Cấu tạo con người

Cấu tạo con người là nội dung cơ bản của triết học nội môn. Bài viết này được tổng hợp từ các bài giảng của Thầy David Hopper và William Meader.

SỰ TIẾN HÓA CỦA TÂM THỨC – CÁC CÕI GIỚI

Cấu Tạo Con Người, sự tiến hóa và những thành phần của nó là sự tích hợp cân bằng một cách có ý thức các mãnh lực của phàm ngã tam phân, tạo nên một khí cụ “được thắp sáng”, có thể ghi nhận và phản chiếu ánh sáng của Linh Hồn. Dần dần, ánh sáng của phàm ngã và Linh Hồn hòa trộn với nhau. Và chúng ta như những “Linh Hồn Sống”, trở thành “Con Đường được thắp sáng”.

Darwin đã nói về sự tiến hóa của hình tướng con người. Tiêu điểm của chúng ta ở đây là về Linh Hồn, sự tiến hóa của tâm thức và ba hạ thể. Bàn về cấu tạo con người là luận về sự tiến hóa của tâm thức qua vô số các kiếp sống (phàm ngã).

Sự tiến hóa tâm thức là sự mở rộng và nâng cao tâm thức, góc nhìn của chúng ta, cũng như cách chúng ta định nghĩa về bản thân mình. Phần lớn chúng ta qua hàng ngàn kiếp sống đã đồng nhất mình với phàm ngã của mình. Nhưng rồi, cuối cùng chúng ta bắt đầu tỉnh thức và chủ ý tiến đến một hành trình hướng về tinh thần hơn.

Rồi chúng ta bắt đầu cảm nhận có gì đó cao cả hơn, Ta là cái gì đó sâu thẳm bên trong, là linh hồn. Và linh hồn là cái mà chúng ta, những ai nghiêm túc về sự tiến hóa tâm thức của mình đã nỗ lực để trở thành. 

Nhưng đến một thời điểm thực sự khi bạn rất gần với trở thành một chân sư, thì Chân Thần (Monad) đi vào biểu hiện. Cái thấp nhất là phàm ngã, bản thể cao hơn là linh hồn của bản thể cao nhất là Monad – Chân Thần hay tinh thần thuần khiết.

Trong Thông Thiên Học và các giáo lý phương Đông, sự tiến hóa của con người được hiểu là đưa 3 hạ thể (thể trí, thể cảm xúc và thể xác) vào chỉnh hợp và tích hợp với Ý Chí của Linh Hồn.

Qua sự tiến hóa tinh thần, Chân Thần khiến cho tâm thức tiến hóa qua các nguyên khí, các nguyên tử trường tồn, và các hạ thể. Những điều này tạo nên con người hoàn chỉnh. Chức năng của những nguyên khí và những phương tiện (hạ thể), và mối tương quan của chúng với nhau sẽ trở nên rõ ràng với người tìm đạo qua thời gian.

Một Nguyên Khí (Principle) là cái đang được phát triển trên mỗi cõi trong bảy cõi giới và các cõi phụ trên cõi hồng trần vũ trụ. Một nguyên khí là một nền tảng mà trên đó tất cả mọi thứ được xây dựng và là bản chất của tất cả mọi hình tướng sống. Ví dụ về một nguyên khí là sự phát triển của prana (sinh lực, nguyên khí vũ trụ), manas (trí tuệ), ý chí tinh thần, kama hay ham muốn, và bồ đề (buddhi). Những năng lượng khác biệt, những nguyên khí này phát triển trên các cõi đó. Nguyên khí là hạt nhân của ý thức, nắm giữ tiềm năng của tâm thức trọn vẹn ở cấp độ hoạt động thiêng liêng nào đó. 

Cõi hồng trần vũ trụ là cõi thấp nhất trong 7 cõi vũ trụ. Cõi hồng trần vũ trụ lại được chia tiếp thành 7 cõi giới và mỗi cõi giới lại có 7 cõi phụ. 

 

Bảy cõi giới của Thái Dương Hệ

Ở đây chúng ta có sơ đồ cấu tạo con người, nó cũng là sơ đồ cấu tạo của cõi hồng trần vũ trụ. Mỗi thể con người tương ứng với một cõi giới.

Nếu bạn nhìn vào cõi thứ ba – cõi Tinh Thần (Atma), bạn sẽ thấy trên đỉnh của nó, tức cõi phụ thứ nhất, có một trong những nguyên tử trường tồn ở đó. Và rồi bạn đi xuống đến cõi kế tiếp, cõi Trực Giác, rồi dưới đó bạn có nguyên tử trường tồn bồ đề. Trong suốt sự tiến hóa con người, Chân Thần dành riêng năm nguyên tử trường tồn và đơn vị hạ trí cho những mục đích biểu hiện ở các cõi thấp. Ngay trước khi lâm phàm nhập thế, các nguyên tử trường tồn được kích hoạt từ thể nguyên nhân của linh hồn để đưa sự sống đến thể dĩ thái và thể xác mới. Mỗi nguyên tử trường tồn của từng cõi và đơn vị hạ trí là những điểm vật chất nguyên tử dành riêng cho cõi đó và được nối với sợi Sutratma hay sinh mệnh tuyến.

Mỗi nguyên tử trường tồn này là những trung tâm lực nhỏ mà các thể khác nhau được xây dựng xung quanh nó để hoạt động trên mỗi cõi của năm cõi giới hiện hữu của con người. Mục đích của các nguyên tử trường tồn là lưu giữ hay thu thập các trải nghiệm và minh triết (cả xấu và tốt) trong suốt kiếp sống.

Chỉ khi vào lúc chết thì sợi sutratma – sinh mệnh tuyến – mới bị cắt đứt, và đơn vị thể trí, nguyên tử trường tồn cảm dục và hồng trần được thu rút trở về Thể Nguyên Nhân.

Vậy, toàn thể con người được cấu tạo từ những gì và mục đích sống của chúng ta là gì?

Chân Thần muốn nhận thức trọn vẹn trên tất cả 49 cõi giới và cõi phụ của Cõi Hồng Trần Vũ Trụ. Để tạo ra nhận thức này, Chân Thần biểu đạt qua Tam Nguyên Tinh Thần (Spiritual Triad), được biết đến như Atma – Buddhi – Manas, rồi đến Linh Hồn, rồi xuống đến các cõi thấp nơi Phàm Ngã tam phân của con người đang nhập thế.

Khi tiến hóa về tâm thức, cuối cùng chúng ta sẽ hiểu rằng mục đích cao nhất của chúng ta được biểu đạt qua những phương tiện này là hoàn thiện Kế Hoạch – Thiên Cơ – thông qua Phụng Sự! Tâm thức con người cuối cùng tỉnh thức với ý nghĩa rằng trách nhiệm của anh ta là phụng sự Linh Hồn và cuối cùng, phụng sự Thiên Cơ, sử dụng tính sáng tạo và làm việc cùng với những người khác trong công việc tập thể. 

CHÂN THẦN VÀ TAM NGUYÊN TINH THẦN

Chân thần là bản thể thiêng liêng đại diện cho tinh thần thuần khiết chuyên chở ý chí và mục đích.
Khi linh hồn và phàm ngã bắt đầu hòa nhập/tích hợp, cần vài kiếp sống để điều này diễn ra. Nhưng một khi có sự tích hợp linh hồn trọn vẹn (sự biến dung – transfiguration) thì lần đầu tiên phàm ngã bắt đầu cảm nhận được Chân Thần trong nội tại.

Monad (Chân Thần) là hiện hữu thuần khiết, đó là tia sáng khởi sinh từ một ngọn lửa nếu bạn xem Thượng Đế hay sự sống duy nhất như là một ngọn lửa. Đó là Bản Thể Thiêng Liêng, là tia sáng siêu việt thiêng liêng của chính bạn. Trong Cơ Đốc giáo, nó được gọi là tinh thần thuần khiết và trong Ấn Độ giáo nó được gọi là Atman.

Và nó không nằm trong tầm nhìn của chúng ta, chúng ta chưa cảm nhận được nó.

Chỉ khi đến cuộc điểm đạo biến dung, bạn mới lần đầu tiên nhìn thoáng qua nó trong nội tâm, nó rất mạnh mẽ và bạn sẽ cảm nhận một niềm vui tinh thần mà bạn chưa bao giờ trải nghiệm trước đây.

Chân Thần vượt ngoài bản thân tâm thức hay linh hồn. Linh hồn là tâm thức cao cả, đại diện cho minh triết mà bạn đã thu đạt được qua nhiều kiếp sống. Linh hồn đại diện cho phẩm tính Christ giống như tình thương yêu vô tư và bao gồm nhất. Tình thương của linh hồn là phần mà bạn cảm thấy bên trong mình khi bạn nhìn vượt ngoài hình tướng của vạn vật, vượt ngoài những khác biệt, khi bạn cảm nhận bên dưới đó là một nhất thể, một tình thương. Từ góc độ linh hồn, tình thương là trải nghiệm khi bạn nhận ra sự hợp nhất của tất cả mọi thứ. Tình thương là luật hấp dẫn. Bên dưới bề mặt chia rẽ của chúng ta là một nhất thể sâu sắc.

Và khi bạn cảm nhận được sự nhất thể đó, bạn siêu việt những khác biệt của tâm thức, và bạn bắt đầu cảm nhận sự hợp nhất chân thật. Và đó là cội nguồn của tình thương. Tình thương là cảm nhận về sự nhất thể – hợp nhất đó (oneness).

Chính linh hồn là cái có thể cho bạn cảm giác đó. Linh hồn dù vậy vẫn còn là tâm thức. Tâm thức là trải nghiệm cảm nhận của người nhận thức và trở lại cái được nhận thức, nhưng vẫn là một chủ thể, đối tượng, mối quan hệ, khi chúng ta nghĩ về tâm thức.

Từ góc độ phàm ngã, người nhận thức và cái được nhận thức là rất rõ ràng. Từ góc độ linh hồn, bắt đầu siêu việt hơn một chút bởi vì bạn không tập trung nhiều vào cá nhân, bạn đang cảm nhận cái chung bên dưới của mọi người, nhưng nó vẫn còn cảm nhận tôi là cái này, đây là cái tôi nhận thức. Nhưng khi bạn tiến đến cấp độ Monad (Chân Thần), giờ đây sự phân biệt giữa chủ thể khách thể trở nên mờ dần đến nỗi cả hai trở thành như nhau.

Khi đồng nhất với Chân Thần, thì đó là giác ngộ, là chân sư. Chân Thần nhìn thấy tất cả mọi thứ như thể bên trong chính mình.

Linh hồn trải qua nhiều kiếp sống trải nghiệm là con người. Nhưng chân thần, không chỉ là về trải nghiệm con người. Bởi vì dài lâu trước khi bạn là con người, chân thần của bạn đã trải qua giới động vật trong suốt hàng triệu năm, trước đó là giới thực vật, và trước đó nữa là giới khoáng vật.

Như vậy khái niệm luân hồi thực ra còn rộng lớn hơn nhiều như chúng ta vẫn thường nghĩ. Chân thần là khởi đầu hành trình của bạn, nó là tia sáng tối hậu.

Nhưng khi Chân Thần bắt đầu hành trình của nó cách đây hàng triệu năm trước, qua các giới trước đây, nó hoàn toàn ngây thơ. Nó không biết gì cả. Nó không có trí tuệ. Nó không có tình thương. Nó không có cảm giác về mục đích. Tất cả những gì nó có là sự ngây thơ hạnh phúc, như một tia sáng (điểm linh quang) bắn ra từ một ngọn lửa.

Và qua hàng chuỗi yêu cầu mà nó bị buộc phải lao vào giới khoáng vật và bắt đầu định hình bản thân và trải nghiệm những dạng khác nhau của hình hài khoáng vật. Và cuối cùng nó đã phát triển đến dạng trải nghiệm cao nhất trong giới khoáng vật, đó là cấu trúc tinh thể. Nó chuyển vào giới thực vật và dần dần qua hàng triệu năm, nó tiến hóa qua nhiều dạng sự sống thực vật từ sơ khai nhất như cỏ hay tảo đến những cây gỗ đỏ hùng vĩ, và rồi đến giới động vật. Và một hành trình qua nhiều dạng hình tướng động vật.

Rồi cuối cùng đến một ngày khi nó bước vào giới nhân loại, đó cũng là thời điểm khi linh hồn cá nhân bắt đầu thực sự định hình. Và hai món quà lớn, hai năng lực lớn xuất hiện nhờ đó. Thứ nhất là khả năng nhìn thấy cá tính bản thân và phát triển tri thức cá nhân, và cái kia là khả năng quan sát nội tâm (introspect), nhìn vào chính mình.

Nhưng để đến được điểm đó đòi hỏi Chân Thần phải đi qua tất cả các giới của tự nhiên. Về cốt lõi, bạn là chân thần. Bạn trải nghiệm hành trình qua các giới của tự nhiên đến gần cuối hành trình ở giới nhân loại, bạn bắt đầu thức tỉnh với tâm thức linh hồn. Và rồi bạn tiến tới và bắt đầu thực sự tích hợp với chân thần và bây giờ bạn trở thành một chân sư. Bạn không chỉ là chân thần, mà bạn là chân thần với trí tuệ, bởi vì bạn đã trải qua toàn bộ hành trình dài thu đạt nó. Chân thần của bạn giờ đây tràn ngập tình thương và liên hệ sâu sắc với mục đích và ý chí. Cách đây hàng triệu năm trước bạn đã rời đi còn ngây thơ, và trở lại hoàn toàn giác ngộ, khai sáng.

Nhiều khi chúng ta dùng từ “chân sư” (master) và chúng ta nói rằng chân sư là ai đó có nhiều tín đồ quanh họ, v.v… Nhưng thực ra chân sư là người đã làm chủ (master) chiều kích hình tướng, người đã làm chủ các lớp áo khoác thể xác, thể cảm xúc, thể trí và thậm chí người đã làm chủ tâm thức cao hơn, sử dụng tâm thức linh hồn nhưng biết rằng bản thân mình siêu việt hơn cả tâm thức đó.

Khi bạn chạm đến Chân Thần (Monad), bạn đang chạm đến sự sống. Sự thật rằng bạn và tôi thậm chí không biết sự sống là gì. Chúng ta không biết sự sống là gì ở cấp độ phát triển của mình. Bởi vì tất cả những gì chúng ta biết về sự sống là cái mà chúng ta nhận ra nó khi nó sống động.

Rồi đến thời điểm biến dung, khi bạn thoáng nhìn lần đầu tiên về Chân Thần, về ánh sáng, độc lập khỏi hình tướng, bởi vì sự sống thậm chí còn vượt ngoài linh hồn.

TAM NGUYÊN TINH THẦN

Giống như Linh Hồn biểu đạt qua tam nguyên thấp hơn trên các cõi trí, cõi cảm dục và cõi hồng trần, Chân Thần biểu đạt chính mình qua các chất liệu tinh thần cao hơn được gọi là Atma, Buddhi (Bồ Đề), và Manas. Đó là Tam Nguyên Tinh Thần.

Nó hoạt động như một cột hướng dẫn cho Linh Hồn, đệ tử và điểm đạo đồ để đạt đến các cấp độ tâm thức cao hơn. Mỗi biểu đạt năng lượng này tương ứng với ba phương diện của Chân Thần và được cấu thành bởi các chất liệu sau:

Atma – (Ý Chí Tinh Thần – Spiritual Will): Cõi Niết Bàn (Atmic Plane) là cõi và nguồn của những ý tưởng vĩnh cửu, những nguyên mẫu thiêng liêng, và những nguyên khí. Atma đại diện cho phương diện Ý Chí.

Buddhi – (Bồ Đề, Tình Thương Tinh Thần/Minh Triết – Spiritual Love / Wisdom): Cõi Bồ Đề được tạo thành bởi tình thương thuần khiết, trực giác, lý trí thuần khiết, và chuyển tải những ý tưởng trừu tượng (vô sắc tướng – formless ideas). Bồ Đề đại diện cho phương diện Bác Ái.

Manas – (Thượng Trí hay Trí Tuệ): Manas có nghĩa là “trí tuệ (mind)” và liên hệ với phương diện cao hơn của cõi trí. Manas đại diện cho phương diện Trí Tuệ.

Con người về cơ bản là Tinh Thần hay Chân Thần biểu đạt qua Tam Nguyên Tinh Thần. Vì chúng ta không kết nối một cách ý thức với Tam Nguyên Tinh Thần, chức năng của Linh Hồn là hoạt động như một chiếc cầu giữa Tam Thượng Thể và với các phương tiện thấp hơn của Phàm Ngã.

Trên Con Đường Giải Thoát, Linh Hồn dẫn dắt phàm ngã để tích hợp và thay thế biểu đạt thấp hơn của vật chất với những phần tương ứng cao cả hơn. Nó giống như một nam châm, thu hút người chí nguyện hướng đến tam nguyên tinh thần, chẳng hạn chất liệu bồ đề sẽ thay thế chất liệu cảm dục. Cuối cùng, chất liệu cao hơn của ba phương diện này sẽ thay thế toàn bộ tam phân thấp của phàm ngã. Việc tham thiền đều đặn cũng sẽ hỗ trợ quá trình này.

Sau này trong quá trình tiến hóa của Linh Hồn, phàm ngã, bắt đầu với con đường Dự Bị và tiếp tục với Con Đường Đệ Tử, sẽ tạo nên một cây cầu hay đường Antahkarana giữa trí trừu tượng và Manas (trí tuệ) cao hơn. Điều này sẽ cho phép trực giác và lý trí thuần khiết tuôn chảy và đưa các tri thức cao cả xuống Trái Đất.


THỂ NGUYÊN NHÂN – 7 DẠNG LINH HỒN VÀ 7 ASHRAM THUỘC 7 CUNG

Thể nguyên nhân còn gọi là linh hồn thể, kho lưu trữ minh triết thu đạt từ các trải nghiệm hiện tại và quá khứ. Mục đích của nó là giúp cho phàm ngã người chí nguyện tiến hóa đến Bản Thể và Nhận Thức cao hơn – Linh Hồn. Nó lưu trữ minh triết cao cả nhất và tinh túy học được từ cả những trải nghiệm tích cực hay tiêu cực qua các nguyên tử trường tồn mà phàm ngã tích lũy qua một kiếp sống. Tinh túy của những gì học được như một dạng minh triết được lưu trữ trong nguyên tử trường tồn.

Từ quan điểm nội môn, những hành động bất thiện hay nghiệp báo là việc sử dụng năng lượng hay mãnh lực không trí tuệ, qua động cơ ích kỷ của phàm ngã chưa thức tỉnh với linh hồn. Lúc này, năng lượng tiêu cực được lưu trữ trong thể nguyên nhân cần phải được chuyển hóa và thanh luyện.

Năng lượng tốt lành liên hệ với một biểu đạt cao hơn của tâm thức trong phàm ngã, được tạo ra từ những việc làm vô kỷ, vị tha và phụng sự người khác.

Từ những hành động và trải nghiệm mà con người thu đạt được minh triết. Thông qua việc sử dụng khôn ngoan năng lượng và mãnh lực (các tư tưởng, cảm xúc và hoạt động thể chất), phàm ngã cùng với Linh Hồn, học và sử dụng tri thức này để hỗ trợ sự phát triển của nó.

Thể Nguyên Nhân tồn tại qua vô số các kiếp sống và chỉ bị hủy diệt ở cuộc điểm đạo lần thứ tư, khi tất cả các trải nghiệm nghiệp quả đã được thanh luyện và nhu cầu đầu thai nhập thế, tiếp tục vòng tái sinh không còn cần thiết nữa.

Khi phàm ngã đã hoàn toàn hợp nhất với linh hồn ở một kiếp sống nào đó, bạn không chỉ chạm vào nó mà bạn sẽ không bao giờ rời nó. Bạn không bao giờ rơi xuống trở lại [tương ứng với thánh quả Bất Lai – A na hàm trong Phật giáo] mà thực sự có thể duy trì giữ ở điểm cao đó suốt ngày.

Các cõi tâm thức là các cõi của chất liệu thông tuệ. Mỗi cõi tâm thức có bảy cõi phụ. Có một số chất liệu thông tuệ thực sự cao quý, nguyên bản và đã phát triển tốt, và cũng có những chất liệu bên dưới kém phát triển, dạng thông tuệ sơ khai hơn.

Khi nói rằng phàm ngã của bạn trải nghiệm một cảm xúc cao cả, chẳng hạn bạn cảm thấy yêu thương hay bạn cảm nhận nguyện vọng thiện lành. Vào lúc đó, bạn đang trải nghiệm sự thông tuệ của chất liệu đến từ cõi cảm xúc.

Khi bạn có một cảm giác thương hại, đó là một dạng cảm xúc thấp hơn như ghen tuông. Vào lúc đó bạn đang trải nghiệm sự thông tuệ của chất liệu cảm xúc trong thể cảm xúc của bạn, khởi sinh qua chất liệu từ cõi phụ thấp hơn. Tương tự với cõi trí. Những tư tưởng cao cả đến từ chất liệu cao cả hơn của các cõi phụ cao hơn.

Tỉ lệ của chất liệu trong các vận cụ của bạn dần dần biến đổi. Chẳng hạn, trong kiếp sống này, bạn có trong thể cảm xúc của mình nhiều chất liệu thuộc cấp độ ở giữa. Như vậy bạn có nhiều khuynh hướng tìm thấy trải nghiệm dạng cảm xúc chừng mực vừa phải nhưng chưa thật sự là cảm xúc cao cả. Tuy nhiên, khi bạn phát triển và tăng tiến, bạn bắt đầu cảm nhận nhiều cảm xúc cao cả hơn.

Và trong kiếp sống tới, khi bạn lâm phàm nhập thế, mỗi vận cụ của các, các thể xác, thể cảm xúc, thể trí càng trở nên tinh tế hơn qua mỗi kiếp sống, bởi vì bạn đang phát triển và dần dần thanh luyện các vận cụ của mình.

Điểm đạo được dựa trên phần trăm chất liệu cao cả trong các vận cụ của bạn. Nếu bạn có một tỉ lệ nhất định chất liệu cao cả trong vận cụ thể trí, thể cảm xúc, thể xác của mình, điều đó sẽ xác định bậc điểm đạo nào là khả dĩ với bạn như một bước chuyển tiếp lớn trong sự phát triển của bạn.

Khi bạn lâm phàm, sợi sinh mệnh tuyến thu hút chất liệu vào nó qua các hạt nguyên tử trường tồn. Chúng phát ra một chủ âm, rung động. Và chính rung động là cái thu hút chất liệu để tạo ra hình hài. Và tùy thuộc vào bản chất của chủ âm chúng xướng ra sẽ xác định mức độ chất liệu cao cả được thu hút đến nó. Và mỗi lần lâm phàm chúng xướng ra một chủ âm cao cả hơn. Như vậy, từ từ, khi bạn tiến hóa tâm thức, bạn cũng đang thực sự thanh luyện các vận cụ của mình. Những gì chúng ta đang làm ở đây tất cả là về việc nâng cao tâm thức đi lên.

Đây là hành trình, là chiếc thang tiến hóa. Nhưng đó là một cái thang trong nội tâm, và mỗi lớp lại thấy một nơi vi tế hơn, sâu sắc hơn.

Và khi bạn nhìn từ dưới lên, lớp kế tiếp trên cao có vẻ như trống rỗng. Nhưng khi bạn đến đó, bạn nhận ra, ồ nó không trống rỗng, mà lớp tiếp theo mới trống rỗng. Như vậy trải nghiệm tương đối ngày càng vi tế hơn. Nhưng khi bạn nâng bản thân mình đến cấp độ đó, bạn nhận ra cái mà bạn tưởng là trống rỗng thực sự lại đầy.

Nỗ lực học tập nghiên cứu, làm việc và tham thiền để nâng phàm ngã lên cho nó trở thành người phục vụ của linh hồn là Con Đường Đệ Tử. Nhưng từ “đệ tử” (môn đồ) không có nghĩa rằng tuân theo một vị thầy mà nó mang ý nghĩa rằng linh hồn của chính bạn là vị thầy. Vị thầy lớn nhất mà một người có thể đi theo thường là cái ít người nghe theo nhất, và đó là linh hồn của chính bạn.

Khi bạn nâng tâm thức của mình lên qua các cõi này, qua vô lượng thời gian và đạt tới phàm ngã hoàn toàn tích hợp với linh hồn càng nhiều chừng nào thì bạn càng tỉnh thức với cảm giác về trách nhiệm nhiều chừng đó. Lúc đó bạn sẽ nhận ra rằng lý do hiện hữu của bạn là để góp phần nâng cao để làm tốt đẹp hơn cái gì đó vượt ngoài chính bản thân mình.

Linh hồn của bạn có một mục đích và bạn bắt đầu rất chậm rãi, từ từ nhận biết được mục đích đó. Càng hợp nhất với linh hồn nhiều chừng nào thì mục đích xuất hiện trong tâm thức bạn càng rõ ràng chừng đó.

BẢY CUNG – BẢY ASHRAM (NGÔI NHÀ TINH THẦN)

Bảy cung đại diện cho bảy dòng chảy thiêng liêng hiện hữu. Có bảy dạng linh hồn tương ứng với bảy cung. Mỗi dạng linh hồn có một cách thức khuôn mẫu khác nhau trong tư duy về cuộc sống và tạo ra thực tại. Mỗi dạng sẽ muốn phụng sự nhân loại theo một phong cách hoàn toàn khác biệt.

Có bảy đạo viện tương ứng với bảy cung. Và linh hồn của bạn thuộc về một đạo viện tương ứng. Đạo viện (ashram) tương ứng với ngôi nhà tinh thần của mỗi chúng ta. Đạo viện đó ở đâu? Sâu thẳm bên trong bạn. Đó là nơi sâu thẳm bên trong bạn mà từ đó linh hồn bạn đã phóng chiếu ra, và đó là bảy ashram với hàng triệu linh hồn thuộc mỗi ashram. Mỗi ashram chịu trách nhiệm cho một phần của kế hoạch tiến hóa của nhân loại đang mở ra, và thậm chí cả các giới khác của tự nhiên.

Mục đích của bạn là một tác nhân đại diện của ashram. Khi tâm thức càng được nâng cao thì bạn càng dễ tiếp nhận những ấn tượng đến từ ashram và cảm giác trách nhiệm cần làm gì đó với những ấn tượng này.

Các đạo viện nằm trên cõi trí phía trên linh hồn.

Linh hồn của bạn thuộc một cung trong hàng ngàn kiếp sống, nhưng cung phàm ngã của bạn trên một cung khác và nó thay đổi theo mỗi kiếp sống. Hiểu được động lực giữa cung linh hồn và cung phàm ngã, bạn sẽ tìm ra được mục đích cuộc đời mình là gì. Đó là bản chất của linh hồn, và phàm ngã tái xác định cách thực thi mục đích đó, đưa nó vào thế giới.

Các Ashram được đặt tên theo 7 cung.
Cung 1 được gọi là cung ý chí và quyền lực.
Cung 2 là cung bác ái và minh triết.
Cung 3 là cung hoạt động thông tuệ.
Cung 4 là cung hài hòa qua xung đột. Cung 4 cai quản toàn thể giới nhân loại.
Cung 5 là cung trí thức cụ thể và khoa học.
Cung 6 là cung của lý tưởng và sùng tín.
Cung 7 là cung trật tự nghi lễ và huyền thuật.

Mỗi cung có một món quà để mang vào thế giới. Mỗi cung có gì đó quan trọng để góp phần. Tất cả đều cần thiết. Bạn càng chuyển hóa bản thể thấp của mình và trở nên mở ra với ấn tượng từ Linh Hồn nhiều chừng nào thì bạn càng cảm nhận được nhiều hơn về thiên hướng bên trong mình, mục đích linh hồn, điều bạn có thể làm, công việc tinh thần bạn có thể góp phần vào thiên cơ…

BIỆT LẬP NGÃ TÍNH VÀ TÍCH HỢP PHÀM NGÃ

Chúng ta như là một con người xuất phát từ giới động vật cách đây 18 triệu năm trước. Đó là thời điểm khởi sinh của tâm thức được biệt lập ngã tính. Lần đầu tiên một cá nhân có thể bắt đầu nhận ra những quá trình tư duy cá nhân của chính mình, vượt ngoài bản năng động vật. Đó là lý do tại sao sự ra đời của giới nhân loại đôi khi còn được gọi là giai đoạn biệt lập ngã tính. Chúng ta cá nhân hóa tâm thức của mình từ các kiểu mẫu bản năng của động vật và bắt đầu tư duy một cách độc lập hơn.

Nhưng nó vẫn còn rất sơ khai. Tại thời điểm đó chúng ta có lẽ vẫn còn là thú nhiều hơn là người. Nhưng hạt giống của biệt lập ngã tính đã được gieo tại thời điểm đó. Và từ từ qua hàng trăm kiếp sống mà cá nhân lâm phàm, anh ta hoàn toàn chìm trong tư duy và hành động mang tính bản năng sống còn (survival).

PHÀM NGÃ TAM PHÂN

Linh hồn là cái luân hồi từ kiếp sống này đến kiếp sống khác. Mỗi lần nhập thế, không phải toàn bộ linh hồn lâm phàm mà chỉ một phần của nó, đó là một sợi dây được gọi là sinh mệnh tuyến – sutratma. Sợi sutratma giáng xuống và bắt đầu thu hút chất liệu tạo trở thành phàm ngã tam phân. Nó sẽ thu hút chất liệu trí tuệ từ cõi trí và tạo thành thể trí của phàm ngã. Nó cũng sẽ thu hút chất liệu thông minh để tạo thể cảm xúc của phàm ngã và cuối cùng là thu hút chất liệu thể xác. Như vậy khi linh hồn nhập thế, sợi sinh mệnh tuyến sutratma tự bọc lấy chính nó với ba lớp chất liệu thông minh. Nhưng rồi sợi tuyến đó bắt đầu nhầm lẫn nó với các lớp áo mà nó đang khoác vào. Và nó bắt đầu tự nói với mình. Ta là những suy nghĩ và cảm xúc của ta và ta là thể xác này. Nó bắt đầu đồng nhất với trải nghiệm hiện tượng của tư duy, cảm xúc và cảm giác.

Đó là lý do tại sao người ta nói đường đạo là con đường của sự tách rời/từ bỏ (detachment). Đó chính là sự tách rời của sợi sinh mệnh tuyến khỏi các thể hạ trí, cảm xúc và thể xác. Khi toàn bộ sợi sinh mệnh tuyến không còn đồng nhất nó với ba lớp đó nữa, thì từ một góc độ nhất định, điều đó giống như là cửa ngõ tiến đến giác ngộ.

Thể trí, thể cảm xúc và thể xác-dĩ thái được gọi là phàm ngã tam phân, hay tam hạ thể (the lower triad). Tam thượng thể tương ứng với biểu đạt Atma – Bồ Đề – Manas của Tam Nguyên Tinh Thần cuối cùng sẽ thay thế vật chất của các thể thấp.

Thể trí, phương diện trí tuệ (Manas), đại diện cho cách chúng ta suy nghĩ, xử lý thông tin và tổ chức mọi thứ. Thể trí còn được gọi là trí cụ thể hay trí hữu hạn. Trí trừu tượng và thể nguyên nhân là một phần của phương diện trí tuệ.

Thể cảm xúc/thể cảm dục (Kama-Manas, trí cảm) được tạo thành bởi những mong muốn, cảm xúc sợ hãi, hạnh phúc, hy vọng, nhạy cảm, lo lắng. Cảm xúc, tình cảm có tác động lên thể xác – dĩ thái.

Thể xác – dĩ thái làm bằng vật chất đậm đặc, năng lượng, sức sống, nó có hệ thần kinh và não bộ.

Cùng với nhau, thể trí, thể cảm dục, thể xác, tạo thành các phương tiện hay các lớp vỏ tạo thành một cá nhân. Như chúng ta sẽ thấy, chúng là những phương tiện để phát triển trực tiếp ý thức của Linh Hồn đối với người chí nguyện, cho đến người đệ tử, và cả những điểm đạo đồ cao cấp.

Chúng ta càng thanh luyện thể trí (tư tưởng) và thể cảm xúc càng nhiều thì chúng ta cung cấp cho Linh Hồn những vận cụ ngày càng tốt hơn cho ánh sáng của nó.

PHÀM NGÃ TÍCH HỢP

Và từ từ qua nhiều kiếp lâm phàm, phàm ngã đó trở thành một phàm ngã tích hợp. Một phàm ngã tích hợp là một phàm ngã có tất cả ba thể của nó được tích hợp và hoạt động tốt cùng với nhau. Sự sống của tư tưởng, cảm xúc và thể xác làm việc phối hợp tốt cùng với nhau và không cản trở nhau, thể cảm xúc không đối ngược với sự sống tư tưởng. Nhiều vấn đề tâm lý mà thế giới ngày nay đang đối mặt thực sự là biểu hiện của việc thiếu tích hợp phàm ngã.

Mục đích của việc tích hợp phàm ngã là để nó trở thành một vận cụ hiệu quả của linh hồn để phụng sự cho toàn thể lớn hơn. Linh hồn cần một phàm ngã tích hợp tốt, mạnh mẽ, tư duy thấu suốt rõ ràng để biểu đạt trên cõi hồng trần.

Nhưng, trớ trêu thay, khi phàm ngã đã tích hợp, khi linh hồn thực sự cố gắng bắt đầu một cách hữu thức tạo một ấn tượng trực giác lên phàm ngã đó, thì cái tôi – bản ngã ích kỷ, tự cao lại bắt đầu trỗi dậy. Ít nhất một đến hai hoặc đôi khi ba kiếp lâm phàm, bạn có một phàm ngã đã tích hợp hoàn toàn thực sự rất hiệu quả trên thế giới nhưng nó chống lại bất cứ thúc đẩy nào từ phần sâu sắc hơn của chính mình. Đó chính là cái tôi – bản ngã, và nó khá mạnh mẽ. Cái tôi đó có thể di dời những quả núi nhưng theo một cách ích kỷ, rất ích kỷ. Dù vậy, nó thực sự là một bước cần thiết trên hành trình.

Cuối cùng, phần cao cả hơn trong chúng ta, đó là phần sâu sắc hơn, bắt đầu dần được phàm ngã nhận ra. Và dần dần phàm ngã bắt đầu nhận ra rằng có lẽ nó nên bắt đầu buông bỏ một chút, bởi vì ban đầu nó không biết tin vào cái gì, liệu nó có thể tin tưởng thúc đẩy từ nội tâm đó không.

Con đường đạo đó là làm sao để phần cao cả của bạn từ từ chuyển hóa phần thấp kém của bạn, để cho phần thấp hơn có thể là một công cụ mà nó sử dụng để tạo nên sự khác biệt trên thế giới.

Đến một thời điểm khi phàm ngã không chỉ bắt đầu cảm nhận linh hồn và dần dần lắng nghe linh hồn mà rồi phàm ngã cũng bắt đầu buông bỏ sự kiểm soát của nó một chút và chúng ta có khởi đầu của sự hòa nhập linh hồn trong phàm ngã. Linh hồn muốn thâm nhập tâm thức của nó vào phàm ngã để chúng ta có một phàm ngã đã hòa nhập với linh hồn. Đa số chúng ta sự hòa nhập với linh hồn mới chỉ một phần nào. Nhưng từ từ, dần dần, phàm ngã sẽ ngày càng truyền dẫn nhiều hơn linh hồn (qua các bậc điểm đạo) và nhường chỗ cho những thúc đẩy sâu thẳm từ bên trong. Điểm đạo đại diện cho những cột mốc của sự hòa nhập, truyền dẫn linh hồn này.


TRÍ TUỆ CON NGƯỜI

Trí tuệ ghi nhận ý định của Linh Hồn.

Trí tuệ con người có chức năng là trung tâm nhận thức về đời sống và môi trường quanh con người. Trí tuệ phân biệt giới nhân loại với giới động vật và thể hiện phương diện Thiêng Liêng thứ 3 – Thông Tuệ Linh Hoạt (Active Intelligence). Thông qua trí tuệ, con người ghi nhận ý định của Linh Hồn và điều này giúp anh ta thấu hiểu và đưa đến tiến hóa và khai mở nền văn minh. Tâm trí và ý thức con người đã tiến hóa qua trí tuệ bằng việc người chí nguyện sử dụng sự phân biện và phát triển trí trừu tượng. Điều này cho phép anh ta có khả năng ghi nhận những ấn tượng, tiếp xúc với Linh Hồn và Tam Nguyên Tinh Thần. Trên con đường tinh thần, khi mở rộng tâm thức, chúng ta mong muốn thượng trí, hay Linh Hồn, dẫn dắt tâm trí, suy nghĩ và xây dựng tư tưởng.

Cõi trí bao gồm trí cụ thể, trí trừu tượng và thể nguyên nhân hay Linh Hồn. Trí cụ thể còn được gọi là hạ trí hữu hạn. Trí cụ thể lý luận, logic, phân biện, chia tách, tạo ra những tư tưởng mới. Trí cụ thể được thấy trong nhà khoa học, kiến trúc sư, kế toán, người phân tích dữ liệu, đưa ra kết luận và phân biệt giữa cái thực và không thực… và nhìn thế giới qua năm giác quan vật lý cơ bản.

Khi những hình tư tưởng của trí cụ thể trở nên quá tập trung, nó ngăn chặn khả năng ghi nhận những ấn tượng và soi sáng từ Linh Hồn. Vì vậy, người tìm đạo được khuyên hãy thực hành sự tách rời, không dính mắc và điềm nhiên. Điều này chủ yếu đạt được qua tham thiền, nhờ đó bạn học cách đồng nhất với những năng lượng cao hơn của Linh Hồn.

Trí trừu tượng nằm trên cõi thượng trí, và chia sẻ cùng không gian cõi phụ với Linh Hồn và thể nguyên nhân. Nó hoạt động như một cây cầu giữa trí cụ thể (năm giác quan cõi trần) và phương diện cao nhất của trí tuệ, Linh Hồn. Khi đạt được chỉnh hợp trong tham thiền, phàm ngã có thể đón nhận những ấn tượng, ý tưởng, trực giác và tình thương từ Linh hồn qua trí trừu tượng.

TÍNH CHIA RẼ CỦA HẠ TRÍ

Có những chia tách nhất định tồn tại giữa một thể đặc thù của phàm ngã và với Linh Hồn. Sự chia rẽ ngăn trở việc hợp nhất và tích hợp, giống như giữa các thể cảm xúc và thể trí, và phàm ngã và Linh Hồn. Về bản chất, chia rẽ là việc đồng nhất bất cứ sự tách biệt nào tồn tại trong tâm thức chúng ta mà làm ngăn trở dòng chảy của trực giác, các ấn tượng và soi sáng đến từ Linh Hồn hay Tam Nguyên Tinh Thần.

Điều này đặc biệt quan trọng cần biết trong quá trình tích hợp trên Con Đường Đệ Tử, nơi bạn trở thành Người Quan Sát hữu thức các năng lượng và các quá trình diễn ra trong tâm thức của bạn.

Sự chia rẽ được khắc phục qua tham thiền bằng cách cho phép các mãnh lực và các năng lượng của Linh hồn tuôn chảy không bị ngăn trở xuyên suốt tâm thức và thể dĩ thái. Tham thiền và sử dụng Trí Trừu Tượng hỗ trợ việc tái định hướng phàm ngã để nó có thể kết nối với Linh Hồn và Tam Nguyên Tinh Thần. Điều này đạt được hầu hết bằng cách bắc cầu nối giữa hạ trí và thượng trí.

 

ĐƯỜNG CẦU VỒNG ANTAKARANA

Giữa hạ trí của phàm ngã và tam thượng thể (tam nguyên tinh thần cao hơn gồm Atma -Buddhi – Manas) có một khoảng cách trong tâm thức. Khoảng cách này cản trở giao tiếp từ Tam Nguyên tinh thần và vì thế cản trở quá trình nhất quán diễn ra. Khoảng cách này có thể được nối lại bởi sự sáng tạo ra cái gọi là đường “Antahkarana” qua hình dung quán tưởng hay hình tư tưởng được người chí nguyện tạo ra. Lưu ý, hình dung quán tưởng là một hành động của ý chí.

Người chí nguyện, và sau này là người đệ tử, nối khoảng cách này trong việc tham thiền bằng cách hình dung quán tưởng một đường năng lượng đi qua thượng trí và kết nối với Linh Hồn. Linh Hồn, cấp độ thấp nhất của Tam Nguyên Tinh Thần, mở ra nhận các năng lượng từ Tam Nguyên Tinh Thần để có thể truyền xuống phàm ngã. Sự kết nối này bắt đầu trên Con Đường Dự Bị và tiếp tục trên Con Đường Đệ Tử và Điểm Đạo.

Công việc cầu nối thực sự liên quan đến người đệ tử sử dụng ý chí của mình để kết nối ba thể thấp (Phàm ngã tam phân) với ba phương diện Thiêng Liêng và Tam Nguyên Tinh Thần. Anh ta sẽ làm điều này với năng lượng tư tưởng.

Có sự tương ứng như sau:
Thể hạ trí liên quan với Manas.
Thể cảm dục/astral liên quan với Bồ Đề.
Thể xác liên quan với Atma hay ý chí tinh thần.

Chú thích thêm:

“Khoa học về Antahkarana là khoa học về sự hiển lộ của ánh sáng, với các kết quả là mặc khải và những thay đổi nhờ đó. Chúng ta cần nhớ rằng:

Ánh sáng là chất liệu, và từ góc độ của tinh thần, ánh sáng là sự thăng hoa hay dạng vật chất bậc cao.
Ánh sáng cũng là phẩm tính hay đặc tính chủ yếu của linh hồn trong cõi riêng của nó, và của thể dĩ thái (sau rốt cũng là phản ảnh của linh hồn) trong ba cõi tiến hoá của nhân loại.

Mục tiêu của khoa học mà chúng ta đang xem xét là hoà hợp ánh sáng cao và ánh sáng thấp, sao cho chỉ có một ánh sáng chiếu diệu trong sự hiển lộ trần gian, và do đó tạo ra một tổng hợp của ánh sáng.

Nói một cách kỹ thuật, có hai thể ánh sáng tồn tại: thể dĩ thái hay sinh lực và thể linh hồn. Một cái là kết quả của vô vàn kiếp sống theo thời gian trở thành kho to lớn của các năng lượng thu thập qua các mối+ tiếp xúc rộng rãi, mặc dù các tiếp xúc nầy bị hạn định bởi các cung của ba thể. Thể dĩ thái ngày nay tồn tại và hoạt động vô cùng mạnh mẽ. Còn thể linh hồn đang trong quá trình kiến tạo châm chạp, và nó là “ngôi nhà không xây bằng tay, vĩnh cửu trên thiên đàng” mà Kinh Thánh Tân Ước đề cập đến (II Cor. 5:I).

…Tuyến tam phân vốn tồn tại từ khởi thuỷ và kết nối con người với chơn thần của mình. Việc nhận thức được tuyến nầy và sử dụng nó một cách có ý thức như Con Đường (The Path) và phương tiện để ngày càng mở rộng mối tiếp xúc chỉ xảy ra tương đối sau này. Mục tiêu của tất người mộ đạo và đệ tử là ý thức được sợi dây năng lượng này trong nhiều biến thể khác biệt của nó, và sử dụng một cách hữu thức những năng lượng này theo hai cách: tự khai mở nội tâm và trong việc phụng sự thiên cơ.

1. Sợi dây sự sống (Sinh mệnh tuyến) xuất phát trực tiếp từ Chân thần hay Đấng Duy Nhất. Sợi dây này an trụ trong tim trong suốt cuộc sống. Tim là trú xứ của Sự sống.
2. Sợi dây tâm thức (Thức tuyến) xuất phát trực tiếp từ linh hồn. Sợi dây này an trụ trong đầu. Đầu là trú xứ của tâm thức.
3. Sợi dây hoạt động sáng tạo do con người khởi tạo. Khi đã cấu tạo tương xứng, nó an trụ tại cuống họng. Sợi dây này là sự nối dài của hai sợi dây căn bản trên.”

Tham khảo: https://www.minhtrietmoi.org/WPress/duong-antahkarana-khoa-hoc-ve-antahkarana/

THỂ CẢM XÚC VÀ CHUYỂN HÓA CẢM XÚC

Cõi Trung Giới là cõi của những cảm xúc. Nó là một tập hợp các mãnh lực và năng lượng đang tương tác với nhau (các cảm xúc tạo ra ảo tưởng, ảo cảm và một sự mô tả méo mó về thực tại. Mục đích chính của Con Đường Giải Thoát là loại bỏ hoàn toàn tất cả những quan điểm méo mó về thực tại để có thể nhìn thấy rõ ràng trên tất cả các cõi giới. Điều này đạt được thông qua sự chỉnh hợp và tích hợp với Linh Hồn.

Cảm xúc là một phản ứng với ai đó hay cái gì đó và nó kích thích bản chất “cảm nhận” của thể cảm dục. Kết quả thường là các cảm xúc sợ hãi, yêu thương, ghen tuông, thù hận, tức giận, tham lam, vui sướng, phấn khởi và ham muốn.

Người tìm đạo hữu thức ý thức sâu sắc về các nhị nguyên này được cảm nhận trong thể cảm dục của anh ta. Vd, anh ta cảm thấy vui sướng, nhưng ý thức sâu sắc cái đối lập là nỗi đau. Tại thời điểm nào đó trên đường đạo, anh ta sẽ hiểu và trở nên không dính mắc qua sự điềm nhiên và đưa lại cân bằng và chỉnh hợp cho bản chất của mình và như thế cuối cùng dẫn đến sự tích hợp và giải thoát.

Trong các giai đoạn cao cấp của phát triển tinh thần, trong cuộc điểm đạo thứ 2, anh ta sẽ chủ ý chiến thắng những cảm xúc có hại cho bản chất của Linh Hồn.

Chúng ta biết rằng các cảm xúc tiêu cực có thể được chuyển hóa qua hiểu biết trí tuệ và áp dụng các kỹ thuật. Vì thế trong tham thiền, bạn sẽ quan sát những cảm xúc tiêu cực, ví dụ như tức giận và cách nó tạo ra sự chia rẽ trong tâm thức từ những người khác và cản trở cảm hứng cao hơn từ Linh Hồn.

Khi đối mặt với ảo cảm hay ảo tưởng trong thể cảm dục của mình, tốt nhất là giải quyết nó trên cõi trí với sự giúp đỡ từ Linh Hồn… và bằng cách sử dụng các kỹ thuật của trí tuệ.

Sử dụng Kỹ Thuật Ánh Sáng, bạn có thể đưa nhận thức về cái bạn đang giải quyết về mặt cảm xúc và hợp nhất với Linh Hồn để đưa tới phương diện cao hơn để khắc phục nó. Các năng lượng thù hận, vô minh và chia rẽ được cân bằng nhờ sự hợp tác và thiện chí.

Hãy nhớ cách các kỹ thuật này hoạt động: ảo cảm hay các cản trở trong thể cảm dục được xác định và phàm ngã và linh hồn hợp tác với nhau để ánh sáng của Linh hồn soi chiếu vào nó và chuyển hóa nó.
Sử dụng kỹ thuật này, bạn đang đạt được sự chỉnh hợp và tích hợp với Linh hồn bằng cách cho phép Bồ Đề cao hơn thay thế tính chất phản ứng thấp hơn của thể cảm dục. Bồ Đề từ Cõi Trực Giác đại diện cho một biểu đạt cao hơn của tình thương, sự nhạy cảm, lòng từ bi, lý trí thuần khiết, và trực giác và tạo nên sự tinh luyện và cứu chuộc vật chất cảm dục thấp hơn.

TRÍ CẢM

Một phần đáng kể của thể cảm dục được tạo thành từ Trí Cảm (Kama-manas). Trí cảm bị đánh lừa bởi thế giới sắc tướng và cảm xúc và tìm cách thu đạt các trải nghiệm gồm ham muốn cá nhân, thường dẫn đến trải nghiệm đau khổ hay vui sướng. Đây là sự kết hợp của năng lượng cảm xúc và hạ trí (trí cụ thể). Cùng với nhau, chúng tạo ra ảo cảm trên 18 cõi phụ dưới thấp.

Bản chất cảm dục có thể tạo nên ám ảnh và nghiện.

Bản chất cảm dục của con người thúc đẩy anh ta “muốn” các đối tượng, mua sắm, cờ bạc, rượu chè, chất gây nghiện, tình dục, lâm vào nợ nần, thể thao, tập thể dục, v.v… Bất cứ gì trong những thứ này có thể dẫn tới những ám ảnh hay nghiện ngập trong các thể trí và thể cảm dục.

Vấn đề của trí cảm thúc đẩy một người và làm sống động hay thỏa mãn thể cảm dục, và ngăn trở sự hiện diện của Linh Hồn.

Chúng ta cũng nên hiểu rằng có một ham muốn cao cả hơn liên kết với các năng lượng của Linh Hồn và tích hợp Phàm ngã thấp kém với Bồ Đề tâm trong tâm thức của bạn.

Sự khác biệt giữa các ham muốn và cảm xúc là gì?

Cảm xúc được tạo ra khi một người “cảm nhận” và anh ta nghĩ về cảm nhận của mình; dẫn đến một “phản ứng” được cảm nhận trong thể cảm dục.

Ham muốn là những cảm xúc tình cảm được kích thích bởi các hình tư tưởng của hạ trí đi vào thể cảm dục. Ví dụ, “Tôi muốn cái này cho sự thỏa mãn của riêng mình…”

Tháp năng lượng (Nguồn: sưu tầm)

CHUYỂN HÓA CẢM XÚC

Khi ham muốn cao cả chiếm ưu thế, người chí nguyện thuần hóa những cảm xúc và ham muốn thấp kém của mình. Để đạt được trạng thái này, anh ta cần thực hành nhiều hơn các phẩm tính sau:

– Sự chấp nhận – đó là giữ một thái độ tích cực liên quan đến những điều kiện nà bạn đang sống trong đó. Về mặt lý tưởng, điều này sẽ là một hiểu biết đúng đắn trong hạ trí/phàm ngã về các tình huống của đời sống trong đó bạn, người tìm đạo sẽ không bị khuất phục bởi ham muốn thấp kém, bởi những cảm xúc như “tôi không có cái tôi muốn”, hay “tôi cần kiểm soát” (‘I need to be in control’).

– Điềm tĩnh, cân bằng – thực hành điềm tĩnh liên quan đến việc hoàn toàn khuất phục tất cả phản ứng cảm xúc và giảm thiểu những xáo động cảm xúc trong phàm ngã. Ở đây, thay vì “phản ứng với ai đó hay tình huống”, chúng ta “hồi đáp”. Hồi đáp đến từ một vị thế điềm tĩnh trong nhận thức và đưa tới sự phân biện cao hơn và sáng suốt trí tuệ.

– Người chí nguyện cũng thực hành chí nguyện hướng đến khơi gợi “Trí Tuệ Manas/Bồ Đề”, tham thiền để hữu thức đưa tới những năng lượng cao cả của cõi Bồ Đề nhằm chuyển hóa thể cảm dục.

Lưu ý:
Sự kiểm soát bản chất cảm dục ban đầu bắt đầu trên Con Đường Dự Bị và vẫn tiếp tục trên Con Đường Đệ Tử hay thậm chí Con Đường Điểm Đạo. Học cách kiểm soát ham muốn là một yếu tố quan trọng để đạt được tiến bộ tinh thần. Chúng ta không ủng hộ việc dập tắt hay đè nén các cảm xúc mà học cách biểu đạt cảm xúc cao hơn với tình thương và sự thấu hiểu, lý tưởng là từ Cõi Bồ Đề.

Các cảm xúc ảnh hưởng đến cơ thể chúng ta theo nhiều cách khác nhau. Điều gì xảy ra khi một cảm xúc quá mạnh mà bạn không có được đối tượng mà bạn mong muốn? Kết quả: thể hạ trí và thể sức sống bị ảnh hưởng hay căng thẳng. Y học và truyền thông chính thống đã công nhận từ lâu mối quan hệ trực tiếp giữa tâm trí, thái độ, cảm xúc và cơ thể.

Chúng ta biết rằng cơn tức giận tập trung xung quanh luân xa thứ ba (luân xa tùng thái dương) bị kích động quanh dạ dày. Điều này dẫn đến những vấn đề quanh việc tiêu hóa, đau bụng, lo lắng, sợ hãi, và đau đầu.

Chúng ta biết rằng hệ thần kinh và hệ nội tiết hoạt động với các tuyến nội tiết. Các tuyến nội tiết, khi bị căng thẳng sẽ tiết ra các hormon như adrenalin vào máu, gây nên cảm giác bất an, sợ hãi, lo lắng, thù hận, chia rẽ và ích kỷ. Với một lượng adrenalin tăng lên trong cơ thể, người ta có thể trở nên hung hăng và bất ổn hơn. Tất cả những điều này làm tắc nghẽn các năng lượng của Linh Hồn.

Những cảm xúc yêu thương, thiện chí, hợp tác và ấm áp hướng về cuộc sống của bạn, công việc của bạn và hướng đến những người bên bạn sẽ giúp cơ thể sẽ không bị stress và hoạt động trong một trạng thái hài hòa tự nhiên và có thể là công cụ để phụng sự. Tất nhiên, đây là mục tiêu tinh thần mà chúng ta đang nỗ lực.

Khi không bị căng thẳng về cảm xúc và lo lắng của hạ trí, thì thượng trí hoạt động, cho phép các ấn tượng, các tư tưởng cao cả, lý tưởng, trực giác và dòng chảy của tâm thức linh hồn được tuôn đổ và ghi nhận.

Để đối trị với những lo lắng, Kỹ Thuật Ánh Sáng là một công cụ xuất sắc để vượt qua những hạn chế của thể cảm dục.

THỂ XÁC/DĨ THÁI VÀ HỆ THỐNG LUÂN XA

Thể dĩ thái liên quan đến sức khỏe thể chất, là trạm truyền chuyển các năng lượng từ linh hồn.

Hình hài vật chất được tạo thành từ thể xác, các cơ quan của nó và năm giác quan. Thể dĩ thái hay thể sức sống được cấu tạo từ các chakras (luân xa) và hệ thống kinh mạch huyệt đạo (Nadis). Cả hai đều được làm sống động bởi linh hồn, qua sinh mệnh tuyến Sutratma và hoạt động trên cõi hồng trần qua phàm ngã.

Ở cấp độ vi tế, thể dĩ thái hay thể sức sống là hình hài thấp nhất của khí cụ hồi đáp và đại diện cho tiêu điểm của Tinh Thần Thuần Khiết, thông qua Linh Hồn trên cõi vật chất đậm đặc.

Thể dĩ thái liên quan trực tiếp tới sức khỏe thể chất và được xem như năng lượng sống của một người khi lâm phàm trên cõi hồng trần. Nó được cấu tạo từ chất liệu vi tế hơn thể xác trọng trược. Chức năng chính của nó là tiếp nhận và truyền chuyển các mãnh lực như prana (sinh khí) và kích thích từ Linh Hồn đến các cơ quan, tuyến nội tiết, hệ thần kinh và dòng máu chảy trong hệ tuần hoàn.

Luân xa lá lách của thể dĩ thái là nơi truyền chuyển các năng lượng sống đến thể xác từ mặt trời, sinh khí hay các mãnh lực sống khác trong môi trường.

Linh Hồn làm sống động thể sức sống qua Sinh Mệnh Tuyến (Sutratma), chuyên chở nguyên khí sự sống trong trái tim và khắp cơ thể qua dòng máu.

Chỉ khi chết thì sutratma hay sinh mệnh tuyến mới bị cắt đứt và các nguyên tử trường tồn thể trí, thể cảm dục và thể xác được thu rút trở lại về Thể Nguyên Nhân.

CHAKRAS – CÁC LUÂN XA/TRUNG TÂM NĂNG LƯỢNG

Trên cấp độ dĩ thái và vật lý đậm đặc, có bảy trung tâm năng lượng chính hay bảy chakras/luân xa và kinh mạch tác động đến sinh lý con người. Mỗi luân xa có một tác động tương ứng lên các tuyến của hệ thống nội tiết và các cơ quan vật lý. Chúng là:

Luân xa vương miện/đầu: thể tuyến yên, não bộ.
Luân xa Ajna hay con mắt thứ ba: tuyến tùng, tai, mũi và mắt.
Luân xa cổ họng: tuyến giáp, ống phế quản, phổi và dây thanh âm.
Luân xa tim: tuyến ức, hệ miễn dịch.
Luân xa tùng thái dương: tuyến tụy, gan, dạ dày.
Luân xa xương cùng: tuyến sinh dục, hệ sinh dục.
Luân xa gốc: tuyến thượng thận.

Các trung tâm năng lượng này được phủ lên và kết nối với thể xác qua sinh mệnh tuyến hay sutratma trong trái tim. Tất cả chúng được kích thích bởi Linh Hồn vào những khoảng thời gian định kỳ trong cuộc đời của người chí nguyện để hỗ trợ chỉnh hợp các thể hạ trí, thể cảm xúc và thể xác nhằm tích hợp phàm ngã thành một khối hoạt động thống nhất.

Thể dĩ thái được cấu tạo bởi một mạng lưới rộng lớn gồm các đường lực nhỏ gọi là hệ thống kinh mạch “Nadis” vận chuyển năng lượng sống (sinh lực). Hệ thống kinh mạch cấu tạo bởi chất liệu vi tế hơn thể xác và tương ứng với hệ thần kinh. Hệ thống được nuôi dưỡng và chịu sự chi phối qua những đường lực này. Hệ thống kinh mạch cũng có vai trò quan trọng đối với hoạt động của tâm thức và cảm nhận trong hào quang con người. Hệ thống kinh mạch cũng kết nối với bảy luân xa chính và dòng chảy từ luân xa gốc cột sống đến đầu như hình vẽ.



Trong khi mở rộng tâm thức, ba kênh dẫn chính trong thể dĩ thái đi vào hoạt động là Ida, Pingala và Sushuma. Ida và Pingala quấn hai bên dọc kênh dẫn trung tâm Sushuma.

Ba kênh dẫn, dưới sự chỉ huy của Linh Hồn và người đệ tử hữu thức chủ ý di chuyển các năng lượng lên và xuống các kênh dẫn để đẩy nhanh việc đốt cháy mọi mạng lưới dĩ thái còn lại hay các tắc nghẽn quanh bất kỳ luân xa nào.

Với người thường, ba trung tâm dưới trái tim (luân xa gốc, xương cùng và tùng thái dương) hoạt động nhiều nhất. Thông qua tham thiền và sau khi khai mở tinh thần đến một mức độ nhất định thì luân xa tim và luân xa cổ họng bắt đầu dần dần thức tỉnh.

Hãy nhớ rằng trong suốt giai đoạn Dự Bị và Đệ Tử của sự phát triển tinh thần, người chí nguyện được giám sát bởi Linh Hồn. Nhưng liệu Linh Hồn có thể hiện diện kết nối liên tục 24/7 lại phụ thuộc vào người chí nguyện có muốn tiếp cận và chỉnh hợp một cách ý thức với nó hay không, giống như phàm ngã hợp tác với Linh Hồn vậy.

Tuy nhiên, Linh Hồn không “bất động” trong giai đoạn phát triển. Nó cũng muốn người chí nguyện thành công trong sự phát triển tinh thần của mình. Linh Hồn kích thích người chí nguyện qua các ấn tượng và các luân xa.

Điều gì xảy ra khi Linh Hồn kích thích (các) luân xa đi vào hoạt động?

Trong suốt sự phát triển tinh thần ở đời sống người chí nguyện, các luân xa dưới thấp có một tương tác tương ứng với luân xa cao hơn. Chúng ta hãy xem xét một số sự kết hợp luân xa như sau:

– Kết hợp luân xa xương cùng (2) và luân xa cổ họng (5): các năng lượng từ luân xa xương cùng (tình dục, sức sống và hoạt động sáng tạo kết hợp với luân xa cổ họng. Sự kết hợp năng lượng này tạo nên một nhà diễn thuyết trước công chúng, một người sáng tạo.

– Kết hợp luân xa tùng thái dương (3) và luân xa tim (4): một người hoạt động từ luân xa tùng thái dương nhưng cân bằng nó với tình thương và ý thức làm việc với nhóm của luân xa tim. Hợp tác và thiện chí sẽ hỗ trợ kết nối này.

– Kết hợp luân xa xương cùng (2) và luân xa tim (4): một kết hợp biểu đạt vật lý của sự ấm áp và tình yêu thương, hoặc có thể là sự ân ái.

– Kết hợp luân xa tùng thái dương (3) và luân xa cổ họng (5): người đó “nói ra những gì anh ta cảm nhận”.

– Kết hợp luân xa xương cùng (2) và luân xa ajna – con mắt thứ ba (6): người đó có một ý tưởng được truyền cảm hứng hay viễn cảnh trong con mắt thứ ba, được làm sống động từ luân xa xương cùng. Với Con Mắt thứ 3 đã thức tỉnh (khai mở), anh ta có thể học cách chủ ý tiến hành công việc của mình, giống như một người muốn tạo ra một hình tư tưởng rõ ràng để biểu hiện.

Sự khai mở các luân xa và hoạt động của chúng một cách tự nhiên được khuyến khích qua tham thiền, nghiên cứu tinh thần và thanh luyện đời sống tư tưởng như thực hành thiện chí và hạnh vô hại.
Nếu các nỗ lực của người chí nguyện được hướng đến một công việc phụng sự vô kỷ cho nhân loại, tư tưởng này sẽ cân bằng các năng lượng của thể dĩ thái và chúng sẽ phát triển, khai mở một cách tự nhiên, dưới định hướng của Linh Hồn.

Cuối cùng, nhà huyền học biết rằng các luân xa từ tim đến vương miện sẽ nằm im ngủ ngầm cho đến khi có kích thích bởi Linh hồn tùy theo sự khai mở tinh thần. Người chí nguyện biết rằng không bao giờ gây tác động trực tiếp lên các luân xa, bởi vì tương tác trực tiếp với bất cứ luân xa nào cũng có thể gây nên những hậu quả về thể chất, cảm xúc hay trí tuệ, chẳng hạn như bất ổn về cảm xúc hay trí tuệ.

RÈN LUYỆN CÁC THỂ (Chế độ ăn uống, tập luyện thể dục hỗ trợ cho sự phát triển linh hồn)

Rèn luyện ở đây muốn nói đến việc chuẩn bị vật chất của thể xác và thể dĩ thái cho sự kết nối với Linh Hồn và thực hiện công việc phụng sự. Một cơ thể được cấu tạo bởi vật chất trọng trược thấp kém “chưa chuẩn bị về mặt tinh thần” sẽ cản trở người chí nguyện tiếp xúc với rung động cao hơn của Linh Hồn. Hãy nhớ rằng, rung động cao cả của Linh Hồn gần như không có tác động gì đến não bộ hay thể dĩ thái của người chưa tiến hóa.

Để chuẩn bị và duy trì thể xác và thể dĩ thái làm một công cụ nhanh nhẹn và hữu ích cho Linh Hồn trong phụng sự, những điều dưới đây được khuyến nghị ở mức tối thiểu cho người chí nguyện tuân theo hàng ngày:

– Thực phẩm thanh sạch như đồ hữu cơ hay tiến tới chế độ ăn thực vật (chay).
– Sạch sẽ: thực hành vệ sinh để giữ cơ thể sạch sẽ không bị bệnh tật.
– Ánh sáng mặt trời: tiếp xúc ánh sáng mặt trời giúp cung cấp sinh khí và năng lượng cho cơ thể.
– Ngủ: Người chí nguyện phải ngủ đủ giấc để có đủ sức khỏe thực hiện công việc tinh thần. Nếu thể xác mệt mỏi hay thiếu năng lượng do thiếu dinh dưỡng hay không nghỉ ngơi đủ, thì cơ thể sẽ kiểm soát tình huống và cản trở người chí nguyện tiếp xúc với Linh Hồn và thực hiện công việc phụng sự ý nghĩa.
– Tập luyện thể dục hàng ngày là quan trọng cho việc duy trì sức khỏe thể chất. Thể dục sẽ giúp khôi phục sức khỏe, vượt qua bệnh tật và thay đổi tâm trạng.

Bên cạnh chế độ ăn uống và tập luyện hữu ích chung cho sức khỏe hạnh phúc (well-being), nó cũng giúp bạn duy trì các thể trí, thể cảm xúc, thể xác vững vàng để phụng sự, giúp bạn nhận thức rằng bạn là một sinh mệnh hợp nhất hoàn toàn đang biểu đạt ý định của Linh Hồn.

CON MẮT THỨ BA

Con mắt thứ ba hiện hữu trong chất dĩ thái và là trung tâm lực nằm ngay trước trán, giữa hai con mắt vật lý. Nó là phần dĩ thái tương ứng của tuyến tùng quả. Trong tài liệu huyền môn, nó được gọi là Con Mắt Nhìn Thấy Tất Cả, Con Mắt của Nhà Huyền Thuật, Con Mắt của Viễn Ảnh, Vị Điều Hướng Năng Lượng, và Con Mắt của Linh Hồn.

Trên con đường đệ tử, cả hai luân xa vương miện và Ajna trở nên hoạt động. Người đệ tử đã tích hợp và được chỉ huy bởi Linh Hồn học cách sử dụng con mắt thứ ba như một khí cụ chính, cùng với Linh Hồn, tạo ra một trường điện từ. Trong cuốn Tâm Lý Học Nội Môn Quyển II, Chân Sư D.K nói rằng:

“Có hai luân xa (thể hiện bên ngoài bởi hai tuyến là tuyến tùng quả và thể tuyến yên) trở nên sống động và hoạt động tích cực, thông qua phụng sự, tham thiền và khát vọng chân chính. Một đường tiếp xúc giữa chúng cuối cùng được thiết lập với sức mạnh ngày càng tăng. Cũng có một đường tuyến với sức mạnh rực lửa hướng đến đỉnh của cột sống. Khi sự sống của linh hồn ngày càng mạnh mẽ hơn, sự phát tỏa của các luân xa tăng dần, phạm vi ảnh hưởng của chúng tạo ra một trường điện từ kép”.

Luân Xa Ajna – Con Mắt Thứ Ba
(Nguồn: Sưu Tầm)

Con Mắt Thứ Ba cung cấp cho người đệ tử tầm nhìn (viễn cảnh) nội tâm trên các cõi nội giới để điều khiển năng lượng cho tất cả các công việc sáng tạo – trí tuệ và phụng sự. Nó biểu hiện như một kết quả của tương tác rung động giữa các mãnh lực của Linh Hồn hoạt động thông qua tuyến tùng quả và các mãnh lực của phàm ngã hoạt động thông qua thể tuyến yên. Khi hai mãnh lực này tương tác với nhau, một ánh sáng trong đầu được tạo ra.

Vì nó là cơ quan soi sáng từ Linh Hồn, người đệ tử có thể tạo ra những tư tưởng để điều hướng năng lượng của vật chất trong phàm ngã tam phân thông qua các kỹ thuật hình dung. Điều này cho phép anh ta tiếp xúc với các nguyên nhân nhiều hơn với các hệ quả.

Khi các hình tư tưởng, ý tưởng trừu tượng được hình dung hóa, và đủ mạnh mẽ, điều này sẽ tạo ra ánh sáng trong đầu và các hình tư tưởng và ý tưởng được đưa vào thể dĩ thái.

Con mắt thứ ba được phát triển qua thực hành sức mạnh hình dung, sự soi sáng đi vào tâm trí và chiếu sáng phàm ngã tam phân thấp hơn.

Con mắt thứ ba cũng có thể hoạt động như một cơ quan hủy diệt, liên quan đến việc loại bỏ bất cứ những gì trong tâm thức, ví dụ như những hình tư tưởng làm cản trở sự sống Linh Hồn và sự phát triển của năng lượng Ý Chí cao hơn từ Chân Thần. Hãy nghĩ về nó khi sử dụng Kỹ Thuật Ánh Sáng bởi nó hủy diệt và chuyển hóa hình tư tưởng rắc rối.

Về bản chất, con mắt thứ ba khai mở và hoạt động như là kết quả của sự phát triển tâm thức qua sự chỉnh hợp/tích hợp đúng đắn với sự sống Linh Hồn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tổng hợp từ bài giảng của Thầy David Hopper: The Human Constitution: https://www.youtube.com/watch?v=2KcQFBfhP2U

và Thầy William Meader: The Spiritual Constitution of a Human Being: https://meader.org/course/spiritual-constitution-of-a-human-being/

Tham khảo và hình ảnh: các bài viết chi tiết về cấu tạo con người trên trang Minh Triết Mới https://www.minhtrietmoi.org/WPress/category/cau-tao-con-nguoi/

Leave Comment