header image
Like us on Facebook Follow us on Twitter RSS feeds

Annie Besant

SỰ CHẾT VÀ SAU KHI CHẾT

(Death and After)

Tô Hiệp và nhóm dịch thuật Krotona

2012


MỤC LỤC

***

DẪN KHỞI

CHƯƠNG 1

CON NGƯỜI TRƯỜNG TỒN VÀ CON NGƯỜI HOẠI DIỆT

CHƯƠNG 2

SỐ PHẬN CỦA THỂ XÁC

CHƯƠNG 3

SỐ PHẬN CỦA THỂ PHÁCH

CHƯƠNG 4

SỐ PHẬN CỦA HAM MUỐN VÀ ĐAM MÊ

CHƯƠNG 5

NHỮNG MA HÌNH (The Shells)

CHƯƠNG 6

CẢM DỤC GIỚI NHỮNG ÂM MA (Elementaries)

CHƯƠNG 7

CÕI TRỜI CHÂN PHÚC (Devachan)

CHƯƠNG 8

CƯ DÂN Ở CÕI TRỜI CHÂN PHÚC (The Devachani)

CHƯƠNG 9

TRỞ  LẠI  CÕI  TRẦN

CHƯƠNG 10

NIẾT  BÀN

CHƯƠNG 11

SỰ LIÊN LẠC GIỮA CÕI TRẦN VÀ NHỮNG CÕI KHÁC

PHỤ LỤC

SỐ PHẬN NGƯỜI TỰ TỬ


DẪN KHỞI

***

          Chắc mọi người đều nhớ câu chuyện một người truyền giáo Cơ Đốc ở nước Anh đi rao giảng phúc âm. Một buổi chiều, vị giáo sĩ này vào thăm vua Saxon trong một căn phòng rộng lớn, có vua và các quần thần vây quanh. Khi nhà truyền giáo đang nói về sự sống, sự chết và sự trường tồn, một con chim bay xuyên qua cửa sổ đang mở vào căn phòng, nó bay một vòng quanh căn phòng, xong bay trở ra ngoài trời tối. Vị giáo sĩ nói với đức vua về sự tượng tự giữa vòng bay quanh căn phòng của con chim và đời sống tạm bợ của con người. Từ bóng tối, xuyên qua cửa sổ của sự sinh, con người vào thế gian, cư ngụ một thời gian ngắn ở thế gian, rồi xuyên qua cửa sổ của sự chết, nó biến mất vào bóng tối.

          Từ xưa, con người đã từng thắc mắc về sự chết, nhưng mỗi tôn giáo, mỗi niềm tin đều có câu trả lời khác nhau. Trong văn chương cũng như trong nghệ thuật, đều có diễn tả sự u buồn, ảm đạm của cái chết, nó được vẽ như một bộ xương tay cầm lưỡi hái, với đầu lâu có cái miệng nhe răng cười đầy vẻ hăm dọa,

          Ngày nay, số người xem sự chết như một điều đáng kinh sợ đã giảm bớt. Không còn những kiểu xe tang kỳ quặc thấy dễ sợ và những người khóc mướn một cách thảm thiết cạnh quan tài. Trái lại, người ta trang trí quan tài, đặt chung quanh nó các loại hoa với nhiều màu sắc.

          Mỗi tôn giáo, mỗi chủng tộc, mỗi nền văn hóa đều có những tập quán khác nhau khi đối diện với cái chết, và có niềm tin khác nhau về tình trạng sau khi chết. Tuy nhiên tất cả đều chấp nhận có “một cái gì đó” trường tồn sau khi con người đã từ bỏ thể xác. Mục đích quyển sách này để nghiên cứu một cách tổng quát về sự chết và tình trạng con người sau khi chết, dựa theo giáo lý Minh Triết Thiêng Liêng ẩn tàng trong các triết lý cũng như trong các tôn giáo chính thống trên thế giới.

***


CHƯƠNG 1

CON NGƯỜI TRƯỜNG TỒN

CON NGƯỜI HOẠI DIỆT

          Trước khi xem xét tình trạng con người sau khi chết, chúng ta cần biết sơ lược thành phần của con người theo quan điểm Triết Lý Bí Truyền. Vì phải nắm vững cơ cấu của con người, chúng ta mới hiểu sự phân hủy của chúng. Thành phần con người gồm có:

          Tam nguyên trường tồn: tức Chân Ngã.

                   Atma, hay Tinh Thần biểu lộ như Ý Chí.

                   Buddhi, hay Tinh Thần biểu lộ như Trực Giác.

                   Manas, hay Tinh Thần biểu lộ như Trí Tuệ.

          Tứ nguyên hoại diệt: tức Phàm Ngã.

                   Manas thấp, hay cái Trí.

                   Kama, hay Cảm Dục.

                   Prana, như Sinh Lực Năng Lượng.

                   Prana, như Sinh Lực Tự Động.

          Trên phương diện các thể của con người, thể đậm đặc là thể hữu hình, có thể xúc chạm được, cấu tạo bởi nhiều tế bào khác nhau. Thể phách là thể tương ứng với thể xác đậm đặc, nó được cấu tạo bởi những chất dĩ thái cõi trần. Prana là sinh lực, cũng là năng lượng hợp nhất, nó kết dính những phân tử vật chất và giữ chúng lại cùng nhau trong một cơ quan xác định. Prana là hơi thở của sự sống ở bên trong cơ quan, thành phần của Hơi Thở Sự Sống vũ trụ, nó được dành riêng cho cơ quan trong suốt khoảng thời gian hiện tồn của cái mà chúng ta gọi là “một đời sống”. Nó xuất hiện dưới 2 hình thức, ở trong phần đậm đặc và phần dĩ thái của thể xác. Cảm Dục là tập hợp của sự thèm khát, đam mê và cảm xúc, thường có ở con người và vài loại thú vật. Cảm xúc phát triển đến cao điểm trong con người dưới tác động của cái trí thấp. Manas là chủ thể suy tư trong chúng ta, hay Trí Tuệ. Buddhi là phương diện của phần Tinh Thần, nó biểu lộ bên trên Trí Tuệ.

          Như thế, Trí Tuệ là đường nối kết giữa Tam Nguyên Trường Tồn và Tứ Nguyên Hoại Diệt. Trong suốt đời sống hồng trần, cũng như những kiếp tái sinh, Trí Tuệ mang đặc tính nhị nguyên: Trí Tuệ (Intellect) và cái Trí (Mind). Trí tuệ gởi ra một tia của nó, tức cái Trí, để làm việc xuyên qua bộ óc xác thân, nó vận hành như tâm thức não bộ, đó chính là trí suy luận. Cái trí suy luận này trộn lẫn với dục vọng và bản chất đam mê, vì thế môn tâm lý học tây phương xác định những đam mê và cảm xúc là một thành phần của cái trí. Do đó, đường nối kết được thành lập giữa bản chất thấp và bản chất cao trong con người, Trí Cảm Dục (Desire-Mind) thuộc về phần cao do sự thông minh của nó, và thuộc về phần thấp do những yếu tố cảm xúc của nó. Điều này tạo nên “chiến trường” trong suốt cuộc sống con người, và nó đóng vai trò quan trọng trong tình trạng sau khi chết. Nhận thấy có sự trộn lẫn trong cái Trí Cảm Dục của những phần tử hoại diệt và không hoại diệt, chúng ta có thể phân loại 7 nguyên lý thuộc con người một cách hơi khác hơn như sau:

Trường tồn:                    Ý Chí (Will)

          Trực Giác (Intuition)

                                      Trí Tuệ (Intellect)

Trường tồn có điều kiện: Trí Cảm Dục (Desire-Mind)

Hoại diệt:                       Cảm Dục (Desire)

                                       Sinh Lực Năng Lượng (Energizing Vitality)

                                      Sinh Lực Tự Động (Automatic Vitality)

          Vài tác giả Thiên Chúa Giáo chấp nhận sự phân chia tương tự như thế, họ cho rằng Tinh Thần (Spirit) là phần thừa kế bất tử từ Thiêng Liêng; Linh Hồn (Soul) là phần trường cửu có điều kiện, nó có thể đạt được sự bất tử do kết hợp với Tinh Thần; Xác Thân là phần hoại diệt. Còn đối với đa số tín đồ Thiên Chúa Giáo bình thường, con người được chia làm hai thành phần: Xác Thân sẽ mất đi sau khi chết và một cái gì đó, đôi khi được gọi là Linh Hồn, đôi khi được gọi là Tinh Thần, là phần vẫn tồn tại sau khi chết. Sự phân chia con người làm hai thành phần này hoàn toàn không thích hợp, cũng như không hợp lý để giải thích rõ những hiện tượng sau khi chết. Cách chia bản chất con người thành ba phần cho thấy một tầm nhìn hợp lý hơn về sự cấu tạo con người, nhưng vẫn chưa đủ để giải thích nhiều hiện tượng. Chỉ có sự phân chia “thất nguyên” mới đưa ra một lý thuyết hợp lý, phù hợp với những sự kiện mà chúng ta nghiên cứu, tuy nó có vẻ phức tạp, nhưng người học đạo khôn ngoan cần làm quen với cách phân chia này. Đối với một người nghiên cứu, muốn tìm hiểu những hoạt động của thể xác, họ phải xếp loại những tế bào, những mô, kỹ lưỡng và nhiều chi tiết hơn những gì mà chúng ta đề cập nơi đây. Họ phải học về sự khác biệt giữa những mô cơ, mô thần kinh, mô xương, mô liên kết v.v… và nhiều dạng khác nhau của chúng. Nếu họ không chịu làm thế, chắc chắn họ sẽ không thể hiểu được sự khác nhau của những thành phần cấu tạo nên thể xác, cũng như những hiện tượng phức tạp trong cơ chế sinh hoạt của nó. Một loại mô dùng để nâng đỡ, một loại dùng để vận động, loại khác dùng để bài tiết, loại khác dùng để hấp thu v.v… nếu mỗi loại không có tên riêng, khi đề cập đến nó, ta sẽ gặp nhiều rắc rối và nhầm lẫn, do đó không thể hiểu được nhiệm vụ của các thành phần trong cơ thể. Đối với hiện tượng sau khi chết cũng thế, để bắt đầu nghiên cứu, chúng ta buộc phải sử dụng một số danh từ kỹ thuật. Vì trong Anh ngữ chưa có đủ từ ngữ để diễn tả những sự việc vô hình, cho nên có nhiều chỗ chúng ta buộc phải diễn tả bằng những câu dài dòng, khá rắc rối và bất tiện.

          Tôi tin rằng sự đối nghịch giữa Triết Lý Nội Môn và Thần Linh Học phần lớn do sự nhầm lẫn về những danh từ, từ đó đưa đến sự hiểu lầm ý nghĩa của nhau. Gần đây, một nhà Thần Linh Học nổi tiếng nói rằng ông thấy không cần thiết định nghĩa chính xác, chỉ cần biết rằng Tinh Thần không phải là xác thân, nó là phần còn lại của con người sau khi chết. Vậy thì, một người khác cũng có thể nói cơ thể con người gồm xương và máu, khi người này được hỏi cái gì là máu, người này trả lời: “À! Tôi muốn nói tất cả những gì không phải là xương”, như thế, thật quá đại khái! Sau khi chúng ta cùng chấp nhận định nghĩa những danh từ, và sử dụng chúng một cách thích hợp, chúng ta sẽ thông hiểu lẫn nhau hơn, đó là bước đầu tiên đưa đến sự so sánh một cách hợp lý kinh nghiệm của người này với kinh nghiệm của người kia trong việc nghiên cứu.


CHƯƠNG 2

SỐ PHẬN CỦA THỂ XÁC

          Cơ thể con người liên tục ở trong tiến trình phân hủy và tái tạo. Đầu tiên, trong tử cung người mẹ, nó được tạo ra theo khuôn mẫu dĩ thái, liên tục được bổ xung bằng những chất liệu tươi mới. Ở mỗi lúc, có những phân tử rất nhỏ rời khỏi thể xác, tràn ra ngoài, đồng thời có những phân tử rất nhỏ khác tuôn đổ vào nó. Những phân tử tuôn tràn ra khỏi thể xác được phân tán vào môi trường, để giúp vào việc tái tạo mọi loài, từ kim thạch, thảo mộc, thú cầm đến con người, vì nền tảng vật chất cấu tạo mọi loài đều giống nhau.

          Ý tưởng con người là “điện thờ” được truyền lại từ nhiều đời. Đích thật, theo quan niệm huyền bí, xác thân con người cũng tương đồng với lớp đá sỏi trên quả địa cầu… Khoa học cho biết, cơ quan sống cũng như cơ quan chết của con người và thú vật chứa đầy dẫy những vi trùng thuộc nhiều loại khác nhau. Với mỗi hơi thở, con người bị đe dọa vì sự xâm nhập của vi trùng từ bên ngoài vào cơ thể, và bên trong cơ thể cũng có vô số những độc chất, những vi trùng hiếu khí và những vi trùng kỵ khí. Nhưng khoa học chưa tiến xa hơn trong việc xác định cùng giáo lý huyền môn rằng cơ thể con người cũng như cơ thể thú vật, cây cỏ, đất đá, đều được cấu tạo bởi những thực thể cực nhỏ mà kính hiển vi không thấy được. Cho đến nay, khoa học đang trên đường khám phá để xác nhận lý thuyết này, đối với thành phần thuần vật chất của con người và của thú vật. Hóa học và sinh lý học là hai môn học rất kỳ diệu của tương lai, chúng sẽ đem lại cho nhân loại sự hiểu biết quan trọng đích thật về vật chất. Sự tương đồng giữa xác thân con người với thú vật, giữa con người với thảo mộc, ngay với loài bò sát và cái tổ của nó, và tảng đá… càng ngày càng được chứng tỏ. Con người sẽ khám phá sự giống nhau về cơ cấu vật lý và hóa học của mọi loài. Ngành hóa học sẽ cho biết không có sự khác nhau giữa chất liệu cấu tạo nên con bò và con người. Nhưng Giáo Lý Huyền Bí còn đi xa hơn, cho biết không những chúng được cấu tạo cùng những hợp chất hóa học, mà còn cùng những sự sống vi tế, vô hình, tạo nên những nguyên tử của quả núi cũng như của đóa hoa dại, của con nguời và con kiến, của con voi và cội cây che bóng cho nó. Mỗi phần tử, dù bạn có gọi nó là hữu cơ hay vô cơ, đều là một sự sống.(Trích trong Giáo Lý Bí Truyền, quyển I, trang 281, in lần thứ 3.)

          Những “sự sống” riêng rẽ và độc lập này là những dẫn thể nhỏ bé của Sinh Lực Tự Động, kết hợp nhau tạo thành những phân tử và tế bào của xác thân, chúng tuôn vào và tuôn ra trong suốt những năm của sự sống xác thân, tạo nên một cầu nối liên tục giữa con người và môi trường chung quanh. Những sự sống này được kiểm soát bởi “Lửa Của Sự Sống”, Sinh Lực Năng Lượng, buộc chúng làm công việc cấu tạo nên những tế bào của cơ thể, vì thế chúng làm việc có trật tự và hòa điệu nhau, lệ thuộc vào sự biểu lộ của một sự sống cao hơn, trong hệ thống phức tạp, được gọi là Con Người. Trên phương diện tác động kiểm soát và tổ chức ở cõi trần, Lửa Của Sự Sống tương ứng với Sự Sống Duy Nhất của Vũ Trụ (Giáo Lý Bí Truyền quyển I, trang 283, in lần thứ 3). Khi không còn đóng vai trò này trong cơ thể con người, những sự sống thấp sẽ phát tán ra ngoài và cơ cấu xác thân sẽ bị phân hủy. Trong suốt cuộc sống của xác thân, những sự sống nhỏ nhít được tổ chức như một quân đội; bước đều theo mệnh lệnh của vị chỉ huy, cùng tiến hành, cùng di động như một cơ cấu duy nhất. Khi xác thân “chết”, chúng trở thành một đám hỗn tạp vô tổ chức, chạy tán loạn nơi này nơi khác, chen lấn, xô ngã nhau mà không có chủ đích chung, không có quyền lực để kết hợp chúng nữa. Khi “chết”, cơ thể sống động hơn lúc sống, nhưng đó là sự sống động trong những đơn vị riêng rẽ của nó, và chết trong cái toàn thể của nó.

          Khoa học xem con người như một tập hợp những nguyên tử, những nguyên tử này được kết hợp tạm thời bởi một lực bí ẩn gọi là nguyên lý sống. Đối với người duy vật, sự khác biệt duy nhất giữa sống và chết là trong trường hợp thứ nhất, lực bí ẩn ở trạng thái hoạt động, còn trong trường hợp thứ hai, lực này ở trạng thái tiềm ẩn. Khi lực này không tồn tại hay ở trạng thái tiềm ẩn, những phân tử bị sức thu hút khác, phân tán chúng vào không gian. Sự phân tán này được gọi là sự “Chết”, nếu ta quan niệm đó là sự chết, trong khi chính những phân tử của xác chết biểu lộ một năng lượng sống rất mạnh mẽ. Eliphas nói: “Sự thay đổi chứng tỏ có chuyển động, và chính sự chuyển động cho thấy có sự sống. Xác chết sẽ không phân hủy nếu nó đã chết; tất cả những phân tử cấu tạo nên nó đang sống và tranh đấu để tách rời.” (Trích trong Isis Unveiled, quyển I, trang 480)

          Những ai đã đọc “Bảy Nguyên Lý của Con Người” (Theosophical Manuals, no.1) đều biết rằng thể phách hay thể dĩ thái kép (etheric double) là dẫn thể của Prana, tức nguyên lý sống, hay sinh lực. Xuyên qua thể phách, Prana tác động như một lực kiểm soát và phối hợp như được nói ở trên. Sự “Chết” xảy ra đối với thể xác khi thể phách tách rời hoàn toàn khỏi thể xác, và sợi dây mảnh mai nối kết nó với thể xác bị đứt. Người có nhãn thông có thể quan sát một cách rõ ràng tiến trình rút lui của thể vía ra khỏi thể xác. Andrew Jackson Davis tả lại những gì ông đã quan sát thể phách thoát ra khỏi thể xác như thế nào, và ông cho biết sợi dây từ điện chỉ bị đứt 36 giờ sau khi xác thân coi như đã chết. Những người khác diễn tả tương tự và cho biết họ thấy thể phách giống như một đám sương mù thoát ra khỏi cái xác đang chết, từ từ đậm đặc hơn và có hình dạng giống như thể xác, nó được nối liền với thể xác bằng một sợi chỉ chiếu lấp lánh. Sợi chỉ này đứt có nghĩa là chấm dứt sự nối kết từ điển cuối cùng giữa thể xác đậm đặc và những nguyên lý còn lại của cơ cấu con người, nói khác đi, con người đã bỏ lại thể xác. Như thế, ngay sau khi chết, trong cơ cấu con người chỉ còn 6 nguyên lý, thể xác đậm đặc tức nguyên lý thứ bảy bị bỏ lại như một lớp áo bị vất đi.

          Sự chết là một tiến trình lặp đi lặp lại của sự cởi bỏ những lớp áo, hay những lớp vỏ. Thành phần bất tử của con người giũ bỏ khỏi nó những lớp vỏ bên ngoài, từ lớp này đến lớp kia, như con rắn lột bỏ lớp da, như con bướm bỏ lớp nhộng. Con người thâm nhập vào những trạng thái tâm thức càng lúc càng cao hơn. Như thế, sau khi thoát khỏi thể xác, tâm thức con ngưòi trú ngụ trong dẫn thể khác có tên là thể cảm dục, hay thể vía, và khi lên cao hơn nữa là thể của tư tưởng thanh cao. Sự hiểu biết về vấn đề này có ảnh hưởng đối với cuộc sống thế gian, làm cho con người trở nên quen thuộc với trạng thái xuất ra khỏi thể xác, và không còn sợ hãi, do không biết những gì sẽ xảy ra khi “chết”. Con người biết chính họ là một thực thể ý thức, họ có thể ở trong dẫn thể này hoặc dẫn thể kia, và họ chấp nhận rằng “sự sống” không chỉ tùy thuộc vào sự hoạt động của họ xuyên qua thể xác. Khi nhận thức được tiến trình giũ bỏ dần những thể thấp, cái Ngã Bất Tử tự do thoát khỏi ngục tù xác thân, và sự sống trở nên sinh động hơn, con người sẽ không sợ hãi khi rời bỏ những chướng ngại tạm bợ nơi cõi thấp.

          Sự sống con người theo quan điểm này là một phần thiết yếu của Triết Lý Bí Truyền. Bản chất con người là thiêng liêng, một tia sáng của Sự Sống Thiêng Liêng. Ngọn lửa sống động phát ra từ Lửa Trung Tâm, tự nó đan lại nhau để che phủ nó ở bên trong, và trở thành Tam Nguyên: Atma-Buddhi-Manas, hay phần Tinh Thần, là phản ảnh của cái Ngã Bất Tử. Từ đây nó phát ra tia sáng, tia sáng này bị bao bọc trong vật chất thô kệch hơn, tức thể vía, hay nguyên tố cảm dục có bản chất đam mê, kế đó trong thể phách và thể xác. Từ đây, bản thể thông tuệ tự do và bất tử bị vướng mắc, bị bao phủ, bị xiềng xích, phải làm việc một cách nặng nhọc, vất vả xuyên qua những lớp vỏ bọc bên ngoài. Trong bản chất, nó vẫn là con chim tự do trên trời cao, nhưng đôi cánh của nó bị trói buộc bởi vật chất mà nó đã thâm nhập vào. Khi nào nhận ra bản chất cố hữu của chính mình, con người sẽ học cách mở cửa ngục tù để trốn thoát khỏi nơi lao lý đã giam cầm mình. Họ tập đồng hóa mình với Tam Nguyên Trường Tồn, vượt thoát khỏi xác thân và những đam mê, để sống một đời đạo đức và tinh thần thuần khiết. Xác thân không thể cầm giữ họ như một tù nhân nữa, họ mở khóa cánh cửa để thoát ra ngoài, từ đây họ bước vào vùng ánh sáng của sự sống thật sự. Như thế, sự Chết mở cửa ngục tù và phóng thích con người, họ biết được nơi nào họ sẽ đến, và họ sẽ đi theo con đường mà họ muốn. Theo dòng tăng trưởng, con người nhận thức ra một sự kiện tối quan trọng: sự “Sống” không liên hệ gì đến xác thân và cõi vật chất này. Sự Sống là sự hiện tồn của tâm thức, liên tục, không gián đoạn, và trong sự Sống liên tục ấy có những giai đoạn ngắn ngủi làm cho con người kém sinh động hơn, vì phải mang nặng những lớp vỏ trì kéo họ xuống. Chỉ trong những giai đoạn ngắn ngủi này (ngoại trừ trường hợp đặc biệt), con người bị mất hoàn toàn ý thức về sự sống liên tục vì bị bao vây bởi những lớp vỏ. Trong những giai đoạn này, con người bị phỉnh lừa và trở nên mù lòa đối với chân lý nằm trong mọi sự vật, do đó họ thấy ảo ảnh trở thành sự thật, cái tạm bợ trở thành cái vững bền. Ánh sáng mặt trời chiếu rọi khắp vũ trụ, khi luân hồi, con người bước ra khỏi ánh sáng ấy để đi vào xác thân mờ tối, và trong giai đoạn bị giam cầm trong xác thân, con người chỉ thấy một cách lờ mờ. Khi “Chết”, con người bước ra khỏi ngục tù xác thân để trở lại với ánh sáng mặt trời tỏ rạng, và được gần gũi hơn với thực tại. Những giai đoạn phải trú ngụ trong xác thân mờ tối rất ngắn ngủi, những thời kỳ con người hưởng ánh sáng tỏ rạng rất lâu dài, nhưng do mù lòa mà chúng ta gọi giai đoạn trong xác thân mờ tối là sự sống, đối với chúng ta nó hiện tồn thật sự, trong khi chúng ta gọi giai đoạn ánh sáng tỏ rạng là sự Chết, và có ý nghĩ sợ sệt phải bước qua đó. Giordano Bruno, một trong những triết gia vĩ đại  thời trung cổ có nói về thế nào là con người thật như sau:

          Người khôn ngoan chỉ hiện diện một phần trong xác thân, phần tốt nhất còn lại sẽ nối kết vững chắc bằng nghi thức với thiêng liêng, theo cách thức mà họ không cảm thấy thương hay ghét những sự vật tạm bợ. Họ tự coi mình như ông chủ, và như thế họ không thể là đầy tớ hay nô lệ cho xác thân. Họ chỉ xem xác thân là ngục tù giam hãm làm cho họ mất tự do, là chất keo dính vào đôi cánh, xiềng xích trói đôi tay, gông cùm bó chặt đôi chân, bức màn che khuất tầm nhìn. Con người không nên để cho mình trở thành đầy tớ, bị xập bẫy, bị xiềng xích, vô cảm và mù quáng, bị chế ngự bởi xác thân.

          Như vậy, nếu xác định được vai trò của xác thân và chinh phục nó, chúng ta được tự do, sự chết không còn làm chúng ta sợ hãi. Khi tử thần chạm vào thể xác mà chúng ta bỏ lại như một lớp y phục, chúng ta vẫn đứng vững tự do bên ngoài.

          Trong lúc sống, thể xác được duy trì bởi Prana, tác động xuyên qua thể phách, khi chết, nó bị bỏ lại trong sự hỗn loạn của vô số sự sống nhỏ nhít, riêng rẽ. Nó bắt đầu tan rã, hư thối, những tế bào và phân tử của nó phân tán, rời bỏ dần xác chết để dự phần vào sự cấu tạo những tổng hợp khác.

          Khi trở lại thế gian, chúng ta có thể có lại một số trong vô số sự sống đã tạo nên thể xác chúng ta ở kiếp trước. Nhưng điều chúng ta quan tâm hiện nay là sự phân hủy của thể xác đã hết hạn kỳ của kiếp sống. Đối với thể xác đậm đặc, “Chết” có nghĩa là sự tan rã của một cơ quan, tức mất đi sự ràng buộc, mất đi sự kết hợp nhiều sự sống trong một sự sống.


CHƯƠNG 3

SỐ PHẬN CỦA THỂ PHÁCH

          Thể phách (hay thể dĩ thái kép, còn đuợc gọi là nhị xác thân: Etheric Double) là đối phần bằng chất dĩ thái của thể xác đậm đặc. Nó được xem là “kép” hay “đôi” với thể xác, vì nó luôn luôn ở cùng với thể xác trong suốt kiếp sống, và nếu vắng mặt nó, thể xác sẽ trở nên nặng nề, không còn sức sống, và gần như hôn mê. Nó tác động như một bể chứa, hay dẫn thể của “nguyên lý sống” trong suốt kiếp trần gian. Khi thể phách rút ra khỏi thể xác, mọi chức năng sinh động của thể xác sẽ bị trì trệ, mặc dù sợi dây nối kết giữa 2 thể chưa bị đứt. Như đã nói ở đoạn trước, khi sợi dây nối kết này bị đứt, đánh dấu sự chết của xác thân.

          Cuối cùng, khi thoát ra khỏi xác thân, thể phách không đi xa, nó thường bay lơ lửng bên trên thể xác. Lúc đó tâm thức con người ở trong trạng thái mơ màng, bình yên, nếu không bị quấy rầy bởi những xúc động mãnh liệt, hỗn độn của những người hiện diện chung quanh thân xác. Cần nhắc lại trong suốt tiến trình chậm chạp lúc chết, khi thể phách rút lui khỏi thể xác và mang theo những nguyên lý cao, cũng như khoảng thời gian sau khi sự rút lui của thể phách đã hoàn tất, thân nhân cần phải tự kiểm soát và giữ hoàn toàn yên lặng trong phòng người chết. Vì trong suốt thời gian này, toàn thể kiếp sống trải qua nhanh chóng trước mắt của linh hồn, hay chân ngã. Một vị Chân Sư nói về sự kiện này như sau:

          Trong lúc ngắn ngủi cuối cùng, toàn thể kiếp sống được phản ảnh trong trí nhớ chúng ta, với tất cả những ngõ ngách và góc cạnh từ lâu đã bị quên lãng. Hình ảnh này nối tiếp hình ảnh kia, sự kiện này theo sau sự kiện kia liên tiếp xuất hiện… Con người có vẻ như chết, nhưng từ nhịp cuối cùng, từ lúc trái tim co bóp lần chót đến giây phút ngắn ngủi khi một chút hơi nóng còn lại rời bỏ thể xác, não bộ vẫn hoạt động, và Linh Hồn vẫn còn hiện diện trong những giây phút ngắn ngủi của toàn thể kiếp sống con người. Người ra đi thì thầm tự hỏi: “Ai nằm trên giường người chết?”, và nhận thấy chính mình đang ở trong giờ phút nghiêm trọng của sự chết. Bạn phải đặc biệt giữ cho người chết được yên tĩnh, hãy để yên cho bàn tay lạnh lẽo của người ấy trên cơ thể. Tôi nói nhỏ cho bạn biết vì sợ bạn làm náo động gợn sóng yên lặng của tư tưởng, ngăn trở tiến trình bận rộn của sự trở về với quá khứ, và làm mất đi phản ảnh của nó lên bức màn của tương lai. (trích trong “Con Người: Những Mảnh Vụn của Lịch Sử bị Quên Lãng, pp. 119-120).

          Trong suốt thời gian này, những hình tư tưởng của cuộc sống trần gian vừa chấm dứt tụ họp chung quanh người tạo ra chúng, phân nhóm và kết họp nhau thành hình ảnh đầy đủ của kiếp sống vừa qua, và toàn thể được ghi đậm trong Ánh Sáng Trung Giới. Tất cả những khuynh hướng quan trọng, những thói quen mạnh mẽ của tư tưởng, những tính khí nổi bật đều ghi dấu ấn và sẽ xuất hiện như những đức tính bẩm sinh trong kiếp sắp tới. Sự quân bình những vấn đề của kiếp sống, và sự đọc lại những gì được ghi chép thuộc nhân quả là một phần rất nghiêm chỉnh và tối quan trọng không thể bị quấy rầy bởi tiếng khóc than, kêu gào của thân nhân và bạn bè. Bà H.P. Blavatsky có viết về điều này trong quyển “Chìa Khóa Thông Thiên” Học như sau:

          Trong khoảnh khắc ngắn ngủi của sự chết, ngay đối với cái chết đột ngột, người chết thấy toàn thể kiếp sống vừa qua sắp xếp theo thứ tự trước mặt, với những chi tiết rất nhỏ nhặt. Khi ấy, cá nhân trở thành một với chân nhân và Linh Hồn ý thức. Thời khắc ngắn ngủi này chỉ đủ cho người chết thấy toàn thể chuỗi mắt xích của những nguyên nhân mà họ đã tạo ra trong suốt kiếp sống của họ. Bây giờ,  người ấy thấy và hiểu chính họ một cách đúng như thật, không trang trí bởi sự tự tôn, hoặc tự đánh lừa mình. Họ đọc cuộc đời họ với tư cách như một khán giả từ khán đài nhìn xuống vận động trường nơi họ sắp rời bỏ.

          Ở người bình thuờng, sau khi nhìn thấy cảnh tượng sống động diễn đạt cuộc đời đã qua, tâm thức họ rơi vào tình trạng mơ màng, bình yên như đã nói ở trên. Thể phách bay lơ lửng bên trên, hoàn toàn tách lìa khỏi thể xác.

Đôi khi những người trong gia đình hay hàng xóm thấy được thể phách, đó là lúc người chết có tư tưởng mạnh mẽ hướng về một người nào còn sống, có khi do sự lo lắng trong trí lúc lâm chung, hoặc một công việc dở dang cần phải hoàn tất, cũng có khi do sự quấy rầy làm người quá cố mất yên tĩnh. Trong những điều kiện như thế, hoặc những sự việc khác có đặc tính tương tự, người ta có thể thấy được thể phách hoặc nghe được nó. Thể phách thường xuất hiện như một đám sương mù, lờ mờ, hình dạng không rõ ràng, tâm thức mơ màng và không đáp ứng.

          Vài ngày sau, 5 nguyên lý cao dần dần tự tách rời khỏi thể phách, và giũ bỏ nó như đã giũ bỏ thể xác đậm đặc lúc trước. Như một thực thể “năm cấp”, chúng đi vào một trạng thái khác sẽ được đề cập sau, chúng bỏ thể phách lại với đối phần của nó, tức thể xác đậm đặc. Như thế, thể phách trở thành một xác chết dĩ thái, cũng như thể xác đã trở thành xác chết vật chất. Xác chết dĩ thái này vẫn ở gần gũi với xác chết vật chất, và dần dần tan rã cùng với xác chết vật chất. Người có thông nhãn nhìn thấy những bóng ma dĩ thái ở nghĩa địa, đôi khi giống như thể xác đã chết, đôi khi như những đám sương mù hay ánh sáng màu tím. Một người có thông nhãn diễn tả lại hình ảnh gớm ghiếc đáng sợ của thể phách đang ở giai đoạn phân hủy. Cùng với thể xác, tiến trình phân hủy của thể phách tiếp tục cho đến khi những mảnh xương của xác chết hoàn toàn tan rã, và những phân tử thoát ra ngoài để tạo thành những tổng hợp khác.

          Ngoài những lợi điểm về vệ sinh môi trường, một điểm lợi lớn khác của việc hỏa thiêu xác chết là sự hồi phục nhanh chóng cho thiên nhiên, thu lại những phần tử vật chất cấu tạo nên thể xác đậm đặc và thể dĩ thái. Thay vì để cho xác chết phân hủy một cách chậm chạp, lửa sẽ làm cho nó tan rã nhanh chóng, không để lại nhiều phiền phức.


CHƯƠNG 4

CẢM DỤC GIỚI

 SỐ PHẬN CỦA HAM MUỐN VÀ ĐAM MÊ

          Trong Phạn ngữ, Loka có thể được dịch là chỗ, thế giới, hay vùng đất, và từ ngữ Kamaloka (Cảm Dục Giới) dùng để chỉ nơi, hay thế giới của dục vọng. Kama là thành phần trong cơ cấu con người bao gồm mọi thứ đam mê, ham muốn và cảm xúc của con người, giống như bản tính của các loài thú vật. Như thế, cảm dục giới là một vùng trong vũ trụ, là nơi trú ngụ của tất cả mọi người sau khi đã giũ bỏ thể xác đậm đặc và thể phách, nhưng còn vướng mắc với bản chất đam mê và cảm xúc. Có nhiều thực thể khác nhau ở cảm dục giới, nhưng trong sách này chúng ta chỉ chú trọng việc nghiên cứu về con người vừa mới đến đây xuyên qua cánh cửa của sự tử vong.

          Chúng ta có thể tạm thời ra ngoài đề tài một lúc để giải thích câu hỏi: ngoài cõi vật chất này, phải chăng còn có sự hiện tồn của những vùng, hay cõi trong vũ trụ, nơi đó có những thực thể thông minh trú ngụ? Triết Lý Bí Truyền mặc nhiên công nhận sự hiện hữu của những nơi như thế, đã có những vị Chân Sư cao cả, cũng như nhiều người tiến hóa ở những cấp bậc thấp hơn, biết rõ và có kinh nghiệm trực tiếp. Để khảo sát những vùng này, con người cần phải phát triển những khả năng tiềm ẩn bên trong. Theo cách nói thông thường, người “sống” có thể rời bỏ thể xác và thể phách, để khảo sát những cõi này mà không cần đi qua ngưỡng cửa của sự chết. Như chúng ta đọc được trong tạp chí “Người Thông Thiên Học” như sau:

          Sự hiểu biết đích thực có thể đạt được bởi Tinh Thần trong người còn sống, khi có sự liên hệ tâm thức của họ với thế giới của Tinh Thần. Như trong trường hợp một vị đã điểm đạo, đem về thế gian những sự kiện họ đã thấy và góp nhặt được một cách rõ ràng, với những chi tiết đúng đắn từ vùng vô hình của Thực Tại. (Theosophist, March 1882)

          Bằng cách thức này,kiến thức về những cõi vô hình đối với vị ấy là sự việc xác thực, chắc chắn, và quen thuộc như một cuộc du lịch bình thường qua Phi Châu để khảo sát những sa mạc, rồi trở lại mang theo những kiến thức và kinh nghiệm phong phú đã thu lượm được. Người đã đi đến Phi Châu để khảo sát tại chỗ và tường trình lại cho mọi người, sẽ không cần để ý đến lời phê bình của những ai chưa bao giờ đi đến đó. Người ấy có thể nói lại những điều họ đã thấy, kể lại những thói quen của các thú vật mà họ đã nghiên cứu, và diễn tả những sản phẩm và đặc tính của vùng đó v.v… Những lời đối nghịch, nhạo báng, chê bai, và phê bình của những ai chưa bao giờ tới vùng đó, sẽ không làm người ấy rối trí, phiền phức, và thái độ tốt nhất để đáp lại là cứ mặc kệ những lời chỉ trích. Sự dốt nát không thể thuyết phục sự hiểu biết bằng cách lặp đi lặp lại một cách xác quyết điều thiếu kiến thức. Ý kiến của một trăm người về một vấn đề mà họ hoàn toàn không biết, không có giá trị bằng ý kiến của một người biết rõ vấn đề. Thật kỳ lạ nếu khoảng không gian chung quanh chúng ta trống rỗng, như một khoảng không rộng lớn, và những cư dân trên địa cầu là hình thể duy nhất có trí tuệ. Bác Sĩ Huxley nói: “Thật ra cũng dễ hiểu vũ trụ với những thực thể theo cấp bậc từ thấp lên cao, đến khi con người đạt mức độ không thể phân biệt được với năng lực vô tận, trụ xứ vô biên, thông suốt vô cùng.”

          Nếu những thực thể này không có những cơ quan cảm giác như của chúng ta, nếu những giác quan của họ đáp ứng với những rung động khác với rung động ảnh hưởng đến giác quan của chúng ta, thì họ và chúng ta có thể đi bên cạnh nhau, qua mặt nhau, gặp nhau, đi xuyên qua nhau mà không hề biết sự hiện diện của đối phương. Ông Crookes, một khoa học gia nổi tiếng, đã nói sơ lược về việc có thể có sự hiện tồn đồng thời của những thực thể có trí khôn; với một chút trí tưởng tượng, chúng ta có thể hiểu được khái niệm mà ông đưa ra:

          Chắc hẳn những thực thể tri giác khác, có những cơ quan cảm giác không đáp ứng với một số tia sáng mà mắt chúng ta nhạy cảm, nhưng có thể đáp ứng với những rung động khác mà mắt chúng ta không thấy được. Dĩ nhiên những thực thể ấy đang sống trong một thế giới khác với thế giới của chúng ta. Chẳng hạn, ta sẽ nghĩ thế nào nếu những vật thể chung quanh ta không còn nhạy cảm với những tia sáng bình thường, mà nhạy cảm với những rung động liên hệ đến hiện tượng điện năng và từ tính. Khi ấy, kính và thủy tinh sẽ là những vật thể mờ đục nhất. Kim loại trở thành trong sáng, và một dây điện tín trong không khí sẽ giống như một cái lỗ hẹp và dài, xoi thấu xuyên qua một thể đặc cứng. Một máy phát điện đang hoạt động trông giống như một đám cháy lớn, trong khi một thanh nam châm  thiên nhiên có thể ghi lại giấc mơ của những thần bí gia thời trung cổ, và trở thành một ngọn đèn sáng mãi không bao giờ tắt, mà không cần dầu, không cần tiêu thụ năng lượng.

          Cảm dục giới là nơi cư trú của những thực thể có trí khôn và những thực thể có một phần trí khôn, cũng như những dân cư ở cõi trần. Giống như cõi trần, cảm dục giới rất đông đúc, bao gồm nhiều loại và nhiều hình thức sinh vật, chúng khác nhau rất xa, như ngọn cỏ với con cọp, con cọp với con người. Nó thẩm thấu vào trong thế giới chúng ta, nhưng có sự khác biệt giữa trạng thái vật chất của hai thế giới, cho nên tuy cùng đồng thời hiện tồn mà những thực thể có trí khôn không nhận thấy lẫn nhau. Những cư dân ở hai thế giới chỉ có thể nhận thấy lẫn nhau trong vài tình huống bất thường. Khi được đặc biệt huấn luyện, một người ở thế gian có thể tiếp xúc một cách có ý thức, và kiểm soát nhiều sinh vật có trình độ yếu kém hơn con người ở cảm dục giới. Con người sau khi rời bỏ thế gian, mà những nguyên tố cảm dục vẫn còn mạnh mẽ, có thể dễ bị thu hút bởi những nguyên tố cảm dục trong những người còn sống, và do sự trợ giúp của những người này, người đã chết có thể ý thức lại được sự hiện diện những cảnh tượng mà họ đã rời bỏ. Người còn sống có thể sử dụng những phương pháp đặc biệt để liên lạc với người chết, họ có thể rời bỏ thể xác trong một thời gian ngắn, và trở nên có ý thức trong cảm dục giới. Vấn đề chính mà chúng ta cần biết rõ là sự hiện tồn của cảm dục giới, đó là một vùng xác định, cư dân trong cõi này gồm nhiều thực thể khác nhau, trong số đó có những người đã chết.

          Đến đây chúng ta khảo sát lại tình trạng con người, số phận của họ trong khoảnh khắc ngắn ngủi sau khi giũ bỏ hai lớp vỏ, thể xác đậm đặc và thể phách. Prana, phần sinh lực dành riêng cho sự sống con người, bị mất đi dẫn thể của nó, tức thể phách và đối phần của nó là thể xác đậm đặc, sẽ trượt ra khỏi hai thể này và nhập vào kho chứa sự sống to lớn của vũ trụ. Như nước đựng trong một chai nhỏ bằng thủy tinh được dìm vào một thùng chứa nước, khi chai bị bể, nước trong chai sẽ trộn lẫn với nước trong thùng chứa, cũng thế, khi Prana rời bỏ hai thể, nó trở về trộn lẫn với Sự Sống Vũ Trụ. Như thế, lúc còn sống, con người là một thất nguyên (7 thành phần), ngay sau khi chết, con người mất đi 2 thành phần (thể xác đậm đặc và thể phách) chỉ còn  ngũ-nguyên (tức trong cơ cấu có 5 lớp), đến đây nó mất thêm Prana, một nguyên lý đặc biệt của con người, ra đi khi dẫn thể của nó bị phân hủy.

          Bây giờ con người ở bên trong cảm dục thể (Kama Rupa), hay thể của dục vọng, của cảm xúc, cấu tạo bằng chất liệu trung giới, nó còn được gọi là “thể lỏng” vì trong suốt cuộc sống ở thế gian, nó có thể lấy bất cứ hình thể nào tùy theo ấn tượng từ bên ngoài, hoặc bị khuôn đúc từ bên trong. Tam nguyên trường tồn vẫn còn bị bao phủ bởi lớp áo trần thế cuối cùng, có cảm giác và đáp ứng thanh nhẹ hơn thể xác. Khi con người còn xác thân, lớp áo này là năng lực cho cảm giác, ham muốn, vui thú, đau khổ, suy nghĩ trong thế giới vật chất.

          Khi chết, 3 nguyên lý thấp của con người rời bỏ họ vĩnh viễn: xác thân, sự sống và dẫn thể của sự sống, tức thể dĩ thái kép (hay nhị xác thân), 4 nguyên lý còn lại: nguyên lý ở giữa, hay trung tâm (tức linh hồn thú vật, hay thể cảm dục, với những gì nó đồng hóa từ hạ trí, lower Manas), và Tam Nguyên bậc cao, tất cả 4 nguyên lý này đều ở trong Cảm Dục Giới. (trích trong Chìa Khóa Thông Thiên Học, H.P. Blavatsky).

          Chỉ một thời gian ngắn sau khi chết, có sự thay đổi lớn trong thể cảm dục. Những chất liệu trung giới với mật độ (hay tỉ trọng) khác nhau trong thành phần của thể vía, tự sắp xếp thành một chuỗi những lớp vỏ bao bọc chung quanh, lớp vỏ đậm đặc nhất ở bên ngoài. Sự việc này làm khép kín tâm thức đối với môi trường bên ngoài, làm giới hạn đến mức tối thiểu sự tiếp xúc và diễn đạt của con người bên trong. Nếu không bị quấy rầy, tâm thức quay về bên trong với chính nó, và tự chuẩn bị cho bước đi lên kế tiếp, trong khi thể vía dần dần tan rã, từ lớp vỏ này đến lớp vỏ khác.

          Cho đến lúc có sự tái sắp xếp chất liệu của thể vía, kinh nghiệm sau khi chết của mọi người phần lớn đều giống nhau, như đã nói ở trên, đó là một trạng thái mơ màng, bình yên, chỉ có ý thức một phần. Trong những trường hợp tốt nhất, con người không thức giấc, và bước vào trạng thái vô thức “tiền phúc lạc cảnh” (pre-devachanic unconsciousness), từ đây đưa đến sự thức tỉnh trong Cõi Trời Chân Phúc (Devachan) hay Thiên Đàng, để bắt đầu giai đoạn nghỉ ngơi giữa 2 kiếp tái sinh. Nhưng không phải tất cả mọi trường hợp đều diễn tiến một cách suông sẻ như vậy, mà nhiều hoàn cảnh khác nhau có thể xảy ra. Trước hết, chúng ta hãy theo dõi một tiến trình bình thường, không gián đoạn từ cảm dục giới đến ngưỡng cửa Cõi Trời Chân Phúc, sau đó sẽ xét đến những trường hợp khác nhau.

          Đối với một người đã sống cuộc đời trong sạch, phấn đấu bền bỉ để tiến lên, và tự đồng hóa mình với bản chất cao cả trong con người, thay vì chạy theo phần thấp hèn, sau khi rời bỏ thể xác và thể phách, và sau khi sinh lực Prana đã trở về hòa hợp trong đại dương của Sự Sống, họ chỉ còn bị bao phủ bởi lớp áo Cảm Dục Thể. Những nguyên tố đam mê trong họ đã bị yếu và tương đối không quen hoạt động, sẽ không thể tác động mạnh mẽ trong Cảm Dục Giới. Trong suốt kiếp sống trần gian, Cảm Dục (Kama) và Hạ Trí (Lower Manas) đã liên hợp chặt chẽ và kết dính vào nhau, trong trường hợp người tốt lành này, chúng ta có thể xem như Cảm Dục bị suy yếu, và Hạ Trí đã thanh lọc một phần lớn Cảm Dục. Do kết dính với những đam mê, cảm xúc và ham muốn, cái trí đã thanh lọc hóa chúng, và đã đồng hóa phần trong sạch của chúng, cũng như hấp thu chúng vào chính nó, vì thế tất cả những gì còn lại của Cảm Dục chỉ là lớp cặn, loại bỏ nó không khó khăn, từ đó Tam Nguyên Trường Tồn dễ dàng thoát khỏi ràng buộc và được tự do. Một cách chậm chạp, Tam Nguyên Trường Tồn, tức Con Người Thật, rút lại tất cả năng lực của nó, và cũng thu vào ký ức trong kiếp sống trần gian vừa chấm dứt, những tình thương yêu, hy vọng, cùng khát vọng; nó chuẩn bị ra khỏi Cảm Dục Giới để ngơi nghỉ yên lành trong Cõi Trời Chân Phúc (Devachan), “Trụ Xứ của Những Vị Thần Minh”, hay “Vùng Đất Hạnh Phúc”

          Cảm Dục Giới là một nơi trong cõi trung giới, chữ “nơi” ở đây chỉ  được dùng theo ý nghĩa tương đối. Nó không có khu vực xác định, và không có ranh giới, nhưng nó hiện tồn trong “vùng chủ quan” (subjective space), và ở bên ngoài nhận thức giác quan của chúng ta. Dù sao, nó vẫn hiện tồn, và nơi đó những ảnh tượng trung giới của mọi thực thể đã sống, (gồm cả thú vật), chờ đợi cho sự “chết lần thứ hai”. Đối với thú vật, cõi này tồn tại cho đến khi những phần tử trung giới tan rã hoàn toàn. Đối với con người, nó tồn tại cho đến khi Tam Nguyên “Atma-Buddhi-Manas” tự tách rời khỏi những nguyên lý thấp để vào trạng thái Devachan. (theo Chìa Khóa Thông Thiên Học, H. P. Blavatsky)

          Như thế, sự chết lần thứ hai ám chỉ lúc Tam Nguyên Trường Tồn từ Cảm Dục Giới, là vùng rất gần gũi với cõi trần, đi qua trạng thái cao hơn, trong vùng “Trời Chân Phúc”, mà chúng ta sẽ đề cập sau. Hạng người mà chúng ta vừa đề cập, đi xuyên qua Cảm Dục Giới trong trạng thái mơ màng, yên bình, nếu không bị quấy rầy, sẽ chỉ hoàn toàn có ý thức trở lại khi đã đi xuyên qua hết những giai đoạn này, (tức từ lúc chết đến lúc vượt qua khỏi Cảm Dục Giới), và đạt được sự bình yên, phúc lạc trong Cõi Trời Chân Phúc.

          Nhưng trong suốt giai đoạn mà 5 nguyên lý (Tam Nguyên Trường Tồn, Hạ Trí và Cảm Dục Thể) vẫn còn ngụ trong Cảm Dục Giới, dù thời gian này ngắn hay dài, có thể chỉ vài ngày, cũng có thể hàng thế kỷ, con người vẫn còn ở trong vòng ảnh hưởng của thế gian. Trong trường hợp này, người ấy có thể bị đánh thức bởi tình cảm mạnh mẽ, cũng như sự buồn rầu, bi thương của những người thân còn ở lại thế gian. Làn rung động mãnh liệt của những yếu tố cảm dục trong thể vía người sống, có thể kích động và gây ra những rung động tương tự trong thể vía của người chết, từ đó truyền đến và đánh thức Hạ Trí, vì trong giai đoạn này, Hạ Trí chưa rút về để tái hợp với “cha mẹ” của nó, tức “Trí Tuệ Tinh Thần” (Spiritual Intellect). Như thế, từ trạng thái mơ màng, nó có thể bị đánh thức để nhớ lại rõ ràng sự sống trần gian mà nó vừa rời bỏ. Qua trung gian một người nhạy cảm hoặc một đồng tử, người chết có thể liên lạc trực tiếp hoặc gián tiếp với một trong những người thân, họ sử dụng thể dĩ thái và thể xác của đồng tử để viết hay nói với người còn sống. Sự đánh thức như vậy thường đưa đến những thống khổ nghiêm trọng; dù tránh được thống khổ, tình cảm bi thương của người thân cũng làm rối loạn tiến trình giải thoát tự nhiên của Tam Nguyên Trường Tồn, làm chậm trễ sự rút về cõi cao hơn. Như thế, chúng ta thấy, trong suốt thời gian sau khi chết và trước khi tự do vào cõi Trời Chân Phúc, con người có thể liên lạc với cõi trần, sự kiện này được bà Blavatsky nói như sau trong “Chìa Khóa Thông Thiên Học”:

          Trong một vài trường hợp ngoại lệ, khi người đã chết có lòng ham muốn mãnh liệt trở về cõi trần với mục đích nào đó, thúc đẩy tâm thức cao thức tỉnh, và chính nó, “Linh Hồn” liên lạc với thế gian; còn sự trở về cõi vật chất có lợi hay không là một vấn đề khác. Cũng nên nhắc lại là sau khi chết “Linh Hồn” bị choáng váng, và sớm rơi vào trạng thái vô thức “tiền phúc lạc cảnh”.

          Sự ham muốn mãnh liệt có thể đưa người chết trở về với những người thân còn lại, nhưng sự trở về  tự ý này rất hiếm trong trường hợp những người tốt mà chúng ta đang đề cập đến. Nếu họ đuợc để yên tĩnh, thường họ sẽ có được giấc ngủ an lành trước khi vào Cõi Trời Chân Phúc, và cũng tránh được sự phấn đấu, thống khổ liên hệ đến sự chết lần thứ hai. Cuối cùng, khi Tam Nguyên Trường Tồn thoát ra để vào cõi cao hơn, bỏ lại thể cảm dục, tức cái “vỏ” (shell), là bóng ma trống rỗng, sẽ tan rã dần trong Cảm Dục Giới. Chúng ta sẽ nói nhiều đến cái “vỏ” này khi đề cập đến sự chết của hạng người kế tiếp, tức người bình thường, không có khuynh hướng tinh thần cao cả, mà cũng không phải là người quá xấu ác.

          Khi một người trung bình vào Cảm Dục Giới, Trí Tuệ Tinh Thần bị bao bọc trong cảm dục thể, thể này vẫn còn mạnh mẽ và sống động. Trong suốt kiếp sống vừa qua, Hạ Trí kết dính chặt chẽ với Cảm Dục, sống chiều theo sự thích thú với những đối tượng của giác quan để vui hưởng những cảm xúc. Bây giờ nó không thể nhanh chóng tách rời khỏi mạng lưới mà nó đã đan, để tự do trở về với “Trí Tuệ Phụ Mẫu” (Parent Mind), nguồn cội của nó, vì thế thời gian chuyển tiếp ở Cảm Dục Giới bị kéo dài đáng kể. Phải chờ đến lúc những ham muốn bị hao mòn, phai tàn, và những bàn tay bám víu của chúng không còn cầm giữ được “Linh Hồn”.

          Như đã nói ở trên, trong suốt thời gian 5 nguyên lý: Tam Nguyên Trường Tồn, Trí Tuệ và Cảm Dục cùng duy trì trong Cảm Dục Giới, sự liên lạc giữa người chết và những thực thể còn sống ở cõi trần có thể xảy ra. Người bình thường sau khi chết thường muốn có sự liên lạc này, do sự ham muốn và xúc cảm làm cho họ vẫn bám víu vào cõi trần mà họ đã bỏ lại, và cái trí chưa sẵn sàng rút lui để sống trên cõi riêng của nó. Hạ Trí vẫn còn khao khát những thú vui dục lạc, và cảm giác nhuộm màu sắc sống động của cuộc đời thế tục, do sự khao khát này nó bị kéo trở lại những cảnh mà nó đã bỏ lại một cách nuối tiếc. Bà Blavatsky cho biết:

          Sự liên lạc này có thể xảy ra trong giai đoạn bắt đầu sau sự chết của thể xác, và sự sáp nhập của Linh Hồn Tinh Thần vào trạng thái mà trong giáo lý bí truyền gọi là “Bar-do”, chúng ta tạm dịch là thời kỳ ấp ủ, hay thai nghén (gestation period), tức “tiền phúc lạc cảnh”. (Tập san “Người Phụng Sự” tháng sáu, 1882)

          Trong vài trường hợp, sự liên lạc được thực hiện xuyên qua đồng tử. Như thế, lòng tốt “tàn nhẫn” của người sống đã làm chậm trễ sự tiến triển của Linh Hồn, và đưa yếu tố “lạc điệu” vào tiến trình, lẽ ra là một sự tiến triển có thứ tự. Điều này chỉ làm kéo dài thời gian người chết ở lại Cảm Dục Giới, thể cảm dục được nuôi dưỡng, nó cầm giữ Chân Nhân ở lại, và sự tự do của Linh Hồn bị trì hoãn, con chim nhạn trường tồn vẫn bị chất nhựa bẫy giữ chặt vào trần thế.

          Đối với người đã sống một cuộc đời xấu ác, thường xuyên tìm thỏa mãn những đam mê thú tính, họ nuôi dưỡng và làm tăng trưởng thể cảm dục, trong khi bỏ đói những thành phần cao, ngay cả với hạ trí, những người này sẽ là cư dân lâu dài của Cảm Dục Giới. Trong lòng họ tràn đầy sự khao khát đời sống thế tục mà họ đã buộc phải rời bỏ, vì không còn xác thân nên họ không thể trực tiếp hưởng thụ những dục vọng thú tính nữa. Những người này tụ tập chung quanh đồng cốt và người nhạy cảm, cố gắng tìm dịp sử dụng xác thân của đồng cốt hay người nhạy cảm để thỏa mãn phần nào dục lạc của mình.

          Một hạng khác bao gồm những người mà kiếp sống trần thế của họ bị cắt ngắn quá sớm, do tự chính họ, do người khác, hoặc do tai nạn. Số phận những người này tùy thuộc vào những điều kiện xảy ra chung quanh cái chết của họ ở thế gian. Không phải tất cả những người tự tử đều phạm “tội tự tử”, và sự đo lường trách nhiệm có thể thay đổi trong một giới hạn rất rộng rãi.

          Những người tự tử không tách rời hoàn toàn khỏi nguyên lý thứ 6 và thứ 7, họ có hiệu năng rất lớn trong các buổi cầu hồn. Khoảng thời gian từ lúc tự tử đến lúc mà số phần người ấy được ấn định cho sự chết tự nhiên, có một hố ngăn cách với những nguyên lý cao của họ, khi đó nguyên lý thứ sáu và thứ bảy trong trình trạng thụ động và tiêu cực. Nhưng trong trường hợp chết do tai nạn, thì nhóm nguyên lý cao và nhóm nguyên lý thấp trên thực tế có sự thu hút lẫn nhau. Trong trường hợp Linh Hồn tốt, vô tội, những nguyên lý cao bị thu hút không cưỡng lại được về phía nguyên lý thứ sáu và thứ bảy, khi ấy họ rơi vào giấc ngủ say với nhiều mộng đẹp, hoặc ngủ sâu không mộng chờ đến lúc thời giờ điểm. Suy nghĩ sâu xa về sự công bằng vĩnh cửu, và sức sống đang sung mãn của người ấy, bạn sẽ biết tại sao.

           Trong trường hợp tai nạn, dù nạn nhân tốt hay xấu, đều không gánh lấy trách nhiệm về cái chết của họ. Ngay như nếu cái chết của họ là kết quả của những hành động mà họ đã gây ra trong kiếp trước, đó là do tác động của Luật Bù Trừ (Law of Retribution), nó vẫn không phải là kết quả trực tiếp của  hành động cố ý thực hiện bởi Linh Hồn cá thể trong kiếp sống hiện tại mà họ bị chết do tai nạn. Nếu được sống lâu hơn, có thể họ sẽ làm những việc chuộc lại lầm lỗi của kiếp trước một cách có hiệu quả. Nếu cuộc sống họ bị cắt đứt ngay bây giờ, thì Linh Hồn trả được món nợ mà họ đã vay, Linh Hồn cá thể cũng phải được thoát khỏi sự trừng phạt của công lý. Tuy không đóng vai trò trong việc hướng dẫn Linh Hồn khi con người còn sống, các vị Thiền Định Đế Quân (Dhyan Chohans) cũng giúp đỡ khi những nạn nhân này bị đẩy một cách thô bạo ra khỏi thể cũ vào một thể mới chưa quen thuộc, bảo vệ cho đến khi họ sẵn sàng thích ứng với hoàn cảnh mới.

          Dù chết vì tự tử hay tai nạn, những nguời này có thể liên lạc với người còn sống ở thế gian, nhưng việc này làm tổn hại cho chính họ. Như đã nói ở trên, người tốt và vô tội sẽ ngủ một cách hạnh phúc cho đến hết thời gian mà đáng lẽ họ được sống, tuy số phận của họ tại nơi hiện trường xảy ra tai nạn thật buồn thảm.

          Người tội lỗi và còn nhiều dục vọng, như những U Hồn bất hạnh (unhappy “shades”, không phải Ma Hình hay cái vỏ “Shells”, vì sự nối kết với hai nguyên lý cao chưa hoàn toàn cắt đứt), họ đi lang thang cho tới khi giờ chết thực sự đến. Vì những đam mê tràn đầy sức sống bị cắt đứt thình lình, họ vẫn còn bị trói buộc vào những cảnh tượng dục lạc quen thuộc, và bị lôi cuốn bởi những cơ hội đưa đến sự thoả mãn gián tiếp qua trung gian các đồng tử. Chúng được tả như những yêu quỷ, hồ ly tinh trong thời trung cổ, những ngạ quỷ lang thang, tham lam, khao khát nhục dục, những âm ma xảo quyệt, đồi trụy và tàn nhẫn. Chúng cảm thấy hoan lạc trong việc xui khiến nạn nhân gây ra những tội ác khủng khiếp. Không những chúng tác hại nạn nhân, mà những thực thể ký sinh tâm linh này còn tạo địa ngục cho chính họ, làm đóng kín giai đoạn sống tự nhiên của họ. Chúng có thể bị đào thải khỏi hào quang trái đất, trải qua nhiều thời đại chịu thống khổ thấm thía, và sau cùng bị hủy diệt…

          Nguyên nhân tạo nên “thực thể mới”, và xác định bản chất của nhân quả là Ái Dục (Trishna hay Tanha), tức lòng khao khát, ham muốn có những cảm giác, và Thủ (Upadana), là sự thực hiện hay hưởng thụ Ái Dục, hay lòng ham muốn ấy. Cả hai (Ái & Thủ) là nguyên nhân giúp cho sự phát triển cao độ trong Âm Ma, ở người tự tử hay nạn nhân. Theo định luật thông thường, một người chết theo tiến trình tự nhiên (già, bệnh) chỉ ở một thời gian ngắn, từ vài giờ tới vài năm trong vòng bị sự thu hút của trái đất, đó là vùng Cảm Dục Giới. Trừ những trường hợp đặc biệt, như người tự tử hoặc người chết một cách dữ dội, bất thần, thời gian Linh Hồn họ phải ở Cảm Dục Giới vào khoảng 80 hay 90 năm. Giả thử một người tự giết mình hay bị người khác giết ở tuổi 20, người này phải qua ở Cảm Dục Giới không phải vài năm, mà là 60 hay 70 năm. Họ sống ở đây như một Âm Ma (elementary hay earth-walker); thật không may mắn cho họ, vì đó không phải chỉ là cái vỏ “Shell”. Nếu so sánh, ta thấy những người sau khi rời bỏ xác thân, chìm trong giấc ngủ dài mơ màng giữa lòng không gian, rất hạnh phúc, hạnh phúc gấp 3 lần. Đau khổ thay cho những người sau khi chết còn bị Ái Dục lôi kéo đến những đồng tử, và cũng đau khổ thay cho những đồng tử xúi giục và “nối giáo” họ để thực hiện sự hưởng thụ ái dục. Vì khi bám lấy họ và thỏa mãn sự khao khát cho họ, đồng tử giúp thêm cho sự phát triển trong họ một tập hợp những “Uẩn” mới (Có 5 Uẩn “Skandhas”: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, LDG), đó là nguyên nhân sẽ tạo nên một thể xác mới trong kiếp tương lai, với những khuynh hướng xấu tệ và nhiều đam mê hơn thể xác họ đã mất. Trọn tương lai của xác thân mới, không những được định đoạt bởi Nhân Quả được tạo nên bởi những khuyết điểm của tập hợp hay nhóm Uẩn của kiếp đã qua, mà còn bởi tập hợp hay nhóm Uẩn của thực thể tương lai. Như tôi đã nói, những đồng tử và những nhà tâm linh thuật cần biết, mỗi khi họ vui sướng mời gọi được một “linh hồn hướng dẫn” (angel-guide) mới, họ lôi cuốn Linh Hồn vào sự thụ hưởng dục lạc, từ đó những mầm xấu được gieo vào Linh Hồn mới, và con người sẽ tái sinh dưới cái bóng tội lỗi của nó. Với mỗi buổi chiêu hồn thuật, đặc biệt là có sự hiện hình của vong linh, họ đã làm tăng thêm nguyên nhân gây thống khổ, làm cho vong linh bất hạnh mất cơ hội sinh trên cõi tinh thần, và cũng đặt sự tái sinh tương lai vào hoàn cảnh xấu xa.

          Sự chết sớm do tai nạn, hoặc tình nguyện hy sinh cho đại nghĩa đều làm con người phải chậm trễ trong Cảm Dục Giới, nhưng trạng thái của họ rất khác nhau, tùy theo động lực đã cắt ngắn cuộc sống họ.

          Có một số rất ít người trong khi nuông chiều theo những thói xấu, họ cảm thấy chắc chắn hành động của họ sẽ làm cho cuộc đời họ bị cắt ngắn, nhưng họ vẫn làm thế. Đó là hình phạt của Ảo Ảnh. Những “thói xấu” không thể trốn khỏi sự trừng phạt; nhưng nó là nguyên nhân sẽ bị trừng phạt, chớ không phải hiệu quả. Động lực là tất cả, và con  người bị trừng phạt khi họ có trách nhiệm trực tiếp. Trường hợp tai nạn, đưa đến cái chết ngoài dự tính, trong khi sự tự tử, cái chết đến một cách tự nguyện có chủ ý về những hậu quả tức thời. Một người gây nên cái chết cho chính mình do sự mất trí tạm thời, có thể không là con mồi bị cám dỗ của Cảm Dục Giới, mà thường rơi vào giấc ngủ như những nạn nhân khác, không giống với người cố ý tự tử để gây đau buồn cho kẻ khác và thường làm rắc rối cho những công ty bảo hiểm nhân thọ.  

          Hạng cư dân ở Cảm Dục Giới đến từ những thành phần đặc biệt nguy hiểm, do những hành động hung bạo, hợp pháp hay không hợp pháp, làm giật mạnh linh hồn khỏi thể xác, đưa linh hồn vào Cảm Dục Giới và bị bao bọc trong thể cảm dục. Rung động của họ chứa đầy sự ghen ghét, đam mê, sôi sục, kích động với lòng ham muốn báo thù, với dục vọng không được thỏa mãn. Một kẻ sát nhân còn ở trong thể xác không phải là một thành viên tốt cho xã hội, nhưng một kẻ sát nhân thình lình bị tống xuất ra khỏi thể xác sẽ trở thành một thực thể nguy hiểm hơn nhiều. Xã hội có thể tự bảo vệ chống lại kẻ sát nhân, nhưng trong tình trạng không hiểu biết hiện tại, xã hội vô phương tự vệ đối với vong linh kẻ sát nhân.

          Cuối cùng, Tam Nguyên Trường Tồn tự thoát khỏi cảm dục thể, vượt ra ngoài Cảm Dục Giới. Thượng Trí rút Tia Sáng của nó trở về, Tia Sáng này nhuộm màu sắc của những cảnh đời mà nó đã trải qua, và mang về với nó những kinh nghiệm đạt được xuyên qua phàm ngã mà nó đã thấm nhuần. Người lao động được gọi trở về từ cánh đồng, khi về, họ mang theo những bó lúa, nhiều hoặc ít tùy theo kết quả của kiếp sống. Khi Tam Nguyên với tia sáng của nó đã rời bỏ Cảm Dục Giới, nó hoàn toàn thoát khỏi vùng thu hút của trái đất.

          Khi vừa bước ra bên ngoài Cảm Dục Giới, xuyên qua “Cầu Vàng” (Golden Bridge) dẫn đến “Bảy Ngọn Núi Vàng”, Linh Hồn không còn liên hệ được với những “đồng tử dễ tính” nữa. Trừ vài trường hợp ngoại lệ sẽ được giải thích sau, những đồng tử bình thường không thể tiếp xúc được với Linh Hồn, và nó không thể  bị gọi trở lại vùng địa cầu.

          Trước khi theo dõi sâu xa hơn bước tiến của Tam Nguyên Trường Tồn, chúng ta nên xét đến số phận của cảm dục thể bị bỏ lại như một di hài trong Cảm Dục Giới.


CHƯƠNG 5

CẢM DỤC GIỚI

NHỮNG MA HÌNH (The Shells)

          Ma Hình, hay cái vỏ (shell) là cảm dục thể trống rỗng, vì Tam Nguyên và Tia Sáng đã rút ra khỏi nó. Nó là lớp áo tạm bợ thứ ba của Linh Hồn, bị loại bỏ lại trong Cảm Dục Giới để tan rã.

          Trong kiếp vừa qua, những người có nếp sống cao quý ở thế gian, và ngay cả những người trong sạch và hữu ích trung bình, sau sự rút lui của Tam Nguyên, cái Vỏ của họ để lại không có nhiều sinh lực và sẽ tan rã nhanh chóng. Tuy nhiên, trong tiến trình phân hủy này, những phân tử của nó vẫn còn, và duy trì những ấn tượng đã tác động lên chúng trong suốt cuộc sống thế tục; những phân tử này cũng giữ lại khuynh hướng rung động đáp ứng với những kích thích thường xuyên, mà chúng kinh nghiệm trong suốt thời gian đó. Sinh viên khoa sinh lý đều quen thuộc với điều gọi là hoạt động tự động, đó là những tế bào có khuynh hướng lặp lại những rung động do cố ý tạo ra từ lúc khởi đầu. Do thói quen mà chúng ta lặp lại một cách vô ý thức những cử động đầu tiên được làm một cách cố ý. Cơ thể có tính tự động rất mạnh, mọi người đều có kinh nghiệm về điều đó, thật khó mà bỏ đi một câu nói đã quen miệng hay một điệu bộ đã trở thành thói quen.

          Trở lại với thể cảm dục, trong suốt kiếp sống thế gian nó nhận và đáp ứng với mọi tác nhân kích thích đến từ bên ngoài, nó cũng liên tục nhận và đáp ứng với tác nhân kích thích đến từ hạ trí. Trong nó đã tạo ra thói quen, khuynh hướng lặp lại một cách tự động những rung động quen thuộc, những rung động của tình thương và ham muốn, những rung động hình dung mọi loại kinh nghiệm quá khứ. Như bàn tay có thể tự động lặp lại một tư thế quen thuộc, cảm dục thể có thể tự động lặp lại một cảm xúc hay một ý tưởng. Khi Tam Nguyên đã rời bỏ cảm dục thể, tính tự động này vẫn còn, và Ma Hình có thể khơi dậy những cảm xúc và ý tưởng cũ, nhưng trống rỗng vì không có sự thông minh và ý muốn thật sự. Phần nhiều những đáp ứng cho các câu hỏi trong buổi cầu hồn là do từ những ma hình này. Do sự hấp dẫn điện từ, nó rút từ vùng chung quanh, những bạn bè hay thân nhân, những đặc tính và tình cảm quen thuộc từ lâu, và tự động đáp ứng với những làn sóng cảm xúc và tưởng nhớ, với thói quen mà chúng thường đáp lại trong lúc con người còn sống. Những câu nói thương yêu, những lời đạo đức tầm thường, những kỷ niệm về các biến cố quá khứ, là tất cả những gì mà Ma Hình có thể truyền đạt trong buổi cầu hồn, và những điều này có thể phát ra trong những điều kiện thuận tiện, dưới những kích thích điện từ sẵn sàng tạo ra do bạn bè và người thân.

          Nếu suốt kiếp sống trần gian, Hạ Trí đã kết dính mạnh mẽ những sự vật cõi trần, và sự theo đuổi có trí thức được hướng dẫn bởi động lực tự tìm kiếm, trong truờng hợp này, cảm dục thể có thể đạt được khá nhiều đặc tính của trí thông minh một cách tự động, và có thể đưa ra những giải đáp khá thông minh. Nhưng những câu trả lời này vẫn không cho thấy dấu hiệu của sự thông minh nguyên thủy, mà chỉ là vẻ bề ngoài do sự lặp lại. Chúng cũng không cho thấy dấu hiệu của tư tưởng độc lập mới mẻ, là đặc tính của trí thông minh nguyên thủy hoạt động trong những hoàn cảnh mới. Như thế,  những câu trả lời có vẻ thông minh nhận được do sự liên lạc với những thực thể trong “thế giới tâm linh” không có gì mới mẻ, ích lợi. Tuy vậy, một số người vẫn thích tìm kiếm trong thế giới ấy những tư tưởng cao siêu một cách vô ích. Sự liên lạc với vài thực thể Trí Tuệ cao quý không thuộc loài người, đôi khi cũng xảy ra trong bầu không khí tinh khiết của người đồng và những người tham dự.  

          Nên nhớ, luôn luôn có sự nguy hiểm trong việc giao dịch với những Ma Hình. Vì chúng chỉ là những cái “vỏ”, đáp ứng lại những xung động đến từ bên ngoài, chúng dễ dàng trở nên hiểm độc, tinh quái, lặp lại một cách tự động những rung động xấu ác. Nếu đồng tử hay những người tham dự có tính đồi trụy, sẽ ảnh hưởng lên Ma Hình bằng cách làm tụ tập chung quanh chúng những xung động tư tưởng thấp, những ham muốn thú tính, những ý nghĩ ngu ngốc nhỏ nhặt, tất cả sẽ tạo nên những rung động tương tự trong cái vỏ mù quáng không biết suy nghĩ.

          Hơn nữa, Ma Hình rất dễ bị chiếm hữu bởi Tinh Linh, những lực phân nửa ý thức, làm việc trong thiên nhiên; những thực thể này sử dụng cái vỏ như dẫn thể tiện lợi trong các trò đùa nghịch, bịp bợm. Những cảm dục thể vô chủ, trống rỗng và thể phách của đồng tử, là những chất liệu thích hợp để cho tinh linh tạo ra nhiều trò kỳ lạ, bất ngờ. Người thường tham dự các buổi lên đồng, có thể kể lại những hành động trẻ con như: giựt tóc, cấu véo, vỗ, ném đồ vật, chất đống bàn ghế, chơi đàn phong cầm v.v…Những hành động này cho thấy có sự can dự bất thường của những lực thấp hơn con người, chắc chắn những “vong linh”  khi còn ở trong xác thân không thể làm những hành động thô tục này.

          Chúng ta hãy để yên cho những cái “vỏ” bình yên phân tán thành những nguyên tố, và trộn lẫn lại vào kho tạo tác của thiên nhiên. Người thân yêu mà chúng ta tìm, không phải là dấu vết mục nát còn sót lại trong Cảm Dục Giới. “Tại sao bạn tìm người “sống” trong số những cái bóng đã chết?”


CHƯƠNG 6

CẢM DỤC GIỚI
NHỮNG ÂM MA (Elementaries)

          Từ ngữ “Âm Ma” (Elementary) đã được dùng một cách lỏng lẻo, gây khá nhiều hiểu lầm. Nó được bà Blavatsky định nghĩa như sau:

          Đó là những “linh hồn” đồi trụy không mang xác thân. Trong một lúc trước khi chết, những linh hồn này tự tách rời tinh thần thiêng thiêng, vì thế đã mất cơ hội để được trường tồn. Nhưng trong giai đoạn học hỏi hiện tại, tốt nhất ta nên áp dụng từ ngữ này cho những “âm ma” (spooks) hay “bóng ma” (phantoms) của người đã chết, một cách tổng quát cho những người tạm thời cư trú trong Cảm Dục Giới... Một khi chấm dứt sự liên hệ với Tam Nguyên Cao Cả và tách rời khỏi xác thân, những linh hồn này ở lại trong lớp áo Cảm Dục Thể, và không thể chống lại sự lôi kéo về trần thế với những tinh linh có bản chất thô kệch tương đồng với chúng. Thời gian chúng ở Cảm Dục Giới rất thay đổi, nhưng cuối cùng không thể tránh khỏi bị phân hủy, tan biến giống như một đám sương mù, từng nguyên tử tách ra và sáp nhập vào những nguyên tố chung quanh. (Theosophical Glossary, Elementaries.)

          Những nghiên cứu sinh đều biết trường hợp này có thể do Hạ Trí  vướng mắc quá sâu đậm với Cảm Dục, nó tự giật mạnh ra khỏi cội nguồn của nó, điều này được nhắc đến trong Huyền Bí Học như sự “Mất Linh Hồn”. Nói khác đi, đó là phàm ngã đã tự tách rời khỏi “Cha Mẹ”, hay Chân Ngã (Higher Ego), để rồi tự gánh chịu số phận bị hủy diệt. Một Linh Hồn trong lúc còn sống ở thế gian, đã tự tách rời khỏi Tam Nguyên Trường Tồn, sẽ trở thành một Âm Ma thật sự sau khi rời bỏ thể xác và thể phách. Nó được bao bọc trong cảm dục thể, sống một thời gian ngắn hoặc dài tùy theo sức mạnh và sinh khí của nó. Âm Ma là một thực thể hoàn toàn xấu xa, nguy hiểm và độc ác, tìm mọi cách để có thể phục hồi lại sinh lực bị tàn dần, dù có hại đến những linh hồn khác còn sống trong thể xác, vì không hiểu biết đã làm mồi cho nó. Số phận của nó cuối cùng là bị tiêu hủy, nhưng nó gây ra nhiều tội ác trên đường đi đến diệt vong.

          Tuy nhiên, từ ngữ “Âm Ma” (Elementary) cũng thường được dùng để diễn tả Hạ Trí trong lớp áo cảm dục thể; dù không tách rời khỏi những Nguyên Lý Cao, nhưng chưa thu hút vào trong “Cha Mẹ” của nó, tức Thượng Trí. Những Âm Ma này đang ở trong các giai đoạn tiến bộ khác nhau, có hại hoặc không.

          Vài tác giả còn dùng từ ngữ Âm Ma coi như đồng nghĩa với Ma Hình (Shell), vì thế gây ra nhiều rắc rối cho người tìm hiểu. Theo tôi, tốt nhất nên giới hạn từ ngữ này để chỉ Cảm Dục Thể cộng với Hạ Trí, hoặc là Hạ Trí tự tháo gỡ ra khỏi yếu tố cảm dục để có thể hấp thu trở về nguồn cội của nó, hoặc nó tách rời khỏi Chân Ngã Cao Cả để rồi sẽ đi vào con đường đưa đến hủy diệt.


CHƯƠNG 7

CÕI TRỜI CHÂN PHÚC
(Devachan)

          Khái niệm về Devachan, hay Devasthan, Devaland, còn được gọi là vùng đất của Thần Minh, là một trong vài khái niệm rất khó hiểu đối với trí óc thiên về suy luận của người Tây Phương.

          Chú thích: Chữ Sukhavati, mượn từ Phật Giáo Tây Tạng, đôi khi được dùng thay vì Devachan. Theo Schlagintweit, Sukhavati là “nơi ở của những người có phúc, những người đến đó đều đã tích tụ nhiều công đức do thực hành phẩm hạnh, và được giải thoát khỏi sự chuyển kiếp của linh hồn.” (Buddhism in Tibet, p. 99). Theo trường phái Prasanga: Con Đường cao cả dẫn đến Niết Bàn, Con Đường thấp hơn đưa đến Sukhavati. Nhưng Eitel gọi Sukhavati là: “Niết Bàn của người bình thường, là nơi mà các “vị thánh” thụ hưởng phúc lạc vật chất trong thời gian dài vô tận, cho đến khi họ vào trở lại chu kỳ chuyển kiếp”. Eitel tiếp: “Theo cách  hiểu thông thường, đây là thiên đàng của người Tây Phương, là nơi an nghỉ cuối cùng để bù lại những cơn xoáy lốc của sự chuyển kiếp.” Nhưng các vị thầy của Triết Lý Nội Môn cho rằng nó bao gồm những trạng thái Phúc Lạc, truớc khi Linh Hồn trở lại thế gian.

          Do sự sử dụng từ ngữ ảo ảnh, trạng thái chiêm bao, và những từ ngữ tương tự để chỉ tâm thức devachan, gây ra khó khăn trong việc tìm hiểu nó. Từ đó, cảm nhận tổng quát không thực tế đã xâm nhập vào toàn thể khái niệm về Devachan. Trong khi tư tưởng gia Đông Phương cho rằng đời sống hiện tại ở thế gian là huyển hóa, ảo ảnh, mộng mị, thì người Tây Phương dùng những chữ như: ngụ ý, tưởng tượng, để chỉ những gì trong thế gian này mà họ cho là ít ảo ảnh hơn sự mua bán thịt bò nướng hoặc bia chai. Nhưng khi những từ ngữ tương tự được áp dụng cho trạng thái sau khi Chết, một trạng thái đối với họ mờ ảo và không thực tế, họ cảm thấy buồn thương cho người thân qua đời thiếu thốn mọi tiện nghi. Họ chấp nhận từ ngữ theo ý nghĩa nôm na của mặt chữ, và hiểu theo ý riêng họ, thì Devachan đuợc họ coi như một ảo giác của sự tưởng tượng. Vì thế, trước khi tìm hiểu ý nghĩa thật sự của Devachan, tốt nhất là chúng ta nên làm sáng tỏ câu hỏi về “ảo ảnh”.

          Theo ý nghĩa siêu hình học thâm sâu, mọi sự vật bị điều kiện hóa, đều là “ảo ảnh”. Theo từ ngữ, mọi hiện tượng đều là sự “xuất hiện” ra bên ngoài, là mặt nạ để Thực Tại Duy Nhất bên trong tự biểu lộ ra vũ trụ luôn thay đổi. Mọi sự vật xuất hiện bên ngoài, càng vật chất, càng đậm đặc, thì càng cách xa Thực Tại, và càng mang nhiều tính chất ảo ảnh hơn. Có sự vật gì lừa phỉnh nhiều hơn thể xác chúng ta? nó đậm đặc, vững chắc, nhìn thấy được, sờ nắn được. Nó là một tập hợp luôn luôn thay đổi của những phân tử sống rất nhỏ. Nó là trung tâm thu hút vô số những phần tử bé nhỏ, vô hình, liên tục đổ vào, những phần tử bé nhỏ không nhìn thấy được này trở nên hữu hình sau khi tập hợp lại trong thể xác. Cũng có một dòng chảy ra khỏi thể xác, và những tập hợp trở nên vô hình do chúng phân tán trở lại thành những phần tử bé nhỏ. So sánh với thể xác luôn thay đổi nhưng xuất hiện vững chắc, “cái trí” ít ảo ảnh hơn biết bao! nó có thể diễn đạt những đòi hỏi của thể xác, và đặt thể xác vào ánh sáng đúng thật của nó. Những giác quan liên tục áp đặt lên cái trí, và Tâm Thức, đó là thành phần thật nhất trong con nguời lại được coi như không thật. Đúng ra, chính thế giới của tư tưởng gần gũi nhất với thực tại, và những sự vật trở nên mỗi lúc càng nhiều tính chất ảo ảnh khi chúng mang càng nhiều đặc tính hiện tượng.

          Hơn nữa, cái trí thì trường tồn so với thế giới vật chất tạm bợ. Vì “trí” chỉ là một từ ngữ vụng về dùng để chỉ “chủ thể tư tưởng” sống động bên trong chúng ta, đó là thực thể ý thức thật sự, con người bên trong, “nó đã là, nó là, và sẽ là; đối với nó thời giờ sẽ không bao giờ điểm.” Con Người bên trong càng ít lao sâu vào vật chất, nó càng ít ảo tưởng hơn. Khi nó giũ bỏ những lớp y phục mà nó đã khoác vào lúc tái sinh (thể xác, thể phách và thể cảm dục), nó về gần với Linh Hồn hơn trước, và mặc dù những lớp màn ảo ảnh vẫn còn che mờ tầm nhìn của nó, nhưng những lớp màn này đã mỏng hơn nhiều so với những lớp y phục che phủ khi nó còn ở trong xác thân. Sự sống của con người tự do hơn và ít ảo ảnh hơn khi nó không mang thể xác, nói một cách tương đối, khi không mang thể xác là trạng thái bình thường của con người. Con người thường trực ở trạng thái bình thường này, nhưng có những giai đoạn ngắn ngủi con người đi sâu vào đời sống vật chất để thu lượm và đem về những kinh nghiệm phong phú. Như một người thợ lặn có thể lặn sâu dưới đáy biển để tìm ngọc trai, “người suy tư” lặn sâu vào đại dương của sự sống để tìm ngọc quí của kinh nghiệm, nhưng họ không ở lâu nơi đó, vì đó không phải yếu tố thuộc về họ, họ trồi lên trở lại vùng không khí của họ, và giũ sạch yếu tố nặng nề mà họ rời bỏ. Như thế, nói một cách đúng đắn, Linh Hồn đã trốn thoát khỏi cõi trần để trở về nơi riêng của nó, vì quê hương của nó là “vùng đất của những Thần Minh”, còn trái đất chỉ là nơi lưu đày, ngục tù. Quan điểm này rất rõ ràng, và được bà Blavatsky tường thuật lại về cuộc đàm thoại của bà với Một vị Chân Sư Minh Triết, sau đây là một đoạn ngắn của cuộc đàm thoại đó, rút ra trong bài viết “Sự Sống và Chết” trong tạp chí Lucifer, Oct. 1892.

          Những người theo phái Vệ Đà (Vedantins) đều biết có sự hiện tồn của hai loại tâm thức, thế gian và tinh thần, và cho biết chỉ có tâm thức tinh thần là thực tế. Sự sống trên trái đất luôn thay đổi và ngắn ngủi, chỉ là ảo ảnh của giác quan con người. Sự sống của chúng ta trong vùng tinh thần phải được coi như là một thực tại, vì đó là nơi trú ngụ của cái “Ta” bất tử, không bao giờ thay đổi, không bao giờ chấm dứt. Trong mỗi kiếp tái sinh mới, nó tự khoác lên một cá tính hoàn toàn khác, một thực thể tạm thời, chỉ tồn tại một thời gian ngắn ngủi… Ta có thể nói,  chính bản chất của tất cả các phương diện này -- Tinh Thần, Năng Lực và Vật Chất -- không có chấm dứt, cũng không có khởi đầu. Nhưng hình thể tạo ra bởi bộ ba đồng nhất này, trong suốt những kiếp luân hồi của nó, phần bên ngoài không có gì khác hơn là một ảo ảnh của sự nhận thức cá nhân. Vì thế, chúng ta phải coi sự sống sau khi chết là thực tại, và sự sống trên trái đất, bao gồm cả phàm ngã, chỉ là sự tưởng tượng. Tôi đưa ra sự so sánh trên để bạn hiểu tại sao chúng ta gọi là giấc ngủ thực tại, và sự thức tỉnh ảo tưởng, và từ quan điểm thuộc niềm tin theo thế tục của bạn thì nó hoàn toàn chính xác.

          Câu: “Từ quan điểm thuộc về niềm tin theo thế tục của bạn”, là chìa khóa để giải đáp cho thắc mắc về Devachan có phải chỉ là “ảo ảnh” hay không. Chất liệu thô kệch của cõi trần không có ở đó; những giới hạn áp đặt bởi chất liệu này không có ở đó; cái trí ở trong lãnh vực của chính nó, nơi đó, nó muốn là nó sáng tạo, nó nghĩ là nó thấy. Vì thế, có thể nói sự chết không gì khác hơn là sự sinh của một đời sống mới, tốt đẹp hơn, hay sự quay về với vĩnh hằng.

          Nhiều Triết Gia và Đạo Sư ở Đông Phương rất chú trọng và lo cho những ý niệm tinh thần và trí tuệ bị vật chất hóa. Trong lúc còn mang xác thân, họ cố gắng liên tục trong việc giải thóat khỏi những ràng buộc vật chất, càng nhiều càng tốt, để mở cửa cái lồng phóng thích con Chim Nhạn Thiêng Liêng, dù biết rằng trong một thời gian nó cũng phải trở lại. Họ luôn tìm kiếm sự “tinh thần hóa vật chất”, trong khi ở Tây Phương người ta lại có khuynh hướng “vật chất hóa tinh thần”. Người Ấn diễn tả sự sống của Linh Hồn khi thoát ra khỏi xác thân, bằng mọi từ ngữ làm cho nó ít mang tính vật chất nhất, như: ảo ảnh, mơ mộng… Trong khi người Hebrew cố gắng phác họa nó bằng những từ ngữ diễn tả sự sang trọng, huy hoàng thuộc vật chất như: tiệc cưới, ngày lễ hội, những con đường lát vàng, ngai vàng, vương miện bằng kim loại và đá quý v.v… Tây Phương đã theo con đường vật chất hóa những ý niệm của người Hebrew, do đó hình ảnh một thiên đàng đối với họ chỉ là một vùng đất thứ nhì, được rút bỏ hết những thống khổ thuộc trái đất, một “Vùng Đất Trường Hạ” (Summerland), với những người “chồng tinh thần”, “vợ tinh thần”, và những người “con tinh thần” cắp sách đến trường tiểu học, đại học, và lớn lên thành những người trưởng thành tinh thần.

          Chúng ta thử nhìn tổng quát cuộc sống của Người Hành Hương Vĩnh Cửu, Con Người bên trong, Linh Hồn con người, trong suốt những chu kỳ luân hồi. Trong nhiều cuộc hành hương quá khứ, Linh Hồn đã đạt được năng lực để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc hành hương mới. Trước khi bắt đầu một hành trình mới, nó là một Thực Thể tinh thần, nhưng đã qua khỏi tình trạng thụ động của Tinh Thần thuần nhất, và đã có kinh nghiệm trước về vật chất trong những giai đoạn quá khứ, đã phát triển trí thông minh, tức cái trí tự ý thức. Nhưng sự tiến hóa nhờ kinh nghiệm này còn lâu mới hoàn tất, dù nó đã đến mức làm chủ được vật chất, sự vô minh vẫn làm nó trở thành một con mồi cho những ảo ảnh vật chất. Khi tiếp xúc với vật chất, nó không thích ứng là người xây dựng một vũ trụ, nó bị đánh lừa bởi những ảo ảnh gây nên do vật chất thô kệch, như một đứa trẻ nhìn qua mảnh kính màu xanh, tưởng rằng thế giới bên ngoài toàn màu xanh.

          Mục đích của chu kỳ luân hồi là để giải thoát Linh Hồn khỏi những ảo ảnh, để khi bị vây quanh và hoạt động trong vật chất thô kệch, nó có thể duy trì tầm nhìn trong sáng, không bị ảo ảnh làm mù lòa. Một chu kỳ luân hồi bao gồm hai giai đoạn thay đổi nhau: một giai đoạn ngắn ngủi là cuộc đời ở thế gian -- trong thời gian này, vị Thượng Đế Hành Hương (Pilgrim-God) đi sâu vào vật chất thô kệch -- và một giai đoạn tương đối dài, là cuộc sống trong Cõi Trời Chân Phúc. Suốt thời gian này, ngài được bao bọc trong chất liệu thanh nhẹ, vẫn còn là ảo tưởng, nhưng ít ảo tưởng hơn ở cõi trần. Ta có thể gọi giai đoạn thứ hai là giai đoạn bình thường của Linh Hồn, vì nó bao gồm một phạm vi rộng lớn hơn nhiều so với giai đoạn ở thế gian, và cũng vì nó ít xa rời khỏi sự sống Thiêng Liêng. Trong giai đoạn này, linh hồn ít bị vật chất bao phủ, ít bị đánh lừa bởi cục diện luôn thay đổi nhanh chóng của vật chất. Một cách chậm chạp, dần dần Linh Hồn đạt được những kinh nghiệm do sự lặp đi lặp lại, vật chất thô kệch không còn điều khiển được nó, không còn là ông chủ chuyên quyền, mà trở thành tôi tớ cho nó. Được tự do một cách có giới hạn trong Devachan, Linh Hồn “tiêu hóa” những kinh nghiệm đã gặt hái được ở cõi trần. Từ lúc bị vật chất ở cõi trần ngự trị hoàn toàn đến lúc vào cuộc sống Devachan, con người cũng vẫn còn bị chi phối một phần, vì sự sống Devachan chỉ là sự thăng hoa liên tục của sự sống thế gian. Dần dần con người được tự do nhiều hơn và càng ngày càng nhận thấy vật chất thế gian chỉ là phần tạm bợ bên ngoài. Cho đến khi con người có thể di chuyển xuyên qua bất cứ vùng nào của vũ trụ, với tâm thức không gián đoạn, lúc đó, họ thật sự là một Chủ Tể của Trí Tuệ, một Thượng Đế tự do và chiến thắng. Đó là sự chiến thắng của Bản Chất Thiêng Liêng biểu lộ trong nhục thể, sự chinh phục mọi hình thức vật chất, và làm chúng thành dụng cụ dễ dạy của Tinh Thần. Chân Sư có nói về vấn đề này như sau:

          Chân Ngã Tinh Thần (The Spiritual Ego) của con người di chuyển trong vĩnh cửu như một quả lắc, giữa những giờ của sự sống và chết. Sự liên tục của những giờ, của những giai đoạn sống ở thế gian và sau khi chết, đều bị giới hạn. Chính số lần tạm ngơi nghỉ trong vĩnh cửu giữa giấc ngủ và thức, giữa ảo ảnh và thực tại, cũng có khởi đầu và chấm dứt, nhưng chính Kẻ Hành Hương thì trường tồn. Vào lúc mở màn giai đoạn sống sau khi chết, con người đối diện trực tiếp với sự thật, theo ý chúng tôi, chỉ có giai đoạn này là thực tại, còn  kiếp sống trần gian ngắn ngủi chỉ là ảo ảnh và trở nên xa vời đối với con người. Dù có giới hạn, những lần tạm nghỉ như thế trợ giúp cho Sinh Mệnh Tuyến (Sutratma), để nó liên tục tự hoàn hảo, tuy chậm chạp nhưng vững chắc trên đường đưa đến sự chuyển hóa cuối cùng. Khi đạt đến mục đích tối hậu, nó trở thành một Thực Thể Thiêng Liêng. Những giai đoạn tạm nghỉ không những chỉ góp phần trong việc tiến đến mục đích này, mà nếu không có chúng con người không bao giờ đạt được Bồ Đề Sinh Mệnh Tuyến (Sutratma-Buddhi). Sinh Mệnh Tuyến là diễn viên, và những lần đầu thai khác nhau là những thành phần của diễn viên, ở những nơi khác, có người tạm gọi những thành phần này, và những y phục của chúng bằng danh từ “phàm nhân”. Như một diễn viên, linh hồn phải đóng vai trò trong chu kỳ những kiếp tái sinh cho đến khi vào ngưỡng cửa Đại Niết Bàn (Paranirvana). Trong những giai đoạn này, có nhiều giai đoạn gây phiền toái cho linh hồn, nhưng như con ong hút mật từ các loại hoa, và để phần còn lại nuôi những sâu bọ dưới đất, Chân Ngã Tinh Thần, hay Sinh Mạng Tuyến, chỉ thu nhặt phần tinh túy của  phẩm chất đạo đức và trí tuệ  từ mỗi phàm nhân ở thế gian, mà nó phải khoác vào do sự thúc đẩy của nghiệp lực. Cuối cùng nó tổng hợp tất cả các phẩm chất vào một, để trở thành một thực thể hoàn hảo, một Thiền Định Đế Quân (Dhyan Chohan).

          Cách diễn tả ở phần trên cho thấy một tính chất rất quan trọng, đó là mỗi giai đoạn trong Cõi Trời Chân Phúc được qui định bởi giai đoạn ở trần thế xảy ra trước nó, và trong Cõi Trời Chân Phúc, con người chỉ có thể đồng hóa những loại kinh nghiệm mà họ đã góp nhặt ở thế gian.

          Một cá nhân không màu sắc, không mùi vị sẽ có một trạng thái Devachan yếu ớt không màu sắc. (Tạp chí Đường Đạo “The Path”, may 1890)

          Người chồng, người cha, học sinh, nhà ái quốc, nghệ sĩ, tín đồ Thiên Chúa, Phật Tử… phải phát triển hiệu quả của cuộc sống thế gian để đem vào cuộc sống Devachan. Con người không thể ăn và đồng hóa nhiều thực phẩm hơn những thức ăn họ đã góp nhặt, không thể thu hoạch mùa gặt nhiều hơn những hạt giống họ đã gieo. Từ khi gieo hạt vào luống cày, phải mất vài tháng để hạt tăng trưởng thành cây và trổ hoa, tùy theo loại hạt đã gieo ta có hoa loại đó, tùy theo bản chất của kiếp sống ngắn ngủi ở cõi trần, ta gặt được loại hoa màu tương ứng ở cõi trời.

          Có sự thay đổi liên tục trong công việc ở Devachan, thay đổi nhiều hơn trong cuộc sống ở cõi trần, vì ở cõi trần có những người suốt đời chỉ theo đuổi một nghề nghiệp cố định. Khác với nghề nghiệp ở cõi trần, công việc tinh thần của người ở Devachan luôn luôn thích thú, làm cho toàn thời gian của cuộc sống hoàn toàn vui sướng hạnh phúc. Sự sống ở Devachan là sự thực hiện những nguyện vọng của kiếp sống thế gian; nó không kéo dài vô hạn “một biến cố duy nhất”, mà nó phát triển vô hạn thành nhiều sự kiện và tình huống khác nhau, phát xuất từ nền tảng của một “khoảnh khắc đơn độc” hay những khoảnh khắc. Những giấc mơ khách quan trở thành sự hiện tồn thực tế chủ quan… Phần thưởng mà Thiên Nhiên dành cho người nhân ái, rộng lượng, không quá chăm lo đến cá nhân bản thân; những người này  sẽ đi qua rất nhanh khỏi Cảm Dục Giới và Vùng Sắc Tướng (Rupa Lokas) để đến vùng cao hơn, nơi những tư tưởng trừu tượng được diễn đạt, và những nguyên lý phổ cập tràn đầy tư tưởng con người. Cần nhắc lại là khi ở Vùng Sắc Tướng của Devachan, Linh Hồn vẫn còn bị vây quanh bởi những hình thể.

          Không có thứ gì ô uế vào được Devachan, vì chất liệu thô kệch đã bị bỏ lại phía sau với tất cả những thuộc tính của nó ở cõi trần và cảm dục giới. Nếu con người gieo quá ít hạt giống, mùa gặt ở Cõi Trời Chân Phúc sẽ ít ỏi, và sự tăng trưởng của Linh Hồn sẽ bị chậm trễ do thiếu chất dinh dưỡng. Như thế, ta thấy kiếp sống cõi trần rất quan trọng, nó là cánh đồng để gieo hạt, nơi để góp nhặt kinh nghiệm. Cuộc sống cõi trần tạo điều kiện, giới hạn, quy định sự phát triển của Linh Hồn; nó cung cấp loại quặng thô kệch để trong thời gian ở Devachan, Linh hồn nấu chảy, rèn đúc, tôi luyện thành những vũ khí, mà nó sẽ mang theo vào kiếp tái sinh nơi thế gian. Trong Cõi Trời Chân Phúc, Linh Hồn có kinh nghiệm tự làm cho mình dụng cụ tuyệt vời cho kiếp sống sắp tới ở thế gian; Linh Hồn không kinh nghiệm sẽ rèn luyện một thanh gươm không đủ sắc bén; nhưng trong mỗi trường hợp nó chỉ có thể sử dụng chất liệu mà nó đã mang theo từ cõi trần. Trong Cõi Trời Chân Phúc, Linh Hồn lọc lựa và phân loại những kinh nghiệm; nó sống một cuộc sống tương đối tự do, và dần dần đạt được năng lực ước tính giá trị thật sự của những kinh nghiệm trần gian. Nó rèn luyện cẩn thận và hoàn toàn những ý tưởng phôi thai ở thế gian. Nguyện vọng cao quý là một mầm giống mà Linh Hồn cò thể đào luyện thành một nhận thức tuyệt vời trong Devachan. Linh Hồn có thể mang tâm ảnh này trở lại khi tái sinh, để được thực hiện ở thế gian khi có cơ hội và môi trường thích hợp. Vì trí tuệ thuộc lãnh vực sáng tạo, và cõi trần chỉ là nơi để thực hiện tư tưởng đã có sẵn. Linh Hồn là một kiến trúc sư, yên lặng làm việc trong trạng thái suy tưởng thâm sâu, và thực hiện chương trình hoạch định khi ra thế giới bên ngoài để tạo nên dinh thự của nó. Từ những kiến thức thu nhặt được trong kiếp đã qua, Linh Hồn thảo ra chương trình cho kiếp sau; đến khi trở lại thế gian, nó sắp xếp những sự hiểu biết vào những hình thể vật chất để tạo ra những cơ sở mà nó đã hoạch định.

          Sự biểu lộ khách quan theo sau sự suy ngẫm tinh thần nội tại, trước tiên là ý tưởng, sau mới tới hình thể. Hiện tại có một số người Thông Thiên Học không kiên nhẫn, cho rằng thời gian ở Cõi Trời Chân Phúc là thời gian lãng phí, chỉ là một trong những ảo ảnh, trái lại sự thật là mọi hoạt động hữu hiệu đều bắt nguồn từ sự suy ngẫm sâu xa, và từ sự “Yên Lặng” phát xuất “Lời” sáng tạo. Ở cõi trần, hành động sẽ mạnh mẽ và có hiệu quả hơn, nếu nó là kết quả của sự suy ngẫm tận nguồn sâu xa. Khi đang sống ở cõi trần, nếu Linh Hồn có thể thường thoát ra khỏi thể xác để vào Devachan, họ có thể hành động một cách khôn ngoan hơn, và ít mất thì giờ hơn. Vì Devachan là một trạng thái của tâm thức, đối với người đã học được cách thu rút Linh Hồn ra khỏi những giác quan, như con rùa rút vào bên trong cái mai của nó, trong một lúc, tâm thức của Linh Hồn có thể thoát ra khỏi lưới vật chất thô kệch, và bất cứ lúc nào cũng có thể quay trở lại; họ có thể lại thoát ra khỏi thể xác để vào Devachan một cách nhanh chóng, trực tiếp, có chủ đích. Như thế, thời giờ dùng trong việc tham thiền chẳng những không lãng phí mà còn giúp cho cái trí tác động mạnh hơn và trực tiếp hơn.

           Cõi Trời Chân Phúc là vùng của trí tuệ, như đã nói, đó là Đất của những vị Thần Minh, hay những Linh Hồn. Có hai khu vực biểu lộ nguyên nhân: khách thể và chủ thể. Năng lực thô kệch biểu lộ trong phàm ngã mới của mỗi lần tái sinh thuộc chu kỳ tiến hóa của chân ngã. Những hoạt động đạo đức và tinh thần tạo ra hiệu quả trong Devachan, vì thế những hoạt động đạo đức và tinh thần rất quan trọng, và sự phát triển của chúng tùy thuộc vào sự tăng trưởng của Con Người thật sự. Cho nên, khi hoàn thành mục đích của sự sáng tạo, và giải thoát Linh Hồn, chúng ta có thể bắt đầu hiểu một phần nào về sự quan trọng của trạng thái Devachan.


CHƯƠNG 8

CƯ DÂN Ở CÕI TRỜI CHÂN PHÚC
(The Devachani)

          Sau khi giũ bỏ lớp áo cảm dục, Tam Nguyên Trường Tồn đi xuyên qua ngưỡng cửa Devachan, và trở thành một “Devachani”. Linh Hồn đã trải qua trạng thái mơ màng trong giai đoạn vượt ra khỏi vùng trái đất, chờ đợi cho cái “chết thứ nhì”, hay trạng thái “vô thức tiền devachan” (pre-devachanic unconsciousness). Tình trạng này còn được gọi là giai đoạn “thai nghén”, vì nó đến trước sự sinh của Linh Hồn vào Cõi Trời Chân Phúc. Giai đoạn này, theo quan điểm thế gian là sự tử, nhưng theo quan điểm của Devachan là sự sinh.

          Giống như sự khởi đầu cuộc sống thế gian, Linh Hồn bắt đầu đời sống tâm linh trong Devachan sau khi xả bỏ dần dần sức lực và trải qua tình trạng nửa tỉnh nửa mê, đến trạng thái hoàn toàn mất tri thức, hoàn toàn lãng quên. Kế đó, không phải là sự chết mà là sự sinh vào Devachan, trong cuộc sống này, những nguyên nhân tích tụ của kiếp vừa qua được phát triển và đồng hóa. Sau thời gian ở Devachan lại đến một sự sinh khác ở cõi trần, một phàm ngã mới. Tình trạng của những kiếp sống nối tiếp nhau giữa Devachan và cõi trần được qui định bởi nhân quả, và chu kỳ của những lần sinh tử mệt mỏi này liên tục tiến hành cho đến cuối của cuộc tuần hoàn thứ bảy, hoặc có thể chấm dứt trước đó nếu Linh Hồn sớm đạt được Minh Triết của trình độ La Hán, để dần dần tiến đến quả vị Phật.

          Khi được sinh vào vùng Devachan, Linh Hồn đã vượt ra ngoài sự hồi nhớ về thế gian, nó không thể bị lôi kéo trở về thế giới của chúng ta, về vấn đề này một vị Chân Sư đã khẳng định như sau:

          Từ Cõi Trời Chân Phúc xuống đến “Vùng Tạm Bợ”, có nhiều trạng thái tinh thần khác nhau, nhưng . . . sau khi đã ra khỏi Cảm Dục Giới, băng qua “Cầu Vàng” (Golden Bridge) đưa đến “Bảy Ngọn Núi Vàng” (Seven Golden Mountains), Linh Hồn không còn thông thương được với những người đồng cốt tầm thường. Không có “Cậu Ba, Cô Tư” nào trở về từ “Vùng Trời Sắc Tướng” (Rupa Loka), nhất là từ “Vùng Trời Vô Sắc Tướng” (Arupa Loka), để liên lạc thân tình với người ở thế gian.

          Chắc chắn một Linh Hồn mới sinh vào Devachan, trong một lúc còn giữ lại toàn thể hồi ức về cuộc sống thế gian, nhiều hay ít tùy theo mỗi người, nhưng từ Devachan, nó không bao giờ trở lại thăm viếng cõi trần, ngoại trừ khi nó tái sinh.

          Một cách tổng quát, “người” ở Devachan là Tam Nguyên Trường Tồn (Immortal Triad), Atma-Buddhi-Manas, nhưng ta luôn luôn nên nhớ là: Atman không phải là sở hữu cá nhân của bất cứ người nào, nó là Bản Chất Thiêng Liêng (Divine Essence), không cơ thể, không hình thể, không thể đo lường,  không thể phân chia, và vô hình. Vì lẽ đó, một số Phật tử khi nói đến Niết Bàn (Nirvana) họ nghĩ đến sự không tồn tại, sự tịch diệt.

          Cơ cấu của nhân vật trong Devachan gồm Thể Bồ Đề và Thượng Trí, hai thể này kết hợp nhau trong vòng bao phủ của Linh Thể (Atma). Như ta được biết, trong suốt kiếp sống trần gian, Manas có nhị nguyên tính, và trong khoảng thời gian ngắn ở cảm dục giới, Hạ Trí được thanh lọc khỏi những yếu tố của dục vọng. Nhờ sự thanh lọc này, nó chỉ mang theo vào Devachan những kinh nghiệm trong sạch và cao quí của kiếp sống trần gian, và duy trì cá tính quá khứ như một đặc tính nổi bật. Do sự tiếp nối “Bản Ngã cá nhân” này, mà chúng ta có thể nói “ảo ảnh” vẫn còn tồn tại đối với nhân vật trong Devachan. Nếu thực thể trí tuệ thoát khỏi mọi ảo ảnh, nó có thể nhận thấy tất cả các Linh Hồn khác đều là huynh đệ của nó. Nhìn lại quá khứ, nó có thể nhận thấy tất cả những sự liên hệ khác nhau trong nhiều kiếp sống đã qua, như một diễn viên có thể nhớ nhiều vai trò khác nhau mà anh ta đã đóng với những diễn viên khác. Một diễn viên có thể thấy một diễn viên khác như một người cha, người con, vị quan tòa, kẻ sát nhân, ông chủ, hay một người bạn của anh ta. Sự liên hệ sâu đậm trong cuộc sống thế gian không cho những diễn viên nhận biết vai trò của nhau, cũng thế, Chân Ngã tinh thần hoàn hảo nhận biết sự kết hợp sâu xa và tình huynh đệ tròn đầy, sẽ không còn bị nhầm lẫn, hay mắc kẹt trong những liên hệ thế tục. Nhưng người trong Devachan, nhất là ở những giai đoạn thấp, vẫn còn bị ràng buộc cá nhân với cuộc sống trần gian vừa qua, họ bị đóng khung trong những liên hệ của một kiếp luân hồi, thiên đàng của họ gồm toàn những người mà họ thương yêu nhất. Tình thương không bao giờ mất, chính cái cảm giác thiêng liêng của tình thương này mà họ còn giữ lại, và đó là đặc điểm nổi bật của Chân Ngã cá tính.

          “Ai vào Devachan?” dĩ nhiên câu trả lời là Chân Ngã cá tính; nhưng nó đã được ban phúc, thanh lọc và thánh thiện. Mỗi Linh hồn là sự kết hợp của nguyên lý Thượng Trí và Bồ Đề, sau giai đoạn thai nghén vô thức, được sinh trở lại vào Devachan, dĩ nhiên trong trắng và vô tội như một đứa trẻ mới sinh. Chính sự kiện Linh Hồn được sinh trở lại vào Devachan, cho thấy những điểm tốt trong phàm ngã cũ vượt trội hơn những điểm xấu ác. Trong một thời gian,  nghiệp quả xấu bị dẹp qua một bên, và sẽ theo con người đến kiếp đầu thai tương lai. Linh Hồn chỉ mang theo nhân quả của hành động, lời nói và tư tưởng tốt lành vào Devachan. Như chúng ta đã biết, “xấu” là một từ ngữ tương đối, và Luật của sự Đền Bù là một luật không bao giờ sai lạc. Như thế, tất cả những người nếu  không bị chìm sâu vào bùn nhơ của thú tính và tội lỗi vô phương cứu chuộc, đều được vào Cõi Trời Chân Phúc, và họ sẽ trả quả những tội lỗi, tự nguyện hay bắt buộc, về sau. Nhưng khi ở Cõi Trời Chân Phúc, họ được tưởng thưởng xứng đáng cho những điều tốt lành mà họ đã gieo.

          Có vài người đặt câu hỏi tại sao những ràng buộc mà họ tạo ra trong một kiếp sống ở thế gian, không vĩnh viễn tồn tại. Chúng ta hãy bình tĩnh trong một lúc để xem xét vấn đề. Một bà mẹ lần đầu tiên ẵm một đứa con trên tay, sự liên hệ có vẻ hoàn hảo, nếu đứa bé chết, bà thương nhớ và khao khát có lại đứa con như hình ảnh một em bé. Nhưng nếu đứa con sống qua giai đoạn trẻ đến lúc trưởng thành thì sự ràng buộc sẽ thay đổi. Tình thương yêu bao bọc của người mẹ và sự gắn bó vâng lời của đứa con còn nhỏ, hòa hợp thành một thứ tình cảm bạn bè thân thuộc, cao đẹp hơn tình bạn thông thường từ những hồi tưởng cũ. Về sau, khi người mẹ đã già, và người con ở vào tuổi trưởng thành, vị trí của họ thay đổi, người con bây giờ đóng vai trò bảo vệ, trong khi người mẹ tùy thuộc vào sự hướng dẫn của đứa con. Sự liên hệ hoàn hảo hơn nếu nó dừng lại lúc đứa trẻ còn thơ ấu, với chỉ có một mối ràng buộc, hay nó sẽ dồi dào hơn, dịu ngọt hơn từ nhiều dây ràng buộc đan lại nhau? Cũng thế đối với Linh Hồn, trong nhiều kiếp sống, những Linh Hồn có thể gần gũi nhau qua nhiều mối liên hệ khác nhau, và cuối cùng, đứng chung như những huynh đệ trong cùng một nhóm, liên hệ chặt chẽ nhau, họ có thể nhìn lại những kiếp sống quá khứ để thấy sự liên hệ giữa họ trong nhiều hoàn cảnh, với tình thương và bổn phận khác nhau. Như thế, sự kết hợp cuối cùng do nhiều dây nối kết phải được phong phú hơn. Từ ngữ “cuối cùng” mà tôi nói chỉ thuộc về chu kỳ này, đối với những gì xảy ra ngoài chu kỳ này, với sự sống rộng lớn hơn và ít phân chia hơn, con người không thể biết rõ. Đối với tôi, duờng như những kinh nghiệm khác nhau này làm cho mối ràng buộc thêm vững chắc hơn, chớ không lỏng lẻo hơn. Rất tiếc chúng ta chỉ biết một phương diện nhỏ trong nhiều phương diện của con người, dù có gần gũi người ấy cả ngàn năm. Nhưng tôi muốn biết một người nào đó về vài phương diện mới trong bản chất của họ. Đối với những ai phản đối quan điểm này, không nên cảm thấy phiền não, vì họ có thể vui thích với sự hiện diện của người mà họ thương yêu, chỉ về một phương diện cá tính biểu lộ của người thân trong một kiếp luân hồi mà họ ý thức được, cho đến khi nào ý muốn của họ vẫn còn duy trì. Miễn là họ đừng cho rằng loại hạnh phúc của họ cũng giống như loại hạnh phúc của những người khác, họ cũng không nên khăng khăng cho rằng loại hạnh phúc ở giai đoạn của họ là thích hợp và thỏa mãn nhất, và cố giữ tình trạng hạnh phúc ấy vĩnh viễn xuyên qua hàng triệu năm trong tương lai. Ở Cõi Trời Chân Phúc, Thiên Nhiên ban cho con người sự thỏa mãn đối với tất cả những điều ham muốn trong sạch. Ở đó, Manas thực hành khả năng thuộc bản chất thiêng liêng bẩm sinh của nó, và nó không bao giờ ham muốn một cách vô ích.  

          Tạm gác qua một bên sự bàn cãi thế nào là “hạnh phúc” trong tương lai, cách xa hiện tại hàng triệu năm, để chúng ta không ở trong tình trạng của một em bé còn ham vui với những con búp bê, tưởng tượng về sự thích thú và niềm hạnh phúc sâu đậm sẽ có được khi trưởng thành. Chúng ta cần hiểu, theo Triết Lý Bí Truyền, người ở Cõi Trời Chân Phúc được bao vây bởi những thân nhân và bạn bè mà họ đã từng thương yêu ở  cõi trần, với sự trìu mến trong sáng, và sự kết hợp ở cõi của Chân Ngã, không phải ở cõi vật chất. Hạnh phúc của họ không bị hoen ố bởi những thống khổ không thể tránh khỏi khi con người còn ở cõi trần đầy ảo ảnh và thú vui tạm bợ. Họ được bao quanh bởi những người thân yêu với tâm thức cao, và sự đau buồn  không tới được, vì họ không biết đuợc những người thân yêu đang phải chịu khổ trong tâm thức thấp, do vẫn còn bị ràng buộc với  xác thân ở cõi trần. Theo quan điểm của Cơ Đốc Giáo chính thống, chết là chia cách, và “linh hồn người chết” phải chờ đợi sự sum họp cho đến lúc người thân đi qua ngưỡng cửa của sự “Chết”, hoặc theo một số người khác, cho đến sau ngày phán xét cuối cùng. Trái lại, Triết Lý Bí Truyền dạy rằng: sự “Chết” không gây tổn hại gì đến phần tâm thức cao của con người, và họ chỉ cảm thấy chia cách với người thân khi còn mang những dẫn thể thấp. Khi đang sống ở cõi trần, vật chất làm con người bị mù lòa, họ cảm thấy bị chia cách với những người thân đã chết. Nhưng người ở cõi Trời Chân Phúc xác tín rằng “không có điều gì gọi là “chết”, họ chỉ bỏ đi những dẫn thể, trong khi những người thân của họ còn giữ chúng; đối với họ, tấm màn vật chất ngăn cách đã bị xé bỏ.

          Trong “Chìa Khóa Thông Thiên Học” bà Blavatsky có viết như sau:

          Một người mẹ từ trần để lại cho người chồng những đứa con còn nhỏ mà bà rất yêu quý. Trong suốt thời gian ở cõi Trời Chân Phúc, “Tinh Thần” hay “Linh Hồn” hay “Chân Ngã” bà hoàn toàn thấm nhuần những tình cảm cao quý từ nếp sống trần gian vừa qua như: tình thương đối với các con, lòng thương hại đối với những người khổ nạn... Bây giờ bà đã rời bỏ “thung lũng nước mắt” của trần gian đầy dẫy thống khổ. Tâm thức tinh thần của bà nhận thấy chung quanh bà là những đứa con yêu quý và những người mà bà thương mến. Trạng thái hạnh phúc tuyệt đối và hoàn hảo này không có kẽ hở để cho phiền phức có thể chen lẫn vào.

          Trạng thái phúc lạc của con người bình thường trong Cõi Trời Chân Phúc rất hoàn hảo. Họ hoàn toàn lãng quên mọi sự đau đớn, thống khổ của kiếp tái sinh vừa qua, và quên cả sự kiện rằng có những đau đớn và thống khổ đã xảy ra. Người ở Cõi Trời Chân Phúc sống trong chu kỳ ở giữa hai lần đầu thai, họ được vây quanh bởi những sự vật mà lúc còn ở cõi trần họ đã khao khát không có kết quả, đồng hành với họ là những gì mà họ từng yêu thích ở thế gian. Họ đã thành đạt tất cả những điều mong mỏi của linh hồn. Như thế, họ sống qua nhiều thế kỷ dài trong niềm hạnh phúc thuần khiết, đó là phần thưởng đền bù lại những thống khổ mà họ đã chịu đựng trong đời sống thế gian. Tóm lại, họ được tắm trong đại dương bao la hạnh phúc không gián đoạn, với cường độ càng ngày càng tăng.

          Tầm nhìn rộng rãi của triết lý bí truyền cho ta thấy viễn cảnh huy hoàng của tình yêu bền bỉ và sự kết hợp giữa những Linh Hồn cá thể, trong khi nó bị giới hạn bởi tín ngưỡng của Cơ Đốc Giáo công truyền. Bà Blavatsky nói: “Những người mẹ thương yêu con cái với một tình thương bất diệt”, ta dễ dàng biết tại sao đó là tình thương bất diệt, khi nhận biết rằng chính cùng những Linh Hồn đóng nhiều vai trò trong vở kịch đời. Kinh nghiệm mà mỗi vai trò đem lại được ghi vào ký ức của Linh Hồn, và không có sự chia cách giữa những Linh Hồn, mặc dù trong trong kiếp luân hồi, có thể chúng không nhận ra sự kiện ấy với vẻ đẹp trọn vẹn của nó.

          Chúng ta đang sống với những người mà chúng ta đã mất họ về  phương diện hình hài vật chất, bây giờ chúng ta gần gũi với họ hơn khi họ còn sống. Điều này rất thực, không phải chỉ là giả tưởng như một số người nghĩ về cõi Devachan. Vì tình yêu trong sạch, thánh thiện không những là sự nở hoa của trái tim nhân loại, mà còn có cội rễ trong vĩnh cửu. Tình yêu tinh thần thánh thiện thì bất diệt, không sớm thì muộn, nhân quả cũng mang tất cả những người thương yêu nhau với sự quyến luyến tinh thần như thế, một lần nữa tái sinh vào cùng một gia đình.(Chìa Khóa Thông Thiên Học)

          Tình thương có “cội rễ trong vĩnh cửu”, và ở thế gian, những người mà chúng ta bị thu hút mạnh mẽ là những Linh Hồn mà chúng ta đã thương yêu trong những kiếp quá khứ, và đã  sống cùng họ trên Cõi Trời Chân Phúc. Khi trở lại cõi trần, những dây ràng buộc chặt chẽ của tình thương này sẽ lôi kéo chúng ta lại nhau, do đó mối ràng buộc càng ngày càng mạnh mẽ và tốt đẹp hơn, và tiếp tục như thế cho đến khi chúng ta thoát ra khỏi mọi ảo ảnh. Đến một lúc, những Linh Hồn mạnh mẽ và hoàn hảo sẽ đứng bên nhau, chia sớt những kinh nghiệm vô tận của quá khứ.


CHƯƠNG 9

TRỞ  LẠI  CÕI  TRẦN

(The Return to Earth)

          Khi những nguyên nhân mang Linh Hồn vào Cõi Trời Chân Phúc đã cạn, và những kinh nghiệm góp nhặt từ kiếp trước đã được đồng hóa hoàn toàn, Linh Hồn lại bắt đầu khát khao những cảm giác của cuộc sống vật chất, chỉ có thể thỏa mãn được ở cõi trần. Người càng tiến bộ trên đường tinh thần, có cuộc sống trong sạch, cao thượng, càng ở lại lâu trên Cõi Trời Chân Phúc, đó là thế giới của tinh thần, kết quả của sự tinh khiết và cao quý. Bà Blavatsky cho chúng ta biết thời gian trung bình cho một người ở Cõi Trời Chân Phúc từ 10 đến 15 thế kỷ. Nhưng trong cuộc sống hiện đại, thời gian này ngắn hơn rất nhiều, do sự thu hút mạnh hơn của những đối tượng vật chất đối với tâm con người. Cũng nên nhớ “thời gian trung bình” ở Cõi Trời Chân Phúc không phải là thời gian cho bất cứ người nào; thời gian này dài hay ngắn tùy theo cách sống của kiếp vừa qua. Người càng có nhiều hoạt động tinh thần, trí tuệ và tình cảm cao thượng, mùa gặt của họ càng dồi dào và cần một thời gian dài hơn ở Cõi Trời Chân Phúc để đồng hóa những kinh nghiệm đã góp nhặt được. Người có nếp sống ích kỷ, càng lo thu góp lợi lộc cho cá nhân, thời gian ở Cõi Trời Chân Phúc càng ngắn ngủi.

          Dù thời gian dài hay ngắn, khi những kinh nghiệm đã được đồng hóa, Linh Hồn sẵn sàng để trở lại, mang theo những kinh nghiệm phong phú hơn. Linh Hồn cũng mang theo những gì mà nó có thể đạt được trong thời gian ở Cõi Trời Chân Phúc, do kết quả của những tư tưởng trừu tượng. Vì theo một ý nghĩa: “Trong thời gian ở Cõi Trời Chân Phúc, chúng ta có thể đạt được thêm kiến thức, phát triển thêm khả năng mà trong kiếp sống ở thế gian chúng ta rất yêu thích và nỗ lực theo đuổi, nếu đó là những sự kiện hay ý tưởng trừu tượng như: âm nhạc, hội họa, thi văn v.v...” (Chìa Khóa Thông Thiên Học,3rd Ed. P. 100-1).

          Nhưng khi đi xuyên qua ngưỡng cửa của Devakhan để ra ngoài, có thể coi như “chết” ở Devakhan để “sinh lại” ở thế gian, Linh Hồn gặp lại trong “không khí cõi trần” những hạt giống xấu ác đã gieo từ kiếp trước. Trong suốt thời gian nghỉ ngơi ở Cõi Trời Chân Phúc, con người hoàn toàn thoát khỏi mọi đau đớn, thống khổ, vì những điều xấu ác mà họ đã gây ra trong quá khứ đang ở trạng thái ngưng sinh động, nhưng không phải tiêu mất. Những hạt giống được gieo vào mùa thu để sẽ mọc thành cây vào mùa xuân; những hạt giống này “ngủ” dưới lớp đất, sau vài tháng thấm nhuần bởi nước mưa và sức ấm mặt trời, từ từ căng phồng, nẩy mầm và mọc lên. Cũng vậy, những hạt giống xấu ác chúng ta đã gieo, “ngủ yên” trong thời gian Linh Hồn ngơi nghỉ trên Cõi Trời Chân Phúc; chúng đâm rễ vào phàm ngã mới và sẽ nẩy nở khi con người trở lại cõi trần. Linh Hồn phải gánh chịu hậu quả của quá khứ, do những mầm hay hạt để lại từ kiếp sống đã qua, đó là những “Uẩn” (Skandhas), để tiện lợi, chúng ta mượn tạm từ ngữ này của Phật Giáo. Những Uẩn bao gồm đặc tính vật chất, cảm giác, ý tưởng trừu tượng, khuynh hướng và năng lực trí tuệ; trong khi hương thơm của chúng gắn bó với Linh Hồn vào Devakhan, những gì thô lỗ, hèn mọn, xấu xa, sẽ giữ lại ở trạng thái ngưng sinh động như đã nói ở trên. Chúng (những Uẩn) được Linh Hồn mang theo khi trở lại cuộc sống trần gian, và được xây đắp vào “con người xác thịt” mới, là nơi trú ngụ của con người thật sự. Chu kỳ của những lần sinh và tử cứ thế tiếp diễn, đó là sự xoay vần “Bánh Xe của Sự Sống”, và chúng ta bị cuốn hút vào chu kỳ này cho đến khi “công việc” hoàn tất, để trở thành “Con Người Hoàn Hảo”.


CHƯƠNG 10

NIẾT  BÀN

(Nirvana)

          Cõi Trời Chân Phúc (Devachan) là thành quả của mỗi kiếp sống thế gian, Niết Bàn là thành quả của chu kỳ luân hồi, nhưng chúng ta không thể diễn đạt một cách chính xác trạng thái vinh diệu này, nó được đề cập nơi đây chỉ để làm đầy đủ cho sự trình bày đề tài “Sau Khi Chết”. Con người bị giới hạn trong khuôn khổ chật hẹp của tâm thức thấp, và ở thế gian không có ngôn từ nào có thể diễn tả được thế nào là Niết Bàn, mọi cố gắng để diễn tả đều làm biến dạng nó. Chúng ta có thể diễn đạt một cách thô thiển, vụng về, bằng cách phủ định như sau: Niết Bàn không phải là sự “tịch diệt” (annihilation), không phải là sự phá hủy của tâm thức. Ông A.P. Sinnett đã phát biểu một cách vắn tắt về sự không hợp lý trong những ý tưởng của  người Tây Phương hiện nay đối với Niết Bàn. Về vấn đề Tâm Thức tuyệt đối, ông tiếp tục như sau trong quyển Phật Giáo Bí truyền: “Từ ngữ chỉ có thể cho biết Niết Bàn là một trạng thái tối thượng của tâm thức, khi nó yên nghỉ trong toàn tri (omniscience). Những người nghiên cứu Phật Giáo công truyền thường bàn cãi một cách vô bổ về vấn đề Niết bàn có nghĩa tịch diệt hay không tịch diệt. Còn đối với những người thâm cứu khoa học bí truyền lại nhận thấy thiếu sót những sự kiện tương đồng ở thế gian để diễn đạt trạng thái Niết Bàn. Như thế, người hỏi Niết Bàn trong Phật Giáo có phải là sự tịch diệt hay không, chỉ cho thấy sự vô lý của chính câu hỏi.”

          Trong Giáo Lý Bí Truyền có nói: “vị nhập vào Niết Bàn sẽ trở lại với hoạt động vũ trụ vào chu kỳ mới của sự biểu lộ. Sợi chỉ chiếu sáng không bao giờ mất, nó chỉ hòa tan trong Niết Bàn, và sẽ xuất hiện trở lại nguyên vẹn vào ngày Đại Luật kêu gọi mọi sự vật hoạt động trở lại.”


CHƯƠNG 11

SỰ LIÊN LẠC GIỮA CÕI TRẦN VÀ NHỮNG CÕI KHÁC

(The communications between the Earth and Other Spheres)

          Đến đây chúng ta cần phân biệt những cách thức có thể liên lạc giữa những người mà chúng ta phân chia một cách sai lầm là “chết” và “sống”; cách phân chia này sai lầm, vì chúng ta cho xác thân là con người, và con người có thể bị chết. Có lẽ hợp lý hơn nếu chúng ta dùng câu: “Những cách liên lạc giữa người còn mang xác thân và người không còn mang xác thân”.

          Trước tiên, chúng ta hãy gác qua một bên từ ngữ không thích hợp “Tinh Thần” (Spirit); “Tinh Thần” không liên lạc với “Tinh Thần” theo bất cứ cách thức nào mà chúng ta có thể tưởng tượng được. Nguyên lý cao nhất này chưa biểu lộ dưới hình hài cơ thể con người; nó luôn vẫn là nguồn gốc ẩn khuất của vạn vật, là Năng Lượng vô tận, một trong những “cực” của Thực Tại trong sự biểu lộ. Danh từ này được dùng một cách lỏng lẻo để chỉ những bậc Thông Tuệ cao cả, sống và di chuyển bên ngoài mọi giới hạn vật chất, mà chúng ta không thể tưởng tượng được. Hiện tại chúng ta không thể tưởng tượng được thế nào là Tinh Thần thuần túy, cũng như thế nào là vật chất thuần túy. Khi xét đến những sự liên lạc có thể được thực hiện, chúng ta có nhân loại ở mức trung bình như những người tiếp nhận, và để loại bỏ tính chất mơ hồ, chúng ta cũng tránh dùng từ ngữ “Tinh Thần” mỗi khi có thể được. Nhưng từ ngữ này vẫn thường xuất hiện trong những trích dẫn, vì lòng tôn trọng đối với thói quen hàng ngày, chúng ta phải hiểu từ ngữ này có nghĩa là Linh Hồn.

          Theo dõi những giai đoạn con người trải qua sau khi “Chết”, hay nói đúng hơn là sau khi giũ bỏ thể xác, chúng ta có thể phân loại những cách thức liên lạc, hay xuất hiện có thể nhận thấy được:

          I. Trong khi Linh Hồn giũ bỏ xác thân đậm đặc, mà vẫn còn trú ngụ trong lớp áo thể phách. Đây chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi, trong giai đoạn này Linh Hồn có thể hiện hình, mặc chiếc áo thể dĩ thái.

          Một thời gian rất ngắn sau khi chết, trong lúc những nguyên lý không có xác thân vẫn còn lưu lại trong vùng chịu sự thu hút của địa cầu, dưới những tình trạng và điều kiện đặc biệt, Linh Hồn có thể hiện hình. (Theosophist, Sept. 1882, p. 310)

          Trú ngụ trong thể phách ở giai đoạn ngắn ngủi này, không có sự liên lạc nào giữa người đã ra đi và người còn ở lại. Đó là những “Bóng Ma” im lặng, mơ màng, như trường hợp những người “mộng du”, họ cũng không khác gì những người “mộng du trung giới” (astral sleep-walkers). Họ không đáp ứng, nhưng có thể diễn đạt một tư tưởng đơn độc, như: đau khổ, lo lắng, thương vong, thất vọng v.v... Đó chỉ là tư tưởng của người đã chết, lấy hình thể của cõi trung giới, trong lúc người chết muốn thông truyền đến vài người đặc biệt mà họ mong muốn liên lạc. Tư tưởng như thế đôi khi được gọi là Huyễn Hình (Mayavi Rupa), tức hình thể ảo ảnh, thường có thể biểu hiện thành đối tượng khách quan, như trong sự hiện hình sau khi chết. Nhưng trừ khi nó phóng chiếu từ não bộ đang chết, với sự hiểu biết (ngấm ngầm hoặc tiềm tàng), hoặc ước muốn nồng nhiệt để thấy hoặc xuất hiện, thì sự hiện hình chỉ có tính cách tự động đơn thuần, không do một lực thu hút đồng cảm, hay động tác tự ý, tương tự sự phản ảnh vô thức của một người ở gần mặt kính.

          Khi Linh Hồn đã rời bỏ thể phách, giũ bỏ thể phách cũng như đã giũ bỏ thể xác đậm đặc, thể phách bị để lại chỉ là một xác chết trống rỗng, nó có thể được làm cho hoạt động trở lại để có một “sự sống nhân tạo”; nhưng may mắn thay phương pháp làm cho nó hoạt động trở lại, rất ít người biết được.

          II. Lúc Linh Hồn ở cảm dục giới. Tùy theo mỗi người mà giai đoạn này dài hay ngắn rất khác nhau. Linh Hồn mặc lớp áo thể vía, lớp áo cuối cùng trong số những lớp áo hoại diệt. Khi ở trong lớp áo thể vía, Linh Hồn có thể sử dụng thể xác của một đồng tử, cố tình giành lấy dụng cụ để có thể hoạt động trong thế giới mà nó đã rời bỏ, và có thể liên lạc với người còn sống trong thể xác. Theo cách thức này, nó có thể đưa ra thông tin về những sự việc liên quan đến chính nó, hoặc của những người thân cận lúc nó còn sống.  Khi nào Linh Hồn vẫn còn ở trong vòng khí quyển của trái đất, nó vẫn còn có thể liên lạc với cõi trần. Sự tổn hại và nguy hiểm của cách thức liên lạc như thế đã được giải thích trong những phần trước; hoặc hạ trí kết hợp được với Tam Nguyên Thiêng Liêng để vào Devachan, hoặc nó bị xé mạnh và đi đến con đường bị hủy diệt.

          III. Trong thời gian Linh Hồn ở Cõi Trời Chân Phúc. Như đã nói ở phần trên, người ở Cõi Trời Chân Phúc có sự liên lạc đầy đủ và ý thức với những người thân. Dù còn giữ xác thân hay không, những Chân Ngã vẫn tiếp xúc nhau, nhưng tâm thức cao của người còn giữ xác thân hiếm khi gây được ấn tượng lên não bộ. Thật ra ở cõi trần, khi cả hai còn ở trong xác thân, tất cả những gì ta biết về người bạn, chỉ là hình ảnh trong tâm trí tạo ra bởi ấn tượng mà người bạn gieo vào ta. Trên phương diện tâm thức, đó là người bạn của ta, về phương diện khách quan không có điều gì thiếu sót. Ở cõi trần ta nhận thấy người bạn ở cõi vật chất, cũng thế, khi ở cõi trí (thượng giới) ta nhận thấy người bạn cũng ở cõi trí.  Người bạn có thể làm hình ảnh trở nên có “hồn” nhiều hay ít, tùy thuộc vào sự tiến hóa của chính họ, người tiến hóa cao có thể liên lạc với người ở Devachan nhiều hơn người kém tiến hóa. Trong lúc xác thân đang ngủ, sự liên lạc được dễ dàng hơn trong lúc thức, tạo ra nhiều giấc mộng sinh động về người đã chết, do tiếp xúc với người ấy đang ở Cảm Dục Giới hoặc ở Cõi trời Chân Phúc.

          Dù bạn gọi tình yêu bên kia thế giới là ảo tưởng, nó vẫn có tiềm năng thiêng liêng và là một phép lạ,có thể tác động trở lại trên người còn sống. Linh Hồn người mẹ chứa đầy tình thương đối với những đứa con trong tưởng tượng mà bà thấy ở bên cạnh bà, hạnh phúc này thật sự chẳng khác gì khi bà ở gần chúng nơi thế gian. Tình thương này luôn luôn được cảm nhận bởi những đứa con còn sống, nó sẽ hiện ra trong những giấc mơ của chúng. Thường trong những biến cố khác nhau, tình thương này là sự bảo vệ và giúp thoát hiểm một cách may mắn, vì tình thương là một cái khiên rắn chắc, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Giống như trường hợp “người mẹ” ở Cõi Trời Chân Phúc, tất cả những mối liên hệ, ràng buộc giữa con người ở thế gian cũng biểu hiện một sức mạnh của tình thương như thế, ngoại trừ trường hợp quá ích kỷ và quá vật chất. (Chìa Khóa Thông Thiên Học, p 102, 3rd Edition)

          Nên nhớ, tư tưởng trở thành một thực thể linh động, có thể tác động tốt hoặc xấu. Những Linh Hồn không còn mang xác thân có thể gởi năng lực bảo vệ để giúp đỡ những người thân yêu, Linh Hồn ở Devachan cũng thế, nghĩ tưởng đến những người thân yêu, có thể gởi những tư tưởng hữu ích, tác động như những thiên thần bảo hộ ở chung quanh người thân tại cõi trần. Điều này rất khác với chuyện “vong linh” của người mẹ trở lại thế gian chứng kiến cảnh khổ nạn của đứa con mà không giúp đỡ được.

          Linh Hồn còn mang xác thân đôi khi xuất ra khỏi ngục tù thể xác, dến liên hệ với người đang ở Cõi Trời Chân Phúc. Về điều này, bà Blavatsky viết:

          “Người ta cho rằng, nhiều năm sau khi chết, vong linh có thể trở lại cõi trần để khuyên bảo những người thân còn sống, nhưng đó chỉ là cái thấy chủ quan trong giấc mơ hoặc trong lúc xuất thần. Trong  trường hợp này, linh hồn người còn sống đến với vong linh chớ không phải vong linh trở lại thế giới của chúng ta.” (Theosophist, Sept. 1881)

          Trong trường hợp người nhạy cảm hay đồng tử có bản chất trong sạch và cao quý, Linh Hồn họ có thể thăng lên một cách tự do để gặp người ở Devachan, và tự nhiên điều này gây ấn tượng lên người nhạy cảm, làm cho họ nghĩ rằng Linh Hồn người đã chết trở lại gặp họ.

          Người ở Devachan được bao bọc trong “ảo tưởng hạnh phúc”, không biết gì về những chuyện xảy ra ở thế gian, tuy nhiên, những người nhạy cảm ở trần thế có tình thương trong sạch, lại có ảo tưởng rằng người thân của họ đã xuống cõi trần để gặp họ, trong khi chính Linh Hồn họ được nâng lên để gặp người ở Devachan. (“Notes on Devachan”, Path, June 1890, p.80.)

          Sự thu hút này có thể được thực hiện bởi Linh Hồn từ Cảm Dục Giới hay từ Devachan:

          Một “vong linh” hay Chân Ngã tinh thần không thể giáng hạ vào đồng tử, nhưng nó có thể thu hút vong linh của đồng tử đến với nó. Sự việc này chỉ thực hiện được trong hai khoảng thời gian: trước và sau “giai đoạn ấp ủ, hay thai nghén” (gestation period). Khoảng thời gian thứ nhất xảy ra giữa cái chết của xác thân và sự sáp nhập của Chân Ngã tinh thần vào trạng thái được gọi là “Bar-do” bởi Giáo Lý Bí Truyền La Hán (Arhat Esoteric Doctrine). Chúng ta thường diễn dịch khoảng thời gian này là “giai đoạn ấp ủ”, theo những vị đã đắc quả Chân Tiên thì nó kéo dài từ vài ngày đến vài năm. Khoảng thời gian thứ hai dài hay ngắn tùy theo sự xứng đáng của Linh Hồn được gặt hái những phần thưởng; thời gian này xảy ra sau khi giai đoạn ấp ủ chấm dứt, và Chân Ngã Tinh Thần Mới được sanh trở lại từ cái cũ, như câu chuyện truyền thuyết về con Phượng Hoàng sống lại từ tro tàn của nó. Nơi những Linh Hồn tu hành trú ngụ sau khi lìa bỏ xác thân được Phật Giáo Bắc Phương gọi là “Cõi Cực Lạc”.

          Như thế, những nguyên lý vô hình của những người nhạy cảm trong sạch, được tiếp xúc với Linh Hồn không mang xác thân, tuy nhiên những thông tin nó đạt được không đáng tin cậy, một phần vì sự khó khăn trong việc truyền đạt những ấn tượng mà nó đã nhận được, vào khối óc xác thân, một phần do sự quan sát không chính xác, vì chưa được huấn luyện.

           Linh Hồn của một đồng tử trong sạch, có thể được thu hút theo từ lực, đến liên hệ với một vong linh thật sự, trong khi linh hồn của đồng tử không trong sạch chỉ có thể tiếp xúc với Linh Hồn Trung Giới (Astral Soul), hay cái Vỏ (Shell) của người đã từ trần. Trường hợp thứ nhất rất hiếm khi xảy ra, nó có thể giải thích về những bài tự thuật được viết trực tiếp đáng tin cậy, và những thông điệp từ những thực thể thông minh thuộc giai cấp cao. Nhưng cũng có những thông tin không rõ ràng, làm chúng ta bối rối, ngay đối với người nhạy cảm tốt lành và trong sạch nhất, và người này có thể liên hệ bất cứ lúc nào với một thực thể tâm linh đặc biệt, chỉ biết, thấy, và cảm giác những gì mà thực thể tâm linh ấy biết, thấy và cảm giác.

          Như thế, sự thuật lại có nhiều xác xuất bị sai lạc, vì người ở Devachan sống trong “thiên đường” riêng của họ, không xuất hiện xuống mặt đất. Tâm thức bình thường của chúng ta cũng không liên hệ được với những Linh Hồn đã ra đi,  những vong linh ấy đang ở đâu, họ đang làm gì, nghĩ gì và thấy gì.

           Vậy mối liên hệ xảy ra như thế nào? Chúng ta biết đó chỉ đơn giản là sự nhận biết về rung động phân tử giữa thể vía của người nhạy cảm và thể vía của người đã bỏ xác thân. Linh Hồn người nhạy cảm bị “lôi kéo”, nếu có thể nói như thế, bởi hào quang của vong linh, dù vong linh này đang ở trong vùng trái đất, hay đang mơ mộng trên Cõi Trời Chân Phúc. Khi sự đồng nhất của những rung động phân tử đã được tạo ra, và trong một khoảng ngắn ngủi, người nhạy cảm trở thành người đã ra đi, có thể viết với nét chữ của người đã chết, sử dụng ngôn ngữ cũng như suy nghĩ với tư tưởng của người ở cõi trên. Vào lúc đó người nhậy cảm có thể tin rằng người mà họ tiếp xúc đã “giáng hạ xuống” thế gian để tiếp xúc với họ. Trong thực tế chỉ là Linh Hồn họ hòa điệu với vong linh, và trong một lúc hòa lẫn với vong linh.(Chìa Khóa Thông Thiên Học, Sep. 1882, p. 309)

          Khi quan sát một  truờng hợp đặc biệt, bà H.P. Blavatsky cho biết sự liên lạc có thể đến từ một Tinh Ma, nhưng thường thì linh hồn của đồng tử tiếp xúc được với vài thực thể ở Devachan, những thực thể này có tư tưởng, kiến thức, tình cảm riêng, trong khi cá tính và những ý tưởng của chính đồng tử, không nhiều thì ít, chi phối hình thức sự liên lạc.

          Tuy những sự kiện và quan điểm đưa ra trong các cuộc liên lạc như thế không đáng tin cậy, nhưng chúng ta phải ghi nhận rõ ràng có một thực thể tinh thần gieo ấn tượng lên não bộ người liên hệ. Nói khác đi, có thể người nhạy cảm quen thuộc với những bản chất thông thường của  một vài vong linh, và với thời gian, họ hoàn toàn hoà hợp về tư tưởng, ngôn ngữ..., kết quả là dường như vong linh liên lạc với người ấy, vì người ấy thấy tư tưởng họ giống tư tưởng vong linh, chữ viết giống chữ viết vong linh v.v... Dù vậy, họ cũng không nên tưởng tượng rằng vong linh liên lạc với họ một cách có ý thức.

          IV. Những sự liên lạc khác hơn sự liên lạc từ những Linh Hồn không mang xác thân, đã qua những trạng thái sau khi chết một cách  bình thường.

          (a) Từ những cái vỏ (shells). Những cái vỏ, chỉ là những “y phục” đã bị Linh Hồn loại bỏ, chúng duy trì trong một thời gian, ấn tượng từ người đã trú ngụ trong đó. Cái vỏ có thể tự động lặp lại những thói quen tư tưởng và sinh hoạt của người đã mang nó, giống như thể xác có thể tự động lặp lại những dáng điệu đã thành thói quen. Thể tình cảm, cũng như thể xác đều có tác động phản xạ, và tất cả những tác động phản xạ đều có đặc tính là sự lặp lại, không do ý muốn khởi động. Nhìn bề ngoài, ta thấy cách nó đáp ứng lại những kích thích giống như hành động có chủ đích, nhưng thật sự nó không khởi xướng một hành động nào. Khi một người “chờ tiếp nhận” hay khi tham dự buổi cầu hồn, họ nóng lòng hy vọng và chờ đợi tin tức từ người bạn đã chết. Như thế, họ cung cấp tác nhân kích động cần thiết, do đó họ sẽ nhận thấy được những dấu hiệu mà họ mong đợi.

          (b) Từ những Âm Ma, hay Tinh Ma (Elementaries). Những thực thể này sở hữu khả năng bậc thấp của cái trí, tức là những năng lực của cái trí trong thời gian con người còn sống, và diễn đạt qua bộ óc xác thân. Thực thể có bản chất trí tuệ thấp này rất hiếm khi tạo được sự liên lạc với đặc tính trí tuệ cao, như được diễn tả trong những bài viết về thông tin nhận được từ các vong linh đã rời bỏ xác thân. (xin xem chương 6: định nghĩa về Âm Ma)

          (c) Từ những Tinh Linh (Elementals), hoặc Tinh Linh Thiên Nhiên (Nature Spirits). Những loài này đóng vai trò quan trọng và là những tác nhân chính tạo ra những hiện tượng vật chất trong các buổi cầu hồn. Chúng ném hay dời chỗ đồ đạc, gây tiếng động, rung chuông v.v... Đôi khi chúng đùa nghịch với những cái “Vỏ” (Shells), làm cho cái vỏ trở nên sống động, để trình diện chúng như vong linh của những người từng nổi tiếng ở cõi trần. Đôi khi, để tạo sự hiện hình trong buổi cầu hồn, những tinh linh bận rộn phóng chiếu ra những hình ảnh từ Ánh Sáng Trung Giới vào hình thể lỏng lẻo đã được tạo ra, làm cho những hình thể này trông giống như một người nào đó. Tuy nhiên, đôi khi cũng có những Tinh Linh cấp cao, hay những “Thực Thể Sáng Chói” (Shining Ones) từ những cõi khác, liên hệ với các đồng tử có khả năng cao.

          (d) Từ những vị Ứng Thân (Nirmanakayas). Sự liên lạc từ những vị này, cũng như từ hai đẳng cấp được kể ra ở phần dưới, cần có người trung gian rất thanh khiết và bản chất cao quý. Vị Ứng Thân là người hoàn thiện, đã cởi bỏ xác thân, nhưng vẫn còn giữ lại những nguyên lý thấp khác, và ở lại trong vòng trái đất để trợ giúp sự tiến hóa của nhân loại

          Vì quá thương xót nhân loại còn lặn ngụp trong trần thế, mà các vị Ứng Thân từ chối trạng thái Niết Bàn,và ta có thể gọi các Ngài là Chân Tiên, Thánh Nhân hay bất cứ danh từ nào cũng được. Các Ngài tin rằng trong khi nhân loại đang rên xiết dưới gánh nặng thống khổ do vô minh,mà các Ngài yên nghỉ trong cảnh phúc lạc là ích kỷ. Do đó các Ngài từ bỏ Niết Bàn và quyết định giữ lại thể tinh thần vô hình trên địa cầu này. Các vị không có thể vật chất, nhưng vẫn giữ tất cả những nguyên lý ngay trong sự sống trung giới của thế giới chúng ta. Như thế, các Ngài có thể liên lạc với một số rất ít người được chọn lựa, nhưng chắc chắn là không với những đồng tử bình thường. (Chìa Khóa Thông Thiên Học, p. 151).

          (e) Từ các vị Chân Sư vẫn còn sống trên địa cầu. Những vị này thường liên lạc với các đệ tử của các Ngài, mà không sử dụng những cách thức liên lạc bình thường. Nếu tình cờ do mối ràng buộc từ những kiếp quá khứ, Chân Sư có thể dùng đệ tử như một trung gian truyền đạt. Một thông điệp từ Chân Sư có thể bị hiểu lầm là một thông tin từ “Vong Linh”. Thông Điệp của Chân Sư có thể bằng sự kết tụ thành chữ viết, cũng có thể bằng lời nói, những điều này chỉ một số người có thể hiểu biết được.

          (f) Từ Chân Ngã của đồng tử.  Trường hợp này xảy ra khi có một người trong sạch, chân thành cố gắng nâng cao tâm thức theo “ánh sáng”, tâm thức đang nâng cao này gặp dòng ánh sáng tuôn xuống từ bản chất cao, và  soi sáng tâm thức thấp. Như thế, trong một lúc, hạ trí được kết hợp với cha mẹ nó, và nhận được kiến thức từ cha mẹ, nhiều hay ít tùy theo khả năng lưu trữ của nó.

          Qua phác họa sơ lược, chúng ta nhận thấy có nhiều nguồn khác nhau tham dự vào sự liên lạc nhận được từ “bên kia thế giới”. Như bà Blavatsky đã nói: “ Có nhiều tác nhân khác nhau trong hiện tượng này, chỉ có bậc Chân Sư khi nhìn vào và quan sát sự kiện diễn ra, mới có thể giải thích những gì xảy ra trong từng trường hợp.” (Theosophist, Sep. 1882, p. 310)

          Để tổng kết, chúng ta có thể thêm rằng, những gì mà Linh Hồn trung bình có thể làm sau khi bước qua ngưỡng cửa của sự “Chết”, để liên lạc bằng chữ viết, bằng trạng thái xuất thần, hoặc những phương tiện khác, đó là do sự truyền đạt giữa Linh Hồn còn mang xác thân và Linh Hồn không còn mang xác thân. Thay vì trôi giạt không mục đích, hay ngu dốt chìm đắm vào những kinh nghiệm nguy hiểm, Linh Hồn phát triển năng lực bên trong của chính nó, để có thể an toàn thu nhặt kiến thức, từ đó sự tiến hóa của nó có thể được thúc đẩy. Có điều chắc chắn là: Con Người là Một Linh Hồn sống thực, quyền lực của sự Chết không ảnh hưởng được nó, và chìa khóa để mở cửa ngục tù xác thân nằm trong chính tay nó, như thế, nó có thể học cách sử dụng chiếc chìa khóa ấy nếu nó muốn. Vì Linh Hồn chính là Cái Ngã thật sự của con người, bị thể xác làm mù quáng, làm mất đi sự liên hệ với những Cái Ngã khác, làm cho sự Chết trở thành một hố sâu ngăn cách, thay vì là cánh cửa mở ra giữa Linh Hồn mang xác thân và Linh Hồn không còn mang xác thân.


PHỤ LỤC

SỐ PHẬN NGƯỜI TỰ TỬ

          (Đoạn văn sau đây nói về số phận của những người tự tử, được trích từ Theosophist, September 1882.)

          Chúng tôi không giả vờ, cũng không được phép đối phó một cách mệt nhọc với câu hỏi vào lúc này, nhưng chúng tôi có thể nhắc đến một trong những lớp thực thể rất quan trọng, nó có thể dự phần trong những hiện tượng khách quan, ngoài các Âm Ma và Tinh Linh.

          Lớp này bao gồm Vong Linh của những người tự tử có dự tính hữu thức, tức không phải do bệnh điên loạn. Họ là những Vong Linh, không phải cái “Vỏ”. Vì trong trường hợp tự tử, không có sự chia lìa hoàn toàn, thường trực giữa nguyên lý thứ tư và thứ năm, cũng như giữa nguyên lý thứ sáu và thứ bảy. Hai “nhị nguyên” này được phân chia, xa cách nhau, nhưng đường nối kết vẫn còn kết hợp chúng, và chúng có thể kết hợp trở lại. Nguyên lý thứ năm vẫn nắm giữ manh mối, từ đó đi xuyên qua mê lộ của những tội lỗi và đam mê thế tục, nó có thể thu hồi lại phần thiêng liêng bên trong. Dù là một Vong Linh thật sự, nhưng trong một thời gian, nó không thể rời xa cái Vỏ.

          Chắc chắn loại Vong Linh này có thể liên lạc với người trần thế, nhưng như một qui luật, họ phải trả một giá đắt cho sự thực hành đặc quyền này. Phần nhiều, những gì mà họ thông truyền lại chỉ là những điều có bản chất đạo đức thấp kém, rất hiếm khi có một điều tốt lành mà chúng ta phải để ý đến; nói chung, chỉ là vấn đề cấp độ, và sự tổn hại nhiều hay ít do mục đích của sự liên lạc.

          Người bất hạnh, nổi loạn chống lại những thử thách trong cuộc sống, thay vì kiên quyết đương đầu với quá nhiều rắc rối, thử thách, do hậu quả từ những hành động của chính họ trong quá khứ, họ để cho bức màn rơi xuống, và nghĩ như thế là chấm dứt mọi sự. Họ hủy hoại cơ thể, nhưng cảm thấy phần tinh thần vẫn còn tác động như trước kia. Mạng lưới rắc rối của cuộc sống được sắp xếp trong suốt thời gian ở cõi trần theo những nguyên nhân đã tạo ra trước, không thể cố ý đột nhiên rút ngắn được. Cát phải chảy xuống hết mới đúng kỳ hạn, bạn có thể đập vỡ bầu phía dưới của một đồng hồ cát, phần cát mịn màng từ bầu phía trên vẫn tiếp tục theo dòng rơi xuống cho đến lúc chấm dứt.

          Cũng thế, bạn có thể hủy hoại cơ thể, nhưng không thể cắt ngắn giai đoạn qui định cho sự hiện tồn của tri giác. Không vì ảnh hưởng của những nguyên nhân phức tạp mà bạn can thiệp vào định mệnh trước khi phàm ngã tan rã; phải để cho định mệnh tiếp tục giai đoạn đã được qui định.

          Những trường hợp khác cũng tương tự, thí dụ những nạn nhân do tai nạn hay bạo lực, họ phải hoàn tất thời gian sống của họ. Những gì xảy ra đối với họ sẽ được bàn chi tiết vào một dịp khác, nơi đây chúng ta chỉ ghi nhận một điểm chung là: dù tốt hay xấu, thái độ tinh thần của họ lúc “Chết” làm thay đổi toàn thể hoàn cảnh xảy ra kế tiếp đối với họ. Những người này cũng phải chờ đợi trong “Vùng Dục Giới” (Region of Desires) cho đến khi làn sóng của sự sống tiếp tục tiến vào bờ như đã định sẵn, nhưng ở trường hợp tốt lành, trong khi chờ đợi họ được bao phủ bằng những giấc mơ êm đềm, hạnh phúc.

          Về vấn đề động cơ thúc đẩy một người quyết định tự kết liễu cuộc đời mình, câu hỏi thường được nêu ra là: có sự khác biệt nào về tình trạng ngay sau khi chết của người ở trong hai trường hợp khác biệt: (1) Người cân nhắc thận trọng trước khi hy sinh thân xác, có động lực vị tha, với hy vọng cứu vớt mạng sống những người khác. (2) Người tự tử do động lực ích kỷ, để trốn tránh những thử thách và rối rắm khó giải quyết.

          Thiên Nhiên, Ý Trời, Định Mệnh, hay Thượng Đế, giống như một cái máy tự điều chỉnh.  Mới nhìn ta thấy kết quả gây ra trong hai trường hợp kể trên có vẻ giống hệt nhau, tức kết quả do sự tự hủy diệt cuộc sống. Nhưng nên nhớ đó là bộ máy sống động, độc nhất vô nhị. Nếu so sánh với một bộ máy tân tiến, cao cấp, bén nhạy nhất, mà trí thông minh con người có thể làm ra, thì bộ máy do con người chế tạo chỉ là bản sao vụng về của nó.

          Chúng ta cũng cần nhớ, tư tưởng và động lực là vật chất, vật chất với tiềm năng và sức mạnh phi thường. Như thế, chúng ta hiểu được tại sao vị anh hùng hy sinh sự sống riêng mình với lập trường vị tha, sẽ chìm đắm vào giấc mộng êm đềm, chỉ tỉnh lại và có ý thức khách quan khi sinh lại trong Vùng Hạnh Phúc. Còn người ích kỷ tìm cách trốn tránh số phận, làm lỏng sợi dây bạc và làm vỡ chén vàng, khi thức tỉnh, nhận thấy mình sống trong môi trường đáng kinh sợ. Với bản năng ham muốn và khao khát xấu xa, hoàn cảnh họ càng thêm nhiều cay đắng. Không còn xác thân để thỏa mãn những đòi hỏi, họ chỉ có thể làm dịu một phần dục vọng bằng sự thỏa mãn gián tiếp, và họ phải trả giá bằng sự tan vỡ hoàn toàn nguyên lý thứ sáu và thứ bảy, đưa đến sự hủy diệt tối hậu và kéo dài giai đoạn thống khổ.

          Thật ra, không phải không còn chút hy vọng nào đối với những người tự tử thuộc loại thứ nhì (do ích kỷ). Họ cần phải “mang thập tự  giá” một cách kiên trì, kiên nhẫn chịu đựng sự thống khổ cho hành động dại dột của chính mình, cố gắng chống lại sự thèm khát nhục dục vẫn còn sống động mạnh mẽ trong lòng, mức độ thèm khát này tương ứng với sự nuông chiều theo những dục vọng trong lúc còn sống ở thế gian. Nếu họ chịu đựng một cách nhẫn nhục, không bị quyến rũ theo những thỏa mãn dục vọng tội lỗi trái phép, thì khi đúng giờ được qui định cho kiếp sống, 4 nguyên lý cao kết hợp trở lại, tiếp theo là sự tách rời cuối cùng khỏi phàm ngã. Mọi việc sẽ tốt đẹp, và họ sẽ bước qua giai đoạn thai nghén (gestation period) để tiếp tục phát triển.

---HẾT---