Hào quang con người – 12

Chương cuối của quyển The Human Aura, nói về ích lợi của tham thiền, kỹ thuật tham thiền trong việc phát triển trực giác. Tác gỉa là một nhà Thông Thiên Học nhưng những thuật ngữ bà dùng hoàn toàn hiện đại, khác hẳn truyền thống. Chương cuối cùng đúc kết những thực hành thực tiến để con người khắc phúc những yếu kém nội tâm. Bài do Mai Oanh dịch.

**************************************

10. Tham thiền và Sự Phát triển Trực giác

Trong các chương trước, tôi đã chỉ ra một số thái độ và nỗ lực cơ bản cần thiết để có thể thay đổi hình thái cảm xúc. Bây giờ tôi muốn tiến xa thêm một bước, và bàn về sự biến đổi bản thân theo một ý nghĩa sâu sắc hơn.

Mong muốn học hỏi, phát triển, vượt qua những giới hạn của chính mình, là những điều cơ bản tồn tại trong mỗi người. Chúng ta học tập, lấy bằng cấp, luyện những kỹ năng khác nhau để cải thiện trí óc; chúng ta tập thể dục, theo dõi chế độ ăn uống của mình, chơi trò chơi để cải thiện sức khoẻ thể chất của ta. Tôi đã cố gắng cho các độc giả thấy rằng chúng ta cũng có thể tu luyện và cải thiện cảm xúc của mình khi chúng ta thấy đó là điều quan trọng cần làm. Ngoài ra, nhiều người trong chúng ta mong muốn trở thành người biết quan tâm và giàu lòng vị tha hơn—để thoát khỏi thái độ hẹp hòi và động cơ ích kỷ. Một điều khá phổ biến đã nhiều người công nhận là có một thực tại tinh thần sâu sắc hơn, bền vững hơn, vui vẻ hơn, từ bi hơn, đồng nhất hơn bất cứ điều gì khác mà chúng ta có thể trải nghiệm trong cuộc sống, chúng ta muốn hòa mình với thực tại đó. Để làm như vậy, một cách bản năng chúng ta biết rằng cần phải cố gắng thoát khỏi sự lệ thuộc vào bản ngã.

Đây là một trong các lý do tại sao mọi người tham gia tập luyện thiền, thực hành yoga, nhảy Sufi hoặc nghiên cứu Phật giáo Tây Tạng. Tất cả những phương pháp này đều có thể giúp chúng ta hướng tới mục tiêu tự chuyển hóa; tất cả đều kết hợp hình thức tham thiền hay kỷ luật tinh thần nào đó để khai mở khả năng nhận thức khác cho học viên. Thiền thường được coi là một kỹ thuật thư giãn hoặc một phương pháp giảm căng thẳng, và nó thực sự rất hữu ích cho những mục đích này. Nhưng nó còn có nhiều khía cạnh sâu sắc hơn. Lợi ích tiềm tàng lớn nhất của nó nằm ở chỗ nó cung cấp khả năng tiếp cận với các chiều tâm thức nằm ngoài bản ngã cá nhân.

Có thể nói Thiền có hai mục đích. Thiền là cách gắn kết với những khía cạnh sâu sắc hơn trong bản chất của mỗi người, nhưng nó không chỉ dừng lại ở đó. Nó còn là cách liên kết với một thực tính vĩ đại hơn mà chúng ta vẫn nghĩ tới dưới những hình thức khác nhau: như sự Hợp nhất trong tự nhiên, chiều đo tinh thần, hay Thượng đế, hoặc Chúa Thánh thần. Vì vậy, thiền còn khác hơn chỉ là sự rút lui vào một trạng thái thụ động bên trong (như một số đã khẳng định). Đó là một trải nghiệm năng động về đặc tính của cái tôi nội tại với toàn thể cự vật—mà giới hạn thật vô cùng to lớn, và thực tế là vô hạn.

Một trải nghiệm như vậy có thể có tác động đối ứng. Nhu cầu xác định hướng đi cuộc đời của chúng ta dẫn chúng ta đến thiền, và đến lượt nó, thực hành tham thiền lại giúp làm sáng tỏ ý nghĩa của chúng ta về mục đích. Điều này là bởi nội tâm yên tĩnh cho phép mục đích có cơ hội xuất hiện—một điều không thể xảy ra khi chúng ta bị cuốn vào sự rối loạn và xung đột, vốn là một phần của cuộc sống hàng ngày.

Chuyển hướng Tập trung

Như tôi vừa trình bày, mục đích phát sinh từ điểm tâm thức trong mỗi người, đó là Bản ngã tinh thần hay Chân Ngã—cội nguồn an lạc và sự trọn vẹn của chúng ta. Xác định được bản ngã phi thời gian này cho chúng ta sức mạnh kiểm soát cảm xúc và hành động của mình. Đó là nguồn trực giác, sự sáng tạo và sức mạnh để chúng ta nắm trong tay mình đường hướng cuộc đời. Khi sức mạnh này được giải phóng bên trong mỗi người, nó có thể điều dẫn chúng ta trong bất kể hoàn cảnh khó khăn nào.

Một khi chúng ta nhận ra khía cạnh phi thời gian sâu xa hơn của chính mình, chúng ta có thể chuyển trọng tâm bất cứ khi nào gặp rắc rối, và nhìn vấn đề từ một quan điểm rộng lớn hơn. Ý nghĩa của “cái tôi” (bản thể) có thể thay đổi với sự chuyển hướng tập trung—từ sự đồng nhất với hoàn cảnh mà ta cảm thấy bị cuốn vào sang sự tự do của một trật tự phổ quát hơn, ít bị giới hạn về thời gian hơn. Một quan điểm cởi mở hơn luôn luôn cho chúng ta khả năng vận động và thay đổi, bởi nó vượt qua các yếu tố thuần túy cá nhân trong cảm xúc—yếu tố thường bóp méo mối quan hệ của chúng ta với mọi người.

Sự chuyển hướng tập trung như vậy cũng làm chúng ta chú ý đến những gì đang diễn ra trong tâm trí và cảm xúc của mình. Chúng ta nhận thức được tầm mức tâm thức đang vận hành tại bất kỳ thời điểm cụ thể nào và có thể tái thiết lập trọng tâm về điểm chúng ta mong muốn. Trong quá trình tự thức phát triển, tham thiền là rất hữu ích bởi đó là một trong những cách chúng ta có thể tìm ra điểm mà “cái tôi” tập trung vào.

Khi thảo luận về các hình thái cảm xúc, tôi đã nhấn mạnh rằng sự lo lắng tàn phá bởi nó làm cho chúng ta cảm thấy không có khả năng đương đầu với những tình huống chúng ta phải đối mặt. Nguyên nhân là do nó tạm thời ngăn chặn dòng chảy của năng lượng cao hơn bắt nguồn từ chiều đo của tính toàn vẹn. Khi mối liên hệ nội tại của chúng ta với bản ngã bị ngăn chặn, chúng ta bắt đầu nghi ngờ giá trị bản thân mình, sự tự tin của chúng ta bị suy yếu, và chúng ta dễ rơi vào trầm cảm. Ngay cả khi đã đạt được một mức độ an lành nội tại, vấn đề đối với nhiều người là làm thế nào thiết lập một mối liên kết bền vững với sự toàn vẹn cơ bản vẫn luôn tồn tại trước những căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày. Tôi tin rằng tham thiền là một trong những phương tiện hữu ích nhất để đạt được điều này.

Mối lo về tự ảo tưởng

Thật không may, nhiều người ngần ngại thực hành tham thiền vì họ sợ bị tự ảo tưởng. Vì vậy, có quá nhiều giá trị truyền thống của chúng ta đã bị loại bỏ vì chúng không liên quan đến thế giới đương đại đến nỗi chúng ta có thói quen kiểm chứng mọi lời tuyên bố. Nhưng có một sự khác biệt lớn giữa thái độ hoài nghi theo ý nghĩa mà Đức Phật dạy—không tin những gì được nghe, mà cần tự mình tư duy về mọi việc—và căn bệnh luôn tự nghi ngờ, làm suy yếu mọi giá trị, kể cả giá trị những thành tựu của chúng ta.

Vì không thể chứng minh rằng mọi điều là hoàn toàn đúng đắn và xác thực, nỗi sợ bị ảo tưởng sẽ hủy hoại khả năng cam kết với bất cứ điều gì mà không thể đo đếm hoặc chứng minh được. Nhưng tất cả chúng ta đều biết rằng những thứ thực sự quan trọng không thể được đo lường, hay được”chứng minh” giá trị, vì chúng liên quan tới những thứ vô hình.

Chắc chắn là có những ảo tưởng trong tham thiền, cũng như ở bất cứ việc nào khác. Nhưng liệu thực tế này có đáng để ngăn cản chúng ta hành thiền hay không? Nếu chúng ta sợ rằng tất cả kiến thức là không đúng đắn thì chúng ta chắc hẳn cũng sẽ nghi ngờ về ích lợi của việc nghiên cứu bất cứ điều gì. Cho dù thế nào, không có nguy hiểm cao về sự tự ảo tưởng trong tham thiền, bởi vì đó không phải là một phương pháp tự truy vấn hay tự quan sát, trong đó người ta có thể dễ dàng lấy ước muốn thay cho thực tính. Chúng ta tham thiền mà không mong đợi thành công hay thất bại, tập trung vào việc đạt tới được trung tâm bình an của riêng mình mà không cần định nghĩa hay mô tả đặc tính của nó. Điều này có thể dẫn đến những trải nghiệm rất thật.

Do đó, lời khuyên của tôi là chúng ta hãy coi thực tính tinh thần như một giả thuyết có thể đúng hoặc sai, nhưng đáng để thử. Sau đó, chúng ta có thể trải nghiệm và tự xem xét bản thân cho dù giả thuyết này được xây dựng dựa trên kinh nghiệm. Nhiều người bắt đầu thực hành tham thiền mà không thực sự tin vào phương pháp. Họ sẵn sàng nắm lấy cơ hội, mặc dù họ không chắc chắn về kết quả có thể sẽ tới. Tôi thấy thái độ này rất tự nhiên. Tôi cũng công nhận thực tế rằng tham thiền không phải dành cho tất cả mọi người; cần phải chuẩn bị một số điều, nếu ai đó chỉ chấp nhận thực tế là đã đến lúc cần gắn kết với nội tại và sự bình an. Trong những trường hợp như vậy, ta có thể nói với người hoài nghi: Hãy thử đi và cho chính mình trải nghiệm.

Tôi luôn hy vọng rằng mọi người sẽ tiếp cận với thiền như là một điều thực sự thú vị, thậm chí đầy niềm vui, chứ không phải là một nhiệm vụ nặng nề mà chúng ta cần đảm nhiệm như một nghĩa vụ đối với bản thân mình. Nó có thể làm chúng ta tươi mới mỗi ngày—cho chúng ta thêm năng lượng khi mệt mỏi, bình tĩnh và cân bằng khi thất vọng, giúp giải quyết các vấn đề của chúng ta, khôi phục quan điểm và sự cân bằng. Trong cuộc sống hàng ngày, hào quang của chúng ta liên tục trao đổi năng lượng với người khác, và sự chú ý của chúng ta thường gắn liền với những gì đang diễn ra xung quanh mình. Kết quả là trọng tâm của chúng ta nằm ngoài chính bản thân. Trong tham thiền, chúng ta hữu ý chuyển sự tập trung đó vào luân xa tim, do đó tạo ra một luồng năng lượng tập trung ngược lại với khuynh hướng phân tán hoặc khuếch tán theo nhu cầu hoạt động hàng ngày của chúng ta.

Kích thích Các Năng lượng Cao hơn

Đó là lý do tại sao thực hành tham thiền không chỉ mang lại cho chúng ta cảm giác bình an, mà còn kích thích chúng ta. Kinh nghiệm có được qua tham thiền giúp tăng cường hoạt động của luân xa tim, và điều này dần dần ảnh hưởng đến kết nối với các trung tâm cao khác. Khi điều này xảy ra, nó mở ra cho chúng ta cơ hội có được những tác động từ một chiều cao hơn và thiết lập một mô hình cảm xúc tích hợp, trái ngược với các mô hình mâu thuẫn kéo chúng ta theo các hướng khác nhau trong ngày. Vì vậy, nó tạo ra một trạng thái toàn vẹn và thanh thản bên trong giúp ta có thể vững vàng trước những căng thẳng.

Trong hào quang, thường có nhiều trạng thái tình cảm tạm thời ngăn cản sự mở rộng của tâm thức. Khi tham thiền bao gồm không chỉ là sự rút lui vào trung tâm của một người mà còn là một nỗ lực có chủ đích gửi an lành và tình thương ra bên toàn thế giới, sự mở rộng của hào quang dẫn đến những kết quả trực tiếp giúp hàn gắn những vết thương của những biến cố đau buồn. Các kết quả thể hiện trong hào quang như làm màu sắc sáng lên, rõ nét hơn, và có cảm giác chung của sự hài hòa, cân bằng và hội nhập. Đây là những khác biệt tinh tế, nhưng có thể thấy chúng trong hào quang số # 13, # 14 và # 18, tất cả đều là hào quang của những người đã thực hành tham thiền lâu dài, hay ở hình # 7, của một người thực hành tham thiền một thời gian ngắn hơn.

Tham thiền kích thích năng lượng cao hơn, và năng lượng được giải phóng trong chúng ta làm thay đổi quan điểm của ta một cách triệt để. Nhận thức được tạo ra giúp chúng ta nhìn thấy mọi người trong một ánh sáng mới, để chúng ta bắt đầu tự hỏi làm sao chúng ta có thể tác động đến họ, thay vì ngược lại. Chúng ta thường tạo ra những rào cản giữa bản thân và người khác, nhưng khi cố gắng thường xuyên cảm thấy yêu thương, chúng ta sẽ rút bớt các biện pháp phòng vệ và trở nên cởi mở hơn nhiều. Bằng cách này, chúng ta bắt đầu có được một ý thức mới về tầm quan trọng của mối quan hệ giữa các cá nhân. Khi chúng ta trở nên nhạy cảm hơn với người khác, chúng ta phát triển khả năng tương tác với họ theo những cách tích cực.

Các Kỹ thuật Tham thiền

Khi chúng ta cam kết tìm kiếm bình an trong chính mình, và quyết định rằng tham thiền là một cánh cửa mở ra sự bình an này, thì kỹ thuật cụ thể mà chúng ta sử dụng thực sự không quá quan trọng. Một số phương pháp yêu cầu đọc một đoạn kinh hoặc niệm mantrams, tất cả đều có tác dụng làm tĩnh tâm. Thiền và một số truyền thống Phật giáo khác như Satipatthana thực hành vừa đi bộ vừa tập trung vào hơi thở. Nhịp thở đều đặn hẳn nhiên vô cùng quan trọng.

Bất kể phương pháp nào, có một số yêu cầu cơ bản. Trước tiên là thư giãn và nhận thức được rằng bạn có thể trải nghiệm cảm giác tĩnh lặng trong mình. Vì vậy, rất hữu ích nếu hít vào thở ra thật sâu vài lần và thả lỏng bả vai, và sau đó tập trung vào khu vực luân xa tim. Tôi luôn khuyên những người mới bắt đầu chỉ nên luyện tập trong một thời gian ngắn—từ ba đến năm phút. Khoảng thời gian một người tham thiền không quan trọng, miễn là có những trải nghiệm thật. Mọi người thường cố gắng luyện tập quá nhiều khi còn quá mới, và nhanh chóng nản lòng. Nhận thấy mình không thể tĩnh lặng trong vài phút, họ tiếp tục tập vì nghĩ rằng cần phải làm vậy, và do đó trở nên buồn chán và bồn chồn.

Trong ba hay bốn tháng đầu tiên thực hành tham thiền, nỗ lực chính là tìm ra một điểm tĩnh tại trong chính mình. Một khi đã thiết lập được điều đó, bạn sẽ dần dần quen với tham thiền, và học cách yêu thích nó. Nói vậy, tôi có ý rằng có một phần cảm xúc trong tham thiền. Điều này hoàn toàn đúng, nhưng nỗ lực để đạt được trạng thái tĩnh lặng vượt xa cảm giác thông thường của niềm vui và đau đớn, hoặc thích và không thích.

Ban đầu có thể có một số mâu thuẫn: bạn có thể nghĩ rằng mình đang tĩnh lặng, nhưng đồng thời cũng ý thức rõ được trải nghiệm đầy sự phân tâm. Vì vậy, bạn sẽ nhận thức được hai điều cùng một lúc: sự bình an nội tâm, và tâm trí vơ vẩn của mình. Bạn có thể chấp nhận tình huống này mà không bị nó làm phân tâm khỏi sự chấp nhận rằng ở một mức độ nào đó bạn đã có cảm giác yên tĩnh thực sự. Sau một thời gian kiên trì, bạn sẽ đạt đến một tầm mức sâu hơn của sự tĩnh lặng, và sau đó sẽ bắt đầu trải nghiệm cảm giác mở rộng, một cảm giác thống nhất với vũ trụ.

Từng chút một, khi bạn tiếp tục thực hành, sự tĩnh lặng sẽ sâu hơn và tâm trí vẩn vơ sẽ trở nên yên tĩnh. Ngay cả khi suy nghĩ có thể can dự vào quá trình tham thiền và bạn có thể nhận thức được sự phân tâm, bạn vẫn có thể tập trung trong tĩnh lặng. Cách so sánh gần nhất với kinh nghiệm này tôi có thể nghĩ tới là việc trải nghiệm cùng máy bay vượt lên những đám mây tới bầu trời xanh trên cao.

Tham thiền trong Trái Tim

Tôi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào vùng luân xa tim, mà tôi gọi là trung tâm, bởi vì tim là tâm điểm của đời sống tinh thần cũng như thể chất. Chúng ta thường có thể nghĩ rằng tập trung ngụ ý thu hẹp sự chú ý hoặc nhận thức, nhưng thực tế lại là ngược lại khi chúng ta tập trung. Luân xa tim có khả năng mở rộng gần như không giới hạn; tương tự như một vòng tròn có tâm bất cứ đâu và chu vi của nó là không hạn định. Vì vậy, khi tập trung, chúng ta trải nghiệm một cảm giác thống nhất với tự nhiên và vũ trụ như một toàn thể. Điều này làm mở rộng hào quang, phá vỡ mọi hình thái hạn chế, và cảm giác thống nhất có thể trở nên rõ nét, tạo ra một chiều hướng mới cho tất cả các mối quan hệ của chúng ta.

Khi mọi người không chắc chắn về khả năng tham thiền của mình, tôi thường cho họ một bài tập trực quan để giúp họ bắt đầu. Ví dụ, tôi đề nghị bạn trước tiên rút năng lượng của bạn vào luân xa tim, và gắn kết nó với một cảm giác hòa làm một với bản thể phi thời gian. Bản ngã nội tại nên được hình dung như một nguồn ánh sáng trong trái tim bạn, nơi bạn rút ý thức vào. Cảm nhận một cảm giác bình an, và nghĩ về mình như một với nguồn sáng. Sau đó, nếu bạn có một ký ức đau thương làm bạn buồn khổ, hãy nhớ lại nó và cố tình hình dung nó như tách rời khỏi bạn và hiển hiện ra trước mặt bạn. Bạn nên cố gắng xem nó như là ở bên ngoài chính mình. Sau đó, hãy hình dung tia sáng phát ra từ trung tâm của ánh sáng trong trái tim bạn, chảy vào ký ức đau thương đó cho đến khi nó hoàn toàn tan rã.

Nhiều người đã thấy bài tập này cho họ một cảm giác tuyệt vời nhờ việc thoát khỏi những lo lắng của mình. Hơn nữa, nếu bạn muốn giúp đỡ một người bệnh hoặc ai đó đang gặp khó khăn, sẽ rất hiệu quả khi hình dung người đó được bao phủ bởi thứ ánh sáng trong tim này, và sau đó liên lạc với người cần giúp đỡ ở cấp độ đó.

Buông Xả

Tôi đã nói rằng khi chúng ta trải nghiệm cảm giác bình an bên trong, quan điểm của chúng ta về thế giới và mối quan hệ của chúng ta bắt đầu thay đổi. Một trong những khác biệt là sự gia tăng buông xả. Có lẽ có rất nhiều hiểu lầm về ý nghĩa của từ này, mọi người lẫn lộn nó với sự lạnh lùng vô cảm, dửng dưng trước những đau đớn và phiền toái của người khác. Sự buông xả không có nghĩa là chúng ta không còn thấy có cảm xúc với người khác hay đồng cảm với nỗi đau của họ. Điều đó có nghĩa là chúng ta không liên quan trực tiếp đến những vấn đề của họ ở mức độ cảm xúc—sự liên quan này thực sự có thể ngăn cản chúng ta phụng sự. Các y tá qua kinh nghiệm của mình biết rằng họ không thể giúp đỡ một bệnh nhân đang đau đớn trừ khi họ có thể duy trì sức mạnh nội tâm và sự thanh thản của mình.

Khi tập trung vào tham thiền, bạn đang trải nghiệm sự trọn vẹn, sự thống nhất không chia rẻ với vạn hữu. Bạn thấy mình, cũng như những người mà bạn có mối quan hệ xung quanh, như một phần của sự toàn vẹn bao la đó. Theo nghĩa này chúng ta tương tác với nhau một cách chính xác nhất. Ở cấp độ phàm nhân chúng ta luôn tách biệt nhau bởi những rào cản của bản ngã, nhưng những rào cản này không tồn tại ở tầm mức sâu hơn. Khi chúng ta có thể tách mình khỏi sự quan tâm cá nhân, chúng ta có thể tiếp cận với mọi người một cách bền vững hơn.

Phóng chiếu Tình thương

Tham thiền hỗ trợ cho quá trình này vì nó mang năng lượng từ một chiều đo phổ quát hơn xuống. Nếu chúng ta muốn phát triển tiềm năng này và sử dụng nó một cách trọn vẹn, chúng ta nên cố gắng để cảm nhận tình yêu thương mỗi ngày, và lên kế hoạch hướng nó tới bất cứ ai mà chúng ta cảm thấy cần tình yêu thương đó. Điều này rất quan trọng vì nhiều lý do. Chúng ta thường nghĩ rằng tình yêu chỉ đủ đầy nếu nó được đáp lại, và khi sự lạc nhịp giữa con người xảy ra, kết quả là có rất nhiều đau đớn. Nếu tình yêu của chúng ta ở mức độ phàm ngã thì nó sẽ đòi hỏi một cách vô thức, và điều này làm những vấn đề tình cảm của chúng ta trở nên trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, trong tham thiền, chúng ta trải nghiệm một loại tình yêu khác, một dòng chảy ra hay trao gửi cái bản ngã không hề đòi hỏi và mong đợi sự đáp lại. Khi chúng ta có thể trao gửi trọn vẹn tình yêu, không có nghi ngờ hoặc nỗi sợ mất mát hay suy nghĩ về bản thân, thì năng lượng đó sẽ tiếp cận người khác ở mức cao hơn, nơi họ có thể sử dụng nó để huy động sức mạnh nội tại của họ và giúp họ giải quyết các vấn đề. Đây là những gì tôi muốn nói qua từ Vô chấp hay Buông Xả.

Khi bạn tập trung vào tham thiền bạn đang trải nghiệm hữu thức một cảm giác hợp nhất ở mức sâu xa hơn. Bạn cảm thấy bản thân, cũng như những người mà bạn có mối quan hệ, như một phần của một tổng thể lớn hơn. Vì vậy bạn bắt đầu nhận ra qua kinh nghiệm, rằng cùng một tiềm năng về sự trọn vẹn và bình an tồn tại trong mỗi người, và trong việc trao gửi những tư tưởng yêu thương đến người khác, bạn đang cố gắng gần họ ở tầm mức sâu hơn. Khi làm như vậy, bạn mở ra cho chính mình sức mạnh to lớn hơn và dồi dào tiềm năng hơn ở một chiều cao hơn. Vì vậy, nếu bạn muốn phát triển tiềm năng này và sử dụng nó một cách đầy đủ, bạn nên cố gắng thường xuyên lên kế hoạch trao gửi tình thương càng nhiều càng tốt. Như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói, nếu tất cả chúng ta đều cảm thấy bình an và từ bi, sẽ không còn chiến tranh và bạo lực. Trong những thời điểm như hiện nay, khi thế giới bị lung lay bởi những nỗi nghi ngờ và lo lắng, chúng ta có thể giúp làm sáng bầu khí quyển của toàn trái đất bằng cách phát ra năng lượng của an lành và tình thương.

Trực giác

Trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, tôi đã chỉ ra rằng có một khía cạnh của tâm thức bên trong chúng ta, được gọi là trực giác—cho những hiểu biết tức thì, vượt qua các quá trình thông thường của tâm trí và đưa ra cái nhìn sâu sắc trực tiếp. Sức mạnh này không giới hạn ở một số ít thiên tài, mà nó là một tiềm năng trong tất cả chúng ta. Trên thực tế, nhiều người trong chúng ta đã có kinh nghiệm cấp độ tâm thức này tại một thời điểm nhất định nào đó trong cuộc sống. Vào những lúc mọi thứ dường như đều sai lầm, nếu chúng ta tĩnh lặng trong chốc lát, từ sự yên tĩnh đó có thể phát sinh một niềm tin vào hướng đi đúng đắn chúng ta cần thực hiện. Trong thời điểm khủng hoảng chúng ta đột nhiên đầy sức mạnh; chúng ta biết rằng mình có thể giữ bình tĩnh. Đó là trực giác không thông qua ngôn ngữ cho chúng ta biết những điều chúng ta nên làm.

Cảm nhận về sự hợp nhất có được qua tham thiền mở ra cho chúng ta khả năng trực giác này, liên quan đến bản ngã phi thời gian. Trực giác hay cái nhìn sâu sắc có nghĩa là nhìn vào tâm của vạn vật. Trong một thời khắc, nó mở ra cho chúng ta một cánh cửa vào một chiều đo cao hơn về sự thấu hiểu trực tiếp, hoặc cái nhìn minh triết, vượt qua những hạn chế của các quy trình tư duy thông thường của chúng ta theo nhịp điệu của nhận thức đồng nhất.

Vì vậy, nếu chúng ta đang thực sự kiếm tìm một đường đi đúng—vì bí mật của chánh đạo, như Phật giáo đã dạy—có thể vẫn nằm trong chính chúng ta, và trực giác có thể mở ra. Khi đó, chúng ta có thể có được cái nhìn sâu sắc về hướng đi chúng ta nên theo và một kế hoạch hành động—một kế hoạch không hoàn toàn phụ thuộc vào các sự kiện mà chúng ta phải đối mặt, vì chúng có thể không phù hợp với mục đích của chúng ta.

Trực giác đến từ một chiều sâu xa hơn của tâm thức hơn là tư duy thông thường. Nó có thể làm sáng tỏ sự tìm kiếm hiểu biết của chúng ta bằng cách đưa ra một xu hướng mới. Nhiều nhà khoa học đã có những trải nghiệm về ánh sáng trực giác, đột nhiên gắn kết những hiểu biết lại với nhau trong một mối quan hệ không hề biết trước. Do đó, trực giác luôn nâng chúng ta lên một tầm ý nghĩa mới, một tầm nhìn mở rộng về thực tính. Nó có thể hoạt động ở nhiều cấp độ, nhưng vì nó là một cái nhìn sâu sắc về sự thống nhất ẩn dưới các hiện tượng của đời sống, kết quả của nó vẫn luôn tồn tại và ngày càng sâu sắc hơn qua thời gian.

Có nhiều mức độ trực giác khác nhau, và chúng không nhất thiết chỉ liên quan đến những vấn đề phi cá nhân lớn. Những hiểu biết trực giác có thể đến với những người đơn giản, bởi vì họ không đặt những rào cản của tâm trí phê phán lên những hiểu biết sâu sắc từ bên trong. Trực giác luôn luôn ban cho một cảm giác không lay chuyển được về sự chắc chắn và tính xác thực; chúng ta không ngần ngại chấp nhận nó và hành động theo nó. Khi chúng ta nhận được một tia trực giác, giây lát đó là sự tích hợp của các chiều đo tâm thức khác nhau trong chúng ta, và điều đó dẫn tới niềm tin rằng chúng ta đã tìm ra sự thật về vấn đề mà chúng ta phải đối mặt.

Lý do trực giác không đến với ta thường xuyên hơn là vì những suy nghĩ của chúng ta thường bị rối loạn. Khi trí chúng ta bị phân tâm theo nhiều hướng khác nhau, chúng ta đối diện với một mối nguy hiểm đầy đe dọa: chúng ta biết mọi thứ và không hiểu điều gì. Trực giác không xuất hiện trừ phi tâm trí cho nó một con đường rõ ràng để hiển lộ, vì trí là công cụ để chuyển tải cái nhìn sâu sắc thành hành động. Khi trí trong suốt cho những thấu hiểu tinh thần, kết quả là bát nhã (prajna), như Phật giáo gọi nó, hay trí huệ. Hàm ý là mỗi con người có một điểm tiếp xúc với một chiều đo của tâm thức mà chân lý là một phần trong đó. Do đó, điều tham thiền có thể mang lại là một cái trí sáng rõ để trực giác có thể rọi qua.

Nhiều người muốn phát triển một kỹ thuật để khai mở trực giác, để trải nghiệm về trực giác có thể xảy ra thường xuyên hơn. Tôi không nghĩ rằng có thể định trước cho một kinh nghiệm trực giác, nhưng chắc chắn nền tảng để có được điều đó có thể được chuẩn bị, và để có được chúng ta phải học để an tĩnh thể trí và không để cho những suy nghĩ lộn xộn xâm nhập thiếu kiểm soát.

Kinh nghiệm Hợp nhất

Sự chuyển hóa thông qua những biến đổi tôn giáo bắt đầu ở cùng một mức độ, nhưng nó bao hàm ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều. Như trong trường hợp của Thánh Francis (và nhiều người khác, như Mẹ Teresa trong thời đại chúng ta), nó có thể đến bất ngờ, nhưng toàn bộ cuộc đời đã là một sự chuẩn bị cho thời điểm này, khi tất cả năng lượng—không chỉ của cơ thể và tâm trí, mà của cả tinh thần—được hoà hợp thành một thể thống nhất. Trong chớp mắt, những đám mây che phủ tan biến, những rào cản được phá bỏ và có một sự thức tỉnh về thực tại tinh thần thâm nhập và biến đổi mọi cấp độ, ngay qua cơ thể vật lý.

Nhưng cũng có những thời điểm mở ra cái nhìn sâu sắc mà không có sự chuyển đổi hoàn toàn như vậy, cho chúng ta cái nhìn thoáng qua về bản chất của thực tính tinh thần. Khi ngắm nhìn một cảnh quan đẹp và thấy mình là một phần trong đó, chúng ta có cảm nhận mình tham dự vào một tổng thể lớn hơn nhiều so với những gì chúng ta vẫn biết. Nhiều người trong chúng ta có cùng cảm nhận như vậy khi nghe nhạc. Kinh nghiệm về vẻ đẹp chạm tới trái tim, mở rộng ranh giới của bản thể đến một mức độ có thể được gọi một cách thực sự là một kinh nghiệm hợp nhất—vì người ta mất đi cảm giác bị giam hãm trong chính mình, hay giới hạn trong tâm thức của cái tôi.

Tham Thiền không dành cho tất cả mọi người, nhưng nó là một trong những cánh cổng mở ra trải nghiệm hợp nhất này. Điều thú vị là cảm giác mở rộng của chúng ta, dường như bao gồm cả thế giới, đạt được bằng cách thu hồi vào sự tĩnh lặng trong chính chúng ta. Bên ngoài và bên trong không còn đối nghịch. Điều này xảy ra vì chúng ta làm yên tĩnh sự hỗn loạn của cuộc sống tình cảm và tâm trí của mình, vốn vẫn làm cho chúng ta không thể “lắng nghe” sự tĩnh tại bên trong. Nhờ đó, chúng ta lấy lại cảm nhận là một phần của toàn thể vũ trụ, trong đó không có gì bị lãng quên, không loại trừ một thực thể nào.

Khi trải nghiệm mức độ toàn vẹn này, chúng ta đang sử dụng một loại năng lượng khác, và năng lượng này sẽ dần thâm nhập vào các mức độ khác của tâm thức. Nếu tham thiền trở thành thói quen, cảm nhận hợp nhất với thế giới không bao giờ hoàn toàn biến mất; nó trở thành nền tảng cho cuộc sống. Khi nhận thức được mức độ này, chúng ta tràn đầy năng lượng mới, và điều này có thể có một hiệu ứng chuyển hóa. Chúng ta trải nghiệm điều này theo những cách khác nhau thông qua tham thiền—đôi khi nó giống như tình thương và sự cảm thông ào tới, đôi khi là sự rõ ràng của tâm trí, đôi khi nó đến như những hình ảnh hoặc biểu tượng, đôi khi là sự đột phá của trí tưởng tượng sáng tạo, hay là khả năng biểu đạt sự xác tín và niềm tin sâu sắc nhất của chúng ta.

Sự Hòa hợp của Tất cả các Cấp độ

Thực hành tham thiền có thể tăng cường tiềm năng bẩm sinh trong chúng ta. Nó có thể cho chúng ta khả năng giữ bình tĩnh và ổn định qua những khó khăn của cuộc sống. Nó có thể hòa nhập vào cuộc sống của ta đến nỗi sự hiện diện của nó ảnh hưởng đến mọi điều chúng ta nói ra và hành động. Khi đến giai đoạn này, tham thiền không chỉ là một thực hành mang tính nghi lễ mà ta ngồi đó. Nó trở thành một liên kết mà chúng ta có thể tái thiết lập thông qua sự chú tâm vào từng thời điểm. Do đó các năng lượng cao hơn được đánh thức có thể trở thành một thành phần năng động trong cuộc sống hàng ngày.

Do đó, một cách chậm rãi, năng lượng mà chúng ta không biết tới được giải phóng, và trở nên tích cực hơn trong ta. Khi tâm trí và cảm xúc học được cách nhạy cảm với các chiều cao hơn, những năng lượng này có thể được sử dụng khi cần thiết. Khi chúng ta chú ý đến chúng, chúng trở nên thật hơn đối với chúng ta—một nguồn lực với nhiều ứng dụng thực tế. Thông qua việc đạt được một sự thống nhất với nội tâm, bản ngã phi thời gian, chúng ta phát triển ý chí và động lực để phá vỡ những hình thái cũ hạn hẹp và tự xây dựng lại bản thân—và chính chúng ta, những người đã tạo ra sự chuyển đổi này.

Nếu có ý định vững chắc là sẽ sống hòa hợp với toàn bộ vạn vật, ý định này không thể bị giới hạn trong vài phút mỗi ngày khi chúng ta tham thiền. Nó phải được đưa vào trong mọi chiều đo của tâm thức của chúng ta, bao gồm cả thể vật lý. Ngay cả khi tham thiền được thực hành thường xuyên trong một thời gian dài, nó sẽ không làm thay đổi chúng ta cho đến khi nó bắt đầu thấm vào hành động của ta. Nhưng khi điều này xảy ra, ý định ban đầu sẽ trở thành công cụ giúp chúng ta giải quyết những khó khăn của mình, một vũ khí để giúp chúng ta đánh bại các xung động ích kỷ của ta—nhất là trong lĩnh vực quan hệ giữa các cá nhân. Khi cảm nhận về hợp nhất có được qua tham thiền tồn tại suốt cả ngày, cuộc sống của chúng ta bắt đầu phản ảnh những nguyện vọng tinh thần. Do đó, trọng tâm của chúng ta không còn giới hạn trong những ràng buộc hạn hẹp của bản ngã—vì nó đã mở rộng thành cái ngã mang chiều phổ quát, không ranh giới.

Trong thế giới này, vạn vật đều liên quan lẫn nhau. Khi thông qua tham thiền, chúng ta bắt đầu nhận ra rằng thế giới vật chất về cơ bản là một với thực tính tinh thần—và là một biểu hiện của nó, chúng ta có một cái nhìn sâu sắc hơn về tầm quan trọng của cuộc sống con người. Điều này có thể thay đổi chúng ta theo nghĩa sâu xa nhất, bởi vì mọi suy nghĩ, hành động của chúng ta, mọi thứ chúng ta cảm nhận và thực hiện, sẽ tự nhiên phản ánh sự hiểu biết đó.

Chúng ta không cần phải trở thành những vị thánh hay bậc chân tu khổ hạnh để bắt đầu tiến trình hòa nhập này. Nó chỉ đòi hỏi một ước vọng thực sự, một cam kết nghiêm túc. Sau đó, bất kể chúng ta mắc phải bao nhiêu lỗi lầm, dòng chảy cuộc sống hàng ngày của chúng ta sẽ là sự tiếp nối những nỗ lực tham thiền của mình, và lý tưởng cao nhất của chúng ta sẽ trở thành một phần không thể tách rời của hành động và kinh nghiệm mà ta có.

Leave Comment