BÌNH GIẢI LÁ SỐ CHIÊM TINH CỦA KRISHNAMURTI THEO CHIÊM TINH HỌC NỘI MÔN

Bài viết sau đây của GS Michael D. Robbins đọc lá số của Krishnamurti theo Chiêm Tinh Học Nội Môn. Bài do các bạn học viên nhóm 1 của Trường Morya Federation biên dịch.

*************************************************************

Jeddu Krishnamurti—Nhà hiền triết, vị thầy tâm linh

1895-1985? – Ngày 12 tháng 5 năm 1895, Madanapalle (Madras) Ấn Độ, 12:25 sáng. (Nguồn: Sabian Symbols)


/var/folders/gs/xrz5s0lx3ps382p4pnjllzfr0000gn/T/com.microsoft.Word/WebArchiveCopyPasteTempFiles/image026.gif
(Cung mọc ở Bảo Bình; Mặt trời và Sao Thuỷ ở Kim Ngưu; Mặt trăng ở Nhân Mã; Sao Kim và sao Hải Vương đồng vị với Sao Diêm Vương cùng nằm trong Song Tử; Sao Hỏa và Sao Mộc đồng vị trong Cự Giải; Sao Thổ và Sao Thiên Vương ở Bọ Cạp)

Jeddu Krishnamurti là một trong những vị thầy tâm linh nổi tiếng nhất thế kỷ XX. Ông được C.W. Leadbeater và Annie Besant (hai nhân vật hàng đầu trong Hội Thông Thiên Học) đích thân nuôi dạy từ khi còn nhỏ. Trong mắt họ, ông sẽ trở thành “Vị Thầy Thế Giới” và thực vậy, trong một thời gian ngắn như chúng ta được biết, một thí nghiệm đã được thực hiện trong đó Đức Christ là Vị Thầy Thế giới thực sự và là Vị đứng đầu Thánh Đoàn đã ứng linh (overshadowed) vào cậu bé và cố gắng để làm việc thông qua cậu bé đó. Chính trong thời kỳ này, cuốn sách, Dưới Chân Thầy đã được ra đời.

Nhưng vì nhiều lý do, Krishnamurti ngày càng không hài lòng với các thầy dạy Thông Thiên Học của ông và các hoạt động của chính ông có liên quan đến Thông Thiên Học. Trong một giai đoạn khủng hoảng, ông tách khỏi họ và bắt đầu suy nghĩ, giảng dạy theo một cách hoàn toàn mới. Trong phần còn lại của cuộc đời, ông theo đuổi sự chuyển hướng triệt để ra khỏi nguồn gốc Thông Thiên Học ban đầu, ông trở nên nổi tiếng khắp thế giới với quả quyết rằng những người khao khát tâm linh nên tự suy tư và tiếp cận với đấng thánh linh mà không cần biết những quan niệm trước đó, không phụ thuộc vào các Chân Sư cũng như các vị thầy tâm linh – như bản thân ông và các vị thầy khác. Ông dường như quay trở lại Trường phái Vệ đà (Vedanta) cổ theo lối giải thích của riêng mình, trường phái này cho rằng bản ngã có tính hư ảo và tâm trí chỉ đơn giản là nguồn gốc của ảo tưởng, mặc dù tâm trí này được sử dụng để chứng minh bản chất ảo tưởng của chính nó.

Càng về sau, ông đã phát triển một nhóm những người ủng hộ trên toàn thế giới (một điều gì đó có bản chất tương phản với triết thuyết độc lập tinh thần của ông). Gần cuối đời, ông có các đệ tử ở nhiều quốc gia, và thậm chí trong cả Tổ chức Liên Hợp Quốc, trong đó một số nhà lãnh đạo gọi ông là “Vị Thầy Thế giới”.

Lá số chiêm tinh của Krishnamurti (và của các linh hồn phát triển khác) có thể được đọc một cách tin cậy theo lối nội môn, sử dụng các chủ tinh nội môn, và trong một số trường hợp, là các chủ tinh huyền giai. Những dấu hiệu hoàng đạo chính liên quan là Bảo Bình, Kim Ngưu và Nhân Mã – tương ứng với dấu hiệu hoàng đạo của điểm Mọc, Mặt trời và Mặt trăng của ông.

Ở đây Kim Ngưu chắc chắn là dấu hiệu của sự giác ngộ xuất hiện khi những ảo tưởng của tâm trí bị đánh bại. Điều thú vị là Mặt trời Kim Ngưu của ông được đặt trong nhà số ba nơi tượng trưng cho các tiến trình suy nghĩ theo lối mòn của tâm trí. Krishnamurti là một nhà tư tưởng và lý luận mạnh mẽ (bán lục hợp chặt chẽ giữa sao Thủy trong Kim Ngưu và sao Kim trong Song Tử phải có hiệu quả, với Mặt trăng ở Nhân Mã góp thêm xung lực mang tính triết học, và ta nhớ rằng rất nhiều nhà triết học nổi tiếng có năng lượng Kim Ngưu mạnh mẽ). Ông dường như đi theo châm ngôn của Ramakrishna: “tâm trí giống như một cái gai; sử dụng cái gai để loại bỏ cái gai, sau đó ném cả hai đi”. Ông suy tư mãnh liệt để chứng minh sự vô dụng của tiến trình suy nghĩ theo lệ thường, và ông gọi tâm trí “chỉ là một bọc ký ức”.

Theo cách tiếp cận vốn có tính Vedanta của mình, có lẽ Krishnamurti thậm chí còn kiên quyết hơn cả Đức Phật trong việc nỗ lực giảng dạy để tiêu diệt tất cả các bám chấp của tâm thức vào vật sở hữu. Ở đây chúng ta nên nhớ rằng Kim Ngưu ở vòng xoắn thấp, cố gắng sở hữu, do đó ngăn cản sự tự do của chính nó. Sử dụng cung một, Krishnamurti nghiêm khắc tách biệt chủ thể nhận thức khỏi những thứ nằm trong tâm thức, mà không bao giờ đề cập cụ thể là căn cứ vào bất kỳ Cổ thuyết nào (do đó thể hiện chủ nghĩa phi truyền thống của Bảo Bình).

Cung Mọc Bảo Bình của ông báo hiệu sự cộng hưởng của ông với một Thời Đại Mới xuất hiện những khả năng tiếp cận tâm linh mới (thế nhưng dựa vào cái cổ xưa), và ông tạo ra một hiệu quả to lớn đối với những ai nhạy cảm với rung động mới. Có một mối liên hệ mật thiết giữa Bảo Bình và Alcyone (“Ngôi sao của Cá nhân”, ngôi sao trung tâm của Pleiades, một phần quan sát trực tiếp được của chòm sao Kim Ngưu, và được coi là nằm “trong” dấu hiệu mà Krishnamurti được sinh ra). Trên thực tế, buổi đầu Krishnamurti được biết đến với cái tên là “Alcyone”, và một cuốn sách đã được viết, Những kiếp sống của Alcyone, với mục đích mô tả khoảng năm mươi hóa thân trong quá khứ của ông, có niên đại khoảng năm mươi nghìn năm. Có lẽ sự gắn bó chặt chẽ với “Ngôi sao của Cá nhân” này là lời giải thích cho thái độ kiên quyết của ông đối với sự tự lực về tinh thần.

Trong cuốn sách The Initiate in the Dark Cycle của Cyril Scott, Krishnamurti được nhắc đến (bởi một trong các Chân sư) là đang vượt qua kỳ điểm đạo A La Hán (lần 4), mà theo lời dạy của Chân sư Tây Tạng về chiêm tinh học nội môn, vào thời điểm đó có thể cả Kim Ngưu (thông qua Vulcan) và Bảo Bình (thường là dấu hiệu của lần hóa thân cuối cùng) của ông đều mạnh mẽ. Ông chắc hẳn sở hữu sức mạnh nghiêm khắc có được từ Kim Ngưu chiếu sáng để tiêu diệt ảo tưởng, và cần thiết cho những người vượt qua lần điểm đạo thứ tư. Về cơ bản từ bản chất của cuộc đời mình, ông cũng là một người từ bỏ và dường như ở trong trạng thái “Đơn nhất Cô lập” ngay cả khi bị bao vây bởi đám đông. Hơn nữa, cuộc sống của ông phản ánh một đặc tính tổng hợp của những người Bảo Bình tập trung vào sự giải thoát khỏi giới thứ tư, được tìm thấy ở mức độ tiến hoá đó.

Không đi sâu vào quá chi tiết, các cung của Krishnamurti dường như (từ góc độ tinh thần) chủ yếu là cung 2 và cung 1 (cả hai đều phát xạ từ các mức độ ‘cao hơn’ phàm ngã—mặc dù cung 1 cũng có thể được tìm thấy trong phàm ngã), với một chút cung 4 trong phàm ngã hoặc các thể của nó ban ông cho khả năng tưởng tượng, đánh giá được vẻ đẹp và khả năng trực giác. Cung thứ 6 của sự sùng kính cũng có mặt trong những năm đầu đời. Chắc chắn là ông bắt đầu cuộc sống của mình với chủ yếu cung 2, và “thí nghiệm ứng linh” vốn cần có cung này nếu ông muốn cộng hưởng với phẩm tính cung 2 của Đức Maitreya, Đức Christ. Những phát biểu ban đầu và cuốn sách đầu tiên của ông chứa đầy phẩm tính của cung Bác Ái và Minh Triết.

Tuy nhiên, sau khi ông giải thể các liên kết với hội Thông thiên học của mình, trọng tâm cung của ông dường như thay đổi và cung 1 tham gia nhiều hơn. Ông vẫn là một huấn sư (và vì vậy, cung 2 chắc chắn không biến mất) nhưng việc giảng dạy của ông ngày càng khắt khe và khắc khổ. Ngay cả khi ông vẫn có cung 2 trong linh hồn, về cơ bản có ba cách khác nhau để thể hiện trên cung này: theo cách của nhà huyền bí học (khía cạnh thứ ba của cung 2), thể hiện kiến ​​thức huyền bí một cách chi tiết tỉ mỉ; cách của tình thương thuần khiết (khía cạnh phụ thứ hai), là cách của đức Christ; và cách thức minh triết của Đức Phật, thể hiện khía cạnh phụ thứ nhất của cung 2 (xem DINA II 518). Ông dường như chọn cách tiếp cận minh triết cộng hưởng chặt chẽ với triết lý cung 1 của Vedanta mà theo đó ông trở thành một nhà thuyết giảng năng động nhưng không phân loại hoặc dán nhãn cho việc giảng dạy của mình. Tuy nhiên, ở giai đoạn phát triển của Krishnamurti, cung chân thần cũng sẽ trở thành một yếu tố ảnh hưởng, và người ta có thể tranh luận liệu phẩm tính của chân thần là cung 1, hay liệu cung phụ của chân thần là cung 1. Trước khi đi đến kết luận, phải nhớ về vấn đề này, Đức Phật đã biểu lộ cung 2 của Ngài dọc theo con đường minh triết (và do đó, theo khía cạnh phụ thứ nhất của cung 2), tuy nhiên Đức Phật là một chân thần cung 3. Sự thay đổi về phẩm chất giảng dạy của Krishnamurti rõ ràng là hướng về màu sắc cung 1 nhiều hơn, nhưng phải thận trọng khi gán nguồn cho phẩm chất đó.

Lá số chiêm tinh này cũng rất giàu tiềm năng cung 4. Mặt trời và Sao Thủy cung 4 nằm trong Kim Ngưu cung 4; Sao Thổ và Sao Thiên Vương được tìm thấy trong Bọ Cạp cung 4; và Mặt trăng cung 4 được đặt ở Nhân Mã (với thành phần cung 4 của riêng nó). Với quá trình điểm đạo và mục đích sống của Krishnamurti, đây có thể là một cung quan trọng đối với ông. Trải qua lần điểm đạo thứ tư đòi hỏi phải sử dụng cung 4, cung “cai quản” lần điểm đạo này. Đồng thời, mỗi A La Hán phải tiếp xúc với giới thứ tư (nhân loại) theo một cách mới mang tính xây dựng và giải phóng. Rõ ràng, bằng cộng hưởng số học, nếu một người có sự hiện diện của cung 4 thì anh ta có thể dễ dàng liên kết đến giới thứ tư như là một tổng thể. Cung này có thể có ảnh hưởng lớn trong phàm ngã và/hoặc hạ trí của Krishnamurti, và chắc chắn ông đã sử dụng nó trong phương pháp tiếp cận chủ yếu theo trực giác và bồ đề của mình—vì cõi bồ đề hay cõi trực giác là cõi thứ tư. Sao Thuỷ bồ đề trong Kim Ngưu và Mặt trăng ở Nhân Mã (là hai dấu hiệu hoàng đạo của trực giác) chắc chắn sẽ tăng cường sức mạnh của trực giác.  

Từ góc độ hành tinh, Sao Thiên vương chuyển hoá có tác động mạnh mẽ với tư cách là chủ tinh ngoại môn của cung Mọc tại Bảo Bình, và Sao Thiên vương nằm trong nhà số chín. Thực tế, Krishnamurti đã tạo nên một cuộc cách mạng (Thiên Vương tinh) trong tư tưởng cao cả (nhà số chín) và trong lĩnh vực nhận thức triết học. Sao Thiên Vương được tìm thấy trong Bọ Cạp phá huỷ và biến đổi, và nằm đối diện với Mặt trời ‘đang thấy’ trong Kim Ngưu. Đây là khía cạnh cung 1 rất mạnh mẽ và quyền năng bởi vì Sao Vulcan cai quản Kim Ngưu và Sao Diêm vương cai quản Bọ Cạp. Người ta không thể ngờ rằng Krishnamurti chỉ đơn giản “đi cùng” một cách bình lặng (Kim Ngưu ban đầu) với sự giáo dục đầu đời của ông. [Và sau đó (lời Người dịch)], Ông tự suy nghĩ và gây ra một sự xáo trộn mạnh mẽ (thậm chí là một cuộc cách mạng) trong Hội Thông thiên học.

Sao Thổ cũng vậy, được đặt trong Bọ Cạp ở nhà số chín, vì vậy ông phải đối mặt thẳng thắn (Sao Thổ) với những gì ông cho là ảo tưởng trong tư tưởng và sau đó làm tất cả những gì có thể để biến đổi chúng (Sao Thiên Vương). Mục đích của ông là gợi lên sự xuất hiện của ánh sáng (Kim Ngưu và Vulcan), sự chiếu sáng trực giác vào tâm trí. Chủ tinh ngoại môn của Kim Ngưu là Sao Kim trong Song Tử (mà trong đó Sao Kim là chủ tinh nội môn). Vị trí này liên quan đến việc sử dụng antahkarana, cây “cầu vồng” kết nối ý thức phàm nhân với nhận thức rộng lớn, trực quan và phi cá nhân của Tam Nguyên Tinh Thần. Vị trí sao Kim nằm trong nhà số năm của “biểu hiện nhân quả” (trong đó các phẩm chất và năng lực tích lũy của thể nguyên nhân được truy cập và tiết lộ), cho thấy ông có thể dễ dàng rút ra thông tin và nội dung (Song tử) từ “kho tàng” của chính ông (thể nguyên nhân), bởi vì sao Kim tượng trưng cho vận cụ này và kiến thức phàm nhân/siêu cá nhân tích lũy trong đó.

Sao Mộc (chủ tinh nội môn của cung Mọc Bảo Bình) là một hành tinh quan trọng, đồng vị với sao Kim (và do đó cho thấy sự phong phú của quà tặng linh hồn) và đồng vị với sao Hỏa—sao Mộc và sao Hỏa cùng nằm trong Cự Giải. Sao Mộc được đặt ở vị trí trung điểm giữa Sao Kim và Sao Hỏa. Sao Mộc là hành tinh của minh triết và phân phối cung 2. Cả ba cùng nhau gợi ý mối quan hệ giữa luân xa tùng thái dương (Sao Hỏa), luân xa tim (Sao Mộc) và luân xa ajna (Sao Kim). Rõ ràng về cá nhân trong Krishnamurti có những cảm xúc sâu sắc và đôi khi xáo trộn, nhưng sự kích động này đã được đưa lên ánh sáng và tình thương của minh triết, được đại diện bởi Sao Mộc và Sao Kim. Thật thú vị, người ta nói rằng vấn đề về tình dục (và chúng ta hãy lưu ý rằng những hành tinh này được tìm thấy trong nhà số năm) được giải quyết ở lần điểm đạo thứ tư. Chắc chắn, Sao Kim và Sao Hỏa là dấu hiệu của nữ tính và nam tính- Sao Kim là dấu hiệu của “các thiên thần” và Sao Hỏa là dấu hiệu liên quan đến các nguyệt tinh quân. Xung đột là hiện trạng (vì cung 4 rất mạnh ở Krishnamurti) và nó được giải quyết bằng một minh triết tròn đầy (Sao Mộc cung 2 trong Cự Giải). Với sao Mộc ở vị trí tôn cao, sự tròn đầy luôn được trải nghiệm. Sự tròn đầy này có thể là hình thể hoặc ý thức. Ba hành tinh này có liên quan nhiều đến công việc của Krishnamurti, với tư cách là một nhà giáo dục – thuộc “thế hệ trẻ hơn”- nhà số 5.

Nhà số năm này là một lĩnh vực chính của sự tự lực, và chỉ ra tính thực chứng trong việc giảng dạy sau này của Krishnamurti, vốn xuất phát và thể hiện không phải từ học thuyết, mà từ nguồn tài nguyên tâm thức của chính ông.

Sự đối đỉnh của sao Kim đối với Mặt trăng Nhân Mã rất đáng chú ý, vì nó đặt biểu tượng của linh hồn, sao Kim, đối lập với biểu tượng của các Nguyệt Tinh quân (Mặt trăng) mà thật thú vị lại được đặt trong dấu hiệu cai quản Huyền Giai Sáng tạo của các Nguyệt Tinh quân. Trong sự đối đỉnh này, chúng ta thấy việc nhấn mạnh sự tương phản giữa linh hồn và phàm ngã sẽ được thấy giữa Sao Kim và Sao Hỏa. Từ những quan điểm nhất định, cả hai Sao Hỏa và Mặt Trăng đều tương đương và liên quan chặt chẽ đến các thể thấp phi lí trí. Sao Kim cứu chuộc Mặt trăng, giống như “Thiên thần” (Song Tử) cứu chuột “con Thú” (Nhân Mã). Các Nguyệt tinh quân phải bị chinh phục hoàn toàn ở lần điểm đạo thứ tư, và sự đối đỉnh của sao Kim với biểu tượng chính của các Nguyệt tinh quân này là một yếu tố trong cuộc chinh phục. Mối quan hệ trung gian giữa Sao Kim và Sao Hỏa lại là một mối quan hệ khác.

Sự trùng tụ giữa Sao Hải Vương và Sao Diêm Vương (được tìm thấy trong các biểu đồ của một số nhân vật Đức quốc xã được sinh ra cùng thời, vốn được dùng để duy trì ảo cảm và mang đến cái chết của những tư tưởng chân lí), ở đây được sử dụng để phá hủy nền tảng (nhà số 4) của ảo cảm. Ảo tưởng và ảo cảm kết hợp với nhau để tạo ra ngục tù trong đó con người hiện đại bị mê hoặc. Sự kết hợp mang tính hủy diệt này đã phá hủy (Sao Diêm Vương) và làm tan biến các tư tưởng cũ, và dọn đường cho những nhận thức mới về sự thật liên quan đến Sao Thiên Vương cách mạng của những tư tưởng cao cả hơn.

Đối với một điểm đạo đồ bậc ba trong quá trình trở thành một A La Hán bậc 4, các chủ tinh huyền giai có thể được coi là quan trọng. Mặt trăng trong Nhân Mã là chủ tinh huyền giai của cung Mọc bảo Bình, nhấn mạnh sự cần thiết, ở lần điểm đạo thứ tư, để khuất phục hoàn toàn Mặt trăng (được cai quản bởi số bốn), để cả bốn hạ thể có thể trở thành công cụ biểu hiện của Tam nguyên Tinh thần và nguồn cội của chúng là Chân thần.

Góc hợp của các hành tinh cũng đáng chú ý mặc dù không thể đề cập hết chi tiết các yếu tố thú vị liên quan đến lá số này. Cõi Bồ Đề được cai quản bởi Sao Thủy thực sự trùng tụ với sao Alcyone, “Ngôi sao của cá nhân”, ít nhất một phần nào đó đã giải thích được cho đề tài chính về sự độc lập vang lên trong giáo lý của Krishnamurti. Sao Hỏa trùng tụ với Sirius (The “Scorcher”) đóng góp cho một số trải nghiệm bốc lửa, tinh luyện của ông. Sao Mộc (chủ tinh nội môn của cung Mọc) trùng tụ với Mirzam (“Người công bố”) phóng đại hiệu ứng thức tỉnh từ thông điệp của ông. Thiên Vương tinh mạnh mẽ của ông gần trùng tụ với Zuben Elschamali, còn được gọi là ngôi sao của “Cải cách Xã hội Tiêu cực”, nhấn mạnh rằng các nỗ lực cải cách được thực hiện mà không cần tham khảo ý kiến ​​hoặc không quan tâm đến nhu cầu của xã hội. Khi một người nghĩ về hiệu quả gây sốc của việc giảng dạy của mình (đặc biệt là đối với các nhà Thông thiên học), vị trí ngôi sao này dường như có ý nghĩa. Tuy nhiên, cung Mọc song song trong vòng cung một phút với ngôi sao Zuben Elgenubi đồng hành ở Thiên bình, ngôi sao của Cải cách Xã hội Tích cực, có tác dụng làm cân bằng bức tranh. Điều đó khiến Krishnamurti quan tâm đến cải cách, và đặc biệt là về tâm thức, đây là điều không cần bàn cãi. Còn có những vị trí ngôi sao thú vị khác mà chưa được đánh giá hết.

Nếu áp dụng một cách tiếp cận toàn diện cho lá số này thì thật là hấp dẫn, tuy nhiên không may là nó vượt ngoài phạm vi và mục đích thuộc tuyển tập này của cuốn Tapestry. Với những ai quan tâm hơn về phân tích lá số chiêm tinh của Krishnamurti và quá trình sống của ông, chúng tôi đề xuất tham khảo tác phẩm của nhà chiêm tinh Phillip Lindsay, người đã nghiên cứu những vấn đề này rất sâu sắc. Xem thêm “Những lần điểm đạo của Krishnamurti – Một Tiểu sử Chiêm tinh”.

Krishnamurti đã sử dụng cả cung 1 và cung 2 để giúp tạo ra con người mới trong thời đại Bảo bình. Ông đã áp dụng ý chíminh triết tuyệt vời để thực hiện một sự chuyển hóa thiết yếu của thời Bảo Bình.

Leave Comment