Các Kỹ Thuật Cơ Bản Của Giai Đoạn Tập Trung Trong Tham Thiền Huyền Môn

TIỂU LUẬN CUỐI KHOÁ QUEST UNIVERSAL 1

Các bạn có thể xem bản pdf ở đây:

*********

Học viên: Nguyễn Dạ Trinh Lan

Năm 2023

MỤC LỤC

PHẦN I: TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI

1. Lý do chọn đề tài:

2. Mục tiêu của đề tài:

3. Giới hạn và phạm vi:

4. Nội dung thực hiện:

5. Phương pháp nghiên cứu:

PHẦN II: NỘI DUNG

I. KỸ THUẬT CHỈNH HỢP

1. Khái niệm về sự chỉnh hợp

2. Tiến trình chỉnh hợp

3. Kết quả của sự chỉnh hợp

4. Giai đoạn chỉnh hợp trong bài tham thiền huyền linh

5. Kinh nghiệm cá nhân về sự chỉnh hợp

II. KỸ THUẬT HÌNH DUNG

1. Khái niệm về hình dung

2. Các bước của kỹ thuật hình dung

3. Quá trình tưởng tượng sáng tạo:

4. Một ví dụ về kỹ thuật hình dung

5. Đặc điểm của những hình thể được tạo ra qua sự hình dung

6. Khi thực hành đúng, kỹ thuật hình dung mang lại những kết quả

III. KỸ THUẬT TƯ DUY TUẦN TỰ.

1. Khái niệm về tư tưởng (hình tư tưởng), tư tưởng gốc

2. Khái niệm tư duy tuần tự

3. Kỹ thuật thực hành

4. Mục tiêu của việc thực hành kỹ thuật tư duy tuần tự.

5. Liên hệ thực hành

IV. ỨNG DỤNG THỰC HÀNH – BÀI THIỀN NHÓM SỐ 1

1. Giai đoạn chuẩn bị trước khi thực hành

2. Quá trình thực hành:

3. Trải nghiệm về bài thiền và việc mở rộng trái tim

PHẦN III. KẾT LUẬN

D:\Lanndt\Learning\Pic_Back ground\bbac6c7a7746220cad029fe18ffef47d.jpg

PHẦN I: TỔNG QUAN VỀ ĐỀ TÀI.

1. Lý do chọn đề tài

Tham Thiền Đông phương hay tham thiền huyền môn được thiết kế để kiến tạo một cây cầu bằng ánh sáng – hay là antahkarana – để nối liền khoảng cách giữa thượng trí và hạ trí. Khi hoàn thành, ánh sáng của linh hồn sẽ chiếu sáng xuyên qua tâm thức và giác ngộ sẽ đến. Thiền định tạo ra sự hợp nhất

Các giai đoạn của tham thiền huyền môn gồm có:

– Tập trung

– Tham thiền

– Nhập định

– Khai ngộ

– Hứng khởi

Trong đó giai đoạn khó khăn nhất là tham thiền. Nhưng chỉ có thông qua tham thiền thì chúng ta mới có thể đạt được sự tiến bộ cần phải có, đó là việc tiến tới sự hợp nhất.

Đối với những người Chí nguyện đang trên con đường thanh lọc và tiến vào con đường dự bị, hầu hết đều cần phải thực hành thật tốt giai đoạn tập trung. Điều đó sẽ tạo thành nền tảng vững chắc cho việc tham thiền.

Giai đoạn tập trung khó khăn ở việc cần hiểu biết và thực hành các kỹ thuật một cách chuẩn xác. Các kỹ thuật này cần được áp dụng tự nhiên và thành thục, giúp cho việc tập trung kéo dài và đưa đến các kết quả cho việc tham thiền trong giai đoạn tham thiền.

Vì vậy, việc hiểu biết đúng các kỹ thuật và tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về các giai đoạn mình sẽ cần trải qua để qua đó tự đánh giá sự thực hành của mình là một nhu cầu thực sự của những người Chí nguyện.

Khi tôi bắt đầu thực hành theo các bài tham thiền của Nhà trường, cũng có những lúc ánh sáng lóe lên và tôi thấy đón nhận được một vài cảm hứng thiêng liêng. Tôi cũng có những ước vọng về những thành tựu cao siêu. Tuy nhiên, càng ngày tôi càng nhận ra việc phải trụ vững và phải bước đi những bước thật thực tế từ vị trí tôi đang đứng. Tôi cũng nhận ra rằng chính sự hiểu biết thực tế sẽ giúp đỡ tôi trong việc tiến từng bước vững chắc và qua đó phụng sự những đồng đạo của tôi

2. Mục tiêu của đề tài

Với bài luận này, tôi muốn tổng hợp lại toàn bộ lý thuyết cũng như quá trình thực hành của mình nhằm làm sáng tỏ những vấn đề và khớp nối những hiểu biết cá nhân vào trong tổng thể. Điều này sẽ giúp tôi có được sự thực hành căn bản, vững vàng cho toàn bộ khoảng thời gian sắp tới. Đồng thời tôi cũng mong rằng khi tôi tổng hợp lại những điều này bằng sự thực hành của mình, tôi sẽ có thể truyền đạt nó một cách rõ ràng hơn cho những người cũng đang trải qua giai đoạn giống như tôi.

3. Giới hạn và phạm vi

Bài luận chủ yếu nhắm tới việc thực hành tham thiền của những người Chí nguyện trên con đường Dự bị.

Trên Con đường Dự bị, chúng ta khám phá ra những gì còn thiếu trong bản chất của mình và cố gắng lấp đầy những “khoảng trống”. Những “khoảng trống” này thực sự là những “khoảng trống rung động” bên trong thể nguyên nhân của chúng ta. Trên Con đường đó, chúng ta không chỉ phải sửa chữa và rèn luyện lại những thói quen và thái độ xấu của mình, mà còn phải hữu thức xây dựng những đức tính mà chúng ta cần để phát triển, nhưng vẫn chưa biểu hiện.

Trong giai đoạn này, sự phát triển của trí năng cũng bắt đầu được chú ý nhiều hơn, chủ yếu là để có thể cân bằng được các cặp đối lập và giữ sự ổn định. Tuy nhiên, người Chí nguyện có thể vẫn tiếp tục các phương pháp tham thiền thần bí và đa phần chưa quen thuộc với việc sử dụng trí tuệ theo phương pháp tham thiền huyền linh.

Vì vậy để người Chí nguyện có thể tiếp xúc và thực hành tốt phương pháp tham thiền huyền linh, họ rất cần được hiểu biết đúng đắn để áp dụng linh hoạt cho sự chuyển đổi này.

4. Nội dung thực hiện

Nghiên cứu các kỹ thuật chính của giai đoạn tập trung, bao gồm:

  • Chỉnh hợp
  • Hình dung sáng tạo
  • Tư duy tuần tự

Trong tiểu luận này, tôi muốn vạch ra những nét khái quát nhất về việc thực hiện các kỹ thuật đầu tiên của tham thiền huyền môn để thấy được một cách hữu thức các việc cần làm, các kết quả cần đạt được, cũng như đánh giá được các kết quả của việc thực hành tham thiền đối với sự phát triển tâm thức của một người ở trên Con đường Dự bị

5. Phương pháp nghiên cứu

  • Tổng hợp các lý thuyết
  • Đối chiếu với thực hành của cá nhân và một vài đồng đạo.

PHẦN II: NỘI DUNG

KỸ THUẬT CHỈNH HỢP

1. Khái niệm về sự chỉnh hợp

1.1 Cấu tạo của con người

Theo LOM, con người cơ bản gồm có ba phần:

  • Chân thần (hay Tinh thần thuần khiết, hay Cha Trên Trời). Đây là trạng thái phản ánh ba trạng thái của Thượng Đế:
  • Thượng Đế ngôi 1 _ Ý chí hay Quyền năng _Đức Chúa Cha
  • Thượng Đế ngôi 2 _ Bác Ái – Minh Triết_ Đức Chúa Con
  • Thượng Đế ngôi 3 _ Thông tuệ – Hoạt động _ Đức Chúa Thánh Thần
  • Chân thần tự phản ánh lại trong Chân Ngã, bao gồm ba trạng thái:
  • Trạng thái thứ 1_ Ý chí tinh thần _ Atma
  • Trạng thái thứ 2 _Trực giác _ Bồ Đề (Bác Ái – Minh Triết; Nguyên khí Christ – Phật tính)
  • Trạng thái thứ 3 _ Thượng Trí (Trí Trừu Tượng)_ Manas cao
  • Chân ngã tự phản ánh lại trong Phàm Ngã, bao gồm ba phương diện:
  • Thể hạ trí _ Manas thấp
  • Thể cảm dục
  • Thể hồng trần (gồm xác thân và thể dĩ thái)

Trong chu kỳ tiến hóa giáng hạ, mãnh lực sáng tạo đi xuyên qua các cõi giới, tương tác với vật chất cấu tạo nên các cõi giới và tạo ra các hình thể. Do các cõi giới được cấu tạo bởi các vật chất khác nhau nên các hình thể được tạo ra khác nhau về sự rung động (biểu hiện bằng âm thanh và màu sắc). Do đó, theo EP 340, con người (từ góc độ của sự biểu lộ lực) là một tập hợp các năng lượng xung đột và là một trung tâm linh hoạt của các lực chuyển động, liên tục thay đổi các điểm tập trung và sự tổ hợp. Các lực này có các mối tương tác tích cực, thấm nhập vào nhau, xung đột và phụ thuộc lẫn nhau. Điều này biểu thị cho sự đa dạng thiêng liêng và biểu thị cho việc tăng trưởng của Sự sống trung tâm trong chu kỳ này.

Trong chu kỳ tiến hóa thăng thượng, các lực của phàm ngã bị khuất phục hoặc “bị đưa vào đường lối” bởi linh hồn vượt trội. Điều này giúp đạt được mục tiêu tinh thần của sự tiến hóa là việc hợp nhất:

  • Trước tiên là sự hợp nhất hay tích hợp của phàm ngã.
  • Thứ hai là hợp nhất của phàm ngã với Linh hồn.
  • Thứ ba, hợp nhất phàm ngã đã hòa nhập với linh hồn vào Tam nguyên tinh thần, dẫn thể của Chân thần.

Hay nói cách khác, mục đích tiến hóa của con người trong ba cõi thấp là sự chỉnh hợp của Phàm ngã tam phân với Chân Ngã thể, cho đến khi đạt tới một đường thẳng và con người trở thành Đấng Duy Nhất.

1.2 Khái niệm

Từ chỉnh hợp theo nghĩa đen là “thẳng hàng”. Khi phàm ngã đã chỉnh hợp, thì các hạ thể (xác, cảm dục, và trí) “thẳng hàng với nhau”, nghĩa là chúng chịu làm việc trong sự phối hợp nhau, có một mục đích thống nhất. Khi phàm ngã đã chỉnh hợp, ta có một phàm ngã “gắn kết” hay “tích hợp”.Giai đoạn kế tiếp là phàm ngã đã gắn kết tiếp tục chỉnh hợp với Chân ngã, lúc đó ta có “phàm ngã hòa nhập với linh hồn”. [1]

Biểu hiện của sự chỉnh hợp:

  • Sự tích hợp của Phàm ngã: là việc ba hạ thể được đưa vào hoạt động phối hợp và tạo ra một sức mạnh thống nhất phục vụ cho một mục đích duy nhất, mục đích này có thể là ích kỷ và hoàn toàn không có liên hệ gì với tinh thần. Đây là một tiến trình tiến hóa tự nhiên và không phải là dấu hiệu của một đời sống tâm linh. Theo EH 550, thời kỳ này đánh dấu một người đầy tham vọng, với một đời sống quá vị kỷ hoặc hướng về bạo ác, là một phàm ngã với tất cả sức mạnh của thể trí được tập trung cho các mục đích xấu xa, với bản chất tình cảm được cấu tạo theo cách để nó không phải là một chướng ngại cho việc đẩy mạnh các ý định ích kỷ, và với một bộ óc mạnh mẽ, dễ tiếp nhận với các kế hoạch và các phương pháp của hai thể trên, thi hành lệnh của phàm ngã. Cuộc sống sùng bái vật chất này là cuộc sống đỉnh điểm đầu tiên của một người trên con đường hợp nhất.
  • Hợp nhất của Phàm ngã với Linh hồn: Theo LOS 11, sự hợp nhất (hay Yoga) này được đạt đến bằng cách khuất phục cái tâm và chế ngự chitta (cái trí). Khi đã hoàn tất điều này, nhà Yogi biết được thực tính của chính mình. Có thể mô tả điều này như sau:
  • Thấy được chân ngã.
  • Nhận thức được thực tính của linh hồn.
  • Tự đồng nhất với Thực tại ở nội tâm, và không còn đồng hóa với các thể đang che án.
  • Trụ ở trung tâm và không còn ở ngoại vi.
  • Đạt tâm thức tinh thần.
  • Ý thức được vị Thượng Đế ở nội tâm.
  • Hợp nhất Phàm ngã đã hòa nhập với Linh hồn vào Tam nguyên tinh thần, dẫn thể của Chân thần: theo câu 34 quyển 3 LOS, có thể đạt đến trạng thái “Nhất như tự tại” khi ba đặc tính của vật chất (là ba guna hay ba mãnh lực của thiên nhiên) không còn cầm giữ Chân ngã. Tâm thức tinh thần thuần khiết rút vào Đấng duy nhất.

Một mô tả có tính chất hình tượng như sau: theo LOM 5, sự chỉnh hợp được mô tả là việc con người, từ sự biểu hiện của những dạng hình học với những đường nét bên ngoài rắc rối, không rõ ràng và những kiểu mẫu thô thiển (trong những kiếp sống ban đầu) trở nên những hình thể có vẻ ngoài đã xác định rõ ràng hơn (người đạt mức tiến hóa trung bình), cho đến việc kết hợp rất nhiều đường nét này thành một đường (trên con đường Đệ Tử) và dần dần đạt được sự hoàn thiện. Chân Sư là người đã hòa hợp tất cả các đường nét của sự phát triển ngũ phân (gồm 5 trạng thái) trước thành 3, rồi sau đó thành một. Ngôi sao 6 cánh trở thành ngôi sao 5 cánh, hình vuông trở thành hình tam giác, và hình tam giác trở thành một; rồi (vào cuối đại chu kỳ), một trở thành một điểm trong chu kỳ biểu lộ.

2. Tiến trình chỉnh hợp

Theo EP 343, sự chỉnh hợp là 2 phần trong một giai đoạn trung gian trong tiến trình tiến hóa (gồm 5 phần), trong đó “sự thu hút thiêng liêng” thay thế sự hấp dẫn của ba cõi thấp. Đó là:

  • Nhờ sự hiểu biết và thực hành, hình tướng dần dần lệ thuộc vào các yêu cầu của Chân Ngã, và bắt đầu hoạt động kết hợp với Chân Ngã đó.
  • Các hình tướng, được chỉnh hợp trong những khoảng thời gian ngày càng thường xuyên:
  • Được tích hợp vào một phàm ngã hoạt động, tích cực.
  • Được cuốn đi bởi năng lực của sự sống phàm ngã thống trị, được tích hợp riêng của chúng;
  • Từng bước được kiểm soát bởi Chân Ngã, và được hợp nhất thành một công cụ cho việc phụng sự thế giới hiệu quả.
  • Được thống nhất, trong ý định và mục đích, với linh hồn.

Giai đoạn đầu tiên của sự chỉnh hợp có ý thức, bắt đầu bằng việc nhận biết một nhu cầu thực sự của “sự thu hút thiêng liêng” khiến con người nhận ra được sự đau khổ tạo nên bởi nhị nguyên (chủ yếu là của cõi cảm dục) và một nhu cầu tự kiểm soát để chấm dứt các đau khổ này. Sau đó là việc con người tìm cách để tự nhận biết và tự kiểm soát những hình tướng đang biểu lộ. Điều này chủ yếu được thực hiện thông qua thực hành giới luật, thiền định và tìm cách mở mang thể trí bằng việc học tập, nghiên cứu, phụng sự. Nhờ vậy, con người nhận biết được mục tiêu và tìm cách dần dần tiếp cận rồi an trụ vào mục tiêu đó bằng những nỗ lực kiên trì, bền bỉ và sự áp dụng đúng đắn nguyên khí trí tuệ. (Trong giai đoạn này, vẫn còn một cách khác để thành tựu, đó là con đường của nhà Thần bí – tìm cách tiếp cận trực tiếp với trung tâm sự sống ở bên trong).

Ý thức về sự chỉnh hợp xuất hiện khi chúng ta bắt đầu thiền định, tức là việc bắt đầu thực hành sự tập trung và tìm cách mở rộng dần sự nhận biết xung quanh mục tiêu của sự tập trung đó (mà thực hành chánh định và chánh niệm được coi như giai đoạn tiếp cận ban đầu). Đây là một quá trình kéo dài và khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của toàn bộ kiếp sống. Tiếp theo thông qua các hoạt động ngày càng có tính chất tinh thần nhiều hơn bao trùm toàn bộ các lĩnh vực của cuộc sống, sự chỉnh hợp bắt đầu được nhận thấy và đưa các hạ thể vào trong sự an tĩnh, tiếp nhận và phối hợp với những rung động tỏa xuống từ linh hồn.

Điều này được miêu tả sinh động trong LOM 6: Mỗi kiếp sống đều hướng đến sự ổn định hơn, nhưng ít khi Phàm ngã tam phân lúc đó được thấy thẳng hàng, nếu tôi có thể gọi như thế, với ý thức Chân Ngã. Có đôi lúc tạm thời trường hợp này xảy ra, và khi (trong những lúc đạo tâm dâng lên cao nhất và nhằm những mục đích nỗ lực vô tư lợi), thể cao và thể thấp làm thành một đường thẳng. Thường thì thể cảm dục, do tình cảm và rung động dữ dội, hay một sự bất an thất thường, liên tục đi khỏi sự chỉnh hợp. Khi thể cảm dục được chỉnh hợp trong giây lát thì thể trí lại tác động như một chướng ngại, ngăn cản sự chảy xuống từ thể cao đến thể thấp, và như thế đến bộ óc hồng trần. Phải mất nhiều kiếp sống đầy cố gắng nhọc nhằn, trước khi thể cảm dục có thể được yên tĩnh và thể trí được cấu tạo để sẽ hoạt động như một bộ phận lọc và không còn là một vật chướng ngại nữa. Ngay cả khi điều này đã được hoàn thành chút ít và thể cảm dục được ổn định và là một tấm gương phản chiếu trong trẻo, và thể trí đáp ứng là một tấm kính ảnh nhạy cảm, và là kẻ biết phân biện, và là kẻ diễn giải thông suốt những chân lý cao siêu được truyền đạt – ngay cả khi ấy, tôi nhấn mạnh, cũng còn phải tuân thủ nhiều giới luật và trải qua nhiều kiếp đầy cố gắng mới chỉnh hợp được cả hai thể cùng một lúc. Khi điều này được thực hiện, cũng còn phải thực hiện việc kiểm soát bộ óc hồng trần và sự chỉnh hợp cuối cùng của nó, để cho bộ óc có thể hoạt động như một vật thu và phát một cách trực tiếp các giáo huấn được truyền đạt, và có thể phản ảnh tâm thức cao một cách chính xác.

3. Kết quả của sự chỉnh hợp

Tiến trình chỉnh hợp, còn được gọi là tiến trình ACLRI (viết tắt các kí tự đầu của các chữ: Alignment, Crisis, Light, Revelation, Integration) nghĩa là

  • Chỉnh hợp,
  • Khủng hoảng,
  • Ánh sáng,
  • Mặc khải
  • Tích hợp

Và sau đó là điểm đạo. Trước tiên, chúng ta cần thực hiện chỉnh hợp, và nếu chúng ta thành công trong việc này, một sự khủng hoảng sẽ xảy ra, và sau khủng hoảng Ánh sáng sẽ xuất hiện, ánh sáng đó sẽ tiết lộ tất cả những gì bất ổn trong phàm ngã. Khi tiến trình được thực hiện đúng đắn, sẽ có nhiều ánh sáng hơn và khía cạnh cá nhân của tiến trình sẽ nhường chỗ cho việc nhận biết được Thiên Cơ trong ánh sáng đang phát triển. Bạn sẽ nhận biết được Thiên Cơ trước mắt, vị trí của bạn trong Thiên Cơ đó. Cuối cùng là sự Tích hợp. Đó là tất cả những phần khác nhau của Kỹ thuật Tích hợp mà chúng ta tìm thấy trong Tâm lý học bí truyền.[2]

Khi các hình tướng ngày càng được chỉnh hợp trong những khoảng thời gian thường xuyên hơn, chúng ta trở thành những phàm ngã đang hoạt động tích cực. Theo LOM 1, những nhà tư tưởng lớn của nhân loại, những người tiêu biểu thực sự cho hạ trí cơ bản đều là những người có ba thể của Phàm ngã được chỉnh hợp. Tức là những người có thể trí đã kiềm giữ được hai thể cảm dục và vật lý – dĩ thái trong sự chỉnh hợp thận trọng. Lúc đó, thể trí ở trong sự giao tiếp, thông suốt và không bị ngăn trở, thẳng xuyên tới bộ óc vật chất. Điều này đạt được do tiến trình điều hợp của thể xác, rồi tới sự điều hợp của thể xác cộng với sự quân bình cảm xúc, và khi đó hai thể hoạt động như một. Khi sự điều hợp này lan rộng đến thể trí, con người với ba hạ thể sẽ đạt đến sự giải thoát của nó sau nhiều lần luân hồi trong thế giới sắc tướng. Điều này được mô tả như là: sự tập trung, sự năng động và sức mạnh của một Phàm ngã thẳng tiến tới mục tiêu đã định (thường là những mục tiêu mang nhiều tính vật chất và nhằm thỏa mãn những ham muốn về cảm xúc hay trí cụ thể).

Theo LOM 1-2, khi ba thể của Phàm ngã điều hợp với Chân ngã thể và trụ vững trong chu vi của nó, bấy giờ sẽ xuất hiện những lãnh tụ lớn của Nhân loại (những người gây ảnh hưởng về tình cảm và trí tuệ khắp nhân loại) hay là các văn sĩ dồi dào cảm hứng và những người mơ mộng (thần bí) có thể mang nguồn cảm hứng và ước mơ của họ xuống cho đời; các nhà tư tưởng tổng hợp và trừu tượng mới có thể chuyển những quan niệm của họ đến cõi sắc tướng. Đó là vấn đề của một vận hà thông suốt, không bị ngăn trở. Sau đó sẽ đến trạng thái điều hợp hoàn toàn với Chân ngã, đường vận hà sẽ thẳng suốt, ngang qua một cái phễu thông suốt đến tâm thức bộ óc hồng trần.

Hình ảnh gợi mở

D:\Lanndt\Learning\MFVN\Khóa học QU1\DHY Q1\Phương pháp hình dung quan tưởng và sự phát triển trực giác\pic\d80ab8bd3da91732fcd053a330b900c1.jpg

Sự chỉnh hợp cũng được thấy khi nhìn vào các mô hình tâm lý của một người, trong đó sự ảnh hưởng của các thể cao với những phẩm tính tích cực dần dần thay thế cho tính cách của các thể thấp. Điều này sẽ đưa tất cả các thể vào một nhịp điệu chung với sự chiếm ưu thế của các thể cao như cung thể trí, sau đó là cung phàm ngã và cuối cùng là cung linh hồn ngày càng rõ rệt hơn.

Tất cả những kiến thức này được thầy MDR tổng hợp và trình bày trong tác phẩm “Tấm thảm của Thượng Đế”, khá dễ dàng cho việc tra cứu và suy ngẫm.

Một ví dụ:

Khi thể cảm dục cung 6 chỉnh hợp với thể xác cung 3 sẽ có những biểu hiện:

  • Tích cực: thể xác cung 3 vốn dồi dào sinh lực, dễ thích nghi và dễ đáp ứng với các điều kiện bên ngoài khi được cảm dục cung 6 truyền thêm cảm hứng sẽ rất dễ dàng hướng vào các hoạt động có tính chất chinh phục như thể thao, leo núi…
  • Tiêu cực: đôi khi hoạt động thái quá để phục vụ cảm xúc

Thể trí cung 4 khi chỉnh hợp với thể cảm dục cung 6 và thể xác cung 3 sẽ có những biểu hiện:

  • Tích cực: trí tưởng tượng trở nên phong phú và giàu cảm xúc, nhạy cảm với cái đẹp cả về mặt hình ảnh và cảm xúc. Cung 4 mang những thuộc tính của cung 1 và 2; tương tác với cung 6 mang những thuộc tính của cung 2 và 3 khiến những suy nghĩ và cảm nhận về tình thương nổi bật hơn. Thể trí cung 4 giúp quan sát một cách rõ ràng và vô tư về các xung đột bên trong, đồng thời là một cây cầu liên kết giữa các thể và phàm ngã. Sự mong muốn được hài hòa của thể trí cung 4 cũng giúp làm dịu sự mãnh liệt của cung 6. Tất cả những điều này được truyền tải qua một thể xác cung 3 khiến cho một người trở nên dồi dào sinh lực cho việc hoạt động sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật.
  • Tiêu cực: Khi thể trí cung 4 ở trạng thái không hài hòa, cảm dục cung 6 làm tăng mạnh sự đối lập của các suy nghĩ và cảm nhận gây ra những khoảng thời gian thăng và trầm liên tục của các cảm xúc. Sự tưởng tượng hư cấu của thế trí cung 4 công với sự mãnh liệt của cảm dục cung 6 đôi khi khiến một người bị lạc lối trong các cảm xúc và suy nghĩ của chính mình.

Phàm ngã cung 1 sẽ ảnh hưởng tới các thể thấp với những biểu hiện:

  • Tích cực: hướng thể trí cung 4 vào sự hài hòa khi có thể tập trung vào một mục tiêu chuyên nhất, không còn bị dao động quá mạnh giữa 2 đối cực. Hướng thể cảm dục cung 6 vào sự dứt bỏ mạnh mẽ khi cần thiết. Hướng thể xác cung 3 vào việc hoạt động có mục đích hơn.
  • Tiêu cực: khi phàm ngã cung 1 quá mạnh mẽ, có thể cuốn tất cả các thể thấp vào cùng 1 hoạt động có thể rất ích kỷ và tổn hại.

Linh hồn cung 2 khi thấm nhuần phàm ngã cung 1 sẽ có những biểu hiện:

  • Sự hiểu biết yêu thương được thể hiện bằng sức mạnh và sự vững vàng. Sự kết hợp của tình yêu và ý chí đạt được một cách vững chắc, với tình yêu chiếm ưu thế. Xu hướng gắn bó làm chủ xu hướng muốn tách rời của Phàm ngã, nhưng sự cân bằng vẫn được duy trì. Tình yêu được tuôn chảy, nhưng luôn luôn với sự không dính mắc; Do đó, một trạng thái gắn bó mà không dính mắc trở thành hiện thực. Cá nhân nắm vững bài học trở nên “cá nhân không cá nhân”. “Ý chí thống nhất” được thực hiện mạnh mẽ. Sự hiểu biết khôn ngoan và nhẹ nhàng được truyền đạt bằng sức mạnh. Các nghiên cứu toàn diện được theo đuổi không ngừng.
  • Sự kết hợp này có thể tạo ra một nhà giáo dục hiệu quả khác thường: một người sẽ tích lũy được nhiều kiến thức, nhưng sẽ tập trung nhấn mạnh rằng kiến thức phải được áp dụng trực tiếp và mạnh mẽ trong phụng sự. Những động cơ nhân từ nhất được mang vào kinh nghiệm sống. Đây là một cá nhân hiểu ý nghĩa của sự khiêm tốn và phân quyền, nhưng đủ “tập trung” để trở thành một thành viên của ĐNMPSTG mạnh mẽ, hiệu quả và thiết thực.
  • Tình yêu sâu sắc được thể hiện mà không có dấu vết của cảm xúc. Niềm khao khát được cứu rỗi được củng cố vững chắc bởi sự dũng cảm của Cung 1. Sự cứu chuộc trở thành chủ đề của cuộc sống, nhưng những người được giúp đỡ không bao giờ trở nên yếu đuối hoặc bị lệ thuộc. Họ được khuyến khích đứng trên đôi chân của chính mình và dựa vào chính mình. “Trái tim vàng” được tìm thấy bên dưới những gì đôi khi có vẻ như là một bề ngoài khá xa cách hoặc thậm chí là lạnh lùng. [3]

4. Giai đoạn chỉnh hợp trong bài tham thiền huyền linh

Khi chúng ta bắt đầu nhận thấy sự thôi thúc của việc tham thiền thì thật ra trước đó đã có một khoảng thời gian kéo dài của nhiều kiếp sống để chúng ta chuyển sự an trụ từ thể xác, qua thể cảm dục, phát triển thể trí, đạt được những đỉnh cao của Phàm ngã và sự khao khát của chúng ta đã hướng tới một cội nguồn nội tâm. Sau đó, có nhiều kiếp sống đã được dùng cho việc thực hành tham thiền thần bí, thực hành sự an trụ các thể bằng chánh định, chánh niệm, thanh luyện, lập hạnh và ít nhất chúng ta cũng đã từng đạt được một sự chỉnh hợp nào đó giữa Phàm ngã và Linh hồn mặc dù rất ngắn ngủi. Thông qua sự chỉnh hợp đó, chúng ta đã có được những sự mặc khải nhỏ về tâm điểm tinh thần bên trong và hình thành một khao khát tìm về.

Những giai đoạn trên tạo thành nền tảng cho việc thực hành tham thiền huyền linh, theo trình tự, dựa trên định luật- chính hình thức tham thiền này sẽ đưa một người tới mức thành đạt cuối cùng.

Theo LOM 11, nhờ việc học được sự an trụ trong các giai đoạn tham thiền trước, một người ở vào trạng thái quân bình, không thụ cảm và tiêu cực, cũng không hoàn toàn tích cực mà ở điểm thăng bằng. Điều này tạo điều kiện để Chân Ngã (về sau là Chân Sư) khuấy động thế quân bình và điều chỉnh sự rung động trầm lặng ở các nốt thấp lên một nốt cao hơn, khiến cho tâm thức rung động theo mức độ mới mẻ và cao hơn và quay ngoặt vào phạm vi của tinh thần ba ngôi. Nhờ vậy, sự chuyển dịch của các điểm trụ tâm thức sẽ đi qua thể xác, qua thể cảm dục, qua thể trí (thoát ra khỏi cả thể nguyên nhân) và rồi an trụ trong Chân Thần thức.

Vì vậy giai đoạn chỉnh hợp trong bài tham thiền huyền linh là việc tổng hợp lại toàn bộ những kết quả của các giai đoạn đã qua trong nhiều kiếp sống và thể hiện ra như là việc hoà nhịp có ý thức giữa phàm ngã với linh hồn. Bài tập hoà nhịp đơn giản mà chúng ta sử dụng ở mỗi buổi tham thiền là bước đầu tiên trong tiến trình tập trung nhằm đưa phàm ngã nhanh chóng đi vào sự an tĩnh và sẵn sàng tiếp nhận những ảnh hưởng từ linh hồn. Điều này được biểu hiện như là:

  • Thể xác được thư giãn.
  • Thể cảm dục trở nên điều hòa
  • Thể trí yên lặng và tập trung
  • Sự chú ý được hướng vào bên trong và hướng thượng tới nguồn tâm thức cao siêu gọi là linh hồn.
  • Ánh sáng và tình thương của linh hồn tuôn xuống vào thể xác, thể tình cảm, và thể trí[4]

Điều này được thực hiện nhờ việc rút ý thức hay nhận thức của thân xác qua các cơ quan thính giác, xúc giác, thị giác, vị giác và khứu giác. Các phương thức cảm nhận này tạm thời ngủ yên. Ý thức của hành giả trở thành đơn thuần qua thể trí. Ý thức não bộ là tất cả những gì còn linh hoạt trong thể xác.

5. Kinh nghiệm cá nhân về sự chỉnh hợp

Sau một đợt khủng hoảng kéo dài, một ngày tôi vừa tỉnh dậy, cơ thể vẫn còn nằm trên giường nhưng những cảm xúc của ngày hôm trước đã quay trở lại như đổ ập xuống và đầu óc thì đã suy nghĩ đến việc sẽ không đi làm với vô vàn các lý do.

Tôi chợt nhận ra sự xung đột mạnh mẽ của cơ thể, cảm xúc và suy nghĩ. Mỗi thứ đều có một nhu cầu và một lý lẽ riêng. Kể từ lúc đó, tôi bắt đầu nhận biết được trong phần lớn thời gian các thể này đều chia rẽ với nhau trong các quán tính riêng biệt. Từ điểm này tôi cũng mở rộng sự quan sát và thấy được rất nhiều điểm sai lầm tồn tại trong cả 3 thể của mình và một quyết tâm điều chỉnh chúng.

Cũng từ đó, tôi phát hiện ra khi mình bắt đầu điều chỉnh các quán tính bằng việc chỉ làm 1 việc trong 1 lúc, làm xong từng việc mới làm việc khác thì dần dần các thể được phối hợp lại với nhau nhịp nhàng hơn. Tôi bắt đầu có được khái niệm và trải nghiệm về việc định trí và chánh niệm.

Khi tôi thực hành tốt những điều này với các khoảng thời gian tập trung ngày càng tăng thì hiệu quả công việc của tôi tăng lên rõ rệt, bên cạnh đó là sự điều hòa của các cảm xúc với một cảm giác về sự cân bằng và bình an. Thêm vào đó là sự thấy ngày một rõ ràng hơn những hoạt động nội tâm của phàm ngã và dường như ngày càng tách rời hơn với điều này. Chẳng hạn tôi thấy được mình đã kiêu ngạo như thế nào, lúc đầu thì điều này tạo nên một sự khó chịu và có cảm giác thiêu đốt ở bên trong, nhưng dần dần tôi nhận thấy sự kiêu ngạo của mình hết sức buồn cười, giống như thể tôi đang quan sát mọi thứ từ một vị trí khác.

Sau khi những điều chỉnh bên ngoài dần được đưa vào quỹ đạo và những khoảng thời gian an tĩnh bên trong kéo dài hơn và hoạt động bên ngoài đã hiệu quả hơn, tôi đang tiếp tục cố gắng để tìm cách an trụ nhiều hơn về tinh thần. Tôi đang dần nhận biết được tình thương xuất phát từ trái tim, cùng với sự rõ ràng hơn về những bổn phận của mình và đưa tất cả những điều này vào trong sự kiểm soát của ý chí. Quá trình này đang được thực hiện hữu thức hơn qua việc thực hành thiền.

Sự chỉnh hợp với linh hồn cũng dần được nhận biết thông qua việc mở rộng trái tim để gắn kết một nhóm nhỏ, đồng thời với việc giữ vững ý chí tinh thần trong mục tiêu chung của nhóm.

Đối với sự điều chỉnh của mô hình tâm lý, tôi cũng nhận thấy những sự điều chỉnh rõ rệt khi có sự chỉnh hợp của 3 thể thấp để tạo thành một phàm ngã tích hợp và sau đó phàm ngã này bắt đầu chỉnh hợp một phần với linh hồn:

Tôi giả sử mình có thể xác cung 3, thể cảm dục cung 6, thể trí cung 4, phàm ngã cung 1 và linh hồn cung 2.

  • Thể xác cung 3 của tôi có thể chịu được và tuân phục các kỷ luật của cung 1. (Tất nhiên tôi nghĩ điều này cũng có ảnh hưởng của Vulcan và Pluto trên con đường thanh luyện). Trước đây điều này biểu hiện rõ ràng hơn khi tôi đã từng có thời gian 4 năm đam mê tập luyện võ thuật. Tuy nhiên gần đây, tôi thích những hình thức luyện tập nhẹ nhàng, yên tĩnh và đi vào chiều sâu hơn.
  • Thể cảm dục cung 6 khi chịu ảnh hưởng của cung 1 lúc nào cũng sôi sục, tìm cách nắm bắt và điều khiển những cảm xúc của chính mình và của người khác. Lúc trước có thể tha thiết yêu mến nhưng lúc sau đã có thể lạnh lùng từ bỏ. Dưới ảnh hưởng của năng lượng cung 2, thể cảm dục sôi nổi được làm cho êm dịu và tôi nhận biết rõ được việc kiềm chế nhờ sự thấu hiểu và cảm thông khác biệt hoàn toàn sự kiềm chế do việc lạnh lùng và kiêu ngạo (của cung 1).
  • Thể trí cung 4 luôn luôn dao động và phụ thuộc vào môi trường xung quanh được sự định hướng của cung 1 một cách rõ rệt. Khi khảo sát các bài viết của mình, tôi thấy rằng dù việc trình bày có nhiều chi tiết đối lập và lan man đến đâu thì cuối cùng vẫn dẫn đến 1 kết luận xuyên suốt. Còn sự ảnh hưởng của cung 2 thực sự mang tới cho tôi sự thanh thản của các suy nghĩ. Tôi hầu như không còn bị đấu tranh tư tưởng liên miên nữa. Tôi đã nhận thấy không có sự đối lập thực sự nào, tất cả đều thống nhất trong một tổng thể hoàn hảo và việc của tôi là cố gắng hiểu đúng để thúc đẩy một cách có ý thức sự hài hòa đó.
  • Phàm ngã cung 1 luôn luôn độc lập, tự tin và thích khẳng định uy quyền bị làm cho suy yếu một cách nhẹ nhàng, tinh tế và sâu sắc. Giai đoạn này mang lại khá nhiều sự bực bội bởi việc bị mất sức mạnh, mất định hướng khi mọi thứ trở nên không còn đi theo các đường thẳng như trước. Trải qua nhiều thời gian và nhiều khúc quanh tinh tế, tôi bắt đầu học được cách thấu hiểu và vị tha qua việc nhận thức được vị trí của mình với xung quanh. Tôi dần dần tìm thấy sức mạnh khác của việc trở thành người đồng hành cùng với mọi người.

II. KỸ THUẬT HÌNH DUNG

1. Khái niệm về hình dung

Trong các bài tham thiền mà Chân sư D.K giảng dạy cho các đệ tử, việc hình dung (visualization) giữ một vai trò trọng yếu trong việc thực hiện thành công các bài tham thiền, vì “năng lượng đi theo tư tưởng”. Ngài nói rằng trong các trường tham thiền nội môn tương lai, việc hình dung sẽ là một trong các kỹ thuật cơ bản được giảng dạy cho các đệ tử. Nó là bước đầu tiên trong việc điều khiển năng lượng (direct energy). Khi người đạo sinh đã thuần thục kỹ thuật hình dung y sẽ dễ dàng áp dụng nó trong các bài tham thiền khác như tham thiền kiến tạo đường antahkarana nối liền giữa phàm ngã và chân ngã, tham thiền trong việc chữa bệnh hoặc khai mở các luân xa. Ngài yêu cầu các đệ tử Ngài hãy bắt đầu thực tập kỹ thuật hình dung với quyết tâm, vì đó là kỹ thuật nền tảng của tất cả công việc tham thiền thực thụ.[5]

ĐIỀU BÍ MẬT CỦA TẤT CẢ CÔNG VIỆC THAM THIỀN THẬT SỰ trong các giai đoạn đầu của nó là khả năng hình dung. Đây là giai đoạn đầu tiên cần được làm chủ. Các đệ tử nên đặt trọng tâm vào quá trình này; cuối cùng nó đưa đến khả năng sử dụng các năng lực sáng tạo của trí tưởng tượng, cộng với năng lượng tinh thần, như là một biện pháp để thực hiên các mục tiêu của Thánh đoàn và thi hành Thiên Cơ[6].

Điều này cho thấy rằng khả năng hình dung đưa đến:

  • Khả năng sử dụng các năng lực sáng tạo của trí tưởng tượng. Đây là việc sẽ đưa trí cảm vào sự hoạt động đúng đắn, trở thành vận cụ để truyền đạt những năng lượng cao hơn xuống các hiện thể thấp.
  • Khả năng sử dụng các năng lượng tinh thần.

Chính công việc hình dung mang đến sức mạnh của sự biến đổi hay là động lực cho quá trình luyện kim của con người. Theo bình luận của thầy MDR, điều này là nhờ:

  • Khả năng sắp xếp và sự sắp xếp các hình ảnh; sự rõ ràng và sinh động của các hình ảnh; mức độ phản ánh của hình ảnh đối với hình mẫu của mục tiêu. Mục tiêu này không nhất thiết phải có hình dạng cụ thể mà có thể là một mô thức tinh tế của khía cạnh tâm lý bên trong mà theo đó các hình ảnh sẽ được sắp xếp để có thể diễn tả được mô thức này.
  • Tưởng tượng sáng tạo được sử dụng để thay đổi cấu trúc của các nguyên nhân bên trong. Năng lượng/ lực của các mô thức tinh tế này khi được hình dung đúng đắn sẽ làm việc theo các quá trình huyền linh để điều chỉnh các cấu trúc bên trong và sau đó sẽ giúp điều chỉnh các hình ảnh được biểu hiện ra bên ngoài một cách trực tiếp. Tất cả những điều này sẽ tạo ra sự tái hình thành, tái điều chỉnh, tái định hướng của các biểu hiện bên ngoài.
  • Mục đích của năng lượng tinh thần là đảm bảo cho việc hình dung những hình ảnh đúng và được áp dụng vào ‘đúng nơi’ và vào ‘đúng thời điểm’. Trong đó, tưởng tượng sáng tạo không phải là một quá trình ngẫu nhiên và không kiểm soát. Hay nói cách khác: năng lượng tinh thần hướng dẫn, điều chỉnh quá trình hình thành hình ảnh và các mô thức tâm lý phục vụ cho việc biểu lộ Thiên Cơ.

2. Các bước của kỹ thuật hình dung

Hình dung là bước đầu tiên trong việc chứng minh định luật huyền bí “năng lượng đi theo tư tưởng”. Tất nhiên, tất cả mọi người quan tâm đến việc nghiên cứu huyền linh học đều công nhận điều này về mặt lý thuyết. Một trong những nhiệm vụ mà các đệ tử phải đối mặt là đạt được sự hiểu biết thực tế về điều này.[7]

2.1 Hình dung hình ảnh:

Hình dung hình ảnh (pictorial visualisation)—vốn là một đặc tính xác định của công việc của nhiều trường huyền môn—chỉ đơn giản là một bài tập để tạo ra năng lực hình dung.[8]

Đây là việc khởi đầu của kỹ năng hình dung. Nó sẽ giúp một người bắt đầu làm việc với sự sáng tạo. Đây là một kỹ năng được phát triển mạnh mẽ một cách tự nhiên. Ví dụ như công việc của người sáng tác gốm, sáng tác kiến trúc, dựng bối cảnh phim, lập kế hoạch, viết tiểu thuyết… Công việc này sẽ được bắt đầu bằng việc cố gắng mô phỏng những hình thể (hình thể vật lý hoặc mô thức tâm lý) bằng quá trình ghi nhớ, phân tích và tái hiện bằng sự sáng tạo thành những tổ hợp khác nhau.

Chúng ta hãy tự kiểm tra năng lực này của mình bằng cách:

  • Quan sát 1 vật, nhắm mắt và “vẽ” lại vật đó trong đầu. Sau đó hãy so sánh độ chính xác của vật bạn vẽ trong đầu với vật thật. Tiếp tục với các vật phức tạp và có độ chính xác cao hơn.
  • Sau khi thu nạp được một số lượng các hình ảnh cụ thể, hãy thử phối hợp chúng với nhau. Hình dung các điểm giao cắt, cách chúng lồng vào nhau và tạo thành các hình thể mới.
  • Hình dung sự chuyển động của chúng: một cách đơn lẻ, và rồi – một cách phối hợp.

Hoặc bằng việc hình dung một lưu đồ phối hợp công việc (cuối cùng sẽ được thể hiện ra bằng hình ảnh):

  • Mục tiêu của công việc, các bộ phận nào cần phối hợp để đạt đến mục tiêu này.
  • Công việc này cần bắt nguồn từ bộ phận nào, các bộ phận khác sẽ phối hợp đưa các thông tin như thế nào.
  • Với các tình huống khác nhau (thông tin được chấp nhận hoặc không được chấp nhận), quá trình sẽ cần phải điều chỉnh như thế nào.

Nếu bạn chưa phát triển đủ năng lực này, hãy bắt đầu rèn luyện với các bước như trên.

Sẽ là có ích ở đây khi tìm cách phân biện giữa hình ảnh tạo ra bởi sự tưởng tượng và sự hình dung:

Hình ảnh tạo ra bởi sự tưởng tượng

Hình ảnh tạo ra bởi sự hình dung

Các hình ảnh này nằm trong khu vực trí cảm

Các hình ảnh này nằm trong cõi trí

Được cấu tạo bởi các vật chất của khu vực trí cảm (các hạt thô nặng, có tính chất như sương mù)

LOS- 11 “Tâm thái” là kama-manas (dục vọng-hạ trí), là thể tình cảm hay cảm dục, có nhuộm chút ít hạ trí. Nó là chất liệu bao bọc mọi ham muốn và xúc cảm của mỗi người, giúp chúng phát biểu (các hình tư tưởng trên cõi trí cảm.

Cấu tạo bởi các vật chất cõi trí (trí tuệ chất)

LOS- 11 Chitta là hạ trí, hay trí tuệ chất, thể trí, năng lực suy tư và tạo hình tư tưởng, là toàn bộ các tiến trình tư duy. Đó là chất liệu được chân ngã hay linh hồn chế ngự và dùng để tạo ra các hình tư tưởng (trên cõi hạ trí).

Do được cấu tạo bởi các hạt thô nặng nên khi càng cố gắng quan sát và đi sâu vào chi tiết thì chúng càng trở nên mơ hồ hơn.

Điều này được minh họa bằng dạng đồ họa điểm – đồ họa Pixel (dạng đồ họa như các bức tranh được cấu tạo bởi các điểm ảnh, được định dạng trong không gian 2 chiều)

Do được cấu tạo bởi các hạt thanh nhẹ, có tính chất năng động hơn nên các hình ảnh này rõ ràng và sắc nét.

Điều này được mình họa bằng dạng đồ họa vector (là dạng đồ họa được tạo thành bằng cách gán cho các điểm cấu tạo các thuộc tính) và được định dạng trong không gian 3 chiều

Các hình ảnh này không thể được tích lũy thêm các chi tiết một cách liên tục mà ngược lại, các chi tiết sẽ ngày càng phai nhạt và tan rã dần theo thời gian

Có thể tiếp tục được bồi đắp thêm các chi tiết và tiếp tục hoàn thiện thêm mỗi ngày.

Thầy MDR bình luận:

Hình dung hình ảnh đơn giản chỉ là một bước khởi đầu và có thể liên quan đến việc sử dụng trí nhớ để thúc đẩy việc giữ một hình ảnh một cách rõ ràng. Nhưng công việc đó chỉ là việc khởi động cho hành động thực sự của việc hình dung. Bước tiếp theo là việc phải tìm cách kích hoạt hình ảnh đó để nó hoạt động theo mục tiêu.

2.2 Thay thế khía cạnh ngoại tại này bằng một tiến trình nội tâm:

Trong công việc của những đệ tử được đào tạo cho việc điểm đạo, khía cạnh ngoại tại này phải được thay thế bằng một tiến trình nội tâm là bước đầu tiên hướng đến việc điều khiển năng lượng. Việc hình dung hình ảnh nhằm tập trung người chí nguyện vào bên trong đầu, ở một điểm nằm giữa tuyến yên và tuyến tùng. Ở khu vực đó, y vẽ nên các bức tranh và hình dung các phong cảnh và nhờ đó hoạch đắc được năng lực để thấy—trong chi tiết và trong toàn thể—cái mà y mong muốn và dự định làm việc.[9]

  • Ở giai đoạn này, giai đoạn hình dung (“vẽ các bức tranh và phong cảnh”) xảy ra ở giữa tuyến yên và tuyến tùng, nghĩa là thấy các hình ảnh ở đó.
  • Điều này có thể được thực hiện như sau:

(Chỉnh hợp cơ bản, nâng tâm thức lên cao và cố gắng giữ thể trí trong ánh sáng)

  • Hình dung được khu vực nằm giữa tuyến yên và tuyến tùng.
  • Định trí vào khu vực đó để thu hút các vật chất cõi trí.
  • Dùng ý chí phối hợp các vật chất này để tạo thành các hình ảnh với độ chính xác cao và mang những ý định sáng tạo cụ thể.
Visualisation-1.jpg (2320×1690)

Quá trình này cũng đúng với việc hình dung một mô thức tâm lý:

Hình dung một mô thức tâm lý cũ: bằng cách quan sát sự lặp đi lặp lại của một hành động, cảm xúc, suy nghĩ, chúng ta có thể dần hình dung được sự hoạt động của các khía cạnh bên trong mình.

Ví dụ:

  • Mô thức tâm lý nạn nhân là việc chúng ta tự cho mình là nạn nhân và trở nên tiêu cực với tất cả những sự tiếp xúc về mặt tâm lý với xung quanh.
  • Mô thức tâm lý của thể cảm dục cung 6 có những đặc trưng: dễ bị kích động, mãnh liệt, thiếu kiềm chế, hung hăng, có thể điều chỉnh thái độ nhanh chóng.

Hình dung một mô thức tâm lý mới mà chúng ta muốn hướng đến (phương pháp as if).

Ví dụ: những rung động cao hơn của thể cảm dục cung 6 sẽ thay thế dần cho những rung động thấp: sự nhiệt thành yêu mến, sự nồng nhiệt của việc nhất tâm và tận tụy.

Thầy MDR bình luận:

Để làm được điều này, nhất thiết phải thiết lập một loại liên hệ giữa mô thức mới và mô thức cũ hoặc hình ảnh mục tiêu sẽ được cấu trúc lại để tái định hướng hình ảnh đã giữ. Một cách để thúc đẩy mối liên hệ này là khả năng giữ cả hai hình ảnh trong tâm trí đồng thời, và chú ý đến sự biến đổi của hình ảnh mục tiêu thành một bản sao hoặc bản sao gần giống hình ảnh đã giữ. Cần chú ý đến khoảnh khắc khi hai hình ảnh trở nên cộng hưởng. Rõ ràng, cần phải có nhiều luyện tập và sự ổn định nội tâm để đạt được thành công trong nỗ lực của người hình dung.

2.3 Hình dung “quá trình được hướng dẫn”

Việc hình dung ra cái có thể gọi là “quá trình được hướng dẫn” tiếp tục một cách tập trung hơn trong khu vực ngay xung quanh tuyến tùng.[10]

“Quá trình được hướng dẫn” là các bước thực hiện việc dùng tư tưởng hướng dẫn nguồn năng lượng đi theo các bước cụ thể. Từ tiếp tục có nghĩa là quá trình định hướng này là thực hành cao hơn thực hành chỉ hình dung hình ảnh. Sau khi khi đã quen thuộc với hình dung các hình ảnh, ta thực hành việc điều khiển hướng năng lượng đến các luân xa trong chúng ta.

Để dễ dàng, có thể tìm các hình ảnh liên quan, giúp nhận biết một cách trực quan về các quá trình này trước, sau đó tiến hành hình dung hình ảnh, sự chuyển động, rồi đưa các hình ảnh này vào khu vực xung quanh tuyến tùng bằng cách định trí vào khu vực này.

Tuyến tùng khi đó trở thành trung tâm của một từ trường được thiết lập – lúc đầu – bởi năng lực hình dung. Ở điểm đó, người đệ tử tập hợp năng lượng và sau đó với ý định hướng đến một luân xa nào đó. Tư tưởng được tập trung này tạo ra những hiệu ứng chắc chắn trong thể dĩ thái và như thế hai khía cạnh của sự tưởng tượng sáng tạo hoạt động.[11]

Toàn bộ quá trình hình dung phía trên là để năng lượng được tập trung trong khu vực tuyến tùng và để chuẩn bị cho việc điều hướng năng lượng đi theo các quá trình.

Hai khía cạnh của sự tưởng tượng sáng tạo là:

  • Sử dụng tuyến tùng như một công cụ thu thập hình ảnh từ cõi trí. Điều này kích thích khả năng hình dung, hay là khía cạnh tạo hình thể của sự tưởng tượng sáng tạo.
  • Điều hướng các năng lượng đi theo sự hình dung đó.

Thầy MDR giải thích về việc tập trung năng lượng và điều hướng năng lượng cần phải được làm một cách chính xác ở những vị trí xác định để có thể mang lại hiệu quả:

  • Các vị trí cụ thể trong đầu đang được đề xuất để “hình dung các hình ảnh” (điểm giữa tuyến yên và tuyến tùng) và một vị trí khác để hình dung “tiến trình được định hướng”. Tuyến tùng có ý nghĩa liên quan đến trung tâm lực đỉnh đầu và cung một, và vì vậy nó là ‘địa điểm’ thích hợp để hình dung quá trình được định hướng. Thuật ngữ “được định hướng” thuộc về cung một. Tuyến yên có (tùy theo bối cảnh xem xét) mang ý nghĩa của cung hai hoặc cung ba. Khi xem xét tuyến cảnh (carotid gland), tuyến yên mang ý nghĩa cung hai. Bản thân việc hình dung các hình ảnh liên quan đến cung hai tạo hình tướng. Sự định hướng của những hình ảnh này liên quan đến cung một của ý chí, quyền năng.
  • Chức năng của tuyến tùng (trong trường hợp cụ thể này) đã được làm rõ cho chúng ta. Quá trình hình dung kích thích nó. Khi được kích thích, nó đóng vai trò như một trung tâm từ tính — “trung tâm của từ trường”. Thông qua từ tính này, các năng lượng cần định hướng trước tiên được tập hợp lại, sau đó tập trung, rồi được định hướng.

3. Quá trình tưởng tượng sáng tạo:

Khả năng hình dung là khía cạnh tạo hình thể của sự tưởng tượng sáng tạo. Quá trình này chia thành ba phần, tương ứng phần nào với quá trình sáng tạo của chính Thượng Đế[12]

3.1 Thu thập năng lượng:

Việc thu thập năng lượng đủ tiêu chuẩn vào vòng-giới-hạn.

Bước đầu tiên liên quan đến việc “thu thập năng lượng đủ tiêu chuẩn vào trong vòng-giới-hạn”. Chúng ta lưu ý rằng không phải bất kỳ năng lượng nào cũng có tác dụng mà chỉ năng lượng nào có chất lượng phù hợp với mục đích của việc xây dựng. Hơn nữa, phải có vòng giới hạn, nếu không chúng ta không thể quản lý được năng lượng được thu thập; nó sẽ phân tán và không thể ‘nắm bắt’ để định hướng được.[13]

3.2 Tập trung năng lượng:

Tập trung năng lượng này dưới sức mạnh của ý định, nghĩa là ở một điểm lân cận của tuyến tùng. Năng lượng giờ đây tập trung và không bị khuếch tán.[14]

Việc tập hợp là một giai đoạn, và tập trung là một giai đoạn khác. Người ta tập trung bằng cách ‘chăm chú’ vào cái đã được thu thập. Sự chú ý được áp dụng vào năng lượng được tập hợp chứ không phải vào các năng lượng/lực xung quanh năng lượng được tập hợp.

Sức mạnh của ý định là sức mạnh xuất phát từ mục đích, và nó thực hiện một loạt hành động nhất định có tính chọn lọc cực kỳ cao.

Sức mạnh của ý định ở đây là toàn bộ quá trình điều hướng đã được hình dung một cách cụ thể, chi tiết và được giữ một cách mạnh mẽ, ổn định tại điểm lân cận của tuyến tùng.

3.3 Phân phát năng lượng

Việc phân phát năng lượng tập trung này bằng một quá trình hình ảnh (không phải bởi hành động của ý chí vào thời điểm này) theo bất kỳ hướng mong muốn nào—nghĩa là đến các trung tâm nhất định theo một trật tự nhất định.[15]

Ở đây, Chân sư DK không mở rộng về quá trình hình dung hình ảnh, nhưng có thể giả định rằng một khi năng lượng/lực được tập hợp và tập trung, những hình ảnh thích hợp, hợp lý sẽ xuất hiện một cách tự nhiên (và có thể được ‘chỉnh sửa’ bởi năng lượng tinh thần).

Hành động ý chí mà chúng ta không nên thực hiện vào lúc này có lẽ là việc chúng ta không nên nhấn mạnh vào tác động của các năng lượng/lực được định hướng bằng hình ảnh. Quá trình này sẽ tự điều chỉnh theo tính chất của quá trình hình dung hình ảnh. Chúng ta không áp đặt thêm sức mạnh lên hình ảnh được hình dung và nhấn mạnh rằng ‘mục tiêu’ của quá trình hình ảnh phải thay đổi và thay đổi ngay bây giờ.

Nếu dùng ý chí để điều hướng năng lượng sẽ khiến năng lượng bị cưỡng bức, khiến năng lượng không thể đi theo các dòng chảy tự nhiên, có thể bị thiếu hụt hoặc gia tăng quá mức tại một điểm nào đó. Trong khi đó quá trình dịch chuyển năng lượng giữa các luân xa phải là một quá trình tự nhiên vì chỉ có điều này mới đảm bảo được sự hoạt động nhịp nhàng của các luân xa. Nếu không hiểu đúng và thực hành từ từ sẽ dẫn đến việc dùng ý chí điều khiển năng lượng khiến cho các luân xa rơi vào tình trạng kích thích.

Tóm lại: công việc tưởng tượng sáng tạo là việc tập hợp các vật chất cõi trí, bằng ý chí đưa các vật chất này vào khu vực xung quanh tuyến tùng để tạo hình các quá trình điều hướng năng lượng với những kết quả cụ thể. Sau khi tuyến tùng tập trung đủ năng lượng, năng lượng này sẽ tự động phát khởi theo đúng các quá trình đã hình dung một cách tuần tự.

3.4 Lưu ý thực hành:

Quá trình điều hướng năng lượng này có thể trở thành một thói quen tinh thần nếu các đệ tử bắt đầu làm việc đó chậm rãi và dần dần. Đầu tiên, quá trình hình dung có vẻ khó khăn và vô ích, nhưng nếu bạn kiên nhẫn, cuối cùng bạn sẽ thấy rằng nó trở nên dễ dàng và hiệu quả.[16]

Thầy MDR bình luận: Chúng ta hình dung để năng lượng có thể được hướng vào mục đích một cách có ích. Ngài mong muốn phương pháp định hướng năng lượng này sẽ trở thành một “thói quen tâm linh”. Điều quan trọng là nó phải trở nên hoàn toàn tự nhiên đối với chúng ta để chúng ta có thể sử dụng nó một cách khéo léo.

Kinh nghiệm cá nhân:

  • Trong công việc thiết kế kiến trúc (công việc mang tính chất cung 7- trật tự, nghi lễ, huyền thuật) và quản lý dự án.
  • Tập ghi chép lại các vật thể: hình khối, màu sắc, ánh sáng.
  • Tập hình dung: các hình thể riêng lẻ, các hình thể trong sự giao cắt 3 chiều, các hình thể được thể hiện bằng ngôn ngữ kỹ thuật thành các hình chiếu trên các mặt phẳng (mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt).
  • Tập đọc các bản vẽ theo các ngôn ngữ ký hiệu kỹ thuật và ghép nối các chi tiết một cách chính xác để tái hiện lại trong trí các hình khối của ý tưởng. Tiếp tục ghép nối và điều chỉnh các chi tiết trong tổng thể sao cho chúng không xung đột với nhau.
  • Hình dung quá trình thực tế của việc hiện thực hóa: các bước cần thực hiện để hoàn thành được công trình trong thực tế.

Với công việc quản lý dự án:

  • Hình dung các quá trình phối hợp thông tin để đạt được một mục đích.
  • Hình dung về việc phân chia nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân/bộ phận để thực hiện.
  • Hình dung để điều chỉnh quá trình xử lý thông tin và ra được các kết quả cụ thể.

Qua tất cả những điều này, tôi thấy mình đã hoàn thành được bước thực hành hình dung đầu tiên, đó là việc hình dung hình ảnh và điều này được biểu hiện bằng những dự án thực tế.

  • Kinh nghiệm cá nhân về việc hình dung các mô thức tâm lý: tôi hình dung mình có một thể cảm dục cung 6 và một thể trí cung 4. Do vậy mô thức tác động của thể trí lên thể cảm dục sẽ như sau:
  • Thể cảm dục cung 6 giúp tôi biểu hiện các cảm xúc khá tự nhiên, ít khi bị kìm nén và ách tắc. Tôi cũng nhận thấy mình có một sự tương tác về năng lượng cảm dục đối với xung quanh khá rõ ràng và mạnh mẽ. Ngoài ra, về mặt tình cảm, tôi rất nhiệt tình, nhiều đam mê. Tôi cũng dễ dàng vượt qua những trạng thái cảm xúc tiêu cực.
  • Tôi thấy thể trí cảm pha trộn của cung 4 và 6 khiến cho trí tưởng tượng của tôi khá phong phú và giàu cảm xúc, nhạy cảm với cái đẹp cả về mặt hình ảnh và cảm xúc. Cung 4 mang những thuộc tính của cung 1 và 2; tương tác với cung 6 mang những thuộc tính của cung 2 và 3 khiến tôi cảm thấy mình có khá nhiều những suy nghĩ và cảm nhận về tình thương.
  • Thể trí cung 4: giúp tôi quan sát một cách rõ ràng và vô tư về các xung đột bên trong, đồng thời là một cây cầu liên kết giữa các thể và phàm ngã. Sự mong muốn được hài hòa của thể trí cung 4 làm dịu những tác động mạnh mẽ của phàm ngã cung 1 đến cảm dục cung 6, khiến cho cung 6 được kiềm chế và có vẻ đỡ “lạc lối” hơn trong các biểu hiện của cảm xúc.
  • Thể cảm dục cung 6 mạnh mẽ khiến tôi đôi khi bị tình trạng bùng nổ cảm xúc do việc thiếu kiềm chế và tính hung hăng. Việc này gây ra những cú sốc của việc mất năng lượng khá lớn.
  • Khi thể trí cung 4 ở trạng thái không hài hòa, cảm dục cung 6 làm tăng mạnh sự đối lập của các suy nghĩ và cảm nhận, khiến tôi có những khoảng thời gian thăng và trầm liên tục của các cảm xúc. Sự tưởng tượng hư cấu của thế trí cung 4 cũng khiến tôi đôi khi bị lạc lối trong các cảm xúc và suy nghĩ. Tôi thấy điều này sẽ được khắc phục dần dần bằng việc rèn luyện hạnh vô dục.

4. Một ví dụ về kỹ thuật hình dung

Sự tưởng tượng sáng tạo về linh hồn và sự chỉnh hợp giữa phàm ngã với linh hồn.

Tịnh tâm và tập trung trí. Hướng trí của bạn vào bên trong và hướng lên về nguồn cội của tâm thức cao cả mà ta gọi là “linh hồn”. (Bạn hãy tưởng tượng linh hồn của bạn là một đấng thiên thần chói rạng, hoặc có lẽ giống như một quả cầu năng lượng chói sáng giống mặt trời bao trùm xung quanh bạn. Tâm của quả cầu năng lượng chói sáng đó ở trên đầu bạn một chút.)

Chỉnh hợp với linh hồn của bạn: Tưởng tượng một đường ánh sáng màu vàng kim hay trắng nối bạn với linh hồn của bạn; kế đến hãy hình dung ánh sáng và tình thương của linh hồn bạn tuôn tràn xuống vào ba thể của bạn: xác thân, tình cảm, và trí tuệ[17]

Bước 1: Hình dung cơ bản:

Linh hồn của bạn như một quả cầu hoặc một đấng thiên thần chói rạng. giống như một quả cầu năng lượng chói sáng giống mặt trời
Quả cầu năng lượng chói sáng đó bao trùm xung quanh bạn với tâm của quả cầu ở trên đầu bạn một chút
Hình dung một đường ánh sáng màu vàng kim hay trắng nối bạn với linh hồn của bạn
Hình dung ánh sáng và tình thương từ linh hồn tuôn tràn xuống 3 thể của bạn: thể xác, thể cảm dục, thể trí

Hình dung ánh sáng trắng, trong lạnh của linh hồn đang đi vào vùng ánh sáng màu vàng kim của phàm ngã

Hãy hình dung một mô hình tâm lý mới khi năng lượng của linh hồn dần đi vào và hòa nhập với năng lượng của phàm ngã:

–      Tập trung vào bản chất cảm xúc, tưởng tượng về những ước vọng của phàm ngã với linh hồn.

Bước 2: Hình dung nâng cao:

Ánh sáng trắng, trong lạnh này chia làm 2 sợi, một phần đi vào luân xa tim (đây là sợi dây sinh mệnh tuyến – sutratma- xuất phát từ chân thần qua linh hồn đến phàm ngã và trụ trong tim), một sợi đi vào luân xa đầu (thức tuyến – khía cạnh của tâm thức – trụ trong trung tâm của đầu, điều khiển bộ óc để chỉ đạo các hoạt động và gây ra nhận thức khắp cơ thể thông qua phương tiện của hệ thống thần kinh)
Đồng thời ở phía mặt bên kia của luân xa đầu, luân xa tim và luân xa lá lách, 3 tuyến năng lượng này kết hợp với nhau tạo thành sợi dây thứ 3 nối từ phàm ngã đến linh hồn (sáng tạo tuyến – antahkarana, đây là con đường phản bổn hoàn nguyên của con người)

Hình dung về mô hình tâm lý mới: Hình dung về mục tiêu thay thế những phẩm tính thấp của phàm ngã bằng những phẩm tính cao của linh hồn.

Bước 3: Tiếp tục hình dung chi tiết hơn nữa:

Ở các điểm này, ánh sáng đi vào làm các luân xa chuyển động. Hãy zoom kỹ hơn vào các luân xa:

D:\Lanndt\Learning\Pic_Back ground\54fbf41fc949033f595f3d37747430e1.jpg

Hình ảnh các luân xa chuyển động, màu sắc của chúng một cách chi tiết hơn nữa.

Một năm thiên hà dài bao lâu? | Báo Dân trí
D:\Lanndt\Learning\Pic_Back ground\af7059731146160e54f10b384132e9bb.jpg

Và rồi cứ tiếp tục chi tiết hóa hơn nữa sự hình dung của chúng ta mỗi ngày bằng cách bồi đắp thêm các tri thức thông qua thu thập các chi tiết:

Cấu tạo của lưới dĩ thái,

Vị trí chính xác của các luân xa, màu sắc của các luân xa (phản ánh cung năng lượng đang đi vào luân xa)

Quá trình kiến tạo chi tiết hơn của đường antahkarana

+ Cấu tạo hoa sen chân ngã và quá trình truyền chuyển năng lượng từ tam nguyên tinh thần (và cao hơn nữa) qua hoa sen chân ngã xuống các thể của phàm ngã.

D:\Lanndt\Learning\MFVN\Khóa học QU1\DHY Q1\Các kỹ thuật cơ bản của thiền Raja Yoga và việc xây dựng Antahkarana\Kỹ thuật hình dung\img1309-1.gif

Hình dung rõ ràng hơn về sự điều chỉnh của mô hình tâm lý nội tại khi linh hồn thấm nhuần phàm ngã:

  • Các biểu hiện tiêu cực của các thể được thay thế bởi những biểu hiện tích cực.

Ví dụ: thể trí cung 4: sự dao động, tính thiếu quyết đoán, tính cường điệu được thay thế bằng vẻ đẹp của sự hài hòa, của một trí tưởng tượng đầy mỹ lệ.

  • Năng lượng của cung linh hồn từ từ thấm nhập vào các thể thấp

Ví dụ: năng lượng của linh hồn cung 2 sẽ giúp phàm ngã cung 1 bao dung hơn và có thể tập trung sức mạnh đi vào bên trong mình, đạt được tình thương không dính mắc.

  • Sự biểu hiện ngoại tại khi mình chỉ còn là linh hồn.

Ví dụ: một người với linh hồn cung 2 sẽ chỉ biểu hiện ra ngoại cảnh các tính chất của minh triết và bác ái.

Tóm lại:

  • Với sự hình dung đầu tiên, chúng ta thiết lập một sơ đồ nguyên lý tổng thể: linh hồn và phàm ngã, linh hồn tuôn đổ ánh sáng xuống phàm ngã, phàm ngã xây dựng con đường kết nối với linh hồn
  • Với quá trình hình dung tiếp diễn chúng ta cần thu thập các chi tiết làm rõ hơn cho mối quan hệ này.
  • Cuối cùng chúng ta sẽ ghép nối các chi tiết vào tổng thể theo đúng tiến trình kỹ thuật của nó.

Và một quá trình hình dung đang dần được hoàn thiện.

5. Đặc điểm của những hình thể được tạo ra qua sự hình dung

Thật thú vị khi biết được những hình thể được tạo ra do sự hình dung của thần bí gia và huyền bí gia. Điều này gợi mở rất nhiều cho cách thức để chúng ta hình dung và hướng tới quá trình hoàn thiện khả năng hình dung sáng tạo của mình, cũng như việc áp dụng vào việc thực hành các bài tham thiền.

Những hình thể do thần bí gia và huyền bí gia tạo ra, được thấy bằng thần nhãn:

Thần bí gia khi đang tham thiền tạo ra trước y và chung quanh y một hình dáng mờ đục, mới phát khởi và mờ mịt như mây, và chính y ở trung tâm của hình thể đó. Thường thì tùy theo khuynh hướng tâm trí của y mà nhân của hình thể đó có thể là một biểu tượng được ưa thích như là một thập tự giá, một bàn thờ hay ngay cả ý tưởng hình dung của y về một trong các Đấng Cao Cả. Hình thể này được bao bọc bằng những đám sương mù của lòng sùng tín, hòa nhịp với những đợt màu sắc dâng tràn, dấu hiệu của sự chí nguyện, tình thương và lòng mong ước thiết tha. Những màu sắc trong đó thật trong sáng và tinh khiết phi thường và càng lúc càng vươn lên đến mức rất cao. Mật độ và vẻ đẹp của những đám mây màu sắc đang dâng cao tùy theo khả năng ước vọng và yêu thương của hành giả; sự chính xác của biểu tượng hoặc hình ảnh ở trung tâm các đám mây màu sắc đang luân chuyển thì tùy theo sự vững vàng của tính tình của y.

Những hình thể được tạo ra bởi một người có khuynh hướng tư duy huyền bí và bị chi phối nhiều hơn bởi trí tuệ sẽ là hình thể thuộc dạng hình học. Những đường nét rõ rệt nhưng thường cứng nhắc. Hình thể sẽ được tạo ra một cách cẩn thận hơn và hành giả, trong khi tham thiền, sẽ tiến hành với sự thận trọng và chính xác cao độ. Y sẽ có (nếu Tôi có thể diễn tả như thế) một sự hãnh diện trong việc vận dụng chất liệu để tạo ra hình thể. Chất của cõi trí sẽ lộ ra nhiều hơn, và – mặc dù có vài đám mây làm bằng chất tình cảm mà y có thể thêm vào trong tổng thể – chất liệu của cõi cảm dục sẽ ở tầm quan trọng thứ yếu. Những màu sắc được dùng có thể trong sáng ngang nhau nhưng được phân phối tùy theo những chủ đích đặc biệt của hành giả, còn hình thể thì nổi rõ chứ không bị chìm trong các màu sắc của tình cảm dâng cao như thường có trong hình thức tham thiền thần bí.

Về sau, khi hành giả (thuộc cả hai nhóm này) đã đạt mức phát triển đầy đủ hơn và thành một huyền bí gia kiêm cả thần bí thì những hình thể tạo được sẽ kết hợp được cả hai phẩm tính với vẻ đẹp hiếm có.[18]

6. Kết quả thực hành

  • Tuyến tùng và tuyến yên được kích thích, khiến cho bộ óc trở thành một công cụ của thể trí tức là trở thành một thấu kính cho việc tiếp nhận những ấn tượng từ các cõi giới cao hơn. Điều này là một bước trong tiến trình chỉnh hợp của bộ óc, thể trí và linh hồn.
  • Đây là quá trình mà khi thực hành nó đúng đắn, dần dần chúng ta có thể hiểu được phát biểu của Chân sư D.K: Khả năng hình dung đúng đắn là một phương thức xác định để xác tín đúng sai.
  • Sự tưởng tượng sáng tạo sẽ giúp xây dựng cầu Antahkarana nối liền thể hạ trí và thượng trí.

III. KỸ THUẬT TƯ DUY TUẦN TỰ.

1. Khái niệm về tư tưởng (hình tư tưởng), tư tưởng gốc

Từ Ý tưởng được Chân sư sử dụng để chỉ những cái mà ta có thể gọi là tư tưởng trên cõi giới Bồ đề. Khi một người học đạo vươn tâm thức đến được cõi Bồ đề, tiếp cận được những ý tưởng đó, chuyển những ghi nhận đó đến thể trí và bộ óc vật lý, nó biến thành một tư tưởng thể hiện ý tưởng đó.[19]

Như vậy, một ý tưởng từ trên cõi Bồ đề thông qua thể trí và sự ghi nhận của bộ óc vật lý trở thành một tư tưởng. Mỗi tư tưởng lại tạo ra một hình tư tưởng xác định, có tính chất riêng.

Theo LOS 162, có thể nói rõ hơn, các ý tưởng được hiển lộ gồm năm nhóm hình tư tưởng:

  • Những hình thể hữu hình ở trong ngoại cảnh trong cuộc sống hàng ngày ở cõi trần. Một người đã tự đồng hóa với những hình thể này trong thời gian lâu dài vào các giai đoạn đầu, còn dã man của đời sống nhân loại.
  • Các tâm trạng, xúc cảm và ham muốn, tất cả đều có hình dạng trong cõi cảm dục hay cõi tình cảm.
  • Vô số các hình tư tưởng khác nhau trên cõi trí
  • Những hình tư tưởng mà một người có thể tự tạo sau khi học cách kiểm soát khí cụ của mình là thể trí.
  • Các ý tưởng được hiển lộ trong thế giới của sự sống tinh thần, lĩnh vực hiểu biết tinh thần và Thiên giới, theo ý nghĩa chân thực nhất.

Ba nhóm hình tư tưởng đầu tiên được gọi là “các ý tưởng được hiển lộ” giúp hành giả hiểu biết về cái phi ngã. Qua việc tạo ra nhóm hình tư tưởng thứ tư, hành giả có thể phân biệt giữa thế giới ảo tưởng gồm các ý tưởng hiện hữu và những thực tế trong thế giới của tinh thần. Xuyên suốt kinh nghiệm rộng lớn hiểu biết cái phi ngã và tự biết mình, hành giả sử dụng thể trí làm phương tiện tìm kiếm, giải thích và diễn giải. Khi đó, bằng cách thay vì hướng sự chú ý đến cái phi ngã hay là thế giới ảo tưởng của các hậu quả và thay vì nghiên cứu phàm tính của mình, nay nhờ đạt được sự kiểm soát trí tuệ, hành giả có thể sử dụng cái trí để tiến tới sự tiếp cận với nhóm hình tư tưởng thứ năm.

Như vậy, tư tưởng gốc thuộc nhóm hình tư tưởng thứ năm và được thể trí “giữ trong ánh sáng”, tức là không bị nhuốm màu bởi các tinh hoa chất của cõi trí hay cõi cảm dục. Những tư tưởng này phản ánh một cách chân thực các ý tưởng thiêng liêng.

2. Khái niệm tư duy tuần tự

Patanjali mở đầu Yoga Sutra bằng câu “Yogash chitta vritti nirodhah”, tạm dịch: “Yoga là việc kiềm chế những xao động trong trường của ý nghĩ”. Cũng giống như là dòng điện tỏa ra điện trường, tập hợp các ý nghĩ tốt, xấu và trung lập tạo trường của các ý nghĩ gọi là chitta. Các ý nghĩ hỗn độn tạo nên các cuộn xoáy trong trường ý nghĩ, gọi là vritti. Cuối cùng, nirodhah là một từ diễn tả việc điều khiển, kiềm chế, quản lý nhưng không có tính chất ép buộc.[20]

Theo LOS 3, có năm trạng thái hoạt động trí tuệ là sự hiểu biết đúng, hiểu biết không đúng, hoang tưởng, thụ động và trí nhớ. Hành giả cần phải kiểm soát các hoạt động này để khuất phục được cái tâm và chế ngự được cái trí. Điều này sẽ giúp đạt được sự hợp nhất.

Các câu kinh 12-13-14-41 của LOS chỉ rõ cách thức để chế ngự được cái trí và kết quả đạt được: (12) Hành giả kiểm soát các biến thái này của cơ quan nội tại, tức là thể trí qua cố gắng không mệt mỏi và bằng cách buông xả. (13) Cố gắng không mệt mỏi là thường xuyên chuyên chú chế ngự các biến thái của thể trí. (14) Khi đánh giá đúng mục tiêu cần đạt và kiên trì cố gắng thực hành không gián đoạn, hành giả sẽ định trí vững vàng (chế ngự các viritti). (41) Người đã hoàn toàn chế ngự các viritti (biến thái của chất liệu thể trí) rốt cuộc sẽ đi vào trạng thái đồng nhất với và tương đồng với, những gì được y nhận thức. Người hiểu biết, sự hiểu biết và lĩnh vực hiểu biết trở thành một, giống như khối pha lê nhận màu sắc của những gì phản ánh trong nó.

Nói một cách đơn giản thì: Thể trí của người bình thường không ngớt bay nhảy từ vấn đề này sang vấn đề khác, nên người ấy không kiểm soát được cái trí. Do vậy, bước đầu để kiểm soát được cái trí là việc rèn luyện sự tập trung. Tập trung là năng lực chú tâm vào một vấn đề đã định và giữ ý thức ở đó trong thời gian cần thiết. Đây là phương pháp giúp nhận thức chính xác. Tập trung còn được gọi là chú ý, tức là chú tâm chuyên nhất. Cách hay nhất để giữ cái trí tập trung là thực sự quan tâm và chú ý đến bất cứ điều gì mà chúng ta đang làm trong phút giây hiện tại. Điều này sẽ tự động khiến cho cái trí trở nên chuyên chú. “Phương pháp Tư duy có Trình tự” là kỹ thuật để tập trung cái trí.

3. Kỹ thuật thực hành

3.1 Thực hành tập trung vào tư tưởng bằng cách tư duy trình tự một cách đơn thuần

Tiến trình:

  • Bắt đầu bằng cách tập trung vào tư tưởng.
  • Rồi đưa cái trí đến tư tưởng kế tiếp đã phát sinh từ tư tưởng này, và tập trung vào đó.
  • Kế đến, đưa cái trí đến tư tưởng tiếp theo, và tập trung vào đó.
  • Cứ vận hành cái trí như thế một cách có trình tự, liên kết tư tưởng kế tiếp với tư tưởng trước nó. Làm thế tức là chúng ta đang tạo ra một chuỗi các tư tưởng, nối kết chặt chẽ với nhau. Hãy tỉnh thức khi kết thúc một tư tưởng và trước khi nối kết với tư tưởng tiếp theo. Đây là lúc mà cái trí rất có thể trở lại thói quen suy nghĩ lan man bất định của nó. Có khả năng đi qua kẽ hở đó, từ tư tưởng này đến tư tưởng khác, mà không bị xao lãng, và đương nhiên là tư duy chỉ theo trình tự.

Lưu ý thực hành: hãy rèn luyện tư duy trình tự trong mọi quá trình tư duy của bạn. Dùng bất cứ đề tài nào mà bạn thấy thú vị, để thực hành kỹ thuật này. Lúc đầu, có thể dễ dàng hơn khi bạn viết ra các tư tưởng của mình. Nếu giờ đây bạn dành thời gian của mình để luyện trí theo tiến trình tư duy có trình tự này, nó sẽ hết sức lợi ích cho việc hành thiền và phát triển cá nhân của bạn. Việc này không có tính cách nội môn, mà chỉ đơn thuần là luyện trí.

Ví dụ: Tôi muốn hiểu biết về sự tức giận của mình, tôi đã tư duy tuần tự như sau:

  • Sự tức giận thật sự là gì? – Là việc tôi phản ứng với điều bất như ý
  • Tại sao tôi lại bất như ý? Ý muốn thật sự của tôi là gì? – Là việc khẳng định uy quyền của mình
  • Tại sao tôi lại muốn khẳng định uy quyền? Điều này để làm gì? – Là ham muốn của phàm ngã muốn chứng tỏ sự hiện diện của mình.
  • Kết luận: cơn tức giận đến từ những quán tính của phàm ngã, thể hiện sự ham muốn và bám chấp vào một cái tôi cá nhân ích kỷ.

Bạn nên biết rằng với việc thực hành tư duy đơn thuần, các tư tưởng của bạn – vốn tồn tại chủ yếu ở thể trí cảm và hạ trí – sẽ phần lớn là những kinh nghiệm của phàm ngã được tích lũy trong 2 thể này. Vì vậy chúng sẽ có những giới hạn rất rõ rệt. Khi thực hành bạn sẽ dần dần phát hiện ra những giới hạn đó và điều này cũng sẽ giúp kích thích bạn thu thập những tư tưởng mới.

3.2 Thực hành tư duy tuần tự để phân tích tư tưởng gốc

Vì đây là tham thiền huyền linh theo các định luật, đầu tiên, để có thể thực hành, chúng ta cần sự nghiên cứu cơ bản. Việc phân tích tư tưởng gốc đòi hỏi bạn phải có một nền tảng kiến thức. Phần lớn những tư tưởng đến từ những cõi giới cao chưa hề có trong kinh nghiệm thực tế của chúng ta. Vì thế chúng ta cần nắm bắt chúng một cách cơ bản qua sự truyền đạt của những người đã có kinh nghiệm. Điều này tạo thành những hình tư tưởng (như là những khái niệm) trong thể trí để bạn có thể tổng hợp và tuần tự đi xuyên qua chúng để chứng thực chúng như kinh nghiệm cá nhân và rồi tiếp tục đi vào sâu hơn, lên cao hơn.

Tiếp theo xác định ý nghĩa chung của những tư tưởng này đối với bạn, với cá nhân bạn; rồi cuối cùng xét đến thâm nghĩa của chúng, chân lý tinh thần ẩn trong đó.

“Nâng” tâm hồn mình đến tầm mức Thiêng liêng, và cố gắng thấy/ giao tiếp/ hoặc cảm nhận sự thực đó.

Tiếp tục đi vào tâm thức cao cả hơn của linh hồn.

Điều này có nghĩa là việc đưa bạn từ tâm thức và không gian cá nhân của mình, đi vào tâm thức của linh hồn, và thậm chí còn vượt cao hơn. Mỗi lần bạn tham thiền đúng theo thể thức này, thì có thêm một ít ánh sáng và minh triết của linh hồn chiếu vào tâm thức của bạn.

Ví dụ với bài Mantram “Tôi là chân ngã thiêng liêng”:

Trước hết, tôi cần tìm hiểu về phàm ngã với những đặc tính bám chấp, ích kỷ, ham muốn; khái niệm và đặc tính của linh hồn; mối quan hệ giữa phàm ngã và linh hồn trong sự tiến hóa.

  • Tôi là Chân Ngã Thiêng Liêng – Tôi không phải là phàm ngã bám chấp và ích kỷ này. Tôi đã nhầm lẫn những cảm xúc này là tôi. Tôi đã nhầm lẫn những ham muốn này là tôi. Chính điều đó làm cho tôi đau khổ. Tôi sẽ từ bỏ những cảm xúc và ham muốn này để trở về với thực tính của mình, nơi mà tôi sẽ thấy sự bình an.
  • Bất tử. Vĩnh Cửu. Chói rạng với Ánh sáng Thiêng Liêng. – Thực tính của tôi là bất tử, vĩnh cửu và chói rạng. Tôi đang đau khổ vì để phàm ngã che mờ những thực tính này. Tôi khao khát được vươn tới, được chạm vào và được thấm nhuần Ánh sáng Thiêng Liêng này.
  • Tôi là Chân Ngã của Ánh sáng, Chân Ngã là tôi – Tôi cảm nhận được những tiếng gọi thiêng liêng sâu thẳm này
  • Chân Ngã trong tôi là một với Chân Ngã trong tất cả. – Trong ánh sáng thiêng liêng, tất cả đều là ánh sáng. Những ánh sáng hòa lẫn vào nhau. Không còn có điều gì ở bên ngoài tôi để tôi cần phải ham muốn hay bám chấp.
  • Tôi là Chân Ngã trong tất cả; Chân Ngã đó là tôi.

4. Mục tiêu của việc thực hành kỹ thuật tư duy tuần tự.

Để có thể tập trung cái trí và khiến cho giai đoạn tập trung đạt được các kết quả cần thiết, theo LOM 152, đó là việc:

  • Tìm kiếm Chân Ngã bằng cách chú ý một cách sáng suốt vào các hình thể che phủ Chân Ngã nhờ sử dụng nguyên khí trí tuệ ở cả 2 cấp độ (Hạ trí và Thượng trí). Y nhận ra được những lớp vỏ che án. Y chú tâm nghiên cứu những định luật chi phối Thái Dương hệ được biểu lộ. Y chú tâm vào cái khách quan cụ thể và trong những năm đầu, y có thể nhiều lần bỏ qua, không màng đến giá trị của cái chủ quan, trừu tượng. Cuối cùng y đạt đến sự sống trung tâm bằng cách dùng sự hiểu biết và kiểm soát một cách có ý thức để loại ra hết lớp vỏ này đến lớp vỏ khác. Y tham thiền về hình thể cho đến mức không còn thấy hình thể nữa và kẻ sáng tạo ra hình thể trở thành cái toàn thể trong vạn vật.
  • Trong khi tham thiền, y phải xuyên qua hình thể đã được kiến tạo, tập trung vào sự sống nội tại. Y phải tìm ngọn lửa đang cháy trong tâm, nó soi tỏ mọi hình thể mà Sự Sống Thiêng Liêng đang ẩn náu.
  • Bằng sự nghiên cứu khoa học về Đại Vũ Trụ, là “vương quốc của Thượng Đế bên ngoài”, y phải phải đạt đến một điểm, nơi mà y tìm thấy vương quốc này cũng ở trong tâm của y.

5. Liên hệ thực hành

Với tất cả các bài mantram trong chương trình học, tôi cố gắng kết hợp việc thực hành hình dung như giai đoạn đầu và tư duy tuần tự là giai đoạn sau của cùng một quá trình tiếp cận.

Ví dụ: Giai đoạn hình dung cho tôi thấy mối quan hệ của phàm ngã với linh hồn, bao gồm hình ảnh và mô thức tâm lý, thì giai đoạn tư duy tuần tự cho tôi cũng tuần tự đi qua từng lớp vỏ bao gồm hình ảnh và mô thức tâm lý như vậy để tiến vào trung tâm của mô hình này.

Về mặt hình ảnh:

Cuối cùng của quá trình này đều dẫn tới 1 điểm sáng. Và rồi khi tôi hoàn toàn tập trung vào đó, tôi thấy điểm sáng mở rộng ra thành một tia sáng, thành một chùm sáng, rồi thành một con đường sáng.

Tôi thấy ánh sáng này soi rõ lớp vỏ cứng bao bọc quanh tôi và bắt đầu biến đổi thành phần cấu tạo của lớp vỏ cứng này. Từ dạng kết cấu rắn như đá trở nên lỏng ra và bắt đầu chuyển động. Tôi nhận thức được rằng đây là quá trình “giả kim thuật” để đến cuối cùng lớp vỏ này sẽ trở nên trong suốt, tự phát sáng với những chuyển động nhịp nhàng, hòa nhịp hoàn toàn với ánh sáng bên ngoài.

Tôi đã đọc được điều này và hiểu về mặt lý thuyết, nhưng thực sự trải nghiệm thực tế là một sự biết hoàn toàn khác biệt. Những hình ảnh vô cùng sống động và có sức mạnh thực sự để thu hút tôi phải hướng tới, phải tập trung và bị lôi cuốn vào đó.

Tôi đã thấy được sự khác biệt giữa hình ảnh được nhận biết trong quá trình hình dung với hình ảnh tạo ra trong quá trình tư duy tuần tự là sự nhận biết và tương tác được về mặt năng lượng và mãnh lực của các mô hình, hay nói cách khác là nhận biết được sự sống động của các hình thể.

Về mặt mô thức tâm lý:

Trước đây tôi cũng sử dụng phương pháp tư duy tuần tự để học cách tự nhận biết chính mình thông qua những đề tài thường ngày.

Ví dụ như: đặt các câu hỏi tuần tự: trong tình huống này tại sao mình lại tức giận? Sự tức giận này xuất phát từ bên ngoài (do một người cụ thể nào đó) hay là nó nằm ở bên trong?

Tất cả những điều này sẽ thường dẫn đến một kết luận: đó là những phản ứng của phàm ngã. Về sau tôi có thể tiếp tục nhận biết được đó là phản ứng của tính chất năng lượng nào của phàm ngã (cung thể trí, cung phàm ngã, năng lượng cung mặt trăng, năng lượng cung Mặt Trời…) từ đó mà dần dần phát hiện ra những điều mình cần làm để đảo ngược tính chất tiêu cực thành tích cực.

Và khi làm điều này, tôi cũng cố gắng đi theo quá trình tư duy tuần tự.

Ví dụ: khi tôi nhận ra mình kiêu ngạo, tôi tìm hiểu sự biểu hiện:

  • Thể trí cung 4 kiêu ngạo vì nhận định mình thật nghệ sỹ, thật khác biệt, thật ấn tượng.
  • Phàm ngã cung 1 kiêu ngạo vì nhận định mình thật mạnh mẽ, thật hiệu quả.
  • Mặt trăng Bảo Bình kiêu ngạo về trí tuệ mà nó luôn tưởng là mình có; lúc nào cũng có nhu cầu chứng tỏ sự thông thái đặc biệt của mình.
  • Mặt Trời Hổ Cáp kiêu ngạo vì sức mạnh thiêu đốt và hủy diệt những “chướng ngại”

Thế nhưng, với việc tham thiền và sử dụng đúng sự tập trung trí tuệ của các giai đoạn tham thiền huyền linh, tôi đã nhận thấy được sự thu hút mãnh liệt của phẩm chất của trái tim và càng ngày càng thấy được sự mở rộng và thay thế của mô hình tâm lý.

Tôi chỉ có thể nói rằng sự tiếp cận này giúp tôi nhận biết được khái niệm “sống như một linh hồn” và kinh nghiệm được “tình thương không phải là một phát biểu hay một trạng thái cảm xúc mà là năng lượng thực sự”

Tôi cũng nhận thấy những sự tiếp xúc này đang khiến mình dần dần thấm nhuần loại năng lượng này một cách hữu thức.

Đôi khi sự hình dung được tập trung mãnh liệt cũng mang lại nguồn năng lượng nhưng có vẻ như nó không ổn định và dễ dàng như việc tiếp tục thực hành tư duy tuần tự. Vì vậy tôi nhận thấy đây là 2 giai đoạn trong một quá trình thống nhất và việc thực hành đúng các kỹ thuật giúp 2 giai đoạn này liên kết chặt chẽ với nhau, tạo thành một kết quả duy nhất.

IV. ỨNG DỤNG THỰC HÀNH – BÀI THIỀN NHÓM SỐ 1

1. Giai đoạn chuẩn bị trước khi thực hành

1.1 Những hiểu biết cơ bản:

Mục tiêu: Bài thiền nhóm số 1 là giai đoạn đầu của một quá trình gồm 2 giai đoạn với mục tiêu chung là tạo được sự liên kết nhóm dựa trên tình thương được phát triển thông qua luân xa tim và tạo nên các tương tác viễn cảm trong nhóm.

Phạm vi công việc

  • Kích thích luân xa tim đi vào hoạt động, kết nối luân xa tim (nằm giữa hai bả vai) với trung tâm lực ở đầu thông qua trung gian là một luân xa tim nữa nằm trong luân xa đỉnh đầu (hoa sen ngàn cánh)
  • Luân xa tim được kết nối với luân xa tùng thái dương nhờ một hoạt động ý chí của linh hồn.

Nhiệm vụ:

  • Nâng năng lượng của luân xa tim đến luân xa đầu qua nguyện vọng tinh thần được kiểm soát và điều hướng – được kích thích một cách có chủ ý, được nhận thức về mặt trí tuệ và thôi thúc về mặt cảm xúc.
  • Hữu ý phóng năng lượng tinh thần từ luân xa đỉnh đầu đến luân xa tùng thái dương bằng tác động của ý chí; việc này sẽ dẫn đến sự thức động của điểm năng lượng hiện còn ngủ yên phía sau (hay đúng hơn là bên trong) của trung tâm đã được khai mở và hoạt động.

1.2 Tìm hiểu các kiến thức cần thiết

Quá trình này để chọn lọc và xây dựng các hình tư tưởng phù hợp, rõ ràng trước khi liên kết và mở rộng chúng đúng cách trong bài thiền.

  • Mối quan hệ giữa phàm ngã với linh hồn: nằm trong mối quan hệ tam phân giữa tinh thần (Chân thần) – Linh hồn (Chân ngã) – Phàm ngã, đây là biểu lộ tam phân của một con người. Trong đó, Chân thần dùng linh hồn làm phương tiện khai sáng. Linh hồn dùng phàm ngã làm phương tiện biểu lộ.
  • Cần xem thêm các chuyên đề về “Cấu tạo con người”.
  • Kiến thức về các luân xa và sự chuyển dịch năng lượng giữa các luân xa.
  • Cần xem thêm các chuyên đề về “Luân xa và trường năng lượng của con người”. Bao gồm nghiên cứu nguồn gốc của Luân Xa và mối quan hệ của chúng với bảy nguyên lý của con người; các Luân xa chính, chức năng của chúng trong Hệ Thống Năng Lượng và sức khỏe con người. Đặc biệt cần hiểu biết về sự hoạt động và mối quan hệ – sự dịch chuyển năng lượng của luân xa tùng thái dương, luân xa tim, luân xa đầu (có trong tài liệu về hướng dẫn Bài tham thiền số 1).
  • Kiến thức về tình thương, tiến trình phát triển của tình thương nằm trong sự khai mở của phàm ngã và linh hồn. Tình thương của phàm ngã trải qua các giai đoạn Hiểu biết – Bác Ái, Bác Ái – Hiểu biết chủ yếu là tình thương ích kỷ, xuất phát từ luân xa tùng thái dương, hoàn toàn khác biệt với tình thương hướng đến tập thể của các giai đoạn Bác Ái – Bác Ái, Bác Ái – Hi Sinh xuất phát từ luân xa tim hay Hi Sinh – Bác Ái khi trái tim và trí tuệ đã hòa quyện xuất phát từ luân xa đầu (trái tim trong đầu).
  • Cần xem thêm chuyên đề về sự khai mở của Hoa sen chân ngã hay Webinar về trực giác số 63
  • Kiến thức về ý chí: Bí mật của ý chí nằm trong việc nhận thức về bản chất thiêng liêng của con người. Ba biểu hiện chính của trạng thái ý chí là: ý chí dưới hình thức tác nhân điều hòa của trạng thái sự sống; ý chí đem lại sự hoàn thành các liên hệ chính đáng của con người; ý chí chinh phục cái chết.

2. Quá trình thực hành:

2.1 Hình dung:

Rút ý thức vào khu vực giữa tuyến tùng và tuyến yên, ở đây, xây dựng các hình ảnh

a. Sự hình dung thần bí:

– Tập trung vào bản chất cảm xúc

– Tưởng tượng về ước vọng của phàm ngã đối với linh hồn.

Ước vọng vươn lên của phàm ngã để được chạm tới, được thấm nhuần và hòa làm một với điều thiêng liêng cao cả mà phàm ngã đã biết nhưng chưa có kinh nghiệm về nó.

Nhờ những miêu tả về hình tư tưởng được tạo ra của thần bí gia, lật lại quá trình để tạo ra hình tư tưởng đúng đắn về “ước vọng của phàm ngã đối với linh hồn” tôi hiểu rằng quá trình sẽ là:

  • Tạo một hình ảnh ở trung tâm như là một biểu tượng: một quả cầu sáng rực rỡ, một bông hoa sen 9 cánh với 3 cánh bên trong đang từ từ mở ra…
  • Tập trung toàn bộ tình thương và lòng mong ước thiết tha để được chạm tới, được thấm nhuần, được tan ra trong ánh sáng đó và trở thành chính ánh sáng đó
https://i.pinimg.com/564x/b5/62/5d/b5625d9a99a3cd81a4c056a78f9377dc.jpg

b. Sự hình dung huyền bí.

Tập trung vào luân xa trán, xem như có mối liên hệ giữa luân xa tùng thái dương, luân xa tim và luân xa đầu.

Tập trung nguyện vọng tinh thần và tư tưởng vào luân xa tim.

Tưởng tượng rút nguyện vọng, sự sống và lòng sùng kính từ luân xa này đến luân xa ở phía trên đầu (hoa sen ngàn cánh), và hữu ý tập trung ở đó.

Hữu thức nhận biết được vị trí và hoạt động đang được giữ vững một cách nhẹ nhàng, đọc thánh ngữ OM, _thật nhẹ ba lần_, thở ra hướng về: Linh hồn, Huyền giai Tinh thần, Nhân loại

Cả ba yếu tố này nay được nhận biết là một tam giác lực được liên kết rõ rệt.

Nhờ sự hiểu biết về tính chất của các hình tư tưởng tạo ra bởi huyền bí gia, đầu tiên sự hình dung cần được thực hiện chính xác theo các sơ đồ.

Tiếp theo, cần thêm vào các chi tiết cho các sơ đồ này để nó trở thành một đoạn phim 3D hoàn chỉnh.

  • Sau đó, tiếp tục thêm vào các tính chất phác họa của mô hình tâm lý
  • Mối quan hệ giữa sự ham muốn cá nhân với tình thương tập thể và ý chí yêu thương.
  • Tập trung nguyện vọng tinh thần và tư tưởng vào việc tăng trưởng tình thương với tập thể
  • Tưởng tượng nguyện vọng, sự sống và lòng sùng kính của tình thương được đưa tới sự tập trung và điều hướng đúng đắn dưới tác động của ý chí.
  • Sau đó ý chí yêu thương này được gửi tới linh hồn, huyền giai tinh thần và nhân loại. 3 yếu tố này tạo thành một tam giác lực của tình thương được liên kết chặt chẽ.

c. Chính ở bước này hành giả cần phải tìm cách hòa nhập giữa con đường thần bí và con đường huyền bí. Việc thêm vào sự hình dung mô hình tâm lý sẽ giúp cho năng lượng xuất phát từ giai đoạn hình dung thần bí (năng lượng xuất phát từ cõi cảm dục của sự chí nguyện, tình thương và lòng mong ước thiết tha) dần được thấm nhuần vào các đồ hình được tạo ra bởi giai đoạn huyền bí.

Như vậy, đoạn phim 3D hoàn chỉnh của quá trình hình dung sẽ có thêm màu sắc và âm thanh cho các hình ảnh.

2.2 Tư duy tuần tự

Đây là phần quan trọng. Mantram hợp nhất dùng để khơi hoạt và chuyển hoá luân xa tim. Khi đọc mantram, ta cảm nhận trong trái tim và quán tưởng ý nghĩa của mantram trong trí của mình. (bình giảng của THT)

Ở đây cần áp dụng tư duy tuần tự và hiểu được chính xác quá trình tư duy này sẽ làm việc theo các hình ảnh đã được tạo ra qua quá trình hình dung trước đó.

Những người con của nhân loại là một, và tôi là một với họ.”

Khơi hoạt hình ảnh về sự hợp nhất thần bí. Là một sự khẳng định chắc chắn về một kết quả được mong chờ và sẽ được đạt đến.

Tôi tìm cách yêu thương mà không thù ghét;

Tôi tìm cách phụng sự và không đòi hỏi công việc thích hợp;

Tôi tìm cách chữa lành, không gây đau khổ.””

Sự khẳng định về các phẩm chất của trái tim. Tình thương là gì và không là gì, cùng với việc khẳng định sự lựa chọn hữu thức của mình để phát triển các phẩm chất của trái tim. Điều này giúp tập trung nguyện vọng, sự sống và lòng sùng kính vào luân xa tim.

Cầu xin sự khổ đau đem lại phần thưởng thích đáng của ánh sáng và tình thương.

Cầu xin linh hồn chế ngự ngoại thể, và cuộc sống và mọi biến cố,

Và làm hiển lộ tình thương đang ẩn trong các diễn biến hiện thời.

Cầu xin tầm nhìn tinh thần đến cùng sự với thông hiểu.

Cầu xin tương lai tỏ rõ.

Tình thương được dẫn dắt dưới tác động của ý chí sẽ làm thiên cơ hiển lộ đằng sau những lớp vỏ bên ngoài.

“Cầu xin sự kết hợp nội tâm biểu dương và các chia rẽ bên ngoài tan biến.

Cầu xin tình thuơng chế ngự.

Cầu xin mọi người yêu thuơng.”

Là sự liên kết giữa linh hồn, huyền giai tinh thần và nhân loại. Điều này cuối cùng sẽ khiến tình thương chế ngự và mọi người yêu thương.

Nỗ lực giữ nguyên sự tái tập trung này cả ngày và _luôn nhớ_ về bài tham thiền buổi sáng.

Nếu ở giai đoạn hình dung, chủ yếu tạo ra một mô hình vận chuyển của năng lượng theo các tiến trình được mong muốn để đạt được một kết quả định sẵn thì việc tư duy tuần tự theo mantram sẽ giúp công việc đó được thực hiện. Vì vậy việc tiếp tục suy ngẫm và áp dụng mantram vào tất cả các khoảng thời gian còn lại trong ngày sẽ thúc đẩy quá trình này.

Khi thực hành chuyên chú, sẽ nhận biết được sự dịch chuyển rõ rệt của tình thương ích kỷ sang tình thương vô kỷ hơn và điều này được giữ ổn định bởi ý chí hướng thiện.

Ngoài ra, với việc thực hành tốt giai đoạn chú tâm, thỉnh thoảng chúng ta cũng có thể chạm tới những khoảnh khắc khi thật sự đón nhận được những hồi đáp từ linh hồn. Đó là việc từ từ nhận biết được cái vô cùng và một nguồn sức mạnh tuôn đổ suống khiến ta có được sự an vui, hài mãn (trạng thái hỉ lạc). Điều này sẽ giúp chúng ta có những bước tiến vững chắc để có thể đi vào giai đoạn tham thiền thật sự.

3. Trải nghiệm về bài thiền và việc mở rộng trái tim

Thông qua bài thiền và việc thực hành bài thiền này (cùng với việc thực hành các bài thiền khác của Nhà trường), tôi nhận thấy mình đang tiếp tục mở rộng trái tim qua việc từ từ cảm nhận được nhu cầu của tập thể nhỏ xung quanh mình và bắt đầu hướng ý chí vào việc tập trung duy nhất vào việc cần làm.

Trước khi vào học ở trường MFVN, tôi đã đọc một ít sách vở của hội TTH và một phần nhỏ của 2 quyển sách của Chân sư DK là “Điểm đạo trong Nhân loại và Thái Dương hệ” và “Ảo cảm, một vấn đề của thế giới”. Sau đó, dường như tôi cảm nhận được một nhu cầu chia sẻ rất lớn xuất phát từ trong chính mình. Điều này hướng dẫn tôi tìm đến một nhóm thiền và chia sẻ những gì tôi nhận biết được dựa trên những trải nghiệm thực tế trong chính cuộc sống, về những điều vô cùng bình thường và đơn giản mà ai cũng có kinh nghiệm, như là việc vượt lên trên sự tự ti để nói trước mọi người, việc thay đổi chính mình trước và cho đi trước để điều chỉnh mọi mối quan hệ xung quanh… Khi tôi chia sẻ như vậy, nhóm phát sinh nhu cầu được sinh hoạt thường xuyên hơn, để mỗi người đều được nói ra câu chuyện của mình và những người xung quanh lắng nghe, suy nghĩ, cùng tìm cách tháo gỡ và động viên nhau thực hành quan sát chính mình mỗi ngày để tự nhận biết. Tôi chỉ biết đó gọi là “phản chiếu ánh sáng vào trong nhau”, như thầy MDR nói: chúng ta không thấy ánh sáng mà khi chúng ta thấy những gì được ánh sáng soi chiếu, chúng ta biết được ánh sáng đó.

Sinh hoạt này không mới, hay nói đúng hơn bây giờ mọi người đang làm rất nhiều, bởi vì có lẽ đó thật sự là một nhu cầu của thời đại. Mọi người đang nỗ lực cùng nhau, coi việc chia sẻ như việc tự giúp đỡ chính mình và giúp đỡ những người giống như mình. Và khi có thể thật sự chân thành nói ra tất cả những góc khuất bên trong, đồng thời tự cam kết đồng hành để giúp đỡ nhau mà không phán xét, không chỉ trích, sự gắn kết nhóm rất bền bỉ.

(Ở đây có một điều khá thú vị. Trong kỳ đại hội MFVN lần 1 vừa rồi, tôi có gặp anh Hoàng Hải – một học viên khóa QU1- anh nói rằng đã tham gia một vài buổi chia sẻ này và thấy những gì tôi thực hành đều đúng với giáo lý của trường MF, do vậy ngay từ lúc đó, anh chắc chắn tôi sẽ tham gia trường MF. Và sau đó, quả thật tôi đã tham gia trường MFVN).

Trong khi tham gia khóa học GQ ở trường MFVN, tôi cũng cảm nhận được một nhu cầu cần phải đưa các giáo lý của Chân sư ra ngoại môn, mặc dù điều này thực sự là khó đến nỗi nếu suy nghĩ một cách thông thường chắc chắn không thể thực hiện. Tôi cũng đã từng suy tư một cách chân thành rằng tại sao tôi lại muốn thực hiện điều này, đó có phải là do tôi quá sùng tín giáo lý và có tham vọng trở nên một nhóm nổi bật so với các nhóm khác không. Và tôi biết được câu trả lời rất đơn giản: cần tạo ra một điểm mà các nhu cầu có thể gặp được nhau và tôi chỉ cần làm đúng điều đó, sau đó mọi thứ sẽ tự vận hành. Nhu cầu của ngoại môn là cần được hướng dẫn, cần được truyền cảm hứng (và có thể là linh hứng) bằng những ước vọng tinh thần, nhu cầu của nội môn là cần được đưa ra, cần được thực tế tôi luyện để có thể đi vào và cắm rễ trong quần chúng. Chính vì vậy, chương trình đã nhận được sự đón nhận của cả 2 bên và vẫn duy trì đều đặn trong suốt 18 tháng qua. Nhiệm vụ duy nhất của tôi là cố gắng duy trì một không gian chung để các bên có thể gặp gỡ và trao đổi.

Thế rồi, từ điểm này mọi thứ bắt đầu mở rộng dần ra. Tôi cảm nhận được ước vọng của ngoại môn là tiếp tục muốn tiến lên, từng bước nhỏ một, tự nâng các hiểu biết của mình lên mỗi ngày. Vì vậy tôi đồng thời soạn và chia sẻ các chủ đề nội môn một cách đơn giản và tập trung vào sự ứng dụng thực tế hơn, đồng thời khuyến khích các bạn ở ngoại môn tự tổ chức thảo luận các đề tài mà họ muốn để nâng cao trách nhiệm, sự đóng góp và cả trải nghiệm để họ cũng tiếp tục mở rộng chính họ.

Đối với các bạn đồng đạo của trường MF, tuy được coi là hoạt động nội môn nhưng tôi cảm nhận rất rõ nhu cầu được giao lưu, gặp gỡ, được chia sẻ các chủ đề mình quan tâm và được biết những đồng đạo khác đang sống cuộc sống song đôi, nghiên cứu, tham thiền, phụng sự như thế nào. Vì vậy tôi đã từng đề xuất việc tổ chức Đại hội. Thực tế, khi hoạt động đó diễn ra, sự đóng góp của tôi rất nhỏ, tôi cũng hoàn toàn không phải là người tổ chức hay dẫn dắt hoạt động này nhưng tôi thật sự đã cảm nhận được rõ ràng việc đó sẽ cần được làm vì đã đến lúc để làm nó.

Sắp tới, cũng vậy, tôi cảm nhận được những nhu cầu ngày càng lớn hơn của ngoại môn, không phải với tư cách các cá nhân như hiện nay mà là một nhu cầu được dẫn dắt một cách thích hợp, theo hệ thống, có các trình tự thực tế và cụ thể có thể áp dụng một cách linh hoạt với từng cá nhân. Và tôi cũng biết, nội môn sẽ cần đưa ra điều đó với tư cách một nhóm.

Qua bài thiền này, tôi nhận rõ hơn được thế nào là ước vọng tinh thần, tình thương xuất phát từ trái tim và có được định hướng một cách hữu thức cho những việc mình sẽ cần làm để mở rộng chính mình.

Đối với cuộc sống song đôi của người đệ tử, đúng là tôi cũng cảm thấy có nhiều khó khăn khi phải sống trong môi trường công việc hoàn toàn là cuộc sống phàm ngã. Tuy vậy, tôi hiểu được một cách chính xác rằng mình cần phải học tập từ chính môi trường này. Khi đối diện với các phàm ngã thường xuyên có quá nhiều các nhu cầu về cảm xúc, tôi cảm thấy mình lạc lối và làm nổi lên các ảo cảm của phàm ngã. Tuy vậy, nhờ bài thiền này, tôi hiểu được điều cốt lõi mà mình cần phải rèn luyện là việc: hiểu được chính xác nhu cầu của một cá nhân hoặc tập thể nhỏ bằng trái tim (việc cảm nhận nhu cầu của những người đang chủ yếu trụ trong thể cảm dục bằng luân xa tùng thái dương của mình khiến cho mình bị cuốn theo các cảm xúc và rối loạn), xác định một nhu cầu mình có thể/ hoặc đang học cách đáp ứng với tập thể đó. Giữ vững điều đó trong trí và nỗ lực thực hiện.

Nhờ điều này, tôi phát hiện ra rằng, bài thiền có thể được ứng dụng cho nhiều trường hợp và giúp một người có thể từ từ mở rộng trái tim của mình để liên kết con đường đạo với con đường thế gian. “Đi theo con đường của Nhân loại và biết đến con đường của Thượng Đế” với những nhu cầu tập thể (gia đình, 1 nhóm nhỏ, 1 nhóm lớn hơn…) được cảm nhận bằng trái tim và được giữ vững trong trí.

Trước đây, tất cả những điều này đến như một nguồn cảm hứng và tôi phải học cách duy trì bằng việc tập trung ý chí giữ vững “những dự định ban đầu”, tôi luôn biết rằng đến khi nào tôi vẫn còn làm những việc này bằng một trái tim trong sáng, thực sự hướng về mọi người (dù chỉ là một nhóm hết sức nhỏ bé) thì nguồn ánh sáng này còn tiếp tục duy trì và sẽ tiếp tục soi sáng cho chúng tôi. Tôi cũng biết rằng xung quanh tôi có rất nhiều người đang làm công việc như vậy bởi vì đó là một nhu cầu thực sự của thời đại và tôi chỉ cần tập trung làm tốt công việc hiện tại của mình, một lúc nào đó tất cả những ánh sáng nhỏ của các nhóm riêng biệt sẽ được hòa chung trong ánh sáng lớn hơn của thời đại.

Với bài thiền này, tôi đã nỗ lực thực hiện đều đặn. Lúc đầu, việc hình dung khá khó khăn và việc tư duy tuần tự dường như bị tách rời với quá trình hình dung. Nhưng sau đó, khi việc hình dung và việc đọc lên lời chú nguyện có vẻ đã dễ dàng hơn, tôi bắt đầu thấy 2 giai đoạn này khớp lại được với nhau. Chẳng hạn, khi kết thúc quá trình hình dung, tôi cảm nhận được việc mình đang bị tập trung năng lượng ở vùng luân xa tùng thái dương (biểu hiện vật lý là việc cảm nhận được vùng xung quanh dạ dày ấm nhẹ từ phía xương sống) và khi cố gắng tập trung vào việc suy ngẫm các từ “tìm cách”, “yêu thương”, “phụng sự”, “chữa lành”, tôi bắt đầu cảm nhận được một sự dịch chuyển tinh tế khiến vùng biểu hiện ngoại tại của luân xa tim ấm nhẹ lên. Cùng với đó, trong cuộc sống, tôi cũng nhận biết một cách rõ ràng hơn các biểu hiện của phàm ngã và học cách suy tư tích cực để chuyển đổi thành các phẩm tính của linh hồn. Quá trình nhận diện, điều chỉnh bằng cách điều hướng năng lượng có vẻ đã dễ dàng hơn đôi chút.

Sự thử thách thật sự xảy ra khi tôi buộc phải tìm cách phân biện để không làm tan vỡ nhóm. Tôi đã chọn việc không chỉ trích, chia sẻ những gì cần thiết và tôn trọng mọi lựa chọn, đồng thời vẫn tiếp tục chăm sóc và bảo vệ cả nhóm bằng sự chân thành từ trái tim. Sau khi tôi tìm cách an trụ sự lựa chọn này vào tâm điểm trong đầu, tôi cảm nhận cơn đau (từ âm ỉ tới dữ dội và kéo dài khoảng 3 ngày) tập trung ở vùng xung quanh tuyến tùng và tuyến yên như thể một sự chấn động và nứt vỡ.

Tôi biết mình phải luôn sẵn sàng vì: “Hãy sẵn sàng và quán xét tâm hồn mình. Việc chuyển lửa từ nhật tùng đến luân xa tim gây ra nhiều đau khổ. Không dễ gì mà thương yêu như các Đấng Cao Cả thương yêu, với tình thương thuần khiết, không đòi hỏi điều gì đáp lại[21]” _()_

PHẦN III. KẾT LUẬN

Việc thực hành 3 giai đoạn tập trung (bao gồm chỉnh hợp, hình dung sáng tạo và tư duy tuần tự) thực chất là việc thực hành 2 phương tiện thứ 5 và thứ 6 của Raja Yoga (LOS 183- LOS 229):

  • Trừu tượng hóa (Pratyahara): Rút ý thức đúng cách. Kiềm chế. Rút ý thức khỏi các giác quan. Thông qua việc sử dụng nguyên khí tư duy để chế ngự các giác quan và rút các giác quan ra khỏi những gì mà từ trước đến nay đã là đối tượng của chúng.
  • Chú tâm (Dharana): Tập trung. Định trí. Phương tiện này giúp Chân nhân, Người suy tưởng kiểm soát khí cụ của mình. Giác quan thứ sáu được điều hợp, hiểu rõ, tập trung và sử dụng.

Thực chất, tiến trình này được khái quát như sau (LOS 230): Trọn cả tâm thức và khả năng nhận thức của hành giả được tổng hợp bên trong đầu, rồi hướng nội và hướng thượng. Bằng cách này, tính chất của cái tâm được chế ngự và cõi trí trở thành trường hoạt động của hành giả. Việc rút tâm thức hay triệt thoái này diễn tiến qua các giai đoạn:

  • Rút ý thức hay nhận thức của xác thân qua năm giác quan thể xác. Ý thức của hành giả trở thành đơn thuần qua thể trí. Ý thức não bộ là tất cả những gì còn linh hoạt trong thể xác. (Kết quả cần đạt được của giai đoạn chỉnh hợp)
  • Rút ý thức vào vùng của tuyến tùng. Bấy giờ điểm nhận thức của hành giả được tập trung vào vùng giữa khoảng cách của điểm giữa trán và tuyến tùng.(Giai đoạn hình dung sáng tạo).
  • Rút tâm thức vào luân xa đầu bằng cách hữu ý rút tâm thức ra khỏi đầu. (Giai đoạn hình dung sáng tạo)
  • Rút tâm thức vào thể cảm dục để tách rời nó khỏi cõi trần. (Giai đoạn hình dung sáng tạo)
  • Tiếp tục rút tâm thức vào thể trí, hay cái trí. Nhờ đó hành giả không còn bị giới hạn ở cấp hồng trần hay cảm dục. (Kết quả cần đạt được của giai đoạn tư duy tuần tự).

Như vậy, để thực hành có hiệu quả, chúng ta cần hiểu rõ và có thể đánh giá đúng đắn được việc thực hành 4 giai đoạn đầu tiên của Raja Yoga – vốn liên quan nhiều đến việc thanh luyện phàm tính trong các hoạt động thường ngày của nó: (LOS 229-230) Y phải có ứng xử tốt đẹp trong cuộc sống ở ngoại giới. Y phải có sự thanh khiết ở nội tâm. Y phải có thái độ đúng trong mọi sự việc với hậu quả là chế ngự được các dòng sinh lực. Và phải có khả năng chế ngự khuynh hướng phóng ngoại của năm giác quan.

Sự thành tựu của giai đoạn này sẽ là nền tảng cho sự thực hành của giai đoạn tiếp theo (LOS 183-184):

  • Tham thiền (Dhyana): Năng lực của người suy tưởng sử dụng thể trí theo ý muốn và truyền đến não bộ những tư tưởng thanh cao, các ý tưởng trừu tượng và những khái niệm lý tưởng.
  • Chiêm ngưỡng (Samadhi) hay nhập định: con người tinh thần chiêm ngưỡng, nghiên cứu hay tham thiền về thế giới của các nguyên nhân và “những điều của Thượng Đế”. Sau đó y sử dụng cái khí cụ của mình là thể trí (đã được chế ngự qua thực hành tập trung và tham thiền). Nó được dùng để truyền đến não bộ, qua sutratma là tuyến sinh mệnh xuyên qua ba thể đến não bộ, những gì mà linh hồn thấy, biết và hiểu. Phương tiện này giúp hành giả được giác ngộ viên mãn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Sách Ánh sáng của linh hồn – Alice A. Bailey
  2. Sách Thư về tham thiền huyền linh – Alice A. Bailey
  3. Các tài liệu học tập khóa học MQ, GQ, QU1 của trường MF
  4. Các bài viết trên trang: https://www.minhtrietmoi.org/WPress/
  5. Tài liệu tổng hợp từ Internet
  1. https://www.minhtrietmoi.org/WPress/cau-tao-con-nguoi-phan-6/

  2. https://www.minhtrietmoi.org/WPress/cac-qui-luat-cua-duong-dao-phan-1/

  3. Sách: Tấm thảm của Thượng Đế (II-89)

  4. https://www.minhtrietmoi.org/WPress/bai-tham-thien-so-1/

  5. https://www.minhtrietmoi.org/WPress/luan-xa-phan-xv-ky-thuat-hinh-dung-visualsation/

  6. DINA1 (89-120):

  7. DINA1 (89-120)

  8. DINA1 (89-120)

  9. DINA1 (89-120)

  10. DNA1 (89-120)

  11. DNA1 (89-120)

  12. DNA1 (89-120)

  13. DNA1 (89-120)

  14. DNA1 (89-120)

  15. DNA1 (89-120)

  16. DNA1 (89-120)

  17. https://www.minhtrietmoi.org/WPress/bai-tham-thien-so-1/

  18. LOM 152- 153

  19. https://www.minhtrietmoi.org/WPress/hinh-tu-tuong-phan-3-cuu-roi-khoi-cac-hinh-tu-tuong-cua-chung-ta/

  20. https://vi.wikipedia.org/wiki/Raja_yoga

  21. https://www.minhtrietmoi.org/WPress/con-duong-de-tu-chuong-8-ddttdhvnl/

Leave Comment