Phần III của quyển Luân xa và Các Trường Năng lượng, gồm các chương 8 và 9, Bài do Quỳnh Anh dịch.
************************
3. Nhãn thông như một công cụ chuẩn đoán
VIII. Cơ sở của Nghiên cứu bằng nhãn thông
Những tư liệu thu được từ việc nghiên cứu bằng thông nhãn trong thế kỷ này còn sơ sài, và những tài liệu có được phần lớn được phát triển nhờ sự chủ động cá nhân, mà không có mấy sự chú ý đến nhu cầu xác thực. Do vậy, mặc dù có một số tài liệu về việc nghiên cứu bằng nhãn thông tồn tại nhưng đó không phải là loại tài liệu gây chú ý cho giới khoa học. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là dù năng lực thông nhãn là hiếm có nhưng đây chắc chắn không phải là một hiện tượng xảy ra hoàn toàn tách biệt. Vì lý do này, một cuộc khảo cứu về dữ kiện lịch sử mà chúng tôi có được có thể được dùng như nền tảng cho nghiên cứu đưa ra ở đây.
Chúng tôi sẽ giới hạn bản thân vào việc nghiên cứu những người phương Tây đã từng kiểm nghiệm những khả năng khác thường trong cuộc sống và công việc, mà không tính đến trường hợp của những nhà thấu thị phương Đông. Tất nhiên, những người như vậy thì nhiều vô kể nhưng vì họ sống trong một nền văn hoá luôn chấp nhận sự hiện diện của những lực vô hình và những nhận thức từ chiều đo cao hơn nên ít có nỗ lực để hệ thống hoá được thực hiện để liên kết những quan niệm này với bằng chứng trong thực tế.
Ở phương Đông, các năng lực phi thường được cho là điều đương nhiên cùng xảy ra hay là kết quả phụ của việc đào tạo thực hành yoga, và do vậy, trọng tâm luôn đặt ở việc phát triển bản thân hơn là việc cố gắng có được những quyền năng như vậy. Các nhà yogi có khả năng ngưng các chức trọng yếu trong nhiều ngày hay nhiều tuần, sống gần như không cần thức ăn, duy trì được nhiệt độ cơ thể khi ngồi trong bão tuyết, nâng bổng hay rời khỏi cơ thể vật lý của mình khi muốn. Họ làm những điều này mà không gây chú ý hay kích thích sự quan tâm của bất kì ai vào việc tư liệu hoá những thực hành này.
Tuy nhiên ở phương Tây, những khả năng khác thường có truyền thống bị nghi ngờ, trường hợp tồi tệ nhất là bị gán với phù thuỷ và ma quỷ, hay trong trường hợp khá nhất thì gắn với bệnh ảo giác hay tự huyễn hoặc. Riêng các vị Thánh và các nhà thấu thị là ngoại lệ, bởi những kinh nghiệm có tầm nhìn của họ được thánh hoá bởi một cơ cấu dựa trên tôn giáo. Với sự nổi lên của phong trào Khai sáng ở thế kỷ 18 và khoa học duy vật ở thế kỷ 19, quan điểm phương Tây vẫn có ít chỗ cho bất cứ điều gì không thể giải thích được bằng thuật ngữ của hiện thực vật lý.
Tuy vậy, giai đoạn cuối thế kỷ 19 đã chứng kiến sự kết thúc của kỷ nguyên chủ nghĩa duy vật kiểu cũ. Việc phát hiện ra tia X và phóng xạ xảy ra không lâu sau khi một làn sóng quan tâm đến hiện tượng tâm linh, đồng cốt và giao tiếp sau khi chết quét qua nước Anh và Mỹ. Nhập đồng, đồ vật hiện hình, phân thân, chụp ảnh hồn ma, sự tồn tại của thể cảm dục sau khi chết và những hiện tượng tương tự đều là mục tiêu cho những nghiên cứu kỹ càng bởi những người có uy tín và năng lực đánh giá một cách phân biện. Những cái tên nổi tiếng như Sir Willian Crookes và Arthur Conan Doyle, cùng với Hội nghiên cứu tâm linh nước Anh có liên quan đến nhiều nghiên cứu sâu sắc tiến hành trên các khía cạnh khác nhau của hiện tượng tâm linh. Một số trong số những người tiên phong trong lĩnh vực chưa ai khám phá này là mối quan tâm lớn đối với những người như chúng tôi, những người đang cố gắng đưa nghiên cứu tại thời điểm hiện tại vào một hoàn cảnh lịch sử để thấy rằng điều này không hiện lên như một hiện tượng chưa được lặp lại.
Chúng tôi sẽ bắt đầu danh sách tóm lược và được coi là chưa đầy đủ này với bác sĩ trị liệu, Philippus Theophrastus Bombast của Hohenheim, được biết đến nhiều hơn với cái tên Paracelsus, đã sống và thực hành vào đầu thế kỷ 16. Ông được cho là đã tới Ấn Độ, nơi ông học các nguyên lý thần bí. Ông chắc chắn là tác giả thời kì hậu Phục Sinh đầu tiên miêu tả về cấu tạo bảy lớp của con người, về các tinh linh mặt đất và về bản chất của các thể cao hơn. Ông chính là người đã tạo ra thuật ngữ “cảm dục” (astral), có nghĩa lấp lánh như sao, mặc dù ông dùng nó để nói về cái chúng ta hiện thời nói về là trường năng lượng thể sinh lực hay dĩ thái. Những bài viết của ông cho thấy rõ ông có thể nhìn thấy trường dĩ thái và ông đã vận dụng những nhận thức của mình vào y học và chữa trị. Những phương pháp thực hành này đã mang tới cho ông cả danh tiếng lẫn lời lăng nhục, và ông được cho là đã chết vì nhiễm độc như một kết quả cho những ý tưởng không chính thống của mình.
Emanuel Swedenborg, được nhớ đến nhiều nhất nhờ một nhà thờ đặt theo tên ông, là một nhà khoa học uyên bác và tài năng, được ghi nhận như một nhà nghiên cứu sinh vật cổ, nhà vật lý và nhà sinh lý học, người đã nghiên cứu chức năng của não bộ và các tuyến nội tiết. Vào giữa cuộc đời, ông từ bỏ nghiên cứu vật lý để nghiên cứu về tâm linh, bởi ông đã kiểm nghiệm rằng ông thường được hướng dẫn bằng những giấc mơ, trải nghiệm nhiều hình ảnh và nghe thấy nhiều cuộc nói chuyện bí ẩn—điều này cho thấy năng lực bẩm sinh của ông bao gồm cả nhãn thông và nhĩ thông. Sau một trải nghiệm tâm linh khác thường, ông cống hiến đời mình cho thần học và nghiên cứu các kinh thánh Thiên chúa giáo, trong đó ông giải thích dựa trên ánh sáng từ sự thấu hiểu của mình.
Hiện tượng tâm linh đáng chú ý nhất thời gian gần đây không nghi ngờ gì cả chính là Helena Petrovna Blavatsky, người sáng lập phong trào Thông Thiên Học hiện đại. Từ khi ra đời bà đã là nơi hội tụ của những sự kiện khác thường và hiện tượng bí ẩn. Mặc dù không phải một dạng đồng cốt thông thường (bởi thực ra bà lên án hoạt động đồng cốt khi nó được thực hành ở thời của bà), bà có khả năng hoạt động như một kênh tâm thức và công cụ truyền tải giáo huấn của các vị Chân Sư của bà, những người mà bà phụng sự như một người biên chép các bài viết trong nhiều tác phẩm đáng chú ý, trong đó có Giáo Lý Bí Nhiệm, cuốn sách đã trở thành tác phẩm tham khảo gốc cho tất cả những giảng dạy về huyền môn và minh triết sau đó. Những năng lực đáng chú ý của bà đã được kiểm chứng bởi rất nhiều người, họ đã thấy bà làm đồ vật hiện ra, giao tiếp với người vô hình, điều khiển các tinh linh, và miêu tả những chiều đo khác của sự tồn tại trong khi bà hoàn toàn tỉnh thức.
Trong các tác phẩm nhiều tập của mình, bà thường nhấn mạnh sự thật rằng không có gì “siêu nhiên” trong vũ trụ này, và rằng khả năng khác thường là sự đáp ứng với quy luật của tự nhiên và các lực chưa được khoa học tìm thấy. Bà tiên đoán vào những năm 1880 rằng chủ nghĩa duy vật đang thịnh hành sẽ tiêu tan trước khi kết thúc thế kỷ này, và từ đó sẽ có một cách hiểu mới về bản chất của vật chất. Rất nhiều lời khẳng định của bà hoàn toàn không thể chấp nhận được với giới khoa học thời bấy giờ hiện nay đã trở thành một phần trong bức tranh thế giới đương đại. Những đề xuất có tính tiên tri của bà bao gồm khái niệm về mỗi tế bào trong cơ thể đều chứa đựng bản thiết kế về hình tướng và sự sống luôn phôi thai trong mọi dạng vật chất, sẽ tự động hiện lên khi có các điều kiện thích hợp.
Đóng góp quan trọng nhất của bà Blavatsky cho một thế giới quan mới là khoa siêu hình học toàn diện trong đó nó có thể vượt lên sự phân chia giữa tâm thức và năng lượng mà trong một thời gian dài đã gây tổn hại cho phương Tây, bằng việc chỉ ra rằng chúng là những khía cạnh bổ sung cho nhau của một thực tại bên dưới. Giả thuyết này cung cấp cơ sở mà trong đó những khía cạnh tế vi và phức tạp hơn của giới tự nhiên và con người có thể được kết hợp lại, khiến niềm hi vọng của chúng ta về một thế giới quan toàn diện dễ được nhận ra hơn.
Khoa siêu hình học này, cùng với khoa vật lý mới cung cấp nền tảng cho việc miêu tả các chiều đo cao hơn của tâm thức con người như một trong các trường năng lượng vũ trụ, sự phát triển của lý thuyết này chúng tôi mang ơn F.L Kunz, người sáng lập Trung tâm Đào tạo tích hợp và tạp chí sáng tạo: Những dòng tư tưởng hiện đại chính. Kết quả là, dù lĩnh vực nghiên cứu này rất hiếm khi được đề cập nhưng hiện nay nó đã trở nên khả thi trong việc hệ thống hoá và lý giải hiện tượng mà trước đây rất khó hoà hợp được với những phát hiện của y học và khoa học. Dù những đóng góp của Blavatsky có được công nhận một cách rộng rãi hay không thì tất cả những phát triển theo sau đó trong lĩnh vực kỳ bí có thể được xem là bắt nguồn từ tác phẩm có tính đột phá của bà.
Một người phụ nữ đáng chú ý nữa, người đã bị thu hút vào phong trào Thông Thiên Học vì quan tâm tới các tác phẩm của Blavatsky, là Tiến sĩ Annie Besant. Bà là một nhà cải cách xã hội, người đã làm việc đầy nhiệt huyết với Charles Bradlaugh tại hội Fabian Society vì con người. Bà trở thành Hội trưởng Hội thông thiên học (The Theosophical Society) và chuyển tới Ấn Độ, nơi bà đã mở ra nhiều viện giáo dục, sáng lập tờ báo nổi tiếng New India, và bị người Anh giam cầm vì những nỗ lực của bà trong việc tranh đấu cho một Ấn Độ độc lập. Bà khai mở khả năng thông nhãn trong những năm cuối của tuổi bốn mươi, và đã kết hợp với ông C.W. Leadbeater để viết một số cuốn sách dựa trên những quan sát của mình, trong đó đáng chú ý là Hoá học huyền bí, Hình tư tưởng và Con người và các thể. Sau này, khi bà trở nên mải miết với công tác dành cho quần chúng ở Ấn Độ, bà chủ động đóng khả năng tâm linh của mình và ngừng việc theo đuổi các nghiên cứu bằng nhãn thông.
Charles W. Leadbeater đã được nhắc tới như một nhà thông nhãn tài năng đáng chú ý, người đã viết hàng loạt về những quan sát của mình, đặc biệt quan tâm tới tình trạng sau khi chết. Những mô tả của ông về những chiều đo vi tế của con người—như trong Luân Xa (những hình minh hoạ của chúng tôi được lấy từ đó), cuốn sách đang giữ vị trí là một trong những cuốn được đọc nhiều nhất về chủ đề này, và ở Con người hữu hình và vô hình, trong đó miêu tả các đặc tính trong hào quang của con người—là những tác phẩm cổ điển trong lĩnh vực nghiên cứu các hiện tượng kỳ bí. Cuốn sách Hình Tư Tưởng trong đó cho rằng thể trí có khả năng tạo ra những hình thể xác thực có thể nhận biết được với những người nhạy cảm đã có ảnh hưởng lớn đến nhiều nghệ sĩ, như Mondrian và Kandinsky.
Những nhà thông nhãn nổi tiếng khác bao gồm Geofrey Hodson, người được biết đến nhiều nhất bởi những cuốn sách về giới thiên thần, như cuốn Thế giới của các Thiên Thần. Ông còn tiến hành một loạt các nghiên cứu y khoa, một số kết quả nghiên cứu đó được kết hợp viết vào sách Một cách nhìn huyền bí về sức khoẻ và bệnh tật. Có lẽ vì ông không sinh ra đã có khả năng nhãn thông mà phát triển năng lực này trong thời gian trưởng thành của cuộc đời nên ông đã dành cho quá trình này một sự chú ý đáng kể, được thể hiện trong cuốn Khoa học của sự thấu thị.
Khả năng nhãn thông của Phoebe Payne Bendit về cơ bản là ở tầng dĩ thái và cùng với chồng mình, Laurance Bendit, một nhà trị liệu, bà đã viết một vài nghiên cứu về sức khoẻ và bệnh tật dựa trên những quan sát của mình. Bà còn xuất bản một cuốn sách có tên Những năng lực tiềm ẩn của con người, trong đó bà mô tả những khác biệt bà quan sát được giữa thông nhãn hữu thức và hình thức đồng tử mê man.
Còn có nhiều nhân vật mà những đóng góp của họ chủ yếu về triết học và lý thuyết, nhưng trong đó nghiên cứu huyền bí học đóng một vai trò quan trọng. Trong số những ngừoi nổi bật nhất có Rudolf Steiner, người sáng lập Hội Nhân Thông học (Anthroposophical Society). Phong trào này có nhiều khái niệm chung với Thông Thiên Học nhưng có những sáng tạo và nhấn mạnh đặc biệt như việc ứng dụng siêu hình học vào toán học, giáo dục và nghệ thuật. Steiner, người có nhiều tài năng đáng chú ý, là một nhà khoa học đã sử dụng khả năng nhãn thông của mình để nghiên cứu thế giới tự nhiên và kết quả là ông đã phát triển các lý thuyết về sự phù hợp giữa các loài thực vật, điều này cho kết quả về khả năng trồng cây kết hợp nhằm phòng chống dịch bệnh. Những đề nghị của ông vẫn có tính thực tiễn trong nhiều dự án trồng trọt được tài trợ bởi Hội Nhân Thông học, trong khi những nguyên tắc giáo dục của ông là cơ sở cho sự thành công của trường phái giáo dục Steiner và Walgorf, cũng như công việc tốt đẹp của Hội với những người chậm phát triển.
Một huấn sư khác là bà Alice Bailey, người vẫn có ảnh hưởng trong lĩnh vực huyền bí học, người cũng được công nhận với khả năng viễn cảm của mình. Bà được biết đến nhiều nhất với công trình đồ sộ các tác phẩm trong đó bà tuyên bố rằng được nhận bằng viễn cảm từ Chân Sư Tây Tạng được biết với tên Djual Khul. Những cuốn sách này bắt nguồn từ công trình của H.P. Blavatsky, nhưng khác với chúng ở nhiều chi tiết; như chính tác giả cuốn sách khẳng định, chúng cần được đánh giá dựa trên chất lượng hơn là nguồn gốc của cảm hứng.
Một khả năng khác thường thuộc loại có phần khác biệt là khả năng mà Nikola Tesla đã biểu lộ. Nổi bật trong việc phát triển các công cụ điện, ông ghi lại rằng ông đã có một viễn ảnh về cách mà điện năng có thể thu được từ thác nước, và điều này đã thành hiện thực hai mươi năm sau đó, vào năm 1896, với một máy phát điện tại thác Niagara. Ông còn được cho là có thể gây ra động đất bằng ý chí, cũng như tạo ra tia chớp dài bốn mươi mét; ông từng tạo ra ánh sáng cho các bóng điện cách đó hai mươi lăm dặm mà không cần dây dẫn. Bách khoa toàn thư Mỹ miêu tả ông như sau: “Ông có cách cảm nhận bằng trực giác những bí mật của khoa học, và vận dụng năng lực phát minh của mình để chứng minh cho những giả thuyết của ông.”
Quay sang những nhà khoa học đã khám phá lĩnh vực bí ẩn theo nhiều cách khác nhau, chúng tôi chú ý đến nghiên cứu của Baron Karl von Reichenbach, một nhà hoá học, người phát hiện ra paraffin, creosote và pitacol, cũng là một chuyên gia về thiên thạch và một nhà tư bản công nghiệp mà đế chế của ông trải dài từ vùng Danube tới vùng đất sông Rhine. Năm 1845 ông xuất bản bảy bài viết gây tranh cãi với tiêu đề “Những nghiên cứu về Từ lực, Điện lực, Nhiệt và Ánh sáng và mối liên hệ của chúng với Năng lượng sống.” trong đó ông kiểm nghiệm để chứng minh cho cái ông gọi là “ánh sáng Odic”. Ông thực hiện những quan sát tỉ mỉ và cẩn thận các đối tượng có thể nhận biết loại ánh sáng này, loại tương tự như trường năng lượng sinh khí nhưng công trình này của ông bị cộng đồng khoa học Châu Âu bác bỏ , mặc dù được chấp nhận và biên dịch sang tiếng tiếng Anh bởi William Gregory, M.D.
Sir William Crookes (1832-1919), nhà vật lý và hoá học người Anh, đã khám phá ra thallium, chế tạo ra thiết bị đo bức xạ và từ những nghiên cứu của mình phát triển nên lý thuyết “vật chất phát xạ”, hay vật chất ở “trạng thái thứ tư”. Những nghiên cứu của ông về bản chất của các loại đất hiếm, đặc biệt là Yttri, đã đưa ông tới lý thuyết rằng tất cả các nguyên tố sản sinh qua quá trình tiến hoá đều từ một chất liệu nguyên thuỷ. Ông là một học viên say mê của hiện tượng tâm linh, như ông đã thể hiện trong cuốn Những nghiên cứu về Hiện tượng Tâm linh, nhằm tìm ra mối liên hệ giữa các quy luật vật lý thông thường và bất thường.
Những nhân vật khác cần được nhắc tới vì những đóng góp cho phương pháp tiếp cận khoa học của việc nghiên cứu các hiện tượng tâm linh là Walter J. Kilner, Alexis Carrel, M.D., Professor T. Fukurai của Đại học Hoàng gia Tokyo (ông đã mất vị trí này vì sự quan tâm của mình trong lĩnh vực tâm linh), Joseph Banks Rhine, những nghiên cứu của ông về viễn cảm và nhãn thông được dựa trên đánh giá thống kê, Oscar Bagnall, một nhà sinh vật học ở Đại học Cambridge, người đã nghiên cứu hào quang con người, và ông Sir George Hubert Wilkins, một nhà thám hiểm đã tiến hành công việc thí nghiệm bằng viễn cảm. Đặc biệt cần nhắc đến Edgar Cayce với những thành tựu y học nổi bật vẫn đang là chủ đề của các cuộc nghiên cứu và khảo sát.
Nhiều nhà nghiên cứu đã có những nỗ lực nghiêm túc nhằm chứng thực hiện tượng tâm linh qua nhiều hình thức kiểm nghiệm. Evelyn M. Penrose là một nhà ngoại cảm từng làm việc cho chính phủ Úc và Canada để tìm kiếm nguồn nước cũng như khu vực khảo cổ và có khoáng vật. Andrija Puharich, M.D., và Dr. Charles Osis thuộc Hội Nghiên cứu tâm linh đã tư liệu hoá số lượng lớn thông tin về năng lực khác thường của nhiều nhà ngoại cảm. Chính phủ Mỹ cũng như Soviet đã lặng lẽ theo đuổi các khả năng nghiên cứu năng lực chưa được khai phá của tâm trí như làm lệch hướng tia lazer, biến đổi năng lượng từ trường, nhìn từ xa và di chuyển đồ vật. Sheila Ostrander và Lynn Schroeder đã tư liệu hoá nỗ lực của Nga trong lĩnh vực này trong cuốn sách Những khám phá tâm linh sau tấm rèm sắt (1970), trong khi Russell Targ và Harold Puthoff tường trình nghiên cứu của Mỹ trong Vươn tới tâm trí (1977), và gần đây hơn Targ hợp tác với Keith Harary trong cuốn Chủng tộc Tâm trí (1984).
Trong những năm gần đây, nhiều người sở hữu các hình thức khác nhau của tri giác cao hơn đã cộng tác với các nhà nghiên cứu trên một số lĩnh vực. Stephan A. Schwartz miêu tả trong cuốn sách của mình, Dự án Alexandria, cách những nhà ngoại cảm với khả năng “nhìn từ xa”, hay thấy từ một khoảng cách xa góp phần vào thành công của dự án khảo cổ của mình, những ấn tượng họ nhận được sau này được khẳng định bằng công tác trên hiện trường. Những người khác thì sử dụng khả năng như vậy để tìm kho báu dưới nước trong các con tàu đắm. Trên một lĩnh vực khác, John Taylor, một nhà vật lý và toán học ở trường cao đẳng King College, London đã mô tả trong Những tâm trí siêu việt (1975) cách kim loại bị vỡ bằng thông linh khác với cấu trúc mảnh kim loại vỡ về mặt vật lý. Trong lĩnh vực sức khoẻ và chữa bệnh, bác sĩ Bernard Grad của trường đại học McGill ở Montreal, Canada đã nghiên cứu những tác động có lợi của năng lượng chữa lành trên cả cây cỏ và loài chuột trong phòng thí nghiệm. Ông mô tả những ảnh hưởng đạt được qua một người chữa lành nổi tiếng, Đại tá Oskar Estabany, trong việc tăng tốc độ lành lại ở vết thương của chuột cũng như việc ươm mầm các hạt giống bị hỏng. Những lần thí nghiệm này được thực hiện dưới điều kiện có kiểm soát. Tiến sĩ Grad cũng nhận thấy rằng hoa sẽ bị héo nhanh hơn khi tiếp xúc với các bệnh nhân trầm cảm hơn là khi chỉ có sự hiện diện của người bình thường.
Tiếp tục nghiên cứu này, Sơ Justa Smith đã triển khai một dự án với mục tiêu so sánh hoạt động của enzyme tripxin khi được chữa trị bởi phương pháp đặt-tay-bên trên của Đại tá Estabany với việc chịu tác động của từ trường. Đại tá được yêu cầu đặt hai tay xung quanh một bình thuỷ tinh được nắp chặt có chứa dung dịch enzyme trong khoảng thời gian lâu nhất là bảy mươi lăm phút. Kết quả được xuất bản bởi Sơ Justa trong bài báo có tiêu đề “Những hiệu ứng khác thường trên hoạt động của enzyme” trong đó kết luận rằng “bằng chứng được trình bày đã chỉ ra rằng sự tiếp xúc của dung dịch trypsin với năng lượng chữa lành từ việc đặt tay-lên-trên như được thực hiện bởi Đại tá Estabany tương tự về mặt định tính và định lượng với khi nó phản ứng với từ trường. Điều này đơn giản nói lên rằng công việc chữa lành có thể đạt được kết quả nhờ năng lượng từ trường.”. Như vậy nghiên cứu đã cho thấy rằng những thay đổi trong năng lượng sinh học có thể xảy ra khi tiếp xúc với bàn tay của một số nhà chữa lành, mặc dù không phải nhà chữa trị nào cũng có thể làm được y hệt những kết quả đạt được của Đại tá Estabany (Chương XVI).
Để kết thúc phần tổng quan vắn tắt này, chúng ta nên nói đến tầm quan trọng của sự thay đổi thái độ đang dần hình thành trong giới khoa học và ngày càng nồng hậu hơn với các nghiên cứu về siêu giác quan. Sự phát triển cách mạng nhất là việc công nhận rằng tâm thức đóng một vai trò trọng yếu và chủ chốt trong sự hiện hữu vật lý. Vì nhiều nhà khoa học chưa sẵn sàng công nhận vai trò này, chúng tôi muốn đưa ra một vài quan điểm ủng hộ. Giáo sư George Wald, người được giải Nobel vật lý đã nói trong một bài phát biểu năm 1985: “Không bao giờ có thể nhận ra sự có mặt hay vắng mặt của tâm thức về mặt vật lý… [đó là] một đặc tính nổi bật và bất biến, một khía cạnh bổ sung cho mọi thực tại.”. Nói về câu hỏi nổi tiếng của Descarts trong mối liên hệ với bản chất nhị nguyên căn bản của tâm trí và vật chất, Eric Jantsch viết trong cuốn Vũ trụ tự tổ chức: “Tâm trí có ở khắp nơi…trong các quá trình mà hệ thống [sinh sống] tổ chức và làm mới chính nó và tiến hoá” (p.162). Trên cùng mạch ý tưởng này, nhà vật lý lượng tử Erwin Schroedinger đã viết trong Sự sống là gì? “Tâm thức có liên quan đến sự học hỏi của các vật chất sống” (p.103). Trong cuốn sách Không gian Einsteins và bầu trời Van gogh, Larry Le Shan và Henry Margenau trích A.S. Eddington, một nhà vật lý, người đã viết vào năm 1926 rằng “sự phân hoá của ngoại giới vào thế giới vật chất và thế giới tinh thần là giả tạm” (p 236). Bàn về đặc điểm của lĩnh vực tâm thức, họ kết luận rằng “những gì quan sát được sẽ khác biệt về độ sắc nét và có thể phân biệt được với những gì thuộc về địa hạt cảm giác. Không có một “vật thể” nào trong địa hạt này, chỉ có các “quá trình”. “Hơn nữa, những gì có thể quan sát được có “đường vào giới hạn”- tức là, chúng chỉ có thể được quan sát bởi một người- ngược lại với ‘đường vào công cộng’ của những thứ quan sát được ở những cảnh giới khác.”. Những kết luận này chắc chắn đã dựa trên những tài liệu trong nghiên cứu của chúng tôi.
Cuối cùng, chúng tôi thêm vào phần trích dẫn sau đây từ cuốn sách của nhà vật lý David Bohm Cái toàn thể và một Trật tự ẩn tàng, để cho thấy lý luận đương thời tốt nhất dành cho nghiên cứu của chúng tôi:
Phần dung lượng hiển hiện mà có thể dễ dàng thâm nhập vào của tâm thức nằm trong một hậu cảnh ẩn dấu (hay ẩn đi) lớn hơn rất nhiều. Hậu cảnh này đến lượt nó được xác minh là nằm trong một bối cảnh lớn hơn nữa mà có thể bao gồm không chỉ các quá trình thần kinh-sinh lý ở những cấp độ nằm ngoài tầm nhận thức nói chung của chúng ta nhưng còn một bối cảnh đằng sau lớn hơn nhiều nữa của những chiều sâu chưa được biết đến (và thực sự cuối cùng vẫn không thể nào biết được) về sự sâu thẳm bên trong mà có thể tương tự như một “biển” năng lượng lấp đầy không gian “trống rỗng” có nhận thức được bằng giác quan.(p.210).
Các nghiên cứu của chúng tôi tất nhiên ủng hộ quan điểm này. Sự thật rằng các tiến trình sinh lý thần kinh được đồng hành (hay thường là đến trước) bởi những thay đổi trong nội dung của tâm thức là một kết luận quan trọng xuất phát từ nghiên cứu này; Nổi bật hơn, có lẽ là việc “biển năng lượng” không những lấp đầy khoảng không “trống rỗng” mà còn được tập trung lại và xử lý bởi các cơ quan hoạt động của tâm thức gọi là luân xa.
Ý tưởng rằng tâm thức và vật chất là hai phần đi đôi không thể tách rời của sự hiện hữu là một khái niệm huyền môn hay minh triết thiêng liêng, nó đã giúp cung cấp hoàn cảnh và một quy tắc giải thích cho các hiện tượng kỳ bí. Nghiên cứu này cho ra ở đây một vai trò kép: nó kiểm tra tính hợp lý của việc nhận thức bằng giác quan bổ sung; nhưng quan trọng hơn cả, nó tiết lộ một số chiều đo của tâm thức và sự tương tác giữa các chiều đo này và những chiều đo của thực tại vật lý.
IX. Việc sử dụng thông nhãn trong nghiên cứu
Ở chương II, chúng tôi đã gợi ý rằng việc nhận thức bằng giác quan cao hơn có thể cung cấp một bức tranh hoàn thiện hơn về cách con người thực hiện các chức năng hiện có cho tới nay, và những nhận thức đó cũng có thể được kết hợp với một bộ phận tri thức đã được chấp nhận chỉ khi nào chúng vượt qua bài kiểm tra với những bằng chứng từ thực tế. Trong công việc của chúng tôi, có những nỗ lực nhất quán nhằm kiểm tra nghiên cứu với những ghi chép y khoa hiện có, nhưng rõ ràng là sự kiểm soát này không thể được hoàn hảo. Tuy nhiên, do những quy trình khám phá như vậy là cần thiết để khai mở một lĩnh vực mới, chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc một vài chi tiết trong phương pháp chúng tôi cùng làm việc và những vấn đề chúng tôi gặp phải.
Trong suốt hai năm đầu của cuộc nghiên cứu, những người giả định là mạnh khoẻ được quan sát nhằm có được một ý tưởng chung về cái mà DVK nhận thấy. Khi số lượng các quan sát tăng lên, nhiều yếu tố can dự vào khi có sự xuất hiện của bệnh tật trở nên rõ ràng. Điều này giúp kiến thức của chúng tôi về các đặc điểm của luân xa và của các trường năng lượng mà chúng thu lại tăng lên.
Trước khi có sự cộng tác giữa chúng tôi, DVK đã thấy các bệnh nhân chủ yêú theo yêu cầu của các bác sĩ y khoa khi bà được hỏi về sự đánh giá của bà. Lúc đầu, trọng tâm là quan sát thể cảm dục của bệnh nhân để khám phá ra nguyên nhân của các vấn đề về cảm xúc vốn là một yếu tố trong bệnh tật của họ. Tuy nhiên, trong khi cùng làm việc với nhau, bà đã được yêu cầu tập trung tầm nhìn thông nhãn chủ yếu ở tầng dĩ thái, để quan sát cấu trúc và chức năng của tuyến nội tiết và các luân xa kiểm soát chúng. Sự chính xác trong hình ảnh dĩ thái của bà được xác định bằng sự tương quan giữa những quan sát cả bà với lịch sử ca bệnh của các bệnh nhân.
DVK không thực hiện một chuẩn đoán chính thức nào như thế, bởi bà không có kiến thức về y học hay được làm quen với những thuật ngữ phù hợp để mô tả những gì bà nhìn thấy. Tuy nhiên những quan sát của bà trong những bất thường ở thể dĩ thái của các luân xa và các tuyến nội tiết tương ứng đã không để lại một nghi ngờ nào về tính chính xác của chúng. Sau một thời gian, bà được tiếp xúc với nhiều trường hợp y học hiếm gặp, như trường hợp tuyến yên đã được phẫu thuật cắt bỏ nhằm mục đích chữa trị ở những bệnh nhân bị ung thư vú hay tuyến giáp (một phương pháp chữa trị thịnh hành thời bấy giờ). Hầu hết các trường hợp được ghi lại về mặt y khoa đều được lấy từ bệnh viện nội tiết ngoại trú của một trường y có tiếng ở New York; các dữ liệu khác được lấy ở California.
DVK được yêu cầu quan sát các luân xa và các tuyến nội tiết liên quan của chúng, bất kể là chúng có vẻ bình thường hay bất thường. Một biểu đồ được phát triển để ghi lại những kết quả của bà, và quy trình này được thực hiện một cách thống nhất.
DVK chưa bao giờ nói chuyện với bất kỳ bệnh nhân nào. Vị trí ở đằng sau của phòng khám ngoại trú, khoảng hai mươi feet (5m) cách chủ thể, thường ngăn bà nhìn thấy ngay cả khuôn mặt họ. Trong mỗi phiên làm việc buổi sáng, hai hay ba bệnh nhân được lựa chọn ngẫu nhiên để bà đánh giá. Bà được yêu cầu quan sát hai hay ba trung tâm lực dĩ thái và các tuyến nội tiết tương ứng, và cả việc đánh giá trường năng lượng dĩ thái chung của bệnh nhân. Việc này thường mất khoảng hai đến ba giờ để đánh giá một bệnh nhân, nếu tất cả các luân xa được nghiên cứu.
Quy trình diễn ra như sau: DVK điền vào bảng các quan sát của bà về bệnh nhân, trong khi nhiệm vụ của SK là tìm ra những bảng có thông tin y khoa của bệnh nhân đang được nghiên cứu và trích lục những dữ kiện phù hợp. Vài giờ sau đó chúng tôi sẽ so sánh hai phần ghi chú và tìm mối liên hệ giữa các thông tin.
Làm việc ở bệnh viện ngoại trú không phải là một nhiệm vụ dễ dàng đối với DVK, vì sự nhạy cảm của bà với những người đầy sự lo lắng và chịu đựng đau đớn, nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác nếu muốn có được những tài liệu chúng tôi cần. Tuy nhiên, công việc sẽ dễ dàng hơn nhiều khi chúng tôi nhìn riêng các trường hợp ngoài môi trường bệnh viện. Cũng cần nói rằng trong tiến trình nghiên cứu, chúng tôi chưa bao giờ thu phí với bất cứ ai, dù xem xét họ ở bệnh viện hay chỗ riêng tư. Nghiên cứu này được tài trợ từ các quỹ và những người bạn, bởi khi làm việc trong một lĩnh vực mới mẻ và không chính thống, điều tối quan trọng là duy trì được sự tự do khỏi sự kiểm soát bên ngoài cũng như ban đầu trong việc từ chối thu lợi về tài chính của một nghiên cứu.
Những cơ chế của nhận thức bằng nhãn thông
Có khá nhiều người có thể nhìn thấy các đường nét chung của thể dĩ thái vươn ra khoảng 5 cm ngoài thể vật lý, nhưng có rất ít người có khả năng nhận thấy các chi tiết của trường năng lượng thể dĩ thái và các trung tâm lực của nó.
Một số nhà ngoại cảm vận dụng các kĩ thuật khác nhau để tập trung nhận thức của họ. Ví dụ như Frances Farrelly, người có một loạt các khả năng thông linh, sử dụng một cơ chế mà bà gọi là “keo dính”. (Xem Chương XVI để có được cái nhìn sâu sắc hơn về những thành tựu của nhà ngoại cảm này). Khi bà chà ngón tay mình vào một mảnh gỗ hay nhựa trong khi vẫn tập trung vào câu hỏi bà đang tìm câu trả lời, bà nhận được một cảm giác bám dính nếu câu trả lời được khẳng định, nhưng sẽ không có gì thay đổi nếu nó chưa được chắc chắn. Bà đã dùng phương pháp như vậy khi dò tìm mạch trên bản đồ để xác định nước hay khoáng chất. Bởi vì câu trả lời chỉ có thể là có hoặc không, bà phải rất chính xác trong các câu hỏi trong đầu mình.
Cảm giác “bám dính” này được nâng lên tầm một “ngôn ngữ khoa học” được biết tới như là Phản ứng Kích Thích Số (DER) ở Viện nghiên cứu Stanford, một trung tâm nghiên cứu của Mỹ. Nó cho thấy rằng không có một công cụ được gọi là máy cảm xạ radionic nào sử dụng nguyên tắc “bám dính” như một phần trong cơ chế của chúng hoạt động nếu người điều khiển không có khả năng ngoại cảm ở mức độ cần thiết, và điều này giải thích tại sao việc sử dụng những công cụ như vậy trong chuẩn đoán ở Mỹ là phi pháp. Mối quan tâm chính của chúng tôi là tìm ra cơ chế tạo ra sự bám dính này. Được yêu cầu xem hiện tượng này, DVK đã thấy rằng có một sự tăng lên trong năng lượng dĩ thái ở các đầu ngón tay, nhưng những năng lượng này phát ra từ phân cảnh trí tuệ, vì nếu không có sự tập trung tư tưởng thì cảm giác bám dính này không xảy ra. Rõ ràng loại tri nhận ngoài giác quan này được kích hoạt bằng việc chà xát ngón tay trên một vật thể.
Những nhà thông nhãn như DVK, người có thể tri nhận các luân xa trong thể dĩ thái, tuy vậy lại sử dụng một cơ chế khá khác biệt. Ở họ, luân xa trán dĩ thái của họ cùng với luân xa đỉnh đầu tạo thành một cơ quan nhận biết năng lượng trí tuệ, cảm dục và dĩ thái. Thậm chí ngay cả trong số những người đã phát triển khả năng nhìn thấu thể dĩ thái, những khác biệt vẫn tồn tại trong mức độ rõ ràng, sắc nét và chi tiết trong hình ảnh của họ. Rất khó để tìm thấy một người có khả năng như DVK mà đồng thời sẵn lòng hợp tác cho việc nghiên cứu mất nhiều thời gian mà trong đó yêu cầu sự chú tâm cẩn thận và tường thuật tỉ mỉ như vậy. Nhà nhãn thông phải tập trung và liên tục tái tập trung để thuật lại những gì quan sát được. Việc này rất căng thẳng và ba giờ đồng hồ là thời gian tối đa một công việc như vậy có thể được hoàn thành hiệu quả mà không gây mệt mỏi.
Cơ chế nhận thức bằng thông nhãn gây bối rối cho cả những người thấu thị cũng như những nhà nghiên cứu. Việc sử dụng năng lực của họ là tự động với những người sở hữu nó nhưng nếu không có ngoại lệ thì họ đều thấy khó khăn khi phân tích, giống như một người có khả năng thị giác bình thường sẽ thấy không thể miêu tả cơ chế hoạt động của hình ảnh. Tuy nhiên, sự quan sát tiếp tục của các nhà nhãn thông trong quá trình sử dụng năng lực của mình đã cho ra một số thông tin thú vị.
Cách DVK “mở” khả năng thông nhãn
Khi SK quan sát DVK “mở” khả năng nhãn thông của mình, một sự thay đổi đột ngột trong biểu cảm của đôi mắt trở nên đáng chú ý. Biểu cảm của khuôn mặt gợi ý một sự rút vào bên trong của tâm thức. Nghiên cứu sâu hơn về hiện tượng này dẫn đến một kết quả thần kinh học thú vị. Con ngươi trong mắt của các nhà thông nhãn trở nên hơi giãn ra và cố định trong toàn thời gian họ sử dụng năng lực này. Nếu có tia sáng chiếu vào mắt họ, con ngươi sẽ không co lại theo cách thông thường.2. Nhưng khi nhà thông nhãn trở về tầm nhìn vật lý bình thường, đồng tử của họ ngay lập tức phản ứng với sự phản chiếu ánh sáng và co giãn một cách bình thường. Những nhà thấu thị không kiểm soát hiện tượng phản chiếu thần kinh và không ý thức về điều này. Trong thực tế, họ bất ngờ khi việc này được chỉ ra cho họ.
Tuy vật, trong lúc tập trung vào năng lực nhãn thông, những nhà thấu thị giữ được tâm thức tỉnh táo hoàn toàn. Qua kiểm tra, họ có thể miêu tả chính xác qua nhiều lần vị trí da của họ được chạm nhẹ bằng bông khi họ đang trong trạng thái nhãn thông.
Như đã giải thích, ban đầu những người bình thường được nghiên cứu để thiết lập cơ sở cho các quan sát của DVK về các trường năng lượng và trung tâm lực của chúng. Về sau, các trường hợp y khoa đã được tư liệu hoá được khảo sát. Khi sự đa dạng của bệnh tật tăng lên thì rất nhiều loại trường năng lượng nữa được miêu tả và phương pháp nghiên cứu ngày càng trở nên thực tiễn và thuần thục.
Để đưa ra một số vấn đề chúng tôi đã gặp phải, và những khó khăn mà nhà thần nhãn gặp trong khi phân tích sự nhận thức của chính mình, chúng tôi trích vào đây một thảo luận giữa DVK và SK.
SK: Bà thấy các bộ phận bên trong cơ thể như thế nào?
DVK: Tôi nghĩ tôi thấy hai hình mẫu, trong đó một là hình mẫu năng lượng. Nhìn lướt qua thì tôi có thể nói liệu có sự không hoà hợp trong khuôn mẫu này không, và nó cho tôi thấy nơi mà sự rối loạn hiện diện. Sau đó tôi nhìn vào vị trí rối loạn theo nhiều cách. Ví dụ, tôi có thể nhìn vào chi tiết luân xa liên hệ với khu vực đó. Nhưng khi khác tôi có thể chỉ nhìn vào khu vực bị rối loạn. Nếu tôi thấy một sự xáo trộn trong hình mẫu năng lượng thì tôi có thể, như đã từng, chuyển sự tập trung của mình và nhìn vào bản sao của các bộ phận vật lý trong thể dĩ thái. Bản sao này chính xác ra sao hay sự luận giải của tôi chính xác thế nào thì tôi không biết, nhưng tôi nghĩ tôi có thể phân biệt giữa những thứ tôi quen thuộc như máu và cơ bắp.
SK: Màu của máu có khác so với màu của nó ở thể dĩ thái không, cái mà bà thường thuật lại là có màu xanh xám là gì?
DVK: Cái đó là màu của tầng năng lượng dĩ thái. Nhưng khi tôi nhìn vào bộ phận như dạ dày theo cách mà tôi gọi là “lấy nét gần”, tôi thấy máu màu đỏ.
SK: Hãy lấy một mạch máu làm ví dụ. Bà thấy nó thế nào ở thể dĩ thái và có khác gì về mặt kiểu mẫu năng lượng không?
DVK: Kiểu mẫu năng lượng thì giống như các dòng điện nằm trong thể dĩ thái xanh xám, và nó cũng có một nhịp điệu. Nhưng một mạch máu thì trông như một cái cốc trong suốt hay ống nhựa, mà chất lỏng màu đỏ chảy qua đó.
SK: Nếu bà nhìn vào một mạch máu ở phía sau bàn tay tôi, trông nó như thế nào?
DVK: Nó trông như một con kênh chảy ngay dưới da, và có màu vàng nhạt trong suốt.
SK: Nếu bà nhìn vào tĩnh mạch của một người già, người có thể đã có những thay đổi trong mạch máu, thì sẽ khác chứ?
DVK: Mạch này thì không được chặt và chắc chắn lắm; nó có thể có bề rộng lớn hơn. Trương lực thì “đẫm nước” hơn và có thể có các phân tử nhỏ trên dòng chảy, cũng như một vài điểm tắc nghẽn. Phần chất liệu trông hơi có “chất gỗ”, tôi cho đó là cholesterol.
SK: Vật chất này có xoay tít không?
DVK: Không. Có cuộn xoáy ở tầng năng lượng nhưng tầng mà tôi đang nói đến là một bản sao của thế giới vật lý. Tập trung nhìn vào chi tiết thể dĩ thái khó hơn nhiều khi nhìn vào khía cạnh năng lượng bởi ở trường hợp sau bạn có thể có những đánh giá nhanh dựa trên bức tranh toàn cảnh, và những đánh giá này khá chính xác.
SK: Ở cấp độ dĩ thái nào máu đại diện cho, khi so sánh với cấp độ năng lượng nói chung?
DVK: Có lẽ là cấp thấp nhất của thể dĩ thái. Năng lượng thì ở một tầng cao hơn.
SK: Bà có thể mô tả một vết loét dạ dày trông thế nào không?
DVK: Ở phần mép dạ dày có máu. Chỗ loét tạo ra loại vật chất tác động đến cả chính dạ dày và phần máu chảy qua dạ dày. Đôi khi tôi có thể thấy nhiều máu rò rỉ vào một túi lớn của dạ dày, túi này về sau trông rất trầy xước ở xung quanh thành bao của nó.
Nguyên nhân các bệnh ung thư
SK: Bà nhìn nhận thế nào về nguyên nhân gây nên khối u?
DVK: Các khối u là kết quả của cảm xúc căng thẳng nhưng chúng còn phụ thuộc nhiều vào tính khí của mỗi cá nhân. Một người có thể căng thẳng cực độ nhưng không bị vấn đề gì về dạ dày cả; anh ta sẽ không bao giờ phát triển khối u. Lý thuyết của cá nhân tôi là một số người sinh ra với những khuynhhướng dĩ thái nhất định, ví dụ, như một điểm yếu ở tùng thái dương. Những cá nhân này sẽ cảm nhận mọi thứ một cách mạnh mẽ, nhưng anh ta có thể có gắng kìm nén những xúc cảm này và giữ được bình tĩnh. Kết quả là, anh ta gây ra áp lực trong hệ tiêu hoá và trở nên ngày càng căng thẳng; việc này khiến anh ta “thưa ra”, như cách nói thể dĩ thái, khiến anh ta không thể lấy thêm đủ năng lượng. Tôi đã từng thấy sự bắt đầu của một khối u khi nó còn trong giai đoạn phôi thai, và chứng kiến nó ngày một trở nên to hơn theo thời gian.
SK: Từ mô tả của bà, có vẻ là trước hết có một sự mất mát của sinh lực tại khu vực đó—có thể nói là một sự tẩy trắng, như thể là nó bị mất sinh lực.
DVK: Đúng thế; sự căng thẳng bắt đầu trước.
SK: Một khối u đang lành lại trông thế nào?
DVK: Màu sắc của máu trở lại bình thường và năng lượng tăng lên.
SK: Bà có thể thực sự thấy khối u nằm đâu không?
DVK: Tôi có thể thấy trạng thái bị u nhọt mà chưa đến giai đoạn xuất huyết bên trong. Các mạch máu trông lỏng lẻo và chúng dãn rộng ra ở khu vực khối u mới chớm.
Sau đoạn đối thoại trên, DVK được yêu cầu quan sát một số vật thể vô tri ở thể dĩ thái nhằm khám phá xem liệu cái chúng tôi gọi là vật không sự sống có sinh khí ở mức độ nào. Bà đã thực hiện vài lần quan sát pha lê và đã thấy chúng có một mức nhỏ năng lượng dĩ thái. Bà được đưa cho một miếng nhỏ nhựa thơm và yêu cầu so sánh nó với phal ê. Không biết được gì về thứ bà đang cầm trên tay, bà thuật lại như sau:
“Đây không phải là pha lê bởi nó không có đường và góc sắc cạnh của năng lượng xuyên qua nó. Nó dường như chắc chắn đang phát triển nhưng quá trình này giống như sự tái tạo của tế bào hơn là sự kết tinh của tinh thể. Sự phát triển này nằm ở trên bề mặt hơn là ở chính giữa; nó dường như lớn lên nhờ vào một thứ khác, và thu năng lượng từ nguồn đó. Về tổng thể, nó sống động hơn pha lê nhưng nó không sắc nét bằng. Khi tôi cầm miếng này trong tay, có nhiều phản ứng dĩ thái với nó hơn là với một viên pha lê, và sự tương tác này nổi bật khi ở trong lòng bàn tay hơn là trên ngón tay. Vật chất này cảm giác xốp hơn pha lê và khi phản ứng với hơi ấm từ tay tôi, nó dường như lấy nhiều năng lượng vào hơn là tuôn ra.”
Tiếp tục quan sát tinh thể pha lê, DVK được yêu cầu đánh giá một viên pha lê trắng hình trụ gởi tới chúng tôi từ Tiến sĩ Puthoff ở Đại học Stanford. Viên pha lê này đã được nạp bởi một số loại năng lượng, và Tiến sĩ Harold Puthoff muốn biết liệu hình mẫu năng lượng của viên pha lê này có bị biến đổi không. Đánh giá của DVK là trường năng lượng dĩ thái đã bị can thiệp và kết quả là khuôn mẫu năng lượng thông thường đã bị gãy nứt, cho nên dòng chảy năng lượng bị phá vỡ và chảy theo một hướng khác. Nó chảy như thể có gì đó được thực hiện dưới sức ép. Đánh giá này được coi là chính xác.
Theo DVK, có một sự tương tác lớn hơn nhiều giữa tinh thể, đá quý và năng lượng con người hơn mức mà hầu hết mọi người nhận thức. Cấu trúc tinh thể bằng cách nào đó có thể nhận, tập trung và giữ năng lượng dĩ thái trong khoảng thời gian dài, nhưng theo cách có thể sử dụng được và con người có thể dùng như một vật tập trung để gửi ra năng lượng chữa lành.
Những quan sát như vậy chỉ ra rằng không chỉ có trường dĩ thái liên quan đến vật chất sống mà cả những thực thể tự nhiên cũng có sức sống hay “sự sống” ở mức độ nào đó. Nghiên cứu này không đưa chúng tôi đi xa hơn theo hướng này nhưng đã cho thấy sự thật trong lời tuyên bố của V.A. Firsoff rằng “Chúng ta đến đây rất gần với ranh giới giữa sự sống và không sự sống, nếu như có một ranh giới nào như vậy. Đó có thể không là gì hơn là vấn đề định nghĩa.”