Phân tích cấu trúc cung của Joan of Arc

Bài của GS Michael D. Robbins phân tích cấu trúc cung của Joan of Arc, một linh hồn cung 6. Bài do Mai Oanh dịch.

Joan of Arc

Joan of Arc miniature graded.jpg

Joan of Arc, Sinh ngày 6 tháng 1 năm 1412 – Mất ngày 30 tháng 5 năm 1431

 

Joan of Arc có lẽ là nhân vật anh hùng vĩ đại nhất được tìm thấy trong các biên niên sử của lịch sử nước Pháp. Trong suốt hơn năm trăm năm, cuộc đời của cô đã trở thành nguồn cảm hứng không chỉ cho những người yêu nước Pháp mà còn cho những người yêu nước của mọi lý tưởng trên khắp thế giới. Biểu trưng về lòng dũng cảm của cô vượt xa ranh giới quốc gia và các thời kỳ lịch sử. Chính sự can đảm và niềm tin tuyệt vời của cô đã tạo cảm hứng cho một số tác giả nổi tiếng nhất trên thế giới kể lại câu chuyện cuộc đời cô.

Khi cuộc đời của Joan of Arc được nhìn từ góc độ rộng lớn và huyền bí, dường như rõ ràng cô đã được Thánh đoàn lựa chọn để đóng một vai trò trong lịch sử thế giới lớn hơn nhiều so với khả năng tưởng tượng của chính cô. Có lý do xác đáng để tin rằng cô đã được sử dụng như một công cụ của Thiêng Liêng để đảo ngược xu hướng của cuộc Chiến tranh Trăm năm bằng cách tập hợp quân đội Hoàng gia Pháp để Pháp được tái thống nhất thành một quốc gia độc lập, và nhờ đó giúp Pháp thực thi sứ mệnh chính đáng của mình trong các quốc gia khác trên thế giới. Joan of Arc là công cụ giúp khôi phục cán cân lực lượng giữa Pháp và Anh.

Những mục đích lớn lao và nặng nề này hiếm khi đạt được trừ khi có sự hy sinh. Có thể thấy điểm tương tự giữa sự hy sinh của Joan và sự hy sinh của Chúa Jesus Christ, Đấng đã nói “Còn ta, khi ta đã được nâng lên, ta sẽ kéo mọi người đến cùng ta.” Trên một quy mô nhỏ hơn, và theo cách riêng của mình, Joan of Arc đã được “nâng lên”, đầu tiên lên giàn thiêu, rồi vào hàng ngũ của các vị thánh để trở thành một lý tưởng rực rỡ cho tất cả những ai căm ghét sự chuyên chế và tự thấy bị hối thúc phải hành động với “toàn bộ sức cống hiến” để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ mà họ dấu yêu.

Các cung hiển lộ

Sự hiện diện của Cung Sáu

Joan of Arc là một người có tầm nhìn huyền bí của một chiến binh——một người phụ nữ trẻ cam kết hết lòng thực hiện sứ mệnh tinh thần anh hùng. Chúng ta biết rõ rằng các những người cung 6 đáp ứng rất mạnh với sự dẫn dắt, và ngay từ bé những dẫn dắt mà Joan nhận được là loại phi thường nhất. Khi cô mới mười hai tuổi, cô bắt đầu nghe những “tiếng nói”, và rồi nhìn thấy những linh ảnh. Tiếng nói đầu tiên mà cô nghe được đã tiên đoán cho cô một tương lai tuyệt vời:

Joan, định mệnh của con là sống một cuộc sống khác biệt và để hoàn thành những điều kỳ diệu, bởi vì con là người đã được Thượng Đế chọn để khôi phục Vương quốc Pháp, và giúp đỡ và bảo vệ Vua Charles, người đã bị trục xuất khỏi lãnh thổ của mình. Con sẽ mặc quần áo nam giới; Con sẽ mang vũ khí và trở thành người đứng đầu một đội quân; Con sẽ đưa đường chỉ lối cho tất cả mọi người. (Jules Qucherat—trích dẫn trong cuốn Saint Joan of Arc, viết bởi Vita Sackville-West—Theo Proctée de condamnation et de réhabilitation de Jeanne d’Arc.)

Nhiều hình ảnh sáng chói hay “hồn ma” xuất hiện với cô trong suốt bốn năm rưỡi kể từ lần đầu tiên có những linh ảnh cho tới khi cô lên đường thực thi sứ mệnh của mình. Ba linh hồn liên tục hiện ra và trò chuyện với cô là (ít nhất là theo ước tính của cô) Archangel Michael, St. Margaret và St. Catherine. Ban đầu Joan sợ hãi, dần dần cô ngầm tin tưởng tuyệt đối vào sự hướng dẫn mà mình nhận được. Câu chuyện của cô là lòng trung thành không lay chuyển với cội nguồn hành động của cô. Cô có thể tranh cãi với họ, hoặc phản đối rằng cô không đủ năng lực để thực hiện các hành động họ yêu cầu, nhưng cô không bao giờ ngơi nghỉ hành động theo hướng dẫn và tiếng nói cô nhận được (ngoại trừ việc rút lui tạm thời khi phải đối mặt với những kết án khủng khiếp của Tòa án dị giáo và quân đội Anh tại thời điểm cô bị xử án chính thức công khai). Khi khoảnh khắc yếu mềm đó (hoàn toàn có thể hiểu được) đã trôi qua (trong ba ngày), cô quả quyết với lòng can đảm được tiếp thêm sức mạnh và kiên định khẳng định niềm tin vào “tiếng nói” của cô, mặc dù cô nhận ra rằng làm như vậy đồng nghĩa với việc ghi cho mình một án tử như là một “người phạm tội dị giáo.”

Đối với Joan, như với tất cả những người được điều chỉnh mạnh mẽ bởi cung 6, việc thực hiện sứ mệnh của cô là một sự ám ảnh hối thúc, bao trùm; Không có gì có thể ngăn cô. Tiếng nói của cô, vô cùng rõ ràng, nói với cô chính xác những gì cô phải làm. Nhiệm vụ của cô là một đòi hỏi quá sức cho một cô gái 17 tuổi (thậm chí cho bất cứ ai!). Ở tuổi đó cô đã phải rời quê hương Domremy và không bao giờ trở về. Cô hiểu nhiệm vụ của mình có hai phần: giải phóng sự phong tỏa thành Orleans (quân Anh đã vây hãm người Pháp nhiều tháng trong thành), và giúp cho Dauphin, Charles VII, lên ngôi Vua nước Pháp. Joan tin rằng mình là người cứu thế cho nước Pháp. Một số người có thể gọi đây là “Ảo cảm của sự được lựa chọn đặc biệt” (mà những người cung sáu rất dễ bị mắc vào), nhưng có vẻ như Joan đã thực sự được lựa chọn. Sự xuất hiện của cô có một tác động kỳ diệu đối với quân đội dưới sự chỉ huy của cô, và những kỳ tích nổi bật của cô thực sự đã tạo ra những bước ngoặt trong Chiến tranh Trăm năm.

Joan, với sự nhất tâm đặc trưng của những người cung sáu, đã làm chính xác những gì cô ấy quyết định làm (ít nhất là bước đầu trong khi đáp lại làn sóng cảm hứng đầu tiên đưa cô tiến bước). Niềm tin không lay chuyển đặc trưng cung 6 của cô về định mệnh của mình chính là sức mạnh của cô. Để thuyết phục đức vua Dauphin, đang đóng đô tạiChinon, cô phải thuyết phục người thân, quân lính, thống đốc, linh mục và cả tòa, vv, trước tiên, rằng cô không chỉ đơn giản là một kẻ ảo tưởng điên rồ và, rằng cô không phải là phù thuỷ. Động cơ hành động của cô vô cùng trong sáng, và lòng trung thành với tổ quốc vững chắc và đơn sơ (chưa tính đến lương tri của cô) giúp cô luôn chiếm ưu thế trước những kẻ hoài nghi mà cô luôn luôn gặp phải.

Giống như rất nhiều người cung sáu, Joan thiếu kiên nhẫn, dữ dội và mãnh liệt. Cô hoàn toàn tự tin. Với sự nhất tâm (và một vài người có thể nói là đầu óc giản đơn), cô luôn biết những gì cần phải làm và tuyệt đối nghe theo không tính tới đường hướng khác. Được hỗ trợ bởi sức mạnh của thượng đế, cô đối đầu với quân đội Anh đang vây hãm Orleans, và chiếm ưu thế hơn đối phương hết trận này đến trận khác. Dauphin, Charles VII, được trao vương miện trở lại làm vua. Cô buộc quân Anh rút về lãnh thổ của họ ở bên kia bờ Kênh, và Pháp được tái thống nhất dưới sự cai trị của đức vua. Tuy nhiên, Charles VII là một người yếu đuối, hoang mang, nhút nhát, quá thận trọng, và gần như không có tư duy và hành động anh hùng. Joan còn nhiệt thành với lễ đăng quang của đức vua hơn chính bản thân ông, và kết quả là đức vua (một cách vô thức) đã tạo ra vô số thử thách và rào cản trên con đường đi của Joan. Tuy nhiên, cuối cùng Joan đã vượt qua tất cả, làm hài lòng các vị đứng đầu cả triều đình và nhà thờ. Cuối cùng, đức vua Charles, triều đình của ông và các vị cố vấn của nhà thờ đã phải châp thuận sự nài nỉ một mực của Joan, và một đội quân đã được tập hợp để tấn công quân vây hãm thành Orleans. Joan, người có linh ảnh, luôn giữ vững quan điểm, đã thực hiện được giai đoạn đầu kế hoạch của mình.

Joan có tầm ảnh hưởng phi thường đối với quân đội của cô—không chỉ ảnh hưởng tới lòng dũng cảm của họ trong chiến trận, mà còn cả đạo đức của họ. Chúng ta nhận ra rằng, người cung sáu có liên quan đến sự sùng kính và thanh lọc. Joan luôn tìm cách làm cho quân đội của mình thành tín. Cô không chấp nhận những lời tục tĩu hoặc chửi thề nặng nề (mặc dù bản thân cô có sử dụng——và cho phép người khác sử dụng—một hai lời nguyền rủa vô hại). Cô nhấn mạnh rằng binh lính của cô cần tham dự thánh lễ bất cứ khi nào có thể và liên tục yêu cầu họ phải xưng tội. Hơn nữa, cô ra lệnh tất cả các phụ nữ theo quân đội mà gây tiếng xấu sẽ bị khai trừ khỏi quân đội. Có lúc, nhiệt tình đạo đức của cô lên đến mức, cô đã đâm gãy thanh kiếm huyền thoại của mình, Fierbois, vào lưng một cô điếm hạng sang. Không hoài nghi gì khi biết rằng dưới sự lãnh đạo của Joan, quân đội Hoàng gia Pháp đã trở thành một đội quân của Thiên Chúa.

Joan không phải là một người lính được huấn luyện. Trong các vấn đề quân sự, cô phụ thuộc vào cảm hứng (và đôi khi là chỉ dẫn trực tiếp) từ sự hướng dẫn của chính mình, chứ không dựa vào các chiến thuật quân sự. Phương pháp của cô luôn luôn can đảm, trực tiếp, có xu hướng anh hùng, được tăng thêm sức mạnh bằng sự bền bỉ đáng kinh ngạc của cung sáu. Cô bị thương nghiêm trọng tại trận Orleans (một mũi tên đâm trên ngực cô, sâu sáu inch), nhưng sau khi vết thương được điều trị, và sau một thời gian ngắn, cô đã can đảm trở lại chiến trường. Vì sự kiên định của mình và từ chối nghỉ ngơi cho đến khi viễn cảnh chiến thắng được hoàn thành, cô đã tập hợp được quân đội của cô và mang lại ngày vinh quang bất chấp hiểm nguy. Joan, trên tất cả, là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho quân đội của cô——quân đội Pháp.

Chính sự hiện diện bất khuất của cô đã truyền cảm hứng cho những người lính (mặc dù họ đã kiệt sức) để chiến đấu như họ chưa bao giờ chiến đấu trước đây. Mang theo tiêu chuẩn của mình, cô đã ném mình vào cuộc phiêu lưu, liên tục đi vào những vị trí hiểm nguy và lộ liễu nhất. Thế nhưng, về cơ bản, đội quân của cô là một lực lượng tinh thần và đạo đức. Rất nhiều lính của cô tin cô là một vị thánh được Thiên Chúa sai đến để đưa Pháp khỏi thất bại. Niềm tin của họ đối với cô, và niềm tin của cô rằng sức mạnh của thiêng liêng trong họ đã được chứng minh tại trận chiến quyết định ở Orleans. Người Pháp được tiếp thêm sức mạnh, và người Anh (lúc đầu hờ hững và chế giễu) đã sợ hãi và buộc phải rút lui. Mặc dù quân đội Pháp phải chịu một số thất bại, nhưng thế cờ chiến tranh đã đổi. Nhờ có sức mạnh dâng cao của cung sáu, tinh thần của họ đã được phục hồi.

Một số sự kiện tiếp theo chiến thắng tại Orleans cũng chứng tỏ bản chất sâu sắc cung sáu của Joan. Quân đội Anh tại Orleans bị đánh bại thảm hại, và cả quân sự lẫn tâm lý, ở vị trí bất lợi. Chiến thắng lớn đã diễn ra trong một đêm thứ bảy, nhưng ngày hôm sau, khi các chỉ huy Pháp muốn truy đuổi quân Anh đang rút lui để tiêu diệt họ, Joan đã ngăn chặn toàn bộ quân đội, chỉ đơn giản vì đó là ngày chủ nhật. Cô là một con chiên Công giáo sùng đạo và thành kính đến mức cô không để quân đội của mình tấn công vào ngày Sa-bát (mặc dù, thông thường, cô nói họ có thể tự vệ nếu bị tấn công). Do đó, một lợi thế chiến thuật quân sự to lớn đã được hy sinh cho các giá trị tôn giáo của Joan——một dấu hiệu rõ ràng về sự nổi trội của người cung sáu so với cung một và cung ba.

Quyết định kiểu vậy của cô không phải là duy nhất; Nhiều sai lầm chiến thuật như vậy Joan đưa ra với sự tôn trọng những lý tưởng của mình. Chẳng hạn, tất cả các chỉ huy quân đội Pháp (và cả quân Anh) đều đồng ý rằng Joan nên tận dụng lợi thế của mình sau khi chiến thắng tại Orleans bằng cách nhanh chóng đánh bật các bức tường vây hãm Paris. Nhưng một lần nữa, việc này lại chỉ được thực thi sau một sứ mệnh khác được đặt lên hàng đầu trong tâm trí (đó là tham dự lễ trao vương miện cho đức vua Dauphin tại Nhà thờ ở Reims), và cô khăng khăng theo đuổi mục đích này bất chấp hậu quả và kết cục không thuận lợi của nó về mặt quân sự. Giống như nhiều người sùng tín cung sáu, cô không thể bị chệch hướng khỏi mục tiêu của mình, cũng không mở lòng chấp nhận bất cứ lý do gì, nếu lý do đó mâu thuẫn với ý định lý tưởng của cô.

Joan cũng rất giàu cảm xúc (một đặc điểm thường thấy ở những người chịu ảnh hưởng mạnh bởi cung sáu). Cô thường xuyên khóc, cho cả kẻ thù bị thương – và hơn hết là cho những linh hồn của người chết mà chưa được xưng tội.

Lòng sùng tín, một phần quan trọng trong tính cách của Joan, không chỉ đối với những vị khách đặc biệt từ thiên đường của cô, mà với cả nước Pháp và đức vua Charles yếu đuối, người mà cô đã phụng sự tận tâm (trong khi hỗ trợ cho cô quá ít). Đức tin tuyệt đối và từ bỏ mọi nghi ngờ cũng là hai trong số những phẩm chất nổi bật của cô. Khi đã quen với giọng nói mách bảo và những linh hồn thường đến, cô không một giây phút nghi ngờ tính xác thực và nguồn cảm hứng từ cõi trên mà họ mang lại. Cô cũng không nghi ngờ về bổn phận mà Thượng Đế, hay “Vua của Thiên Đàng” (như cách cô gọi ) đã định ra để cô thực thi cho nước Pháp. Cô cũng không nghi ngờ về sự tuyên bố ngôi vị tối cao của Dauphin Charles với nước Pháp (mặc dù có lý do chính đáng để tin rằng ông thực sự là một kẻ đáng khinh). Cô vẫn trung thành tuyệt đối với Đức vua cho dù ông là người quá hay do dự và có cách sống hai mặt, thực tế, là bất trung, là điều không thể tha thứ. Ngay cả trong phiên xử tại Rouen, cô cũng không có bất cứ lời phỉ báng nào đối với Đức vua, mặc dù ông không có chút nỗ lực nào để cứu giúp cô khi cô bị bắt bởi Burgundia (đồng minh của Anh). Giống như rất nhiều người cung sáu, có thể nói rằng Joan là người quá cả tin. Một cách mù quáng, lòng sùng tín của cô là bất biến.

Cung sáu là cung của lòng mộ đạo. Ngọn lửa sùng đạo của Joan không hề bị dập tắt trong suốt cuộc đời của cô. Cô có đức tin như một đứa trẻ; đức tin trong việc chấp nhận một sứ mệnh to lớn vốn có thể khiến một chỉ huy mạnh mẽ nhất run sợ; đức tin trong việc chỉ huy cả một đạo quân; đức tin ngay cả trong phiên tòa tàn bạo vô cùng bất công dành cho cô (mà kết quả luận tội là một kết luận đã được định trước); Và đức tin được giữ vững cho đến giây phút cuối cùng, khi ở trên giàn thiêu, cô vẫn yêu cầu vị linh mục giữ cây thánh giá trên cao để cô luôn có thể nhìn thấy qua ngọn lửa. Một cách rõ ràng và đơn giản, lòng mộ đạo chân thành là một trong những đặc điểm nổi trội của cô.

Mặc dù Joan luôn cúi mình trước Đức Chúa Trời, cô không hề nhu mì trước mặt đàn ông. Với nguồn cảm hứng trực tiếp, cô là một người tràn đầy nhiệt huyết——một vị tướng quân đội mạnh mẽ nhìn xa trông rộng, không khoan nhượng và tử vì đạo với lý tưởng của mình. Liên quan tới vấn đề này, điều thú vị là Chân sư Tây Tạng, khi bàn về sự hủy diệt thể nguyên nhân của những người cung sáu, đã nói rằng:

… Y vận dụng mọi khả năng và nỗ lực để chiêm nghiệm những gì được yêu cầu, và trong sự hy sinh cho người hay lý tưởng đó, y có thể đi đến mức đặt ngay thể nguyên nhân của mình trong ngọn lửa hy sinh. Đó là phương pháp của chủ nghĩa cuồng tín thiêng liêng, thà mất tất cả để đạt được viễn cảnh, và cuối cùng hoan hỉ hy sinh cả phàm ngã của mình. Thể nguyên nhân bị phá huỷ trong lửa, và sự sống được giải thoát dâng lên đến Chân thần (Tinh thần) trong niềm chí phúc thiêng liêng (Thư về Tham thiền huyền môn, trang 18).

Cái chết khủng khiếp trên giàn thiêu của Joan (mà cô có thể tránh được nếu cô sẵn sàng từ bỏ các nguyên tắc của mình) chính là hình thức hy sinh thường thấy ở các đệ tử cao cấp thuộc cung sáu. Trong suốt quá trình xét xử, cô đã liên tục phải chịu áp lực về thể chất và tâm lý tàn nhẫn; Toàn bộ quyền lực của Toà Án Dị Giáo và của quân đội Anh ở Pháp đã chống lại cô, nỗ lực hủy diệt những gì cô đại diện, và thông qua việc giết cô để làm mất uy tín Charles VII và tuyên bố lên ngôi hoàng đế nước Pháp của ông. Nếu cuối cùng cô chịu thua, và tìm cách cứu mạng mình, mục đích tối cao của cô sẽ không được hoàn thành, lịch sử thế giới sẽ mất đi một cái tên vĩ đại gây cảm hứng trong suốt năm trăm năm. Nhưng thay vào đó, cô đã hiến dâng toàn bộ, chọn con đường hi sinh đau khổ hơn là phản bội sứ mệnh được truyền cảm hứng thần thánh của cô. Rõ ràng, Joan of Arc là một điển hình cao cả cho những yếu tố vĩ đại nhất của con người về năng lượng cung sáu.

Sự hiện diện của Cung Một

Một trong những phẩm chất nổi bật thể hiện rõ nét trong sự nghiệp của Joan of Arc là sự can đảm đáng kinh ngạc của cô, và sự không khiếp sợ hiển hiện trong mọi khía cạnh và mọi mối quan hệ——giữa các cá nhân, chính trị, giáo hội và quân sự. Làm thế nào có thể một cô gái, chưa đầy 20 tuổi, đã có lòng dũng cảm, sự tự tin và sự thu hút để tự ném mình vào những hoàn cảnh nguy hiểm nhất và thay đổi vận mệnh của một quốc gia? Điều này hầu như không thể hiểu được, và chắc chắn phải có năng lực thu hút sức mạnh của Cung Ý chí và Quyền lực.

Thật thú vị, những năm đầu đời của Joan dường như trôi qua rất bình dị. Cô được coi là một đứa trẻ chăm chỉ, chu đáo, có trách nhiệm, như người ta có thể mong đợi ở một người với cung Mặt trời đặt ở Ma Kết. Tuy nhiên, cô cũng vô cùng khép kín. Từ khi cô lên mười hai, cô nắm giữ một bí mật khủng khiếp và tuyệt vời. Trong tâm trí cô, số phận của nước Pháp đặt trên vai cô, tuy vậy cô chưa bao giờ tiết lộ sứ mệnh của mình cho một người nào, cho đến tháng 1 năm 1419, cô lên đường tới thị trấn Vaucouleurs để được ra mắt Đức vua Dauphin.

Thật ngoan cường chịu đựng để giữ bí mật cho chính mình—kỷ luật tối cao! Những phẩm chất này là bằng chứng đặc biệt của năng lượng cung 1; Những người chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi cung này có một nguồn lực nội tại và biết cách giữ miệng. Cung mọc Hổ Cáp thường được gán cho Joan (do đó tăng cường sức mạnh của Diêm Vương Tinh cung 1), và nhấn mạnh sức mạnh của Hỏa tinh được nâng lên trong Nhà thứ 10 (Hỏa Tinh mang trong mình cả cung 6 và cung 1) – là một dấu hiệu nữa cho thấy Sức mạnh của cung 1 trong cuộc đời cô.

Nhiệm vụ mà Joan chấp nhận từ tiếng nói của mình đã phá vỡ hoàn toàn không thương tiếc nhịp sống trong quá khứ của cô. Cô là một nông dân hèn mọn, một cô gái trẻ có nhiệm vụ chính là trông nom đàn cừu và gia súc, và giúp mẹ làm việc nông nặng nhọc. Tuy nhiên, định mệnh đã yêu cầu cô để lại đằng sau tất cả, cắt đứt quan hệ với mọi người và mọi thứ quen thuộc với cô. Tất nhiên, Cung Quyền năng và Ý chí đã trao năng lực tách rời hoàn toàn khỏi những người gần gũi và thân yêu và từ môi trường quen thuộc của một người. Chính cung 1 truyền ý tưởng ​​để cô mạnh mẽ dấn thân vào một nơi mù mịt. Vì bản chất của sứ mệnh của cô, Joan không thể tin tưởng vào bất cứ ai, đặc biệt là cha mẹ cô. Không hề có cuộc chia tay dễ chịu và ấm áp, đơn giản là cô phải rời đi——lặng lẽ và không có đường trở lại. Điều này đòi hỏi sự dũng cảm phi thường và kìm nén tạm thời cảm xúc với sự tôn thờ hướng tới một mục đích cao hơn. Nói tóm lại, toàn bộ việc này đòi hỏi việc sử dụng năng lượng cung 1.

Ngay khi cô bước vào “thế giới của đàn ông”, cô phải chứng tỏ sức mạnh và khả năng thuyết phục nếu không ngay lập tức sẽ bị coi thường và loại bỏ. Vượt lên tất cả, cô đã nói ra và đòi hỏi những điều bị coi là ‘lố bịch’. Chỉ có sự chân thành tuyệt vời nơi cô (một đặc tính của cung sáu) và kiên quyết lên tiếng với sự thẳng thắn tuyệt đối của cung 1 mới khiến cô gây ấn tượng với những người đã nhạo báng sự vô lý của những gì cô đề xuất và ra tay giúp đỡ.

Chúng ta cũng phải nhớ rằng, cung một có thể được coi là nguyên mẫu đàn ông, giống như cung hai được gắn liền tự nhiên với nữ tính. Joan không chỉ bước vào thế giới của đàn ông; để đạt được ý định và mục tiêu cô buộc phải “trở thành” một người đàn ông. Mặc dù cô có giọng nói rất nữ tính, và trong khi cô dễ dàng rơi lệ (một hành vi luôn được mọi người coi là của phụ nữ hơn là đàn ông), cô vẫn phải đối mặt với một số người quyền lực và gai góc nhất trong vương quốc đàn ông. Cô không chỉ lấy nguồn cảm hứng tạo thành sức mạnh để vượt qua mọi chuyện. Đúng là nhiều người đã bị mê hoặc bởi lòng tốt và sự chân thành tuyệt đối của cô, hướng nhìn lên cô với lòng sùng bái như một thần tượng. Nhưng đối với những kẻ cứng rắn và ít đa cảm, cô phải chứng tỏ mình bằng chính sức mạnh của cô—và cô đã làm được điều đó!

Hiển nhiên, cô có sức chịu đựng của một người đàn ông, và chắc chắn sức mạnh ý chí của cô còn lớn hơn hầu hết đàn ông (hay cả phụ nữ). Lúc đầu cô chắc chắn không phải là tổng chỉ huy của quân đội hoàng gia. Cô đã bị cảnh giác bởi các vị tướng dạn dày kinh nghiệm và họ vạch các chiến thuật quân sự mà cô không hề hay biết. Thông qua trực giác hay sự hướng dẫn, cô nhanh chóng nhận ra rằng cô đã bị loại khỏi việc lập kế hoạch hoặc bị cố tình gây hiểu lầm về ý định thực sự của các chiến lược gia trong quân đội. Cô đã không chấp nhận điều này, và nhất định yêu cầu phải có tiếng nói trong mọi quá trình lên kế hoạch, và phải là tiếng nói quyết định. Rõ ràng cô không còn là một cô gái trẻ trung ngọt ngào và đáng yêu (đặc biệt là trên chiến trường), mà là một vị tướng, một chiến binh được tạo nên bởi những chất liệu cứng rắn nhất. Cách tiếp cận của cô với các đồng đội của mình luôn thẳng thắn và trực diện; Đó là một phương thức tiếp cận của cung 1.

Trả lời những người thẩm vấn hoặc đặt câu hỏi về ý định của cô (cho dù đó là thẩm vấn của triều đình hay của Giáo hội), cô luôn thể hiện một cách thẳng thắn, với một miệng lưỡi sắc bén. Tại thành phố Poitiers, cô được các giáo sĩ của Giáo hội thẩm vấn kỹ lưỡng để xem có nên tin tưởng vào kế hoạch của cô về việc giải phóng thành Orleans đang bị vây hãm hay không. Một số người trong giáo hội tỏ ra bề trên, nhưng trên thực tế họ đã được lợi nhiều hơn những gì họ trông đợi.

Trong cuốn Procès, nguồn tư liệu cho biết nhiều điều liên quan tới cuộc đời của Jean, người ta còn ghi lại câu chuyện một giáo sư thần học đã hỏi cô là tiếng nói mà cô nghe được là thứ ngôn ngữ gì. Ông ta nhận được một câu trả lời sắc bén: “Một ngôn ngữ tốt hơn ngôn ngữ ông vẫn dùng.” Kiên trì, ông lại hỏi cô một cách ngây thơ, liệu cô có tin vào Chúa trời hay không. Cô đã đáp trả “Có, tôi còn tin hơn ông nữa”. Rất khăng khăng, ông tuyên bố rằng họ chỉ đơn giản là không tin vào những gì cô nói, rằng cô cần phải cung cấp cho họ một số bằng chứng nếu không họ sẽ không trình lên đức vua Dauphin để nhà vua trao binh sĩ cho cô. Lúc này, Joan dường như đã hết kiên nhẫn, cô nói: “Thề có chúa, tôi không đến Poitiers để cung cấp bằng chứng. Hãy đưa tôi đến Orleans, và tôi sẽ cho các ông thấy những bằng chứng cho việc tôi là người được phái đến.” Đây chính là cách thức trực diện không hề nao núng của cung 1: một phát ngôn không chút sợ hãi trước mặt những người luôn gây khiếp sợ cho người bị thẩm vấn (hay ít nhất bị buộc phải nhún nhường và tôn trọng).

Sự táo bạo tuyệt vời của Joan (thậm chí được coi là ngạo mạn) còn tỏ rõ hơn trong bức thư đầu tiên của cô dành cho nước Anh. Rõ ràng đã có lúc cô trở nên cực kỳ tức giận với những người phán xét mình và nói, “Tôi không thể nói A từ B, nhưng Thượng Đế đã gửi tôi đến để giải vây cho thành Orleans và để cho đức Dauphin tái vị tại Reims. Các ông có có giấy và mực không? Viết đi! Tôi sẽ đọc cho các ông viết. “Chúng ta hãy nhớ rằng Joan đã nói theo cách này với những thành viên uy nghiêm nhất của Giáo hội Công giáo nước Pháp! Sau đó, bằng giọng dứt khoát, cô đã đọc để viết ra bức thư này:

Jhesus Maria. Vua nước Anh, và ngài, Công tước Bedford, tự xưng là Nhiếp chính nước Pháp; William de la Pole, Bá tước của Suffolk; John Lord Talbot, và ngài Thomas Lord Scales, tự xưng là các thượng úy của Bedford … Hãy trao ngay quyền kiểm soát của tất cả các thành phố mà các người đã chiếm của nước Pháp cho Nữ chúa này, người đã được Chúa trời gửi tới… Hãy đi đi, vì Chúa, hãy trở về quê hương của các người; Nếu không, hãy đợi tin của Nữ chúa, người sẽ sớm ghé thăm và mang đến tổn thất to lớn cho các người. “

Sau phần mở đầu đanh thép này, lá thư trở nên nhẹ nhàng hơn chút ít và lý tưởng hơn, nhưng sức mạnh của cung 1 lại hiển hiện không nhầm lẫn. Joan hoặc là quá ngây thơ (một phẩm chất của cung sáu) hoặc thật sự không khiếp sợ (có thể là tổng hợp của cả hai) để tạo thành một người đầy quyền lực như vậy (và thông qua một cách thức mạnh mẽ như vậy) – với kẻ thù không đội trời chung, những kẻ không lâu sau đó giành được quyền quyết định sống chết cho cô.

Cho dù đối với bạn hay kẻ thù, Joan luôn luôn thẳng thắn—đặc biệt khi số phận của Vương quốc Pháp được đặt ra. Trong những giây phút riêng tư yên tĩnh, cô cũng thể hiện sự hài hước và hóm hỉnh, nhưng vì sự khẩn cấp của sứ mệnh phải gánh vác, những giây phút đó khá hiếm hoi. Cô chỉ thể hiện sự tôn kính trong những lúc quỳ xuống cầu nguyện Đức Chúa (mà cô thực hiện bất cứ khi nào có cơ hội), tôn kính với tiếng nói quen thuộc bên cô, và với đức vua Charles VII. Cô luôn dùng những lời cầu xin tha thiết, và không bao giờ cho phép mình nói năng hỗn hào với Ngài, như cô vẫn làm với tất cả mọi người—ngay cả với người Anh và các thành viên của bồi thẩm đoàn Giáo hội sau khi cô bị bắt.

Trong phiên tòa luận tội của cô kéo dài hơn năm tháng, cô đã liên tục bị đe doạ, lừa phỉnh, cám dỗ và lừa dối. Người Anh muốn cô bị hỏa thiêu. Giám mục của Beauvais, người chịu trách nhiệm tiến hành phiên xử (người đã gặp rất nhiều rắc rối, thậm chí bị đe doạ bởi chiến thắng quân sự của Joan) tin chắc rằng cô là một phù thủy hoặc một kẻ dị giáo, và dù là gì đi nữa, cô luôn là kẻ thù của nhà thờ . Đối với giám mục (và với nhiều cộng sự thân cận của ông trong việc tiến hành phiên xử), tội lỗi của cô là một kết luận định trước, một điều chắc chắn ngay cả trước khi phiên tòa bắt đầu. Vấn đề chỉ là cần phải đi đến cùng để không ai có thể chối cãi, bởi vì Joan là một nhân vật quá nổi tiếng và phải hạ bệ uy tín của cô trong mắt mọi người trước khi tiêu diệt. Joan không có luật sư bào chữa, và, thông minh và khôn ngoan như cô, nhưng cô không hề biết đọc. Vì vậy, quá trình tố tụng thật sự không công bằng, và một số thẩm phán và thành viên của bồi thẩm đoàn, nhiều người có thể không hoàn toàn chắc chắn về tội lỗi của cô vẫn bị buộc phải hành động hoặc nói những điều không có lợi cho cô. Chống lại sự phản đối áp đảo này, với ý định rõ ràng về án tử hay loại bỏ cô, cô đáp lại bằng cả sức mạnh và lòng can đảm.

Sử dụng sức mạnh của năng lượng cung 1 của mình, cô không cho phép mình bị khuất phục. Trong thực tế, cô thường xuyên bị đe dọa, và thật đáng kinh ngạc, sự đe dọa đến từ phía cơ quan tối cao của ‘những người bảo vệ đức tin’. Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, Joan luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Những chiến công vang dội của cô đạt được thông qua việc thể hiện những phẩm chất dũng cảm và kiên cường của cung 1. Người khác có thể khiếp sợ, nhưng cô thì không, và trong cuộc đời mình, cô gặp rất nhiều hoàn cảnh vô cùng khó khăn mà nỗi lo sợ luôn luôn hiển hiện, nhưng cô không hề chùn bước. Điều đó cũng thể hiện ngay cả khi cô bị bắt bởi quân Burgundian tại Compiègne, kết quả của một lần quả quyết dẫn đầu một cuộc tấn công vô cùng mạo hiểm, xông pha phá phòng tuyến của địch, và sau đó can đảm ở lại cuối cùng để bảo vệ những cánh sau của đội quân khi họ buộc phải rút lui.

Có thể nói Joan nghĩ cô ấy bất khả chiến bại. Rõ ràng cô tin chắc rằng Thượng đế và những vị thánh quen thuộc của cô sẽ bảo vệ cô trong mọi cuộc chiến, và về cơ bản, cô không có gì phải sợ hãi vì đã có sự bảo vệ đó. Nếu đúng là như vậy, có lẽ cô không phải là can đảm và không sợ hãi như đã thể hiện. Tuy nhiên, trước khi cô bị bắt, tiếng nói đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng cô sẽ bị bắt—rằng việc giam cầm cô là điều không thể tránh khỏi. Thời điểm bắt giữ không được tiên đoán—nhưng điều đó là không tránh khỏi. Như vậy chúng ta thấy Joan đã hành động với sự dũng cảm và kiên cường, cho dù cô cũng tin rằng rằng số mệnh hay Ý chí của Thượng đế không còn hỗ trợ cho sự thành công liên tục của cô trên chiến trường.

Sự táo bạo, quả quyết, thậm chí ngạo mạn của cung 1 đã không từ bỏ cô ngay cả khi phải đối mặt với một dàn thẩm phán thù địch và xảo trá. Các câu hỏi của họ quanh co; mục đích của họ là để bẫy cô, để cố tìm ra sự không nhất quán trong câu trả lời của cô. Cô không hiểu sự phức tạp trong động cơ của họ, nhưng cô nhận ra cô đang gặp nguy hiểm. Câu trả lời của cô luôn luôn trực tiếp, và táo bạo đáng kinh ngạc. Từ lời khai của những người đã bị thẩm vấn trong quá trình tra xét lại vụ án do Đức Giáo hoàng yêu cầu, gần hai mươi năm sau khi cô chết, dường như cô không bao giờ để mình bị đe dọa, luôn nói năng rành mạch và trả lời trực diện khiến bồi thẩm đoàn nhiều lúc coi là xấc xược và hỗn hào. Cô thậm chí có thể đùa giỡn ngay giữa phiên tòa. Cô không hề run sợ.

Khi bắt đầu quá trình tố tụng, trong phong cách điển hình của người cung 1, cô từ chối khi bị bắt phải tuyên thệ với những điều kiện được đưa ra. Khi Joan được yêu cầu thề trên các cuốn Phúc Âm rằng cô sẽ không trả lời gì ngoài sự thật, cô trả lời rằng cô không biết họ muốn hỏi cô những gì. Cô nói thêm “Có thể các ông sẽ hỏi tôi những điều tôi sẽ không nói với các ông.” Cho dù thế nào nào, cô cũng không chịu hứa sẽ nói với họ mọi điều về những bí mật mà Thiên Chúa đã cho cô biết, thậm chí nếu họ có chặt đầu cô . Nhận ra rằng sự không khoan nhượng của cô là cực kỳ vững chắc và kiên định, toà án đã buộc phải cho phép cô tuyên thệ theo một hình thức được sửa đổi và theo các từ riêng của cô. Hơn nữa, khi cô cảm thấy không muốn trả lời một số câu hỏi, đơn giản cô chỉ từ chối nói ra. Cô thậm chí kiên cường tới mức dám đối đầu với thẩm phán Giám mục của Beauvais (Pierre Cauchon) với những thách thức sau đây:

Ông nói ông là thẩm phán của tôi; Tôi không biết ông có đúng là thẩm phán hay không; Nhưng hãy cẩn thận đừng có phán xét tôi một cách sai lầm, vì nếu làm vậy ông sẽ đặt chính mình vào thế nguy hiểm chết người. Bây giờ tôi cảnh báo trước với ông điều đó, để nếu Thượng đế của chúng ta có trừng phạt ông vì sự sai trái, tôi cũng đã làm tròn nhiệm vụ của tôi là cảnh báo trước rồi.

Những lời lẽ đáng sợ này hoàn toàn nhất quán với kiểu cách của cô. Bằng những lời tương tự, cô đã dám thách thức cả người Anh mỗi khi cảnh cáo về hậu quả của sự cố chấp theo đuổi đường lối của họ Tất nhiên, lịch sử đã được định đoạt theo quyết định của giám mục Cauchon.

Trong suốt cuộc thẩm vấn kéo dài, cô thường xuyên từ chối trả lời các câu hỏi của các thẩm phán, không ngần ngại nói rằng những câu hỏi cụ thể đó không liên quan gì đến vụ việc này, hoặc chỉ đơn giản nói rằng cô không được phép trả lời. Đôi khi cô nói rằng cô đã trả lời những câu hỏi như vậy trong cuộc thẩm vấn với các giáo sĩ ở Poitiers, trước khi cô được phép dẫn dắt quân đội của Vua Dauphin tới Orleans. Nhưng thường thì cô trả lời trực tiếp và thành thật.

Tuy nhiên, cần phải nói rằng Joan rất thận trọng. Theo bản năng, cô biết khi nào những người thẩm vấn đang đặt bẫy, và câu trả lời của cô (mặc dù rất chua cay và thường mang tính mỉa mai) sắc sảo tuyệt vời và vô cùng thận trọng; Điều này thường được thấy ở một người mang cung mặt trời ở Ma kết và cung mọc ở Hổ Cáp. Cuộc hội thoại sau đây được ghi lại trong phiên tòa sẽ cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về cách nói giống như làm xiếc đi trên dây, và sự khéo léo và thẳng thắn mà cô luôn hướng tới. Thẩm vấn viên đang tập trung hỏi về các vị thánh, người theo Joan, thường xuyên đến thăm cô:

Hỏi (H): Cô nhìn thấy họ có hình hài như thế nào?

Đáp (Đ): Tôi thấy khuôn mặt của họ.

H: Họ có tóc không?

Đ: C’est a savoir! (Thật hay nếu biết được)

H: Tóc của họ dài và để xõa?

Đ: Tôi không biết. Tôi không biết liệu họ có cánh tay hay các bộ phận khác hay không.

H: Nếu họ không có bộ phận nào, làm sao họ nói được?

Đ: Tôi đang nhắc đến Đức Chúa Trời.

H: Thánh Margaret có nói được tiếng Anh không?

A: Tại sao bà ấy nên nói tiếng Anh, vì bà ấy có theo người Anh đâu?

H: Thánh Michael trông như thế nào khi ông ấy xuất hiện?

A: Tôi không thấy đeo vương miện, và tôi không nhìn thấy quần áo của ông.

H: Có phải ông ấy ở trần à?

A: Các ông nghĩ Chúa của chúng ta không có gì để cho ông ấy mặc sao?

H: Ông ta có tóc không?

A: Tại sao phải bị cắt tóc?

Rõ ràng là Joan có biệt tài xoay các câu hỏi ngược trở lại các thẩm vấn viên, nhờ đó có lúc đã giúp cô thoát bẫy và làm họ trở thành những kẻ xuẩn ngốc trước mắt mọi người.

Trong tâm trí của các quan toà ở Toà Án Dị Giáo, có sự phân biệt rất rõ ràng giữa Giáo Hội Chiến Thắng (Chúa trời và các thánh thiên đàng) và Giáo hội Chiến đấu (đại diện duy nhất của Thiên Chúa của Giáo Hội Chiến thắng). Có lẽ sự ‘dị giáo’ lớn nhất của Joan là việc khăng khăng hiến mình cho Thiên Chúa và các thánh thiêng đàng (Giáo Hội chiến thắng) và sau đó mới cho Giáo Hội Công Giáo Thánh Linh (Giáo hội Chiến đấu). Thái độ này bị coi là một mối đe dọa to lớn đối với quyền lực tinh thần và trần gian của Giáo hội, và (theo đức tin của giáo hội lúc bấy giờ) không thể được bỏ qua một cách nhẹ nhàng mà không bị trừng phạt. Chúng ta hãy nhớ rằng theo Chân sư Tây Tạng Giáo hội Công giáo có linh hồn cung một, phàm ngã cung ba và thể trí cung sáu!

Cách hành xử của Joan là hoàn toàn bất thường, không theo khuôn mẫu. Theo cách thức điển hình của cung 1, những phản ứng đó đã chọc thẳng vào bộ máy công quyền tối cao (và đôi khi quỷ quyệt) được dựng lên bởi Giáo hội trong suốt hàng trăm năm với nỗ lực tước đi quyền các cá nhân của những người tìm kiếm phép nhiệm mầu từ Thiên Chúa. Một cuộc trao đổi đơn giản ghi lại trong phiên tòa cho thấy mấu chốt của vấn đề:

Hỏi: Cô sẽ dâng hiến trọn bản thân mình, cả lời nói và hành động, tốt hay xấu, vâng phục Đức Mẹ thánh thiện của chúng ta là Hội Thánh chứ?

Đáp: Tôi tôn kính Giáo Hội, và sẽ hết lòng giữ vững đức tin Kitô giáo. Tôi không phải là người ngăn trở việc đi lễ nhà thờ hay nghe Thánh Lễ!

H: Cô sẽ dâng hiến trọn bản thân mình, cả lời nói và hành động, tốt hay xấu, vâng phục Đức Mẹ thánh thiện của chúng ta là Hội Thánh chứ?

Đ: Tôi tự dâng mình cho Thiên Chúa là Đấng đã sai tôi đến, cho Đức Bà, cho tất cả các thánh linh ở thiên đàng. Như tôi thấy, Đức Chúa Trời và Giáo Hội là một và là duy nhất, và các ông lẽ ra không nên thấy khó hiểu về điều đó. Tại sao các ông lại thấy khó để nhìn nhận chuyện đó nhỉ?

Thực sự tại sao? Joan, người đã nhận ra một nhất thể rõ ràng (một phẩm chất quan trọng hàng đầu của người cung 1) đã phải đối đầu với những người có quyền lợi vật chất được đảm bảo cao nhất bằng cách bảo vệ sự phân cách giữa Giáo hội Chiến thắng và giáo dân—hơn thế nữa, (theo Bồi thẩm đoàn) sự ly giáo đó có thể và “hẳn” chỉ được nối lại bởi Giáo hội Chiến đấu.

Đối với người chịu ảnh hưởng mạnh bởi cung 1 (đặc biệt khi cung đó được tăng thêm sức mạnh của cung sáu) thì không có khó khăn, rối rắm hay phức tạp nào trong vấn đề mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa. Tuy nhiên, những xu hướng cung ba của Giáo hội, được tăng cường bởi thể trí cung sáu khép kín và chia rẻ, và với động cơ quyền lực (sự biến dạng của phẩm tính linh hồn cung 1) sẽ không cho phép chính Giáo hội bị vượt qua. Một cách tiếp cận đơn giản và trực tiếp với Thiên Chúa hoàn toàn không được chấp nhận.

Bị phản ứng mạnh mẽ với thái độ thường xuyên thiếu tôn trọng trong nhiều ngày, bồi thẩm đoàn trở nên tức giận và bắt đầu đe doạ những điều thảm khốc: tra tấn và cái chết khủng khiếp trên giàn thiêu. Khi bị đe doạ bị trừng phạt bởi những tra tấn tàn bạo bằng nước hay kéo chi bằng dây, Joan trả lời:

Quả thật, ngay cả khi các ông phanh thây tôi và kéo linh hồn của tôi ra khỏi cơ thể này, tôi cũng không thể nói khác đi; Và, nếu tôi có nói bất cứ điều gì khác đi, tôi cũng sẽ luôn luôn tuyên bố sau đó rằng chính các ông đã buộc tôi phải nói ra điều đó.

Và khi bị đe dọa bị treo lên thiêu sống, Joan khảng khái khẳng định:

Tôi sẽ không nói về điều đó nữa. Dù có nhìn thấy lửa, tôi vẫn nói tất cả những gì tôi đã nói và sẽ không làm gì khác.

Sau này, khi bị áp lực nhiều hơn nữa, cô tuyên bố rằng ngay cả khi cô thực sự trên giàn hoả, cô vẫn không thay đổi những gì cô đã nói, cho tới tận lúc chết. Rõ ràng, không nghi ngờ gì nữa sự hiện diện của cung 1 trong bản tính của cô.

Sự hiện diện của những cung khác

Trong việc đánh giá về cuộc đời của Joan of Arc, ảnh hưởng của cung 6 và cung 1 là rõ ràng và hiển lộ rõ nhất. Tuy nhiên cũng có bằng chứng cho sự hiện diện của những cung khác lúc này hay lúc khác. Đôi khi các khía cạnh nhất định của cung 4 dường như đã xuất hiện, vì một lần ở triều đình cô đã xuất hiện trong trang phục lộng lẫy và màu sắc sống động, tuy nhiên việc này cũng chắc chắn có những cách giải thích khác.

Là một cô gái nông dân ở Domremy, cô dường như không có những xu hướng này, mà cô là một đứa trẻ thông minh, hiền lành và ngoan đạo (Ma kết, với cung sáu và cung một). Đứng trên đỉnh vinh quang được tạo ra với tư cách là người giải phóng Orleans, rất tự nhiên nếu Joan (người không bao giờ có cơ hội làm một đứa trẻ) biểu lộ sự nhiệt tình và lòng mong đợi chiến thắng thông qua việc mặc trang phục mang sắc màu tươi sáng và một tình yêu sự hào nhoáng lộng lẫy. Tuy nhiên điều đáng nói ở đây là, hoàn toàn trái ngược, cung 4 dường như không lộ diện trong cấu trúc cung của Cô. Cô không bao giờ do dự (do dự là tính cách của Vua Dauphin, Charles VII thiếu quyết đoán một cách đáng hổ thẹn); cũng không hề tìm cách hòa giải. Cách thức thẳng thắn, trực diện và sắc bén của cô cho thấy việc hoàn thành sứ mệnh là điều quan trọng hơn nhiều đối với cô so với việc điều chỉnh cho phù hợp với những điều thích và không thích của những người mà cô cảm thấy mình có trách nhiệm dẫn dắt.

Theo tính cách đặc trưng, khi được đề nghị ký một giao ước đình chiến hoặc hòa bình với Công tước Burgundy (người đã đứng về phe Anh), cô nhấn mạnh rằng một hòa bình như vậy chỉ có thể được thực hiện như một phương thức cuối cùng. Không có nhiều gợi ý cho Cung 4 yêu sự hòa giải ở đây! Đối với cô, người Anh và Burgundia là những kẻ thù của Pháp, và chỉ có thất bại hoàn toàn của họ mới có thể cứu vương quốc Pháp. Không thể thực thi một biện pháp nửa chừng. Trong trường hợp này, chúng ta có thể thấy sự từ chối thỏa hiệp của cung sáu (được tăng cường bởi sự hiện diện của cung 1). Tính cách cung 4 không hề được tìm thấy.

Trong một số khía cạnh, dường như có sự hiện diện một chút của cung 3. Trong hầu hết các trường hợp, Joan luôn tuyệt đối thẳng thắn, không hề thủ đoạn. Trong suốt quá trình xét xử, cô không hề bóp méo sự thật hay nói năng mập mờ như những người cung 3 thường hành xử. Khi không thể trả lời, cô sẽ không nói; không mưu mẹo tinh vi nào được được triển khai. Tuy thế cô vẫn rất khôn ngoan khi cần thiết. Trong những ngày đầu tiên của cuộc phiêu lưu, cô biết rằng để theo đuổi sứ mệnh của mình, trước hết cô phải giấu kỹ cha mẹ và tất cả bạn bè (thậm chí, rất có thể với cả giáo sĩ nghe xưng tội của làng cô); Và trong cả quá trình xét xử, cô luôn phải dự đoán mưu đồ của những người cáo buộc mình.

Tuy nhiên, có vẻ như những khả năng này có được nhờ sự tinh tế và trầm tĩnh của cung Hổ Cáp, và sự khôn ngoan thận trọng của cung Ma Kết, hơn là nhờ cung ba trong biểu đồ cung của cô. Dĩ nhiên, cung Ma Kết chính là cung Hoàng đạo truyền dẫn cho cung ba, và chủ tinh của nó, Thổ tinh, là hành tinh truyền dẫn chính của cung ba. Diêm Vương Tinh, là một trong những chủ tinh của cung Ma Kết cũng có liên hệ mật thiết với cung ba (mà về mặt biểu tượng dệt ‘tấm lưới’ của con nhện Hổ Cáp/Diêm Vương). Tuy nhiên, có ít điểm đáng chú ý nào khác thể hiện sự có mặt của cung 3. Hiển nhiên Joan đã luôn dựa vào cảm hứng và sự ngoan cường hơn là chiến lược.

Chân sư Tây Tạng cho chúng ta biết rằng chiến binh cung 3 “giải quyết vấn đề trong chiến thuật trên bàn làm việc, và hiếm khi nổi bật trên chiến trường “. Điều này hoàn toàn trái ngược với cách Joan tiến hành. Cô rất ít quan tâm đến việc lên kế hoạch cho chiến lược trong khi cô luôn xuất sắc trên chiến trận. Hơn nữa, sự đơn giản và chân thành tuyệt đối của cô (không bị làm phức tạp hóa bởi những toan tính và quá nhiều cân nhắc), phủ nhận sự hiện diện của cung ba—ít nhất là ở mọi điểm mấu chốt (tuy nhiên cũng có thể đó là cung của thể xác vật lý mạnh mẽ và vững vàng của Joan).

Sự tồn tại của cung hai cũng có thể bị loại bỏ. Tình yêu thương rộng lớn và nhẹ nhàng của cung hai không phải là đặc tính bản chất của cô. Tình yêu của Joan cực kỳ đam mê và nhất tâm; Đó là tình yêu dành cho Thiên Chúa, các vị Thánh và cho tổ quốc của cô, nước Pháp. Đó cũng là tình yêu dành cho vị chúa của lòng cô, vua Charles VII. Nhưng đó không phải là tình yêu bao hàm. Cô không thể yêu kẻ thù của cô, cho dù cô đã khóc cho linh hồn của họ. Xuyên suốt, Joan đầy ắp tinh thần chiến đấu, khó có thể coi là chịu ảnh hưởng của cung hai. Cô là một người hành động, một ngọn lửa rực cháy.

Những cách thức của cung 2 quá chậm và dường như không hiệu quả đối với cô. Thay vì “khôn ngoan trong các hành động chậm rãi”, cô thường tập trung dựa vào cảm hứng để đưa ra hành động quyết liệt. Điểm quan trọng cần được nhắc tới ở đây là tất cả các linh hồn cung sáu, về lâu dài, sẽ chuyển đổi thành cung hai; (hoặc đôi khi là cung ba), nhưng, ngay cả khi chúng ta cho rằng Joan là một linh hồn cung sáu (một giả định hợp lý), thì hầu như không có gì trong cuộc đời của cô thể hiện rằng quá trình chuyển đổi sang cung 2 (hoặc cung 3) đang diễn tiến.

Sự có mặt của cung năm cũng rất mơ hồ. Trước tiên, cung năm có làm giảm bớtsức thu hút cá thể, có lẽ là do sự tách rời và tính khách quan của cung năm, và không cho phép cảm xúc tăng lên làm lấn át lý trí. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Joan cũng luôn là một người có sức hút lạ kỳ. Cô được chào đón ở mọi nơi, cô trở thành thần tượng của người Pháp; Mọi người bị hút vào cô không gì cưỡng lại. Rõ ràng lý trí hiếm khi có thể ngăn chặn được cảm xúc của cô (mặc dù khi cần thiết điều đó cũng xảy ra). Điểm đặc trưng đó càng thể hiện rõ hơn khi cô đắm mình trong cầu nguyện nhiệt thành (và trong nước mắt) thay vì ngồi suy tư. Ngoài ra, đúng là Joan rất có lương tri, nhưng đó không phải là loại lương tri thường thấy ở cung 5.

Điều quan trọng phải nhớ rằng cô ấy có năm hành tinh trong các cung hành thổ (giải thích tính cách thực tế và lương tri), và rằng chủ tinh của cô là Hỏa tinh nằm trong Cung Xử Nữ, là một trong những ảnh hưởng của lá số chiêm tinh có tính thực tế nhất. Hơn nữa, Joan là một nông dân Pháp. Toàn bộ nền tảng giáo dục và gia đình cô có đã thúc đẩy xu hướng tiếp cận cuộc sống một cách thực tế và giản dị nhất. Cũng vậy, những cách thức thức tiếp cận được tạo ra bởi cung 1, thường hợp lẽ và không hề vô nghĩa.

Tuy nhiên, những người cung sáu, thường là trái ngược hẳn. Hết sức điển hình, Joan đã có nhiều hành động rõ ràng là dại dột (đặc biệt về mặt quân sự) vì chủ nghĩa lí tưởng và lòng mộ đạo cao độ của cô. Joan cũng không phải là một học trò cẩn thận và tỉ mỉ. Cả cung hai và cung năm cùng tạo ra tính cách chăm chỉ. Cuộc thẩm vấn đầu tiên của cô tại Poitiers đã cho thấy Joan thấy không cần phải chứng minh cô là ai bằng cách sử dụng lý lẽ hay bằng chứng hợp lý; Những bằng chứng của cô hoàn toàn dựa trên hành động. Cô là người theo trực giác. Cô không hề nghi ngờ và thắc mắc (như người cung 5 thường đặt ra) về những thế lực thần linh của mình. Cô chấp nhận họ một cách không phê phán, với đầy đủ giá trị, mà không cần phân tích họ từ đâu tới. Một trong những người viết tiểu sử của cô, Vita Sackville-West, trong cuốn Thánh Joan of Arc, đã đưa ra một đánh giá rõ ràng về cô: “trí tuệ của cô ấy không đáng kể, dù vậy thiên tài của cô là đỉnh cao.”

Điều này cho thấy chỉ còn cung 7 để xét đến. Có lẽ, ngoại trừ tình cảm cô dành dành cho trang phục, các lá cờ bay và áo giáp sáng lòa (tất cả do cô tạo ra, khá tự nhiên, sau khi cô đã được triều đình của Dauphin chấp nhận), có rất ít điểm cho thấy sự hiện diện cung 7 mạnh mẽ trong cấu trúc cung của cô (mặc dù có khả năng cung ba là một lựa chọn khả dĩ hơn). Cũng có thể lập luận rằng Joan nhận ra giá trị của những hình thức bên ngoài này như một nguồn cảm hứng cho những người theo cô. Trên tất cả, cô biết mục đích của cô là tạo ra cảm hứng, và xét tới tính thực tiễn của năng lực cung Ma Kết mà cô sở hữu, rất tự nhiên cô sẽ sử dụng mọi phương tiện để các thu xếp đạt hiệu quả tối đa.

Tất nhiên, Ma Kết có mang tính chất cuả cung bảy, cũng như cung một và cung ba; thực tế, đó là chòm sao mà cung bảy chủ yếu tập trung vào. Kết quả là một phần năng lượng cung bảy hẳn nhiên đã có mặt, và dường như trong các nhiệm vụ lặp đi lặp lại trong cuộc đời cô khi còn là một thôn nữ, năng lượng cung 7 đã phát lộ. Nhưng khi cô tới với thế giới rộng lớn hơn, có rất ít hành vi cho thấy sự hiện diện của cung 7. Ví dụ, giả sử cung bảy là cung thể xác của cô (chắc chắn nó không thể là cung linh hồn của cô) – Với vị thế đó, nó sẽ gây ảnh hưởng ở một mức độ đáng kể, tạo nên một con người khiêm tốn, lịch duyệt và cư xử phù hợp với tập quán. Tuy nhiên, Joan luôn thiếu kiên nhẫn, không chịu khuất phục, và thường xuyên “thô lỗ”, theo các tiêu chuẩn của triều đình. Cô liên tục hối thúc và ép buộc, và khi không thể, cô liền chuyển sang cách nói “châm chọc chua cay”.

Rõ ràng là cô không có phong thái tinh tế và lịch sự; Cô không có thời gian cho những điều như vậy. Cô là một người thực thi sứ mệnh nhất tâm mà hầu hết các vấn đề về hình thức là những trở ngại cho mục tiêu của cô. Chắc chắn, khi xem xét cách cô hướng tới một vấn đề, ngay cả với những người bạn thân thiết nhất, sự lịch thiệp, cân nhắc, sự tế nhị và ôn hòa của cung bảy hoàn toàn không có. Cô không làm gì khác ngoài đòi hỏi, thúc đẩy mọi người tiến lên, và khơi dậy nhiệt huyết, hầu như không có cách tiếp cận của cung bảy, người luôn coi trọng sự đúng thời điểm và đề cao hoạt động có quy trình. Người cung bảy thường kềm chế sự cuồng tín nhiệt thành. Điều này rất rõ ràng khi chúng ta so sánh các tính chất của thời đại cung sáu đang suy thoái, với thời đại cung 7 đang lên ngôi. Tuy nhiên, Joan, dù được truyền cảm hứng từ Thiêng liêng, là người cuồng tín tinh hoa. Cô có một linh ảnh, và xem tất cả mất hết nếu linh ảnh đó không thể đạt được.

Biểu đồ cung đề xuất

Giống như cuộc đời của Joan of Arc đã thể hiện sự giản đơn và rõ ràng theo một nhip điệu duy nhất, biểu đồ của cô (ít nhất theo nhìn nhận của tác giả) do đó cũng vậy. Có vẻ như cung 6 và cung 1, hoàn toàn chiếm ưu thế.

 

Đây có vẻ là một loại biểu đồ cực đoan, nhưng ngay cả trong nhóm đệ tử của chân sư Tây Tạng, có hai môn đệ, I.S.G.-L. và H.SD. cũng sở hữu biểu đồ cung đặc biệt này, với thay đổi rất ít ở cấp độ thể hồng trần. Rõ ràng từ lời khuyên của Chân sư Tây Tạng đối với hai môn đồ này, điều quan trọng là họ phải học cách kiểm soát, kiềm chế và có tiết điệu. Điều thú vị là, cả hai trong số các môn đồ này (mặc dù sinh 650 năm sau Joan), đang trong quá trình chuyển từ cung sáu sang cung hai. Điều này không có khi nói về Joan.

Gần như không nghi ngờ gì Joan of Arc có linh hồn cung sáu. Toàn bộ định hướng của cô hướng tới các cõi giới cao hơn. Cô là một nhà thần bí và có viễn cảm với sứ mệnh thiêng liêng cần thực hiện trên trái đất, nhưng thực sự, cô ước ao hướng tới những cõi mà các vị thánh quen thuộc của cô đang ngụ tại. Cô thường khóc vì sau khi trò chuyện với cô, họ không đưa cô đi cùng họ.

Một trong những khác biệt quan trọng nhất giữa người cung sáu và người cung một là xu hướng của người cung 6 luôn tìm kiếm nguồn sức mạnh cho họ bên ngoài mình. Họ tạo nên sức mạnh bằng cách dựa vào ai đó, người sau đó trở thành nguồn cảm hứng cho họ. Trong khi đó, người cung 1 luôn cảm nhận mình là trung tâm của quyền lực; ngay cả ở tầm mức tinh vi hơn về mặt tinh thần, và do đó nhận ra rằng sức mạnh cá nhân là hoàn toàn vô nghĩa, họ tự đồng hoá với nguồn sức mạnh thiêng liêng. Trong quá trình đồng hoá đó, họ không thấy sự tách biệt giữa nguồn lực và chính họ. Joan rõ ràng là một kiểu người cung 6. Tiếng nói mà cô nghe được và các vị thánh của cô (theo cô nhận thức) là nguồn sức mạnh cho cô, và khi họ im lặng, hoặc dường như bỏ rơi cô, sức mạnh và cảm hứng của cô dường như chùng xuống. Định hướng của cô thường xuyên lên và xuống, chứ không phải sâu bên trong.

Khi cố gắng xác định mức độ ưu tiên của cung sáu hoặc môt trong biểu đồ cung của Joan, cần phải nói rằng Joan không phải là người sinh ra để cai trị. Lĩnh vực quản lý cấp cao của cung 1, về bản chất, không phải là khuynh hướng hay thiên hướng tuyệt đối của cô. Đúng vậy, để thực hiện được sứ mệnh của mình – thống nhất vương quốc Pháp đã gần như bị tan rã vì quân Anh- cô đã phải bước vào vị trí chỉ huy, nhưng một khi nhiệm vụ của cô đã hoàn thành, cô không muốn cai trị. Cô thực sự không có khí chất cho điều đó; Cô quá tập trung, quá gấp gáp, và khát khao lớn nhất của cô liên quan đến một thế giới khác. Sau lễ đăng quang của Vua Charles VII được thực hiện nhờ những nỗ lực không mệt mỏi và không ngừng nghỉ của cô, cô tâm sự với Tổng giám mục Reims rằng cô mong muốn được trở về nhà chăn đàn gia súc của cha mẹ cô (lưu ý rằng đây là một lựa chọn hợp lý về mặt tâm lý) . Có lẽ cô cảm thấy rằng ở đó cô sẽ yên ổn hơn để kết nối với những người bạn thiên thần và thánh thiện của cô. Họ (cho dù họ là ai) hoàn toàn không có ý định như vậy.

Khi cố gắng đánh giá cung năng lượng của Joan of Arc, mối quan hệ của cô với Chân sư Jesus chính là trọng tâm. Từ mọi khía cạnh, đó là mối quan hệ giữa Chân sư và Đệ tử. Có lẽ một cách vô thức, Joan thường mở đầu các bức thư bằng chữ “Jhesus Maria”. Với tư cách là một con chiên Công giáo ngoan đạo, cô thường cầu nguyện Chúa Jesus (vì vào thời đó, ngoài những người đã được khai mở và có hiểu biết thông tuệ, không ai biết được sự khác nhau giữa Đức Chúa Jesus và Đấng Christ). Người ta vẫn kể lại rằng, khi cô bị thiêu sống trên giàn lửa, cô vẫn liên tục xướng tên Chúa Jesus cho đến khi đầu cô gục xuống.

Một trong số những bài viết đầu tiên của chân sư Tây Tạng về Chân sư Jesus (được tìm thấy trong cuốn Điểm Đạo trong Nhân loại và Thái Dương hệ, trang 56-57) cho thấy một Cá nhân có thể dễ dàng được xem như là “hình mẫu tiêu biểu” cho Joan—không hề là Chúa Jesus, một người chịu đựng đau khổ tốt đẹp và tử tế:

Chân sư Jêsus, Đấng là tâm điểm của dòng năng lượng tuôn chảy qua vô số các nhà thờ Cơ đốc giáo… Ngài thuộc cung sáu sùng tín, hay Chủ nghĩa lý tưởng trừu tượng, và các đồ đệ của ngài thường được biết tới với lòng mộ đạo và sùng kính sâu sắc, thể hiện qua những con chiên tử vì đạo trong thời kỳ đầu Cơ đốc giáo. Chính ngài là một người rất dũng mãnh, kỷ luật, một người đàn ông quyền lực và ý chí thép… Ngài là Nhà lãnh đạo vĩ đại, một vị Tướng, và một Nhà quản lý khôn ngoan …

Theo một cách nào đó, đây cóchính là hình ảnh chân thực của Joan không? Liệu phẩm chất chính yếu của cô có thể được tìm thấy trong mô tả bản thể của nguyên mẫu? Khi đọc về Joan với những kỳ công, sự dũng cảm, lòng can đảm và ngoan cường trong chiến đấu, người ta có thể khẳng định rằng cô sẽ phải sở hữu linh hồn cung 1. Nhưng khi đọc bản mô tả của chân sư Tây Tạng về Chúa Jêsus, những phẩm chất đó cũng hiện diện ở cung sáu.

Giờ đây, sinh viên nên quen thuộc với ý tưởng rằng cung 1 và cung 6 có quan hệ mật thiết ở một số khía cạnh nhất định, cũng như ham muốn và ý chí có liên quan. Hỏa tinh là là một hành tinh cung sáu và mang tới tinh thần chiến binh cho những ai chịu ảnh hưởng của nó, cũng đồng thời là hành tinh cung 1. Viết về những vị Giáo chủ hoạt động dưới sự ảnh hưởng của Hỏa Tinh, Chân sư Tây Tạng có nói: “Họ làm việc dưới Phương diện Thượng đế Thứ Nhất và đào tạo những người có công việc theo đường lối phá hủy” [Nhấn mạnh MDR] (theo Chiêm tinh học Nội môn, trang 694). Liệu có hấp dẫn không khi Hỏa tinh là hành tinh trội nhất nhất trong lá số chiêm tinh của Joan of Arc? Nó không những là chủ cung của cung mọc Hổ cáp, mà nó còn được đặt trong cung Xử nữ, một dấu hiệu của “Trinh Nữ”. Điều gì có thể mô tả rõ ràng hơn hình ảnh của Trinh nữ chiến binh – “la Pucelle”, như cô được nhìn nhận trên toàn nước Pháp? Rõ ràng là Hỏa tinh cung 6 là hành tinh chủ đạo của Joan, không chỉ theo nghĩa phàm ngã , mà còn ở một mức độ sâu xa hơn.

Có một điểm nữa cần được thảo luận là vấn đề liệu Joan là một linh hồn cung sáu hay linh hồn cung 1. Tại phiên tòa xét xử, các câu hỏi quan trọng phát sinh liên quan đến lá cờ mà cô mang vào mỗi trận chiến. Theo tiêu chuẩn của cô thế giới được tạo dựng và trông nom bởi hai thiên thần, những thánh nữ trinh trắng của Pháp và, quan trọng nhất, của Chúa Jesus, nguồn gốc tạo ra từ kết hợp Jhesus Maria. Bồi thẩm đoàn đã nhìn nhận đó là một tiêu chuẩn báng bổ đáng bị chỉ trích nhất, và Joan đã không giúp gì cho mình mà tiếp tục nhấn mạnh rằng “Chúa chúng ta” (nghĩa là Chúa Jesus), thông qua Thánh Margaret và Thánh Catherine, đã yêu cầu cô tạo ra lá cờ theo cách đó. Nhưng khi Joan được hỏi cô ấy yêu cái gì – lá cờ hay thanh kiếm của cô – câu trả lời của cô rõ ràng cho thấy mức độ ưu tiên của các giá trị được đặt ra và giải quyết dứt điểm câu hỏi về cung nào nổi bật trong cuộc đời cô (cung 1 hay cung 6). Dù cô vô cùng yêu quý thanh gươm của mình, “Fierbois”, vì nó được tìm thấy trong nhà thờ Thánh Catherine yêu dấu của cô, cô vẫn quý trọng lá cờ của mình hơn rất nhiều- “nhiều hơn bốn mươi mốt lần.” Khi được hỏi tại sao cô mang theo lá cờ của cô vào trận chiến, cô trả lời đơn giản là điều đó giúp cô tránh được giết chóc bất cứ ai bằng chính đôi tay của mình; Cô nói thêm rằng cô chưa từng bao giờ giết bất kỳ người nào.

Tính biểu tượng vô cùng rõ ràng. Thanh kiếm luôn được coi là một trong những biểu tượng nổi bật của cung 1, Ý Chí và Quyền lực, và lá cờ một trong những biểu tượng ưu việt của cung 6- Lý Tưởng và Sùng tín. Thanh gươm mang lại cái chết và sự tách rời, và lá cờ (được giữ ở trên cao) gợi lên và truyền cảm hứng cho những người tận tụy để họ có thể tự nhấc mình lên đỉnh cao nhất của khát vọng và cam kết. Quyền lực từ của cung 1—”TÔI XÁC NHẬN THỰC TẾ”—là một mantram hiện thân của khái niệm “Thanh kiếm của sự thật”. Linh từ cung sáu —”ÁNH SÁNG CAO CẢ NHẤT THỐNG TRỊ” – đưa ra những tiêu chuẩn giá trị cao nhất mà những người cung sáu khao khát kiếm tìm cho phù hợp, và theo đó y kiểm soát cuộc sống thể hiện trong 3 phương diện trên đường tiến hóa nhân loại. Như vậy rõ ràng, Joan of Arc là một linh hồn cung sáu điển hình.

Sau khi vấn đề quan trọng nhất về cung linh hồn được quyết định, kết luận rằng Joan có thể phàm ngã cung 1 dường như là điều hiển nhiên. Cô là một phụ nữ có mục đích vững vàng. Một khi viễn cảm của cô rõ ràng, không có gì và không một ai—truyền thống nông dân quê mùa của gia đình, sự cản trở của các triều thần hoàng gia và các vị lãnh chúa mang đầy lòng ghen ghét, sự hoài nghi của bạn bè, sự chế giễu và phản bội kẻ thù – đều không thể khiến cô dừng thực thi sứ mệnh mà cô theo đuổi. Với cách thức thực sự cung 1, cô đã chủ yếu hành động đơn độc. Ít nhất, trên cõi hồng trần này, cô một mình khởi xướng kế hoạch hành động vĩ đại của mình (thống nhất quốc gia Pháp) và (dù đúng hay sai) cô đã một mình gánh trách nhiệm cho sự thành công. Sự táo bạo và gan dạ đáng kinh ngạc của cô; Tính bướng bỉnh và lòng quyết tâm; tính cách mạnh mẽ và miệng lưỡi sắc bén; khả năng đứng ngang cơ (thậm chí lãnh đạo) những người lính dạn dày trên chiến trận; và thành công của cô trong việc bảo vệ cả phẩm giá và sự liêm chính của mình khi phải đối mặt với toàn bộ sức mạnh của Bồi thẩm đoàn “cuồng tín” và những kẻ xúi giục người Anh, tất cả đều thể hiện rõ tính cách cung một. Joan là người có tầm nhìn xa, có sức mạnh, lòng dũng cảm, sự nhất tâm trong mọi hành động, và hoàn toàn phù hợp để có thể coi là “người bị kết án bất khả chiến bại” (chắc chắn là một thuộc tính của cung 1) để tầm nhìn của cô được đi vào lịch sử.

Dường như thể trí của Joan cũng là cung 1. Lời lẽ của cô luôn ngắn gọn và sắc nhọn. Bằng lời nói, cô có thể chống đỡ với các nhà tư tưởng phức tạp nhất vì cô có thể đi xuyên qua sự phức tạp của họ tới thẳng điểm mấu chốt. Cô nói sự thật trần trụi mà không do dự với cả bạn cũng như kẻ thù. Khi các vấn đề về nguyên tắc được đặt ra, cô không dung thứ cho cảm xúc của bất kỳ ai. Thể trí của cô đơn giản tuyệt đối (mặc dù cô không hề là người suy nghĩ giản đơn) Trong khi đó, tầm nhìn của cô rõ nét tuyệt vời, nếu không muốn nói là hết sức tinh tế. Cô không có thời gian để nói năng ngọt ngào. Trên thực tế, cô thường ăn nói rất cương quyết – cách nói của người nhìn thấy chính xác những gì cần làm và mong muốn người khác nhìn nhận ra những điều đó và hành động phù hợp (và ngay lập tức).

Tính năng nổi bật của thể trí của Joan là sự quyết đoán. Khi biết điều gì đó, cô chỉ đơn giản biết. Không có lý do hoặc sự cẩn trọng nào có thể làm thay đổi quan điểm cứng rắn của cô. Cô có trực giác tự nhiên. Cô không tập hợp thông tin và rút ra những kết luận hợp lý (nếu có, thể trí của cô hẳn đã là cung 5), cũng không có bất kỳ do dự, đắn đo, dao động, hoặc không chắc chắn như thường gặp khi thể trí được pha trộn tính chất cung 4. Hơn nữa, một người phụ nữ có thể nói với Bastard của Orleans đầy quyền lực thuộc dòng dõi hoàng gia—”… Nhân danh Chúa tôi ra lệnh cho Đức ông cho tôi biết ngay khi nào ông nghe nói về sự xuất hiện của Fastolf [vị tướng người Anh, Sir John Fastolf], vì nếu hắn ta tới mà tôi không hay biết, tôi chắc chắn với Đức ông rằng ông sẽ bị mất đầu”- hẳn nhiên việc này thể hiện rõ không thể có sự có mặt của cung 2, hoặc cung 3 với thể trí luẩn quẩn và thận trọng. Trên thực tế, chỉ có người chịu ảnh hưởng mạnh của cung 1 mới có thể nói năng được như vậy.

Thể cảm dục của Joan phải là cung sáu. Joan có lòng sùng bái tối cao—đối với Thiên Chúa, với các vị thánh của mình, với Charles VII và nước Pháp. Chúng ta hãy nhớ lại nhận xét của vị chân sư Tây Tạng rằng cung sáu biểu hiện qua thể cảm dục như lòng sùng bái, và thông qua phàm ngã như chủ nghĩa lý tưởng. Hơn nữa, Joan rất bộc phát và dễ bị kích động trong cảm xúc (và thường xuyên thay đổi và dễ nổi cáu). Mặc dù chịu ảnh hưởng mạnh của cung 1, cô dường như hiếm khi kiềm chế được cảm xúc của mình. Những cơn khóc lóc bùng phát thường xuyên của cô—dù vì thất vọng, vì ăn năm hối lỗi, hay cho số phận của kẻ thù đã ngã—đều là dấu hiệu của chủ nghĩa cảm xúc của thể cảm dục cung sáu. Hải Vương Tinh, “Vị Thần của Đại Dương” (và là một trong những hành tinh dẫn truyền cung sáu) thường có liên quan đến tuyến nước bọt và nước mắt.

Như chúng ta đã biết, bản tính thể cảm dục cung hai là tương đối điềm tĩnh và kiên nhẫn; Nhưng mọi thứ về Joan đều thể hiện sự thiếu kiên nhẫn và thúc bách. Một khi cô đã bước trên con đường định mệnh của mình, cô luôn sống với cảm xúc mãnh liệt và gấp gáp. Nếu thể cảm dục thuộc cung 1, cô hẳn đã không thể chìm trong những cảm xúc bộc phát như vậy, và cũng không có những phản ứng đầy xúc cảm như mọi người vẫn thấy.

Dòng năng lượng cung 6 mở rộng từ linh hồn đến thể cảm xúc tạo ra một sự kết hợp của các năng lượng có khả năng tạo cảm hứng khát vọng, nhưng cũng đồng thời tạo ra những thái cực trong cảm xúc. Phải nhớ rằng Joan of Arc chính là cội nguồn mọi cảm hứng. Cô không tạo cảm hứng từ sức mạnh của ý nghĩ của mình, mà từ sự nhiệt thành không gì chế ngự được của cô trong sự nghiệp giải phóng nước Pháp. Cô đã tạo ra những hiệu ứng thuần khiết, đầy khích lệ và biến chuyển về cảm xúc cho những người lính của mình. Cô kích động và tập trung vào mong muốn chiến thắng của họ. Thông qua những kỷ luật khắt khe và ngoan đạo, cô nâng cao cảm xúc của quân đội mà cô dẫn dắt, khôi phục sự nhiệt tình của họ và tăng sức mạnh tinh thần (và thể lực) của họ. Bánh xe cảm xúc cung sáu sôi động và nhiệt thành chính là một trong những món quà mạnh mẽ nhất của cô.

Bởi vì không có một bức chân dung nào thực sự đáng tin cậy về Joan (nếu thực sự có ở đâu đó), rất khó để đánh giá một cách chắc chắn thể xác/thể hồng trần của cô thuộc cung nào. Tuy nhiên, một số bằng chứng không rõ ràng, dường như cô có thể xác cung 3. Chắc chắn, Joan phải là người cường tráng để có thể mang trên mình bộ áo giáp nặng nề liên tục trong nhiều ngày, điều này biểu hiện cho một cơ thể cung ba cơ bắp mạnh mẽ. Cô cũng có thể đi nhiều giờ đồng hồ mà ăn rất ít; Cô dường như không cần phải ăn và ngủ một cách đều đặn, như thường xảy ra với những người có thể xác cung bảy. Ngoài ra, có vẻ như rõ ràng rằng Joan đã không đứng trong các buổi lễ. Cuộc đời cô không có thời gian để dành cho lễ nghi và những nghi thức trang nghiêm.

Cô có thể thích nghi tốt với cõi trần (như cô ấy buộc phải làm, cắm trại và chiến đấu cùng với những người lính hỗn độn trong điều kiện khắc nghiệt và cực kỳ thiếu tiện nghi). Tuy nhiên, mọi biểu hiện đều cho thấy cô không hề quản ngại những điều kiện khó khăn, và sự tàn khốc luôn theo đuổi trên chiến trường ; đẹp đẽ thanh tao không phải là một mối quan tâm của cô. Trong khi người ta nói rằng Joan rất thích vẻ hào nhoáng bề ngoài, và không hề phản đối mang một bộ áo giáp cắt may tỉ mỉ (ít nhất cũng cho thấy sự hiện diện chút ít của cung 7 hoặc cung 4), cô rất nhanh chóng trở nên bồn chồn sốt ruột với những thủ tục lặp đi lặp lại ở triều đình và chỉ mong muốn được ra mặt trận chiến đấu với kẻ thù. Có vẻ như cô ưa hành động nhanh và sự lặp lại không hấp dẫn chút nào với cô. Ngay cả việc tham dự Thánh lễ và xưng tội của cô cũng không được thực hiện đều đặn và nhịp nhàng mà hết sức ngẫu hứng, với tần suất càng nhiều càng tốt (ảnh hưởng của cung sáu), và bất cứ khi nào tinh thần thôi thúc.

Điểm cuối cùng đáng quan tâm, là có một bức tượng bằng đá ở viện bảo tàng Domremey, nước Pháp (nơi sinh của Joan of Arc), nếu không phải là hình ảnh chân thực của Joan, ít nhất cũng khá giống thật. Nó dường như là một bản sao một phần từ tổ hợp điêu khắc được dựng lên khoảng ba mươi năm sau khi cô mất. Đó là hình ảnh một cô gái trẻ đang quỳ gối cầu nguyện. Cô gái khá thấp, trông chất phác và mạnh mẽ (có thể nói là trông chắc nịch)—hình ảnh của một nông dân Pháp thuần khiết. Mọi biểu hiện trên bức tượng nhỏ này cho thấy một thể xác cung ba hơn là cung bảy. Cần phải nhìn nhận rằng, cho đến khi các bản ghi akashic gốc có thể được đọc một cách tin cậy để xác minh mọi vấn đề, các giả thuyết như được trình bày ở đây phải không phải là kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, khi xét tới các bằng chứng có được, dường chúng như khá phù hợp với cung ba.

Kết luận

Mặc dù là một điển hình tiêu biểu trong lịch sử, Joan of Arc đã trở thành một anh hùng mang tính thần thoại. Trong quá trình tạo ra một truyền thuyết, chân lý đôi khi bị đổi thay, và tính cách của nhân vật thần thoại bị đơn giản hóa và ít đáng tin cậy hơn là một con người thực sự. May mắn thay, trong trường hợp của Joan of Arc, việc mô tả chân thực con người cô được được đảm bảo vì mọi chi tiết của phiên tòa xét xử cô đều được ghi chép lại cẩn thận. Chúng ta biết rất nhiều về cuộc đời ngắn ngủi của cô – ngày giờ và địa điểm, những nơi cô đã tới, những gì cô đã làm và đã nói. Tuy nhiên, trong tất cả những tài liệu này, tính giản đơn nơi cuộc sống và sự nhất tâm thể hiện ở cô tuyệt đối rõ ràng. Trên tất cả, cô là hình ảnh mẫu mực của một người có sứ mệnh rõ ràng trên cuộc đời này. Từ khi cô chấp thuận đi theo những chỉ dẫn của Thượng đế (đại diện bởi tiếng nói và các vị thánh của cô), cuộc đời cô là một con đường thẳng tắp dẫn đến việc hiện thực hóa viễn cảnh và để hoàn thành định mệnh đầy chông gai (nhưng cũng đầy vẻ vang) của mình.

Để thực hiện thành công một sứ mệnh đầy gian khổ, không có cung nào phù hợp hơn sự kết hợp của cung một và cung sáu. Rõ ràng là sứ mệnh của Joan of Arc, thật sự được lấy cảm hứng từ cõi trên. Cô là công cụ của một mục đích kép gắn liền với cõi thiêng liêng: sứ mệnh quốc gia (khôi phục và thống nhất quốc gia Pháp) và, quan trọng hơn, là một sứ mệnh toàn cầu—(dựng nên một chuẩn mực anh hùng cao cả cho toàn nhân loại, và đặc biệt là cho những ai được sinh ra với định mệnh giải phóng tinh thần bằng cách theo con đường cung sáu dâng trọn bản thân mình).

Ghi chú: Nguồn tư liệu cho mọi trích dẫn về Joan of Arc: cuốn Đức thánh Joan of Arc, Vita Sackville-West, Doubleday, Doran and Company, Inc., Garden City, New York, Bản quyền 1936; và cuốn Bách khoa toàn thư Britannica, Tái bản lần thứ 15.

Leave Comment