Nửa đầu tháng 9/2019 một số bạn học viên của Trường Morya Federation đã cùng nhau làm chuyến hành hương về Kailash, vùng đất nổi tiếng linh thiêng của Phật Giáo, được biết đến trong giới Huyền Môn như là nơi Đức Phật xuất hiện hàng năm trong dịp lễ Wesak để ban ân huệ cho thế gian. Xin giới thiệu với các bạn bài viết của một thành viên trong đoàn về chuyến đi nhiều cảm xúc và kỳ diệu đó.(Bài viết của Đ.T.H)
******************************************
“Alone I wander a thousand miles. And I ask my way from the white cloud” – Buddha Maitreya – “Ngàn dặm lang thang. Hỏi đường mây trắng.”
Cuối cùng thì tôi cũng không biết điều gì đã dẫn tôi đến với Holy Mount Kailash: sự ám ảnh từ câu thơ được cho là của Lord Maitreya; những kim tự tháp cùng với các giống dân Lemurian, Atlantean, Aryan… trong bộ sách của Mundasep; những kiến thức được học từ CS;… hay chính là sự thôi thúc mơ hồ từ tiềm thức xa xôi?
Tôi chỉ biết là tôi đã ngay lập tức đáp ứng tiếng gọi đi Kailash từ khoảng 1 năm trước, mà trong khoảnh khắc đó tôi vẫn còn chưa kịp nhận thức hay nhớ ra Kailash ở đâu. Và, hành trình thiêng liêng, với những bài học đã bắt đầu như thế…
Bài học 1: NIỀM TIN VÀ Ý CHÍ
Tất cả những gì ý thức được về núi Kailash đều mơ hồ, cho đến khi tôi đọc loạt bài về chuyến kora trắc trở của NT Bách. Rồi những bài viết, thông tin về sự khó khăn không bao giờ có thể lường trước được khi đến với Núi thiêng liên tục dội đến: không phải ai cũng có thể hoàn thành kora bởi Núi thiêng chọn người; bão tuyết, mưa đá luôn ập xuống bất cứ lúc nào; tình trạng thiếu oxy ở độ cao trên 5000m; nghiệp quả và những cơn đau thể xác; không phải bỗng dưng mà đèo Dolma-La với độ cao 5.700m có tên là đèo Tử thần;… Tôi bắt đầu thấy lo lắng với sự khốc liệt của hành trình.
6-9 tháng trước khi đi, mọi việc diễn ra 1 cách tự nhiên. Săn vé, liên lạc với Fit (một công ty uy tín của người Tạng chuyên dẫn kora) để sắp xếp lịch, lên các điểm trong hành trình, thuê porter, chuẩn bị tài chính, săn tìm các thông tin hỗ trợ kora về rèn luyện, thuốc chống sốc độ cao, kinh nghiệm xương máu của các đoàn đi trước… Mọi người bắt đầu lao vào tập luyện, và tôi thì vẫn còn hơi nhởn nhơ dù ngập trong nỗi lo về thể lực. Tôi biết rằng dù thế nào thì tôi cũng vẫn sẽ đi.
3 tháng trước khi đi, đúng giai đoạn tập luyện nước rút, thì đầu gối có vấn đề. Tôi đi khám và bị yêu cầu dừng tập hoàn toàn trong gần 1 tháng để chữa. Nghiệp chăng? Các công việc dồn dập ập tới, bất định, xoay chuyển chóng mặt, áp lực đến ngạt thở.
Còn hơn 1 tháng. Vẫn tiếp tục những việc gấp và áp lực. Vừa làm vừa lao vào tập để chạy đua với thời gian. Ngày leo 50 tầng, ngày 70 tầng, ngày 100 tầng, cùng với vài chục bộ Vạn bộ trường sinh học được từ chị bạn học khí công, tập thở,… Tất cả việc tập luyện chỉ được phép gói gọn trong khoảng 1 tiếng buổi sáng trước khi đi làm.
Khoảng 2 tuần trước ngày khởi hành, trong 1 buổi leo tầng, tự dưng đầu gối lại đau muốn khuỵu xuống. Tôi muốn rơi nước mắt, không phải vì đau, mà vì thấy mình bất lực. Không lẽ tôi sẽ không thể thực hiện chuyến đi này? Hay Núi đã không chọn tôi?… Cũng ngay lúc đó trong đầu tôi hiện lên ý nghĩ: “dù có phải lê lết trên đường thì tôi vẫn sẽ đi”. Đơn giản thế thôi.
Tôi lại đi khám, và gặp được một cái cốc nhẹ vào đầu như một sự nhắc nhở rằng tôi đang bị ảo cảm, tự áp lực cho bản thân. Bừng tỉnh và Buông. Chả tập tành gì nữa, tôi nhởn nhơ hân hoan với niềm vui của đứa trẻ nghỉ hè sắp được về quê thăm ông bà. Tiếp tục những thông tin của các đoàn đi kora trước chúng tôi 15 ngày, 10 ngày gặp mưa đá, tuyết rơi ngập đầu gối đến không đi nổi ngày kora thứ hai, phải quay trở ra… Đoàn chúng tôi lại phấp phỏng với nỗi lo về thời tiết, lại phải tự động viên nhau.
Công việc trôi xong dần theo đúng dự định. Và có những hỗ trợ bỗng dưng đến một cách bất ngờ, hoàn toàn ngoài dự liệu, khó tin, kì lạ, nhưng có thật. Nó khiến tôi phải tin rằng chúng tôi sẽ được trợ duyên. Cứ đi, rồi sẽ đến!
Bài học 2: CÂN BẰNG và TĨNH LẶNG
Bên các hồ thiêng ở Tibet và trên đường đi nhiễu Kailash, bạn sẽ gặp biểu tượng của sự cân bằng với những hòn sỏi đá xếp chồng lên nhau rải rác khắp nơi. Mỗi một viên đá, hòn đá đều có hình thù, cấu tạo khác nhau, chỉ khi hiểu được đá, làm chủ được đá, bạn mới tuỳ nghi sắp xếp chúng theo ý định của mình. Bất cứ một sự thiên lệch nào dù nhỏ nhoi đến đâu cũng có thể khiến chồng đá cao chót vót sẵn sàng đổ sập xuống.
Tôi đã tự giải thoát được mọi ảo cảm lo lắng, áp lực. Ở đây chỉ có mây trời xanh ngắt, núi và cao nguyên mênh mông. Không có công việc, gia đình, xã hội,… nào len lỏi được vào trong tâm trí. Tôi dường như đã thấy được sự bình thản gần như tuyệt đối trong mỗi bước đi, mỗi hơi thở khó khăn nơi đây.
Thế nhưng tôi đã phải học bài học lớn về sự kiểm soát cảm xúc để cân bằng. Ở nơi thiếu oxy như thế này, mỗi người sẽ phải tự tìm cách cân bằng, bằng nhịp thở, sự hỗ trợ của thuốc, cách di chuyển, kiểm soát hay thả lỏng tâm trí, cảm xúc… Sự hân hoan, phấn khích từ ngày đầu tới Lhasa hoặc ở các điểm quan trọng đã khiến tôi mất cân bằng. Cảm xúc tích cực cũng nguy hiểm như cảm xúc tiêu cực khi nó mất đi sự hài hoà cần thiết. Vì hân hoan mà tôi chủ quan với thời tiết, bị nhiễm lạnh mà không hề biết, hoặc mỗi khi niềm phấn khích đến, tôi mất đi nhịp thở ổn định, rất mệt. Khi còn bị bất cứ sự thiên lệch nào trong cảm xúc dù tích cực hay tiêu cực lấn át, bạn vẫn chưa làm chủ được hạ thể của mình, bạn mất đi điểm thăng bằng đã tốn công gầy dựng. Và bạn rơi vào sự khủng hoảng tỉ lệ, mọi sự bị phóng đại hoặc thu nhỏ không đúng với kích thước thật của nó. Bạn dễ dàng rơi vào ảo tưởng, ảo cảm mà không tự nhận thức được.
Chúng tôi đã rất may mắn khi cả đoàn hoàn thành trọn vẹn kora trong thời tiết rất đẹp. Lhakpa giám đốc Fit nói: đoàn các bạn có “good karma”. Đây chắc chắn là cái duyên may, hay good karma của cả đoàn chứ không của riêng ai.
Ngày thứ hai là ngày vất vả nhất với 22km leo bộ lên xuống vượt qua đỉnh đèo Dolma-La nổi tiếng. Trừ những bước đầu tiên nặng đến không muốn nhấc chân, còn lại thì khá ổn, tôi lên đỉnh đèo thấy nhẹ nhàng, con dốc khi xuống trơn trượt nguy hiểm dường như cũng khá đơn giản. Có những lúc đi phăm phăm, bước chân sải dài với cái cảm giác kì quặc thấy mình mạnh mẽ giống như một chiến binh. Thậm chí còn vừa đi vừa ngủ, mà cứ 10 bước tôi ép mình phải mở mắt ra một lần.
“Muốn đi nhanh thì đi một mình; muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”. Tôi đã chọn đi cùng nhóm, cùng bạn. Mỗi khi đi nhanh, ngoảnh lại thấy cách bạn xa xa, tôi ép mình đi chậm lại hoặc dừng đợi. Nếu bạn đi nhanh, tôi sẽ nói bạn đi chậm chờ tôi. Chúng tôi đã có những trải nghiệm đồng điệu trong nhóm. Đi theo nhóm, chúng tôi được nói chuyện về Kailash, về những kiến thức yêu thích, được hỗ trợ, động viên nhau. Ở một quãng đường đẹp, chúng tôi đã dừng lại đứa nằm sấp, đứa nằm ngửa tựa vào vách đá, đứa quay video, để nghe suối hát, núi hát, gió ca…
Chúng tôi đi và thấy “quanh mình có các bạn đồng hành. Một số tiến phía trước; y theo sau. Một số đi sau; y dẫn lối. Y không tiến bước một mình.”.
Khi cân bằng đạt được, thì sự tĩnh lặng đến. Bạn cảm nhận trọn vẹn sự tĩnh lặng, bình thản trong từng khoảnh khắc. Chẳng có gì lay chuyển được bạn…