CÁC KIẾP SỐNG QUÁ KHỨ ĐƯỢC NHÌN THẤY NHƯ THẾ NÀO

The Inner Life II—C.W. Leadbeater 

Vì một loạt các kiếp sống trong quá khứ đầy hấp dẫn vừa mới được công bố trên The Theosophist, nhiều câu hỏi đã được gửi đến về phương pháp chính xác mà các nhà nghiên cứu sử dụng để đọc lại những ký ức về các kiếp sống đó. Không dễ để giải thích vấn đề này một cách thỏa đáng cho những người không có khả năng tự nhìn thấy chúng, nhưng một nỗ lực mô tả quá trình này có thể ít nhất giúp các học viên tiến gần hơn đến sự hiểu biết.

Đầu tiên, không dễ để giải thích chính xác hồ sơ cần được đọc là gì. Một gợi ý để hình dung về nó có thể được hiểu qua việc tưởng tượng một căn phòng với một chiếc gương lớn ở một đầu. Mọi thứ xảy ra trong căn phòng đó sẽ được phản chiếu trong gương. Nếu chúng ta giả định thêm rằng chiếc gương đó được ban cho các đặc tính của một loại máy chiếu hình ảnh không ngừng, vì vậy nó ghi lại tất cả những gì nó phản chiếu, và sau đó dưới một số điều kiện nhất định có thể tái hiện lại, chúng ta đã tiến một bước gần hơn đến việc hiểu cách thức hồ sơ tự thể hiện. Nhưng chúng ta cũng phải thêm vào khái niệm của chúng ta những phẩm chất mà không một chiếc gương nào từng sở hữu—khả năng tái hiện tất cả âm thanh như một chiếc máy ghi âm, và cũng phản chiếu và tái hiện suy nghĩ và cảm xúc.

Sau đó, chúng ta phải cố gắng hiểu sự phản chiếu trong một chiếc gương thực sự là gì. Nếu hai người đứng đối diện với một chiếc gương sao cho mỗi người không nhìn thấy chính mình mà thấy người kia, rõ ràng là cùng một khu vực của kính đang phản chiếu hai hình ảnh. Do đó, nếu chúng ta giả định rằng kính giữ lại vĩnh viễn mọi hình ảnh từng được phản chiếu lên nó (có thể nó thực sự làm vậy!) thì rõ ràng là cùng một phần của kính phải đồng thời ghi lại cả hai hình ảnh đó. Di chuyển lên xuống và từ bên này sang bên kia, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng mọi phần tử của kính phải đồng thời ghi lại mọi phần của mọi đối tượng trong phòng, và những gì bạn nhìn thấy trong đó phụ thuộc vào vị trí của mắt bạn. Do đó, cũng có thể nói rằng không hai người nào có thể nhìn thấy cùng một lúc chính xác cùng một hình ảnh phản chiếu trong gương, cũng như không ai có thể nhìn thấy cùng một cầu vồng, vì hai mắt hồng trần không thể đồng thời chiếm giữ cùng một điểm trong không gian.

Những gì chúng ta giả định xảy ra đối với các phần tử của chiếc gương thực sự xảy ra đối với mọi phần tử của mọi vật chất. Mọi viên đá bên vệ đường chứa một hồ sơ không thể xóa nhòa về mọi thứ đã từng xảy ra xung quanh nó, nhưng hồ sơ này (trong chừng mực mà chúng ta biết cho đến nay) không thể được phục hồi để có thể nhìn thấy bằng các giác quan hồng trần thông thường, mặc dù giác quan phát triển hơn của nhà trắc tâm có thể nhận thấy nó mà không gặp khó khăn.

Người ta có thể hỏi làm sao một phần tử vô tri có thể ghi lại và tái hiện những ấn tượng? Câu trả lời là phần tử đó không vô tri, và sự sống tồn tại trong nó là một phần của Sự Sống Thiêng Liêng. Thực ra, một cách khác để miêu tả hồ sơ này là nói rằng đó là ký ức của chính Thượng Đế (LOGOS), và mỗi phần tử có liên kết với phần ký ức đó bao gồm các sự kiện đã xảy ra trong tầm nhìn của nó. Có lẽ, những gì chúng ta gọi là ký ức của mình không gì khác hơn là khả năng tương tự trong việc kết nối (mặc dù thường không hoàn hảo) với phần ký ức của Ngài, liên quan đến các sự kiện mà chúng ta đã từng chứng kiến hoặc biết đến.

Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng mỗi người mang trong mình trên cõi hồng trần hai ký ức về bất kỳ điều gì họ đã nhìn thấy—ký ức của bộ não, vốn thường không hoàn hảo hoặc không chính xác, và ký ức được ghi lại trong bất kỳ phần tử không thay đổi nào của cơ thể hoặc quần áo mà họ mặc, luôn hoàn hảo và chính xác, nhưng chỉ có thể tiếp cận được với những ai đã học cách đọc nó. Cần nhớ rằng ký ức của bộ não có thể không chính xác, không chỉ vì nó không hoàn hảo, mà còn vì sự quan sát ban đầu có thể đã bị sai sót. Nó cũng có thể đã bị tô màu bởi định kiến: chúng ta phần lớn nhìn thấy những gì mình muốn thấy, và chúng ta chỉ có thể nhớ một sự kiện như nó đã xuất hiện trước mắt ta, mặc dù ta có thể đã nhìn thấy nó một cách không đầy đủ hoặc sai lệch. Nhưng hồ sơ thì hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những khuyết điểm đó.

Rõ ràng rằng thể xác của một người không thể có ký ức hay hồ sơ về một lần tái sinh trước mà nó không tham gia; và điều tương tự cũng đúng với thể cảm dục và thể trí của y, vì tất cả các phương tiện này đều mới cho mỗi lần tái sinh mới. Điều này ngay lập tức cho chúng ta thấy rằng cấp độ thấp nhất mà chúng ta có thể hy vọng có được thông tin thực sự đáng tin cậy về các kiếp sống trước là ở cấp độ của thể nguyên nhân, vì không có gì thấp hơn có thể cung cấp bằng chứng trực tiếp. Trong những kiếp sống trước, chân ngã trong thể nguyên nhân đã có mặt—ít nhất là một phần nhỏ của nó—và do đó, nó là một nhân chứng thực sự; trong khi tất cả các phương tiện thấp hơn không phải là nhân chứng, và chỉ có thể báo cáo những gì chúng đã nhận được từ chân ngã. Khi chúng ta nhớ lại sự không hoàn hảo trong việc truyền đạt giữa chân ngã và phàm ngã trong con người thông thường, chúng ta sẽ ngay lập tức nhận ra rằng những lời chứng thứ hai, thứ ba, hay thứ tư như vậy có khả năng hoàn toàn không đáng tin cậy đến mức nào. Đôi khi người ta có thể nhận được từ thể cảm dục hoặc thể trí những hình ảnh rời rạc về các sự kiện trong kiếp sống trước của một người, nhưng không phải là một bản tường thuật liên tục và mạch lạc; và thậm chí những hình ảnh đó chỉ là sự phản chiếu từ thể nguyên nhân, và có lẽ rất mờ nhạt và không rõ ràng.

Do đó, để đọc được các kiếp sống trước với độ chính xác, điều cần thiết đầu tiên là phát triển các khả năng của thể nguyên nhân. Khi hướng các khả năng đó về phía thể nguyên nhân của người được xem xét, chúng ta có trước mắt hai khả năng giống như đối với người ở cõi hồng trần. Chúng ta có thể lấy ký ức của chân ngã về những gì đã xảy ra, hoặc chúng ta có thể sử dụng phương pháp trắc tâm để tự mình thấy những trải nghiệm mà y đã trải qua. Phương pháp thứ hai an toàn hơn, vì ngay cả chân ngã, do đã nhìn thấy những điều này qua phàm ngã quá khứ, có thể có những ấn tượng không hoàn hảo hoặc bị ảnh hưởng bởi định kiến.

Như vậy, đây là cơ chế của phương pháp điều tra kiếp sống trước thông thường—sử dụng các khả năng của thể nguyên nhân của chính mình, và thông qua phương tiện đó để trắc tâm thể nguyên nhân của chủ thể. Điều này có thể được thực hiện ở các cấp độ thấp hơn bằng cách trắc tâm các nguyên tử trường tồn, nhưng vì đây là một kỳ công khó khăn hơn nhiều so với việc khai mở các giác quan của thể nguyên nhân, nên không có khả năng nó sẽ được thực hiện thành công. Một phương pháp khác (tuy nhiên đòi hỏi sự phát triển cao hơn nhiều) là sử dụng các khả năng bồ đề—trở nên hoàn toàn đồng nhất với chân ngã đang được điều tra, và đọc lại những trải nghiệm của y như thể chúng là của chính mình—từ bên trong thay vì từ bên ngoài. Cả hai phương pháp này đã được sử dụng bởi những người đã chuẩn bị chuỗi các kiếp sống xuất hiện trong tạp chí The Theosophist, và các nhà nghiên cứu cũng đã có lợi ích từ sự hợp tác thông minh của chân ngã mà những lần tái sinh của y được mô tả.

Sự hiện diện hồng trần của chủ thể mà các kiếp sống của họ đang được đọc là một lợi thế, nhưng không phải là điều bắt buộc; y hữu ích nếu y có thể giữ các phương tiện của mình hoàn toàn bình tĩnh, nhưng nếu y trở nên phấn khích thì mọi thứ sẽ bị phá hỏng.

Môi trường xung quanh không đặc biệt quan trọng, nhưng sự yên tĩnh là cần thiết, vì bộ não hồng trần phải bình tĩnh nếu muốn đưa các ấn tượng xuống một cách rõ ràng. Mọi thứ đến với cõi hồng trần từ thể nguyên nhân phải đi qua các phương tiện trí tuệ và cảm dục, và nếu bất kỳ phương tiện nào trong số này bị xáo trộn, nó sẽ phản chiếu không hoàn hảo, giống như sự gợn nhẹ nhất trên bề mặt hồ sẽ phá vỡ hoặc làm biến dạng hình ảnh của những cái cây hoặc ngôi nhà trên bờ hồ. Cũng cần loại bỏ hoàn toàn mọi định kiến, nếu không chúng sẽ tạo ra hiệu ứng giống như kính màu; chúng sẽ tô màu mọi thứ được nhìn qua đó, và do đó sẽ tạo ra một ấn tượng sai lầm.

Khi nhìn vào các kiếp sống trước, chúng tôi luôn giữ trạng thái ý thức hoàn toàn tỉnh táo về thể xác, để có thể ghi chú lại mọi thứ trong khi đang quan sát. Phương pháp này được coi là an toàn hơn nhiều so với việc rời khỏi thể xác trong quá trình quan sát và sau đó dựa vào trí nhớ để tái hiện lại những gì đã được nhìn thấy. Tuy nhiên, có một giai đoạn mà phương pháp thứ hai là cách duy nhất có thể, khi học viên, mặc dù có thể sử dụng thể nguyên nhân, nhưng chỉ có thể làm như vậy khi phương tiện hồng trần đang ngủ.

Việc xác định các nhân vật khác nhau được gặp trong những cái nhìn thoáng qua quá khứ đôi khi gây ra chút khó khăn, vì rõ ràng chân ngã đã thay đổi đáng kể trong khoảng hai mươi nghìn năm hoặc hơn. May mắn thay, với một chút thực hành, người ta có thể xem xét hồ sơ với tốc độ nhanh hoặc chậm tùy ý; vì vậy, khi có bất kỳ nghi ngờ nào về việc xác định một nhân vật, chúng tôi luôn áp dụng phương pháp nhanh chóng lướt qua dòng thời gian của những kiếp sống của chân ngã đang được quan sát, cho đến khi chúng tôi lần theo y đến thời điểm hiện tại. Một số nhà nghiên cứu, khi họ thấy một chân ngã trong một kiếp sống xa xưa, ngay lập tức cảm thấy một trực giác về phàm ngã hiện tại của y; nhưng mặc dù trực giác như vậy có thể thường đúng, đôi khi nó cũng có thể sai, và phương pháp tỉ mỉ hơn là cách duy nhất thực sự đáng tin cậy.

Có những trường hợp, thậm chí sau hàng ngàn năm, các chân ngã của những người bình thường ngay lập tức có thể nhận ra; nhưng điều này không hẳn là dấu hiệu tốt cho họ, vì điều đó có nghĩa là trong suốt thời gian đó họ đã tiến bộ rất ít. Việc nhận ra ai đó từ hai mươi nghìn năm trước giống như gặp lại một người đã từng biết khi còn nhỏ mà bây giờ đã trưởng thành. Trong một số trường hợp, việc nhận diện là có thể; trong những trường hợp khác, sự thay đổi quá lớn để có thể nhận ra. Những người đã trở thành các Chân Sư Minh Triết từ lâu thường dễ nhận ra ngay cả hàng ngàn năm trước, nhưng đó là vì một lý do rất khác. Khi các phương tiện thấp hơn đã hoàn toàn hài hòa với chân ngã, chúng tự hình thành giống như Augoeides, và do đó thay đổi rất ít từ kiếp này sang kiếp khác. Tương tự, khi chân ngã tự trở thành một phản ánh hoàn hảo của Chân Thần, y cũng thay đổi rất ít, nhưng dần dần phát triển; và do đó y dễ dàng nhận diện.

Trong việc kiểm tra một kiếp sống quá khứ, cách dễ dàng nhất là để cho hồ sơ trôi qua với tốc độ tự nhiên của nó, nhưng điều đó có nghĩa là phải mất cả một ngày để xem lại các sự kiện của từng ngày, và một cuộc đời sẽ mất một đời khác để theo dõi. Như đã đề cập, người ta có thể tăng tốc hoặc làm chậm sự trôi qua của các sự kiện, vì vậy một khoảng thời gian hàng nghìn năm có thể được xem xét nhanh chóng, hoặc ngược lại, bất kỳ hình ảnh cụ thể nào cũng có thể được giữ lại lâu bao nhiêu tùy ý, để nó có thể được kiểm tra chi tiết. Việc tăng tốc hoặc làm chậm này có thể được so sánh với việc làm tăng tốc hoặc chậm lại chuyển động của một bức tranh toàn cảnh; một chút thực hành sẽ cho phép người ta thực hiện điều này theo ý muốn, nhưng giống như trong trường hợp bức tranh toàn cảnh, toàn bộ hồ sơ thực sự luôn có đó.

Những gì tôi đã mô tả như việc cuộn nhanh hoặc chậm của hồ sơ thực ra không phải là sự chuyển động của hồ sơ, mà là của tâm thức của người thấy. Nhưng ấn tượng mà nó mang lại là chính xác như tôi đã trình bày. Các hồ sơ có thể nói là nằm chồng lên nhau theo các lớp, những lớp gần đây nhất ở trên cùng và những lớp cũ hơn nằm phía sau. Tuy nhiên, ngay cả phép ẩn dụ này cũng dễ gây hiểu lầm, vì nó tất yếu gợi ý đến ý tưởng về độ dày, trong khi những hồ sơ này không chiếm không gian nhiều hơn so với hình ảnh phản chiếu trên bề mặt của một chiếc gương. Khi tâm thức đi qua chúng, nó không thực sự di chuyển trong không gian chút nào; đúng hơn, nó tự khoác lên mình, như một loại áo choàng, một hoặc lớp hồ sơ nào đó, và trong quá trình này, nó thấy mình đang ở giữa hành động của câu chuyện.

Một trong những nhiệm vụ mệt mỏi nhất liên quan đến nhánh điều tra này là xác định các mốc thời gian chính xác. Thực tế, một số nhà nghiên cứu thẳng thừng từ chối thực hiện nó, nói rằng nó không đáng phải nhọc công, và rằng một con số xấp xỉ là đủ cho tất cả các mục đích thực tiễn. Có lẽ điều đó đúng; nhưng vẫn có một cảm giác hài lòng khi có được những chi tiết càng chính xác càng tốt, ngay cả khi phải trả giá bằng việc đếm lên những con số rất lớn.

Kế hoạch của chúng tôi, tất nhiên, là thiết lập một số điểm mốc cố định và sau đó sử dụng những điểm đó làm cơ sở cho các tính toán tiếp theo. Một điểm mốc cố định như vậy là năm 9.564 TCN, khi sự chìm xuống của Poseidonis xảy ra. Một điểm khác là năm 75.025 TCN, thời điểm bắt đầu của thảm họa lớn trước đó. Trong quá trình điều tra các kiếp sống của Alcyone, chúng tôi đã thiết lập một số điểm mốc cho đến ngày 22.662 TCN, và vì những kiếp sống đó đã được nghiên cứu ngược lại, và khoảng cách giữa các sự kiện đã được tính từng giai đoạn một thay vì tính toàn bộ một lần, nên kế hoạch này không quá khó chịu như nó chắc chắn sẽ xảy ra với những con số rất lớn. Trong một số trường hợp nhất định, các phương tiện thiên văn học cũng được sử dụng. Một mô tả về các phương pháp khác nhau này sẽ được tìm thấy trong cuốn sách của tôi về Thông Nhãn (Clairvoyance).

Nói chung, việc đọc các kiếp sống theo thứ tự xuôi dễ dàng hơn là đọc ngược lại, bởi vì trong trường hợp đó, chúng ta đang làm việc theo dòng chảy tự nhiên của thời gian thay vì chống lại nó. Vì vậy, kế hoạch thông thường là chạy nhanh đến một điểm đã chọn trong quá khứ, sau đó làm việc chậm rãi tiến về phía trước từ đó. Cần nhớ rằng, ban đầu hiếm khi có thể ước tính chính xác tầm quan trọng tương đối của các sự kiện nhỏ trong một kiếp sống, vì vậy chúng tôi thường xem lướt qua trước để xem từ những hành động hoặc sự kiện nào mà những thay đổi quan trọng thực sự bắt nguồn, và sau đó quay lại mô tả chi tiết những điều đó. Nếu nhà nghiên cứu tình cờ là một trong những nhân vật trong kiếp sống mà y đang xem xét, thì một lựa chọn thú vị mở ra trước mắt y là thực sự đặt mình trở lại trong phàm ngã cũ đó, và cảm nhận lại chính những gì y đã cảm thấy trong thời gian xa xưa đó. Nhưng trong trường hợp đó, y sẽ thấy mọi thứ chính xác như y đã thấy chúng khi đó, và không biết gì hơn so với những gì y đã biết lúc bấy giờ.

Ít ai trong số những người đọc các câu chuyện về kiếp sống, thường chỉ là những bản phác thảo sơ lược, sẽ có bất kỳ khái niệm nào về lượng công việc lớn lao đã được đầu tư vào chúng—về những giờ lao động đã đôi khi được dành cho việc hiểu thấu đáo một chi tiết nhỏ nhặt nào đó, để bức tranh cuối cùng được trình bày có thể gần nhất với sự thật. Ít nhất, độc giả của chúng tôi có thể chắc chắn rằng không có nỗ lực nào bị bỏ qua để đảm bảo độ chính xác, mặc dù điều này thường không phải là một nhiệm vụ dễ dàng khi chúng tôi phải xử lý các điều kiện và cách thức tư duy hoàn toàn khác với những gì chúng tôi có bây giờ, như thể chúng thuộc về một hành tinh khác.

Các ngôn ngữ được sử dụng hầu như luôn không thể hiểu được đối với nhà nghiên cứu, nhưng vì các suy nghĩ đằng sau những từ ngữ đó nằm mở trước y, điều đó không quan trọng lắm. Trong một số trường hợp, những người thực hiện công việc này đã sao chép các bản khắc công khai mà họ không thể hiểu, và sau đó đã nhờ ai đó biết ngôn ngữ cổ dịch chúng ra trên cõi hồng trần.

Một khối lượng công việc khổng lồ được đại diện bởi những loạt kiếp sống hiện đang xuất hiện; mong rằng công việc lao động đó mang lại kết quả trong việc nhận thức sống động hơn về những nền văn minh vĩ đại của quá khứ và sự hiểu biết rõ ràng hơn về sự vận hành của các định luật nghiệp quả và luân hồi. Vì loạt các kiếp sống đầu tiên đã kết thúc bằng sự điểm đạo của nhân vật chính trong hóa thân hiện tại của y, chúng chắc chắn là một nghiên cứu có giá trị cho những ai khát vọng trở thành đệ tử của một Chân Sư Minh Triết, vì sự tiến bộ của họ sẽ nhanh hơn khi họ đã học được cách mà một huynh đệ của họ đã đạt được mục tiêu mà họ đang phấn đấu hướng tới. Sự tiến bộ này đã được làm cho dễ dàng hơn bởi vì người huynh đệ đó đã nỗ lực ghi lại cho chúng ta trong cuốn sách nhỏ đầy đáng kính Dưới Chân Thầy (At the Feet of the Master) những giáo lý đã dẫn dắt y đến mục tiêu đó.

Khoảng một trăm năm mươi người hiện đang là thành viên của Hội Thông Thiên Học là những nhân vật nổi bật trong vở kịch được trình bày trước độc giả của tạp chí The Theosophist; và điều vô cùng thú vị là nhận ra cách mà những người trước đây thường được gắn kết bởi quan hệ huyết thống, dù trong kiếp này sinh ra ở những quốc gia cách nhau hàng ngàn dặm, nhưng vẫn được kết nối lại với nhau bởi mối quan tâm chung đến nghiên cứu Thông Thiên Học, và gắn bó với nhau chặt chẽ hơn nhờ tình yêu dành cho các Chân Sư hơn bất kỳ mối quan hệ trần gian nào có thể mang lại.

Có hai nguồn gốc chính của sai lầm có thể xảy ra khi xem xét các hồ sơ bằng khả năng thông nhãn: thứ nhất là sự thiên lệch cá nhân, và thứ hai là quan điểm hạn chế. Có những sự khác biệt cơ bản về tính cách, và điều này không thể không ảnh hưởng đến quan điểm của mỗi người về các cõi khác. Các bậc Chân Sư có một nhận thức hoàn hảo về cuộc sống, nhưng dưới cấp độ đó, chúng ta chắc chắn sẽ có một số định kiến. Người đời thường phóng đại các chi tiết không quan trọng và bỏ qua tất cả những điều quan trọng, bởi vì họ có thói quen làm điều đó trong cuộc sống hàng ngày; mặt khác, một người mới bước trên con đường đạo có thể, trong niềm nhiệt huyết của mình, tạm thời mất đi mối liên hệ với cuộc sống nhân loại bình thường mà y đã thoát ra. Ngay cả khi đó, y đã có một sự tiến bộ lớn, vì những người nhìn thấy bên trong của sự vật tiến gần hơn đến chân lý hơn những người chỉ nhìn thấy bề ngoài.

Các tuyên bố của các nhà thông nhãn có thể và chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi những quan điểm đã hình thành từ trước, như trường hợp rõ ràng của Swedenborg, người đã sử dụng thuật ngữ Kitô giáo rất hẹp để mô tả các sự kiện của cõi cảm dục, và không thể phủ nhận rằng Ông đã nhìn thấy nhiều điều qua các hình tư tưởng mạnh mẽ mà Ông đã tạo ra trong những năm trước. Ông bắt đầu với những định kiến nhất định, và Ông đã biến mọi thứ mà mình nhìn thấy phù hợp với những định kiến đó. Bạn biết rằng, trên cõi hồng trần, người ta có thể bắt đầu với một định kiến về một người và bóp méo những lời nói và hành động vô tội nhất của họ để phù hợp với định kiến đó—để diễn giải chúng theo những ý tưởng mà người đáng thương đó thậm chí không bao giờ mơ tới. Điều tương tự có thể xảy ra trên cõi cảm dục nếu một người bất cẩn.

Các nhà khảo cứu Thông Thiên Học luôn cảnh giác hoàn toàn với nguy cơ thiên kiến cá nhân này và sử dụng các biện pháp kiểm tra liên tục để tránh nó. Để giảm thiểu cơ hội sai lầm từ nguồn này, các Chân Sư thường chọn những người có tính cách hoàn toàn khác nhau làm việc cùng nhau.

Thứ hai, có nguy cơ của một quan điểm hạn chế—nhìn nhận một phần mà tưởng như toàn bộ. Ví dụ, nhiều điều đã được nói về sự tha hóa và ma thuật đen trong những ngày cuối cùng của Poseidonis, nhưng tại thời điểm đó vẫn tồn tại một hội kín rất trong sáng và có những mục tiêu cao cả. Nếu chúng tôi chỉ nhìn thấy hội kín này, có thể chúng tôi đã dễ dàng nghĩ rằng Poseidonis là một quốc gia vô cùng tâm linh. Như bạn thấy, có thể xảy ra trường hợp những quan điểm hạn chế như vậy được coi là áp dụng cho toàn bộ một khu vực hoặc cộng đồng. Những khái quát hóa cần được kiểm tra và xác minh. Tuy nhiên, luôn có một hào quang chung của một thời kỳ hoặc một quốc gia, điều này thường ngăn chặn những sai lầm lớn như vậy. Một nhà ngoại cảm chưa được huấn luyện để cảm nhận hào quang chung này thường không nhận thức được nó, và do đó, người không được huấn luyện sẽ dễ mắc nhiều sai lầm. Thực tế, quan sát lâu dài cho thấy tất cả các nhà ngoại cảm chưa được huấn luyện đôi khi đáng tin cậy và đôi khi không đáng tin cậy, và những ai tham khảo ý kiến của họ luôn có nguy cơ bị hiểu sai.

Những hồ sơ này không nên được nghĩ rằng ban đầu thuộc về bất kỳ loại vật chất nào, mặc dù chúng được phản chiếu trong đó. Để đọc chúng, không cần thiết phải tiếp xúc trực tiếp với bất kỳ nhóm vật chất cụ thể nào, vì chúng có thể được đọc từ bất kỳ khoảng cách nào, khi một kết nối đã được thiết lập.

Tuy nhiên, cũng đúng rằng mỗi nguyên tử lưu giữ hồ sơ, hoặc có lẽ chỉ sở hữu khả năng đặt một nhà thông nhãn vào trạng thái hài hòa với hồ sơ, về tất cả những gì đã từng xảy ra trong tầm nhìn của nó. Chính nhờ vào đặc tính này mà thuật trắc tâm (psychometry) là có thể. Nhưng có một giới hạn rất kỳ lạ gắn liền với nó, rằng nhà trắc tâm bình thường chỉ thấy những gì mà y sẽ thấy nếu y đã đứng tại vị trí từ đó đối tượng được trắc tâm được lấy. Ví dụ, nếu một người trắc tâm một viên sỏi đã nằm trong một thung lũng qua nhiều thời đại, y sẽ chỉ thấy những gì đã diễn ra trong thời gian đó ở thung lũng đó; tầm nhìn của y sẽ bị giới hạn bởi những ngọn đồi xung quanh, giống như thể y đã đứng suốt những thời đại đó tại nơi viên sỏi nằm, và đã chứng kiến tất cả những sự việc đó.

Đúng là, có một sự mở rộng của sức mạnh trắc tâm, theo đó một người có thể nhìn thấy suy nghĩ và cảm xúc của những người trong câu chuyện của y cũng như thân thể hồng trần của họ, và cũng có một sự mở rộng khác, theo đó, sau khi đã tự thiết lập mình trong thung lũng đó, y có thể dùng nó làm cơ sở cho các hoạt động tiếp theo, và từ đó vượt qua các ngọn đồi xung quanh để xem những gì nằm bên ngoài chúng, cũng như những gì đã xảy ra ở đó kể từ khi viên sỏi bị loại bỏ, và thậm chí những gì đã xảy ra trước khi nó bằng cách nào đó đến đó. Nhưng người có thể làm điều đó sẽ sớm có thể từ bỏ viên sỏi hoàn toàn. Khi chúng ta sử dụng các giác quan của thể nguyên nhân trên các đối tượng tương đồng với hồng trần, chúng ta thấy rằng mọi đối tượng đều đang phát ra những hình ảnh của quá khứ.

Khi chúng ta phát triển tâm thức nội tại và các khả năng của mình, cuộc sống của chúng ta trở thành một dòng chảy liên tục; chúng ta đạt được âm thức của chân ngã, và sau đó chúng ta có thể quay ngược lại ngay cả đến thời điểm linh hồn nhóm mà chúng ta đã sống ở giai đoạn động vật của cuộc đời mình, và nhìn qua con mắt động vật vào những con người của thời kỳ đó và thế giới khác biệt đã từng tồn tại. Nhưng không có từ ngữ nào có thể miêu tả những gì được nhìn thấy theo cách đó, vì sự khác biệt trong cách nhìn vượt quá mọi diễn đạt.

Tuy nhiên, ngắn gọn về tâm thức liên tục, không có ký ức chi tiết—ngay cả về những sự kiện quan trọng nhất. Ví dụ, một người biết sự thật về luân hồi trong một đời sống không nhất thiết sẽ mang theo sự chắc chắn đó sang đời tiếp theo. Tôi đã quên điều đó, và bà Besant cũng vậy. Tôi không biết gì về nó trong kiếp sống này, cho đến khi tôi nghe về nó từ bên ngoài, và ngay lập tức tôi nhận ra sự thật của nó. Bất cứ điều gì chúng ta đã biết trong quá khứ sẽ nảy sinh trong tâm trí theo cách này như một sự chắc chắn khi nó được trình bày lại trước mắt chúng ta.

Khi còn nhỏ, tôi thường xuyên mơ về một ngôi nhà nhất định, mà sau này tôi biết đó là ngôi nhà mà tôi đã sống trong một kiếp sống trước. Nó hoàn toàn khác với bất kỳ ngôi nhà nào mà tôi quen thuộc vào thời điểm đó trên cõi hồng trần, vì nó được xây dựng xung quanh một sân trong trung tâm (với một đài phun nước, tượng và cây cối) mà tất cả các phòng đều nhìn vào. Tôi thường mơ về nó khoảng ba lần một tuần, và tôi biết rõ mọi căn phòng của nó và tất cả những người sống trong đó, và thường xuyên mô tả nó cho mẹ tôi, thậm chí còn vẽ lại sơ đồ mặt bằng của nó. Chúng tôi gọi đó là ngôi nhà trong mơ của tôi. Khi tôi lớn hơn, tôi mơ về nó ít thường xuyên hơn, cho đến khi cuối cùng nó biến mất hoàn toàn khỏi trí nhớ của tôi. Nhưng một ngày nọ, để minh họa cho một điểm nào đó, Chân Sư của tôi đã cho tôi xem một bức tranh về ngôi nhà mà tôi đã sống trong kiếp sống cuối cùng của mình, và tôi nhận ra nó ngay lập tức.

Bất kỳ ai cũng có thể nhận thức trí tuệ về sự cần thiết của luân hồi; nhưng để thực sự chứng minh nó, một người phải trở nên nhận thức được quá khứ và tương lai trong thể nguyên nhân. Cách duy nhất để gỡ bỏ sự nghi ngờ là thông qua tri thức và sự thấu hiểu thông minh. Đức tin mù quáng là một rào cản cho sự tiến bộ, nhưng điều này không có nghĩa rằng chúng ta sai lầm khi chấp nhận một cách thông minh những tuyên bố của những người biết nhiều hơn chúng ta. Không có giáo điều quyền uy nào phải được chấp nhận trong Hội Thông Thiên Học. Chỉ có những tuyên bố về kết quả của các cuộc điều tra, được đưa ra với niềm tin rằng chúng sẽ hữu ích cho những tâm trí khác như chúng đã từng hữu ích cho các nhà nghiên cứu.

Leave Comment