Hào Quang Con Người – 1

Đây là bản dịch quyển The Personal Aura của Dora Van Gelder Kunz, do Mai Oanh và Quỳnh Anh dịch. Quyển The Personal Aura là một tài liệu tham khảo quí giá được viết bởi một tác giả uy tín trong giới Thông Thiên Học. Các bạn đã đọc bản dịch quyển Luân xa và Các Trường Năng lượng của Con người và biết được giá trị của nó. Đây là tác phẩm thứ hai của Dora Van Gelder Kunz được dịch ra tiếng Việt, giúp chúng ta biết thêm về hào quang của chúng ta, bao gồm các thể cảm dục, thể trí. Trước đây chỉ có các tác phẩm của C.W. Leadbeater viết về hào quang và các thể vô hình với các hình minh họa. Đây là tác phẩm thứ hai mô tả chi tiết kèm theo hình ảnh nhìn thấy bằng thông nhãn của các trường tế vi của chúng ta. Một tài liệu cực hữu ích cho các bạn học đạo.

***************************

Hào Quang
Của Con Người

(THE PERSIONAL AURA)

Dora van Gelder Kunz

Người dịch: Mai Oanh và Quỳnh Anh

Cuốn sách này được phát hành nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Kern

********

Dành tặng Emily Sellon

Để tỏ lòng trân quý tình bạn lâu năm

Và sự hỗ trợ hết mình của bà trong việc hiệu đính cuốn sách này

1. Bối cảnh của cuốn sách

Loạt các bức hình hào quang—đặc tính chủ chốt của cuốn sách này—đã xuất hiện một cách tự phát, không định trước, là do hoàn cảnh mang lại chứ không phải là chủ đích hoặc có kế hoạch từ phía tôi.

Tôi đã có thời gian làm việc với bạn tôi, tiến sĩ Otelia Bengtsson, một bác sĩ y khoa làm việc tại thành phố New York chuyên khoa dị ứng và miễn dịch học. Vì các bệnh loại này thường có những khía cạnh tâm linh, cô nghĩ rằng khả năng thông nhãn của tôi có thể hữu ích trong một số trường hợp do cô điều trị rất khó để chẩn đoán hoặc kháng thuốc. Là một trong những bác sỹ giàu tình thương và can đảm nhất mà tôi từng biết, cô không hề ngần ngại đưa bệnh nhân đến gặp tôi, mặc dù lúc đó (vào đầu những năm 1930) hoạt động không chính thống như vậy của một bác sĩ là vô cùng bất bình thường so với quan điểm về vấn đề này hiện nay.

Theo quy định, tôi không được cung cấp thông tin gì về các ca bệnh, mặc dù tất nhiên tôi có biết về loại bệnh mà bác sĩ Bengtsson điều trị và luôn được gặp các bệnh nhân với sự có mặt của cô. Tôi cho cô biết những vấn đề thể chất mà tôi nghĩ bệnh nhân đang mang trong mình, đồng thời tôi cũng giải thích vai trò cảm xúc của bệnh nhân đối với quá trình phát triển bệnh, và đưa ra lời khuyên về những cách mà họ có thể tự giúp mình.

Ngay từ thời thanh niên tôi đã được yêu cầu giúp đỡ những người bị đau đớn hoặc bị rối loạn, và nhờ đó tôi đã học cách quan sát các mô hình cảm xúc và giải thích những gì tôi thấy. Nhưng công việc của tôi với bác sĩ Bengtsson đòi hỏi tôi phải quan sát vô cùng kỹ lưỡng và cho tôi cơ hội để nghiên cứu sâu sắc các mối quan hệ giữa các hình thái cảm xúc và bệnh tật về thể chất—một công việc mà tôi đã tiếp tục thực hiện trong nhiều năm. Sự tin tưởng của cô đối với tôi rất hữu ích, bởi vì nếu không có sự hợp tác của cô, tôi sẽ không có khả năng nghiên cứu lâu dài về quá trình bệnh và các tương quan tâm lý của chúng. Kể từ khi những bức hình trong cuốn sách này được phát hành, đã có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người đến với tôi nhờ giúp đỡ, và với tôi đây là những kinh nghiệm học tập không ngừng nghỉ.

Những bức hình này xuất hiện bởi vì nhiều năm trước, tôi đã kết bạn với một họa sĩ tài năng, Juanita Donahoo, người rất quan tâm đến những mô tả của tôi về hào quang và muốn thử minh họa chúng. Cô đã bắt đầu thử nghiệm với cọ air brush và nghĩ rằng đây có thể là một phương tiện tốt cho việc cố gắng truyền đạt một số ý tưởng về tính mờ ảo, màu sắc pha trộn và luôn thay đổi của hào quang. Cô rất thích thú và háo hức, và sẵn sàng thử nghiệm theo những cách khác nhau để phản ánh và truyền tải hình ảnh về những gì tôi nhìn thấy.

Tôi phải nói rằng đó là một quá trình rất mệt mỏi. Juanita có một bảng màu rất phức tạp, và khi tôi mô tả người ngồi trước chúng tôi, cô sẽ vẽ một bản thô về hào quang, đưa vào những đặc điểm đặc biệt, vẽ ra các vùng màu sắc và cố gắng thể hiện chúng càng gần càng tốt với những gì tôi thấy và trình bày. Không phải lúc nào tôi cũng dễ dàng thỏa mãn, bởi vì màu sắc của bột màu cho dù tinh xảo đến mấy là vô cùng thô và kém tinh tế so với sắc màu của thể dĩ thái. Cô Juanita vô cùng kiên nhẫn. Nhưng dù vậy, tôi phải nói rằng những hình ảnh này chỉ phản ánh ít nhiều thực tế, mặc dù những nỗ lực của Juanita sẽ khó có thể có kết quả tốt hơn, bởi vì cô đã rất nhạy cảm và tiếp nhận rất tốt những ấn tượng tôi cố gắng truyền tải.

Những bức tranh hào quang này thể hiện một loạt chân dung của những người mà tôi đã có liên lạc, hoặc những người được giới thiệu đến với tôi. Chúng mô tả hình ảnh chân thực (như tôi thấy) vào thời điểm đó. Đó là thực tế mà tôi muốn nhấn mạnh. Đây là những chân dung của các cá nhân—một số nổi tiếng, một số không tên tuổi, một số người lớn tuổi, một số còn trẻ—tất nhiên không phải là khuôn mặt hoặc hình ảnh của họ, mà của phàm ngã và đặc điểm của họ vào thời điểm đó trong cuộc đời họ. Đó là một hồ sơ về sở thích, công việc, cảm xúc, khát vọng, tài năng và tiềm năng của họ, cũng như các vấn đề, khó khăn và thói quen cảm xúc của họ.

Mỗi người cần chuẩn bị đến ngồi chỗ chúng tôi hai tới ba giờ đồng hồ, nhiều người cảm thấy việc này khá tẻ nhạt. Tôi đặc biệt nhớ một nhạc sĩ nổi tiếng đã mất kiên nhẫn ngay khi chúng tôi mới xong được khoảng nửa phần việc. May mắn thay, lúc đó con gái của anh cho anh xem một bản hòa âm mà cháu mang theo, và anh say sưa xem bản nhạc của con mà quên đi thời gian.

Một số người khác khá thích thú vì họ được vẽ chân dung hào quang, và muốn biết những màu sắc khác nhau có ý nghĩa gì. Một người đàn ông có những phản ứng đặc biệt với những thông tin này theo cách rất đặc trưng. Khi được cho hay màu da cam trong hào quang của ông là một dấu hiệu của lòng tự hào và sự tự tin, ông nói, “Tôi không thích điều đó và Fm quyết định thay đổi cho bức vẽ.” Đối với trẻ em, chúng chạy hoặc chơi đồ chơi, hay thậm chí ngủ thiếp đi. Những hoạt động này không làm phiền chúng tôi mấy, vì đó là hành vi khá bình thường và cho thấy chúng đang thư giãn.

Do đó các bức tranh là chân dung của các cá nhân, chứ không phải hình ảnh khái quát hoặc tổng hợp như những bức tranh minh họa các cuốn sách khác về hào quang, như trong tác phẩm Man Visible and Invisible (Người hữu hình và vô hình) của ông C. W. Leadbeater. Đây là những con người thực, với sự khác biệt lớn về phàm ngã. Tôi sẽ nói về bản chất của hào quang trong các chương tiếp theo, nhưng tôi muốn nhấn mạnh ngay từ đầu những bức chân dung này giống như một khung hình tĩnh trong một hình ảnh chuyển động—cái nhìn thoáng qua trong tiến trình cuộc sống. Tất cả chúng ta đều có tâm trạng thay đổi, và chúng được phản ánh trong hào quang, phủ lên các đặc tính lâu dài hơn. Do vậy các bức hình hào quang nắm bắt được bản chất của những cá nhân này về những gì họ cảm thấy vào thời điểm được vẽ mà thôi.

Đối tượng nghiên cứu

Có một điều khác nữa mà tôi phải nhấn mạnh. Những chân dung này không đại diện cho một mặt cắt của xã hội—có lẽ không phải là một nhóm người điển hình, mặc dù chúng tôi có nhiều lứa tuổi. Có sự cân bằng giữa nam và nữ, nhưng điều đó cũng do tình cờ mà có chứ không được định trước. Không có kẻ giết người, không có tội phạm, không có người bị chứng tâm thần. Hầu hết những người được vẽ thuộc tầng lớp trung lưu; không có những điển hình về lòng tham, ham muốn, tức giận, tàn ác, bạo lực hoặc các hành vi cưỡng ép khác. Một số khá bình thường, nhưng một số ít có năng khiếu đặc biệt, và một tỷ lệ đáng kể có quan tâm tới triết học, nhân văn và tinh thần. Vì vậy, chúng tôi thiếu sự tương phản có được nếu bao gồm trong nhóm một số đối tượng phản diện trong xã hội.

Lý do thiếu sự đa dạng này là vì chúng tôi không bao giờ nghĩ đến công việc này như một cuộc điều tra tâm lý y khoa. Đó là một nghiên cứu về hào quang, đơn giản và thuần nhất. Vào thời điểm đó, một số người đã bày tỏ sự quan tâm đến các quan sát thông nhãn của tôi, có vẻ sâu sắc hơn những người khác. Họ muốn xem hào quang trông như thế nào, và chúng thể hiện sự khác biệt trong phàm ngã ra sao. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu và hoàn thành công việc với những người ngay lập tức có thể gặp gỡ và sẵn sàng ngồi cùng chúng tôi. Chúng tôi đã không cố gắng tập hợp một nhóm người có nguồn gốc sắc tộc, văn hoá, tôn giáo hoặc giáo dục đa dạng.

Nếu đến giờ mới thực hiện dự án này hẳn là tôi đã làm theo cách hoàn toàn khác. Những nghiên cứu này đã được thực hiện khoảng năm mươi lăm năm trước, khi tôi vẫn còn khá trẻ, và mặc dù năng lực thông nhãn của tôi không thay đổi, qua thời gian tôi đã học được rất nhiều về sự tương tác của con người. Trong cuốn sách này, các hình ảnh và mô tả về hào quang là sản phẩm của những quan sát trong thời gian đầu sự nghiệp của tôi, nhưng trong các chương tiếp theo tôi cố gắng cung cấp thêm nhiều thông tin khác, thể hiện những kiến thức tôi đã trau dồi được trong những năm sau này.

Một số độc giả cũng có thể thắc mắc tại sao chúng ta phải đợi lâu như vậy để cuốn sách được xuất bản. Một trong những lý do nằm ở điều tôi vừa nói: Tôi không cảm thấy sẵn sàng thực hiện một nghiên cứu tổng quát về hào quang cá nhân dựa trên một số ít hình mẫu này. Thứ hai, lý do quan trọng hơn là bầu không khí tinh thần tôi trong những ngày đó không có lợi cho bất kỳ nghiên cứu nghiêm túc nào về các khái niệm quan trọng thuộc chủ đề này.

Chỉ trong vài thập kỷ qua, những tiến bộ khoa học, y học và tâm lý đã mang lại nhiều thay đổi trong quan niệm về vai trò của tâm thức đối với cuộc sống con người. Hiện nay nhiều người chấp nhận hơn về mối quan hệ giữa thân và tâm và nguồn gốc tâm linh của bệnh tật, cũng như thừa nhận tầm quan trọng của thái độ trong các tương tác giữa con người với nhau. Kết quả là bối cảnh hiện nay giúp cho những gì tôi trình bày không còn xa lạ.

Gần đây, khi nghiên cứu thông qua các bức vẽ, chúng tôi bắt đầu thấy rằng chúng thuộc các dạng thức hoặc nhóm nhất định và điều này cho thấy những đặc điểm ít liên quan đến sự nổi tiếng hay bình dị của người đó. Hầu hết mọi người có một số đặc điểm cảm xúc cơ bản chung: tình yêu và sự thông cảm, khả năng trí tuệ—khả năng học hỏi, thể hiện bản thân và thực hiện một số công việc có ý nghĩa. Tôi hy vọng, người đọc sẽ thấy thú vị khi theo dõi những năng lực bẩm sinh của con người biểu hiện ở nhiều người khác nhau trong các bức hình, và có lẽ tự nhận ra chính bản thân mình ở mức độ nào đó.

Cuối cùng, người đọc có thể muốn biết một vài điều về cá nhân tôi, điều gì khiến tôi có năng lực thấy được hào quang (như tôi vẫn gọi) hay là trường tình cảm của mỗi người.

Lịch sử cá nhân

Tôi sinh ra trong một gia đình Hà Lan sống trong một đồn điền lớn ở đảo Java, nơi cha tôi là giám đốc của một nhà máy đường. Cả mẹ và bà tôi đều có khả năng tâm linh, nhưng không ai có thể gọi đây là năng lực di truyền được. Nếu có liên quan đến các yếu tố di truyền, chúng có thể liên quan đến sự nhạy cảm bẩm sinh và khả năng phản ứng trực quan với các tình huống và sự kiện không lường trước được. Khi sinh ra, tôi vẫn được bao bọc trong một cái màng (màng bào thai), nó được coi là nhãn quang thứ hai, và tôi được kể lại rằng chính tôi đã phá vỡ bức màn bằng nắm tay mình, và tự giải phóng bản thân.

Mẹ tôi là người tin tưởng sâu sắc vào thiền, và luôn dành một căn phòng cho việc tham thiền không bao giờ sử dụng cho bất cứ mục đích nào khác. Bà bắt đầu dạy tôi tập thiền khi tôi mới được khoảng năm tuổi. Lúc đầu, bà đưa ra những chủ đề rất đơn giản cho tôi, nhưng sau đó bà đặt ra cho tôi nhiều vấn đề trừu tượng hơn để suy ngẫm. Cha mẹ tôi luôn trông chờ tôi có những giải thích cho các ý tưởng đến với tôi trong quá trình tham thiền.

Về khả năng thông nhãn của tôi, tôi cho rằng tôi bắt đầu nhận thức được năng lực này và phát triển nó khi tôi được khoảng sáu hoặc bảy tuổi. Vào khoảng thời gian đó, ông C. W. Leadbeater (một người có năng lực thông nhãn nổi tiếng và là một người viết rất nhiều tác phẩm Thông Thiên Học) đến thăm chúng tôi, và ông rất quan tâm đến tôi và những gì tôi thấy. Sau đó, khi tôi khoảng mười hai tuổi, chúng tôi đã đến sống ở Úc và từ đó tôi đã liên hệ với ông hàng ngày trong nhiều năm. Tôi không thể nói rằng ông đã từng huấn luyện tôi trong việc sử dụng năng lực thông nhãn của mình, nhưng ông đã đặt ra các nhiệm vụ cụ thể cho tôi—trong đó có một số rất khó cho một cô gái trẻ nhút nhát—và thông qua việc nỗ lực hoàn thành những nhiệm vụ này tôi đã dần có được sự tự tin về bản thân.

Nhưng có lẽ việc đào tạo ban đầu hữu ích nhất cho tôi là từ tính cương định của cha tôi, qua đó tôi áp dụng cho chính mình và học cách duy trì ý tưởng của mình bất chấp sự phản đối. Cha tôi yêu thích lập luận, và ông đã tập cho tôi bảo vệ quan điểm của mình, vì vậy mà tôi đã học được rằng tôi không thể tự nhiên mà có được điều gì.

Vì vậy, ngay từ khi còn rất trẻ tôi đã được dạy không nên mong đợi rằng mọi người sẽ nhất thiết đồng ý với mình. Điều này đã giúp tôi luôn vững vàng trong công việc của mình với các chuyên gia y tế, vì nếu tôi làm việc với các bác sĩ hoài nghi về khả năng thông nhãn của tôi, thái độ này đối với tôi không có gì là khó hiểu và không bao giờ ngăn trở tôi sẵn lòng hợp tác với họ. Nói cách khác, tôi không lấy làm phiền bởi thực tế là nhiều người có thể nghĩ rằng thông nhãn là một điều vô lý, vì tôi tin rằng mọi người đều có quyền chỉ chấp nhận những lý lẽ của người khác khi điều đó có ý nghĩa với mình.

Tôi đưa ra những mô tả và thảo luận sau đây về trường cảm dục từ quan điểm này. Đối với tôi, các hình thái cảm xúc là kết quả của nhiều yếu tố và kinh nghiệm cuộc sống khác nhau, một số tốt đẹp, một số đau đớn, một số tiêu cực, một số có tính xây dựng. Nếu chúng ta không nhận thức được những hình thái này, chúng có thể gây ức chế cho chúng ta theo nhiều cách và thậm chí dẫn đến việc gây ra bệnh tật. Tuy nhiên, cảm xúc không chỉ dễ biến động mà còn mang đầy năng lượng, và do đó chúng có thể và thực sự hay thay đổi.

Hơn nữa, chiều hướng thay đổi phụ thuộc vào ý định của chúng ta, một khi điều đó trở nên rõ ràng đối với chúng ta.

Tôi hy vọng cuốn sách này có thể giúp người đọc thấy rõ hơn hình thái cảm xúc của mình, và do đó hiểu được những khả năng biến đổi và tăng trưởng luôn tiềm ẩn trong mỗi người.

I. Cấu trúc và Động lực của các Trường Năng Lượng của Con người

2. Các Chiều của Tâm thức

Cuộc sống của một người bình thường, dường như không có nhiều điều diễn ra, thực ra tràn ngập những trải nghiệm ở nhiều cấp độ. Trong khi chúng ta đang tập trung vào công việc hàng ngày của cuộc sống, chúng ta đồng thời tham gia vào một tổng thể phức tạp của các mối tương tác giữa các tiến trình vật lý, cảm xúc và tư duy. Mặc dù chúng ta có thể không quan tâm nhiều đến những tương tác này, nhưng chúng vẫn ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta cũng như cảm giác hạnh phúc hài lòng của mỗi người.

Điều tôi cố gắng truyền tải thông qua cuốn sách này là chia sẻ với độc giả một số nhận thức và đánh giá của tôi về các quy mô tiềm ẩn của tâm thức bên trong chúng ta và thông qua đó giúp các bạn nhận thức rõ hơn về những khía cạnh này trong cuộc sống của mình và khả năng tác động của bản thân tới việc thay đổi tâm thức trong chính mình.

Trọng tâm của tôi chủ yếu dựa vào cảm xúc của chúng ta, vì hào quang—đám mây sáng rỡ xung quanh mỗi người—là trường cảm xúc cá nhân. Nhưng cảm xúc của chúng ta là một phần của tổng thể lớn hơn mà chúng ta gọi là con người, và do đó chúng không thể tách rời với mọi thứ đang diễn ra bên trong chúng ta. Sự tương tác giữa năng lượng thể trí, cảm xúc và cơ thể vật lý diễn ra quá nhanh và liên tục đến mức chúng làm mờ đi sự tách biệt này, và do vậy chúng ta thường chỉ chú ý đến chúng khi sự hòa hợp bị phá vỡ. Do đó, để hiểu được bản chất của cảm xúc và vai trò của chúng, chúng ta phải quan sát chúng từ quan điểm của toàn thể con người—và điều này bao gồm không chỉ thể xác, tâm trí và cảm xúc, mà còn cả chiều cao hơn của tâm thức.

Các chiều cao hơn của Tâm thức

Các tài liệu Thông Thiên Học, Ấn Độ và nhiều tài liệu khác đã xác định bản chất của các thể cao hơn, và gọi chúng bằng nhiều tên gọi khác nhau. Trong khi tôi luôn khuyên mọi người tự nghiên cứu các tài liệu này và tự mình đánh giá, nhưng với các mục đích hiện tại tôi sẽ chỉ đơn giản đưa ra các mô tả của riêng mình và sử dụng các thuật ngữ theo cách của tôi với hy vọng sẽ làm cho các vấn đề trở nên đơn giản và rõ ràng nhất có thể.

Vì nhiều lý do, tôi thường coi các trạng thái tâm thức khác nhau không phải là “các cõi”, như chúng được gọi trong các mô tả trước đây, mà là các chiều, hay các trường. Cả hai thuật ngữ này cho thấy khả năng di chuyển trong một không gian mở, năng động, và cũng khả năng mở rộng gần như vô hạn tới những tầm tâm thức cao hơn. Cả hai đều hàm ý sự tồn tại của một tổng thể lớn hơn mà các chiều hay các trường khác nhau là là những thành phần trong đó, liên tục tương tác lẫn nhau. Khi nói về các trường năng lượng của con người, tôi luôn luôn cố gắng nhấn mạnh rằng tất cả mọi thực thể—kể cả bản thân chúng ta—đều tồn tại trong một tổng thể vĩ đại, đó chính là vũ trụ. Các chiều tâm thức đều có mặt ở khắp nơi, trong mọi sự vật, ngay cả khi nó mới chỉ ở dạng thức thô sơ nhất.

Tâm Thức

Tâm thức có nhiều hình thái, và các phạm vi của nó vượt xa những gì mà chúng ta thường nghĩ tới như là cái trí hữu thức. Các trạng thái tâm thức có thể từ mức độ nhận thức cơ thể sơ khai lên tới cấp độ hiểu biết tâm linh cao nhất. Do đó, chúng tạo thành một hệ thống có thứ bậc, trong đó năng lượng liên quan đến các trạng thái tâm thức ngày càng trở nên tinh tế hơn khi chúng ở các tầm mức cao hơn. Nhưng điều này không có nghĩa là một trạng thái tâm thức cụ thể không mang nhiều ý nghĩa, hoặc ít quan trọng hơn phần còn lại. Nếu chúng ta cố gắng nhìn nhận tất cả các chiều theo một tổng thể mà chúng là một phần, chúng ta sẽ thấy rằng mỗi điểm đóng một vai trò nhất định trong tổng hòa tâm thức.

Lạt ma Govinda đã giải thích rất rõ điều này: “Tâm thức của một chiều đo cao hơn bao gồm sự nhận thức đồng thời và được phối hợp của một số hệ thống các mối quan hệ hay các chiều hướng chuyển động trong sự thống nhất rộng lớn hơn, toàn diện hơn mà không phá hủy các đặc tính riêng của các chiều thấp hơn được tích hợp. Do đó, thực tính của chiều đo thấp không bị tiêu diệt bởi một chiều đo cao hơn, mà chỉ mang lại các giá trị ở những khía cạnh khác”

Cũng giống như vậy, khi tôi nói đến “chiều đo cao hơn” hoặc “cấp cao hơn” tôi không cố gắng đưa ra các đánh giá về giá trị, mà chỉ mô tả “hệ thống mối quan hệ” mà Lạt ma đã đề cập ở trên. Thật vậy, các đánh giá về mặt giá trị hoàn toàn không phù hợp khi chúng ta cố gắng hiểu được bản chất của các chiều khác nhau của tâm thức. Điều quan trọng hơn là cần nghiên cứu thêm về các chức năng và đặc điểm của tâm thức, và nhận thức được những đóng góp đặc biệt—cũng như những hạn chế của chúng—về thực tính vĩ đại hơn, đó là toàn thể bản chất con người.

Theo cách nhìn nhận này, các trạng thái tâm thức là những điều kiện thực tế khác nhau nhưng không tách biệt nhau hoặc tách biệt chính thân xác. Các trường vi tế cùng tồn tại trong một không gian, và ảnh hưởng lẫn nhau. Sự khác biệt của chúng nằm ở thực tế là mỗi trạng thái có loại năng lượng và mức độ rung động riêng. Điều này làm cho các trường khác nhau tạo ra các hiệu ứng đặc biệt của chúng, đồng thời thâm nhập và tương tác với các trường khác mà không bị hòa tan.

Thật khó để tìm ra một sự tương đồng chính xác với hiện tượng này theo những kinh nghiệm thông thường. Có thể ví toàn bộ hiệu ứng này diễn ra tương tự như cách một âm thanh duy nhất của một hợp âm được tạo ra bằng cách kết hợp các âm khác nhau, mỗi âm chỉ có thể được phân biệt bởi người thẩm âm lão luyện. Kinh nghiệm thẩm âm là sự so sánh gần nhất mà tôi có thể nghĩ ra, bởi vì sự khác biệt giữa các trường vi tế về bản chất là hòa hợp. Mỗi chiều tâm thức có phạm vi tần số riêng, và đóng một vai trò nhất định trong hòa âm tổng thể của một con người.

Năng lượng Sáng chói

Không phải là một nhà khoa học, tôi chỉ có thể gợi ý làm sao để nhận thức được các trường vi tế. Chúng ta biết rằng âm thanh và ánh sáng là những dạng năng lượng bức xạ có bước sóng khác nhau, và nhiều hiện tượng vượt quá khả năng nhận thức của các giác quan thông thường, chẳng hạn như ánh sáng tia cực tím, chúng ta chỉ có thể nhận ra khi có công cụ để phát hiện ra chúng. Với tôi, các chiều cao hơn là các dạng năng lượng bức xạ liên quan đến ánh sáng. Cũng giống như ánh sáng mặt trời có thể được phân chia thành dải quang phổ mà chúng ta có thể nhìn thấy là cầu vồng, vì vậy những năng lượng cao này tiết lộ qua màu sắc đặc trưng của chúng. Đó là những điều tôi nhận ra. Do đó, thông nhãn có thể là một công cụ giúp giúp quan sát rõ một số bước sóng và tần số không nhìn thấy được bằng mắt thường.

Khi phát sinh các câu hỏi về vấn đề thông nhãn, một trong những trở ngại lớn nhất đối với hầu hết mọi người, đó là khả năng quan sát được các chiều vi tế dường như chỉ giới hạn ở một vài người. Trong khi tôi không thể giải thích được điều này, tôi muốn chỉ ra một thực tế rằng cho đến thời đại hiện nay, chúng ta vẫn không thể nhìn thấy virus, hoặc phân biệt sóng siêu âm, hay xác nhận các yếu tố di truyền. Tất cả những điều này vốn dĩ vẫn tồn tại từ trước khi có những dụng cụ giúp chúng ta có thể quan sát chúng. Tương tự, có thể trong tương lai cơ chế của thông nhãn sẽ được khám phá và hiểu rõ. Đến bây giờ, tôi chỉ có thể nói rằng tôi có khả năng thông nhãn nhờ sự thay đổi tập trung thị giác. Tôi có thể kiểm soát cơ chế này, và tôi chỉ sử dụng nó khi cần. Tôi sử dụng từ “thị giác” để mô tả quá trình này bởi vì nó là một loại nhìn thấy, nhưng mắt vật lý của cơ thể không đóng vai trò gì trong đó. Thay vào đó, cần sự tập trung chú ý. Tôi sử dụng khả năng thông nhãn của mình chủ yếu trong công việc, và nhãn quan thông thường cũng được sử dụng như mọi người bình thường khác.

Đối với tôi, sinh lực, cảm giác và suy nghĩ là những hình thức năng lượng. Mặc dù hầu hết chúng ta không nghĩ đến chúng theo cách này, nhưng một số nhà khoa học mà tôi đã cùng làm việc cho biết hoàn toàn hợp lý khi sử dụng từ “năng lượng” khi nói tới cảm xúc, vì năng lượng có nghĩa là “năng lực hành động hoặc tạo ra những tác động .” Chúng ta chấp nhận các trường vật lý như lực hấp dẫn là có “thật” bởi vì chúng ta trực tiếp chịu tác động của chúng, cho dù chúng ta không bao giờ nhìn thấy chúng. Hiện tại, do thiếu thông tin đầy đủ, bản chất của các trường vi tế chỉ có thể được giả định theo những cách mà chúng ảnh hưởng đến chúng ta. Tôi luôn luôn cố gắng nhấn mạnh rằng cảm xúc không chỉ là các trạng thái tâm lý chủ quan; chúng có những hệ quả vật chất thực sự và tác động đến sức khoẻ của chúng ta bằng nhiều cách. Tôi nói từ kinh nghiệm cá nhân, vì đây là một lĩnh vực mà tôi đã quan sát và nghiên cứu suốt cuộc đời.

Phổ Tâm Thức

Được coi là năng lượng, cảm xúc và suy nghĩ có liên quan với nhau tương tự như mối quan hệ giữa âm thanh và ánh sáng. Ở một đầu của dải phổ tâm thức là trường liên quan mật thiết với cơ thể vật lý. Nó được gọi là dĩ thái, và dạng năng lượng đặc trưng của nó là cái được gọi là prana trong giáo lý Ấn Độ—đó là năng lượng sự sống hay sinh lực. Mọi sinh vật được nuôi dưỡng và duy trì bởi năng lượng này. Trong chẩn đoán bệnh tật, màu sắc và độ sáng rỡ của dòng chảy prana của mỗi người là các chỉ số quan trọng cho tôi biết tình trạng sức khoẻ. Lý do tại sao những cảm xúc có ảnh hưởng như vậy đến sức khoẻ của chúng ta là vì thể dĩ thái có mối liên hệ mật thiết với trường tình cảm; có một sự tương tác liên tục giữa hai loại năng lượng này.

Một cách tình cờ, đây là lĩnh vực khó nhất để nghiên cứu bằng thông nhãn, bởi vì nó phức tạp nhất. Thể dĩ thái thực sự là một bản sao của cơ thể vật lý, và nó lặp lại sự phức tạp của các quá trình trong cơ thể của chúng ta. Khi tìm kiếm dấu vết bệnh tật, người ta phải lưu ý đến sự khác biệt về màu sắc, kết cấu, mức độ và hình thức chuyển động, và nhiều yếu tố khác trong thể dĩ thái. Trong thực tiễn của các kỹ thuật chữa bệnh như Đặt tay chữa bệnh (Therapeutic Touch), chúng tôi nghiên cứu chủ yếu để khám phá và loại bỏ những tắc nghẽn trong dòng năng lượng dĩ thái, trong khi luôn luôn tâm niệm con người là một tổng thể. Việc bàn luận về thể dĩ thái và các chức năng của nó là không thích hợp ở đây, nhưng những độc giả muốn có được mô tả đầy đủ hơn có thể quan tâm đến một cuốn sách mà tôi đã viết với Bác sĩ Shafica Karagulla, cuốn sách có nhan đề Luân xa và các Trường Năng lượng của Con người.

Tiếp đến, theo mức độ tinh tế của vật chất và tốc độ chuyển động, là trường astral hay cảm dục, năng lượng đặc trưng của nó là những xúc cảm, theo sau là trường trí tuệ, đó là năng lượng của ý nghĩ hay tư duy. Ngoài trường trí tuệ là trường trực quan và có mức độ vi tế cao hơn. Những chiều đo này có kết cấu mịn hơn, nhẹ hơn, chuyển động nhanh hơn và có mức độ rung động cao hơn. Chúng mạnh mẽ hơn, bởi vì chúng có thể biến đổi năng lượng thô thành mịn hơn. Chúng nhạy bén hơn đối với những tác động tinh thần, và chúng cũng bền vững hơn, vì ít bị ảnh hưởng bởi những căng thẳng và bão tố trong đời sống vật lý.

Như tôi đã đề cập, chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ rằng “cao hơn” là “tốt hơn”, nhưng điều này không hẳn là đúng đối với mối quan hệ giữa thể trí và cảm xúc. Trong các hoạt động hàng ngày, hai thể này thường gắn kết chặt chẽ với nhau. Ngay khi chúng ta cảm nhận một điều gì đó chúng ta đánh giá cảm nhận đó, và đặt nó trong bối cảnh kinh nghiệm của mình, để cảm xúc và suy nghĩ của chúng ta tương tác không ngừng nghỉ.

Thể trí

Thể trí có ảnh hưởng tới cảm xúc rất mạnh mẽ, bởi vì đó là một phần có thể tự tách ra khỏi cảm xúc của con người và quan sát các tác động của chúng: “Tôi cảm thấy hạnh phúc; Tôi cảm thấy tức giận.” Như vậy thể trí có thể mang lại tính khách quan cao hơn cho cảm xúc của con người bằng cách chỉ ra phương hướng dẫn dắt chúng ta, và thông qua đó, tạo ra trật tự và sự gắn kết trong cuộc sống của chúng ta. Nhưng thể trí cũng có thể trở nên méo mó và tạo ra những tác động tiêu cực, ích kỷ và có hại đối với cuộc sống tình cảm. Nó có thể biện minh cho những định kiến của con người và xuyên tạc sự thật, và khi đó, như bà H. P. Blavatsky đã nói, nó là “kẻ giết chết sự thật.”

Tuy nhiên, ảnh hưởng của thể trí là điều vô cùng cần thiết cho sự hợp nhất và cân bằng phàm ngã, cũng như có tác dụng hướng dẫn. Thể trí đặt ra các mục tiêu, lập kế hoạch chiến lược, tạo dựng các vấn đề và thực hiện từng bước. Lý trí đưa ra hướng dẫn, định hình và gắn kết với những suy nghĩ lan man của chúng ta, cho phép tự phản biện. Tất cả đều là những hoạt động tích cực của thể trí trong cuộc sống hàng ngày.

Còn có một mức độ thể trí gắn liền với tư duy trừu tượng, như toán học, triết học hay khoa học, và điều này không ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc. Tuy nhiên, các nhà toán học và các nhà khoa học sẽ không theo đuổi nghề nghiệp của mình trừ khi họ có mối quan tâm tới các lĩnh vực này, nhờ đó cảm xúc được thúc đẩy, sự chú tâm và nhiệt tình sẽ được dành cho các vấn đề trừu tượng. Một số người có một niềm đam mê sâu sắc với các ý tưởng và có thể hoàn toàn đắm chìm vào chúng; sự quan tâm đó không chỉ đơn thuần mang tính học thuật. Trong trường hợp này, năng lượng tinh thần và cảm xúc kết hợp với nhau, đó là một trong những dấu hiệu của sự hợp nhất phàm ngã.

Nhưng giữa lý trí cố để hiểu được một tình huống và cảm xúc thúc đẩy hành động thường có một khoảng cách và thiếu tính đồng bộ. Thường thì mọi người không lưu ý đến thông tin được cung cấp, mà phản ứng trước một tình huống theo cảm xúc tức thời. Khi đó, các cung bậc cảm xúc có thể dẫn chúng ta tới những hành động không phù hợp với ý định của mình, hay theo kinh nghiệm của bản thân. Trong trường hợp như vậy, chúng ta nói rằng người đó là bốc đồng—thậm chí có thể tới mức vượt ngoài tầm kiểm soát. Sự chia tách như vậy trong tinh thần hiển thị rõ ràng trong hào quang của một cá nhân. Trường thể trí có thể đón nhận trực giác cũng như có độ tập trung rõ nét, trong khi trường cảm xúc của người đó bị mất cân bằng. Khi điều này xảy ra, có thể có rất nhiều ý tưởng nảy sinh mà cá nhân đó không có khả năng làm theo và đưa chúng vào thực tế.

Có rất nhiều loại rối loạn chức năng như vậy giữa các trường. Tuy nhiên, ngoại trừ những người ốm yếu hoặc tàn tật, trường cảm xúc và thể trí luôn phối hợp với nhau khá chặt chẽ, bởi vì tư duy luôn đi cùng một mức độ cảm xúc nào đó. Nó có thể là sự quan tâm hay chán nản, thích hay không thích hoặc thờ ơ, và ngay cả khi bị kiềm chế, luôn có một phần cảm xúc trong suy nghĩ của chúng ta.

Trực giác

Tình cảm của chúng ta dành cho thiên nhiên hay cái đẹp, hoặc cho hòa bình trên thế giới cũng là cảm xúc, nhưng là một dạng thức khác. Chúng vượt ra khỏi mức độ phàm ngã đơn thuần, và liên quan đến một khía cạnh của con người mà chúng ta gọi là trực giác. Đây là mức độ tâm thức vượt trên thể trí, hoặc ẩn sâu bên trong mỗi người, và nó mang lại cho chúng ta những hiểu biết sâu xa hơn kiến thức của mình. Nhiều người trải qua những thời khắc bỗng chốc thấy mình hòa nhập với thiên nhiên—hoặc với tinh thần của thế giới—mạnh đến nỗi vào thời điểm đó nó giải phóng tất cả những rào cản vốn vẫn phân cách chúng ta với nhau. Trải nghiệm hợp nhất đó vượt qua cả tâm trí và cảm xúc, làm cho họ thấm đẫm năng lượng cấp cao mạnh mẽ tới mức có thể mang lại một quan điểm hoàn toàn mới về cuộc sống.

Trong một trường hợp khác, tri kiến tinh thần—nhìn thấy toàn bộ mối quan hệ hoặc chân lý của một ý tưởng—cũng là một khía cạnh của trường trực quan, bởi vì nó ào tới trực diện và tức thì, khác hơn lối suy nghĩ nguyên nhân và kết quả thông thường của chúng ta. Chính điều này giúp chúng ta có thể nhìn thấy những thực tính mới cho những tình huống cũ, tìm ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề khó giải quyết và thực hiện các bước nhảy vọt đột phá đầy hiểu biết.

Trải nghiệm về Thời gian

Có một điểm cần lưu ý nữa về các trường vi tế là có những dấu hiệu chỉ ra rằng chúng thực sự là các chiều của không gian. Trải nghiệm về thời gian là khác nhau ở những chiều cao hơn. Tôi không hiểu nguyên nhân và cách thức diễn ra điều đó, ngoại trừ một điều chúng ta đều biết rằng thời gian liên quan đến chuyển động. Vì sự biến động của các trường vi tế khác với các trường của thế giới vật lý, các giá trị thời gian ở các cõi cao linh hoạt hơn nhiều. Như chúng ta biết, quá khứ và hiện tại không còn phân biệt và trở thành một phần của sự liên tục của thời gian. Cả quá khứ và hiện tại đều mang ý nghĩa biểu đạt cho “ở đây” và “bây giờ” của trường thể trí và cảm dục. Đó là lý do tại sao bạn có thể khám phá ra những dấu vết của quá khứ xa xôi trong hào quang của một người, và dự đoán được các khuynh hướng có thể phát triển trong tương lai. Cách mà yếu tố thời gian này trở thành một phần của tâm lý con người sẽ được nhắc tới trong việc miêu tả hào quang của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Mặc dù chúng ta không biết được các trạng thái tâm thức và năng lượng khác nhau trong mình, chúng ta sử dụng chúng dễ dàng như không khí chúng ta hít thở, vì chúng là một phần của thế giới tự nhiên. Nhưng điều gì giúp chúng ta có thể sử dụng những năng lượng này mà không cần ý thức về chúng? Đâu là nguyên tắc của sự tích hợp tạo ra thống nhất và điều hòa tất cả các chiều vật lý, sinh lực, cảm xúc và thể trí trong chúng ta?

Bản Thể phi thời gian

Tôi tin rằng yếu tố hợp nhất này là cái mà tôi muốn gọi là “bản thể phi thời gian”—một nguyên tắc của sự hiện hữu tạo nên sự liên tục trong suốt cuộc đời, và tồn tại sau khi chết. Đây là một khái niệm phổ biến trong Ấn Độ giáo (nơi nó được gắn liền với thuyết luân hồi), mặc dù nó gần với khái niệm linh hồn như được mô tả trong Kitô giáo. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, nên định nghĩa, rằng bản thể là một sự phản ánh khía cạnh tận cùng của hiện hữu. Nó bắt nguồn từ một thực tính tâm linh phi thời gian, vượt qua và bao trùm tất cả các chiều của tâm thức.

Như được thể hiện trong các bức hình hào quang, đặc biệt là của trẻ em, mọi người đều được sinh ra với một liên kết với thực tính tinh thần, dù liên kết này có được nhận thức một cách có ý thức trong cuộc sống hay không. Bản thể (không nên nhầm lẫn với cái tôi hoặc tự ngã) là một dòng mạch không chỉ kết nối chúng ta với thực tính, mà còn mang lại hình dạng, ý nghĩa và giá trị cuối cùng cho kinh nghiệm của chúng ta. Nhờ có sức mạnh của bản thể phi thời gian trong mỗi người, chúng ta có thể vượt qua những trở ngại lớn nhất. Ngay cả những người tàn tật nặng nề cũng có thể có được sức mạnh nội tại này. Bằng cách đó, họ có thể phát triển khả năng sáng tạo của riêng mình và giúp đóng góp—có thể không phải về thể chất, mà ở các tầm mức quan hệ của con người.

Tôi có một người bạn thân, một trường hợp có thể lấy làm dẫn chứng sinh động cho điểm này. Khi còn nhỏ, cô bị bệnh bại liệt, khiến cô trở thành người tàn tật hoàn toàn. Cô phải ngồi xe lăn, không thể sử dụng cánh tay trái, và bị tổn thương thần kinh nghiêm trọng. Mặc dù vậy, cô chưa bao giờ mất lòng tin rằng mình sẽ có khả năng hoạt động trên thế giới.

Mặc dù sức khoẻ của cô luôn luôn bấp bênh, lòng dũng cảm và khả năng sáng tạo của cô đã giúp cô vượt qua vô vàn trở ngại để sống một cuộc đời bình thường. Cô đã học vẽ và tạo ra những món quà nghệ thuật tuyệt vời đến mức cô có khả năng tự mình kiếm sống, ít nhất là để trang trải một phần. Mặc dù thường xuyên sống trong đau đớn, cô không bao giờ phàn nàn và luôn quan tâm đến cuộc sống của người khác. Kết quả là, cô có vô số bạn bè. Việc nhận ra rằng mình có thể đóng góp cho người khác cho dù phải đối mặt với tất cả những khó khăn đã duy trì được tinh thần của cô trong suốt cuộc đời.

Câu chuyện này minh hoạ một điểm tôi sẽ nhấn mạnh theo nhiều cách khác nhau trong suốt cuốn sách này. Với quyết tâm và sự tự tin giúp tạo ra cảm hứng, chúng ta có thể thu hút được một tiềm năng gần như vô hạn về nguồn năng lượng cao trong nội tại, cho chúng ta khả năng đạt được các mục tiêu dường như vượt quá khả năng của mỗi người.

Tác động của Nghiệp quả

Cuối cùng, có một câu hỏi về đặc tính cá nhân. Tất cả chúng ta đều sinh ra với một hình thái cảm xúc cơ bản, hoặc với khả năng phát triển những phẩm chất cảm xúc nhất định, như tôi sẽ cố gắng thể hiện trong việc thảo luận về hào quang của trẻ em. Theo quan điểm này, không thể bỏ qua vấn đề nghiệp quả (ảnh hưởng của hành động trong quá khứ), một yếu tố tạo ra các điều kiện giới hạn của cuộc sống con người. Những điều kiện này không được sắp đặt một cách cố định, bởi vì nghiệp có thể hoạt động theo nhiều cách và ở nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, nó thiết lập một số khuynh hướng nhất định mà một người sẽ phải đối diện trong suốt cuộc đời, và chúng được biểu lộ rõ ràng ở trường cảm xúc.

Ngày nay, chúng ta đã quen với quan điểm rằng chúng ta được sinh ra với những mô thức di truyền nhất định quyết định thể vật lý của mình, đồng thời điều khiển trí tuệ và các phản ứng cảm xúc của chúng ta. Điều này đúng ở một mức độ nào đó, nhưng sự hiểu biết của chúng ta về gen di truyền vẫn chưa bao gồm những cách thức mà các đặc điểm trí tuệ và cảm xúc được hình thành, hay cách thức phát triển của chúng. Y học đang tìm cách thay đổi mô hình di truyền và có thể loại bỏ các khuyết tật di truyền, nhưng liệu những thay đổi như vậy có làm cho con người nhân văn hơn, tử tế hơn và từ bi hơn? Hầu hết chúng ta chấp nhận thực tế là bệnh tật ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần và tình cảm của chúng ta, nhưng chưa chấp nhận một thực tế ngược lại.

Con người có những chiều sâu thật lớn hơn là người ta vẫn nghĩ. Như tôi đã nhận xét ở đầu chương này, các chiều vi tế của tâm thức có sức mạnh lớn hơn nhiều các thuộc tính vật lý của chúng ta.

Tất cả chúng ta đều có thể tiếp cận với các nguồn lực nội tại này. Chúng không phải chỉ dành cho một số ít những người được đặc ân hay có năng khiếu đặc biệt, vì chúng là một phần của di sản con người của chúng ta. Ngay cả khi vẫn là một nguồn tài nguyên chưa được khai thác, chúng đang ở đó, luôn luôn hiển hiện nếu chúng ta có ý chí và động lực sử dụng chúng.

1 Comments

Leave Comment