Giới thiệu: Đây là tiểu luận cuối khoá học Great Quest của một học viên, trình bày hồ sơ nội môn về một nhân vật nổi tiếng, ở đây là Rudolf Steiner. Chúng tôi giới thiệu lên đây để độc giả có một hình dung về chương trình học của Trường Morya Federation. Những nhận định về cấu trúc cung của nhân vật và giải thích chiêm tinh hoàn toàn là những nhận định giả thiết của học viên, và không có “đúng hay sai” ở đây. Học viên Great Quest sẽ học cách phân tích lá số chiêm tinh theo quan điểm nội môn cùng cấu trúc cung của mình, làm cơ sở để rèn luyện bản thân, để “know ourselves” nhiều hơn.
Bản Pdf download ở đây
RUDOLF STEINER
(1861 – 1925)
Sinh viên: Đoàn Thu Nguyệt
Khóa Great Quest 2020-2021
MỤC LỤC
CHƯƠNG II. Bình giảng lá số chiêm tinh 8
II.1. Kiểu mẫu tù ngục của linh hồn – Cung mặt trăng Xử Nữ (cung 2 và 6): 8
II.1.1. Chủ tinh ngoại môn – Thủy tinh (cung 4): 8
II.1.2. Chủ tinh nội môn – Mặt trăng che giấu Vulcan (cung 4 và cung 1): 9
II.1.2. Chủ tinh huyền giai – Mộc tinh (cung 2): 10
II.2. Phàm ngã – cung mặt trời Song Ngư (cung 2 và 6): 11
II.2.1. Chủ tinh ngoại môn – Mộc tinh và Hải Vương tinh (cung 2 và 6): 11
II.2.2. Chủ tinh nội môn và huyền giai – Diêm Vương tinh (cung 1): 11
II.2.3. Một vài đặc điểm khác của mặt trời Song ngư: 13
III.3. Mục đích linh hồn – cung mọc Hổ Cáp (cung 4): 13
III.3.1. Chủ tinh ngoại môn – Hỏa tinh và Diêm Vương tinh (cung 4 và 1): 13
III.3.2. Chủ tinh nội môn – Hỏa tinh (cung 4): 14
III.3.3. Chủ tinh huyền giai – Thủy tinh (cung 4): 15
CHƯƠNG III. Giả thiết về cung linh hồn và cung phàm ngã 17
Biểu hiện của phàm ngã cung 1: 19
Biểu hiện của phàm ngã cung 2: 20
Biểu hiện của phàm ngã cung 4: 20
Biểu hiện của phàm ngã cung 5: 20
Biểu hiện của phàm ngã cung 6: 21
Biểu hiện của phàm ngã cung 7: 21
CHƯƠNG I. Tiểu sử
Hình 1. Chân dung Rudolf Steiner
Rudolf Steiner sinh ngày 25 tháng 2 năm 1861 tại Murakiraly, Áo – Hungary (giờ thành Donji Kraljevec, Croatia) và mất ngày 30 tháng 3 năm 1925 (thọ 64 tuổi). Ông được biết đến là một triết gia, nhà cải cách xã hội, kiến trúc sư, và nhà bí truyền. Trong suốt cuộc đời mình, ông đã có những đóng góp quan trọng trong nhiều lĩnh vực bao gồm triết học, kiến trúc, nghệ thuật, giáo dục, nông nghiệp và tâm linh. Những thành tựu của ông không chỉ hỗ trợ nhân loại tại thời điểm ông còn sống, mà còn được các thế hệ sau áp dụng, thực hành và phát triển cho tới tận ngày nay.
Cuộc đời ông được tóm tắt lại trong ba giai đoạn chính như sau:
- Giai đoạn 1 (năm 1861 – 1907): sử dụng khoa học để trả lời cho các câu hỏi tâm linh thông qua cách suy nghĩ đặc trưng trong triết học phương Tây.
- Giai đoạn 2 (năm 1907 – Kết thúc Thế chiến thứ nhất năm 1918): trở thành người lãnh đạo Hội Thông thiên học tại Đức và Áo; đóng góp vào các lĩnh vực nghệ thuật gồm kịch, nghệ thuật chuyển động (eurythmy) và kiến trúc; thành lập nhóm tâm linh riêng Anthroposophy.
- Giai đoạn 3 (năm 1918 – năm 1925): áp dụng hiểu biết tâm linh vào các lĩnh vực ứng dụng bao gồm giáo dục Waldorf, nông nghiệp biodynamic, y học Anthroposophy và nghệ thuật.
I.1. Giai đoạn 1:
Steiner sinh ra trong một gia đình bình thường, có bố là người vận hành hệ thống điện báo cho tuyến đường sắt phía Nam Áo và mẹ ông ở nhà nội trợ, chăm sóc gia đình và con cái. Steiner học tại các trường làng ở địa phương ông sống. Từ nhỏ, ông đã có xu hướng thích khám phá. Đặc biệt, ông đã tỏ ra vô cùng thích thú ngay từ khi được tiếp xúc với các môn học như hình học, văn học và lịch sử.
Năm 18 tuổi, gia đình Steiner chuyển chỗ ở để ông có thể ghi danh vào Viện công nghệ Vienna – nơi ông nhận được học bổng để theo học các môn: toán học, vật lý, hóa học, thực vật học, sinh học và triết học. Ở tuổi 20, Steiner đã nhận thức được rõ ràng một thế giới đang tồn tại bên trong con người. Trong cuốn tự truyện “Câu chuyện cuộc đời tôi”, ông viết rằng bản thân nhận thức được một không gian không chỉ ở bên ngoài mà còn tồn tại bên trong con người. Ông gọi đó là “không gian của linh hồn – vốn là phạm vi hoạt động của các hiện thực và sự kiện tâm linh”.
Vào năm thứ 3 đại học, một trong những giáo viên của Steiner đã giới thiệu ông với Joseph Kurschner – trưởng ban biên tập của một ấn bản cho các công trình của nhà triết gia nổi tiếng Goethe. Joseph đã mời Steiner làm vị trí biên tập viên khoa học tự nhiên của ấn bản, cơ hội đáng kinh ngạc đối với một sinh viên trẻ chưa bằng cấp. Công việc này chính là điểm khởi đầu cho giai đoạn mà ông quyết tâm sử dụng khoa học để lý giải những vấn đề thuộc thế giới tâm linh. Cũng trong tự truyện của mình, ông xác định rõ mục tiêu này: “Sự thực trong thế giới tâm linh đối với tôi cũng chắc chắn như trong thế giới vật chất. Tuy nhiên, tôi thấy mình cần phải chứng minh được giả thiết này”.
Năm 1891, Steiner nhận bằng tiến sĩ triết học tại Đại học Rostock với luận án thảo luận về khái niệm bản ngã của Fichte (Fichte’s concept of the Ego). Hai năm sau, ông xuất bản một cuốn sách mang tên “Triết lý của tự do” – trong đó, ông bàn luận về các nhận thức luận và đạo đức, đưa ra cách làm sao để con người trở nên tự do về mặt tâm linh. Ông tin rằng: qua quá trình rèn luyện về mặt đạo đức và thiền định, bất kỳ ai cũng có thể phát triển được khả năng để trải nghiệm thế giới tâm linh (nơi chứa đựng bản chất cao hơn của chính mình và của những người khác). Ông cho rằng quá trình đó sẽ giúp con người trở nên đạo đức hơn, sáng tạo hơn, tự do hơn và có ý thức thực hiện hành động được thúc đẩy bằng tình yêu thương. Ý tưởng triết học này của ông chịu ảnh hưởng nhiều bởi những nhà triết gia lỗi lạc mà ông từng nghiên cứu như Fichte, Hegel, Schelling và Goethe.
I.2. Giai đoạn 2:
Qua một buổi nói chuyện về triết gia Nietzsche cùng với một nhóm các nhà Thông thiên học, ông đã được hội biết đến và vào năm 1902, ông trở thành người đứng đầu chi hội ở Đức. Đến năm 1904, ông được bổ nhiệm bởi bà Annie Besant để lãnh đạo hội Thông thiên học tại Đức và Áo. Tuy nhiên, khác với nhóm Thông thiên học, Steiner lại đi theo một cách tiếp cận mới đối với tâm linh dựa trên triết học và truyền thống của văn hóa Châu Âu. Mặc dù Steiner đã thuyết giảng khắp Châu Âu về khoa học tâm linh và giúp chi hội này ở Đức và Áo phát triển nhanh chóng, ông vẫn cương quyết với cách tiếp cận ban đầu của mình. Ông cũng có những điểm không đồng ý với hội (ví dụ: ông không nghĩ Jiddu Krishnamurti là một hóa thân mới của Đức Christ), dẫn đến việc ông rời khỏi hội Thông thiên học và tạo thành một nhánh tâm linh mới, đặt tên là Anthroposophy.
Hội Anthroposophy phát triển nhanh chóng và trong giai đoạn này, Steiner tập trung phát triển rất nhiều về mặt nghệ thuật. Xuất phát từ nhu cầu muốn có một tòa nhà nghệ thuật cho các hội nghị hàng năm của nhóm Anthroposophy, vào năm 1913, Steiner đã thiết kế ra tòa nhà Goetheanum đầu tiên và tòa nhà này được liệt kê là một trong số những tác phẩm quan trọng nhất của kiến trúc hiện đại. Không chỉ lĩnh vực kiến trúc, Steiner còn tập trung vào lĩnh vực kịch với bốn tác phẩm được viết từ năm 1909 đến 1913 mang tính bí truyền như Cánh cửa của điểm đạo (The Portal of Initiation), Sự chuẩn bị của linh hồn (The Soul’s Probation), Kẻ chặn ngõ (The Guardian of the Threshold) và Sự thức tỉnh của linh hồn (The Soul’s Awakening) được trình diễn bởi các nhóm Anthroposophy tại rất nhiều nước trên thế giới. Hơn nữa, Steiner cũng phát triển một nghệ thuật mà ông gọi là Eurythmy – chuyển động của linh hồn. Ông đưa ra các quy tắc về mặt chuyển động cụ thể tương ứng với âm thanh, nhịp điệu để diễn tả sự thiêng liêng trong mọi khía cạnh của âm nhạc.
Hình 2. Hình ảnh tòa nhà Goetheanum được thiết kế bởi Rudolf Steiner
Hình 3. Hình minh họa về nghệ thuật chuyển động Eurythmy
I.3. Giai đoạn 3:
Sau khi Thế chiến thứ nhất kết thúc năm 1918, với tình hình hậu chiến ở Đức rất thảm khốc, Steiner đã đề xuất việc cải cách xã hội bằng cách thành lập một trật tự mới gồm ba phần (văn hóa, chính trị và kinh tế) tồn tại như ba phần cốt lõi và độc lập với nhau. Kiến nghị này của ông được lưu hành rộng rãi và có chữ ký của nhiều danh nhân ủng hộ. Cụ thể, các tổ chức chính trị cần thiết lập sự bình đẳng về mặt chính trị và phải bảo vệ được quyền con người. Các tổ chức văn hóa cần nuôi dưỡng và giúp các lĩnh vực như khoa học, nghệ thuật, giáo dục và tôn giáo được tự do phát triển. Các tổ chức kinh tế phải để các nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng hợp tác để cung cấp được một cách hiệu quả những nhu cầu thực sự của xã hội. Ông đã trình lên một Luật xã hội cơ bản (The Fundamental Social Law): “Sự phồn vinh của một cộng đồng những người làm việc cùng nhau sẽ lớn hơn, từng cá nhân sẽ ít phàn nàn hơn về công việc của mình. Tức là, nếu anh ta làm nhiều hơn cho đồng nghiệp, thì các nhu cầu của anh ta cũng được đáp ứng nhiều hơn nhờ những đồng nghiệp của mình”.
Từ năm 1919 trở về sau, Steiner đã kết hợp chặt chẽ với một vài thành viên khác để thành lập rất nhiều tổ chức và hoạt động mang tính thực tiễn. Một trong những ứng dụng được biết đến nhiều nhất là giáo dục Waldorf, sau này trở thành một mạng lưới hàng ngàn trường học trên khắp thế giới. Ông bắt đầu với một bài luận năm 1907 về Giáo dục trẻ em (The Education of the Child) để mô tả các giai đoạn chính trong sự phát triển của trẻ, từ đó tạo nền tảng cho các phương pháp giáo dục thích hợp trong từng giai đoạn. Trường Waldorf đầu tiên được thành lập nhờ lời mời từ ông Emil Molt với mục đích xây dựng một ngôi trường cho các công nhân ở nhà máy thuốc lá Waldorf. Steiner đã trực tiếp hướng dẫn và đào tạo cho các giáo viên ở ngôi trường đầu tiên này. Năm 1922, Steiner trình bày những triết lý giáo dục của ông ở Oxford, dẫn đến những trường Waldorf đầu tiên được thành lập tại Anh.
Hình 4. Quang cảnh lớp học trong một trường tiểu học Waldorf
Không chỉ vậy, Steiner cũng có những đóng góp nhất định trong lĩnh vực nông nghiệp. Ông đưa ra một cách tiếp cận mới phù hợp với sinh thái và mang tính bền vững, giúp gia tăng độ phì nhiêu của đất nhưng không dùng đến phân bón hóa học. Ông gọi phương pháp này là “biodynamics”, coi toàn bộ trang trại như một sinh vật với hệ thống tự duy trì, tự sản xuất phân bón, tự tạo ra thức ăn chăn nuôi. Nếu thực vật hay động vật trong đó bị bệnh, đó cũng là một triệu chứng của toàn bộ cơ thể trang trại. Ông cũng xác định thời gian cho các hoạt động nông nghiệp (như gieo hạt, làm cỏ, thu hoạch) dựa theo những ảnh hưởng của mặt trăng và các hành tinh. Các vi sinh vật, các lực lượng phi vật chất cũng được ông nói đến và đưa vào quá trình chuẩn bị đất và phân bón. Những điều này được ông khuyến khích mọi người kiểm chứng vì ông không thực hành để kiểm chứng được. Nông nghiệp biodynamics giờ đây được ứng dụng rộng rãi và người thực hành có thể thấy được hiệu quả thực sự của nó. Điều này giống như việc Steiner có thể dùng trực giác của mình để biết được minh triết và chân lý trong sự vật mà không cần thông qua khoa học thực nghiệm.
Hình 5. Quang cảnh một khu vườn theo triết lý biodynamic
Trong giai đoạn cuối của cuộc đời, ông vẫn tiếp tục tạo ra những ứng dụng tuyệt vời của nghệ thuật trong đời sống. Ông sáng tác một tác phẩm điêu khắc gỗ vô cùng nổi tiếng mang tên Đại diện của Nhân loại (The Representative of Humanity) vào năm 1922. Tác phẩm thể hiện Đấng Christ đứng tự do ở giữa, giữ cân bằng giữa Lucifer và Ahriman (đại diện cho hai xu hướng của ánh sáng và bóng tối). Ông cũng tạo ra một cách tiếp cận mới cho diễn xuất, kể chuyện và đọc thơ; cùng với việc tổ chức các khóa đào tạo tương ứng. Chủ đề trong đó bao gồm: phân biệt phong cách sử thi, lời thoại, thơ ca kịch, ngôn ngữ cử chỉ và lời nói.
Hình 6. Tác phẩm điêu khắc gỗ “Đại diện của nhân loại” thực hiện bởi Rudolf Steiner
Nhìn chung, Steiner thực sự đã để lại vô số những đóng góp quan trọng cho nhân loại trong mọi lĩnh vực từ thể chế xã hội, giáo dục, nông nghiệp, y tế và nghệ thuật. Những đóng góp này đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người để hệ tư tưởng ông tạo ra có thể được tiếp nối và phát triển cho tới tận ngày nay.
CHƯƠNG II. Bình giảng lá số chiêm tinh
Bản đồ sao của Rudolf Steiner được lấy dựa trên dữ liệu có sẵn của trang web astro.com. Ở đây, ông được xác định là sinh ngày 25 tháng 2 năm 1861 vào lúc 23h15 tại khu vực nay là Donji Krajevec, Đức.
II.1. Kiểu mẫu tù ngục của linh hồn – Cung mặt trăng Xử Nữ (cung 2 và 6):
II.1.1. Chủ tinh ngoại môn – Thủy tinh (cung 4):
Kiểu mẫu tù ngục của dấu hiệu Xử Nữ là “Hãy để vật chất thống trị”. Điều này thường được biểu hiện ở cõi hồng trần thông qua sự coi trọng, niềm khao khát tích lũy vật chất, tiền bạc để bản thân cảm thấy an toàn và yên bình. Xuyên suốt cuộc đời của Rudolf Steiner, không có bất kỳ bằng chứng gì cho thấy ông có ham muốn về vật chất. Từ khi trẻ tới cuối đời, ông luôn lựa chọn những công việc phù hợp với lý tưởng muốn giúp đỡ nhân loại của mình. Chẳng hạn, ở những năm 20 tuổi, ông trở thành nhà biên tập cho một tạp chí triết học để phục vụ lý tưởng muốn chứng minh sự thực trong thế giới tâm linh qua góc nhìn của khoa học và triết học.
Chủ tinh ngoại môn của Xử Nữ là Thủy tinh ở cấp độ thấp, thể hiện sự phán xét, cố gắng tìm ra lỗi lầm ở người khác. Người có kiểu mẫu tù ngục này đòi hỏi sự hoàn hảo nơi người khác và trong chính bản thân mình. Vì vậy, họ thường chỉ thấy những điều xấu xí mà không thể thấy được vẻ đẹp của mọi thứ xung quanh. Steiner luôn đưa ra những nhận định rõ ràng về những điều ông ủng hộ và không ủng hộ, nhưng đây không phải là sự phán xét nhỏ nhặt của người có mặt trăng xử nữ cấp độ thấp mà là một sự phân tích thông minh, minh triết về những điều nên là lẽ phải và những điều cần phải đấu tranh để ngăn chặn. Ông không có chút phán xét nào với người khác, mà coi việc tiếp xúc với người khác là cơ hội để bản thân học hỏi thêm về thế giới. Trong cuốn “Theosophy: An Introduction to the Supersensible Knowledge”, ông nói rằng khi tiếp cận với ai đó, ông “biến mình trở thành một chiếc bình rỗng hoàn toàn để một thế giới mới chảy vào. Kiến thức chỉ được tiếp nhận trong những khoảnh khắc mà mọi phán xét trong chính mình trở nên yên lặng… Ngay cả một đứa trẻ ít hiểu biết nhất cũng có điều gì đó tiết lộ cho một nhà hiền triết vĩ đại.” Qua đó, tôi thấy ông đã hoàn toàn thanh lọc được bản chất thấp của mặt trăng Xử Nữ ở những kiếp trước đây; để kiếp sống này, không một đặc điểm tiêu cực nào của nó có thể biểu hiện.
II.1.2. Chủ tinh nội môn – Mặt trăng che giấu Vulcan (cung 4 và cung 1):
Ở một mức độ cao hơn, chủ âm của dấu hiệu Xử Nữ trở thành “Tôi là Mẹ và Con, Tôi là Thượng đế, Tôi là Vật chất”. Nhiệm vụ của người có kiểu mẫu mặt trăng này là phải thấu hiểu rằng tất cả, dù thuộc về vật chất hay tinh thần, đều là một biểu hiện của Thượng Đế. Chủ tinh nội môn của Xử Nữ là Mặt trăng che giấu Vulcan. Vulcan cung cấp ý chí, sự kiên nhẫn không ngừng nghỉ để chuyển hóa bản thân, giúp người có mặt trăng Xử Nữ nhìn thấy được ánh sáng của sự bao gồm, của tình thương và sự bao dung nơi người khác. Đó là biểu hiện khi phàm ngã này bắt đầu đón nhận ánh sáng từ linh hồn. Trong sách “Astrology of Spirit, Soul and Body”, Leoni Hodgson nhận định rằng nếu thực sự có thể loại bỏ hoàn toàn hình mẫu tù ngục này, người đệ tử sẽ có năng lực giảng dạy, chữa lành và nuôi dưỡng rất nhiều người trong nhân loại. Nơi có thể sử dụng năng lực này nằm ở nhà của Mặt trăng.
Tôi cho rằng Steiner đã loại bỏ hoàn toàn kiểu mẫu tù ngục này do ông thể hiện rất rõ quyền năng giảng dạy, chữa lành và nuôi dưỡng ở nhà số 10 của Mặt trăng – chủ tinh nội môn của dấu hiệu Xử Nữ. Khả năng này được gia tăng do mặt trăng của ông cũng nằm đúng tại dấu hiệu này. Nhà số 10, theo ngoại môn, đại diện cho chính phủ, quyền lực, địa vị và cuộc sống chuyên nghiệp. Trong nhà này, phàm ngã tìm kiếm vinh quang và sự bợ đỡ – thứ ham muốn không được biểu hiện trong bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời Steiner. Vì vậy, ý nghĩa của nhà 10 phải được phân tích theo góc nhìn nội môn, đại diện cho cơ hội để thực hiện công việc của Chân sư, tạo ra ảnh hưởng trên thế giới và hướng dẫn nhân loại tuân thủ luật pháp của Thượng Đế. Ông đã thể hiện sứ mệnh này thông qua việc soạn thảo một đề xuất cải cách xã hội và đệ lên chính phủ Đức sau Thế chiến thứ nhất. Ông như một người phụng sự cho Thiên cơ, nói lên những quy tắc bất định của vũ trụ. Theo ông, chính trị phải bình đẳng và bảo vệ người dân. Kinh tế phải có sự hợp tác giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng để tạo ra các sản phẩm thực sự hữu ích. Văn hóa cần được nuôi dưỡng và giúp khoa học, nghệ thuật, giáo dục và tôn giáo được tự do phát triển.
II.1.2. Chủ tinh huyền giai – Mộc tinh (cung 2):
Những đóng góp mang tầm thế giới của Steiner khiến tôi phải xét đến cấp độ huyền giai của dấu hiệu mặt trăng Xử Nữ. Đối với một điểm đạo đồ, phàm ngã đã gần như hoặc hoàn toàn tích hợp, trở thành một vận cụ hữu hiệu để phụng sự linh hồn trên cõi trần. Do vậy, kiểu mẫu mặt trăng thay vì là ngục tù của linh hồn, trở thành những điểm mạnh mà điểm đạo đồ tận dụng để phụng sự. Ở đây, Steiner đã thể hiện những phẩm tính nổi bật nhất trong dấu hiệu này bao gồm năng lực nghiên cứu, sự siêng năng, quyền năng phân biện tuyệt vời và khả năng hiện thực hóa mọi ý tưởng.
Chủ tinh huyền giai của Xử Nữ là Mộc Tinh – hành tinh của sự mở rộng, tốt lành, chân lý và các giá trị cao cả hơn. Mục đích cao nhất của Xử Nữ thông qua Mộc tinh là phụng sự để qua đó, thanh lọc bản thân và mang lại ý thức về giá trị cho mọi người. Mộc tinh mang theo sức mạnh của chân lý phổ quát nhưng bị che giấu bởi ham muốn của chúng ta. Theo bài giảng của cô B.L.Allison, cô cho rằng sự vĩ đại của Mộc tinh giúp mở rộng trái tim của người Xử Nữ, giúp họ không còn tập trung vào các chi tiết vụn vặt mà nhìn thấy một bức tranh rộng lớn với Thiên tính ở khắp mọi nơi, trên, dưới, bên trong và bên ngoài. Steiner đã thực sự thể hiện tính mở rộng của Mộc tinh thông qua việc phụng sự mang ảnh hưởng vĩ mô tại phần lớn các lĩnh vực chính của đời sống.
Mộc tinh nằm tại nhà 9 của lá số chiêm tinh, và trùng tụ với điểm MC. Đây là ngôi nhà liên quan đến công việc giảng dạy minh triết, trí trừu tượng, cầu antahkarana và các trường học nội môn. Đây có thể là nơi mà Steiner thể hiện rõ nhất tiềm năng trong mặt trăng Xử Nữ của mình. Mộc tinh của ông – hành tinh đại diện cho sự mở rộng, minh triết trùng tụ với điểm MC hay Thiên đỉnh của lá số. Điều này cho thấy sự thành công và tầm ảnh hưởng của sự nghiệp của ông có thể lan rộng ở cấp độ thế giới. Ông đã dành phần lớn cả cuộc đời để nghiên cứu triết học, khoa học tâm linh và đi khắp nơi thuyết giảng về những điều đó. Ngày nay, những bài giảng của ông vẫn còn được lưu lại thành sách như một tài liệu tham khảo trao truyền minh triết và cảm hứng cho mọi người. Ông cũng thành lập nên một nhóm nghiên cứu nội môn mang tên Anthroposphy, giúp rất nhiều người bắt đầu thực hành và nghiên cứu tâm linh.
II.2. Phàm ngã – cung mặt trời Song Ngư (cung 2 và 6):
II.2.1. Chủ tinh ngoại môn – Mộc tinh và Hải Vương tinh (cung 2 và 6):
Ở cấp độ thấp, chủ âm của Song ngư là “Hãy đi vào vật chất” với hình tượng hai con cá bơi trong vô thức. Nó mặc sức đi theo sự thoải mái về vật chất, sự thỏa mãn về cảm giác mà không có định hướng rõ ràng. Do vậy, Hải Vương tinh là đại diện của dấu hiệu này ở cấp độ ngoại môn. Dưới ảnh hưởng của hành tinh này, những người có mặt trời Song ngư thường mơ hồ, thích chuyển động trôi chảy, liên tục mà không muốn nhận lãnh bất kỳ trách nhiệm gì. Một hành tinh chủ quản ngoại môn nữa của Song ngư là Mộc tinh. Tác động của Mộc tinh ở đây là sự mở rộng, phóng đại, làm cho người Song ngư rất nhạy cảm. Đôi lúc, họ cảm thấy như mình bị áp đảo bởi các tác động dù lớn hay nhỏ từ đời sống và những người xung quanh.
Cuộc đời của Steiner không cho thấy bất kỳ biểu hiện gì của sự mơ hồ, không rõ ràng hay sự phóng đại của thực tế cuộc sống. Ngược lại, ông là người tiếp cận mọi sự kiện một cách rõ ràng. Ngay cả trong lĩnh vực dễ gây cảm giác mơ hồ như tâm linh, ông khẳng định rằng cách tiếp cận của mình đi theo lối suy luận khoa học và logic. Hơn nữa, ông cũng không thể hiện thái độ vô trách nhiệm, phó mặc cho cuộc sống quyết định số phận của mình. Từ khi còn trẻ, ông đã biết rõ mục tiêu của mình là gì và luôn nhất tâm theo đuổi nó trong suốt cuộc đời. Bởi vậy, tôi cho rằng ông không bị ảnh hưởng bởi dấu hiệu Song ngư ở cấp độ thấp.
II.2.2. Chủ tinh nội môn và huyền giai – Diêm Vương tinh (cung 1):
Trong kỳ công của Song ngư, Hercules được giao nhiệm vụ giết con chó hai đầu tượng trưng cho bản năng thấp kém và bản chất thông linh bậc thấp, cũng như tiêu diệt con quái thú Geryon đại diện cho phàm ngã. Ở đây, chàng cần tính chất hủy diệt của Diêm Vương tinh để tập hợp đủ sức mạnh hoàn thành sứ mệnh khó khăn này. Dưới ảnh hưởng của linh hồn, người có mặt trời Song ngư chuyển từ tâm thức mơ hồ, phó mặc, vô trách nhiệm, bị áp đảo bởi đời sống thành một cá nhân cứng rắn, mạnh mẽ và kiên định nhờ năng lượng của Diêm Vương tinh. Hành tinh này lôi lên bề mặt tất cả những thói quen tự hủy hoại bản thân và các mối quan hệ độc hại để thanh lọc. Kết quả là, phàm ngã tích hợp có sức mạnh to lớn để lan tỏa lòng từ bi và cứu vớt các quần chúng đau khổ trong nhân loại.
Sau khi tiêu diệt những con quái thú cản đường, Hercules chăn đàn bò đỏ đi lạc (tượng trưng cho những dục vọng thấp kém) về ngôi đền thiêng. Trên đường, chàng xử lý mọi sự bất công hay xấu xa mà chàng gặp phải. Công bằng phải được lập lại khi chàng rời đi. Khi trở về nhà, chàng đặt đàn bò vào Chén Thánh và dâng hiến cho vị Huấn sư của mình. Đây là biểu tượng cao quý nhất trong kỳ công này vì mọi bản chất thấp (đại diện bởi những con bò đỏ) đã được chàng siêu hóa và cứu rỗi. Điều này cũng tương tự như việc khi tâm thức chúng ta chìm ngập trong ánh sáng linh hồn, ta gián tiếp cứu rỗi những thực thể cấu tạo nên các thể thấp của mình. Do vậy, ở cấp độ người chí nguyện hay đệ tử, chủ âm của Song ngư trở thành “Tôi rời khỏi nhà của Cha và khi quay trở lại, tôi cứu chuộc”. Đây chính là tâm thức của Đấng cứu chuộc – Đức Christ, người sẵn sàng hi sinh bản thân mình để nâng đỡ nhân loại đau khổ.
Nơi mà ông có thể thực hiện công việc cứu chuộc nằm ở nhà của Diêm Vương tinh (nhà 6). Đây chính là ngôi nhà chủ quản bởi Xử Nữ, đại diện cho sức khỏe và những công việc thường ngày. Theo nghĩa nội môn, nhà 6 liên quan tới việc phụng sự Thiên cơ bằng cách hiện thực hóa mọi ý tưởng thành các công việc hữu ích trên cõi trần. Ông đã vận dụng được cấp độ cao của Diêm Vương tinh trong nhà 6 khi thể hiện là một người mạnh mẽ, nhất tâm hướng tới lý tưởng cao cả là hỗ trợ sự phát triển tâm trí của nhân loại để họ được soi rọi bởi ánh sáng tinh thần và thoát khỏi những ảo tưởng của thế giới vật chất. Trong cuốn sách “Education of the child”, Steiner đã viết như sau: “Nếu chúng ta hoàn toàn chỉ nghe theo tiếng gọi của thế giới vật chất về các vấn đề liên quan đến giáo dục, y tế, luật pháp,… thì xã hội loài người đã tan rã từ lâu. Chúng ta cần phong trào Anthroposophy bởi vì chủ nghĩa duy vật, tất yếu, sẽ dẫn con người đến ngõ cụt…Chúng ta không nên yêu cầu làm thế nào để nhanh chóng phát triển những năng lực huyền bí hay làm thế nào chúng ta có thể thu mình lại để không đối diện với thực tại. Bất cứ ai nêu ra câu hỏi này chỉ là người vị kỷ… Theo nghĩa thích hợp, bạn chỉ trở thành một người Thông Thiên Học khi bạn nỗ lực hết mình để thấu hiểu và phụng sự cuộc đời.” Qua đoạn văn trên, ta thấy rằng Steiner hiểu được sự cần thiết của việc thành lập phong trào Anthroposophy và những ứng dụng thực tế của nó trong giáo dục, y tế, nông nghiệp và nghệ thuật. Trong thời đại này, nhân loại cần thấy được một bức tranh khác – một bức tranh không có sự xen vào của tính vị kỷ hay chủ nghĩa vật chất. Tôi thấy rằng động lực sâu kín nhất trong những hoạt động của ông đến từ tình thương với nhân loại và lý tưởng phụng sự một cách vô kỷ. Theo ông, mọi người chỉ trở thành một người Thông Thiên Học thực sự khi họ phụng sự nhân loại và cuộc đời. Đây chính là tâm thức đã phát triển cao của một người đệ tử thực thụ với sự tỏa rạng của ánh sáng và tình thương qua dấu hiệu mặt trời Song ngư.
II.2.3. Một vài đặc điểm khác của mặt trời Song ngư:
Steiner cũng biểu hiện một vài phẩm tính và khuynh hướng tích cực khác của Song ngư. Đầu tiên, đây là dấu hiệu của một nhà nhãn thông bẩm sinh và Steiner đã thừa hưởng khả năng này từ khi còn nhỏ. Theo như tiểu sử của ông, năm chín tuổi, ông đã biết mình có nhãn thông tâm linh khi nhìn thấy phần hồn của người bác vừa mất của mình trong một thị trấn xa xôi, trong khi cả gia đình ông vẫn chưa biết về việc này. Đây không phải là một tiềm năng thông linh bậc thấp, được sử dụng cho những mục đích cá nhân của phàm ngã; mà khả năng này được Steiner vận dụng để tiếp cận trực tiếp với thế giới tâm linh nhằm đem ánh sáng từ thế giới này tới quần chúng nhân loại.
Một phẩm chất nữa của Song ngư là sự phát triển vượt bậc của trí tưởng tượng và trực giác. Đây là điều ông nhấn mạnh đặc biệt trong triết lý giáo dục Waldorf mà ông đặt nền móng bởi vì ông hiểu được tầm quan trọng của trí tưởng tượng trong việc phát triển trực giác và hướng tới bản thể cao hơn của mỗi người. Trong cuốn sách “The education of the child”, ông viết: “Nỗ lực cao nhất của chúng ta phải là phát triển những con người tự do có khả năng theo đuổi mục đích và định hướng cho cuộc sống của họ. Nhu cầu về trí tưởng tượng, ý thức về sự thật và cảm giác của trách nhiệm — ba mãnh lực này chính là trọng tâm của giáo dục. ” Trực giác của ông mạnh đến mức mà tôi giả thiết rằng những kiến thức của ông đến một cách trực tiếp từ cõi Bồ đề thay vì thu nhận được từ sách vở hay kinh nghiệm sống. Chẳng hạn, các khu vườn ứng dụng nông nghiệp biodynamic mà ông đề xuất đã cho thấy những kết quả tốt đẹp và kỳ diệu. Mặc dù trước đó, ông không thực hiện bất kỳ thử nghiệm khoa học nào để làm nền tảng cho lý thuyết nông nghiệp này.
III.3. Mục đích linh hồn – cung mọc Hổ Cáp (cung 4):
Cung mọc được xác định bởi dấu hiêụ hoàng đạo đi qua đường chân trời phía Đông trong thời khắc sinh. Trước khi luân hồi xuống cõi hồng trần, linh hồn đã chọn cho mình một dấu hiệu hoàng đạo tối ưu nhất để giúp nó tiến lên trên con đường tinh thần. Vì vậy, theo quan điểm nội môn, điểm mọc là “trái tim” lá số chiêm tinh của những người tầm đạo. Những phẩm tính của dấu hiệu mọc và những công việc phụng sự liên quan đến dấu hiệu này chính là mục đích của linh hồn trong kiếp sống hiện tại.
III.3.1. Chủ tinh ngoại môn – Hỏa tinh và Diêm Vương tinh (cung 4 và 1):
Trong kỳ công, người Hổ cáp bậc thấp được đại diện bởi con thủy quái Hydra có chín đầu giận dữ, luôn thở ra lửa. Các đầu lần lượt tượng trưng cho chín thử thách của người đệ tử, bao gồm: thử thách hồng trần (tình dục, tiện nghi vật chất, tiền bạc); thử thách cảm dục (sợ hãi, thù hận, tham vọng) và thử thách trí tuệ (kiêu ngạo, chia rẽ, độc ác). Thủy quái Hydra sống trong một đầm lầy hôi thối, tượng trưng cho mọi điều ác, lỗi lầm, thất bại đã được tích tụ từ hằng hà sa số kiếp sống trước đó.
Ở cấp độ thấp, người có dấu hiệu mọc Hổ Cáp theo đuổi chủ âm “Hãy để ảo ảnh phát triển và sự lừa gạt thống trị”. Do vậy, họ đắm mình trong ảo cảm liên quan đến chín đầu của con thủy quái. Chủ tinh ngoại môn cai quản là Hỏa tinh – vị thần chiến tranh truyền dẫn cung 4 của sự hài hòa thông qua xung đột. Với họ, cuộc sống nhuốm một gam màu u tối và là chiến trường để chiến đấu. Vũ khí hay “nọc độc của bọ cạp” được chuẩn bị sẵn sàng để tiêu diệt mọi kẻ thù. Ở một khía cạnh khác, Diêm Vương tinh truyền dẫn cung 1 của ý chí và quyền lực, cũng là một hành tinh nữa cai quản Hổ cáp về mặt ngoại môn. Hành tinh này đại diện cho sự bí mật, tính che giấu cái không muốn để người khác biết; nhưng nó cũng đem lại năng lực đào sâu và lôi lên bề mặt những điều ẩn khuất. Họ dễ dàng nắm bắt được tâm lý một ai đó, nhưng kiểu mẫu bậc thấp lại lợi dụng những điều này để kiểm soát và lợi dụng người khác.
Qua tiểu sử của Steiner, tôi không tìm thấy bất kỳ sự việc nào cho thấy ông bị chín ảo cảm trên chi phối. Gần như cuộc sống của ông hoàn toàn dành để phục vụ mục đích của linh hồn ông.
III.3.2. Chủ tinh nội môn – Hỏa tinh (cung 4):
Trong thần thoại, Hercules đã giết con thủy quái chín đầu không phải bởi việc chặt đứt các đầu của nó (khi một đầu bị chặt, hai đầu khác sẽ mọc trở lại). Kỳ công chỉ thành công khi Hercules coi con thủy quái là một tổng thể, không phải các đơn vị riêng lẻ. Chàng quì xuống để nâng nó lên dưới ánh sáng của linh hồn. Khi đó, nó mất kết nối với đầm lầy và chết đi. Con người chỉ thật sự xua tan được các ảo cảm khi nâng tâm thức của mình lên và giữ vững trong ánh sáng linh hồn.
Ở mức độ người chí nguyện – đệ tử, chủ âm của Hổ cáp trở thành “Tôi là chiến binh và từ trận chiến tôi chiến thắng”. Lúc này, người mọc Hổ cáp được ban tặng món quà quý giá của lòng dũng cảm, tinh thần chiến đấu không lùi bước, sức sáng tạo dồi dào và sức mạnh để dung hòa các lực lượng xung đột. Đó chính là biểu hiện tiến hóa của Hỏa tinh – chủ tinh nội môn của dấu hiệu này. Theo Leoni Hodgson trong sách “Astrology of Spirit, Soul and Body”, khi đã chiến đấu để xóa hết mọi ảo cảm, người chiến binh sẽ đạt được mục tiêu của linh hồn trong Hổ cáp là tiêu diệt được cái ác và sự ngu dốt trên thế giới.
Nơi Steiner có thể thực hiện mục đích của linh hồn nằm trong nhà của Hỏa tinh (nhà 6). Đây là ngôi nhà chủ quản bởi Xử nữ, về mặt nội môn là đại diện cho các công việc phụng sự Thiên cơ trên cõi trần. Ông đã góp phần tiêu diệt cái ác và sự ngu dốt trên thế giới qua những cuốn sách của mình. Trước tiên, ông đưa ra rất nhiều dẫn chứng về nhu cầu cấp thiết của việc khai mở trí tuệ để đi sâu vào thế giới tinh thần. Theo ông, con người không chỉ tích lũy trí tuệ để phục vụ cho những nhu cầu vị kỷ và cá nhân của mình, mà phải có ý thức để hướng sự phát triển của mình tới việc hỗ trợ cho sự tiến hóa của nhân loại và vũ trụ. Trong sách “How to Know Higher Worlds: A Modern Path of Initiation”, ông viết như sau: “Tất cả kiến thức theo đuổi chỉ để làm giàu cho việc học tập và sự tích lũy kho báu cho cá nhân dẫn bạn đi chệch khỏi con đường. Nhưng tất cả kiến thức theo đuổi để phát triển tới chín muồi trong quá trình tiến hóa của nhân loại và vũ trụ sẽ mang cho bạn một bước tiến mới”. Sau đó, ông cũng đưa ra rất nhiều chỉ dẫn chi tiết để hướng dẫn con người nhận biết và dần tiếp xúc với bản thể cao hơn của mình trong cuốn sách “How to Know Higher Worlds”. Theo tôi, trong cuốn sách đó, một trong những điều giá trị nhất là sáu bài tập ông khuyên nên luyện tập để phát triển khả năng thiền định và trực giác của bản thân. Những chỉ dẫn của ông thật sự đã giúp cho rất nhiều con người thoát khỏi sự bám chấp vào thế giới vật chất và bắt đầu bước những bước đi đầu tiên trên con đường tinh thần.
III.3.3. Chủ tinh huyền giai – Thủy tinh (cung 4):
Chủ tinh huyền giai của Hổ cáp là Thủy tinh. Ở cấp độ điểm đạo đồ cao này, những người có mọc Hổ cáp trở thành các nhà lãnh đạo có trách nhiệm giải phóng quần chúng khỏi sự ngu dốt, bóng tối và tội ác. Những ảnh hưởng của họ không chỉ tác động đến số ít người, mà là một số rất đông quần chúng trong nhân loại. Nơi họ có thể hoàn thành được sứ mệnh của linh hồn nằm ở nhà của Thủy tinh (nhà 5).
Cụ thể, nhà số 5 là nhà của trẻ em, mối quan hệ tình cảm lãng mạn và sự sáng tạo. Về trẻ em, ông đã quan tâm tới công việc giáo dục thế hệ tương lai qua các bài thuyết giảng về chủ đề này (được tập hợp trong cuốn sách “The education of the child”). Ở đó, ông trình bày một cách sâu sắc lý thuyết về sự phát triển của trẻ từ 0-21 tuổi, mô tả một cách chi tiết đặc điểm tâm lý của từng độ tuổi qua những nghiên cứu tâm linh của ông. Nhờ vậy, giáo viên có thể dựa vào những phân tích này để thực sự thấu hiểu trẻ, và biết phải làm gì để giúp cho những linh hồn nhỏ bé này thực hiện được sứ mệnh của chúng trên cõi trần. Theo bản thân tôi được biết, đây có thể coi là một hệ thống lý thuyết vô cùng chi tiết, rõ ràng và sâu sắc về sự phát triển của trẻ em mà ít có một nhà lý luận nào có thể đưa ra được trước đây. Nhờ đó, ông đã tạo ra nền giáo dục Waldorf – một trong những hệ thống giáo dục ảnh hưởng nhất với hơn một ngàn trường học đang hoạt động trên khắp thế giới. Đóng góp của ông đã hỗ trợ cho sự phát triển của vô số những linh hồn mới nhập thế, để cuộc đời chúng sau này sẽ hướng theo những giá trị cao cả của tinh thần.
Từ khóa “sáng tạo” thuộc nhà 5 nhưng vẫn không đủ diễn tả tầm ảnh hưởng của những dự án mà Steiner đã đóng góp cho nhân loại. Thực sự, từ khóa này phải được nâng lên ở tầm nội môn, trở thành “những dự án sáng tạo được truyền cảm hứng từ linh hồn”. Tiểu sử của ông đã cho thấy rõ việc ông thực hiện công việc chữa lành và nuôi dưỡng cho nhân loại qua những dự án vô cùng sáng tạo trong các lĩnh vực y học, nông nghiệp và kiến trúc. Những dự án này đều dựa trên những quy luật của tâm linh, vũ trụ, dẫn lối đến con đường thanh luyện và tiến hóa cho rất nhiều người. Những con người bình thường, sau khi bắt đầu biết đến và thực hành giáo dục Waldorf, nông nghiệp biodynamic, y học Anthroposophy đã bắt đầu thực hành tâm linh và trở thành những người chí nguyện. Những đóng góp to lớn với tầm ảnh hưởng vĩ mô tới rất nhiều người trong nhân loại chính là mục tiêu rốt ráo của linh hồn ông trong Hổ cáp.
CHƯƠNG III. Giả thiết về cung linh hồn và cung phàm ngã
Trong phần phân tích này, tôi chủ yếu tham khảo kiến thức về tính chất các cung trong cuốn sách “Tapestry of the Gods I & II” của tác giả Michael Robbins. Sau đó, tôi liên hệ với những sự kiện trong cuộc đời Steiner để đưa ra giả thiết hợp lý nhất về cung linh hồn và cung phàm ngã của ông.
III.1. Linh hồn cung 3:
Tôi thấy đây là cung năng lượng biểu hiện rõ ràng nhất xuyên suốt cả cuộc đời Steiner. Trong tự truyện của ông, hầu hết nội dung dành để mô tả những tư tưởng trừu tượng và kinh nghiệm mà ông thu nhận từ những triết gia lỗi lạc hoặc đến từ trải nghiệm tâm linh của chính ông.
Đặc tính đầu tiên của cung 3 mà ông sở hữu là tầm nhìn rộng lớn về các vấn đề trừu tượng. Đối với những người cung 3 tiến hóa, họ có khả năng liên hệ một sự kiện tức thời và cụ thể tới một bối cảnh rộng lớn hơn rất nhiều. Mọi vấn đề đều được họ nhìn nhận thông qua nhiều luồng tư tưởng, khác với cung 5 là chỉ tập trung như “ánh sáng laser” vào tư tưởng một cách chi tiết và nhỏ hẹp. Với mục tiêu chứng thực được về sự thật của thế giới tâm linh qua nền tảng khoa học và triết học, ông đã tìm đọc rất nhiều tài liệu liên quan. Ông thể hiện một sự hiểu biết sâu sắc về nội dung của những tài liệu đầy tính trừu tượng này bằng cách tổng hợp, phân tích kỹ càng và đưa ra những nhận định cá nhân hữu ích. Thật sự, ông phải là một người cung 3 sở hữu trí trừu tượng rất phát triển, thì mới có khả năng hoàn thành công việc phi thường đó. Trong tự truyện của mình (p24), ông viết: ”Trong thư viện, tôi dành thời gian nghiên cứu về siêu hình học của Herbart thông qua Aesthetic als Formwissenschaft của Zimmermann, được viết theo quan điểm của Herbart. Cùng với điều này, tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng về Generelle Morphologie của Haeckel. Tôi có thể nói rằng mọi thứ mà tôi cảm thấy nhập vào mình qua các bài giảng của Schröer và Zimmermann, cũng như bài đọc mà tôi đã đề cập, đều trở thành một vấn đề của trải nghiệm tinh thần sâu sắc nhất. Những câu hỏi về kiến thức và quan niệm thế giới đã hình thành nên tôi từ những điều này.”
Người cung 3 cũng thường bị thu hút và thể hiện xuất sắc năng lực của mình qua các môn học trừu tượng như toán học hàn lâm hay triết học. Về triết học, Steiner thậm chí không thỏa mãn với tầm nhìn của các triết gia khác vì chúng vẫn chưa đạt được đến mức độ nhận thức của thế giới tâm linh. Ông chia sẻ trong tự truyện của mình như sau (p26): “Đối với tâm trí của tôi lúc đó, không có gì sáng sủa khi triết lý tôi học được từ những người khác không thể mang tư tưởng đến tận nhận thức của thế giới tâm linh.” Về toán học, Steiner coi nó là nền tảng của mọi suy nghĩ của mình bởi vì nó bao gồm những định lý, khái niệm độc lập với các ấn tượng của giác quan bên ngoài. Nó là công cụ giúp ông hiểu được các định luật của vũ trụ và thế giới. Trong tự truyện của mình, ông viết (p27): “Đối với tôi, toán học rất quan trọng, là nền tảng cho mọi sự phấn đấu của tôi sau kiến thức. Trong toán học có sẵn một hệ thống các khái niệm và khái niệm đã đạt được một cách độc lập với bất kỳ ấn tượng giác quan bên ngoài nào.”
Người cung 3 luôn muốn đưa ra những chứng minh ở mức độ trừu tượng. Họ sử dụng tư duy tuần tự, logic, chính xác để kết nối các ý tưởng lại với nhau. Với Steiner, ngay từ năm 20 tuổi, ông đã đặt ra mục tiêu của mình là phải chứng minh được sự tồn tại của phần tâm linh trong con người – một điều quá trừu tượng mà chỉ có những con người đã tiến hóa rất cao mới có khả năng thành công. Ông phát biểu trong tự truyện của mình như sau (p22): “Đối với tôi, một nhu cầu quan trọng hơn nhiều vào thời điểm đó là tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này: có thể chứng minh đến mức độ nào rằng phần tâm linh thực sự là tác nhân trong tư tưởng của con người?” Thêm nữa, ông đắm chìm trong suy tưởng về các khái niệm cao siêu liên quan đến thời gian và không gian. Cũng trong tự truyện, ông chia sẻ (p27): “Đằng sau câu đố về không gian ở thời kỳ đó của cuộc đời tôi là câu đố về thời gian. Có thể ở đây cũng có thể có một quan điểm mà trong bản thân nó chứa đựng ý tưởng trở về quá khứ bằng cách tiến tới một tương lai xa xôi vô tận? Quan điểm không gian đã gây ra sự băn khoăn sâu sắc của tôi trong thời gian đó. Nhưng sau đó tôi thấy suy nghĩ đó không có lối thoát. Tất cả những nỗ lực của suy nghĩ chỉ ra rằng tôi phải đặc biệt lưu ý đến việc áp dụng quan niệm rõ ràng về không gian vào vấn đề thời gian.” Điều này giống như việc ông đang cố gắng hiểu rõ và giao tiếp với linh hồn của mình qua quá trình tư duy. Bởi vì một trong những đặc tính của linh hồn là không bị dịch chuyển hay vướng bận bởi không gian và thời gian.
Cung 3 cũng thể hiện rõ qua việc Steiner có khả năng sáng tạo và sinh sôi tuyệt vời về mặt trí tuệ. Giống như một con nhện đang giăng tơ để tạo nên mạng lưới của nó, các nhà tư tưởng cung 3 liên tục xoay vần trong các suy nghĩ. Ở cấp độ thấp, người cung 3 có thể luôn bận rộn, làm nhiều thứ nhưng chưa chắc đã đi sâu vào một lĩnh vực cụ thể nào. Tuy nhiên, do là một người cung 3 tiến hóa cao, Steiner được công nhận là xuất chúng với mọi lĩnh vực của đời sống từ triết học, khoa học tự nhiên, giáo dục, nông nghiệp, nghệ thuật và tâm linh. Ông sở hữu khả năng “sinh sôi” được liên kết với khía cạnh thứ ba của Thiên tính.
Khi để ý kỹ các bài thuyết giảng hay các bài viết của Steiner, tôi có thể thấy rõ sự rắc rối, khó hiểu và trừu tượng trong các ý tưởng được đưa ra. Người cung 3 có xu hướng rất phức tạp trong suy nghĩ với các câu nói không theo dạng tuyến tính, mà giống như một mạng lưới đan xen nhiều ý tưởng liên quan tới nhau. Ở cấp độ thấp, nó tương tự như việc người cung 3 dùng bài viết để đưa người khác vào mê cung suy nghĩ của chính mình. Tuy nhiên, ở cấp độ cao như Steiner, ông đưa ra những ý tưởng “rắc rối” một cách có mục đích, làm người đọc phải trang bị một nền tảng kiến thức nhất định kèm theo việc suy ngẫm, tư duy trong một thời gian dài mới có thể hiểu thấu.
Tuy nhiên, để biết được chính xác hơn liệu cung 3 có phải cung linh hồn của ông không, tôi xem xét một vài yếu tố khác. Đầu tiên, khát vọng mạnh mẽ nhất được khơi nguồn từ một linh hồn nhánh cung 3A là “tạo ra một hệ thống tư tưởng triết học toàn diện, thấu đáo, để hiểu rõ hơn bản chất của thực tại trong các khía cạnh đan xen đa dạng của nó”. Điều này thể hiện rõ trong việc khám phá, tổng hợp mọi tư tưởng triết học từ những nhà tư tưởng lớn trong giai đoạn đầu tiên của cuộc đời ông. Sau đó, những giai đoạn sau được ông tập trung vào việc xây dựng một hệ thống triết học của riêng bản thân mình để hiểu thấu đáo thực tại của mọi sự biểu hiện.
Thứ hai, đạo tâm lớn nhất của người có linh hồn cung 3 là mong muốn giúp người khác phát triển trí tuệ và sự sáng tạo tinh thần, giúp họ tăng cường khả năng suy luận để mở rộng được sức mạnh của tâm trí. Điều này cũng biểu hiện thông qua việc Steiner viết sách, thuyết giảng ở khắp mọi nơi trên thế giới về các vấn đề trừu tượng, giúp khai mở trí tuệ và ý thức tâm linh của người khác.
Từ những nhận định trên, tôi giả thiết rằng: cung linh hồn của Rudolf Steiner là cung 3 – cung của trí thông tuệ linh hoạt.
III.2. Phàm ngã cung 1:
Khi bước vào một kiếp sống mới, con người sẽ chọn một cung phàm ngã cụ thể, thường là khác với cung linh hồn của mình. Do vậy, quá trình tích hợp phàm ngã sẽ luôn xảy ra lúc ban đầu, và hoàn thành nhanh hay chậm tùy thuộc vào mức độ tiến hóa của từng cá nhân. Tuy vậy, trong cuốn “Tapestry of the Gods I”, Michael Robbins đã chỉ ra rằng cung phàm ngã luôn là một cung phụ của cung linh hồn. Khi quá trình tích hợp phàm ngã xảy ra, phàm ngã luôn biểu hiện những tính chất được phản ánh bởi cung linh hồn, bất kể phàm ngã thuộc cung nào trong kiếp sống đó. Do vậy, việc xác định cung phàm ngã của một người tiến hóa cao như Rudolf Steiner là một thử thách rất lớn đối với tôi vì hầu hết cuộc đời của ông là biểu hiện cao các đặc tính đã nhuốm màu của linh hồn cung 3.
Tuy nhiên, để xác định được cung phàm ngã của ông, tôi lựa chọn cách tiếp cận là phân tích biểu hiện phàm ngã của tất cả các cung khác (ngoài cung 3) trong cuộc sống của ông. Sau đó, tôi sử dụng phương pháp loại trừ để đưa ra giả thiết hợp lý nhất về cung phàm ngã mà ông lựa chọn trong kiếp sống này.
Biểu hiện của phàm ngã cung 1:
Người có phàm ngã cung 1 sẽ biểu lộ năng lực và tận dụng sức mạnh một cách mạnh mẽ và có chủ đích. Những hoạt động trên cõi trần được điều phối một cách chắc chắn, kiên định, được định hướng với một sự quyết đoán không thể lay chuyển. Họ rất độc lập và đôi khi nghĩ rằng “họ có thể đi một mình” dù phải đối mặt với những thử thách khó khăn nhất và vẫn thành công. Khi phụng sự, họ sử dụng khả năng kỷ luật để kiểm soát, định hướng, lãnh đạo để đạt được mục đích của mình.
Sự kỷ luật, kiên định và mạnh mẽ này có thể thấy được từ các quyết định của Steiner trong suốt cuộc đời. Khi còn trẻ và có lý tưởng phải chứng minh sự thật trong thế giới tâm linh, ông đã vững tin đi theo lý tưởng đó của mình. Ông đặt mình trong kỷ luật thép, dành rất nhiều thời gian để vùi đầu nghiên cứu các công trình triết học vô cùng trừu tượng và phức tạp của những nhà tư tưởng lỗi lạc nhất trên thế giới. Sự kiên định này còn được thể hiện rõ hơn sau khi ông tham gia vào nhóm Thông thiên học. Mặc dù rất khâm phục những con người như bà Blavatsky, bà Annie Beasant và rất nhiều người nữa; ông vẫn luôn bám chặt vào những nghiên cứu tâm linh cá nhân của mình. Khi thấy nhóm này có những hoạt động không phù hợp với nhận định cá nhân ông, ông mạnh mẽ quyết tâm rời đi để thành lập một nhánh tâm linh khác. Đây là minh chứng cho sức mạnh, tính kỷ luật và sự độc lập của một phàm ngã cung 1.
Biểu hiện của phàm ngã cung 2:
Steiner không biểu hiện quá nhiều đặc điểm của một phàm ngã cung 2. Ông thể hiện tình thương, sự thấu hiểu và minh triết với những người khác nhưng không phải thông qua “những hoạt động đòi hỏi sự kiên nhẫn, khéo léo, định hướng bằng tấm lòng từ bi” của cung 2, mà chủ yếu qua những phân tích và nhận định mang tính trí tuệ của cung 3. Ông có từ tính thu hút người khác thông qua những quan điểm, bài giảng để giúp quần chúng ngẫm nghĩ về những kiến thức ông đưa ra. Điều này khác với người cung 2 thu hút bằng việc thể hiện sự ấm áp, thân thiện, tốt bụng, dễ mến, nhạy cảm xã hội và quan tâm, lo lắng đối với người khác.
Biểu hiện của phàm ngã cung 4:
Steiner thể hiện phần tính chất “hài hòa, mỹ lệ” của cung 4 thông qua những chú tâm của ông về mặt nghệ thuật. Ông đã tạo ra vô số những tác phẩm kiến trúc, điêu khắc, kịch nghệ, chuyển động để đời, thuộc vào tầm xuất sắc được công nhận trên thế giới. Tuy nhiên, tiểu sử của ông không thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến việc điều hòa xung đột và giải quyết các mâu thuẫn. Có thể những điều này có tồn tại nhưng không nổi bật tới mức độ được ông nhắc đến trong tiểu sử của mình. Ông cũng không biểu hiện khả năng thiết lập các mối quan hệ trôi chảy, hài hòa với những người khác nhau như điểm đặc trưng của phàm ngã cung 4 so với các cung khác.
Biểu hiện của phàm ngã cung 5:
Người có phàm ngã cung 5 đạt tới kiến thức chuẩn xác thông qua quá trình tư duy tập trung và việc tiến hành các thí nghiệm khoa học. Những phàm ngã này điều phối các hoạt động ở cõi trần bằng cách dựa vào các kiến thức thực tế và trực giác phong phú, được định hướng với một thái độ chắc chắn về mặt trí tuệ. Bản sắc độc đáo của phàm ngã cung 5 là việc trở thành những chuyên gia có kỹ năng chuyên môn cao trong một lĩnh vực hẹp.
Tuy nhiên, tôi không thấy những tính chất này thể hiện trong cuộc đời của Steiner. Mặc dù, ông muốn chứng minh về sự thực trong thế giới tâm linh bằng lý luận khoa học, nhưng lý luận khoa học dạng này không phải là tính chất thích quan sát, nhận định thực tế chỉ thông qua các giác quan của người cung 5. Ông cũng không phù hợp với đặc trưng của cung 5 là chỉ tập trung vào một lĩnh vực hẹp, mà ông đã mở rộng tư duy của mình ra với rất nhiều lĩnh vực rộng lớn trong đời sống.
Biểu hiện của phàm ngã cung 6:
Phàm ngã cung 6 ban tặng một khả năng cống hiến hết mình cho một người, một mục đích hay lý tưởng cao nhất. Đây được coi là những người vô cùng kiên định, hăng hái và tập trung. Họ thực hiện những hoạt động trên cõi trần với một mục tiêu nhất tâm, không khoan nhượng và không bao giờ từ bỏ. Ở Steiner, tôi nhìn rõ một sự trung thành, không thể lay chuyển khi thực hiện những mục đích và lý tưởng của ông. Về những tính chất này, tôi thấy có một sự tương đồng rất lớn với sự kiên định của phàm ngã cung 1. Vậy sự khác nhau giữa phàm ngã cung 6 và cung 1 là gì?
Cung 1 là biểu hiện của ý chí, không có sự tác động về mặt cảm xúc. Còn cung 6 là lòng nhiệt tình, ham muốn mãnh liệt theo hướng cảm xúc nhiều hơn. Một điểm khác biệt nữa giữa hai cung này liên quan tới nguyên tắc “trung tâm hóa”. Người cung 1 hiểu rằng trung tâm của họ nằm trong chính họ và bản thể duy nhất là giống nhau trong tất cả các sinh linh. Con đường tiến hóa nhanh và đáng tin cậy nhất là dựa vào chính bản thân mình, và họ cũng hướng những người khác tới việc độc lập, tự dựa vào chính mình để phát triển. Trong khi đó, trung tâm của người cung 6 lại thuộc về một Đấng nào đó hoặc một lý tưởng nào đó. Do vậy, tôi thấy sự nhất tâm và trung thành với mục tiêu của Steiner thuộc về tính chất đầy ý chí và không nhuốm màu cảm xúc của cung 1. Steiner cũng đặc biệt tập trung vào chính bản thân ông để thực hiện mục tiêu và đưa ra những chỉ dẫn để những người khác tự khai mở trí tuệ của chính mình chứ không dựa vào một cá nhân hay lý tưởng bên ngoài như tính chất của cung 6.
Biểu hiện của phàm ngã cung 7:
Steiner không biểu hiện nhiều những tính chất của cung 7 như năng lực tổ chức, quản lý, hành chính và tinh thần nhóm nhã nhặn, khéo léo. Ông cũng không nổi bật với khả năng tổ chức, định hình các cấu trúc và hình tướng cho đến khi chúng đúng với nguyên mẫu hoặc quy luật của nó như đặc trưng của những người mang phàm ngã cung 7.
Qua những phân tích trên, tôi nhận thấy phàm ngã cung 1 là có những đặc điểm thích hợp nhất với cuộc đời của Steiner. Để chắc chắn hơn nữa với nhận định của mình, tôi tham khảo thêm các đặc điểm khi kết hợp cung 3 linh hồn và cung 1 phàm ngã trong cuốn sách “Tapestry of the Gods II” của tác giả Michael Robbins. Ông viết như sau về sự kết hợp này:
“Sự hiểu biết thông tuệ và hoạt động sáng tạo được thể hiện bằng sức mạnh năng động. Các kế hoạch sáng tạo và dự án lớn được thực hiện với sự nhất tâm không thay đổi. Sự năng động làm chủ sự bất động; khả năng thích ứng vượt lên trên tính không linh hoạt. Sự vận dụng thông minh thay thế cho sự khăng khăng cố chấp. Khả năng đảm nhận nhiều việc thành công được hỗ trợ tốt bởi sức mạnh cá nhân. Một người có thể đồng thời vừa lý trí vừa mạnh mẽ. Khả năng đi du lịch và “đi đây đi đó” khi cần thiết, nắm vững xu hướng duy trì sự vững chắc và bất di bất dịch ở trung tâm. Tình yêu hướng tới việc tư duy và thực hành sáng tạo làm chủ tình yêu hướng đến sức mạnh cá nhân. Sự phức tạp được thực hiện với sự đơn giản.”
Những điều này dường như rất phù hợp với các thành tựu trong cuộc đời Steiner. Ông đã vận dụng những hiểu biết thông tuệ, sáng tạo với sự nhất tâm không gì lay chuyển để tạo ra những đóng góp to lớn cho nhân loại. Dù kiên định, nhưng ông cũng có những sự thích ứng thông minh và hợp lý để chuyển đổi các mục tiêu của mình khi cần thiết. Ban đầu, ông khăng khăng với việc phải chứng minh được sự thực trong thế giới tâm linh qua khoa học; nhưng rồi khi càng đi sâu vào mục tiêu này, ông lại càng thấy mục tiêu phải thay đổi để đưa ra những kiến thức có tính ứng dụng hơn trong xã hội. Tình yêu của ông chỉ thuần khiết là tình yêu vô kỷ và ước muốn cứu rỗi người khác, chứ không phải tình yêu chỉ hướng đến bản thân mình. Thêm nữa, mặc dù các tài liệu ông đưa ra vẫn rất phức tạp và trừu tượng, nhưng chúng vẫn có tính ứng dụng cao và được rất nhiều người áp dụng để thay đổi bản thân và giúp ích cho xã hội.
Từ tất cả những phân tích trên, tôi đặt ra giả thiết: Cung phàm ngã của Rudolf Steiner là cung 1 – cung của ý chí và quyền lực.
CHƯƠNG IV. Tóm tắt
Tôi giả thiết rằng vị trí của Rudolf Steiner là mức điểm đạo đồ bậc 3. Xuyên suốt cuộc đời ông là công việc phụng sự của một linh hồn cung 3 thực thụ. Mọi lúc, ông đều ngự ở cõi trí, không gặp bất kỳ cản trở nào về cõi tình cảm, và hoàn toàn nhất tâm sử dụng năng lực, ánh sáng từ linh hồn để cống hiến cho nhân loại. Qua việc phân tích các dấu hiệu chiêm tinh, những đóng góp của ông phù hợp với ảnh hưởng của chủ tinh nội môn và huyền giai cai quản các dấu hiệu hoàng đạo chính.
Cung mặt trời của Steiner là cung Song ngư. Ông không thể hiện bất kỳ tính cách tiêu cực nào của dấu hiệu này như sự mơ hồ, vô trách nhiệm, hay bị áp đảo bởi cuộc sống; mà biểu lộ những mặt tích cực nhất như sự nhạy cảm, trực giác mạnh và có lòng từ bi vô hạn. Những việc làm của ông tượng trưng cho sức mạnh của chủ tinh nội môn và huyền giai Diêm Vương tinh, ứng với chủ âm: “Tôi rời khỏi nhà của Cha và khi quay trở lại, tôi cứu chuộc”. Ông đại diện cho một người đã thấm nhuần tâm thức Christ, nhất tâm đem lại tri thức và ánh sáng cho quần chúng vô minh và đau khổ. Ông kêu gọi nhân loại hãy rời xa thế giới vật chất để tiếp cận với thế giới tinh thần bằng cách chuyển hóa bản thân và phụng sự cuộc đời.
Cung mọc của Steiner là cung Hổ cáp. Cuộc đời Steiner không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào ứng với những mặt tiêu cực của dấu hiệu Hổ cáp bậc thấp như ảo lực trong cõi trần (tình dục, tiện nghi, vật chất), ảo cảm trong cõi cảm dục (sợ hãi, thù hận, tham vọng) và ảo tưởng trong cõi trí (kiêu ngạo, chia rẽ, độc ác). Qua những công việc phụng sự vô kỷ, Steiner đã thể hiện phẩm tính của Hổ cáp ở mức độ cao, quy định bởi chủ tinh Huyền giai Thủy tinh ở nhà 5 – với mục tiêu giúp đỡ những linh hồn trẻ và thực hiện các dự án sáng tạo của linh hồn. Ông như một chiến binh kiên định với ý chí không thể lay chuyển để giải phóng quần chúng khỏi sự ngu dốt, bóng tối và tội ác. Ông để lại cho đời sau những cống hiến mang tính ứng dụng cao, đồng thời giúp cho rất nhiều con người đi theo con đường tinh thần qua việc tham gia vào các lĩnh vực ông khởi nguồn bao gồm giáo dục Waldorf, nông nghiệp biodynamic và y học Anthroposophy.
Thật sự, Rudolf Steiner là một tâm hồn rộng lớn và cao cả. Những gì ông thực hiện trên cõi trần giúp tôi nhận thức được một người đệ tử chân chính có thể đóng góp nhiều như thế nào cho nhân loại. Tôi càng hiểu sâu sắc hơn rằng: bản thân chỉ có thể trở nên hữu dụng hơn bằng cách nỗ lực không ngừng, trở thành một vận cụ tốt hơn để linh hồn biểu hiện. Ba mục tiêu chính tôi luôn ghi nhớ phải thực hiện là tham thiền, nghiên cứu và phụng sự.
Qua quá trình học GQ và hoàn thành bài tiểu luận này, tôi đã có cơ hội liên kết và ứng dụng kiến thức hữu ích về các cung và dấu hiệu chiêm tinh, là nền tảng giúp tôi hiểu rõ chính mình và những người khác. Kỹ năng tổng hợp và phân tích các khái niệm trừu tượng tôi rèn luyện được qua quá trình viết bài cũng hỗ trợ để tôi tiếp thu tốt hơn trên con đường học Đạo sắp tới. Qua đây, tôi cũng muốn tỏ lòng biết ơn của mình tới những người đã thầm lặng giúp đỡ tôi hoàn thành bài tiểu luận này. Đó là các mentor của tôi, đã giúp tôi giải đáp những thắc mắc trong quá trình viết bài. Các anh chị trong nhóm MF đã chia sẻ và hướng dẫn tôi những kinh nghiệm và bước đi đầu tiên khi làm tiểu luận. Chân sư DK, cô Leoni Hodgson, thầy Michael Robbins, cô Eva Smith, cô B.L. Allison có thể không biết tới sự tồn tại của bài tiểu luận này, nhưng các cuốn sách và bài giảng của Chân sư và thầy cô là nguồn tư liệu vô cùng hữu ích mà tôi tham khảo để phân tích được tính chất các cung và dấu hiệu hoàng đạo trong nhân vật mình lựa chọn. Tôi thật sự biết ơn tất cả mọi người và mong có thể đáp đền công ơn đó bằng cách chăm chỉ học tập để mang được thật nhiều ánh sáng và tình thương tới chính mình và những người khác.
Tư liệu tham khảo
Giadinhsteiner (2018). Tiểu sử Rudolf Steiner. [online] Gia đình Steiner. Available at: https://giadinhsteiner.wordpress.com/2018/05/26/tieu-su-rudolf-steiner/
Hodgson, L. (2018). Astrology of SPIRIT, SOUL and BODY.
Robbins, M. (1996). Tapestry of the Gods I. 3rd ed. The University of the Seven Rays Publishing House.
Robbins, M. (1996). Tapestry of the Gods II. 3rd ed. The University of the Seven Rays Publishing House.
Steiner, R. (2018). How To Know Higher Worlds.
Steiner, R. (1996). The education of the child and early lectures on education. Hudson, N.Y.: Anthroposophic Press.
Steiner, R. (2010). The story of my life. Whitefish, Mont.: Kessinger Pub.
Steiner, R. (2016). Theosophy : an introduction to the supersensible knowledge of the world and the destination of man. Createspace Independent Publishing Platform.