Hào Quang Con Người – 10

Chương 8 của quyển The Human Aura do Mai Oanh dịch. Chương nói về Kỹ thuật Chữa Bệnh bằng cách chạm tay (Therapeutic Touch Healing), cũng như ảnh hưởng của việc hình dung lên quá trình chữa bệnh.

***************************

8. Chữa bệnh và Thực hành kỹ thuật hình dung

Gần suốt cuộc đời, tôi luôn quan tâm đến hiện tượng chữa lành bệnh tật, và bây giờ nó là trọng tâm chính trong công việc của tôi. Qua nhiều năm, tôi đã may mắn được chứng kiến nhiều người chữa bệnh nổi tiếng thực hiện công việc của họ, và do đó có thể quan sát các khía cạnh khác nhau của việc chữa bệnh trong quá trình diễn ra. Nhờ những kinh nghiệm này, khoảng 18 năm trước, tôi cùng với tiến sĩ Dolores Krieger, giáo sư điều dưỡng tại Đại học New York, đã phát triển một kỹ thuật gọi là Liệu pháp Đặt tay chữa bệnh (Therapeutic Touch). Phương pháp này ngày nay được hàng ngàn y tá và chuyên gia y tế trong các bệnh viện ở Hoa Kỳ và các nước khác áp dụng, và đã có rất nhiều người viết về liệu pháp này.

Kỹ thuật chữa bệnh không phải là chủ đề của cuốn sách này. Nhưng vì từ “chữa bệnh” có nghĩa làm khỏe mạnh, nó được áp dụng cho các vấn đề do rối loạn cảm xúc cũng như các bệnh lý thể chất. Tất cả các vấn đề này đều ảnh hưởng đến hào quang theo những cách khác nhau. Khi chúng ta nói về chữa bệnh theo nghĩa chung là phục hồi tính toàn vẹn, chúng ta phải bao gồm cả khả năng tự phục hồi bên cạnh việc can thiệp bằng các thủ thuật y khoa cũng như phi y khoa.

Như tôi đã cố gắng chỉ ra, thể trí và cảm xúc đóng một vai trò quan trọng liên tục đối với sức khỏe và bệnh tật. Do đó, sẽ hoàn toàn hợp lý khi chúng ta tập trung ngay vào sự tương tác xảy ra khi một người nỗ lực giúp đỡ người khác bị bệnh hoặc đang gặp rắc rối. Khi một người bị bệnh, sự tác động giữa cơ thể vật lý và hệ năng lượng dĩ thái bị ảnh hưởng. Đồng thời, những đau đớn thể chất được phản ánh trong thể cảm xúc, bởi vì những kí ức về sự đau đớn và nỗi sợ hãi sự tái xuất hiện của nó xảy ra ở cấp độ này. Những người đã thực hành liệu pháp Therapeutic Touch trong một thời gian dài có thể có được ấn tượng về nơi mà bệnh nhân cảm thấy đau, và điều này cũng giúp chỉ ra những rối loạn ở thể cảm xúc. Do đó, để hiểu được ít nhiều về quá trình chữa bệnh, cần phải nhận thức được mối quan hệ giữa thể cảm xúc và trường năng lượng dĩ thái.

Năng lượng dĩ thái

Chương III đã đề cập sơ lược rằng thể dĩ thái là bản sao năng lượng của cơ thể vật lý. Sở dĩ có được điều đó là do có nhiều đối phần dĩ thái của các cơ quan khác nhau. Bình thường dòng năng lượng dĩ thái chảy qua các bộ phận này theo một hình thái ổn định, và bất kỳ sự gián đoạn nào trong hình thái dòng chảy này đều là dấu hiệu của bệnh. Ở một người khoẻ mạnh, dòng chảy qua tất cả các bộ phận (và giữa các luân xa dĩ thái) luôn theo nhịp điệu, nhưng khi bệnh xuất hiện, dòng chảy bị tắc nghẽn ở khu vực có vấn đề.

Theo kinh nghiệm của tôi, một dấu hiệu khác của bệnh tật là sự suy giảm chung hoặc thu hẹp dòng năng lượng; điều này tượng tương tự như một dòng suối bị rác chặn lại một số nơi làm thu hẹp dòng chảy và ngăn không cho nước chảy thông suốt. Vì vậy, người ta thường có thể nhận ra nơi đang có bệnh bằng cách lưu ý tới sự suy giảm của dòng chảy năng lượng qua các bộ phận khác nhau của cơ thể. Nhưng do tương tác giữa thể cảm xúc và thể dĩ thái là liên tục, sự đáp ứng ở thể cảm xúc cũng có hiệu quả toàn tương tự.

Trong các mối tương tác của việc chữa bệnh, sự phát triển năng lực đồng cảm, hay sự nhạy cảm, là quan trọng nhất, vì sự tiếp xúc đầu tiên với người mà chúng ta đang cố gắng giúp đỡ là ở mức độ cảm xúc. Do đó yêu cầu đầu tiên của người chữa bệnh là cảm giác từ bi và mong muốn giúp đỡ người bị đau ốm, vì nếu không có điều này sẽ rất khó có thể tạo được sự đồng cảm với bệnh nhân. Những gì tôi đã nói ở nhiều nơi về mối quan hệ giữa các cá nhân được áp dụng ở đây với ý nghĩa đặc biệt lớn lao, vì trong thực tế chữa bệnh, mối quan hệ giữa người chữa và bệnh nhân là một yếu tố vô cùng quan trọng.

Ngày nay liệu pháp này đã được nhiều y tá và chuyên gia y tế thực hành. Chữa bệnh trở thành một nghệ thuật chứ không đơn thuần là một công việc thông thường. Nó đòi hỏi phải có một sự chuẩn bị nhất định, dựa trên cái mà chúng ta gọi là tập trung, tức là một nỗ lực có ý thức để giải phóng bản thân khỏi những lo lắng và những rối loạn bên trong của mình, và để được an bình trong chính mình.

Tôi luôn dạy kỹ thuật tập trung này như một sự chuẩn bị cho việc chữa bệnh cũng như cho thiền định, trong mối liên hệ mà tôi sẽ đề cập tới lần nữa. Nếu chúng ta đang buồn chán và đang ở tình trạng hỗn loạn nội tâm, chúng ta vẫn có thể cố gắng tiếp cận và gửi lòng từ bi cho bệnh nhân, nhưng nỗ lực này có thể bị biến dạng bởi cảm xúc bất an.

Thông qua kỹ thuật tập trung, chúng ta nhận thức được những cảm xúc bị xáo trộn của mình và tự tách mình một cách có ý thức khỏi chúng bằng cách tập trung tất cả năng lực của chúng ta vào luân xa tim, là nơi neo đậu của lòng từ bi và tính toàn vẹn. Điều này thúc đẩy hai phẩm chất rất quan trọng trong quá trình chữa bệnh: sự bắt rễ và sự tách rời.

Tập trung không chỉ làm cho chúng ta cảm thấy bình an; nó còn kết nối chúng ta với trật tự nội tại trong chính mình. Điều này tôi gọi là bắt rễ. Bằng cách tập trung vào sự an lành nội tại, chúng ta liên kết với trật tự cơ bản và từ bi là những biểu hiện của yếu tố tinh thần thế giới. Chữa lành là sự tái thiết lập trật tự trong các hệ thống của cơ thể. Đối với tôi, thành quả của nó có được là nhờ năng lượng vũ trụ xuất phát từ khuynh hướng đạt được trật tự, vốn là trọng tâm của tất cả các quá trình sống. Vì vậy, nếu có thể, cần giúp người bệnh có được sự cân bằng cảm dục được tạo ra bởi những cảm xúc tích cực, để dòng chảy năng lượng cảm xúc không bị thu hẹp, như ở hình #17, mà chảy ra ngoài, như ở hình #18, bản thân điều này không có tác dụng chữa bệnh, nhưng nó sẽ giúp tạo ra một trạng thái có lợi cho quá trình chữa lành.

Khi chúng ta cố gắng giúp đỡ một ai đó (và sự tương tác này có thể giữa những người trong gia đình hay giữa một chuyên gia y tế và bệnh nhân), điều quan trọng là phải nhận ra rằng các kết quả không nằm trong tay chúng ta. Chữa bệnh liên quan đến các mãnh lực và các tác nhân mà chúng ta không hiểu đầy đủ, và chắc chắn không thể điều khiển. Thay vào đó, chúng ta tìm cách trở thành những công cụ của sức mạnh chữa lành tồn tại ở khắp nơi trong tự nhiên. Ngay cả theo cách hiểu chính thống, các phương pháp y tế hiện đại cũng không chữa được bệnh; chúng chỉ đơn thuần loại bỏ các trở ngại để lành bệnh, và cơ thể phải tự nó hoàn tất quá trình. Do đó, người chữa bệnh phải cẩn thận tránh bất kỳ biểu hiện nào của sự quan tâm đặc biệt tới kết quả của những nỗ lực của mình trong quá trình chữa lành. Kết quả không thể tiên đoán, và thành công không phải là mục tiêu. Bất kể kết quả nỗ lực của chúng ta có thể là gì, chúng ta phải chấp nhận chúng mà không thể đổ lỗi hoặc mất lòng tin. Sự chứng ngộ này thúc đẩy sự tách rời, nghĩa là, thoát khỏi mọi gắn kết với kết quả của những hành động của chúng ta.

Vì năng lượng chữa lành là một sức mạnh tốt lành cho tất cả chúng sinh, khả năng tận dụng nguồn lực này không phụ thuộc vào niềm tin tôn giáo. Mỗi người thực hành chữa bệnh có thể khái niệm hóa nó theo một cách khác nhau. Hầu hết những người chữa bệnh nổi tiếng coi năng lực có được là nhờ Thượng Đế, và gắn liền năng lực với một đức tin cụ thể. Điều này rất quan trọng đối với cá nhân, vì nó làm cho việc thực hành chữa lành trở thành một phần của hệ thống niềm tin và nền tảng văn hoá của người đó. Cá nhân tôi thấy rằng vì sức mạnh và năng lượng chữa bệnh này luôn hiển hiện cho tất cả mọi người, về cơ bản nó giống nhau, bất kể nó được mô tả ra sao. Vì vậy phải có sự thống nhất cơ bản và sự hợp tác giữa các học viên về tất cả các kỹ thuật chữa bệnh—một điều kiện trở nên khả thi hơn vì tính hiệu quả của nghệ thuật chữa lành ngày càng được công nhận rộng rãi hơn trong cộng đồng các chuyên gia y tế.

Các yêu cầu đối với Người Chữa bệnh

Tôi đã được hỏi liệu có cần những bằng phẩm chất biệt để trở thành một người chữa bệnh hay ai cũng có thể học được hay không. Để trả lời, tôi luôn nhấn mạnh rằng chữa bệnh là một quá trình học tập. Chắc chắn rất nhiều y tá không có bất kỳ phẩm chất đặc biệt nào nhưng đã học và thực hành thuần thục liệu pháp Đặt tay Chữa Bệnh. Mặc dù những người chữa bệnh tài năng có thể có độ nhạy cảm đặc biệt, nhưng thực tế bất kỳ ai thành tâm nỗ lực và kiên trì phát triển kỹ thuật này cũng có thể có khả năng chữa bệnh thành công ở một mức độ nào đó. Vì vậy, bên cạnh yêu cầu về lòng từ bi và sự nhạy cảm mà tôi đã đề cập, tôi nên thêm một tiêu chí: nỗ lực không ngừng nghỉ.

Bất kể kỹ thuật nào được sử dụng, một người chữa bệnh thường cố gắng gửi năng lượng tới nơi có rối loạn trong hình thái. Điều này giúp bộ phận đó của cơ thể bệnh nhân có thêm sức mạnh để tự lành bệnh. Nhưng ngay cả khi việc chữa bệnh được thực hiện ở những rối loạn xảy ra ở cơ thể vật lý hay thể dĩ thái, người chữa cũng phải luôn nhận thức cả thể cảm xúc, bởi vì bệnh nhân cần được nhìn nhận là một tổng thể. Cần nhớ rằng mặc dù việc chữa lành nhằm khôi phục mối quan hệ hài hoà giữa thân, tâm và cảm xúc, điều này đạt được từ sự tiếp cận của chúng ta đến một mức độ sâu hơn thể dĩ thái hay cảm xúc—đó là chiều sâu tinh thần, cội nguồn năng lượng phục hồi.

Vai trò của các Luân xa

Trong khi các ảnh hưởng của bệnh biểu hiện rõ trong hào quang, như những bức hình đã cho thấy, các luân xa cũng bị ảnh hưởng, và do đó chúng cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc chữa lành. Như tôi đã đề cập ở Chương IV, cảm xúc căng thẳng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống tiêu hóa—bao gồm lá lách, gan và tuyến tụy—thông qua luân xa tùng thái dương. Khi năng lượng chữa lành được gửi đến luân xa này toàn bộ khu vực được kích hoạt, đồng thời sự lo lắng và sợ hãi của bệnh nhân được giảm xuống. Vì vậy, thực hiện tác động vào khu vực này là một bước thường quy trong chữa bệnh.

Tương tác ở thể cảm xúc có thể được bắt đầu thông qua luân xa tùng thái dương, nhưng tất nhiên nó đi qua cả hào quang thể dĩ thái, bởi vì hai chức năng này không tách rời. Trên thực tế, năng lượng qua bàn tay của người chữa bệnh đổ vào trường dĩ thái cũng như vào các luân xa của bệnh nhân, vì trường dĩ thái và các luân xa luôn gắn liền với nhau.

Hầu như tất cả các kỹ thuật chữa bệnh đều ít nhiều sử dụng đôi bàn tay. Cho dù một người có hình dung một cách có ý thức về mối quan hệ giữa luân xa tim và các luân xa phụ trong lòng bàn tay hay không, luôn có sự tương tác giữa hai luân xa này. Vì vậy, khi các luân xa lòng bàn tay được kích hoạt để chữa bệnh, chúng trở nên nhạy cảm hơn và rộng mở, luân xa tim cũng được kích thích. Các luân xa khác có thể tham gia vào quá trình chữa bệnh tùy trường hợp cụ thể. Nhưng khác với một số người, tôi không ủng hộ việc tác động trực tiếp trên các luân xa, ngoại trừ việc gửi năng lượng tới luân xa tùng thái dương, và vì luân xa tim là trung tâm năng lượng bậc cao và và mang tính gắn kết, nó cũng là một trung tâm cho việc chữa bệnh.

Thực hành kỹ thuật Hình Dung

Khi người bệnh ốm kinh niên trong một thời gian dài, họ thường hình thành một hình ảnh tinh thần rõ ràng và chắc chắn về tình trạng của mình, đặc biệt sau khi có nhiều chẩn đoán đã khiến họ có nhiều lo lắng. Họ tự nhận mình mang đầy bệnh tật và ốm yếu. Vì vậy, sau một số lần điều trị, nếu bệnh nhân cảm thấy bớt lo lắng và tràn đầy năng lượng hơn, bước tiếp theo là giúp họ tạo ra một hình ảnh tinh thần khác về chính bản thân họ.

Lúc này, sẽ rất hữu ích khi yêu cầu bệnh nhân tự hình dung mình ngày càng trở nên khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng hơn. Bằng cách đó, tâm trí của họ có thể từ từ phát triển và tăng cường tư tưởng rằng họ có thể mang lại thay đổi cho chính mình. Một hình ảnh mới về bản thân rõ ràng không thể nhanh chóng được tạo ra trong chốc lát; cần có nhiều thời gian và nỗ lực không ngừng, vì một hình ảnh tiêu cực về bản thân là một trong những thứ khó khăn nhất để bệnh nhân thay đổi.

Tuy nhiên, kỹ thuật hình dung đã được sử dụng rất thành công với các bệnh nhân ung thư, bởi vì nhờ điều này họ có thể huy động năng lượng của mình để chống lại bệnh tật. Khi một căn bệnh nghiêm trọng xảy ra với ai đó, nó có thể gây ra một hiệu ứng rất nguy hiểm, bởi vì khi những tiến triển diễn ra rất chậm, bệnh nhân có thể bắt đầu chán nản và không hy vọng có thể làm được điều gì. Điều này tạo ra cảm giác bất lực và thất vọng làm giảm sự tự tin thường có.

Phản ứng tương tự có thể là kết quả của một sự kiện gây chấn thương tâm lý, vì lo lắng và trầm cảm diễn ra cũng có thể dẫn đến sự mất tự tin. Trường hợp này rất khó để chữa trị, bởi vì bản thân người bệnh thường không biết mức độ cố hữu mà hình ảnh tiêu cực đã bám rễ trong đầu. Để hỗ trợ được người bệnh trong trường hợp đó, điều quan trọng không chỉ là nhận ra sự hiện diện của hình ảnh tiêu cực về bản thân mà người bệnh tạo ra, mà còn cần có khả năng truyền đạt kiến thức này cho người bệnh. Người bệnh phải thấm nhuần ý nghĩa của sự tự tin bằng cách luôn nghĩ rằng mình có thể sống khỏe và hoạt động bình thường. Họ phải học cách hình dung mình hoàn toàn trái ngược với hình ảnh tiêu cực mà họ đã phát triển trong nhiều năm. Nếu họ từng nghĩ mình yếu đuối, giờ họ phải hình dung mình mạnh mẽ; nếu bị bệnh, phải thấy mình hoàn toàn khỏe mạnh.

Bài tập này, nếu thường xuyên được thực hiện, sẽ giúp cho quá trình chữa bệnh rất nhiều. Sự đóng góp quan trọng nhất mà bệnh nhân có thể thực hiện đối với việc chữa lành cho chính họ là nghĩ đến bản thân—để hình dung bản thân—như có thể đạt được điều gì đó mỗi ngày. Ngay cả khi người ta cảm thấy đau ốm và yếu ớt, hình ảnh tích cực như vậy sẽ tạo ra một năng lượng tinh thần và phá vỡ mô hình tiêu cực được hình thành qua câu nói “Tôi quá ốm; Tôi không thể nỗ lực.” Một hình ảnh tự tin tích cực giúp vượt qua được hình thái tiêu cực chấp nhận bệnh tật như là một điều không thể tránh.

Quá trình hình dung thực sự diễn ra ở thể trí, nhưng vì tâm trí và cảm xúc luôn có mối liên hệ mật thiết với nhau, bài tập này sẽ kích thích và tăng cường năng lượng cho luân xa trán. Nhờ đó nó sẽ giúp điều hòa toàn bộ hệ thống luân xa, qua đó hợp nhất các thể của người bệnh vốn đã bị phân mảnh vì bệnh tật. Nó giúp toàn thể người bệnh đạt được sự hòa hợp, bởi vì tâm trí tập trung cảm xúc và không cho phép chúng vượt qua tầm kiểm soát.

Nhưng có lẽ một trong những hiệu quả tích cực nhất của kỹ thuật hình dung là nó mang lại cho bệnh nhân cảm giác hy vọng rằng họ có thể đạt được tiến bộ và tăng cường niềm tin rằng họ đang một lần nữa điều khiển được cuộc sống của chính mình. Trong sự nghiệp chữa bệnh của mình, tôi đã thấy rằng những hình ảnh tiêu cực là một thứ khó khăn để thay đổi và chữa trị hơn cả các mô thức cảm xúc. Vì vậy, bằng cách khuyến khích sử dụng một bài tập hình dung về một hình ảnh và hoạt động khác đi, nguồn lực nội tại của bệnh nhân có thể được phát huy để hỗ trợ quá trình chữa bệnh.

Tác động Chữa bệnh trên hào quang

Tác động của việc chữa bệnh trên hào quang của bệnh nhân là khá kì diệu. Trước tiên, dòng chảy của năng lượng cảm xúc làm cho hào quang mở rộng. Khi điều này xảy ra, nó bắt đầu quá trình loại bỏ một số các rối loạn và tắc nghẽn trong hào quang, và do đó làm giảm lo lắng. Đây là một trong những hiệu ứng mạnh mẽ nhất của việc chữa bệnh. Lo lắng tạo ra những hình ảnh tinh thần đáng sợ. Nhưng nếu hình ảnh được sử dụng cùng với phương pháp chữa bệnh sẽ có hiệu quả đồng thời: hệ thống miễn dịch sẽ được tăng cường thông qua dòng năng lượng dĩ thái, và khi những hình ảnh xấu tiêu tan, hào quang sẽ từ từ được gắn kết trở lại và sức mạnh của hào quang được phục hồi.

Trong những năm qua, thông qua công việc tôi đã làm với các y tá thực hành liệu pháp chữa bệnh, tôi đã thấy rằng liệu pháp này có thể tác động tới cả bệnh nhân cũng như người chữa bệnh. Việc thực hành tập trung, và tự mở bản thân ra một cách hữu thức đến các nguồn năng lượng bậc cao làm mở rộng và sáng rõ hào quang. Tôi sẽ bàn luận nhiều hơn về các vấn đề này trong chương về thiền định và chuyển hóa bản thân, nhưng trước khi kết thúc chủ đề chữa lành, tôi muốn lưu ý thêm rằng rằng các chính các bác sĩ và y tá, những người tự khai thác những nguồn năng lượng này với nỗ lực nhằm giúp đỡ người bệnh, đã nhận thấy rằng việc thực hành theo kỹ thuật này đã bắt đầu làm thay đổi chính họ, vô cùng tinh tế nhưng đầy ý nghĩa.

***********************

Leave Comment