Tổng Quan về tham thiền theo Raja Yoga

(Tài liệu tham khảo cho Chương trình Tham thiền của Trường Morya Federation # 1)

1. GIỚI THIỆU

Lý do mà đôi khi một người bình thường nhìn bề ngoài có vẻ như không có “linh hồn” là bởi vì có một khoảng cách trong tâm thức giữa trí cụ thể của y và Chân ngã tinh thần. Tham Thiền Đông phương hay tham thiền huyền môn được thiết kế để kiến tạo một cây cầu bằng ánh sáng – hay là antahkarana – để nối liền khoảng cách này. Khi hoàn thành, ánh sáng của linh hồn sẽ chiếu sáng xuyên qua tâm thức và giác ngộ sẽ đến. Thiền định tạo ra sự hợp nhất (Unity hay At-One-Ment)

  1. Cần phân biệt giữa Chủ thể suy tưởng, cái trí, và tư tưởng (ITI 105)

a. Một bước quan trọng trong công việc này là hiểu rõ sự khác biệt giữa Chủ thể suy tưởng, bộ máy suy tưởng, và cái được xem xét.

Chủ thể suy tưởng -> Thể trí -> Thế giới

b. Hầu hết mọi người đồng hóa với cái mà họ nhận thức, hay với tư tưởng và cảm xúc của mình.

Tôi là cái Trí -> và là cái mà tôi thấy.

c. Đây là công việc từ bỏ quan trọng. Bạn hãy học để phân biệt giữa:

Chủ thể suy tưởng, Chân ngã, hay Linh hồn – và – Thể trí, hay là bộ máy mà Chủ thể này tìm cách sử dụng

Tiến trình tư tưởng, hay là công việc của Chủ thể trong khi tạo ấn tượng lên thể trí (đang trong trạng thái thăng bằng) về những gì mà Chủ thể suy nghĩ.

Não bộ, đến lượt nó được trí tuệ tạo ấn tượng (trong khi phục vụ cho Chủ thể), để truyền những ấn tượng và thông tin.

Những điểm chủ yếu

  1. Cố gắng tham thiền ở một nơi yên tĩnh. Khi tham thiền tại cùng một điểm hằng ngày sẽ tạo ra một lớp vỏ bảo vệ.
  2. Buổi sáng sớm là thời khắc tốt nhất cho tham thiền.
  3. Hãy biến nơi tham thiền của bạn trở nên đẹp đẽ và đầy hương thơm. Hãy đốt một cây nến để làm tinh khiết bầu không khí ở đó.
  4. Ngồi thoải mái, lưng thẳng đứng trên ghế hoặc trên nền. Mục đích là quên đi thân thể của mình trong khi tham thiền. Giữ đầu thăng bằng một cách thoải mái bên trên cổ, và bạn hãy chắc chắn rằng không có điểm nào căng cứng trong cơ thể hoặc ở hàm của bạn. Giữ đầu bạn ở tư thế sao cho cằm hơi nghiêng về trước.
  5. Thông thường mắt nhắm lại, tuy nhiên có thể hé mở chút ít (nhìn xuống dưới) để giúp giữ cho tâm trí tỉnh táo.
  6. Trong giai đoạn đầu, 15 phút là dư dả để tham thiền. Điểm quan trọng không phải là bạn tham thiền bao lâu, mà là việc tham thiền có thật sự mang đến cho bạn một trạng thái tỉnh thức và hiện tồn nào đó. Năm phút tỉnh thức có giá trị nhiều hơn hai mươi phút ngầy ngật.

 

2. NĂM GIAI ĐOẠN CỦA THAM THIỀN HUYỀN MÔN.

I. GIAI ĐOẠN TẬP TRUNG

Định nghĩa tập trung: tập trung là năng lực gom tâm thức vào một vấn đề cần khảo xét và giữ tâm thức ở đó trong thời gian cần thiết. Đây là phương pháp nhận thức chính xác, và năng lực hình dung đúng đắn, là đặc tính giúp Chủ thể suy tưởng nhận thức được và biết được lĩnh vực cần nhận thức. Cũng có thể hiểu tập trung là chú ý, tức là sự chú tâm chuyên nhất. (ITI 104/5)

Gần như chúng ta làm việc một cách vô ý thức. Chúng ta ăn một cách vô ý thức, uống một cách vô ý thức, nói một cách vô ý thức. Ở giai đoạn này chúng ta hoàn toàn không ý thức được những tư tưởng tiêu cực đầy rẫy trong trí của ta, ảnh hưởng đến mọi việc ta làm. Chúng ta cần học cách ý thức vào thời khắc “hiện tại”. Để làm được điều này chúng ta phải bắt đầu bằng việc tập trung.

Cách tốt nhất để khiến cái trí tập trung là thực sự quan tâm và tập trung vào bất cứ điều gì mà chúng ta đang làm ở thời điểm hiện tại. Điều này tự động sẽ khiến cho nhất tâm chú ý. Tránh mơ mộng vẩn vơ, là trạng thái của cái trí chỉ tỉnh táo một phần khi bạn để cho cái trí tự do trôi dạt. Trong bổn phận trong cuộc sống hàng ngày của bạn, hãy tập trung thường xuyên vào những gì bạn làm và nói.

Có một số phương pháp tham thiền như quan sát hơi thở và thực hành chánh niệm khi đi bộ, vốn được thiết kế để làm yên ổn tâm trí cũng như phát triển tập trung. Những phương pháp này có thể kéo dài toàn bộ thời gian tham thiền, hoặc chỉ là bước sơ khởi của phương pháp tham thiền phân tích.

Sau đây là một cấu trúc thiền đơn giản giúp vào việc tập trung, và là định dạng được đề nghị:

  1. Chuẩn bị.
  2. Chỉnh hợp căn bản.
  3. Thiết lập mục tiêu của việc tham thiền. Ví dụ “để làm giảm bớt đau khổ”.
  4. Tham thiền.
  5. Dâng hiến tất cả năng lượng tích cực tạo ra trong buổi tham thiền cho một mục đích cao cả nào đó.
  6. Xướng lời Đại Khấn Nguyện.

Phương pháp Tham thiền tư duy tuần tự (sử dụng sự tập trung)

Phương pháp tham thiền là xem xét phân tích của một tư tưởng gốc. Để tránh mất tập trung tâm trí, để giữ cho tâm trí tập trung trên tư tưởng gốc, bạn hãy sử dụng kỹ thuật tuần tự suy nghĩ.

Phương pháp: bắt đầu bằng cách tập trung vào tư tưởng gốc. Sau đó chuyển tâm trí của bạn đến những tư tưởng tiếp theo phát sinh từ tư tưởng gốc và tập trung vào đó. Sau đó lại chuyển tâm trí của bạn đến tư tưởng tiếp theo, và tập trung vào đó. Chuyển tâm trí của bạn về phía trước một cách tuần tự, liên kết các suy nghĩ tiếp theo với suy nghĩ trước đó. Bạn đang tạo ra con đường của những tư tưởng, kết nối gọn gàng với nhau. Cần tỉnh táo khi bạn đi đến kết thúc của một tư tưởng và trước khi bạn kết nối với tư tưởng tiếp theo. Đây là lúc mà trí của bạn có khả năng nhất để cố tiếp tục sự dao động không ngừng nghỉ của nó.

Đây là một ví dụ trích từ quyển Từ Trí tuệ đến Trực giác của AAB, trang 230/1

Thượng Đế trông nom tôi.

Ngài là sự sống thiêng liêng trong tôi, là Linh hồn, là Đấng Christ ngự trong tâm.

Từ bao lâu Ngài nhận biết và quán xét tôi.

Nay lần đầu tiên tôi có thể thấy được Ngài.

Đã từ lâu tôi không hề biết trong lòng mình có Thực tại thiêng liêng.

Nay có được mối liên giao trực tiếp,

Dù liên giao này còn hàm ý nhị nguyên.

Nhưng tôi và Ngài là một.

Tôi là Thượng đế và mãi mãi là Ngài từ vô thuỷ,

Nên hằng được Chân ngã trông nom.

Tôi là Chân ngã, Chân ngã chính là tôi.

       Sử dụng bất kỳ chủ đề nào mà bạn thấy thú vị và thực hành kỹ thuật trên. Ban đầu, có thể sẽ hữu ích nếu bạn viết ra những suy nghĩ của bạn. Nếu bây giờ bạn dành thời gian để huấn luyện tâm trí của bạn thực hiện theo quy trình tuần tự suy nghĩ này, nó sẽ rất có lợi cho công việc tham thiền và phát triển cá nhân của bạn.

Một biến thể của kỹ thuật này rất hữu ích khi đọc lên những lời cầu nguyện hoặc những xác quyết mà bạn biết rõ. Đặc biệt , nếu tâm trí của bạn có xu hướng bay nhảy trôi dạt trong khi não và miệng của bạn tiếp tục xướng đọc các từ. Hãy tập trung vào chỉ một từ tại một thời điểm, khi bạn di chuyển trí của tiếp tục. Kỹ thuật này sẽ giúp bạn tạo ra một hình tư tưởng làm cho quá trình đó là rõ ràng và súc tích.

II. GIAI ĐOẠN THAM THIỀN

Patanjali định nghĩa tập trung là giữ tâm thức đang nhận biết ở một phạm vi nhất định, và tham thiền cũng là giữ tâm thức đang nhận biết trong ở phạm vi nhất định nhưng với thời gian kéo dài. Điều này hàm ý  chỉ có  sự khác biệt trong yếu  tố thời gian, và cho thấy rằng cả hai  giai  đoạn đều là  sự kiểm soát thể trí một cách thành  công. (ITI 108)

  1. Hình thức phổ biến nhất của tham thiền sử dụng một tư tưởng gốc, và tập trung tâm trí vào đó nhằm khai mở một chân lý, một thực tại, và để giúp người đạo sinh thóat ra khỏi phạm vi tập trung bình thường hàng ngày của phàm ngã để nhập vào Sự Sống Duy Nhất. Việc nâng cao tâm thức hằng ngày trong buổi tham thiền dần dần sẽ mở rộng tâm thức cho đến khi nó đồng hóa với cái cao hơn.
  2. Mục tiêu là không cho phép cái trí rời bỏ việc tập trung xem xét tư tưởng gốc được chọn. Cái trí buộc phải tập trung và liên tục chủ động suốt toàn bộ buổi tham thiền, suy gẫm về tư tưởng gốc.
  3. Khi cái trí vơ vẩn, bạn hãy lấy lại sự tập trung bằng cách nói những câu như “Tôi đang quan sát”. Điều này sẽ giúp ích cho bạn.

Phương pháp: phân tích tư tưởng gốc bằng phương pháp tư duy tuần tự. Sau đó, khi bạn cảm giác rằng bạn đã hoàn thành việc phân tích của bạn và đạt được một sự hiểu biết tổng hợp của tư tưởng gốc, hãy đi vào giai đoạn nhập định (contemplation).

III. GIAI ĐOẠN NHẬP ĐỊNH

Đến một thời điểm nào đó khi bạn sẽ quyết định bạn đã phân tích tư tưởng gốc đủ cho thời kỳ tham thiền đó. Khi đó bạn dừng suy nghĩ lại, cố ý vượt ra ngoài thể trí – giữ thể trí ổn định, và hình dung và cảm nhận. Hãy tưởng tượng bạn đã liên hệ với Trí Tuệ Đại Đồng (Universal Mind) – với CÁI TOÀN THỂ (Wholeness) (lúc đầu điều này có thể chỉ có trong trí tưởng tượng của bạn). Hãy đồng nhất với Đấng Duy Nhất đó và mở tâm thức ra để đón nhận cảm hứng Thiêng Liêng. Bạn chờ đợi một tư tưởng được cảm hứng bởi linh hồn hoặc một biểu tượng biểu tượng đến với tâm thức. Điều này có thể không xảy ra trong một thời gian hoặc chỉ thi thoảng xảy ra, nhưng hãy kiên trì và cuối cùng nó sẽ bắt đầu đến. Lúc đầu giữ cho giai đoạn này ngắn để tránh “tình trạng lơ mơ.”

Đây là đoạn trích dẫn về giai đoạn này.

Thế nên cái trí, ở trong trạng thái tích cực, linh mẫn và được kiểm soát hoàn toàn, được giữ vững ở mức cao nhất mà nó có thể đạt đến. Bấy giờ trong thể trí xảy ra tình trạng tương tự như tình trạng đã có trong não bộ. Nó được giữ vững với thái độ chờ đợi, trong khi tâm thức của chủ thể tư tưởng chuyển vào một trạng thái ý thức mới, và y trở nên đồng nhất với con người tinh thần đích thực ở nội tâm. ITI 135

(Khi đó) Linh hồn đi vào nhập định. Tâm thức của phàm nhân ngưng hoạt động và hành giả trở thành thực tính của chính mình – là một linh hồn, là một thành phần của thiên tính, ý thức được rằng trong tinh túy mình là một với Thượng Đế. ITI 137

Chiêm ngưỡng có thể được định nghĩa như là sự thấu hiểu trực giác về những nhận thức mà người ta biết là đúng.

Trong thời gian chuyển tiếp này có một phương pháp mới để hiểu biết và tồn tại. Đây có lẽ là một trong những cách đơn giản nhất và thực tiễn nhất để hiểu thế nào là chiêm ngưỡng hay nhập định. Nó là giai đoạn chuyển tiếp mà trong đó linh hồn hoạt động tích cực. Hoạt động này của linh hồn xảy ra trước điều mà chúng ta có thể gọi là nỗ lực hướng thượng.

Thông qua một thành phần, cái toàn thể được tiếp xúc và một sự mở rộng tâm thức diễn ra, với niềm an lạc hoan hỉ. Trạng thái phúc lạc bao giờ cũng đi sau sự nhận thức về sự hợp nhất của một thành phần với Toàn thể. Light of the Soul 34/35

Chúng ta được dạy rằng đây là giai đoạn khó nhất của tham thiền mà chúng ta cần thành thục. Bây giờ chúng ta hãy đi tiếp những giai đoạn khác.

IV. KHAI NGỘ HAY SAMADHI

  1. Trong và ngay sau trạng thái nhập định, linh hồn sẽ cố gắng tạo ấn tượng trên não bộ càng nhiều trí tuệ và tri thức của nó mà não bộ có khả năng tiếp nhận và phản ánh. Ban đầu sự khai ngộ sẽ xảy ra chỉ một giây ngắn ngủi. Một tia chớp nhận thức trực giác, một khoảnh khắc linh thị và khai ngộ và sau đó tất cả biến mất. Cái trí lần nữa bắt đầu để cố hiểu những gì nó đã nhận được. Nó sẽ hiểu những gì nó có thể, sau đó tầm nhìn sẽ biến mất.
  1. Bây giờ cố ý sử dụng trí của bạn để ghi lại những ý tưởng, những ấn tượng, và các ý niệm được truyền đạt đến nó bởi linh hồn đang nhập định, thể hiện bằng những cụm từ, những câu, biến chúng thành các hình tư tưởng và tạo ra các hình ảnh tâm trí rõ ràng.

V. Hứng khởi (Inspiration)

Khi sự khai ngộ đã trở nên thường xuyên, và cuối cùng khi hành giả có thể thực hiện sự khai ngộ này bất cứ lúc nào tùy ý, thì rốt cuộc trọn cả đời sống của y thấm nhuần nguồn cảm hứng bất tận.

3. TRÁNH NHỮNG NGUY HIỂM KHI THAM THIỀN

Nguy hiểm thứ nhất: Sự kích thích quá độ

  1. Khuynh hướng hay khóc, bồn chồn quá mức , quá năng động, chạy lăng xăng đây đó để nói, viết và làm việc dẫn đến sự căng thẳng thần kinh. Không ngủ được.
  2. Sự kích thích quá mức tế bào não (đối với những người dạng trí tuệ) dẫn đến đau đầu, mất ngủ, đến một cảm giác trọn vẹn, hoặc một sự rung động đáng lo ngại giữa hai mắt hoặc ở ngay đỉnh đầu. Đôi khi ghi nhận được một cảm giác ánh sáng chói mắt, giống như một tia chớp đột ngột của sét hoặc điện trong khi nhắm mắt, trong bóng tối cũng như như trong ánh sáng.
  3. Rắc rối trong vùng tùng thái dương (solar plexus) – đối với người dạng cảm xúc: khó chịu, lo lắng và lo âu; có khuynh hướng dễ khóc; đôi khi buồn nôn.

Cách khắc phục: Sử dụng lương tri và thực hành tham thiền cẩn thận và chậm hơn. Nếu vấn đề nghiêm trọng, ngừng tất cả các công việc tham thiền, và tìm lời khuyên từ giáo viên của bạn.

  1. Quá nhạy cảm: Các giác quan làm việc quá mức và các phản ứng nghiêm trọng hơn. Những người đó tiếp nhận các điều kiện vật lý hay tâm linh của những người mà họ sống chung / hoặc “mở rộng cửa” cho những suy nghĩ và tâm trạng của người khác.

Biện pháp khắc phục: tiếp tục công việc tham thiền – nhưng hãy quan tâm nhiều hơn phương diện trí tuệ trong cuộc sống, đến tư tưởng thế giới. Phát triển thể trí.

  1. Kích thích quá độ đời sống tình dục: thường xảy ra đối với những người mà thú tính rất mạnh mẽ, người đã sống một cuộc sống tình dục tích cực và thiếu kiểm soát, hoặc tư tưởng vẫn gắn quyện với với tình dục ngay cả khi đã kiểm soát được đới sống vật chất. Khi đó, năng lượng tuôn vào trong khi tham thiền sẽ đổ xuống bộ máy và kích thích toàn bộ các cơ quan sinh dục.

Những người khác tin rằng đời sống độc thân phải luôn đi cùng với đời sống của tinh thần, và điều này không nên. Nếu người đó không phải là người tiến hóa cao và thú tính vẫn còn mạnh mẽ, sự đè nén này dẫn đến rắc rối nghiêm trọng. Người học viên thực sự của pháp môn tham thiền không sống cuộc sống với quan hệ tình dục bừa bãi hay không chính đáng, nhưng không có gì tội lỗi trong hôn nhân và trong quan hệ tình dục bình thường.

Cách khắc phục: kiểm soát và chuyển hóa đời sống tư tưởng. Vun bồi một sự quan tâm, một mối bận tâm tinh thần mãnh liệt trong các chiều hướng khác so với con đường ít trở lực nhất  là hệ tình dục. Luôn luôn nỗ lực giữ năng lượng tiếp xúc được trong đầu và cho phép nó biểu hiện ra ngoài thông qua một số loại hoạt động sáng tạo nào đó.

Nguy hiểm thứ #2 – Ức chế thể trí  

  1. Thể trí là một hình bầu dục, bao quanh thể xác và phần nhiều ló ra ngoài thể xác. Những hình tư tưởng đủ loại (là những gì chứa trong thể trí hành giả và tư tưởng của những người chung quanh) đang liên tục luân chuyển trong hình bầu dục đó. Nhưng một số người, nhờ năng lực ý chí … trực tiếp ức chế tiến trình hạ trí. Sự ức chế này có tác dụng trực tiếp đến bộ não của xác thân và đây là nguyên nhân của phần lớn sự mệt mỏi sau khi tham thiền. Nếu cứ tiếp tục dồn ép như thế, nó sẽ gây tai họa cho hành giả. Tất cả những người mới tập thiền ít nhiều gì cũng có làm điều này, cho đến khi họ học cách để chống lại điều đó.

Qui luật: huấn luyện tâm trí để tập trung bằng cách làm theo phương pháp tuần tự suy nghĩ của việc tập trung suy nghĩ đã đề nghị trước đây.

  1. Một số người có tính chất quá phân cực trên cõi trí đến đỗi họ đứng trước nguy cơ bị cắt đứt liên lạc với hai thể dưới. Nếu tâm thức nội tại không xuống thấp hơn cõi trí và bỏ bê thể tình cảm và thể xác, thì có hai hậu quả xảy ra. Hai hạ thể này sẽ bị bỏ mặc và vô dụng, không đạt được mục đích. Theo quan điểm của Chân ngã thì chúng đang suy nhược và chết dần, còn thể nguyên nhân thì không được kiến tạo như mong muốn và thế là phí thời gian. Thể trí cũng trở nên vô dụng, chỉ chứa đựng những sự ích kỷ, không giúp ích được ai và giá trị kém cỏi – một người mơ mộng mà không bao giờ thực hiện điều mơ ước, một nhà xây dựng chỉ dự trữ vật liệu mà không bao giờ dùng đến, một nhà viễn tưởng mà các viễn ảnh của y không giúp ích gì cho thần thánh hay con người, thì đó là một mối trở ngại trong đại cuộc. Y đang lâm vào nguy cơ rất lớn là bị suy nhược.

Cách khắc phục: nỗ lực để biến tất cả những kinh nghiệm tinh thần, khát vọng và nỗ lực thành hiện thực trên cõi trần, dùng thể trí kiểm soát hai thể thấp và làm biến chúng thành công cụ của các hoạt động sáng tạo và trí tuệ của mình.

Nguy hiểm thứ #3: Đi vào trạng thái mơ mộng xúc cảm hoặc Trống Không thụ động (passive blankness)

Một hiện tượng gần đây là việc cố tình “đi vào khoảng trống không”, thực chất là để tâm trí mơ mộng vẩn vơ, vật vờ không định hướng. Nếu kéo dài, nó có xu hướng làm cho con người trở thành người không thực tế, bất lực và thiếu hiệu quả trong công việc hàng ngày. Cuộc sống của y ngày càng ít hữu ích hơn cho chính y hoặc cho người khác. Y sẽ tự thấy mình ngày càng sống trong những tưởng tượng vô lý và những biến động tình cảm. Trong mảnh đất như thế, cỏ dại tự ngã dễ dàng nảy mầm, và năng lực thông linh thấp dễ phát triển.

Một biến thể khác là Sự lăp lại Vô tâm. Người ta có thể dễ dàng tạo ra trong bản thân mình tình trạng thôi miên bằng cách lặp đi lặp lại lại một số từ nào đó theo nhịp điệu. Đây không phải là mục tiêu của chúng ta. Tình trạng hôn mê hoặc tự động rất nguy hiểm.

Biện pháp khắc phục: Không thực hành những phương pháp này. Tránh tình trạng “đờ đẫn”. Hãy tỉnh táo. Liên tục khẳng định “Tôi đang quan sát.” Một cách bảo vệ khác là tập trung vào não bộ của bạn ở cuối giai đoạn tham thiền, và lướt qua những chi tiết của buổi thiền. Nên giữ trí của bạn luôn luôn tỉnh táo và nhận biết được những gì đang làm. Một quyển sách tuyệt vời giúp phát triển một phương pháp tham thiền tốt là quyển “Thiền Phật giáo” (Buddhist Meditation) của Samdhong Rinpoche. (LH)

Những nguy hiểm khác:

Cố gắng khơi hoạt Kundalini: tham thiền quá lâu, quá mãnh liệt, hoặc cố ý để khơi hoạt kundalini từ luân xa đáy cột sống, có thể khiến luồng xà hỏa đi lên trước khi cơ thể có thể xử lý được. Nó sẽ tàn phá cơ thể và tế bào não, gây ra điên loạn. Điều này có thể gây trở ngại cho công việc huyền linh nhiều kiếp sống.

Cách khắc phục: không bao giờ cố thử khơi hoạt kundalini. Không tham thiền mãnh liệt lên bất kỳ luân xa nào. Luân xa sẽ khai mở một cách tự nhiên thông qua lập hạnh và tham thiền.

Sinh viên phải học cách phân biện. Thế giới ảo tưởng đầy rẫy các hình tư tưởng của các vĩ nhân như đức Christ hoặc từ những người với “thông điệp tinh thần”, và khi con người – qua bản chất thông linh của họ, tiếp xúc một hình tư tưởng như thế và nhầm lẫn nó là sự thật, họ đã rơi vào ảo tưởng. Khi đó họ dễ kiêu căng, tưởng tượng mình siêu việt về tinh thần, nhưng không đúng như thế. Chỉ khi nào chúng ta đang bận rộn với việc phụng sự quên mình thì chúng ta mới có được sự tiếp xúc như thế.

Cách khắc phục: Bổn phận chính của mọi người chí nguyện là thực hành hoàn chỉnh công việc tham thiền, phụng sự, và trì giới, chứ không phải là tiếp xúc với đấng cao cả nào đó.

Qui luật này cũng áp dụng cho kỹ thuật “Ngồi để phát triển”. Tham thiền ở một điểm nào đó “cao ở trong đầu” sẽ giúp tránh được những phương pháp thiền vào luân xa tùng thái dương vốn làm gia tăng ảo cảm.

Tổng quát – nếu xảy ra vấn đề khó khăn:

Ngừng thiền ngay lập tức. Thực hiện các bước để tăng cường các thể — thể xác thông qua tập thể dục, ánh nắng và thiên nhiên; thể dĩ thái thông qua ánh sáng tím. Thanh lọc thể cảm xúc thông qua âm nhạc, nghệ thuật gây cảm hứng, và tập trung vào sự mỹ lệ; thể trí thông qua các bài tập tinh thần và sự tập trung. Đừng bắt đầu tham thiền lần nữa cho đến khi sức khỏe đã được khôi phục, trí tỉnh táo, mạnh mẽ và có khả năng tập trung. Tiến hành chậm rãi và cẩn thận trong việc tham thiền. Xem xét các hiệu quả. Hãy biết rằng vĩnh cửu là rất dài và cái được xây dựng từ từ sẽ tồn tại mãi mãi.

 

Leave Comment