Tái Sinh — Chương 9-12

Lời Giới Thiệu

Đây là ba chương cuối cùng của quyển sách (ngoại trừ phụ lục nói về các kiếp sống của Erato). Khi khép lại quyển sách, những gì đọng lại trong chúng ta có lẽ là lời kết của quyển sách:

“Khi chúng ta hiểu được điều gì đó về luật Karrma…Khi chúng ta cảm nhận được quá trình tái sinh vĩ đại… chúng ta cũng bắt đầu hiểu rõ giá trị của sự bất tử… thì câu chuyện lãng mạn của quá khứ bắt đầu lay động từ sâu thẳm trong chúng ta. Bạn và tôi đã đi săn trong những khu rừng trên trái đất như những người dơ khai dã man… Là những người nông dân, chúng ta đã phải làm việc vất vả trên những cánh đồng… Đã giết hoặc bị giết trong những đội quân của các vị vua đã bị lãng quên từ lâu—các Pharaoh đã biên chúng ta và hàng ngũ của họ… Chúng ta đã chè chén say sưa trong sự đồi bại của các thành phố đầy khoái lạc trong các nền văn minh cổ đại…

Là những thương gia chúng ta đã buôn bán các loại vải dệt trên khung cửi, những thứ đã tan thành khói bụi từ rất lâu trước khi được lịch sử ghi lại… Chúng ta đã cùng nhau thờ phụng Thượng Đế, một Thượng Đế dưới nhiều tên gọi khác nhau, và trong mỗi tôn giáo mà chúng ta đã được sinh ra, dường như đó là tôn giáo duy nhất cho mình… Chúng ta đã cúi đầu trước những hình ảnh đen tối trong những ngôi đền hùng vĩ của Atlantis đã bị nhấn chìm trong đại dương sâu thẳm, một lục địa đã biến mất hơn 10.000 năm trước…

Với trái tim hân hoan, chúng ta đã đặt những đóa hoa dưới chân các vị thần Ai Cập… Chúng ta quỳ gối trong sự tôn kính khi tia Lửa thiêng chiếu xuống bàn thờ thần Zoroastrian của chúng ta… Chúng ta đã cúng dường thần Vishnu trong những ngôi đền được đẽo từ đá cứng ở Ấn Độ… Chúng ta đã mặc áo cà sa màu vàng của Đức Phật và tụng niệm khắc ghi các quy luật của Bát Chánh Đạo… Chúng ta đã có những tràng cười sảng khoái trước các vị thần công bằng trong những đấu trường lớn ở Hy Lạp….

Chúng ta đã cúi đầu trước những sắc lệnh hà khắc của luật pháp La Mã…Cũng có lẽ một số trong chúng ta đã tụ tập quanh Đức Christ khi ngài xuất hiện từ sa mạc để giảng dạy về tình huynh đệ đại đồng trong Nhân loại… hoặc ném đá vào Ngài, gọi Ngài là một kẻ lang thang phạm thượng… Chắc chắn tất cả chúng ta đã từng sống đời sống của một linh mục hay một nữ tu khắc khổ, trong một tu viện của thời Trung Cổ… Thật là một ngôi trường tuyệt vời cho mỗi chúng ta trên hành tinh Trái Đất cổ xưa này.”

Bạn có thể đọc và download toàn bộ quyển sách theo link sau: 

CHƯƠNG 10

MỤC ĐÍCH CỦA LINH HỒN

Rydyard Kipling, nhà thơ người Anh, đã từng viết về những người đã khuất:

Họ sẽ trở lại và trở lại,

Chừng nào Trái Đất đỏ này vẫn quay,

Ngài không bao giờ bỏ phí, dù một chiếc lá hay một nhành cây,

Vậy bạn có nghĩ Ngài sẽ phung phí những Linh hồn?

Và Robert Browning đã nói rằng, chúng ta có “những nhiệm vụ khác nhau trong mỗi kiếp sống khác nhau, theo ý Chúa.” Ý tưởng linh hồn có một nhiệm vụ trên Trái Đất cần hoàn thành trong mỗi kiếp sống được ẩn chứa trong khái niệm của sự Tái sinh. Chúng ta thường được nhắc nhở về ảnh hưởng “phủ bóng” của linh hồn trong những khoảng thời gian gặp phải khó khăn, khủng hoảng, và đôi khi chúng ta buộc phải nhắc lại câu nói đầy thâm nghĩa “Không phải ý con, mà là ý của Ngài sẽ được thực thi, Hỡi Chúa” (Cha của con ở trên Thiên Đường, tức LINH HỒN)

Trong những tình cảnh hết sức nguy hiểm, nhiều người đã khẩn cầu đến Chúa để được sống sót, họ kêu lên, “Hãy cứu vớt con và con sẽ làm tất cả những điều mà Người muốn.” Ngài muốn điều gì, điều gì là thiêng liêng, có thể biểu lộ qua rất nhiều năm, như trong “Những kiếp sống của Erato” sẽ chỉ ra (Phần phụ lục).

Công cuộc tìm kiếm mục đích của linh hồn là một mục tiêu chuyên tâm chính yếu không ngừng nghỉ của những học viên huyền môn. Một khi người chí nguyện đã nắm được điều này, con đường trở nên thật rõ ràng, nhưng nó không hề dễ dàng. Đúng vậy, việc nhận ra sức mạnh và mục đích ẩn tàng của linh hồn để hiển lộ chính nó thông qua những kiếp sống cụ thể có thể xuất hiện thường xuyên trong những sự kiện thường ngày.

Theo khía cạnh này, trường hợp sau đây chỉ ra bằng cách nào mà một tai nạn máy bay đã thay đổi cuộc sống của một huấn luyện viên thể thao và câu chuyện này sẽ gây thích thú cho bạn đọc. Một vị huấn luyện viên bóng đá người Mỹ lên máy bay cùng đội bóng của mình đến một trận đấu bóng. Người phi công trên chuyến bay đã để quên thang bộ gắn chặt vào phần đuôi máy bay, ông cố gắng dừng cất cánh nhưng không thành. Khi phi công cố gắng hạ cánh, bộ phận hạ cánh bên phải vô tình bị phá huỷ. Một nỗ lực hạ cánh nữa được thực hiện, với kết qủa gần như là tuyệt vọng. Cuối cùng, người ta đã quyết định cho chuyến bay tiếp tục bay đến một cánh đồng Không quân chiến lược để hạ cánh xuống đường băng bọt biển—thật may mắn, không hề có thương vong nào trong tai nạn.

“Tai nạn đó đã gây một tác động sâu sắc tới cuộc đời tôi,” vị huấn luyện viên bình luận.” Khi mà bạn phải đối diện với thần chết tới bốn lần chỉ trong một đêm, bạn có xu hướng đánh giá những gì mà bạn ưu tiên, và trong đêm đó tôi đã có một xác tín sâu sắc rằng Chúa đã trao một mục đích rõ ràng cho cuộc sống của tôi—và không chỉ riêng tôi, mà còn cho tất cả mọi người.”

Một dấu hiệu của mục đích mỗi kiếp sống có liên quan đến dấu hiệu hoàng đạo ở điểm mọc tại thời điểm sinh ra. Ví dụ, khi cung mọc nằm ở Bạch Dương, mục đích của linh hồn có thể là một người dẫn dắt tâm linh—để kiếm tìm một nguyên nhân đã mất và chiến đấu cho điều đó. Những người có cung mọc Sư tử nên cố gắng thể hiện tình yêu thương không ích kỉ, hãy là tình yêu thương thuần khiết cùng với lòng vị tha. Phương châm của người đó là, ‘Hãy yêu thương dù bạn ở nơi đâu, dù với bất cứ ai bên bạn và dù cho bạn đang làm gì’.

Nếu cung mọc ở Thiên Bình, thì người đó nên học cách sống không theo quy định của pháp luật mà hãy sống theo quy luật của tinh thần, tức là hãy sống theo những thiên luật vĩnh cửu. Cung mọc tại Bảo Bình lại là một chỉ dấu cho nhu cầu chia sẻ tâm thức và mục đích của một thiên ý cao cả hơn thông qua công cuộc tìm kiếm những người đồng hành trong đoàn người phụng sự Thế gian, và tương tự như vậy với những dấu hiệu khác của cung hoàng đạo. Chính mục đích này là điều đòi hỏi ở những người tiến bước trên đường Đạo—là Thiên ý mà Các vị Chân Sư đã biết và phụng sự.

Đại Khấn Nguyện

Từ nguồn Ánh sáng trong Trí Thượng Đế

Cầu xin Ánh sáng tràn vào Trí Con người

Cầu xin Ánh sáng giáng xuống trần gian

Từ nguồn Tình thương trong Tâm Thượng đế

Cầu xin Tình thương tràn vào Tâm Con người

Cầu xin Đấng Christ trở lại trần gian

Từ Trung tâm biết được Ý chí Thượng đế

Cầu xin Thiên Ý dẫn dắt ý chí nhỏ bé của Con người

Thiên Ý mà các Chân sư đều biết và phụng sự

Từ trung tâm mà chúng ta gọi là Loài người

Câu xin Thiên Cơ, Tình thương và Ánh sáng được thực thi

Và cầu mong Thiên cơ đóng kín cửa vào nẻo ác

Cầu xin Ánh sáng, Tình thương và Quyền năng phục hồi Thiên cơ trên Trần gian

Chúng ta không cần phải nhấn mạnh đến những khủng hoảng, điều nhiều người thường gặp phải khi bước vào tuổi bốn mươi, khi nhìn lại cuộc đời với sự đau buồn và vô định. Có thể phải trải qua vài kiếp sống với trạng thái này trước khi đạt đến giai đoạn người mới bước vào con đường đạo có thể quay lưng lại với sự tự cao tự đại của mình trên sân chơi của chủ nghĩa vật chất và lựa chọn con đường Tự Nhận thức, con đường với phương hướng và mục đích cần thiết để bước tới. Thông qua việc phụng sự nhân loại, sự tái định hướng này thường sẽ đạt nhiều thành tựu dù cho đây là con đường nhiều chông gai hơn.

Chắc chắn rằng phần bất tử trong mỗi chúng ta, phần ngã thức cao hơn của chúng ta tự hoạt động hoặc tận dụng những nỗ lực tổng hòa để đạt đến sự tái định hướng về phía thiêng liêng. Trong số rất nhiều những nỗ lực mà nó sử dụng, có nhũng giấc mơ của người chí nguyện. Những vị huấn sư hay người hướng dẫn có thể nghe thấy những giấc mơ được kể lại và tiến hành kiểm tra bối cảnh của chúng, để gợi lên ít nhất một phần mục đích của linh hồn, sau đó tái định hướng phàm ngã của đối tượng vào những biểu hiện thích hợp hơn thông qua phương pháp “tưởng thưởng trong giấc mơ”. Trong tác phẩm Những đóng góp vào phân tích Tâm lý học, C.G. Jung đã viết:

“Đó là một phát hiện xác tín về những kinh nghiệm khoa học trong đó những giấc mơ, ví dụ, hầu như luôn luôn có một bối cảnh có thể tạo ra một sự điều chỉnh cơ bản cho thái độ hữu thức”.

Việc lưu giữ một cuốn nhật ký tâm linh tái khẳng định những chỉ dẫn này và có thể mở rộng thêm về chúng. Một số mục đích có thể kéo dài trong một vài kiếp sống và những điều được thực hành hoặc được lặp lại trong kiếp sống này sẽ hỗ trợ và tiến gần hơn tới mục đích được rộng mở và mang lại cho nó những phẩm chất hữu ích. Mỗi đệ tử cần phải hoàn thiện phàm ngã, giảm dần những khiếm khuyết của nó và tăng dần những phẩm chất của tinh thần cao cả hơn. Điều này sẽ dẫn đến sự tích hợp của phàm ngã và tâm thức tổng hợp, đó luôn luôn là một phần mục đích của Linh hồn.

Niềm tin vào bất cứ yếu tố nào trong ba yếu tố sau đây đều thúc đẩy sự tích hợp bởi vì chúng củng cố lẫn nhau và mang lại sự phát triển những nguyên mẫu thích hợp cho cuộc chơi. Sự chấp nhận bất cứ yếu tố nào cũng ngụ ý là chấp nhận tất cả:

  1. Sự bất tử của bạn
  2. Sự tái sinh
  3. Karma

Niềm tin vào mỗi hoặc tất cả những điều này sẽ nhanh chóng chuẩn bị cho phàm ngã tiến về phía Chân ngã nội tại.

Sự Lựa chọn Vĩ đại

Trong đa số trường hợp, khi đề cập đến sự bất tử, vấn đề rõ ràng và trung tâm là:

“Con người được lợi lạc gì nếu như họ có được cả thế giới và đánh mất đi linh hồn của chính mình?” Mark 8: 26&36.

Có nên chăng mỗi kiếp sống được tận dụng để đảm bảo rằng linh hồn có tất cả những cơ hội để biểu hiện những mong muốn và nhu cầu của mình, thậm chí phải gánh chịu những nỗi buồn và đau khổ lớn lao đến mức đánh mất cả thế giới, hoặc nên chăng con người nắm bắt những gì mà các giác quan và những ước vọng đòi hỏi và tận dụng cơ hội cho bất tử? Và một trong hai điều này—không phải là một biện pháp nửa vời—thường được đưa ra vào một thời kỳ nào đó của một kiếp sống… nói cách khác, là sự lãng quên sau khi chết hoặc cuộc sống vĩnh hằng.

Pascal, nhà bác học, vị thánh ở thế kỷ thứ 17 đã lựa chọn biện pháp thứ hai ngay từ những năm đầu đời. Pascal cũng là một nhà khoa học rất đáng ngưỡng mộ, nhưng chưa bao giờ ông đặt lý trí lên trên những đức tin tinh thần sâu sắc nhất của mình. Những kinh nghiệm của ông trong trạng thái tách khỏi thế giới bao gồm cả hiện tượng về LỬA. Trong một tài liệu sau này được đặt tên là Chiếc bùa hộ mệnh thần bí của Pascal, ông đã viết về một kinh nghiệm Lửa như vậy.

“Năm ân sủng 1654, Thứ hai, ngày 23 tháng 11, ngày của St. Clement, Đức giáo hoàng và Thánh Tử Đạo. Từ khoảng mười rưỡi tối cho đến khoảng mười hai giờ rưỡi đêm, LỬA. Chúa của Abraham, Chúa của Isaac, Chúa của Jacob, không phải của những triết gia cũng như của những người Thông Thái. Sự đảm bảo, niềm vui, đảm bảo, cảm nhận, niềm vui, an bình. Đức Chúa của Ki Tô, Đức Chúa của tôi và của bạn. Đức chúa của bạn cũng là Đức chúa của tôi. Hãy quên thế giới và tất cả đi, ngoại trừ Đức Chúa. Ngài chỉ được tìm thấy trong những con đường theo giáo huấn của Phúc Âm. Sự thăng hoa trong tâm hồn con người. Chỉ có Cha, thế gian chưa biết đến Người nhưng con đã biết Người. Niềm hân hoan, niềm hân hoan, niềm hân hoan, những giọt nước mắt của niềm hân hoan…”

Trong sự phát triển hướng đến sự khai ngộ tinh thần nhanh chóng, rất, rất hiếm khi một nhà bác học (người thường tự nhận mình là lực lượng của đấng Christ) trải qua những thâm nhập của lửa tinh thần gây chấn thương và nâng cao vốn đóng vai trò là tác nhân giả kim trên chính nhà giả kim (được đề cập như là S trong tác phẩm Nhật ký của một nhà giả kim[1]).

Một Pascal đáng kinh ngạc đã trải qua kinh nghiệm về Lửa một vài lần. Điều này gây ấn tượng với ông rằng con đường của linh hồn là con đường duy nhất. Ông đã ghi lại những trải nghiệm về Lửa trong nhật ký (tâm linh) của ông, và khi ông mất, người ta thấy rằng ông nắm chặt cuốn sổ ở trang viết với thông điệp trên về Lửa và đặt gần trái tim mình. Ông tuyên bố rõ ràng rằng mặc dù ông nắm bắt được cả thế giới khoa học và văn học, ông vẫn quan tâm nhiều hơn những điều mà linh hồn mình dẫn lối.

CHƯƠNG 11

SỰ BIẾN HÌNH TÂM LINH

Điều mà chúng ta đang suy xét đến giờ là những sự biến hình ở mức độ tâm linh. Tất cả chúng ta đều biết sự biến hình là như thế nào vì chúng ta đã nhìn thấy điều này trong sự chuyển đổi của một con sâu bướm thành một con bướm. Chúng ta đã quan sát một cách thích thú việc một quả trứng bướm nở ra thành một chú sâu bướm bé nhỏ sau đó tiếp diễn với việc chú sâu bướm này dành nhiều ngày gặm dần những chiếc lá quanh mình.

Ngày này qua ngày khác, chú sâu lớn dần, lớn dần đến mức độ cao nhất trong khả năng của nó. Khi mà chúng ta nghĩ rằng nó chắc chắn sẽ nứt bung ra, nó bắt đầu dừng việc ăn uống lại và bắt đầu cuộn tròn làm một cái kén xung quanh thân cho đến khi nó ẩn mình hẳn phía trong cái kén, thu nhỏ theo thời gian. Chúng ta lúc đó có lý do để tin rằng nó đã chìm vào giai đoạn nghỉ ngơi khi mà thực ra bên trong đang có sự biến chuyển mạnh mẽ

Chú sâu bướm bé nhỏ đang tạo ra đôi mắt mới có bản chất phức hợp, phát triển một cái vòi, cặp chân và đôi cánh, và nhanh chóng ăn lối ra của tổ kén làm bằng tơ để bay lên cây như một tạo vật có cánh, hiện đã chuyển hóa thành một thực thể đẹp tuyệt vời đầy màu sắc, khác xa so với chú sâu bướm thô kệch trong những ngày đầu của sự biến hình.

Những người Ai Cập bị mê hoặc bởi những hiện tượng biến hình. Họ sống trên dải đất trồng trọt hẹp xanh tươi bao quanh hai bên sông Nile. Từ sa mạc xuất hiện những bầy côn trùng thường tàn phá mùa màng canh tác của họ. Họ không ngừng ngạc nhiên trước những thay đổi mà côn trùng đã trải qua và sớm xác định được con đường chuyển đổi từ trạng thái cõi trần sang cõi trời, cõi thiên đường với những sự biến hình mà chúng ta vừa đề cập trong cuộc sống của loài côn trùng.

Không có gì nghi ngờ khi những người Ai Cập, những người nông dân thời kỳ đó, tin rằng họ cũng nên được bỏ vào một cái như tổ kén, có lẽ là bằng cách cuốn băng chứ không phải là cuộn tơ quanh người lúc chết, và theo cách này họ được ướp xác. Chắc chắn là các Pharaon đã không có ảo tưởng nào về vấn đề này. Họ tin rằng họ sẽ tái xuất hiện sớm từ quách của mình sau khi chết như một thực thể có cánh có thể bay đến các tầng trời.

Người Hi Lạp cũng nhìn thấy ở sự biến hình này một ý nghĩa bên trong, sâu sắc hơn. Từ ngữ mà họ dùng để mô tả cả con bướm cũng như linh hồn là “psyche”

643.jpg

Đáng tiếc là người phương Tây không có những nguồn sáng tạo để nhận thức rằng sự chuyển đổi qua sự chết cũng không khác gì sự biến hình này. Người phương Tây sẽ đau lòng trong việc chuyển sang trạng thái chết và dành nhiều tiền bạc vào việc tang lễ thay vì tập trung vào sự sống đã được giải thoát khỏi xác chết để tiếp tục hành trình của nó qua chu trình đến thiên đàng và quay lại tái sinh. Bài thơ của G. Eustace Owen có tiêu đề Chú Bướm là điều mà tất cả những bác sĩ nên đọc và có sự thấu hiểu trước khi họ cố giữ lại cơ thể vật lý một cách không cần thiết.

Chú Bướm

Chú bướm nhỏ đậu trên một bông hoa

Lấp lánh trong nắng như đốm lửa nhỏ

Ở nơi đó chàng gặp bạn sâu xinh

Thổn thức cùng trái tim tưởng chừng đang tan vỡ

Bướm nhỏ vui tươi buồn lòng biết bao

Khi nhìn thấy bạn sâu kia than khóc

Kề bên bạn bướm thân tình hỏi nhỏ

“Có chuyện gì vậy bạn của tôi ơi?”

Liệu tôi có thể giúp được gì cho bạn”

“Tôi đã mất người anh của mình’ sâu đáp

Anh ấy đã ốm qua bao tháng ngày

Và giờ đây tôi phát hiện ra

Đau lòng biết mấy

Anh đã chết, chỉ còn lại chiếc vỏ trống không

‘Bạn sâu bé nhỏ khốn khổ ơi, hãy ngừng thôi than khóc

Người anh ốm yếu của bạn không chết đâu

Cơ thể của anh đã trở nên cường tráng,

anh ấy không còn bò như loài sâu nữa,

anh ấy đã bay lên

Đang nhảy nhót vui đùa trong nắng

Và uống mật ngọt của những bông hoa’

“Hãy đi khỏi đây ngay cùng những lời dối gian độc ác

Hãy bay theo gió nơi anh thuộc về

Tôi sẽ không than khóc khi anh ra đi

Và hãy mang đi theo những lời gian trá

Hẳn anh nghĩ tôi là chú sên ngốc nghếch

Để có thể tin vào câu chuyện cổ tích của anh?’

‘Tôi sẽ minh chứng cho lời tôi, người bạn hoài nghi ơi

Nào hãy nghe kỹ và nhìn tôi nhé

Tôi chính là người anh trai của bạn

Đang sống, khỏe mạnh, vui vẻ và tự do

Bạn cũng như tôi thôi rồi sẽ sớm bay lên trời

Cùng với những chú bướm đang vui đùa khác’

‘Ah, chú sâu nhỏ thê lương hét

Cho đến khi mắt tôi nhìn thấy rõ

Anh chỉ là một ảo ảnh ngọt ngào

Đang vẫy đôi cánh lấp lánh trên cao

Và nói những điều hoàn toàn vô nghĩa’

Chú bướm nhỏ từ bỏ cuộc đấu tranh

“Tôi không còn điều gì để nói

Bướm trải rộng đôi cánh đẹp xinh

Bay cao dần lên bầu trời xa vút

Khi bướm nhỏ đã ở nơi xa tít

Sâu nhỏ vẫn ngồi đó và khóc than’

G. Eustace Owen, from Children’s Greater World

Thuật giả kim và Sự tái sinh

Những người đã có nhận thức ở mức độ linh hồn có thể thấy toàn bộ quá trình liên tục tái sinh và việc di chuyển dần đến sự hoàn thiện trên khía cạnh của Chân, Thiện và Mỹ như là sự chuyển hoá mà ở đó ánh vàng lấp lánh của nhà hành giả lão luyện (adept) là mục đích cuối cùng cũng như đỉnh núi.

Nhà thơ người Mỹ Walt Whitman đã quan sát hiện tượng giả kim tương tự thông qua nhiều kiếp sống. Ở trong một bài viết trên tờ Thời báo Thứ Bảy với tiêu đề ‘Những mảnh ghép được chôn vùi của Walt Whitman’, Malcom Cowley đã viết:

‘Whitman tin rằng…có sự phân biệt giữa phàm ngã của một người với cái ngã sâu xa hơn bên trong…Thông qua luân hồi và nghiệp quả mà tất cả chúng ta đều tham dự vào một quá trình tiến hóa tâm linh, quá trình này cũng giống như một sự tiến hóa tự nhiên. Tuy nhiên kể cả quá trình tiến hóa tự nhiên cũng được Whitman coi là hoàn toàn tự nhiên hay mang tính vật chất. Ông tin rằng các con thú có loại linh hồn thô sơ (‘Chúng mang cho tôi kỷ vật của mình’), và ông ám chỉ hay phỏng đoán mà không nói ra trực tiếp, rằng những hòn đá, cây cối và các hành tinh cũng sở hữu bản sắc (identity), hay “eidolon” vẫn tồn tại khi họ tiến hóa lên thành những trạng thái cao hơn. Quá trình kép của tiến hóa, tự nhiên và tâm linh, có thể truy nguồn từ xa xưa trong quá khứ, và ông tin rằng điều này sẽ tiếp diễn trong nhiều năm sau nữa… Tất cả mọi người là thiêng liêng và cuối cùng sẽ trở thành những vị thần…Vũ trụ là một thực thể mãi mãi đang trở thành, và theo Whitman, nó là một quá trình chứ không phải là một cấu trúc cố định, và nó phải được xem xét từ góc độ của sự vĩnh cửu.’

Icarus

Chúng ta đều cảm thông với Icarus*, chàng trai giống như con thiêu thân đốt cháy đôi cánh của mình trong ngọn đèn mà nó lao tới, một câu chuyện miêu tả cuộc đấu tranh đầy tính khoe khoang của nhân loại để tự thể hiện qua những cách thức mới, thường là chọn những thành tích trong một môn thể thao để được công nhận, hay như một linh hồn, nỗ lực hết mình trong một kiếp sống nhất định, kéo theo sự thúc đẩy cho một sự biến hình mới để có một bước tiến vượt bậc trong quá trình từ sâu thành bướm hoặc từ con người trở thành siêu nhân

* Icarus, con trai của Daedalus, chàng cùng cha mình bay trên những đôi cánh từ Crete để thoát khỏi sự trừng phạt của thần Minos. Chàng bay lên cao quá, và đây chính là sai lầm của chàng, mặt trời đã làm chảy sáp bao quanh đôi cánh chàng và chàng rơi xuống vùng biển Aegean, vùng biển sau này được gọi là biển Icarus theo tên chàng.

‘Con người chả khác gì nắm bụi khi có những suy nghĩ kiểu đó! Hay là anh ta, ngẫu nhiên, là một hoàng tử bất hạnh, đã nói ra những lời phản bội lại sự sinh ra của mình? Tôi thích nghĩ rằng, nếu con người là những cỗ máy, họ sẽ là những bộ máy theo mô hình của thiên đàng, những cỗ máy có thể vượt lên trên chính chúng và trong sự kinh ngạc của những vị thần đang theo dõi, làm hết bổn phận làm người của họ. Tôi thích nghĩ rằng, chủng loại đơn lẻ này là những thực thể không thể khuất phục được, có tính triết lý, văn thơ, kiên quyết mang ngọn cờ Trở thành đến một tầm cao không tưởng tượng được, và có thể thú vị với những vị thần như với chúng ta, và rằng họ sẽ hạ mình để chấp nhận những sinh vật hứa hẹn này vào xã hội thần thánh của họ.”

Sự chuyển đổi từ phàm ngã sang một linh hồn khai ngộ trong những tiến trình cuối có thể được thể hiện một cách thơ văn như sau:

Những dục vọng giờ đây bị đánh bại, vậy sự chiến đấu với chúng sẽ ra sao?

Liệu chúng ta sẽ mãi trong sự hoang mang tuyệt vọng

Với lòng kiên nhẫn dần tăng cho đến khi thân xác khô cằn

Với niềm tự oán giận vỡ tung những lá phổi trong khói thuốc và tuổi già

Trong ngạo mạn liệu có ánh mắt của thần ghen tỵ?

Hay giống như chàng Icarus đầy hoài bão tự đốt cháy mình

Với tất cả mọi phương cách của cuộc chinh chiến

Khi đôi cánh chạm tới sự thịnh nộ của thần mặt trời

Hay đau khổ với sự điên khùng không lối thoát

Sự lớn lên của cái tôi phàm ngã

Can đảm một lần nữa lật lên tấm mạng che mảnh như tơ

Nhìn ngắm xem việc tiếp tục chiến đấu và từ bỏ ham muốn

Sẽ đưa con người tới thế giới của mặt trời

Và để lại trái đất này bóng hình ảo ảnh.**

– Icarus của Douglas Baker

** Thế giới cảm dục

CHƯƠNG 12

JULIUS CAESAR

Caesar có một thể trí rất ham học hỏi, có lẽ ông thuộc Cung 5—cung khoa học cụ thể. Để ý tới cách chiến đấu dường như không hề sợ hãi của người Celts, ông đã tìm kiếm lý do đằng sau nó. Sự coi thường cái chết của họ bắt nguồn từ niềm tin gần như cuồng tín rằng linh hồn là bất diệt. Ông đã viết:

“Họ muốn khắc sâu điều này như một trong những nguyên lý hàng đầu của họ, rằng các linh hồn sẽ không bị tan biến mà chỉ chuyển từ thể xác này sang thể xác khác, và họ nghĩ rằng những người theo nguyên lý này đầy nhiệt thành với lòng quả cảm, nỗi sợ hãi cái chết bị coi thường”.

The Gallic War, Book VI, Chap.14

C.W. Leadbetter, có lẽ là nhà thấu thị tài năng nhất mà thế giới từng được biết, đã sử dụng năng lực của mình để tra cứu thông tin về các kiếp trước, bao gồm những kiếp sống của Caesar. Ông đã mở rộng cuộc nghiên cứu của mình sang sự tái sinh của toàn bộ cả các nhóm người, và trong cuốn sách: Con người: Khi nào, Như thế nào và Sẽ đi về đâu Ông đã theo dõi sự tiến bộ trong nhiều thiên niên kỷ của nhóm tinh thần mà ngày nay chúng ta biết tới như là Thánh Đoàn của các Vị Chân sư. Các ngài đã tái sinh cùng nhau trong rất nhiều kiếp sống, từ những kiếp sống của những người bình thường (một vài kiếp trên Dãy Mặt Trăng) cho đến những hiện thể của các ngài như là Chính Phủ Nội Tại của Thế Giới, hướng dẫn và bảo vệ sự tiến hóa tinh thần của nhân loại. Bao gồm trong nhóm này là một vị, được mô tả bởi Leadbeater với tên tinh thần “Corona”, người đã từng tái sinh trong lịch sử với cái tên Julius Caesar.

Các Chân Sư là những người đã đạt đích đến của sự tái sinh. Các ngài đã đạt đến sự hoàn hảo tương đối và đã trang bị cho mình những phương cách riêng để phụng sự nhân loại với những năng lực nổi bật. Các ngài không còn gì cần học hỏi thêm từ cuộc sống trong cơ thể vật lý, tuy vậy các ngài vẫn định kỳ quay trở lại để thực hiện những kế hoạch mang lại lợi lạc cho nhân loại. Kể từ khi Leadbeater viết cuốn sách của ông vào năm 1912, những vị Chân Sư mới đã được tăng thêm, và cùng với vài thành viên kỳ cựu hơn của Thánh Đoàn, cho đến và bao gồm cả Đức Christ, các ngài đã tái sinh vào thời gian này, bước ngoặt của Thiên niên kỷ, để tái thiết lập những giáo huấn của Minh Triết Ngàn Đời và mở ra một Thời Đại Mới.

Sự tái lâm của Đức Christ

Đề cập đến Julius Caesar, Leadbeater, trong cùng tác phẩm đó của mình, đã đưa ra một số dự báo cực kỳ chuẩn xác về công việc của Caesar trong suốt thời gian gắn liền với sự chuẩn bị tái lâm của đức Christ vào cuối thế kỷ thứ XX. Ông mô tả ở đây những nhận thức thấu thị của mình về một thời điểm vượt xa thời điểm Tái Lâm, tức là vào Thiên niên kỷ thứ Ba:

“Trên thực tế toàn thế giới đã có liên kết với nhau về mặt chính trị. Châu Âu dường như trở thành một liên minh với hình thức Nghị viện trong đó tất cả các quốc gia thành viên đều cử đại diện. Cơ quan trung ương này điều phối các vấn đề và những người đứng đầu các quốc gia khác nhau là Chủ tịch luân phiên của Liên Minh. Việc sắp xếp lại bộ máy chính trị để mang đến sự thay đổi tuyệt vời này chính là công việc mà Julius Caesar thực hiện, người đã tái sinh vào một thời điểm nào đó trong thế kỷ XX, gắn liền với sự tái lâm của Đức Christ để tái phổ truyền MINH TRIẾT. Những cải cách vĩ đại đã được thực hiện trong mọi khía cạnh, và người ta không thể không ngạc nhiên với sự sự thịnh vượng dồi dào phi thường đã đạt được thông sự cải tiến đó. Khi đã thành công trong việc thành lập liên minh và thuyết phục tất cả các quốc gia từ bỏ chiến tranh, Caesar đã sắp đặt để mỗi quốc gia hàng năm bớt đi một nửa hoặc hoặc một phần ba số tiền trước kia vẫn được phân bổ cho việc trang bị vũ khí, dành nguồn tài chính đó cho những cải thiện xã hội nhất định mà ông định ra.

Theo hoạch định của ông, việc đánh thuế trên toàn thế giới sẽ từng bước được cắt giảm, nhưng mặc dù vậy, vẫn có đủ những khoản dự trữ để dành nuôi tất cả người nghèo, để xóa bỏ tất cả các khu ổ chuột, và mang những tiến bộ tuyệt vời này tới tất cả các thành phố. Ông sắp xếp để tất cả các quốc gia nơi nghĩa vụ quân sự bắt buộc đã được thực thi vẫn giữ quy định đó, nhưng sẽ để lính nghĩa vụ tham gia vào công cuộc quốc gia trong việc xây dựng đường xá, công viên, xóa bỏ khu ổ chuột và mở cửa cho liên lạc tới được mọi nơi. Ông sắp xếp rằng những gánh nặng cũ sẽ dần dần được xóa bỏ, nhưng vẫn không ngừng xử lý tiếp những tàn tích của những gánh nặng này để tái thiết thế giới. Ông quả thực là một vĩ nhân, một thiên tài kì diệu nhất.

Dường như đã có những rắc rối ban đầu và có một số cuộc tranh cãi khi khởi động, nhưng ông đã tập hợp được một nhóm người cực kỳ có năng lực—một nội các gồm tất cả những nhà tổ chức giỏi nhất mà thế giới đã sản sinh ra – sự tái sinh của Napoleon, Scipio Africanus, Akbar và một số vị khác—một trong những con người ưu việt nhất để triển khai những công việc thực tế mà thế giới đã từng chứng kiến. Điều này đã được thực thi trên một quy mô hoàn hảo. Khi tất cả những nguyên thủ quốc gia và các thủ tướng được tập hợp để quyết định nền móng cho Liên minh, Caesar cho xây một hội trường hình tròn với rất nhiều cửa để cho tất cả đều có thể đi vào cùng một lúc, và không một ai là có quyền lực ưu tiên hơn người khác.

“…Caesar sắp xếp tất cả bộ máy cho cuộc cách mạng tuyệt vời này, nhưng công cuộc của ông phần lớn khả dĩ thực hiện được thông qua việc chính Đức Christ đến và rao giảng, vì vậy chúng ta có một kỷ nguyên mới theo mọi nghĩa, không chỉ là sự sắp xếp bên ngoài, nó còn nằm ở sự cảm nhận bên trong. Tất cả những điều này đã có từ rất lâu theo quan điểm về thời gian mà chúng ta đang xem xét, và Đức Christ hiện đang trở nên thần thoại với dân chúng, cũng giống như ngài đã từng là một nhân vật thần thoại với phần đông người dân ở đầu thế kỷ hai mươi. Ngày nay, Tôn giáo của thế giới là tôn giáo mà Ngài đã sáng lập; đó là TÔN GIÁO, và không có tôn giáo nào khác có tầm quan trọng thực sự, cho dù vẫn có một số tôn giáo tồn tại, và thế giới đa phần khoan dung một cách coi thường sự tồn tại đó, coi đó là tưởng tượng hay mê tín dị đoan.

Có một vài người là đại diện cho các hình thức cũ của Cơ Đốc giáo—những người nhân danh đức Christ nhưng đã từ chối đón nhận Ngài khi Ngài đã trở lại trong một hình hài mới. Đa số mọi người coi những người này như những người lạc hậu một cách vô vọng. Nhìn chung tình hình mọi mặt trên toàn Thế giới rõ ràng là đáng hài lòng hơn rất nhiều so với các nền văn minh trước kia. Quân đội và hải quân đã biến mất, hoặc chỉ được đại diện bởi một lực lượng vũ trang nhỏ vì mục đích an ninh. Sự nghèo đói trên thực tế cũng đã biến mất khỏi những vùng đất văn minh, tất cả các khu ổ chuột trong các thành phố lớn đã bị giải tán, và thay vào đó không phải là các tòa nhà mà là những công viên và những khu vườn.”

Man: Whence, How and Whither pp. 471-473

Trích trong Con người: Khi nào, Như thế nào và sẽ Đi về đâu, trang 471-473

Tìm kiếm Hiện thể cho Đức Christ

Có rất nhiều nỗ lực đã được thực hiện trong suốt thế kỷ 20 để tìm một hiện thể tốt cho Đức Christ. Leadbeater đề cập đến một nhân vật giống như Caesar từ đầu thế kỷ 20 nhưng người này đã chết khi còn khá trẻ trong một tai nạn cưỡi ngựa. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả những kế hoạch được sắp đặt tốt nhất và những hóa thân tốt nhất cũng có thể gặp tai nạn ngay cả khi không có Karma khó khăn nào.

Tiếp theo sau đó là sự thất bại với Krishnamurti, là một quá trình kéo dài dần trở thành một cơn ác mộng như một trò hề với nhân vật chính luôn trì hoãn. Được xác định bởi Leadbeater thông qua sự quan sát thấu thị tại một đồng cỏ ở Ấn Độ, và giữa những người nông dân nghèo, Krishnamurti đã được chọn lựa cho sự chuẩn bị nhập thể của Đức Christ. “The Order of the Star – Hội Ngôi Sao” đã được hình thành xung quanh ông nhưng những mãnh lực của Thánh Đoàn đã không hành công trong nỗ lực tạo động lực đủ cho phong trào đức chúa cứu thế này, chủ yếu là do sự gián đoạn của Cuộc Thế chiến thứ nhất.

Sự thất vọng tràn trề trong hội những người theo Thông Thiên học—mà danh sách hội viên đã tới con số 100.000 người, ngày nay con số đã ít hơn nhiều—đã rất nặng nề và có nhiều lời nhận xét cay đắng. Krishnamurti đã tự mình gánh lấy hầu hết trách nhiệm. Ông đã bị coi như một kẻ nhẫn tâm và thờ ơ trước ý định của người mẹ nuôi là bà Annie Besant. Và do vậy, nhân sự kiện này, toàn bộ sứ mệnh đã bị hủy bỏ.

Một sự dấy lên mạnh mẽ khác của mãnh lực Christ đã diễn ra sau cái chết của bà Alice Bailey. Khi bà còn sống, thông qua phẩm tính tuyệt vời của bà và sự hỗ trợ bà từ bên trong của chính Chân sư Kuthumi và của vị được cho là vị thầy hướng dẫn của bà, Chân sư Djwal Khul, quanh bà đã tập trung một số lượng lớn các đệ tử được bà Alice Bailey đào tạo, khi bà bày tỏ ý định của Chân Sư. Nhưng một lần nữa kế hoạch này đã bị hủy bỏ. Lý do cho điều này là sự không khoan nhượng của một nhóm nhỏ những người chiếm quyền kiểm soát của phong trào Bailey, khi đó được dự định nhằm tăng cường nỗ lực phổ truyền những Bí Nhiệm, đứng đầu bởi Đức Christ, và hơn nữa một cơ thể vật lý chưa được lựa chọn cho việc này.

Trong khi Krishnamurti đã được chọn lựa như một phương tiện cho nỗ lực đầu tiên, thì phương tiện cho nỗ lực thứ hai này chưa bao giờ được biết đến. Hàng loạt các cá nhân gần gũi với Alice Bailey, những người có tầm mức tinh thần cao và vô cùng phù hợp với mục đích tối cao, có thể trở thành phương tiện cho sự trở lại của Đức Christ, đã bị ngăn lại và trở nên xa cách với nhóm đã tiếp quản công việc của bà. Họ không bao giờ được nhắc đến nữa trong phong trào Thiện Chí Thế giới. Vì vậy, một lần nữa, với một lý do rất khác, sự Tái lâm đã bị hủy bỏ, hay đúng hơn là bị hoãn lại.

Thế nhưng, hiện chúng ta đang ở giữa một nỗ lực hơn đang diễn ra nhanh chóng. Dòng chảy của mãnh lực Christ hiện nay đang được neo lại rất vững chắc. Ngài đang ở giữa chúng ta trong một cơ thể vật lý. Tại sao Ngài ở đây? Ngài ở đây để tập trung và điều phối các hoạt động của Shamballa với những người đã nhận thức được sự hiện diện của Ngài.

Một tiêu chuẩn cho việc xác định Đức Christ có thể được thiết lập bởi bảy điều chắc chắn về những kinh nghiệm trong những lần hiển lộ trước đây của Ngài:

  • Ngài chắc chắn có những dấu hiệu cơ thể đã chịu đựng nhiều hơn bất cứ ai.
  • Ngài là một vị huấn sư tiếp cận với nhân loại trên toàn Thế giới.
  • Ngài là một người chữa lành tài năng, luôn luôn chữa lành ở ở một mức độ nào đó cho mọi người dù ở gần hay xa Ngài.
  • Bề ngoài Ngài hoạt động trên Cung của Ý Chí & Quyền Lực, và bên trong trên Cung của bác Ái & Minh Triết.
  • Ngài nghèo khổ và độc thân
  • Ngài thường xuyên bị tấn công từ vô số hướng
  • Ngài được bao quanh và hỗ trợ bởi những người đã hi sinh và phó thác điều gì đó của cuộc đời họ cho Ngài.

Cuộc đời của Đức Christ cho thấy bằng cách nào những hóa thân trước đây của Ngài đã dẫn đến một sự tổng hợp vĩ đại để phụng sự như một vận cụ trong tay của Đấng Thiêng Liêng để tạo nên thiên đường trên mặt đất. Thiên thần với một thanh Kiếm, Thiên đường của Eden chỉ là hai biển hiện của một con đường nơi mà sự khát khao tuyệt vời này đạt được mục tiêu của nó.

Trong các kiếp sống của Đức Christ, tầm quan trọng của việc tổng hợp và cống hiến tới tận cùng của vận cụ được tạo dựng cho mục đích này luôn được nhấn mạnh. Điều quan trọng nhất trong cả quá trình để có được một sự hiểu biết về cách thức qua đó người được tạo dựng hay linh hồn đạt được mục tiêu và nghiên cứu về những tiền kiếp thường chỉ ra nhiều khía cạnh mà vận cụ đó đã đạt được.

Vì vậy, theo một trong số các cách, mục đích của Linh hồn đang nổi lên có thể được thu thập thông qua việc nghiên cứu một số tiền kiếp đã biết. Ví dụ, một chuỗi những kiếp sống, đã được C.W. Leadbeater cho biết từ nhận thức thấu thị của ông về nhân vật John Varley, được giới thiệu ở sau (phần nào đã được rút gọn) trong phần Phụ Lục.

Tác giả đã trình bày bài giảng mở đầu của mình về sự tái sinh hơn cả ngàn lần, theo đúng nghĩa đen của con số, và kết thúc bằng một trích dẫn được rút ra từ vô số các tác giả đã đóng góp cho chủ đề này:

“Khi chúng ta hiểu được điều gì đó về luật Karrma…Khi chúng ta cảm nhận được quá trình tái sinh vĩ đại… chúng ta cũng bắt đầu hiểu rõ giá trị của sự bất tử… thì câu chuyện lãng mạn của quá khứ bắt đầu lay động từ sâu thẳm trong chúng ta. Bạn và tôi đã đi săn trong những khu rừng trên trái đất như những người dơ khai dã man… Là những người nông dân, chúng ta đã phải làm việc vất vả trên những cánh đồng… Đã giết hoặc bị giết trong những đội quân của các vị vua đã bị lãng quên từ lâu—các Pharaoh đã biên chúng ta và hàng ngũ của họ… Chúng ta đã chè chén say sưa trong sự đồi bại của các thành phố đầy khoái lạc trong các nền văn minh cổ đại…

Là những thương gia chúng ta đã buôn bán các loại vải dệt trên khung cửi, những thứ đã tan thành khói bụi từ rất lâu trước khi được lịch sử ghi lại… Chúng ta đã cùng nhau thờ phụng Thượng Đế, một Thượng Đế dưới nhiều tên gọi khác nhau, và trong mỗi tôn giáo mà chúng ta đã được sinh ra, dường như đó là tôn giáo duy nhất cho mình… Chúng ta đã cúi đầu trước những hình ảnh đen tối trong những ngôi đền hùng vĩ của Atlantis đã bị nhấn chìm trong đại dương sâu thẳm, một lục địa đã biến mất hơn 10.000 năm trước…

Với trái tim hân hoan, chúng ta đã đặt những đóa hoa dưới chân các vị thần Ai Cập… Chúng ta quỳ gối trong sự tôn kính khi tia Lửa thiêng chiếu xuống bàn thờ thần Zoroastrian của chúng ta… Chúng ta đã cúng dường thần Vishnu trong những ngôi đền được đẽo từ đá cứng ở Ấn Độ… Chúng ta đã mặc áo cà sa màu vàng của Đức Phật và tụng niệm khắc ghi các quy luật của Bát Chánh Đạo… Chúng ta đã có những tràng cười sảng khoái trước các vị thần công bằng trong những đấu trường lớn ở Hy Lạp….

Chúng ta đã cúi đầu trước những sắc lệnh hà khắc của luật pháp La Mã…Cũng có lẽ một số trong chúng ta đã tụ tập quanh Đức Christ khi ngài xuất hiện từ sa mạc để giảng dạy về tình huynh đệ đại đồng trong Nhân loại… hoặc ném đá vào Ngài, gọi Ngài là một kẻ lang thang phạm thượng… Chắc chắn tất cả chúng ta đã từng sống đời sống của một linh mục hay một nữ tu khắc khổ, trong một tu viện của thời Trung Cổ… Thật là một ngôi trường tuyệt vời cho mỗi chúng ta trên hành tinh Trái Đất cổ xưa này.”

Phỏng theo Tái sinh – Niềm hy vọng của Thế giới, tác giả Irving S. Cooper.

  1. Một tác phẩm của Douglas Baker—The Diary of an Alchemist”

Leave Comment