Một bạn học viên viết thư cho tôi trăn trở về sự “chệch hướng” khỏi con đường đạo trong thời gian qua, và bạn quyết tâm làm lại, từ bỏ sự “nửa vời” của mình. Điều đó là bình thường, rất bình thường đối với tất cả chúng ta. Thế gian có được bao nhiêu người như Chúa và Phật, khi sinh ra đã dũng cảm lìa bỏ những cám dỗ của trần gian? Chuyện kể đức DK từ nhỏ đã có tâm nguyện tu học, Ngài xuất gia theo đức KH học đạo mặc dù gia đình của Ngài ngăn cản, và bị Ông Nội của Ngài tước quyền thừa kế tài sản gia đình. Do đó Ngài còn được gọi là Disinherited (Người bị tước quyền thừa kế trong quyển sách Thư của các Chân sư gởi cho Ông Sinnett). Ngài cũng là trường hợp đặc biệt.
Khi mới bắt đầu đọc sách của đức DK, tôi không hiểu được câu chú nguyện “Cầu Xin sự đau khổ mang lại phần thưởng thích đáng của Ánh sáng và Tình thương” (Let pain bring due reward of light and love). Tại sao lại cầu xin đau khổ mang đến Ánh sáng Giác Ngộ và Tình thương Chúng Sinh? Nó bí hiểm như câu trong kinh Kim Cang của Nhà Phật “Phiền Não tức Bồ Đề”. Sau này, lớn lên, trải qua những thăng trầm trong cuộc sống, cũng như chứng kiến những câu chuyện của những người xung quanh, tôi mới “ngộ” được câu chú nguyện trên. Vâng, chỉ khi đã trải qua những đau khổ cùng cực người ta mới “ngộ” ra được chân lý, mới dũng cảm từ bỏ những cám dỗ của vật chất. Do đó, chỉ những người đã được trui rèn trong đau khổ thì ánh sáng giác ngộ mới xuất hiện, tình thương mới phát sinh. Trong quyển Tâm lí học Nội môn Chân sư DK gọi tiến trình này là ACLRI (Alignment, Crisis, Light, Revelation, Integration). Khi con người đã tích hợp được phàm ngã (alignment), họ đạt được thành công trong cuộc sống, họ sống trong vinh quang của cuộc đời. Rồi một ngày nào đó, Vị Thần Nhân Quả tác động và Cơn Khủng Hoảng của cuộc đời ập đến (Crisis). Từ đỉnh cao của vinh quang họ rơi xuống đáy vực đau khổ. Nhưng chính trong sự đau khổ đó Ánh sáng Giác Ngộ mới hiện ra (Light), mang đến sự Khai Ngộ (Revelation) và cuối cùng là sự tích hợp (integration).
Cách nay vài năm cư dân mạng lan truyền bài nói chuyện của Bác sĩ Richard Teo Keng Siang—một bài nói chuyện rất cảm động và rất hay—và tôi xem đó như một điển hình của tiến trình ACLRI.
Trừ phi các bạn là đệ tử chính thức, các bạn vẫn còn là “hiện thân của sự bấp bênh vô định”. Phải trải qua vài kiếp sống, trui rèn trong lò rèn của thần Vulcan và dưới tác động của Pluto, bạn mới đủ sức mạnh để vượt qua các thử thách, các bài test của đường đạo. Do đó, tôi chỉ có một lời khuyên: những xao động, chệch hướng trên đường đạo là bình thường bởi vì chúng ta còn là những người bình thường. Quan trọng là các bạn biết rút ra bài học cho mình và không bỏ cuộc.