Hào Quang Con Người – 2

Chương 3 của quyển Hào Quang Con Người (The Personal Aura).

************************

3.Trường cảm xúc

Không có một người nào mà không có cảm xúc. Từ tiếng khóc đầu đời của một đứa trẻ cho đến ánh nhìn lần cuối vào bạn bè và người thân của một người đang từ giã cõi trần, phản ứng đầu tiên của chúng ta với thế giới xung quanh được nhuộm màu cảm xúc. Thế giới đó hiện ra với chúng ta thân thiện hay đáng sợ, đẹp đẽ hay xấu xí, dễ chịu hay khó chịu sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta tiếp cận người khác, và thực sự tác động đến mọi việc chúng ta làm. Tôi không tin những cảm xúc đó nổi lên trong chúng ta chỉ do hoàn cảnh môi trường xung quanh, hay chỉ do yếu tố gen, nhưng có lẽ cả hai đều quan trọng. Thành viên trong cùng một gia đình, ở cùng những hoàn cảnh giống nhau, phản ứng theo các cách khác nhau. Cảm xúc của chúng ta là một đáp ứng có ý thức với kinh nghiệm của chúng ta, nhưng chúng có tính phát sinh tự thân và tiết lộ một số điểm quan trọng trong tính cách của chúng ta.

Với tôi, các xúc cảm là “thật” theo nghĩa tôi có thể nhận biết chúng một cách khách quan như một bầu sáng chói bao quanh mỗi thực thể sống. Do sự phát sáng của nó nên chất liệu của nó thường được gọi là “astral”—nghĩa là “chiếu sáng”—trong văn chương Thông thiên học.

Mỗi khi chúng ta cảm nhận được một cảm xúc thì có một phóng thích năng lượng trong trường cảm xúc, có thể là yếu ớt hoặc mạnh mẽ, và hiện tượng này tạo nên một loại rung động và màu sắc riêng biệt—“dấu ấn” của cảm xúc riêng biệt đó.

Bằng kinh nghiệm tôi đã học cách nhận biết các sắc thái và tông màu cơ bản mà các cảm xúc tạo ra, tuy những rung động vi tế là gần như không có giới hạn. Vì chúng ta liên tục cảm nhận một chuỗi các cảm xúc khác nhau trong cuộc sống thường nhật, những màu sắc này đôi khi thoáng qua, lướt nhanh như những đám mây điểm màu xuyên qua hào quang—trường hay bầu năng lượng cá nhân— hoặc làm tràn ngập bầu này với một đợt màu sắc mạnh dâng lên bất ngờ. Những loại xúc cảm khác thì tồn tại lâu hơn, và những cảm xúc này ít nhiều trở thành một đặc điểm cố định của hào quang đó.

Ở chương trước, tôi co nói đến sự thật rằng mọi người thường khó chấp nhận cảm xúc như một hình thức năng lượng mà có thể được quan sát và thậm chí là đo lường. Để nhắc lại quan điểm này, nếu các cảm xúc có ảnh hưởng xác định lên sức khoẻ thể chất và tâm thần của chúng ta, chúng chắc chắn mang trong mình một loại lực hay năng lượng nào đó. Và vì trong vũ trụ của chúng ta, năng lượng luôn liên quan đến vật chất, các cảm xúc về mặt nào đó cũng phải là một loại vật chất hoặc là hiện tượng có liên hệ đến vật chất. Ngay cả khi vật chất của trường cảm xúc có mịn và tinh tế hơn bất cứ loại vật chất nào đã được khoa học nghiên cứu thì điều này không có nghĩa nó có tính “siêu nhiên” (một từ mà tôi thực sự không thích). Trường cảm xúc—giống như thế giới vật lý với tất cả những thể vi tế của nó—là một phần của cấu trúc của chính vũ trụ này, cả hữu hình và vô hình, và tôi tin rằng, đều là đối tượng của cùng các quy luật tự nhiên.

Do vậy, dù trường cảm xúc chưa thể được tiếp cận bằng các quan sát vật lý thì theo một nghĩa nào đó, nó vẫn là một dạng “vật chất”. Lama Govinda nói về các “đặc điểm cá nhân” của các chiều đo thấp của tâm thức. Chính tính đặc biệt của trường cảm xúc đó là điều mà tôi sẽ nói sau đây, vì khi xem xét hào quang của một người, chúng ta không bao giờ được phép quên rằng đây là một phần của trường năng lượng lớn hơn, đó chính là hào quang của hành tinh Trái Đất. Chúng ta không bao giờ có thể tách rời khỏi tổng thể lớn hơn này.

Trường cảm xúc dường như bao gồm một trường trung gian mờ, nửa trong suốt. Điều đặc biệt là ánh sáng khi chiếu qua trường này sẽ bị phân chia thành hàng nghìn sắc thái màu sắc khác nhau, nhưng nguồn gốc của ánh sáng đó không đến từ bên ngoài; nó phát sinh từ chính môi trường trung gian này. Trường cảm xúc có khả năng tự phát sáng.

Chất liệu của trường cảm xúc có thể thấm qua được, qua đó, nó được xuyên thấu bởi trường vật lý cũng như các trường năng lượng vi tế hơn. Tuy nhiên, như tôi đã nói, vì tốc độ rung động khác nhau mà các trường này không thể bị trộn lẫn hay sát nhập vào nhau, nhưng chúng vẫn duy trì tính tổng thể riêng của mình. Xung quanh mỗi cá nhân có một thể dĩ thái trong đó nó thấm nhập vào thể vật lý và vươn ra ngoài khoảng ba đến năm inches. Bầu hào quang, hay trường cảm xúc, thấm nhập vào thể dĩ thái, nhưng vươn rộng hơn ra ngoài không gian. Trường năng lượng của thể trí và trực giác cũng thâm nhập tương tự và vươn ra ngoài trường cảm xúc. Do vậy, các trường năng lượng của mỗi cá nhân có hình dáng của các bầu đồng tâm. Thế nhưng đồng thời mỗi trường năng lượng cá nhân này lại là một phần của trường vũ trụ, trường này bao gồm mọi thứ và liên hệ đến chính Trái Đất.

Do đó, cảm xúc và các hình ảnh trong trí, có thể được xem như các trạng thái tinh luyện của vật chất với các hình thái năng lượng tương ứng của chúng. Tôi vô tình nhận ra điều này. Nhưng ở những cấp độ phi vật lý thì không chỉ là câu hỏi về khả năng nhìn thấy mầu sắc và các mẫu hình; sự nhận biết có liên hệ rất gần gũi với một loại năng lực khác, có thể được gọi là sự đồng cảm. Chính khả năng thấu cảm này cho phép người quan sát hiểu về thứ họ đang nhìn thấy. Đồng thời, sự quan sát liên quan đến việc thấy và hòa hợp với cái đang được nhìn thấy. Nếu không có năng lực thấu cảm này thì các sắc thái và màu sắc sẽ không có nhiều ý nghĩa. Trên thực tế, khả năng tri nhận màu sắc thể cảm dục không phải là hiếm, nhưng thật không may, khả năng hiểu được các ý nghĩa đằng sau của chúng lại chưa được phát triển một cách rộng rãi.

Các cảm xúc liên kết chặt chẽ với thể vật lý trong suốt cuộc đời, nhưng trường cảm xúc thì không bị giới hạn trong sự sống đó. Bàn về trạng thái sau khi chết không phải là chủ đề của cuốn sách này, nhưng nếu ai muốn tìm hiểu về bản chất của cảm xúc và của trường cảm xúc nói chung, thì cần nghĩ về chúng như một trạng thái riêng biệt của tâm thức—đó không chỉ là một đóng góp vào sự sống vật lý hay vào hoạt động não bộ. Chúng là một thể hiện căn bản của bản ngã. Ở chương trước tôi đã nói rằng tôi xem bản ngã (self) như một điểm hay một nguyên tắc hợp nhất trong một con người. Chính tại xung quanh điểm đó mà các hình trạng của thể cảm xúc và thể trí tụ lại, và do đó trở nên có ý nghĩa với chúng ta và hữu ích cho trải nghiệm của ta.

Bản Ngã (Self) như nguồn gốc của sự tích hợp

Nếu xem xét theo đường lối này thì có thể xem bản ngã như nằm ngoài thể vật lý, và bền bỉ hơn các trạng thái trí tuệ và cảm xúc của ta, những trạng thái mà chúng ta đều biết rằng thay đổi qua từng thời điểm. Khái niệm về bản ngã hay cái tôi như một nguyên lý kết hợp đã được sử dụng bởi một số nhà khoa học nhằm tìm ra xuất phát điểm của mỗi quá trình học hỏi—nghĩa là nơi, chứ không phải là khi nào, sự học tập bắt đầu. Erich Jantsch thậm chí còn gợi ý rằng khả năng tự tổ chức là một năng lực của bản thân vũ trụ này, và rằng “Sự tiến hoá, ít nhất là trong lĩnh vực của sự sống, về cơ bản là một tiến trình học hỏi”1. Chúng ta có thể đặt câu hỏi, ai hay cái gì đang học hỏi—theo nghĩa hấp thu và sau đó áp dụng các kết quả có được từ kinh nghiệm? Tôi chắc chắn không thể chấp nhận rằng đó chỉ đơn giản là một chức năng máy móc của bộ não, bởi với tôi, mỗi ngọn núi, mỗi dòng sông, mỗi cái cây, thực vật và động vật đều có một mức độ tâm thức và mức độ cá tính, hay “bản ngã”. Đây là lý do tại sao chúng ta cảm nhận sự hấp dẫn ở một số địa điểm nhất định; chúng có đặc tính riêng của chúng làm lôi cuốn chúng ta lại gần.

Cảm giác tuyến tính của chúng ta về thời gian, vốn rất quan trọng trong cuộc sống, lại không làm chủ tiến trình học tập này. Một mặt, sự đồng hoá các kinh nghiệm luôn luôn diễn ra—không bao giờ ngừng nghỉ—và mặt khác, học hỏi là một trải nghiệm thâm sâu, liên quan đến bản chất của bản ngã. Những kí ức, những sự liên hệ, những hiểu biết thấu đáo, những lí tưởng, nguyện vọng, ý tưởng sáng tạo, tình yêu vô kỷ—tất cả đều duy trì lâu dài sau khi thực tại dần dần đang chắt lọc tinh tuý của nó chuyển vào các tầng sâu thẳm trong tâm thức của chúng ta. Do vậy, chúng trở thành một thành tố không thể xoá bỏ trong bản chất của chúng ta, và đóng góp vào sự tiến hoá và phát triển của mỗi cá nhân.

Thế giới cảm dục (cõi cảm dục, trung giới)

Giống như bầu khí quyển của trái đất, trường cảm xúc luôn luôn hiện diện và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống. Nó có thể được gọi một cách hợp thức là “thế giới” cảm dục, bởi vì nó sao chép, theo cách riêng của mình, những đặc tính của thế giới vật lý. Theo những gì tôi biết được cho đến nay thì có một đối phần cảm xúc của mọi thứ trong thế giới vật lý (con người, động vật, cây cỏ, đá, thậm chí cả các phân tử). Có một quang cảnh thể cảm dục như nó là. Vì cảm xúc không ổn định như vật thể vật lý, cảnh tượng loại này có một số đặc điểm của thế giới trong giấc mơ. Nhưng thế giới vật lý cũng có sự ổn định ở một mức độ nhất định, đúng không? Tính ổn định, nói cách khác, là tương đối và thường phụ thuộc vào nhận thức của chúng ta. Với người mà điểm tập trung sự chú ý nằm ở thế giới cảm xúc thì các đặc điểm của thế giới đó hiện ra như bình thường và hiện thực như giới tự nhiên vật lý đối với chúng ta.

Tôi biết rằng giới tự nhiên thường được chia thành phần có sự sống và phần không có sự sống, nhưng tôi không nhận thấy những khác biệt này. Vì cảm giác là một đặc tính của sự sống, mọi thứ có thể nhận biết trong trường cảm xúc thì đều có sự sống ở cấp độ nào đó—hoặc là một mối liên hệ với sự sống. Toàn bộ sinh vật tương tác với môi trường xung quanh chúng thông qua việc trao đổi sinh khí prana hay năng lượng sự sống trong trường dĩ thái nhưng chúng cũng tương tác ở một mức độ mạnh mẽ thông qua cảm giác. Đây chắc chắn là đường lối cơ bản mà chúng ta tương tác với động vật. Trong một hình thái sự sống đơn giản hơn, cảm giác có thể hiện ra với đặc tính là thèm khát, hấp dẫn, sợ hãi, vân vân. Nhưng ngay cả ở đây vẫn có sự hiện diện của một cảm giác ưa thích mơ hồ, cảm giác mà ở động vật tiến hoá hơn sẽ khai mở thành mối quan tâm và tình cảm. Vấn đề tôi đang cố gắng làm rõ ở đây là vì tất cả các sinh vật sống đều có tâm thức ở mức độ nào đó, nên chúng đều tham dự ở cấp độ nào đó vào trường cảm xúc.

Sự sinh động (Dynamism)

Như tôi đã nói, các trường năng lượng cần được nhìn nhận như là các trạng thái liên hệ lẫn nhau của tâm thức và năng lượng, trong đó chúng có những đặc điểm riêng. Ở trường hợp của trường cảm xúc, từ ngữ miêu tả tính chất một cách chính xác nhất của trường này là tính sinh động. Cảm xúc thường có sức mạnh rất lớn, đồng thời rất hay thay đổi. Chúng đến và đi như các đám mây ngang qua bầu trời, nhưng tuy vậy, cũng như các đám mây, chúng là một đặc điểm trường cửu của thế giới này. Thực tế chúng là những mẫu hình hay hình trạng mà trong đó sự thay đổi liên tục diễn ra.

Trừ phi tính sống động cơ bản của trường cảm xúc được thấu hiểu, những bức tranh về hào quang sau đây sẽ bị hiểu sai. Nhiều người rất khó chấp nhận được tính vô thường cơ bản của sự sống, và khó có thể nhận ra rằng sự thay đổi là liên tục và không thể tránh khỏi. Không có gì là đứng yên; mọi thứ đều đang trong tiến trình trở thành một thứ khác. Tất cả giới tự nhiên đều được thấm nhuần bởi sự thay đổi luôn luôn diễn ra này, điều mà chúng ta nhận ra như một quá trình tiến hoá đang xảy ra ở mọi cấp độ. Điều này không có nghĩa là sự sống là luôn nguy hiểm và bấp bênh, hay là chúng ta đang sống trong một tình trạng hỗn loạn không thể kiểm soát. Thực ra là điều ngược lại. Khi chúng ta nhận biết rằng nguyên tắc của thay đổi có trật tự chính là quy luật của vũ trụ này, chúng ta có thể chấp nhận và sống với nó, như những nhà Đạo Giáo đã chỉ ra.

Bên trong các tiến trình tự nhiên đang diễn ra, chúng ta thấy những khác biệt lớn giữa nhịp độ chậm của những thay đổi về địa chất, đến những chu trình sinh học nhanh chóng, cho tới tốc độ của ánh sáng. Khí ga dễ thay đổi hơn nước, nước dễ thay đổi hơn sỏi đá. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi những chiều đo cao hơn lại dễ thay đổi hơn rất nhiều so với trạng thái vật lý. Trong trường cảm xúc, các cảm giác thường cùng lúc cuốn qua chúng ta, làm tràn ngập mọi thứ với đợt dâng nhanh của niềm vui hay nỗi buồn hay sự giận giữ hay tình yêu. Đặc tính nổi bật nhất của tương tác thể cảm dục là khả năng dễ thay đổi và tính linh động. Tuy vậy, sợi dây ngã thức của chúng ta luôn tồn tại qua tất cả những thay đổi này. Nói cách khác, bạn vẫn chính là bạn, dù là đứa trẻ, thanh niên hay người trưởng thành, dù ốm yếu hay khi khoẻ mạnh, dù hạnh phúc hay buồn rầu. Bản Ngã (Self-identity) là thứ duy nhất liên tục trong một thế giới luôn luôn thay đổi này.

Tham gia vào trường cảm xúc

Hào quang, sẽ được mô tả ở chương sau, là một trường cảm xúc cá nhân của một người. Nhưng điều quan trọng là việc nhận ra rằng cảm xúc của chúng ta, những cảm xúc cá nhân mãnh liệt đối với ta, được chia sẻ bởi mọi thực thể sống. Chúng là một cấu phần tự nhiên hay là tính chất của sự sống. Chúng ta không bao giờ đơn độc trừ khi chúng ta làm vậy một cách có chủ ý; chúng ta có thể chạm tới một người khác thông qua các cảm giác của mình, ngay cả khi từ ngữ không thể diễn tả nổi cách giao tiếp này. Loại chia sẻ này có thể xảy ra vì trường năng lượng cá nhân của mỗi chúng ta cộng hưởng một cách đồng điệu với trường năng lượng cá nhân của những người khác. Mọi thứ, mọi người đều tham gia vào trường cảm xúc vũ trụ.

Bằng cách nào mà những cảm xúc chúng ta trải nghiệm cực kỳ riêng tư với mỗi người lại tương tác với trường năng lượng lớn hơn của các cảm xúc? Các cảm xúc của chúng ta thực sự là một phần của bản chất chúng ta tới mức chúng ta khó có thể nhận ra rằng chúng không chỉ ảnh hưởng đến những gì gần gũi với chúng ta mà còn làm thay đổi toàn thể trường năng lượng theo cách không nhận ra được. Tuy nhiên, nếu chúng ta liên hệ điều này với các mối quan hệ cá nhân—không chỉ trong gia đình, mà còn trong đời sống xã hội và nghề nghiệp—chúng ta sẽ thấy cách ảnh hưởng này có thể tiển triển. Phản ứng của chúng ta với những người mà chúng ta đặc biệt yêu thích, cũng như những người mà chúng ta không thích, thường là kết quả bắt nguồn từ mối tương tác của chúng ta từ cấp độ cảm xúc. Hào quang của mỗi người là một tổ hợp của các đặc tính cảm xúc mà các cảm xúc của chúng ta cộng hưởng. Tất nhiên, chúng ta thường nhầm lẫn trong các đánh giá nhanh ban đầu như vậy, bởi vì những đáp ứng về mặt cảm xúc thường dựa trên sự tương hợp nhiều hơn là trên đặc tính, nhưng sức mạnh của loại hình tương tác này là có thật.

Vì trường cảm xúc là một hệ thống mở, nó luôn có khả năng tương tác với các trường khác xung quanh chúng ta ở nhiều cấp độ. Tôi nói ở nhiều cấp độ bởi vì một số người trong chúng ta nhạy cảm hơn những người khác. Những người nhạy cảm như vậy tiếp nhận một số năng lượng cảm xúc mà người khác đang cảm nhận, do vậy, có thể có sự trao đổi cảm xúc mà không cần nói ra dù chỉ một từ. Tuy nhiên, một vài người cảm nhận được cảm xúc của người khác mà không thể hiểu cảm xúc đó một cách chính xác, vì vây có thể hiểu nhầm các nguyên nhân gây ra nó. Ví dụ, chúng ta có thể đang tiếp xúc với một người đang khó chịu vì vài nguyên do nào đó không liên quan đến chúng ta, tuy nhiên, chúng ta có thể cảm nhận được những hiệu ứng của sự khó chịu này. Nhiều người thường bị tổn thương hay tức giận vì những kiểu hiểu biết nhầm lẫn này. Nếu hiện tượng này kéo dài, nó có thể dẫn đến cảm giác sợ hãi khi tương tác với người khác.

Quan hệ ứng xử giữa các cá nhân (Interpersonal Relationships)

Quan sát này áp dụng cả vào các mối quan hệ trong gia đình và các mối quan hệ gần gũi khác, và thật ra với mọi tương tác của nhân loại. Trên nhiều phương diện, các mối quan hệ giữa người với người có thể là những trải nghiệm đau đớn nhất trong cuộc sống của chúng ta, hoặc có thể là kinh nghiệm hữu ích và bổ ích nhất. Nhưng về mặt toàn thể, chúng ta không nhận thức được mức độ mà những phản ứng cảm xúc của mình tác động đến những người gần gũi với chúng ta. Tất cả các mối quan hệ cá nhân đều dễ bị tổn thương bởi sự trao đổi qua lại các cảm xúc mãnh liệt, một sự thật mà chúng ta dường như không nhận ra cho đến khi sự huỷ hoại đã hoàn tất. Không ai trong chúng ta có thể thoát khỏi hoàn toàn ảnh hưởng của môi trường cảm xúc và trí tuệ xung quanh mình, mặc dù chúng ta không nhận biết một cách hữu ý điều gì đang diễn ra. Chúng ta có thể bị kích thích hay buồn rầu, làm cho bình an hay khó chịu, bởi những nơi chốn và hoàn cảnh mà chúng ta đang ở trong đó. Điều này đặc biệt đúng với trẻ con, những thực thể thường nhạy cảm hơn người lớn đối với bầu không khí cảm xúc.

Ngày nay, trong một thế giới có đặc điểm tiêu biểu là nhiều gia đình tan vỡ, trẻ em thường cảm thấy cô đơn ngoại trừ trong mối quan hệ của chúng với những trẻ khác, bởi vì không có một nền tảng cơ bản nào cho sự tin tưởng cảm xúc giữa cha và mẹ. Khi trẻ em bị bỏ rơi để tự đi theo con đường riêng của chúng, chúng dễ dàng sử dụng ma tuý. Trẻ em cần có các mối quan hệ kiên định và một môi trường an toàn, và nếu chúng không tìm thấy những điều kiện này ở gia đình, chúng sẽ tìm kiếm nó ở những đứa trẻ khác trên đường phố.

Trạng thái môi trường cảm xúc của chúng ta có thể hoàn toàn không liên quan đến mức độ thoải mái và vẻ đẹp—hay thiếu vắng những điều này—bên trong hoàn cảnh vật lý của chúng ta. Trên cả điều này, có một một trường rộng lớn hơn tạo bởi thái độ và cảm xúc của nền văn hoá của chúng ta, cả cấp quốc gia và quốc tế. Nhiều người hình dung được hào quang cá nhân khá dễ dàng và những hình ảnh minh hoạ cho cuốn sách này có thể giúp ích cho việc này. Nhưng điều khó hơn cả là nghĩ về bản thân không gian như là chỗ chứa đầy các loại năng lượng xúc cảm. Tuy nhiên, ý tưởng này là quan trọng vì nó giúp chúng ta hiểu được cách năng lượng toàn thể liên tục ảnh hưởng đến chúng ta. Và đây cũng không phải là một quy trình một chiều. Trường năng lượng ảnh hưởng lên chúng ta và chúng ta ảnh hưởng đến trường năng lượng, ngay cả khi ở các cấp độ khác nhau. Tất cả chúng ta đều đóng góp suy nghĩ và cảm xúc vào cái có thể được gọi là cấu phần cảm dục của thế giới, và đóng góp này là không hề nhỏ. Sự thật đây là một mãnh lực cho sự thay đổi tiến hoá về mặt phát triển và tăng trưởng của loài người.

Sự cộng hưởng

Tôi đã nói rằng những tương tác giữa các trường năng lượng dựa trên nguyên tắc cộng hưởng mà tôi không hiểu, mặc dù tôi thấy được những kết quả biểu hiện của nó. Trong trường hợp cảm xúc, bất cứ ai có xu hướng nghiêng về một loại năng lượng cảm xúc nhất định sẽ cộng hưởng với sự hiện tồn của nó. Ví dụ, khi một người bị kích động với một cảm xúc mạnh mẽ như là cơn thịnh nộ, năng lượng này sẽ được phóng vào trường cảm xúc, nơi nó sẽ khuếch đại cơn giận đã có sẵn ở đó. Kết quả là, bất cứ người nào khác dễ bị kích động giận dữ đều có xu hướng bị trầm trọng thêm; cảm xúc sẽ bị khuếch đại lên như một cơn sóng đứng.

Chiến tranh, thảm hoạ thiên nhiên và cả những sự kiện như sập thị trường chứng khoán tạo nên mối lo lắng ở khắp nơi, và điều này lan đi nhanh như ngọn lửa trong gió khắp thế giới, ngày càng lan truyền tới nhiều người hơn, và những ngườinày đến lượt họ sẽ khuếch đại ảnh hưởng xấu này. Khi mọi người bị càn quét bởi nỗi sợ hãi hay giận dữ bất ngờ, họ trở nên dễ bị tổn thương với những cảm xúc mãnh liệt trong trường cảm xúc, và rồi những cơn bão cảm xúc có thể gây nên sự hoảng loạn hay những làn sóng bạo lực. Chúng ta đều đã thấy hình ảnh của những đám đông trở nên cuồng loạn dưới ảnh hưởng của loại cảm xúc tập thể như vậy.

Nhưng chứng ta không cần để bản thân bị nhấn chìm bởi ảnh hưởng xấu của những cảm xúc tiêu cực. Chúng ta có thể giữ bình tĩnh ngay cả khi chúng ta bị bao quanh bởi bạo lực, và sự ổn định này có thể làm giảm bớt cơn giận dữ và xua tan nó. Ngay cả khi có sự hiện diện của giận giữ trước ta, ta không cần thiết để nó cộng hưởng trong ta. Liều thuốc giải độc nằm ở những cảm xúc tích cực như bình an, thấu hiểu và đồng cảm, vì những cảm xúc này mạnh mẽ hơn những cảm xúc tiêu cực và làm chúng ta mạnh mẽ hơn để từ chối những cảm xúc tiêu cực.

Năng lượng Chữa lành của tự nhiên

Đây là lý do tại sao mọi người cảm thấy khoẻ khoắn hẳn khi họ rời thành phố—tuy có thể bị thôi thúc —để đến miền quê bình yên. Thiên nhiên có một ảnh hưởng mạnh mẽ lên chúng ta bởi nó được tích hợp với những năng lượng có thể ảnh hưởng lên chúng ta một cách trực tiếp. Trong giai đoạn lịch sử này, khi những áp lực của đời sống bị thổi phồng lên thêm mỗi ngày, và mọi người tụ tập với mật độ dày đặc, có một nhu cầu cấp thiếp hơn để đạt được sự tĩnh lặng nội tại. Thiên nhiên có thể và chắc chắn cung cấp cảm giác hài hoà và bình yên, vì mặc dù nó có thể là đối tượng của những biến động của gió và bão, nó hoàn toàn không có xung đột về mặt cảm xúc.

Trong tự nhiên, những thực thể tinh thần duy trì sự sống luôn hiện diện. Vì vậy, tiếp xúc với đất hay núi hay biển có thể làm tăng khả năng đối phó với những cơn bão lòng của chúng ta—và thậm chí cả thái độ thù địch và bạo lực của người khác—với sức mạnh và sự vững vàng kiên định. Khi chúng ta làm được việc này, chúng ta từ chối chịu thua những cảm xúc tiêu cực, ngay cả khi chúng ta bị ném vào chúng. Hơn cả là chúng ta đang đóng góp vào hoà bình thế giới, vì chúng ta đang ảnh hưởng và làm thay đổi trường cảm xúc toàn thể, thay vào việc chỉ đơn giản là phản ứng với nó.

Ngày nay ngày càng có nhiều người trở thành những nhà hoạt động vì môi trường, cố gắng giúp chữa lành vết thương mà sự vô minh và lòng tham của con người đã gây nên cho trái đất. Những thái độ như vậy có thể có ảnh hưởng sâu sắc trong việc xoay chuyển tình trạng bóc lột mà thiên nhiên đã phải chịu đựng dưới bàn tay của chúng ta. Bước tiếp theo trong quá trình khôi phục là để con người có thể nhận ra thái độ, suy nghĩ và cảm xúc của chính mình có thể có ảnh hưởng tương tự lên cấp độ căng thẳng và bạo lực trên thế giới. Chúng ta có thể ảnh hưởng bầu không khí cảm dục mà chúng ta đều chia sẻ theo cách tích cực, và do vậy tạo nên đóng góp cho chất lượng cuộc sống của mỗi người.

Leave Comment