Lobsang Rampa và tác phẩm “Tây Tạng huyền bí” (The Third Eye).

Third eye 1 

Nguyễn Hữu Kiệt dịch quyển The Third Eye sang tiếng Việt dưới tựa đề Tây Tạng huyền bí và xuất bản tại Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Và sau đó quyển sách trở thành best seller, giống như đã xảy ra khắp thế giới kể từ khi nó xuất bản lần đầu tại Anh tháng 11 năm 1956. Kể từ năm 1975 đến nay quyển sách đã được tái bản nhiều lần tại Việt Nam cũng như được phổ biến rộng rãi trên mạng internet dưới dạng sách điện tử, và luôn luôn đứng đầu trong các quyển sách được người đọc sách tâm linh tìm đọc. Quyển sách cung cấp nhiều chi tiết hấp dẫn về xứ sở Tây Tạng, đời sống trong Lạt Ma Viện, tín ngưỡng Phật giáo Tây Tạng, chuyện huyền bí về Thần nhãn… Nhưng thật ít ai tại Việt Nam biết rằng tác giả thật của nó không phải là một vị Lạt ma Tây Tạng dưới tên gọi Lâm Bá (Lobsang Rampa) mà là một người Anh tên thật là Cyril Henry Hoskins, sinh năm 1910 tại Plympton, Devon, Anh Quốc. Hoskins là con của một người thợ ống nước, ông chưa bao giờ tới xứ Tây Tạng cả và cũng không biết một chữ Tạng nào! Chính sự nổi tiếng quá mức của quyển “The Third Eye” đã khiến nhà Thám hiểm và cũng là nhà Tây Tạng học Heinrich Harrer thuê một thám tử tư từ Liverpool để truy tìm tác giả thật của nó. Kết quả mà vị thám tử tìm ra như đã nêu ở trên, và được công bố trên báo Daily Mall tháng 2 năm 1958

. Third eye 2

Lobsang Rampa trên bìa quyển The Third Eye

cyrilhoskins

 Và Cyril Henry Hoskins

Times article

Bài báo nói về Lobsang Rampa

Sau đó Lobsang Rampa bị các phóng viên truy đuổi đến tận làng Howth xứ Ireland. Nhưng Lobsang Rampa giải thích câu chuyện trên như sau: xác thân Ông đang mang là của Cyril Henry Hoskin, nhưng linh hồn của xác thân đó đúng là của một Lạt Ma Tây Tạng tên thật là Lobsang Rampa, và The Third Eye hoàn toàn là câu chuyện có thật về cuộc đời của vị Lạt Ma đó. Việc tại sao Ông lại chiếm hữu xác thân của Hoskin được Ông kể lại trong quyển The Rampa Story. Câu chuyện có thể tóm tắt như sau: Hoskins trong lúc cố chụp ảnh một con chim cú trong khu vườn của mình đã bị rơi ngã từ một ngọn cây và bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, Ông thấy một tu sĩ Phật giáo mặc y vàng đi về phía mình. Vị tu sĩ nói với Hoskins chuyện Rampa sẽ nhập xác Hoskin và Hoskin đồng ý, bởi vì Hoskin cũng quá bất mãn với cuộc sống hiện tại của mình. Và sau đó Lobsang Rampa đã nhập vào xác của Hoskin. Tuy nhiên, Lobsang Rampa cũng không chịu nỗi sự đeo bám của nhóm phóng viên. Ông và vợ mình là San Ra’ab di cư sang Canada sống trong thập niên 1960, và trở thành công dân Canada vào năm 1973. Ông mất tại Canada năm 1981. Ngoài quyển The Third Eye, Ông còn viết 18 quyển sách khác cũng về các đề tài huyền linh, nhưng không có quyển nào nổi tiếng bằng quyển The Third Eye. Câu chuyện về cuộc đời của Ông như Ông kể trong The Rampa story thực hư rất khó xác định. Năm 1972 một trợ lý Tiếng Pháp của Rampa là Alain Stanké đã viết thư cho Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi về trường hợp của Lobsang Rampa. Ông nhận được thư trả lời của vị Phó thư ký của Đức Đạt Lai Lạt ma như sau: “Tôi muốn thông báo cho Ông biết rằng chúng tôi không tin tưởng vào các quyển sách của vị tự xưng là Dr Lobsang Rampa. Các tác phẩm của Ông ấy hoàn toàn là tưởng tượng.” Tuy nhiên trước đó thì bản thân đức Đạt Lai Lạt Ma cũng thừa nhận rằng tuy các quyển sách của Lobsang Rampa là chuyện tưởng tượng, nhưng nó đã tạo ra hiệu quả mạnh mẽ khắp thế giới, và rất nhiều người đã tìm hiểu về đời sống tâm linh và đất nước Tây tạng sau khi đọc The Third Eye. Nhưng nhà Huyền bí học người Anh Douglas M. Baker lại có ý kiến khác. Ông đã đích thân gặp Lobsang Rampa trên giường bệnh tại Canada, đã nói chuyện với Lobsang Rampa, nghe vợ của Lobsang Rampa kể lại câu chuyện của Hoskin và Rampa sau nầy. Ông nói rằng những gì Rampa viết trong The Third EyeRampa Story là sự thực. Bản thân Lobsang Rampa thì cho rằng “Chuyện TÔI LÀ AI có gì quan trọng, chỉ có NHỮNG GÌ TÔI VIẾT mới thực sự quan trọng. Trong nhiều năm qua có cả đám chuyên gia cố chứng minh rằng tôi sai. Nhưng họ đã thất bại. Nếu tôi là kẻ giả mạo, thế thì những điều tôi viết ra mà nhiều người đang copy lại xuất phát từ đâu? Tất cả những gì tôi viết đều xuất phát từ kinh nghiệm của bản thân, không phải do đồng bóng hoặc ai đó nhập xác tôi viết. Tôi chỉ là con người đang cố làm một công việc rất là khó khăn trong sự ganh tị và mê tín. Có những vị trong giới Cao Cả ở Ấn độ và những nơi khác có thể giúp đỡ tôi, nhưng những ai hi sinh tôn giáo của mình cho chính trị hay những điều tương tự, hoặc những động cơ chính trị  v.v… thì phủ nhận  những gì tôi viết” Có người còn cố công đi tìm trong chính phủ của Tây Tạng trong thế kỷ XX có ai tên Mingya Dondup (NHK phiên âm là Minh Gia đại đức) và Lobsang Rampa không. Và website http://www.lobsangrampa.org/ công bố một bức ảnh cho là của hai vị lạt ma nổi danh Mingya Dondup và Lobsang Rampa chụp cùng vị đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 tại Darjeeling vào năm 1910, khi vị nầy thăm viếng Phó Vương Ấn độ bấy giờ là Minto.Nhưng xét thời gian 1910 thì điểu nầy khó phù hợp.

Tibet's Government

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 ngồi ở giữa (1). Mingya Dondup (2) đứng bên phải hình cạnh đức Đạt Lai Lạt ma. Lobsang Rampa (3) bìa phải.

Bức cận ảnh cho thấy sự giống nhau giữa khuôn mặt của Lobsang Rampa và Hoskin Original close up copy

Later close up

Kể lại những sự kiện nầy chỉ nhằm cung cấp bạn đọc biết thêm sự thật đằng sau một tác phẩm nổi tiếng, và mong bạn đọc dùng trí phân biện và trực giác của mình để rút ra kết luận cho riêng mình. Bạn đọc tìm hiểu thêm có thể xem thêm các trang web sau:

–       http://www.lobsangrampa.org/

–       http://en.wikipedia.org/wiki/Lobsang_Rampa

1 Comments

  1. trancuong

    Theo như mình nghĩ thì một người châu âu làm sao có thể biết rõ về đất nước tây tạng (ông mô tả rất đúng về: phong tục, địa hình, tranh vẽ, tích cách, ..) như vậy. Nếu đó là trí tưởng tượng thì nó sẽ có lúc miêu tả sai về những con bò yak, món trà, bơ, tập tục, …Đằng này nói rất khoa học, rất đúng, rất minh triết.
    Xin để lại ý kiến của những ai đọc qua những comment này (admin, others…)

Leave Comment