Thời gian và Hiện Tại Vĩnh Cửu

 

Trải nghiệm của chúng ta về thời gian đơn thuần là sản phẩm của chính tâm thức. Vì chiều kích tinh thần siêu việt tâm thức, nên có thể nói rằng cõi giới tinh thần siêu việt thời gian. Có nhiều khía cạnh của nhận thức sẽ thay đổi khi ta có thể tiến vào các cõi nội giới, và một trong số đó là trải nghiệm của chúng ta về thời gian. 

Sự thay đổi trong mối liên hệ với thời gian là một trong những chuyển biến dễ nhận thấy nhất xuất hiện khi con người bước trên Đường Đạo. Mặc dù có nhiều thuộc tính biểu thị cho sự giác ngộ, một trong số chúng là khả năng tiến vào một không gian nội tâm nơi không còn có thời gian, và an trụ ở đó mà không dao động.

Thời gian có thể được định nghĩa như một hiện tượng nhận thức phát sinh từ khuynh hướng nội tại của cái trí là ghi nhận các trải nghiệm theo trình tự, tuyến tính. Những khoảnh khắc về thời gian được nhận thức bởi vì có những thay đổi vi tế của tâm thức vốn liên tục xuất hiện. Khoảnh khắc một suy nghĩ hay ấn tượng đi vào trường nhận thức của chúng ta, nó biểu thị cho một tình trạng tâm trí đã được biến đổi. Tương tự với trải nghiệm về cảm xúc cũng như những cảm giác vật lý. Mỗi trải nghiệm suy nghĩ và cảm xúc làm thay đổi tình trạng tâm thức, và đó chính là chỗ mà trải nghiệm về thời gian và khoảng thời gian được sinh ra. Nhận thức về thời gian của chúng ta phát sinh từ bản chất kính vạn hoa của chính tâm thức.

Phàm ngã là một trường nhận thức nơi sự chuyển động và thay đổi được nhấn mạnh. Đó là bởi vì phàm ngã bị chi phối bởi Định Luật Hoạt Động (the Law of Activity). Nó hoàn toàn dựa vào những chuyển động của suy nghĩ và cảm xúc, cũng như sự kích thích mà nó ghi nhận qua giác quan cơ thể. Thực sự, phàm ngã chỉ hiện hữu do những chuyển động này. Trong khi đó, hành trình tâm linh hướng về linh hồn liên quan nhiều đến việc vượt lên trên phàm ngã và khuynh hướng nhận thức của nó. Trỗi dậy vượt lên trên cái ngã thấp (phàm ngã) là tiến vào thể nguyên nhân (vận cụ của nhận thức linh hồn). Thể nguyên nhân hoạt động như trung gian giữa tình trạng ràng buộc về thời gian của phàm ngã và thế giới phi thời gian của Tinh Thần.

Hiểu về mặt nội môn, thời gian được trải nghiệm qua những chuyển động trên cõi trí. Do thể nguyên nhân nằm ở cấp độ thượng trí, về mặt kỹ thuật, nó vẫn thuộc các cõi giới hữu thời. Như thế, nhận thức của linh hồn vẫn chưa hẳn là đã siêu việt thời gian. Tuy nhiên, linh hồn là tác nhân dẫn dắt người đệ tử tiến vào cõi giới của nhận thức phi thời gian. Thể nguyên nhân – vận cụ của nhận thức linh hồn, là đường dẫn mà qua đó các ấn tượng từ cõi bồ đề (cõi trực giác, vùng nội tại của minh triết phi thời gian) tiến vào nhận thức của một người. 

Chính cõi bồ đề là nơi mà trải nghiệm phi thời gian bắt đầu được nhận ra. Đây là lý do tại sao linh hồn là trung gian giữa nhận thức thời gian và phi thời gian. Khi tham gia vào tâm thức của linh hồn (thậm chí dù chỉ một phần nào đó), một người đang dần đạt được một trực cảm về nhận thức phi thời gian.

Sự khác biệt trong trải nghiệm về thời gian giữa linh hồn và phàm ngã

Linh hồn và phàm ngã đều bị giới hạn bởi những nhịp điệu của thời gian, tuy vậy cả hai trải nghiệm về thời gian rất khác nhau. Đơn vị thời gian được phàm ngã sử dụng là một kiếp sống. Bởi vì phàm ngã chỉ tồn tại cho một kiếp sống. Do đó, phàm ngã chỉ có thể biết về thời gian trong bối cảnh một kiếp sống. 

Ngược lại, nhận thức của linh hồn trải dài qua nhiều kiếp sống, nên góc nhìn của linh hồn về thời gian mang tính chất của nhiều kiếp sống. Linh hồn nhìn thấy một số kiếp sống trong quá khứ, chú ý đến kiếp sống hiện tại, và mơ hồ nhận thức được một chuỗi những kiếp sống tiến vào tương lai.

Khi bước trên con đường tinh thần, điều quan trọng cần nhớ rằng không có gì phải vội vã, nhưng cũng không được để phí thời gian. Từ góc độ linh hồn, thực sự không có gì khẩn cấp bởi vĩnh cửu bảo đảm thành công cuối cùng. Tuy nhiên, sự phát triển tinh thần cũng đòi hỏi rằng thời gian được sử dụng khôn ngoan, và không bị lãng phí. Nghe nghịch lý thay, nhưng cả hai đều đúng.

Điều quan trọng cần nắm đó là trải nghiệm của chúng ta về thời gian là sản phẩm của chính bản thân tâm thức. Tâm thức dựa trên nhận thức nhị nguyên, luôn có hai đặc tính rõ ràng khi con người nhận thức điều gì đó. Về cơ bản, nhị nguyên đại diện cho bản ngã trong mối quan hệ với cái phi ngã. Khi xét đến bất kỳ nhận thức con người nào, luôn có “người nhận thức” và “đối tượng được nhận thức”. Như thế, tâm thức con người luôn bị chi phối bởi nhị nguyên. Và chính bởi vì bản chất nhị nguyên này của tâm thức mà trải nghiệm của chúng ta về thời gian xuất hiện một cách tự nhiên.

Thời gian được nhận thức bởi vì có sự phân chia giữa người quan sát và đối tượng được quan sát. Điều này trở thành khung sườn cho tất cả mọi nhận thức thông thường về thực tại của chúng ta, bao gồm cả nhận thức về trình tự. Ngược lại, nhận thức phi thời gian không bị chi phối bởi nhị nguyên, và do đó tự do khỏi nhận thức theo trình tự. Thay vào đó, đây là cái gì đó xuất hiện khi người nhận thức và đối tượng được nhận thức được biết như là một. Rõ ràng, nhận thức đó không nằm trong trường nhận thức thông thường của con người mà thuộc về trường nhận thức của các Bậc Chân Sư Minh Triết đã giác ngộ giải thoát. Đối với chúng ta, tâm thức chưa tự do khỏi nhị nguyên mà tồn tại vì đó. Đây là một sự thật không thể tránh khỏi vốn đan cài vào cấu trúc tâm thức con người.

Vậy thì phi thời gian là gì?

Vượt ngoài thế giới linh hồn là cõi bồ đề, cõi giới nội tâm của trực giác thiêng liêng và sự thật vô sắc tướng. Khi một điểm đạo đồ đã đạt tới giai đoạn có thể tiến nhập vào cõi bồ đề một cách tự nhiên và thường xuyên, y bước vào cõi giới của Huyền Đồng (realm of Identification) – trạng thái nhận thức vượt ngoài tâm thức (state of realization beyond consciousness). Tuy nhiên, không giống như tâm thức (vốn dựa trên sự tương phản giữa người quan sát và đối tượng được quan sát), Huyền Đồng là khi tất cả được nhận thức trong một trường Hợp Nhất (a field of Oneness). Người quan sát và đối tượng được quan sát được nhận ra như một toàn thể tổng hợp. Do đó, không còn nhận thức hình thành bởi nhị nguyên. Người quan sát trở thành trọn vẹn với bản chất hợp nhất vốn bao gồm tất cả mọi đối tượng được nhận thức. Đây là gốc rễ căn nguyên mà từ đó nhận thức phi thời gian xuất hiện.

HIỆN TẠI VĨNH CỬU

Thời gian phụ thuộc vào nhận thức nhị nguyên. Trên cõi bồ đề không còn nhị nguyên và do đó không có nhận thức về thời gian. Ở chiều sâu nội tâm đó, thời gian biến mất trong Hiện Tại Vĩnh Cửu. 

Để hiểu đúng về Hiện Tại Vĩnh Cửu, điều quan trọng là ta đừng nhầm nó với ý tưởng phổ biến về việc “hiện diện trọn vẹn trong khoảnh khắc hiện tại”. Đi liền với ý tưởng này là khái niệm rằng nhận thức về quá khứ, hay sự chú tâm vào tương lai, làm lệch hướng chúng ta khỏi sự hiện hữu trọn vẹn trong khoảnh khắc hiện tại. Đây là một thái độ đơn giản hóa về thời gian, và khá khác biệt với cái được trải nghiệm trong Hiện Tại Vĩnh Cửu. 

Hiện Tại Vĩnh Cửu không được trải nghiệm như một sự chú tâm tập trung vào khoảnh khắc hiện tại bằng cách phủ nhận sự chú ý của chúng ta vào quá khứ hay tương lai. Thay vào đó, Hiện Tại Vĩnh Cửu xuất hiện khi một người có thể tiến vào không gian nội tâm nơi mà quá khứ, hiện tại và tương lai không thể phân biệt khỏi nhau.

Hiện Tại Vĩnh Cửu là trải nghiệm không có trình tự, bởi trình tự vốn là nền tảng mà trên đó nhận thức về quá khứ, hiện tại và tương lai được xây dựng nên. Như một điểm duy nhất sâu sắc (singularity – điểm kỳ dị, điểm cùng cực), nó bao gồm trọn vẹn những sự kiện đã xảy ra, đang xảy ra, hoặc sẽ xảy ra trong tương lai. Trạng thái nhận thức như thế chỉ có thể khởi sinh khi một người tiến nhập vào cõi bồ đề và tự do khỏi những giới hạn của hình tướng. Thật sự, phàm ngã không thể nhận thức chính xác về Hiện Tượng Vĩnh Cửu. Chính sự hiện hữu của phàm ngã con người bị chi phối bởi hình tướng, và hình tướng là tấm màn che ngăn cản nhận thức chính xác này. Thực sự, ngay cả linh hồn cũng chưa thể tham gia trọn vẹn vào Hiện Tại Vĩnh Cửu, mặc dù linh hồn có sự nhạy cảm nhất định với nhận thức này do nó gần với cõi bồ đề. 

NGUYÊN KHÍ KỲ GIAN (PRINCIPLE OF DURATION)

Đằng sau trải nghiệm về thời gian là một nguyên khí tinh thần vận hành ở mọi cấp độ hiện hữu – Nguyên Khí Kỳ Gian. Thường thì kỳ gian và thời gian được xem như hai từ đồng nghĩa. Tuy nhiên, từ góc độ nội môn, chúng không giống nhau. Không giống như thời gian, Kỳ Gian là một tham chiếu với khía cạnh nhận thức xuất hiện khi ở trong Hiện Tại Vĩnh Cửu. Ở trong Hiện Tại Vĩnh Cửu có nghĩa là biết chính mình như là Hiện Tại Vĩnh Cửu. Ở chiều cao nhận thức đó, cảm nhận của một người về danh tính không còn bị chi phối bởi sự tương phản, mà bởi nhận thức rằng tất cả là Một, và danh tính vĩnh cửu của một người chính là Nhất Thể đó (Oneness). Như thế, sự phân biệt giữa người nhận thức và đối tượng đang được nhận thức mờ dần. Nguyên Khí Kỳ Gian đòi hỏi chúng ta phải có một cảm nhận về danh tính tách rời khỏi hình tướng và sự tương phản. Trong bối cảnh này, Kỳ Gian không phải là một trải nghiệm với nhận thức theo trình tự, mà đúng hơn, đó là một nhận thức về tính vĩnh cửu phổ quát của Bản Thể.

Trái với nhận thức về thời gian, Kỳ Gian không sử dụng những sự kiện theo trình tự (hình tướng) như là những điểm tham chiếu để đo lường. Thay vào đó, một người nhận thức được Kỳ Gian khi giữ được tầm cao của nhận thức vượt ngoài hình tướng, và như thế, cảm nhận bản thân như là Tất Cả Vạn Hữu vô sắc tướng, vĩnh hằng.

Trường Kỳ Gian do đó liên quan đến nhận thức của một bậc A-la-hán (vị điểm đạo đồ bậc 4) hay một Chân Sư đã giải thoát. Với các bậc tiến hóa cao như vậy, các Ngài có thể trải nghiệm Kỳ Gian bởi vì Bản Thể được cảm nhận trong nội tâm mà không cần đến một kính vạn hoa của những hình tướng trình bày (thuộc tư tưởng, cảm xúc và vật lý) để nhận thức được nó. Ngược lại, với người đệ tử chưa hoàn toàn giác ngộ giải thoát, vẫn còn trụ trong thế giới sắc tướng, kỳ gian chỉ có thể được nhận thức gián tiếp thông qua những hình tướng tự hiện bày trong tâm thức của y. 

Trong Trường Kỳ Gian, không có cảm giác về việc chờ đợi, vội vã hay dự đoán điều gì sẽ xảy ra. Đây là những trải nghiệm xuất hiện trong hình tướng, và do đó bị chi phối bởi tính trình tự của thời gian. Mỗi trải nghiệm chuyển tải cảm giác về trình tự. Chờ đợi là hành vi xuất hiện từ cảm giác rằng điều gì đó sắp xảy ra. Vội vã là tăng tốc cái gì đó. Dự đoán là tiên tri điều gì đó. Mỗi trải nghiệm này đều liên quan đến từ “cái gì đó”, vì tất cả chúng đều liên hệ với cái gì đó. Nên nhớ rằng hình tướng không chỉ đơn thuần giới hạn trong cõi hồng trần. Suy nghĩ và cảm xúc cũng là những hình tướng. Chúng là những hình tướng vốn rất thật như những vật thể chúng ta thấy trên cõi hồng trần. Tuy nhiên, trong Trường Kỳ Gian, không có hình tướng, và do đó không có chờ đợi, vội vàng hay chú tâm dự đoán. Chỉ có duy nhất trải nghiệm về Hiện Tại Vĩnh Cửu – một nhận thức vô sắc tướng hoàn toàn về Bản Thể miên viễn, trường cửu, bất diệt.

Hiện Tại Vĩnh Cửu là một nhận thức xuất hiện trên cõi bồ đề. Mặc dù trải nghiệm phần nào về nó đã bắt đầu từ cuộc điểm đạo thứ 3, trải nghiệm trọn vẹn Hiện Tại Vĩnh Cửu dành cho những người đang nhận được cuộc điểm đạo thứ 4. Ở cấp độ hiện hữu đó, tâm thức một người liên tục được giữ trên cõi bồ đề. Như thế, một vị điểm đạo đồ bậc 4 sống vĩnh viễn trong Hiện Tại Vĩnh Cửu, trải nghiệm Trường Kỳ Gian, không bị trói buộc bởi hình tướng. Một vị điểm đạo đồ bậc 4 là người đã vượt qua sinh tử. Điều này có nghĩa rằng vị ấy đã vượt lên khỏi tất cả những trạng thái tâm thức hữu hạn, và do đó tự biết chính mình vốn là hiện hữu vô hạn. Thêm vào đó, tất cả mọi nghiệp quả tích tụ qua vô số kiếp sống đã được thanh luyện, nâng cao và chuyển hóa. Vị ấy hiểu biết về sự tồn tại bất tử, vô tận của mình, vì vị ấy trải nghiệm điều đó, ngay cả khi đang ở trong trạng thái lâm phàm. 

ĐỊNH LUẬT CHU KỲ (LAW OF PERIODICITY)

Khi suy ngẫm về Trường Kỳ Gian và trường thời gian, cần xem xét đến định luật vũ trụ phát sinh ra cả hai, đó là Định Luật Chu Kỳ. Định luật này đơn giản nói rằng, mọi thứ trong vũ trụ biểu hiện chịu sự chi phối của các chu kỳ. Cho dù ta xét tới sự hiện hữu của một nguyên tử, cây cỏ, con người hay thần linh, tất cả đều chịu sự chi phối của các chu kỳ sự sống với nhiều biến thể khác nhau của nó.

Ví dụ như, con người là đối tượng của các chu kỳ bao gồm sinh và tử, ngủ và thức, hoạt động và bất động. Xét đến toàn nhân loại, chúng ta thấy sự trỗi dậy và tàn lụi của các nền văn minh, sự dao động của các hệ thống kinh tế, các chu kỳ xung đột và hòa bình của thế giới. Trong thiên nhiên, chúng ta cũng nhìn thấy nhiều nhịp điệu vĩ đại, như chu kỳ di cư của một số loài chim, mùa màng thay đổi hàng năm. 

Định Luật Chu Kỳ liên quan đến mọi biểu hiện của sự sống, và trên tất cả mọi cõi giới của hiện tồn. Tất cả mọi đơn vị của sự sống đều chịu sự chi phối của những nhịp điệu vĩ đại cố hữu trong cấu trúc của chính bản thân sự Sáng Tạo. Suy cho cùng thì chỉ có duy nhất Một Sự Sống, và biểu hiện của Sự Sống đó là chính vũ trụ này trong sự toàn vẹn của nó. Tuy nhiên, theo thuyết vật hoạt (hylozoism), tất cả mọi đơn vị sự sống đều chỉ là những phát tỏa sống động khởi sinh từ Sự Sống Duy Nhất đó. 

Đây là một khái niệm quan trọng, ở chỗ Định Luật Chu Kỳ được áp dụng cho tất cả mọi thực thể biểu hiện. Tất cả mọi cấp độ của sự sống (ngoại trừ Sự Sống Duy Nhất trong tình trạng không-biểu hiện của nó) đều được xem như biểu hiện, mặc dù chiều sâu của sự biểu hiện có thể không vươn tới cõi hồng trần.

Khi một người chết đi, tâm thức của y được thu rút vào thể nguyên nhân (vận cụ của linh hồn), trong khi thể xác vẫn còn lại trong một xác chết không còn sự sống. Từ góc độ con người thuần túy, chúng ta sẽ kết luận rằng linh hồn của người chết không còn biểu hiện. Tuy nhiên, khi nhìn từ bối cảnh rộng lớn hơn, nó vẫn được xem như đang trong biểu hiện. Đó là bởi vì thể nguyên nhân nằm trên cõi thượng trí, vốn là một cõi biểu hiện. 

Trong những cõi giới vô sắc tướng của Tinh Thần, thời gian biến mất, nhưng nhận thức về Trường Kỳ Gian xuất hiện. Khía cạnh trình tự của thời gian nhường chỗ cho nhận thức trải nghiệm của cảm giác đang diễn ra về Bản Thể Hiện Hữu.

Đối với vị điểm đạo đồ đã chạm tới Trường Kỳ Gian, không có sự vội vàng, mà thay vào đó là một hiểu biết rằng bản chất cốt lõi của tất cả vạn hữu là vô tận và bất tử, và sự khẩn cấp chỉ đơn giản là một ảo tưởng phát sinh trong trường thời gian. Tuy nhiên, một trong những điều kiện tiên quyết để tiến nhập vào Trường Kỳ Gian đó là vị điểm đạo đồ phải thể hiện khả năng sử dụng thời gian một cách khôn ngoan khi tham dự vào những vấn đề của thế giới bên ngoài. Do vậy, không có thời gian nào được lãng phí.

Tài liệu tham khảo: William Meader, Supernal Light

7 Comments

  1. Learner

    “54. Sự hiểu biết trực giác này là Tác nhân hiển lộ quan trọng. nó có ở khắp nơi, toàn tri và gồm cả quá khứ, hiện tại và tương lai trong hiện tại Vĩnh cửu.

    Phần duy nhất của câu kinh này không rõ ràng khi chỉ đọc thoáng qua, đó là ý nghĩa của các từ Hiện tại Vĩnh cửu. Thực ra, người ta không thể hiểu được các từ này nếu chưa phát triển tâm thức của linh hồn. Khi nói rằng thời gian là một chuỗi những trạng thái tâm thức, và nói rằng hiện tại lập tức trôi về quá khứ và hòa lẫn vào tương lai ngay khi trải nghiệm, thì người môn sinh trình độ trung bình cũng chẳng hiểu được bao nhiêu. Nếu nói rằng có một loại thời gian mà cái thấy chìm trong linh ảnh, khi toàn bộ các dự kiến trong đời đều được nhận thức trong một khoảnh khắc hoàn thành viên mãn, và nói rằng khoảnh khắc ấy trở thành thiên thu, và khi nêu lên một trạng thái tâm thức mà trong đó không hề có trình tự các sự kiện và không hề có chuỗi các nhận thức, thì đó tức là nói theo ngôn ngữ bí nhiệm. Ấy vậy, nó lại là thế và sẽ là như thế. Khi người chí nguyện tiến đến mục tiêu, y thực sự hiểu rằng mình vốn bất tử, và hiểu thực nghĩa của giải thoát. Đối với y, không gian và thời gian trở thành những từ vô nghĩa. Y thấy Thực tại duy nhất là mãnh lực của sự sống vĩ đại ở trung tâm, không hề thay đổi và bất di bất dịch ở tâm điểm các hình thể tạm thời, luôn biến đổi và chóng tàn phai.

    Con người nói “Tôi là,” cho mình là phàm ngã, và tự đồng [368] hóa với cái hình thể đang thay đổi. Y cho rằng thời gian và không gian là những điều thực tế. Người chí nguyện nói “Tôi là Cái Đó,” và tìm cách biết được chân tính của mình, một linh từ sống động, là thành phần của nhóm từ vũ trụ. Đối với y, không gian không còn hiện hữu. Y biết mình có khả năng hiện diện ở mọi nơi. Linh hồn đã được tự do, người đã giải thoát, Đấng Christ, thì nói “Tôi là Chân như.” Đối với người, cả thời gian và không gian đều không còn hiện hữu. Đặc tính rõ rệt của người là toàn tri và vô sở bất tại.

    Trong nhận xét của ông về câu kinh này, Charles John- ston trích dẫn lời sau đây của Thánh Columbia:

    “Có một số người, dù rất ít, đã nhận được ân huệ thiêng liêng: họ có thể thấy hết sức rõ rệt ngay tức khắc và đồng thời, như trong tia nắng mặt trời, toàn thể thế giới với các đại dương và bầu trời bao bọc. Nơi thâm sâu nhất trong trí tuệ của họ đang rộng mở đến mức kỳ diệu phi thường.”
    Ở đây cũng nên trích dẫn lời bình giải vắn gọn và rất hay của Dvivedi về trạng thái tâm thức này, một cách súc tích như sau:

    “Trong câu châm ngôn XXXIII của phần này, chúng ta đã mô tả tính chất của taroka-jnana − sự hiểu biết giúp chúng ta thoát khỏi những trói buộc của thế gian. Sự hiểu biết có phân biện được trình bày ở đây đưa đến taraka, là sự hiểu biết cứu cánh và là mục tiêu của yoga. Nó liên quan đến mọi sự vật, từ pradhana (tinh thần-vật chất. A.B.) đến các bhuta (các nguyên tố, hình hài sắc tướng. A.B.), cũng như liên quan đến tất cả các tình trạng của những sự vật đó. Hơn thế nữa, nó còn mang lại sự hiểu biết về mọi sự việc cùng một lúc và hoàn toàn độc lập đối với các qui tắc thông thường của nhận thức. Thế nên, nó là sự hiểu biết cao nhất mà nhà yogi [369] có thể hoạch đắc. Nó cũng là chỉ báo chắc chắn về Kaivalya (trạng thái duy nhất tuyệt đối. A.B.) với tính cách là kết quả của nó, sẽ được trình bày trong câu châm ngôn tiếp theo.”

    Trích từ “Ánh Sáng của Linh Hồn”, Alice Bailey.

  2. Learner

    Comment của Hoàng Quốc Khánh:

    BẢN CHẤT CỦA THỜI GIAN

    Tầm quan trọng của nhận thức về Thời gian được phát biểu bởi Chân Sư: “Kế hoạch như được cảm nhận hiện nay, và theo đó các Chân Sư đang kiên trì làm việc, có thể được định nghĩa như sau: − Đó là sản phẩm của một sự tổng hợp chủ quan trong nhân loại và của một sự tương tác viễn cảm vốn cuối cùng sẽ thủ tiêu thời gian (“annihilate time”). Nó sẽ làm cho có sẵn cho mọi người tất cả những thành tựu và các tri thức trong quá khứ, nó sẽ tiết lộ cho con người ý nghĩa thực sự về thể trí và não bộ của y, và làm cho y thành chủ nhân của vận cụ đó và do đó sẽ làm cho y trở nên toàn hiện (omnipresent), và cuối cùng mở cửa đến sự toàn tri (ominiscience). Sự phát triển kế tiếp của kế hoạch này sẽ tạo ra trong con người một sự hiểu biết − sáng suốt và có hợp tác – về thiên ý (divine purpose, mục đích thiêng liêng) mà theo đó Đấng Duy Nhất, Đấng mà trong Ngài chúng ta sống, hoạt động và hiện tồn, đã cho rằng thật khôn ngoan khi tuân phục sự luân hồi.” [TWM 403]

    Do đó, chủ đề về thời gian thật thiết yếu và cơ bản. Chúng ta cùng khảo cứu và thảo luận dựa trên quan điểm huyền bí về yếu tố Thời gian, bao gồm các định luật, định đề, nguyên tắc được trình bày trong Đại Khái Luận Sách Xanh của Chân Sư và bà A.A. Bailey và dựa trên một số luận giải của giáo sư Michael Robbins trong bộ luận “Sự Vô Tận – Infinitization”.

    Nguyên tắc đầu tiên trong Ba Nguyên Tắc cơ bản được bà H.P. Blavatsky trình bày trong Giáo Lý Bí Nhiệm và được Đức DK sử dụng trong Luận Về Lửa Càn Khôn là: “Có một Nguyên Khí Vô Hạn Bất Biến (Boundless Immutable Principle); một Thực Tại Tuyệt Đối vốn có trước mọi Sự Hiện Tồn được biểu lộ có điều kiện. Thực Tại đó vượt ngoài phạm vi và tầm với của bất luận ý tưởng hay cách diễn đạt nào của con người.”

    “Nguyên Khí Vô Hạn Bất Biến” này là sự Vô Tận, những gì đã là và những gì sẽ là; Nó không bao giờ bắt đầu, cũng sẽ không bao giờ kết thúc, nó “vô thủy vô chung”. Nguyên Khí này là Tồn Tại và Không Tồn Tại (Being – Non-Being). Đó là Vũ Trụ biểu lộ và Vũ Trụ không biểu lộ. Vũ trụ biểu lộ được chứa đựng bên trong Thực Tại Tuyệt Đối này, và là biểu tượng chi phối của nó. “Nguyên Khí Vô Hạn Bất Biến” hay sự Vô Tận, xuất hiện định kỳ, như một Vũ trụ giới hạn đơn nhất. Nó đã làm như vậy mãi mãi theo chu kỳ, đang làm như vậy Hiện Tại, và sẽ làm như vậy mãi mãi theo chu kỳ. Như vậy, đã có một chuỗi vô tận vô thủy vô chung của những Vũ trụ giới hạn kế tiếp nhau. [Infinitization MDR]

    Có thể nói, tất cả các Vũ trụ đều là ảo tưởng hay ảo ảnh về hình tướng, mà không phải trong Bản Chất, vì Bản Chất là “Nguyên Khí Vô Hạn Bất Biến” hay sự Vô Tận. Thời Gian, Không Gian, Chuyển Động không Thực Sự tồn tại; chúng Thực Sự chỉ là những ảo ảnh và sắc tướng. Chỉ “Nguyên Khí Vô Hạn Bất Biến” hay sự Vô Tận là Tồn Tại. Do đó, tất cả những gì tồn tại thời gian, Thực Sự, thì không phải là thời gian – Chỉ có Phi Thời Gian (Timelessness) và Thực Tại Vĩnh Cửu (Eternal Now). Điều này cũng đúng với Không gian; Tất cả những gì tồn tại không gian, Thực Sự, thì không phải là không gian – Chỉ có Phi Không Gian, và Mọi Nơi (Everywhere). Tất cả những gì chuyển động, Thực Sự, là không chuyển động – Chỉ có Sự Bất Động Tĩnh Tại Vĩ Đại, sự Tĩnh Tại Tuyệt Đối. Tất cả những gì tồn tại, Thực Sự, không hiện tồn; Chúng là những ảo ảnh và sắc tướng. Chỉ có Tồn Tại/Không Tồn Tại Riêng Và Duy Nhất.

    Câu phát biểu trong Chí Tôn Ca dường như để mô tả về “Nguyên Khí Vô Hạn Bất Biến”: “Dù đã thấm nhuần toàn bộ vũ trụ này bằng một mảnh của chính Ta, Ta vẫn nguyên vẹn” (“Having pervaded the entire universe with a fragment of Myself, I remain.”). Đó là sự phân biệt về Thượng Đế Siêu Việt (God Transcendent), Đấng Phi Tồn Tại (Non-Being) và Thượng Đế Nội Tại (God Immanent), Đấng mà “trong Ngài, chúng ta sống, hoạt động, và hiện tồn” (in Him, we live and move and have our being). Do đó, Đấng Thượng Đế Siêu Việt, Nguyên Khí Vô Hạn Bất Biến, mặc dù xuất hiện mãi mãi và theo định kỳ dường như khác với Nó Là, Nguyên Khí này Vẫn Nguyên Vẹn vĩnh viễn chính xác Như Nó Thực Sự Là, không có một chút biến đổi nào. Vậy nên, Nhị Nguyên Biểu kiến Vô hạn tồn tại mãi mãi theo chu kỳ với Sự Vô Tận Nhất Nguyên Tuyệt Đối.

    Nhị nguyên “Tinh Thần – Vật Chất” được dùng với nhận thức trước khi có sự biểu lộ hay việc khai sinh ra Vũ Trụ (bao gồm Thái Dương hệ, hành tinh, con người hay các nguyên tử). Khi hai yếu tố này có liên quan nhau trong khi biểu lộ, và sau khi chấm dứt chu kỳ qui nguyên hay thời gian chuyển tiếp giữa hai hệ thống, bấy giờ chúng biểu hiện dưới dạng các cặp nhị nguyên: sự sống và sắc tướng, cái ngã và phi ngã, tâm thức và các vận cụ của nó, vì trong thời kỳ trừu xuất (qui nguyên pralaya), tâm thức không có, sắc tướng không có, và sự sống, thể hiện như một nguyên khí thực sự, cũng không có; đó là tình trạng Phi Thời Gian. Có chất liệu – Tinh Thần (Spirit-substance) nhưng ở trạng thái bất động, hoàn toàn trung tính, tiêu cực và thụ động. Khi biểu lộ, cả hai gần bằng nhau, chúng tương tác lên nhau; sự hoạt động thay thế sự bất động; tính tích cực thay cho tính tiêu cực; sự vận động được thấy ở chỗ của sự thụ động, và hai yếu tố nguyên thủy không còn trung tính với nhau nữa, mà hút và đẩy, tương tác và tận dụng. Bấy giờ và chỉ bấy giờ, chúng ta mới có thể có hình tướng được sự sống làm cho sinh động, và tâm thức được thể hiện qua các hiện thể thích hợp. Bấy giờ, Thời gian (cùng Không gian và Chuyển động) tồn tại. Do đó, Thời gian là kết quả của sự Tương Tác, Hoạt Động, Tích Cực, Vận Động, Chuyển Động, Quan Hệ dưới ảnh hưởng của Luật Hấp Dẫn và Đẩy (Law of Attraction and Repulsion). Định Luật này quy định trạng thái tâm thức, do đó, tâm thức tồn tại thì thời gian (không gian) tồn tại; tâm thức không thì thời gian (không gian) không.

    Giáo Sư Michael Robbins nói về điều này: “Nguyên Khí Vô Hạn Bất Biến” hay sự Vô Tận biểu lộ những Vũ Trụ định kỳ đơn giản chỉ vì Nó Là Những Gì Nó Là. Về bản chất, lý do thực sự cho sự biểu hiện định kỳ của Nó thì không thể hiểu được, những có lẽ liên quan đến Sự Thiết Yếu, và với Sự Thực của Cái Ngã mà cái Hoàn Hảo phải là cái Không Hoàn Hảo để trở thành cái Hoàn Hảo.

    “Nguyên Khí Vô Hạn Bất Biến” hay sự Vô Tận là Nguồn của Tất Cả Khả Năng, sự Vô Tận của Tất Cả Khả Năng mà mỗi một trong vô số những Vũ Trụ chỉ là một khả năng vô hạn duy nhất bị Xuất Hiện để phản ánh Tự Khách quan, Từ Nguồn Của Tất Cả Khả Năng.
    Mục tiêu của tất cả Sự Sống trong Vũ Trụ là sự nhận thức và huyền đồng với “Nguyên Khí Vô Hạn Bất Biến” hay sự Vô Tận, Cái Ngã/Phi Ngã vô tận, và Tự Khách quan phản ánh, hoàn hảo của Khả Năng Vô Tận Tự Biểu Lộ vốn chính là Vũ Trụ. Khi sự Huyền đồng này đạt tới, thời gian biến mất, chỉ có Hiện Tại Vĩnh Cửu. [Infinitization MDR]

    Như vậy, Bí ẩn về ‘Sự sáng tạo’ của Vũ trụ và Sự Khai Mở của Tiến trình Phổ quát, dựa trên các mối quan hệ Chủ thể – Khách thể và sự tương phản vĩnh viễn không thể hòa giải giữa Hữu thể và “Cái Thấy” (Being and Seeing). Tiến trình Sáng tạo này tạo ra nhận thức về Thời gian (và Không gian). [Infinitization MDR]

    Có thể thất, sự tương tác của “tinh thần và vật chất” tạo ra trạng thái tâm thức (thời gian và không gian chỉ có thể được ghi nhận nhờ vào tâm thức), và cũng chính tâm thức là Ảo tưởng lớn nhất trong tất cả các ảo tưởng. Cái Ngã Vô Hạn như MAYA (“Cái Nhìn thấy” vĩ đại) là “Tâm Thức” như Tâm thức. “MAYA” là “Sự Nhìn Thấy” vốn Tạo Ra tất cả các Vũ trụ; do đó, bằng cách chuyển vị, Tâm thức là “Cái nhìn thấy” Tạo Ra tất cả các Vũ trụ. Đó là “Cái nhìn thấy” của “Nguyên Khí Vô Hạn Bất Biến”.

    Do đó, tất cả những mối quan hệ (như tất cả Con Số, Số Lượng, Thời Gian, Không Gian, Chuyển Động) đều là ảo ảnh. Tất cả đều cùng tồn tại, và không có yếu tố nào có thể tồn tại mà không có các yếu tố khác.

    Mối quan hệ nhị nguyên là một liên kết (tinh tế hoặc thô thiển) giữa các Thực thể. Mối quan hệ là sự liên kết hoặc ràng buộc của các bộ phận, cái này với cái khác. Mối quan hệ là một cầu nối trong đó các rung động được trao đổi, do đó làm thay đổi trạng thái rung động của các tác nhân trao đổi.

    Giáo Sư MDR nói về Nhân quả như sau: “Nhân quả là một cách mô tả quá trình qua đó một thực thể này ảnh hưởng đến một thực thể khác. Nếu mọi thực thể đều ở trong “sự cô lập tuyệt vời” không có khả năng ghi nhận thì không những không có mối quan hệ mà còn không có quan hệ nhân quả. Mối quan hệ dựa trên sự xuất hiện của Thời gian và Không gian – không nhất thiết là thời gian và không gian như chúng ta biết chúng thông qua tâm thức hồng trần, hoặc thậm chí trong ba cõi tiến hóa của nhân loại, mà là Thời gian và Không gian vì chúng nhất thiết phải tồn tại trên các cõi cao nhất của Vũ Trụ sau khi Quá trình Giới Hạn đã bắt đầu. Vì không có Thời gian và Không gian, dường như không có các thực thể riêng biệt tồn tại.”

    Như vậy, có thể nói rằng, Thời gian (và Không gian) tồn tại, được ghi nhận trong tâm thức của một thực thể, là kết quả của sự tương tác của nhị nguyên “tinh thần – vật chất” trong tiến trình biểu lộ. Sự tương tác nhị nguyên này tạo ra Vũ trụ khách quan, sự phát triển của trạng thái Tính Chất, và chính sự Tiến hóa.

  3. Learner

    Comment của Hoàng Quốc Khánh:
    CÁC ĐỊNH NGHĨA VÀ LUẬN GIẢI CỦA CHÂN SƯ DK VỀ THỜI GIAN:

    Ở điểm này cần chú ý rằng, các ý tưởng được bàn đến liên quan tới sự tiến hoá theo chu kỳ không thể tách ra khỏi ý niệm về tâm thức. Các ý tưởng về thời gian, về không gian và về hoạt động (theo quan điểm của nhà huyền linh học), chỉ có thể được nhận thức như là tương đối với một thực thể hữu thức nào đó, đối với một Chủ Thể Suy Tư nào đó.

    “Sự tiến hóa chu kỳ hoàn toàn là kết quả của hoạt động vật chất và của Ý chí hay Tinh thần. Nó được tạo ra bởi sự tương tác của vật chất linh hoạt và Tinh thần uốn nắn.”

    Thời gian đối với nhà huyền linh học là chu kỳ (cycle), lớn hay nhỏ, mà trong đó một sự sống nào đó, trải qua một tiến trình riêng biệt nào đó, trong ấy một giai đoạn đặc biệt nào đó bắt đầu, tiếp tục và chấm dứt, liên quan đến ý thức về một Thực Thể nào đó, và chỉ được nhận thức như là thời gian, khi mà sự sống tham gia đã đạt đến một giai đoạn ý thức đáng kể. Thời gian đã được xác định như là một sự chuỗi liên tục các trạng thái tâm thức (Time has been defined as “a succession of states of consciousness”) và do đó nó có thể được khảo cứu theo quan điểm của: Tâm thức Thượng Đế; Tâm thức Hành tinh; Tâm thức nguyên nhân; Tâm thức con người; Tâm thức động vật, thực vật, khoáng vật; Tâm thức nguyên tử [TCF 278]

    Do đó, chúng ta có thể xem thời gian là tiến trình hoạt động đó, hay là chuỗi phát triển đó, trong đó Tâm Thức ngự bên trong đang tìm đối cực của nó, và chịu ảnh hưởng của Định Luật Hút, định luật này dẫn đến sự phối ngẫu của nguyên tử, của nhân loại, của hành tinh, của tình thần, của thái dương và của vũ trụ. Ý tưởng này tương đối đơn giản trong mối liên quan với một người, và có thể được thấy trong sự thể hiện hằng ngày, trong các sự giao tiếp của y với những người khác; thí dụ, các tiếp xúc này bị chi phối phần lớn bởi các thiện cảm hoặc ác cảm của y. Tất cả các sự thu hút và xô đẩy này đều tuân theo thiên luật và nguyên nhân của chúng tồn tại trong chính hình tướng (form). Tình cảm về thương hoặc ghét không gì khác hơn là sự nhận thức của thực thể hữu thức về sự xoay chuyển vào phạm vi từ lực của y của một dạng nguyên tử mà y được dẫn đến, bởi chính định luật về bản thể của chính y, để hoặc là thu hút hoặc là xô đẩy. Chỉ khi nào sắc tướng được vượt qua, và Tinh Thần tìm thấy Tinh Thần, hiện tượng đẩy sẽ chấm dứt. Đây sẽ là kết thúc chắc chắn vào lúc chấm dứt cơ tiến hoá thái dương, và điều đó sẽ đưa đến kỳ qui nguyên (pralaya). Kỳ gian (duration) của sự tương tác, thời kỳ (period) tìm kiếm của Tinh Thần đối với Tinh Thần, và tiến trình rung động mà việc sử dụng hình tướng đòi hỏi, chúng ta gọi là điều này là Thời Gian, dù là liên quan đến một người, một Hành Tinh Thượng Đế, hoặc Thái Dương Thượng Đế. [TCF 281]

    Nhận xét (QK: Einstein đã diễn đạt chân lý này qua giai thoại “cô gái đẹp và cái bếp lò”: “Khi một người đàn ông ngồi bên cô gái đẹp (thiện cảm tạo ra sự thu hút) một giờ, thời gian dường như chỉ mới một phút. Nhưng khi đặt anh ta lên bếp lò nóng (ác cảm tạo ra sự xô đẩy) một phút, thời gian tưởng đã hàng giờ. Đó là tính tương đối”. Tính cảm thương hay ghét chỉ là nhận thức của chủ thể hữu thức (là người đàn ông) để thu hút hoặc xô đẩy, và tạo ra “cảm giác về thời gian” nhanh hay chậm.

    Ở đây, chúng ta nên đề cập một chút về thời gian và không gian trong mối liên quan của chúng đối với một trung tâm tâm thức đặc biệt; chúng ta đã thấy rằng chúng đơn thuần là “các hình thức của các ý tưởng (forms of ideas) để biểu lộ hoạt động theo chu kỳ của một thực thể”. Vấn đề quá khó hiểu, do bởi trình độ thấp của trí tuệ con người, mà cho đến nay vốn còn quá bận tâm đến khía cạnh khách quan hay vật chất của sự biểu lộ đến nỗi mà sự thu hút tồn tại giữa Tinh Thần với Tinh Thần còn nhỏ hơn là một khái niệm. Khi có nhiều người hơn nữa trong gia đình nhân loại có trung tâm ý thức của họ trong Chân ngã và do đó bận rộn với công việc đẩy lui vật chất, và bận tâm với sự triệt thoái Tinh Thần ra khỏi sắc tướng, chỉ lúc bấy giờ, tiến trình chuyển hóa sẽ được hiểu rõ, chỉ bấy giờ, thời gian (như được biết trong ba cõi thấp) mới được vượt qua, và chỉ bấy giờ, không gian (như được biểu lộ cho con người qua 3 cõi thấp hay 18 cõi phụ) mới được nhận ra là một chướng ngại. Cùng phát biểu này có thể được lập luận với 7 Hành Tinh Thượng Đế và với Thái Dương Thượng Đế, nới rộng ý tưởng đến các cõi khác, thuộc thái dương và vũ trụ. Cũng vậy, phát biểu này có thể thu hẹp xuống đến các sinh linh dưới nhân loại, và đến các sinh linh giáng hạ tiến hoá, luôn luôn nhớ rằng khi tâm thức càng bị giới hạn và hạn chế, thì người ta sẽ thấy có sự trì trệ, thiếu sự đáp ứng và sự giới hạn của bức xạ. [TCF 282]

    Nhận xét (QK): Như vậy, Hiện Tại Vĩnh Cửu là nhận thức khi Thực thể đạt tới trung tâm ý thức là Chân Ngã (trong giai đoạn đầu) và sau là Chân Thần, với sự bận tâm triệt thoái Tinh Thần (của Chân Thần) hay Sự Sống của Linh hồn khỏi sắc tướng hướng về Tinh thần hay vô sắc tướng. Nhận thức về Thời gian là do Thực thể đang bận tâm đến khía cạnh khách quan hay sắc tướng.
    Từ ngữ “khoảnh khắc” (“moment”) ở đây được dùng theo ý nghĩa huyền linh của nó để định rõ một khoảng thời gian (period of time), và phải được xem như một giai đoạn liên quan với một ngày hoặc năm của Brahma.
    Một trong các bí mật của điểm đạo có liên quan tới việc hiểu rõ các chu kỳ (cycles), và liên quan với kỳ gian (duration) của chúng, và các thuật ngữ sau đây phải được hiểu rõ, kỳ gian của chúng phải được nhận thức, và điều trái ngược của chúng (một qui nguyên chen vào) phải được xem xét đúng mức trước khi một người được xem là một nhà huyền linh học thực sự.

    a) 100 năm của Brahma ……………….. Một thế kỷ huyền linh. Thời khoảng (Period) của một thái dương hệ.
    b) Một năm của Brahma ………………..Thời kỳ (Period) của 7 dãy hành tinh, nơi mà 7 hành tinh hệ có liên quan.
    c) Một tuần của Brahma ……………….. Thời kỳ của 7 cuộc tuần hoàn trong một hành tinh hệ. Nó có một ý nghĩa của dãy.
    d) Một ngày của Brahma ……………….. Thời kỳ huyền linh của một cuộc tuần hoàn.
    e) Một giờ của Brahma …………………… Liên quan đến các sự việc giữa các dãy hành tinh.
    f) Một phút của Brahma ………………….. Liên quan đến các trung tâm hành tinh, và do đó đến các nhóm Chân Ngã.
    g) Một khoảnh khắc của Brahma ………. Liên quan đến một nhóm Chân Ngã, và mối liên quan của nó với tổng thể.
    Đây là các khoảng thời gian lớn, và khi ý nghĩa của các chu kỳ đó được hiểu rõ, thì nhiều điều mà hiện nay còn mơ hồ sẽ được tiết lộ. [TCF 792]

    Nhận xét (QK): Đây là khái niệm về Kỳ gian của một Thực Thể, điều quy định về Thời gian. Kỳ gian của mỗi Thực thể do đó là khác nhau. Nó tạo ra tính tương đối của thời gian (và không gian), và tạo thành nền tảng của Thuyết tương đối phổ quát của Einstein. Vì mỗi góc nhìn, hay mỗi “hệ quy chiếu gia tốc” (theo cách gọi của Einstein) sẽ quy định nhận thức về Thời gian khác nhau.

    Thời gian theo quan điểm của Linh hồn được trình bày trong [RI.697]: “Nó bao hàm sự kết thúc của một kiếp sống và – theo quan điểm vũ trụ – của sự sống phàm ngã của linh hồn qua nhiều lần đầu thai. Nếu đó là một phát biểu về sự kiện là ý thức thời gian (the time sense) là sự đáp ứng của não bộ đối với một loạt các trạng thái của tâm thức hoặc của các sự kiện, và nếu điều cũng đúng là (đối với linh hồn) không hề có yếu tố như thế trong tâm thức như là thời gian mà chỉ có Hiện Tại Vĩnh Cửu được biết đến, bấy giờ, ba cõi thấp của thực-thể nhập-thể tạo thành một đơn vị kinh nghiệm trong sự sống của linh hồn – một kinh nghiệm vốn kết thúc với việc đóng đinh trên thập giá, bởi vì linh hồn đang luân hồi, với sự dứt khoát và hữu thức, và bằng việc sử dụng ý chí kiên trì, từ bỏ tất cả, và quay lưng với thế giới vật chất, cuối cùng và mãi mãi.”

    Thời gian được ghi nhận như là một yếu tố hữu thức của bộ não: “Qua sự chỉnh hợp, linh hồn đi vào một việc sử dụng thời gian một cách đúng đắn; hay đúng hơn, bộ óc, vốn là yếu tố ý thức thời gian duy nhất trong con người, không còn là thuộc tính thống trị. Thể trí, với vai trò là tác nhân của linh hồn (có tâm thức bao gồm quá khứ, hiện tại và tương lai), nhìn thấy sự sống và kinh nghiệm theo đúng thực tế của nó. Do đó, cái chết được nhắc đến như là một sự kiện và như là một điểm chuyển tiếp trong một loạt rộng lớn các chuyển tiếp.” [EH 351]

    Con người thường quên rằng thời gian là chuỗi các biến cố và các trạng thái tâm thức như được ghi nhận của bộ óc xác thịt. Nơi nào không có bộ óc hồng trần, thì điều mà nhân loại hiểu bằng thời gian không tồn tại. Việc lấy đi các chướng ngại của hình hài, hết giai đoạn này đến giai đoạn khác, mang lại một nhận thức ngày càng tăng về Hiện Tại Vĩnh Cửu. Trong trường hợp những người đã đi qua cánh cửa tử vong và họ vẫn tiếp tục suy tư dưới dạng thời gian, đó là do ảo cảm và do sự tiếp tục tồn tại của một hình tư tưởng mạnh mẽ. Hình tư tưởng biểu thị việc an trụ vào cõi cảm dục; đây là cõi mà các nhà trước tác và các nhà tâm thông Minh Triết Thiêng Liêng hàng đầu đã làm việc, và họ cũng đặt nền tảng các tác phẩm của họ trên cõi đó. [EH 404]

    Tuy nhiên, cần nên nhớ rằng – ngoại trừ trong hóa thân hồng trần trọng trược và, do đó, bị chi phối bởi não bộ và các hạn chế riêng biệt của nó – chân nhân (con người tinh thần) không có ý thức về thời gian, một khi người bị tách ra khỏi thể xác. Thời gian là sự ghi nhận liên tục của bộ óc về các trạng thái ý thức và về các tiếp xúc liên tục phát triển với các hiện tượng. [Time is the sequential registration by the brain of states of awareness and of progressive contacts with phenomena.] Không có điều gì là thời gian như thế trên các nội-cảnh-giới (inner planes), như nhân loại hiểu về nó. [EH 408]

    Khi một sự đánh giá đúng đắn và một quan điểm cân bằng đã đạt được, và một hiểu biết nào đó về Hiện Tại Vĩnh Cửu đang bắt đầu thâm nhập vào sự hiểu biết của họ, bấy giờ quá khứ, hiện tại và tương lai sẽ bị mất dạng trong tâm thức có tính bao gồm của khoảnh khắc Hiện Tồn (IS); lúc đó các hạn chế của thời gian sẽ chấm dứt và Định Luật Karma sẽ bị phủ nhận; vào lúc này nó được liên kết một cách rất chặt chẽ với quá khứ và tương lai. Cuộc sống nhị phân của đệ tử lúc bấy giờ sẽ được kết thúc, nhường chỗ cho nhị nguyên luận vũ trụ của Chân Sư. Chân Sư thoát khỏi các giới hạn của thời gian, mặc dù không phải của không gian, vì không gian là một Thực Thể vĩnh cửu. [RI 437]

    Bởi vì các điểm đạo đồ cao cấp, từ Đức Christ xuống đến các điểm đạo đồ ở cấp độ thứ tư, có ý thức theo các cách khác nhau (tùy theo cung) về Hiện Tại Vĩnh Cửu, và có thể làm việc mà không bị sự thúc ép tâm lý về thời gian, các Ngài có thể nhìn thấy Thiên Ý được đưa vào như một tổng thể hoàn hảo hơn so với các điểm đạo đồ mức độ thấp và kém phát triển hơn. Chính năng lực này làm cho các Ngài dễ phản ứng lại với Shamballa, nơi mà ý chí linh hoạt của “Thượng Đế Bất Khả Tri” (trong một giai đoạn của một chu kỳ sống) được nhìn thấy trong sự đầy đủ và đã tồn tại. Tuy nhiên, Thánh Đoàn bị cản trở trong hoạt động của Thánh Đoàn bởi ý thức thời gian và sự tập trung có tính vật chất của “trung tâm mà chúng ta gọi là nhân loại”. [RI 471]

    Khi chúng ta đến cõi trí, và phải xem xét hoạt động của trạng thái thứ hai của thiên tính, trạng thái đang tạo nên và nắm giữ các hình hài ở dạng cố kết, và vốn là nền tảng của hiện tượng mà chúng ta gọi là thời gian (theo nghĩa đen, sự nhận biết về hình hài), một loại lực hay chuyển động khác trở nên hiện rõ. [TCF 1032]

    Tinh Quân Bác Ái Vũ trụ hiện đang tìm cách hợp nhất với Huynh Đệ của Ngài, và, theo quan điểm thời gian, hiện thân của tất cả Hiện Tại. Ngài là toàn bộ của tất cả những gì được tiêu biểu; Ngài là Sự Sống hữu thức. Ngài là Đấng Con thiêng liêng, và sự sống và bản chất của Ngài tiến hoá xuyên qua mọi hình thức hiện hữu. Đấng Tinh Quân Ý Chí Vũ Trụ giữ kín tương lai trong các dự định và tâm thức của Ngài. Cả ba Đấng là Các Con của một Từ Phụ, cả ba là các trạng thái của Thượng Đế Duy Nhất (the One God), cả ba là Tinh Thần, cả ba là Linh Hồn và cả ba là các Cung (Rays) xuất phát từ một trung tâm vũ trụ. Cả ba đều là thực chất, nhưng trong quá khứ một Đấng là Con trưởng, ở hiện tại một Đấng khác giữ địa vị lãnh đạo, và trong tương lai còn một Đấng khác nữa. Nhưng điều này chỉ xảy ra Sớm Hay Muộn mà thôi. Theo quan điểm của Hiện Tại Vĩnh Cửu, không một vị nào cao cả hơn hay thấp hơn một vị nào, vì Đấng cuối cùng sẽ là đầu tiên và Đấng đầu tiên sẽ là cuối cùng. Ở ngoài sự biểu lộ, thời gian sẽ không có, được giải thoát khỏi thế giới khách quan, các trạng thái tâm thức đều là không. [TCF 64]

    Thời gian thực sự là chiều dài của một tư tưởng (time is literally the length of a thought. [TWM 557])
    Chỉ có linh hồn, với con mắt linh thị mở rộng, có thể nhìn thấy kết thúc từ khi bắt đầu, và có thể giữ kiên định bức tranh thực sự về thành tựu tối hậu. (5. Only the soul, with the open eye of vision, can see the end from the beginning, and can hold in steadiness the true picture of the ultimate consummation. [TWM 126])
    Khi linh hồn đã ghi nhận tính chất mong muốn và sở hữu sức mạnh của Đấng Vô Thủy Vô Chung (the Timeless One) và sự kiên trì của Đấng Duy Nhất vốn có từ lúc khởi thủy, thì tiến trình của sự biểu lộ thần lực và mối quan hệ giữa nhân với quả là tự phát và đồng thời, chứ không phải xảy ra tuần tự. Điều này chắn chắn không thể hiểu được bởi những người chưa có tâm thức của Hiện Tại Vĩnh Hằng (the eternal Now). [TWM 581]

    3. Công dụng đặc biệt theo điều kiện thời gian. Khi nhà yogi hoàn toàn chú tâm vào hình thể, hay đối tượng; khi y tham thiền về đặc tính (phương diện nội tại hay tính biểu tượng của nó); và khi y chiêm ngưỡng sự sống ẩn tàng trong hình thể đó, nhưng có biểu hiệu là yếu tố tâm thức, thì bấy giờ y trực nhận được giai đoạn phát triển hiện tại của nó. Bằng cách này, trực giác của y thấu ngộ cả quá khứ, hiện tại và tương lai.
    Vì thế, chỉ cần đọc qua mấy dòng nói trên, chúng ta cũng thấy rằng nếu tham thiền, với cả ba giai đoạn vừa kể, được thực hiện đúng đắn, thì nhà yogi có thể hoạch đắc mọi sự hiểu biết. Y nhận thức rằng Hiện tại Vĩnh cữu là một sự kiện thực tế, và có thể hợp tác một cách thông minh với cơ tiến hóa. [LOS 266]

    Trên cõi trí, thời gian không tồn tại. (“On the mental plane, time is not”) [TWM 481]

    Tuy nhiên, khi chúng được tiếp cận từ quan điểm của linh hồn, với năng lực toàn tri của linh hồn, và việc thoát khỏi các phạm trù của quá khứ, hiện tại và tương lai (vì chúng bị mất đi trong tâm thức của Hiện Tại Vĩnh Cửu), chúng ta sẽ bắt đầu hiểu được diễn trình rõ ràng hơn một ít. [EPI 104]

    Do đó, chúng ta có (trong một giai đoạn Hút và Đẩy, hay một chu kỳ sự sống) những gì mà chúng ta gọi là Thời Gian và Không Gian, và điều này cũng đúng trong chu kỳ sinh hoạt của một Thượng Đế hoặc một con kiến, hoặc một tinh thể. Có nhiều chu kỳ hoạt động trong vật chất, do bởi Ý Chí truyền sinh lực nào đó, và lúc bấy giờ Thời Gian và Không Gian mới được biết đến. Có những chu kỳ phi hiện tồn (cycles of non-being) khi Thời Gian và Không Gian không có và Ý Chí truyền sinh lực bị triệt thoái. Nhưng chúng ta đừng quên rằng điều này hoàn toàn là tương đối, và chỉ được xem xét theo quan điểm cuộc sống hay thực thể đặc biệt có liên quan, và phạm vi ý thức đặc biệt đã đạt đến. Tất cả phải được giải thích về mặt tâm thức (consciousness). [TCF 284]

  4. Learner

    Comment của Hoàng Quốc Khánh:

    MỐI LIÊN HỆ GIỮA HIỆN TẠI VĨNH CỬU VÀ THỜI GIAN

    Có một Thượng Đế Siêu Việt, Đấng “đã tràn ngập khắp toàn bộ vũ trụ với một mảnh của chính Ngài”, mà Ngài vẫn có thể nói: “Ta vẫn còn nguyên vẹn”. Có một Thượng Đế Toàn Hiện mà sự sống của Ngài là cội nguồn của sự hoạt động, trí thông tuệ, sự tăng trưởng và sự thu hút mỗi hình tướng trong mọi giới trong thiên nhiên. Cũng có trong mỗi con người một linh hồn siêu việt mà, khi chu kỳ sống trên trái đất đã đến và đi, và khi thời kỳ biểu lộ đã qua, một lần nữa trở nên vô hiện và vô tướng (the unmanifest and the formless), và cũng có thể nói: “Tôi vẫn còn”. Trong hình tướng và khi trong biểu lộ, cách duy nhất mà trong đó tâm trí và não bộ con người có thể biểu lộ nhận thức của nó về sự sống thiêng liêng đang chi phối là nói dưới dạng Nhân Vật, Cá Tính. Do đó, chúng ta nói về Thượng Đế như là một Nhân Vật (Person), về ý chí của Ngài, bản chất của Ngài và hình tướng của Ngài.

    Tuy nhiên, đằng sau vũ trụ biểu lộ là Đấng vô sắc tướng, Đấng đó không phải là một cá nhân, thoát khỏi mọi hạn chế của sự tồn tại được cá nhân hóa. Do đó, tín đồ Phật giáo đúng khi y nhấn mạnh tính chất phi cá tính hóa của Thượng Đế và từ chối cá nhân hóa Thiên Tính. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần của thần học Kitô giáo, thể hiện với cương vị ba ngôi của mọi khoa thần học, cũng biến mất vào trong Đấng Duy Nhất khi giai đoạn biểu lộ đã hết. Họ vẫn con là Một, với tính chất và sự sống còn nguyên và không biến phân, như họ là, khi trong biểu lộ.

    Một sự tương tự với điều này xuất hiện khi một người chết. Bấy giờ, ba trạng thái của y − thể trí hay ý chí, cảm xúc hay bác ái, và vẻ ngoài vật lý − biến mất. Khi đó không có nhân vật nữa. Tuy nhiên, nếu một người chấp nhận thực tế về sự bất tử, thì thực thể hữu thức vẫn còn; tính chất và mục đích và sự sống của y hiệp nhất với linh hồn bất diệt của y. Hình tướng bên ngoài với những biến phân của nó thành một bộ ba biểu lộ, đã mất − không bao giờ trở lại lần nữa một cách chính xác trong cùng hình tướng hay biểu lộ trong thời gian và không gian. [EP II 230]

    Tính Tương Đối Về Mối Liên Hệ Giữa Hiện Tại Vĩnh Cửu Và Thời Gian

    Thời gian thì không có Thực. Thời Gian là một Yếu Tố hay Nguyên Khí Phổ Quát vốn Thường tồn trong Vũ Trụ. Do đó, mặc dù Thời gian thì Hoàn Toàn Không Có Thực, Nó vẫn tồn tại, ít nhất trong Vũ Trụ, và phụ thuộc vào góc nhìn của chúng ta, có lẽ, Thời gian tồn tại giữa những Vũ Trụ và những Qui Nguyên Phổ Quát (Universal Pralayas), trong những “thời gian đó” có thể nói là Thời Gian vừa tồn tại, vừa không tồn tại.

    Thời gian và sự chuyển động/thay đổi (movement/change) là như nhau (bắt nguồn đồng thời). Thời gian và số lượng (quantity) đồng hành. Thời gian và mối quan hệ (relation) đồng hành. Thời gian biến mất vì những mục tiêu thực tế và trở thành Kỳ Gian (Duration) trong Hiện Tại Vĩnh Cửu (Eternal Now), trong Dòng Thời Gian (Current), trong Hiện Thời (Present). Tuy nhiên, Thời gian vẫn còn là một Yếu tố tồn tại bên trong Hiện Tại Vĩnh Cửu, Dòng Thời Gian, và Hiện Thời mà Vũ trụ có thể hấp thụ và thể hiện. [Infinitization.110 – MDR]
    Về mặt chiêm tinh, Thời gian (trong đó Sao Thổ là Đại diện Thái Dương Hệ của chúng ta) có thể đã cắt xén Sao Thiên Vương (Đại diện của Nguyên lý Đồng thời và Thời lượng Không phân đoạn), nhưng Sao Thiên Vương quay trở lại để phân giải Thời gian, phủ nhận Thời gian.

    “Thời gian là một phương tiện đo lường và chúng ta hãy nhớ rằng chỉ có Maya mới có thể đo lường được! Thời gian đo lường kỳ gian của mô hình/sự kết hợp theo thời khoảng dài hơn và ngắn hơn, lớn hơn và nhỏ hơn, nhiều hơn và ít hơn. Có ba đơn vị thời gian chính trong bất kỳ Vũ trụ nào:

    1. Đơn vị thời gian là kỳ gian hoặc (kỳ gian dự kiến) của Vũ trụ.
    2. Đơn vị thời gian mà chúng ta gọi là “khoảnh khắc hay thời điểm căn bản”—đơn vị thời gian ngắn nhất có thể có trong một Vũ trụ cụ thể. Một “khoảnh khắc chủ yếu” có thể được gọi là “lượng tử của hiện tại” hoặc Hiện tại Mục tiêu Vũ trụ.
    3. Đơn vị thời gian mà chúng ta gọi là “thời khoảng liên thời điểm’, hay “thời điểm tạm thời, một tên gọi khác là “Hiện Tại Chủ quan Vũ trụ”.
    Từ điều này, có thể thấy sự “co giãn của thời gian và không gian” trong Thuyết Tương đối phụ thuộc vào góc nhìn hay hệ quy chiếu của chủ thể.” [Infinitization.111– MDR]

    Đối với con ngươi thông thường, Thực Tại Vĩnh Cửu chỉ được nhận biết khi đạt tới tâm thức Linh hồn, Thượng Đế Nội Tại, an trú ở cõi riêng là cõi Thượng Trí, nơi “phương trình thời gian” không tồn tại, nơi Ngài đạt đến sự “toàn hiện” (phủ nhận về không gian), và sự tĩnh lặng tuyệt đối (không có sự chuyển động hay hoạt động). Kỳ Gian của Linh Hồn, có thể tính như “một phút hay một khoảnh khắc của Brahma”, một “thiên kiếp – kalpa”; đó là một “chu kỳ hay giai đoạn” của Linh hồn. Định Luật Tương Ứng theo cách phát biểu của Huấn sư Hermes rằng “trên sao, dưới vậy”. Sự tương ứng với Thượng Đế Siêu Việt trong mỗi con người là một “Linh hồn siêu việt” mà, trong chu kỳ biểu lộ trên trái đất qua phàm ngã như tuyên bố “đã thấm nhuần toàn bộ vũ trụ (nhỏ bé) với một mảnh của chính Ta”, khi chu kỳ sống trên trái đất đã đến và đi, và khi thời kỳ biểu lộ đã qua, một lần nữa trở nên vô hiện và vô tướng (the unmanifest and the formless), và cũng có thể nói: “Ta vẫn còn nguyên”.

    Như vậy, Thực Tại Vĩnh Cửu là tâm thức Linh hồn, còn Thời gian và Không Gian, là yếu tố chi phối Linh hồn lâm phàm qua phàm ngã trong một chu kỳ hay giai đoạn biểu lộ. Tuy vậy, chúng ta được dạy, Linh hồn bao bọc trong thể nguyên nhân thì “bán thường tồn”, và chỉ là thực thể trung gian đối với Chân Thần lâm phàm. Nó bị hủy diệt vào kỳ điểm đạo thứ tư, khi đã hoàn thành nhiệm vụ, chỉ còn lại Sự Sống vĩnh cửu, Nguyên Khí Vô Hạn Bất Biến hay sự Vô Tận đối với nhân loại là Vị Thượng Đế Siêu Việt, Đấng Cha, Vị Thượng Đế Vô Hiện xuyên suốt chiều dài tiến hóa, Đấng thực sự an trú trong Hiện Tại Vĩnh Cửu. Tuy vậy, Chân Thần hoạt động ở cõi thấp nhất là cõi hồng trần vũ trụ, thì đối với Đấng mà trong Ngài Chân Thần chỉ là một phần, cõi này vẫn là cõi sắc tướng, do đó, chịu chi phối của yếu tố Không Thời Gian ở một tâm thức rất cao.

    Đối với tương ứng cao hơn của Linh hồn là Chân Thần, có thể nói rằng, từ phương diện huyền bí, mối liên hệ giữa Chân Thần (Tinh Thần, Đấng Tuyệt Đối) với Thời gian, Không gian và Chuyển động, được thể hiện như sau:

    Thời gian là một thước đo khoảng kỳ gian tương ứng với khoảng kỳ gian cụ thể được dùng làm tiêu chuẩn đo lường. Tiêu chuẩn cơ bản về kỳ gian có thông thường hay không? Đối với Vũ trụ biểu lộ thì Chu kỳ bao gồm kỳ gian của Vũ trụ (hay Chân Thần) và Kỳ gian (tiếp theo hoặc trước đó) của Trạng thái Phi Vũ Trụ. Thời gian vĩnh cửu là khoảng vô tận của những kỳ gian tổng hợp của tất cả các lần xuất hiện theo chu kỳ và sự biến mất theo chu kỳ của Chân Thần (hay Vũ Trụ). Đối với phần lới chu kỳ tiến hóa, Chân Thần tương ứng với Đấng Thượng Đế Siêu Việt, Không Biểu Lộ, an trú trong Hiện Tại Vĩnh Cửu, một nhận thức Phi Vũ Trụ. Thời gian chỉ được nhận thức như là tổng hợp các khoảng kỳ gian khi biểu lộ và biến mất.

    Chuyển động (Motion) là Tiến Trình Vĩnh Cửu mà qua đó Vũ Trụ (hay Chân Thần) xuất hiện và biến mất theo chu kỳ (được đo lường bằng đơn vị Thời gian). Chuyển động là sự xuất hiện và biến mất của các Sự Kiện Vũ trụ vô tận (tức là các Sự Kiện là các Vũ trụ). Đây là các Chuyển động cơ bản – rằng có và sau đó không có, và sau đó là…một Vũ trụ. Tất cả các chuyển đọng nhỏ hơn đều bắt nguồn từ Chuyển động vĩnh cửu nguyên mẫu này, và tất cả các chuyển động nhỏ hơn về cơn bản đều dựa trên động lực của sự xuất hiện và biến mất.

    Không gian là sự Tự ý thức của Thượng Đế hay Chân Thần Phổ Quát. Không gian thì luôn luôn là một sự nhận thức. Nơi nào không có nhận thức, nói đó không có không gian. Vì Chân Thần thì hữu hạn nên Không gian cũng hữu hạn. Chân Thần Phổ Quát không nắm giữ không gian. Đấng Hiện Tồn Thuần Khiết không nắm giữ không gian. Chỉ khi Tâm thức bắt đầu thì Không gian mới bắt đầu.

  5. Learner

    Comment của Hoàng Quốc Khánh:

    THUYẾT TƯƠNG ĐỐI CỦA ALBERT EINSTEIN

    Chủ đề về không thời gian (time-space) được xem xét, nghiên cứu và phát kiến thấu đáo của những linh hồn cung ba, tiêu biểu nhất là Albert Einstein. Những lý thuyết mang tính cách mạng của Einstein đã thay đổi mãi mãi hiểu biết của nhân loại về thời gian, không gian và vũ trụ. Ông đã thực hiện một công việc to lớn trong việc giúp phá tan ảo tưởng về thế giới, phần lớn dựa trên những hạn chế về tinh thần và thành kiến đội lốt lương tri.

    Những lời của Giáo Sư Michael Robbins trong TOG.II về Albert Einstein như sau: “Không chủ ý, Einstein đã chứng minh tính thực tế của nguyên lý thần bí cổ xưa, khẳng định rằng vũ trụ vật chất bề ngoài thực ra là ánh sáng đặc, năng lượng đông đặc. Nếu những đóng góp của ông được xem xét một cách khách quan thì người ta sẽ hiểu rằng ông đã làm nhiều việc để thúc đẩy sự nghiệp của triết thuyết huyền bí khoa học hơn hàng nghìn cá nhân có khuynh hướng tôn giáo và tâm linh, những người tự cho mình là những nhà thần bí và huyền bí. Einstein đã thâm nhập vào “Thiên Trí – Mind of God” và trở lại với sự hiểu biết lần đầu tiên cho phép nhân loại nhìn thoáng qua vũ trụ vật chất nhiều hơn một chút như chính Thượng Đế nhận thức về nó.”

    Chúng ta cùng bàn về Thuyết tương đối của Einstein: Thuyết tương đối miêu tả cấu trúc của không gian và thời gian trong một thực thể thống nhất là không thời gian cũng như giải thích bản chất của lực hấp dẫn là do sự uốn cong của không thời gian bởi vật chất và năng lượng.

    Như vậy, trong phát biểu này, chúng ta nhận thấy được sự hiện diện của tam nguyên: năng lượng – lực hấp dẫn (thời gian) – vật chất (không gian) và điều này được chúng ta trở lại với Chân lý về Tam bộ Vĩnh cửu được trình bày trong Minh Triết Thiêng Liêng: Tinh thần – Tâm thức – Vật chất, Sự sống – Tính chất – Sắc tướng, Ý chí – Bác ái – Thông tuệ, Chúa Cha – Chúa Con – Chúa Thánh Thần, Mặt Trời Tinh Thần Trung Ương – Tâm Mặt Trời – Mặt Trời hồng trần.

    “Thuyết tương đối phổ quát” hầu như do một mình Einstein phát triển khi ông nghiên cứu những ý nghĩa vật lý cơ bản và mối liên hệ giữa “Hình học và Vật lý”. Xét về phương diện huyền bí, Einstein đã thâm nhập vào Trái Tim của Thượng Đế khi bàn về trạng thái thiêng liêng thứ hai của Ngài dưới dạng tính chất (quality) hay loại năng lượng (type of energy, particular force) và được các nhà huyền bí gọi bằng thuật ngữ Cung năng lượng (Ray energy). Lực hấp dẫn là biểu lộ của Thượng Đế Ngôi Hai hoạt động qua Định Luật Hấp Dẫn (Law of Attraction), và Ngài còn được gọi là Hình Học Gia Vĩ Đại (The Great Geometrician), Từ Lực Vũ Trụ (The Cosmic Magnet), Đấng Mang Ánh Sáng (The Light Bringer); Tính chất Hấp dẫn hay Thu hút được mô tả bằng câu cách ngôn sau: “Hãy rút về ngươi đối tượng tìm kiếm của ngươi. Hãy kéo ra khỏi bóng đêm của thời gian vào trong ánh sáng ban ngày người mà ngươi yêu thương. Tính chất …. thu hút (hấp dẫn).” [EP.I.67] Chính tính chất cung hai tạo ra “mối liên hệ” giữa chủ thể và khách thể, giữa các đối cực trong thế giới của vật chất. Do đó, công trình nghiên cứu “mối liên hệ giữa hình học và vật lý” là sự tiến nhập vào thế giới của các “kinh nghiệm nội môn”.

    Xét về góc độ tâm lý huyền bí, Thuyết Tương đối phổ quát là biểu thị Tính chất của Cung ba. Thuyết này, ở dạng trừu tượng hơn và được định nghĩa về mặt toán học, xuất hiện trong các công trình của Einstein, của những người kế thừa và diễn giải ông.

    Người trung bình, thông minh hiểu con người, địa điểm và mọi thứ một cách tương đối và theo bối cảnh. Thể trí hiện đại luôn yêu cầu “hệ quy chiếu quán tính” (bối cảnh) trong đó các sự kiện xảy ra. Điều gì đó có thể có một ý nghĩa nhất định trong một bối cảnh, nhưng lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác trong một bối cảnh khác. Thế giới đầy đủ của sự tuyệt đối bị đóng băng, tĩnh tại và luôn vĩnh cửu; ý nghĩa không thay đổi. Thế giới tương đối đa ngữ cảnh bao giờ cũng liên tục, luôn thăng trầm, luôn thay đổi. Sự khác biệt trong nhận thức của Einstein là phát hiện về “hệ quy chiếu gia tốc”. Năm 1907, Einstein nhận ra sự liên hệ (hay tương đương cục bộ) giữa lực hấp dẫn và “hệ quy chiếu gia tốc” (ông coi đây là ý tưởng hạnh phúc nhất của đời mình) và nêu ra một thí nghiệm suy tưởng đơn giản trong đó có một người quan sát trong thang máy rơi tự do.

    Einstein là Linh hồn cung ba tiêu biểu, vốn luôn nhận thức về sư liên quan đến chuyển động và thay đổi, cũng như khả năng hiểu và vận dụng sự chuyển động và thay đổi. Bởi vì Cung ba là cung hoạt động dưới sự chi phối của Định Luật Biến Đổi (Law of Mutation). Giáo Sư Michael Robbins luận giải về tính chất của Cung ba trong TOG.I như sau, và vì điều này có thể áp dụng chính xác với Albert Einstein, sẽ là hợp lý khi thay đổi về đại từ nhân xưng: “Đó là khả năng hiểu mọi thứ trong một bối cảnh thay đổi nhất định và biến dịch tương đối với nhau, và (trừu tượng hơn), các bối cảnh khác nhau thay đổi tương đối như thế nào so với nhau. Chuyển động của tổng thể được nhìn thấy, và tất cả các chuyển động được hiểu—tương đối với nhau. Do đó, Einstein hiểu rất rõ những mối quan hệ mật thiết. Tất cả mọi thứ được coi là có liên quan và liên tục thay đổi trong sự đáp ứng với bất kỳ thay đổi cụ thể nào trong hệ thống. Bất kỳ hành động nào được áp dụng đều có các phân nhánh của nó (và các phân nhánh có thể cực kỳ phức tạp). Ông nhìn thấy một thế giới uyển chuyển, một mạng lưới các mối quan hệ có thể thay đổi liên tục. Ông là bậc thầy trong việc hiểu ý nghĩa thay đổi của bất kỳ thứ gì liên quan đến hệ quy chiếu mà ở đó đối tượng được tìm thấy.”

    Công trình vĩ đại của Einstein là phát kiến hay sự tiết lộ về các Định luật cai quản sự sống khi biểu lộ trong tự nhiên. Đặc trưng Bác ái, loại năng lượng hấp dẫn, thu hút, từ tính biểu lộ thành “lực hấp dẫn” hay lực căn bản của tự nhiên, được xem xét từ góc độ toán học, hình học, vật lý. Sự phát triển về Thuyết Tương đối của Einstein bắt đầu từ năm 1907, với “ý tưởng hạnh phúc nhất trong đời” của Einstein, đó là nguyên lý tương đương về sự tương đương giữa khối lượng hấp dẫn và khối lượng quán tính. Từ nguyên lý này có thể suy ra được hiệu ứng dịch chuyển đỏ do hấp dẫn và đường đi của ánh sáng bị lệch trong trường hấp dẫn cũng như độ trễ thời gian của tia sáng, hay độ trễ Shapiro.

    Với lý thuyết mới của Einstein coi bản chất của lực hấp dẫn như một hiệu ứng hình học (mối liên hệ giữa hình học và vật lý), đã mở lối cho các nhà vật lý đặt câu hỏi liệu những lực cơ bản khác, như lực điện từ có là do hiệu ứng hình học.

    TÍNH TƯƠNG ĐỐI CỦA KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN

    Không gian và thời gian không còn là cấu trúc bất biến phổ quát trong thuyết tương đối nữa. Khi áp dụng vào thực nghiệm, điều này được chứng minh; Cụ thể, các quan sát viên sẽ nhận xét hai sự kiện xảy ra trong không gian và thời gian là đồng thời hay sớm hoặc trễ tùy thuộc vào trạng thái chuyển động của họ. Vật thể chuyển động có kích thước bị ngắn lại theo hướng chuyển động so với khi nó đứng yên và đồng hồ chuyển động chạy chậm hơn so với đồng hồ đặt yên một chỗ. Tuy nhiên, mỗi quan sát viên chuyển động với vận tốc đều đưa ra kết luận chỉ đúng trong hệ quy chiếu của riêng họ, do vậy những kết luận từ hai quan sát viên có tính tương hỗ lẫn nhau, ví dụ như mỗi người sẽ thấy đồng hồ của người kia chạy chậm lại. Thêm nữa, nếu hai người chuyển động dọc theo hướng nhìn của nhau, mỗi người sẽ thấy thước đo của người kia ngắn đi. Nguyên lý tương đối không thể trả lời cho câu hỏi về người nào miêu tả là đúng mà nó chỉ cho biết kết quả của từng người thu được.

    Sự co ngắn chiều dài và sự dãn thời gian có thể dễ dàng hiểu được từ biểu đồ Minkowski và nghịch lý anh em sinh đôi. Trong dạng thức toán học, chúng là kết quả của phép biến đổi Lorentz miêu tả mối liên hệ giữa tọa độ không gian và thời gian của các quan sát viên khác nhau. Phép biến đổi tuyến tính này được rút ra trực tiếp từ hai tiên đề trên. [trích dẫn từ Wikipedia]

    Nhận xét: Đức DK đã giải thích điều này từ góc độ nội môn: Ở điểm này cần chú ý rằng, các ý tưởng được bàn đến liên quan tới sự tiến hoá theo chu kỳ không thể tách ra khỏi ý niệm về tâm thức. Các ý tưởng về thời gian, về không gian và về hoạt động (theo quan điểm của nhà huyền linh học), chỉ có thể được nhận thức như là tương đối với một thực thể hữu thức nào đó, đối với một Chủ Thể Suy Tư nào đó.

    Thời gian đối với nhà huyền linh học là chu kỳ (cycle), lớn hay nhỏ, mà trong đó một sự sống nào đó, trải qua một tiến trình riêng biệt nào đó, trong ấy một giai đoạn đặc biệt nào đó bắt đầu, tiếp tục và chấm dứt, liên quan đến ý thức về một Thực Thể nào đó, và chỉ được nhận thức như là thời gian, khi mà sự sống tham gia đã đạt đến một giai đoạn ý thức đáng kể. Thời gian đã được xác định như là một sự chuỗi liên tục các trạng thái tâm thức (Time has been defined as “a succession of states of consciousness”) và do đó nó có thể được khảo cứu theo quan điểm của: Tâm thức Thượng Đế; Tâm thức Hành tinh; Tâm thức nguyên nhân; Tâm thức con người; Tâm thức động vật, thực vật, khoáng vật; Tâm thức nguyên tử [TCF 278]

    Mỗi quan điểm, thực tế là mỗi “hệ quy chiếu” của chủ thể, mà Einstein gọi là “hệ quy chiếu gia tốc”.

    Tốc Độ Ánh Sáng Là Một Giới Hạn

    Không một vật nào và không một thông tin nào có thể đi nhanh hơn ánh sáng trong chân không. Càng gần tiếp cận với tốc độ ánh sáng, thì năng lượng vật đó càng lớn, bởi vì động năng của vật luôn luôn tăng rất nhanh khi vận tốc của nó tăng. Để vật đạt tới tốc độ ánh sáng thì cần phải cung cấp cho vật năng lượng lớn vô hạn.
    Kết luận trên là hệ quả của cấu trúc không thời gian không phải là thuộc tính của vật, chẳng hạn do hạn chế về công nghệ chế tạo tàu vũ trụ. Nếu một vật chuyển động nhanh hơn ánh sáng từ A tới B, và một quan sát viên chuyển động từ B tới A thì lúc này câu hỏi ai miêu tả tình huống đúng đắn lại có ý nghĩa. Khi đó quan sát viên sẽ nhìn thấy kết quả trước khi nhìn thấy nguyên nhân (anh ta nhìn thấy vật xuất hiện ở B trước khi thấy nó đi ra từ A). Như vậy, nguyên lý nhân quả bị vi phạm bởi vì trình tự nguyên nhân kết quả không được xác định. Những vật chuyển động nhanh hơn ánh sáng sẽ đi ra khỏi tầm quan sát của người hoặc thiết bị theo dõi. [trích dẫn từ Wikipedia]

    Nhận xét: Mối quan hệ là một liên kết (tinh tế hoặc thô thiển) giữa các Thực thể. Mối quan hệ là sự liên kết hoặc ràng buộc của các bộ phận, cái này với cái khác. Mối quan hệ là một cầu nối trong đó các rung động được trao đổi, do đó làm thay đổi trạng thái rung động của các tác nhân trao đổi.

    Nhân quả là một cách mô tả quá trình qua đó một thực thể này ảnh hưởng đến một thực thể khác. Nếu mọi thực thể đều ở trong “sự cô lập tuyệt vời” không có khả năng ghi nhận thì không những không có mối quan hệ mà còn không có quan hệ nhân quả. Mối quan hệ dựa trên sự xuất hiện của Thời gian và Không gian – không nhất thiết là thời gian và không gian như chúng ta biết chúng thông qua tâm thức hồng trần, hoặc thậm chí trong ba cõi tiến hóa của nhân loại, mà là Thời gian và Không gian vì chúng nhất thiết phải tồn tại trên các cõi cao nhất của Vũ Trụ sau khi Quá trình Giới Hạn đã bắt đầu. Vì không có Thời gian và Không gian, dường như không có các thực thể riêng biệt tồn tại.

  6. Learner

    Comment của Hoàng Quốc Khánh:

    THUYẾT TƯƠNG ĐỐI RỘNG

    Lực Hấp Dẫn Và Độ Cong Của Không Thời Gian

    Albert Einstein công bố Thuyết tương đối rộng hay thuyết tương đối tổng quát (“general relativity”) vào năm 1915, là lý thuyết hình học của lực hấp dẫn, và hiện tại được coi là lý thuyết miêu tả hấp dẫn thành công của vật lý hiện đại. Thuyết tương đối tổng quát thống nhất thuyết tương đối hẹp và định luật vạn vật hấp dẫn của Newton, đồng thời nó miêu tả lực hấp dẫn (trường hấp dẫn) như là một tính chất hình học của không gian và thời gian, hoặc không thời gian. Đặc biệt, độ cong của không thời gian có liên hệ chặt chẽ trực tiếp với năng lượng và động lượng của vật chất và bức xạ. Liên hệ này được xác định bằng phương trình trường Einstein, một hệ phương trình đạo hàm riêng phi tuyến.

    Thuyết tương đối rộng giải thích lực hấp dẫn bằng độ cong hình học của không thời gian xác định bởi:
    – Vật chất và năng lượng làm cong không thời gian xung quanh chúng.
    – Một vật rơi tự do dưới tác dụng của trường lực hấp dẫn chuyển động trên đường trắc địa giữa hai điểm của không thời gian.

    Nhiều tiên đoán và hệ quả của thuyết tương đối rộng khác biệt hẳn so với kết quả của vật lý cổ điển, đặc biệt khi đề cập đến sự trôi đi của thời gian, hình học của không gian, chuyển động của vật thể khi rơi tự do và sự lan truyền của ánh sáng. Những sự khác biệt như vậy bao gồm sự giãn thời gian do hấp dẫn, thấu kính hấp dẫn, dịch chuyển đỏ do hấp dẫn của ánh sáng, và sự trễ thời gian do hấp dẫn. Mọi quan sát và thí nghiệm đều xác nhận các hiệu ứng này cho tới nay. Mặc dù có một số lý thuyết khác về lực hấp dẫn cũng được nêu ra, nhưng lý thuyết tương đối tổng quát là một lý thuyết đơn giản nhất phù hợp các dữ liệu thực nghiệm. [trích dẫn từ Wikipedia]

    ĐÁNH GIÁ VỀ TÍNH TƯƠNG ĐỐI CỦA THỜI GIAN

    Thuyết tương đối rộng giải thích lực hấp dẫn bằng độ cong hình học của không thời gian xác định bởi: Vật chất và năng lượng làm cong không thời gian xung quanh chúng.

    Theo Triết thuyết Huyền bí, năng lượng (tinh thần, sự sống, ý chí, ngôi Cha) khi tiếp xúc với vật chất (tính chất thông tuệ, ngôi Mẹ) tạo ra trạng thái thứ ba (về sau trở thành trạng thái thứ hai) là trạng thái Con, đặc trưng bởi trạng thái Bác ái, lực hút hay lực hấp dẫn, hoạt động dựa trên Định Luật Thứ Hai của Vũ trụ là Luật Hấp Dẫn (Law of Attraction). Điều này chỉ có thể xem xét trong Vũ trụ biểu lộ. Sự khác biệt giữa Hiện Tại Vĩnh Cửu và thời gian.

    Chúng ta cùng xem xét phát biểu trong Luận về Lửa Càn Khôn rằng “Vũ trụ biểu lộ được chứa đựng trong Thực Tại Tuyệt Đối này và là một biểu tượng được quy định của Thực Tại Tuyệt Đối đó.

    Trong toàn thể Vũ Trụ biểu lộ này, có ba trạng thái sẽ được nhận thức.
    1. Vũ Trụ Thượng Đế Ngôi Một, vô ngã và vô hiện, tiền thân của Vũ Trụ Biểu Lộ. [Hiện Tại Vĩnh Cửu – QK]
    2. Vũ Trụ Thượng Đế Ngôi Hai, Tinh Thần-Vật Chất, Sự Sống, Tinh Thần của Vũ Trụ. [Xuất hiện Thời Gian và Không Gian]
    3. Vũ Trụ Thượng Đế Ngôi Ba, Sự Phát Khởi Quan Niệm về Vũ Trụ (Cosmic Ideation), Linh Hồn của Vũ Trụ Đại Đồng (Universal World-Soul).” [Biểu lộ, ý thức về Thời Gian, Không Gian và Chuyển Động – QK] [TCF.3]

    Do đó, có thể thấy rằng Thời Gian và Không Gian bị chi phối bởi Luật Hấp Dẫn. Dạng chuyển động của Định luật này là hoạt động xoắn ốc theo chu kỳ (spiral cyclic activity), vốn dẫn đến sự mở rộng (chuyển động) (theo không thời gian) và với sự trở lại cuối cùng tới trung tâm của hệ thống (Năng lượng, hay Sự sống). Dựa trên điều này, khi biểu lộ qua hình tướng nó tạo ra tình trạng mà Einstein gọi là “sự cong của không thời gian”.

    Thượng Đế Ngôi Hai, Vishnu, Cung Minh Triết thiêng liêng, nguyên khí Bồ Đề vĩ đại đang tìm kiếm sự phối trộn với nguyên khí Thông Tuệ, vốn đặc trưng bởi Bác Ái. Dạng chuyển động của Ngài là xoắn ốc theo chu kỳ. Lợi dụng cho chính Ngài về chuyển động quay tròn của tất cả nguyên tử, Ngài thêm vào dạng chuyển động của riêng Ngài hoặc của chuyển động định kỳ xoắn ốc, và bằng sự lưu chuyển dọc theo quỹ đạo hoặc đường đi hình cầu (vốn quay tròn xung quanh một điểm tập trung trung ương trong xoắn ốc bao giờ cũng đi lên). Kết quả như Einstein trình bày về “lực hấp dẫn” bằng “độ cong hình học của không thời gian” mang lại là Ngài (Thượng Đế Ngôi Hai) tập hợp những nguyên tử vào những hình tướng; thứ hai, bằng phương tiện của những hình thức này, Ngài đạt tới những tiếp xúc cần thiết, và phát triển đầy đủ tâm thức trên năm cõi phát triển con người.

    Bà Besant trong “Khảo Cứu Tâm Thức” có nói: Tâm thức Phổ quát (Universal consciousness), biểu lộ như tâm thức trong thời gian và không gian, có thể biểu thị nó, bao gồm tất cả các hình dạng hoạt động và tiến hóa xoắn ốc theo chu kỳ từ góc độ của tiến hóa vũ trụ, và bằng thuật ngữ về tâm thức tuyệt đối, có thể là chuyển động quay tròn.

    Ở một nơi khác, Chân Sư Tây Tạng có trình bày về “Cung Ba thì đã dài nhất trong lâm phàm, nhưng trong năm 1875, nó hoàn thành một cách huyền bí sự đi ra, và bắt đầu “bẻ cong” chính nó, và do đó quay trở lại”. Do đó, nó chỉ mới bắt đầu suy yếu. Khi sự kiện này xảy ra trong mối liên hệ với bất kỳ loại năng lượng nào, hiệu quả được tạo ra thì luôn luôn có bản chất kết tinh và thường tạo ra tập hợp hình thức vốn đảm bảo cho sự hủy diệt nhanh chóng. [EP.II.349] Trong phát biểu này, chúng ta nhận ra tiến trình biểu lộ của một Sự Sống là Sự xuất hiện, liên tục và biến mất trong một thời khoảng hay chu kỳ, được gọi là Thời Gian.

    Theo thuyết tương đối hẹp của Einstein, thời gian không phải là hằng định, mà có thể co giãn tùy thuộc vào hệ quy chiếu. Chẳng hạn trong một trường hẫp dẫn rất mạnh (như gần một ngôi sao siêu nặng) hay trên con tàu vũ trụ bay với tốc độ rất cao, thời gian bị kéo dài ra, khiến một năm sống trên tàu có thể tương đương cả nghìn năm trên trái đất.

    Có một giai thoại kể rằng, Einstein từng giải thích thuyết tương đối cho một người bình thường: “Khi một người đàn ông ngồi bên cô gái đẹp một giờ, thời gian dường như chỉ mới một phút. Nhưng khi đặt anh ta lên bếp lò nóng một phút, thời gian tưởng đã hàng giờ. Đó là tính tương đối”.

    Xem xét điều này từ góc độ của tâm thức, khi đối chiếu với từng loại tâm thức của Chủ Thể Suy Tư, chẳng hạn, cùng kỳ hạn của một chu kỳ lâm phàm. Khi còn an trụ trong phàm ngã tự ý thức, thời gian tính như một kiếp sống theo quy định của đơn vị thời gian, chẳng hạn là 70 năm. Nhưng vẫn lang sự lâm phàm đó, khi được nhận thức bởi Chủ Thể là Linh hồn, thì chỉ tương ứng với một giây. Điều này được Chân Sư diễn đạt: “Cảm giác về thời gian tạo ra sự hấp dẫn và sự thất vọng, trong khi công việc đang thực sự tiến tới, và một bài học được học bằng sự thất bại tác động như một sự bảo vệ cho tương lai. Nhờ thế nó dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng. Một đệ tử chân thật có thể trong nhất thời bị mê hoặc, nhưng rốt cuộc thì không có gì thực sự có thể ngăn cản y. Một vài năm ngắn ngủi trong một chu kỳ tương đối của các vô lượng thời (aeons) là gì? Một giây thời gian trong một khoảng thời gian bảy mươi năm được định phần của con người là gì? Đối với cá nhân vị đệ-tử, chúng có vẻ quan trọng nhất; đối với linh hồn đang quan sát, chúng dường như chẳng là gì cả.” [TWM 635]

    Xét về tính tương đối của Thời gian, cuối cùng, thời gian là thước đo tốc độ thay đổi. Một “đơn vị thời gian” có thể được hiểu là “đơn vị thay đổi”. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi nói về Thời gian trừ khi chúng ta nói về số lượng thời gian. Việc đo thời gian phụ thuộc vào yếu tố so sánh. Một đơn vị thay đổi nhất định được chấp nhận làm tiêu chuẩn so sánh.

    Do đó, thời gian là lượng kỳ gian (được xác định bằng phương pháp so sánh) được sử dụng cho mục đích đo lường. Thời gian là thước đo độ bền tương đối của mô hình/điều kiện/sự kết hợp/mối quan hệ. Thông qua việc sử dụng thời gian, chúng ta đo lường tốc độ thay đổi của một mô hình/điều kiện/sự kết hợp/cấu hình/mối quan hệ so với tốc độ thay đổi của một mo hình/điều kiện/sự kết hợp/cấu hình/mối quan hệ khác.

    Trong kỹ thuật tham thiền huyền bí, ở vào giai đoạn chiêm ngưỡng, hay sự nhập vào trạng thái đại định (samadhi), người đệ tử không còn cảm thấy: Ý thức của não bộ, hay là sự cảm nhận ở cõi trần về thời gian và không gian. Khi tiến trình này ngày càng thường xuyên, liên tục thì trong phàm nhân có sự thay đổi. Y trở nên ngày càng được đồng bộ hóa với linh hồn. Yếu tố thời gian trong việc truyền đạt chìm vào hậu trường, và sự soi sáng lĩnh vực hiểu biết nhờ ánh sáng của linh hồn cũng như sự chói rạng của não bộ trong thể xác, bắt đầu xảy ra tức thì.

    Theo quan điểm huyền bí học, điều này phụ thuộc vào góc độ, góc nhìn, quan điểm của Chủ thể. Điều này tương tự như Hệ quy chiếu mà Einstein diễn tả. Chúng ta cùng đối chiếu Thuyết tương đối và Khoa tâm lý học nội môn.

    Khái niệm “lực hấp dẫn” nằm trong bốn loại “tương tác căn bản” hay “lực căn bản” mà mô hình vật lý cho thấy trong tự nhiên bao gồm tương tác hay lực hấp dẫn, tương tác hay lực điện từ, tương tác mạnh và tương tác yếu. Thực chất tất cả các lực tự nhiên này là các biểu hiện cửa năng lượng Bác Ái vĩ đại, được phản ánh trong thiên nhiên, khi Chủ thể đến dưới Định Luật Hấp Dẫn (Law of Attraction) vốn vận dụng và sử dụng năng lượng bác ái; Định luật Bác ái là luật quy định trạng thái tâm thức của con người, do đó, đưa con người vào nhận thức về không thời gian. Định luật này là định luật linh hồn vĩ đại.

    Thuyết tương đối trình bày rằng “Năng lượng và vật chất làm cong không thời gian và từ độ cong của không thời gian xác định lực hấp dẫn”, như vậy, “thời gian và không gian” theo quan điểm của Linh hồn là phi thời gian và sự toàn hiện (khắp mọi nơi – everywhere) biểu thị “lực hấp dẫn” được đặc trưng bởi Cung tâm lý của Linh hồn hay Cung Linh hồn, vốn tồn tại theo Kỳ gian tồn tại của Linh hồn (hàng triệu năm theo “đơn vị thời gian” sử dụng ở cõi trần). Trong khi đó, “thời gian và không gian” theo quan điểm của phàm ngã thì bị giới hạn, xác định loại “lực hấp dẫn” được đặc trưng bởi Cung tâm lý của phàm ngã, hay cung phàm ngã, vốn thay đổi theo từng kiếp sống (chẳng hạn vài chục năm, được đo lường bởi đơn vị thời gian hay đơn vị thay đổi).

    Sự tương tác của “năng lượng và vật chất” này khác nhau đối với từng chủ thể. Nếu đó là năng lượng của Linh hồn, biểu thị qua Cung linh hồn tương tác với vật chất (hay các hạ thể), dưới dạng một “lực hấp dẫn”, nó sẽ tạo ra “độ cong của không thời gian”, và một kiếp sống được nhận thức chỉ là một giây theo quan điểm của Linh hồn. Nhưng khi sự tương tác “năng lượng và vật chất”, loại năng lượng biểu thị như cung phàm ngã, dưới dạng một “lực hấp dẫn”, nó sẽ tạo ra “độ cong của không thời gian” theo nhận thức của phàm ngã là 70 năm.

    Trong Kỳ gian của Linh hồn, mỗi kiếp sống chỉ là một giai đoạn được quy định bởi thuật ngữ “thời gian”, bị giới hạn trong không gian, biểu thị bởi một loại hoạt động, chuyển động hay sự thay đổi. Khi Linh hồn trải qua toàn bộ Kỳ gian, toàn thể phẩm tính của Linh hồn, là trạng thái Bác Ái (biểu thị như “lực hấp dẫn”) sẽ đạt đến sự biểu lộ trọn vẹn, hoàn hảo. Mỗi giai đoạn Linh hồn lâm phàm, thường gọi là một kiếp sống, Linh hồn phóng phát một phần của Tổng thể tất cả các khả năng của nó, và trải qua tình trạng bị chi phối bởi không thời gian trong tam giới. Quá khứ Linh hồn đã gửi đi, hiện tại Linh hồn đang phát triển, cho đến khi tương lai biểu lộ trọn vẹn. Như vậy, mỗi giai đoạn, kỳ hạn, chu kỳ được quy định bởi không thời gian, nó biểu thị một loại “lực hấp dẫn” là phẩm tính của Linh hồn trong chu kỳ đó mà chúng ta gọi “lực hấp dẫn” này là Cung phàm ngã. Khi tất cả các “lực hấp dẫn” được biểu hiện trọn vẹn qua phàm ngã trong các kiếp sống từ quá khứ hiện tại vị lai, thì “lực hấp dẫn” này được hấp thu vào kho chứa hay suối nguồn Bác Ái của Linh hồn.

  7. Learner

    Comment của Hoàng Quốc Khánh:

    BÁC ÁI LÀ NĂNG LƯỢNG VĨ ĐẠI NHẤT THẾ GIAN

    Cuối cùng, Albert Einstein đã tiết lộ cho nhân loại về bí nhiệm ẩn tảng bấy lâu nay, rằng toàn bộ hiện tượng Thời Gian và Không Gian chỉ là biểu lộ của năng lượng Bác Ái vĩ đại, hoạt động thông qua Định Luật Hấp Dẫn.

    Thông điệp về từ các công trình vĩ đại của Einstein dành cho loài người, tạo ra sự hợp nhất giữa khoa học và tôn giáo, mang lại sự tiết lộ về Đấng Duy Nhất, Đấng Hằng Hữu, Đấng Sáng Tạo, Đấng mà tiêu biểu trong chính Ngài năng lượng vĩ đại nhất thế gian, đó là Bác Ái hay Tình Yêu, chứng minh cho câu nói trong Kinh Thánh rằng “Thượng Đế là Bác Ái – God is Love”. Thông điệp này được truyền tải trong bức thư đầy xúc động mà nhà vật lý vĩ đại Albert Einstein gửi tặng cô con gái Lieserl của mình, ông kể về một thứ năng lượng vĩ đại nhất thế gian này. Đó là Tình Yêu hay Bác Ái.

    “… Khi cha giới thiệu về thuyết tương đối, có rất ít người hiểu được cha, và thứ mà cha giới thiệu sẽ mâu thuẫn và gây khó hiểu với thế giới hiện tại. Hãy lưu giữ bức thư này càng lâu càng tốt và chỉ đưa nó ra khi xã hội đủ phát triển để hiểu và chấp nhận những gì cha nói dưới đây. Đây là một trong những năng lượng mạnh mẽ nhất trên thế giới, mạnh tới nỗi mà khoa học chẳng thể chứng minh nổi.
    Loại năng lượng này xuất hiện ở khắp mọi nơi, ảnh hưởng tới tất cả mọi người và thậm chí xuất hiện đằng sau những hiện tượng không thế lý giải nổi trên Trái Đất.

    Năng lượng này chính là tình yêu. Khi các nhà khoa học nghiên cứu về vũ trụ, họ đã quên mất loại năng lượng không thể nhìn thấy này.
    Tình yêu là ánh sáng, nó soi sáng những người cho đi và nhận về. Tình yêu là trọng lực, bởi vì nó khiến người ta xích lại gần nhau hơn.
    Tình yêu là sức mạnh, bởi nó tổng hợp tất cả những thứ tốt nhất mà chúng ta có, cho phép con người không đắm chìm trong sự ích kỉ mù quáng. Tình yêu gợi mở mọi vấn đề.

    Vì tình yêu mà chúng ta sống, rồi chết. Tình yêu chính là Thựng Đế và Thượng Đế cũng chính là tình yêu.
    Năng lượng đặc biệt này giải thích tất cả mọi điều và reo ý nghĩa vào cuộc sống. Chúng ta đã bỏ mặc nó quá lâu, có thể vì chúng ta sợ phải yêu do yêu là năng lượng duy nhất trên đời con người không điều chỉnh được.

    Để nhìn thấy được tình yêu, cha đã thay đổi một chút trong công thức của mình. Thay vì E=mc2, chúng ta chấp nhận rằng năng lượng để phục hồi thế giới có thể thu được qua chỉ số tình yêu nhân với tốc độ ánh sáng. Có thể thấy rằng chẳng có đáp số đúng vì tình yêu không có giới hạn. Sau khi con người thất bại với việc sử dụng, điều khiển những loại năng lượng khác thì vũ trụ đã phản bội chúng ta, sẽ cấp bách để con người tìm hiểu về loại năng lượng mới…

    Nếu chúng ta muốn giống loài của mình tồn tại, chúng ta phải hiểu ý nghĩa của cuộc sống. Nếu chúng ta muốn cứu Trái Đất cùng tất cả những sinh vật tồn tại trên đó, tình yêu là thứ duy nhất, đáp án chính xác nhất của vấn đề. Có thể chúng ta chưa sẵn sàng để tạo ra những quả bom tình yêu và thả nó đi khắp thế giới hay một thiết bị đủ mạnh để có thể huỷ diệt sự hận thù, ích kỉ hay lòng tham đang tàn phá thế giới.

    Thế nhưng, mỗi người đang mang trong mình một cỗ máy mạnh nhất thế gian, một cỗ máy tình yêu chỉ chờ để được sử dụng. Chúng ta học cách cho đi và nhận lại thứ năng lượng diệu kì này. Lieserl thân mến, tình yêu sẽ vượt lên tất cả, nó có thể trung hoà mọi thứ vì tình yêu là tinh hoa của cuộc sống này.

    Cha rất hối hận vì đã không thể mô tả hết những gì trong trái tim mình, thứ luôn yếu ớt đập trong suốt cuộc đời cha. Có lẽ đã quá muộn để xin lỗi, thế nhưng thời gian chỉ có tính tương đối, cha cần nói với con rằng cha yêu con và cám ơn con, cha đã tìm thấy câu trả lời chính xác nhất!
    Cha, Albert Einstein.”

Leave Comment