậy lắm, khi thời giờ thuận tiện đến.

Chúng tôi rời nhà hàng đi ra, tản bộ về phía Marble Arch.

– Này, quí ego, anh nói khơi khơi lúc chúng tôi đi tới trạm xe bus, mình chia tay nhau nhé, ngày mai tôi đi về miền quê một thời gian.

– Sao, anh bỏ tụi này mà đi à? Viola kêu to, mà lại cho hay bất thình lình như thế này sao?

Nhưng anh chỉ tủm tỉm cười và không chịu cho chúng tôi hay anh đi đâu.

– Anh lạ lùng quá, tôi bảo, trêu anh chàng.

Anh đã xử sự giống vậy một lần trước kia rồi, rời London mất biệt mấy tuần, không viết cho chúng tôi dòng nào, rồi đột nhiên xuất hiện trở lại. Khi chúng tôi hỏi anh đi đâu thì anh chỉ trả lời sơ sài:

– Oh, chỉ có tham thiền và mấy chuyện khác...

Khi về nhà, Viola và tôi không vui cho lắm, chúng tôi lo về anh chàng Toni đáng thương và biết là anh đang phải trải qua chuyện gì; thêm vào đó David lại về miền quê, làm chúng tôi không còn gặp anh và nghe những câu chuyện sống động mà anh kể. Rồi đột nhiên mọi việc thay đổi theo cách hết sức bất ngờ. Lúc chúng tôi đến nhà, có một bức điện tín nằm chờ tôi trên bàn trong tiền phòng. Nó nói:

– Lấy xe lửa chuyến 11.29 sáng từ ga Paddington ngày thứ hai, đi tới... (một nơi ở quận phía tây nam được ghi rõ). Con sẽ thấy có xe hơi mầu xanh đợi ở ga. Đừng cho ai hay trừ nhà con. J.M.H.

– Guru của tụi mình đang ở Anh!

Tôi kêu to đắc thắng khi đưa bức điện tín cho nhà tôi.

CHƯƠNG IX

Ngôi Nhà của Chân Sư

Đó là ngôi nhà kiểu Tudor nằm trong khu đất được chăm sóc tuyệt đẹp, nhìn ra đồi cây gần đó, sáng rỡ với lá non mùa xuân. Tôi được đưa vào phòng sách lớn và khi bước vào thì thầy J.M.H. đứng ở đó, lưng quay lại lò sưởi, và một người lớn tuổi đội mũ sọ (skull cap) ngồi ở bàn ngổn ngang những sách và giấy tờ. Thầy bước tới đón tôi, với nụ cười không gì sánh được của ngài; rồi choàng tay qua vai tôi, ngài dẫn tôi về phía người lớn tuổi.

– Ngài Thomas, thầy nói, đây là một trong các chela của con, Charles Broadbent.

Vị lớn tuổi ngước nhìn tôi qua đầu mắt kính của ngài, mỉm cười và bắt tay tôi. Tôi ước chừng ngài khoảng gần tám mươi tuổi, tuy chỉ có vài đường nhăn trên gương mặt mạnh mẽ và trắng nhạt.

– Ngài Thomas, hẳn con đã đoán, là chủ nhà cho mời chúng ta đến.

Tôi nói vài lời cám ơn ngài đã tốt bụng cho tôi đến nhà.

– Nào, nào, ngài nói một cách vui vẻ, rất vui lòng. Nhà rộng rãi nhiều phòng mà. Ngài nhìn thầy J.M.H. gật đầu một cách ý nghĩa rồi rút lui, cầm theo một xấp giấy tờ với ngài.

Sau khi vị này đóng cửa lại sau lưng, thầy J.M.H. yên lặng nhìn tôi một chốc, và tình thương tỏa ra từ ngài là điều phải kinh nghiệm mới biết mà không thể diễn tả thành lời. Nó làm tôi xúc động nghẹn ngào không nói được. Mãi sau khi có thể cất tiếng thì tôi nghe giọng nói của mình run run.

– Con tưởng không cần phải nói cho thầy hay là điều này có nghĩa gì đối với con... nhất là khi chúng con tưởng là thầy lại bị thiệt mạng.

– Con biết lời xưa có nói, thầy đáp và mỉm cười, rằng muốn tốt bụng thì đôi khi người ta phải nhẫn tâm. Con nghĩ là thầy có thích nhẫn tâm không?

– Con tin đó là điều thầy không thích hơn hết, tôi thật lòng nói, thế nhưng con xin thú thật ngay là vừa mới nghe tin thầy đi mất, trong một chốc con tức giận cả với thầy!

– Đó là chuyện tự nhiên, con à, thầy không có gì phiền trách. Nhưng thầy có chuyện này để nói, thầy chỉ biết sau khi chuyện đã xẩy ra, là các vị thần Karma đã xếp đặt cho có người chết mang cùng tên và những chữ đầu giống như thầy, và rồi thầy chỉ cảm nhận ra nó từ những luồng tư tưởng của các chela.

– Thế rồi khi thầy cảm biết nó... tôi mở lời rồi ngưng bặt.

– Tại sao con lại ngần ngại?

– Vì tuy điều con sắp hỏi chỉ là để biết, nhưng nó có thể nghe như lời chỉ trích.

– Con cứ hỏi.

– Vậy sao thầy không đính chính lại lời đồn là thầy đã mất?

– Vì những ai tin nó là rất dại, và với ai không tin thì chẳng cần phải nói là nó không đúng thật.

– Vậy mà có lúc con lại tin, tôi thú thật.

– Thế thì nay không tin nữa lại càng đáng khen. Ngài giơ tay ra hiệu cho tôi ngồi xuống ghế bành, còn ngài thì vẫn đứng.

– Nghe này, con. Con tưởng thầy làm chủ được vận mạng của ta, con đã lầm. Thầy chỉ là một phương tiện dù rất nhiệt tình, trong tay của những đấng đã chứng đạo cao hơn ta. Con cũng nghĩ rằng khi Thầy rời nhà của thầy khi ấy ở Boston, thầy không hề có ý trở lại, điều này con cũng lầm. Nếu thầy không hề trở lại, ấy là vì thầy được lệnh không trở lại.

– Nhưng Arkwright cho con hay là thầy có nói nói mấp mé... tôi mở miệng.

– Đúng, vì thầy được những vị Bề Trên khuyến cáo là thời giờ của thầy ở đó sắp hết, và ta cần phải xếp đặt công chuyện, nói khác đi là lo chuyện nhà cho êm xuôi.

– Có phải là vì vậy mà người ta nói Heddon biết nhiều nhưng không nói hết, phải không?

Ngài xác nhận, có vẻ như tức cười với sự việc.

– Con hỏi được không, là tại sao thầy phải rời nước Mỹ? tôi dè dặt hỏi.

Ngài nhìn tôi với đôi mắt xanh đầy từ lực. Sau một lúc suy nghĩ, ngài đáp:

– Bà mẹ nào vẫn tiếp tục bồng con, trong khi trẻ đáng lẽ phải tập đi là không khôn ngoan; và guru nào vẫn tiếp tục ở với chela khi họ phải học tự lo cho chính mình, cũng là không sáng suốt.

– Chỉ có lý do đó thôi ư? tôi ngạc nhiên hỏi.

Ngài lắc đầu

– Còn nhiều lý do, con à. Những lý do một phần liên quan đến Karma của nhóm, một phần với từ lực nhiễm độc của đô thị lớn, nhất là ở Hoa Kỳ, và một phần liên kết với sự phát triển riêng của thầy.

Ngài khoanh tay trước ngực, và nhìn xuống tôi một cách hiền từ.

– Khi con viết lời bạt cho quyển đầu tiên trong bộ sách này của con, con nói rằng vài vị Chân sư sống trong thế giới và du hành tới lui trong thế gian như người thường. Đúng, nhưng con quên nói rằng thỉnh thoảng, các ngài tuyệt đối bắt buộc phải đi ở ẩn, để sửa chữa sự hao mòn của thể xác và những thể thanh của mình, do tiếp xúc với người ngoài đời. Thành thật mà nói, điều kiện tâm linh ở Hoa Kỳ quá đỗi xáo trộn và rã rời vào lúc này, nên Thầy của ta phải can thiệp và từ chối không cho ta ở lại đó lâu hơn nữa.

– Nhưng tại sao những điều kiện ấy tệ hơn ở Mỹ so với các nơi khác? Tôi hỏi.

– A, tại sao ư? Ngài đi vài bước tới lui trong phòng. Những người làm luật không ai muốn (Luật Cấm về Rượu – Prohibition Law) tính là luật sẽ trừ được một tật xấu cho xã hội, làm gợi nên ý muốn phá luật ấy, và chuyện xấu hoặc nhiều điều xấu gây ra, có thể cho thấy là còn tệ hơn chuyện đầu.

– Thầy muốn nói tới việc cấm buôn bán rượu? Tôi hỏi dò.

– Chính vậy. Việc uống rượu gây nguy hại cho những quyền năng tâm linh và trực giác còn ẩn tàng nơi người Mỹ. Do đó, các thiên thần quốc gia gợi hứng về việc cấm rượu. Kết quả là sao? Vì lẽ ra không nên uống, giới thượng lưu đâm ra uống nhiều hơn bao giờ hết cho hợp thời. Đó là chuyện xấu thứ nhất. Cộng thêm vào đó là chuyện tình dục bừa bãi, hối lộ, tham nhũng, phá luật và chống đối, và con có nhiều chuyện xấu khác làm xã hội tan rã y vậy, hoặc còn hơn nữa.

Trong nhiều năm thầy chịu đựng làn từ lực độc hại mà những điều kiện như thế sinh ra, thầy cố gắng thích nghi hết sức mình. Như con biết, thầy còn tập thói quen hút thuốc nhiều, để làm giảm bớt tính nhậy cảm của thầy, và vì thế gợi nên những làn tư tưởng trách cứ hướng tới thầy, của những người TTH có tánh cẩn thận và những người khác, ngài giải thích với nụ cười dễ dãi, những ai đọc về thầy trong sách của con... Tuy nhiên …

– Oh, nếu biết vậy hẳn con đã không nghĩ đến chuyện viết ra điều đó! tôi ngắt lời, nhưng thầy có khuyến cáo chúng con, thầy ạ, về sự thiếu khoan dung với việc hút thuốc và những thói quen tương đối vô hại, ngay cả trong những bài giảng của thầy...

– Thầy không rút lại lời đã nói, ngài bẻ lại, khoát tay bác bỏ coi chuyện chẳng đáng gì. Ta chỉ giải thích với con những điều thầy bắt buộc làm để thích nghi. Ngài ngồi xuống một ghế bành đối diện với tôi. Giờ khắc để làm những thích nghi ấy đã qua rồi, vì Ngày mới đã tới, đòi hỏi có những phương pháp và chỉ dạy mới, những đấng Cao Cả ra lệnh cho thầy rút lui, để hồi phục và tập luyện cho một công việc mới sẽ được giao phó cho ta.

Tới chỗ này thì Ngài Thomas đi vào phòng khách.

– Nếu con muốn dùng Thanh Phòng thì chìa khóa đây, ngài nói với thầy J.M.H., đưa chìa cho ngài.

– Đi nào, thầy J.M.H. nói.

Chúng tôi đi theo một hành lang dài và rộng có treo hình vẽ của tổ tiên, cho đến một cửa Gothic nhỏ.

– Vào đi, ngài nói, sau khi dùng chìa mở khoá.

Đó là căn phòng nhỏ hoàn toàn trống, chỉ có ba chiếc ghế bằng gỗ sồi, lưng cao chạm trổ, xếp thành hình bán nguyệt, đối diện với những cửa sổ gắn kính mầu từ thế kỷ thứ mười ba hết sức tinh xảo tôi chưa hề gặp. Tường phòng và trần mầu xanh, trên mỗi bức tường có khung vẽ xinh đẹp. Có mùi rất nhẹ giống như trầm hương, tuy có phải thật là trầm hương hay không thì tôi không nói được.

– Mầu đẹp quá, tôi trầm trồ, và bầu không khí tuyệt vời trong phòng này...

Ngài mỉm cười đồng ý, chỉ cho tôi ngồi một ghế và ngài ngồi xuống ghế bên cạnh.

– Chúng ta đang ở trong thời mạt pháp, ngài bắt đầu, anh bạn chiêm tinh gia của con có thể giải thích nhiều điều, nếu con chịu hỏi.

– Té ra thầy có biết David Anrias, tôi ngạc nhiên hỏi.

– Thầy có chú ý đến anh, ngài trả lời, mỉm cười.

– Thế tại sao anh ta không thấy thầy?

– Làm sao con biết là anh không thấy?

– Chà, anh chàng không hề nói gì hết.

– Có người giữ được bí mật... giọng ngài có vẻ chế diễu nhẹ nhàng, điều mà như con biết, là điều sơ đẳng A, B, C trong huyền bí học.. Nhưng thầy đang nói với con về thời mạt pháp, ngài đổi đề tài, đó là chu kỳ trong đó đặc tính Shiva hay Hủy Diệt tác động. Nó bắt đầu từ 1909 và chỉ chấm dứt vào 1944, tuy ảnh hưởng của nó có lẽ bắt đầu giảm bớt trước năm đó. Chính những lực phá hoại của nó đã gây ra thế chiến I và những xáo trộn sau đó trong xã hội. Nhưng điều mà chúng ta đặc biệt quan tâm là ảnh hưởng của nó đối với tâm lý nhóm.

Như con còn nhớ, hoạt động của thầy phần lớn trụ vào quanh một nhóm nhỏ học trò. Trong một thời gian dài thầy nỗ lực chống chọi lại các khó khăn để giữ nhóm được trọn vẹn chung với nhau, nhưng cuối cùng nó vượt quá mức kiểm soát của thầy. Nhóm tạo ra Karma nhóm, và không thực hiện được chỉ dạy của thầy về nhiều mặt, điều này con không biết, và chỉ bằng cách giải tán nhóm cả về mặt vật chất và tâm linh, bằng cách thầy rút ra khỏi nhóm theo cách thức con cho là nhẫn tâm, thầy mới có thể làm cho các chela hóa giải Karma ấy bằng sự đau khổ theo sau đó.

Ngài nhìn tôi mỉm cười một cách hóm hỉnh.

– Nay con đã hiểu vì sao sự nhẫn tâm có thể là lòng tốt bụng được trá hình?

Tôi hiểu được hoàn toàn, và thưa như vậy.

– Nhưng vậy chưa phải là hết, bởi các Guru luôn luôn tìm cách một công làm đôi ba chuyện, cách này cũng được dùng như là thử thách cho chela, về lòng trung thành, niềm tin của họ, khả năng tự mình đứng vững. Con được có mặt hôm nay ở đây phần lớn do qua được thử thách này.

Và vào lúc ấy tôi nhận thức mình mừng ra sao là đã ‘giữ vững lập trường’, và mau lẹ bác bỏ những nghi ngờ mà đã có lúc nẩy sinh trong trí. Nhưng ngài vẫn còn chuyện rất lý thú để nói với tôi.

– Trong thời mạt pháp, ngài tiếp tục sau khi ngưng một lúc, vị Hành Tinh Thượng Đế, đấng chủ trì địa cầu, sẽ thải bỏ và chuyển hóa độc chất như thỉnh thoảng cơ thể con người thải bỏ và chuyển hóa độc tố. Kết quả là thể tình cảm chung của nhân loại có xáo trộn, và những ai chưa biết tự kiểm sẽ có phóng túng về tình dục, rượu chè hoặc ngay cả tội phạm. Đây là chuyện đang xẩy ra lúc này, và ở mức độ rộng lớn đến nỗi lẽ tự nhiên nó ảnh hưởng nhân loại và sự phát triển của con người. Nếu con hỏi anh bạn chiêm tinh gia, anh sẽ cho con biết là ảnh hưởng của Mars đã gây ra điều ấy.

Thầy J.M.H. nhìn đồng hồ tay.

– Nay thầy phải làm việc với vị chủ nhà, thầy phải kiếu con... Thầy đề nghị con đi chơi một vòng ngoài vườn, ngài nói khi đưa tôi đi theo hành lang. Bữa tối sẽ vào tám giờ... À này, ngài thêm, Ngài Thomas muốn con ở trong vòng khuôn viên của nhà trong thời gian con ở đây.

Tôi chưa kịp trả lời thì ngài đã đi mất.

CHƯƠNG X

Thảo Luận của Thầy

Lời yêu cầu lạ lùng làm sao, tôi nghĩ thầm khi đi tản bộ trong cảnh trời chiều. Nếu ai khác không phải thầy J.M.H. mà nói như thế hẳn tôi sẽ thấy không thoải mái. Được mời xuống chơi một gia trang miền quê, và rồi được đối xử như một tù nhân thì lạ thật, đó là chỉ mới nói sơ sơ thôi. Rồi vị lão ông bí ẩn là ai? Vì đột nhiên tôi nhận ra rằng tôi không biết ngay cả họ của ngài! Thầy J.M.H. có cố tình không nói tên của ngài khi giới thiệu chúng tôi với nhau không? Rồi tôi chợt nhận ra là tôi không biết mình đang ở đâu... Xe đưa tôi đi qua bao nhiêu dặm đường... Đột nhiên tôi hiểu là vì một lẽ nào đó Ngài Thomas không muốn tôi biết nơi chốn nầy, và do vậy muốn tôi chỉ đi lại trong vòng gia trang mà thôi. Được lắm, nhưng tại sao? Tôi chịu thua, và bắt đầu suy đoán về mối liên hệ giữa ngài và thầy J.M.H. có thể là gì.

Rồi tư tưởng tôi lan man hướng về chính thầy J.M.H. Đây là lần đầu tiên từ khi được biết ngài mà tôi thấy ngài có vẻ mệt mỏi một chút, ngoài chuyện đó ra, dáng vẻ của ngài không có gì thay đổi. Nhưng phong thái có khác. Ngài cởi bỏ những phong thái của người Mỹ mà ngài đã khoác lấy, và trở lại là thầy J.M.H. như hồi tôi mới gặp ngài nhiều năm về trước, với sự trịnh trọng nhẹ nhàng của thời Victoria và một chút kiểu cách thật duyên dáng, cung cách mà tiếc thay không còn nữa trong thời đại này... Sau khi đi thơ thẩn một chốc, miên man với những ý tưởng của riêng mình, tôi nghe có tiếng kẻng reo, hiển nhiên là chuông báo giờ ăn tối; nên tôi đi lên phòng thay y phục cho bữa tối.

Phòng ăn có tường lót gỗ sồi và nhiều bức họa giá trị treo trên tường, trong đó có một bức của họa sư Vandyke.

Có bẩy người dùng bữa tối, ngoài Ngài Thomas, thầy J.M.H và tôi, còn có ba người đàn ông và một phụ nữ đứng tuổi ngồi ở đầu bàn đối diện với chủ nhà, và tôi nghe bà gọi ngài là ‘Cậu’. Việc giới thiệu diễn ra lại cũng theo cách là không cho biết tên mọi người. Ngài Thomas mặc áo khoác nhung làm ngài trông vừa oai nghi vừa đẹp mắt.

Các món hoàn toàn là đồ chay, không có rượu và sau bữa ăn không ai hút thuốc. Ngài Thomas là ai đi nữa thì rõ ràng ngài là một huyền bí gia. Ngài cũng là người ít lời, nhưng khi lên tiếng thì tỏ ra là người có thẩm quyền, và mọi người quanh bàn ngưng việc trò chuyện riêng của mình mà lắng nghe ngài.

Tôi không nhớ làm sao đề tài về Christian Science được gợi nên, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên được lời ngài nói:

– Christian Science, hmm! Đúng, có hiệu quả, nhưng chỉ có nơi linh hồn nào lười biếng không muốn trả thêm karma xấu trong kiếp hiện sinh.

– Chính thế, thầy J.M.H. tiếp.

– Một bệnh nhân hết bệnh ung thư làm như có phép lạ, bệnh nhân khác thiệt mạng như không có phép lạ nào. Bệnh nhân đầu là người lười biếng về mặt tinh thần, phàm ngã được cho phép làm theo ý nó, bệnh nhân thứ hai thì linh hồn chế ngự phàm nhân.

– Và điều ấy áp dụng không phải chỉ về bệnh tật, thầy J.M.H. bàn thêm. Có bao nhiều người mong muốn theo một nghề nào đó, lại thấy mình phải làm nghề hoàn toàn khác. Ấy là do chân nhân định đoạt, linh hồn mạnh mẽ luôn luôn nhắm tới việc có tiến bộ, do đó chọn đi theo đường có trở ngại nhiều nhất.

– A, quả đúng vậy, Ngài Thomas đồng ý, và ai làm theo ý định của chân nhân thay vì chống báng, là kẻ khôn ngoan. Một nửa những sự đau khổ trong đời là từ đó mà ra.

Tôi nghĩ đến Chris, phàm nhân của bà hẳn đã qui thuận theo chân nhân rất mực, làm cho cuộc đời khó khăn và bị bó buộc của bà trông vui tươi như vậy. Ngài Thomas im lặng ít nhất đến năm phút, tuy thỉnh thoảng ngài mỉm cười hay gật đầu đồng ý với nhận xét này hay kia. Ngài giữ yên lặng nhưng không hiểu sao mắt tôi cứ hướng về phía ngài, và càng nhìn tôi càng thấy ngài thật đáng chú ý và khả ái. Một lần nữa tôi lại tự hỏi ngài là ai và là gì. Có thể nào ngài là một trong các Chân sư người Anh, và có thể thầy J.M.H. là đệ tử của ngài chăng? Rồi cuộc chuyện trò quay sang phần chính trị, và dù tôi không thể theo dõi phần lớn câu chuyện và do đó không thể ghi lại hết, một hay hai điểm để lại ấn tượng sâu đậm trong ký ức tôi.

– Các quốc gia nào, thầy J.M.H. nói, không chịu học do sự đổ máu, nay bắt buộc phải học sự nương tựa lẫn nhau qua việc bị áp lực kinh tế từ mọi phía, do các đấng Cao Cả xếp đặt, để những ai chi phối kinh tế thế giới may ra ý thức rằng Tình Huynh Đệ là một sự kiện trong thiên nhiên, mà không phải là lý thuyết viễn vông của người theo chủ nghĩa lý tưởng.

– Đức Chúa đã giảng những nguyên tắc đầu tiên về từ hai ngàn năm về trước, Ngài Thomas thêm vào, nhưng chúng bị làm ngơ vì làm vậy khiến người ta thấy thoải mái và không đắt tiền; nay việc vỡ nợ sẽ không thoải mái và do vậy cho ra hiệu quả. Ngài cười với mình. Một thiểu số học bài học nhờ triết lý, số đông người lại chỉ có thể học qua túi tiền của mình.

Chúng tôi phá ra cười với cách nói chuyện sắc bén và khôi hài của ngài.

– Lòng ái quốc nặng phần tình cảm, hoặc đầy cao ngạo, thầy J.M.H. lên tiếng, kiểu như lời tuyên bố “Rule Britania – Anh quốc thống trị” hoặc ‘Deutschland uber alles – Đức quốc trên hết”, sẽ phải thăng hoa thành ước vọng chân thật về sự hợp tác quốc tế. Tài chính phải, và cuối cùng sẽ có tính quốc tế. Hơn thế nữa, thời buổi chiếm thuộc địa mới đã qua rồi.

– Không còn đất đai để chiếm nữa, chủ nhân xen vào, đất đã chiếm hết, biển cũng được làm chủ cả rồi, và không gian cũng được thống trị - nay con người phải quay sang chiếm lĩnh những thế giới vô hình bằng cách hướng tâm thức vào trong thay vì ra ngoài.

– Và nghệ thuật nằm đâu trong chuyện này? một trong những người đàn ông hỏi.

– Chỉ có những hình thức cao nhất của nghệ thuật, chứa đựng những ý niệm tinh thần cao cả, cuối cùng mới tồn tại, Ngài Thomas đáp. Nghệ thuật tầm thường làm ra vẻ khôn khéo chỉ dẫn tới thùng rác, vì không có tư tưởng cao cả nào hậu thuẫn. Nó được thổi phồng nhờ sự khoa trương và sẽ tàn lụi vì thiếu chất nuôi dưỡng.

Xong bữa chúng tôi đứng dậy rời bàn, đi sang phòng khách nơi có lò sưởi với ngọn lửa lớn đang cháy phừng.

– Chậc, chậc, vị thầy cao niên nói, người giúp việc muốn đưa ta lên giàn hỏa hay sao?

Tuy đã cao tuổi nhưng ngài có sự nhanh nhẹn đáng kể, đi lấy một bức chắn nặng ở góc phòng đằng xa và đặt nó trước lò sưởi. Tôi xin giúp một tay, mà ngài từ chối. Rồi ngài ngồi vào một ghế bành, mê say đọc quyển sách lớn bìa da. Hai thanh niên chơi ván cờ, còn người thứ ba đứng ngoài xem. Nữ chủ nhân chơi bài patience một mình, để thầy J.M.H. và tôi nói chuyện với nhau. Sau một lát ngài gợi ý đi ra ngoài chơi một vòng.

Chúng tôi thả bộ trong sân dưới ánh trăng.

– Lão Chân sư thật là khả ái, tôi mở lời trước, nhưng khi được tiếp đón nồng hậu mà không được giới thiệu tên của chủ nhà thì có hơi lạ lùng.

– Ai được hỏi mà không biết để trả lời thì không phải nói dối, câu đáp được đưa ra nên sau đó tôi không hỏi gì thêm.

– Mai Lyall Herbert sẽ đến, thầy ngừng một chút rồi cho hay.

Tôi vui mừng hớn hở và tỏ ý mình. Thấy không công bằng nếu chỉ có mình tôi được biết là thầy J.M.H. đã trở về.

– Còn Toni Bland thì sao ạ? tôi hỏi, Con chắc thầy biết anh đang gặp lúc khó khăn?

– Có, ta biết.

– Hẳn thầy sẽ gặp anh chứ?

– Không, ngài đáp.

Tôi sững sờ.

– Nhưng xin nghĩ coi chuyện sẽ có ý nghĩa tuyệt như thế nào với anh nếu thầy cho anh đến gặp! Tôi không dừng được mà phải nói ngay.

Thầy mỉm cười có nhuốm chút buồn.

– Ngay cả lòng từ cũng phải được sáng suốt. Nếu giúp Toni Bland bây giờ thì ta sẽ làm trì trệ sự tiến bộ của anh trong những năm tới.

– Nghe lạ quá.

– Cách làm việc của Karma luôn luôn kỳ lạ. Nhưng điều gì chân nhân của ai đã quyết thì không nên sửa đổi, ngay cả Guru của họ cũng vậy. Giống như có những người khờ dại đua đòi học làm sang, thì ngược lại với những linh hồn lười biếng mặt tinh thần như Ngài Thomas đã nói, có những linh hồn chịu dấn bước về mặt tinh thần trong thế giới huyền bí học - Toni là một người như thế, và anh phải dấn bước một mình trên con đường tinh thần.

– Nhưng ít nhất thầy có thể cho anh chút an ủi...

– Bác sĩ có dùng ma túy để làm dịu sự đau đớn chăng khi biết rằng nó sẽ chỉ làm trì hoãn sự lành bệnh? Ngài ngưng chốc lát rồi thêm vào:

– Có những người chúng ta có thể giúp nhiều hơn bằng cách không giúp gì cho họ. Ai ủi chỉ là một hình thức tế nhị của việc trợ giúp tạm thời.

– Còn nhà con thì sao? tôi hỏi.

– Cô cũng là linh hồn chịu dấn bước, và do đó cô bị đau ốm. Bác sĩ có thể giúp cô một chút nhưng chưa đến lúc cô lành được. Cô sẽ tiến bước nhờ sự đau khổ và con thì tiến nhờ lòng nhẫn nại. Trong một kiếp trước cô săn sóc con, trong kiếp này con chăm lo cô trả lại. Và hãy làm cho tốt đẹp, con à.

– Con muốn nói là thầy có định gặp nhà con chăng?

Ngài lắc đầu,

– Ta chỉ khiến chuyện tệ hơn nếu làm vậy.

– Thiệt tình con không hiểu nổi, tôi than, biết là Viola sẽ thất vọng dường bao.

– Nếu con hiểu hết mọi chuyện thì chẳng còn gì phải học cả. Thế nhưng - nếu con đặc biệt muốn biết thì có thể hỏi anh bạn của con.

– Thầy muốn nói Anrias ư?

– Phải.

– Thầy nghĩ anh đáng tin không? Tôi hỏi. Con không có ý nói về thuật chiêm tinh của anh, mà là khả năng hòa nhịp của anh với các Chân sư. Người ta phải cẩn thận về mặt đó.

– Ai có thông nhãn và chỉ thấy không mà thôi thì dễ bị lầm lẫn, ngài trả lời, nhưng ai có thể phân biệt được một loại rung động này với loại khác thì có thể tin tưởng được. Phải, con có thể tin tưởng anh bạn của con.

Chúng tôi rời hàng hiên và đi dọc theo lối đi quanh co, với cây in bóng lạ lùng dưới ánh trăng. Vẫn còn nhiều câu hỏi tôi muốn nêu ra, nhưng tôi cảm nhận rằng thầy J.M.H. đang trầm tư nên không muốn làm phá vỡ sự suy tưởng của ngài. Không khí trở lạnh và tôi rùng mình.

– Ta vào nhà lại đi, sau một lúc dài thầy nói.

Hai người đàn ông vừa kết thúc ván cờ lúc chúng tôi đi vào, và Ngài Thomas đứng cao trước mặt họ, chỉ tay vào bàn cờ.

– Đáng lẽ anh cho con pháo bình ba, ngài nói, rồi cho con chốt đầu lội qua sông.

Người bị thua phản đối,

– Nhưng anh ta chiếu bí.

– Chậc, chậc, tiếp đó anh thọc cho xe xuống chiếu, anh còn chờ gì? Mọi người ngủ ngon nhé.

Ngài nói một cách đột ngột, vẫy tay chào tất cả chúng tôi rồi đi mất.

CHƯƠNG XI

Sự Thật về Krishnamurti.

Hỏi:

Ông nói rằng trong khi Chân Lý có thể đạt được hoàn toàn chỉ bằng nỗ lực cá nhân, về mặt khác công việc phải có tính tập thể và được ai quyền uy tổ chức. Nhóm các Chân Sư Huyền Học là tổ chức những đấng mà tựa như ông, đã giải thoát được mình khỏi mọi giới hạn và đã đạt tới Chân Lý; đảm đương một số công việc tự các ngài chọn cho mình để thăng tiến sự tốt lành nói chung của thế giới. Các ngài gợi hứng cho những cải cách to lớn trong mọi mặt của đời sống, và làm việc bằng phương pháp mà người ta biết được rất ít về chúng nhưng lại vô cùng hiệu quả.

Các ngài có sự cộng tác trọn vẹn với nhau, đó là tổ chức trọn hảo và các ngài tuân phục một đấng trị vì tuyệt đối, tuy vậy các ngài có hoàn toàn tự do trong đời. Cách sinh hoạt như vậy xem ra là kết quả hợp lý theo chỉ dạy của ông. Ông có phủ nhận điều này không? Hay là lời thách đố của ông đúng ra nhắm vào lẫn lộn thường thấy giữa Chân Lý với công việc được tổ chức nhằm phục vụ nhân loại?

Krishnamurti:

Trước tiên bạn phải hiểu tôi muốn nói gì về công việc tập thể và công việc có tổ chức. Bạn nói rằng có một nhóm huynh đệ huyền bí, tổ chức làm việc cho nhân loại để thăng tiến sự tốt lành của thế giới. Cho rằng có những người có sự hiểu biết, đã đạt tới Chân Lý, và nhờ sự thành đạt ấy, dùng những phương pháp mà như bạn nói, không có mấy ai biết, chọn sứ giả và thành viên đặc biệt để làm công việc cho các ngài và gợi hứng cho những tổ chức đáng khen khác – đối với tôi nhận định này đặt trên ảo tưởng, dẫn tới việc lợi dụng con người vì ‘lợi ích’ cho họ.

“Star Bulletin” September, 1931.

Sáng hôm sau, tiếng hòa ca của bao nhiêu là con chim làm tôi tỉnh giấc, nhìn ra cửa sổ thấy những hoa thủy tiên rực rỡ, khoe sắc hương tươi thắm với vài giọt sương mai dưới ánh mặt trời. Nhưng nếu tôi là người dậy sớm, Ngài Thomas lại còn sớm hơn nữa, vì tôi bắt gặp hình dạng của ngài, đội mũ sọ như thường lệ, thong dong đi theo một lối viền quanh luống hoa rộng. Thỉnh thoảng ngài cúi người xem xét cây hoa này hay kia, hoặc vuốt ve con chó lớn chậm rãi bước bên cạnh ngài. Rồi bà cháu gái tới đi cùng, hôn ngài mà để đáp trả lại ngài âu yếm vuốt nhẹ má của bà; cả hai thư thái đi chung với nhau theo con đường nhỏ, lần tới khúc quanh và khuất dạng.

Còn tới một tiếng rưỡi nữa mới đến giờ ăn điểm tâm nên tôi nhẩn nha thay quần áo, thơ thẩn ra vườn theo gương của chủ nhân. Tôi cảm thấy bị Lão Chân sư thu hút nên hy vọng sẽ gặp được ngài. Cùng lúc, tôi e ngại là mình xâm phạm vào sự riêng tư của ngài; nhưng sao đi nữa tôi bị thất vọng vì không gặp được Chân sư sau đó mà phải đợi tới giờ ăn trưa.

Bữa trưa hôm ấy là một dịp đáng nhớ. Chỉ có bốn người chúng tôi hiện diện, Ngài Thomas, thầy J.M.H., tôi và một trong ba người đàn ông kia. Người này đến trễ vài phút, đi vào khi mọi người đã an vị rồi. Trong tay anh có cầm tờ báo Star Bulletin của Krishnamurti. Anh mở ra rồi đưa cho Ngài Thomas, chỉ một đoạn văn. Vị lão chân sư đọc nó, không bình luận chi ngoài việc thốt vài lời vô thưởng vô phạt ‘Chậc, chậc’, và đưa tờ báo cho thầy J.M.H. Ngài liếc qua, mỉm cười đầy ý nghĩa với Ngài Thomas, rồi để tờ báo qua bên. Nhưng tôi không bỏ lỡ cơ hội. Ít nhất tôi ở vị thế có thể nghe được đôi điều có uy tín thật sự cho câu hỏi rắc rối về Krishnamurti.

– Tờ Star Bulletin... Con cũng có xem, mà như các ngài thấy, tôi mỉm cười thêm vào, con vẫn còn tin vào các Chân sư.

–Ta mừng là còn có người như vậy, Ngài Thomas nhận xét với sự châm biếm bỡn cợt, chà, chà, nếu ý của Krishnamurti được ai nấy chấp thuận thì vài người trong nhóm chúng ta phải xách gói dọn nhà sang hành tinh khác mà sống.

Lập tức tôi dỏng tai và nhìn sang thầy J.M.H., ngài chỉ nói nhỏ giọng, ‘Nói khôi hài nhưng có sự thật trong đó’.

– Vậy thưa Thầy, tôi đánh bạo hỏi Ngài Thomas, con cho là Thầy không hoàn toàn tán đồng phương pháp của Krishnamurti?

– Xui là ông không có phương pháp rõ rệt nào, kể từ khi ông chứng quả La Hán và ngưng không hiến mình cho đức Di Lặc (đức Chúa) mượn xác. Nếu ông rút lui khỏi công chúng và đi ẩn tu tham thiền như các La Hán gia thời xưa thì phải tốt hơn không.

– Tôi có hơi mù mờ về việc đạt quả vị La Hán, tôi thì thầm với anh ngồi cạnh tôi.

– Đó là lần chứng đạo mà vị Chân sư không có chút hướng dẫn nào cho học trò của ngài, người này sẽ phải tự giải quyết những vấn đề hóc búa nhất mà không được phép hỏi điều gì, anh giải thích, họ sẽ phải dựa hoàn toàn khả năng xét đoán của mình, và nếu phạm lỗi lầm nào thì phải nhận lấy hậu quả.

– Và rồi Krishnamurti làm gì? chủ nhân xen vào, hiển nhiên đã nghe lời đối đáp của chúng tôi. Giống như người giúp việc trong chuyện ngụ ngôn biết rằng mình sắp bị cho nghỉ việc, ông báo cho hay là mình sẽ nghỉ làm. Nói khác đi, ông tách lìa khỏi Thiên Đoàn, và bài bác tất cả chúng ta.

– Và không may là, thầy J.M.H. thêm vào, ông khuyến dụ những người khác ở mức phát triển tinh thần thua xa ông, cũng làm vậy. Thay vì đưa ra giáo huấn mới hết sức cần, ông trốn trách nhiệm của vai trò mình như là nhà tiên tri và huấn sư, bằng cách quay trở lại một kiếp trước, với triết lý cổ cho sắc dân của ông mà con quen thuộc, nhưng lại vô dụng cho thế giới tây phương trong chu kỳ này.

– Vậy chúng con đúng rồi! Tôi kêu lên, Phải ông giảng về thuyết Bất Nhị (Advaita) không?

Ngài gật đầu.

– Mà những ai nghe ông giảng nghĩ rằng họ đang nhận một thông điệp mới, và do đó lời giảng được coi trọng quá đáng. Ngài Thomas thêm vào. Với thông điệp mà lẽ ra phải rao truyền, ông lại không làm - hoặc chỉ làm có một phần. Không nói gì về Nghệ Thuật - không có kế hoạch nào cho chi chủng mới - bỏ rơi chương trình về giáo dục - mà thay vào chỗ tất cả những điều này là thuyết Bất Nhị, một triết lý cho đệ tử, và cũng là một trong những con đường đưa tới sự Giải Thoát dễ bị hiểu lầm nhất.

– Như vậy ta có thể cho là sứ mạng của Krishnamurti đã hoàn toàn thất bại không?

– Này anh bạn, vị lão Chân sư nói, anh hỏi hơi nhiều, nếu chúng tôi trả lời thì anh sẽ làm gì với những câu đáp ấy?

Tôi tự động muốn buột miệng xin lỗi, nhưng thay vào đó tôi cảm thấy phải nói ra ý trong đầu:

– Thưa Ngài Thomas, tôi đáp, vì Krishnamurti mà nhiều người bị đau khổ nặng nề; nếu ngài rộng lượng soi sáng cho con một chút, không chừng con có thể làm những người ấy bừng tỉnh được.

– Tốt, ngài nói, động cơ trong sạch vậy thắc mắc của anh sẽ được trả lời.

Tôi bắt đầu ngỏ lời cám ơn nhưng ngài gạt nó qua bên bằng cử chỉ nhã nhặn, và nói tiếp:

– Ai muốn dạy thuyết Bất Nhị mà bỏ hết không dùng những chữ Phạn ngữ là chuốc lấy thất bại. Tiếng Phạn sinh ra một sức rung động huyền bí mà sẽ bị mất đi khi được dịch sang tiếng khác. Chữ tây phương không thích hợp để mô tả những trạng thái chủ quan của tâm thức, vì ý nghĩa những chữ này chủ về việc thường nhật trong đời.

Ngài dừng một chốc để ăn tiếp, rồi thêm vào.

– Ngài Koot Hoomi, vị Huynh Đệ của ta, nói rất đúng là Krishnamurti phá sập mọi con đường dẫn tới Thượng Đế, trong khi con đường của chính ông thì chưa hoàn tất.

– Và sao đi nữa cũng không hề thích hợp cho tất cả mọi người, thầy J.M.H. thêm vào.

– Cũng bởi nó chưa hoàn tất, vị lão chân sư tiếp tục câu nói của mình, nó có thể dẫn tới nguy hiểm không lường trước được cho ai muốn theo đường ấy. Nguy hiểm thứ nhất: Krishnamurti gạt bỏ mọi định nghĩa và phân loại đã có từ bao đời, khiến cho người chí nguyện không có một thang giá trị đúng mức. Nguy hiểm thứ hai: muốn đi theo con đường lên dốc của ông cần phải có tham thiền đều đặn, mà muốn làm vậy thì phải có sự che chở luôn luôn của một bậc Guru - nhưng Krishnamurti lại không cho phép người tìm đạo có Guru, ngài kết luận với cái nháy mắt.

– Nhưng, tôi hỏi, sự bảo vệ của Guru có luôn luôn là điều cần thiết không, con muốn nói là ngay cả khi chỉ tham thiền chút ít?

– Đương nhiên là ở mức độ vừa phải thì người ta có thể tập tham thiền an toàn mà không cần có Guru, thầy J.M.H. đáp, nhưng như Ngài Thomas nói, tham thiền liên tục trong một lúc lâu sẽ dẫn đến những trạng thái tâm thức và việc thâm nhập vào những cảnh giới khác mà tuyệt đối không thể không có sự hướng dẫn của vị Thầy.

Một sai lầm khác của thuyết Bất Nhị nửa vời đang được Krishnamurti rao giảng, là ông đề cập tới phàm nhân, con người ở cõi trần, như thể đó là Chân thần hay ít nhất là Chân nhân. Tự nhiên là ta biết Chân thần, điểm Linh Quang, là sự An Lạc-Tri Thức-Hiện Hữu Tuyệt Đối, và do đó hằng được tự do. Nhưng nó không có nghĩa là phàm nhân dưới thế, bị chìm đắm trong bao khó khăn dường như bất tận của Karma, có thể chia sẻ tâm thức của Chơn thần, hoặc ngay cả tâm thức của Chân nhân - là đường liên kết giữa phàm nhân và Chân thần.

Ta e rằng thuyết Bất Nhị của Krishnamurti, chớ nên lẫn lộn nó với hình thức được công nhận của cái triết lý cao cả ấy, sẽ không đưa những người theo ông tới đâu, ngoại trừ tính đạo đức giả và tự mê hoặc mình.

Ngài Thomas gật đầu đồng ý.

– Và trong lúc ông kêu họ chối bỏ hết mọi các Chân sư, ông lại không chịu đóng vai trò là Chân sư của họ.

Vị lão Chân sư lặng thinh một chốc rồi lắc đầu một cách buồn bã,

Trẻ con than khóc trong đêm tối của tinh thần, và không có ai để an ủi chúng... Ai có thể giúp thì không giúp, và chúng ta những người có thể giúp, lại không thể làm được, vì lòng Hoài Nghi đã làm độc niềm tin của họ vào chính sự hiện hữu của chúng ta. Chẳng lạ gì vẻ mặt Chân sư Koot Hoomi trông sầu não một chút.

Ngài quay sang chú chó to mà trong suốt cuộc nói chuyện từ đầu tới giờ, ngồi yên một mực với sự tự chế của loài chó, ngước nhìn ngài; vừa vỗ nhẹ con chó ngài vừa nói:

– Này tiểu huynh đệ, nếu ngay cả khi nhà Vua nói với bạn rằng chủ nhân của bạn thừa thãi, ta nghĩ bạn cũng không tin ông, phải thế chăng?

Chú chó vẫy đuôi, gụi gụi mình vào đầu gối của ngài Thomas thật cảm động.

Ấy là khung cảnh tôi sẽ không quên được: căn phòng có tường lót gỗ sồi, những bức họa cổ, bàn ăn dài, mặt trời chiếu xuyên qua mấy khung cửa sổ hình thoi, và chót hết là vị lão Chân sư đáng chú ý và khả ái đội mũ sọ nhung, với con chó trung thành bên cạnh. Tôi được mang trở về một thế giới mà trong đó tiếng kèn xe hơi kêu rít, sự xào xáo tất bật xem ra chỉ là những điều nhỏ nhặt chỏi tai không đáng của một cơn ác mộng.

Tuy nhiên ở giữa bầu không khí êm đềm của thế giới ngày trước, có những lực vô hình đang làm việc, kiểm soát và điều khiển nhiều kế hoạch của con người. Tôi cảm thấy hân hạnh biết bao là ngài Thomas đã tin tưởng tôi đủ để không còn che dấu sự kiện ngài là một vị Chân sư.

Người giúp việc đi vào mang theo món ăn kế, rồi quay trở ra. Tôi để ý là ông không hề vào trừ có chuông gọi, nút chuông điện nằm trong tầm tay của Ngài Thomas. Hiển nhiên dù ngay trong bữa ăn, việc trò chuyện thường khi có tầm quan trọng lớn không nên để người khác nghe lỏm được.

Tôi vẫn còn muốn hỏi vài câu về Krishnamurti, nhưng trong một lúc không biết nói ra sao để không có vẻ là tò mò.

– Xin thứ lỗi cho con, tôi nói với chủ nhân, nếu con quay trở lại đề tài ta đã thảo luận.

– Sao! Có thêm thắc mắc ư? ngài trả lời với vẻ nghiêm khắc giả vờ, lần sau anh phải trình cho chúng ta bản câu hỏi nhé; nào, hỏi gì đây?

– Chắc ngài nhớ con có hỏi là ta có nên xem sứ mạng của Krishnamurti như là thất bại hoàn toàn.

– Đúng, đúng, nó thành công trong khi được vị Huấn Sư Thế Giới (đức Di Lặc, hay Christ) ảnh hưởng, như ta có nói trước đó, về sau là sự thất bại. Ông thực hiện được chuyện tốt lành khi dạy con người sử dụng trí óc của mình, và trong việc chỉ cho họ...

Ngài ngưng ngang, vẫy tay về phía thầy J.M.H.

– Nào, nào, ngài nói và nháy mắt, hắn là đệ tử của con mà con để cho lão đây phải làm hết mọi việc sao!

– Hắn gặp được Vị giỏi hơn con, thầy J.M.H. cười và nói. Tuy thế ngài tiếp lời.

– Krishnamurti tới để phá bỏ trật tự cũ của sự vật nhằm chuẩn bị cho cái mới, nhưng ông phá bỏ quá nhiều chuyện cũ và không chuẩn bị gì cho tương lai. Dầu vậy trật tự cũ đã hết thời rồi và chắc không thể làm sống lại. Thời buổi tuân lời mù quáng vị lãnh tụ đã qua - không thể có được sự cứu rỗi chỉ bằng cách tôn thờ cá nhân và chấp nhận mọi điều họ nói như là kinh thánh, vì chấp nhận chưa nhất thiết muốn nói là đã hiểu. Ngay cả nhân vật cao tột như là Đức Phật đã nói: Đừng tin vào bất cứ điều nào chỉ vì ta nói điều ấy.

– Ông có thể được gọi là người mở đường cần thiết cho chu kỳ đặc biệt này, nhưng thực ra không phải là vị Huấn Sư Thế Giới, Ngài Thomas chêm vào, phải đến cuối thế kỷ này mới mong có vị Huấn Sư Thế Giới.

– Thế nhưng tại sao dù chỉ là người mở đường..., tôi mở miệng nói.

– Ai có thể phán xét người khác mà không biết về những khó khăn của họ? Ngài Thomas chặn lời. Một đức tính có khuyết điểm của nó. Krishnamurti có tính đơn sơ hồn nhiên; vì ông đạt tới một trình độ tâm thức và mức tiến hóa nào đó, lòng khiêm tốn khiến ông không nhận ra là người khác chưa đạt tới giống như ông. Vì vậy ông đưa ra cho người khác điều chỉ thích hợp cho chính ông.

Ngài đứng dậy khỏi chiếc ghế có lưng cao.

– Đi nào, ngài bảo chú chó to, ta sẽ đi dạo một vòng ngoài vườn, viếng thăm hoa thủy tiên trước khi khách đến. Bốn giờ trong phòng sách nhé, ngài thêm vào với thầy J.M.H. và đi ra.

CHƯƠNG XII

Thầy J.M.H. Bàn về Nhiều Việc.

Sau bữa trưa, thầy J.M.H. đưa tôi ra hồ bông súng, một nơi khuất trong vườn chung quanh có cây tùng, cây thông bao bọc. Khung cảnh vừa đẹp mắt vừa êm tai, vì một cái dốc nước nhỏ tạo nên âm nhạc tuyệt vời khi nó chảy róc rách giữa những hòn đá phủ rêu. Đối diện với hồ là chiếc ghế đá, chúng tôi ngồi xuống đó thưởng ngoạn những chiếc lá phẳng và rộng của hoa súng, bên trên có một đôi bướm sớm mầu vàng đuổi nhau trong nắng. Trọn khung cảnh là bầu không khí thanh bình nơi cõi trời, và thầy J.M.H. cho tôi hay là Ngài Thomas thường ra đây thiền định.

Chúng tôi yên lặng một lúc lâu, và có vẻ như thầy J.M.H. chìm đắm trong tư tưởng ở một nơi xa xôi nào đó, rồi đột nhiên ngài phác một cử chỉ như thể đưa mình trở lại cõi hồng trần.

– Hãy nhớ kỹ những gì con nghe được ở bữa trưa, ngài bảo, chuyện quan trọng hơn là con tưởng. Về sau con sẽ biết tại sao.

Tôi hứa chắc với ngài là sẽ không sao quên được.

– Hay lắm, ngài nói, nay con có thể hỏi thầy bất cứ chuyện chi trong đầu. Thời giờ không có nhiều.

Tôi muốn hỏi vài điều về chính ngài nhưng kềm lại, vì những câu hỏi ấy đầy tính tò mò, và tôi cảm thấy phải giới hạn vào những chuyện có liên quan đến vấn đề trước mặt. Những gì đã nghe làm tôi được soi sáng đáng kể, nhưng tôi vẫn còn thắc mắc vài điểm.

– Sao, ngài hỏi, nhìn tôi và nở nụ cười, câu hỏi khó lắm ư?

– Nói rõ ràng thì, dạ phải. Tuy nhiên... Thế kỷ trước các Chân sư qua trung gian của các ngài là HPB, có đưa ra một số giáo huấn để giúp sự tiến hóa, phải không ạ?

– Phải. Các ngài dùng bà và hội Theosophia để giúp nhân loại ý thức được sự hiện hữu của các ngài.

– Đúng thế. Vậy thì, có vẻ như các ngài đã dùng một trung gian khác, người này thản nhiên bác bỏ hội Theosophia và ngay cả các Chân sư, và nhân vật này, nói cho sát, mô tả một cách bội bạc chuyện mượn xác và sử dụng người trung gian (medium - đồng tử) như là việc lợi dụng, nó có nghĩa là sao?

– Nó có nghĩa là các Chân sư không toàn năng hay toàn tri, thầy J.M.H. trả lời. Các ngài phải dùng vận cụ tốt nhất nào có thể tìm được vào lúc nào đó cho mục đích của mình, nhưng các ngài không thể biết trước chắc chắn là cuộc thử nghiệm sẽ diễn biến ra sao. Dù nhân vật trung gian có thanh khiết thế mấy, họ vẫn có thể gặp phải đủ mọi khó khăn bên ngoài không thể dự phòng trước được.

Thí dụ nếu nhân vật đó trẻ trung và tuấn tú, anh có thể được phụ nữ tới tấp ái mộ, tâng bốc, ngập đầu với chuyện ghen tuông của họ cùng đủ thứ khác; và anh càng nhậy cảm chừng nào chuyện càng hóa rối ren chừng ấy.

Thầy ngừng một chốc và rồi nói một cách nghiêm trọng.

– Sự biểu lộ tình thương đòi hỏi nhiều minh triết gần như là hơn hết mọi điều khác. Để biết cách thương làm sao, khi nào và ở đâu cần óc phân biện tột bực. Nếu Krishnamurti không đạt được hết những gì đã kỳ vọng nơi ông, thì phần lỗi không phải là về ông hoàn toàn...

Sự thật là, ngài nói tiếp và giọng điệu thay đổi, không phải nam giới mà nữ giới mới là người trung gian tốt nhất cho các Đấng Cao Cả. Ấy là lý do tại sao HPB và Annie Besant có thân xác nữ kiếp này. Cấu tạo của nam giới khiến họ thành huyền bí gia tốt hơn, và nữ giới thành người trung gian tốt hơn. Do bản chất của họ, người nữ sẵn sàng nhường chính mình hơn là người nam, hay đúng hơn là nhường các thể thanh của mình cho Chân sư.

Ngài nhặt lấy chiếc lá trên mặt đất và vẩn vơ chơi với nó.

– Nói chung thì việc nhường xác làm trung gian loại hết sức cao quí này là chuyện thật tế nhị và phức tạp. Chỉ những ai đã loại bỏ hết các ham muốn và ẩn ức riêng tư, mới có thể thực sự thành người trung gian tự nguyện cho các Chân sư - và ai như thế kinh nghiệm được sự ngất ngây xuất thần như bạn con đã trải qua, người vừa rời trần... Ai không sẵn lòng thì cảm thấy họ bị khai thác và hóa chán ghét. Tự ban đầu Krishnamurti là người trung gian miễn cưỡng, và chỉ vì thế giới ở trong tình trạng nguy kịch nên đức Di Lặc mới chấp nhận rủi ro là thử ảnh hưởng ông.

Ngài cúi người vuốt ve một con chim khuyên nhẩy nhót không chút sợ hãi gần chân thầy. Con chim nhỏ đậu chốc lát trên ngón tay của ngài, vỗ cánh sung sướng, rồi bay đi. Tôi tính mở lời ca ngợi cảnh tượng xinh đẹp ấy thì thầy J.M.H. quay sang tôi và nói tiếp.

– Nhấn mạnh tới mấy cũng không đủ sự kiện là những đấng Cao Cả bị giới hạn trong việc biểu lộ quyền năng của các ngài nơi cõi trần; các ngài bị giới hạn do karma cá nhân của những ai mà các ngài muốn giúp, ngay cả các ngài cũng không được phép để karma ấy qua bên, và cuối cùng mà có lẽ là điều nghiêm trọng nhất, là các ngài bị giới hạn bởi làn sóng Hoài Nghi ngày càng nhiều, hủy hoại các mối dây liên kết, mà chỉ qua những đường dây này mới có thể cho ra sự trợ giúp từ cõi cao xuống cõi thấp.

Nói cũng không quá đáng là mỗi linh hồn nào mất niềm tin vào các Chân sư, là làm suy yếu sự biểu lộ lực của các ngài dưới trần. Vài người mất niềm tin vì họ tưởng tượng các đấng Cao Cả hoàn toàn có tự do thực hiện chương trình của các ngài, làm lợi ích cho đệ tử hoặc nhân loại nói chung, và họ không còn trung thành nữa ngay khi nào những kế hoạch này không thành hình. Nhiều người khác thì bị lẫn lộn, hoang mang trong trí, càng lúc càng chấp nhận ý tưởng rằng những Vị mà có lần họ đã xin được giúp đỡ và hướng dẫn thì chỉ thuần là nhân vật hoang đường. Thành ra một số nghi ngờ sự hiện hữu của Chân sư vì họ không thấy chứng cớ nào về quyền năng của các ngài, và số khác nghi ngờ vì trọn cái nhìn của họ bị bẻ cong.

Tuy nhiên với ai mà niềm tin bị lay chuyển vì điều xem như là sự thất bại của các ngài, cũng như với ai bị khủng hoảng vì triết thuyết rối rắm, họ có thể được trấn an rằng cho dù tình trạng đen tối lúc này, dù các Chân sư bị giới hạn trong cõi hữu hình, tình thương và lòng từ của các ngài không hề suy giảm... và tuy các ngài không thể làm phép lạ để nâng đỡ gánh nặng của ai đau khổ và mỏi mòn, các ngài vui mừng và sẵn sàng truyền sức mạnh tinh thần của mình cho ai vẫn còn lòng tin tưởng để cầu xin điều ấy...

Ngài lặng yên một lúc lâu, nó chỉ được phá vỡ với tiếng hót trầm bổng của con chim đậu trên cây gần đó. Tôi ngẫm nghĩ điều ngài vừa nói, nhưng cuối cùng phải hỏi trọn câu chuyện là sao.

– Thầy xem này, tôi vạch ra, sự khó khăn trong việc tìm cách chống chọi lại óc hoài nghi và nỗi chán chường được khơi nên, là do người ta tưởng tượng họ không dám phê bình người mà họ nghĩ là vị Huấn Sư Thế Giới...

– Mà là người này lại dạy họ rằng không có ai, dù cao tột thế mấy, có thể dạy họ một điều gì cả, thầy J.M.H. nối lời cho hết câu.

– Nhưng Toni Bland dùng chữ gần như y hệt như thế! Tôi kêu to ngạc nhiên.

– Và thầy gây ấn tượng cho anh dùng các chữ ấy, ngài đáp lại nhẹ nhàng.

– Thầy - Thầy có thể gây ấn tượng cho Toni như vậy ư?

– Sao lại không kìa? Thầy J.M.H. mỉm cười, ta đã tập cho anh trong nhiều năm để cảm nhận tư tưởng của ta.

– Vậy là rõ rồi, hèn chi... Anh hay bật ra những điều sáng suốt hết sức. Và Viola cũng bị anh thu hút nữa...

Tôi thật sự kinh ngạc với khám phá này. Toni không hề đề cập tới chuyện ấy. Tư tưởng của tôi quay ngược về ngày mà anh đến dùng trà với chúng tôi lần đầu tiên.

– Nhưng tại sao thầy lại bỏ công gây ấn tượng cho anh chỉ vào dịp ấy? Tôi không cầm được mà phải hỏi, chỉ có bà Saxton và...

Ngài ngưng tôi lại.

– Bà Saxton có được hạnh phúc hay lợi ích tinh thần nào chăng khi bác bỏ các Chân sư?

– Con không nghĩ vậy, tôi cười lớn.

– Nhiều năm về trước, con đưa ta đến gặp bà, tại sao thế?

– Ồ... chà, con nghĩ không chừng thầy có thể giúp bà một chút. Nhưng con ngại bà là trường hợp hết thuốc chữa.

– Nếu con thấy một con chó mù, dù không đẹp mắt và chẳng có giá trị thế mấy đi nữa, đang bước dần tới hố thẳm, có phải là con sẽ tìm cách ngăn chặn nó không?

– Đúng thế!

–Vậy thì, ta chỉ tìm cách ngăn chặn để bà không rơi xuống... tuy không mong được thành công, ngài thêm vào.

Đột nhiên tôi nhớ lại một phụ nữ khác mà thầy J.M.H. đã giúp đỡ.

– Nhân tiện, tôi nói, cuốn sách vừa rồi mà con viết về thầy...

Ngài gật đầu dò hỏi.

– Thầy có nói về sự ghen tuông, hoặc đúng hơn là lòng không ghen tuông - con e là vài người hiểu lầm nó một chút.

– Người ta hiểu lầm nhiều chuyện khi nó hợp với mục tiêu của họ.

– Thầy còn nhớ cô Gertrude Wilton?

– Còn. Thỉnh thoảng cô làm ta vinh hạnh bằng cách gửi tư tưởng đến ta. Thầy mỉm cười.

– Vậy thầy biết con sắp nói gì?

– Ta có được chữ nghĩa để trao đổi tư tưởng, ngài tiếp lời, vậy tại sao không dùng chúng? Gertrude Wilton có chuyện chi?

– Cô tự đặt mình làm người Tiền Phong cho Tân Đạo Đức, và chồng cô không thích thế. Con bị lôi kéo vào chuyện.

Thầy J.M.H. trông có vẻ thích thú một chút.

– Làm trọng tài ư? ngài hỏi.

– Gần gần như thế. Anh còn muốn con viết cho thầy về việc ấy. Thêm nhiều người khác trong cùng cảnh tiến thoái lưỡng nan cũng muốn như vậy.

– Tức là ta khiến các ông chồng bị mất danh dự? ngài nói, nhưng mắt tươi cười.

– Nói cho ngay thì không phải là anh là người đáng trách. Thực sự thì anh cư xử rất đàng hoàng...

– Đúng lắm, thầy J.M.H. ngắt lời, anh có được công đức nhờ vậy.

– Nhưng khi vợ anh đi khoa trương cùng khắp và làm như trọn câu chuyện chỉ là... a... để làm nâng cao linh hồn tình nhân của cô...

– Rồi con làm gì? Thầy J.M.H. hỏi.

– Con bảo là nếu cô phải có cuộc tình này, thì cô cũng phải đối đầu với sự kiện là cô làm vậy để được vui thú cho mình, và đừng nối kết nó với chuyện mở đường cho đạo đức mới.

Thầy J.M.H. cười lớn.

– Con cũng khuyên cô là ít nhất hãy xét tới địa vị của chồng cô, và đừng loan cho ai cũng biết. Con có đúng không?

– Con không thể làm gì khác hơn trong hoàn cảnh này. Và ta nghĩ nó cho tác dụng muốn có, ngài thêm vào sau một lát, làm như ngài thăm dò chuyện gì thực sự diễn ra. Rồi ngài nói.

– Không ai thiếu ngay thẳng với chính mình cho bằng, khi người đàn bà muốn làm theo ý họ.

– Con nói với cô như thế.

– Tốt, ngài khen. Thấy rõ là con đã học được vài điều về phụ nữ trong kiếp này - vậy là hay hơn nhiều ông!

Ngài nói tiếp, cho tôi hay cách mà các Chân sư gắng sức điều chỉnh sự quân bằng về đạo đức, và tại sao có lúc ngài đưa ra ý tưởng về lòng không ghen tuông. Thầy giải thích:

– Ghen tuông với phái nam bắt đầu như là bản năng để bảo vệ thai nhi. Nếu người đàn bà mang thai mà có liên hệ chăn gối với nhiều ông, cô gây hại cho thai nhi vì cô nhận những từ lực khác nhau. Vì vậy ghen tuông ở dạng nguyên thủy là nhằm bảo vệ tình trạng bất trắc này, nhưng giống như nhiều bản năng hợp lý khác, nó đi sai đường và thoái hóa thành cớ cho lòng chiếm hữu, tàn nhẫn và các điều ác tương tự, kể luôn cả sát nhân và tự tử. Do lòng ghen tuông mà hàng ngàn gia đình bị tan vỡ, trẻ con mất đi lợi ích của đời sống gia đình.

Muốn đảo ngược lại tất cả những chuyện ấy thì cần phải đưa ra lý tưởng của lòng không ghen tuông mà vào lúc này, nó gây kinh ngạc và đi trước thời đại. Tuy nhiên, tựa như mọi lý tưởng có thể bị bẻ cong và dùng cho mục đích ích kỷ, thì điều này cũng đã bị làm biến dạng. Chỉ dạy mà ta đưa ra về đề tài này mấy năm về trước vẫn áp dụng được cho các giống dân Latin và cho những cá nhân nào bị lòng si mê ghen tuông chế ngự. Nhưng với ai sáng suốt hơn thì họ coi thái độ này là chuyện đã biết rồi vieux jeu. Trong bất cứ trường hợp nào, mối liên hệ giữa hai phái cũng ở trong tình trạng chuyển tiếp, và sẽ đòi hỏi hai bên phải có sự điều chỉnh hết sức tế nhị.

Ngài vạch ra cho tôi thấy những đặc tính mà ta sẽ thấy nơi cả hai phái nam và nữ trong tương lai gần, và làm sao những đặc tính này sẽ phản ứng với luân lý; nhưng các điều ngài cho hay chưa thể được công bố cho thế giới vào lúc này.

Ngài đứng dậy khỏi ghế.

– Nay ta phải rời con, ngài nói, ta sẽ bận cho đến giờ ăn tối.

CHƯƠNG XIII

Tương Lai của giống dân Anh.

Lyall Herbert đã tới và nói chuyện riêng với thầy J.M.H. một giờ trước bữa tối. Sau đó tôi được cho hay một phần cuộc nói chuyện dành để thảo luận về những khía cạnh huyền bí của âm nhạc. Herbert đã viết một cuốn sách về đề tài này, nhưng có thêm chi tiết sẽ được quảng bá qua những bài viết, và có thể trong một cuốn sách khác. Tôi mong chờ các bữa ăn ở nhà Ngài Thomas với niềm vui thú đặc biệt, một phần vì chủ nhân sẽ hiện diện, phần khác chúng cho tôi cơ hội để có thêm hiểu biết không thể tìm được ở bất cứ chỗ nào khác. Tối hôm ấy nhiều loại đề tài được thảo luận, tất cả đều có ý nghĩa huyền bí, nhưng sau đó tôi được yêu cầu suy xét để xem có thể tiết lộ được bao nhiêu trong những trang này.

Ngài Thomas có tiên đoán thật đáng chú ý về ảnh hưởng là trong thời đại tới đây, tất cả các ngành nghệ thuật sẽ có tính khoa học nhiều hơn, tức những ảnh hưởng nghệ thuật đặc biệt như mầu sắc, âm thanh, hình thể hoặc nhịp điệu, sẽ được sử dụng một cách hữu ý và chủ tâm để sinh ra tác dụng chuyên biệt. Lấy thí dụ, về âm nhạc hiện thời làm xé rách màng nhĩ ai không quen, và được dùng chỉ để làm phá vỡ lề thói đã đóng khung của xã hội và tư tưởng xấu, thiên thần sẽ gợi hứng nhạc sĩ để mang những phối hợp âm thanh từ cõi cao xuống cõi trần, nhằm trợ giúp và chữa lành.

– Nhạc sẽ có mục đích hơn, ngài giải thích theo cách ngắn gọn của mình, ngay cả tôn giáo cũng trở nên khoa học hơn. Một phần vai trò của giáo sĩ sẽ được giao cho nhạc sĩ, phần khác cho nhà phân tâm học có huấn luyện. Ảnh hưởng của âm nhạc theo với thời gian sẽ thay thế ảnh hưởng của nghi lễ; và phân tâm học sẽ thế chỗ cho phòng xưng tội. Người ta mong đợi quá nhiều những đặc tính cao thượng nơi giáo sĩ, nên kết quả là thất vọng. Nghệ sĩ thì không bị nhiều trông mong.

Ngài chìm đắm vào sự yên lặng nhưng thầy J.M.H. khai triển thêm vài điều liên quan đến phân tâm học, và một số khó khăn ngay lúc này có liên hệ với nó.

– Tất nhiên, ngài nói, chuyện lý tưởng là nếu nó có thể được các huyền bí gia cao cấp sử dụng thay vì người duy vật như tình trạng lúc này. Một số người gặp rủi ro khi đào sâu vào tiềm thức, làm họ khám phá ký ức của những kiếp qua mà không ý thức là mình đang làm gì. Nhà huyền bí học, với thông nhãn, có thể nhìn các phản ứng trong thể thanh của bệnh nhân để biết tới điểm nào thì ngưng việc phân tâm; điểm ấy thường nằm trong vòng giới hạn thời gian của kiếp hiện thời. Tuy nhiên người duy vật, có thể là chế diễu cái ý niệm có nhiều kiếp trước và do vậy mầy mò trong bóng đêm, không chừng đào xới lên những ký ức rất cổ xưa, làm tâm trí của bệnh nhân nhậy cảm có đầy chuyện hãi hùng. Việc làm lộ tất cả những thèm khát và đam mê, kinh nghiệm lúc xưa lắc xưa lơ và theo một luân lý khác biệt - tất cả là cặn bã đã được lãng quên trong những kiếp trước nhưng không được bệnh nhân hoặc nhà phân tâm học nhìn nhận như vậy, có thể dẫn tới tình trạng nguy hiểm là sầu não và có mặc cảm tự ti.

– Các vị Thần Nhân Quả đóng cánh cửa ký ức là có lý do, Ngài Thomas nói một cách nghiêm trọng. Để cho tâm trí một ai bị trì trệ với hiểu biết về quá khứ trước khi anh có sức mạnh để chịu được nó, là không tốt.

– Phân tâm học không phải là đồ chơi cho trẻ con. Nó tựa như lửa, hoặc làm thanh khiết hoặc hủy diệt. Thế nên, như huynh J.M.H. có nói, chỉ ai có thông nhãn và huyền bí gia mới có thể điều khiển nó một cách khôn ngoan.

Ngài dừng một lát và có sự yên lặng đáng kể tràn ngập phòng một cách kỳ lạ. Cuối cùng ngài lên tiếng trở lại.

– Ta hiểu theo lời của Đấng mà tương lai nhân loại trải dài trước mắt như trang sách mở rộng (Đức Mahachohan, gọi là Đức Văn Minh), rằng ngay cả nhà phân tâm học duy vật trong tương lai sẽ bắt buộc phải nhìn nhận rằng phân tích tiềm thức là chuyện vô ích, trừ phi Chân ngã của bệnh nhân đủ mạnh để không những khiến phàm ngã đối đầu một cách lành mạnh với tiến trình tan rã, mà sau đó xây dựng, và tự mình nắm lấy việc kiểm soát tiềm thức trọn vẹn.

Một đề tài khác được thảo luận là tương lai của dân Anh (Cyril Scott người Anh). Ngài Thomas nhắc nhở chúng tôi rằng không sớm thì muộn, mỗi giống dân bước vào một giai đoạn nghiêm trọng trong lịch sử của nó. Trong ba trăm năm tới đây giống dân của chính chúng ta sẽ phải có lựa chọn.

– Sẽ có bớt người La Mã tái sinh, ngài cho biết, việc tạo đế quốc của họ đã xong rồi. Thay vào đó loại người Hy Lạp sẽ tái sinh nhiều hơn. Như thế có một loại nam giới mới sẽ xuất hiện. Khả năng suy gẫm chuyện siêu hình của người Hy Lạp sẽ lộ ra như là hình thức mới của chủ nghĩa lý tưởng, và có tiềm năng quay vào trong tiếp xúc với những cảnh giới cao; lòng quý chuộng mỹ lệ của người Hy Lạp sẽ biểu lộ như là cảm xúc về nghệ thuật. Khuyết điểm của điều trước - thiếu khả năng đối phó với các vấn đề ở cõi trần ngày tăng hơn. Khuyết điểm của điều sau - khuynh hướng của Hy Lạp cổ thời, thiên về đồng tính luyến ái. Vấn đề của chúng ta là làm sao đối phó với nó.

‘Sẽ phải có một loại chỉ dạy mới. Nếu những khuynh hướng đồng tính luyến ái được cho phép tự do lan tràn, nước Anh sẽ suy sụp theo cách của Hy Lạp xưa; nhưng nếu chúng được thăng hoa nhờ yếu tố tâm linh, Anh quốc sẽ tiến tới đỉnh cao của vinh quang tinh thần và nghệ thuật, và trở thành giống dân tiền phong về các mặt ấy. Phải có lựa chọn từ bây giờ, ngài gõ nhịp mấy ngón tay lên bàn để nhấn mạnh lời mình.

Có một lúc ngưng, rồi thầy J.M.H. nói.

– Tình trạng đồng tính luyến ái của Hy Lạp một phần là kết quả của việc suy diễn sai những chỉ dạy mà các Chân sư thuộc trường phái Platon đưa ra. Phụ nữ trung bình ở Hy Lạp không được xem là trí thức, cho nên người nam phải dựa vào chính phái của anh để trao đổi tư tưởng siêu hình. Nhằm thúc đẩy có thêm loại trao đổi trí tuệ này, các Chân sư ấy nỗ lực gợi hứng tình bạn lý tưởng và lòng hy sinh giữa nam giới, điều thường được mô tả trong văn chương Hy Lạp. Việc nó phải suy đồi thành hình thức thô bỉ nhất của tính đồng tính luyến ái là một vết nhơ cho danh dự của dân tộc này, điều mà các Ngài không hề chủ tâm hoặc tiên liệu được.

– Thầy có đề cập tới phụ nữ Hy lạp, còn về phụ nữ thời nay và tương lai thì sao, tôi đánh bạo hỏi.

– Vì nam giới hóa ra hướng nội, thầy J.M.H. trả lời, phụ nữ sẽ thành ra hướng ngoại.

– Phải có điều chỉnh theo cách này hay kia để tạo quân bình, Sir Thomas chêm vào.

– Đúng vậy, thầy J.M.H. đồng ý. Loại nam giới mới trở thành hướng nội và trầm lặng hơn như Ngài Thomas hàm ý, ngược lại phụ nữ sẽ trở thành người tổ chức tài giỏi hơn, khéo léo hơn về thương nghiệp và chuyện tương tự như thế.

–Trí não giỏi dang, nhưng rất có thể là mất đi trực giác của họ, chủ nhân của chúng tôi lên tiếng. Mẫu người phụ nữ mới loại thấp kém có nguy cơ là sinh ra mặc cảm về quyền hành, mẫu người nam mới loại thấp kém có nguy cơ là trở thành biếng nhác, do bản chất mộng mơ và do vậy không hữu hiệu với chuyện thực tế. May mà cháu gái ta không có mặt ở đây, ngài kết luận, con người yểu điệu đầy nữ tính - viễn ảnh không hấp dẫn - đàn ông thành đàn bà, đàn bà thành đàn ông - chà, chà, chà...

Ngài đứng dậy khỏi bàn giữa tiếng cười sinh ra do nhận xét của ngài và cách ngài nói.

Sau bữa tối Lyall Herbert chơi đàn cho chúng tôi nghe, và thấy rõ là Ngài Thomas có khả năng thưởng ngoạn âm nhạc thật đáng kể. Ngài lắng nghe chăm chú, mắt nhắm lại, thỉnh thoảng vẫy tay theo nhịp khi có đoạn nào hay giai điệu nào đặc biệt làm ngài ưa thích.

Khi Lyall chơi xong, ngài gật đầu với anh lộ nét vui sướng thấy rõ.

– Con có thể gặp nhiều khó khăn trong đời âm nhạc của con, ngài nhận xét mà không phải là hỏi anh. Ai làm việc cho các Chân sư sẽ gặp phải trở ngại giăng đầy trên đường sự nghiệp.

Gương mặt Herbert sáng rỡ lên; hiển nhiên anh cũng bị vị chủ nhân thu hút.

– Con gặp nhiều gian nan lắm, anh đồng ý.

– Hm - nếu có nhân vật tai to mặt lớn nào trong môi trường Theosophia trước thời kỳ của Krishnamurti gọi con là bậc đạo đồ, Ngài Thomas nhận xét một cách khô khan, hẳn một nhóm người nhiệt thành sẽ bao quanh con và biến con thành nhân vật nổi tiếng, hở?

– Nhưng con e ngại mình không phải là bậc đạo đồ, Lyall mỉm cười.

– Chắc là chưa. Ngài lắc đầu ngẫm nghĩ. Sao đi nữa ta không hề đồng ý trọn chuyện gọi người khác như thế. Đạo đồ chỗ này, chỗ kia. Huân chương rồi phục sức, phần thưởng cõi Trời, chậc, chậc... Chứng đạo là chuyện riêng tư và thiêng liêng giữa Chân sư và đệ tử - trưng ra trước công chúng không tiện chút nào - dĩ nhiên là trừ phi... Ngài mỉm cười và bỏ đi.

– Con không biết mình được vinh hạnh ra sao, thầy J.M.H. bảo Herbert.

– Thầy chắc là con không biết ư? Herbert đáp lại.

Thầy J.M.H. cười và không nói gì.

Có xếp đặt là Herbert và tôi sẽ cùng về London chiều hôm sau. Nhưng chúng tôi hầu chuyện nửa tiếng với thầy J.M.H. trước khi ra về. Cả hai chúng tôi đều mù tịt không biết ý và dự tính đi lại của thầy. Chúng tôi có được phép viết và cho Arkwright hay là ngài đã trở lại chăng, thí dụ vậy. Óc tôi nẩy ra ý này khi cả ba chúng tôi đi dạo tới lui ngoài bồn cỏ trước giờ ăn trưa. Hiển nhiên ngài đọc được tư tưởng của tôi, vì ngài nói.

– Con đã gặp Arkwright chưa?

– Anh có tới thăm chúng con ở London. Tôi đáp.

– Con có thể viết và cho anh hay là vị Guru mất tích đã được tìm thấy. Ngài tiếp lời, ấy là, nếu con muốn!

– Và để anh báo cho những người khác ở Mỹ không?

– Ta đã viết cho Heddon, hắn sẽ cho họ hay điều gì cần biết.

Tôi cảm thấy nhẹ lòng. Tôi thật sự tiếc cho hết thẩy những đệ tử ở Boston; nay, bất kể thầy ra lệnh cho Heddon báo họ hay ra sao, ít nhất họ biết được là ngài vẫn còn sống. Thầy J.M.H. cũng nhờ tôi trao một lời nhắn cho Toni Bland, nhưng tôi phải chọn lúc thuận tiện để cho anh hay. Ngoài căn dặn có tính bí ẩn này ngài không nói gì thêm về vấn đề nữa. Sau đó ngài khuyến cáo chúng tôi giữ kín hết sức về việc đến chơi nhà Ngài Thomas, tuy ngài cho phép có ngoại lệ đối với nhà tôi.

– Bảo cô rằng giai đoạn đen tối cho cô sắp chấm dứt, và chẳng bao lâu cô sẽ có thông nhãn trở lại, mà với khả năng cao hơn để bù cho trọn những đau khổ mà Karma đã áp đặt cho cô. Có người đạt được sự thăng bằng nhờ đau khổ trí tuệ, người khác nhờ đau khổ thể chất; cô đạt được nhờ cả hai và bởi thế, khả năng của cô càng đáng tin thêm khi nó trở lại.

Tôi sinh lòng biết ơn thật sâu xa với những lời này, vì tôi biết rằng nó có nghĩa ra sao đối với Viola, và về một phần nào đó nó sẽ an ủi việc nàng không có mặt ở đây với chúng tôi. Nhưng thầy J.M.H. còn nói thêm một điều nữa, trong một khoảng thời gian chưa định rõ ngài sẽ cho gọi chúng tôi trở lại, và sẽ tiết lộ mục đích sau. Ngài hé mở chút ít rằng lần viếng thăm kỳ hai sẽ đánh dấu một bước rất quan trọng trong cuộc tiến hóa của chúng tôi.

Chúng tôi về London ngay sau bữa trưa.

Chiếc xe lớn mầu xanh đã đậu sẵn ở cửa. Tôi chào từ biệt thầy J.M.H. với sự nuối tiếc, rồi quay sang Ngài Thomas ngỏ lời cảm tạ cho tất cả những gì tôi nhận được từ ngài.

– Đừng mất công nói ơn nghĩa. Ngài phác cử chỉ tỏ sự chán ghét giả vờ. Ta không đọc được tâm người hay sao? Ngài giữ tay tôi trong chốc lát, và thêm vào:

– Ta cho con lời chúc lành của một ông lão.

– Và con xin nhận nó như là của một Chân sư... Tôi kính cẩn đáp lại, mà nói thật nhỏ để người khác không nghe được.

– Chậc, chậc, ngài trách. Nhưng tôi có thể thấy vị Chân sư ‘người’ tới mức không bực bội gì, điều ấy làm ngài càng đáng quí hơn.

Ngài chào từ biệt Herbert, và cũng chúc lành cho anh, rồi chúng tôi vào xe. Tôi vẫn còn thấy hình ảnh ngài và thầy J.M.H., đứng ở bậc thềm trên cùng của bậc tam cấp bằng đá to lớn dẫn vào cửa trước, với con chó lớn ngồi thong dong người giữa hai vị, khi hai ngài nhìn theo xe đưa chúng tôi đi.

Tài xế của Sir Thomas lái nhanh thật kinh ngạc, và dù có muốn đọc những bảng tên dọc hai bên đường, tôi cũng khó mà làm được, vì xe chạy vụt qua chúng hết sức nhanh.

Trong phần lớn của chặng đường về London, nguyên toa xe lửa chỉ có Herbert và tôi trong đó. Anh có nhận ra được Ngài Thomas là một Chân sư không, tôi tự hỏi.

– Vị lão ông thật đáng chú ý, tôi ngỏ lời nhận xét một cách dè dặt, với chủ tâm muốn biết anh nghĩ gì.

Vẻ mặt của anh cho tôi biết điều muốn dọ hỏi.

Tự nhiên là chúng tôi hăm hở muốn biết lần sau sẽ có chuyện chi, khi chúng tôi lại được phép tới viếng Ngài Thomas, và suy đoán nhiều về chuyện ấy.

– Huyền bí học có đầy những ngạc nhiên và lãng mạn thật tuyệt vời, Lyall nhận xét, so ra thì đời thường tẻ nhạt làm sao nếu không có nó.

– Sao, ngay cả cho nhà soạn nhạc à? tôi hỏi.

– Soạn nhạc mà không có lý tưởng nào trong đó thì nó là gì? Anh nhún vai. Nghệ Thuật vị Nghệ Thuật nghe hay lắm, nhưng Nghệ Thuật vì Chân Sư và vì Nhân Loại nghe lãng mạn hơn nhiều.

Tôi nhiệt tình đồng ý với anh.

CHƯƠNG XIV

Một Linh Hồn trong Đêm Tối

Tôi có nhiều chuyện để thuật lại với Viola, và tự nhiên là nàng lên tinh thần mạnh mẽ với lời của thầy J.M.H., tuy cùng lúc nàng thất vọng là không được gặp thầy. Tôi cho nàng hay lý do lạ lùng mà ngài đưa ra - có nghĩa để cho nàng gặp ngài bây giờ sẽ làm hại hơn là làm lợi - nhưng nó chỉ làm gợi nên lòng tò mò của nàng.

– Thôi, em phải hỏi David về chuyện ấy, cuối cùng tôi nói, Thầy J.M.H. bảo là anh ta biết tại sao.

– Làm vậy không được, nàng đáp, anh chàng đã bỏ đi xa mất rồi, thiệt là cà chớn...

– Thế thì em phải chịu khó kiên nhẫn, tôi cười lớn.

– Ô, mà này, nàng nói, đổi đề tài, cô Hart gọi.

– Ô?

– Bà Saxton đau nặng lắm trong nhà dưỡng lão. Người ta kêu bà có giải phẫu này hay kia, rồi bây giờ thì không có hy vọng sống sót.

– Tội chưa!

– Cô Hart gọi điện thoại hỏi thăm xem bà ra sao, người ta bảo là giải phẫu thành công tốt đẹp...

– Nhưng bà đang chết dần, hở? Tôi nối cho trọn lời nàng. Chuyện thông thường, bác sĩ giải phẫu hài lòng, nhưng...

– Đáng buồn lắm, Viola nói tiếp, cả hai con gái của bà đang ở Ấn Độ và bà không còn ai trong đời – giờ lại chờ chết trong nhà dưỡng lão... Anh tưởng tượng còn cảnh nào đáng sợ hơn?

Vài ngày sau tôi nhận được điện thoại của bà y tá trưởng tại nhà dưỡng lão, cám ơn về bó hoa mà chúng tôi đã gửi, và nói rằng bà Saxton đặc biệt nóng lòng muốn tôi vào gặp bà. Đương nhiên là tôi đồng ý, nhất là theo những gì mà thầy J.M.H. đã nói với tôi. Nay không chừng tôi hiểu được thầy muốn nói gì khi ám chỉ đến con chó mù và hố thẳm.

Khi tôi đến nơi, một nhân viên bặm trợn mặc đồng phục dặn tôi những điều kiện thông thường như nên thăm viếng càng ngắn càng tốt, để không làm mệt bệnh nhân. Cô còn hàm ý rằng bà Saxton nằng nặc đòi gặp tôi cho bằng được. Những lời hoạnh họe cộc cằn này làm tôi chán, tuy nhiên để làm cô chằng dịu xuống, tôi nở nụ cười được tập kỹ nhất và hứa hết mọi chuyện mà qui luật đòi.

Tôi thấy bà Saxton ở trong tình trạng đáng thương, thay đổi tới mức khó mà nhận ra được. Cô y tá nấn ná trong phòng cho tới khi phải mời mới chịu rút lui, và ngay cả khi ấy còn dọa sẽ vào phòng đuổi tôi ra nếu thăm quá giờ.

– Tôi chết cũng không được yên, bà Saxton lẩm bẩm sợ hãi, cứ bị những cô y tá này tìm cách xen vô chuyện của tôi.

Tôi bầy tỏ sự thông cảm. Có một lúc yên lặng như thể bà đang tìm chữ để nói.

– Tôi chỉ có một mình, cuối cùng bà lên tiếng.

– Nhưng có bạn nào bà muốn gặp không? Tôi hỏi.

– Chỉ có một người thôi - Christabel - mà bà ấy chết rồi...

Tay bà xoa tới lui nóng nẩy trên khăn trải giường. Rồi gắng sức nói.

– Anh tin... là có gì đó... sau khi chết, phải không?

– Chắc chắn là tôi tin như vậy.

– Ông ta nói bây giờ nó... mọi chuyện chỉ là ảo ảnh...

Tôi chỉ có thể đoán rằng bà ám chỉ Krishnamurti và lời dạy của ông.

– Và khi tôi muốn ông giải thích... ông không chịu tiếp tôi.

– Ồ, không phải là ảo ảnh theo kiểu bà nghĩ đâu, tôi phản đối, bà hiểu lầm ông rồi. Và tôi tin chắc ông sẽ chịu gặp bà nếu ông có thể làm được.

– Ông ta lấy đi hết mọi điều tôi có, bà nói tiếp với sự khó khăn, làm ngơ lời trấn an của tôi, tất cả mọi điều tôi đã tin khi trước... và nay... Lệ dâng lên trong đôi mắt sợ hãi của bà.

Một lần nữa tôi cố gắng trấn an là bà đã hiểu lầm rồi, nhưng có vẻ như bà không nghe ra lời tôi. Bà chỉ có thể theo dòng tư tưởng của mình và nhắc lại đứt quãng.

– Tôi muốn ông ấy giải thích, hết sức muốn ông cắt nghĩa - vậy mà ông không cho tôi gặp...

Có một lúc ngưng dài và tôi không nghĩ ra được cách chi để an ủi bà.

– Cuốn sách mà anh viết về một vị Chân sư – bà bắt đầu lần nữa, sau khi cố gắng chế ngự cơn đau đang hành.

– Vâng, tôi hăm hở đáp.

– Ngài không giống như vậy... Ngài luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ.

– Các Chân sư luôn luôn sẵn lòng trợ giúp, tôi thì thào, cúi xuống bà vì tôi có thể thấy là sức lực bà đang kiệt dần.

– Nhưng - nhưng anh có chắc chắn là... Các Ngài...

– Tôi có chắc chắn là các Ngài hiện hữu hay không ư? Tôi nói cho trọn câu bị ngắt quãng thật tội. Tôi tin chắc như là tôi đang hiện hữu vậy.

– Thế thì tại sao... ông nói... Các Ngài không hiện hữu? Đôi mày của bà nhíu lại trên trán nhăn khổ não.

– Ông không có - ông không nói đâu...

Nhưng làm sao tôi tranh luận với một phụ nữ đang hấp hối, người mà khả năng lý luận - những khả năng ít oi bà còn giữ được - đang suy sụp mau lẹ? Bà ao ước được tin một lần nữa vào các Chân sư, nhưng tôi có cách nào để thuyết phục bà? Bà đang sợ chết, và có lẽ, với lòng tự kiêu còn sót lại, ngần ngại không dám thú nhận việc ấy. Nếu có ai cần sự an ủi của Chân sư thì hẳn người đó phải là bà.

Đột nhiên tôi quyết định gửi một tư tưởng mạnh mẽ đến thầy J.M.H. xin trợ giúp.

Bà Saxton thở một cách khó nhọc, nhưng bây giờ bà yên hơn.

– Nói tôi nghe chuyện gì làm bà lo hơn hết? Tôi nhẹ nhàng hỏi.

– Chỉ có một mình, bà nhắc lại. Cô đơn quá... đen tối quá... Phải chi - Thầy của anh...

Chữ cuối chỉ là tiếng thều thào, và tôi tính gọi y tá thì để ý thấy nét mặt bà thay đổi, và có vẻ bà thấy điều gì đó mà chính tôi không thấy.

– Ánh sáng vàng rực rỡ đầy hết... bà thì thào, dễ yêu quá...

Nhưng bà không thấy ánh sáng trần thế trong ngày trời xám ảm đạm của London, với mưa rơi đập vào cửa sổ của căn phòng không có sự an ủi. Hiển nhiên bà có thông nhãn như nhiều người hấp hối chợt có. Những câu rời rạc mà bà lẩm bẩn làm tôi hiểu ra với lòng biết ơn, là hẳn phải có một vị Chân sư hiện ra với bà, và bà thấy hào quang rực rỡ đầy tình thương của ngài.

Nhưng tôi nghĩ đó không phải là Guru của tôi, mà là Chân sư K.H. đã đến với bà do tình thương sâu đậm của ngài cho những ai đau khổ...

Tôi tin rằng Chris cũng phải có đó với Ngài, vì người hấp hối thì thào tên của bà như thể Chris hiện diện ở đó. Nét sợ hãi, nhìn thật đáng tội, đã biến mất và trên mặt bà là vẻ thư thái, an tịnh. Ngay cả cơn đau thân xác cũng ngưng, vì đôi bàn tay quờ quạng chót hết nằm yên.

Cô y tá vào phòng trở lại, trách tôi là thăm lâu quá, nhưng bệnh nhân đã thiếp ngủ.

Trong lúc đi bộ về nhà giữa cơn mưa, tôi hiểu ra. Thầy J.M.H. đã nhìn thấy trước mọi chuyện. Ngài biết rằng cái triết lý mà bà Saxton chấp nhận, và thật đáng thương là không hiểu được hoặc sống theo nó được, tới phút cuối không cho bà an ủi gì, tựa như hòn đá với ai đang đói rã. Khi gây ấn tượng cho Toni theo cách mà thầy cho hay đã làm vào ngày hôm đó tại nhà chúng tôi, ít nhất ngài đã cố gắng đưa ra lời khuyến cáo và cho bà ý tưởng để suy gẫm. Nhưng bà gạt bỏ lời khuyến cáo ấy, cho kết quả là tình trạng tuyệt vọng mà tôi chứng kiến khi gặp bà.

Sao đi nữa, tới phút cuối bà Saxton ra đi yên lành trong giấc ngủ, không lâu sau khi tôi ra về.

...

Thử thách của Toni chót hết rồi cũng qua. Phiên tòa dài đi tới kết thúc và tuy anh được trắng án không có lỗi lầm gì, tài chính của anh sụt giảm đáng kể, và chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong tương lai. Vì những điều ấy, tôi nóng nẩy muốn gặp anh để bầy tỏ thiện cảm trong lòng.

Anh đến dùng bữa khi tôi gọi điện thoại mời, và hình dạng thay đổi của anh cho thấy thật rõ ràng anh đã trải qua lắm việc ra sao. Anh nói rầu rĩ là có người không còn muốn quen biết anh nữa, chỉ vì anh có can dự vào chuyện tai tiếng tệ hại này, và đã phải ra tòa.

– Ngay cả khi tôi được chứng tỏ là vô tội đối với mọi hành vi phi pháp trong chuyện bất hạnh này, anh nói, người ở hội quán (Club) thay đổi hết thái độ với tôi.

– Ngu ngốc chưa! tôi kêu lên.

Anh thở dài,

– Tôi chịu trả bất cứ giá nào để được gặp thầy J.M.H.

Tôi cảm thấy không thoải mái. Tôi không bị thử thách như anh, vậy mà được cho gặp thầy J.M.H., còn Toni đây, chán nản, tài chánh suy sụp và rất cần lời khuyên của một Guru. Bây giờ mà cho anh hay rằng cả Lyall và tôi đã thăm thầy J.M.H. thì thật là tàn nhẫn. Hiển nhiên đây không phải là lúc để chuyển tin cho anh. Toni nhìn tôi theo cách lạ lùng, và tôi phải làm thinh. Rồi anh nói chẫm rãi.

– Tôi tin là anh đã gặp thầy J.M.H.

Nhận xét của anh làm tôi ngạc nhiên hết sức. Có phải vì tôi đóng kịch tồi quá và nét mặt đã khiến tôi bị lộ tẩy, hay Toni có trực giác mạnh hơn tôi tưởng?

– Có đúng không? Anh gặng hỏi sau khi ngưng một chốc.

– Đúng rồi, tôi nhìn nhận mà cố gắng bầy tỏ cảm xúc tôi có đối với anh trên nét mặt.

Anh không nói gì, quá trung thành với Guru của chúng tôi để phiền trách ngài, hoặc ngay cả thảo luận với tôi việc tại sao tôi được ưu đãi còn anh thì không. Nhưng tôi ý thức là anh vừa đau khổ vừa hoang mang. Tôi tự hỏi mình có thể nói gì thì Lyall Herber đến. Tôi đặc biệt mời anh tới vì tôi nghĩ đây là lúc những người bạn chân tình của Toni nên tụ lại với anh. Lyall tỏ ra đầy thiện cảm, nhưng mặc dầu Toni lộ sự biết ơn, tôi có thể thấy là anh đang bận tâm với tư tưởng riêng của mình. Rồi anh nhìn kỹ Lyall như đã nhìn tôi trước đó.

– Tôi nghĩ anh cũng đã gặp thầy J.M.H., một hồi lâu sau anh nói.

Lyall sững sờ. Anh ngó tôi, muốn xem gương mặt tôi nói gì.

– Tôi thú nhận hết rồi, tôi nói, tốt hơn làm theo đi.

– Tôi nghĩ vậy, Toni bảo.

Lại thêm một lúc lặng thinh gượng ép.

Tôi có nên đưa tin nhắn cho anh hay không? Tôi thử gửi tư tưởng đến thầy J.M.H. hy vọng sẽ nhận được cảm tưởng gì, nhưng không nhận được gì cả. Rồi đột nhiên tôi không có cách nào khác vì Toni hỏi thẳng thừng:

– Anh có lời nhắn cho tôi không?

Tôi nhìn nhận là có.

– Và nó nói...

– Tôi sợ là nó không có gì sáng tỏ cho lắm, tôi mào đầu.

– Nói đi... anh thúc giục.

– Anh cứ tiếp tục theo cách cũ, thầy muốn nói về việc tham thiền của anh.

– Chỉ có vậy thôi ư?

– Tôi rất tiếc...

Toni lộ vẻ thất vọng và trong một lúc không trả lời.

– Anh có thuốc lá không?

Cuối cùng anh nói làm như hững hờ. Tôi đưa cho anh một điếu mà ngạc nhiên, vì không hề biết là trước đây anh có hút thuốc. Anh phì phà yên lặng một lúc rồi bằng giọng than vãn anh phân trần:

–Lúc nào cũng chỉ có một chuyện, tôi phải tự làm lấy cho tôi mọi điều và tin vào trực giác của mình, còn mấy anh...

– Nhưng đó là do anh tiến xa hơn tụi tôi! Lyall ngắt lời, thật tâm muốn an ủi bạn. Nói cho cùng thì trực giác của anh phải khá lắm khi anh có thể cảm ngay lập tức tụi này đã gặp ai.

– Lâu nay tôi cảm thấy là thầy J.M.H. có mặt trong nước, nhưng khi gặp hai anh, tôi biết ngay đó là sự thực, Toni đáp. Sau khi ngưng một lát anh nói tiếp, cố gắng tỏ ra vui vẻ.

– A, thôi, tôi đoán ấy là một phần của việc huấn luyện... Sao đi nữa tôi mừng là cảm nhận của mình đúng...

Tôi không tránh được ý nghĩ rằng anh chàng nhỏ con nay ‘chì’ như thế nào, bên ngoài trông ẻo lả và nhậy cảm, nhưng bên trong thì can đảm như mãnh sư.

Tối ấy khi sắp ra về, anh cho chúng tôi hay là quyết định ra ngoại quốc một khoảng thời gian.

– Đó là chuyện tốt nhất tôi làm được trong hoàn cảnh này, anh bảo.

Chương XV

Người Đưa Tin của Chân Sư Koot Hoomi

– Mình phải tìm căn nhà cho thuê để nghỉ hè, hoặc một chỗ nào đó, Viola bảo, nếu không tìm sớm bây giờ thì sẽ không còn chỗ đâu. Bác sĩ bảo chỗ cao nguyên tốt cho em.

Nàng vừa xuống ăn sáng và lật lật chồng thư để xem.

– Úi chao, có tấm hình bưu thiếp của David đây, dữ không, bây giờ mới có tin, viết tùm lum quanh tháp chuông của nhà thờ trong làng... ‘Tôi ở đây, nàng đọc to, trên đồi có Thiên thần tuyệt đẹp. Bà chủ quán trọ cầm tinh tuổi Kim Ngưu Taurus, vui tánh, có nhiều sao đóng ở các cung hành Thổ. Thức ăn ăn được ở đây. Hạn tuổi của tôi đang khá dần. Thân, David...’

– Đúng điệu anh ta rồi! Tôi phá ra cười. Sao mình không đi tới đó vài ngày ở chơi cho biết nơi ấy? Không chừng lại tìm được chỗ cho thuê quanh đó nếu mình hỏi thăm.

Ý tưởng có vẻ lôi cuốn đối với nàng.

– Nhưng lỡ anh chàng không muốn có mình tới thì sao?

– Gửi anh ta một bức điện tín trả sẵn tiền hồi đáp mà hỏi. Anh chàng luôn luôn có thể tìm ra cớ từ chối nếu không muốn cho hai đứa mình làm bạn cho vui...

Nhưng chuyện xẩy ra là anh không từ chối, mà đáp lại là sẽ giữ phòng cho chúng tôi vào cuối tuần. Quán trọ nhìn ra một vùng rừng với đồi trọc ở ngoài xa, và xa nữa là cảnh biển. Đàng sau nhà trọ là một ngọn đồi dương xỉ mọc đầy, trên đỉnh đồi có một hàng thông cao mọc quanh hồ giống như lính đứng gác hồ thiêng.

Chúng tôi thấy David ngồi ở cái bàn sắt nhỏ, trong khu vườn trồng thành tầng thơ mộng.

– Mạnh giỏi, quí Chân nhân! anh chào chúng tôi một cách vui vẻ, tới đây vui lắm.

– Trông anh khá lên hẳn sau một thời gian ở miền quê.

– Nơi đây có vẻ hợp với anh, tôi nhận xét; và Viola thêm vào. Đúng rồi, coi anh rám nắng sậm da lắm.

– Prana tràn lan ở đây, và có nhiều thiên tiên chung quanh, lý do là vậy, anh đáp, đúng theo thói quen thông thường của anh là đưa lời giải thích về mặt huyền bí cho mọi chuyện.

Chúng tôi phá ra cười. Tuy chúng tôi không thể thấy có thiên tiên nào, nơi đây quả là chỗ vui thú, và không khí đầy sức sống xác nhận lời nói của anh về ‘Prana’.

Chúng tôi ngồi xuống cái bàn nhỏ tròn, trên đó có giấy bút và cái cặp đựng giấy tờ.

– Cái gì đây, lá số hay thư từ? Viola hăm hở hỏi.

– Chẳng phải cái nào cả, sách thôi, anh đáp lại cụt ngủn.

– Ái chà chà, chót hết cũng phải lộ ra! Tôi kêu to. Ra đó là lý do anh đột nhiên chui về chỗ thôn dã làm ẩn sĩ...

– Biết anh mà, chuyên thầm kín làm và không hé môi cho tụi này hay... Viola trêu anh. Cuốn sách đặc biệt viết về chuyện chi? Phải hỏi vì anh rành nhiều chuyện lắm.

Nhưng anh gạt hết giấy tờ vào cặp, thấy ngay không có hứng bàn chuyện văn chương viết lách lúc này.

– Để mai mốt nói cho biết, anh bảo. Tôi loay hoay với của đáng tội này suốt sáng nay - Thổ tinh xếp 90 độ với Thiên vương tinh và vị trí mặt trăng không thuận chi hết - chỉ toàn chuyện bực mình. Tôi chán hết sức. Mình đi chơi một vòng đi.

–Nhưng tôi muốn ngồi nghỉ một chút trước đã, nhà tôi phản đối, thử anh có cái thể như của tôi coi.

– Xin lỗi nghe, anh xin lỗi, tôi quên.

– Nhân tiện, tôi có tin đây, tôi bảo anh, thầy J.M.H. đã có mặt rồi.

– Tôi biết mà, tôi biết chứ! anh reo lên đắc thắng, lần cuối mình gặp nhau tôi đã cảm thấy là chẳng bao lâu ngài sẽ có mặt!

– Anh có thể cảm nhận như thế, nhưng tôi mạn phép nói là anh không hé môi chi hết.

– Tôi có cảm tưởng là thầy không muốn tôi nói.

– Nhưng anh thấy ngài mà, ở cõi trung giới đó?

– Ai bảo anh thế?

– Chính ngài cho tôi hay.

David nở nụ cười bí ẩn. Ngoài chuyện đó ra ngài còn nói gì về tôi không?

– Ngài cho hay vài chuyện đáng khen lắm, như sự cảm nhận của anh rất đáng tin.

David rộng miệng cười sung sướng.

– Điều tôi muốn biết là, Viola chen vào, tại sao ngài không cho tôi gặp? Ngài nói anh có thể giải thích cho tụi tôi hay.

David nhìn vào khoảng không một hai phút.

– Chị xem này, làn rung động của thầy hết sức hùng mạnh, trong khi sức khỏe của chị bị suy sụp thì nó chỉ làm xáo trộn hết các thể và khiến chị đau nặng hơn thôi.

Nhà tôi có vẻ nguôi lòng.

– Nào, dễ thương quá nhỉ, dễ yêu chưa...

Câu nói bí ẩn có vẻ thương yêu này David dành cho chú mèo của nhà trọ, lò dò đi tới và gụi gụi thân mình vào chân của anh.

– Con mèo của tụi này lên thiên đàng rồi. Tôi nói. David rất thích nó, mỗi lần đến chơi nhà chúng tôi anh thường vuốt ve con mèo.

– Phải rồi, tôi có biết, anh nói lộ sự thông cảm. Đêm hôm nọ tôi có thấy thể tình cảm của nó.

– Thế, nói rằng chó mèo sau khi chết sẽ nhập trở lại vào hồn khóm của chúng, là không đúng ư? Viola hỏi.

– Không, nếu mình thật sự thương mến chúng. Khi đó chúng ta khiến con thú được cá nhân hóa nhờ tình thương, và thúc đẩy chúng rất nhiều trong cuộc tiến hóa của chúng. Có nhiều thú vật hơn mình tưởng đã được cá nhân hóa. Sự thật là tôi gặp con mèo của anh chị trong vườn của Chân sư sau khi nó chầu trời.

– Hay cho con mèo quá, và Chân sư thật đáng quí biết bao! Tôi vừa cười vừa kêu lên, lòng thật cảm động.

– Chú mèo có một quầng ánh sáng trắng bao quanh đầu, cho thấy nó đã được cá nhân hóa, và trông nó nhạt mầu hơn khi còn sống. David tiếp tục. Còn nói về chó, có lần tôi thấy một con chó Airedale to lớn chết đã mấy năm rồi, nhẩy xổ vào một phù thủy tà đạo muốn tấn công bà chủ mà con chó thương yêu, làm phù thủy hoảng vía.

– Hay, tôi thích nghĩ là thú vật mà mình thương yêu vẫn là cá nhân riêng rẽ! Viola tuyên bố, tôi không thích nghĩ là chúng hòa vào hồn khóm mờ mịt... Còn bây giờ, anh có thích thì mình đi dạo, tôi sẵn sàng rồi.

Hồi sáng trời có mây che nhưng nay tới giữa trưa thì mặt trời lộ ra khỏi đám mây cho nắng ấm, và hương hoa lẫn với hương nhựa thông, cỏ, tràn ngập không khí. Chúng tôi đi tản bộ một lúc theo đường mòn quanh co trong rừng, thỉnh thoảng dừng lại nghỉ chân ngồi ở thân cây được hạ nằm xuống, và lắng nghe tiếng nhạc của lá xào xạc, cho ra âm điệu nhẹ nhàng, thanh thoát phụ vào nhiều tiếng chim hót ríu rít. Được về miền quê trở lại thật là hay, và tâm trí tôi lan man đi ngược về Ngài Thomas và khu vườn kiểu cổ của Ngài. Tôi rất muốn tả cho David biết nhưng cố nhiên không thể bội tín được.

Lát sau chúng tôi thong thả quay về nhà trọ. Trời ấm cho phép ngồi ăn trưa ngoài sân được, và viễn ảnh thật là thích thú, nhất là ở nước mà khí hậu ít khi cho cơ hội như thế.

Trong bữa ăn, có một nhóm đông người dạo rừng (hikers), cười nói và mặt mày ửng đỏ, ùa vào vườn, ngồi xuống bàn cách xa chúng tôi một chút.

– Anh có bị khó chịu về cảnh này không, nhất là vào dịp cuối tuần? Viola hỏi David, nó có gây xáo trộn cho công việc của anh không?

– Về mặt đó thì họ không làm phiền gì, anh đáp lại, và sự thật là... Anh bỏ ngang, và trong một lúc lâu trầm ngâm lặng lẽ nhìn ngắm nhóm người ồn ào chuyện vãn.

– Thật ra thì sao? Một chốc sau Viola nhắc anh.

– Đừng phá ngang, tôi trách nàng, em không thấy anh ta đang thăm dò họ sao?

– Anh nói đúng đó, tôi đang tìm hiểu về họ. Mấy lúc sau này tôi cảm nhận là những người đi chơi rừng này, tuôn ra khỏi đô thị để tìm cảnh đẹp thiên nhiên, là một trong những dấu hiệu khích lệ ít oi của thời đại.

Chúng tôi nhìn anh dò hỏi, và anh nhỏ giọng nói tiếp.

– Họ là thanh niên được Thiên thần Quốc gia dẫn dụ để tiếp xúc thân cận hơn với thiên nhiên và làn rung động trong lành hơn của nó. Cố nhiên là họ không biết, mà đó không phải là vấn đề. Vài người tiến xa hơn được dẫn dụ tới những trung tâm đích thực, được các vị Đạo đồ làm nhiễm từ lực cả mấy thế kỷ trước và nay được các thiên thần giữ gìn, có nơi mạnh có nơi yếu. Về sau, họ sẽ học để tới thăm những trung tâm này một cách hữu ý.

– Hay, nhưng mục đích của những trung tâm này là gì? Tôi hỏi.

– Sao? Là để huấn luyện cho những người đã tiến cao trong nhân loại. Anh chị xem này, bầu không khí tâm lý và tinh thần ở những nơi được từ hóa mạnh đến độ nó như là sự khích động lớn lao cho các quan năng cao. Khi những quan năng này phát triển đủ thì một phần của nhân loại sẽ được chuẩn bị cho việc đức Di Lặc (đức Chúa) tái hiện vào cuối thế kỷ 20.

– Vậy theo tôi hiểu thì những người đi chơi rừng này là người tiền phong cho lý tưởng cao cả của loại người mới, phải không?

– Đúng rồi, chờ vài năm rồi anh sẽ thấy chuyện diễn tiến ra sao. Đã có phản ứng với tâm tình ảm đạm sau khi cuộc chiến chấm dứt, và nay ta bắt đầu thấy dấu hiệu của việc sinh sống lành mạnh hơn và có sự tự chủ hơn... Ngay lúc này đây có một nhóm hiện hữu, do các thanh niên lập ra, cam kết sẽ trung thành với vợ nhà... Giới thượng lưu sẽ không coi việc chơi bời trai gái là mốt nữa, thay vào đó mình sẽ có việc thành hôn sớm, chung thủy và con đàn cháu đống! Đó là nỗ lực lớn lao của các Thiên thần giống dân để giúp có những linh hồn tiến hóa cao tái sinh.

Về sau, các Thiên thần này sẽ có thể ảnh hưởng nhân loại nhiều hơn nữa, vì sự đáp ứng với làn rung động của các ngài trở nên càng lúc càng nhiều hơn. Một mặt là người ta bớt có hoạt động tình dục bừa bãi, mặt khác là có một phần của nhân loại sẽ nhậy cảm đến mức có thể thấy được Thiên thần và tiếp xúc với các ngài. Nhưng lẽ tự nhiên là chuyện không xẩy ra nay mai, vì ít nhất người ta phải có khả năng nhìn ở cõi ether...

– Ước sao tôi có thể thấy được Thiên thần, Viola nói, lúc David ngưng lại để lo ăn bữa trưa, mà ngay cả lúc còn thông nhãn chưa bị mất, tôi chưa hề thực sự thấy được các vị ấy, tuy tôi có thể cảm nhận được các ngài.

– Đó chỉ là vấn đề có loại thông nhãn thích hợp, hay đúng ra là có khả năng tâm linh. David trả lời, nó thay đổi hết sức đa dạng. Có người nhớ lại được những kiếp trước mà không thấy được cõi vô hình; người khác không nhớ gì mà lại có thể thấy hào quang và hình tư tưởng; kẻ khác nữa thì chỉ có thể nhớ lại những kinh nghiệm tâm linh trong lúc ngủ. Ta có thể nói là rất ít người có đủ hết khả năng ở mọi cảnh giới. Muốn vậy họ phải là người có thông nhãn được huấn luyện hết sức cao.

– Tuy nhiên thị giác ở cõi ether thật ra là loại ít tinh tế nhất, tôi bàn, ít nhất thì tôi nghe như vậy.

– Đúng rồi, mà cho dù thế cũng không có nghĩa là anh sẽ có nó trước, anh nối lời, chuyện phần lớn tùy thuộc vào loại thân xác mà anh có, và loại quan năng nào anh đã sở đắc được trong những kiếp qua. Trọn câu chuyện về các cảnh ether ở cõi trần rất là phức tạp, anh nói thêm. Tôi dành nhiều thời gian ở Ấn Độ để tìm hiểu về nó, ban đầu là học với Chân sư của tôi, và sau đó là tự học. Tính ra tôi đã ghi được nhiều nhận xét sau này sẽ đem vào sách của tôi.

– Nói nghe đi! Viola hăng hái kêu lên, coi ra sao.

Anh cười lớn và đi vào trong để lấy bản thảo. Những người dạo rừng đã bỏ đi, và khu vườn được yên tĩnh trở lại làm chúng tôi tạ ơn Trời.

David quay ra với chiếc cặp quí giá của anh, và chúng tôi đi tới một vòm cây ở phần dưới thấp của khu vườn, nơi sẽ không bị quấy nhiễu.

– Cõi ether, anh đọc, là chiếc cầu nối giữa vật chất cõi trần đậm đặc và cõi tình cảm; nó có bốn cảnh thấu nhập xuyên vào nhau, và cảnh thứ tư hay đậm đặc nhất là cảnh nằm gần cõi trần nhất.

1. Chất ether cõi thứ tư, người sinh hoạt ở cảnh này là những ai bị kích thích bởi lòng thèm khát sắc dục, tham vọng và ham muốn quyền lực dưới mọi hình thức.

2. Ether cảnh thứ ba, ai đã kiểm soát được những lực vừa nói.

3. Nơi cảnh thứ hai là người đang tiến vào đường Đạo, họ sẽ làm việc chung trong một nhóm huyền bí để tạo nên các hình thức hoạt động nhóm cao hơn. Nếu điều này thành công, người bạn có thể được nhận làm đệ tử Chân sư, và được cho phần việc riêng để thực hiện. Đó là trình tự phát triển theo kiểu xưa trong quá khứ, và được duy trì chặt chẽ. Khi người ta tìm cách làm khác đi, như sử dụng ether cảnh thứ hai trước khi có được khả năng tự mình điều khiển và theo sát, thì nó thường dẫn tới việc tạo ra tinh linh nhóm đáng sợ, sẽ đầu độc trọn nhóm từng người một, và chỉ có thể bị hủy diệt bằng cách giải tán chính cái nhóm ấy...

– A, nay tôi hiểu vì sao thầy J.M.H. giải tán nhóm của ngài, tôi dằn không được nên lên tiếng cắt ngang, Xin lỗi nghe, đọc tiếp đi.

– Việc làm chủ được ether cảnh thứ hai có thể khiến người ta hợp tác với Chân sư theo đường hướng riêng ấy.

4. Còn khi làm việc được ở cảnh ether thứ nhất, người ta trở thành nhà huyền bí gia thực thụ, đóng vai trò như là đường lực trực tiếp cho cõi trần. Trọn những cảnh này có chất liệu của cõi tình cảm, thượng trí và hạ trí thấu nhập bên trong theo chiều đo thứ tư. Nói về làn rung dộng của những cảnh ấy, khoan, tôi phải xếp đặt lại cho mạch lạc, anh đột ngột ngưng làm ngạc nhiên, trước khi có thể trưng ra cho công chúng.

– Anh thiệt là cứ lấp lửng trêu chọc! Viola kêu lên. Giống như chuyện Tàu vậy: Đón coi hồi hai sẽ rõ!

Đó là buổi sáng chủ nhật thật đẹp trời, ba chúng tôi leo lên đồi và ngồi xuống cạnh hồ nước. Từ cánh đồng bên dưới vẳng lên tiếng chuông thánh đường xa xôi, dìu dặt trong gió nhẹ; và lưng trời có con chim khuyên hót tới lui chỉ có một điệu mà thật rộn ràng tươi tắn.

– Vị Thiên thần thân hữu đang bay lượn trên đồi như thường lệ, David mở lời sau một lát im lặng dài.

– Tôi nghĩ vậy, Viola bảo, hiếm khi tôi cảm được bầu không khí tuyệt vời như thế này.

– Các bạn thường gặp những Thiên thần Quốc gia ở các nơi khoảng khoát bao la như thế này, David tiếp tục nói, tôi đã thấy và nghe các ngài trò chuyện với nhau bằng những lóe sáng có mầu sắc xinh đẹp, và âm thanh; mà không cách chi diễn tả lại bằng lời... Bực quá đi thôi, anh đột ngột kêu lên sau khi ngưng một chốc, mấy người khác xen vô làm hư hết công chuyện!

Một nhóm người đi picnic xuất hiện ở chân đồi đi lên, cười nói rất là thô lỗ.

– Anh nghĩ coi Thiên thần có để ý tới họ không? nhà tôi hỏi khi nhóm người tiến lại gần.

– Tôi nghĩ các ngài không quan tâm đến loại người như vầy đâu; họ trần tục và thấp kém quá!

– Sao, còn tụi mình thì như thế nào? Tôi chọc ghẹo.

– Ngài sẽ biết đến người như hai ông bà ngay, đừng lo, vì ngài cảm nhận là anh chị quí chuộng mỹ lệ. Tôi thường để ý thấy là Thiên thần có đáp ứng với ai có cảm xúc đích thực về nghệ thuật. Làm như hào quang của ngài nở lớn và sáng rực lên, như thể hân hoan với lòng quí chuộng ta tuôn rải đến mọi cảnh chung quanh.

– Mà này, tôi thắc mắc, khi ấy giọng trò chuyện ồn ào của nhóm người đã đi ra xa làm chúng tôi nhẹ nhõm, Thiên thần có thu nhận học trò không, giống như Chân sư có đệ tử?

– Không phải Thiên thần loại này, vì các ngài bị giới hạn vào trung tâm mà ngài canh giữ. Rồi anh nói tiếp cho chúng tôi hay, là dù vậy một vài loại Thiên Tiên Air Devas cao cấp đôi khi ảnh hưởng, gợi hứng cho nhạc sĩ và thi sĩ. Các ngài còn tạo dây liên lạc với những người này, chuẩn bị cho họ có các chứng đạo theo đường thiên thần. Các chứng đạo này khác hẳn với chứng đạo của con người, và chỉ có thể xem như là nghi thức cho ứng viên mong ước chuyển sang đường tiến hóa thiên thần trong một kiếp tương lai.

‘Lấy thí dụ, cả nhạc sư Wagner (Đức) và thi sĩ Swinburne (Anh) được Thiên thần ảnh hưởng, anh cho chúng tôi hay, và thiên thần của nhạc sư Wagner vẫn còn giúp để duy trì truyền thống Wagner, bằng cách gợi hứng cho ai chơi nhạc của đại nhạc sư ấy. Không cần phải nói, Thiên thần loại này không bị giới hạn chỉ vào một quốc gia nào...

David châm điếu thuốc và phà khói, yên lặng một lúc lâu, mơ màng nhìn khói thuốc xanh tan loãng trong không.

– Tôi nghĩ anh gọi các vị ấy là Thiên thần Quốc tế so với các Thiên thần Quốc gia... Tôi nhận xét.

– Hẳn rồi. công việc của các ngài là liên kết nhiều nước khác nhau, không phải chỉ bằng âm nhạc, nghệ thuật và văn chương, mà còn bằng chính trị càng nhiều càng tốt. Các Thiên thần Quốc tế này đang nỗ lực cùng với các Chân sư để mang lại sự hợp tác giữa các nước. Giống ai có thông nhãn thấy được Thiên thần âm thanh chủ trì một buổi hòa nhạc quan trọng, thì cũng có Thiên thần Quốc tế chủ trì tại những cuộc hội nghị chính trị quan trọng.

‘Trước hết, các ngài làm việc để khiến có hội nghị được tổ chức, rồi khi ấy các ngài ảnh hưởng họ để tìm cách duy trì sự hòa hợp và đạt tới mục tiêu mong muốn. Quí chân nhân sẽ thích thú khi biết rằng Thiên thần và các Chân sư hợp lực với nhau để phối hợp các đặc tính tốt đẹp nhất của người Mỹ và người Anh, nhằm tạo cái nhân cho giống dân tương lai.

‘Người Mỹ có trực giác nhậy hơn và có tinh thần cởi mở hơn với các cõi cao so với những sắc dân khác, tuy nhiên họ không có sự ổn định của người Anh. Khi hòa hợp hai sắc dân, kết quả cho ra một loại người thanh bai hơn, dịu dàng hơn, loại người mà từng bước một sẽ có thể làm chủ được ether của cõi trần như mình đã nói, và học cách làm việc có ý thức với các Chân sư và Thiên thần trong những thế kỷ tới đây.

– Nói ngắn gọn, tôi tóm tắt lại, các Thiên thần là những thực thể rất quan trọng, và nhân loại càng biết sớm về các ngài chừng nào thì càng tốt chừng ấy, phải không?

Anh gật đầu.

– Tôi sẽ nói nhiều về điểm ấy trong cuốn sách của tôi.

Có thêm nhiều người tới sườn đồi.

– Chu mẹt ơi, coi kìa, má – đẹp hết xẩy hông? Còn mút đằng kia là giống gì?

– Chờ chút, con, má muốn đứt hơi luôn, để má thở cái, mèn ơi...

Một bà to lớn đang vất vả theo chân con.

Chúng tôi cảm thấy tiếp tục ngồi đây sẽ không vui.

– Tôi muốn đi một vòng, Viola bảo David, tụi này muốn tìm nhà để mướn cho mùa hè.

– Để tôi đi với hai ông bà, anh kêu to, vụt đứng dậy, có một căn nhà dễ thương trong làng, cách đây chừng gần cây số.

...

Chiều chủ nhật.

Những người đi chơi cuối tuần đã rời hết nơi đây trở về nhà. Vầng thái dương đỏ hồng đang dần chìm khuất sau cánh đồng xa kia. Mọi vật tĩnh lặng. Chúng tôi tìm được chỗ ngồi ở bìa rừng, từ đây có thể nhìn thấy đồng ruộng mênh mông bên dưới, có mầu tím nhạt của trời chiều. Những chiếc lá non tiết ra hương ngọt ngào, và làn khói từ lò sưởi mới đốt, phát ra từ ngôi nhà ở gần đây, gợi một mùi nhang trầm.

David đang có tâm tình lặng lẽ, mê mải trầm tư. Sau một lúc lâu anh nói.

– Có một Thiên thần âm nhạc của Chân sư K.H. ở đây... Tôi nghĩ đó là vị ảnh hưởng bà bạn Chris của hai bạn trong lúc bà còn sinh thời...

Có một khoảng lặng thinh nữa, mà trong lúc đó tôi có thể thấy David hết sức chăm chú lắng nghe. Rồi anh bảo.

– Thiên thần cho tôi thấy một hình ảnh bằng mầu sắc và âm thanh - nhưng làm sao nói cho các bạn hiểu...?

– Cứ thử đi, Viola nài nỉ.

Anh không trả lời ngay; và cuối cùng khi lên tiếng, giọng nói làm như thể anh đang lắng nghe điều gì hết sức xa xôi:

– Ngày và đêm Chân sư K.H. lắng nghe tiếng than khóc vang lên từ nỗi lòng của nhân loại đau khổ... Giống như sóng tràn, nó dâng lên rồi dâng lên nữa... Làm sao Ngài đáp lại nó?... Ngài sẽ gửi một Sứ giả sẵn lòng, công việc của họ không phải thực hiện bằng lời mà bằng âm thanh... Âm thanh chữa lành vết thương do sự xung đột và chỏi nhau của chữ nói... Âm thanh mang lại Tình thương và Niềm Vui và sự Bình An cho một thế giới đen tối...Âm thanh sẽ hòa lẫn một cách tế nhị, nhẹ nhàng với những lực thiên thần đang cố gắng mang lại hòa bình giữa các nước... Nhu cầu lớn lao của thế giới sẽ được tương xứng với quyền năng rộng lớn của Sứ giả đó...

– Chris..! cả hai chúng tôi đồng thanh buột miệng kêu to, gần như là bất ngờ.

Nhưng David không nói gì thêm; anh chỉ mỉm cười và tiếp tục nhìn ngắm ra xa.

Chương XVI

Hai Chân Sư ở Hi Mã Lạp Sơn.

Một mùa hè dài nhiều mưa không giống mùa hè chút nào đã trôi qua; nhưng chẳng phải là không có gì xẩy ra, chúng tôi thuê được ngôi nhà mà David đã tìm giúp, và đã nghe được nhiều điều lạ lùng, thích thú ở chỗ ấy, trong lúc anh bạn thu thập nhiều tài liệu khác nhau cho quyển sách của anh.

Tháng chín đem lại nhiều ngày ấm áp, đẹp đẽ với ánh nắng mặt trời, nhưng chúng tôi tiếc rẻ phải quay trở về London, mang theo David cùng với mình.

Không có tin gì từ thầy J.M.H. và tôi bắt đầu tự hỏi phải chăng ‘thời gian không định rõ’ không chừng sẽ kéo thành nhiều năm, khi ấy có thư đến kèm lời chỉ dẫn cho Herbert và tôi đến thăm Ngài vào tuần sau.

Chiếc xe hơi xanh dương đón chúng tôi ở sân ga; và trên đường đi, chúng tôi không khỏi thử đoán mình sẽ gặp chuyện gì.

Xe vừa mới vào cổng, chúng tôi kinh ngạc thấy Toni Bland. Xe ngừng lại cho anh lên.

– Thánh thần ơi! chúng tôi kêu lên, anh...

Anh mỉm cười.

– Tôi đoán hai anh cho là tôi đã mất tăm hơi luôn rồi.

– Coi nào, tôi gọi số của anh và được trả lời là không ai biết anh ở đâu...

– Coi anh sung sức tươi vui quá. Herbert nhận xét. Khác xa với lần cuối tụi này gặp anh.

– A, từ đó tới nay có nhiều chuyện xẩy ra lắm, Toni đáp.

Nhưng khi ấy xe đã tới cửa trước.

– Thầy Haig đang ở tại hồ sen, ông quản gia già có cung cách xưa cho chúng tôi hay khi ông đỡ lấy túi hành lý của chúng tôi. Ngài yêu cầu tôi mời quí ông ra đó gặp Ngài khi quí ông đến. Nếu không biết lối, ông Bland có thể đưa hai ông đi...

– Đi nào, Toni nháy mắt bảo.

Thầy J.M.H. không còn vẻ mệt nhọc một chút mà tôi để ý thấy lần cuối gặp Ngài.

– Chào các con, ngài nói, tiến lại đưa cho chúng tôi mỗi người một tay của ngài. Hẳn các con ngạc nhiên khi gặp Toni?

Ngài đặt tay lên vai anh và nhìn anh một cách hiền từ.

– Chà, chà, các con sẽ còn có thêm ngạc nhiên nữa...

Toni đi ra và chúng tôi ngồi cạnh thầy J.M.H. trên ghế đá hình vòng cung nhìn ra hồ.

– Các con có tin gì cho Thầy? ngài hỏi; và lập tức trí tôi nhớ đến bà Saxton. Tôi cho ngài hay bà đã qua đời, nhưng có cảm tưởng mình chỉ nói lên điều mà ngài đã biết.

– Con có gửi thầy một ý cầu cứu trước khi bà ra đi, tôi nói, Thầy có nhận được không?

Ngài lắc đầu.

– Lúc ấy ta đang chìm đắm trong cơn thiền định.

– Nhưng con có cảm tưởng chắc chắn là có một Chân Sư đã tới với bà!

– Tất cả các Chân Sư đều là một trong cõi tinh thần, và một tư tưởng không vị kỷ hướng tới Thiên Đoàn sẽ không hề bị gạt bỏ. Chân sư K.H. là vị đáp lại lời thỉnh cầu của con. Về sau ngài cho ta hay như thế.

Và tôi cảm nhận với lòng biết ơn là cảm tưởng của mình là đúng thực. Nhưng tôi nói to.

– Bà có hạnh phúc không?

– Bà có hạnh phúc tương ứng với quả tim chỉ có ít tình thương, nhưng hạnh phúc hơn là nếu bà qua đời mà không được hướng dẫn và chăm sóc, và trong trạng thái hoài nghi trước đây bà chìm đắm trong đó.

Ngài quay sang Herbert.

– Con đã viết những bài mà ta đề nghị rồi chứ?

– Vâng, con đã viết.

– Chúng ta quyết định rằng nói cho cùng quyển sách sẽ có ích hơn; và ta dự tính cho con thêm chi tiết trong lúc con ở đây.

Vẻ mặt của Lyall cho thấy anh phấn khởi ra sao. Đột nhiên tôi nhớ đến lá thư trong túi áo.

– Nói chuyện sách vở, tôi thưa với Thầy J. M.H., có một lá thư liên quan đến Thầy. Người viết thấy ngay là không có lòng tự cao tự đại. Thư mới đến sáng nay, con đưa thầy xem hay thôi?

Ngài mỉm cười và đưa tay ra.

– ‘Tôi đã xem tới lui bộ sách The Initiate của ông, thầy J.M.H. đọc to, tôi sững sờ, đầy lòng biết ơn, và hân hoan được biết là các vị Yogi cao cả không những hiện hữu trong quê mẹ của tôi, mà minh triết của chúng tôi còn lan sang Âu châu và Hoa Kỳ. Tôi thầm mong được ngồi dưới chân vị Yogi cao cả, nhưng đau khổ thấy mình còn thiếu nhiều điều kiện khó nhọc, thành ra e sợ là sẽ bị ngài Yogi nói trên khoát tay xua ra, nếu bạo dạn xin làm đệ tử. Những tác phẩm của ông giá chỉ vài đồng, mà cho an ủi xứng đáng vạn lần như thế cho linh hồn nào chìm sâu trong đau khổ. Xin kính dâng một biển tạ ơn đến Chân sư J.M.H., về lời trấn an qua con người chân tình của ông, đối với ý niệm là từ bỏ việc chăn gối trong hôn nhân không phải là đòi hỏi đầu tiên trong cuộc sống tinh thần. Giáo sĩ nơi tôi ở thì đoan quyết ngược lại. Tôi rất nhiệt thành mà cũng rất cần cù chịu khó.

Tái bút. Mong ước được làm đệ tử của vị Chân Sư này trong kiếp mai sau’.

Ngài đưa trả lại thư cho tôi với nụ cười hóm hỉnh, và nói.

– Con sẽ không thể hồi đáp lại thư này.

– Ô, sao thế ạ?

– Con không để ý là thư không có địa chỉ người viết sao?

Lạ thiệt, tôi không để ý xem điều ấy.

– Con chắc người này quên.

– Con lầm rồi; ông thật sự khiêm nhường nên trong lòng không mong có hồi đáp. Con còn nhớ câu chuyện dụ ngôn về người giả hình Pharisee trong kinh thánh?

–... Xin Thượng đế rủ lòng thương tôi là người có tội... Tôi trích một câu trong đó.

– Người này thực sự là một thí dụ về bài học mà dụ ngôn muốn nói... Còn bây giờ, ngài nói tiếp, có một chuyện quan trọng ta muốn nói với cả hai con. Thầy sắp đi ở ẩn một thời gian. Thầy sẽ vào lục địa Âu châu, đến một nơi vắng vẻ trên núi cao, và dành phần lớn thời gian để tham thiền ở đó.

‘Thầy sẽ mang một đệ tử với mình để canh giữ thân xác trong lúc tham thiền, và chỉ có một đệ tử thôi, vì công việc làm với nhóm đã chấm dứt. Về sau việc làm có tiếp tục hay không thì còn tùy vào nhiều điều. Dù rằng các Đấng Cao Cả đặt ra một kế hoạch tổng quát cho nhân loại, ta cần nhớ rằng không ai là người máy, và ngay cả các Chân sư hay Thiên thần cũng không thể biết trước nhân loại trên địa cầu sẽ phản ứng ra sao với các chi tiết của Thiên cơ. Con đường chính có thể được xẻ núi mà thành, nhưng lữ khách có thể đi chậm rãi ngừng đó đây, hoặc bị cản trở trên bước đường do muôn vàn chuyện mà không ai biết trước, ngoại trừ các Thần Nhân Quả.

‘Dharma (thiên trách) của thầy là hợp tác với các Chân sư để đối phó với các vấn đề sẽ tràn ngập trong những năm cuối của chu kỳ đen tối này. Muốn làm được vậy cần phải có một thay đổi trong sự phát triển của riêng ta, vì thầy phải học cách tiếp xúc với những cõi ether vũ trụ cao hơn, và học mối liên hệ của chúng với địa cầu vào lúc này. Điều ấy chỉ có thể làm được trong chỗ cô tịch lặng lẽ hoàn toàn, và trong trạng thái nhập định Samadhi một thời gian lâu.

Có một lúc yên lặng. Tôi thấy buồn và biết là Lyall cũng cảm xúc giống vậy.

– Vậy là chúng con sắp mất Guru của mình. Cuối cùng tôi nói.

Ngài mỉm cười một cách thương mến.

– Không phải mất, ngài nói. Con quên rằng mối dây liên kết giữa chela và Guru là cái mạnh nhất trong mọi mối dây ư?

– Nhưng ngay cả tư tưởng của chúng con xem ra không đến được thầy khi thầy ở trong sự nhập định sâu như thế...

Tôi nghĩ đến lời cầu cứu S.O.S. của mình trong chuyện bà Saxton.

– Đúng rồi, và còn hết tất cả những người đã đọc và biết yêu quí thầy qua sách của bạn con thì sao? Lyall thưa và liếc mắt về phía tôi.

– Không phải thầy có nói là mỗi một tư tưởng nào hướng tới một Vị trong Thiên đoàn thì chắc chắn sẽ được hồi đáp ư? Giọng nói ngài hết sức nhẹ nhàng. Để thầy cho hai con hay một điều mà có lẽ các con không biết. Có những người trên đường Đạo nghĩ rằng mình là đệ tử của vị Chân sư này, trong khi thực ra họ là đệ tử của một Vị khác. Họ lại còn được chuyển từ Chân sư này sang Chân sư kia mà không hề hay biết khi thức tỉnh dưới trần.

‘Anh bạn của con đây được cho viết sách không phải để quảng cáo cho riêng thầy - tuy thầy e ngại ấy là kết quả - mà nói chung là để cho công chúng biết về sự hiện hữu của các Chân sư; và điều này không phải là để làm lợi cho các Ngài, mà để cho các đệ tử và những ai có thể được nhận làm đệ tử.

‘Chớ bao giờ quên rằng hết tất cả Chân Sư đều là Một... Các Ngài là những vị Phụng Sự cao cả của nhân loại. Người đệ tử không chọn vị Chân sư nào đó vì thấy mình có sự quí mến riêng đối với Ngài - mà chính ra thì vị Chân sư chọn học trò của mình vì một số tính chất mà người sau có thể có, và có thể được huấn luyện theo đường riêng của Ngài và tỏ ra hữu ích trong việc phụng sự nhân loại.

Có một lúc im lặng nữa, trong khoảng thời gian đó hai chúng tôi suy ngẫm về điều ngài vừa dạy. Chót hết, Lyall thưa, nói rất đỗi thật thà làm thầy J.M.H. phải phì cười.

– Con phải nói, nghĩ thì lạ quá là có ai ngồi tham thiền suốt cả ngày...!

– Con không ý thức rằng tham thiền loại ấy là sự an lạc vô kể - là sự an lạc khi thể chất ngơi nghỉ cộng thêm với sinh hoạt mạnh mẽ ở cõi cao.

– Vậy con chắc là tụi con phải hân hoan... Lyall thì thầm.

– Vâng, con chắc là chúng con phải hân hoan.... tôi họa theo.

Ngài đáp lại bằng cách bóp chặt bàn tay của chúng tôi.

– Hãy khoan, thầy nói, con nghĩ rằng thầy cho mời hai con ra đây là chỉ để làm các con buồn rầu vì phải nói lời từ biệt hay sao...?

...

Ngài Thomas, thầy J.M.H., Lyall và tôi ngồi ở thư viện sau bữa tối.

– Các Chân sư đang gặp điều khó nghĩ, vị lão sư lên tiếng, nói với tôi. Các bậc Huấn Sư có ích gì khi không có ai để chỉ dạy? Người Phụng Sự có ích gì khi không có ai để phụng sự? Về những điều ấy con có thể giúp được.

Tôi hết sức kinh ngạc, và tự hỏi mình có thể làm được chi.

– Viết cuốn sách thứ ba, ngài nói tiếp theo cách nói gọn ghẽ của mình. Không phải chúng ta đã cho con dữ kiện ư? Anh bạn chiêm tinh gia của con cũng đã cho con tài liệu. Con đã có quan sát riêng của mình. Hãy ghi chúng xuống.

– Nhưng liệu con có khả năng làm được chuyện hay không?

– Chậc, chậc, chậc, chúng ta sẽ lo về mặt ấy...

Ngài quay sang Lyall.

– Còn con, ngài nói, con sẽ soạn một loại âm nhạc mới - cũng như là viết một cuốn sách về đề tài này - con sẽ được chính tay một Chân sư huấn luyện chuẩn bị đặc biệt để làm việc đó. Cần phải có thị giác ở cõi ether để soạn loại âm nhạc mới này. Điều chính yếu là giá trị của một số hợp âm các nốt, và ảnh hưởng của chúng đối với thính giả, các nhà soạn nhạc phải ý thức trọn vẹn điều ấy trước khi nhạc mới được đưa ra.

Mặt Lyall sáng rỡ lên.

– Âm nhạc là một lực rất quan trọng trong cuộc tiến hóa. Ngài Thomas tiếp tục. Âm nhạc xấu - đạo đức xấu. Âm nhạc xưa - ý tưởng cũ xưa và thiếu tiến bộ. Lấy thí dụ, nhạc nhà thờ ngày nay là gì? Ngài lắc đầu. Là những ca khúc coi thường óc thông minh về âm nhạc, vậy mà được cho là làm vui lòng Thượng đế. Thánh ca loại Gregorian - chà, chà, êm dịu mà kỳ quặc; và không cho tác động gì lên hào quang của thế hệ ngày nay. Nó không hề được dụng ý cho thế kỷ hai mươi. Phải cần một điều khác.

Ngài mỉm cười hiền lành và quay đi để chúng tôi ngồi lại.

– Hãy đến Thanh Phòng ngày mai lúc 10 giờ, ngài nói thêm lúc đi ra.

– Thầy có nghĩ Ngài Thomas muốn con chuyên về nhạc nhà thờ trong tương lai? Lyall hỏi có chút dè dặt.

Thầy J.M.H. cười lớn.

– Không, không, ta có thể nói chắc là con có thể viết một ít nhạc nhà thờ trong số nhiều chuyện khác, nhưng ngài Thomas chỉ ám chỉ tới nó vì nhạc nhà thờ đặc biệt đi thụt lui so với thời đại.

Ngài tiếp tục và giảng rằng gần đây các Chân sư có nỗ lực nhằm kích thích sự sự chú ý về nghi lễ huyền bí, bằng cách đưa điều bị cho lầm là âm nhạc thích hợp, nhưng người trung bình biết suy nghĩ ngày nay trong thế giới bên ngoài tỏ ra có hiểu biết nhiều, và nó không làm lợi mấy cho họ, còn những ai ở trong phong trào này thì vướng mắc sâu đậm với ẩn ức và vấn đề riêng của mình.

Đường từ lực bị nhiễm với tính tôn thờ cá nhân, và nhạc ấy đáng lẽ làm cho nghi thức có giá trị hơn, lại quá lỗi thời và không sinh ra kết quả mong ước. Thế nên tổ chức được nhiều kỳ vọng - bởi không có lòng thiếu khoan dung, tin tưởng mù quáng, óc bè phái - chót hết lại là thất bại. Giới trí thức gồm những người có thể gia nhập tổ chức thì không muốn, còn người bình dân thì đã có được những gì họ muốn từ các cộng đồng tôn giáo đang sẵn có rồi.

– Tổ chức cởi mở hơn này, thầy tiếp tục, lúc nguyên thủy có dụng ý là để chống lại làn sóng hoài nghi mà một số Chân sư thấy trước là sẽ tấn công tầng lớp có văn hóa hơn. Người sùng tín thấy cần có một tôn giáo, nhưng nếu họ vừa có phần trí và vừa có lòng sùng tín thì hình thức thông thường bên ngoài của Thiên Chúa giáo không làm họ được thỏa mãn. Kết cục là hàng người không có giờ hoặc ưa thích học hỏi để so sánh tôn giáo, huyền học hay huyền bí học, bị ở trong tâm trạng hoài nghi - hoài nghi sự hiện hữu của những quyền lực cao hơn, hoài nghi về đời sống sau khi chết, v.v.

‘Cố nhiên đây không phải là một tội, nhưng nó có khuynh hướng làm thể thượng trí, và những quan năng tinh thần như hai con đã biết, bị còi cọc, có thể dẫn đến tình trạng vô tri thức kéo dài ở những cõi bên kia sau khi qua đời. Nói khác đi, sự hoài nghi dựng nên bức tường bao quanh những thể thanh, và cản trở sự tự do của chúng. Nếu con cột chân tay lại và giới hạn sự tự do của nó trong một lúc lâu, chi này sẽ teo nhỏ dần. Thế thì sao. Giáo hội mới này không có được đáp ứng đầy đủ, nay chúng ta phải kêu gọi tới nghệ thuật và nhất là âm nhạc để trợ giúp chúng ta.

‘Điều chi mà nay nghi lễ không còn khả năng làm được, thì một hình thức mới của âm nhạc không chừng, và chúng ta tin, sẽ làm được; và nó sẽ là sứ mạng của con cũng như của những nhà soạn nhạc về sau, là mang âm nhạc này xuống cõi trần.

– Sẽ có một loại âm nhạc mới! Lyall reo lên mừng rỡ, chuyện đó thật là hay. Con luôn luôn sợ là mình bị lỗi thời. Nghe nhạc của những nhà soạn nhạc cổ lỗ sĩ làm con chán ngấy.

Chúng tôi cười phá lên.

...

Herbert và tôi sẽ quay về nhà vào hôm sau, và tôi đặc biệt rầu rĩ khi phải nói lời từ biệt thầy J.M.H. Từ nhỏ tôi đã thấy việc chia tay thật là đau khổ, và bao năm tháng lớn lên vẫn không làm chuyện bớt đau lòng đối với tôi. Có lẽ vì thầy J.M.H. nhận biết điều này, nên khi chào tôi đi ngủ tối hôm ấy, ngài nói.

– Vì mai là ngày chia tay, đừng nghĩ rằng con sẽ không bao giờ còn gặp lại được ta...

Ngài đặt tay lên cánh tay tôi một lúc, mỉm cười và đi mất.

Ngài không có mặt ở bàn ăn sáng vào hôm sau, và tôi tự hỏi lý do, nhưng sau đó Toni Bland cho tôi hay rằng ngài đã dùng bữa trước đó rồi trong phòng riêng.

– Anh có đi về với chúng tôi không? Tôi hỏi Toni.

– Không, anh đáp.

– Con người may mắn... Nhưng tôi hy vọng là chúng tôi sẽ sớm được gặp anh, phải không?

Anh lắc đâu.

– Tôi sẽ ra ngoại quốc nữa, và phải lâu lắm mới về nước trở lại. Mấy anh thiệt là bạn tốt đối với tôi, anh nói khi chúng tôi bắt đầu đi men theo lối đi ngoài vườn, và tôi tiếc là phải rời hai anh nhưng...

Anh không nói được hết câu, vì đúng lúc ấy Ngài Thomas tới, theo khúc quanh lối trong vườn với chú chó đi cạnh.

– Nào, ngài bảo, nhìn đồng hồ và nói với tôi, sắp đến mười giờ rồi.

Đột nhiên Toni chộp lấy bàn tay của tôi, bóp lấy nó, mà không nói gì. Tôi thắc mắc không biết tại sao trong lúc rảo chân đi theo Ngài Thomas. Phải nó có nghĩa là tôi sắp trả qua một thử thách nào đó và anh muốn chúc tôi may mắn – hay chuyện gì khác? Tôi vẫn chưa quên là Ngài Thomas yêu cầu chúng tôi đến Thanh Phòng lúc mười giờ, nhưng đồng hồ tôi có hơi chậm một chút.

Chúng tôi thấy thầy J.M.H. và Lyall đang chờ chúng tôi trong hành lang dài. Ngài Thomas gật đầu chào hai người, mỉm cười, tiến đến mở khóa cửa gian phòng bí ẩn đó, và kêu chúng tôi bước vào. Có bốn chiếc ghế xếp theo hình vòng cung đối mặt với cửa sổ có kính mầu xinh đẹp, qua đó những tia sáng mầu vàng và tím chiếu xuống soi sáng mặt chúng tôi. Ngài Thomas và thầy J.M.H. ngồi hai chiếc ghế giữa, và hai chúng tôi lấy hai ghế ngoài.

Có một lúc yên lặng dài. Rồi Ngài Thomas lấy ngón tay chạm vào giữa trán tôi một lúc.

– Hãy lắng nghe... ngài nói.

Từ xa tôi nghe khúc nhạc trên phong cầm hòa với lời ca thanh thoát, lâng lâng đến mức tưởng như nghe ban nhạc trời hòa ca, vẳng đến trong làn gió nhẹ êm ái buổi chiều. Nhạc không giống như bất cứ loại nhạc nào tôi đã nghe trước đây; nó thanh nhã mà du dương, ngọt ngào và không có chút tình cảm ủy mị; khi thì mạnh mẽ gợi nên lòng tôn kính, khi khác êm dịu, nhẹ nhàng tựa như bàn tay thiên thần vuốt ve.

– Huynh Koot Hoomi của ta chơi đàn phong cầm của Ngài... còn giọng hát mà hai con lắng nghe là của chư thiên... Hãy lắng nghe kỹ và ghi nhớ, vì ngày kia con sẽ soạn cho thế giới loại âm nhạc ấy...

Ngài Thomas nói với Lyall. Nhạc tiếp tục một lúc rồi tàn dần và có một lúc yên lặng khác.

– Hãy nhắm mắt lại, và nhìn bằng nhãn quan bên trong.

Đột nhiên tôi cảm được một hương thơm ngào ngạt như có nhiều loại hoa tỏa ra, hình dạng hai đấng Cao Cả xuất hiện với mầu sắc mờ ảo, có nét thanh tú nhất và diễm lệ nhất. Khi ấy tôi nhận biết là mình đang nhìn vào Chân Sư Koot Hoomi - Vị đã nói chuyện với tôi qua Chris - và cùng với Ngài là vị Chân sư Tây Tạng, đức D.K.

– Xin chào chư Huynh Đệ, Ngài Thomas nói nhẹ nhàng và gương mặt đức K.H., giống mặt đức Chúa, nở nụ cười sáng rỡ thật dịu dàng không sao tả được, nó giống như là tinh túy của những lời mà ngài nói với Chris hồi xưa:

Tình thương mà Ta cảm thấy cho mỗi con là tình thương của Thượng Đế...

Vị Chân sư Tây Tạng cũng mỉm cười, và gương mặt Mông Cổ của ngài tràn ngập nét thương yêu của tình phụ tử, gợi nên trong tôi một cảm xúc hiến dâng mãnh liệt. Giọng nói của thầy J.M.H. rất êm nhẹ phá vỡ sự yên lặng.

– Quí Huynh Đệ và quí Chân Sư, ngài nói, tôi xin giao vào tay chư huynh các chelas yêu quí của tôi, hai anh đã làm việc cho tôi rất đắc lực. Mong sao hai anh tỏ ra xứng đáng với sự dẫn dắt, che chở và tình thương của các ngài.

Chân Sư Koot Hoomi giang đôi tay của Ngài trong cử chỉ chào mừng đầy thương mến, và trong mắt ngài lộ sự nhận biết như muốn nói ‘Chúng ta đã nói chuyện với nhau trước đây rồi phải không?’ Rồi đôi môi của Ngài mấp máy và tôi như nghe Ngài nói:

– Bao năm về trước tại Hy Lạp khi ta là Pythagoras, hai con đã là đệ tử của ta, và nay ta chào mừng các con trở lại với ta nữa. Hai con mong muốn phụng sự nhân loại sẽ được cho khả năng lớn lao nhất để phụng sự - con, với ngòi bút của mình, và con - ngài quay sang Lyall - với âm nhạc của con.

‘Chúng ta sẽ mang trở lại cho thế giới hoang mang và đau khổ vài phương pháp cổ xưa chữa lành kẻ bệnh; và một trong những cách này là bằng âm thanh của nhạc. Con người sẽ được dạy là ai muốn chữa lành phần thân xác trọng trược hữu hình, phải trước tiên chữa lành thể sinh lực (thể phách) là thể họ chưa thấy được.

‘Để đạt tới mục đích chúng ta cần những ai có thể phụng sự chúng ta theo những khả năng khác nhau của họ. Nhu cầu của chúng ta rất to lớn trong thời đen tối và hoài nghi này, vì những ai từng sẵn lòng phụng sự, nay không làm việc với chúng ta nữa, và ai có thể muốn phụng sự và nhờ vậy có được niềm vui của việc làm, đã quay đi mất hút trong cảnh ảm đạm.

Và rồi linh ảnh bắt đầu phai mờ. Tôi cảm thấy là hai vị Chân Sư vẫn còn đó, nhưng tôi không còn khả năng thấy được nữa. Tôi làm cử động không tự ý là đưa tay về hướng Ngài Thomas, mong ngài sẽ chạm vào trán tôi lần nữa để cho phép tôi lại được nhìn thấy, nhưng ngài ra dấu là làm vậy không nên. Khi ấy thầy J.M.H. lên tiếng, đầu tiên nói với Lyall và sau đó với tôi.

– Chân sư Koot Hoomi nói rằng vị Huynh Đệ của Ngài, Chân sư D.K., sẽ chuẩn bị các thể thanh của con để nhận được hứng khởi mà Ngài sẽ đích thân cho con về sau; và vài Chân sư sẽ giúp con viết quyển sách mà Ngài Thomas đã nói chuyện với con, theo lời yêu cầu của các Ngài.

Ngài ngưng lại một chút.

– ‘Tuy ta có thể đi ở ẩn, nhưng không ai đã thương mến và trở thành có liên kết với ta do tư tưởng của họ, sẽ bị bỏ rơi không người hướng dẫn’. Chân sư Koot Hoomi dang tay và nói: ‘Hãy để họ đến với chúng ta, họ sẽ nhận được tùy theo nhu cầu và theo ước nguyện phụng sự chúng ta’... Ngài ban phép lành cho hai con...

Chúng tôi ngồi yên lặng vài phút, xong Ngài Thomas và thầy J.M.H. đứng lên rời khỏi ghế.

– Hãy ngồi lại lặng thinh thêm một chốc, và sau đó ra hồ sen. Ngài Thomas nói.

Thực vậy, chúng tôi hân hoan với lời dặn này vì trong phòng còn vấn vương bầu không khí an lạc và thương yêu đến nỗi tôi không muốn rời nó, cho dù để ra vườn yên tĩnh êm đềm của Ngài Thomas. Hơn thế nữa, trọn tâm thức tôi tràn ngập nỗi ngây ngất tinh thần mới mẻ và kỳ diệu quá làm tôi gần như sợ không dám cử động, kẻo nó biến mất khỏi con người tôi và biệt tích luôn, không bao giờ có lại nữa.

Chúng tôi lặng lẽ ngồi ngắm hồ sen trong một chốc, và rồi ngạc nhiên thấy Ngài Thomas đi tới, và ngồi xuống bên cạnh chúng tôi.

– Từ biệt... ngài nói, không có mấy ai trong chúng ta thích nó, và đa số chúng ta có thể không cần tới nó, vậy tại sao không tránh? Tuy nhiên, với ai đã hòa hợp với vạn vật, và ý thức được Đại Ngã thì không có chuyện biệt ly. Chà... một ngày kia, các con sẽ có được ý thức ấy. Còn bây giờ, chậc, chậc, ông lão bị giao cho việc báo tin...

Thầy J.M.H. đã tránh cho chúng tôi việc khó mở lời chào từ biệt, và đã ra đi, mang theo với ngài chỉ một đệ tử là Toni Bland.