TÁI SINH – CHƯƠNG 7 – 8 – 9

Chương 7

Không có công bằng ư? — Is There No Justice?

Về mặt lý thuyết, đã quá nhiều bàn luận về chủ đề này của chúng ta. Các lời dạy truyền thống dù ấn tượng, nhưng chúng ta cần một số bằng chứng cá nhân của sự thể hiện nó. Với tôi, sự tái sinh giải thích cho sự bất công bề ngoài của cuộc sống. Dẫn chứng ở thế hệ của tôi, những người sống qua một cuộc chiến tranh thế giới, và phải chịu đựng bao nỗi đau đớn và khổ sở, dường như thường có nhiều người trong chúng tôi có vẻ như đã thoát khỏi cái mà nhà thờ Thiên chúa gọi là “Sự phẫn nộ của Thượng Đế”, những người dường như luôn có thể thoát khỏi các nỗi đau thương và sự chịu đựng mà không có lý do chính đáng nào.

Tuy nhiên, thông qua niềm tin vào tái sinh, tác giả nhanh chóng nhận ra rằng mọi sự trong cuộc sống đều được đền bù. Không ai có thể thoát khỏi. Sớm hay muộn, trong kiếp sống này hay ở kiếp sống khác, mọi thứ đều cân bằng không sai lệch. Không ai trải qua hàng trăm các kiếp sống trên Trái Đất này mà lại ít nỗi đau khổ hơn người khác. Chúng ta hãy cùng lấy hai ví dụ cho sự không công bằng bề ngoài và so sánh chúng

Một linh hồn được sinh ra vào cơ thể của một bé gái, mà ngay từ thời khắc sinh ra, dường như đã ở trong cơn đau không dứt. Rất nhanh chóng, người ta phát hiện ra em bị căn bệnh ung thư ruột. Cô bé sống được 5 năm, chưa biết đến một ngày không chịu đựng đau đớn và cuối cùng chết trong vòng tay của gia đình đầy đau khổ của em.

Hãy so sánh cuộc đời đó với cuộc đời sau đây. Một linh hồn tái sinh vào cơ thể của một bé trai, sinh ra trong một gia đình giàu có với địa vị xã hội cao. Cậu bé lớn lên hanh phúc với các điều kiện đầy đủ và tình yêu thương của gia đình, được giáo dục tốt, có vị trí trong xã hội và có hình thức sáng sủa đẹp trai, có hôn nhân tốt, có gia đình đông đúc và sống đến 80 tuổi trong sự hạnh phúc và đủ đầy.

Khi chúng ta so sánh hai cuộc đời này trong ánh sáng, theo giáo lý Cơ Đốc, nói rằng chúng ta chỉ có một lần sống trên Trái Đất, chắc chắn có sự bất công lớn trong cuộc đời của bé gái khi cuộc sống trên trái đất bị giam hãm với các cơn đau ngày qua ngày, và rằng cuộc sống đó như thể một bức vẽ biếm họa khi so sánh với cuộc đời của cậu bé lớn lên trong sự đầy đủ sung túc và tình yêu thương, sống đến khi già. Tuy vậy, giáo lý về tái sinh đã giải thích sự bất công bề ngoài này và các trường hợp tương tự như vậy.

Các nhà theo thuyết tái sinh sẽ chỉ ra rằng bé gái đã có rất nhiều kiếp sống trên Trái Đất này trước đó, mà ở đó cô đã sống đến già với một gia đình lớn, có tất cả các cơ hội để tận hưởng ân phúc và niềm vui mà cuộc sống trên Trái đất ban tặng cho. Tương tự như vậy, cậu bé cũng đã từng trải qua việc bị chết sớm, đã từng chết trong nỗi đau đớn khủng khiếp từ vết thương nặng và đã từng trải qua việc bị cô lập và các nỗi tuyệt vọng, giống như các đặc điểm của kiếp sống mô tả phía trên.

Tất cả đều được bù trừ khi chúng ta tính đến rất nhiều kiếp sống đã xảy ra trước đó và còn rất nhiều kiếp sống nữa sắp tới, nơi mà các sự bất công bề ngoài được cân bằng.

Và bây giờ là chủ đề liên quan đến thiên tài hay thần đồng

 

Thiên tài là gì?— What Is Genius?

Henry Ford đã từng nói: ‘Thiên tài là kinh nghiệm … một số người dường như nghĩ nó là món quà hay tài năng, nhưng đó là quả ngọt của kinh nghiệm dài trong nhiều kiếp sống. Một số là các linh hồn già dặn hơn những linh hồn khác và vì thế họ biết nhiều hơn’.

Theo quan điểm của tác giả, hiện tượng thiên tài chưa bao giờ được giải thích một cách khoa học bởi bất kỳ một khoa tâm lý hay triết học nào. Không ai có thể nói trên phương diện các phân tử hay nguyên tử, trên phương diện của ánh sáng, nhiệt hay từ tính, cơ chế nào tạo ra được một thiên tài. Thậm chí di truyền cũng không đưa ra được sự giải thích thỏa đáng. Chúng ta chỉ biết rằng thiên tài xuất hiện rất đột ngột ở những nơi không tính trước, ở một số phầm trăm rất nhỏ trong dân số. Rất hiếm để một người bình thường sớm hay muộn không trải qua việc này trong chuỗi sự kiện thông thường.

Mozart là một ví dụ xuất sắc của hiện tượng thiên tài. Ông sinh ra với cao độ, nhịp điệu chuẩn xác tuyệt đối và sự hiểu biết tự nhiên về hoà âm. Ở tuổi lên 4, ông bắt đầu học chơi đàn clavier (tiền thân của chiếc đàn piano hiện đại) và lên 5 tuổi học vi-ô-lông và, biết đọc ngay khi nhìn thấy bản nhạc, chơi sáu tam tấu (trios) với bố ông và một người bạn. Khi còn là một đứa trẻ, ông đọc và viết nhạc trước khi biết đọc và viết chữ. Ở tuổi 15, ông là nhà soạn nhạc của mười bốn bản giao hưởng và 6 bản opera ngắn.

Không có một sự giải thích nào cho tài năng thiên bẩm như Mozart hay cho thiên tài uyên bác như ngài Winston Churchill trên phương diện suy nghĩ bình thường. Tuy nhiên, có sự giải thích rất tốt cho hiện tượng thiên tài một khi cơ chế tái sinh được hiểu rõ.

Trong trường hợp của Mozart, chúng ta biết rằng hai kiếp sống trước ông là nhà soạn nhạc, và rằng khoảng cách giữa kiếp sống là Mozart và kiếp sống ngay liền trước ít hơn 20 năm (đây là một trong rất nhiều ngoại lệ về thời gian giữa các kiếp sống vốn trung bình là khoảng 1000 năm). Cậu bé có thể giữ được các ký ức về các kiến thức âm nhạc và mang theo chúng vào kiếp sống hiện tại. Bạn có thể giải thích cách nào khác không về các vấn đề như hiện tượng thiên tài này?

Có một cách giải thích khác có khả năng xảy ra: hình thái ứng linh (overshadowing), khi nhà soạn nhạc lưu lại ở thế giới cảm dục vượt quá giai đoạn thông thường, và có thể tạo ấn tượng hoặc ‘phủ bóng’ lên một cá nhân thích hợp vừa được tái sinh. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề hoàn toàn khác.

Yếu tố giới tính— The Factor Of Gender

Không có bằng chứng nào cho thấy rằng có sự bất bình đẳng trong cơ hội được sinh ra là nam hay nữ. Có một số các bình luận hết sức buồn cười về sự xen kẽ các giới tính trong các kiếp sống. Như sau:

‘Nếu một người nam keo kiệt, tủn mủn trên phương diện tài chính hoặc tâm linh, không đưa một đồng tiền nào của anh ta cho người nghèo hoặc không truyền đạt kiến thức, hiểu biết của mình cho người kém hiểu biết hơn, anh ta sẽ bị trừng phạt bằng việc trở thành người nữ…’

The Talmudic Miscellany by Paul Isaac Hershon

Nhìn chung, chúng ta có thể nói rằng tái sinh trong cơ thể người nam sẽ cho chúng ta cơ hội để khai phá các lãnh vực mới trên các cấp độ của thể trí, thể tình cảm và thể vật lý, và đôi khi hành động trong cuộc sống như một người tiên phong hoặc người đi đầu trong việc biểu hiện một số các khía cạnh của một nền văn hóa hay của một đặc điểm tâm lý con người. Tuy nhiên, điều cần thiết không kém là phải để những kinh nghiệm mới được tiêu hóa, để chúng được củng cố vào tâm thức của nhân loại và để chúng được khám phá đầy đủ. Ở lĩnh vực trải nghiệm này thì vai trò của người nữ là quan trọng. Nếu không có sự hợp nhất, điều thường có được ở cơ thể nữ, sẽ không có tăng trưởng. Công việc của nữ giới là tiếp thu và tiếp nối phía sau sự tiên phong.

Kiếp sống làm người nam hoạt động sáng tạo và như một doanh nhân, khám phá những lãnh thổ mới, nhưng cũng quan trọng tương tự như vậy để tạo các đường biên này một cách chắc chắn, làm giàu chúng với nghệ thuật và văn hóa, và bình ổn với cuộc sống gia đình…Không có vấn đề chủ nghĩa ‘sô vanh’ nam bao trùm giáo lý về tái sinh, mặc dù có xu hướng này trong một vài diễn giải về nó.

Chương 8

Karma: Định luật ẩn sau Sự Tái Sinh

Đến đây, độc giả đã có nhiều ấn tượng qua rất nhiều bằng chứng củng cố cho quan điểm về Sự Tái sinh và sẽ không còn ngạc nhiên khi khám phá ra rằng những định luật vĩ đại tạo ra con đường của nó thông qua việc sắp đặt toàn bộ quá trình tái sinh. Karma là học thuyết song hành của sự tái sinh và không một ai có thể nghiên cứu nghiêm túc một học thuyết nếu thiếu định luật còn lại.

Khoa học chấp nhận rằng có những Định luật chi phối vũ trụ này. Có những định luật chi phối nước và dòng chảy của nhựa cây, có những định luật điều chỉnh các hành tinh xoay quanh quỹ đạo, cũng có những định luật quyết định huyết áp, sự dâng lên của thủy triều hay sự lặn của mặt trời. Có những định luật áp dụng cho mọi giới tự nhiên và cho mọi khía cạnh của cuộc sống. Chắc chắn cũng phải có những định luật của thời gian và cách thức mà Con người được sinh ra trên Trái Đất cũng như khi họ qua đời. Tại sao sự sinh ra và chết đi lại được miễn trừ khỏi Định luật, khi mà tất cả mọi sự vật hiện tượng đều được chi phối bởi nó?

Luật Karma là một phần của giáo lý cổ đại. Ý tưởng cho rằng trong những tiền kiếp, chúng ta gieo xuống những hạt mầm của tai họa hoặc thành công cho cuộc sống hiện tại đã có từ rất lâu. Chúng ta cần chỉ ra trong giáo lý của Kinh Cựu Ước: “Gieo hạt gì, ăn quả nấy”.

Ở đây nảy sinh ý tưởng về sự trừng phạt, ý tưởng rằng nếu chúng ta vi phạm một số định luật của tự nhiên, khi đó trách nhiệm mà chúng ta mang nợ với Loài Người trờ nên rõ ràng: Chúng ta phải gánh chịu một cách thích đáng. Nếu trong một kiếp trong quá khứ, vì sự tàn nhẫn ta đã làm mù một ai đó, thì bản thân chúng ta cũng phải chịu khổ đau tương tự. Vì vậy, hoặc trong kiếp sống hiện tại hay trong một vài kiếp sống sau này, chúng ta cũng sẽ bị ai đó tàn ác gây mù lòa. Điều này biểu hiện trước sau trong tương lai ở một kiếp nào đó, có thể xảy ra trong một tai ương duy nhất, hoặc có thể gặp vấn đề với căn bệnh về mắt, ở một xứ sở đầy cát bụi như tại Ai Cập, thậm chí phải trả giá qua một loạt kiếp sống khác nhau, nhưng quả báo là điều chắc chắn. Tương tự như vậy, những Karma tốt lành cũng sẽ được phản ánh trong những kiếp sống tiếp sau.

Luật Karma vĩ đại được gắn với những định luật điều khiển sự tái sinh, như đã được minh chứng bởi lời Phật dạy:

Những ai cực khổ như một người nô lệ có thể trở thành một vị hoàng thân, nhờ những phẩm chất cao quý và chiến công xứng đáng.

Những kẻ thống trị như một vị vua có thể phải rong ruổi trên Trái Đất trong tình cảnh rách rưới vì những điều không hay họ đã gây ra hay chưa làm được. [1]

Một số người nói rằng Đức Phật đã khôi phục khái niệm Karma ở phương Đông nhưng hiển nhiên là những yếu tố của nó đã có từ rất lâu trước đó. Nhà triết học Hy Lap Empedocles đã viết trong cuốn Sự thuần khiết:

Tất cả những điều làm thay đổi Tự nhiên, gói chặt trong những linh hồn,

Dưới những chiếc áo xa lạ của xác thân,

Nơi trú ngụ đáng giá nhất cho Linh hồn con người

Chính những người Ấn giáo (Hindu) đã mang những nguyên lý tinh thần vào vấn đề Karma nhiều nhất, đưa nó vào quỹ đạo của định luật cho những kỷ luật tâm linh:

“Theo quan điểm Hindu, tinh thần không còn phụ thuộc nhiều vào thân xác mà nó trú ngụ chẳng khác nào một cơ thể không phụ thuộc vào quần áo mặc ngoài hay ngôi nhà sinh sống. Khi chúng ta quá lớn so với một bộ đồ hoặc thấy ngôi nhà của mình đã quá chật chội, chúng ta sẽ mặc bộ đồ khác hay chuyển sang những căn phòng rộng rãi hơn giúp ta được thoải mái hơn. Linh hồn với vỏ bọc thân xác cũng tương tự như vậy.

Quá trình mà qua đó một cá thể Jiva đi vào thân xác tiếp theo được gọi là sự tái sinh hay sự chuyển hóa của linh hồn – trong tiếng Phạn là Samsara… Ở cấp độ thấp hơn loài người, sự chuyển hóa này trải qua một loạt những thân xác với mức độ tinh vi ngày càng tăng cho tới khi đạt đến cấp độ con người. Tới giai đoạn này, sự phát triển của linh hồn hầu như là tự động. Nó giống như thể linh hồn đang phát triển bình thường và đều đặn như một cái cây và nhận được ở mỗi hiện thân kế tiếp nhau một cơ thể phức tạp hơn, mang lại các yếu tố rộng mở cần thiết cho những thành tựu mới của linh hồn.

“Khi linh hồn nhập vào một thân xác con người thì chế độ tăng tiến tự động sẽ kết thúc. Vai trò của nó trong chốn cư trú cao quý này là bằng chứng cho thấy linh hồn đã đạt đến tự ý thức, và với vị thế này, sự tự do, tính trách nhiệm và sự nỗ lực sẽ tới.

“Cơ chế gắn kết ràng buộc các thu nhận này chính là luật Karma… Karma, theo nghĩa sơ lược nhất, là định luật của nhân và quả… Chúng ta thường tin rằng mỗi sự kiện vật lý đều có nguyên nhân của nó và mỗi nguyên nhân sẽ có tác động nhất định của nó. Người Ấn độ mở rộng khái niệm về nguyên nhân vũ trụ này bao trùm cả đời sống tâm linh và tinh thần của một người… Điều kiện hiện tại của đời sống nội tâm của mỗi cá nhân – một người hạnh phúc tới mức nào, bối rối hay thanh thản ra sao, có thể nhìn nhận rộng tới đâu – chính là kết quả của những gì mà người đó mong muốn và thu nhận trong quá khứ; tương tự, những suy nghĩ và những quyết định trong hiện tại của một người xác định trạng thái trong tương lai của người đó. Mỗi hành động trực tiếp của anh ta trong thế giới này có những tác động tương đương và ngược lại chính anh ta. Mỗi suy nghĩ và hành động mang đến một dấu ấn vô hình vào việc định hình nên số phận của mỗi người.

“Ý tưởng về Karma và vũ trụ luân lý toàn diện mà nó ngụ ý… buộc những người Hindu hiểu được định luật này phải hoàn tất trách nhiệm cá nhân… Đa số mọi người không sẵn lòng thừa nhận điều này. Như những nhà tâm lý học đã nói, con người thích diễn giải – xác định căn nguyên của những khó khăn đến từ bên ngoài… Điều này, như những người Hindu thường nói, đơn giản là sự chưa trưởng thành.”

– Trích từ cuốn Các tôn giáo của Con người – Giáo sư Huston-Smith

*Jiva (theo tiếng Phạn) là một từ với nghĩa căn bản là một thực thể sống, ngoài bất kỳ thuộc tính hoặc phẩm chất nào mà những thực thể sống có thể có hoặc sở hữu. Do đó, nó “hoàn toàn tương đồng với thuật ngữ Monad/Chân thần của thông thiên học. Vì vậy, theo một ý nghĩa nào đó, Jiva cũng có thể được sử dụng với nghĩa là một nguyên tử sự sống, với điều kiện là đặt trọng tâm vào từ sự sống/life, hay đúng hơn là Thực thể sống chứ không phải là một “nguyên tử của sự sống”, mà là một thực thể về cơ bản là cá thể sống thuần khiết. Monad trong bản chất Tinh thần thiêng liêng, và nguyên tử sự sống trong thực thể sự sống-cảm dục-vật lý – đó là một Jiva; và giữa hai thái cực này là rất nhiều cõi hoặc vỏ bọc trong đó tâm thức biệt lập ngã hóa tồn tại. – Theo Từ điển huyền môn, trang 73, tác giả: G.de Purucker.

Karma và tái sinh giải thích tại sao có một số người sống sót sau chiến tranh trong khi những người khác, có vẻ là “những người tốt hơn” lại chết… Tại sao một đứa trẻ phải rời xa chúng ta trong cái chết đau đớn cực độ trong khi những bé khác thì sống trong hạnh phúc cho tới khi về già.

Tác động của karma được minh chứng khá rõ ràng khi chúng ta coi sự sống như sóng hình sin, một sự dao động giữa tinh thần tích cực và vật chất tiêu cực, với tâm thức được hình thành theo dạng sóng. Con người đang trên một hành trình đưa ta ra khỏi cõi thiên đường của tinh thần xuống dần qua các cõi để đến với thể vật chất. Đời sống trong cơ thể vật lý được biểu hiện bởi những lực đẩy thấp nhất của sóng sự sống trong những điều kiện vật chất.

Chúng ta hiểu rằng karma sẽ dần biểu lộ. Trong cú chao lớn của con lắc karma, tác động sẽ đi sau nguyên nhân. Con lắc quay trở lại điểm cân bằng của nó và tiếp tục đi vào chu kỳ tác động tiếp theo.

Con người mang theo mình rất nhiều karma. Những trường hợp karma rất nặng nề và thiên về vật chất, nó có thể biểu lộ ra như dễ bị tai nạn. Một số người dường như bị gặp hết tai nạn này sang tai nạn khác, hoặc sống trong thời bạo lực không hồi kết, mà nguyên nhân hầu như không thể nào lý giải nổi. Chúng ta có thể hiểu được tình trạng này rõ hơn khi chúng ta tính đến nghiệp quả.

Trong một biểu đồ chiêm tinh học nơi Hỏa tinh xung đột hoặc đồng vị với Thiên Vương tinh, những karma dữ dội như vậy được chỉ ra. Hỏa tinh cũng chỉ karma có nguyên nhân tương đối gần hiện tại, trong khi Thổ tinh cho thấy karma bắt nguồn từ những nguyên nhân từ nhiều kiếp trước.

Hàng năm, có một chàng trai từ Michigan, Mỹ, đến trường Cao Đẳng Claregate của tôi ở Anh. John là một người trong cặp song sinh, một hình ảnh đúc khuôn của anh trai mình. Hai cậu bé đã từng tham dự các bài giảng của tôi ở Detroit và đã nhận thức được chủ đề trong cuốn sách này. Vào năm16 tuổi, khi hai chàng trai đi săn trong những cánh rừng của bang Idiana, khẩu súng trong tay anh trai John bị cướp cò. Viên đạn găm thẳng vào lưng John và đến giờ cậu vẫn mang trên mình một lỗ thủng lớn nơi viên đạn đi qua, và cậu gần như bị tàn tật cả đời. Cậu phải di chuyển nhờ một chiếc xe lăn, và hầu hết các bác sĩ đều tin rằng cậu sẽ không bao giờ có thể đi lại được. Hoàn cảnh tội nghiệp của John càng trở nên tồi tệ hơn với cậu mỗi khi nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của mình, người anh em song sinh, ở trước mặt mình, nhắc nhở John về việc lẽ ra mình có thể sẽ ra sao, nhưng vì tai nạn đáng tiếc, điều đó vĩnh viễn không đến với cậu.

Sự kiện thảm khốc này có thể làm ngã gục ngay cả những chàng trai cứng rắn hơn John, nhưng cậu đã thích nghi được với hoàn cảnh. Cậu đến trường cao đẳng hàng năm để nhắc nhở chính mình và để nhớ về những nguyên nhân của karma đã gây ra tình cảnh hiện tại của mình. Giờ đây, John hiểu rằng linh hồn chọn lựa một kiếp sống cụ thể và hầu hết những hoàn cảnh của kiếp sống đó. Trong nhiều kiếp sống trước đây, cậu đã tảng lờ thế giới chủ thể và dồn hết sự chú ý của mình vào thế giới khách quan.

Theo một lối rất kỳ lạ và có vẻ tàn khốc, cậu bắt buộc phải hướng sự chú ý của mình vào bên trong, do đó nó cho phép cái Thượng Ngã nhẹ nhàng thu hút sự chú ý và dẫn dắt cậu, cuối cùng trong kiếp sống này, sự chữa lành tinh thần đến từ sự hiểu biết về mục đích của linh hồn. Cách duy nhất John có thể tồn tại là thông qua “ngách nhỏ của tinh thần” và kiếp sống này đã cho cậu những cơ hội để phát triển quyền năng của tinh thần khi phải đối mặt với sự đau khổ lớn lao.

Trường hợp cụ thể này làm nổi bật những điều tốt đẹp có thể xảy ra từ bất hạnh và thảm kịch. Anh trai của John gần đây đã tốt nghiệp trở thành một bác sĩ y khoa và vì vậy đang trong tiến trình trả dần Karma của chính mình bằng cách phụng sự nhân loại theo một cách thích hợp nhất. Anh đang đền bù cho hành động của mình ở trong kiếp sống này mà không mang phải trả vào những kiếp sống sau này của mình khi anh có thể chịu nhận hậu quả mà không nhận thức được nguồn gốc karma của mình. Còn John sống trong một ngôi nhà di động của riêng mình và giờ đây là một giáo viên thực nghiệm giỏi giang.

Karma giống như một canh bạc. Người chơi được karma (người chia bài) trao cho quân bài, nhưng anh ta được phép lấy lượt chơi nếu anh ta mong muốn. Và trên tất cả, Con người được tự ý chọn lựa cách chơi của mình. Liệu rằng anh ta có thể vượt được qua thử thách?

Trong khi những tai nạn và biến cố là một đặc điểm đặc trưng của cả người văn minh và tiền văn minh, karma không phải luôn được diễn ra với những biểu lộ rõ như vậy. Nhìn chung, karma xấu sẽ phải hiển lộ thông qua bệnh tật. Các yếu tố karma cuối cùng sẽ luôn với tới thể dĩ thái (từ cấp độ thể cảm dục hoặc thể trí) và gây ra hiệu ứng về sức khỏe. Đôi khi karma có biểu hiện di truyền thông qua một thể chất yếu ớt hoặc một khiếm khuyết trong hệ thống miễn dịch khiến cơ thể không có khả năng chống chọi với những căn bệnh nhất định. Và điều này có thể diễn ra ở mức độ tập thể. Ví dụ: Những người Zulu ở châu Phi với căn bệnh lao, những người dân ở Nam Hải với bệnh sởi. Trong Trị liệu huyền môn, các bệnh như vậy được mô tả dưới cái tên sự rối loạn về nghiệp quả, với rất nhiều loại bệnh.

Sự rối loạn về Nghiệp quả

Bệnh phong/hủi

Abert Schweitzer đã coi giáo lý về tái sinh là đúng đắn. Ông là một nghệ sĩ dương cầm lỗi lạc, một bác sĩ tài ba, được rất nhiều người có tầm ảnh hưởng ở Châu Âu chào đón, sau một số cuộc kiếm tìm linh hồn, ông đã quyết định đi tới Belgian Congo cũ và làm việc với những người dân thuộc địa bị bệnh phong ở đó. Ông là một người cơ đốc giáo nhiệt thành do vậy chỉ tin vào kiếp sống duy nhất trên Trái đất này. Nhưng ông đã bị thất kinh bởi những gì mà ông được chứng kiến ở mảnh đất thuộc địa trung Phi này.

Những bệnh nhân phong thường bị biến dạng và méo mó ngoài sức tưởng tượng. Ông đã coi họ như những con chó khốn cùng của nhân loại, chen lấn một cách lố bịch trong bụi và bẩn. Rất kinh hoàng, ông đã suy nghĩ về một lời giải thích thiêng liêng cho những sự bất công như vậy. Thượng đế có nghĩa là công bằng và từ bi, nhưng điều đó không tồn tại ở đây. Vì vậy, điều ông chứng kiến dẫn ông đến gần với niềm tin rằng sự tái sinh là nguyên lý duy nhất có thể giải thích bằng cách nào mà những bệnh nhân kém may mắn của ông có thể được bù đắp cho những đau khổ mà họ phải gánh chịu trên đời. Họ sẽ trở lại một lần nữa trong một lần tái sinh khác, rất nhiều lần và nhiều cơ hội để chia sẻ những trái ngọt của Trái đất như tất cả mọi người.

Một phần karma của bệnh phong, theo chiêm tinh học, có liên quan đến nhà số mười hai và nhà số một trong lá số chiêm tinh. Cung Song Ngư là chủ tinh của nhà mười hai và rất mang tính Thiên chúa. Bệnh phong là một căn bệnh trong Kinh Cựu Ước. Nó có nguyên nhân từ những hành động lừa dối kín đáo và những thù hận ẩn dấu của những hoạt động bí mật. Trong kiếp sống này họ cố gắng giấu kín mình như trước nhưng vì những lý do rất khác. Bây giờ họ xuất hiện trong một bộ dạng kinh khủng như vậy, và những người nhìn thấy họ thường quay đi trong sự ghê tởm còn những bệnh nhân phong thường buộc phải lẩn tránh.

Hội chứng Down

Hội chứng Down là một trong nhiều chứng bệnh được gọi là rối loạn nghiệp quả bởi vì nó là bệnh mà cả đứa trẻ bị Down và cha mẹ của chúng đều đang cùng trang trải những yếu tố karma theo một cách đặc biệt. Karma của hội chứng Down là kết quả của rất nhiều kiếp sống mà trong đó thể trí đã hoạt động quá mức. Điều đó, trên thực tế đã khiến thể trí suy nhược thường xuyên, và nó cần được nghỉ ngơi mặc dù thể xác và thể tình cảm vẫn hoạt động song hành.

Trong hoàn cảnh như vậy, linh hồn lựa chọn nhập thế vào một đứa trẻ mắc hội chứng Down để biểu lộ. Bằng cách này, một kiếp sống được trải qua—hoặc có thể kéo dài trong một vài kiếp—trong đó bản chất thể xác và thể tình cảm được kích hoạt nhiều hơn hoặc ít hơn bình thường qua mỗi lần tái sinh, nhưng thể trí đã được nghỉ ngơi. Đó là thời gian để được phục hồi. Nó giống như thể trí được an dưỡng hay đắp thuốc điều trị và được nghỉ ngơi, trước khi sẵn sàng cho những kiếp sống mới ở phía trước.

Karma của những người cha, người mẹ của đứa trẻ mắc hội chứng Down cũng cần phải xem xét tới. Nó thường mang tính công bằng. Nó có liên quan đến các cung của tình yêu thương và sự hiến dâng. Trong những kiếp sống trước họ đã thờ ơ trong việc dạy dỗ và nuôi dưỡng những đứa con của mình, những đứa trẻ có một cơ thể hoàn hảo. Giờ đây, họ đã bị rơi vào một hoàn cảnh mà họ phải dành sự tận tâm cho một đứa trẻ bị khiếm khuyết, và sự tận tâm của họ được thể hiện bằng khả năng giữ vững lòng từ bi với người con bất chấp những tình huống éo le như lòng trắc ẩn của xã hội đối với tình cảnh của họ.

Bệnh viêm thấp khớp

Đó là karma, tuy nhiên, nó còn bao hàm nhiều hơn là một cá nhân. Đôi khi nó bao trùm cả một giống dân phụ. Người ta bắt đầu nghi ngờ rằng liệu căn bệnh Thấp khớp rất phổ biến ở Anh Quốc, có liên quan ít nhiều gì đến karma của chính quốc gia đó hay không.

Viêm thấp khớp là một tình trạng bị viêm trong đó cơ thể bị xâm nhiễm bởi một loại vi sinh vẫn chưa được phân lập và định danh. Sự xâm nhiễm tiếp theo được tìm thấy ở cơ thể đã có sự nhạy cảm với các vi sinh đầu tiên. Cơ thể phản ứng với những kích thích với tình trạng các khớp đau đớn và cực kỳ khó khăn trong cử động (arthrosis). Tình trạng tồi tệ nhất của căn bệnh sẽ trói buộc người bệnh trong một bộ xương cứng ngắc gần như bê tông.

Năm 1973, tác phẩm đầu tiên của tác giả về trị liệu huyền môn (Esoteric Healing Vol.1) được xuất bản với nhận định rằng chủng sinh vật liên quan đến bệnh viêm thấp khớp là một loại virus và nó tồn tại trong phân và nước bọt của loài chó. Chó làm ô nhiễm các công viên, những con đường mòn và lối đi bộ, và những người sử dụng không gian này rất có thể bị nhiễm bệnh.

Những người dễ mắc bệnh nhất thường là người gần gũi với thiên nhiên, đặc biệt là thông qua việc làm vườn và dắt chó đi dạo. Họ bị vết xước trên bàn tay hay bàn chân, qua đó virus xâm nhiễm vào cơ thể. Những người dễ bị tổn thương nhất là người có một khu vườn và một con chó, sử dụng nhà vệ sinh để rửa tay và, đa số các trường hợp, khăn lau được dùng để lau đi lau lại nhiều lần, do đó Virus đã dính trên khăn và xâm nhiễm theo vết đứt.

Tuy nhiên, mãi cho đến năm 1980, các bác sĩ Anh Quốc mới ủng hộ cho ý tưởng về một loại virus gây bệnh, mặc dù họ vẫn chưa nhận dạng được nó. Họ có thể tìm thấy một đầu mối quan trọng, nếu không có trong nghiên cứu của tôi, trong thực tế số lượng chó của Anh Quốc trên quy mô dân số là cao nhất trên Thế Giới.

Vậy thì karma của căn bệnh này là gì? Không phải tất cả mọi người bị virus xâm nhiễm đều mắc bệnh. Chỉ một ít trong số đó. Chúng ta phải tìm kiếm từ trong những kiếp sống trước đó để có câu trả lời. Trong rất nhiều kiếp sống, linh hồn đã không thể mở rộng tâm thức thông qua những phương tiện của nó, vì quan điểm bị bó hẹp cứng nhắc ở cấp độ thể trí và thể cảm dục, thái độ của cảm xúc và trí tuệ đã bị kết tinh. Bản ngã cố chấp phi xúc cảm trong tranh luận hoặc đề xuất. Hết kiếp sống này đến kiếp sống khác, “sự kiên cố hóa” này của thể trí và thể cảm dục cứ tiếp tục gia tăng. Linh hồn đã không thể—thực sự là không thể—mở rộng và phát triển hơn được nữa hướng về chân lý, vẻ đẹp và sự tốt lành hơn chính vì rào cản này.

Do đó, trong sự tuyệt vọng, linh hồn lựa chọn một kiếp sống hoặc thậm chí một loạt các kiếp sống mà cơ thể vật lý mẫn cảm với bệnh viêm khớp. Trú ngụ trong một cơ thể bị viêm khớp, hầu như là bất động, quá trình đông cứng hóa hầu như hoàn toàn, những bệnh nhân bị cứng nhắc trong suy nghĩ, trong cảm xúc và giờ đây thậm chí trong cả thể xác vật lý của họ. Điều này cuối cùng, có thể là sau một vài kiếp sống, tạo nên một sự khủng hoảng trong đó có một sự thôi thúc trong tuyệt vọng để thoát bỏ sự bó buộc như vậy, không chỉ ở mức độ vật lý, mà còn ở cả cấp độ cảm xúc và tinh thần.

Bằng cách này, linh hồn đã được giải phóng mãi mãi khỏi một rào cản lớn lao đã ngăn cản sự mở rộng tâm thức của nó. Ngay cả khi ở trong kiếp sống đau thương đó nếu việc chữa trị không đạt được, linh hồn cũng hạnh phúc khi rời bỏ thể xác vật lý đó. Cái giá phải trả thật xứng đáng. Bệnh viêm khớp sẽ không bao giờ đóng vai trò ức chế trong sự phát triển của linh hồn một lần nào nữa. Đây là cách mà karma bệnh tật làm việc. Cuối cùng, họ đã được thanh tẩy. Bệnh tật là một quá trình thanh lọc mà tôi mô tả rất chi tiết trong cuốn sách Trị liệu huyền môn, tập 1 (Esoteric healing Vol.1)

Hy vọng đưa ra ở đây là, mặc dù thể xác vật lý có thể không được chữa lành trong kiếp sống này, nhà trị liệu có thể bắt đầu ngay lập tức tác động và làm thuyên giảm mức độ cứng nhắc trong quan điểm của bệnh nhân, ở cả tâm trí và cảm xúc, với nhận thức đầy đủ rằng kết quả tốt đẹp sẽ đến, nếu không ngay sau khi điều trị, thì sẽ trong những kiếp sống trong tương lai.

Thật dễ dàng để nhận thấy rằng một kiếp sống sẽ không đủ để cho linh hồn đạt đến những mục tiêu của nó. Arthur Shepherd, một giám mục của nhà thờ Worcester đã nói rằng “Sự bất cập rõ ràng của một kiếp sống duy nhất trên Trái đất… đưa ra hi vọng hiểu biết mới trong việc hiện thực hóa quá trình tái sinh”. Thật đáng tiếc là nhà thờ Ki tô giáo đã không chú ý đến những lời nhận xét thông thái như vậy của Arthur Shepherd và Rev.Leslie Weatherhead, những người con của giáo hội, đều là những người theo Thuyết tái sinh.

 

Karma cho Bài học Buông xả

Karma có thể vận hành theo những phương cách kỳ lạ nhất. Theo những cách lạ kỳ, tàn nhẫn hay là với phước lành, cuối cùng karma là sự tưởng thưởng, vì hướng tới sự hoàn hảo là mục đích cuối cùng của nhân loại, bất kể cần tới bao nhiêu kiếp sống.

Việc chủ tâm can thiệp vào sự phát triển tinh thần của chính mình là một nhiệm vụ rất khó khăn. Cuộc đấu tranh hướng tới sự hoàn thiện chỉ dành cho những con người quả cảm. Nó thách thức hầu hết những phẩm tính tạo nên các khí cụ, ví dụ như, một người leo núi với lòng can đảm, sự kiên trì và tính tự kỷ luật. Những đức tính này cũng tương tự ở những người chí nguyện cần phải có khi tiến bước trên con đường Đạo, vốn sẽ đưa anh ta băng qua những vùng núi non, cũng giống như việc trình diện trước cửa điểm đạo. Cuộc đấu tranh cho sự hoàn hảo làm hiển lộ nhiều điều không hoàn hảo (karma). Nó làm cho mọi thứ đều gia tăng, những điều xấu xa, thấp hèn hay đau yếu sẽ nổi lên, ở đó chúng có thể được giải quyết một cách dễ dàng hơn, vì vậy những hoạt động này như một “giá trị tinh thần”.

Tương tự như vậy, trong lĩnh vực trị liệu huyền môn, có những căn bệnh và những điều kiện có nguồn gốc karma như bệnh viêm khớp dạng thấp và chứng nghiện rượu, những karma khó khăn của bệnh nhân phải được triệt tiêu, thông thường là thông qua đau khổ, trước khi những tác động của người chữa lành phát huy hiệu quả và sự chữa trị có kết quả. Hạnh phúc sẽ đến trong sự trỗi dậy của khổ đau và karma nặng nề được giải quyết một cách êm đẹp thông qua sự thực hành hạnh bất hại của những bệnh nhân từ trong tư tưởng, lời nói và hành động.

Trong một tour thuyết giảng trên Thế giới gần đây, tôi đã gặp lại những người bạn cũ. Trong số đó có một người bạn từ hồi Thế chiến thứ II. Anh cùng trung đoàn xe tăng với tôi trong những ngày tuyệt vọng khi lực lượng của chúng tôi có những bước tiến dữ dội tiến về phía bắc, sau khi quân đồng minh đã chiếm được Rome. Quân Đức đã trở lại phục kích và vô hiệu hóa khoảng tám mươi xe tăng của chúng tôi. Bạn tôi, một lính xung phong mới toe, vừa mười tám tuổi, vẫn sống sót dù 4 lần liên tiếp, chiếc xe tăng chở anh bị phá hủy tan tành.

Vỏ xe tăng bị xuyên thủng, những mảnh bom mìn và mảnh vỡ xe xuyên vào khoang lái gây ra sự tàn phá khủng khiếp. Vậy mà cậu bạn của tôi đã sống sót mà gần như không bị tổn thương gì sau bốn lần như vậy, mặc dù những đồng đội khác đều tử trận hoặc bị tàn phế. Với một tai bị ù do tác động của bom, anh được ưu ái đưa về trại nghỉ dưỡng nơi chúng tôi đã gặp nhau. Sau chiến tranh, anh chơi một môn thể thao mạo hiểm (thể thao đồng đội) và đã sống sót dù bị nhiều chấn thương sụn ở cả hai bên gối. Kết quả duy nhất là giờ đây, khi đã cao tuổi, anh phải chống gậy mỗi khi đi lại. Phần lớn mọi người ở thế hệ của anh trong gia đình đều đã qua đời.

Sự sống sót trong một môi trường nơi phải gọi với một từ là “đầy bão tố” có ý nghĩa về mặt karma, đặc biệt là khi giữa các nhóm hoặc các đội. Bạn có thể là một người tham gia những sự kiện bạo lực khủng khiếp như thế nhưng bạn vẫn sống sót, và những hoàn cảnh khác tương tự như vậy có thể diễn ra với bạn như sự làm thuyên giảm karma. Karma của Rose Kenedy trong một gia đình đầy bi kịch và đau buồn là một ví dụ đáng chú ý khác về việc thực hành hạnh buông xả mặc dù có những sự kiện hết sức đau thương xung quanh bà.

Như Kinh thánh đã kể về một người tên Job, vô cùng nổi bật vì sự kiên nhẫn của ông khi ở trong nghịch cảnh. Người ta đã nói, ông đã sống sót sau những thử thách của đời mình trong suốt 140 năm! Sự buông xả mà luật karma tìm kiếmcó thể thực hiện chỉ trong một kiếp sống, nhưng điều này thực sự hiếm thấy. Thông thường bài học về sự buông xả phải trải dài trong nhiều kiếp sống hơn. Hãy giữ sự an tĩnh (buông xả) trong khi vẫn duy trì phẩm hạnh khi đối mặt với nghịch cảnh được đánh giá rất cao bởi Thượng Ngã.

Đức tính này là một trong những giá trị tinh thần căn bản cần được xây dựng trong một thân xác mới trong quá trình hình thành Khoa học Tâm thần tổng hợp*. Nó cấu thành nên những thứ căn bản của tính tự kỷ luật được duy trì bới những con người mang những căn bệnh nặng nề, phải trải qua những nỗi đau cả thể xác và tinh thần. Tất cả chúng ta đều đã học hoặc sẽ phải học, nghệ thuật của sự chết với những phẩm giá như nhà hiền triết Socrates đã thể hiện trong khoảnh khắc ông uống cây độc cần (lời người dịch: họ cây hoa tán – nhiều cây rất độc – Socrates đã bị chết khi uống cây này) sau khi thuyết giảng cho những học trò xung quanh ông.

*Khoa học Tâm thần tổng hợp (Psychosynthesis) – phân tách phàm ngã tĩnh tại với việc loại bỏ những phẩm cách xấu nhất của nó và kết hợp những phẩm chất mới trong việc ráp nối phàm ngã quanh một điểm cao hơn của tâm thức. Tiến sĩ Roberto Assagioli, người sáng lập ra khoa học Tâm thần tổng hợp và là người tiên phong trong lĩnh vực Tâm lý học siêu việt, đã viết hai tác phẩm quan trọng về chủ đề này, Khoa học tâm thần tổng hợpHành động của ý chí. Tác giả đã lựa chọn để nghiên cứu lĩnh vực này trong khoảng thời gian khi ông học tập tại trường y.

Việc gây hại đối với bất kỳ sinh vật sống nào cũng tạo ra ác nghiệp. Tất nhiên, đối lập với nó là việc thực hành hạnh vô hại, một điều không phải lúc nào cũng dễ thực hiện. Bạn có thể dọn sạch ốc sên trong vườn mình, rồi để người khác vứt chúng đi thay vì tự làm! Tất nhiên bạn có thể ném chúng qua hàng rào sang khu vườn nhà hàng xóm nhưng hậu quả của hành động đó có thể kéo dài cả quãng đời còn lại của bạn và dẫn đến một nghiệp chướng tinh tế và kỳ quái như trong những phim hoạt hình hay truyện tranh hay có. Bạn có thể xây dựng một “khu nhà ốc sên” cho những con bị tống khỏi vườn nhà mình, nhưng liệu bạn có làm như vậy cho tất cả các con bọ và rệp trong vườn hay không?

Một truyền thuyết Hindu có kể về một lối thoát như sau:

“Có một chú rắn hổ mang chúa hung dữ thường tấn công những người chăn bò trong làng, ngăn họ chăn thả bò trên cánh đồng cỏ tốt tươi. Chú hổ mang đó đã được một sadhu (thánh nhân) thuyết phục và nó thề không làm thêm điều gì bạo lực, thậm chí nó thực hành thiền định hàng ngày, hướng tới Thượng Đế. Vài tháng sau, khi vị sadhu quay lại cánh đồng cỏ, ông phát hiện ra con rắn trong một bộ dạng thê thảm. Bối rối và đau khổ, con rắn giải thích rằng khi nó cố gắng làm bạn với những người chăn bò, và khi họ phát hiện ra giờ đây con rắn hoàn toàn vô hại, họ đã tấn công nó bằng gậy gộc, sỏi đá và rồi bỏ mặc nó đến chết. “Ngài tôn kính” con rắn kia năn nỉ “Xin hãy nói cho con biết là con đã sai ở chỗ nào?”

“Anh bạn tội nghiệp của ta ơi!”, vị sadhu thương hại kêu lên. “Ta đã nói là ngươi không được cắn người – chứ không phải ngăn cấm ngươi la lớn khi cần!”

Nhà thông thiên học có khả năng thấu thị, C.W.Leadbeater, khi tới Ấn Độ bị những con ruồi gây phiền nhiễu đã đánh lũ ruồi không trật phát nào. Một tân sinh viên đã phẫn nộ với hành động gây tổn hại này của ông. Leadbeater đã trả lời rằng, vì loài ruồi là một linh hồn khóm và do vậy, khi ông giết chết một con thì sẽ có một con khác sau đó được sinh ra và như vậy hành động của ông là một karma trung tính.

Một ngọn gió yếu không mang lại mát mẻ cho ai và điều này thực sự đúng với karma. Có những điều đôi khi xuất hiện như một khó khăn không mong muốn hay một sự khổ đau, có thể lại là một bài học tốt, hay mang lại lợi ích cho chính nó. Trong tất cả các trường hợp như vậy, sự buông xả là hành động khôn ngoan nhất. Nỗi ám ảnh cao quý là với con đường Trung Đạo: không bao giờ phản ứng thái quá, chấp nhận tình yêu hoặc sự thù ghét với tinh thần hài hước, chấp nhận vận may hay vận rủi mà không hề thiên lệch.

Để dễ dàng minh hoạ cho cái gì là tốt và xấu, vận may hay không may có thể hoán đổi như thế nào, Lão Tử [2]đã đưa ra một câu chuyện ngụ ngôn thú vị về một ông lão nghèo khổ sống cùng với con trai ở một pháo đài đổ nát trên đỉnh một ngọn đồi. Ông lão có một con ngựa, một ngày nọ con ngựa bị lạc mất, những người hàng xóm đã đến để chia buồn với ông (Chính là chuyện Tái ông thất mã mà người Việt Nam đều đã nghe kể – lời người dịch):

“Điều gì khiến mọi người cho rằng đó là một điều không may?” ông lão hỏi mấy người hàng xóm. Quả thực sau ít ngày con ngựa trở về và còn kéo theo mấy con ngựa hoang. Khi biết tin, những người hàng xóm lại đến chúc mừng ông đã may mắn. “ Điều gì khiến mọi người nghĩ rằng đó là một điều may?” ông lão lại hỏi. Một thời gian sau, câu con trai của ông đã cưỡi một trong số những con ngựa mới có và cậu bị ngã ngựa gãy chân. Những người hàng xóm lại tập trung ở nhà ông và tỏ vẻ cảm thông và một lần nữa ông lão lại hỏi làm sao biết rằng đây là một điều rủi. Quả nhiên vài năm sau, khi chiến tranh nổ ra, do người con trai ông bị què nên anh ta được miễn quân dịch.

Quá nhiều năng lượng có thể bị lãng phí trong những phản ứng mang tính cảm xúc với những sự kiện đơn giản trong cuộc sống. Con đường huyền môn là con đường bảo toàn năng lượng cho những vấn đề quan trọng hơn để tiến bước trên đường đạo và thực thi mục đích của Linh Hồn. Trong quá trình học tập về buông xả khỏi những tác động của Karma, sẽ luôn luôn lợi lạc khi ghi nhớ những điểm sau:

  • Bạn đang thực hành với một “Thiện Định” (mọi thứ đều được đền bù)
  • Karma chính là sự thi hành của Ý chí thiêng liêng.
  • Theo sau Karma, bạn đi theo con đường tiến hoá tinh thần
  • Hệ quả kéo theo của karma là sự bình an nội tâm và niềm vui bất tận.
  • Karma mang lại “niềm vui là sự minh triết và thời gian (đối với bạn) là một khúc ca bất tận”

*W B Yeast, trích trong Vùng đất của Những Trái tim Khát vọng

Nhiều kiếp sống trên Trái Đất dạy cho chúng ta về sự điên rồ khi gắn bản thân mình với những thứ thoáng qua, những thứ cần phải được bỏ sang một bên—những nơi chốn, những con người và những thói quen. Một nhà hiền triết cổ đại đã bình luận về vấn đề này, tưởng như đùa mà rất thật:

Ai thấy mình như bị đâm thủng

Hẳn đã từng là một quả bóng bay,

Ai cảm thấy không được vũ trang

Hẳn trên tay đã từng bồng súng,

Ai cảm thấy như bị coi thường

Hẳn đã mang trong mình quá nhiều tự phụ,

Ai cảm thấy luôn luôn khốn khó

Hẳn đã hưởng vô số đặc quyền.

Một câu hỏi hóc búa về karma: Vào những ngày xa xưa ở đất nước Ai Cập, có bằng chứng cho thấy rằng một người mẹ đã chọc thủng một con mắt của con trai mình để tránh cho con trai bị bắt lính. Điều gì dành cho bà mẹ này, karma tốt hay xấu?

Một lời dẫn giải dễ thương được mang vào trong Tình Thi của Hoa Sen trắng (The Idyll Of The White Lotus):

Ngài nói: “Hỡi người anh em, hãy nghe tôi nói. Có ba chân lý tuyệt đối và không thể bị mất đi, nhưng là những điều luôn trong im lặng vì thiếu lời lẽ diễn tả hết được.

“Linh hồn con người là bất tử, và tương lai của nó là tương lai của thứ có sự tăng trưởng và vinh quang không giới hạn”

“Nguyên lý ban phát sự sống ngụ trong ta và ở ngoài chúng ta, bất diệt và vĩnh viễn tốt lành. Nó không thể nghe, ngửi hoặc nhìn thấy được, nhưng được cảm nhận bởi người khát khao cảm nhận về nó”

“Mỗi người là một nhà lập pháp thực sự cho chính mình, người tạo ra vinh quang hay những điều u ám cho bản thân, người quyết định cuộc sống của chính mình, phần thưởng cho mình, sự trừng phạt chính mình”.

Những chân lý này, cũng tuyệt vời như chính cuộc sống, cũng đơn giản như tâm trí giản đơn nhất của con người. Hãy thỏa mãn cơn đói khát bằng những chân lý này”

508.jpg

CHƯƠNG 9

SỰ BẤT TỬ LÀ GÌ

Cuối cùng, sự tái sinh và karma tổng hợp lại một điều: SỰ BẤT TỬ. Một số người hi vọng được bất tử và thậm chí tin rằng điều này có thể đạt được thông qua các hành động của họ và, thường thấy là qua các việc thực hành các tập tục tôn giáo huyền bí, dẫn dắt bởi những sự thay đổi trong hành vi và ý định.

Một số người lại sợ bất tử vì điều này cũng sẽ đồng nghĩa với việc họ sẽ có nhiều vô tận số lần chết và do đó họ sẽ phải chịu vô tận những nỗi đau và sự chịu đựng. Hoặc họ có thể sợ hãi sự trừng phạt đâu đó trong thời gian và không gian của sự bất tử do các hành động, niềm tin và lời nói không tốt của họ trong các kiếp sống gây ra trước đó.

Một số thì chế giễu điều này và nhóm này bao gồm cả những nhà khoa học vĩ đại nhất, những nhà nghiên cứu, những người theo chủ nghĩa vật chất, những người mà chỉ cảm thấy an toàn khi trí tuệ của họ có thể diễn giải được những điều mà họ đang xem xét. Trong nhóm này cần lưu ý là có rất nhiều các triết gia và chủ yếu là các nhà tâm lý học; có một số ngoại lệ như Maslow, Frankl và Assagioli.

Nhưng dù có là ai đi chăng nữa, tất cả mọi người sớm hay muộn cũng sẽ xem xét viễn cảnh về sự bất tử. Bạn chỉ cần có mặt với những người lính trong giai đoạn trước bất kỳ một chiến dịch quân sự có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nào, dù đó là một trận chiến quyết liệt hay cuộc tuần tra chiến đấu, để quan sát xem thậm chí những người khát máu, nhẫn tâm nhất trở nên bĩnh tĩnh, xem xét nội tâm và im lặng với những điều sắp xảy ra.

Một thứ chắc chắn bày ra trước tất cả nhân loại là những thứ trần tục sẽ đi đến hồi kết. Bao nhiêu người sẽ chuyển đổi sang ý niệm về sự bất tử nếu ‘sự sống sau chết’ trở thành kết quả chứng minh được qua sự khám phá và quan sát, vẫn còn là điều ở mức phỏng đoán. Rất nhiều người sẽ tranh cãi tiếp và chấp nhận sự tồn tại nhưng sẽ hỏi ‘Tồn tại ư? Đúng! Nhưng như là cái gì cơ?’

Câu trả lời rất đơn giản. Chúng ta được cấu thành bởi vật chất và tinh thần, bởi hình tướng và linh hồn, bởi phàm ngã và chân ngã. Yếu tố đầu tiên trong các cấu phần này sẽ bị mất đi (theo những luật đã được xác định tương đối rõ ràng) và yếu tố thứ hai và cái còn lại là và sẽ luôn luôn là bất tử nhưng vẫn trong quá trình tăng trưởng và khai mở.

Kế đó sẽ có những người tin rằng sự bất tử có thể đạt được ở một số cấp độ nào đó thông qua sự sinh sản và tồn tại của một số các gen và nhiễm sắc thể trong giống loài:

‘Dù cho điều này có thể đạt được thông qua sự trường tồn của giống loài, thông qua sự tồn tại trong trí nhớ của nhân loại, thông qua hiểu biết về Thượng Đế, hay thông qua sự bất tử của linh hồn, khát vọng bất tử dường như thể hiện nỗi khiếp sợ của con người về sự biến mất vào cõi hư vô. Tuy vậy, khi đối mặt với cái chết, Socrates đối mặt với những con đường mở ra với thái độ rất bình thản, ông tuyên bố “Hoặc chết là một trạng thái của sự trống không và không còn nhận thức gì, hoặc như người ta nói, có sự thay đổi và di chuyển của linh hồn từ thế giới này sang một thế giới khác. Hoặc là nó giống như một giấc ngủ không mộng mị, không bị quấy rầy hoặc nó sẽ mở ra một thế giới mới mà những người tốt có thể trông chờ với niềm hi vọng.” Cho dù là như thế nào, chúng ta đều có thể vui mừng, ông nói như vậy với những người bạn của mình, nếu chúng ta tin rằng “không có điều ác nào có thể xảy ra với người tốt, trong khi sống cũng như khi chết”

A Syntopicon Quyển I (Britannica), trang794’

John Richardson, tác giả thực sự của các bài Sonnet của Shakespeare đã diễn tả có lẽ là rõ nhất về cảm xúc thường thấy này qua thông điệp của mình:

Hoặc tôi sẽ để tấm bia mộ của bạn thay lời

Hoặc bạn vẫn tồn tại khi thân tôi đã mục

Ở nơi đó ký ức của bạn, cái chết không thể lấy đi

Dù trong tôi từng phần đã bị quên lãng

Ở nơi đó, tên bạn sẽ được ghi trong sự sống bất tử

Dù cho tôi một khi ra đi là đã chết với cả thế gian này

Trái đất này sẽ chẳng giữ lại gì ở tôi ngoài nấm mộ thông thường

Được đặt xuống trong mắt người nhìn thấy

Khoảnh khắc của bạn là câu thơ dịu dàng của tôi

Mà những người không biết sẽ không thể đọc

Và những thanh âm kiến tạo ra cái bạn sẽ là lại bước vào diễn tập

Cho đến khi tất cả nhân loại không còn trên Trái Đất này

Thì bạn sẽ sống mãi, những đức hạnh đó trong cây viết này

Nơi mà hơi thở sống động nhất, dù qua miệng của nhân gian

– Sonet 81

Hoặc là tôi viết bia mộ cho anh

Hoặc là anh sẽ chôn tôi xuống huyệt

Nhưng trong thơ anh không bao giờ chết

Còn tôi hoàn toàn có thể bị quên.

Tên của anh sẽ sống mãi muôn năm

Trong khi đó tôi không còn gì cả

Ngôi mộ của tôi sẽ rất giản dị

Còn mồ anh trước mắt của người trần.

Thơ của tôi sẽ dựng tượng cho anh

Những đôi mắt người đời sau sẽ đọc

Và thế gian lại kể chuyện về anh

Khi mà những người hôm nay đã chết.

Và trong thơ anh sẽ sống muôn đời

Trong hơi thở, trên miệng lưỡi người đời.

Bản dịch của Nguyễn Việt Thắng

Nếu bạn hỏi những người trẻ ngày nay về điều họ mong muốn nhất trong cuộc sống của mình, câu trả lời bất ngờ của đa số là “Hạnh phúc; Tôi chỉ muốn được hạnh phúc’. Bất ngờ, là bởi vì năm mươi năm trước, có lẽ do ảnh hưởng của sự kìm kẹp vì Thế Chiến II, mọi người có những câu trả lời như, ‘Du lịch, Tôi muốn đi du lịch hơn mọi điều gì khác,’ và ‘Tiền, Tôi muốn tiền, có tiền tôi có thể làm được mọi thứ’ hoặc ‘Tôi muốn ổn định bên một người vợ tốt cùng lũ trẻ và muốn được an ổn’. Với giới trẻ hiện đại ngày nay, do không bị kìm giữ bởi các nhu yếu của chiến tranh, khát vọng về hạnh phúc (thể hiện đặc tính của Mộc Tinh, hành tinh cai trị của thời đại Bảo Bình) gợi ra sự chuyển hướng về niềm tin vào sự bất tử.

Câu hỏi về việc liệu con người có bất tử hay không đã được rất nhiều các nhà hiền triết, các triết gia từ thời xa xưa suy ngẫm. Kant, một nhà triết học, khẳng định về sự bất tử trong cuốn Luận về nguyên nhân thực tiễn (Critique of Practical Reason) của ông. Ông nhấn mạnh rằng một cuộc sống đạo đức thật sự phụ thuộc vào sự chấp nhận Thượng Đế, sự tự do của ý chí và sự bất tử. Ông khẳng định sẽ không thể có sự chịu đựng mãi mãi hoặc hạnh phúc thật sự mà không có giả thuyết về sự bất tử.

Aristotle tin tưởng (một cách đúng đắn) rằng sự bất tử, là một thứ gì đó của một quá trình thiêng liêng của riêng nó, chỉ có thể tồn tại được nếu có một cái gì đó thiêng liêng luôn hiện tồn ở trong đó, là một trong những raisons d’etre (nguyên nhân) của những ai đi trên Đường Đạo. Ông nói Nhân loại nên sống một cuộc đời vì lẽ sống thiêng liêng thay vì bất kỳ một cách thức sống nào khác, ông nói ‘chúng ta cố gắng cao nhất làm cho mình trở nên bất tử, và căng mọi tế bào để sống hòa nhịp với điều tốt nhất trong mình’.

Một số người nói, nếu tự do ý chí tạo nên sự bất tử thì phải có một sự lựa chọn hay sự thay thế dường như là một sự khổ đau vĩnh viễn. Một số ít người đã miêu tả một địa ngục vĩnh cửu với sức thuyết phục hoặc một sự thành công lớn, khiến người ta sẽ đặt ra câu hỏi liệu một nơi chốn hay giai đoạn tồn tại vĩnh cửu như thế có thật hay không. Nhân vật Satan của tác giả Milton trong mười ngàn dòng của cuốn Thiên đường đã mất trở thành anh hùng và thống trị địa ngục, nhân vật đã chiếm trọn trái tim của hầu hết các độc giả đau khổ của kiệt tác này.

Các bài thơ cũng có giá trị trong việc truyền bá các khái niệm về thiên đường và địa ngục và các trải nghiệm khác của sự bất tử. George Chapman lần nữa dịch lại các bài thơ của Homer và Lord Alfred Tennyson cũng làm như vậy trong Morte D’Arthur. Sự ám chỉ kinh điển của Tennyson tới Thiên Đường Hi Lạp, nơi của sự bất tử, được dùng để diễn tả việc bước vào sự bất tử của Arthur thông qua vùng đất Avalon:

Nhưng giờ đây trong giây phút chia ly. Tôi sắp đi một con đường xa thẳm

Với những người có thể thấy – nếu thực sự tôi đi-

(Vì sự hoài nghi đang bao phủ trọn tâm trí)

Tới vùng đất địa đàng của Avilion;

Nơi không bão dông, mưa dầm và tuyết

Nơi những cơn gió cũng không thổi mạnh

Vùng đồng cỏ mênh mông, hạnh phúc yên bình bên những vườn cây trái

Những ngôi nhà bên bờ biển mùa hè

Nơi tôi sẽ chữa lành tất cả những khổ đau

Sự chấp nhận một điều hiển nhiên rằng phần lớn của tảng băng trôi không thể nhìn thấy, lớn hơn rất nhiều so với phần nổi trên mặt biển cũng tương tự như sự hiểu biết đến với những người chấp nhận rằng linh hồn của con người là một thứ gì đó to lớn kỳ diệu hơn nhiều theo khía cạnh quy mô và thời gian tồn tại của nó, hơn là “mảnh vụn của sông băng mà chúng ta chỉ nhìn thấy trên mặt biển”.

Việc một linh hồn có thể nhập vào một cơ thể vật lý là cơ sở cho niềm tin vào sự tái sinh. Nó cũng ám chỉ khả năng một số ký ức của các kiếp sống trước được lưu giữ lại trong linh hồn và có thể thâm nhập vào bộ não vật lý của cơ thể tái sinh. Ký ức về các kiếp sống trước ám chỉ mục đích của các kiếp sống này, theo cả phương diện tổng hợp (trong các chu kỳ) và cá nhân. Đây là lý do tại sao các nhà huyền bí học thế kỉ 20 đã dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm mục đích của linh hồn mình.

  1. Nguyên văn trong “Ánh sáng Á Châu”, Đoàn Trung Còn dịch như sau:

    Tôi đòi thân phận héo hon,

    Nhờ công thiện đức, làm con Đế hoàng.

    Đến như vua chúa cao sang,

    Do cơn lầm lỗi, lang thang cõi trần!

  2. Dường như tác giả sai ở thông tin này. Truyện Tái Ông Thất Mã được kể lại trong sách Hoài Nam Tử của Hoài Nam Vương Lưu An, cháu nội Hán Cao Tổ Lưu Bang. Đạo Đức Kinh của Lão Tử có ngắc đến ý niệm hoạ phúc khôn lường trong câu sau: “Họa hề phúc chi sở ỷ. Phúc hề họa chi sở phục”, nghĩa là Họa là nơi phúc nương tựa, phúc là nơi họa ẩn nấp—LK.

Leave Comment