Chúng tôi xin giới thiệu 6 chương đầu của quyển Tái Sinh, tác giả là nhà huyền bí học Douglas Baker người Anh. Bản dịch do Lan Hương và Vũ Thành Khánh dịch, Mai Oanh hiệu đính.
**************************************
TÁI SINH
TẠI SAO, Ở ĐÂU VÀ NHƯ THẾ NÀO
CHÚNG TA ĐÃ SỐNG TRƯỚC ĐÂY
Được xuất bản lần đầu bởi Bác sỹ Douglas Baker năm 1981
Quyển sách điện tử này được phát hành năm 2013 dưới bản quyền của Claregate Ltd, Dangraig Fach, đường Pentrecwrt, Llandysul, Camarthenshire, Wales, SA44 5AR
ISBN: 978-1-910228-35-7
© 2013 Ted Capstick
Người dịch: Đỗ Lan Hương – Vũ Thành Khánh
Hiệu đính: Mai Oanh
2018 – 2019
MỤC LỤC
Vì sao chúng ta nên tin vào Tái sinh?
Niềm tin vào Tái Sinh—Belief In Rebirth
… Từ Ranh Giới mà Chưa Người Lữ Hành nào Quay Trở Lại … From Whose Bourne No Traveller Ever Returns
Vì sao, Ở đâu, Khi nào và Chúng ta Tái sinh Như thế nào?
Cơ thể con người là gì?—What Is Man’s Body?
Linh hồn Con người là gì?— What Is Man’s Soul? 29
Ba Chân Lý Vĩ Đại
Ngài nói “Hãy nghe tôi, người anh em”. “Có ba chân lý vốn tuyệt đối và không thể bị mất đi, nhưng hiện giờ vẫn còn ngủ yên do không có người nhắc đến”
“Linh hồn con người là bất tử, và tương lai của nó là tương lai của thứ có sự tăng trưởng và vinh quang không giới hạn”
“Nguyên lý ban phát sự sống ngụ trong ta và ở ngoài chúng ta, bất diệt và vĩnh viễn tốt lành. Nó không thể nghe, ngửi hoặc nhìn thấy được, nhưng được cảm nhận bởi người khát khao cảm nhận về nó”
Mỗi người là nhà lập pháp của chính mình, kẻ tạo ra vinh quang hay buồn khổ cho chính bản thân.”
Chương 1— Chapter 1
Vì sao chúng ta nên tin vào Tái sinh?
Thật đáng ngạc nhiên là có rất nhiều người nổi tiếng đều có niềm tin chúng ta được tái sinh hết lần này đến lần khác. Henry Ford nói: “Khi tôi còn là chàng thanh niên trẻ, giống như nhiều người khác, tôi cảm thấy lúng túng. Tôi từng tự hỏi, “Chúng ta ở đây làm gì?” Và tôi không tìm thấy câu trả lời. Nếu không có câu trả lời nào cho câu hỏi đó, thì cuộc sống này thật là trống rỗng và vô nghĩa.”
Sau đó, ông đọc được một cuốn sách về tái sinh. Sau khi đọc cuốn sách đó, Henry Ford nói: “Cuốn sách đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi. Từ sự trống rỗng và vô nghĩa, nó thay đổi cái nhìn của tôi về mục đích và ý nghĩa của cuộc sống. Tôi tin rằng chúng ta ở đây là vì một mục đích và sẽ trở lại nữa…và tôi chắc chắn với điều này. Tâm trí và ký ức sẽ không dừng lại với cái chết…nó sẽ còn mãi…và nó là bất tử”
Ông nói rằng tác động của việc khám phá ra sự tái sinh là nó giúp xoa dịu tâm trí ông. Ông nhận ra rằng mình là bất tử: “Tôi chấp nhận thuyết về sự tái sinh khi tôi 26 tuổi… tôn giáo không đề cập gì về điều đó… thậm chí công việc cũng không thể mang lại cho tôi sự thỏa mãn hoàn toàn… công việc dường như là vô ích nếu chúng ta không thể tận dụng những kinh nghiệm mà chúng ta thu được từ một kiếp sống này, kiếp sống kế tiếp…. khi tôi khám phá ra sự tái sinh, điều đó như thể tôi đã khám phá ra kế hoạch của vũ trụ… Tôi nhận ra rằng đây là cơ hội để thực hiện các ý tưởng của mình… thời gian không còn là yếu tố giới hạn nữa. Tôi không còn là nô lệ của kim đồng hồ nữa”.
Lloyd George, Thủ tướng của Anh trong những năm tồi tệ của cuộc Chiến Tranh Thế Giới thứ nhất, đã từng nói: “Quan điểm của tôi là chúng ta sẽ được tái sinh… và rằng sau đó chúng ta sẽ chịu đựng hoặc được tưởng thưởng từ những gì mà chúng ta đã làm ở thế giới này. Ví dụ như, người chủ vắt kiệt sức nhân công của mình sẽ chịu phạt bị vắt kiệt sức ở những kiếp sống sắp tới.’
Albert Schweitzer, khi đến Mỹ lần đầu tiên đã gặp một nhóm đông người. Ông đã nói với họ như sau: “Thưa quý ông và quý bà, thời tuổi trẻ, tôi là một chàng trai ngu ngốc. Tôi đã học tiếng Pháp và tiếng Đức, tiếng Latinh và tiếng Hy Lạp, và Herbew nhưng không học tiếng Anh. Ở kiếp sống sau, tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ đầu tiên của tôi.’
Nhà Thơ và Sự tái sinh
Hầu hết những đứa trẻ ở Anh cùng thế hệ với tác giả lớn lên với các vần thơ của John Masefield, một nhà thơ nhiều tác phẩm đạt giải của Anh. Bài thơ gây xúc động của ông Cơn sốt của Biển đã thể hiện khao khát với cuộc sống:
Tôi lại muốn ra khơi, nghe lời con sóng hát
Tiếng gọi hoang sơ, tinh khiết, không thể chối từ[1]
Masefield tin rằng khao khát với cuộc sống này không bị mất đi khi chết, và rằng khao khát đó sẽ tiếp tục giữa các kiếp sống và rằng chúng ta sẽ được tái sinh:
Tôi tin rằng khi một người chết đi
Linh hồn của anh sẽ quay lại trần gian lần nữa
Khoác một hình hài xương thịt mới
Một người mẹ khác sẽ sinh anh
Với sức mạnh lớn hơn và tâm trí sáng hơn
Linh hồn xưa đi tiếp chặng đường lần nữa.
Các nhà thơ trong quá khứ đã từng được coi là những nhà hiền triết, bất kể tuổi đời của họ như thế nào. Người ta tin rằng được sinh ra với tài năng thơ ca nghĩa là, bằng ngôn ngữ thay vì những điều thần bí, họ có được sự khơi gợi của đấng thiêng liêng hoặc được thông báo từ các cõi thiêng liêng, nơi cơ chế quản lý sự vận hành của tái sinh được thực thi, như các nhà theo thuyết tái sinh biết rõ.
Thật dễ dàng để chỉ ra một nhóm các nhà thơ, thông qua các bài thơ của họ, đã thể hiện tình yêu với một niềm tin cổ xưa rằng linh hồn của con người là bất tử. Chắc chắn chúng ta không thể không kể đến nhà thơ người Đức Goethe, nhà thơ người Anh Tennyson, cũng như William Wordsworth người đã mô tả một cách rất đẹp đẽ trong Những Ý tưởng về sự Bất tử của mình – cách một đứa trẻ đến với sự tái sinh “trượt qua các đám mây rực rỡ” từ thế giới thiên đường:
Sự sinh ra chẳng qua chỉ là giấc ngủ và sự lãng quên
Linh hồn lớn lên cùng ta, là ngôi sao trong cuộc sống
Đã lặn ở một nơi khác
Và đến từ nơi xa xôi
Không hoàn toàn lãng quên mọi thứ
Cũng không hoàn toàn trơ trụi
Chúng ta đến từ những áng mây rực rỡ
Từ Thượng Đế, ngôi nhà của chúng ta
Nhà thơ người Mỹ Walt Whitman cũng có đề cập rất nhiều đến sự tái sinh. Trong Khúc hát của Chính tôi ông đã tự tin khẳng định về kết quả cuối cùng này:
Tôi biết mình là bất tử,
Biết quỹ đạo này của tôi không thể bị vạch ra bởi chiếc compa trong tay người thợ mộc…
Và dù tôi có là mình hôm nay hay trong mười ngàn, mười triệu năm sau nữa
Tôi có thể vui vẻ lúc này, cũng có thể đợi chờ trong viên mãn…
Homer
Ennius (239-169 BC), một nhà thơ người Calabrian, đã giới thiệu giáo lý về sự tái sinh với người La mã. Trong các Biên Niên Sử của mình, Ông nói cách Homer xuất hiện với ông trong giấc mơ như thế nào và bảo ông rằng cơ thể của họ đã từng được sử dụng chung bởi một linh hồn.
Một kiếp sau của Homer là Geogre Chapman, nhà thơ Elizabethan, người đã dịch một số tác phẩm của Homer sang tiếng Anh. Ở tác phẩm “Nước mắt của Hòa bình” ông mô tả “phía bên trái trên ngọn đồi Next Hitchin” ông thấy hình ảnh của Homer yêu cầu ông chuyển thể thơ tiếng Hy Lạp sang tiếng Anh và cách Homer tiếp tục thúc giục ông cho đến tận khi hoàn thành:
Hỡi những người mù chưa nhìn thấy,
Trái tim và linh hồn nơi tôi thuộc về
Ánh nhìn của thiêng đàng đó, không phải tiếng nói con người
“Tôi là” ông nói “linh hồn của Elysian
Trong không khí trong lành, phía trái ngọn đồi Next Hitchin
Nơi những bông hoa nở
Nơi dòng máu chảy trong linh hồn, nơi có nỗi đau
Và những niềm vui sướng minh chứng cho điều đó
Trút xuống như tiếng vọng trong vách núi
Khi thiền định về tôi, cơn gió nhẹ ngọt ngào
Đưa tôi đến đó, dù không mang hết trong mình
Những cảm nhận đích thực, thời gian đó, trong tinh thần tôi
Và tôi một cách vô hình đã khuyến khích
Những mái đầu xanh chưa chuyển thể tác phẩm của mình sang tiếng Anh
Những khó khăn mà anh ta đã thốt ra mà tôi hiểu rõ
Đó là Homer – hoàng tử của tôi
Khi việc dịch này tiếp diễn Chapman dần dần nhận ra Homer chính là ông. Khi ông hoàn thành công việc vĩ đại này ông đã hoàn thành mục đích của linh hồn và ông biết điều đó, “Công việc mà tôi được sinh ra để thực hiện đã hoàn thành.’
Homer, ngày nay tái sinh không phải là nhà thơ mà hoạt động rất tích cực với các dự án bí truyền rộng lớn liên quan đến Kế hoạch của Thế Giới.
Chết lâm sàng
Trong những người bạn của tác giả, có những người đã trở nên nổi tiếng, là Pete Sellers và Barbara Cartland. Pette Sellers đã trải nghiệm một giai đoạn chết lâm sàng ngắn ở bệnh viện Los Angeles vào năm 1964. Rất nhiều người đã có những trải nghiệm tương tự, do bị nhồi máu cơ tim hoặc các chứng rối loạn xơ vữa động mạch, lượng máu cung cấp lên não bộ bị dừng lại.
Người đó có thể ngã bất tỉnh ở trên phố. Một vài trường hợp, nếu có sự giúp đỡ kịp thời, như trong trường hợp của Peter Seller, người đó có thể hồi tỉnh lại nhờ sự trợ giúp các máy móc y tế hiện đại bằng cách áp dụng máy sốc lên thành ngực hoặc truyền adreanaline trực tiếp vào cơ tim và thậm chí thông qua hô hấp nhân tạo qua miệng. Tuy nhiên, cho đến khi tim đập trở lại, bệnh nhân đang chết lâm sàng. Nếu quá trình “chết lâm sàng” bị kéo dài trên 8 phút, não bộ sẽ thường bị ảnh hưởng không thể phục hồi do thiếu oxi cung cấp cho các nơ ron thần kinh.
Trong điều kiện được gọi là chết lâm sàng này, thể cảm dục trở nên lỏng lẻo khỏi khung vật lý và có thể thậm chí bỏ lại cơ thể vật lý trên bàn phẫu thuật hoặc ở nơi tai nạn hoặc ở lề đường, di chuyển rất nhanh trong thế giới cảm dục nơi là nhà của nó giữa các kiếp sống và trong các kiếp sống trong không biết bao nhiêu thiên niên kỷ. Pette Sellers đã có trải nghiệm như thế, sau này giúp cho ông có mối quan tâm rất lớn tới toàn bộ chủ đề về cái chết và sự sống sau chết.
Các ghi chép về cái chết lâm sàng đưa ra rất nhiều dẫn chứng về các trải nghiệm của con người bên ngoài cơ thể vật lý khi bộ óc đang ở trong tình trạng thiếu oxy. Một ví dụ có tính mô tả cao của trải nghiệm ngoài cơ thể được đưa ra bởi Giáo sư Carl Jung, người đã trải qua cái chết lâm sàng vào năm 1944. Tong quá trình này hoạt động của tim bị tạm ngừng và do đó không có máu lên não, ông mô tả cách ông thấy mình bay lên trên cao hơn Trái Đất. Trong cuốn sách Các kỷ niệm, Giấc mơ và Phản chiếu Jung nhớ lại trải nghiệm này như sau:
‘Tôi thấy mình dường như bay cao lên trong không gian. Xa phía dưới tôi nhìn thấy quả địa cầu trái đất, tắm mình trong ánh sáng xanh rực rỡ. Tôi thấy đại dương xanh thẳm và các lục địa. Xa phía dưới chân tôi là Ceylon, và xa phía trước tôi là lục địa nhỏ Ấn Độ. Góc nhìn của tôi không bao trọn cả trái đất nhưng hình dáng địa cầu có thể phân biệt một cách dễ dàng và các đường nét của nó ánh lên màu bạc lấp lánh ánh sáng xanh đẹp tuyệt vời. Ở rất nhiều nơi quả địa cầu dường như bị nhuộm màu, hay bị điểm màu xanh lá cây xỉn giống như bạc bị oxi hóa. Phía xa bên tay trái có khoảng trải dài rộng lớn—sa mạc vàng đỏ của Ả rập; như thể bạc của trái đất có màu vàng đỏ. Kế đến là Biển Đỏ, và xa xa tít tận cùng bên trái của bản đồ, tôi có thể nhìn thấy phần nào của Địa Trung Hải. Ánh nhìn của tôi bị thu hút chủ yếu về nơi đó. Những thứ khác trở nên lờ mờ, không rõ ràng. Tôi cũng có thể nhìn thấy những rặng núi Hymalaya phủ tuyết, nhưng theo hướng đó nó có vẻ bị sương mù và nhiều mây bao phủ. Tôi không nhìn gì theo hướng bên phải. Tôi biết rằng mình đang ở điểm rời khỏi Trái Đất.’
Sau đó tôi phát hiện người ta phải ở một vị trí cao như thế nào trong không gian mới có thể có một tậm nhìn rộng đến vậy—Khoảng một ngàn dặm! Cái nhìn về trái đất từ một tầm cao như vậy là điều vĩ đại nhất mà tôi từng biết đến. ”
Giáo sư Jung là một nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới, và những chứng cứ của ông phải được chấp nhận không chút nghi ngờ, đó là sự chuẩn xác không chút sai lệch, vì ông được đào tạo là một người quan sát khoa học những vấn đề phức tạp và khó hiểu nhất.
Jung tiếp tục mô tả cách ông chuẩn bị bước vào một chỗ có thiết kế tựa đền thờ ở vị trí phía trên của Trái Đất, nơi ông tin rằng ông sẽ gặp lại các bạn bè, họ hàng đã chết từ lâu, khi ông đột ngột được đưa trở lại cơ thể vật lý của mình. Các bác sỹ làm ông tỉnh lại bằng cách đưa adrenaline vào cơ tim của ông và làm tim đập trở lại. Jung cảm nhận được điều này trong điều kiện bên ngoài cơ thể.
Mô tả của Jung về trạng thái bên ngoài cơ thể có tương quan lớn với chủ đề của chúng ta vì người đọc có thể sẽ có rất nhiều câu hỏi cần được giải đáp trước khi được thuyết phục rằng có cơ sở đáng tin cậy cho niềm tin vào sự tái sinh. Ví dụ như, một người sẽ muốn được biết chúng ta sống ở thế giới bên kia như thế nào, chúng ta sống ở đâu, và thực chất tại sao chúng ta tiếp tục sống để cuối cùng lại tái sinh. Ở đây có nhận định rằng công cụ chứa đựng ý thức của chúng ta trong quá trình chết lâm sàng giống như công cụ mà ý thức trú ngụ sau cái chết thật sự, giống như khi chúng ta rời khỏi cơ thể vật lý trong trạng thái ngủ và phiêu du sang cõi cảm dục.
Barbara Cartland luôn có sự quan tâm lớn với các vấn đề bí truyền, và đặc biệt là những vấn đề liên quan đến cuộc sống sau khi chết. Ở trong kiếp sống cuối của bà là nhà hùng biện Edmund Burke, nhà triết học thế kỷ thứ 17 người đã đấu tranh cho rất nhiều mục đích cao quý cho nhân loại.
Chết lâm sàng và trải nghiệm ngoài cơ thể
Khi chết lâm sàng, tim ngừng đập, oxy ngừng lên não và cơ thể bên trong trượt ra khỏi sự hợp nhất với cơ thể vật lý. Kinh nghiệm ngoài cơ thể khi đó có thể xảy ra. Ở trạng thái đó, Jung thấy mình ở hàng ngàn dặm ngoài Trái Đất.
Chương 2
Niềm tin vào Tái Sinh—Belief In Rebirth
Vào năm 1959, một cuộc thăm dò tại Anh Quốc đã chỉ ra rằng 12% cộng đồng sử dụng Anh ngữ có niềm tin vào sự luân hồi. Hai mươi năm sau, con số này đã tăng lên tới 28% khi cuộc thăm dò lại được tổ chức vào năm 1979, khi được đặt câu hỏi về niềm tin vào sự bất tử và tái sinh. Tỷ lệ này có phần thấp hơn ở những người sử dụng Anh ngữ tại Mỹ và Canada. Tác giả tin rằng, vào cuối thế kỷ 20, 50% cộng đồng sử dụng Anh ngữ ở khắp mọi nơi sẽ chấp nhận thuyết tái sinh. Điều đó định hình một phần những công việc của ông là giảng dạy rộng rãi về chủ đề này trong một nỗ lực lớn lao nhằm thay đổi lối suy nghĩ về các vấn đề bí truyền. Dù có nghi ngờ hay không, chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng: hơn một nửa dân số thế giới có niềm tin vào sự tái sinh. Tất nhiên, những con số này ở Phương đông là cao hơn nhiều so với Phương Tây ở thời điểm hiện tại.
Trong tất cả các nghiên cứu khoa học, cùng tất cả những khoản đầu tư khổng lồ trong các viện giáo dục của chúng ta, vẫn còn đó năm câu hỏi lớn vẫn chưa hề có lời giải… những câu hỏi đó vẫn thách thức con người xuyên suốt nhiều thế kỷ:
- Chúng ta là ai?
- Chúng ta đến từ đâu?
- Chúng ta sẽ đi đâu?
- Tại sao chúng ta lại ở đây?
- Tại sao chúng ta phải chịu khổ đau?
Từng học qua bốn trường đại học, cả ở Anh quốc lẫn ở nước ngoài, tác giả chưa bao giờ gặp được trong bất cứ bài giảng nào câu trả lời chắc chắn cho những câu hỏi cơ bản trên. Trong khi vẫn còn nhiều bất ổn, con người khó có thể phát triển một triết lý về đời sống đáp ứng được các yêu cầu chính đáng của họ tạo ra bởi sự căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày.
Tất cả những tôn giáo và những nền văn minh lớn đều biết về sự luân hồi. Một vài tôn giáo tôn vinh và đề cao nó trong lối sống của họ. Một số thì phớt lờ và coi nó không quan trọng, và một số thì tìm cách chối bỏ hết lần này đến lần khác để xóa bỏ nó như một điều nguy hại và có tính chất suy đoán. Xu hướng và quan niệm phụ thuộc rất nhiều vào các linh mục chánh xứ ở từng thời điểm và những khuynh hướng của họ, và liệu giáo lý về sự luân hồi có phù hợp với những tham vọng của họ hay không.
Kinh Cựu Ước có một phiên bản bí truyền hay bình giảng, được gọi là Kabbala. Rất nhiều các giáo sĩ ngày nay vẫn học tập và nghiên cứu Kabbala và coi nó như một tài liệu gốc, và chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi sự uyên thâm và sáng rọi của nó. Kinh nói rằng linh hồn của Cain truyền vào Jethro và rằng linh hồn của Abel đã truyền vào Moses.
Cách diễn tả đặc biệt của kinh Cựu Ước đã giải thích điều đó như đề cập đến những nhân vật như thế được ‘phục sinh’, trong khi thực tế nó đề cập đến quá trình luân hồi, và những người ghi chép lại Kinh thánh đã làm biến dạng chúng cho phù hợp với những nhu cầu của riêng họ, và người ta không thể thu thập trực tiếp từ văn bản rằng luân hồi là một chủ đề trung tâm trong giáo lý Cựu Ước. Nhiều học giả nói rằng, những khái niệm về luân hồi đã quá phổ biến tới mức có ít người sống trong thời điểm đó cảm thấy cần thiết phải đề cập hay luận bàn về nó.
Sự chuyển di của những Linh Hồn—The Transmigration of Souls [2]
Một quan niệm sai lầm phổ biến khác bao quanh toàn bộ chủ đề về luân hồi là sự tái sinh của con người trong những hình hài động vật. Có rất nhiều nền văn hóa và tôn giáo trải qua nhiều thời đại đặt niềm tin vào điều này, giáo lý về sự chuyển di của những linh hồn. Nền văn minh Ai cập cổ đại đã tin rằng linh hồn là bất tử đã đi qua tất cả các chủng loại động vật cho đến khi được làm người, sau đó quay lại nơi nó đến, trở lại qua các giai đoạn tương tự. Cuốn TỬ THƯ của Ai Cập bao gồm những chương được các linh mục tụng đọc để các linh hồn của người chết có thể biểu lộ dưới bất cứ hình tướng nào mà họ thấy phù hợp. Một linh hồn có thể chuyển từ hình tướng này sang một hình tướng khác, đôi khi là trong hình hài của một con cá sấu, một con diều hâu hay một con rắn lớn, một chu kỳ như vậy hoàn thành trong vòng ba nghìn năm. Phần thưởng của một đời sống đức độ được cho là vượt quá tất cả những gì mà một con người mong muốn, và hình phạt của kẻ ác là sự luân hồi linh hồn trong hình tướng những con vật kinh tởm nhất. Họ đã tin rằng sẽ là điều đúng khi cúng tế những con vật mà cơ thể chứa đựng linh hồn của những kẻ xấu xa.
Người ta rất quan tâm tới quan điểm khác biệt hoàn toàn này về sự tái sinh và thường lên án hay ra sức tán thưởng nó. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói rõ ràng rằng Ngài ủng hộ thuyết chuyển di linh hồn này[3]. Bà Alice Bailey không đồng ý và tác giả của quyển sách này cũng thế. Khi đó, tôi đã đặt câu hỏi với người bạn tôi Christmas Humphreys—là chủ tịch hội Phật Giáo của Anh Quốc trong rất nhiều năm và là tác giả của cuốn sách Phật giáo và thiền định—rằng ông nghĩ gì về các phát biểu của đức Đạt Lai Lạt Ma. Ông ấy cũng không đồng ý điều này!
Đức tin và sự bất tử—Faith and Immortality
Chúng ta chỉ có thể đưa ra câu trả lời hợp lý cho năm câu hỏi lớn bằng nhân tố trung tâm, là linh hồn hay là cái Thượng Ngã. Tuy nhiên, theo hầu hết các tôn giáo và nhiều triết gia, bản chất và tương lai của linh hồn (bất tử), giống như năm câu hỏi lớn, được cho là vượt ngoài tầm của lí trí và do vậy, được phó mặc cho phạm trù đức tin.
Chắc chắn rằng, không có một tôn giáo nào dựa trên đức tin nhiều hơn Ki tô giáo và khái niệm về linh hồn và sự bất tử phiêu du bình an trên đỉnh ngọn sóng của mình. Nhưng, như triết gia và nhà thần học Schweitzer đã tìm ra, đức tin Ki tô giáo thật thiếu sót nếu không đặt nền tảng vững chắc trên sự tái sinh. Niềm tin rằng mỗi linh hồn được tạo ra (và không phải luôn luôn tồn tại) và nó được biểu lộ trong mối liên kết với một cơ thể vật lý trong toàn bộ thời gian (bất tử) không thể được chứng minh và tất nhiên là không có cơ sở (như Schweitzer đã tìm ra) và là vô lý, như nhiều người nổi tiếng đã thấy.
Quan niệm Ki tô giáo không thể chống lại thuyết đối lập rằng linh hồn luôn luôn tồn tại và tái sinh trong vô số các cơ thể. Gắn với niềm tin Ki tô giáo là nhiều giáo lý giáo điều, những giáo lý làm cho những ý tưởng rằng chỉ có một kiếp sống trên trái đất này, vượt ra ngoài những gì được coi là hợp lý, thậm chí đối với một số người trong chúng ta, là hoàn toàn trái với đức tin….
“Sự tồn tại của Địa Ngục, Luyện Ngục và Thiên Đường như những trạng thái siêu nhiên của linh hồn; thời gian, địa điểm và phương thức của Phán Xét Cuối Cùng; sự phục sinh của cơ thể và sự khác biệt giữa những cơ thể khi hợp nhất với linh hồn của người được ban phúc và những người bị đày đọa; niềm vui của hạnh phúc vĩnh cửu và đau khổ của địa ngục vĩnh cửu – những giáo điều của Ki tô giáo chính thống đã đi quá xa tất cả những nỗ lực của triết học nhằm chứng minh sự bất tử của linh hồn hoặc quan niệm về đời sống của nó ngoài cơ thể.’
A Syntopicon Quyển I (Encyclopedia Britannica), trang.788
Thêm vào tất cả những điều này là sự thực trong khi Thời đại Song Ngư thúc đẩy các biểu hiện của Ki tô giáo và tu viện, và Thời đại Bảo Bình của chúng ta ủng hộ tri thức tinh thần và biểu hiện nhóm, đức tin dường như đang trên một chặng đường ngày càng khó khăn. Thế hệ trẻ ngày nay không quan tâm nhiều đến đức tin. Chúng muốn được BIẾT những điều thực tế và sau đó tự mình đưa ra đánh giá. Đức tin không đóng vai trò gì trong đó.
Niềm tin chung trong các giáo lý cho rằng con người có một linh hồn bắt đầu với nhà thờ Ki tô giáo. Nó không đóng vai trò gì như thế. Sáu trăm năm trước khi có Ki tô giáo, cả Socrates và Plato đều nói về sự tồn tại của linh hồn và cuộc hành trình dài đầy gian truân của nó hướng tới Chân, Thiện, Mỹ. Socrates nói về linh hồn:
“Khi linh hồn rời bỏ thể xác, nơi nó vừa là động cơ, vừa là người lái, thân thể tan rã và hư hoại như các vật chất khác; linh hồn tự do thoát khỏi sự trói buộc vật lý trong tấm thân, như một nhà tù đối với nó. Nó chu du đến với thế giới vô hình—tới chư thần, sự bất tử và chân lý.”
Bản chất tự nhiên của linh hồn, như trong giáo lý của Socrates và Plato, và trước đó là Pythagoras, đòi hỏi chấp nhận khái niệm luân hồi, trong suốt hành trình dài để đạt đến sự hoàn thiện, linh hồn cần nhiều kiếp sống trên mặt đất để đạt được mục đích của nó.
Phần bất tử của chính chúng ta, linh hồn, đã được nhắc đến trong nền văn minh Hy Lạp cổ xưa là “psyche”, cùng là một từ dùng để chỉ con bướm. Tuy nhiên, tâm lý học ngày nay, mục đích là một nghiên cứu về tâm lý và những hành vi của nó ở mọi cấp độ, là một cái bóng mờ nhạt của những gì nó nên là. Như Eric Fromm nhận xét “Tâm lý học đã trở thành một môn khoa học thiếu sót vấn đề cốt lõi của nó, linh hồn. Nó đã giữ lại môn thần học và lãng quên đi tâm lý học”.
Chúng ta cũng nói về bác sĩ tâm lý “psychiatrist”, từ mà được hợp thành từ hai từ Hy Lạp là tâm lý “Psyche” (the soul: linh hồn) và iatros (bác sĩ: doctor). Ngày nay, có ai dù chỉ trong chốc lát gợi ý một bác sĩ tâm lý thông thường cần xem xét tới bất cứ điều gì liên quan tới cái Ngã bất tử của con người, linh hồn của anh ta?
Vào năm 553 sau Công Nguyên, Đại Hội Đồng Kết Ấn lần thứ Năm của Giáo hội đã ban hành các giáo lý về luân hồi. Khái niệm về linh hồn và mệnh đề rằng nó cần nhiều kiếp sống trên trái đất đều được kiểm chứng bởi các Cha Nhà Thờ, và kết quả là, ý tưởng về linh hồn đã được chấp thuận là hợp lệ, nhưng về định đề rằng con người có thể hoãn lại cho đến ngày mai những gì nên làm hôm nay, và rằng linh hồn có thể tái sinh nhiều lần, được xem là nguy hiểm và vì vậy nó bị nguyền rủa.
Và kết quả là toàn bộ khái niệm về linh hồn trở nên bất định. Nó không còn được hỗ trợ bởi triết lý về sự tái sinh, và ngày nay sự thật là, với hầu hết mọi người, sự tồn tại của linh hồn con người không còn là hiện thực nữa. Thay vào đó, ở khắp mọi của phương Tây, có một khuynh hướng quan niệm rằng mọi thứ dừng lại đột ngột chỉ với hơi thở cuối cùng.
Chương 3
… Từ Ranh Giới mà Chưa Người Lữ Hành nào Quay Trở Lại
… From Whose Bourne No Traveller Ever Returns
Giáo lý Đạo Cơ đốc đã hoàn thành tốt công việc của mình. Giáo lý này đã trình bày về sự tồn tại của thiên đường làm cho tất cả mọi người cùng muốn đến đó, nhưng không ai muốn chết. Thay vào đó, ở bất kỳ nơi đâu cũng có sự sợ hãi lớn về cái chết. Mọi người cứ như là những con đà điểu: họ sợ chết và giấu mình trốn cái chết, thậm chí còn không dám thảo luận về nó.
Có sự mâu thuẫn trong cả lý giải về sự xuất hiện của con người trên Trái Đất và sự rời đi của con người khỏi hành tinh. Chúng ta một mặt thấy vô lý với quan niệm cho rằng “con người sinh ra là ác, là có tội”, do đó việc chúng ta sinh ra đã là tội ác, mặt khác chúng ta nghe nhiều về “cái chết”, “địa ngục” và sự rửa tội gắn với việc chúng ta rời khỏi hành tinh này. Hàng triệu người sống bằng niềm tin vô lý này và bị dọa dẫm bởi điều này đến mức chủ đề về cái chết—một chủ đề có ảnh hưởng lớn và liên quan nhất trên thế giới này—bị gạt bỏ và nói xấu.
Cuối cùng, có những giáo lý vô nghĩa về sự sống lại: về người chết sống dậy trong cơ thể vật lý khỏi các nấm mồ theo tiếng kèn trumpet và những cuộc diễu hành để cứu vớt linh hồn. Chẳng lạ khi rất nhiều người bác bỏ hoàn toàn tôn giáo và bất kỳ lý thuyết siêu hình hay tâm linh nào khi những lời dạy này được ba hoa không?
Asin và sự bất tử— Achilles and Immortality
Nhưng chủ nghĩa vật chất không thể mang đến sự bình yên cho tâm trí. Câu chuyện về Asin đã mô tả một cách rõ ràng về nỗi sợ hãi của những người theo chủ nghĩa vật chất về cái chết, đặc biệt là những người coi cơ thể và bộ óc là một loại máy móc được xây dựng bởi sự tiến hóa. Mẹ của Asin đã dìm đứa con trai bé nhỏ của mình dưới dòng suối nơi những ai tắm mình ở đó sẽ bất tử. Chỗ bà nắm lấy đứa trẻ—gót chân—là nơi nước không bao phủ được. Asin do đó khi lớn lên luôn bị tổn thương ở khu vực gót chân và cuối cùng chịu chấn thương nguy kịch ở vùng yếu nhất của chàng trong một trận chiến. Ngày nay, chúng ta nói về điểm yếu của một người nào đó như là “gót chân Asin’. Từ Hades (địa ngục—theo thần thoại Hy Lạp), Asin nói với Odixe:
‘Không nói chút nào thiên vị cho cái chết; Tôi thà là một nô lệ làm công ăn lương trong nhà một người nghèo nhưng được ở trên mặt đất còn hơn làm vua của tất cả các vua trong cõi chết’
Ở đây chúng ta có manh mối cho ý nghĩa của câu chuyện. Sự tổn thương hay điểm yếu thực sự của Asin là sự ham muốn sống, ham muốn sự bất tử của cơ thể vật lý. Nhưng ham muốn dẫn đến sự bám chấp vào sự sống hình tướng và gây ra nỗi sợ hãi với sự mất đi sự sống, một thực tế không thể tránh khỏi. Những lời nói của Asin làm gợi nhớ những gì những người theo chủ nghĩa vật chất thường nói: “Ở xứ mù, thằng chột làm vua”. Sự sợ hãi cái chết được sinh ra bởi sự thiếu hiểu biết về linh hồn và bản chất thực sự của sự bất tử. “Kẻ mù” là những người theo chủ nghĩa vật chất, “những người bệnh hoạn về tâm linh” mà bà Blavatsky đã nói về họ như sau “Khổ đau là một liều thuốc ân huệ của thượng đế dành cho những tâm linh ốm yếu”. Bà muốn nói rằng không có khổ đau, niềm tin của con người vào vật chất hình tướng sẽ không bao giờ bị phá vỡ. Sự khổ đau trong một cơ thể vật lý khiến cho con người tìm kiếm những sự thay thế, một trong các điều đó là sự bất tử.
Có quá ít sự hiểu biết về giai đoạn tiếp sau khi cái chết đến, dẫn tới việc những lời bàn về nó đã được thần thánh hóa qua nhiều năm tháng. Scocrates đã chọn chấp nhận hình phạt và thực thi uống thuốc độc thay vì trốn thoát khỏi Athen trong khi rõ ràng ông rất dễ trốn đi. Ngay trước khi chết ông đã tái khẳng định niềm tin vào sự bất tử của nhân loại và cho thấy ông đã ở một trạng thái trấn tĩnh và không hề sợ hãi trước hình phạt của thành phố đã xử tội ông.
Mathinawi, nhà thần bí xua đi nỗi sợ hãi về cái chết bằng việc đưa ra dự đoán Kế hoạch Vũ trụ qua những lời sau:
Tôi chết như khoáng vật và trở thành cây cỏ
Tôi chết như cây cỏ và trở thành loài vật
Tôi chết như loài vật và trở thành con người
Vậy tại sao tôi sợ hãi?
Tôi có mất mát gì khi chết đi đâu?
Một lần nữa, là con người tôi sẽ chết đi
Để bay lên với những thiên thần ban phúc:
Nhưng thậm trí khi đã là thiên thần, tôi sẽ vẫn tiếp tục bước đi.
Chúng ta đang đi trên một hành trình. Đây là một hành trình dài. William Shakespeare đã nhắc tới cái chết như là “vùng đất chưa được khám phá bởi những ranh giới mà chưa người lữ hành nào quay trở lại”. Chúng ta hãy cùng đưa phép loại suy này đi xa hơn. Chúng ta hãy giả thử bạn sẽ đi Ngoại Mông trong ba tháng. Bạn sẽ làm gì cho chuyến đi đó? Bạn sẽ chuẩn bị những gì? Một cách tự nhiên bạn sẽ kiểm tra xem liệu hộ chiếu của bạn có cần visa để vào Mông Cổ, bạn sẽ muốn biết liệu bạn có thể làm thư tín dụng ở đó hay không, ở đó cấm những loại tiền nào, liệu ở đó có khách sạn nào phù hợp, bạn sẽ thậm chí quyết định mang đi chút trà Ty-phoo trong trường hợp cần. Đơn giản, bạn cẩn trọng một cách tự nhiên và tiến hành các bước đi cần thiết có được hành hành trình an toàn và tiện lợi.
Vâng, và tất cả chúng ta đang đi trên hành trình này, nhưng xa hơn và chắc chắn hơn. Nhưng chúng ta tìm thấy gì? Chúng ta không dành một nỗ lực nào để tìm hiểu loại luật nào chi phối chúng ta ở nơi mà chúng ta gọi là cái chết. Chúng ta không buồn tìm hiểu loại quy định nào cần phải tuân theo khi chúng ta bước vào lãnh địa của vùng đất đó. Chúng ta giả bộ rằng điều đó sẽ không xảy ra và tự giấu mình khỏi thực tế đó.
Chương 4
Vì sao, Ở đâu, Khi nào và Chúng ta Tái sinh Như thế nào?
Để trả lời những câu hỏi ngay lập tức nảy sinh trong tâm trí của những người đi sâu vào chủ đề luân hồi, cần phải trình bày một bản giới thiệu hay phác thảo sơ lược những yếu tố chung được trích ra từ các giáo lý từ nhiều nền văn minh cổ đại, những yếu tố sẽ chỉ dẫn chúng ta cách thức vượt qua được biên giới để đi vào miền chưa biết, quy luật nào chi phối chúng ta, chúng ta ở đó trong bao lâu, trạng thái tâm thức nào của chúng ta tồn tại nơi đó, và bằng cách nào và khi nào chúng ta được tái sinh trở lại.
Câu trả lời cho những câu hỏi này đã được giảng dạy trong những trường huyền bí của Ai Cập cổ đại—nơi mà mỗi người trong chúng ta, vào thời điểm nào đó, đã từng có một vài kiếp sống. Chúng ta cần phải nghiên cứu những bí ẩn của Hy Lạp và Rome, và xa hơn trước đó, là những thần thoại của Ấn Độ và ngay cả trong cuốn sách Tử Thư Tây Tạng. Dựa trên những giáo lý cổ đại và việc sử dụng những ký hiệu và hình ảnh thích hợp, chúng ta tìm ra rằng từ rất xa xưa người ta đã giảng dạy rằng cuộc sống là vĩnh cửu và không hề có cái gọi là chết, nó chỉ là việc thay đổi trạng thái.
Biểu tượng vòng tròn con rắn Uroborous
Khi còn là một cậu bé, tôi đã lớn lên ở Nam Phi, một vùng đất có rất nhiều loài rắn. Tôi lớn lên và có nhiều hiểu biết về loài bò sát này và những biểu hiện lạ lùng của nó, và nhanh chóng nhận thức rằng trong những giáo lý cổ xưa, biểu tượng con rắn được sử dụng nhiều hơn bất cứ thứ gì khác. Nó đã được tìm thấy trong kinh Cựu Ước, nó là đấng cư ngụ thiêng liêng trong những ngôi đền của sự chữa lành vào thời đại Aesculapiads ở Hy Lạp và vùng Tiểu Á, nó tượng trưng cho vòng dĩ thái ở đáy cột sống trong thần thoại Ấn Độ, cũng như là biểu tượng của sự bất tử trên các Vòng tròn và Chuỗi của Phật giáo bí truyền.
Con rắn ngậm chặt vào chóp đuôi của nó—the uroboruos—là biểu tượng cho tính liên tục của cuộc sống, của sự bất tử, của sự sống vĩnh hằng. Nhưng còn có một ý nghĩa khác nổi lên trong biểu tượng của con rắn. Loài rắn lột bỏ lớp da của nó mỗi năm. Nó phải làm việc này vì nó đã phát triển quá lớn so với lớp da cũ. Trườn ra khỏi lớp cỏ ẩm vào giữa mùa hè, nó nằm trong một không gian thoáng đạt và tắm mình trong ánh nắng mặt trời, sau đó nó nhẹ nhàng lột bỏ lớp da bên ngoài, và có một lớp da mới đã được chuẩn bị ngay dưới lớp da cũ, lớn hơn và vừa vặn hơn với kích thước của nó.
Khi còn là một cậu bé ở Nam Phi đi qua các cánh đồng cỏ, tôi thường đi chân trần trên những mảnh da rắn, và đó là một cảm giác thật kỳ lạ. Điều này đã gợi cho tôi nhớ về một điều mà tôi đã nhận thức được vào năm mười bốn tuổi, khi mà, qua sự tưởng tượng của mình, tôi chắc chắn rằng mẹ tôi vẫn tồn tại khi bà qua đời (bà đã ra đi vì bệnh ung thư giai đoạn cuối).
Biểu tượng con rắn biểu trưng cho việc con người, cũng giống như loài rắn, rời bỏ cơ thể vật lý bên ngoài của mình hết lần này sang lần khác, và tiếp tục sự tồn tại trong lớp vỏ bọc ẩn giấu “bên trong” đã được chuẩn bị kỹ càng.
Cái chết là một ảo tưởng. Cuộc sống là một đường xoắn ốc không gián đoạn và bất tận, hướng đến một sự liên tục và hoàn thiện của tâm thức mà Plato gọi là sự kết hợp của Chân, Thiện, Mỹ.
Xuyên suốt lịch sử, hình ảnh con rắn đã được sử dụng như một biểu tượng của sự tái sinh. Chúng ta thấy nó trong vô số các tác phẩm điêu khắc, trong những bức tranh hội họa và trong những áng thơ, những thần thoại về các vị thần, và trong những kiếp sống của những người anh hùng như Hercules.
Chương 5
Cơ thể con người là gì?—What Is Man’s Body?
Các giáo lý cổ xưa, được chọn lọc từ tất cả các nền văn hóa vĩ đại và các khoa học huyền bí cho thấy cơ thể con người chỉ là lớp da bên ngoài của một thực thể chói lọi, rực rỡ hơn thâm nhập vào nó từ bên trong.
Thể dĩ thái— The Etheric Body
Thâm nhập cơ thể vật lý là một cấu trúc tinh vi hơn được hình thành từ các hạt hạ nguyên tử, được mô tả trong giáo lý Thông Thiên Học, Hồng Hoa Thập tự (Rosicrucian), các nhà Yogi và các trường huyền bí. Đối phần dĩ thái của cơ thể vật lý của con người hoạt động như một đơn vị sinh lý học. Thật ra, người ta khẳng định rằng nó hoạt động như là một cái khuôn cho sự phát triển của thể xác. Các nhà Yogi, không chỉ dạy về triết lý dựa trên sự tồn tại của thể dĩ thái mà còn mô tả vai trò thể này đóng góp vào tổng thể con người và cho biết đây là phương tiện tiếp sinh khí và sức sống cho các cơ quan vật lý của con người.
Họ đã chỉ ra rằng khi chúng ta thở, bên cạnh oxi, chúng ta hít vào một năng lượng gọi là prana. Prana chứa đựng trong các hạt sinh khí được tìm thấy ở trong các không gian nhiều nắng, được lấy vào cơ thể vào thông qua hệ thống hô hấp. Các hạt sinh khí này được chia nhỏ bên trong cơ thể dĩ thái và truyền năng lượng prana vào các sợi chỉ lóng lánh, tế vi, giống như dây, gọi là nadis, rồi từ các nadis truyền dẫn năng lượng vào các trung tâm lực, nơi dự trữ các năng lượng gọi là các luân xa. Thông qua việc kiểm soát các luân xa này và nadis mà các nhà Yogi thể hiện sức mạnh trong việc kiểm soát cơ thể vật lý bằng tâm trí của họ.
Toàn bộ cơ cấu của hệ dĩ thái được điều hợp bởi ba đường giống như con rắn đi qua vùng xương sống của cơ thể con người. Sự phát triển tâm linh là một quá trình dài theo đó các năng lượng dần dần được đưa vào các luân xa và mở các vòng của các cánh theo một hình thức kết hợp, xuất phát từ đáy xương sống đến luân xa/ hoa sen ngàn cánh ở trên đỉnh đầu. Không có một sinh vật sống nào thiếu cơ thể dĩ thái này, và tất cả các sinh vật sống, thông qua các thể dĩ thái của chúng, nằm trong một thể liên tục của vật chất dĩ thái mà thời xưa người ta gọi là anima mundi của Trái Đất.
Thể cảm dục—The Astral Body
Sự việc không dừng lại ở đây. Còn có các thể thanh hơn nằm ngoài cơ thể vật lý. Có các chất liệu cảm dục được gọi là astral. Thực ra, có một hệ cảm dục toàn cầu thâm nhập trong hành tinh của chúng ta và trải dài khoảng 200 ngàn dặm trên bề mặt của không gian bên ngoài, gần như xa tới Mặt trăng. Thể cảm dục của trái đất này có tuổi đời lớn hơn thể vật lý của trái đất vài tỷ năm. Thực chất, trái đất của chúng ta, như chúng ta biết về nó, xuất phát từ các hạt bụi tinh vân của hệ Mặt Trời, lắng lại vào trong xoáy cảm dục này. Con người tồn tại trong phần vỏ cảm dục của thế giới cảm dục hàng tỷ năm trước khi khoác hình hài con người với thể vật lý mà ta thấy như hiện nay.
Rất khó để người Phương Tây nhận thức được khái niệm về chất liệu cảm dục và trí tuệ, tuy nhiên hầu hết mọi người đồng ý với quan niệm rằng có một tinh chất tinh thần. Tiền đề ở đây là có các dạng vi tế hơn của vật chất, từ dạng thô sơ, vật chất vật lý ở thể cứng, lỏng và khí qua đến các thể dĩ thái, thể cảm dục và thể trí, lên tới thể tinh thần và con người có các thể biểu đạt cho từng cõi này. Giống như nước thâm nhập vào đất thành bùn và như chúng ta biết, nước đến lượt nó lại được thâm nhập bởi chất khí, và cũng như thế, khí, nước và các dạng vật chất rắn được thâm nhập bởi các dạng vật chất tinh nhẹ hơn. Sử dụng sự tương đồng này, chúng ta có thể thấy rằng thể cảm dục thâm nhập vào thể vật lý dĩ thái tự nhiên của con người và phát các năng lượng của nó ra bên ngoài.
Thế giới cảm dục được làm bằng chất liệu cảm xúc, và khi một người hay một thực thể có cảm xúc mạnh mẽ, anh ta tạo thêm chất vào sự đậm đặc của thế giới cảm dục. Do đó, thế giới cảm dục được tạo ra bởi cảm xúc hoặc các chất xúc cảm theo nhiều thứ tự hay tầng khác nhau. Chất liệu của thể cảm dục tầng thấp nhất tương ứng với các rung động thấp hoặc tiêu cực ví dụ như tức giận, sợ hãi, ghét bỏ, thống khổ, tham muốn thèm khát và phần nào đó, nó giống như mô tả về thế giới địa ngục như trong một số tôn giáo.
Tương tự như vây, các tầng cao nhất của thế giới cảm dục có thể được gọi là Thiên Đường trong Thiên Chúa Giáo, Miền Cực lạc với người Đạo hồi, Valhalla của người Norsemen, Miền đất Mùa Hè (Summerlands) của người thổ dân Mỹ.
Thể trí—The Mental Body
Thể tinh vi nhất trong cấu trúc của phàm ngã của con người là thể trí của anh ta. Chúng ta đã chụp được ảnh về suy nghĩ hơn tám mươi năm trước. Sự thể hiện của các phóng phát trí tuệ được chụp lại vào những năm 1950 tại phòng thí nghiệm Delawarr ở Oxford, nước Anh của một cựu tư vấn viên y tế.
Thể trí của con người tạo ra các hình tư tưởng thường xuyên. Nó cũng có thể dịch chuyển một phần của nó, như một hình thức năng lượng, từ thể trí của người này sang người kia thông qua kênh dẫn là thế giới thể trí qua hiện tượng thần giao cách cảm
Hào quang con người— The Aura
Các thể thâm nhập này của tâm thức con người cùng nhau tỏa ra thứ mà chúng ta gọi là hào quang (aura) của con người. Hào quang biểu lộ qua các lớp trong một hình dạng như hình một quả trứng, với thể trí ở lớp ngoài, thể cảm dục ở giữa và thể dĩ thái ở trong cùng.
Người Thổ dân Mỹ gốc được cho là chủng tộc có cảm nhận tốt nhất trên thế giới mà người ta biết đến. Tộc trưởng của người Thổ dân Mỹ cũng là một người tiên phong trong kiến thức huyền môn. Ông biết về các hiện thể thâm nhập và sự hòa hợp của chúng tạo thành một tổng thể phàm ngã của con người. Họ miêu tả các lớp của hào quang qua các lớp lông vũ mà họ đeo từ đầu cho đến chân.
Người Thổ dân Mỹ là một ví dụ của sự ảnh hưởng của cung II. Các bộ lạc Thổ Dân, ở giai đoạn đầu, rất sôi nổi, và rực rỡ sắc màu với tình yêu bản năng với thiên nhiên và có nhiều tổ chức bộ lạc, những tổ chức này sau đó bị chia rẽ do sự xâm lược của người Châu Âu và sự ảnh hưởng của chủ nghĩa vật chất. Cơ thể vật lý của họ chủ yếu là cung II, với sự yêu thích rất lớn các loại mũ đội đầu và các đặc điểm tô điểm cơ thể của những cá nhân đó trong xã hội – những người có thể vật lý là cung II.
Người Thổ dân Mỹ cổ là những người còn lại thực sự của lục địa Atlantis. Sự gắn bó của họ với lục địa cực bắc—những người được tin rằng sống ở vùng cực bắc khắc nghiệt với các cơn gió bắc buốt giá nhưng là vùng đất đầy nắng—vẫn còn thể hiện niềm tin truyền thống của họ và kinh nghiệm về các “miền đất săn bắn hạnh phúc” ở trên bầu trời. Mũ đội đầu nhiều lớp và nhiều loại lông vũ của người Thổ dân thể hiện rằng các tộc trưởng của họ biết về hào quang của con người như là các lớp thâm nhập nhau của cơ thể. Để đọc thêm về hào quang, hãy đọc quyển Hào quang của Con người của cùng tác giả.
Nhưng tâm thức của con người không bị giới hạn bởi các thể phàm ngã này. Chúng không tồn tại mãi mãi và bị vứt bỏ đi khi chết. Con người còn sở hữu một linh hồn.
Chương 6
Linh hồn Con người là gì?— What Is Man’s Soul?
Tác giả thấy rằng linh hồn như một điểm năng lượng ổn định mà trong đó những phẩm tính cao nhất của sự nỗ lực ở con người được chuyển giao hết kiếp này sang kiếp khác, từ lần tái sinh này đến lần tái sinh khác. Các nhà thông thiên học phân chia những phẩm tính này thành ba trạng thái tinh thần: Atma, Buddhi và Manas.
Atma, Tinh thần con người, biểu hiện của khía cạnh Ý chí thiêng liêng, được định vị ở cõi Tinh thần. Buddhi là Trực giác, hay là khía cạnh Minh triết của ý thức. Cái tên có nguồn gốc từ tiếng Phạn nghĩa là minh triết. Phản chiếu trong tâm thức, một số mô tả nó như phúc lạc và một số khác như là trạng thái xuất thần. Manas là Hình ảnh trong thế giới hình tướng của Trí tuệ Vũ trụ. Đó là con người thực sự, Tinh thần của Con người. Manas cho phép Con người thể hiện những suy nghĩ trừu tượng, suy nghĩ theo chủ điểm và đa chiều. Nó phân biệt giữa Con người với những sáng tạo thấp hơn.
Sự tăng trưởng và tiến hóa của Linh hồn phụ thuộc vào kho tàng những tinh hoa của kinh nghiệm tinh thần khổng lồ từ tất cả những kiếp sống trên Trái Đất. Sự phát triển của tâm thức không phải một hoạt động dễ dàng để miêu tả và hầu hết những trường phái bí truyền và các tôn giáo có những biểu tượng để mô tả về nó. Linh hồn vô hình thể và được ví như một đóa hoa sen khổng lồ đang trong quá trình khai mở ba lớp cánh hoa của nó.
Một số người cũng ví rằng linh hồn “trẻ” giống như chiếc nụ non, và qua mỗi kiếp sống trên Trái Đất những cánh hoa của nó sẽ dần thức động vào trạng thái mở. Bản chất thiêng liêng của hoa sen đã được ghi nhận khi hình ảnh hoa sen được sử dụng trong những ngôi đền Ai Cập và Hy Lạp cổ đại, cũng như ở Ấn Độ và Trung Quốc. Sự bền bỉ tinh thần của bất cứ một kiếp sống cụ thể nào cũng tạo nên sự tăng trưởng của đóa hoa sen này. Alice Bailey gọi nó là “Hoa sen chân ngã” và liên hệ quá trình khai mở nó với hình mẫu của những hóa thân qua rất nhiều kiếp sống, bước trên những con đường nhất định quanh các dấu hiệu của các cung hoàng đạo, lúc đầu là theo chiều kim đồng hồ, và sau đó theo chiều ngược lại. Tất cả những hoạt động này trải rộng trên một con số biểu tượng 777 kiếp sống đưa người chí nguyện đến một sự khai mở cuối cùng của lớp cánh hoa trung tâm, tiết lộ viên ngọc sáng ở đó vốn biểu hiện ba luân xa (luân xa đầu) cao nhất. Điều này cùng lúc với sự khai mở của con mắt thứ ba, cơ quan tối cao của sự nhận thức tinh thần.
Một sợi chỉ vàng kết nối linh hồn—thường được tượng trưng như một tam giác thẳng đứng bởi bản chất tam phân của các phẩm tính của nó (Atma, Buddhi và Manas)—với những hiện thể phàm ngã. Có một dòng chảy năng lượng tinh thần đi xuống dọc theo sợi chỉ (hay Sutratma) này, liên tục truyền đạt ý nghĩa cho phàm ngã đang bận rộn trong xác thân vật lý.
Ở chiều ngược lại, có sự chuyển giao hữu thức các phẩm chất tinh thần tới linh hồn thông qua việc tập trung vào những vấn đề tinh thần, và đặc biệt khi tham thiền, khi có sự tập trung vào điểm neo đậu của linh hồn, trong các thuật ngữ trần gian, là điểm nằm giữa hai lông mày, trùng với luân xa Ajna, nơi cần có sự kích thích liên tục cùng lúc với luân xa đầu và luân xa tim.
Trong khoa học tham thiền, Sutratma được mở rộng thành một kênh để có sự giao thoa giữa linh hồn và phàm ngã. Một cuộc đối thoại được thiết lập giữa bản ngã thấp và cao. Linh hồn tưởng thưởng cho phàm ngã ngưỡng vọng với tràn ngập những năng lượng tinh thần đi xuống qua kênh này—đôi khi được gọi là cầu vồng nối hay antakarana—và làm tràn ngập hào quang của nó thông qua các luân xa chủ đạo, chủ yếu ở luân xa đầu và luân xa tim.
Có một số đặc tính của linh hồn và những thể của nó khó lòng mô tả, và những đặc tính khác có thể được biểu hiện bằng cách mô tả hay thông qua sơ đồ.
Có nhiều người nói rằng linh hồn biểu lộ chính nó ra bên ngoài thông qua bản chất sâu rốt nhất của chúng ta. Như Robert Browning, kiếp trước của Chân sư người Anh, đã viết như một người trẻ trong bài thơ Paracelsus:
Chân lí hiện tồn trong mỗi chúng ta; nó chẳng hề tăng tiến,
Từ những điều bên ngoài, bất kể điều gì bạn đặt lòng tin.
Một trung tâm tối thượng ở trong mỗi chúng ta,
Nơi chân lý an trú trong sự vẹn toàn; Và xung quanh,
Những bức tường nối tiếp, toàn bộ xác thân này bám lấy,
Sự nhận thức rõ ràng và hoàn hảo này – Đó chính là chân lý.
Một mạng lưới những chướng ngại và những sai lầm thế tục,
Trói buộc, và làm nên tạo ra sai lạc
Thay vào đó, để biết, một cách phù hợp đã mở ra,
Nơi sự huy hoàng bị trói buộc có thể giải thoát,
Nhanh hơn một tia chớp
Linh hồn hay Thượng Ngã?—Soul or higher self?
Mặc dù thường được dùng, “linh hồn” không thực sự là từ tốt nhất để mô tả yếu tố năng lượng, là bản thể cao hơn của Con người. Nó gắn liền với những giáo huấn Thiên chúa giáo cho rằng chỉ có một hóa thân duy nhất, trong đó tất cả những kinh nghiệm từng trải trên trái đất phải/có thể được đồng hóa. Tất nhiên, cả hai điều này đều là không đúng sự thật và không công bằng như những dẫn chứng trong cuốn sách này.
Một thuật ngữ tốt hơn nhiều so với “linh hồn” là “Thượng Ngã”. Khi bánh xe của sự tái sinh ngưng lại và karma cá nhân được giải quyết, con người toàn hảo, bây giờ đây là một người con đích thực của Thượng đế, được ngập tràn trong năng lượng và tâm thức của Thượng Ngã. Đây là ý nghĩa của những gì mà Đức Christ đã nói, ‘Ta và Cha ta (ở trên trời) là Một’. Cha của ngài là Cha của chúng ta mặc dù chúng ta chưa đạt tới sự hoàn hảo mà tất cả chúng ta đều tìm kiếm trên Con đường của sự Hiển lộ.
Hình minh họa cho cuộc hành trình tuần hoàn của một con người khi đi vào và bước ra khỏi mỗi kiếp sống và hành trình của mình thông qua những trạng thái khác nhau của thế giới thiên đường sẽ bổ trợ để làm rõ bản chất trừu tượng của quá trình tái sinh.
- Linh hồn trên cõi của chính nó, cảm nhận sự thôi thúc của “Ý chí biểu lộ” một lần nữa, chuyển một phần của chính nó xuống cõi trí.
- Trong cõi trí, linh hồn làm rung động những hạt nguyên tử trường tồn thể trí, những hạt trường tồn được giữ kín trong và giữa các kiếp sống, những hạt mà sau đó hấp dẫn về nó những nguyên tử thể trí có tốc độ rung động tương tự để tạo thành một vỏ bọc thể trí.
- Tiếp sau vỏ bọc thể trí, linh hồn hoạt động trên cõi cảm dục với những nguyên tử trường tồn cảm dục và, theo một cách tương tự, hình thành nên vỏ bọc cảm dục.
- Những vỏ bọc này giờ đây bay lơ lửng trên một quả trứng đã được thụ tinh của người mẹ, người đã được lựa chọn từ trước bởi chính Linh hồn và các Đấng Cai Quản Karma. Dần dần, phôi thai và thai nhi được chiếm lĩnh, đặc biệt là trong suốt giai đoạn tăng trưởng nhanh khi chồi tứ chi gia tăng sự phát triển.
- Khi đứa trẻ đến tuổi trưởng thành, linh hồn có nhiều cơ hội để đảm bảo sự kiểm soát của nó trên thể xác. Điều này sẽ chịu tác động rất nhiều bởi trình độ xu hướng tinh thần của phàm ngã mà nó chiếm giữ.
- Phàm ngã thể hiện ở một mức độ nào đó mục đích của Linh hồn, khoác thể xác vật lý và rời bỏ nó ở cuối kiếp sống.
- Sau khi chết, tâm thức mất đi những năng lực của thể xác vật lý và lớp vỏ dĩ thái tương ứng với nó, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn trong thể trí-cảm đã được hình thành từ vỏ bọc trí cảm trong suốt kiếp sống.
- Thể cảm dục đã bị loại bỏ và tâm thức được tiếp diễn trên cõi trí trong thể trí, lớp vỏ mà tới đây cũng sẽ bị loại bỏ trong cái được gọi là “cái chết thứ hai”
- Linh hồn đi qua cõi cảm dục và cõi trí trong khoảng năm mươi năm. Cuộc sống trong thể trí-cảm được tiếp diễn trong khoảng 20-25 năm, nhưng sau đó, lớp vỏ cảm dục được giũ bỏ. Có một khoảng dài cho sự sống trong thể trí vào khoảng 25 năm.
- Cái chết thứ hai diễn ra. Những dấu vết cuối cùng của của hình tướng được cởi bỏ, là lớp vỏ thể trí.
- Tâm thức còn lại là tinh thần, chứa đựng những sự kiện phù hợp với Atma, Buddhi và Manas (Ý chí, Bác ái và Trí thông tuệ) đã được biểu lộ trên kiếp sống vừa qua trên Trái Đất. Ở đó, như một đơn vị của năng lượng, đi vào trạng thái thiên đường (Devachan) nơi mà linh hồn bao hàm chúng, tổng hợp những cấu phần tinh thần của Atma, Buddhi và Manas, sau rốt không có của phàm ngã vừa qua còn giữ lại, thậm chí cả ký ức. Linh hồn sống hoàn toàn trong thế giới thiên đường cho đến khi Ý chí Hiện tồn tái khẳng định chính nó và chu kỳ tái sinh lại tiếp diễn.
Devachan
Bản dịch nghĩa theo tiếng Phạn – Tây Tạng là “vùng đất của những vị thần”, nhưng Devachan không phải là một địa điểm, nó là một trạng thái, trạng thái phúc lạc của tâm thức tinh thần trong khoảng thời gian nghỉ ngơi giữa những kiếp sống. Devachan không phải “thiên đường” của nhiều tôn giáo hay Summerlands của các nhà thông linh vốn là những phân cảnh cao nhất của cõi cảm dục. Trong Thuật ngữ huyền bí học, G.de Purucker viết:
“Devachan là sự hoàn thành của tất cả những hi vọng tinh thần chưa hoàn tất của kiếp sống đã qua, và một sự hứng khởi của tất cả những khao khát tinh thần và trí tuệ của kiếp sống đó, những điều mà trong kiếp sống đó đã không có cơ hội để thực hiện. Đó là một khoảng thời gian chân phúc không thể diễn tả nổi và an lạc cho linh hồn mỗi người, cho đến khi kết thúc quãng thời gian nghỉ ngơi và giai đoạn hồi phục năng lượng của chính nó”
Ý tưởng cho rằng Devachan phải đạt được thông qua nỗ lực tinh thần trên Trái đất đã rất xưa cũ. Pinder – nhà thơ trữ tình Hy Lạp cho rằng có một điều kiện tiên quyết của ba sự sống thánh thiện, tất cả trong cơ thể vật chất và sau đó trong thể cảm dục như một bằng chứng cho Devachan:
“Những người đã có ba lần đứng ở bên phía sự chết đã kiềm giữ linh hồn của họ khỏi sự gian ác, du hành qua con đường của thần Zeus để đến ngọn tháp của Cronus, nơi mà những cơn gió đại dương thổi xung quanh hòn đảo phước lành”.
Quan điểm của Thông thiên học về Devachan còn đi xa hơn nữa. Bà Blavatsky khẳng định rằng Devachan cũng giống như một giấc mơ hết sức sống động, một trạng thái ảo tưởng được kinh nghiệm bởi hầu như tất cả mọi người sau khi chết đi:
“Mọi thứ đều là ảo cảm (Maya) bên ngoài chân lý bất diệt, thứ không có hình dáng, màu sắc, cũng không tồn tại một giới hạn nào. Người đã đặt mình ra ngoài bức màn của maya—như các Thánh Sư và các Điểm đạo đồ cao cả nhất— có thể không trải qua trạng thái Devachan. Đối với những người bình thường, chân phúc của họ trong nó được hoàn tất. Đó là một sự lãng quên tuyệt đối sự tồn tại của tất cả những thứ như đau khổ hoặc buồn rầu. Người trong Devachan trải qua chu kỳ ở khoảng giữa hai lần tái sinh được bao bọc bởi những điều mà linh hồn đã khao khát trong vô vọng; và nó ở trong sự đồng hành của tất cả mọi người nó đã yêu thương trên trần gian. Nó đạt được mọi mong muốn của linh hồn. Và do đó, trong suốt nhiều thế kỷ, nó sống một sự tồn tại của hạnh phúc chưa từng có, đó là phần thưởng cho những khổ đau trong cuộc sống trần tục. Nói ngắn gọn, nó đắm mình trong một biển diễm phúc vô tận được chia ngắt bởi những sự kiện diễm phúc còn lớn hơn.” Chìa khóa Thông thiên, trang148.
- Bản dịch của wikipedia https://vi.wikipedia.org/wiki/John_Masefield ↑
- Transmigration chỉ sự tái sinh nhưng khác với reincarnation là trong thuyết transmigration con người có thể tái sinh vào các hình thể động vật thấp kém hơn—ND ↑
- Chúng tôi chưa kiểm chứng được chi tiết này về đức Đạt Lai Lạt Ma—ND ↑