Hào Quang Con Người – 11

Chương 9 của quyển The Human Aura do Mai Oanh dịch. Chương nói về các “hình thái” hay mô hình cảm xúc của con người, cách phá hủy nó. Thể Cảm xúc là thể quan trọng, gần như 80 phần trăm bệnh tuật hiện nay xuất phát từ thể cảm xúc. Do đó, thanh luyện cảm xúc là bước đầu tiên để có một thân thể khỏe mạnh.

************************

9. Thay đổi Hình Thái Cảm Xúc

Một trong những bí ẩn lớn nhất về con người là khả năng thay đổi cuộc sống của họ, để theo một hướng hoàn toàn mới. Những biến đổi lớn lao như vậy thường xảy ra khi cuộc sống đòi hỏi phải nỗ lực hết mình, và sự thành công của mỗi người phụ thuộc vào sự tự tin thực sự vào khả năng thành công của người đó. Trong những trường hợp như vậy, động lực thay đổi thường xuất phát từ một điều kiện—dù là do bệnh tật hay do yếu tố nào đó khác—những điều không thể bỏ qua hay có thể mặc nhiên chấp nhận. Đó là khi chúng ta nhận thức được sự cần thiết cho một hướng đi mới trong cuộc đời mình, và quyết tâm tìm ra nó, khi đó sự thay đổi có thể xảy ra.

Đối với nhiều người trong chúng ta, trở ngại lớn nhất để thay đổi là thói quen cảm xúc của chính mình, là một phần thiết yếu của bản chất mà chúng ta không biết đến. Chúng ta có thể cảm thấy những ảnh hưởng không vui của chúng trong nhiều năm, trước khi ta nhận ra rằng ta có thể tác động gì tới chúng.

Khi chúng ta nhận ra rằng có những vấn đề trong mình, bước đầu tiên là sẵn sàng thừa nhận những vấn đề này ít nhất có một phần là do chúng ta tạo ra, và nếu muốn giải quyết các vấn đề đó, chúng ta phải sẵn sàng thay đổi. Có rất nhiều người nói “Tôi là tôi và tôi không thể thay đổi được.” Những người như vậy quá gắn chặt với hình thái cảm xúc đã thành thói quen và họ dường như rất ít khả năng có những thay đổi thực sự trong cuộc sống của mình. Họ thích bám lấy những bệnh tật của họ—điều này mang lại cho họ một hình thức an toàn—hơn là để chúng biến mất khỏi cuộc đời mình.

Trái lại, nhiều người không hài lòng với bản thân và thực sự muốn khác đi, nhưng họ cảm thấy không thể tự giúp mình. Khi hình thái cảm xúc của chúng ta đã được thiết lập do hoàn cảnh đưa đẩy, chúng ta có thể cảm thấy không thể kiểm soát phản ứng cảm xúc của mình mặc dù những cảm xúc đó làm chúng ta rất không hạnh phúc. Kết quả của thái độ tiêu cực như vậy có thể được nhìn thấy rõ ràng trong trường hợp số #17, đây là một ví dụ về những gì có thể xảy ra khi các hình thái cảm xúc trở nên lớn mạnh đến nỗi chúng thống trị chúng ta.

Nhưng chúng ta không nhất thiết phải là nạn nhân của cảm xúc của chính mình. Khi chúng ta nhận thức được rõ hơn về về các thói quen cảm xúc của mình, chúng ta bắt đầu hiểu rằng những thói quen này phần lớn do mình tự tạo ra. Các tình huống có thể vượt ngoài sự tính toán của ta, nhưng phản ứng của chúng ta đối với chúng không bao giờ được phép ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta không phải phó mặc cho chúng. Có một sức mạnh trong ta vẫn mạnh mẽ hơn, và chúng ta có thể giải phóng sức mạnh này khi chúng ta quyết tâm thay đổi tương lai của mình.

Động lực là yêu cầu đầu tiên. Những người mang bệnh nặng thường thành công, bởi vì những người đang tuyệt vọng sẵn sàng làm bất cứ điều gì để cứu được mình. Vì vậy, đối với một số người, động lực của họ phát sinh từ nhu cầu vượt qua bệnh tật, nhưng đối với một số người khác, động cơ hành động có thể phát sinh từ tình thương và mối quan tâm dành cho người khác, hoặc khát vọng được an lành và hài hòa hơn trong chính họ. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc thừa nhận sự cần thiết phải phá vỡ các hình thái cảm xúc tiêu cực là một yêu cầu cơ bản.

Với nỗ lực mang lại sự thay đổi cá nhân, các nhóm tôn giáo như Kitô giáo và Thiền tông thực hiện kỷ luật chặt chẽ với những thành viên của họ. Đã từng có một thanh niên cường tráng và khỏe mạnh tới gặp tôi. Anh lớn lên như một người Công giáo trong một gia đình Mỹ truyền thống và vào học một trường công lập bình thường, nơi anh trở thành một cầu thủ bóng đá và vận động viên điền kinh tài năng. Anh không theo tôn giáo nào đặc biệt, và dường như là một chàng trai Mỹ điển hình. Mặc dù trước kia chưa từng tiếp xúc với phương Đông, nhưng tình cờ một lần anh được tới Ấn Độ và ở đó, anh đã tới thăm Dharmasala, trung tâm Phật giáo Tây Tạng và là nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma trú ngự. Chàng trai đã vô cùng ấn tượng với giáo lý Phật giáo và lối sống mà nó mang lại, và rồi từ đó anh quyết định sẽ trở thành tu sĩ.

Trong hai năm, chàng trai trẻ người Mỹ này đã trải qua một chương trình đào tạo nghiêm ngặt nhất, hoàn toàn xa lạ với nền tảng văn hoá và tôn giáo của mình. Thực hành tu tập theo Tạng giáo, nhằm để thoát khỏi bản ngã, bao gồm việc tụng niệm các mantram, cũng như ngồi thiền tĩnh lặng trong thời gian dài. Sau hai năm thực hành nghiêm cẩn, chàng đã được điểm đạo và trở thành một tu sĩ thực thụ. Một thành tựu như vậy đòi hỏi sự quyết tâm lớn lao, tự kiểm soát bản thân và khả năng tuân theo kỷ luật. Sau đó anh đã hoàn thành một số sứ mệnh ở Châu Âu và phương Tây; gạt bỏ bản ngã của mình, anh ta đã hiến mình cho việc phụng sự Phật giáo Tây Tạng. Đây là một thành tựu đáng ghi nhận cho một thanh niên Mỹ độc lập theo chủ nghĩa cá nhân.

Tôi nhắc tới chàng trai này như một tấm gương điển hình cho một người có quyết tâm mạnh mẽ thay đổi cuộc đời mình và sẵn sàng chấp nhận kỷ luật nghiêm ngặt nhất để đạt được mục đích đặt ra. Chàng trai cũng đã thay đổi bản chất xúc cảm của mình, là kết quả của quá trình tự đào tạo để từ bỏ bản ngã. Đây có thể là một trường hợp đặc biệt, nhưng nó minh hoạ cho điều mà tôi đang cố gắng truyền đạt: để thay đổi, người ta phải hết lòng và toàn tâm nỗ lực, sẵn sàng từ bỏ những thói quen suy nghĩ và hành vi cũ. Mặc dù có thể đối với hầu hết mọi người, không cần thiết phải thay đổi cách sống của họ quá nhanh chóng như chàng trai trẻ này, nhưng phải có tâm nguyện sẵn lòng làm điều đó.

Nỗ lực phá vỡ hình thái cảm xúc không thể do dự hay rời rạc; nó phải là quá trình liên tục. Khi bạn tin rằng nhu cầu thay đổi là quan trọng, nhu cầu này sẽ đến trước. Điều đó không quá khác biệt so với cách thức đào tạo mà các vận động viên sẵn sàng và mong muốn đặt ra cho mình để đạt được những thành tựu xuất sắc trong thể thao, hoặc tính tự kỷ luật cần thiết để vượt lên bản thân, từ bỏ một thói quen xấu như hút thuốc. Nếu bạn bỏ qua vài ngày không luyện tập, hoặc bị cuốn theo những thói quen cũ, mọi nỗ lực sẽ là hoài phí. Quyết tâm thay đổi bản thân phải được đặt lên trên mọi lợi ích và mong muốn khác.

Vì những lý do này, những yếu tố quan trọng nhất trong quá trình thay đổi là động cơ, sự tự tin và tính nhất quán. Khi tất cả các yếu tố đều vững mạnh, việc thực hiện một nỗ lực kỷ luật khi đó không chỉ là có thể chấp nhận được mà còn trở thành niềm vui, vì nó hòa vào cuộc sống hàng ngày như một nguyên tắc trật tự và ổn định.

Sự Cần thiết của Tính kỷ luật

Việc chấp nhận kỷ luật sẽ tới một cách tự nhiên khi bạn đã tâm nguyện rằng đó là điều thiết yếu để đạt được mục đích của mình. Trong nhiều cách thức luyện tập, đơn giản nhất để thực hành là kỷ luật được đặt ra bởi phép tu đã được chấp nhận rộng rãi là Thiền (Zen), bởi vì theo đó các quy tắc đã được thiết lập rõ ràng. Nhưng hình thức tập luyện này không dành cho tất cả mọi người, và nhiều người thấy nó quá gò bó. Kỷ luật tự áp đặt có lợi thế là nó có thể được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của mỗi người, nhưng nó đòi hỏi phải có mô hình được thiết lập chặt chẽ trong cuộc sống hàng ngày; hơn nữa, bạn phải tự tạo ra mô hình, điều đó có thể rất khó thực hiện. Nhưng ở đây, kỷ luật không quá khác với yêu cầu của các chương trình thể dục thể hình hiện nay đang rất phổ biến, vì chúng cũng đòi hỏi phải chú ý đến lịch trình hàng ngày của mỗi người.

Có lẽ một trong những lý do tại sao các vận động viên được ngưỡng mộ đến vậy là bởi họ đã hoàn toàn hiến mình cho môn thể thao mà họ theo đuổi. Tôi tin rằng nhiều khó khăn mà những người trẻ tuổi trải nghiệm ngày hôm nay là do thiếu mục đích trong cuộc sống; họ trôi dạt, không biết mình muốn gì hoặc làm được gì. Đối với họ, việc thiếu hướng dẫn làm mất phương hướng. Không phải tự do là tất cả những gì họ cần, cho dù người ta thường tuyên bố vậy, mà đúng hơn là một cách thức ngược lại hướng tới sự phát triển một mô hình và mục đích nào đó giúp sắp đặt định hướng cuộc đời họ.

Người cao tuổi thường than thở rằng giá trị và đạo đức trong xã hội hiện đại đang ngày càng bị xói mòn. Bản thân tôi cũng nghĩ vậy. Nhưng mọi thời đại đều có những giá trị riêng của nó, và ngày nay người ta kêu đòi tự do—tự do khỏi những giới hạn của đạo đức thông thường, tự do lựa chọn, tự do hành động, và trên hết là tự do là chính mình. Các giá trị trước đây, như sự trung thực và đáng tin cậy, đã bị trộn lẫn với sự thôi thúc của tính thời điểm, điều này đã trở thành tiêu chuẩn của tự do. Vì vậy, kiểu hành vi này mang tính chất của chủ nghĩa lý tưởng, ngay cả khi kết quả của nó còn xa mới là lý tưởng.

Cảm giác rằng người ta có quyền tự do tuyệt đối và những biểu lộ của chúng thường có sức mạnh đến nỗi dường như cuộc sống không đáng sống khi không có nó. Sự xác tín này kéo theo sự chuyển dịch ồ ạt của những người trẻ tuổi Đông Âu sang phương Tây, nơi họ sẵn sàng để bản thân và gia đình gặp hiểm nguy. Chúng ta tán thưởng điều này. Nhưng trong số rất nhiều thanh niên, niềm đam mê tự do trở nên gắn liền với tình dục, điều này trở thành mối quan tâm hàng đầu của họ, quan trọng hơn bất cứ điều gì khác. Sau đó họ phát triển một hình thái cảm xúc phụ thuộc vào các kích thích như vậy. Họ không nhận ra rằng trong công cuộc tìm kiếm tự do của mình, họ chỉ trao đổi một hình thức lệ thuộc vào thứ khác. Nếu tôi có thể cho bạn thấy hào quang của một người như vậy, bạn sẽ thấy một sự khác biệt hoàn toàn giữa phần trên đầu, nơi tràn ngập chủ nghĩa lý tưởng, và phần dưới, nơi bị tổn thương bởi hành vi cưỡng bách.

Ý thức về Mục đích

Mọi người đều cần có quyền tự do phát triển tiềm năng của mình, nhưng cũng cần có ý thức về mục đích, vì chỉ riêng điều này cũng đủ cung cấp nền tảng giúp tạo ra cảm giác tự tin. Tất cả các ví dụ trong Chương VI mang ý thức về mục đích như vậy, thậm chí ngay cả khi nó dẫn họ đi theo những đường hướng khác. Khi thiếu lòng tin rằng mình có thể làm điều gì đó có ý nghĩa cho cuộc sống, nhiều người sa vào nghiện rượu hay ma túy, và thói quen đó có lẽ là mô hình tồi tệ nhất họ bị rơi vào.

Ngày nay, hầu hết mọi người coi rằng nghiện ma túy rất khó chữa, bởi vì người nghiện phải có động lực mạnh mẽ mới có thể thoát ra. Nhưng khi ước vọng đạt được một mục đích nào đó trong cuộc sống mang lại đủ động lực, người ta có thể làm được bất cứ điều gì. Tôi đã từng biết một người đàn ông nghiện ma túy trong nhiều năm, trong suốt thời gian đó ông ta thậm chí đã phải ngồi tù vài năm. Bất chấp tất cả các vấn đề về thể chất và tâm lý, ông là một người thông minh, luôn quan tâm tới các ý tưởng mới, và do đó ông đã tham dự một trong các bài giảng của chồng tôi về giáo dục hòa nhập. Ông đã bị tác động mạnh bởi những khả năng như mở ra trước mắt đến nỗi ngay lập tức ông quyết định sẽ tham gia vào công cuộc thay đổi này.

Tôi cho rằng người ta có thể gọi sự phát triển mục đích đột ngột như vậy là một loại chuyển đổi—tương tự như trường hợp của nhà sư trẻ Tây Tạng đã nói ở trên. Bỗng nhiên, người đàn ông nghiện ngập này nhận ra rằng có một thế giới của những ý tưởng mà ông muốn thâm nhập, và rằng ông sẽ không bao giờ có thể làm như vậy nếu ông vẫn dùng ma túy. Không kể tới trí tuệ sáng suốt, đây quả là một quyết định hơn cả hợp lý. Ông đã có một cái nhìn sâu sắc đột ngột vào một miền phong phú hơn nhiều những kinh nghiệm sẵn có, và tất cả tạo nên một ý nghĩa mới cho cuộc đời của ông.

Mong muốn của người đàn ông này được làm việc với chồng tôi tại Trung tâm Giáo dục hòa nhập mạnh đến mức ông đã làm những việc mà các bác sĩ y khoa cho là gần như không thể: ông khóa mình ba ngày ba đêm và tự giải độc cho mình mà không cần trợ giúp—đây là một điều cực kỳ khó khăn và đau đớn. Việc chữa trị thành công đặc biệt theo nghĩa là ông không bao giờ dùng ma túy trở lại, nhưng dĩ nhiên hệ thống thần kinh của ông đã bị tổn hại đến nỗi sức khoẻ của ông không bao giờ trở lại thực sự bình thường. Tuy nhiên, ông đã đạt được mục tiêu của mình, và làm việc cho Trung tâm trong nhiều năm. Đây là một ví dụ về những gì con người có thể đạt được khi sức mạnh của ý chí được huy động bằng cách cam kết đạt được mục tiêu.

Sức mạnh biến đổi của việc tự cam kết đến từ bên trong chúng ta, nằm ngoài ý nghĩ và cảm xúc. Người ta không thể giảng giải để một người thấy cần thay đổi; sự xác tín phải được tự phát sinh. Nhưng một khi niềm tin nội tại này được sinh ra trong chúng ta, đó sẽ là một nguồn sức mạnh không bao giờ cạn. Điều này có nghĩa là có một cái gì đó trong tất cả chúng ta, một số trung tâm quyền lực và mục đích mà chúng ta có thể sử dụng vào lúc cần thiết. Tôi đã gọi trung tâm này là bản ngã phi thời gian vì nó luôn ở đó cho chúng ta, chỉ cần chúng ta nỗ lực với tới.

Nhận thức về Bản thân

Để có thể thay đổi, điều cần thiết đầu tiên là tự xem xét bản thân, nhất là vào thời điểm mà chúng ta có cảm xúc mạnh mẽ về điều gì đó—những căng thẳng trong cảm xúc thường được kích hoạt bởi một sự kiện không quá quan trọng. Chỉ nhờ có sự tỉnh thức như vậy mà chúng ta có thể nhận thức được sức mạnh của cảm xúc và đối tượng của chúng, điều này thường không đảm bảo sự đáp ứng mạnh mẽ như chúng ta vừa trải qua. Sự công nhận này giúp chúng ta có thể nhìn thấy tình hình trong tổng thể, cười với chính mình và nói, “Bây giờ tôi sẽ buông bỏ, tách rời bản thân khỏi cảm xúc của của tôi và xem hiệu quả sẽ ra sao.”

Điều đầu tiên cần hiểu là chúng ta chỉ có thể nhận thức được một cảm xúc ngay tại thời điểm mà chúng ta đang cảm nhận nó. Lý do là khi những cảm xúc đã thành thói quen, chúng trở nên gắn bó với chúng ta—gắn liền với tất cả những gì chúng ta cảm nhận và hành động—và do đó không được chú ý. Chúng là một phần của bản thân chúng ta như tay với chân—và chúng ta không bao giờ nghĩ tới chúng. Giống như màu da cam trong bức hình # 11, chúng ta quá quen thuộc với những hình thái cảm xúc mà chúng ta đã xây dựng tới mức chúng ta không còn nhận thấy sự hiện diện của chúng cho đến khi có điều gì đó nhắc ta nhớ tới chúng.

Tuy nhiên, một khi chúng ta đã nhận thức được một cảm xúc như bực tức hay oán giận, và nhận ra sự hiện diện của nó trong ta, chúng ta có thể thực hiện bước tiếp theo, vẫn trong chính bản thân mình. Chúng ta không nên cảm thấy tội lỗi vì cảm xúc giận dữ, hoặc đổ lỗi cho bản thân, bởi vì những phán xét kiểu này chỉ tạo ra một phản ứng khác và dẫn đến đủ loại hậu quả tiêu cực. Điều quan trọng chỉ là ý thức được cảm xúc, và sau đó giữ cho mình tĩnh lặng trong chốc lát. Trong sự tĩnh lặng này, những phản ứng tự nhiên của hình thái cảm xúc của chúng ta tạm thời chấm dứt. Tĩnh lặng là một trạng thái giải phóng khỏi các mối liên hệ trong quá khứ, do đó nó có khả năng mang lại điều mới mẻ và khác biệt.

Ngày nay có rất nhiều người thực sự mong muốn có thể thay đổi bản thân. Thậm chí nếu họ không thể xác định bản chất khát vọng của mình, đó thực sự là một kiểu truy vấn tinh thần. Họ bị xáo động bởi sự bất mãn; họ mong mỏi được tốt đẹp hơn mà không biết cần làm gì để bắt đầu công cuộc tìm kiếm các giá trị tinh thần.

Với những người như vậy, các bạn nên nghĩ rằng tất cả chúng ta đều có tài năng của riêng mình, và nếu chúng ta có thể nhận ra chúng, ta nên cố gắng nuôi dưỡng những tài năng đó. Tài năng không nhất thiết phải là những món quà sáng tạo; chúng có thể thuộc mối quan hệ giữa con người với con người. Nhiều người ngày nay bị choáng ngợp bởi mức độ sâu rộng của các vấn đề trên thế giới, và thất vọng vì họ tin rằng mình không thể làm gì để đóng góp cho thế giới. Họ cảm thấy bị cô lập—bị khóa kín trong chính cuộc sống của mình.

Cách tích cực để đối phó với sự thất vọng này là tìm một điều gì đó để làm cho người khác. Không cần phải là điều gì làm rung chuyển thế giới—chỉ cần một đề nghị đơn giản của tình bạn và thiện chí. Hiện nay có quá thiếu những điều như thế. Nhưng nếu ngay cả khi điều này dường như cũng quá khó khăn, bạn có thể nghĩ tới việc quan tâm chăm sóc cho động vật, như một con mèo hay con chó. Điều quan trọng là cần tin rằng bạn có thể cảm nhận được sự quan tâm và tình thương, và sau đó thể hiện cảm xúc của mình qua một số hành động cụ thể. Điều này sẽ giúp phá vỡ mô hình cô lập về cảm xúc.

Hình thái thói quen

Trong một số bức hình hào quang, bạn sẽ thấy bằng chứng cho thấy những kỷ niệm, ý tưởng hay sự liên kết nhất định có cấu phần cảm xúc mạnh mẽ đến mức chúng trở thành một phần cuộc sống nội tâm của một người và xuất hiện trong hào quang như các biểu tượng bán vĩnh cửu. Tôi thường gọi chúng là những cấu trúc cảm xúc, để phân biệt với các hình thái tạm thời hơn như các vòng xoắn hay các xoáy nhỏ được tạo ra do những kích thích, lo lắng, thất vọng, vân vân. Những cấu trúc sâu này có thể là kết quả của những trải nghiệm đau đớn, nhưng chúng cũng có thể đến từ những kinh nghiệm đầy cảm hứng đến nỗi nó vẫn tươi mới và sống động trong một thời gian dài. Hình cây xuất hiện trong hào quang của trường hợp số 11 tượng trưng cho an bình cũng như những cảm xúc sâu đậm mang tính bảo vệ dành cho thiên nhiên, trong khi các hình thức biểu tượng trong trường hợp số 12 tượng trưng cho một liên kết trong quá khứ vẫn được lưu giữ, tiếp tục duy trì và thúc đẩy người phụ nữ đó suốt cuộc đời. Ngược lại, biểu hiện ở hình # 8 và # 14 tượng trưng cho mối quan tâm bền lâu tới mọi người và hạnh phúc của họ.

Tôi được hỏi lý do tại sao một số kinh nghiệm thể hiện trong hào quang dưới dạng các biểu tượng như vậy, trong khi một số khác thì không. Kinh nghiệm của chúng ta tất nhiên cũng thể hiện trong màu sắc của hào quang, nó thay đổi khá chậm. Tôi cho rằng các biểu tượng có liên quan đến cách suy nghĩ và nhìn nhận căn bản của một người với thế giới. Ví dụ, hình # 7 là một người đàn ông cảm thấy không thoải mái trong một môi trường rối loạn, và là người luôn cố gắng thiết lập những trật tự quanh mình. Trường hợp thứ 13 cũng có mối quan tâm đặc biệt đến trật tự, nhưng đối với anh ta, đó lại là sự quan tâm mang tính trừu tượng và trí tuệ.

Các hình thái thói quen bắt đầu từ rất sớm trong cuộc đời. Theo quan sát của tôi về những người ở các độ tuổi khác nhau, tôi đi đến kết luận rằng những khó khăn của họ thường xuất phát từ sự thiếu tự tin. Xu hướng này phát triển sớm trong thời thơ ấu. Nó có thể xuất phát từ sự phê bình liên tục của cha mẹ hoặc từ cảm giác của một đứa trẻ là mình khác với những đứa trẻ khác theo cách nào đó. Tuy nhiên một khi đã được tạo ra, xu hướng này có thể dễ dàng phát triển thành một cảm xúc bất an. Sự thiếu tự tin cơ bản không nên bị nhầm lẫn với sự nhút nhát, điều này phổ biến ở trẻ nhỏ bởi vì chúng vẫn chưa thể thiết lập mối liên hệ với những người bên ngoài gia đình của chúng. Trái lại, thiếu tự tin thể hiện trong các mối quan hệ trong gia đình cũng như với người lạ.

Cội nguồn của sự thiếu tự tin

Đôi khi chúng ta không nhận ra tầm quan trọng của những mối quan hệ trong thời thơ bé của trẻ. Một cảm giác bất an thường xuất phát từ việc trẻ không thể hiểu được lý do nằm sau hành động của cha mẹ. Điều quan trọng là phải sửa đổi hành vi của trẻ, nhưng mặt khác, không nên mong đợi sự hoàn hảo. Cha mẹ không bao giờ liên tục chỉ trích một đứa trẻ ra mà không có những khuyến khích động viên tương ứng hoặc nhiều hơn. Thật không may, nhiều trẻ em cơ bản thiếu sự tự tin vì bố mẹ không bao giờ giúp trẻ nhận ra rằng chúng có thể làm được nhiều điều tốt.

Nếu trẻ có khuyết tật về thể chất và các em phải học cách sống với những khiếm khuyết đó, điều đặc biệt quan trọng đối với trẻ là nhận ra rằng năng lực cảm xúc và tinh thần cũng quan trọng như một cơ thể khỏe mạnh. Trẻ phải học cách dựa vào những thế mạnh mà chúng có. Sự phát triển của sự tự tin được hình thành từ rất sớm và có thể duy trì trong suốt cuộc đời. Không giống như tự ngã liên tục đòi hỏi phải được nuôi dưỡng, sự tự tin đem lại cho con người niềm tin rằng họ có sức mạnh và khả năng làm được những điều nhất định và đạt được mục tiêu của họ trong cuộc sống.

Theo tôi, thiếu tự tin là một vấn đề cơ bản của con người. Đây là một nguyên nhân chính gây trầm cảm mãn tính, rất tàn phá và khó khăn trong cuộc đời mỗi người, và nó cũng quá phổ biến trong văn hoá ngày nay của chúng ta. Nó có thể phát triển thành một dạng lo lắng, vì khi chúng ta không an tâm trong mối quan hệ với người khác, chúng ta thường lo lắng về cách họ sẽ đáp lại mình. Nếu không có sự tự tin, chúng ta không bao giờ tin rằng những gì chúng ta đã hoàn thành thực sự tốt, cho dù mọi người có thể nói gì. Lo lắng là một cảm xúc rất xói mòn, vì nó làm mất đi tham vọng của con người, và làm cho chúng ta nghi ngờ sự đánh giá về chính bản thân.

Xử lý các cơn Giận dữ

Có một thời gian, một số nhà trị liệu tán thành quan điểm cho rằng cảm giác giận dữ nên luôn luôn được công khai bày tỏ: nếu bạn cảm thấy tức giận, bạn nên thể hiện điều đó. Tôi sẽ xử lý sự tức giận theo cách khác. Khi bạn cảm thấy cơn giận đang tăng lên, tôi đồng ý rằng bạn nên nói, “Tôi tức giận”, vì điều cực kỳ quan trọng là nhận ra cảm giác đang trỗi dậy trong bạn và không kiềm chế nó. Thông thường, người ta hợp lý hóa sự tức giận của mình, hoặc chối bỏ nó, hoặc đặt cho nó một cái tên khác, hoặc nói đó là lỗi của người khác hoặc do điều gì đó đã xảy ra. Nói cách khác, họ sẽ không chịu trách nhiệm về sự tức giận của họ. Nếu bạn nói, “Tôi có quyền tức giận vì bạn đã làm tôi tổn thương”, thì không có gì để ngăn chặn sự tức giận của bạn. Bạn đang củng cố nó bằng cách cho nó con dấu chấp thuận từ bạn.

Vì vậy, nếu bạn tức giận, bạn không bao giờ nên chối bỏ điều đó, mà điều quan trọng là phải tự nói với chính mình, “Tôi thừa nhận rằng vào lúc này, tôi tức giận.” Có những lúc chúng ta không thể kiềm chế cơn giận, mà khi đó, điều quan trọng là thành thực về nó. Nhưng nếu bạn thêm các từ, “vào lúc này,” điều đó cũng có nghĩa là bạn sẽ xử lý sự tức giận, để nó tan biến khỏi mình. Nói cách khác, “Tôi tức giận, nhưng tôi sẽ không để yên hoặc để cho nó thống trị tôi.” Một tuyên bố như vậy là một loại tín hiệu cho chính chúng ta rằng chúng tôi từ chối cơn giận như là một tình trạng lâu dài. Nó giúp ngăn chặn sự phát triển của một cảm giác oán giận bị kiềm chế có thể kéo dài hàng tuần lễ và thậm chí hàng tháng hay nhiều năm, phát triển thành một sự khó chịu không nguôi. Nếu bạn thừa nhận với chính mình rằng bạn đã nổi xung và tức giận, bạn sẽ không gắn liền nó một cách vô thức thành một phần của chính mình. Mặt khác, bạn không nên chú ý quá nhiều đến nó, ấp ủ nó hoặc cảm thấy tội lỗi, bởi vì làm vậy bạn chỉ kìm nén sự tức giận của mình và do đó củng cố thêm nó mà thôi.

Khi một hình thái của sự giận dữ bị kiềm chế đã được xây dựng qua nhiều năm, nó trở thành nỗi oán giận, đó là một trong những tình trạng cảm xúc khó khăn nhất để vượt qua. Tức giận bùng phát đột ngột, và trừ khi nó trở thành thói quen, mỗi người có thể thoát khỏi cảm xúc này khá nhanh chóng. Ngược lại, sự oán giận, là kết quả của sự tức giận đã bị kìm nén, thường là vì người ta không có khả năng để bộc lộ nó ra. Do đó nó thường kết hợp với cảm giác bất lực và bực bội, và kết quả là nó có thể tiếp tục âm ỉ trong nhiều năm, ăn mòn lòng tự trọng và phá hỏng các mối quan hệ cá nhân. Nó tinh tế hơn sự tức giận và khó hơn nhiều để thoát khỏi, bởi vì nó có thể ẩn sâu trong chúng ta suốt một thời gian dài lâu.

Thói quen lo lắng và oán giận có thể bắt đầu rất sớm trong cuộc đời. Nếu chúng ta cảm thấy mình bị cha mẹ hay bạn bè đối xử bất công, khi đó chúng ta cảm thấy tức giận và phẫn uất. Đó là khi sự oán giận đã được hình thành qua nhiều năm tháng và nó trở nên vô cùng nguy hiểm. Chúng ta bắt đầu nhìn nhận những người khác cũng mang những đặc điểm giống như những điều mà chúng ta đã từng phẫn nộ, và điều đó có thể gây tổn hại cho tất cả các mối quan hệ của một người.

Phá vỡ Các Hình thái Tiêu cực

Tôi từng biết một nữ doanh nhân thành đạt đến gặp tôi, cô rất không vui trong công việc của mình tới mức nghĩ rằng cô nên từ chức. Mặc dù vị trí của cô trong công ty rất quan trọng và đầy trách nhiệm, nhưng cô vô cùng ghét người đồng nghiệp mà cô phải làm việc cùng đến mức tất cả sự hài lòng của cô về công việc cũng không còn. Cô cảm thấy rằng sự cộc cằn và khiếm nhã của anh là xuất phát từ sự căm ghét vô hạn của anh đối với cô, qua đó phá hủy sự tự tin của cô.

Lời khuyên của tôi cho cô ấy là cô nên đảo ngược vai trò với người đồng nghiệp này. Thay vì tự nhìn nhận mình là nạn nhân của những cảm xúc tiêu cực của anh ấy, cô nên nỗ lực tích cực gửi cho anh ta những suy nghĩ của sự thông cảm và từ bi—điều mà anh ta chắc chắn cần nếu anh ấy không hài lòng. Sự thay đổi trong cảm xúc của cô làm cho cô dễ dàng tiếp cận với anh hơn, và kết quả là những rào cản giữa họ được phá bỏ, và anh đã tâm sự với cô tất cả những rắc rối đã làm anh ấy trở nên một người khó tính như vậy. Vì những vấn đề này không liên quan gì đến tính cách cá nhân, cô đã hiểu mối quan hệ của họ theo một cách hoàn toàn khác, và điều này đã đặt một nền tảng hoàn toàn mới mẻ cho mối quan hệ của họ.

Ví dụ trên cho thấy sự oán giận ở mức độ nào đó có thể làm mờ đi nhận thức của chúng ta về người khác và cản trở khả năng đưa ra các phán đoán rõ ràng, không mang nặng tính cá nhân về các mối quan hệ trong cuộc sống. Để thoát khỏi những hình thái gây tổn hại như vậy, chúng ta phải nhận thức được cơ sở của cảm giác oán giận hoặc sự thiếu tự tin. Khi chúng ta nhận ra rằng mình đang không tránh nổi một phản ứng tiêu cực nặng nề như ta đã từng cảm thấy, chúng ta nên dừng lại, hít một hơi thật sâu, và nhẹ nhàng nói với chính mình: “Này, ngay lúc này tôi đang lặp lại những điều cũ như trước kia.” Sau đó, chúng ta nên nỗ lực thay đổi hình thái suy nghĩ của mình bằng cách hình dung ra một kỷ niệm hoặc cảnh trí dễ chịu. Điều này sẽ chuyển sự tập trung chú ý của chúng ta và phá vỡ chu kỳ phản ứng tự động.

Trầm cảm là một kiểu cảm xúc mãn tính khác. Nó gần giống như lo lắng, rất khó để xử lý vì nó không chỉ làm cạn kiệt năng lượng của cơ thể mà còn làm chậm tiến trình tiếp thu năng lượng đến mức gần như không thể gắng gượng và người trở nên rất lờ đờ. Đó là lý do tại sao vận động thể chất là một phần quan trọng của liệu pháp chữa lành. Đi bộ là cách tập thể dục tốt, và nó có thể kích hoạt một người đủ để thay đổi tâm trạng của mình. Tôi thường khuyên mọi người tập múa dân gian, vì những chuyển động trên nền nhạc mang lại sự hài hoà, và bởi nhảy múa cùng mọi người kích thích sự tương tác hữu ích giữa người với người. Khi khiêu vũ, một người thực hiện một chuyển động có trật tự trong một nhóm người có cùng mục đích tương tự, và do đó mọi người đều thân thiện và chấp nhận nhau. Bản thân vũ điệu đã có tác dụng tiếp thêm sinh lực, và thực tế là người nhảy sau khi hoàn thành tốt một bài vũ đều có cảm giác trọn vẹn.

Chỗ đứng của Chủ nghĩa lý tưởng

Nếu có điều gì đó trong văn hoá của chúng ta củng cố chiều đo tinh thần mà tôi đã định nghĩa là nguồn gốc của bản ngã thật sự trong mỗi người, chúng ta nên cố gắng tìm và tự trải nghiệm bản ngã đó cho mình. Chúng ta có thể chấp nhận thực tính của nó như là một phần của tiềm năng con người—một lý tưởng có thể hiện thực hóa trong cuộc sống của chúng ta. Chủ nghĩa lý tưởng đã không may trở nên bị xuống cấp trong nền văn hoá của chúng ta. Ý nghĩa của điều này là nó không thực tế, nó không có cơ sở hợp lý, và nó không mang tính thực tiễn, nó trái với kinh nghiệm cuộc sống, vân vân. Tuy nhiên, chủ nghĩa lý tưởng và tính thực tế không hề phi tương hợp. Trong lịch sử, những người đã thay đổi thế giới đều là những người theo chủ nghĩa lý tưởng, nhưng họ đều rất thực tế và biết làm thế nào để hoàn thành mục tiêu của mình.

Tôi đã nói rằng con người cần những mục tiêu để tạo động lực, và mục tiêu thường dựa trên một lý tưởng xuất sắc. Khi đó, động cơ sẽ nảy sinh từ sự tự tin vào bản thân—một cảm giác tự thấy được giá trị của mình. Nhiều người dường như không nhận ra sự khác biệt lớn giữa sự tự tin và tự cao. Giá trị bản thân tạo ra sự tự tin giúp bạn vượt qua những khó khăn và hạn chế của mình, và điều này làm cho năng lượng của bạn tuôn chảy ra một cách tự do. Trên thực tế, ý thức mạnh mẽ về bản thân là một yếu tố thiết yếu trong mọi hành động sáng tạo.

Những người tự lấy mình làm trung tâm hướng năng lượng của họ về chính cơ thể mình. Điều này ngăn chặn sự nhạy cảm thường có với người khác. Họ trở nên quá quan tâm đến cảm giác của bản thân, và điều đó trở thành yếu tố chi phối trong cuộc sống của họ và có thể dẫn đến bệnh tật và trầm cảm.

Ngược lại, các nhà cải cách như trường hợp số 11 có một ý thức mạnh mẽ về bản thân, nhưng đồng thời họ là những nhà lý tưởng. Đây là những người vận động và làm thay đổi thế giới. Những người cải cách có thể mắc sai lầm hoặc thậm chí có những niềm tin mù quáng, nhưng động cơ của họ đối với người khác về cơ bản là tốt. Họ cảm thấy rất rõ ràng rằng họ biết những gì nên làm, thực hiện điều đó ra sao, và sức mạnh niềm tin của họ động viên nhiều người xung quanh. Chỉ khi nào sự tự tin của họ bùng phát thành sự tự tôn và lòng nhiệt thành của họ trở thành cuồng tín, họ sẽ trở nên nguy hiểm, vì họ không thể chấp nhận sự bất đồng quan điểm. (Đây là biểu hiện ở trường hợp # 11với những mầm mống màu cam trong hào quang, mà sau đó ông quyết tâm để thoát khỏi.)

Lòng vị tha

Có một quan điểm cho rằng tất cả mọi thứ bạn làm chủ yếu xuất phát từ lợi ích cá nhân, và rằng nếu bạn cố gắng giúp ích cho người khác chỉ vì bạn cảm thấy hài lòng vì nỗ lực của mình. Tất nhiên bạn sẽ hài lòng, nhưng đó không phải là lý do bạn làm điều đó. Một số người khác cho rằng bạn làm việc tốt trong cuộc sống để được tưởng thưởng trong thế giới bên kia, thay vì đơn giản bởi họ thấy đó là điều cần thiết. Chogyam Trungpa, một vị lạt ma Tây Tạng, có cách diễn đạt rất hay về thái độ này. Ông gọi đó là vật chất thiêng liêng, có nghĩa là bạn làm điều đó để nhận được một phần thưởng—một loại bù đắp mang tính tinh thần. Nhưng tất cả các tôn giáo đều dạy rằng chỉ đơn giản giúp đỡ ai đó khi cần thiết là cơ sở của hành động đúng. Thật không may, trong hệ thống giáo dục của chúng ta ngày nay, việc chấp nhận chủ nghĩa vị tha như một nguyên tắc chi phối trong cuộc sống đã không còn nữa.

Tuy nhiên, nhiều người rất lo lắng về các vấn đề của thế giới. Với tất cả trái tim, họ mong muốn mình có thể làm điều gì đó tích cực để giúp đỡ, nhưng không tin vào khả năng của họ. Điều quan trọng cần nhận ra là tất cả chúng ta, theo khả năng của mình, đều có thể đóng góp một phần cho thế giới. Trong giai đoạn căng thẳng hiện nay, chúng ta có thể đóng góp bằng cách cố gắng không phản ứng lại với những căng thẳng quanh mình. Mỗi ngày hãy dành đôi ba lần tập trung và lấy chính mình làm trung tâm bình an, phóng giải những tư tưởng hòa bình. Hành động này sẽ có tác động rõ ràng. Nó hỗ trợ khát vọng vị tha để phục vụ nhân loại, và đồng thời phát triển mối quan hệ gần gũi của chúng ta với các chiều tâm thức cao hơn của mỗi người và với cái mà tôi đã gọi là bản ngã phi thời gian.

Tôi không bao giờ khuyên mọi người không nên có một cuộc sống cá nhân mãn nguyện. Thực tế, khi chúng ta nhận thức được nền tảng phổ quát, các lợi ích cá nhân làm tăng thêm tầm quan trọng. Về mặt toàn thể cuộc sống con người, kinh nghiệm cá nhân mang nhiều ý nghĩa và chứng minh giá trị của nó. Khi cơ sở của sự ích kỷ hẹp hỏi bị phá vỡ bởi năng lực của lòng vị tha, tình thương và thiện chí của chúng ta được giải phóng để tự do tuôn trào năng lượng vào thế giới các quan hệ giữa con người với con người rộng lớn hơn. Điều này mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Leave Comment