(Ghi chép từ bài giảng của Thầy William Meader https://meader.org/course/reincarnation)
Chúng ta thường hay nói rằng đối lập với sống là chết. Nhưng từ quan điểm huyền môn, đối lập với sống không phải là chết, mà là sự sinh ra đời.
Trong triết lý huyền môn, chúng ta là những linh hồn đang lâm phàm. Linh hồn ngự trên cõi thượng trí khi đầu thai nhập thế sẽ phóng chiếu một phần của chính mình vào các cõi tâm thức thấp hơn, và biểu hiện thành phàm ngã trong đó. Như vậy, đầu thai là một hành động nhập thế vào hình tướng. Nhưng từ góc độ linh hồn, hành động đó là một dạng giam cầm.
Bởi vì từ góc độ linh hồn, trên cõi riêng của nó, linh hồn có sự thấu hiểu rộng lớn, nhưng khi một phần của nó phải lâm phàm vào hình tướng, nó tự khóa mình trong một vỏ chứa khiến nó giảm kém hơn so với bản chất thực sự. Vì thế, từ góc độ linh hồn, chính sự sinh ra đời thực sự là một nhân tố giới hạn nó. Do vậy, đối lập với sự sống và sự sinh ra đời. Và đó là lý do tại sao khi ta chết, ta tái kết nối với linh hồn của mình trong một cảm thức trọn vẹn hơn, ở ngoài giai đoạn lâm phàm. Ta nhận ra rằng ta thông thái hơn, bác ái hơn nhiều. Và ta có cảm giác sâu sắc hơn về mục đích và về mối quan hệ với tổng thể lớn hơn mà ta đã không nhận ra khi lâm phàm trong hình tướng. Như vậy đây thật là một phiên bản đảo ngược của sự thấu hiểu về sự sống và cái chết.
Sự sống là gì? Lý do chúng ta không thực sự hiểu sự sống là gì là bởi vì chúng ta chứng kiến sự sống một cách gián tiếp. Chúng ta nhìn thấy sự sống qua những hình tướng được làm sống động. Ta thấy một con người, họ suy tư, cảm nhận, hành động, và nói rằng, đó là sự sống. Ta thấy một cái cây đang lớn và nói, đó là sự sống. Ta thấy con vật đang chạy và nói đó là sự sống. Đó là sự sống làm sống động hình tướng, nhưng đó không phải là bản thân sự sống, độc lập khỏi hình tướng. Chúng ta chưa bao giờ thấy phẩm tính của sự sống độc lập khỏi hình tướng ở cấp độ phát triển của mình. Tuy nhiên, tại thời điểm trên đường đạo khi lần đầu tiên bạn thoáng nhìn thấy sự sống, độc lập khỏi hình tướng. Và đó là giai đoạn ở cuộc điểm đạo Biến Dung (điểm đạo lần 3), khi lần đầu tiên bạn thoáng nhìn thấy Chân Thần. Và Chân Thần là chủ chốt ở đây. Bởi vì Chân Thần là chính bản thân sự sống.
Chân thần là một phương diện bản thể của chúng ta thậm chí còn sâu sắc hơn linh hồn. Nó chính là người trông nom cho chính sự sống. Và chân thần là bản thể cao nhất so với phàm ngã là bản thể thấp của chúng ta. Linh hồn là bản thể cao hơn mà chúng ta đang nỗ lực để trở nên ngày càng sống với bản chất của linh hồn, sống như một linh hồn, tương phản với tính chất của phàm ngã. Linh hồn là tâm thức cao hơn của chúng ta, nhưng còn cao hơn, hay đúng hơn là sâu sắc hơn nữa là một cái khác được gọi là Chân Thần (Monad). “Monad” có nguồn gốc từ “mono”, có nghĩa là “một”, và có lẽ Pythagoras là người đầu tiên đã giới thiệu với nhân loại khái niệm về Chân Thần. Nhưng nó có những tương quan khác trong những hệ thống khác, ví dụ monad rất tương đồng với cái mà Công Giáo gọi là Tinh Thần thuần khiết; hay trong truyền thống phương Đông, monad tương ứng với Atma. Chân Thần đó trong bạn là cội nguồn của chính bản thân sự sống.
Chúng ta tiến hóa, từ dưới lên trên, từ phàm ngã, đến linh hồn và chân thần. Chân thần là Bản Thể Thiêng Liêng, nó đại diện cho tinh thần thuần khiết và truyền tải ý chí và mục đích và đó là Ý Chí Thiêng Liêng và Mục Đích Thiêng Liêng. Chân thần cũng được gọi là nơi hiện hữu tối hậu, một nơi sâu thẳm bên trong mà ở cấp độ phát triển hiện nay, chúng ta chưa thể tiếp xúc một cách hữu thức, nhưng rồi ngày đó sẽ tới. Đó là nơi bạn kết nối với tất cả mọi thứ thiêng liêng. Và thực sự, đó là Thượng Đế trong bạn. Trong khi linh hồn là Thiên Tính/Phật Tính (Christ) trong bạn thì chân thần là Thượng Đế trong bạn và có bạn.
Trong ý nghĩa tối hậu, chỉ có Cái Một, Nhất Thể mà chúng ta có thể gọi đó là Thượng Đế hay Brahma hay bất cứ gì bạn muốn. Nhưng có một đại diện của sự sống vĩ đại đó ngự bên trong mỗi chúng ta, và đó chính là chân thần, một tia lửa khởi sinh từ Một Ngọn Lửa.
Linh hồn là bản thể cao hơn truyền dẫn tình thương tinh thần và minh triết qua tác nhân trí tuệ yêu thương. Linh hồn là tâm thức cao hơn của bạn, là tổng của tất cả những minh triết của bạn và ngập tràn tình thương như lòng bác ái của Đức Christ.
Linh hồn thật sự rất kết nối với cái chúng ta gọi là thể nguyên nhân (thể căn nguyên, nhân thể – causal body). Thể nguyên nhân chứa đựng toàn bộ minh triết của linh hồn. Chính thể nguyên nhân là cái tái sinh luân hồi, chuyển di từ kiếp sống này sang kiếp sống khác. Thể nguyên nhân hay linh hồn là phẩm tính của sự sống, trong khi chân thần là chính bản thân sự sống.
Sự sống là hiện hữu thuần khiết. Nó không phải tâm thức mà vượt ngoài tâm thức. Cấp độ cao nhất của tâm thức là cái mà chúng ta gọi là linh hồn, đó là phẩm tính của nguyên khí sự sống và là những đặc tính phẩm chất của sự sống nội tại như tình thương, minh triết, ý chí, lý tưởng, sự tận hiến, vẻ đẹp, tổ chức, tri thức…
Và khi chúng ta nói sự sống hình tướng tam phân, chúng ta đang nói về phàm ngã. Nó đại diện cho vẻ ngoài, và tam phân vì phàm ngã có thể trí, thể cảm dục và thể xác.
Như vậy, sự sống giáng xuống thành phẩm tính, và rồi phẩm tính tìm cách biểu hiện ra bên ngoài qua phàm ngã. Và trong chủ đề đầu thai tái sinh, cái đi đầu thai chính là linh hồn, thể nguyên nhân. Khi ta chết, phàm ngã tan rã nhưng linh hồn vẫn tiếp tục.
Thực sự thì Chân thần là cái đã bên bạn còn lâu hơn nữa. Chân thần chính là bạn, đã hiện diện và nhập thế trước khi chúng ta trở thành con người. Trước khi sống đời sống của giới nhân loại, chúng ta đã trải qua hàng triệu năm tiến hóa qua giới động vật, và trước đó là giới thực vật và thậm chí xa hơn nữa là giới khoáng vật. Và đó là tại sao một trong những tên gọi khác của Chân Thần là “người hành hương vĩnh cửu” (the eternal pilgrim), bởi vì nó thực sự là bất diệt.
Như vậy, chúng ta nỗ lực trở thành linh hồn, là dạng tâm thức cao hơn của chúng ta, nhưng ý nghĩa tối hậu, bạn và tôi là những hiện hữu sâu sắc hơn, cao cả hơn, thậm chí thiêng liêng hơn thế nữa. Bạn là chân thần thuần khiết, có nghĩa bạn là sự sống, mỗi người trong chúng ta đều là sự sống. Không phải là chúng ta có một đời sống, mà chúng ta chính là sự sống. Và sự sống đã vẫn luôn như thế và sẽ mãi luôn như thế.
Khi chúng ta nói về sự hiện hữu cấp độ chân thần, đó là đời sống của một chân sư. Một chân sư đã nâng tâm thức lên trên để trở thành chân thần. Chúng ta đang trên hành trình đi từ phàm ngã đến linh hồn, và chuyển hóa phàm ngã để nó trở thành một tác nhân hoạt động của linh hồn. Rồi sẽ đến một bước trên đường đạo khi bạn thực sự đi xa hơn, đi sâu hơn và chạm đến chân thần. Và cuối cùng, ở cuộc điểm đạo thứ sáu, bạn là Chân Thần thuần khiết.
Khi nhìn thấy một người chết và xác của họ trong phòng, phàm ngã thường nói ngay rằng người đó đã mất đi sinh mạng (sự sống). Nhưng từ quan điểm nội môn, người đó không mất đi sự sống. Người đó mất đi hình tướng, chứ không phải sự sống, bởi vì người đó là bản thân sự sống. Sự sống đã, vẫn đang ở đó, nhưng hình tướng là nhất thời. Đây là điều rất quan trọng mà chúng ta cần hiểu. Phần đông xã hội vẫn có nhận thức sai lầm với khuynh hướng tin rằng tâm thức là sản phẩm của hình tướng, và nếu hình tướng mất đi thì tâm thức cũng mất đi.
Một trong những lý do của cái chết, sự thu rút khỏi hình tướng đó là mỗi cái chết góp phần vào sự tổng hợp của các trải nghiệm, và rồi chúng được lưu giữ trong thể nguyên nhân như một năng lực mới (new faculty). Qua mỗi lần đầu thai lâm phàm, linh hồn sẽ mở rộng một phần của nó để tạo nên một chiếc áo khoác bên ngoài với ba lớp (phàm ngã) là thể trí, thể cảm dục và thể xác. Phàm ngã này đi qua vô số những trải nghiệm trong suốt cuộc lâm phàm nhập thế. Và nhiều trải nghiệm trong số đó, tất nhiên không phải là tất cả nhưng nhiều trong số chúng là những trải nghiệm học tập rất quan trọng làm chúng ta giàu có vốn sống và giúp chúng ta thấu hiểu. Như vậy chúng ta có toàn bộ cả cuộc đời để thu đạt những hiểu biết mới về sự sống. Khi chúng ta thu rút khỏi hình tướng, hay nói cách khác, khi cái chết xảy đến, những trải nghiệm được lưu giữ trong tâm thức phàm ngã được chuyển vào thể nguyên nhân và rồi được chuyển hóa thành minh triết mới mà bạn sẽ mang theo với mình sang kiếp sống kế tiếp.
Mỗi kiếp lâm phàm, bạn sẽ có một thể nguyên nhân được gia tăng thêm tốt hơn và có thêm nhiều minh triết hơn trước đó. Hãy nhớ rằng, thể nguyên nhân là nơi lưu trữ minh triết mà bạn đã thu đạt qua vô số các kiếp lâm phàm nhập thế. Vì thế, thể nguyên nhân đôi khi còn được gọi là Kho Tàng. Và điều đáng nói là kho báu đó sẽ luôn ở bên bạn qua mỗi kiếp sống.
Một phương diện khác của thể nguyên nhân rất quan trọng cần ghi nhớ khi chúng ta tìm hiểu về luân hồi đó là chất liệu tạo nên nó. Chất liệu này thuộc một dạng thông tuệ tinh tế ở cấp độ rất cao mà đặc biệt nhạy cảm và đáp ứng với nguyên khí Christ (Thiên Tính, Phật Tính), có thể xem như tình thương vô kỷ và lòng trắc ẩn từ bi sâu sắc. Như vậy, thể nguyên nhân có cả thành tố minh triết mà bạn đã thu đạt được và cả thành tố tình thương nội tại trong nó.
HIỆN TẠI VĨNH CỬU (ETERNAL NOW)
Khi ta chết, sự sống thu rút khỏi hình tướng và trở về, đi vào lại thể nguyên nhân. Qua mỗi kiếp sống, chúng ta trải nghiệm thêm một chút về cái được gọi là hiện tại vĩnh cửu. Hiện tại vĩnh cửu không có nghĩa chỉ là “hiện diện ở trong hiện tại” dù việc chú tâm chánh niệm trong từng khoảnh khắc là quan trọng. Nhưng hiện tại vĩnh cửu ở đây là một dạng quan hệ khác với thời gian. Nó không chỉ là về hiện tại mà còn bao gồm sự phóng chiếu vào tương lại và sự nhạy cảm về quá khứ. Ở cấp độ đó, cả quá khứ, hiện tại và tương lai, tất cả được giữ lại cùng với nhau như một điểm kỳ dị của nhận thức (a singularity of awareness). Và khi một người hoàn toàn giác ngộ, khai sáng và không cần phải luân hồi tái sinh nữa, thì lúc đó họ bước trọn vẹn vào hiện tại vĩnh cửu.
Mỗi lần đầu thai lâm phàm, nhất là khi bạn đang bước trên đường đạo, mỗi cái chết sẽ cho bạn một chút trải nghiệm sâu sắc hơn về hiện tại vĩnh cửu đó, và đó là ngụ ý thực sự của nó, bởi vì nó cũng giúp bạn nhìn thấy một cách sâu sắc hơn. Bạn là một phần của một tổng thể lớn hơn, và mỗi chúng ta là một phần của hệ thống sống rộng lớn hơn.
KARMA (NGHIỆP QUẢ)
Nghiệp quả là gì? Cơ bản mọi người hiểu về Karma như là Luật Nhân Quả. Bạn cũng có thể nhìn một cách khác về karma như đại diện cho sự bất hòa (dissonance) trong tâm thức, không đồng điệu với trường hài hòa lớn hơn mà bạn đang tiến hóa vào. Và như thế, mỗi kiếp đầu thai lâm phàm là một quá trình cố gắng hóa giải nghiệp quả để trở nên hài hòa hơn vào tổng thể lớn hơn.
Vì thế, karma là một tiến trình dần dần. Đó là tại sao luân hồi tái sinh xảy ra bởi vì bạn không tự do thoát khỏi luân hồi cho đến khi bạn đạt tới cuộc điểm đạo lần thứ tư, còn gọi là sự giác ngộ khai sáng. Khi bạn chết, đó là một dạng tự do. Linh hồn được tự do khỏi sự giam cầm của hình tướng mà nó đã bị chiếm giữ trong đó. Như vậy nhất định có một sự giải thoát, tự do xảy ra vào lúc chết. Nhưng đó là một sự tự do nhất thời. Còn sự tự do khỏi chính cuộc luân hồi, đó là khi bạn đạt tới sự hoàn thiện và bạn đã hóa giải tất cả những nghiệp quả cá nhân mà bạn đã tạo ra trong suốt toàn bộ lịch sử các kiếp sống lâm phàm của bạn. Tất cả chúng ta đều phải luân hồi trở lại trần gian cho đến khi chúng ta trở thành điểm đạo đồ bậc bốn. Khi đạt đến điểm đạo bậc bốn, tự do khỏi karma, bạn không cần phải lâm phàm trở lại, nhưng đó mới là tự do khỏi nghiệp quả cá nhân bạn. Bạn vẫn chưa thực sự tự do khỏi những dạng karma rộng lớn hơn, những cộng nghiệp như nghiệp quả của nhân loại, nghiệp quả của toàn cầu. Đó là những thành tố của karma mà bạn sẽ phải làm việc khi vượt ngoài điểm đạo bậc bốn.
Bên cạnh quả báo (karma of retribution) mà bạn phải hóa giải, còn có nghiệp phần thưởng (karma of reward). Nghiệp phần thưởng là khi bạn tận tâm làm gì đó góp phần nâng cao cho cái gì đó vượt ngoài bản thân mình và có ý nghĩa sâu sắc, một hành động phụng sự chân chính mà linh hồn mong muốn làm. Cho dù điều bạn làm thuộc về chính trị, giáo dục, nghệ thuật, khoa học…, mà bạn đang nâng cao và giúp chuyển hóa cho những người khác và không liên quan gì đến sự chuyển hóa của riêng bạn, không liên quan đến việc hóa giải nghiệp quả của riêng bạn, thì đó là nghiệp phần thưởng. Nghiệp phần thưởng mang tính tích cực và làm tăng tốc sự tiến hóa của bạn. Và bạn càng tiến xa trên đường đạo thì nghiệp phần thưởng sẽ càng rõ ràng. Bởi vì càng tiến xa trên đường đạo thì bạn càng đang không làm việc với những vấn đề của riêng mình mà sẽ càng cảm nhận thôi thúc phụng sự nhân loại. Như vậy, càng ngày bạn sẽ càng chú ý đến toàn thể lớn hơn sự chuyển hóa của riêng mình.
Chúng ta thường nghĩ về nghiệp quả như là nghiệp quả cá nhân, nhưng có những dạng nghiệp rộng lớn hơn như nghiệp quả của gia đình, dòng họ, quốc gia… Mỗi quốc gia được xem như một thực thể và nó có linh hồn và phàm ngã của nó, và nó cũng đang nỗ lực chuyển hóa để hướng đến phiên bản cao cả hơn. Và cũng có toàn bộ tập hợp các vấn đề nghiệp quả liên quan đến tâm thức quốc gia nữa. Trong thời kỳ quá độ này, nhân loại đang chuyển dịch từ Thời Đại Song Ngư sang Thời Đại Bảo Bình. Sự chuyển dịch này thực sự mang tới và giúp chúng ta nhìn thấy những nghiệp quả mà chúng ta phải đối mặt. Cũng có cả nguy cơ là chúng ta có thể tạo thêm những nghiệp quả mới nếu không cẩn thận.
Trong văn học cổ đại, giới nhân loại và giới động vật cũng có nhiều nghiệp quả cần hóa giả. Như vậy toàn bộ các giới trong tự nhiên cũng được xem như những điểm biểu đạt sự sống, phát triển, hoàn thiện từ sự bất toàn hướng đến sự toàn hảo.
Ngoài nghiệp quả hiện tại (current karma) chính là những quả báo từ hành động quá khứ mà hiện bạn đang làm việc để chuyển hóa chúng trong cuộc sống của mình, còn có nghiệp quả mới do chúng ta tạo ra trong chính cuộc sống hiện tại. Và cũng còn có một dạng nghiệp quả nữa được gọi là nghiệp treo (nghiệp ẩn ngầm, latent karma). Nghiệp treo là dạng karma mà chúng ta cũng phải đối mặt nhưng “theo kế hoạch” chưa xuất hiện trong kiếp này mà sẽ đến trong kiếp sau.
Khi bạn bước trên đường đạo và thức tỉnh với linh hồn, khi linh hồn làm chủ thể xác, những ham muốn của nó, và cũng tràn đầy tình thương thiêng liêng (Christ-like love) đó là khi một người đạt đến cuộc điểm đạo lần thứ nhất. Đây là lý do tại sao cuộc điểm đạo lần thứ nhất được gọi là sự Giáng Sinh của Đức Christ trong trái tim và đó thực sự là một cột mốc vĩ đại. Từ thời điểm đó trở đi, hệ thống bên trong được thiết lập để cho nghiệp treo ẩn ngầm, một số thôi chứ không phải tất cả, được phép xuất hiện trong kiếp sống này để được chuyển hóa. Khi nghiệp treo ẩn tàng được đưa nhiều hơn vào kiếp sống hiện tại để hóa giải, điều này giúp tăng tốc quá trình tiến hóa nhưng cũng làm tăng cường các thách thức. Và đó là tại sao đường đạo không dễ dàng, bởi vì bạn thậm chí còn thêm vào cả những nghiệp quả mà đúng ra chưa xuất hiện trong kế hoạch. Linh hồn thêm nghiệp treo vào cuộc sống hiện tại của bạn, mong muốn bạn chuyển hóa để có thể sống chân thực gần hơn với thiên tính của linh hồn và phụng sự như linh hồn muốn bạn làm vậy.
Vì thế đầu thai lâm phàm là toàn bộ quá trình từ từ chuyển hóa karma, đưa đến sự hoàn thiện cuối cùng, và tích hợp những trải nghiệm mới và minh triết vào thể nguyên nhân để qua mỗi kiếp sống, bạn có thêm trang bị, công cụ để làm việc, phụng sự. Tất cả những điều này dựa trên định luật vũ trụ vĩ đại được gọi là định luật chu kỳ (định luật tuần hoàn).
DHARMA VÀ KARMA
Chúng ta chưa hiểu nhiều về Dharma như là Karma. Dharma được sử dụng nhiều trong truyền thống phương Đông nhưng với những ý nghĩa có khác nhau đôi chút. Dharma trong Hindu – Ấn Độ giáo, có nghĩa là cầm giữ hay gánh mang, nhưng nó cũng có nghĩa là thứ bạn đang cầm giữ và gánh vác, đó là bản chất thiết yếu, vĩnh cửu của bạn. Theo quan điểm Hindu, Dharma của bạn là việc biểu hiện trọn vẹn bản thể của bạn trong tương lai xa. Trong Phật giáo có một chút khác biệt nhưng cũng vẫn tương đồng. Trong Phật giáo, Dharma nhấn mạnh đến sự chân chánh (đúng đắn), những cách sống đúng đắn, và bản chất của thực tại phổ quát là gì. Từ quan điểm nội môn, đơn giản ta xem Dharma như là nghĩa vụ, bổn phận của cuộc sống hay nhiều kiếp sống, như lý do bạn hiện hữu, mục đích vĩnh cửu của bạn.
Như vậy, Dharma và Karma tuy khác nhau nhưng chúng có điểm chung và đây là điều rất quan trọng cần phải hiểu được. Dharma là biểu hiện thần lực sống trọn vẹn của bạn như mục đích đã được thiết kế từ cách đây rất lâu. Và bạn chỉ có thể hiện thực hóa Dharma trong khả năng của mình trong giới hạn của karma. Sâu thẳm bên trong bạn, bên trong mỗi chúng ta có một định mệnh hiện hữu. Và định mệnh đó chỉ có thể được hiện thực hóa trong bối cảnh những giới hạn mà karma (nghiệp quả) cho phép trong bất kỳ kiếp lâm phàm nào. Vì thế, mỗi kiếp lâm phàm là một quá trình chuyển hóa nghiệp quả. Mỗi kiếp lâm phàm, bạn sẽ phải tiến gần hơn một chút đến khả năng cảm nhận mục đích sâu sắc hơn của mình. Và lý do sâu sắc hơn của bạn là trở thành một chân sư. Một chân sư hoàn toàn giải thoát là người đã hóa giải tất cả mọi nghiệp quả, và vì thế sống trọn vẹn với Dharma của mình.
ĐỊNH LUẬT CHU KỲ
Có những chu kỳ biểu hiện và thu rút, thành trụ và hoại không. Tôi muốn đưa các bạn vào một bức tranh lớn, vào vũ trụ. Triết học nói rằng Thượng Đế, hay sự sống vĩ đại biểu hiện chính mình trong vũ trụ qua hơi thở ra vĩ đại (a great outbreath). Hơi thở ra đó là khuynh hướng lâm phàm nhập thế.
Hãy nhìn vào thần lực sống được gọi là Thái Dương Thượng Đế, thực thể sống của toàn bộ thái dương hệ. Chúng ta là những tế bào tâm thức bên trong bản thể của Ngài. Khi Thái Dương Thượng Đế đầu thai lâm phàm, điều đó được gọi là một hơi thở ra vĩ đại hay một manvantara – chu kỳ khai nguyên. Manvantara là hơi thở ra vĩ đại trong mọi thứ và nó dẫn đến sự biểu hiện. Như vậy, mọi thứ mà chúng ta thấy trong thái dương hệ là bằng chứng của tinh thần khai nguyên (manvantara) giáng hạ vào vật chất.
Rồi có hành trình trở về (phản bổn hoàn nguyên), được gọi là pralaya – chu kỳ quy nguyên. Đó là hơi hít vào, sự thu rút khỏi hình tướng và trở về với tinh thần. Rồi một ngày sẽ đến trong hàng tỉ năm nữa, khi Thái Dương Thượng Đế sẽ có một hơi hít vào vĩ đại. Và điều đó giống như là cái chết, nó sẽ thu rút chính mình khỏi hình tướng và đi vào một nơi hoàn toàn trừu tượng.
Mọi thứ đều được nhìn như những chu kỳ tuần hoàn. Định luật chu kỳ được xem như một trong hai hoặc ba định luật vĩ đại nhất trong tất cả các định luật hiện hữu, rằng mọi thứ đều có một chu kỳ. Chúng ta thấy nó hiện diện trong cuộc sống, sự tuần hoàn của ngày và đêm, của các mùa trong năm, các vòng đời sinh và tử và sự đến và đi của mọi thứ. Các chu kỳ nhỏ nằm trong các chu kỳ lớn và đến lượt chúng lại nằm trong những chu kỳ vĩ đại hơn nữa, và hoạt động tổng quan theo cùng cách thức.
Bây giờ, xuống đến cấp độ con người, chúng ta có một chu kỳ ở đây. Khi sống và lâm phàm nhập thế, chúng ta đang ở trong chu kỳ biểu hiện, tinh thần giáng hạ đi vào vật chất, manvantara. Khi chết, sự sống tự thu rút khỏi hình tướng và quay trở về thể nguyên nhân, và đối với một số người, thậm chí trở về chân thần, và đó là hành trình trở về, pralaya, chu kỳ quy nguyên.
Bây giờ, ta lại tiếp tục chia nhỏ hơn nữa. Mỗi ngày khi bạn đi ngủ, bạn đi vào pralaya, và mỗi sáng thức dậy, bạn đi vào manvantara (của một ngày trên trái đất). Như thế, có những chu kỳ nằm trong những chu kỳ.
ANTAHKARANA
Điều gì xảy ra khi linh hồn lâm phàm. Linh hồn có phần mở rộng như một phần của mình đi vào hình tướng và tạo thành chiếc vỏ áo bên ngoài được gọi là phàm ngã. Thể nguyên nhân luôn ở trên cõi thượng trí, khi nó lâm phàm, không phải toàn bộ thể nguyên nhân, không phải toàn bộ linh hồn đi đầu thai mà chỉ là một phần mở rộng của nó. Và phần mở rộng đó thường được mô tả như hai sợi tuyến, một sợi được gọi là sutratma, sinh mệnh tuyến (life threat, hay còn gọi là sợi dây bạc, silver cord), và sợi thứ hai là Antakarana, tâm thức tuyến (consciousness thread), được gắn vào con người trên cõi hồng trần.
Đường antahkarana hoạt động qua cõi trí, cõi cảm dục và ngụ trong trung tâm dĩ thái trên đầu gần khu vực tuyến tùng. Thể dĩ thái của bạn làm nền tảng cho mọi tế bào trong cơ thể bạn và toàn bộ hệ thống luân xa là một phần của nó. Sợi tâm thức tuyến antahkarana neo trụ trong luân xa đầu, trong khi sợi sinh mệnh tuyến sutratma neo trụ trong luân xa tim, là tác nhân của sự sống. Trái tim dĩ thái hay luân xa tim và toàn bộ hệ tuần hoàn là sự tuần hoàn sự sống, sự tuần hoàn của nguyên khí sự sống. Sinh mệnh tuyến (life thread – tuyến sự sống) không đến từ thể nguyên nhân. Nó thực sự đến từ chân thần, bởi vì chân thần là sự sống, và sợi tuyến này là sự truyền dẫn sự sống đó đến hình tướng.
Khi bạn đi ngủ vào buổi tối, tâm thức thông qua đường antahkarana tách mình khỏi neo gốc của nó trong luân xa (trong thể dĩ thái) và bắt đầu hành trình quay trở về thể nguyên nhân. Như vậy mỗi ngày chúng ta đều có một sự diễn tập cho cái chết. Sự khác biệt duy nhất giữa cái chết và giấc ngủ đó là sợi sinh mệnh tuyến cũng tách rời khi ta chết chứ không chỉ sợi tâm thức tuyến. Việc nghiên cứu những giấc mơ là quan trọng. Những giấc mơ của bạn có ý nghĩa hay hoàn toàn không có ý nghĩa gì, liên quan rất nhiều đến việc sợi tuyến đó ở đâu. Trước hết nó sẽ đi qua cõi cảm dục thấp, rồi đến cõi cảm dục cao hơn, rồi đến cõi trí và cuối cùng quay trở về thể nguyên nhân. Trong khi đó, sinh mệnh tuyến vẫn giữ kết nối với thể xác. Đó là lý do tại sao giữa khuya, dù bạn không còn ý thức, trái tim vẫn đập, phổi vẫn hít thở.
Linh hồn – thể nguyên nhân – được thấy trên cõi thượng trí. Cảm xúc được tạo thành từ những chất liệu thông tuệ sống động. Ở mỗi cõi tâm thức lại có những cõi phụ. Cõi cảm dục có những cõi phụ thấp đến cao. Khi bạn có một cảm xúc cao quý, bạn trải nghiệm chất liệu cảm xúc có nguồn gốc từ chất liệu của các cõi phụ cao cả hơn, còn khi bạn có một cảm xúc tiêu cực, như ghen tuông chẳng hạn, thì trạng thái cảm xúc đó đến từ chất liệu ở các cõi phụ thấp hơn. Do đó, toàn bộ hành trình thăng lên trở về là thanh luyện đời sống sao cho bạn có ngày càng nhiều hơn chất liệu cao cả và ngày càng giảm bớt đi chất liệu từ những cõi thấp này.
Trước khi linh hồn đầu thai nhập thế, những sợi tuyến sutratma và antahkarana này được lưu trữ trong thể nguyên nhân, và ba nguyên tử trường tồn là một phần của nó. Khi quá trình lâm phàm bắt đầu, sợi tuyến này được mở rộng vào các cõi trí, cõi cảm dục và cõi hồng trần và những nguyên tử trường tồn này được đặt một cách chủ động vào những cõi đó.
CÁC NGUYÊN TỬ TRƯỜNG TỒN
Các nguyên tử trường tồn có từ tính, chúng thu hút chất liệu vào chúng. Đơn vị thể trí (mental unit) hay nguyên tử trường tồn hạ trí, khi mở rộng, nó bắt đầu thu hút chất liệu và trong cõi trí, bắt đầu xây dựng cái sẽ trở thành thể trí của phàm ngã trẻ sơ sinh tương lai. Nguyên tử trường tồn cảm dục sẽ thu hút những chất liệu từ cõi cảm dục mà sẽ trở thành thể cảm dục của trẻ sơ sinh tương lai. Và cuối cùng, nguyên tử trường tồn hồng trần-dĩ thái sẽ thu hút chất liệu dĩ thái để xây dựng hệ thống luân xa cho trẻ sơ sinh tương lai. Đây là cơ chế mà bản thể thấp của bạn bắt đầu cấu trúc của mình. Như vậy, chức năng đầu tiên của các nguyên tử trường tồn là giúp xây dựng chiếc áo phàm ngã tam phân với thể xác – dĩ thái, thể cảm dục và thể hạ trí.
Chức năng thứ hai của các nguyên tử trường tồn qua suốt toàn bộ kiếp sống của bạn, đó là lưu giữ lại những rung động từ trải nghiệm đời sống.
Mỗi trải nghiệm tích cực bạn có trong đời, ví dụ đó là trải nghiệm trí tuệ, nó sẽ được khắc ghi vào nguyên tử trường tồn. Khi bạn có những trải nghiệm cảm xúc cao cả, ý nghĩa và chuyển hóa, điều đó sẽ được khắc vào nguyên tử trường tồn cảm xúc, và tương tự với trải nghiệm vật lý. Nhưng nếu bạn có những trải nghiệm tiêu cực, nó cũng sẽ được khắc ghi trong các nguyên tử trường tồn vật lý, cảm xúc và hạ trí tương ứng. Cả hai dạng trải nghiệm, tích cực và tiêu cực đều sẽ được khắc vào trong các nguyên tử trường tồn.
Khi bạn chết, toàn bộ sợi tuyến được rút lên trở về và ba nguyên tử trường tồn này bắt đầu chuyển giao những trải nghiệm tích cực, tốt đẹp vào thể nguyên nhân và chúng trở thành minh triết mới, một năng lực mới. Đó là cách minh triết được đưa vào thể nguyên nhân và chúng được lưu lại trong đó cho kiếp sống tiếp theo của bạn. Nhưng thể nguyên nhân chỉ thu lấy những trải nghiệm tích cực, nó không chấp nhận điều tiêu cực. Sự bất hòa không được cho phép trong thể nguyên nhân.
Một trải nghiệm rất tích cực và phúc lạc được gọi là Devachan (Cõi Thiên Đàng, Cõi Trời Chân Phúc, Cực Lạc), đó là khoảng thời gian giữa các kiếp sống (sau khi chết và trước khi đầu thai kiếp mới) khi tất cả những phẩm tính tích cực được chuyển giao vào thể nguyên nhân của bạn, từ những nguyên tử trường tồn đó. Và bạn sẽ ở trong trạng thái đó cho đến khi quá trình chuyển giao được hoàn thành. Khi đó, linh hồn bắt đầu suy ngẫm về cuộc lâm phàm trong kiếp sống tiếp theo của nó và bắt đầu xướng lên chủ âm, nhìn xuống và chuẩn bị bắt đầu cho hơi thở ra lần nữa.
Nhưng những rung động tiêu cực vẫn lưu giữ trong các nguyên tử trường tồn. Ví dụ, tôi có vấn đề với tính nóng giận, nó phá hủy mối quan hệ và nó tạo ra cái gì đó bất thiện trong tôi như là kết quả của nó. Vì thế vấn đề nóng giận được khắc vào nguyên tử trường tồn cảm dục. Khi tôi chết, những gì tích cực, tốt đẹp được tích hợp vào thể nguyên nhân, nhưng những gì tiêu cực thì không. Khi tôi đầu thai, sợi tuyến đi xuống lần nữa và nó có cả tích cực và tiêu cực, và vẫn có phẩm chất tiêu cực đó. Khi nguyên tử trường tồn cảm dục bắt đầu thu hút chất liệu để xây dựng thể cảm dục mới của tôi cho kiếp lâm phàm mới, nó sẽ rung động, thu hút những chất liệu từ các cõi phụ thấp khiến cho tôi lại có trải nghiệm tức giận lần nữa. Nó thu hút chất liệu cảm xúc đại diện cho sự nóng giận và nó ở trong tôi, và tôi sẽ phải đối mặt với nó lần nữa. Như vậy nó cũng hình thành nên những hoàn cảnh sẽ kích hoạt sự nóng giận đó trong kiếp sống mới. Nhưng, ví dụ như lần này, tôi có tính nóng giận và tôi cảm thấy mình phải làm gì đó để xử lý nó. Tôi bắt đầu làm việc với bản thân và bản chất cảm xúc của mình. Có thể tôi quyết định đến gặp một nhà trị liệu, và có thể nhà trị liệu đó giúp tôi hiểu các cách thức có thể để chuyển hóa tính nóng giận thành chí nguyện đam mê cao cả vì những điều tốt đẹp. Dần dần, sự bất hòa bị khắc ghi trong nguyên tử trường tồn cảm dục được điều chỉnh và trở nên hài hòa. Rồi đến khi chết, sợi sinh mệnh tuyến tự rút trở về vào thể nguyên nhân. Và giờ đây, một rung động tích cực ở đó, được xây đắp vào thể nguyên nhân như một năng lực mới. Và điều đó thực sự khiến tôi trở nên hữu hiệu hơn trong việc giúp đỡ những người khác ở kiếp lâm phàm kế tiếp, những người đã phải vất vả với vấn đề tương tự. Đó là cách karma và minh triết được chuyển tiếp từ kiếp sống này sang kiếp sống khác.
Khi thanh luyện bản thân, bạn có thêm những phẩm tính tích cực đưa vào các nguyên tử trường tồn qua mỗi kiếp lâm phàm và giúp xây đắp một chiếc áo bên ngoài với chất liệu mỗi lúc càng cao cấp hơn một chút. Như thế, bạn không chỉ có một thể nguyên nhân ngày càng được lấp đầy, hoàn thiện hơn mà bạn còn có một khí cụ bên ngoài tốt hơn để linh hồn làm việc qua đó trong kiếp sống.
Mỗi kiếp sống là để vun bồi, nuôi dưỡng, cải thiện và nâng cao những phẩm tính để bạn, như một người đệ tử của thế gian, phụng sự nhân loại một cách hiệu quả hơn. Một cách thức để chuẩn bị cho kiếp sống tới của bạn là tham thiền, hình dung quán tưởng về nó một cách thực tế và lạc quan để nhìn thấy và hình thành nó thậm chí trước cả khi bạn rời khỏi kiếp sống này. Cuối cùng thì điều cốt lõi là sống như những linh hồn, biểu đạt những phẩm tính linh hồn, ngày càng nhiều minh triết hơn, yêu thương hơn qua công việc phụng sự đến tổng thể lớn hơn. ❤