CÁC QUI LUẬT CỦA ĐƯỜNG ĐẠO — PHẦN 2

Các Qui Luật của Đường Đạo — P2

Lược dịch từ bình giảng của GS Michael D. Robbins, Hiệu Trưởng Trường Morya Federation

(Rules of the Road)

II. Upon the Road the hidden stands revealed. Each sees and knows the villainy of each. (I can find no other word, my brother, to translate the ancient word which designates the unrevealed stupidity, the vileness and crass ignorance, and the self-interest which are distinguishing characteristics of the average aspirant.) And yet there is, with that great revelation, no turning back, no spurning of [Page 51] each other, and no shakiness upon the Road. The Road goes forward into day.

Đoạn 2. Trên Đường Đạo, những điều che giấu được phô bày. Mỗi người thấy và biết điều quấy của mỗi người (Các huynh đệ thân mến, tôi không thể tìm thấy từ nào khác để dịch từ cổ xưa chỉ sự ngu ngốc được che dấu, sự xấu xa và vô minh, sự ích kỷ cá nhân vốn là đặc điểm phân biệt của người chí nguyện trung bình). Thế nhưng, sự phô bày đó không khiến họ lùi bước, bài bác lẫn nhau, hoặc chao đảo trên Đường Đạo. Đường Đạo trở nên sáng tỏ.

Qui luật 2 này dài hơn một chút. Trên Đường Đạo, những điều che giấu được phô bày đây thường là một tình huống rất khó khăn, và chúng ta có câu ngạn ngữ cổ, “sự thật gây tổn thương”. Vâng, nó gây tổn thương những ai? Nó gây tổn thương phàm ngã với cấu trúc bảo vệ tạm thời của nó. Nó có thể phá vỡ sự thoải mái về cảm xúc, thậm chí cả sự thoải mái về tâm trí của chúng ta. Tôi đã thấy điều đó khá nhiều. Nếu bạn đụng chạm, thách thức mô hình của ai đó, hoặc họ đụng chạm bạn, sẽ có một khoảnh khắc đau đớn, đặc biệt nếu bạn nhận ra rằng triết lý hoặc quan điểm của bạn về thế giới là bất cập so với bức tranh tổng thể lớn hơn..

Điều kế tiếp thật thú vị. Mỗi người thấy và biết điều quấy của mỗi người chúng ta có thể nghĩ rằng điều này không phải thế, nhưng như Chân sư DK nói, trong nhóm, sau rốt mọi người đều sẽ nhìn thấy tất cả mọi thứ, và chúng ta phải học cách quen với ánh sáng soi rọi của nhóm, và không có gì thực sự có thể che dấu khỏi con mắt của nhóm.

Về từ villainy—điều quấy, một từ cổ—bà Alice Bailey giải thích như sau. Villain là một nông nô, một nông dân nghèo khó, người cày xới trên một mảnh đất nhỏ bé, cố gắng tận dụng tối đa mãnh đất, nhưng kết quả thu hoạch rất hạn chế. Do vậy, ý tưởng ở đây là những là hạn chế, nhỏ bé, không có khả năng nhìn thấy bức tranh lớn hơn và hành động phù hợp với nó.

Nhưng Chân sư giải thích rõ hơn về từ villainy mà Ngài dùng. Ngài nói, “Các Huynh đệ của tôi, tôi không thể tìm thấy từ nào khác để dịch từ cổ xưa chỉ sự ngu ngốc được che dấu, sự xấu xa và vô minh, sự ích kỷ cá nhân vốn là đặc điểm phân biệt của người chí nguyện trung bình.”

Vâng, tất cả chúng ta đều là những người chí nguyện trung bình, trừ khi chúng ta không coi mình như thế! Mà khi đó, chúng ta sẽ rơi vào tội lỗi của sự chia rẻ.

Khi làm việc với chúng ta, trong đánh giá của các Ngài, những người chí nguyện trung bình thì “ngu dốt và vô minh, ích kỷ, cá nhân”, những đặc điểm không vui vẻ chút nào có sẵn trong chúng ta.

Sự ngu ngốc được che dấu. Tôi đoán đó sẽ là một cú sốc lớn khi bạn phát hiện ra chúng ta thực sự ngu ngốc như thế nào! Sự xấu xa thật đáng ghét. Vileness—xấu xa—cũng là một từ cổ và tất nhiên nó liên quan đến villainy—điều quấy.

Sự ngu dốt, vô minh có rất nhiều điều quan trọng cần biết mà chúng ta không biết. Sự ích kỷ cá nhân đó là việc giữ đôi mắt của chúng ta nhìn vào chính chúng ta, quan tâm đến bản thân nhỏ bé của chúng ta, không quan tâm đến bức tranh lớn hơn. Người chí nguyện trung bình. Có thể người chí nguyện trung bình không phải là người chí nguyện thật sự vì Ngài rằng mọi người chí nguyện thực sự đã được điểm đạo lần thứ nhất. Nhưng có lẽ, thực tế, người chí nguyện trung bình là người chí nguyện thực sự.

Dù sao, dưới ánh sáng vĩ đại và nhãn quang của Chân sư, đây là những gì sẽ xuất hiện. Và chúng ta sẽ nhìn thấy những điều này, có thể không phải cách mà Chân sư nhìn thấy, không cùng chiều sâu và sự hiểu biết về nguồn gốc của những điều đó trong trường hợp cụ thể của chúng ta, nhưng chúng ta sẽ thấy những điều đó. Và chúng ta sẽ làm gì? Và Ngài nói, đây là những điều chúng ta không nên làm, và tôi cùng bạn có thể tự xem xét bản thân xem chúng ta đã thực hiện được bao nhiêu qui luật này?

Thế nhưng, sự phô bày đó không khiến họ lùi bước, bài bác lẫn nhau, hoặc chao đảo trên Đường Đạo.

Thế nhưng, sự phô bày đó không khiến họ lùi bước, nhưng mọi người đã lùi bước, phải thế không? bài bác lẫn nhau, vâng, mọi người vẫn bài bác lẫn nhau trong nhóm… hoặc chao đảo trên Đường Đạo. Chúng ta phải có sự tự tin vững vàng. Một số người có thể nói, “Này, hãy nhìn xem, tất cả những người này có mọi lỗi lầm. Không có người chí nguyện, không có đệ tử gì tất. Tất cả chỉ là một sự giả tạo. Họ cũng giống như bất kỳ ai khác, và không ích gì khi cố gắng làm những gì họ làm, bởi vì điều đó không giúp cải thiện đức hạnh!”

Các bạn hãy nhớ câu nói “Đức tin là chất liệu của những điều hy vọng, là bằng chứng của những điều không nhìn thấy.” Hôm nay, chúng ta biết con đường đạo tiến về phía trước trong ánh sáng ban ngày, biết rằng các Chân thần Nhân loại được cai quản bởi Hổ Cáp và tìm thấy sự biểu hiện trên cõi Bồ đề. Ánh Sáng của Hổ Cáp trong bối cảnh này được gọi là Ánh sáng Ban Ngày—Ánh sáng thanh thiên bạch nhật. Vì vậy, chúng ta đi vào nhận thức trực quan trọn vẹn mà lý trí thuần khiết (pure reason) đưa đến. Chúng ta thấy mọi thứ như thế nào, và đó là đích đến tạm thời của chúng ta, đưa chúng ta vào phân cảnh giới dĩ thái vũ trụ, và chúng ta tin tưởng vào điều đó. Và do đó, chúng ta phải đo lường bản thân trong những vấn đề này.

Leave Comment