Vì sao cần viết nhật ký tâm linh?

Ở trường Morya, các học viên được khuyến khích duy trì viết nhật ký tâm linh hàng ngày. Cũng như yêu cầu phúc trình hàng tháng, học viên cần viết ra các câu trả lời các câu hỏi bằng hiểu biết của chính mình, chứ không copy ở đâu đó. Điều này tuân theo huấn thị của Chân sư DK cho các đệ tử của Ngài cách nay gần 100 năm mang ý nghĩa huyền linh sâu xa.

Trong bài này, trích dẫn từ sách Chân sư DK sẽ giải thích các ý nghĩa của yêu cầu đó. Các bạn sẽ hiểu việc viết ra khi học hỏi huyền môn này có tầm quan trọng thế nào trong việc rèn luyện trên đường đạo:

– Những gì môn sinh suy ngẫm và viết ra sẽ trở thành tài sản riêng và còn mãi của y

– Viết lách là một phương pháp học hỏi, tiếp thu và thể hiện những giá trị tinh thần

– Viết lách có thể làm ổn định kiến thức, hoàn chỉnh sự hiểu biết của môn sinh

– Viết lách là một hoạt động sáng tạo, tiền đề cho việc kiến tạo đường antahkarana

– Thực hành viết ra sau khi tham thiền cuối cùng có thể gợi lên trực giác nơi môn sinh

– Viết lách là một hành động phụng sự

– Viết lách giúp có được niềm vui, sự mặc khải và giải thoát đối với một số đệ tử

———————-

Mỗi vấn đề tôi đã đề cập đến đều có thể viết thành một thiên khảo luận dày, nên tôi không có ý định nói đủ mọi điều mà chỉ vạch ra vài khía cạnh của vấn đề (nếu được suy ngẫm cẩn thận) sẽ mở ra cho người tìm chân lý nhiệt thành nhiều con đường để mở mang hiểu biết. Mọi sự huấn luyện huyền môn đều nhắm làm việc này, – là cho người môn sinh một tư tưởng gốc nào đó (nếu được nghiền ngẫm trong sự yên lặng của tâm hồn) sẽ cho y [115] nhiều thành quả thật có giá trị, mà y có thể thực sự xem là của chính mình. Những gì chúng ta đạt được do phấn đấu và nỗ lực thì mãi mãi vẫn còn là của chúng ta, và không thể nào bị quên lãng như những tư tưởng ta đọc trong sách hay những lời giảng dạy của một vị huấn sư, dù Ngài có được tôn kính đến đâu. (Thư về tham thiền huyền môn – LOM115)

Theo quan điểm của tất cả các nhận xét trên, tôi sẽ yêu cầu em viết—trong năm tới—ba bài luận ngắn. Trong bài đầu tiên, em sẽ đưa ra bảy định nghĩa ngắn gọn về tình thương–không phải về tình cảm, cảm xúc hay cảm giác, mà là tình thương của linh hồn hay tình thương trong tim. [Trang 536] Hãy làm cho ba trong số những định nghĩa này thực tế và bốn trong số đó trừu tượng và nội môn. Điều này sẽ không dễ dàng, và chính sự phân biệt này sẽ khiến em khó khăn. Sau đó, viết một bài luận ngắn về tình thương khi nó tự thể hiện qua tình cảm. Ý tôi là tình thương của linh hồn khi nó tự định nghĩa về mặt cảm dục và sử dụng thể cảm dục làm phương tiện biểu đạt. Cuối cùng, hãy viết một bài luận khác về biểu hiện trí tuệ của tình thương. Nhiệm vụ này sẽ cần tới nhiều kiến ​​thức tâm lý và huyền linh học; tuy nhiên, em có đủ khả năng để thực hiện nhiệm vụ, và những sự phân biệt và diễn giải này rất cần thiết đối với những người chí nguyện ngày nay và các đệ tử ở khắp nơi, những người đang vật lộn với việc áp dụng các chân lý huyền bí vào thực tế; em có thể giúp đỡ nhiều bằng cách suy nghĩ rõ ràng về chủ đề này và do đó giải thích rõ ràng. Các ý tưởng trở thành tài sản cá nhân khi em nghĩ về chúng và viết chúng ra, và đây là cách tuyệt vời nhất để em học hỏi, tiếp thu và thể hiện. (Đường Đạo trong Kỷ Nguyên Mới – DINAII 536)

Tôi khuyến nghị em hãy cẩn thận duy trì cuốn nhật ký tinh thần của mình. Khi viết vào đó hàng ngày, em hãy viết ra với sự ghi nhớ rằng khả năng diễn đạt những tư tưởng tinh thần của em phải được sử dụng để giúp đỡ người khác.

[Dịch giả Nguyễn Hữu Kiệt – Đường Đạo Trong Kỷ Nguyên Mới]

Chư môn đệ sẽ thấy hữu ích mà giữ một quyển nhật ký về sự sinh hoạt tâm linh. Đây không phải là một quyển nhật ký thường và sẽ không ghi chép những sự việc thuộc về phàm ngã. Trong quyển nhật ký này, chư môn đệ hãy ghi những điều sau đây:

1) Mọi kinh nghiệm tâm linh có thể đến với mình, chẳng hạn như tiếp xúc với một Sự Hiện Diện nào đó, hoặc là chính linh hồn mình, Đấng Thiên Thần hiện diện, hoặc tiếp xúc với một đệ tử, và sau hết—khi mà đời sống, việc làm và kỷ luật của Chư môn đệ đã đến mức khả quan—tiếp xúc với một vị Chân Sư. Hãy ghi chép một cách vô tư, giữ một thái độ khoa học và luôn luôn tìm một giải thích thực tế trước khi chấp nhận một sự giải thích tâm linh. Một tinh thần khoa học sẽ có giá trị thật sự đối với một đạo sinh sơ cơ và giúp cho y thoát khỏi những cạm bẫy của ảo tưởng thế giới và thông linh bậc thấp.

2) Mọi sự giác ngộ có thể đến với mình, làm sáng tỏ một vấn đề khó khăn và chỉ đường lối cho chư môn đệ hoặc toàn nhóm phải noi theo. Mọi linh cảm—được xác nhận bởi lý trí—đưa chư môn đệ tới sự hiểu biết và khêu gợi sự minh triết của linh hồn, và được ghi nhận bởi bộ não, thông qua thể trí.

3) Mọi động tác viễn cảm xảy ra giữa chư môn đệ với các bạn đồng môn. Động tác này phải được chăm sóc vun bón, nhưng nó phải được kiểm đi kiểm lại cẩn thận nhiều lần và giữ cho được tuyệt đối chính xác. Như thế chúng ta sẽ có được tinh thần xiễn dương chân lý, vốn là nguyên tắc cai quản mọi phương pháp chuyển đi bằng viễn cảm khi nó được tổ chức một cách hoàn bị và đúng đắn.

4) Mọi hiện tượng có tính cách thần bí và tinh thần cũng phải được ghi nhận. Việc nhìn thấy ánh sáng trong đầu được xếp vào loại này. Ghi nhận sự chói rạng, sự tăng trưởng và lu mờ của nó; sự nghe được Tiếng Nói của Im Lặng, là tiếng nói của linh hồn nhưng không phải là của tiềm thức; thâu nhận những thông điệp của linh hồn hay của những đệ tử khác và những Người Phụng Sự thế gian, những sự mở rộng tâm thức, đưa chư môn đệ bước vào đời sống hữu thức của Thượng Đế biểu lộ qua mọi hình hài sắc tướng, và sự nghe được âm điệu (“note”) của vạn vật. Việc nghiên cứu cẩn thận phần thứ ba của quyển Yoga Sutra của Patanjali sẽ chỉ loại hiện tượng nào cần ghi chép trong quyển nhật ký này.

5) Mọi kinh nghiệm thuộc loại tâm linh ngoài những loại kể trên. Những loại được nêu thuộc về loại thông linh bậc cao và liên quan đến những khả năng thông linh bậc cao như sự nhận thức tinh thần , hiểu biết do trực giác, viễn cảm trí tuệ (không phải viễn cảm căn cứ trên hoạt động của luân xa thái dương).

Những kinh nghiệm thông linh bậc thấp cũng có thể được ghi nhận dù dễ chịu hay khó chịu. Tuy nhiên, khi đã ghi nhận xong, hãy bỏ qua vì chúng không có gì quan trọng.

Có thể nhiều ngày tháng trôi qua mà không có gì đáng ghi nhận. Điều này không nên làm cho Chư môn đệ thắc mắc, băn khoăn. Sự nhạy cảm của bộ máy của linh hồn đối với những rung động tinh thần phải được vun bón, tập luyện, và sự nhạy cảm đang có đối với những ấn tượng thông linh bậc thấp phải được loại trừ. Có nhiều tiếng nói kêu gào đòi hỏi được chú ý, rất nhiều ấn tượng xuất phát từ những hình thể thuộc cõi hồng trần và cõi trung giới xung quanh ta, ghi sâu vào tâm thức chúng ta đến nỗi những rung động và âm thanh đến từ cõi giới tinh thần nội tại bị mất đi, không được tiếp thu và ghi nhận.

Sau độ vài năm Chư môn đệ sẽ thấy thích thú mà nhận thấy sự dị biệt giữa những điều đã ghi vào nhật ký và sự phát triển khả năng nhạy cảm đối với loại ấn tượng tốt lành. Điều này chỉ có thể thực hiện sau một thời gian khá lâu, sau khi đã nhận ra và loại trừ nhiều loại ảo giác thuộc cõi trung giớ, những tuyên bố và các hình tư tưởng giả mạo (Đường Đạo trong Kỷ Nguyên Mới – DINAI14-15)

Việc kiến tạo đường antahkarana chỉ trở nên thực sự có thể khi sự sống sáng tạo của người chí nguyện chuyển từ luân xa xương cùng lên luân xa cổ họng và trở thành hiện thực và biểu lộ. (Trị liệu huyền môn – EH153)

Luân xa cổ họng là cơ quan đặc biệt của LINH TỪ sáng tạo.

Nó ghi lại ý định hoặc mục đích sáng tạo của linh hồn, được truyền đến nó bằng dòng năng lượng đi vào từ luân xa ajna; nhờ đó sự hợp nhất của hai năng lượng được thực hiện, sẽ dẫn đến một số loại hoạt động sáng tạo. (Trị liệu huyền môn – EH154)

Đọc là bao bọc các ý tưởng bằng hình thể và liên quan đến bước đầu tiên trong tiến trình sáng tạo, trong đó Thượng đế, chịu sự chi phối và thúc đẩy bởi một ý tưởng (thể hiện mục đích và kế hoạch của Ngài), Ngài đã chuyển đổi ý tưởng này thành chất liệu cần có và bao bọc nó bằng ngoại hình cần thiết. Việc viết tượng trưng cho phương pháp thực hiện tiến trình này nhưng có những hàm nghĩa cá nhân hơn rất nhiều. Việc đọc chính yếu có liên quan đến một loại ý tưởng trong vỏ bọc hình thể. Trong khi đó điều khá lạ lùng là việc viết lại liên quan đến mối liên hệ hữu thức giữa người này với các ý tưởng. Việc dùng ngôn từ để viết là mức độ mà người này có thể thấu đáo được các ý tưởng phổ quát nói trên. Môn số học (và khả năng cộng, trừ, nhân) cũng có liên quan đến tiến trình sáng tạo và việc tạo nên những hình thể ở cõi trần đủ để trình bày và thể hiện ý tưởng này. (Giáo dục trong Kỷ Nguyên Mới – ENA15)

3. Giữ thể trí trong ánh sáng, sau đó em sẽ viết ra ý nghĩ đầu tiên (bất kể đó là gì) đi vào thể trí đang chờ đợi liên quan đến chủ đề thiền định của em. Khả năng làm điều này sẽ phát triển cùng với sự thực hành, và cuối cùng sẽ gợi lên trực giác và do đó làm phong phú thể trí của em. (Đường Đạo trong Kỷ Nguyên Mới – DINAII-145)

Ngoài ra, để làm sáng tỏ thể trí của em về mối liên hệ này, tôi sẽ yêu cầu em tìm kiếm tất cả những gì tôi có thể đã nói về sự chỉnh hợp trong các cuốn sách khác nhau của tôi. Em sẽ viết tất cả chúng ra và sau đó, sau khi nghiên cứu kỹ về chúng, em sẽ viết một bài luận về bản chất của sự chỉnh hợp thực sự. Bằng cách này, em sẽ làm ổn định kiến thức của chính mình và phụng sự các bạn đồng môn đệ tử bằng cách mang đến cho ký ức của họ tất cả những gì tôi có thể đã nói ở dạng thống nhất. Huynh đệ của tôi, em hãy viết ra từng đoạn một cách đầy đủ, tập hợp chúng từ nhiều cuốn sách khác nhau và trình bày chúng theo trình tự lớp lang sao cho phần hướng dẫn đơn giản hơn lên đầu và phần khó hiểu hơn xuống dưới cùng. (Đường Đạo trong Kỷ Nguyên Mới –DINAI-174)

1. Hôm nay tôi bắt gặp những sự vật, thái độ và lời nói mỹ lệ nào? Ghi lại những điều này và cũng ghi lại phản ứng của em đối với chúng khi được nhận ra—một buổi hoàng hôn rực rỡ sắc màu; một khuôn mặt hoặc vẻ ngoài gợi nhớ; một đoạn trong một cuốn sách soi sáng thể trí của em. Viết tất cả ra để chia sẻ nó với các đồng môn đệ tử của em. Ví dụ, hãy viết đoạn văn thu hút sự chú ý của em hoặc những lời nói mang lại ánh sáng cho em. Săn lùng sự mỹ lệ mỗi ngày và ghi lại nó. (Đường Đạo trong Kỷ Nguyên Mới – DINAI-482)

Tôi đã quyết định rằng con đường giải thoát cho em sẽ đến trong việc viết nhật ký hàng ngày, nó sẽ thể hiện một số lực giải thoát nhất định và có thể—nếu được thực hiện một cách chân thành và tận tâm—mang lại cho em nhiều điều và cuối cùng mang đến cho các đồng môn đệ tử của em một điều gì đó đầy mỹ lệ và niềm vui. Tôi không hão huyền hay lạc quan quá mức, tôi cũng không yêu cầu em thực hiện điều gì đó sẽ đưa em chìm sâu hơn vào ảo lực của sự phù phiếm. Tôi đang gợi ý một điều gì đó sẽ khiến cuộc sống của em tràn đầy sức sống, sự thể hiện và khiến em trở nên rạng rỡ.

Cuốn nhật ký này sẽ tiết lộ cho em biết em thiếu điều gì; nó sẽ rèn luyện cho em những nhận thức bên ngoài và bên trong mà em rất cần; nó sẽ nâng em ra khỏi chính mình và sẽ mang đến cho em sự mặc khải, niềm vui và một chân trời mở rộng. (Đường Đạo trong Kỷ Nguyên Mới –DINAI483)

Tôi muốn thúc giục em một điều: Hãy hết sức siêng năng tuân theo việc ghi nhật ký mà tôi đã đề cập đến trong hướng dẫn [Trang 484] cuối cùng của tôi. Tôi không thay đổi công việc của em tại thời điểm này. Tôi chỉ cố gắng nhấn mạnh với em bốn điểm cần lưu ý trong nhật ký của em. Duy trì nó đầy đủ chi tiết hơn nữa; nó không chỉ rèn luyện em trong việc nhận ra những điều cốt yếu của đời sống tinh thần mà còn trong việc diễn đạt chúng bằng lời nói. Điều này sẽ mang lại cho em nhiều giải thoát.

Tôi viết thư cho em ngày hôm nay để kêu gọi em đến việc phụng sự lớn thêm. Bây giờ em đã sẵn sàng để phụng sự hơn bất cứ lúc nào khác trong cuộc đời của mình. Tôi nghĩ rằng tôi có thể nói bằng sự thật rằng (lần đầu tiên kể từ khi em nhập thế) em có thể cho đồng loại của mình một thứ gì đó để mở ra cánh cửa cho họ. Quá trình thanh lọc thể cảm dục của em đã diễn ra nhanh chóng. Nhật ký của em chỉ ra điều này. Việc duy trì cuốn nhật ký đó phụng sự, và sẽ tiếp tục phụng sự, một mục đích hữu ích nhất. Do đó, hãy tiếp tục với nó trong năm tới, vì nó sẽ có xu hướng làm ổn định trong em điều mà chúng ta đã vật lộn để khám phá và phát triển trong nhiều năm khó khăn. Tôi tin rằng giờ đây bản thân em sẽ nhận ra sự minh triết trong gợi ý của tôi và rằng, thông qua nhật ký tâm linh của em, “màu sắc” và chất lượng thực sự của cuộc sống em sẽ xuất hiện một cách có ý nghĩa. (Đường Đạo trong Kỷ Nguyên Mới – DINAI-484)

Liên quan đến công việc mà em nên làm bây giờ, tôi muốn nói: Hãy bỏ mọi tham thiền mà em có thể đang thực hiện bây giờ và tập trung vào bốn quy tắc này. Học cách biết linh hồn như là sự thuần khiết, như là sự chí phúc, như là tình thương và như là quyền năng trong phụng sự. Đừng suy ngẫm về các nhu cầu của phàm ngã hoặc về những thiếu sót và khiếm khuyết của nó. Em cần tầm nhìn thần bí hơn nhiều so với phương pháp huyền bí ngay lúc này. Việc ghi nhật ký tâm linh thực sự quan trọng đối với em. Hãy học cách giữ bốn quy tắc này và ghi nhận mỗi ngày việc thực hiện hoặc không thực hiện chúng với sự phân tích cẩn thận. Trong một vài tháng, em sẽ có thể ghi nhận sự thay đổi nhất định và sau đó có thể bắt đầu tham thiền theo những đường lối huyền bí. Học cách thể hiện bản thân khá đầy đủ trong nhật ký của mình, vì em cần tìm một lối thoát theo cách này. (Đường Đạo trong Kỷ Nguyên Mới –DINAI-472)

Tôi đưa ra một gợi ý thiết thực nhằm tăng khả năng diễn đạt của em: hãy Viết nhiều hơn. Trao đổi thư từ nhiều hơn với những người khác và viết ra giấy những suy nghĩ và ý tưởng của em trong chừng mực chúng có thể phụng sự người khác. Em cần một lĩnh vực diễn đạt rộng lớn hơn và nhật ký tâm linh của em có thể giúp ích cho em rất nhiều nếu em cố gắng sử dụng nó hết mức mỗi ngày. Tôi khuyên em không nên viết ra những tư tưởng bệnh hoạn, những ý tưởng và nguyện vọng lấy mình làm trung tâm. Tuy nhiên, tôi khuyến khích em ghi lại bằng văn bản những ý tưởng thoáng qua, lời dạy được cảm nhận lờ mờ và những trực giác được gửi đến em từ linh hồn của em hoặc những thứ bao quanh em như một phần của hào quang nhóm. Hãy suy ngẫm về điều này và làm việc để tăng khả năng đáp ứng của em đối với những ý tưởng tâm linh và ghi lại những ý tưởng đó bằng lời…. (Đường Đạo trong Kỷ Nguyên Mới –DINAI-476)

Em đã có tuổi với một sự ổn định về thể trí, điều này sẽ giúp em an toàn và có lợi nếu em tìm kiếm – dưới sự giám sát của tôi – một mức độ khai mở thông linh. Nhưng theo hướng đó, chúng ta sẽ tiến hành từ từ, huynh đệ của tôi; trong sáu tháng tới, chúng ta sẽ chỉ đơn giản thực hành phương pháp của một “sự rửa sạch” tâm thông nói chung hoặc thanh lọc bằng bảy hơi thở năng động hoặc điện (liên hệ với điều mà tôi sẽ chỉ dẫn cho em) được gửi đi bằng một hành động của ý chí. Những điều này sẽ quét qua toàn bộ bản thể em và tạo ra một sự kích thích chung sẽ dẫn đến một sự nhạy cảm tổng quát hơn. Do đó, hãy lưu ý phản ứng của em đối với tâm thức bên trong đó [Trang 110] và, trong nửa năm tới, hãy ghi chép nhật ký tâm linh cẩn thận nhất, ghi lại mọi diễn biến tâm linh, ghi lại mỗi lần em có thể một cách viễn cảm bắt được nhu cầu hoặc tư tưởng của những người xung quanh, hãy viết ra mọi phần mở rộng dường như của tâm thức giác quan bình thường và viết ra cả những điều mà đối với em dường như là suy đoán và đang không hiện hữu. Nhận biết mang tính phân biện là mục tiêu trước mắt đối với em. Tiết lộ bản thân với chính em trên giấy, không phải về những khao khát và khát vọng, mà là những gì liên quan đến sự phát triển nhạy cảm của em. Cố gắng hòa nhập một cách có ý thức hơn với tâm thức của những huynh đệ trong nhóm của em. Nhật ký của em sẽ khiến người khác quan tâm và là sự đảm bảo cho sự phát triển của chính em. (Đường Đạo trong Kỷ Nguyên Mới – DINAI-110)

Trong vài tháng sắp tới, tôi muốn gợi ý cho em làm ba điều:

1. Hãy định nghĩa bằng lời riêng của em và như là kết quả của việc tham thiền, sự hiểu biết của bạn về bốn từ ngữ [ảo lực, ảo cảm, ảo tưởng, và Kẻ Chận Ngõ] mà tôi đã bàn đến. Tôi yêu cầu một sự phân tích thực sự chớ không phải chỉ có bốn định nghĩa. Trước khi bàn rộng về đề tài này, tôi muốn em tổ chức thể trí của em về đề tài đó, dùng các định nghĩa như là một sự hướng dẫn tư tưởng em, tuy nhiên trình bày vấn đề theo như em thấy, và tìm cách nhìn thấy các dị biệt tồn tại giữa bốn khía cạnh này của ảo cảm thế gian.

2. Mỗi ngày, với sự chú tâm và suy nghĩ, đọc lời cầu nguyện rất quen thuộc, Kinh Lạy Cha. Nó có nhiều ý nghĩa và ý nghĩa Cơ đốc giáo sáo rỗng và thông thường không dành cho em. Hãy suy ngẫm về công thức chân lý cổ xưa nhất này, và diễn giải nó hoàn toàn dưới dạng một công thức làm tiêu tan ảo tưởng. Hãy viết một bài chú giải về nó từ góc độ này, diễn giải nó từng cụm từ một, và coi nó như là trao cho chúng ta bảy chìa khóa dẫn đến bí quyết loại bỏ ảo cảm. Công thức (về cơ bản không phải là một lời cầu nguyện) có thể được chia như sau:

a. Sự thỉnh nguyện đến Chúa tể thái dương.

b. Bảy câu, thể hiện bảy chìa khóa để làm tiêu tan ảo tưởng.

c. Một lời khẳng định thiêng liêng cuối cùng.

Hãy sử dụng trực giác của em và áp dụng tất cả những điều này vào chủ đề ảo cảm và xem em sẽ đạt được kiến thức nào. [Trang 25] Sau đó viết nó ra dưới dạng diễn giải hoặc bài viết và chúng ta có thể đạt được nhiều giá trị. (Ảo cảm – Vấn đề của Thế Giới GWP, 25)

a. Thời gian học tập.

Toàn bộ công việc của nhà trường đều dựa vào kiến thức huyền môn về thời cơ và mùa tiết và có hai điều phải được thận trọng tuân thủ: –

1. Năm học sẽ được chia làm hai phần, một phần là thời gian để môn sinh chuyên cần hoạch đắc tri thức, đó là thời khoảng mặt trời tiến về phía bắc hay là nửa năm đầu. Phần sau – cách phần đầu một khoảng sáu tuần – để y đồng hóa và thực hành những điều đã được truyền dạy trước đó. Trong các tháng đầu năm, y trải qua một chương trình tiếp thu khó khăn, nghiên cứu và học tập gian khổ, tích lũy các sự kiện và kiến thức cụ thể. Y dự nghe các buổi giảng, đọc các sách khó, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, dùng kính [326] hiển vi và viễn vọng để nới rộng tầm mắt và tích trữ trong thể trí y một kho tàng dồi dào các dữ liệu khoa học.

Trong thời gian nghỉ hè sáu tuần, y nên để cho trí tuệ nghỉ ngơi hoàn toàn, trừ những gì liên quan đến việc hành thiền huyền môn mà y đã được truyền thụ. Về mặt trí tuệ, y theo chu kỳ và tạm thời đi vào trạng thái ngơi nghỉ. Khi thời gian sáu tuần chấm dứt, y trở lại làm việc với mục tiêu trước mắt là hệ thống hóa khối lượng thông tin đã thu thập, và hoàn chỉnh sự hiểu biết của y về các sự kiện đã học, là thực tập phần kiến thức huyền môn được cho phép, để trở nên thành thạo và khám phá ra những nhược điểm của mình. Trong “thời kỳ tối” của năm, y viết về các chủ đề và các bài khảo luận, viết sách hay các tập kỷ yếu để thể hiện sản phẩm của kiến thức đã được đồng hóa. Những cuốn sách hay nhất sẽ được trường ấn hành mỗi năm để cho công chúng sử dụng. Bằng cách này y phụng sự thời đại và thế hệ của y và giúp nhân loại có được tri thức cao hơn.

Theo cùng cách này, việc học tập của người đạo sinh mỗi tháng cũng được sắp xếp sao cho phần khó hơn (liên quan đến thượng trí) sẽ được học trong thời gian gọi là nửa tháng sáng. Còn công việc trong nửa tối sẽ thiên về những điều liên quan đến hạ trí và cố gắng giữ lại những gì đã đạt được trong các tuần trước. Mỗi ngày cũng được chia thành những thời khoảng nhất định, những giờ trong nửa ngày đầu được dành để học các dữ liệu trừu tượng và huyền bí. Thời gian còn lại trong ngày được dùng cho loại công tác có tính thực hành nhiều hơn. (Thư về tham thiền huyền môn – LOM 326)

Leave Comment