Tâm thức Chân ngã—Egoic Consciousness

Tâm thức Chân ngã

Dịch từ The Science of Seership của Geoffrey Hodson

Từ “Chân ngã” thường được áp dụng cho tinh thần của con người khoác lên mình một thể gọi là thể Nguyên nhân, và được cấu tạo bằng vật chất của cõi thượng trí. Phần cấu tạo này của con người được người Hy Lạp gọi là “Augoeides chói sáng”.

Tất cả những năng lực được hoạch đắc trong ­những kiếp luân hồi liên tiếp[1] trong cõi trí, cõi cảm dục và cõi trần được lưu trữ trong thể Nguyên nhân. [2] Đây là “kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát” [3]mà Đức Christ đã nói đến.

Tiếp xúc với Chân ngã trong thế giới riêng của “Ngài” [4] có thể tiết lộ rằng Ngài đang mô tả tình trạng của mình như sau: “Tôi chẳng thiếu thốn gì. Mọi người và mọi thứ tôi muốn đều ở đây. Tôi tràn đầy ánh sáng, sự sống và quyền năng. Thậm chí không có nơi nào hàm ý sự giới hạn mờ nhạt nhất dưới bất kỳ hình thức nào. Mọi thứ đều hiện diện vĩnh viễn trong tất cả sự viên mãn của nó.

“Bên trong tôi là một trái tim trung tâm mà qua đó ánh sáng, sự sống và quyền năng liên tục tuôn trào; Tôi là trái tim và sự sống. Trái tim là cơ thể—cơ thể là trái tim. Tôi là một đơn vị của tâm thức không có sự phân chia hay kiến thức về sự tách biệt. Bản thể của tôi, vốn là ánh sáng, tỏa sáng như nhau trong toàn bộ sự tồn tại của nó, chỉ biến đổi và thay đổi về cường độ và màu sắc. Trí nhớ và dự đoán không được biết đến. Quá khứ và tương lai chỉ tồn tại trong một hiện tại vô biên. Tâm điểm và chu vi, tâm thức và hình tướng là một”.

Quan sát thông nhãn về Chân ngã trong thể Nguyên nhân của Ngài cho thấy rằng bên trong vẻ huy hoàng không thể diễn tả được ­của sức mạnh phát ra vốn là “các Augoeides chói sáng”, chúng ta “nhìn thấy” ý tưởng về hình dạng con người. Hình dạng của Ngài được xác định rõ nhất ở đầu và vai. Khuôn mặt là một biểu hiện vinh quang của khuôn mặt vật lý của con người đang lâm phàm, đôi mắt rực sáng với sức mạnh và trí thông minh tập trung. Tâm thức sống động linh hoạt, hạnh phúc rạng rỡ, đồng thời bình tĩnh và thanh thản. Những thay đổi trong Ngài xuất hiện dưới dạng những tia sáng và màu sắc rực rỡ. Nhận thức, biểu hiện và hành động là đồng thời. Nhận thức là tức thời, đầy đủ và không giới hạn đối với số lượng “đối tượng” và ý tưởng có thể lĩnh hội được cùng một lúc; vì Chân ngã có thể “trò chuyện” với bất kỳ số lượng người nào cùng một lúc, với mức độ hiểu biết và tập trung hoàn hảo như nhau. Tuy nhiên, có rất ít hoặc không có cảm giác về chú ý đến một hình tướng bên ngoài. Sự sống và tâm thức ­đằng sau tất cả các hình tướng được liên hệ với nhau, không phải bởi sự chuyển động của các rung động như trong nhận thức cá nhân, mà bởi sự nhận thức về sự thống nhất của bản chất. Sự đồng hành đạt đến mức tột đỉnh của nó ở cấp độ chân ngã trong sự hợp nhất hoàn toàn và đồng nhất hóa lẫn nhau.

Các triết học, các nguyên lý và chân lý trừu tượng cũng được lĩnh hội tức thời bằng một quá trình hợp nhất và đồng nhất toàn bộ bản thể với bản chất của chủ thể. Ví dụ, chân ngã biết một sự thật bằng cách trở thành sự thật đó, bằng cách thay đổi trong giây lát thành một biểu hiện sống động của nó. Khi đạt được điều đó, một tia sáng hoặc vụ nổ lớn của ánh sáng và màu sắc xảy ra, và thể nguyên nhân được mở rộng rất nhiều; mãi mãi về sau nó mang dấu ấn của sự thật đó và giữ lại khả năng lặp lại sự bành trướng.

Để hỗ trợ cho sự hiểu biết của chúng ta, chúng ta hãy cố gắng diễn dịch tất cả những điều này thành dạng thức, lấy chân ngã của một học viên huyền bí học cao cấp làm ví dụ. Hãy tưởng tượng một tiêu điểm trung tâm của tâm thức được bao ­quanh bởi một vầng hào quang tỏa sáng, bao gồm các bức xạ ánh sáng. Bên trong tiêu điểm này là một hình người được tôn vinh, trên khuôn mặt của Ngài là biểu hiện của sự ngây ngất và phấn khích, giống như một thiên tài không ngừng bùng cháy với sự linh hứng thiêng liêng.

Bên trong bức xạ, nhiều “hình thể” xuất hiện; các hình thể của con người, đơn độc và theo nhóm, của các phong trào, của ý tưởng của một thánh đường, nhà thờ, nhà thờ Hồi giáo hoặc đền thờ Tam điểm, của các hệ thống giáo dục, triết học, nghệ thuật, hoặc của một trật tự hoặc xã hội. Nhiều thiên thần vĩ đại xuất hiện với tư cách là ­bạn đồng hành và cộng sự của con người bất tử di chuyển một cách uy nghiêm khiến tất cả đều rụt rè.

Trong trường hợp của các nhà huyền bí học cao cấp, các nhân vật rực rỡ của các Chân sư thánh thiện của Thánh đoàn đều có mặt, cùng với [5] các trợ lý thiên thần, những người mà các Ngài và những tín đồ được tham dự trong công việc của các họ.

Tuy nhiên, chúng ta phải liên tục nhắc nhở bản thân rằng ở cấp độ của trí trừu tượng, nơi tâm thức của chân ngã trú ngụ, không có hình thể cố định nào như được biết đến trong các thế giới bên dưới. Mô tả trên chỉ đúng trong mức độ biểu hiện của hình tướng, và không đúng về mặt vô sắc tướng.

Chỉ bản thể của hình tướng tồn tại trong những thế giới cao hơn đó, do đó môi trường hiện tượng của chân ngã bao gồm ý tưởng (ideation) về các nguyên lý, các triết học, các phong trào, siêu nhân, thiên thần, con người và các giới khác của Tự nhiên.

Hơn nữa, tất cả những điều này không phải là môi trường bên ngoài mà là một phần của Ngài, và không tách rời khỏi Ngài về thời gian, không gian và bản chất; Ngài nhìn thấy và biết tất cả mọi thứ trong sự hợp nhất.

Phẩm chất của cuộc sống Chân ngã này được thể hiện trong phàm ngã của những người đủ tiến bộ để thể hiện nó, như một tình yêu bao la dành cho tất cả mọi người, một lòng nhân từ chung, một bản năng hợp tác, chủ nghĩa lý tưởng, lòng vị tha, sự phụng sự, và xu hướng nhìn thấy những nguyên lý đằng sau hiện tượng bên ngoài. Khi khả năng đáp ứng với tâm thức chân ngã tăng lên, những loé sáng của trực giác soi sáng những suy nghĩ của phàm ngã ­và tạo ra một nhận thức tức thời về sự thật, một sự nắm bắt ‘các quan niệm siêu hình và một khả năng ngày càng tăng đối với tư duy trừu tượng.

Ghi nhớ điều này, chúng ta hãy quay lại xem xét thêm về tình trạng của tâm thức chân ngã.

Ý tưởng của tất cả các hình tướng được bao gồm trong nó có mối quan hệ liên tục với chính các hình tướng trong thế giới thấp hơn. Do đó, ánh sáng và sức mạnh từ Chân ngã chiếu sáng và thúc đẩy các ý tưởng, đồng thời chiếu sáng và củng cố một người, nhóm hoặc phong trào trong thế giới bên dưới. Điều này có nghĩa là một Chân ngã cao cấp, chẳng hạn như Chân ngã mà chúng ta đang xem xét, trở thành nguồn cảm hứng và trợ giúp cho rất nhiều người, và gây ảnh hưởng nhanh chóng rõ ràng đối với sự tiến hóa nói chung.

Mặc dù chân ngã liên tục bận rộn như thế trong việc giữ liên lạc với hàng trăm người—và trong trường hợp của một Chân sư là hàng nghìn người, và đối với Đức Chưởng giáo Thế giới là hàng triệu người—và giữ họ trong tác động trực tiếp của tâm thức Ngài, vẫn có “không có sự suy giảm rõ ràng nào về sức mạnh mà nhờ đó Ngài điều khiển và truyền cảm hứng cho các vận cụ cá nhân của Ngài.

Việc hoàn toàn không có các hình thức giới hạn, mệt mỏi hay đau đớn, khiến Ngài tự do thừa nhận sự hiện diện của những vị khách, thu hút vào chính Ngài để chiêm nghiệm, và gửi những làn sóng năng lượng và ánh sáng vào phàm ngã của Ngài trong những dịp khi công việc đặc biệt kêu gọi nguồn cảm hứng được thực hiện bởi con người thể xác, thể cảm dục hay trí tuệ. Một bài giảng, một nhóm nghiên cứu, công việc nghiên cứu, nỗ lực văn học và nghệ thuật, và thiền định hàng ngày, mang đến những cơ hội cho điều này mà Chân ngã không bao giờ không tận dụng.

Ở đây, một lần nữa, chúng ta thấy mình gặp khó khăn trong việc mô tả tâm thức Chân ngã, vì, mặc dù nghe có vẻ nghịch lý, Chân ngã và phàm ngã không phải là hai thực thể riêng biệt, mà là một và giống nhau.

Chân ngã chỉ đưa một “phân mảnh” của chính mình vào hoá thân (lâm phàm), và khi mảnh đó được bao bọc trong “các thể” của vật chất cõi trí, cảm xúc và vật lý, ba thực thể giả được hình thành. Những hạn chế ­do chất liệu tương đối đậm đặc của các cõi thấp áp đặt lớn đến mức nảy sinh khuynh hướng đối với những “con người” trí tuệ, tình cảm và thể chất, những người cùng nhau tạo nên phàm ngã, thoát khỏi sự kiểm soát của Chân ngã, và thể hiện các thuộc tính của vật chất mà chúng một phần được cấu thành, hơn là các thuộc tính của Chân ngã mà chúng bao gồm bản thể của Chân ngã đó.

Sức mạnh, tự do và hạnh phúc được mô tả chỉ áp dụng cho Chân ngã ở cõi giới của chính Ngài và ở những cấp độ cao hơn mà Ngài có thể tiếp xúc. Ở mỗi cấp tâm thức đi xuống các cõi bên dưới, sự mất dần sức mạnh, tự do và hạnh phúc xảy ra. Bản chất của tâm thức chân ngã là, mặc dù có những giới hạn nhất định đối với phạm vi hoạt động của Ngài trong các thế giới thấp hơn, nhưng khả năng tự biểu hiện vốn có của Chân ngã và cảm giác về sức mạnh dồi dào của Ngài không hề bị giảm sút bởi chúng.

Trong thời kỳ Chân ngã ra khỏi luân hồi, Ngài hoàn toàn bất lực trong tam giới. Trong quá trình tái sinh, Ngài xây dựng các thể trong mỗi cõi đó, đó là phương tiện duy nhất để Ngài tiếp xúc, và cuối cùng là làm chủ các cõi giới thấp hơn đó. Trong mỗi thể này, Ngài cho phép một phần sự sống của mình chảy vào, tâm thức của Ngài để tác động, và sức mạnh của Ngài để biểu lộ. Mức độ bản thân mà Ngài đưa xuống như vậy bao gồm một khía cạnh xác định nào đó của chính Ngài—không phải là sự phân chia mà là một khía cạnh (hay phương diện). Nó có thể được mô tả như là một nhóm phẩm chất, một tập hợp các khả năng cụ thể đã thu thập được trong các kiếp trước, khi Ngài hướng sự chú ý của mình về một cõi giới, Ngài tạm thời ý thức được những hạn chế mà cõi giới cụ thể đó áp đặt lên Ngài. Ở một phương diện, hóa thân là một hạn chế, ở mặt khác, nó là một sự mở rộng, bởi vì nó là một lối mở vào một lĩnh vực biểu hiện vượt ra ngoài phạm vi bình thường đối với Ngài ở cấp độ của chính Ngài. Kết quả là những tác động và trải nghiệm đến với Ngài chắc chắn làm phong phú thêm tâm thức của Ngài.

Trong các giai đoạn đầu của quá trình tiến hóa, chẳng hạn như của người man rợ, sự phát triển của các thể trong các cõi thấp kém sơ khai đến mức độ phong phú nhận được từ một lần tái sinh là cực kỳ nhỏ. Do đó, Ngài phát triển một khuynh hướng bỏ qua những trải nghiệm của khía cạnh đó của bản thân đang trong kiếp luân hồi trong chừng mực mà Ngài có thể. Tuy nhiên, Ngài không thể hoàn toàn phớt lờ nó vì Ngài thường xuyên tiếp nhận các rung động từ nó, và cũng ý thức được sự di chuyển của sinh lực từ các cõi cao qua Ngài xuống các hạ thể của mình.

Tình trạng này tiếp tục qua hàng trăm lần tái sinh, cho đến khi đạt đến một điểm trong quá trình tiến hóa mà tại đó các hiện thể cá nhân bắt đầu cống hiến cho Ngài một phạm vi hoạt động ít hạn chế hơn, và những phần thưởng phong phú cho bất kỳ sức mạnh nào mà Ngài đặt vào chúng. Những phần thưởng như vậy bao gồm năng lực bổ sung ở cấp độ của chính Ngài, tăng khả năng làm chủ phàm ngã của Ngài và tăng cường khả năng thể hiện bản thân thông qua mỗi vận cụ của Ngài.

Khi đạt đến giai đoạn đó, sự phân chia giữa trí trừu tượng và trí cụ thể bắt đầu biến mất. Xu hướng ngày càng tăng đối với suy nghĩ trừu tượng xuất hiện trong tâm thức cá nhân. Khả năng vượt lên trên những hạn chế của tư duy phân tích cụ thể được phát triển và khả năng thể hiện các đặc điểm của tâm thức Chân ngã dần dần đạt được.

Khi hiện tượng này trở nên thường xuyên hơn và rõ rệt hơn, Chân ngã và phàm ngã ngày càng chú ­ý đến nhau nhiều hơn. Chơn ngã có được sức mạnh gia tăng để thể hiện mình trong các cõi thấp, được làm phong phú thêm nhờ những kinh nghiệm thêm vốn là kết quả, và nhờ đó đạt được sự tiến hóa nhanh chóng của mình. Đến lượt mình, phàm ngã bắt đầu tìm thấy trong mình nguồn ánh sáng, sự sống, sức mạnh và tri thức không bao giờ cạn kiệt.

Từ thời điểm này trở đi, quá trình tiến hóa được đánh dấu bằng sự kết hợp dần dần của Chân ngã và cá nhân, như sơ đồ 1 của Chương VIII cho thấy, chỉ ra một giai đoạn nhất định trong quá trình tiến hóa.

Cho đến khi đạt đến giai đoạn này, Chân ngã phải liên tục đề phòng nguy cơ mất kiểm soát tạm thời hoặc vĩnh viễn, có thể do sự chi phối của một số thói quen của suy nghĩ, cảm xúc và hành động đã có được trong hàng trăm kiếp sống trong quá khứ. Ngài luôn xung đột với tâm thức đang tiến hóa thông qua vật chất của các thể trí, cảm xúc và thể chất, mà xu hướng tiến hóa của chúng là đi xuống hướng tới các tốc độ rung động thô hơn và các lĩnh vực tự biểu hiện ngày càng dày đặc hơn. Tuy nhiên, nếu những khó khăn này được khắc phục thành công, mối quan hệ chặt chẽ giữa Chân ngã và phàm ngã sẽ tạo ra thiên tài trong thế giới hành động.

Cùng với sự gia tăng phạm vi quyền năng của Ngài ở các thế giới thấp hơn, sự mở rộng tâm thức ­sang thế giới cao hơn thế giới của tư duy trừu tượng bắt đầu. Quyền năng và sự rạng rỡ của cấp độ trực giác và tinh thần soi sáng Ngài, và Ngài bắt đầu lặp lại trong các thế giới đó các tiến trình mà Ngài đã trải qua ở cõi thấp. Ngài tạo những vận cụ mà qua đó Ngài có thể tiếp xúc và thể hiện bản thân ở những cấp độ cao cả đó.

Là một người man rợ, sự phát triển của Ngài đạt được gần như hoàn toàn nhờ tiếp xúc với các thế giới thấp hơn; là một người văn minh, Ngài học cách có thêm quyền năng của tâm thức Chân ngã; với tư cách là một điểm đạo đồ, Ngài bắt đầu rút lui khỏi những thế giới thấp và tập trung tâm thức của Ngài ­vào những thế giới cao hơn; với tư cách là một Chân sư, sự làm chủ của Ngài đối với tất cả đã hoàn tất. Ngài đã học được tất cả những gì mà chúng có thể dạy cho Ngài, và Ngài có thể tự do bỏ họ lại mãi mãi, sống trong các lĩnh vực tâm thức ­mà giới hạn của các cõi giới đó không được biết đến.

Đó là những giai đoạn mà Chân ngã trải qua trong quá trình tiến hóa lâu dài của nó. Mặc dù những gì được mô tả ngắn gọn và rất không hoàn hảo, đó là bản chất của “Người cai trị bên trong bất tử”, bản ngã thật của con người.

  1. Xem chú thích thứ hai của trang 62.
  2. Tham khảo các sơ đồ trong Chương VIII sẽ giúp người đọc nắm bắt được khái niệm này.
  3. Matt. VI, 20.
  4. Nguyên tác dùng “him”, nhưng rất khó dịch sang tiếng Việt, do đó chúng tôi tạm dùng từ “Ngài” để nói về Chân ngã.
  5. Xem cùng tác giả, “The Brotherhood of Angels and of Men” và “The Angelic Hosts”.

Leave Comment