Đây là phần chú giải của chúng tôi về bài 1 “Con đường Điểm đạo”. Sau đây là những điểm ta có thể học được từ bài Con đường Điểm đạo. Các số trong ngoặc vuông tham chiếu đến các số trong bài 1.
[1] Cuộc điểm đạo thứ nhất liên quan đến việc làm chủ thể xác, cuộc điểm đạo thứ nhì liên quan đến việc kiểm soát thể cảm dục, và cuộc điểm đạo thứ ba liên quan đến việc làm chủ thể trí. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là trong cuộc điểm đạo lần thứ nhất người điểm đạo đồ chưa có một sự kiểm soát nào đối với thể cảm xúc cũng như phát triển thể trí. Người ứng viên điểm đạo của cuộc điểm đạo thứ nhất đặt trọng tâm vào việc kiểm soát và làm chủ thể xác, nhưng vẫn đồng thời làm chủ thể tình cảm của mình và phát triển trí tuệ. Vấn đề ở đây là trọng tâm của việc kiểm soát là ở thể xác.
[2] Các điểm đạo đồ có thể sa ngã, và điều này đã từng xảy ra. Trong các đệ tử của Đức DK có một vài đệ tử lạc hướng và Ngài bình luận là họ sẽ học những bài học cần thiết trong cuộc tiến hoá của họ.
[3] Việc một đệ tử bị sa ngã là có thực và Đức DK dạy chúng ta cách ứng xử với người đệ tử sa ngã như thế nào là đúng mực. Chúng ta nên ghi nhớ lời khuyên đầy minh triết của Ngài: “kiềm chế việc chỉ trích thiếu tình huynh đệ, và ban rải tình thương cho người anh em lầm lỗi—tất cả những điều trên, cùng với hành động thế nào để làm tỏ rõ trước mắt công chúng rằng các tội lỗi và những vi phạm định luật như thế không thể tha thứ được. Thêm vào đó, nhóm phải giúp cho huynh đệ sai phạm nhận biết được lỗi đã phạm, trả đi phần nghiệp quả báo ứng, và sau đó, khi tất cả đã hoàn tất, khôi phục lại vị trí của y trong sự quan tâm và trân trọng của tập thể.
[4] Luân xa được khơi hoạt trong cuộc điểm đạo thứ nhất thường là luân xa tim, cũng như trong cuộc điểm đạo thứ nhì luân xa được phát triển là luân xa cuống họng. Khi luân xa tim phát triển thì năng lượng của các luân xa thấp sẽ chuyển dịch vào luân xa tùng thái dương, từ đó đến luân xa tim. Con người bắt đầu có ý thức tập thể, làm việc vì tập thể, phát triển lòng từ ái, yêu thương. Ngài nói “luân xa tim là luân xa thường được khơi hoạt, để nhằm chế ngự thể cảm dục hữu hiệu hơn, và phụng sự nhân loại lớn lao hơn”.
[5] [6] Thời gian giữa cuộc điểm đạo thứ nhất và cuộc điểm đạo thứ nhì là dài nhất, trải qua nhiều kiếp sống. Nhưng đó là bao nhiêu kiếp sống, Ngài không cho ta biết cụ thể cho biết, chỉ biết rằng nhiều, rất nhiều, kiếp sống phải trải qua giữa hai kỳ điểm đạo 1 và 2. Ngài cũng ví dụ cho ta thấy điều này được biểu tượng trong cuộc đời của Chúa Jesus. Chúa Jesus được rửa tội (baptized) vào năm 30 tuổi, giảng đạo trong ba năm và bị đóng đinh năm 33 tuổi. Chúa giáng sinh tượng trưng cho cuộc điểm đạo lần 1, chịu lễ rửa tội tượng trưng cho cuộc điểm đạo lần 2, Ngài biến hình trước các đệ tử là biểu tượng cho cuộc điểm đạo lần 3, và việc Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá là biểu tượng cho cuộc điểm đạo lần 4. Ta thấy thời gian giữa khi sinh ra (điểm đạo 1) và lễ rửa tội là 30 năm, trong khi thời gian từ khi rửa tội đến khi bị đóng đinh trên thập tự giá là 3 năm. Nếu lấy thời gian bình quân giữa kỳ điểm đạo thứ hai và thứ tư là 3 kiếp sống thì thời gian giữa kỳ điểm đạo 1 và 2 sẽ phải bằng (30:3) x 3 kiếp sống = 30 kiếp. Đương nhiên ta không thể máy móc quá như vậy. Thật ra, giai đoạn điểm đạo lần thứ nhất bao gồm giai đoạn Tiểu Đệ Tử (Little Chelaship), giai đoạn Đệ Tử trong Ánh Sáng (Chela in the Light) và Đệ Tử Thực Thụ (Accepted Disciple). Giai đoạn Tiểu đệ tử thường trải dài vài kiếp (several lives). Chữ vài kiếp đây ta có thể đoán là từ 4 đến 7 kiếp. Còn giai đoạn đệ tử trong Ánh sáng chỉ cần hai kiếp là đủ. Giai đoạn Accepted Disciple cũng bao gồm nhiều kiếp, ít nhất là hai đến ba kiếp. Cộng ba giai đoạn lại ta có ít nhất là 8 đến 10 kiếp sống giữa hai giai đoạn điểm đạo. Tất cả phụ thuộc vào việc người điểm đạo đồ phần đấu đến đâu.
Sau khi được điểm đạo lần thứ hai thì cuộc tiến hoá sẽ xảy ra nhanh chóng. Cuộc điểm đạo thứ ba có thể xảy ra trong cùng kiếp sống hoặc trong kiếp tiếp theo. Cuộc điểm đạo thứ tư cũng thế. Sau khi được điểm đạo lần thứ tư trở thành một vị Arhat (La Hán) người điểm đạo đồ không còn bị bó buộc phải tái sinh vào cõi trần nữa. Do đó cuộc điểm đạo lần hai được xem là cuộc điểm đạo khó khăn nhất trong cuộc tiến hoá của một người đệ tử.
[7] [8] Điều này chúng tôi đã nói ở trên. Cuộc điểm đạo thứ nhì đánh dấu sự kiểm soát triệt để thể tình cảm. Các thói hư, tật xấu, ích kỷ, tham lam … phải được loại bỏ, đồng thời người đạo sinh cũng loại bỏ các huyễn cảm (glamours), cũng như trước khi điểm đạo lần 3, y phải loại bỏ tất cả huyễn tưởng (illusions).
[9] Việc làm chủ các hạ thể của chúng ta không diễn ra tuần tự mà phải được thực hiện đồng thời. Đức DK nhấn mạnh điều này như sau “chúng ta không nên hiểu lầm rằng toàn cả tiến trình này đi theo cùng những bước vào những giai đoạn bất biến, kế tiếp nhau. Nhiều điều được thực hiện kết hợp, đồng thời, bởi vì công tác chế ngự rất chậm chạp và khó khăn; nhưng trong khoảng thời gian giữa ba cuộc điểm đạo đầu tiên phải đạt được và giữ được một mức độ tiến hoá nhất định của mỗi thể trong ba hạ thể, trước khi vận hà có thể được phép mở rộng thêm một cách an toàn. Nhiều người trong chúng ta hiện đang làm việc trên tất cả ba hạ thể, khi dấn bước trên Đường Dự bị.”
[10] [11] Sau cuộc điểm đạo thứ hai thì người đệ tử “học cách chế ngự thể trí của mình; y phát triển khả năng vận dụng chất liệu tư tưởng, và học các luật xây dựng tư tưởng sáng tạo. Y hoạt động tự do trên bốn phân cảnh thấp của cõi trí, và trước cuộc điểm đạo thứ ba—dù hữu thức hay không—y phải hoàn toàn làm chủ bốn phân cảnh thấp của mỗi cõi trong tam giới.” Điều này khiến người điểm đạo đồ trở thành một nhà Huyền thuật Chánh phái (White Magician), y có thể vận dụng chất liệu tư tưởng, hay nói cách khác là tạo ra các hình tư tưởng một cách khoa học để thực hiện công việc phụng sự thiên cơ. “Y có khả năng chế ngự được bốn phân cảnh thấp của cõi trần, cõi cảm dục và cõi trí. Điều sau cùng này rất đáng quan tâm. Việc chế ngự ba phân cảnh cao hơn vẫn chưa hoàn tất, và đây là một trong những lý do tại sao có các thất bại và những lầm lẫn của các điểm đạo đồ. Họ vẫn chưa hoàn toàn chủ trị được vật chất của ba phân cảnh cao, và các loại vật chất này còn cần được chế ngự.”. Đức DK cho chúng ta biết điểm đạo đố cấp thứ ba làm chủ 4 phân cảnh thấp của ba cõi thấp của thái dương hệ, còn vị La Hán đã làm chủ được năm phân cảnh thấp của tam giới.
[12] Một chi tiết đặc biệt mà Đức DK tiết lộ cho chúng ta biết là chỉ ở kỳ điểm đạo lần ba, người điểm đạo được tiếp xúc trực tiếp lần đầu tiên với Chân Thần của mình:
Vào cuộc điểm đạo thứ ba, đôi khi được gọi là sự Biến dung, toàn thể phàm nhân chìm ngập trong ánh sáng từ trên xuống. Chỉ sau cuộc điểm đạo này, Chân thần mới dứt khoát hướng dẫn Chân nhân và ngày càng tuôn đổ sự sống thiêng liêng của Ngài vào trong vận hà đã được chuẩn bị và thanh luyện;
Vận hà đây là đường Antahkarana nối liền phàm nhân và Chân Thần.
[13] Một điểm đặc biệt khác là sau kỳ điểm đạo lần ba thì các quan năng thần thông như thông nhãn và thông nhĩ cũng phát triển trong vị điểm đạo đồ, và y có thể nhận biết “nhận biết các thành viên khác của Thánh đoàn.” Việc phát triển quan năng thần thông trong vị điểm đạo bậc ba là đương nhiên vì tại cuộc điểm đạo này luồng xà hoả Kundalini được kích hoạt, đi lên luân xa đỉnh đầu và khơi hoạt luân xa đó.
Cũng chính trong cuộc điểm đạo này mà đức Sanat Kumara lần đầu tiên thực hiện chủ trì điểm đạo. Trước đó thì đức Maitreya là vị chủ trì buổi lễ. Lý do như đức DK giải thích là do “phàm nhân đã đạt đến một mức rung động rất cao, vật chất trong cả ba hạ thể tương đối thanh khiết, và mức thấu hiểu của phàm nhân về công việc phải làm trong tiểu vũ trụ, cũng như về phần chia sớt công tác của đại vũ trụ đều rất tiến bộ…” do đó người điểm đạo đồ có thể đứng trước đấng Sanat Kumara mà các hạ thể không bị tàn phá vì rung động cao tột của Ngài. Chúng ta cũng lưu ý một trong những tên gọi của đức Sanat Kumara là The Ancient of the Days, đức Thái Cổ, bởi vì Ngài giáng lâm địa cầu đã 18 triệu năm và vẫn mãi mãi xuân xanh.
[14] [15] Điểm đạo đồ bậc bốn bắt đầu điều hợp (coordinate) thể Bồ đề của mình và làm chủ năm phân cảnh giới thấp của tam giới. “Vào thời gian được điểm đạo lần thứ tư, điểm đạo đồ đã phải hoàn toàn làm chủ được phân cảnh thứ năm, và do đó trở nên toàn thông—xin dùng nhóm thuật ngữ này,—trên năm phân cảnh thấp của cõi trần, cõi cảm dục và cõi trí, và đang trên đà làm chủ phân cảnh thứ sáu. Thể bồ-đề của y có thể hoạt động trên hai phân cảnh thấp của cảnh giới bồ-đề.”
Các bạn thấy vị La Hán mới hoạt động trên hai phân cảnh thấp của cõi Bồ đề, cho nên những tuyên bố của ai đó nói rằng mình đã bước vào cõi bồ đề … là điều chúng ta cần xem xét cẩn thận.
[16] “Cuộc đời của người được điểm đạo lần thứ tư, hay là cuộc điểm đạo Thập giá hình, là một cuộc đời hy sinh lớn lao và đầy đau khổ. Đó là cuộc sống của người thực hiện hạnh Đại Từ Bỏ, và ngay cả ở phương diện ngoại môn cũng có vẻ gian lao, khó khăn và đầy đau khổ. Y đã đặt tất cả, ngay đến phàm nhân đã hoàn hảo của mình, trên bàn thờ hy sinh, và không còn gì nữa. Tất cả đều bị từ bỏ, bạn bè, tiền bạc, danh vọng, tiếng tăm, địa vị trong đời, gia đình, và ngay cả chính sự sống.” Điều này tóm tắt thật đầy đủ cuộc đời của vị điểm đạo đồ bậc 4, mà ta có thể thấy thể hiện qua cuộc đời của bà H.P. Blavatsky, Chúa Jesus …
[17] [18] Sau quả vị điểm đạo lần thứ năm, người đạo đồ có thể nhận hai cuộc điểm đạo nữa trên hành tinh này, và danh xưng cho quả vị đó là Chohan, đấng Đế Quân. Nếu vị điểm đạo đồ bậc bảy thuộc cung hai thì Ngài được gọi bằng danh xưng Bồ Tát hoặc Phật. Điều này khác với giảng dạy của Ông C.W. Leadbeater cho rằng con người có thể đạt điểm đạo 9 lần trên địa cầu này. Vị Chohan là vị đã đạt 6 lần điểm đạo, còn đức MahaChohan hoặc Manu (Bàn Cổ của một giống dân) hoặc Bồ Tát là vị đã đạt 7 lần điểm đạo. Đức Phật đã đạt 8 lần điểm đạo. Các bạn thấy Đức DK gọi “vị Phật được giải thoát ở cấp thứ bảy”, “một vị Đế quân được điểm đạo lần thứ sáu vận dụng định luật trên mọi cấp độ của dãy hành tinh; một vị Đế quân được điểm đạo lần thứ bảy vận dụng định luật trong thái dương hệ.”
Các bạn cũng lưu ý Đức DK nói “một vị Đế quân được điểm đạo lần thứ sáu vận dụng định luật trên mọi cấp độ của dãy hành tinh” và “một vị Đế quân được điểm đạo lần thứ bảy vận dụng định luật trong thái dương hệ”, đủ thấy mức độ cao cả của các quả vị trên thế nào. Do đó không thể có chuyện một vị Đế Quân như đức K.H. hay đức M. hay đức Saint Germain lại bỏ thời gian nói chuyện với người thường qua các medium …
Cuối cùng, bạn có thể tò mò hỏi có bao nhiêu điểm đạo đồ trên thế gian hiện nay … Trong một vài đoạn ngắn ngủi của các quyển sách của Ngài, Đức DK có hé lộ một vài chi tiết cho ta biết như sau:
There are only about four hundred accepted disciples in the world at this time—that is, men and women who really know they are disciples and know what their work is and are doing it. There are nevertheless many hundreds (out of the present generation of young people) who stand on the verge of acceptance, and thousands are upon the probationary path.
Trên thế gian hiện nay chỉ có khoảng 400 đệ tử chính thức—nghĩa là đó là những người nam và nữ thật sự biết mình là đệ tử và biết công việc mình phải làm là những gì và đang thực hiện chúng. Tuy nhiên có hàng trăm người (trong thế hệ trẻ hiện nay) đang mấp mé ở ngưỡng đệ tử chính thức, và hàng ngàn người trên con đường đệ tử dự bị.
Câu Ngài viết ở trên trích từ quyển White Magic xuất bản năm 1925.
Ở một nơi khác, Ngài viết:
Before the end of this century, thousands will stand before the Initiator and take initiation in group form; they will pass through the door of initiation together and together take their vows. This statement applies to the second and the third initiations
Trước cuối thế kỷ này, hàng ngàn người sẽ đứng trước đấng điểm đạo và được điểm đạo theo hình thức tập thể…
Cuối thế kỷ này là cuối thế kỷ 20 vừa qua.
jupiter nguyen
webmaster