Bài này bao gồm các chương VI và VII của quyển Luân xa và các Trường Năng lượng của Con Người, nói về trường năng lượng cảm dục (còn gọi là cõi trung giới) và trường trí tuệ (cõi trí), các luân xa trong các trường năng lượng này. Các quan sát của bà Dora Van Gelder Kunz đi rất sát với những gì mà đức DK dạy, và theo chúng tôi, đây là một trong những quyển sách có giá trị thực tiển để tìm hiểu về luân xa sau quyển The Chakras của ông C.W. Leadbeater. Khi Ông Leadbeater viết quyển sách The Chakras, có thể do những hạn chế và cấm kỵ mà ông là một đệ tử và một điểm đạo đồ phải tuân theo, một số chi tiết ông đưa ra được che dấu hoặc làm sai lệch. Ví dụ về vị trí của luân xa tim, luân xa xương cùng không được ông nhắc đến (thay vào đó là luân xa lá lách)… Bài do Mai Oanh dịch.
***************
VI. Thể Cảm dục và các Xúc cảm
Thể cảm dục (astral) là trường hay dẫn thể cảm xúc của cá nhân, và nó hoạt động như một cầu nối giữa thể trí và cơ thể vật lý. Từ “astral” được nhà chiêm tinh học Paracelsus sử dụng lần đầu tiên vào thế kỷ XVI để chỉ trường dĩ thái hay trường sinh lực bởi sự chói sáng và lấp lánh của nó. Tuy nhiên, theo thời gian, cách sử dụng và ý nghĩa của nó thay đổi, và giờ đây, từ này có liên quan tới cấp độ tình cảm, hoặc tư tưởng mang màu sắc cảm xúc.
Chúng ta nhận ra rằng có rất nhiều loại năng lượng ở mức độ vật lý thâm nhập trong cùng một không gian mà không ảnh hưởng lẫn nhau. Có nhiều loại sóng điện từ như sóng ánh sáng, sóng vô tuyến, sóng âm thanh, và nhiều sóng khác. Khi từ “cao hơn” được sử dụng để mô tả hiện tượng sóng, nó không có nghĩa là “tốt hơn” hoặc “tinh tế hơn”; Nó đơn giản chỉ ra rằng các năng lượng đang được nghiên cứu có tần số hoặc mức độ rung động cao hơn. Nó giống như sự khác biệt giữa nốt Đô (nốt C) ở quãng cao và quãng trung trên đàn piano. Tương tự, những từ “trên” và “dưới” thực sự không đủ để mô tả một trạng thái trong đó trường dĩ thái, cảm dục và trí thâm nhập lẫn nhau ở mọi điểm.
Mỗi trường này đều có những đặc tính riêng. Ví dụ, tất cả cảm xúc, tâm trạng và ấn tượng của con người là do chúng ta được nhúng trong một trường vũ trụ được gọi là cảm dục, một môi trường quyết định mọi cảm giác. Phát biểu này sẽ không gây sửng sốt cho những ai đã quen với ý tưởng rằng toàn bộ cuộc sống đều đi kèm với một mức độ phản ứng có ý thức đối với môi trường, cho phép các thực thể sống xử lý thông tin và nhờ đó tăng trưởng và phát triển. Sự đáp ứng hữu thức như vậy luôn luôn đi kèm với cảm giác, cho dù là niềm vui hay đau đớn, thích thú hay sợ hãi.
Do vậy, trường astral hay trường cảm dục thực sự là phổ quát. Đó là một thế giới linh hoạt của những dòng năng lượng chuyển động nhanh, lấp lánh màu sắc, đầy biểu tượng và hình ảnh khiến chúng ta rung động với vẻ đẹp mỹ miều của chúng hoặc làm cho chúng ta sợ hãi và lo lắng vì nó có thể đáp ứng những ý tưởng sai lệch và tiêu cực cũng như những gì cao quý và thúc đẩy. Nhưng trong mọi trường hợp, trường cảm dục là một phần nội tại của cuộc sống con người cần được hiểu và đánh giá đầy đủ ý nghĩa mà nó mang lại.
Trong trường vũ trụ, mỗi người đều có một trường cảm xúc cá nhân, đôi khi được gọi là hào quang hay thể cảm dục. Tất cả chúng ta đều viết câu chuyện đời mình – ghi lại những yêu và ghét, thành công và thất vọng, can đảm, hy sinh và khát vọng—trong trường cảm xúc cá nhân này. Ở đó có những nỗi buồn trong quá khứ đã thành sẹo, cũng như dấu ấn rạng rỡ của những ước vọng được thực thi. Mặc dù hào quang cá nhân là hình ảnh của tất cả những cảm xúc đang và đã trải qua, đó là một bức tranh sống động, không hề tĩnh tại, vì nó phản ánh cả những tiềm năng được khai phá, những kế hoạch chưa được hoàn thành, cũng như sự biến đổi không ngừng của hiện tại và nơi đây. Những người trải qua kinh nghiệm cận tử đều xác nhận rằng thước phim về cả cuộc đời họ trải ra trước mắt trong ánh sáng chói lọi, một điều cho thấy quá khứ của chúng ta luôn tồn tại trong ta. Cũng giống như các trường vật lý, trường cảm dục thấm đẫm năng lượng, nhưng nó chuyển động nhanh hơn nhiều, và do đó được coi là một phổ màu sắc và âm thanh cao hơn một bát độ (octave). Hình thức của trường cảm xúc cá nhân (thể hay hào quang cảm dục) có một số đặc điểm cấu trúc tương ứng với các trường dĩ thái và chính cơ thể vật lý. Đối với người có nhãn thông, cấu trúc này xuất hiện như một hào quang nhiều màu, vươn ra khoảng từ 39 đến 45 cm bên ngoài cơ thể vật lý. Trông nó khá giống một đám mây hình trứng sáng rỡ bao quanh cơ thể, như thể người đó đang treo lơ lửng trong một bong bóng bán trong suốt với những màu sắc và hoa văn thay đổi.
Màu sắc của hào quang cho thấy không chỉ phẩm tính mà còn cả cường độ của cảm xúc cá nhân, và chúng là thói quen hay chỉ là cảm xúc tạm thời. Do đó, xung đột nội tại trong mỗi người có thể được ghi nhận thông qua sắc thái, mức độ rõ ràng và vị trí của màu sắc. Qua nhiều năm, bà DVK đã học được cách phân biệt ý nghĩa của nhiều sắc thái màu sắc cũng như mức độ tinh khiết hoặc pha trộn với các tông màu khác.
Kết cấu của “thể cảm dục” rất linh hoạt—thường được mô tả như chất lỏng—và có khả năng mở rộng đáng kể, nhưng ngoại vi được thể hiện rõ ràng, ngay cả khi chất liệu của nó hòa lẫn vào trường cảm dục bao quanh không thể nhận ra. Nhịp điệu của hào quang cũng rất quan trọng, vì nó cho thấy mức độ và cách thức tương tác với các trường dĩ thái và thể trí. Ở một người khỏe mạnh, hình dạng của hào quang đồng nhất và rõ ràng, không bị rách hoặc lượn sóng ở diền. Phần hào quang phía trên cơ hoành thường cho biết tiềm năng của cá nhân—đôi khi phát triển, đôi khi không—và thường có màu sáng hơn, ít đậm đặc hơn. Phần bên dưới cơ hoành cho thấy những trải nghiệm đang diễn ra, và ở đây màu sắc thường tối hơn, và kết cấu nặng hơn và chi tiết hơn. Không thể nói là liệu luật hấp dẫn phổ quát có hoạt động trong thể cảm dục hay không, nhưng thực tế là cảm giác nặng hơn hoặc thô hơn dường như bị hút xuống phần dưới của trường cảm dục, trong khi những cảm xúc thanh hơn, mở rộng hơn nằm phía trên vùng tim.
Tất cả những đặc điểm này hé lộ đặc điểm về phẩm tính cá nhân, và cho thấy những bất thường nếu có. Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi thường sử dụng một danh sách liệt kê để ghi nhận các quan sát. Danh sách này bao gồm bảy mục: phẩm tính (loại năng lượng, mật độ, độ tinh khiết của tông màu), kết cấu, hình dạng (đối xứng hoặc bất đối xứng), màu sắc (và vị trí của nó trong hào quang), sự chuyển động (nhịp nhàng hay hỗn loạn), mối quan hệ (với thể dĩ thái và thể trí), và độ sáng.
Đặc điểm chính của hào quang là tính biến động: màu sắc của nó biến đổi như nhìn qua một chiếc kính vạn hoa, sắc thái và độ chói sáng cho thấy phẩm tính của cảm xúc. Ở một người bình thường, những đặc điểm này thay đổi theo tâm trạng, và do đó màu sắc lúc óng ả, lúc mờ nhạt, khi sáng khi tối, và năng lượng kích thích chúng biến đổi liên tục. Ví dụ, một người hạnh phúc vì gặp mặt bạn thân sẽ biểu hiện qua hoa văn hài hoà với màu hồng đáng yêu, còn khi tham thiền hay cầu nguyện, màu sắc có màu vàng và xanh biển. Tức giận sẽ cho thấy những tia màu đỏ ở hào quang giống như tia chớp, trong khi nếu đang đau khổ cả trường năng lượng phủ một đám mây màu xám.
Tuy nhiên, có những màu cơ bản đặc trưng cho tình trạng hay mức độ cảm xúc bẩm sinh của mỗi người, và những đăc điểm này thay đổi rất chậm. Ngoài ra, những cảm xúc được duy trì trong một khoảng thời gian dài cũng tạo ra những đặc trưng khá bền vững trong hào quang. Nếu chúng tiêu cực, như trầm cảm hoặc oán hận, chúng có thể ảnh hưởng đến dòng năng lượng, và điều này có những ảnh hưởng sâu rộng tới tình trạng của thể dĩ thái và thể xác. Ví dụ, các trạng thái lo âu xuất hiện như những đám mây xanh xám trong trường cảm dục, được tập trung về phía trung tâm của cơ thể gần luân xa tùng thái dương. Điều này làm cho năng lượng cảm dục chảy hướng vào cơ thể, ức chế sự tuần hoàn thông suốt thường có trong toàn bộ trường cảm xúc. Phần xanh xám càng gần với cơ thể vật lý, mức độ lo lắng càng nặng và mức độ tác động của nó càng lớn đối với sức khoẻ. Khi màu này hướng về phía ngoại vi của vầng hào quang, điều này cho thấy sự lo lắng của người đó đang dần được giải tỏa. Hoạt động trong trường cảm dục có thể được so sánh với việc quan sát từ các vệ tinh khí tượng nhằm xác định các khu vực có bão đang hoành hành trong điều kiện bầu khí quyển trái đất liên tục đổi thay. Tương tự như vậy, người có nhãn thông có thể nhận biết được những cơn bão cảm xúc gây rắc rối cho một người khi chúng làm rối loạn vầng hào quang của y.
Màu sắc trong vùng dưới cơ hoành chủ yếu biểu lộ những cảm xúc thông thường—những gì diễn ra trong cuộc sống hàng ngày—trong khi màu sắc ở phía trên cơ hoành, đặc biệt ở vùng xung quanh đầu, cho thấy các đặc điểm mang tính trí tuệ và tinh thần.
Khi cảm xúc không chịu sự kiểm soát hoặc hướng dẫn của bản thể, hoặc không đáp ứng các nguyên tắc đạo đức, chúng có thể xáo trộn và hỗn loạn. Trong những trường hợp như vậy, người đánh đồng bản thân với những cảm xúc của mình có thể phó mặc tất cả cho các cơn bão xúc cảm và căng thẳng, dao động giữa những thái cực của tình yêu và thù hận, niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau đớn.
Mỗi người liên tục tạo ra những luồng sóng và dòng năng lượng cảm xúc thông qua những cách mà y phản ứng với thế giới xung quanh. Trong phạm vi lân cận, chúng ta “lấp đầy” không gian của chúng ta với những hình ảnh cảm xúc của mình, cho dù tích cực, tiêu cực hay trung tính. Đến phiên mình, những hình ảnh này ùa đến và thúc đầy chúng ta lặp lại những cảm xúc đã tạo ra chúng. Bằng cách đó, chúng ta phát triển các mô thức thói quen xúc cảm. Chất liệu của thế giới cảm dục rất nhạy cảm và phản ứng nhanh chóng với các hình tư tưởng hoặc hình ảnh mà chúng ta tạo ra thông qua cảm xúc. Những hình ảnh đó có thể tiêu tan như tuyết dưới ánh mặt trời và biến mất, nhưng có những hình ảnh khác có thể bền vững hơn và duy trì dài lâu trong chúng ta; những hình ảnh này thường được người có nhãn thông quan sát thấy xung quanh người tạo ra chúng
Nếu chấp nhận ý tưởng rằng chúng ta là những hệ thống năng động thường xuyên thu nhận và phát ra năng lượng, chúng ta có thể hiểu mức độ mà con người ảnh hưởng đến trường cảm xúc của nhau. Tất nhiên, điều này thay đổi tùy theo mức độ ổn định nội tại và sự tích hợp của cá nhân. Khi một người đánh đồng bản thân với cảm xúc của mình, y đáp ứng dễ dàng, tự nhiên với những cảm xúc của người khác. Y có thể là một người ấm áp và tràn đầy yêu thương, nhưng y cũng có thể trở thành nạn nhân của những rối loạn cảm xúc của người khác.
Trải qua nhiều năm, nhân loại đã tạo ra rất nhiều “sương mù” hoặc rác rưởi trong bầu không gian cảm xúc. Ví dụ, bạo lực đang phổ biến trên thế giới ngày nay liên tục làm tăng thêm sự ô nhiễm của bầu không gian sống này. Những người có thái độ cảm xúc đáp ứng với những tần số tiêu cực như vậy có thể bị mất cân bằng bởi những ảnh hưởng xấu này, do đó xu hướng bạo lực của họ càng trở nên trầm trọng. Về mặt tích cực, khi chúng ta nhìn vào bầu không gian cảm xúc của thế giới ngày nay, chúng ta thấy rằng có nhiều mãnh lực kiến tạo đang hoạt động không ngừng nghỉ. Mong muốn hòa bình thế giới, mối quan tâm về công bằng xã hội, lòng trắc ẩn đối với nạn nhân thiên tai hoặc thảm hoạ kinh tế, nỗ lực ngăn ngừa bệnh tật và giảm bớt khổ đau cho con người—tất cả những cảm xúc này cộng hưởng với các nguồn lực chữa lành trong trường cảm dục vũ trụ, giúp tạo ra sự hài hòa và trật tự.
Vì thế, chúng ta có thể nói rằng thể cảm dục của mỗi người là kết quả của cả hoạt động xúc cảm cá nhân, dù hữu thức hay vô thức, và mối tương tác với các năng lượng khác trong trường cảm dục nói chung. Mọi người đều có mối liên giao không ngừng nghỉ với người khác và với môi trường nói chung. Sự trao đổi cởi mở này rất quan trọng đối với sức khoẻ, thậm chí một môi trường tiêu cực cũng không phải là gây tổn hại nếu người tham gia tiếp tục duy trì sự kết nối. Giống như tất cả các trường khác, trường cảm dục là phổ quát, và do vậy trong nó không có rào cản thực sự, mặc dù điều kiện cục bộ có thể tăng cường hoặc ngăn trở dòng chảy của nó. Theo đó luôn có những yếu tố thanh lọc và tăng cường năng lượng trong mọi môi trường, ngay cả ở những nơi như bệnh viện và nhà tù, vì mỗi người đều có thể vượt ra ngoài hoàn cảnh hiện tại của mình để hòa vào một tổng thể tự nhiên.
Tuy nhiên, chúng ta cũng thu hút các yếu tố trong môi trường về phía mình, vì những gì giống nhau sẽ thu hút nhau. Hoạt động xúc cảm hữu thức thiết lập các mô hình tương tác có thể tạo nên sự thay đổi trong hào quang của một người sau một khoảng thời gian. Hào quang cá nhân hoặc thể cảm dục cũng chịu tác động bởi nhiều loại cảm xúc ảnh hưởng đến nó. Do đó, môi trường cảm dục của chúng ta có những ảnh hưởng tinh vi nhưng rất đáng kể lên chúng ta.
Năng lượng cảm xúc là một nguồn sức mạnh có thể xây dựng hoặc phá hủy, tùy thuộc vào việc sử dụng nó thế nào. Khi được kiểm soát và hướng dẫn bởi bản thể, nó có thể thực sự trở thành một nguồn lực sáng tạo cho sự thay đổi và tăng trưởng. Ở giai đoạn phát triển của con người hiện nay, vấn đề này thường không được hiểu theo nghĩa đó, nhưng sự quan tâm hiện tại đối với tham thiền đang bắt đầu cho chúng ta thấy sức mạnh của những cảm xúc tích cực, chẳng hạn như tình bác ái, đối với sự tự chuyển hóa.
Những người có nhãn thông như bà DVK có thể nhìn rất rõ các chi tiết của hào quang cảm dục, nhưng nhiều người nhạy cảm chỉ có thể cảm nhận thế giới cảm dục một cách chung chung. Đôi khi sự nhạy cảm đó không được kiểm soát, và điều này có thể gây ra những khó khăn. Ví dụ, một người có thể cố ý hoặc vô tình hòa nhập vào cảm xúc của người khác một cách mạnh mẽ đến mức y cảm nhận được về mặt vật lý nỗi đau đớn và khổ sở mà người khác trải qua. Nhiều y tá và những người có khả năng chữa lành tự nguyện mở lòng ra như vậy, bằng cách cảm thông và cảm xúc được sự đau đớn của bệnh nhân. Nếu nguyên nhân của hiện tượng này không được nhận ra, những người như vậy có thể bị coi là mắc chứng nghi bệnh, bởi vì các triệu chứng thể chất có thể thay đổi liên tục. Trên một phương diện khác, năng lực này có thể rất có giá trị giúp bác sĩ chẩn đoán nguồn gốc của bệnh tật. Một người có thể biến khả năng làm xáo trộn gây nên tình trạng cạn kiệt về cảm xúc thành một tài năng đầy giá trị, nếu nhận ra rằng y sở hữu một dạng thức giác quan cảm nhận cao hơn có thể được kiểm soát.
Các Luân Xa Cảm dục
Trong thể cảm dục có bảy trung tâm hay luân xa cảm dục chính, tương ứng với các luân xa ở thể dĩ thái. Cũng giống như các luân xa dĩ thái thu hút năng lượng của thể dĩ thái vũ trụ, các luân xa này cùng mở ra đại dương năng lượng cảm dục mà mọi sinh linh đều đắm chìm trong đó.
Khi năng lượng cảm dục luân chuyển vào ra các luân xa từ trường vũ trụ, nó cung cấp năng lượng và sắp xếp thể hay hào quang cảm dục. Các luân xa cảm dục có cấu trúc hình cánh hoa xung quanh lõi trung tâm tương tự như luân xa dĩ thái. Giống như các luân xa dĩ thái, năng lượng lưu chuyển vào lõi trung tâm, thông qua các cánh hoa và lại chảy ra hòa lẫn vào đại dương năng lượng cảm dục. Đối với con người, phẩm tính của thể cảm dục hoặc mô hình trường cá nhân phụ thuộc vào cung điệu và phẩm tính cảm xúc. Con người kết nối với trường vũ trụ, hấp thu những năng lượng đặc biệt mà nó hòa điệu, và lọc bỏ những năng lượng lạ, giống như một sinh vật chỉ xử lý những tài nguyên mà nó có thể sử dụng. Như vậy tất cả chúng ta để lại dấu ấn cảm xúc của chúng ta trên cõi giới cảm dục, và ảnh hưởng đến đặc tính chung của trường vũ trụ, cho dù mức độ ảnh hưởng chỉ vô cùng nhỏ bé so với tổng thể.
Các luân xa cảm dục cũng có mối liên giao với các luân xa ở thể dĩ thái, qua đó kết hợp hai trường năng lượng. Tùy thuộc vào sự phát triển và mức độ tích hợp của mỗi người, các luân xa này tạo nên một dòng năng lượng hài hòa và nhịp nhàng, hoặc ngược lại, một mô hình hỗn độn và rối loạn, biểu đạt một số bất ổn về cảm xúc. Ví dụ, lo lắng trường kỳ tạo ra sự xáo trộn trong luân xa tùng thái dương trong trường cảm dục; tiếp theo, xáo trộn này lại tạo ra những bất ổn trong luân xa tương ứng ở thể dĩ thái, và ảnh hưởng trực tiếp đến đường tiêu hóa và gan.
Các luân xa cảm dục luôn sáng hơn các luân xa dĩ thái, nhưng đồng thời cũng khó hơn để mô tả chúng một cách chính xác về các đặc tính như kết cấu. Chúng rất ít hoặc hầu như không có độ đàn hồi, vì vậy dường như khá ổn định. Đôi khi các luân xa dĩ thái và cảm dục có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong khi luân xa thể trí bất hài hòa với chúng; Nếu màu xám xuất hiện nhiều ở luân xa cảm dục, điều này cho thấy có sự tắc nghẽn giữa trường cảm dục và thể trí. Khi đánh giá các luân xa cảm dục, bà DVK đặc biệt chú ý đến mức độ hài hòa giữa các luân xangoài việc ghi nhận liệu một luân xa có quay nhanh hơn hay chậm hơn các luân xa khác hay không. Nếu thể cảm dục nhìn chung bị xáo trộn, năng lượng sẽ chảy về phía một luân xa nhất định, thường là luân xa tùng thái dương. Điều quan trọng không kém đối với sức khoẻ là phải có sự hài hòa giữa các luân xa cảm dục và dĩ thái. Giữa các luân xa cảm dục và dĩ thái nếu có nhịp điệu hài hòa và ổn định, điều đó chứng tỏ một mối quan hệ nội tại tốt, trong khi sự bất hài hòa và bất cân bằng có thể dẫn đến bệnh tật.
Một sự đứt đoạn trong các cánh hoa hoặc lõi trung tâm của một trong những luân xa cảm dục sẽ dẫn tới sự rò rỉ năng lượng, và làm cho luân xa đó và năng lượng cung cấp cho phần tương ứng của cơ thể dễ bị tổn thương hơn; Điều này có thể hoặc không dẫn đến bệnh tật hoặc một số tình trạng thể chất tồi tệ.
Luân xa Đỉnh đầu
Không giống như thể dĩ thái, thể cảm dục không có các đối phần tương ứng rõ ràng trong cơ thể vật lý, chẳng hạn như lá lách hoặc đường tiêu hóa. Tuy nhiên, giữa chúng có sự trao đổi năng lượng. Ví dụ, nếu luồng năng lượng cảm dục ở luân xa đầu của một người mờ đục, y rất có thể bị các rối loạn tâm thần nghiêm trọng hoặc thậm chí là thiểu năng trầm trọng. Ngược lại, nếu thể dĩ thái và thể cảm dục tương đồng về màu sắc và độ sáng, điều này cho thấy các hoạt động tư duy rõ ràng và sống động. Phản ảnh (reflection) của tuyến tùng có thể có màu vàng trong thể cảm dục, nhưng không có đối phần thực sự của bộ phận cơ thể này.
Luân xa Cuống họng
Luân xa này đặc biệt liên quan đến nhịp điệu và âm thanh. Ở những người có nhĩ thông, hoặc nhạy cảm với những âm thanh mà thính giác bình thường không nghe được, những cánh hoa của luân xa này sẽ lớn hơn trung bình và rực rỡ hơn. Khi chẩn đoán, yếu tố chính cần được tìm kiếm trong mối quan hệ với luân xa này là mức độ hài hòa của nó với luân xa dĩ thái.
Luân xa Tim
Ở những người tham thiền đều đặn, luân xa tim lớn hơn bình thường, vì nó dễ mở rộng. Nó cũng có xu hướng sáng hơn, và chuyển động nhịp nhàng được đẩy nhanh hơn. Mối liên hệ với các cấp độ tâm thức cao hơn (được mô tả trong Chương VII) cũng rõ ràng hơn.
Luân xa Tùng Thái dương
Đây là trung tâm năng lượng cảm xúc tích cực nhất trong đa số mọi người. Đó là cầu nối giữa cảm xúc và thể vật lý/ thể dĩ thái, mối liên hệ gần gũi nhất của nó là với dạ dày và toàn bộ đường tiêu hóa. Bà DVK đã giả thuyết rằng luân xa tùng thái dương cảm dục hoạt động như một cơ quan hấp thụ mạnh mẽ giữa năng lượng cảm dục đi vào và năng lượng phân phối cho toàn cơ thể.
Màu sắc của luân xa này có phần nào biến đổi: ở một người có tầm mức chỉnh hợp cao, màu xanh lá cây cho thấy sự cân bằng; Sự cảm thông hoặc khả năng thích ứng lại cho sắc màu khác; Màu vàng pha lẫn màu xanh lá cho thấy mối quan tâm trong việc thể hiện ý tưởng dưới dạng vật chất. Thông thường các nhà phát minh và nhà thiết kế có tổ hợp màu này. Ngoài ra có những sắc màu hoàn toàn khác, màu xanh vàng vọt thể hiện sự ghen tị, trong khi màu vàng pha với màu xám cho thấy sự thất vọng liên quan đến công việc.
Luân xa Gốc (Gốc cột sống)
Luân xa này có liên quan chặt chẽ với luân xa đỉnh đầu và do đó gắn liền với sự phát triển tinh thần của mỗi cá nhân. Nếu có sự hòa hợp giữa hai luân xa này, năng lượng đi lên từ luân xa gốc mà không có trở ngại hay xáo trộn gì, đặc biệt trong trường cảm dục và dĩ thái.
Cột sống và Não bộ Cảm dục
Năng lượng cảm dục bình thường đi vào trường cá nhân thông qua luân xa tùng thái dương, và có thể di chuyển theo hai hướng, tùy thuộc vào việc dòng chảy của nó dọc theo “cột sống” cảm dục có tắc nghẽn hay không, cột sống là nơi các luân xa bắt rễ. Trong một trạng thái bình thường, khỏe mạnh, năng lượng cảm dục sẽ chảy hướng lên đầu, nhưng nếu bị cản trở nó sẽ quay lại và chảy xuống, làm tăng hoạt động tính dục. Đồng thời sẽ có sự giảm sút năng lượng cảm dục trong não bộ, dẫn đến những xáo trộn trong sự kiểm soát cân bằng.
Năng lượng cột sống cảm dục giống như đối phần tương ứng của nó ở thể dĩ thái, xuất phát từ luân xa gốc và chảy ngược lên hành tủy theo ba dòng tương ứng với ida, pingala và sushumna. Bà DVK đã mô tả những điều này như sau: Dòng bên phải của cột sống đi từ bên phải của lõi luân xa gốc và chảy ngược lên phía sau đầu theo dòng chảy rộng gần 1 centimet. Nó có màu xanh lơ (trong khi đối phần tương ứng ở thể dĩ thái có màu xanh biển pha xanh lá). Dòng bên trái của cột sống giống hệt dòng bên phải, nhưng nó có màu hồng (trong khi đối phần ở thể dĩ thái màu vàng đỏ sẫm). Năng lượng chảy dọc trung tâm cột sống xuất phát từ chính giữa luân xa gốc, di chuyển lên và rẽ làm hai nhánh khi tới gần hành tủy, khi đó hai nhánh đan chéo nhau, năng lượng bên phải đi tới não trái, và năng lượng bên trái đi tới não phải. Dòng trung tâm cột sống này sáng hơn hai dòng kia, màu trắng sữa và đa sắc, với màu vàng và cam làm chủ đạo. Nếu dòng chảy này có màu vàng rực rỡ, điều này cho thấy trạng thái sức khoẻ tốt.
Về não bộ, năng lượng ở thể cảm dục có cấu tạo khác với thể dĩ thái, và dường như có mối liên hệ nào đó giữa tiểu não, tuyến tùng và luân xa đỉnh đầu. Năng lượng thường tập trung rất lớn ở não trong thể cảm dục.
Người đọc chắc chắn nhận thấy rằng chúng tôi đã không mô tả chức năng của tất cả các luân xa cảm dục. Điều này là bởi nghiên cứu của chúng tôi chỉ giới hạn trong các phần của cơ thể có liên quan tới các luân xa cụ thể đã đề cập ở trên. Các luân xa và bộ phận khác chúng tôi không mô tả.
VII. Các cấp độ cao hơn của Tâm thức
Khía cạnh hay mặt thứ ba của bản thể cá nhân là công cụ thông qua đó cái trí có thể biểu hiện; Trong giáo lý Thông Thiên Học và bí truyền, khía cạnh này thường được gọi là thể trí. Như đã đề cập ở trên, cũng giống như thể cảm dục có tần số và mức độ tinh tế cao hơn so với thể dĩ thái, thể trí cũng tinh tế hơn và chuyển động với tốc độ nhanh hơn so với thể cảm dục. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng trường thể trí thâm nhập vào cả thể cảm dục và thể dĩ thái ở mọi góc độ, và thể trí cũng phù hợp về mặt cấu trúc với những dẫn thể này. Phạm vi thể trí liên tục tác động tới các khía cạnh khác của phàm ngã trong suốt cuộc đời, và năng lượng của nó thấm đẫm mọi kinh nghiệm, ngay cả khi chúng ta không tham gia vào công việc mang tính trí tuệ, hoặc thậm chí không suy nghĩ một cách có ý thức. Năng lượng từ bể chứa vô tận của trường thể trí vũ trụ đổ vào các luân xa thể trí, lưu thông qua hệ thống luân xa thể trí theo cách thức giống như ở thể cảm dục và thể dĩ thái. Nhưng thể trí phức tạp hơn thể tình cảm; Trên thực tế, nó có hai khía cạnh hay chức năng chính tạo nên sự khôn ngoan, sáng tạo và năng lực nhận thức của tâm trí, đồng thời nó cũng có thể dẫn chúng ta vào lý luận sai lầm và ảo tưởng. Do tính chất đa dạng của nó, thói quen và mô hình của thể trí có thể ảnh hưởng xấu đến quá trình bệnh tật, nhưng nó cũng có thể là một nguồn lực mạnh mẽ cho sức khoẻ, sự tăng trưởng và thay đổi.
Ở mức độ kinh nghiệm hàng ngày, thể trí là công cụ tích hợp và diễn giải luồng dữ liệu cảm ứng tràn vào chúng ta từ mọi hướng. Tất cả những dữ liệu này được xử lý và đánh giá bởi não bộ/ tâm trí và quyết định hành vi của chúng ta. Khía cạnh này của thể trí mang lại những hiểu biết chung cho tất cả chúng ta trong công việc và cuộc sống hàng ngày, và nhận thức được mối quan hệ giữa sự vật, con người và các sự kiện mang lại ngữ cảnh và ý nghĩa của các hiện tượng.
Trí trừu tượng hiểu được ý nghĩa của một trật tự cao hơn: những ý tưởng mang lại ý nghĩa cho các sự kiện; tính đồng nhất ẩn sau sự khác biệt trong cuộc sống; cấu trúc, tỷ lệ, sự cân bằng, hài hòa, trật tự và tính hợp lý của tự nhiên; mối quan hệ giữa cuộc sống con người và trái đất, cũng như giữa cá nhân và nhân loại. Khía cạnh này của thể trí là một thuộc tính của con người trong vũ trụ, mặc dù nó có thể không phát triển đồng mức ở tất cả mọi người.
Thể trí của con người có hình trứng giống như thể cảm dục, nhưng nó lớn hơn khá nhiều và ít đậm đặc hơn. Màu sắc và phẩm tính của nó là những chỉ dẫn rõ ràng về mối quan tâm của mỗi cá nhân và năng lực tinh thần, cho dù tiềm ẩn hay bộc phát, vì đôi khi năng lực chúng ta sở hữu từ lúc sinh ra không phát triển trong suốt cuộc đời. Tất cả điều này đều thể hiện trong thể trí, giống như hào quang cảm dục cho thấy chính xác cuộc sống cảm xúc của mỗi người.
Bởi vì trường thể trí và cảm dục có mối quan hệ gần gũi chặt chẽ, thể trí được tô màu bởi cảm xúc, giống như những cảm xúc được điều chỉnh bởi tư duy. Đây là một đặc tính phổ quát, nhưng khi nó không cân bằng hoặc nằm ngoài tầm kiểm soát, tình trạng này có thể trở thành bệnh lý. Tuy nhiên, nếu thể trí không bị cản trở bởi những căng thẳng tinh thần, nó là một công cụ tế vi và linh hoạt để tích hợp và hấp thu mọi cấp độ kinh nghiệm cá nhân: thể trí, thể tình cảm và thể vật lý.
Bộ não vật lý, giống như một siêu máy tính, ghi nhận, lưu trữ và thu thập những gì mà thể trí phát hiện hoặc tạo ra. Quan điểm về mối quan hệ giữa não bộ và thể trí phát triển từ nghiên cứu của chúng tôi rất khác so với quan điểm về vấn đề này trong lý thuyết tâm sinh lý học. Việc rút ra ý nghĩa và giải thích kinh nghiệm hoàn toàn không phải là sản phẩm của hoạt động não bộ, mà bắt nguồn từ một mức độ sâu hơn của bản thể. Hiểu biết sâu sắc này sau đó được thể trí phát triển một cách hợp lý, liên hệ đến các kiến thức khác, trong khi não, là công cụ của thể trí khí cụ vật lý, có chức năng ghi nhận thông tin. Nói cách khác, thể trí phụ thuộc vào bộ não để thể hiện trên cõi trần, nhưng nó cũng vượt qua cơ chế của não bộ và ở mức độ nào đó có thể bù đắp cho những hạn chế của não bộ.
Thể trí vươn ra khoảng 90cm (3 feet) bên ngoài cơ thể vật lý, và thâm nhập cả hai thể dĩ thái và cảm dục. Cá nhân cảm biết được “cái tôi” theo tư duy hơn là theo cảm xúc thường có thể trí sáng hơn và sống động hơn mức trung bình, và có kết cấu mịn hơn. Một người như vậy khi đang sử dụng thể trí, năng lượng chuyển động ra vào các luân xa thể trí nhanh hơn, và toàn bộ thể trí trở nên sinh động và sáng rỡ hơn.
Tốc độ năng lượng lưu chuyển vào ra các luân xa, độ tươi tắn của màu sắc, nhịp điệu và độ sáng của các luân xa khác nhau cho thấy phẩm chất của thể trí và các lãnh vực phát triển đặc biệt.
Khi mối quan hệ giữa thể trí thông qua thể cảm dục tới thể dĩ thái hài hòa, luồng năng lượng qua các luân xa luân chuyển nhịp nhàng và thông suốt. Thật không may, nhiều người đang phải đối mặt với những bão tố tâm lý và căng thẳng về tinh thần thường xuyên, và điều này ảnh hưởng tiêu cực tới các thể dĩ thái và thể vật lý. Năng lượng ở cấp độ trí tuệ được thải ra với tốc độ nhanh hơn, biến động nhiều hơn so với các năng lượng cấp thấp. Trên thực tế, khi năng lượng tích cực lưu chuyển vào ra, chúng sẽ làm trường xung quanh một người sáng lên và điều này ảnh hưởng tương ứng đến môi trường của người đó theo tỷ lệ tương ứng với sức mạnh của ý nghĩ. Vì vậy, các tư tưởng có được tiếp thêm sức mạnh tinh thần sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới các cá nhân khác. Điều này có thể có hoặc không liên quan trực tiếp đến độ chân thực của chính ý tưởng: những ý tưởng vĩ đại đứng vững qua những thử thách của lịch sử và góp phần vào sự phát triển của văn hoá con người, nhưng những ý tưởng sai lầm có thể chi phối những nhóm lớn khi chúng được dựng lên bằng sức mạnh và niềm tin to lớn, như trường hợp của Đức quốc xã.
Sức mạnh chuyển hóa của tư tưởng khi nó được củng cố bởi niềm tin được biết đến rất nhiều. Sự chuyển hóa trong tôn giáo là một ví dụ, nhưng ở mức độ thấp hơn, khả năng phá vỡ thói quen lâu dài, chẳng hạn như hút thuốc lá, là kết quả của sức mạnh của tâm trí để thay đổi hành vi. Chúng ta không còn tin vào câu châm ngôn “tôi suy nghĩ, vì thế tôi đang tồn tại”, nhưng chúng ta nhận ra rằng những gì chúng ta nghĩ ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính ta, dù là cá nhân, thành viên của các tổ chức hay công dân của một quốc gia. Trên thực tế, mục đích hoặc đặc tính của quốc gia phần lớn phụ thuộc vào cách mà người dân nước đó suy nghĩ về mình.
Những ý tưởng được truyền đi rộng khắp như thế nào? Tác động này phần nào đạt được thông qua phát biểu và tranh luận trên giấy mực, và thậm chí mạnh hơn thông qua việc chia sẻ một tầm nhìn chung hoặc quan điểm thế giới dựa trên hình ảnh tinh thần mạnh mẽ. Một hình ảnh tinh thần như vậy đã được biết đến như là một hình tư tưởng. Sự lan tỏa của những ý tưởng đạt được thông qua năng lực tâm trí trong việc tạo dựng một hình ảnh mạnh mẽ được xác định rõ ràng trong thể trí, và sau đó hướng về phía đối tượng của nó một cách rõ ràng và mãnh liệt. Khả năng phóng tư tưởng một cách rõ ràng là một yếu tố quan trọng để đạt được thành công trong đào tạo, cũng như trong đời sống chính trị. Nhưng khả năng tạo ra những hình tư tưởng mạnh mẽ cũng có thể tác động ngược lại chúng ta một cách tiêu cực, nếu chúng trở nên quá cứng nhắc, chúng có thể bao quanh và giam hãm chúng ta trong một bức tường do chính chúng ta tạo ra, do đó ngăn chặn sự xâm nhập của những ý tưởng mới và năng lượng tinh thần tươi sáng. Sau đó chúng ta biến thành các nhà tư tưởng hoặc những kẻ cuồng tín, bác bỏ tất cả ngoại trừ những cách diễn giải của chính mình về chân lý.
Một số người thông nhãn có thể nhìn thấy các hình tư tưởng trong thể trí của một người. Một cuộc thảo luận với bà Phoebe Payne Bendit, người đã được thừa nhận là có năng lực nhãn thông cao thông qua luyện tập, đã giúp làm sáng tỏ vấn đề này. Bà đã kể lại trường hợp của một người đàn ông đã gặp bà và tuyên bố anh đã bị một số nhạc sĩ vĩ đại đã qua đời ám, và những người có nhãn thông khác đã khẳng định yêu điều này. Nhưng khi bà Phoebe Bendit quan sát anh một cách cẩn thận, bà nhận thấy rằng những hình ảnh này không phải là những nhạc công đã mất từ lâu, mà là những tư tưởng do chính anh đã tự nhồi vào đầu với những hy vọng và mong muốn của riêng mình. Bà cảnh báo gia đình anh ta rằng anh đang có nguy cơ mắc một căn bệnh tâm thần nghiêm trọng, và rất tiếc điều này đã thành hiện thực vài tháng sau đó, khi anh được chẩn đoán là bị bệnh tâm thần phân liệt và phải nhập viện tâm thần.
Khi được hỏi làm thế nào bà phân biệt hình tư tưởng của bệnh nhân và một thực thể cảm dục thực sự, bà Bendi trả lời: “Làm thế nào bạn có thể phân biệt giữa một người sống và một bức tượng? Bạn không thấy rõ ràng một đối tượng sống động và đối tượng kia thì không à? Điều này cũng đúng trên cõi cảm dục và cõi trí. Một người thực sự, cho dù đã chết, có phẩm chất sinh lực của mình, vì vậy anh ta di chuyển, thay đổi và đáp ứng với những gì đang xảy ra. Ngược lại, một hình tư tưởng là vô hồn và tĩnh lặng, và năng lượng của nó đến từ trường cảm dục và thể trí của cá nhân người tạo ra nó”.
Ưu điểm lớn của việc có thể nhìn thấy các hình tư tưởng là chúng ta biết được những gì chúng ta tạo ra, và do đó có thể thay đổi chúng thành các hình ảnh xây dựng hơn. Nhưng ngay cả khi chúng ta không thể nhìn thấy chúng qua nhãn thông, một khi đã nhận ra rằng những suy nghĩ của chúng ta có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến người khác và chúng ta tiếp thêm năng lượng cho chúng bằng cảm xúc của mình, chúng ta bắt đầu thấy có trách nhiệm về những tư tưởng mà trước đây chỉ tạo ra hành động của mình, và thực sự thừa nhận rằng suy nghĩ chính là một cách thức hành động, ở chỗ chúng ảnh hưởng đến hành vi thái độ.
Tác dụng của sự hình dung
Khả năng sử dụng tâm trí của chúng ta một cách tích cực để đạt được sức khoẻ và sự chuyển hoá cá nhân là chủ đề của hàng trăm cuốn sách hiện đang được đưa ra cho công chúng. Hầu hết các phương pháp gợi ý này có thể được sử dụng để đạt được một mức độ thành công nhất định, vì chỉ cần có niềm tin xác quyết rằng người ta có thể tác động đến sự thay đổi và tăng trưởng cá nhân là đủ để bắt đầu quá trình chuyển đổi. Vì sự quan tâm đến nhiều hình thức sử dụng kỹ thuật hình dung và các các phương pháp thư giãn và/ hoặc thiền định khác nhau, chúng tôi đã tiến hành một nghiên cứu tìm hiểu về cách học viên sử dụng một số kỹ thuật này.
Chúng tôi phát hiện ra rằng một vài người trong nhóm chúng tôi nghiên cứu không có khả năng tạo ra một hình ảnh trong tâm trí. Khi họ nhắm mắt lại, họ chẳng thấy gì ngoài sự trống rỗng và bóng tối. Tuy nhiên, hầu hết học viên đều có thể giữ cho tâm trí chú ý đến đối tượng họ được yêu cầu hình dung, chẳng hạn như khuôn mặt của một người bạn hoặc một hình ảnh hình học có màu sắc đơn giản. Khi họ được hỏi về cách họ nhìn thấy hình ảnh trong tâm trí này, hầu hết trong số họ đều cho biết họ đã hình dung ra đối tượng đó ở bên ngoài mình, cách mắt khoảng hai mươi centimet, như thể đang đọc một quyển sách. Những người khác báo cáo rằng họ quan sát vật thể bên trong đầu của họ, thường là ở thùy não trước, và rất ít người cho biết họ đã nhìn thấy hình ảnh ở não sau thuộc vùng chẩm. Cũng có một nhóm rất nhỏ nói rằng họ không chỉ nghĩ đến đối tượng được yêu cầu hình dung mà còn có thể thấy nó như một bức tranh sáng lên trước mắt họ mà không có nơi chốn cụ thể.
Trong hầu hết các trường hợp, hình ảnh tinh thần là hình ảnh tĩnh. Mặc dù duy trì hình ảnh như vậy có thể là một bài tập tuyệt vời cho việc tập trung tinh thần, nó sẽ ít có ảnh hưởng đến thể trí, thể cảm dục và thể dĩ thái trừ khi nó được tiếp năng lượng và trở nên năng động. Ví dụ, nếu một người cảm thấy buồn bã và được yêu cầu hình dung một hình tròn màu xanh lá trên khu vực tùng thái dương để giúp anh ta ổn định lại, người ta nên hình dung một thứ ánh sáng màu xanh lá chảy vào luân xa tùng thái dương của mình và sau đó làm cho toàn bộ vùng bụng trở nên hài hòa. Nói cách khác, để hình tư tưởng có hiệu quả, cần duy trì tính năng động của nó.
Trong một thí nghiệm khác, bà DVK đã được yêu cầu quan sát ảnh hưởng lên luân xa cuống họng của VPN khi cô hình dung các hình dạng hình học và màu sắc nhất định. Bà DVK không được cho biết các biểu tượng đang được sử dụng, mà chỉ đơn thuần là quan sát ảnh hưởng của chúng đối với các luân xa, điều này ít nhiều đã hé lộ bí mật.
Lúc đầu, cô VPN đã hình dung ra một vật thể hình kim cương màu tím xanh sẫm với kích thước vài centimet và được định vị trước luân xa cuống họng. Bà DVK ghi nhận không có tác động nào được tạo ra. Biểu tượng thứ hai được hình dung là một vật thể hình kim cương có màu vàng óng. Bà DVK ghi nhận rằng hình ảnh đã làm tăng tốc nhẹ sự chuyển động của luân xa cuống họng, nhưng hiệu quả đó rõ ràng hơn ở thể cảm dục so với thể dĩ thái, nơi mà biểu tượng dường như không chạm tới lõi luân xa. Khi một vật thể hình kim cương màu xanh bạc được hình dung, nó cũng ảnh hưởng đến luân xa cảm dục mà không tới luân xa dĩ thái. Kết luận dường như là khi hình dung chỉ là một bài tập tâm trí thuần túy, nó dường như không ảnh hưởng đến các luân xa. Ngược lại, các luân xa sẽ chịu ảnh hưởng tích cực với việc hình dung một biểu tượng có ý nghĩa nội tại đáng kể đối với người thực hành, như được chứng minh qua việc sử dụng hiệu quả kỹ thuật hình dung đối với người bệnh.
Các luân xa Thể Trí
Các luân xa trong thể trí tương ứng với các luân xa thể cảm dục và thể dĩ thái, chuyển hóa năng lượng và đóng vai trò như những phương tiện trao đổi với trường trí tuệ vũ trụ. Mỗi luân xa thể trí cũng có mối liên hệ mật thiết với các luân xa đối ứng ở cõi cao hơn ở cấp độ trực giác (cõi bồ đề). Tất cả cùng nhau tạo thành một hệ thống tích hợp chặt chẽ có thể được hình dung như một mạng lưới 4 chiều, trong đó các dòng năng lượng di chuyển theo chiều ngang qua các hệ thống luân xa và theo chiều dọc giữa các cấp độ khác nhau. Năng lượng ở thể trí chuyển động nhanh hơn và ở tần số cao hơn thể cảm xúc, giống như ở thể cảm xúc cao hơn thể dĩ thái.
Năng lượng của trường thể trí sẽ giảm áp khi nó đi qua các luân xa, và bằng cách này nó có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể vật lý nếu nó không bị chặn ở thể cảm dục, điều này đôi khi cũng xảy ra. Tần số năng lượng chảy vào các luân xa phụ thuộc vào sự phát triển thể trí của mỗi cá nhân. Nếu có sự xáo trộn tại một trong các luân xa thể trí, nó sẽ được truyền đến thể cảm dục và dĩ thái, nhưng thường thì sự xáo trộn xảy ra ở thể cảm dục. Sự xáo trộn của thể cảm dục sẽ không chỉ ảnh hưởng đến luân xa dĩ thái mà còn ức chế năng lượng đến từ thể trí. Toàn bộ quá trình này rất phức tạp.
Khi có một mối quan hệ hài hòa giữa các thể khác nhau của phàm ngã, năng lượng sẽ luân chuyển từ thể này sang thể khác nhịp nhàng và thông suốt. Thật không may, sự cân bằng giữa các thể khá ít khi tồn tại, vì sự hòa hợp bị gián đoạn với nhiều lý do: căng thẳng, lo lắng, cứng nhắc về tinh thần và cảm xúc bấn loạn, là một số ví dụ. Nếu những điều kiện như vậy xảy ra, cơ thể vật lý cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng xấu.
Giống như các luân xa cảm dục, tốc độ mà năng lượng chuyển động vào và ra khỏi các dòng xoáy, độ rực rỡ của màu sắc, nhịp điệu và độ sáng của các luân xa khác nhau cho thấy chất lượng và sức mạnh khác nhau của thể trí, và các lĩnh vực hay năng lực phát triển đặc biệt khác nhau.
Thể Nguyên Nhân
Mặc dù thể nguyên nhân không phải là chủ đề của các nghiên cứu của chúng tôi, nhưng bà DVK đã không thể đôi khi không nhắc đến nó vì thực tính cơ bản trong mỗi con người là cái mà chúng ta gọi là Bản thể, mặc dù nó còn được gọi là Linh hồn hay Tinh thần. Lớp vỏ bọc cao nhất của Bản thể, được biết đến như là bồ đề (sự thấu hiểu, thông tuệ, “sáng suốt” hay bát nhã, prajna), được gọi là “nguyên nhân “vì, theo giáo lý huyền môn, nó mang ý chí căn bản của Bản thể để tồn tại, và đây chính là nguyên nhân rốt ráo cho sự tồn tại của chúng ta.
Dù dưới tên gọi nào, đây là khía cạnh thực sự, bền bỉ của thực tính hiện hữu trong mỗi chúng ta – thứ vẫn trường tồn qua tất cả những thay đổi và thăng trầm của cuộc đời mỗi người, mang lại ý nghĩa và sự tiếp nối liên tục.
Khía cạnh tinh thần này là cội nguồn của tất cả những gì tốt đẹp nhất trong chúng ta, và có thể gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự tăng trưởng và tự chuyển hoá. Theo thuyết luân hồi, những thành quả của kinh nghiệm mà chúng ta đã biến đổi thành những phẩm chất lâu dài đánh dấu sự tăng trưởng hay tiến hóa cá nhân. Những kinh nghiệm này được giữ lại từ kiếp sống này qua kiếp sống khác trong thể nguyên nhân, trở thành tổ hợp những phẩm chất cao nhất của bản thể: tuệ minh, trực giác, sáng tạo, ý chí, khát vọng hướng tới Thượng đế, và những hình thức tinh khiết nhất của tình yêu và lòng từ bi. Nó có thể được coi là dẫn thể thực sự của sự tự nhận thức, nếu theo đó chúng ta muốn nói đến ý thức vũ trụ tập trung vào bản thể cá nhân.
Theo quan sát nhãn thông, thể nguyên nhân mờ nhạt và thanh nhẹ, với màu sắc óng ánh như ở một bong bóng xà phòng. Nó được người Hy Lạp gọi là Augoeides, phát xạ chói sáng của Bản thể tinh thần, trong đó cuộc sống nhập thể chỉ là cái bóng. Nhưng nó còn được gọi là “nguyên nhân” vì nó tập hợp những thành quả của cuộc đấu tranh và hy sinh của chúng ta để phát triển trong minh triết, và trong chúng ẩn chứa những nguyên nhân thực sự cho việc chúng ta đang ở đây và bây giờ—những hạt giống của những phẩm tính của trí tuệ và trái tim của chúng ta. Ở cấp độ này, Bản thể không bị hạn chế bởi những giới hạn thông thường về thời gian, không gian và mối quan hệ nhân quả, mà có thể trải nghiệm được tính phổ quát của cuộc sống và nhận thức được những ý nghĩa và mối liên hệ thường bị giấu kín trong sự tồn tại ở thể hồng trần.
Thể nguyên nhân không phân rã sau khi chết một thời gian như thể cảm dục và thể trí, mà nó tồn tại từ kiếp sống này đến kiếp sống khác. Ở Tây Tạng, tulkus hay “hóa thân” được cho là các vị lạt ma hay đại sư được tái sinh nhiều lần với khả năng lưu giữ những ký ức và năng lực mà họ có trước đây. Mặc dù các trường hợp như vậy rất hiếm, nhưng trong thể nguyên nhân có sự chắt lọc của tất cả kinh nghiệm đã trải qua, và bởi vì nó luôn tồn tại, những người có khả năng nhận biết có thể tiếp cận các thông tin lưu trữ này.
Trong trường hợp một số bệnh nhân của chúng tôi mà bà DVK thấy rõ rằng những vấn đề gặp phải bắt nguồn từ các cấp độ cao hơn thể xác, tình cảm hoặc thậm chí là thể trí, và bà tìm kiếm lời giải thích sâu sắc hơn trong thể nguyên nhân.