Luân xa và Các Trường Năng Lượng của Con người -8-

Bài này bao gồm ba chương cuối (15, 16, 17)  của quyển sách Luân xa và Các Trường Năng lượng của Con người do Mai Oanh dịch. Những quan sát bằng nhãn thông của bác sĩ SK và bà DVK phù hợp rất nhiều với những gì mà đức DK  dạy. Những ý kiến cuả bác sĩ SK và bà DVK về tham thiền, nguồn gốc của bệnh tật, việc “đóng và mở luân xa” sẽ vô cùng hữu ích cho các bạn đang bước vào đường đạo:

Có rất nhiều phương pháp tham thiền khác nhau để đi tới cùng một kết quả. Yếu tố quan trọng là sự đều đặn, vì nếu không có điều này thì hiệu quả lâu dài là không nhiều. Việc tập luyện thành thói quen sẽ tạo ra sự tự tin và thiết lập mối liên kết hài hòa giữa tất cả các cấp độ tâm thức mà chúng tôi đã mô tả. Nếu thực hành hàng ngày, tham thiền có thể làm thay đổi những thói quen tạo ra căng thẳng và có thể làm thay đổi rõ rệt tính cách và sức khoẻ cá nhân. Điều này được phản ánh trong các luân xa, vì nhịp điệu của chúng sẽ thay đổi và năng lượng mới sẽ chảy vào, do đó giúp phá vỡ các mô hình thói quen tiêu cực.

mặc dù có một số người tuyên bố một cách lố bịch rằng họ có thể “mở” hoặc “đóng” một luân xa – một tuyên bố hoàn toàn vô căn cứ. Hầu hết những người chữa bệnh đều không cố gắng tác động tới các luân xa, và may mắn thay điều này không hề dễ thực hiện, mặc dù nhiều người có thể tăng sinh lực của bệnh nhân, loại bỏ tắc nghẽn và giúp giảm đau, do đó tăng cường hiệu quả cho quá trình chữa bệnh.

Các bạn có thể download toàn bộ quyển sách (pdf) và các ebook dạng epub và azw3 trong mục Sách Tham Khảo

******************

5. Vai trò của Tâm Thức

XV. Tác động của những Thay đổi trong Tâm thức

Trong nghiên cứu mà bà DVK và tôi đã cùng tiến hành nhiều năm trước, sự nhấn mạnh đến các luân xa và ảnh hưởng của chúng đối với quá trình bệnh tật, và tâm thức ít khi được nhắc tới. Tuy nhiên cả hai chúng tôi đều nhận ra rằng tâm thức là một yếu tố cơ bản trong việc tự hiện thực hóa và chuyển đổi bản thân, và tất nhiên, điều này được phản ánh trong các luân xa. Những điều này thực sự làm thay đổi cách thức phản ứng với những đổi thay trong suy nghĩ và cảm xúc, cũng như trong cách thức hành động của chúng ta, và tiếp theo sẽ tác động tới quá trình lành bệnh.

Trong các chương tiếp theo, chúng tôi đã cố gắng mô tả tác động của cách thức chúng ta cảm nhận và suy nghĩ tới sức khoẻ của mình. Tất cả chúng ta đều là những sinh vật có ý thức, và sự lựa chọn và hành động của chúng ta bắt nguồn từ ý thức là một khía cạnh của bản chất con người, cho dù chúng ta có nhận thức được điều đó hay không.

Tham thiền và Sự Hình dung

Một trong những cách mà chúng ta nhận thức được bản chất nội tại của chúng ta là thông qua tham thiền. Tham thiền là một nỗ lực có ý thức để rút sự chú tâm của chúng ta khỏi những xao nhãng về thể chất và cảm xúc trước mắt diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của tất cả chúng ta và tập trung nó vào bên trong. Thông qua sự tập trung như vậy chúng ta đạt được một sự thống nhất với các bề đo cao hơn của bản thể, và điều này trở thành một nguồn sức mạnh to lớn và giúp tĩnh tại bình an.

Có rất nhiều phương pháp tham thiền khác nhau để đi tới cùng một kết quả. Yếu tố quan trọng là sự đều đặn, vì nếu không có điều này thì hiệu quả lâu dài là không nhiều. Việc tập luyện thành thói quen sẽ tạo ra sự tự tin và thiết lập mối liên kết hài hòa giữa tất cả các cấp độ tâm thức mà chúng tôi đã mô tả. Nếu thực hành hàng ngày, tham thiền có thể làm thay đổi những thói quen tạo ra căng thẳng và có thể làm thay đổi rõ rệt tính cách và sức khoẻ cá nhân. Điều này được phản ánh trong các luân xa, vì nhịp điệu của chúng sẽ thay đổi và năng lượng mới sẽ chảy vào, do đó giúp phá vỡ các mô hình thói quen tiêu cực. Các luân xa sẽ bắt đầu hoạt động cùng nhau trong mối quan hệ hài hòa, và điều này sẽ mang lại năng lượng bổ sung cho toàn hệ thống. Ngay cả khi mệt mỏi vào cuối ngày, sau khi ngồi thiền, người ta cũng cảm thấy không chỉ thư giãn mà còn tràn đầy sinh lực.

Trong nhiều trường hợp, tham thiền đem lại khả năng tự chủ, khiến một người cảm thấy có thể thay đổi những thói quen cũ. Chính nhờ vậy, tham thiền có thể giúp chúng ta vượt qua bệnh tật.

Một trong những quan sát cá nhân của bà DVK qua nhiều năm—trong thời gian đó bà đã tập trung sự chú ý của mình chủ yếu vào các hiệu quả chữa bệnh và ở mức độ thấp hơn đối với hoạt động của các luân xa—cho thấy tham thiền có tác dụng trị liệu. Cảm giác mình là một phần của một tổng thể lớn hơn giúp chúng ta thoát khỏi ảo tưởng chung rằng chúng ta là trung tâm của mọi thứ, và thoát khỏi những mối bận tâm về chính bản thân. Cảm nhận được tính tổng thể này cũng làm giảm xu hướng tập trung vào bệnh tật của chúng ta—một khuynh hướng chỉ làm tăng thêm quá trình bệnh. Thay vì đồng hoá bản thân chúng ta với căn bệnh của mình, chúng ta nhận thức được trạng thái tâm trí và khả năng của chúng ta làm thay đổi chúng.

Người ta đã phát hiện ra rằng khi tâm lý căng thẳng, toàn bộ cơ thể bị căng thẳng theo, và hệ thống thần kinh giao cảm được kích hoạt bởi ý nghĩ duy nhất là phải trốn chạy hoặc có vấn đề buộc phải giải quyết. Nhịp tim và hơi thở trở nên nhanh hơn, hooc môn adrenalin được sản sinh, và người đó có thể đổ mồ hôi. Khi tâm trí tưởng tượng ra việc đáng sợ, toàn bộ những điều có thể xảy ra trong cơ thể cho thấy rằng không có ranh giới giữa cơ thể vật lý với những suy nghĩ và cảm xúc; những gì chúng ta tưởng tượng có thể thực sự nguy hiểm với chúng ta.

Tương tự như vậy, tưởng tượng hoặc hình dung các hình ảnh hạnh phúc và bình an có tác dụng làm bình tĩnh. Việc hình dung chắc chắn rất hữu ích, vì nó giúp tăng cường sức mạnh tập trung. Ví dụ, nếu chúng ta lo lắng, chúng ta nên tập trung vào bất cứ điều gì cho chúng ta biểu tượng của sự bình an, và việc hình dung này không chỉ trong thời gian tham thiền mà nên trong cả ngày, bất cứ khi nào sự lo lắng bắt đầu xuất hiện trong ta. Nếu một biểu tượng có hiệu quả, nó chắc chắn phải có ý nghĩa đối với chúng ta. Do đó nên chọn một hình ảnh có mối liên kết với kinh nghiệm cá nhân của riêng mình.

Đối với bà DVK, một trong những biểu tượng hiệu quả nhất là hình ảnh một cái cây, bắt rễ sâu trong lòng đất, hướng tới mặt trời được để nuôi dưỡng phát triển, và vững vàng chống chọi với gió mưa thời tiết. Trong tất cả các nền văn hoá, mặt trời là biểu tượng của thực tại tinh thần, và thời tiết biểu thị cho những hoàn cảnh thay đổi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Do đó cái cây không chỉ có ý nghĩa cá nhân tức thời về mặt kinh nghiệm tự nhiên, mà còn là biểu tượng của khả năng “chống chọi” của mỗi người đối với các vấn đề phát sinh hàng ngày và mang ý nghĩa cao hơn —biểu trưng cho sức mạnh tinh thần vững vàng qua tất cả bão tố cuộc đời.

Khi hình dung, chúng ta đang sử dụng sức mạnh của luân xa trán, và các nhà nhãn thông có thể thấy rõ điều này,việc hình dung không chỉ làm tăng tốc độ quay của luân xa trán mà còn ảnh hưởng đến luân xa đỉnh đầu. Do đó việc thực hành hình dung các biểu tượng tích cực giúp thúc đẩy quá trình chữa bệnh, vì nó kích thích toàn bộ hệ thống và do đó mang lại tác dụng có lợi đối với sức khoẻ của chúng ta.

Năng lượng lớn nhất có thể được rút ra từ tầng cao nhất của tâm thức của chúng ta. Mỗi người có thể đánh thức những tầng tâm thức này trong mình thông qua cầu nguyện và thiền định, và thông qua các hành động từ bi chân thành. Lòng từ bi chân thật phá vỡ mọi hình thái lo lắng, thường là nguyên nhân của các bệnh tinh thần.

Tham thiền có thể dẫn đến một niềm tin xác quyết rằng chúng ta là toàn thể, bởi vì chúng ta là một phần của chính tổng thể vũ trụ. Khi chúng ta tập trung, sẽ không còn cảm giác bị mắc mớ trong những rối loạn xung quanh mình, và do đó chúng ta có thể trải nghiệm sự bình an thực sự. Điều này tạo ra một nền tảng nội tại cho sự ổn định có thể giữ cho chúng ta luôn thanh thản và cân bằng ngay cả khi đối mặt với những khó khăn của cuộc sống.

Một trường hợp rất được bà DVK quan tâm đã minh họa rõ ràng sự biến đổi tâm thức xảy ra tác động tới cả các luân xa và quá trình chữa bệnh. Đó là trường hợp một phụ nữ trẻ bị thấp khớp nặng, một người rất ít niềm tin vào bản thân và khả năng của chính mình. Vào thời điểm cô ấy đến gặp chúng tôi, hệ năng lượng của cô khá thấp, và điều này tất nhiên ảnh hưởng đến luân xa của cô. Không bao lâu sau, cô đã rất quan tâm đến tam thiền và quá trình chữa bệnh, và bắt đầu thực hành tham thiền thường xuyên.

Điều này tạo ra những chuyển biến to lớn trong sức khoẻ nói chung của cô, và hệ thống luân xa cũng phản ánh sự thay đổi này. Một số luân xa của cô đặc biệt đã chịu sự tác động, luân xa trán, trú xứ của tập trung, và luân xa đỉnh đầu, trú xứ của tâm thức và cửa ngõ của các dòng năng lượng cao hơn, bắt đầu vận hành hài hòa với nhau và với luân xa tim, tiếp theo chúng tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến hoạt động của luân xa tùng thái dương. Bằng cách thay đổi hữu ý các mô thức tư duy, cô đã chuyển dịch sự tập trung của mình từ luân xa tùng thái dương lên luân xa tim, và điều này đã làm thay đổi toàn bộ hệ thống.

Khi luân xa tim và luân xa đỉnh đầu cùng nhau vận hành hài hòa, nó tác động lên tuyến ức (thymus gland) và tăng cường hệ thống miễn dịch. Đồng thời với việc tự tạo ra những biến chuyển cho bản thân, bệnh nhân này còn nỗ lực giúp đỡ người khác chữa bệnh. Việc này đưa luồng năng lượng mới vào luân xa tim. Có một sự thay đổi dễ dàng nhận thấy trong nhịp điệu và sự chuyển động của ba luân xa trên cùng của cô.

Tất cả điều này đã thay đổi đáng kể cuộc đời cô. Trong một vài năm bệnh thấp khớp biến mất, và sự gắn kết các năng lực đã cho cô sự tự tin. Cô đã có thể đảm nhiệm một vị trí đầy trách nhiệm trong công việc phúc lợi quan trọng và nhiều khó khăn, điều này càng giúp cô tự nhìn nhận mình có khả năng giúp ích cho người khác và tăng cường quyết tâm của cô dẫn dắt cuộc đời với lòng từ bi.

Việc thực hành tham thiền đều đặn làm giảm căng thẳng cũng như tăng cường tập trung tâm trí vào một khái niệm cao cả hay phổ quát. Điều này mang tính giải thoát vì nó vượt lên trên những vấn đề và ham muốn của phàm ngã. Điều này làm thay đổi năng lượng trong luân xa đỉnh đầu và mở rộng tâm trí và trái tim đến những tầm mức cao hơn của tâm thức, giúp con người tràn ngập an lành, giảm căng thẳng về tâm lý, và do đó ảnh hưởng tích cực đến toàn bộ cơ thể.

Tri thức bậc cao

Kể từ thời thơ ấu, cô VPN đã nhận ra mình có khả năng nhìn thấy vật thể ở xa và giao tiếp được với các loài vật. Có một lần khi mới 7 tuổi, cô đã nhìn thấy một người bạn bị tai nạn tàu hỏa dẫn đến cái chết. Khi VPN vô cùng lo lắng kể cho mẹ, mô tả về thảm họa đau đớn này, cô bị mắng vì bị cho rằng đã tự nghĩ ra một câu chuyện khủng khiếp như vậy về người bạn sống cách xa cô hơn một trăm dặm. Nhưng sau đó vài ngày họ nhận được tin đứa trẻ bị tai nạn chết, và viễn ảnh của VPN đã được xác nhận là hoàn toàn chính xác. Khi ấy cô bé đã được một bài học và giữ kín những điều nhìn thấy không cho ai biết mãi đến sau mới thay đổi.

Bà DVK không biết gì về những kinh nghiệm siêu linh trong thời thơ ấu của VPN. Tuy nhiên, khi được yêu cầu nhận xét về các luân xa của cô, bà DVK đã mô tả những thay đổi trong luân xa đỉnh đầu và luân xa trán cũng như các tuyến tùng và tuyến yên, tất cả đều chỉ ra rằng cô VPN có khả năng thần giao cách cảm cũng như nhận thức tâm linh. Các chi tiết về trường hợp này được mô tả trong phần phụ lục, nhưng ở đây chúng ta lưu ý rằng những thay đổi quan sát thấy ở cả luân xa đỉnh đầu và luân xa trán đều có liên quan đặc biệt đến độ sáng, mức độ chuyển động, kích thước và độ đàn hồi, tất cả đều trên mức bình thường. Tuyến tùng hoạt động trên mức trung bình, được kích thích bởi luân xa đỉnh đầu, và kết nối chặt chẽ với luân xa trán.

Các luân xa cho thấy những dấu hiệu của các năng lực huyền bí và được khẳng định qua việc quan sát thể trí của cô, kích thước và độ sáng xác nhận khả năng thần giao cách cảm của cô và chỉ ra sự hiện diện của dòng chảy từ tâm thức bậc cao, điều này đã cho cô một loại “tri kiến” trực giác.

Bà DVK cũng chỉ ra các luân xa dĩ thái nào và các tuyến nội tiết tương ứng có vấn đề và có thể gây ra các vấn đề về thể chất trong tương lai. Hai mươi năm sau, cô VPN xuất hiện các triệu chứng khẳng định dự đoán này là hoàn toàn chính xác.

Những quan sát này cũng như nhiều nghiên cứu khác chỉ ra rằng các luân xa đều chịu ảnh hưởng của những suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta, và chúng là một phần của cơ chế kết nối cơ thể vật lý với các yếu tố tinh vi hơn trong bản thể mỗi người. Như vậy chúng là những yếu tố trong tiến trình phát triển tâm linh.

XVI. Động lực của Chữa lành

Bất kỳ nghiên cứu nào về tiến trình bệnh tật đều nhằm mục tiêu tăng cường hiểu biết của chúng ta về các yếu tố giúp chữa lành và phục hồi sức khỏe và hạnh phúc. Chữa bệnh theo ý nghĩa này không chỉ là chữa khỏi một bệnh cụ thể, mà còn mang ý nghĩa là phục hồi toàn bộ cơ thể, thông qua đó bệnh tật bị đẩy lui. Ngày nay, ngày càng có nhiều người công nhận rằng chữa bệnh theo nghĩa tái tạo là một quá trình tự diễn ra. Quá trình này có thể và thường phải được hỗ trợ y khoa để loại bỏ một số trở ngại trên con đường lành bệnh, nhưng phân tích rốt ráo cơ thể phải tự chữa lành.

Tuy nhiên, quá trình lành bệnh vẫn còn đầy bí ẩn. Làm thế nào sự thuyên giảm bệnh tật có thể xảy ra? Tại sao một số người mang bệnh nặng lại phục hồi hoàn toàn, trong khi một số khác lại không thể chống chọi với bệnh tật cho dù được điều trị chuyên sâu cẩn trọng nhất? Các cuộc nghiên cứu của chúng tôi dựa phần lớn trên những vấn đề được đặt ra này, vì chúng chỉ ra thực tế rằng các trường năng lượng và các luân xa đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khoẻ và sự phức tạp của hệ miễn dịch cũng như các hệ thống khác của cơ thể. Do đó các quan sát của chúng tôi có thể giúp ta hiểu cách thức và thời điểm tiến trình chữa lành diễn ra, và lý do đôi khi sự lành bệnh không thể xảy ra.

Người ta tìm thấy nguyên nhân của cả sức khỏe lẫn bệnh tật trong sự mầu nhiệm của bản chất con người. Ở phương Đông, người ta nói rằng chúng ta chỉ gặt hái thành quả của hành động trong quá khứ và hiện tại của chúng ta. Quá khứ không thể thay đổi, nhưng kết quả dù tốt hay xấu của nó vẫn còn với chúng ta. Tương lai không thể đoán định, nhưng hạt giống của nó nằm trong hiện tại—và với hiện tại chúng ta có thể tác động mỗi ngày. Tất cả những điều chúng ta làm, những gì chúng ta ăn và uống, điều chúng ta cảm nhận và suy nghĩ—những thói quen và hành vi—đều liên tục đóng góp vào những gì chúng ta đang có và chúng ta sẽ ra sao vào ngày mai. Nhưng bức tranh này không đóng khung cứng nhắc. Giống như mọi thứ khác trong thiên nhiên, cuộc sống con người là một quá trình năng động, và do đó chúng ta đều có khả năng thay đổi mô hình hành vi của mình, và nhờ đó thay đổi bản thân và tương lai của chúng ta.

Tất cả các quan sát mà bà DVK đã thực hiện chỉ ra rằng sức khoẻ và quá trình lành bệnh phụ thuộc vào dòng chảy năng lượng tự nhiên, hài hòa và thông suốt. Như đã mô tả trước đây, năng lượng này là một lực trường vũ trụ, và do đó luôn luôn hiện diện, nhưng dòng chảy của nó có thể bị hạn chế hoặc cản trở trong những điều kiện nhất định. Tương tự, dòng chảy của nó có thể được tăng cường và đây là nguyên tắc cơ bản của động lực chữa trị được thực hiện mà không cần sự can thiệp của y khoa, dù dưới tên gọi nào: chữa bệnh bằng tinh thần, đặt tay trị liệu, chữa bệnh tự nhiên hay bất kỳ tên nào khác. Một số yếu tố đóng góp cho sự chữa trị này đã được biết đến từ lâu; một số khác mang tính huyền bí hơn.

Ví dụ, bà DVK đã viếng thăm thành phố Varanasi (Benares) ở Ấn Độ, từ lâu đã được coi là thánh địa, nơi mỗi ngày có hàng ngàn người đến tắm trong dòng nước sạch sông Hằng để được thanh lọc bởi sức mạnh chữa bệnh của dòng sông. Bằng đôi mắt phàm tục, và dùng các quan niệm vệ sinh thông thường của phương Tây đánh giá, thành phố rất dơ bẩn và dòng sông bị ô nhiễm nặng nề bởi vô số người ốm, chết và được thả xuống dòng nước. Tuy nhiên, nhìn về phương diện dĩ thái nó cho thấy một hình ảnh hoàn toàn khác.

Thông thường, mọi dòng sông hoặc dòng nước lưu động đều có đối phần dĩ thái rất nhẹ trải dài khoảng ba inch trên bề mặt. Sông Hằng với các dòng chảy của nó không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, tại Varanasi, nơi những người hành hương ngâm mình vào dòng sông, bà DVK quan sát và mô tả “năng lượng dĩ thái hai tầng” trải rộng khoảng nửa dặm dọc hai bên bờ, nhưng không xa hơn về phía thượng lưu hay hạ nguồn. Dọc theo dãi dòng sông này có một luồng năng lượng dĩ thái đặc biệt kéo dài khoảng một inch dưới mặt nước. Ngoài ra, khoảng một dặm từ nơi này về phía thượng lưu có có một điểm tập trung năng lượng khác, có thể coi là xoáy năng lượng tinh thần chữa bệnh. (Những xoáy này xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới.)

Thật kỳ lạ nhưng sự thật là đã có rất nhiều trường hợp bệnh được chữa lành ở khu vực này của sông Hằng. Lời giải thích của bà DVK là, nhờ những điều kiện đặc biệt của dòng chảy nơi đây, khi bệnh nhân ngâm mình vào vùng sông này, người bệnh nhận được thêm nhiều năng lượng dĩ thái để hồi phục nhanh hơn.

Trị bệnh “Thần Kỳ”

Đôi khi có những người đặc biệt nhạy cảm có khả năng thu hút các nguồn lực chữa bệnh trong tự nhiên, để tập trung năng lượng và tăng cường hiệu quả chữa lành. Bà Kathryn Kuhlman (1907-1976) là một trong số đó. Công việc chữa bệnh của bà được thực hiện trong các buổi lễ tôn giáo với sự góp mặt của bảy ngàn người tham dự, do đó năng lượng được cộng hưởng cho quá trình chữa bệnh. Việc chữa bệnh của bà luôn tự nhiên và rất ấn tượng, và hiệu quả của các buổi chữa bệnh đã được các bác sĩ khẳng định nhiều lần. Trong chương trình truyền hình hàng tuần, bà trình bày các trường hợp bệnh nhân đã được chữa lành, có kèm theo các báo cáo y khoa xác minh kết quả, hoặc có các bác sĩ trực tiếp xác nhận.

Chúng tôi đã tham dự hai buổi lễ chữa bệnh của Kathryn Kuhlman vào tháng 5 năm 1970 và tháng 1 năm 1974. Cả hai lần quy trình đều diễn ra giống nhau. Các buổi lễ kéo dài từ 1giờ đến 5giờ chiều, và chúng tôi đến sớm trước một giờ để bà DVK có thể quan sát bà Kuhlman cả trước và trong suốt quá trình chữa bệnh.

Tại cả hai buổi lễ này, có nhạc organ và một dàn hợp xướng gồm hơn hai trăm người hát thánh ca. Theo quan điểm của bà DVK, nhịp điệu và sức mạnh của âm nhạc đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho việc chữa bệnh, bằng cách xây dựng một hình tư tưởng mạnh mẽ bao phủ toàn bộ hội trường và thống nhất năng lượng của hàng ngàn người hiện diện.

Đã thành quy luật, Kathryn Kuhlman lên sân khấu một giờ trước khi buổi lễ bắt đầu và tham gia vào dàn hợp xướng. Ở đây, bà DVK quan sát thấy các trường dĩ thái và cảm dục của người chữa bệnh rất sáng và chúng có khả năng mở rộng đặc biệt lớn để bao phủ một diện rộng. Các luân xa của Kuhlman sáng và chuyển động nhanh, và toàn bộ hệ thống luân xa, bao gồm cả luân xa cảm dục và thể trí, rất đồng bộ và tích hợp hài hòa. Trong suốt buổi lễ, sự nhạy cảm của bà luôn ở mức rất cao.

Trong suốt buổi lễ chữa bệnh, bà DVK lưu ý rằng khi tiếng đàn organ vang lên, những dải màu sắc cầu vồng bắt đầu bao phủ toàn bộ hội trường, và những màu sắc này được tái tạo dưới hình thức âm nhạc do đàn organ tạo ra, đây là một yếu tố quan trọng trong toàn bộ buổi lễ. Những dải màu kết hợp với nhau tạo ra dòng ánh sáng và sắc màu rực rỡ, tập trung vào hoặc phát ra từ nơi Kathryn Kuhlman đứng.

Quan sát các luân xa của người chữa bệnh, bà DVK nhận thấy rằng luân xa tùng thái dương, luân xa trán và luân xa đỉnh đầu là mạnh nhất, và rằng có một trạng thái hòa hợp gần như hoàn hảo giữa các luân xa dĩ thái và cảm dục. Không hề có sự tắc nghẽn ở bất cứ đâu. Khi bà Kuhlman cầu nguyện, bà đã hòa nhịp với sức mạnh tinh thần to lớn mà bà gọi là Thiên Chúa, và bà đã tập trung và trở thành kênh dẫn truyền năng lượng.

Khi buổi lễ diễn tiến, nguồn lực được tạo ra bởi những người cầu nguyện và hát thánh ca hợp nhất trong mối liên hệ với các nguồn lực chữa bệnh. Với sự thống nhất của đông đảo người tham dự, bà Kuhlman thu giữ một phần năng lượng dĩ thái của tập thể, tạo nên một sức mạnh to lớn. Nguồn năng lượng này gồm cả dĩ thái và cảm dục. Khi bắt đầu nói về Chúa Thánh Thần, bà trở nên được nạp năng lượng rất mạnh mẽ, và tất cả các dẫn thể của bà (thể hiện qua hào quang) bắt đầu giãn ra và mở rộng. Lúc này bà giống như một máy phát điện vĩ đại, hay một cột thu lôi thu hút các nguồn lực cao hơn. Khi bà bắt đầu nói chuyện với niềm tin sâu sắc, khuôn mặt bà trở nên nhợt nhạt, và bà DVK tin rằng bà Kuhlman không thực sự ý thức về những gì đang diễn ra, mặc dù bà biết rằng bà được một thế lực cao cả sử dụng như một kênh dẫn. Bà nhắc lại nhiều lần rằng bản thân bà không phải là người chữa bệnh mà thực chất là Chúa Thánh Thần, và bà chỉ là phương tiện.

Một trong những khía cạnh thú vị nhất của việc chữa bệnh của bà Kuhlman là khi bắt đầu bà không biết ai sẽ được chữa lành và không thể chọn người để giúp đỡ. Trong suốt quá trình chữa bệnh, bà sẽ nhận được thông tin, hoặc là thông qua cảm giác hoặc qua khả năng “nghe được”, hoặc qua một sự hòa hợp về cảm xúc với người bệnh được chữa lành vào thời điểm đó. Trong hội trường, bà sẽ chỉ ra người bệnh đang được chữa lành và xác định phần cơ thể bị bệnh của người đó, chẳng hạn như xương sống hoặc phổi. Ít khi bà đề cập đến bệnh cụ thể, mặc dù đôi khi bà có nhắc tới “ung thư”.

Khi được chữa, bệnh nhân cảm thấy một luồng năng lượng mạnh mẽ đi qua cơ thể mình, mà nhiều người mô tả là “tia chớp”, đến từ một mức độ tinh thần sâu sắc thông qua các trường cảm xúc và dĩ thái. Luân xa tùng thái dương và luân xa đỉnh đầu là hai luân xa chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Cảm giác “tia chớp” xuất hiện khi hai luân xa này và sau đó là tất cả các luân xa khác được tăng tốc.

Việc tăng tốc này diễn ra nhờ tác động của các nguồn lực cấp cao. Nó ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của cơ thể, ngay lập tức giúp tạo ra một mức độ cân bằng hợp lý và trạng thái này duy trì tới sau khi kết thúc buổi lễ. Các bệnh nhân luôn cảm thấy một sức nóng to lớn đi qua cơ thể mình, đến mức đôi khi những người ngồi bên cạnh họ cũng cảm nhận được rõ ràng.

Theo bà DVK, chính sự tăng tốc đột ngột của hệ thống luân xa ngăn chặn quá trình bệnh. Những người đến chữa được yêu cầu vứt bỏ gậy và nạng, đi lên sân khấu để kiểm tra những gì đã xảy ra. Kathryn Kuhlman sẽ chạm các ngón tay vào trán người bệnh, và ảnh hưởng của cái chạm mạnh mẽ tới mức nó thường khiến bệnh nhân ngã lùi. Bà gọi đây là “tiêu diệt bởi sức mạnh.” Sự ban phước lành này có tác dụng vô cùng to lớn. Thông qua đó, bệnh nhân được nạp thêm năng lượng, giúp “khóa” năng lượng chữa bệnh vào hệ thống của mỗi người để nó tiếp tục phát huy tác dụng trong cơ thể họ một thời gian. Năng lượng từ bàn tay của Kuhlman mạnh mẽ đến nỗi nó không chỉ làm ngã người đang được chữa bệnh mà còn cả một số người đứng gần, mọi người ngả rạp giống như dây chuyền domino vậy.

Kathryn Kuhlman chắc chắn là một người chữa bệnh độc nhất vô nhị, với khả năng khai thác năng lượng tinh thần của sức mạnh vĩ đại. Một trong những bí ẩn của việc chữa bệnh của bà là bản thân bà không có quyền kiểm soát bệnh nhân nào sẽ được chọn để chữa bệnh. Bà DVK cho rằng nghiệp quả của từng bệnh nhân sẽ quyết định ai sẽ được chữa lành. Chắc chắn điều này không có liên quan gì đến niềm tin vào năng lực của Kuhlman hay việc là một thành viên của đức tin Công Giáo, vì đã có rất nhiều người hoài nghi hoặc thậm chí không tin nhưng đã được chữa lành.

Tuy nhiên, bà DVK vẫn suy nghĩ về một câu hỏi là liệu trải nghiệm được chữa lành có làm thay đổi một người về lâu dài và liệu nó có làm cho người ta nhạy cảm hơn với nhu cầu của người khác hay không. Bà đã có cơ hội quan sát một bệnh nhân bị thấp khớp đã được Kuhlman chữa lành năm trước, và nhận thấy rằng một đường dẫn nhỏ đã được tạo ra giữa thể cao hơn hay tinh thần và thể cảm xúc của người đó. Dường như năng lượng chữa lành đã xâm nhập vào thể dĩ thái, và điều này đã gây ra một sự thay đổi thực sự và lâu dài trong cơ thể. Năng lượng tinh thần đã tạo ra những chuyển đổi các mô hình cảm xúc, và điều này có thể tạo ra một sự thay đổi bền vững trong thể cảm dục. Đối với bệnh nhân, kinh nghiệm chữa lành này là một trong những niềm vui to lớn, và kết quả là nhiều người trong số họ đã bớt lạnh lùng và trở nên cởi mở hơn trong mối quan hệ với mọi người xung quanh.

Người chữa lành là Người truyền dẫn Năng lượng Dĩ thái

Trên khắp thế giới, ở mọi nơi chúng ta đều có thể tìm thấy các học viên sử dụng bàn tay mình để chữa bệnh. Họ có thể là các thầy thuốc, mục sư, bác sĩ chỉnh hình, y tá hoặc giáo dân. Nhiều người trong số đó khám phá ra khả năng của mình một cách vô tình và một số người lúc đầu không thể tin rằng không phải ai cũng có những năng lực này.

Loại chữa bệnh này, thường được gọi là chữa bệnh bằng từ điện trong quá khứ, hiện nay bao gồm phương thức được gọi là Liệu pháp Sờ tay Lành bệnh (Therapeutic Touch). Ở mỗi người có những điểm khác biệt nhưng tất cả những người thực hành phương pháp này nói rằng họ cảm thấy một số cảm giác bất thường trong bàn tay. Phổ biến nhất là cảm giác nóng, thay đổi tùy theo nhu cầu của bệnh nhân. Nó có thể đi kèm với các cảm giác khác, đồng thời hoặc nối tiếp nhau: rung động trong lòng bàn tay, cảm giác mát lạnh, cảm giác bị co rút hoặc co thắt, cảm giác râm ran giống như kim châm, cảm giác đau nhói, lách tách trong lòng bàn tay, cảm giác có một khối nổi lên trong bàn tay, thậm chí cảm giác rất đau đớn ở bàn tay hay cánh tay. Một số cho biết rằng bàn tay của họ bị hút vào vị trí mà họ cảm nhận là nguyên nhân gây ra các vấn đề, chứ không phải là khu vực mà bệnh nhân đau đớn. Hầu hết những người chữa bệnh đều cảm nhận được dòng chảy năng lượng khi nó diễn ra và khi nó ngừng.

Mặt khác, hầu hết các bệnh nhân đều cảm thấy thư giãn và dễ chịu khi họ được điều trị theo phương pháp này. Một số người mô tả có cảm giác nóng chung toàn cơ thể hay nóng cục bộ một vị trí nào đó khi được chữa. Đôi khi có thể có thấy nhói buốt, hay những cơn đau dội lên, cảm giác ngứa ran, bắt đầu từ nơi bị bệnh và lan ra tay chân; điều này được cảm nhận như cảm giác bị bỏng, bị kim châm, lan tỏa như nước từ trong khe chảy ra, hoặc đơn thuần là cảm giác áp lực.

Thái độ của bệnh nhân đối với việc chữa bệnh không ảnh hưởng đến hiệu quả của tiến trình. Như đã đề cập ở trên, một số người tham dự các buổi chữa bệnh của Kathryn Kuhlman chỉ đến vì tò mò và được chữa lành mà không mong cầu hay chờ đợi điều này. Mong muốn của người chữa bệnh cũng không thể giúp kiểm soát quá trình chữa bệnh.

Thời gian điều trị thay đổi tùy theo nhu cầu và khả năng đáp ứng của bệnh nhân, và điều này được truyền qua tay đến nhận thức của người chữa bệnh. Mỗi lần chữa bệnh có thể kéo dài vài phút tới nửa giờ. Cơn đau có thể giảm xuống ngay lập tức, nhưng các triệu chứng có thể tái phát trong vài giờ hoặc vài ngày, và do đó việc điều trị thường phải được lặp lại nhiều lần. Đôi khi triệu chứng trở nên trầm trọng tạm thời trong vài giờ hoặc vài ngày trước khi việc chữa bệnh đạt hiệu quả cuối cùng.

Một số người chữa bệnh dường như có một “bộ điều nhiệt tự động” có khả năng làm ngưng dòng chảy năng lượng dĩ thái vào thời điểm thích hợp. Trong những trường hợp như vậy hiếm khi có nguy cơ bệnh nhân bị quá tải năng lượng. Tuy nhiên, khi người chữa bệnh quá nhiệt tình và không quan tâm đến những tín hiệu bên trong của họ, họ có thể truyền quá nhiều năng lượng vào một bệnh nhân gây ra cảm giác đau đớn và thậm chí gây hại cho người bệnh.

Từ những thông tin trên, người đọc có thể tổng kết rằng chữa bệnh có rất nhiều hình thức khác nhau và mang lại những hiệu quả cũng rất không đồng đều, vì nhiều yếu tố không xác định, cả từ phía bệnh nhân lẫn quá trình chữa bệnh. Hầu hết những người chữa bệnh sử dụng phương pháp Đặt tay trị liệu (Therapeutic Touch) hoặc các phương pháp tương tự đều giúp tăng cường dòng chảy năng lượng ở bệnh nhân và loại bỏ tắc nghẽn. Điều này có thể có hoặc không đủ để tiến trình chữa bệnh xảy ra ngay tức khắc ở bệnh nhân, và do vậy nó thường đạt được hiệu quả sau một thời gian dài. Việc chữa bệnh được thực hiện bởi người có năng khiếu tự nhiên, hoặc diễn ra dưới những tình huống dường như “kỳ diệu” rất ấn tượng ở chỗ hiệu quả được cảm nhận ngay lập tức và kết quả là lâu dài.

Quan sát các nhà trị liệu khác

Frances Farrelly (giờ đây có thể tiết lộ nhân thân cô vì bản thân cô đã tiết lộ danh tính mình) là nhà ngoại cảm được gọi là Kay trong cuốn sách Breakthrough to Creativity của SK. Cô có nhiều khả năng tâm linh, trong đó một số phát triển cao hơn hẳn những người khác. Cô rất nhạy cảm, và có thể cảm nhận trạng thái thể chất hoặc xúc cảm của một người. Chính cô là người đầu tiên thu hút sự chú ý của SK vào cái mà chúng ta gọi là “saper”, tức là người thu hút năng lượng dĩ thái hay cảm dục của người khác và do đó làm họ bị yếu đi. Cô là người chữa lành bằng năng lượng rất giỏi, nhưng không thể kiểm soát kết quả chữa bệnh. Đôi khi cô là một nhà tâm tâm giỏi, nhưng năng lực thực sự của cô là cảm nhận về nước, khoáng chất, di vật khảo cổ, vật hoặc người mất tích. Cô cũng có thể kiểm soát được sự giãn nở hoặc co lại của thể dĩ thái của mình.

Từ thời thơ ấu, FF đã nhận thức được sự hiện diện của các tinh linh, nhưng khả năng nhãn thông của cô còn hạn chế và bất thường. Cô không thể nhìn thấy các luân xa. Đôi khi cô nhìn thấy và có thể tác động tới các vật ở xa, và đã có một vài kinh nghiệm tiên đoán xuất sắc. Cô hoàn toàn khách quan trong nghiên cứu của mình, linh hoạt trong các ý tưởng, có tính hài hước, và luôn luôn sẵn sàng khám phá những ý tưởng mới trong công cuộc tìm kiếm chân lý.

Khi nghiên cứu công việc của người chữa bệnh, người ta phải quan sát khi họ đang làm việc. Tại một trong rất nhiều thực nghiệm chúng tôi cùng thực hiện, FF tuyên bố rằng khi bắt đầu chữa bệnh, hai bàn tay của cô nóng lên, và khi kết thúc nhiệt sẽ tự động trở lại bình thường. Chúng tôi yêu cầu bà DVK quan sát những gì xảy ra trong quá trình này. Bệnh nhân đang bị nhiễm trùng hô hấp trên và đau họng. FF đã được yêu cầu chữa bệnh cho cô ấy, và cô cùng bệnh nhân ngồi cách xa bà DVK và SK khoảng mười lăm feet. Việc hồi phục bắt đầu sau vài phút FF đặt tay phải lên cổ họng của bệnh nhân. Bà DVK quan sát thấy người chữa bệnh tạo ra một luồng năng lượng dĩ thái từ đầu đến tay cô, sau đó cô truyền năng lượng từ tay qua vùng cổ họng của bệnh nhân. Bàn tay phải nhạy cảm hơn tay trái. Người thông nhãn quan sát thấy sức nóng ở hai bàn tay của người chữa bệnh có màu đỏ cam phát ra từ các đầu ngón tay.

Trong thực nghiệm này, nhiệt độ cảm nhận được bởi FF đã được bà DVK quan sát vài phút trước khi nó trở nên rõ ràng với người chữa bệnh hoặc bệnh nhân. (Các quan sát của bà DVK đã được ghi nhận hoàn toàn bí mật, cả bệnh nhân và người chữa bệnh đều không biết lúc bà quan sát.) Màu đỏ cam chỉ ra rằng năng lượng đang chảy mạnh; Khi nó biến đổi thành màu vàng năng lượng giảm đi.

Chúng tôi đã kiểm chứng lời tuyên bố của FF rằng cô ấy có thể nạp hay tháo hết năng lượng dĩ thái của một người. Cô ngồi đối diện với đối tượng thực hiện, và bà DVK và SK ngồi cách đó mười lăm feet. FF nhìn tập trung vào đôi mắt của đối tượng, và trong một vài phút bà DVK cho biết rằng cô ấy đang kéo năng lượng ra ngoài. Bà DVK sau đó yêu cầu FF đảo ngược quá trình và nạp năng lượng dĩ thái cho đối tượng, và cô đã thực hiện thành công. Sau một vài lần lặp lại thực nghiệm, chúng tôi kết luận rằng FF hoàn toàn có khả năng tiếp năng lượng hoặc rút năng lượng. Sau đó chúng tôi nghiên cứu những người “bị hút sinh lực” cảm dục và năng lượng thể trí cũng như dĩ thái.

Khả năng tự chữa bệnh của người có khả năng rất khác nhau, và ngay cả những người chữa bệnh nổi tiếng nhất đều đã chết vì các nguyên nhân tự nhiên. Tuy nhiên, đôi khi họ có khả năng tự chữa bệnh. Khoảng hai mươi nhăm năm trước, FF đã đề cập một bệnh với SK và bà đã quan sát thấy một khối u trong đại tràng rất có thể là ung thư. Điều này đã được xác nhận bởi bà DVK, người nhìn thấy sự tắc nghẽn trong dòng chảy năng lượng tại khu vực này. FF đã được giới thiệu đến bác sĩ, và được chẩn đoán là có khối u ác tính đang phát triển, yêu cầu phải phẫu thuật.

Tuy nhiên, cô FF tin rằng căn bệnh của cô ấy có phần nguyên nhân liên quan tới cảm xúc, và cô quyết định rằng tự giải quyết vấn đề này trước khi tiến hành bất cứ liệu pháp nào khác. Cô đã dành hai tới ba năm thiền định và thẳng thắn đối mặt với những vấn đề tình cảm của mình. Bệnh ung thư rút lui, khối u bắt đầu giảm, và cô ấy đã duy trì sức khỏe ổn định trong hai mươi hai năm qua. Mặc dù chắc chắn phương pháp này không được khuyến cáo sử dụng cho mọi người, nhưng FF đã có thể tự chữa lành bằng cách thay đổi mô hình cảm xúc của cô. (Chúng tôi đã được phép báo cáo trường hợp này).

Một số người chữa bệnh khác đã được bà DVK quan sát tại nơi làm việc. Nói chung, trường dĩ thái của họ có xu hướng sáng hơn và đôi khi lớn hơn mức trung bình. Các luân xa cũng có độ sáng và đàn hồi khác thường. Những đặc điểm này có vẻ phổ biến ở người có năng lực chữa bệnh, mặc dù phương pháp cụ thể có những khác nhau đáng kể. Trong một số trường hợp, các luân xa trán và luân xa cuống họng dường như lớn hơn trung bình. (Hồ sơ của ba người chữa bệnh sẽ được mô tả trong phần phụ lục.)

Trường hợp Colonel Estabany

Colonel Oskar Estabany phát hiện ra năng lực chữa bệnh của mình trong một tình huống bất thường nhất. Là một sĩ quan trong đội kỵ binh Hungary, ông rất gắn bó với con ngựa của mình. Con vật gặp tai nạn bị gãy chân, và thông thường, với tai nạn này, con vật khó tránh được cái chết, nên người ta quyết định phải giết nó luôn. Đại úy Estabany bước vào khu chuồng, nơi con ngựa nằm để chào tạm biệt, và anh bắt đầu nhẹ nhàng xoa tay lên chỗ chân bị thương. Sau một lúc, con ngựa bắt đầu nhúc nhắc, đứng lên và cuối cùng đã có thể bước đi. Điều này dường như là một điều quá kỳ lạ, không thể xảy ra với một con ngựa bị gãy chân. Người ta đã kiểm tra lại kỹ càng và thấy chân nó thực sự đã lành trở lại.

Sau kinh nghiệm này, đại tá Estabany đã thử thực hành chữa bệnh cho người, và thấy rằng ông cũng có thể giúp họ. Về sau ông di cư đến Canada, nơi khả năng chữa bệnh của ông được đánh giá lần đầu tiên bởi Tiến sĩ Bernard Grad của Đại học McGill, và sau đó bởi Sơ Justa Smith ở Buffalo, New York. Tiến sĩ Grad báo cáo rằng Đại tá Estabany có thể chữa lành các vết bỏng ở chuột nhanh hơn nhiều so với thời gian thông thường. Ông cũng tăng tốc độ tăng trưởng của hạt giống bằng cách tưới hạt giống bằng nước ông đã giữ trong tay trong nửa giờ.

Các thực nghiệm với Đại tá Estabany do Sơ Justa Smith tiến hành đã được báo cáo rộng rãi và trở nên nổi tiếng. Bà đã yêu cầu ông khôi phục lại hoạt động của một enzyme (trypsinogen) đã bị phá vỡ, và ông đã thành công, mặc dù các nghiên cứu sâu hơn được thực hiện bởi Sơ Justa cho thấy rất ít người chữa bệnh có thể lặp lại kết quả của này. Điều này đặt ra câu hỏi liệu một số người chữa bệnh có hiệu quả cao trong việc điều trị một số loại bệnh nào đó hơn những người khác vì các yếu tố trong trường dĩ thái và cảm dục của họ hay không. Nếu những yếu tố này có thể được xác định, người chữa bệnh có thể chuyên sâu chữa trị một số bệnh theo khả năng của họ.

Sau này, bà DVK cộng tác với Đại tá Estabany trong việc chữa bệnh của ông và đã có thể quan sát sự trao đổi năng lượng diễn ra như thế nào. Từ đó, bà nhận ra rằng những người khác có thể học cách tạo ra những kết quả có lợi tương tự thông qua sự can thiệp tâm thức, mặc dù họ có thể không phải là những người chữa bệnh tự nhiên như Đại tá Estabany. Điều này dẫn đến sự phát triển của phương pháp chữa bệnh được gọi là liệu pháp Đặt tay chữa lành (Therapeutic Touch), trong đó bác sĩ Dolores Krieger và bà DVK phối hợp chặt chẽ cùng nhau.

Như vậy, mặc dù nghiên cứu về người chữa bệnh và quá trình chữa bệnh mới chỉ đạt được một phần sơ khởi so với mục đích ban đầu của cuốn sách này, có thể nói rằng các nghiên cứu của chúng tôi đã hỗ trợ trong việc mở rộng phạm vi chữa bệnh cho các học viên y tế. Kể từ thời điểm chúng tôi làm nghiên cứu này, bà DVK đã liên tục theo đuổi nghiên cứu về trường dĩ thái và các luân xa, và đã áp dụng kiến thức của mình để phát triển các kỹ thuật tinh vi hơn cho Liệu pháp Đặt tay chữa lành. Điều này đã giúp một số lượng lớn người bệnh. Các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng năng lượng dĩ thái, đối tượng nghiên cứu của chúng tôi, đóng vai trò thực sự quan trọng đối với sức khoẻ và bệnh tật và có thể loại bỏ sự tắc nghẽn của dòng năng lượng này bằng cách can thiệp có ý thức. Do đó, đã có một số kết quả thực tế của nghiên cứu đi xa hơn những gì chúng tôi có thể nghĩ tới vào thời điểm đó.

XVII. Hướng về Tương lai

Phần 1 của Shafica Karagulla

Trong cuốn sách này, chúng tôi đã cung cấp dữ liệu thu được bằng quan sát nhãn thông giúp đưa chúng ta đi một bước xa hơn trong việc làm sáng tỏ vấn đề phức tạp về sức khoẻ và tính toàn thể của con người. Cho dù tài liệu của chúng tôi có được chấp nhận hay không, ít nhất cũng nên đưa ra các câu hỏi quan trọng để nghiên cứu trong tương lai. Theo quan điểm của chúng tôi, vấn đề quan trọng nhất liên quan đến bản chất của cái mà chúng ta gọi là năng lượng dĩ thái, cơ chế điều chỉnh sự tái tạo và làm cạn kiệt (các luân xa) và cách thức ảnh hưởng của chúng tới chức năng vật lý và việc duy trì sức khoẻ.

Ngay cả khi các tiên đề của chúng tôi vẫn chưa được công nhận bởi y khoa chính thống, chúng ngày càng vững mạnh hơn vì người ta ngày càng thừa nhận rằng các hệ thống vật lý trong cơ thể được điều chỉnh bởi các quá trình tinh tế đến mức “phi vật lý” theo nghĩa thông thường của từ này. Giả thuyết của chúng ta về các trường năng lượng khác còn tinh vi hơn những gì được đo đạc hiện tại, nhưng tác động của chúng đến thế giới vật lý hoàn toàn phù hợp với kiến thức đương đại; Quan niệm rằng những năng lượng tinh tế này có liên quan đến các trạng thái tâm thức khác nhau còn mang tính cách mạng hơn nữa, nhưng không phải là không tương thích với quan niệm của các nhà khoa học cho rằng tâm trí luôn đi đôi với vật chất.

Nhìn về tương lai, chúng ta có thể kết luận gì từ các công trình mà bà DVK và tôi đã làm cùng nhau? Trước khi xác định điều gì là quan trọng nhất, cần phải thừa nhận rằng một số dữ liệu của chúng tôi không mang tính kết luận. Dù biết vậy, chúng tôi vẫn trình bày chúng, với hy vọng có thể thúc đẩy độc giả và các nhà nghiên cứu khác suy nghĩ về sức khỏe và bệnh tật theo những hướng mới. Một điểm cần được đề cập là chúng tôi không phải lúc nào cũng hoàn toàn đồng ý trong quan điểm. Ví dụ, chúng tôi có cách nhìn nhận khác nhau về vai trò và tầm quan trọng của một số Luân xa. Tôi đã chọn hướng nghiên cứu tập trung chủ yếu vào cơ chế của các luân xa, trong khi đó đối với bà DVK mối quan hệ giữa trường năng lượng và các luân xa được coi là quan trọng nhất cho việc chẩn đoán. Tuy nhiên, dù có một số khác biệt trong ưu tiên nghiên cứu, chúng tôi luôn làm việc cùng nhau vô cùng ăn ý.

The first significant observation we made was that a dissonance—that is, a disease process—may exist for many years on the etheric, astral or mental levels before it manifests physically. DVK would point out the areas of weakness, and her observations were confirmed in those cases which we were able to follow up over a period of time.

Quan sát quan trọng đầu tiên của chúng tôi là sự bất hòa—tức là quá trình bệnh tật—có thể tồn tại trong nhiều năm ở mức độ dĩ thái, cảm dục hoặc thể trí trước khi nó biểu hiện trên cơ thể vật lý. Bà DVK sẽ chỉ ra những điểm yếu, và các quan sát của bà đã được khẳng định trong những trường hợp mà chúng tôi có thể theo dõi trong một khoảng thời gian.

Điểm quan trọng thứ hai là sự cắt bỏ một tuyến nội tiết bị bệnh, chẳng hạn như tuyến giáp, không đồng thời chữa được những bất thường tại luân xa. Điều này dẫn tới một kết luận rằng, để có hiệu quả chữa bệnh tối ưu, chúng ta phải khám phá ra làm thế nào để điều trị các vấn đề diễn ra tại luân xa. Thách thức này đòi hỏi một cách tiếp cận hai bước: Thứ nhất, nhà nghiên cứu phải thừa nhận rằng vấn đề có nguồn gốc sâu xa (dù có hay không xác định được luân xa cụ thể), và thứ hai, phải tìm ra cách để chữa những bất ổn đó. Cho đến nay, chưa từng có ai bắt tay vào khám phá cách chữa trị các luân xa dĩ thái, mặc dù có một số người tuyên bố một cách lố bịch rằng họ có thể “mở” hoặc “đóng” một luân xa – một tuyên bố hoàn toàn vô căn cứ. Hầu hết những người chữa bệnh đều không cố gắng tác động tới các luân xa, và may mắn thay điều này không hề dễ thực hiện, mặc dù nhiều người có thể tăng sinh lực của bệnh nhân, loại bỏ tắc nghẽn và giúp giảm đau, do đó tăng cường hiệu quả cho quá trình chữa bệnh.

Thứ ba, cần nhấn mạnh rằng chúng ta không thể xác định được phần nào của cơ thể sẽ bị ảnh hưởng bởi hoạt động bất ổn một luân xa cụ thể. Ví dụ, nếu luân xa cuống họng bị ảnh hưởng, chúng ta không thể biết liệu nó có gây ra bệnh về tuyến giáp, phổi hay ngực.

Thứ tư, các quan sát của bà DVK cho chúng ta những đầu mối về bản chất của tri giác bậc cao và khả năng phát triển của nó. Hiện nay người ta rất quan tâm tới lĩnh vực này, và đã có nhiều người tuyên bố họ có năng lực ở những mức độ khác nhau. Tuy nhiên, việc kiểm chứng các tuyên bố này thực tế không tồn tại. Như công trình của chúng tôi chứng minh, khá dễ dàng đưa ra các phương pháp nghiên cứu để chứng minh hoặc bác bỏ tính xác thực của năng lực tri giác bậc cao của bất kỳ người nào.

Vấn đề phát triển các năng lực này khó khăn hơn nhiều. Bà DVK đã xác định được một số điều kiện, nhưng còn rất nhiều điều chưa được biết. Trên thực tế, có nhiều mối nguy hiểm trong lĩnh vực này, như trong bất kỳ lĩnh vực khoa học nào chưa được hiểu biết đầy đủ. Theo quan điểm của chúng tôi, nghiên cứu về nhãn thông nên thuộc phạm trù khoa học, vì lĩnh vực nghiên cứu này bao gồm các loại năng lượng và ảnh hưởng của chúng đến các trạng thái thể xác và do đó cần phải nghiên cứu với mức độ kiểm soát và quan tâm như bất kỳ dự án khoa học nào. Tương tự như trường hợp Bà Curie bị bỏng nặng do sự thiếu hiểu biết về phóng xạ, người khai phá những lĩnh vực mới mẻ của tâm thức và năng lượng tự đặt mình vào vòng nguy hiểm trừ khi y hoàn toàn quen thuộc với những gì được biết đến nay.

Các câu hỏi khác nảy sinh, không phải phần lớn từ nghiên cứu của chúng tôi mà từ những khái niệm về con người tạo nên ngữ cảnh của nó. Ví dụ, dựa trên giả thuyết rằng phàm ngã con người là tổng hòa ba yếu tố, liệu tính ba ngôi này có phản ánh trên mức độ thể chất? Cơ thể vật lý tự nó bao gồm một bộ ba gồm ba loại tế bào phát sinh sau khi kết hợp trứng với tinh trùng, gọi là phôi bao gồm lớp nội bì (endoderm), lớp trung gian (middle layer) và lớp vỏ ngoài (ectoderm). Các tuyến nội tiết khác nhau có thể phát sinh từ bất kỳ một trong ba lớp phôi thích hợp, dó là là tuyến giáp phát triển từ nội bì, các tuyến sinh dục từ lớp trung gian, tuyến yên từ lớp vỏ ngoài. Tôi thường tự hỏi vai trò của ba loại tế bào cơ bản này có đóng vai trò gì, không chỉ trong việc gây ra bệnh tật, mà còn trong phương pháp điều trị để chữa bệnh. Trong tương lai chúng ta có thể nghiên cứu loại cấu trúc tế bào mà từ đó bệnh phát sinh, chứ không chỉ đơn thuần là các triệu chứng của nó.

Một khái niệm quan trọng xuất hiện trong các nghiên cứu của chúng tôi, và đã được khẳng định từ lần này đến lần khác, là sự bất hoà. Chúng ta đã nói về hệ thống hài hòa của các Luân Xa. Ý tưởng rằng có một hình thái quan hệ hài hòa không chỉ tồn tại trong các luân xa mà cả trong toàn thể thiên nhiên mang ý nghĩa gần như vô hạn. Nó hướng tới một vũ trụ với các quy luật dựa trên nguyên lý toán học và âm nhạc chứ không đơn thuần là cơ học. Khi chúng ta áp dụng chúng vào việc nghiên cứu con người, chúng ta nhận thức rằng sức khoẻ là một quá trình hài hoà các tương tác và mối liên hệ mật thiết giữa các cấp độ cơ thể, cảm xúc, tâm trí và tinh thần cùng nhau tạo thành sinh vật đó là con người.

Các yếu tố góp phần tạo ra sự hài hòa nội tại là gì? Khái niệm phàm ngã hay bản thể bao gồm ba thể, ngụ ý rằng mỗi thể là không thể thiếu, và sự rối loạn ở bất kỳ cấp độ nào cũng sẽ dẫn đến suy giảm thể chất hay gây ra bệnh tật. Nhưng ngay cả khi không có rối loạn, nếu một trong những thể này bất hài hòa và cân bằng với thể còn lại, hậu quả sẽ hiển thị rõ ràng. Vì vậy, một trạng thái sức khoẻ tốt có nghĩa là ba thể này không những phải hoạt động trơn tru ở cấp độ của chúng mà còn phải kết hợp hài hòa với nhau và với cơ thể vật lý. Như vậy, chúng ta có thể nhắc tới bệnh tật như là một trạng thái “bất hòa hợp/lạc nhịp”, như Pythagoras đã nói. Áp dụng ý tưởng này vào hệ thống luân xa, nếu một luân xa hoạt động quá tải, trong khi luân xa khác kém hoạt động, sự cân bằng hài hòa sẽ bị xáo trộn, và toàn bộ hệ thống sẽ trở nên “không đồng nhất”.

Một khái niệm khác mà nghiên cứu của chúng tôi đã nhấn mạnh là bệnh chỉ xảy ra trong ba thể của phàm ngã, và rằng y học toàn diện phải gắn kết về mặt kỹ thuật với “tổng thể cá nhân”. Bản thể hay linh hồn của con người vẫn còn nguyên vẹn ngay cả khi cơ thể bị bệnh, và chữa lành được thực hiện khi sự toàn vẹn được tái lập ở tất cả các cấp. Đây là một khái niệm mang tính cách mạng đòi hỏi sự thay đổi đáng kể trong nhận thức của chúng ta về sức khoẻ và về vai trò của y học.

Chúng tôi tin rằng cách tiếp cận điều trị trong tương lai sẽ bỏ qua sự phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc và hóa chất, hướng tới việc sử dụng các kỹ thuật tinh vi hơn để thu hút nguồn lực của bệnh nhân. Một số biện pháp đã được thực hiện nhằm điều chỉnh cơ thể và đưa các mô não vào sự kiểm soát của tâm thức. Một khi y học hoàn toàn chấp nhận tiềm năng tự thay đổi của con người, nhiều kỹ thuật mới chắc chắn sẽ phát triển.

Một số kỹ thuật sẽ hướng đến việc thiết lập các mô hình tinh thần và tình cảm lành mạnh, giống như ngày nay những thói quen ăn kiêng và tập thể dục được chú trọng nhằm ngăn ngừa bệnh tật trong tương lai. Những thái độ giúp tăng cường sức khoẻ là gì? Chúng ta biết rất nhiều về những tổn hại cho cơ thể do căng thẳng, cảm giác sợ hãi, lo lắng và oán giận gây ra. Liệu chúng ta có nên mở rộng ý tưởng về y học dự phòng bao gồm sự phát triển có ý thức những cảm xúc tích cực như tình yêu thương và sự cảm thông, những điều tạo ra sự bình an và hòa hợp nội tại hay không? Liệu những vấn đề xã hội nghiêm trọng như nghiện ma túy có thể được tiếp cận từ quan điểm nỗ lực tái thiết lập trạng thái cân bằng và toàn vẹn của bệnh nhân hay không?

Người đọc chắc chắn sẽ đồng ý rằng các nghiên cứu của chúng tôi mở ra nhiều câu hỏi hơn là giải đáp các vấn đề. Nhưng khả năng đặt câu hỏi đúng là chìa khóa để nghiên cứu thành công. Nếu vấn đề thách thức nhất đối mặt với chúng ta ngày hôm nay là chính bản thân nhân loại, thì chúng ta cần phải mạnh dạn tìm kiếm mọi đầu mối, ngay cả theo những hướng đi mà chúng ta đã từng bị đóng cửa – đôi khi bởi sự thiếu hiểu biết, hay bởi thành kiến của mình.

Bước đi tiếp theo sẽ thuộc về tương lai.

Phần Hai viết bởi Dora Van Gelder Kunz

Để khép lại vấn đề mà tôi tham gia nghiên cứu cùng Bác sĩ Karagulla, tôi nên tổng hợp những vấn đề được coi là kết quả nghiên cứu, theo những hiểu biết mà tôi có được từ hai mươi năm làm công việc chữa bệnh mà tôi thực hiện sau này. Trong thời gian này, tôi đã có quan điểm khác đi về luân xa và các chức năng của chúng, nhưng tôi không thể tích hợp quá nhiều ý tưởng vào một cuốn sách, vì cuốn sách này chủ yếu liên quan đến công việc mà tôi đã làm với Bác sĩ Karagulla.

Bác sĩ Karagulla quan tâm chủ yếu đến hiện tượng quan sát được bằng nhãn thông thuần túy, và sự tương quan của những dữ liệu này với những chẩn đoán y khoa. Tôi buộc phải nói rằng đây chưa bao giờ là mối quan tâm hàng đầu của tôi, mà khi đó và ngay cả về sau tôi chủ trọng tới việc chữa lành và tái lập sức khỏe và sự trọn vẹn cho người bệnh. Vì vậy, tôi đã có một thời gian gắn bó với việc giảng dạy và thực hành Liệu pháp Đặt tay chữa lành như một kỹ thuật chữa bệnh có thể tiếp cận được với các chuyên gia y tế, đặc biệt bằng cách đóng góp những quan sát của tôi về người bệnh và làm thế nào để quá trình chữa bệnh có thể được tăng cường.

Luân Xa là các trung tâm năng lượng luôn luôn có mối liên hệ với nhau, và sự thay đổi trong các mô hình năng lượng diễn ra là một quá trình liên tục. Do đó chữa bệnh được phản ánh trong sự thay đổi của nhịp điệu và những yếu tố cơ bản khác tại các luân xa này.

Tham thiền và hình dung, nếu được thực hiện thường xuyên và kết hợp với việc thay đổi hành vi, có thể tạo ra những thay đổi trong các cấu trúc luân xa, và điều này được phản ánh trong sức khoẻ và thể lực của người đó. Do đó có thể quan sát được sự chuyển đổi thực sự. Một người biết về vai trò của luân xa như các trung tâm năng lượng hay không thì cũng không có tạo ra khác biệt gì.

Hiện nay, ngày càng có nhiều người quan tâm tới các luân xa. Trong vài năm gần đây, một số cuốn sách đã được xuất bản về chủ đề này, một số trong số đó được các bác sĩ trình bày, bao gồm thông tin về các luân xa trong các cuộc điều tra về sức khoẻ nói chung. Trong tương lai, tôi tin rằng mối quan tâm này sẽ càng sâu sắc và hệ thống luân xa có thể trở thành một chủ đề cho nghiên cứu y khoa.

Về phần mình, hiện tôi đang tham gia viết một cuốn sách mà tôi hy vọng sẽ mô tả chi tiết hơn các thuộc tính của thế giới cảm dục và vai trò quan trọng của các luân xa trong quá trình chữa bệnh. Nghiên cứu mà bác sĩ Karagulla đã dành rất nhiều thời gian và tâm sức chắc chắn sẽ là một tài liệu giới thiệu hữu ích cho các nghiên cứu trong tương lai, trong đó tôi mong rằng sẽ có nhiều bác sĩ tham gia hơn nữa.

 

 

Leave Comment