Từ Con Đường Dự Bị đến Con Đường Đệ Tử , Hành Trình Tâm Linh của Người Chí Nguyện

TỪ CON ĐƯỜNG DỰ BỊ
ĐẾN CON ĐƯỜNG ĐỆ TỬ

HÀNH TRÌNH TÂM LINH CỦA MỘT NGƯỜI CHÍ NGUYỆN

****

Tiểu Luận Năm I

Quest Universal I

Hà Nội 12//12/2020

Bùi Thị Kim Thư

MỤC LỤC

MỤC LỤC 2

MỞ ĐẦU 4

Phần I. HUYỀN BÍ – NGOẠI MÔN VÀ NỘI MÔN 8

Tâm lý học ngoại môn 9

Tâm lý học nội môn 9

Chiêm tinh học ngoại môn 10

Chiêm tinh học nội môn 10

Y học ngoại môn 11

Y học nội môn 12

Giáo dục học ngoại môn 13

Giáo dục học nội môn 13

Phần II. MỘT SỐ ĐỊNH LUẬT TÁC ĐỘNG 15

Định luật Hy Sinh 17

Định Luật Phụng sự 26

Định Luật Phụng sự là một trong bảy Định Luật của Linh hồn 26

Phương pháp phụng sự 28

Phụng sự trong NGWS 29

Phần III. CON ĐƯỜNG DỰ BỊ VÀ CON ĐƯỜNG ĐỆ TỬ 31

Phần IV. ĐIỂM ĐẠO VÀ ĐIỂM ĐẠO LẦN THỨ NHẤT 45

Điểm đạo là gì 45

Điểm đạo lần thứ nhất 48

Phần V. KIỂM LẠI BẢN THÂN NGƯỜI CHÍ NGUYỆN TRÊN CON ĐƯỜNG DỰ BỊ, TRỞ NGẠI VÀ THUẬN LỢI 54

Phần VI. XÂY CẦU ANTAHKARANA 63

A. Con người tạo ra sợi dây sáng tạo (sáng tạo tuyến–creative thread) nối liền ba thể của phàm ngã với linh hồn như thế nào? 67

B. Tìm hiểu tác động đến xây cầu Antahkarana của các bài tham thiền 72

C. Phát triển khả năng trừu tượng 76

D.Yếu tố ý chí 77

E. Biết cung chân ngã và cung phàm ngã của mình. 78

F. Rối trí và nản chí 78

Phần VII. MỘT SỐ YẾU TỐ TRONG BIỂU ĐỒ CHIÊM TINH 80

Về cung Mọc Hổ Cáp 83

Phần VIII. NHỮNG PHỤNG SỰ BẢN THÂN ĐÃ THỰC HIỆN 86

Phần IX. HIỂU VÀ THỰC HIỆN 6 QUY LUẬT TRÊN ĐƯỜNG ĐẠO 91

MỞ ĐẦU

Đặt vấn đề: Tôi là Bùi Thị Kim Thư trong kiếp sống hiện tại, hiện đang theo học QU1 chi nhánh Việt Nam của Morya Federation. Về mặt cá nhân, theo lịch sử phát triển, tôi hình dung mình đã có quá khứ tiến hóa qua hơn 18 triệu năm về trước, từ khi là người thú thuộc giống dân Lemuria, rồi được Đấng Thái dương Thiên Thần “cấy” tia trí tuệ vào mình và tôi được biệt lập ngã tính. Nghĩa là nếu chia theo 5 nhóm linh hồn thì chân ngã của tôi thuộc nhóm thứ nhất nhóm các Chân Ngã Lemuria của Nhân Loại Địa Cầu thật sự của chúng ta [1]; sau đó lại trải qua các kiếp của giống dân thứ tư Atlantic, cứ thế cứ thế đến ngày nay thuộc giống dân thứ năm Aryan nhưng tâm thức vẫn có sự pha trộn của tâm thức Lemurian về vật chất, Atlantean về cảm xúc tình cảm và Aryan về trí tuệ. Đấy là về mặt con người. Thậm chí trước đó nữa tôi còn trải qua quá trình tiến hóa từ những giới tự nhiên khác rồi mới lên người thú như trên tôi đề cập (dùng chữ TÔI trong trường hợp tôi chưa là con người thì coi như một hiện tượng nhân cách hóa và tưởng tượng). Nghĩa là đằng sau con người tôi trong hiện tại là cả bao nhiêu triệu năm luân hồi với mức độ tiến hóa tương ứng và cụ thể nào đó. Tôi không biết gì về các kiếp trước của mình, thậm chí không quan tâm khi có ai đó có ý định giúp tôi trở về tiền kiếp, phần vì tôi nghi ngờ họ không có khả năng “đa số những lời khẳng định về tiền kiếp thì ít có khả năng đúng thực”, “khả năng thấy trực tiếp các ký ảnh nếu muốn: lối thu thập sự hiểu biết này ít khi được dùng, trừ trường hợp các điểm đạo đồ và các bậc toàn thông thực hiện liên quan đến các đệ tử hữu thệ của mình[2], phần vì tôi không có ý tò mò, chỉ cần biết kiếp sống hiện tại và biết một chút về các kiếp tiếp theo trên cơ sở phân tích về cung mọc trong lá số chiêm tinh của mình là đủ.

Tôi đang học MF từ gần 4 năm nay. Trước đó tôi không biết gì về tâm linh ngoại trừ tham dự một khóa học về “Tìm lại chính mình”, một ít khóa thiền ngắn ngày và chủ yếu tự luyện tập để có trải nghiệm về Thiền động Osho, Thiền quan sát thân tâm Vipassana, Thiền Kim cang, … Cho tới tháng 1 năm 2017 tôi được nhận vào học khóa thiền cơ bản MQ của MF Việt Nam. Năm 2018 tôi học khóa GQ1, năm 2019 học khóa GQ2. Trong ba năm ấy, tôi đã hoàn thành tất cả các bài Phúc trình theo yêu cầu của nhà trường bao gồm: 12 bài MQ (và tự nghiên cứu, tham thiền thêm 6 bài MQ -13 đến MQ-18); 12 bài GQ1, 12 bài GQ2, và hoàn thành hai Tiểu luận DHY của GQ1[3] và GQ2[4]. Tôi ít quan tâm và thiếu hiểu biết về lịch sử nước mình, nên chọn nhân vật Phật Hoàng Trần Nhân Tông để phân tích lá số chiêm tinh của Ngài. Tôi không biết gì về Thiên chúa giáo với kinh Cựu ước và Kinh Tân ước, nên chọn phân tích ảo cảm tôn giáo của một nhân vật “thần bí” để qua đó có điều kiện tìm hiểu về kinh Tân ước, một cuốn sách thuộc ba cuốn được chỉ dẫn là cần đọc khi mới vào học “Có ba quyển sách mà mọi môn sinh đều cần nghiên cứu đó là Chí Tôn Ca, Kinh Tân ước và Yoga Điển tắc[5]. Tôi đã viết bài chia sẻ và được Thày cho đăng trên trang Minh triết thiêng liêng [6] sau khi học MF được 18 tháng, và sau khi học MF được ba năm [7].

Sang năm 2020, theo học QU tôi được học Cấp độ 1. Có những nội dung tham thiền, nghiên cứu lặp lại thời còn học MQ, GQ1, GQ2 nhưng ở mức độ sâu hơn. Tôi đã hoàn thành 12 bản phúc trình theo chế độ học full time và nghe lời chỉ dẫn của Thày “Học QU là quá trình bước theo con đường phụng sự của Chân sư”. Tôi có cố gắng trong việc thanh tinh luyện các hạ thể, rèn theo năm giới răn, thực hành với 8 phương tiện của Raija Yoga, nhưng về thực chất, tôi còn rất hạn chế trong hiểu biết, vì khối lượng kiến thức của QU rất đồ sộ. Mỗi lần làm phúc trình, tôi chỉ chọn một câu trong 10 câu hỏi để trả lời và tập trung ở đó, còn kiến thức liên quan đến 9 câu còn lại, tôi chỉ đọc qua chứ không có giờ nghiên cứu kỹ. Đặc biệt, tôi rất lơ mơ về con đường đạo và những vấn đề cốt lõi của nó, nên làm Tiểu luận DHY của QU1 nửa năm cuối này là một dịp thuận lợi. Tôi muốn nghiên cứu toàn cảnh, tìm hiểu và vận dụng giáo lý Minh triết thiêng liêng[8], để tự hình dung cá nhân tôi trong quá trình tiến hóa tiếp theo, từ chỗ trải qua hàng triệu kiếp sống từ các giới thấp, đến khi là con người ứng với một điểm linh quang của thượng đế…như trên đã đề cập cho đến hiện tại được theo học MF mấy năm thì rồi tương lai tiếp theo tôi cần nắm được những gì nữa để có thể vững bước trên con đường vinh quang mà mình lựa chọn: hướng theo cuộc sống tinh thần, bước đi theo các Chân sư phụng sự nhân loại, phụng sự Thiên cơ vinh quang và tuyệt đẹp.

Tôi viết Tiểu luận Tổng hợp mang tên “Từ Con Đường Dự Bị đến Con Đường Đệ Tử–Hành trình tâm linh của một người chí nguyện” với mục tiêu là kiểm lại những điểm yếu kém và non nớt của mình và nghiên cứu tìm hiểu để có cơ sở tiếp tục phấn đấu trên đường đạo. Tôi hy vọng qua việc làm DHY, tương tự như những Tiểu luận của hai năm GQ1 và GQ2, tôi sẽ được bổ sung kiến thức về MTTL trong một số mảng liên quan đến các chủ đề tư tưởng của khóa học QU1. Cách trình bày trong từng phần là nhận thức của tôi về mặt lý luận trên cơ sở nghiên cứu giáo lý của Chân sư D.K. và các đệ tử của Ngài, đồng thời lồng vào đó là liên hệ bản thân trong mối liên quan đến từng nội dung tư tưởng. Điều này tôi thường làm trong suốt gần 4 năm học qua bởi tôi nghĩ, sách của Chân sư của đệ tử và mọi tài liệu của nhà trường đưa ra, dù là tiếng Anh hay tiếng Việt, đều thể hiện như những “hình tướng”, “sắc tướng” bên ngoài. Nhưng tôi coi chúng thực sự là “Gậy chống” dù tôi hiểu được chút ít hoặc hoàn toàn chưa hiểu. Vấn đề là tôi sẽ hiểu thế nào về cái ẩn ý bên trong những câu chữ đó, và tôi sẽ đi theo cụ thể là cần làm những gì với cái “Gậy chống” ấy trên con đường tu tập, trên đường đạo mà tôi còn rất mơ hồ.

Trước khi đi vào phân tích từ con đường dự bị đến con đường đệ tử và hành trình tâm linh của tôi, tôi xin khái lược về sự huyền bí – ngoại môn và nội môn trên một số góc độ có ảnh hưởng đến quá trình học hành, tu luyện của mình. Tôi sẽ đề cập đến một vài định luật thiên nhiên và định luật của linh hồn – đặc biệt là những định luật thường xuyên tác động lên bản thân nhưng lâu nay tôi chỉ nhắc đến theo tên gọi qua câu chữ ở bên ngoài. Tiếp đó, tôi sẽ lần lượt đi vào các phần tiếp theo. Nghĩa là toàn bộ Tiểu luận bao gồm:

MỞ ĐẦU

Phần I. HUYỀN BÍ – NGOẠI MÔN VÀ NỘI MÔN

Phần II. MỘT SỐ ĐỊNH LUẬT TÁC ĐỘNG

Phần III. CON ĐƯỜNG DỰ BỊ VÀ CON ĐƯỜNG ĐỆ TỬ

Phần IV. ĐIỂM ĐẠO VÀ ĐIỂM ĐẠO LẦN THỨ NHẤT

Phần V. KIỂM LẠI BẢN THÂN NGƯỜI CHÍ NGUYỆN TRÊN CON ĐƯỜNG DỰ BỊ, TRỞ NGẠI VÀ THUẬN LỢI

Phần VI. XÂY CẦU ANTAHKARANA

Phần VII. MỘT SỐ YẾU TỐ TRONG BIỂU ĐỒ CHIÊM TINH

Phần VIII. NHỮNG PHỤNG SỰ BẢN THÂN ĐANG THỰC HIỆN

Phần IX. THỰC HIỆN 6 QUY LUẬT TRÊN ĐƯỜNG ĐẠO

Phần X. Đề án thứ hai (trình bày 27 mục đích của 9 nhóm hạt giống của NGWS) đối với môn 170 thực hiện vào tháng 12/2020

KẾT LUẬN

————————————————–

Phần I. HUYỀN BÍ – NGOẠI MÔN VÀ NỘI MÔN

Huyền bí: mang ý nghĩa của “Huyền linh học” (Esotericism) và “Huyền bí hoc” (Occultism) biểu thị cho những điều bị che khuất khỏi tầm nhìn thông thường, tức là quan tâm đến thế giới tinh vi hơn của năng lượng mà tất cả những thứ bên ngoài tạo thành bức màn và che giấu. Lực lượng huyền bí chính của con người là linh hồn.

Huyền linh học và Huyền bí học giải quyết mặt không nhìn thấy của tất cả những gì hữu hình, với thế giới năng lượng ẩn sau thế giới hiện tượng do đó ám chỉ những điều bí ẩn. Chúng trình bày một cách có hệ thống và toàn diện về cấu trúc năng lượng của Vũ trụ và về vị trí của con người bên trong nó. Nói cách khác, đó là sự nghiên cứu toàn thể thiên nhiên, thay vì chỉ có một phần chật hẹp nằm trong lĩnh vực nghiên cứu của khoa học hiện thời, từ đó có quan điểm bao quát sâu rộng, chú trọng đến thế lực ở các cõi ngoài cõi nhân gian mà người duy vật không sao nhìn thấy cách thức tác động, rồi từ đó giúp cho con người có thể uốn nắn đời sống của mình cho phù hợp với toàn thể luật trời, thay vì chỉ thỉnh thoảng thuận theo một phần nhỏ nhoi.

Chúng ta, những học viên của MF đang tiếp cận với MINH TRIẾT THIÊNG LIÊNG trình bày tri thức trực tiếp về Thượng đế mang tính chất Huyền linh học. MTTL là tri thức chung có tính chất khoa học cho mọi tôn giáo. Nó truyền bá cho con người tri thức về Linh hồn và Ảnh hưởng của linh hồn qua Raija Yoga, giúp điều phục thể trí và kiểm soát trí tuệ, trợ giúp nhân loại tiến hóa trên con đường hợp nhất với Linh hồn, với Chân thần và trở về hợp nhất với Thượng đế. MTTL truyền bá một cách phổ thông những Chân Lý diệu huyền về Vũ-trụ, nhân sinh trải qua các thời đại, dạy những định luật cai quản thế gian như luật LUÂN HỒI, NHÂN QUẢ, HY SINH, TIẾN HÓA và gieo vào lòng người một ý niệm khoan dung, bác ái, tức là tình HUYNH ĐỆ ĐẠI ĐỒNG bởi tất cả là một SỰ SỐNG DUY NHẤT mà Thượng đế đã tạo lập. Hệ tư tưởng của MTTL là một sự tổng hợp rộng lớn và bao gồm tất cả của các chân lý, bằng phương pháp nghiên cứu rất hợp lý về Thượng đế, Vũ trụ, Con người và những mối quan hệ của họ với nhau, nên nó có thể giúp cho môn sinh hình dung được để vươn lên những nấc thang tiến hóa sắp tới, mình phải thực hiện những gì. MTTL dạy ta, theo một cách hoàn toàn rõ ràng và xác định, những phương pháp để đạt được tri thức trực tiếp bằng việc khai mở tâm thức thiêng liêng, và bằng việc phát triển các cơ quan mà nhờ đó tâm thức ấy có thể hoạt động trên trần gian của chúng ta – đó là các phương pháp tham thiền và một đời sống giới luật. Nhờ vào tham thiền và giới luật, ta mới có thể từ từ thúc đẩy sự tiến hóa của mình xa hơn về phía trước so với sự tiến hóa bình thường.

Tâm lý học ngoại môn[9]

Tâm lý học ngoại môn khám phá các quy trình tâm thần và hành vi, bao gồm những khái niệm như tri giác, nhận thức, chú ý, cảm xúc, trí tuệ, trải nghiệm chủ quan, động cơ, chức năng não, và nhân cách; mở rộng ra những lĩnh vực về giao tiếp con người. Từ đó đánh giá tâm lý và trị liệu cho các vấn đề về sức khỏe tâm thần, và trực tiếp hỗ trợ cho việc nắm bắt và xử lý những vấn đề thuộc về hành vi và hoạt động của con người. Phần đông những nhà tâm lý học có liên quan đến vai trò trị liệu, điều trị lâm sàng, tham vấn hoặc làm việc trong trường học. Nhiều người khác thực hiện nghiên cứu khoa học về các chủ đề liên quan đến quy trình tâm thần và hành vi, thường làm việc trong những khoa tâm lý học trực thuộc các trường đại học, hoặc giảng dạy và đào tạo tại các môi trường học thuật khác (như trường Y hay Bệnh viện). Một số làm về tâm lý học nghề nghiệp trong các tổ chức, công ty; hoặc trong những lĩnh vực khác như tâm lý học phát triển và lão hóa, tâm lý trong thể thao, tâm lý trong y học cộng đồng, tâm lý trong truyền thông đại chúng, tâm lý trong lĩnh vực pháp y.

Hiện nay vì chưa hiểu và chưa chấp nhận rằng hình thể con người ngoài chất lỏng, chất khí, chất đặc, còn cấu tạo bằng những chất dĩ thái, chất của cõi cảm dục và chất của cõi trí nên Tâm lý học chưa có được một quan niệm đầy đủ về cõi đời chúng ta đang ở, do vậy chưa thể thiết lập được một lý thuyết hợp lý về sự phát triển tâm thức của con người.

Tâm lý học nội môn

Với nỗ lực để giải thích cho nhân loại và để khám phá con người bản chất là gì và cách thức y vận hành như thế nào, Tâm lý học nội môn là khoa học liên quan đến linh hồn, hoạt động trong sự kết hợp của ba khoa học đó là khoa Tâm lý mới căn cứ trên 7 loại người tùy theo 7 cung, Khoa học Chiêm Tinh Bí Truyền và Khoa học Tam giác lực (Tam giác Luân xa). Bằng những kỹ thuật phù hợp, sự liên lạc giữa linh hồn với phàm ngã, dẫn đến sự biểu lộ tính chất thiêng liêng của Thượng Đế qua trung gian nhân loại, được bày tỏ đồng thời sự thực chứng sẽ đến với môn sinh trên đường đạo ở những mức độ và hình thái khác nhau. Tâm lý học nội môn tác động, tiếp xúc, ghi nhận, hấp thụ và chuyển đạt năng lực mạnh mẽ của những ý niệm. Sự kết hợp ba mảng nhắc ở trên tạo thành Tâm lý học nội môn, tuy còn trong giai đoạn trứng nước, nhưng số phận của nhân loại nằm trong tay nó. Khi được phát triển và sử dụng đúng đắn, Tâm lý học nội môn có quyền năng để cứu rỗi nhân loại. Nền tảng của khoa học này được xây dựng dựa trên tiền đề rằng, kiếp sống đơn lẻ này không phải là cơ hội duy nhất của con người để đạt được sự tích hợp và sự hoàn thiện cuối cùng. Luật Luân hồi, Luật Tái sinh phải được chấp nhận, nghĩa là luôn tồn tại một tác nhân giải phóng lớn trong bất kỳ thời điểm khủng hoảng hay bất kỳ trường hợp nào về vấn đề tâm lý.

Chiêm tinh học ngoại môn

Chiêm tinh học ngoại môn (Exoteric Astrology) là môn chiêm tinh học truyền thống mà chúng ta có thể quen thuộc, mô tả cuộc sống bên ngoài, dựa trên tính cách của mỗi người; nó tập trung xung quanh dấu hiệu Mặt trời và mô tả các vai trò hành tinh khác ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của người ấy. Chiêm tinh học ngoại môn nhìn nhận loài người không chỉ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền và môi trường, mà còn bởi trạng thái của hệ mặt trời tại thời điểm con người sinh ra. Các hành tinh được coi là sinh lực cơ bản, là công cụ để sinh sống và là nền tảng của bản chất chúng ta. Các lực lượng hành tinh này có các hình thức khác nhau, tùy thuộc vào vị trí hoàng đạo của chúng và cách chúng liên hệ với nhau. Các khía cạnh hình thành giữa các hành tinh mô tả những mối quan hệ này, vị trí của các hành tinh liên quan đến nơi sinh cho chúng ta biết về sự biểu hiện của chúng trong các lĩnh vực của sự sống do các nhà chiêm tinh mô tả. Bằng cách giải thích vai trò của các hành tinh và phẩm chất của họ (các yếu tố, dấu hiệu và nhà ở) và tạo ra một sự tổng hợp, chiêm tinh học ngoại môn có thể trình bày một bức tranh toàn diện và đầy đủ về con người và tiềm năng của họ, dựa trên biểu đồ sinh bẩm sinh.

Chiêm tinh học nội môn

Nghiên cứu về Chiêm tinh học nội môn (Esoteric Astrology) [10]giúp chúng ta tự “biết chính mình”. Nó là một nghiên cứu về những năng lượng tâm linh bên trong không nhìn thấy được, nhưng vẫn bao gồm vẫn thuộc con người chúng ta. Đó là khoa chiêm tinh của linh hồn, là môn khoa học về năng lượng và sức mạnh của linh hồn ẩn sau hình thức vật chất bên ngoài – những phương tiện biểu hiện nhân cách của chúng ta như thể xác, thể cảm xúc và thể trí. Dấu hiệu cung mọc hay còn gọi là dấu hiệu đi lên, cho biết mục đích linh hồn của chúng ta và cho thấy cách sử dụng các hành tinh trong biểu đồ sinh của mình để giúp thực hiện mục đích linh hồn cao cả hơn đó. Có một sự tiến triển tự nhiên của các bài học thông qua các dấu hiệu chiêm tinh đạt được. Như thế, từng bước chúng ta được dẫn dắt trên con đường tự hiểu biết và phát triển. Tính cách và bản chất của chúng ta được thử nghiệm lặp đi lặp lại cho đến khi các đặc điểm của nhân cách bên ngoài của chúng ta có thể được chuyển đổi thành những phẩm chất bộc lộ tâm hồn.

Chiêm tinh học nội môn cũng kết hợp chặt chẽ với sự phân tích biểu đồ cung của mỗi người thể hiện ở thể linh hồn bên trong, thể phàm ngã của con người ở bên ngoài với những thể xác vật lý, thể tình cảm, thể trí mang những đặc điểm của 7 năng lượng trong vũ trụ, kết hợp với khoa học về các tam giác lực (luân xa truyền tải năng lượng) đến và đi trong mỗi con người trong mối liên hệ với các hành tinh, với hệ mặt trời.

Y học ngoại môn[11]

Nghiên cứu và hoạt động của giới Y khoa với Y học ngoại môn là trị bệnh dựa trên giải phẫu sinh lý học, tiến hành phẫu thuật lục phủ ngũ tạng bên trong cũng như các phần bên ngoài của cơ thể (bằng phẫu thuật trực tiếp hoặc nội soi); dùng các phương tiện kỹ thuật như X Quang soi chiếu cụ thể vào từng bộ phận của cơ thể, Siêu âm, chụp Cộng hưởng từ, Scanning…để phát hiện bệnh; dùng đủ loại hóa chất, thuốc men tác động vào cơ thể vật lý của con người để trị bệnh (qua hình thức uống, tiêm, truyền dẫn qua mạch máu)…

Y học nội môn[12]

Y học sẽ được xem xét từ một góc độ mới. Đó là Y học nội môn với thực hành y khoa được xây dựng dựa trên sự hiểu biết về các định luật phát xạ, về các dòng từ lực, và về các trung tâm lực nằm trong các thể của con người, mối quan hệ của chúng với các trung tâm lực và các dòng từ lực của Thái dương hệ. Tình trạng sức khỏe kém cỏi có thể được truy nguyên trực tiếp đến tình trạng của các luân xa, vì chúng xác định sự hoạt động hoặc không hoạt động của màng lưới dĩ thái nadis, tác động vào hệ thần kinh, vào hệ thống nội tiết, vào con người cụ thể, và dòng máu chịu trách nhiệm cho tình trạng này đi tới mọi phần của cơ thể. Nghĩa là trung tâm chú ý của Y khoa sẽ được tập trung trên thể dĩ thái, và sự phụ thuộc của thể xác vào thể dĩ thái sẽ được nhận thức. Điều này sẽ làm thay đổi thái độ của giới y khoa, và sự chữa trị bằng từ lực và kích thích bằng rung động sẽ thay thế cho các phương pháp giải phẫu và hấp thụ thuốc men hiện nay. Tầm nhìn của con người lúc bấy giờ bình thường ở mức dĩ thái, sẽ có hiệu quả là bắt buộc y nhận ra được những gì hiện giờ được gọi là “thế giới vô hình”. Con người sẽ được chú ý và giao tiếp bằng các thể dĩ thái của họ, bản chất thiên thần và tinh linh của các chất dĩ thái sẽ được nghiên cứu và nhận thức để có thể sử dụng nguồn sinh lực của thể dĩ thái một cách thông minh. Nhóm nhà chữa bệnh mới trong Y khoa nội môn này phải chữa trị đúng đắn từ gốc cá tính của con người trong mọi khía cạnh thuộc về tính chất của họ, bằng cách chuyển di năng lực một cách sáng suốt đến những phần khác nhau trong con người (trí tuệ, tình cảm và thể xác) qua việc phân phối và lưu thông khí lực một cách đúng phép. Việc chữa bệnh không hoàn toàn tuân theo kiểu truyền thống của Y khoa ngoại môn nữa, nó cần những nhóm người chữa bệnh làm trung gian giữa một bên là cõi giới năng lực tâm linh (năng lực của linh hồn, của trực giác hay lý trí) và một bên là bệnh nhân hoặc một nhóm bệnh nhân. Người chữa bệnh không hành động như những cá nhân riêng rẽ, mà theo tập thể nhóm như những đơn vị trong một toàn thể hợp nhất. Họ chữa bệnh (gọi là chữa bệnh bằng phát xạ “radiatory healing”[13] phải tập hành động như những linh hồn chứ không như những cá nhân bình thường. Họ phải tập di chuyển để truyền năng lượng sang cho người bệnh hay một nhóm người bệnh. Bên cạnh chữa bệnh bằng phát xạ, còn có phương pháp khác là chữa bệnh bằng từ điển “magnetic work[14].


Giáo dục học ngoại môn[15]

Cho đến thời điểm hiện tại, Giáo dục gọi là Giáo dục học ngoại môn, đã luôn bận rộn với nghệ thuật tổng hợp lịch sử của quá khứ. Giáo dục học ngoại môn quan tâm chủ yếu đến việc tổ chức hạ trí. Năng lực của trẻ em được đánh giá phần lớn bởi phản ứng của nó đối với thông tin được tích lũy (liên quan đến giáo dục), với dữ liệu được sắp đặt và được thu thập, được đưa ra một cách tuần tự, được phân loại và sắp xếp để trang bị cho đứa trẻ cạnh tranh với thông tin mà người khác có. Việc giáo dục đạo đức cho trẻ mới chỉ được lồng ghép lẻ tẻ vào các bài giảng văn, về giáo dục công dân. Giáo dục cho đến nay phần lớn là việc huấn luyện ký ức, mặc dù hiện nay đang nổi lên sự nhận thức rằng phải kết thúc thái độ này. Giáo dục không chỉ là huấn luyện trí nhớ và cho một đứa trẻ hay học sinh biết về quá khứ và những thành tựu của nó. Khi quan sát hệ thống giáo dục hiện tại, chúng ta cảm thấy nó mang màu sắc học vẹt nên mất nhiều thời gian rồi học sinh mau chóng quên đi, họ phải đối phó cho các kỳ thi là chủ yếu. Phải chăng giờ đây có phương tiện internet thì nhà trường sẽ chú ý bồi dưỡng kỹ năng tăng cường sinh hoạt học tập và trình bày theo nhóm để trẻ có thể tự chủ làm quen với phong thái học tập tích lũy kiến thức cho mình, chứ không chiụ áp lực rất nặng nề của các tiết học triền miên trên lớp một cách thụ động.


Giáo dục học nội môn[16]

Giáo dục học nội môn là Giáo dục của Kỷ nguyên mới trong đó Khoa học về Phụng sự được phát triển bình thường và tự nhiên từ việc áp dụng thành công Khoa học Thiền định và Khoa học về Cầu Antahkarana.[17] Khi có liên kết của linh hồn với phàm ngã, khi sự hiểu biết về thiên cơ và ánh sáng của linh hồn tuôn đổ vào tâm thức của não bộ, thì kết quả là cái thấp phải phụ thuộc cái cao hơn. Việc đồng nhất hóa với các mục đích và các kế hoạch của tập thể là thuộc tính tự nhiên của linh hồn. Khi sự đồng nhất hóa này được tiến hành trên các mức độ trí tuệ và linh hồn, nó tạo ra một hoạt động tương ứng trong đời sống cá nhân, và chúng ta gọi hoạt động này là việc phụng sự. Phụng sự là khoa học sáng tạo thực sự và là một phương pháp khoa học để thiết lập tính liên tục. Mọi hoạt động thúc đẩy con người tiến tới một dạng phát triển nào đó – về thể chất, tình cảm, trí tuệ, trực giác, xã hội – nếu nó tiến bộ đối với tình trạng hiện tại của y, thì về cơ bản là có tính tinh thần và là biểu hiện cho sinh hoạt của thực thể thiêng liêng bên trong. Tinh thần của con người là bất diệt; nó mãi mãi tồn tại, tiến triển từ trình độ này tới trình độ khác và từ giai đoạn này đến giai đoạn khác trên Con Đường Tiến Hóa, khai mở đều đặn và tuần tự các thuộc tính và các khía cạnh thiêng liêng. Việc tạo đường giao thông Antahkarana (đường giao thông giữa phàm ngã với chân ngã, giữa thượng trí và hạ trí) và sử dụng trí năng trong việc Tham thiền, trong sự Thiền định sẽ được quan tâm chú ý nhiều. Nền giáo dục mới cần đến những người truyền đạt hai khía cạnh của năng lực thiêng liêng là Kiến Thức và Minh Triết. Liên quan đến việc giáo dục quần chúng là một quan hệ trung gian trực tiếp giữa Thượng Trí và Hạ Trí, là việc xây cầu Antahkarana với nhiệm vụ nối liền 3 điểm của việc tập trung tư tưởng, tức Thượng Đế, Linh hồn và Hạ Trí, để có thể thiết lập một chiếc cầu thông thương tập thể giữa cõi giới linh hồn và thế giới loài người. Hoàn toàn có thể định hướng giáo dục đưa vào năm giới răn rõ ràng, phù hợp với từng trình độ cấp bậc học, tạo thuận lợi cho sự thay đổi giáo dục trong tương lai, với tiếp cận đời sống tinh thần qua khái niệm linh hồn mà không chỉ chăm chú đến đời sống vật chất, đến các hạ thể của con người.

Các trường nội môn đích thực đặt nền móng cho những trường tương lai – theo Luật Tiến hóa – sẽ xuất hiện nhằm đáp ứng nhu cầu của con người khi sự phát triển trí tuệ của con người đòi hỏi chúng. Chúng loại bỏ những thứ không cần thiết và tách ra những chân lý thực sự huyền bí đưa vào quá trình đào tạo nội môn, đào tạo khoa học về linh hồn, về con người như một tiểu vũ trụ đặt trong mối quan hệ mật thiết với toàn thể vũ trụ.

Phần II. MỘT SỐ ĐỊNH LUẬT TÁC ĐỘNG

[18]Luật Luân hồi và Luật Nhân Quả

Luân hồi liên hệ mật thiết đến sự tiến hóa của nhân loại. Mỗi người chúng ta thực chất là một mảnh sự sống do Thượng đế tạo ra, được bao bọc trong những thể làm bằng vật chất với những mức độ khác nhau, xuống cõi hồng trần để học hỏi và phải trải qua vô vàn kiếp sống khác nhau trên thế gian, phát triển năng lực của mình bằng cách vượt qua những hoàn cảnh ngặt nghèo, đối diện trong hàng loạt mối quan hệ với những người khác. Mỗi kiếp sống chúng ta phải trải nghiệm một số bài học và những bài học này đóng góp cho sự phát triển tinh thần của mình trong quá trình tiến hóa bằng cách đồng hóa các kinh nghiệm thu gom được sau khi chết, để rồi trở lại trong một thể xác mới được trang bị tốt hơn, tiếp tục trải nghiệm những bài học khác ở mức độ cao hơn. Thứ tự bài học trải nghiệm, nội dung trải nghiệm ở mỗi người là khác nhau tùy thuộc vào kết quả của những cố gắng trong các kiếp đã qua chứ không phụ thuộc vào môi trường hay sự di truyền.

Thời gian của mỗi kiếp thường không thể quá dài. Vì vật chất cấu thành các cõi thấp vốn có mật độ tương đối lớn, các hạ thể được cấu tạo bằng vật chất ấy chỉ có thể tăng trưởng và bành trướng trong phạm vi nào đó nhỏ hẹp hơn phạm vi của các thể tinh vi; khi vượt quá mức này, do tâm thức thường xuyên bành trướng, các hạ thể không còn dẻo dai nữa và không dùng được nữa; vả lại khi thường xuyên bị căng thẳng và mòn mỏi thì chúng bị lão hóa. Vào cuối một chu kỳ tăng trưởng, khi tâm thức đã dứt khoát tự thiết lập nó trong một giai đoạn tiến hóa mới của nó, thì nó cần có những cơ thể mới được tạo hình để biểu hiện các quyền năng đã được nâng cấp của nó.

Mục đích của Luân hồi là cung cấp cơ hội cho sự phât triển thêm về trí tuệ và tinh thần. cho sự phát triển bản chất cao cả trong con người. Nhưng Luật Tiến hóa và Luân hồi lại chịu tác động của một luật khác, đó là Luật tác động và phản tác động hay còn gọi là Luật Nhân Quả.

Cuộc sống của con người là liên tục các chuỗi hoạt động, trước tiên được hình thành bởi các tác động của ý chí hoặc dục vọng, rồi phát sinh tư tưởng, ảnh hưởng đến cảm xúc, và cuối cùng là dẫn đến hành vi cụ thể. Cả tiến trình này bao hàm ý nghĩa NHÂN QUẢ, tức là nguyên nhân của hoạt động và kết quả của hoạt động. Nó tác động đến sự luân hồi, đến vận mệnh của mỗi người trong tương lai tiếp theo. Những hành động trong quá khứ có thể đưa con người đến cơ hội, hoặc là cản trở, khó khăn theo nhiều cách trong kiếp sống hiện tại. Nếu Nhân mà Lành thì Quả sẽ Ngọt, sẽ bớt đi những bài học phải trải nghiệm, nó tạo cơ hội rút ngắn các kiếp luân hồi. Mỗi tình huống mà ta phải đối diện là kết quả của các nguyên nhân trước. Nghĩa là Sự Luân Hồi được tiến hành theo Luật Tác Động và Phản Tác Động, là Nhân Quả. Nhân quả là một định luật thiên nhiên chứ không phải là một sự ban hành tùy tiện vốn có thể bị thay đổi theo ngẫu hứng, và nó tạo ra những kết quả mà chẳng thưởng hay phạt gì hết. Một định luật thiên nhiên không phải là một mệnh lệnh, không thưởng không phạt mà là một mối quan hệ, một chuỗi diễn biến bất di bất dịch.và do đó ta có thể tiên đoán được. Mỗi kiếp sống là một cơ hội mới, và nếu chúng ta đã lãng phí một kiếp sống thì chúng ta luôn luôn có một cơ may khác‛

Ý nghĩa và bài học thu nhận được về luật Nhân quả

1.Luật Thiên nhiên sẽ dạy cho những ai muốn làm theo. Bài học nào chưa thuộc – thí dụ bài học Nhân quả – sẽ trở đi trở lại ngày càng gắt gao cho đến khi con người biết chấp nhận nó.

2.Nghiệp quả và luân hồi hàm ý sự công bằng và tình yêu thương trong mọi vật. Khi chúng ta coi mình là linh hồn thì chúng ta sẽ luôn là chủ nhân số phận, tức là có thể kiểm soát được nghiệp quả của chính mình. Bằng không, nếu chúng ta là phàm ngã thì dường như chúng ta luôn thấy có gì bất ổn. Chúng ta tự vùng vẫy trong nỗi đau đớn, khổ sở do mình tạo ra chứ không hẳn vì nghiệp quả. Đó là chưa kể, chúng ta thiếu cẩn trọng trong cuộc sống, để khi xảy ra cái gì đó thì đổ diệt đó là nhân quả để gặm nhấm và than thân trách phận một cách không đáng có với bản thân mình.

3.Nhân Quả là một Định luật của Thiên nhiên. Nó có ảnh hưởng đến vận mệnh của ta bởi Tư tưởng kiến tạo nên tính tình; Dục vọng thu hút đối tượng của nó; và Hành động gây ra một môi trường thuận lợi hoặc bất lợi tùy theo việc nó đã mang lại hạnh phúc hay bất hạnh cho người khác.

4. Các món nợ nghiệp quả phải được trả đúng loại. Bỏ bê phải được trả bằng sự quan tâm, không khoan dung phải trả bằng lòng trắc ẩn, kiêu ngạo phải trả bằng sự khiêm tốn. Bất cứ khi nào chúng ta cảm thấy rằng cuộc sống đang đối xử với mình một cách không công bằng, hãy luôn nhớ suy nghĩ về nguồn gốc nghiệp. Khi biết nghiệp quả của mình là gì, thấy ta thấy rằng nó có một mục đích và điều này khiến dễ chịu đựng hơn.

Với bản thân tôi, từ trước đây, tôi luôn nghĩ kiểu “số mình nó thế” rồi chấp nhận hết mọi chuyện nhưng cũng thấy buồn buồn khó tả tuy không có gì “vùng vẫy” quá xá. Nay hiểu về Nhân Quả, về Luân hồi, tôi cảm thấy bình thản hơn, và sống vui vẻ hơn rất nhiều. Sự chấp nhận hậu quả xấu xảy ra bởi nguyên nhân bất ổn tích tụ từ trước sẽ giúp cảnh tỉnh bản thân mình phải sống kiếp hiện tại tử tế hơn để kiếp sau đỡ phần bất ổn, và tránh không suy diễn, đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho những người xung quanh. Như thế tôi thấy cuộc sống sẽ dễ chịu hơn, sẽ hữu ích hơn và mình có thể sống hài mãn an vui, không bị trói buộc vào những bất hạnh có thật hoặc tự tưởng tượng. Tôi càng thấm thía hơn “tri thức là sức mạnh”, càng phải chăm chỉ tham thiền, chú trọng thanh tinh luyện thể trí, dùng thể trí trong khi tham thiền để có thể tiếp thu được những tri kiến mới mẻ và sâu sắc khi đối diện với những bất cập của cuộc sống đến với mình.

Và cuối cùng tôi ghi nhớ lời dạy của Chân sư: “Trên con đường đệ tử, chúng ta thực hành những kỷ luật có thể giải trừ nghiệp quả và giải phóng chúng ta khỏi gánh nặng của nhiều kiếp sống, trong đó sự phát triển của Linh hồn đã trở nên trì trệ. Cuối cùng, khi chúng ta không còn nghiệp quả, sẽ không còn phải tái sinh. Đối với những người mù quáng về Karma Và Tái Sinh, bệnh tật có thể là cách duy nhất mà linh hồn có thể sử dụng để giải thoát hạt mầm đã được gieo. Mặt khác, người đệ tử bằng cách tuân theo các luật tự nhiên khác, cũng như luật Karma, có thể giải bớt nghiệp ác còn tồn tại của mình thông qua việc tự kiểm soát và nỗ lực không ngừng nghỉ”. [19]

[20]Định luật Hy Sinh

Chúng tôi là học viên Huyền linh học của Minh Triết Ngàn Đời, đang tu tập để “không còn ham muốn những gì mà người bình thường ham muốn, đang dần từ bỏ công việc tham gia vào thế giới bên ngoài để hoàn thành công việc của thế giới bên trong, tức là sẽ không chú ý đến bất kỳ sự quan tâm thế tục nào[21]. Điều này sẽ gặp nhiều khó khăn. Và chúng tôi tìm hiểu về Định Luật đầu tiên của Linh Hồn—Định Luật Hy Sinh—để chấp nhận dù biết rằng hy sinh là liên tục cùng với thời gian. Học hỏi luật hy sinh theo sau một cách tự nhiên việc học hỏi luật Nhân Quả. Trong số các luật Linh hồn thì luật đầu tiên là luật Hy sinh, nó là luật dễ hiểu nhất với con người.Tên bí truyền của Luật Hy sinh là “Luật của những người chọn chết”.

Phàm ngã không thích hy sinh nhưng Linh hồn thích điều đó. Phàm ngã cuốn ta vào vô vàn những quan tâm thế tục như ta đã từng là như thế trong các kiếp sống trước và kiếp sống hiện tại. Trong đó, cái mà phàm ngã thích, khao khát, và ham muốn nói chung không phải là điều linh hồn mong muốn. Nhưng rồi sẽ đến một ngày, phàm ngã biết ơn tất cả, tự nguyện hi sinh, theo tiếng gọi của linh hồn…Phàm ngã đang lần tìm về cái sâu xa của tiếng gọi ấy…

1. [22] Việc tạo ra các thế giới và sự thể hiện của Đấng Tạo Hóa đến theo Luật Hy sinh; [23] Đối với Thái dương Thượng đế của chúng ta, niềm hạnh phúc và sự hy sinh là những thuật ngữ đồng nghĩa.

Trước hết Thượng Đế tự nguyện giới hạn sự sống vĩnh cửu của Ngài để biểu hiện tạo nên vũ trụ, nhờ đó vũ trụ được duy trì và con người đạt tới toàn thiện mà ở đó Sự Sống, Minh Triết và Phúc Lạc được hòa tan vào nhau trong một chủ âm của cuộc Sinh Tồn. Như thế chính là Thượng đế đã hy sinh. Nhưng đó là sự tự nguyện và hân hoan tuôn tràn sự sống cho con người. Tức là Ngài hoàn toàn không đau khổ khi tự giam mình vào trong những hình thể, và nhận chịu bao sự bất toàn cho đến lúc đạt được trạng thái tận thiện tận mỹ, khi ấy mọi con người do Ngài tạo ra thừa hưởng một tia sáng sự sống của Ngài đều giống Ngài, có năng lực tiến hóa giống Ngài và là một với chính Ngài, nhưng với dòng ký ức riêng của nó.

Con người mang trong mình sự sống thiêng liêng của Thượng đế. Họ luôn luôn có niềm vui trong việc thực hiện những sinh hoạt biểu lộ năng lực của chính sự sống ấy. Một họa sĩ cảm thấy hân hoan khi sáng tạo với tài năng của mình, diễn tả ý tưởng bằng hình ảnh và họ cho mọi người thưởng thức các bức tranh sống động kỳ vĩ. Một nhà văn cảm thấy hạnh phúc khi ý tưởng của mình được diễn tả bằng tác phẩm văn chương với những nhân vật vừa có vẻ như sống thật đâu đó trong đời, vừa mang những ước mơ cháy bỏng về một cái gì rất nhân văn cần đạt tới, và họ trân trọng trình làng…Thử hỏi liệu trên đời này có ai làm ra, sáng tạo ra thứ gì chỉ để khư khư ôm lấy một mình không? Như thế, bản chất hoạt động của sự sống thiêng liêng phải là sự ban cho, là sự chủ động vận hành. Tinh thần là sự sống linh động trong mỗi hình thể nên biểu hiện căn bản của tinh thần là cho ra.

2[24]. Luật Hy sinh có thể được truy tìm qua tất cả các vương quốc của tự nhiên

Nhưng mặt khác, hoạt động chủ yếu của vật chất lại là thu nhận; Nó thu nhận những xung lực của sự sống để được cấu tạo thành mọi hình thể rồi hình thể được duy trì tới khi sự sống bị thu hồi thì hình thể bị tan rã. Bởi vậy sẽ luôn có sự níu giữ năng lực của sự sống cho riêng nó để mà tồn tại chứ bất đắc dĩ mới chịu chia sẻ vì cho đi là vào cõi chết. Con người cũng vậy, sẽ có sự ích kỷ cho sự bảo toàn của riêng mình. Họ không mấy khi để ý rằng, với sự sống trong vũ trụ, thì quá trình tiến hóa đã thể hiện rằng, sự sống tự vượt ra ngoài để sinh vào một hình thể cao hơn, trong khi hình thể đã chứa đựng nó bị hủy diệt. Tức là luôn có sự hy sinh của giới thấp cho giới cao. Quả vậy, giới kim thạch tiến hóa bằng cách phân hóa hình thể của nó để sản xuất và hỗ trợ cây cỏ. Những khoáng chất bị tan rã để cung cấp chất liệu cho loài thảo mộc. Thảo mộc rút chất bổ dưỡng từ đất, phân tán và kết hợp để tạo thành chính thể chất của chúng. Kim thạch có hủy diệt, thảo mộc mới có thể nảy sinh. Rồi giới thảo mộc lại hy sinh cho giới cầm thú sinh sản và phát triển. Từ mọi khía cạnh, rau cỏ, hạt, cây trái phải nhận chịu sự tiêu diệt để làm phương tiện sinh sống cho thể xác cầm thú, tế bào của chúng tan rã thành chất liệu để con vật đồng hóa và tạo thành xác thân chúng. Đến lượt con người, sự sống vật chất của con người được hỗ trợ bởi sự sống của những loài thấp kém hơn như đất, nước, cây cỏ mà họ tiêu dùng, đấy là chưa kể họ đã dùng không biết bao nhiêu thân xác của các loài ở biển, các gia cầm, thú vật. Do đó họ đều dính mắc một món nợ phải trả, vì họ đã sống trên sự hy sinh của giống khác. Con người cần học được rằng họ luôn luôn mang những món nợ đối với thiên nhiên, chắc chắn là phải trả. Do đó, ý thức về nhiệm vụ được gieo và ghi sâu trong tâm trí con người; và cái ơn đối với vạn vật, đối với sự nuôi dưỡng của “mẹ thiên nhiên” in sâu trong tư tưởng của con người. Trong nội bộ giới nhân loại với nhau, sự sống của mỗi người cũng phụ thuộc vào sự sống của người khác. Không ai có thể sống một mình tự làm ra mọi thứ phục vụ cho sinh hoạt vật chất và tinh thần của mình. Như thế bản thân con người lại mang ơn nhau. Và thực chất mỗi việc làm mỗi hoạt động của con người đều là sự hy sinh và dần dần họ sẽ ngộ ra sự hy sinh sự cho ra ấy mang lại niềm vui niềm hạnh phúc cho chính mình, mà mong mỏi của họa sĩ, nhà văn nhắc ở trên chỉ là ví dụ.

3[25].Nhiều trạng thái cảm xúc và tâm lý đau đớn xung quanh quá trình hy sinh tất cả xảy ra bởi vì con người vẫn được xác định với hình thức chứ không phải với ý thức của linh hồn

Ngộ ra niềm hạnh phúc của sự hy sinh thực ra phải trải qua quá trình lâu dài, phải biến chuyển dần dần. Gọi là dần dần bởi lẽ con người vốn là một linh hồn non trẻ đang học bài đầu tiên về những sự sống đều phụ thuộc lẫn nhau; sự sống của mỗi người tùy thuộc vào sự hy sinh của kẻ khác, đó là điều quan trọng thiết yếu cho việc tăng trưởng, nhưng họ chưa thể cảm nhận được ngay niềm vui thiêng liêng của sự cho ra, lúc đầu họ chỉ cho ra một cách miễn cưỡng, mà sự hy sinh có nghĩa là phải bỏ ra công sức, thời gian, bỏ ra những vật có giá trị,…cho nên họ có cảm giác như là một điều bắt buộc. Họ không tránh được những cảm xúc buồn buồn, tiêng tiếc, thậm chí khó chịu, đau sót…họ phải đấu tranh vật lộn giữa có hy sinh hay không; phàm ngã luôn kéo họ trở lại với sự thu vén vì lợi ích của riêng mình không cần quan tâm đến ai đến cái gì khác. Cho tới khi nào linh hồn chi phối được cuộc sống của con người, tùy thuộc vào sự tiến hóa của người ấy, thì sự hy sinh mới được thôi thúc và trở thành lẽ tự nhiên phải là như thế.

4[26].Ý nghĩa thực sự của sự hy sinh là từ lòng biết ơn thúc đẩy sự cống hiến, có liên quan đến bản năng cải thiện và thôi thúc tiến bộ; Sự hy sinh đồng nghĩa với sự xuất hiện của điều thiêng liêng nhất ở con người.

[27] Luật hy sinh cũng là luật tiến hóa của sự sống trong vũ trụ, chúng ta nhận thấy mỗi nấc thang tiến hóa được thành đạt nhờ hy sinh; Do vậy, con người phải mang trong mình lòng biết ơn tất cả. Cụ thể trong đời sống hàng ngày, nếu chúng ta BIẾT ƠN ai thì chúng ta sẽ hưởng thụ được những thứ tương ứng mà người đó truyền cho. Chẳng hạn biết ơn cha mẹ mình thì hưởng thụ được tình yêu thương, biết ơn Thầy của mình thì sẽ thụ hưởng được kiến thức…Lòng biết ơn cũng chính là tâm điểm của thiện nghiệp. Nếu chúng ta vô ơn thì chúng ta sẽ không hưởng thụ được những gì mình đang có. Khi nhận được điều gì đó từ người khác mà không biết cám ơn (hoặc thể hiện cụ thể qua lời nói, hoặc chí ít cũng thầm nghĩ cám ơn) thì đó là vô ơn. Lòng biết ơn thể hiện cả với người giúp việc dù người ấy đã được ta trả lương, cảm ơn mỗi khi sử dụng dịch vụ, cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ từ ai đó. Thậm chí biết ơn cả những người phạm lỗi đối với mình bởi vì sự đối xử không tốt của họ là bài học cho chúng ta trên đường đời, hãy đừng lặp lại những cái xấu.

Con người cứ tiến hóa tự nhiên trải qua các kiếp luân hồi, qua các bài học trải nghiệm tự rút ra cái gì đấy để vượt lên chính mình, hoặc chả rút ra được gì, cứ vô minh thì rồi cũng có lúc tự hỏi, thế thì mình là ai, mình sống để làm gì?, mình từ đâu tới?…động lực của mình là đạt được những mục tiêu vật chất như và hơn bạn bè cùng trang lứa, mình tiêu tốn công sức thời gian… cho nó (mà thực chất là năng lượng được phóng thích chỉ tác động trên cõi vật chất), mình cũng trông lên chả bằng ai trông xuống không ai bằng mình, thế sao mình vẫn chưa hài mãn an vui, lúc nào cũng thấp thỏm lỡ ra một ngày xấu trời nào đó mình bị phá sản? hay là có một tai họa gì đó ập xuống? Động lực của mình là ham muốn những vấn đề tình cảm lúc nào cũng trông chờ người ta chỉ yêu quý mình thôi, hy sinh vì mình, quan tâm đến mình, (mà thực chất là năng lượng được phóng thích chỉ tác động trên cõi cảm dục)…nên mình đã hết lòng vì họ ít ra là cố thể hiện bên ngoài, mà sao mình cứ luôn sợ hãi, sợ hãi người ta bỏ mình mà đi (theo nhiều cách nghĩa đen và nghĩa bóng)? Động lực của mình là tìm niềm vui thích về trí tuệ, đọc đủ thứ sách (dẫu rằng đọc rất cẩu thả, qua loa…), trao đổi chia sẻ với đủ kiểu người (đôi khi kèm luôn sự hứng khởi xen chút phóng đại mà mọi người vô tình không biết),…nhận được bao ánh mắt nhìn ngưỡng mộ, rồi nghĩ ra đủ thứ thỉnh thoảng “vỗ đùi đánh đét” tự thưởng cho mình và nhâm nhi mãi lời khen của họ rằng mình thông minh rằng mình … toàn diện… (mà thực chất là năng lượng được phóng thích tác động trên cõi trí) nên nhiều lúc quên cả ăn, quên cả ngủ, mơ mơ màng màng, mình chê trách kẻ nọ người kia IQ thấp quá, nói ra những điều khó hiểu chứ không đơn giản khúc triết như mình, …mà sao mình vẫn không thấy ổn, không thấy mình sống được là vì niềm kiêu hãnh của bản thân và vì những lời khen đầu lưỡi của mọi người?

Cho đến một ngày, phàm ngã tìm đến đường đạo, và hiểu rằng con người đang sống đây thuộc về sự sống của một sự sống duy nhất toàn vẹn mà người sinh ra nó là Thượng đế, rằng ta có một linh hồn, rằng ta hãy tự làm việc với tư cách là công cụ của Linh hồn, rằng ta hãy hy sinh để trở thành một vận hà của Thượng Đế, thì khi đó, sự phóng thích năng lượng được chủ ý vào cõi tinh thần do vậy tiếp nhận được một lực tinh thần mạnh mẽ từ khắp nơi. Hãy đừng chọn lựa tẩn mẩn suy tính suy diễn dọc ngang mà vui vẻ đảm nhận công việc ở bất cứ nơi đâu cần đến đi, vì Thượng Đế hiện diện ở khắp mọi nơi, Thượng đế đang hy sinh đang hành động. Thượng đế đang mỉm cười bao dung với những đứa con của mình tập hy sinh tập hành động trong phụng sự …để hòa nhập làm một với sự sống của Thượng Đế, có được sự hài mãn an vui vì nhìn thấy viễn cảnh mình sẽ là một với Thượng Đế trong chí phúc vẹn toàn.

Hướng về cuộc sống tinh thần mới mẻ này khiến ta không khó khăn gì nhận ra lòng biết ơn Thượng đế, biết ơn các Đấng cao cả, biết ơn các Chân sư, lớp người tiến hóa đi trước, nói và viết ra bao điều hay lẽ phải, phát động những hình tư tưởng thâm sâu ngập tràn trí tuệ minh triết khác biệt hẳn với hàng đống sách của đời sống hồng trần mà ta đã từng “gặm nhấm” năm này sang năm khác. Ta biết ơn các thày cô giáo dẫn đường chỉ lối cho ta đến với Minh triết ngàn đời. Ta biết ơn những huynh đệ đồng hành đi tìm chân lý…Vâng, và lòng biết ơn ấy càng thúc đẩy vươn tới hy vọng tới một ngày nào đó mình cũng bước trên các cõi giới thong thả và tự tin, cũng quay trở lại hy sinh vì tất cả.

5[28]. Con người cũng có thể trải nghiệm hạnh phúc, cực lạc, xuất thần và thăng hoa của cảm giác nếu họ đủ tiến bộ về tinh thần; [29]Linh hồn cũng phải học cách từ bỏ những thành quả hay lợi ích của phụng sự và học cách phụng sự mà không gắn bó với kết quả, với phương tiện, để được ca ngợi hay khen ngợi.

Khi người ta tự nguyện kết hợp với luật hy sinh, những điều kỳ diệu được nhận thức được cảm nhận, và tâm thức có thể được nâng lên cao dần cao dần… Nhưng chân lý tinh thần ngày thêm sâu sắc là một chuyện không phải bỗng dưng từ đâu đi tới chỉ vì ta đang ngồi chờ đợi mong cầu. Nó đến từ những công phu thực hành, áp dụng vào đời sống hằng ngày. Và càng cảm nhận được vẻ mỹ lệ cao cả của đức hy sinh, thì người ta càng không chần chừ việc thực hành. Người ta sẽ tự huấn luyện cho mình hành động hy sinh không câu nệ đó là hy sinh lớn hay nhỏ. Chỉ biết rằng đó là sự hiến dâng trọn vẹn năng lực của mình cho Thượng Đế. Mỗi tư tưởng, mỗi lời nói, mỗi hành động trong cuộc sống hàng ngày đều hướng về sự hy sinh, không vì kết quả, cũng không phải vì bổn phận, mà là ở mỗi lúc mỗi nơi họ đều có thể phụng sự Thượng Đế. Bởi vậy, mọi việc xảy ra đều được chấp nhận như là sự biểu hiện ý muốn của Thượng đế, nên nhận lãnh chúng bất kể có niềm hạnh phúc dâng tràn hay sự xáo trộn đột nhiên tìm đến, bất kể tự chứng kiến thất bại trải qua nỗi lo âu từng rình rập trực chờ, hay sự thành công bất ngờ hiển hiện, tất cả tất cả đều được đón chào một cách an nhiên trên con đường phụng sự. Mỗi sự việc xảy ra đều khiến ta vui vẻ, và xem đó như là cơ hội của một dịp hy sinh nên cần tránh bỏ lỡ, là cơ hội sử dụng năng lực của mình trong phụng sự. Đối với đau khổ do nhân quả từ quá khứ, con người có thể biến đổi thành tự nguyện hy sinh, bằng sự vui lòng chấp nhận, và động lực này có thể hoán chuyển thành một năng lực tinh thần. Có vô số cơ hội để thực hành luật hy sinh được đem đến cho mỗi người, nếu con người nắm lấy những cơ hội này, thì năng lực sẽ đến với họ. Con người có thể trở thành một kẻ phụng sự trên cõi tinh thần, mà khi thức tỉnh họ không biết đến, từ cõi tinh thần họ tuôn đổ năng lượng xuống các cõi thấp; tâm thức thấp của con người bị nhốt trong xác thân vật chất. Không có phương pháp nào khác có thể thúc đẩy sự tiến bộ nhanh chóng và biểu hiện những quyền năng ẩn tàng nơi Chân Thần, ngoài sự thông hiểu và thực hành luật hy sinh. Cho nên, một vị Chân Sư gọi luật hy sinh là: ‘‘Luật tiến hóa của con người.’’

6. [30] Thời điểm một con người tự nhận mình bằng linh hồn chứ không phải hình thức, anh ta hiểu Luật Hy sinh và tự nhiên chịu sự chi phối của nó; trong loại hy sinh này không có nỗi đau, nỗi buồn hay cái chết thực sự liên quan;

7[31]. Linh hồn phải từ bỏ sự ràng buộc với bản thân cá nhân khác, điều mà phàm ngã thật khó hình dung rằng những người mà y yêu thương chỉ có thể được gặp trên bình diện của linh hồn; Nhiều môn đệ qua tu luyện, có thể tách ra khỏi bản thân phàm ngã của chính họ, nhưng vẫn có chấp trước cá nhân với những người thân thiết, những người thân cận, nhất là trong quan hệ gia đình. Họ luôn cảm thấy có lỗi khi giảm bớt sự quan tâm sự gắn kết với người thân của mình trong những xử sự thuần túy kiểu phàm ngã. Chỉ đến khi thực sự sống như những linh hồn, trên một vòng xoắn ốc cao hơn; thì người môn đệ mới học cách yêu thương người thân của mình như những linh hồn với những gì con người thực sự có được không bao giờ có thể bị mất; Cha mẹ trên con đường môn đệ được dạy những bài học về chấp nhận sự tách rời của con cái đối với họ, bất kể điều kiện sống đổi thay hay bất biến; Để giữ, người ta phải tách ra và để giữ, người ta phải giải phóng.

8.[32]Tập trung trong tự do và trong ý nghĩa của niềm vui và sức mạnh của tình yêu hợp tác bên trong là công việc tốt nhất được thực hiện. Quá trình cứu vãn nền văn minh của chúng ta sẽ được tiến hành theo Luật Hy sinh; chưa có sự thống nhất và hợp tác hoàn hảo giữa các CÔNG VIỆC PHỤNG SỰ ; Sự hợp tác là không thể thiếu giữa các huynh đệ và không có gì được phép can thiệp vào nó. Sẽ không còn sự khác biệt khi mối liên kết bên trong giữa các huynh đệ được duy trì trong tình yêu thương và khi các huynh đệ từ bỏ quyền lực đối với nhau;

Có ba quy tắc:

a) Trước tiên, hãy xem rằng mối quan hệ bên trong của bạn với huynh đệ của mình là không được phép rạn nứt;

b) Thứ hai, theo đuổi bổn phận và nhiệm vụ của riêng bạn, gánh vác trách nhiệm của chính bạn, và sau đó để các huynh đệ của bạn làm điều tương tự, như thế tránh được các tác động của suy nghĩ và chỉ trích.

c) Thứ ba, giữ gìn trong công việc với thái độ của tâm trí phải phát triển từ hai quy tắc trên và trung thành tuân theo.

Như thế, khi kết hợp làm việc với nhau, nhất là trong công việc phụng sự, con người có thể từ bỏ hoặc hy sinh xu hướng lâu đời hay chỉ trích, sẽ chú ý điều chỉnh và do đó bảo vệ tính toàn vẹn của nhóm bên trong. Mọi người sẽ từ bỏ niềm kiêu hãnh tâm trí của riêng mình, sẽ không thấy lúc nào mình cũng đúng và huynh đệ thì sai, sẽ không tranh công đổ lỗi cho người khác.

Liên hệ bản thân về sự hi sinh

  • Giai đoạn chưa hướng về cuộc sống tinh thần: sự hy sinh của tôi là hy sinh của phàm ngã trong sự nghiệp chung của con người ở cuộc sống bình thường, với lý tưởng của Chủ nghĩa Xã hội và Chủ nghĩa Cộng sản (được giáo dục trong nhà trường Xã hội chủ nghĩa) – “Mình vì mọi người” Tôi luôn ở trong trạng huống “Nhường nhịn mọi người trong quyền lợi, thụ hưởng”.
  • Tôi thấm nhuần và thể hiện chu đáo sự hy sinh của con cái với việc phụng dưỡng các bậc sinh thành (của tôi và của chồng); Hy sinh trong việc nuôi nấng, chăm sóc con cháu bất luận khó khăn đến thế nào.
  • Hy sinh thời gian, công sức, tiền bạc cho việc làm từ thiện cá nhân hoặc tập thể, giúp đỡ người gặp khó khăn trong quan hệ cá nhân như họ hàng, bạn bè, và cả với người xa lạ.
  • Từ khi bước vào con đường tâm linh: tôi nhận thức rõ về lòng biết ơn từ đó có thể hy sinh, phụng sự một cách vô kỷ. Hiện nay, có thể nói, hầu như tôi rất an vui, không có gì phải đấu tranh tư tưởng phải khó chịu khi làm một công việc chung cho nhóm, hay thực hiện nhiệm vụ nhà trường giao cho.
  • Khi tham gia Donation cho nhà trường, cho các tổ chức từ thiện hay giúp đỡ cá nhân khó khăn tôi luôn ở trạng thái tự nguyện không có gì gượng ép. Hầu như tiền bạc chi dùng cho cá nhân tôi luôn ở mức cực thấp so với chi dùng cho đối tượng khác.

Định Luật Phụng sự

[33]Dấu hiệu cho Kỷ Nguyên Bảo Bình là dấu hiệu của một người đàn ông, mang trên vai một bình nước đầy đến nỗi nó tuôn đổ lên cho mọi người, tuy vậy nó không giảm bớt. Dấu hiệu cho Định Luật Phụng sự thì cũng vậy, nhưng có sự khác biệt là người đàn ông đứng, hoàn toàn cân bằng trong hình dạng của một thập giá, với hai cánh tay giang ra và với bình nước trên đầu. Sự khác biệt này có nhiều ý nghĩa thực sự. Bình nước, được đặt trên vai, là một dấu hiệu của gánh nặng phụng sự. Điều đó không phải dễ dàng để phụng sự. Con người ngày nay chỉ bắt đầu học cách phụng sự. Bình nước ở trên đầu của người đàn ông, người đã ở trên thập giá hy sinh trong một thời gian dài đến nỗi đối với y, tư thế đã trở nên hoàn toàn tự nhiên, biểu thị rằng thập giá đã chống đỡ cho y lâu rồi, giờ đây đã biến mất. Người đàn ông với bình nước trên đầu biểu thị cho chúng ta sự đĩnh đạc, thăng bằng và cân bằng.

Định Luật Phụng sự là một trong bảy Định Luật của Linh hồn

[34] Phụng sự có thể được định nghĩa ngắn gọn như là hiệu quả tự phát của sự tiếp xúc với linh hồn và nó được thể hiện ra trong nhân loại. Phụng sự không phải là một phẩm tính hay trình diễn; nó không phải là một hoạt động mà người ta phải cố gắng phấn đấu, cũng không phải là một phương pháp cứu hộ thế giới. Phụng sự là một sự thể hiện của sự sống. Đó là một sự thôi thúc linh hồn, và cũng là động lực thúc đẩy tiến hoá của linh hồn. Phụng sự được thúc đẩy bởi ý thức cống hiến bản thân cho người khác. Đó là một biểu hiện của tình yêu, được trao tặng một cách tự do cho gia đình, nhóm, hoặc nhân loại nói chung. Phụng sự là kết quả của sự thôi thúc tâm hồn, là một kỹ thuật phát triển nhóm và cho thấy khả năng hiểu và hợp tác của chúng ta với Thiên cơ.

[35] Cụ thể hơn, theo chân sư giải thích về định luật phụng sự, chúng ta hiểu rằng

  • Phụng sự không chỉ đơn giản là một hoạt động của một người hoặc một nhóm nào đó làm điều gì đó với ý định tốt cho người hoặc nhóm khác. Ví dụ nỗ lực từ thiện, hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng…
  • Phụng sự là kết quả của một diễn biến bên trong. Đó là một sự thay đổi trong tâm thức, đưa từ hoạt động vì bản ngã cá nhân chuyển thành các vấn đề lớn hơn của tập thể.
  • Phụng sự là hoạt động và là nhu cầu của những người mà đời sống của họ đang được biến đổi nhờ sự tiếp xúc với linh hồn.
  • Phụng sự là sự tự nguyện, là niềm vui, vì phụng sự là được hiến dâng cho những nhịp điệu mới và cho việc phụng sự toàn thể.
  • Phụng sự là sức mạnh để thay đổi các tình huống qua hoạt động sáng tạo, vốn là sự thể hiện một cái gì đó mới một cách năng động, phù hợp với Thiên Cơ và có thể phát triển trên cả ba cõi.
  • Phụng sự cần bền bỉ, chịu đựng “gánh nặng” của nó với sự đĩnh đạc, thăng bằng và cân bằng như hình ảnh của người đàn ông đặt bình nước trên vai sẵn sàng tuôn đổ cho những người đang khát trong cung Bảo Bình.
  • Không có lời nói, hành vi nào làm tổn hại nhóm của mình.
  • Sẵn sàng và giúp đỡ để cho những người khác phụng sự với vai trò có vẻ tốt nhất đối với họ. Có thể làm việc với họ về mặt chủ quan, thần giao cách cảm và tổng hợp.
  • Phụng sự là phương thức tuyệt vời đánh thức trung tâm trái tim và tuân theo phương pháp đánh thức trung tâm đầu;
  • Sự thôi thúc phụng sự là sự thôi thúc cơ bản của linh hồn con người; thay vì cho thôi thúc thỏa mãn dục vọng là sự thôi thúc cơ bản của cuộc sống hình thức.
  • Tôi rất tâm đắc với câu: “Đừng tự nhủ : Ngày nay ta đã giúp ích nhiều rồi. Tốt hơn hãy tự hỏi : Sao ta không thể làm nhiều hơn nữa. Hãy nghĩ đến cái ít ỏi kỳ thật bạn đã làm để giảm bớt sự đau đớn khốn cùng hiện hữu trên thế giới”. [36]

Phương pháp phụng sự

Khi phụng sự mà biết phân biện, nhất là được Linh hồn hay Chân sư dẫn dắt thì nhận biết một cách khôn ngoan vị trí thích hợp của riêng mình trong công cuộc chung; tính toán một cách đúng đắn khả năng trí tuệ và tri thức, năng lực tình cảm và tài sản vật chất, thời gian cần sử dụng .. thì có thể chuyên tâm thực hiện việc phụng sự của mình với sự quân bình của cái trí mà không bị dẫn dắt bởi những gợi ý, yêu cầu và đòi hỏi phán xét sai lầm có thể có – của những người cùng phụng sự.

Tựu trung lại, để phụng sự cần có sự hy sinh của bản ngã cá nhân cho lợi ích của tập thể, của đại ngã duy nhất; có sự kiểm soát phàm ngã một cách khôn khéo, và tính phân biện trong hoạt động và thời gian. Thái độ có hiệu quả sẽ là sự thản nhiên, và tôn trọng sự chân thật. Muốn vậy, ta phải áp dụng tham thiền huyền linh đều đặn.

Chân sư nhắc hãy luôn nhớ rằng, thu hoạch vật chất trong kiến thức cho cá nhân sẽ gây ra tình trạng trì trệ, sự tắc nghẽn, việc khó tiêu hóa và sự đau đớn, nếu không được chuyển đi với sự phân biện khôn ngoan. Bởi vậy, việc tôi được nhận nhiệm vụ làm Mentor với học viên MQ, việc nhiệt tình trao đổi, góp ý kỹ lưỡng với họ trong các bản phúc trình; việc trao đổi giải thích cho người “ngoại đạo” trong mối quan hệ cá nhân những điều giản đơn trong nghệ thuật sống có ý nghĩa cao đẹp mà MTTL tạo ra, có ý định chuẩn bị viết tiếp một cuốn hậu hồi ký mà ở đó tôi đã có những biến chuyển về cuộc sống tinh thần… là những gì tôi thấy là cơ hội và hoạt động cần thiết của mình trong cả hiện tại và tương lai.

Hàng ngày, sau thời gian thiền tất cả những bài trong dự định, tôi thường tự nhủ cần nhớ rằng, hãy làm mọi việc sao cho phụng sự ngày càng trọn vẹn hơn, với tư cách là một linh hồn mà không phải là phàm ngã, và phụng sự là quan trọng nhất. Nếu chỉ nghiên cứu biết đủ thứ từ sách vở, nếu chỉ tham thiền mong nhận được kết nối với linh hồn, với chân ngã mà không biến nhận thức thành hành động phụng sự thì chẳng giúp ích gì cho nhân loại và công cuộc tiến hóa.

Nhưng muốn sao thì cũng phải rèn luyện vì “Mục tiêu của tất cả mọi người là phát triển trí tuệ song song với tình cảm ổn định và xác thân mạnh khỏe” như lời thày Hiệu trưởng giải thích trong tài liệu về trường huyền môn.

Khi nghiên cứu về chủ đề Phụng sự trong môn học 170 , tôi lưu tâm ghi nhớ: “Phải học cách đặt chú trọng vào sự tiếp xúc với linh hồn và vào sự quen thuộc tích cực với sự sống chân ngã, chứ không phải vào khía cạnh hình thức của việc phụng sự”. “Việc phụng sự tự nguyện, được thực hiện trong Tình thương và được hướng dẫn bởi Minh triết”

Khi đọc sách, tôi rất thấm thía lời chỉ dạy của Chân sư về phụng sự: “Con phải làm vì yêu mến điều phải, chứ không vì mong được phần thưởng; con phải làm vì lợi ích của công việc, chứ không phải vì mong thấy kết quả; con phải hiến mình phụng sự đời vì con thương đời và vì không thể làm cách nào khác”. “Lòng con phải đầy ý muốn phụng sự mạnh mẽ đến mức lúc nào con cũng xem chừng để trợ giúp tất cả chúng sinh ở chung quanh . Hãy phụng sự trong các việc nhỏ mỗi ngày cho thành thói quen, để con không bỏ lỡ cơ hội hiếm có khi gặp việc lớn cần phải làm” “Người bước trên đường đạo không sống cho riêng mình mà sống vì người khác”...[37]

Tôi nhớ những lời tự hứa với mình và thỉnh cầu chân ngã thiêng liêng mà bản chất là rèn luyện Ý chí, trau dồi Tình thương vô kỷ và Phụng sự nhiệt thành. Khi tham thiền, tôi tự hứa với chính mình và thỉnh nguyện đến Chân ngã thiêng liêng về nhiều điều, trong đó tập trung về khía cạnh phụng sự: “Tôi tiến về phía trước hướng tới mục tiêu phụng sự trọn vẹn hơn…”. “Tôi đứng thẳng thông qua tình thương và quyền năng của Thượng đế. Tôi biểu lộ bản chất người con của Thượng đế. Do vậy tôi có thể cứu giúp những người đau khổ trên con đường của cuộc sống và nâng đỡ những người nhỏ bé” [38]

Cho nên, tôi tự thấy mình thức tỉnh – nhất là lại được chân sư phân tích sâu sắc rằng, “Phụng sự vốn gợi lên các quyền năng của linh hồn, làm cho sự tham thiền trở thành một yêu cầu thiết yếu”…Nghĩa là tôi cộng hưởng với lời chỉ dạy của chân sư.

Phụng sự trong NGWS

Các thành viên của NGWS có một loạt các lựa chọn liên quan đến loại hình phụng sự mà họ muốn tham gia. Việc lựa chọn này thường được thực hiện theo cung Linh hồn hoặc cung Phàm ngã của cá nhân người phụng sự. Điều này sẽ trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta tìm hiểu về NGWS, các Nhóm hạt giống và các loại Cung. Phụng sự trong NGWS sẽ được thể hiện đầy đủ trong bài tổng kết về bộ ba mục tiêu của mỗi nhóm trong 9 nhóm người phụng sự thế gian.

Tôi chưa phải là thành viên của NGWS, nhưng tôi cố gắng hình dung một ngày nào đó trong một kiếp nào đó, tôi sẽ là vậy. Dù chỉ là một người sơ cơ, hay khá hơn thì tự coi là người chí nguyện, tôi vẫn đang kết hợp Nghiên cứu Tham thiền Phụng sự theo tiêu chí của nhà trường (MF), nghĩa là Phụng sự được song hành với hai mảng Nghiên cứu Tham thiền. Nhưng suy ngẫm về định luật Phụng sự, tôi đang được thức tỉnh vê một điều, rằng “…Tất cả các bạn một ngày nào đó sẽ thức tỉnh để nhận thức rằng Khoa học về Phụng sự có tầm quan trọng lớn hơn Khoa học về Tham Thiền, bởi vì chính nỗ lực và hoạt động vất vả của vị đệ tử phụng sự vốn gợi lên các quyền năng của linh hồn, làm cho sự tham thiền trở thành một yêu cầu thiết yếu và là phương cách – tiến xa hơn tất cả những người khác – kêu cầu Tam Thượng Thể Tinh thần, đem lại sự tăng cường về đời sống tinh thần, thúc đẩy việc xây dựng cầu Antahkarana, và, trong một loạt các cấp độ từ bỏ, dẫn đến Sự Đại Từ Bỏ, giải thoát vị đệ tử vĩnh viễn.” [39] Bởi vậy, tôi ngày càng quan tâm đến Phụng sự và luôn nhắc nhủ bản thân mình về điều đó. Những biểu hiện cụ thể cá nhân tôi Phụng sự ra sao, trong những lĩnh vực nào…được trình bày trong phần VIII của Khóa luận này.

Phần III. CON ĐƯỜNG DỰ BỊ VÀ CON ĐƯỜNG ĐỆ TỬ

Con đường Dự bị [40]

I. Con đường Dự Bị là con đường hành giả phấn đấu để chuẩn bị cho Điểm đạo. Đó là con đường tinh luyện mà mục tiêu là cuộc điểm đạo thứ nhất, tượng trưng cho sự khởi đầu để môn sinh bắt đầu hành hương trên Đường Đạo. Con Đường Dự Bị (thử thách) có trước Con Đường Điểm Đạo. Nó đánh đấu thời kỳ của cuộc sống một người khi y dứt khoát đứng về phía các lực tiến hoá, kiểm soát bản chất thấp của mình, trước hết là rèn theo những giới răn, thanh tinh luyện các hạ thể và lập hạnh. Trung tâm trái tim là kho lưu trữ của những mãnh lực hoặc năng lượng (mà hiện giờ tôi chưa biết kê cụ thể là những gì), nhưng tôi đang quan tâm đến những đức tính mà qua đó những năng lượng này thể hiện:

1. Tình thương tập thể (nhóm), bao gồm các cá nhân.

2. Khiêm tốn, biểu thị thái độ phàm ngã của bạn.

3. Phụng sự, chỉ ra mối bận tâm của linh hồn bạn.

4. Kiên nhẫn, biểu thị sự bất tử và bền bỉ phôi thai, là một đặc điểm của linh hồn.

5. Cuộc sống, hay hoạt động thể hiện đó là biểu hiện của tình yêu bởi vì đó là nhị nguyên cơ bản.

6. Khoan dung, đó là biểu hiện đầu tiên của tri thức (thấu hiểu) bồ đề.

7. Đồng nhất với những người khác, đó là sự hợp nhất phôi thai [41]

8. Từ bi, về cơ bản là sử dụng đúng đắn các cặp đối lập.

9. Thông cảm, đó là hệ quả của kiến thức và sự mở ra của những cánh hoa tri thức. Năng lượng như vậy sau đó được tiếp xúc với luân xa tim.

10. Minh triết, là thành quả của tình yêu và chỉ ra sự thức tỉnh của những cánh hoa bác ái của hoa sen chân ngã.

11. Hy sinh, đó là sự dâng hiến máu của trái tim hay sự sống cho người khác.[42]

Trên con đường dự bị, người đệ tử tập sự tập trung vào việc tinh luyện và thu đạt sự hiểu biết thông minh về tình huynh đệ và nhu cầu của nhân loại; họ có tâm thức và hoạt động ở trong một giai đoạn dự bị. Y tự biết mình, xác định được các khuyết điểm và chú tâm chủ động sửa đổi chúng, trau dồi các đức tính y còn thiếu, chuyên cần ra sức chế ngự phàm nhân của mình trên hai khía cạnh: một là phát huy những điểm tích cực và hai là loại trừ chuyển hóa những điểm tiêu cực. Các thử thách chính trên Con Đường Chí Nguyện và Con Đường Dự Bị là Tình dục, Tiền Bạc, Tiện Nghi, Sợ hãi và hận thù – Năm đầu của con Thuỷ Quái. Tôi chịu sự thử thách lớn nhất đó là SỢ HÃI. Tôi không sợ chết, nhưng tôi sợ đủ thứ, điều này sẽ được miêu tả và dẫn chứng trong phần tự kiểm của tôi, người chí nguyện đang trên con đường dự bị (Phần V), và phần bình giải thêm về lá số chiêm tinh của tôi (Phần IX). Tôi tự coi mình là Đệ tử tập sự trên con đường dự bị. Tôi gặp những trở ngại điển hình trong tính tình của người Đệ tử tập sự trên con đường dự bị là những chướng ngại của sự hợp nhất với linh hồn, đó là Vô minh, Ý thức về phàm ngã; Ham muốn; Thù ghét; Bám chấp (những hạn chế này tôi đã phân tích nhiều qua một số bài Phúc trình trong năm).

II. Người đệ tử dự bị có đức hạnh chưa đủ, phải có trí tuệ, hiểu biết, phán xét một cách phân biện, có tầm nhìn xa và rộng mở. “Phải là người có năng lượng tinh thần cao cả có thể làm việc sáng suốt cho Thượng đế”. [43] Mỗi người chịu ảnh hưởng năng lượng từ các cung trong biểu đồ cung của mình cũng như các cung trong chiêm tinh học nội môn đến từ các dấu hiệu chiêm tinh và các hành tinh chủ quản ngoại môn và nhất là nội môn. Sự hiểu biết về các năng lượng này giúp tập trung đúng mức và tận dụng sao cho có hiệu quả trong việc tu tập của mình.

III. Đệ tử Dự bị là người quan sát thật sự, tách mình ra không hòa lẫn vào phàm ngã, để có thể chấp nhận mọi thứ như chúng đang là… giúp đứng vững vàng trong ánh sáng, an tĩnh trong sự kiên định, và tập trung bản thân vào phụng sự, vào hoạt động của nhóm để hoàn thành công việc của tập thể. Với cá nhân cũng tập trung nhưng không phải tìm cách mưu cầu lợi ích (vật chất và tinh thần) cho bản thân, mà là tập trung quan sát để coi phàm ngã tung tác thế nào, tìm ra bản chất nguồn cơn của sự tung tác đó.

IV. Trên cơ sở nuôi dưỡng nguyên khí Christ ngự bên trong con người, Đệ tử Dự bị chủ động tiếp thu và phát huy những tư tưởng tích cực, tuân theo lời dạy của Đấng Christ (yêu thương huynh đệ) từ đó tác động khiến cho những xúc cảm tiêu cực bị bào mòn không còn chỗ để ngóc đầu dạy, do vậy hành động tích cực mới được thể hiện. Tôi đã thử và tự kiểm chứng được điều này: “Hãy gieo một tư tưởng và gặt một hành động; gieo một hành động và gặt một thói quen; gieo một thói quen và gặt được tính nết; gieo tính nết và gặt được số phận.” [44]

V. Ba mục tiêu của Đệ tử Dự Bị

1. Khả năng tiếp xúc với nhóm của y, hay nói cách khác là y phải cảm được sự rung động của nhóm mà tiêu điểm là một vị Chân sư. …

2. Khả năng suy tư trừu tượng hay năng lực tiếp xúc với thượng trí, thông qua thể nguyên nhân. Y phải học cách chỉ dùng hạ trí làm phương tiện để đạt đến thượng trí, để có thể liên kết được với các cấp độ trừu tượng. Như thế y mới có thể thực sự tiếp xúc với Chân sư. Bởi vì người môn sinh phải tự tiến lên từ cảnh giới của mình (cõi thấp) đến cảnh giới của các Ngài (cõi cao).

3. Sử dụng trí tuệ một cách có ý thức, thể hiện Minh triết – Bác ái trên cõi trần.[45]

“Mục tiêu trên Con Đường Dự Bị là tự trang bị để phụng sự—The goal on the probationary Path is to equip oneself for service.Khi người môn sinh bước vào con đường dự bị và khởi sự tham thiền, thì y thường không để ý đến một điều: mục tiêu y cần nhắm đến chủ yếu không phải là hoàn tất sự phát triển của chính bản thân, mà là tự trang bị để phụng sự nhân loại. Sự phát triển và tăng trưởng của riêng y là cần thiết nhưng đó không phải là mục tiêu nhắm đến. Hoàn cảnh trực tiếp quanh y và những người cộng sự thân cận ở cõi trần là những đối tượng để y phụng sự. Nếu trong khi cố gắng đạt một số khả năng hay đức tính nào đó, y lại bỏ bê các nhóm mà y đang kết hợp, thờ ơ không phụng sự họ một cách khôn ngoan, và không trung thành vì lợi ích của nhóm, là y đang lâm vào mối nguy của sự kết tinh (crystalisation), đang rơi vào sự mê hoặc của lòng kiêu căng tội lỗi, và thậm chí có thể dấn bước đầu tiên vào con đường tà đạo. Nếu sự tăng trưởng nội tâm không biểu lộ trong việc phụng sự tập thể thì người môn sinh đang đi vào con đường nguy hiểm.[46]

VI. Trên con Đường Dự Bị, năng lượng lưỡng phân của linh hồn là năng lượng của Sự Sống (Life – Phương diện thứ nhất) và năng lượng của Trí Tuệ (Mind – Phương diện thứ ba) ngày càng dồi dào, và con người tìm cách sử dụng tâm trí của mình có ý thức, và để thể hiện Bác ái-Trí tuệ trên cõi hồng trần. Khi năm nguồn năng lượng của linh hồn (có thể được hiểu là Hoa sen Chân ngã, Phàm ngã, Thể Trí, Thể Cảm dục và Thể Xác) bắt đầu được sử dụng một cách có ý thức và khôn ngoan trong việc phụng sự, thì sau đó một nhịp điệu sẽ được thiết lập giữa phàm ngã và linh hồn.

VII. Có những hình thức đào tạo cho những chân nhân tiến hóa cao trên con đường dự bị, được các Chân sư làm trắc nghiệm để tìm ra những người thích hợp (có khả năng trực giác, có khả năng truyền thông giữa các cấp cao và cấp thấp, thích hợp với công việc phụng sự khác nhau). Các vị đệ tử được dạy theo từng nhóm trong đạo viện của Chân sư hoặc trong lớp học vào ban đêm nếu họ đang sống ở cõi trần, với nội dung như áp dụng giới luật trong đời sống, tăng tiến đức hạnh, và phát triển tiểu vũ trụ theo các đường hướng vũ trụ; về đại vũ trụ, vận hành của vũ trụ, các giới trong thiên nhiên, các luật vận hành chúng và kiến thức tổng hợp khi có trực giác. Có sự huấn luyện của các Chân sư tại các Đạo viện nội tại cho các đệ tử. Sắp tới, trong thời đaị Bảo Bình có cả Đạo viện ngoại tại nữa. Đạo viện nội tại là nơi tập trung những chân ngã tự do không giới hạn, còn Đạo viện ngoại tại dưới sự thử nghiệm tương lai của thế hệ Bảo Bình, sẽ có sự tập trung các phàm ngã và chân ngã bao gồm các Đệ tử, Điểm đạo đồ, Đệ tử thế gian gặp nhau lần đầu tiên…Tất cả công việc đào tạo huấn luyện đó tôi không được chứng kiến, không hình dung được học như vậy là thế nào, bằng viễn cảm hay thông qua các giấc mơ? Tôi chỉ biết học viên chúng tôi đang học ở MF thì học theo giáo lý của nhà trường về MTTL và từ từ “theo bước chân của Chân sư” như Thày vẫn nói mà thôi.

VIII. Quá trình bền bỉ tham thiền (đúng cách), rèn các giới răn, tuân theo các quy luật, các phương tiện RIJA YOGA, thanh tinh lọc các hạ thể,…làm xuất hiện ánh sáng nơi chính mình từ chỗ là một điểm sáng, đến sự tỏa rộng dần. Khi cấp độ vật chất kiến tạo các thể của ta càng tinh tế thì ánh sáng nội tại sẽ càng chiếu rực rỡ và trong sáng hơn. Sự rung động và mức độ chói sáng một cách trong trẻo tương ứng với tỷ lệ chất liệu nguyên tử. Và khi đạt sự tương đồng rung động với vị chân sư nào đó, khi có nguyện vọng trở nên bừng cháy trên đường đạo thì hành giả sẽ tìm được Chân sư một cách tự nhiên. Trước đây, tôi có theo học Tĩnh khí công ý thức của Thày Nhật Quang Tử Hoàng Vũ Thăng trong 2 năm. Chủ yếu tôi học để có thể giữ sức khỏe và tự chữa bệnh bằng khả năng tự điều dẫn các luồng khí đi trong cơ thể cũng như nhận từ khí tiên thiên bên ngoài, chứ không có ý thức gì tu tập theo đạo giáo nào cả. Ở đó tôi đã có những tiến bộ nhanh, ánh sáng luôn bừng sáng trong đầu với những cảm xúc khó tả, luôn xuất hiện những gì khớp với hướng dẫn của thày giáo. Và tôi được giải thích là hào quang của tôi thuộc diện hào quang mềm nên học … dễ hơn người khác. Bây giờ học MTTL, tôi chợt nhớ về ngày đó và tự hỏi không hiểu ánh sáng linh hồn có chiếu rọi kiểu như thể không (về hình thức thôi không phải bản chất) nhưng tôi chưa đến đoạn kết nối được hạ trí và thượng trí, nên chắc linh hồn còn đang kiên nhẫn chờ đợi tôi qua hàng kiếp sống…Nói vậy không phải để sốt ruột, bi quan, chỉ là để biết mà tiếp tục tu tập mà rèn luyện thì rồi khoảng cách giữa luân xa cổ họng và luân xa đầu Alta Major nhất định có ngày được lấp đầy bởi ánh sáng linh hồn, và nửa cầu Antahkarrana thấp sẽ được kiến tạo một cách chủ động. Khi ấy tôi không có nhu cầu nhớ lại gì về quá khứ là hôm nay.

Có nhiều điều cần nghiên cứu, tìm hiểu và vận dụng từ giáo lý của Chân sư D. K. trên đường đạo, mà trên đây tôi mới đề cập một số nội dung và sự hiểu biết còn nông cạn về Con đường dự bị. Tôi sẽ phải tiếp tục trong cả quá trình theo học ở MF nói riêng và tự học sau này nói chung. Dẫu sao, tôi luôn chú trọng vào việc “Nghe theo tiếng nói nhỏ bé và tĩnh lặng của linh hồn. Con đường đi đến nơi chốn điểm đạo và Trung tâm an ngự của Đức Christ là con đường của linh hồn. Đó là con đường đơn độc với cố gắng tự khai mở, tự thu mình, và nghiêm trì giới luật. Đó là con đường khai sáng trí tuệ và nhận thức trực giác”.

Con đường Đệ tử[47]

Bây giờ tôi bắt đầu suy ngẫm về con đường Đệ tử. Chỉ là người sơ cơ và mạnh dạn một chút tự coi là người chí nguyện, còn rất xa mới thành Đệ tử nhưng tôi nghĩ cứ AS IF như giả định khi tham thiền kết nối được với linh hồn đi, hẳn là không ai ngăn cản việc đó.

I.Theo Chân sư chỉ dạy, người đệ tử cần làm ba việc

  1. Phụng sự nhân loại.
  2. Cộng tác với kế hoạch của các Đấng Cao Cả theo mức y thấy được, và làm hết khả năng mình.
  3. Phát triển các quyền năng của Chân nhân, mở rộng tâm thức cho đến khi có thể hoạt động trên ba cảnh giới trong tam giới cũng như trong thể nguyên nhân, và tuân theo sự hướng dẫn của chân ngã chứ không theo mệnh lệnh của cuộc biểu hiện tam thể hạ [48].

Ở đây, tầm vóc phụng sự khác so với hành giả trên đường Dự bị. Sự cộng tác với kế hoạch của các Đấng cao cả là chủ động của người Đệ tử. Tôi xin được Tham chiếu đến Thày Hiệu trưởng Michael D. Robbins để dễ cảm nhận hơn về người đệ tử và bớt sa đà trích dẫn từ sách một cách hình thức. Như chúng ta thấy, Thày Hiệu trưởng phụng sự suốt hơn nửa thế kỷ nay, nghiên cứu phổ biến giáo lý của Chân sư D.K. với hàng trăm video bình giảng, viết hàng chục cuốn sách, đào tạo các môn sinh và kết giao toàn với các bậc trí thức ngời ngời tài năng ở các nước cùng tham gia giảng dạy huấn luyện huyền môn với tri thức uyên thâm và tình thương yêu huynh đệ thật nồng nàn. Đấy là phụng sự.

Để đáp ứng với kế hoạch của Thánh Đoàn, Thày (cô) sáng lập và điều hành dự án Thiền Liên hiệp quốc nội môn (EUN) kêu gọi Linh hồn các quốc gia, chuẩn bị cho sự kiện vĩ đại Đấng Christ lâm phàm, mang thiên đường xuống trái đất, với nền tảng là tình thương yêu bao la đối với cả nhân loại là một, là con của Thượng đế vinh quang. EUN là trung chuyển tiếp nhận năng lượng Ánh sáng Tình thương và Thiện chí từ Thánh Đoàn đổ xuống (tức là tiếp nhận từ trung tâm năng lượng hành tinh thứ hai) qua 5 Trung tâm năng lượng, một mặt khác thanh tinh lọc tâm thức nhân loại nhờ kết nối với linh hồn và kế hoạch linh hồn các quốc gia, làm tăng cường bản thể tâm linh đang nhen nhóm trong nhân loại ở kỷ nguyên mới, góp phần kiến tạo dần trung tâm năng lượng hành tinh thứ ba là Nhân loại. Sự chuẩn bị ấy là sáng kiến là một cách biểu lộ sự hưởng ứng của đội ngũ đệ tử vốn là thành viên của NGWS mà Thày cô là đại diện khởi xướng EUN, để Thiên cơ được thực hiện.

Chắc chắn rằng Thày hiểu được sâu sắc công tác tập thể, và đổi trung tâm hoạt động từ chính mình sang trung tâm của nhóm. Thày sống và làm việc hoàn toàn tuân theo sự hướng dẫn của chân ngã chứ không theo mệnh lệnh của phàm ngã thì thày mới có thể làm việc suốt ngày đêm liên tục các chương trình các bài giảng các buổi thảo luận trên Webinar. Thày thực sự là một “tiền đồn của tâm thức của Chân sư” bởi vì bên cạnh tâm thức của Chân nhân ở Thày, Thày còn là trung tâm của Liên hiệp MF và Hiệu trưởng Đại học 7 cung, là mãnh lực làm sinh động các đơn vị, các nhóm thuộc Liên hiệp thuộc trường và gắn bó họ thành một toàn thể đồng nhất.

II.[49] Đệ tử là người chuyển tâm thức ra khỏi cuộc sống tư kỷ để nhập vào cuộc sống vô kỷ. Tôi không biết trước đây Thày có phải chịu những khó khăn đau khổ gì không khi chuyển như thế, chứ như bây giờ thày cô gắn bó bên nhau trong việc phụng sự hết mình cho việc truyền bá MTTL tôi nghĩ rằng đó là mơ ước của tất thảy những ai bước vào con đường tâm linh. Về phần mình, nhìn đến khía cạnh này tôi hình dung ngay ra các khó khăn của người đệ tử, trước hết là chính phàm ngã của họ chống đối việc chuyển hóa, bởi đã hàng ngàn vạn triệu kiếp luân hồi, là áo mới cho linh hồn “thay”, mỗi phàm ngã đều là vận cụ ngày càng khá hơn của linh hồn, nhưng nó không dễ gì thoát ra khỏi cái tôi ích kỷ đã đành, lại chịu sự phản đối của tập thể rộng lớn bạn bè, hay gia đình,…về việc người thân của họ – chính là người tìm đạo ngày càng trở nên vô kỷ, không còn sự hòa nhập về các quan tâm và những điều ham muốn nữa. Và đương nhiên trước những khó khăn như vậy, người Đệ tử bằng cách nào đó cần giúp cho vòng vây thân thương của mình dần hiểu và cảm thông, giúp mở mang tâm thức và chỉ dẫn cho họ sự khác biệt giữa điều thật và điều giả, giữa sự sống và hình thể… một cách không dễ dàng chút nào vì chúng là xa lạ đối với đa số. Liên hệ bản thân mình, tôi chưa phải là đệ tử, sự “xa cách” với tập thể rộng lớn ấy mới chỉ là bước đầu nhưng tôi đã chứng kiến được sự xông pha và hung hăng của phàm ngã trong những lý giải trách cứ chiến đấu với linh hồn, chứng kiến bao người bạn (và cả chính tôi) đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi sự gắn bó thân thiết của chúng tôi dường như đang bị nới lỏng khi tôi ngày một mải mê với đời sống tinh thần của mình. Nói vậy thôi cũng may là “vòng vây thân thương nhất” của tôi không gây trở ngại cho tôi quá nhiều. Chồng tôi đã đi xa quá lâu rồi, và nếu anh ấy còn sống, anh ấy vốn là người rất lạc quan, bình thản và không bị chìm đắm vào những cảm xúc tiêu cực nên không có đòi hỏi phức tạp, sẽ dễ cảm thông chấp nhận nếu vợ vì tu tập mà có gì “đổi khác”; còn các con tôi đa số hình như gián tiếp hoặc trực tiếp đều hướng tới cuộc sống tinh thần, chúng thừa hưởng cái mạnh mẽ thẳng thắn đơn giản của bố nên ít khi trách cứ gì tôi. Vấn đề là chính bản thân tôi hay sa đà vào suy nghĩ mông lung và lại tự tưởng tượng rằng mình đang có lỗi với mọi người. Giờ đây đi vào tìm hiểu con đường đệ tử tôi mới có dịp nhận ra cái cốt lõi của những thách thức kiểu như thế này nghiêng về chủ quan hay khách quan đối với người đệ tử là phải được xem xét thấu đáo, tránh đổ lỗi cho hoàn cảnh bên ngoài.

III. [50] Để làm được những công việc cần thiết trong chức phận của mình, Đệ tử phải đáp ứng nhạy bén với rung động của Chân sư. Tất nhiên, sự rung động ấy là kết qủa của cả một quá trình tu tập vốn người Đệ tử đã kết nối được với linh hồn vị Thày bên trong của mình, và tiếp theo sẽ là kết nối với Chân sư, vị Thày bên ngoài đang dẫn dắt Đệ tử. Không thể có rung động nhạy bén này khi Đệ tử quá sẵn sàng ứng đáp với các rung động của những cảnh giới thấp, và chỉ thanh khiết trên lý thuyết chứ chưa thực sự thanh khiết trong cuộc sống, hoặc đắm chìm vào những âu lo, nghĩa là bị thiếu hạnh vô dục, chưa đạt được trạng thái cân bằng về tâm thức, chưa chế ngự được những đau khổ buồn vui. Sự phát triển trí tuệ phải được đi kèm với khả năng phân biện trong trường hợp này và Đệ tử phải hết sức chú ý đến gíá trị của hạnh vô dục, nó giúp cho Đệ tử được hài mãn an vui chí phúc, và như thế mới nâng được tâm thức của mình, năng lượng mới được rung động với tần số cao hòa nhập dần với rung động của Chân sư. Sự hoàn thành bổn phận của người Đệ tử còn bao gồm thực hiện vô tư các nghĩa vụ, và quan tâm thích đáng đến các món nợ nghiệp quả, xem nghiệp quả đến với mình như là những cơ hội để mình được trả sớm, rồi trong thực tại tu nhân tích đức rèn trí không để phát sinh nghiệp mới, thì mới có thể bước trên những nấc thang vàng của sự tiến hóa, theo bước của Chân sư đảm lãnh những trách nhiệm ngày càng lớn dần trong phụng sự nhân loại, phụng sự Thiên cơ. Đệ tử phải nghiên cứu thể trí cảm (Kama-manasic body), vì về nhiều phương diện, đây là thể quan trọng nhất trong thái dương hệ, khi liên quan đến con người trong tam giới. Trong thái dương hệ sắp tới, thể trí của các sinh linh hữu ngã thức sẽ có vị thế tương tự, cũng như vị thế của xác thân trong thái dương hệ trước đây.

IV. Người Đệ tử cũng phải làm việc, có thể gọi là một cách khoa học, để kiến tạo thể xác, phải cố gắng sao cho mỗi kiếp sống y có thể tạo được một thể xác là một vận cụ phục vụ tốt hơn cho các mãnh lực. Bản thân tôi tình cờ đến với thanh tinh luyện thể xác và thấy có hiệu quả tốt cho cuộc sống bình thường và nay cho cuộc sống tinh thần, chứ thực ra không đến mức “Không có giây phút nào trong ngày mà người Đệ tử không thể tưởng nghĩ đến mục tiêu đó và không thể tiến hành việc chuẩn bị”. Giờ đây thì tôi hiểu hơn các mục tiêu mang tính hệ thống và tổng thể có ảnh hưởng đến việc tu tập và phụng sự của người Đệ tử.

Còn đối với khí cụ Lời nói, bình thường ra tôi hay đùa vui thôi chứ bản chất là ít khi gây tổn hại, và mục đích cũng là vị tha với ngôn ngữ làm trung gian truyền năng lượng Bác ái. Tuy nhiên, từ khi vào học MF, tôi dần ít nói. Tôi chỉ phát biểu khi có sự chuẩn bị sẵn chứ ít khi nói vo trừ một số ít phản ứng tự nhiên sau khi bạn nào phát biểu điều gì đấy mà tôi thấy cần phải bộc lộ rõ quan điểm của mình. Hiểu theo nghĩa nội môn, theo Chân sư, “giữ gìn được lời nói tức là giữ gìn được sức mạnh; sử dụng lời nói, đã chọn kỹ và thốt ra đúng đắn, tức là phân phối mãnh lực bác ái của thái dương hệ,—là mãnh lực bảo toàn, tăng cường và kích thích” [51]. Có thể tôi đã ngại ngần tránh né điều gì đấy, chẳng hạn sợ làm tổn hại đối với bạn đạo, cẩn trọng nhắc mình tôn trọng linh hồn của bạn không để cho phàm ngã của bản thân “chiến đấu” với phàm ngã của bạn ….nên với bạn đạo tôi ít nói dần. Còn trong đời thường tôi chưa giữ im lặng theo cách người Đệ tử phải học. Tôi còn hay sa đà lãng phí thời gian để phàn nàn vô ích và hay tỏ ra buồn rầu mỗi khi có cái gì đó bất ổn đến với bạn bè của mình, nhất là với bạn bè mà tôi thân thiết và quý trọng. Chính với người không thân, tôi lại ít nói và chỉ làm những việc cụ thể để giúp họ mà thôi trong tư cách là vận cụ của linh hồn, vận cụ của Thượng đế. Giờ đây, khi suy nghĩ về sự im lặng hay không im lặng của người Đệ tử mà mình cần phân biện, tôi hiểu rằng không được lãng phí năng lượng trong lời nói. Nhưng khi cần vẫn phải dùng lời nói để tự khích lệ mình và khích lệ bạn, với mục tiêu xây dựng; lan tỏa mãnh lực yêu thương của các Đấng cao cả qua vận cụ là mỗi người học đạo, với động cơ phụng sự chân chính kết hợp một cách đồng nhất với các huynh đệ của mình. Như thế, tình thương được biểu lộ qua lời nói đúng đắn mang tính chất sáng tạo, dẫn đến năng luợng ở các luân xa thấp có thể được chuyển lên luân xa cổ họng, điều mà Chân sư coi là một lý tưởng mà người học đạo tìm cách tiếp cận — “thông qua phụng sự kết hợp, cộng tác yêu thương, và thống nhất nguyện vọng, tư tưởng và nỗ lực”.

V. Các quan hệ tập thể[52]

Con đường của người Đệ tử là một con đường không bằng phẳng, đầy gai góc cản trở mỗi bước đi, có nhiều khúc ngoặt phải đương đầu với các khó khăn, khó khăn từ trong nội tại phàm ngã phản ứng chống đối linh hồn, khó khăn từ tác động bên ngoài. Điều quan trọng là khi tiến bước trên đường đạo vượt qua từng trở ngại, cần có lòng gắn bó với phúc lợi tập thể, tôn trọng quan tâm đúng mức đến sự phát triển tiến hoá của mọi người chứ không chỉ lăm lăm lo cho sự tiến hóa của riêng mình; khi phụng sự không để các mục đích riêng tư chen vào vì sự vị kỷ ấy dễ khiến cho các hạ thể phát ra rung động thấp đẩy người Đệ tử đi chệch khỏi con đường đã chọn. Một khi bản thân đi đúng đường, phụng sự vô kỷ như thế thì người Đệ tử mới dễ hòa đồng với các cá nhân và các tập thể trên tinh thần thấu hiểu, càng hòa đồng sẽ lại càng cố gắng hơn nữa và một cách tự nhiên người Đệ tử sẽ “qui tụ được quanh mình các đơn vị tâm thức mà y có thể trợ lực, sử dụng, và thông qua họ y có thể thực thi các kế hoạch của thượng cấp[53].

Tôi luôn có ý thức tự vun trồng hạnh phúc cho chính mình, và hiểu rằng sự buồn nản, băn khoăn nhiều về động cơ là nội tâm hay ngoại tâm, và nhạy cảm quá đáng đối với những lời chỉ trích của người khác, sẽ đưa đến một tình trạng khiến người Đệ tử thành gần như vô dụng. Vấn đề là ở chỗ Hạnh phúc vốn dựa trên niềm tin vào Thượng Đế nội tâm, và hãy nhận lấy tất cả những điều vui vẻ có thể đến với bản thân, xem đó là môi trường để ban rải niềm vui; đừng chống đối hạnh phúc và niềm vui, và đừng xem đó là dấu hiệu của những gì không lành mạnh. Đau khổ nảy sinh khi phàm ngã nổi loạn. Hãy chủ trị phàm ngã, loại trừ dục vọng, và tất cả sẽ là hoan hỉ.

Nhận thức là vậy, phụng sự nhân loại, theo bước đường của Chân sư, cộng tác với Chân sư phụng sự Thiên cơ… nhưng không phải biết nhiệm vụ rồi là mặc nhiên người Đệ tử làm được. Nó đòi hỏi phẩm tính của Chân ngã/Linh hồn là KIÊN NHẪN, luôn an trụ vào cái trí, vào động cơ và nguyện vọng duy nhất ở nội tâm là nhằm thực hiện ý muốn của Chân sư và phụng sự nhân loại thì mới thoát khỏi tầm nhìn bị che án, tránh sự rung động bị hạ thấp, tránh mắc những ảo cảm khi trí phán đoán bị phủ mờ bởi ảnh hưởng xấu xa nổi lên từ các tình huống ở cõi trần. Điều đó cũng có nghĩa là tránh trụ vào thể cảm dục, chế ngự được thể cảm dục vì nó hay gây ra những rung động tùy tiện thiếu cơ sở thực tế, gây ra nhiều băn khoăn lo lắng có thể ảnh hưởng đến niềm tin vào con đường đạo mình đã chọn.

Nó đòi hỏi người Đệ tử có thái độ “điềm nhiên”với nỗ lực cao thượng để xem tất cả mọi sự phàm ngã quan tâm đều không đáng kể, mà chỉ có mục tiêu tiến tới là thiêng liêng, chỉ có tiếng gọi phụng sự tiếng nói của Thượng Đế nội tại là thiêng liêng đưa Đệ tử đến hành động cụ thể dấn bước vững vàng trên con đường đưa đến Cửa Điểm Đạo. Điều đó cho phép cảm xúc hay ảo cảm mất đi do hao mòn dần, bởi vì không còn “năng lực nuôi dưỡng” của sự chú ý. Nhờ vậy, mọi điều xảy ra trong cuộc sống của người Đệ tử đều trở thành cơ hội để có thể chuyển hóa tiêu cực thành tích cực, dục vọng thành đạo tâm, …và như Chân sư chỉ dạy “Sự liên tục của tầm nhìn tinh thần, của chí nguyện và sự tiếp xúc nội tâm được xem là quan trọng hơn tất cả…Đó là sự liên tục cần nhắm tới, mặc dù và bất chấp các hoàn cảnh có thế nào”. Kiên nhẫn một cách liên tục như thế giúp cho đệ tử cân bằng được các cặp đối cực trong mình, đồng thời trở thành một sức mạnh được thừa nhận để trợ giúp những người khác, và được công nhận là một người đáng tin cậy trong phụng sự”. Rộng hơn nữa người đệ tử có thể “phát ra âm điệu của mình để được nghe thấy trong hàng ngũ các thiên thần và nhân loại… Y thực hiện điều trên bằng ngòi bút trong văn chương, bằng lời nói trong diễn thuyết và giảng dạy, qua âm nhạc, hội họa và nghệ thuật. Bằng cách này hay cách khác, y thấu đến tâm hồn mọi người, và trở thành một người phù trợ và phụng sự chủng tộc của mình[54]. Thày hiệu trưởng Michael D. Robbins của chúng ta là một minh chứng điển hình về sức mạnh của Linh hồn, Phụng sự và tầm ảnh hưởng của người Đệ tử (thày là Điểm đạo đồ rồi).

Nếu để ý đến khía cạnh huyền bí của tiền bạc trong phụng sự [55], chúng ta cũng thấy Thày thực sự là tấm gương của việc không tìm kiếm điều gì cho riêng mình, trừ những gì có thể giúp Thày thực hiện được công việc cần phải làm là truyền bá MTTL chia sẻ kinh nghiệm với những thế hệ đi sau, và là một phương tiện để hoàn thành những kế hoạch của Chân sư một khi Thày cảm nhận được các kế hoạch đó, mà thể hiện rõ nhất như Thày cô tạo lập dự án Liên hiệp quốc nội môn đã đề cập ở trên, tại đó liên minh vững chắc của thành viên EUN và NGWS là vận cụ trung chuyển năng lượng của Ý chí hướng thiện từ Sambala, năng lượng từ Thánh Đoàn đổ xuống thông qua năm trung tâm lực (tinh thần) của hành tinh, chuẩn bị trái tim và trí tuệ cho nhân loại trước sự kiện trọng đại là Đấng Christ lâm phàm để mang thiên đường xuống trái đất. Suy ngẫm về phụng sự cao cả của Thày, chúng ta chưa làm gì được nhiều thì chí ít cũng để tâm tự nguyện đóng góp từng chút một cho quỹ Donation của nhà trường – một hành động cụ thể trong nhiều hành động có thể làm để “Thu hút tiền bạc cho Mục tiêu của Thánh đoàn”, cho những người như Thày – tận tụy dùng tiền bạc (theo cách của các đệ tử) chỉ để phụng sự Thiên cơ, không phải cho những ham muốn ích kỷ thông thường của phàm nhân.

VI.Giáo huấn của Chân sư cũng đã chỉ ra cho ta biết rằng, con đường của người Đệ tử trong thời đại mới là một sự thực nghiệm công tác chung từng nhóm, mục đích chính không phải là sự kiện toàn cá nhân của riêng một Đệ tử nào trong tập thể. Có điều về từng cá nhân, mỗi người phải tự nghiêm túc rèn luyện, tu tập rồi mới bổ khuyết và bồi đắp cho nhau, phát huy các ưu điểm của nhau, xử xự với nhau với tư cách của linh hồn mà không phải phàm ngã đua tranh, và hình thành nên một nhóm thì nhóm mới có khả năng biểu lộ những khía cạnh của cuộc sống tinh thần, có khả năng làm việc với cõi trí tuệ, sẵn sàng và thực sự là vận cụ truyền chuyển năng lượng và ân huệ thiêng liêng từ các cõi trên, từ các Đấng cao cả tuôn tràn xuống để giúp đỡ nhân loại. “Trong lúc làm việc nhóm, không tránh khỏi những xung đột, điều cần tâm niệm rằng, bất cứ một sự bất đồng ý kiến nào có thể xảy ra trong nhóm đệ tử này là do những phản ứng của bộ óc xúc cảm, và bởi vậy không nên coi là quan trọng chút nào. Chúng phải được loại trừ ngay tức khắc ra khỏi trí não và ký ức và phải được hoàn toàn coi như những yếu kém của phàm ngã không xứng đáng làm trở ngại cho sự đoàn kết của nhóm[56]

Mặt khác, mãnh lực từ cảnh giới cao và từ Thượng đế nội tâm có thể trung chuyển tới người đệ tử, khiến người đệ tử có thể tạo ra những kết quả đặc biệt lên môi trường chung quanh; sự điểm đạo và được huấn luyện từ Phòng Minh Triết giúp người đệ tử “ý thức” được các mãnh lực và các quyền năng tiềm tàng trong chính Chân nhân và nhóm chân nhân của y; trong phòng này, mãnh lực của nhóm chân nhân được trao cho y sử dụng, bởi vì giờ đây y được tin cậy để vận dụng mãnh lực đó chỉ cho việc trợ giúp nhân loại, và cũng trong phòng này, sau lần điểm đạo thứ tư, y được dự vào, và được uỷ thác một phần năng lượng của Đức Hành Tinh Thượng Đế, và nhờ thế mà có khả năng xúc tiến các kế hoạch tiến hoá của Ngài.

Người đệ tử luôn nhận thức được mối quan hệ dắt dẫn trợ giúp nhau trên đường đạo. “Một trong những bài học đầu tiên mà người đệ tử phải học là nhận ra điều mà huyền môn gọi là “tiến trình đẳng cấp”. Điều này giúp cho người đệ tử tự đặt mình một cách ý thức vào điểm tiến hóa và phát triển tâm linh của mình để nhận biết những ai là người mà y có thể giúp đỡ do kinh nghiệm bản thân và ai là người mà y phải hướng về để tìm sự giúp đỡ tương tự[57].

Phạm vi năng lượng, mãnh lực hay hoạt động của các đệ tử khác nhau tùy theo cung của họ. Nhưng dù là cung gì, thì đệ tử cũng cần kiểm soát thể cảm dục trên cơ sở ghi nhớ và thực hành ba qui tắc thuộc về lời nói, về tư tưởng, và về mục tiêu dưới đây, sau khi y thực sự biểu lộ được tính vô tổn hại: [58]

Quy tắc I. Hãy nhập vào tâm huynh đệ và xem xét nỗi khổ của huynh đệ rồi dùng lời nói với sự hiểu biết để truyền cho bạn ấy mãnh lực cần có để tự bạn ấy có thể tháo lỏng các xiềng xích.

Quy tắc II: Hãy nhập vào trí của huynh đệ, đọc các tư tưởng của bạn ấy, nhưng tư tưởng của chính mình phải thanh khiết đã. Rồi mình suy nghĩ và để cho những tư tưởng được tạo ra như thế nhập pha trộn vào trí của bạn, mà không phải chế ngự họ.

Quy tắc III. Hãy hòa trộn với linh hồn của huynh đệ và hiểu biết được bạn mình theo đúng bản chất. Rồi sau đó tập trung vào kế hoạch mục tiêu cụ thể. Như thế sẽ giúp huynh đệ nhìn thấy vai trò của bản thân và của mọi người, nhờ vậy bạn ấy biết được công việc cần làm.

Sự thành công của việc tham thiền được thực hiện và tuân theo đều đặn có thể khơi dậy trong người đệ tử “sự điềm nhiên thiêng liêng” cho phép cảm xúc hay ảo cảm mất đi do hao mòn dần, bởi vì không còn “năng lực nuôi dưỡng” sự chú ý. Quá trình thành tựu sự kiểm soát này tạo thành một trong những giai đoạn khó khăn nhất trong đời sống của người đệ tử và là một trong những giai đoạn dài nhất từ góc độ thời gian”.[59].

Phần IV. ĐIỂM ĐẠO VÀ ĐIỂM ĐẠO LẦN THỨ NHẤT

Điểm đạo là gì

Điểm đạo là một thành quả và là một công sức đạt được của linh hồn mà cuối cùng đã thành công trong việc chế ngự phàm ngã , và trong việc biểu lộ bản thể và tính chất đích thực của nó bất chấp phàm ngã và sự đối kháng của chủ đích con người đối với các mục tiêu riêng của y.

Là sự thành đạt của một vài mục tiêu mong muốn, hướng về những gì mà các đơn vị của một giới thứ năm trong thiên nhiên đã thực hiện trong nhiều thiên niên kỷ, và biểu hiện cho mục tiêu của bổn phận bắt buộc, sự hy sinh và việc phụng sự hành tình.Thành quả này đạt đến mục tiêu của nó vào cuộc điểm đạo lần thứ ba. Từ lúc đó, con người được giải thoát và không bị ràng buộc , các việc phụng sự tự do được lựa chọn và với tư cách một linh hồn, đều biết được ý định và mục tiêu trên cõi hồng trần.

Điểm Đạo là gì? “Điểm đạo có thể được định nghĩa theo hai cách. Trước nhất, đó là việc gia nhập vào một thế giới mới có kích thước rộng lớn hơn bằng sự mở rộng tâm thức của một người để y có thể bao gồm và chứa đựng những gì mà hiện nay y bác bỏ và y thường tự tách y ra khỏi những điều đó trong tư tưởng và hành vi của y. Thứ hai, đó là việc nhập vào con người những năng lượng vốn là đặc trưng của linh hồn và chỉ của linh hồn – các thần lực của bác ái thông minh và ý chí tinh thần. Đây là những năng lượng năng động, và chúng kích hoạt tất cả những ai là linh hồn giải thoát. Phương pháp điểm đạo là phương pháp của sự: Nhận thức mãnh lực, Áp dụng mãnh lực và Sử dụng mãnh lực[60]

Khi ba cung chi phối tam nguyên thấp pha trộn và tổng hợp, và tạo ra phàm ngã sinh động, và khi chúng lần lượt thống trị cung của thể xác dày đặc, con người thấp kém đi vào một tình trạng xung đột kéo dài. Dần dần và ngày càng gia tăng, cung của linh hồn, “cung của quyền lực kiên trì và thu hút”, như nó được gọi một cách huyền bí, bắt đầu trở nên tích cực hơn; trong não bộ của người vốn là một phàm ngã phát triển, một nhận thức gia tăng về rung động được thiết lập. Có nhiều mức độ và giai đoạn trong kinh nghiệm này, và chúng bao gồm nhiều kiếp sống. Lúc đầu, cung phàm ngã và cung linh hồn có vẻ không hòa hợp với nhau, và rồi sau đó một tình trạng xung đột ổn định được thiết lập giữa năng lượng của hai cung này trong con người hành gỉa còn đang bàng quan vô tư. Dần dần, khi cuộc chiến vẫn tiếp tục giằng co, y trở thành một nhân tố tích cực hơn, và giảm bớt thái độ của người bàng quan vô tư và không quan tâm. Khi y ý thức rõ rệt các vấn đề liên quan, và dứt khoát đưa sức nặng của ảnh hưởng, các ham muốn, và trí tuệ của y sang phía của linh hồn, y có thể được điểm đạo lần thứ nhất. Một cách huyền bí, cung phàm ngã bị “dập tắt” hoặc bị hấp thụ bởi cung linh hồn, và mọi uy lực và các thuộc tính của các cung thấp trở thành phụ thuộc và bị nhuốm màu bởi cung linh hồn.

Chúng ta có (trong đời sống của người chí nguyện) bản tóm tắt của tiến trình tam phân mà chúng ta có thể gọi là “các tiến trình khai mở tâm thức Lemuria, Atlantis, và Arya.”Trên Con Đường Dự Bị, cung của thể xác phải trở nên lệ thuộc vào các uy lực phát ra từ những cung linh hồn đang tuôn ra từ lớp cánh hoa ngoài của hoa sen chân ngã. Đây là những cánh hoa tri thức. Trên Con Đường Đệ Tử, thể cảm dục được đưa vào sự chinh phục bởi cung linh hồn khi nó tuôn đổ qua lớp cánh hoa thứ hai, là những cánh hoa bác ái. Trên Con Đường Điểm Đạo, cho đến cuộc điểm đạo thứ ba, cung của thể trí bị chinh phục bởi thần lực của các cánh hoa hy sinh, ở lớp cánh hoa thứ ba. Như vậy ba trạng thái của phàm ngã được đưa vào khuất phục bởi năng lượng phát ra từ chín cánh hoa của hoa sen chân ngã[61].

Trên đường đạo hành giả luôn phải rèn theo các giới răn, phải lập hạnh. và ngày càng sống tốt đẹp hơn, tử tế hơn. Điều đó là cần nhưng không phải là đủ để hành gỉa có thể bước vào cửa điểm đạo, nhất là có động cơ tò mò, hiếu kỳ lại càng không thể tới gần dù cho sự tu luyện đã sắp đạt đến mục tiêu thiêng liêng mà hành gỉa vốn quan tâm. Vấn đề là ở chỗ những phẩm tính tốt đẹp ấy phải được đặt trong một đời sống hoàn toàn hy sinh vị tha, luôn dè dặt, khiêm tốn, và bất vị kỷ đến mức phi thường, để có thể giúp dẹp tan các chướng ngại ở ngoại cảnh và nội tâm, và khắc phục được các lực, các năng lượng đối nghịch, ngăn cách giữa một người “tốt” và cuộc lễ điểm đạo.

Có thể hoàn toàn nêu rõ rằng đấng điểm đạo đầu tiên, mà luôn luôn và bao giờ hành giả cũng cần phải tiếp xúc, là linh hồn của chính y. Nhiều trường và huấn sư nội môn cho rằng giáo huấn của họ là từ một vị Chân sư cao cả, và khuyên môn sinh của họ hướng đến Ngài. Họ cũng bảo rằng chính Ngài chuẩn bị các môn sinh cho bước tiến này, mà nếu không có Ngài thì người môn sinh không thể nào tiến bộ. Họ quên rằng thậm chí một vị Chân sư như thế cũng không thể tiếp xúc với hành giả trong mối quan hệ nói trên, nếu y chưa giao tiếp được với linh hồn của chính mình một cách rõ ràng, xác định. Chính trên cấp ý thức này, tức là cấp ý thức của linh hồn, người ta mới có thể tìm thấy những vị phù trợ. Thế nên, mỗi cá nhân đều phải đi vào trạng thái vừa kể, thì mới có thể giao tiếp một cách thông minh với những vị đang hoạt động ở đó một cách bình thường. Điểm đạo liên quan đến tâm thức, và chỉ là từ được dùng để nói lên sự chuyển tiếp mà hành giả có thể thực hiện để ra khỏi ý thức của giới thứ tư hay nhân loại và bước vào giới thứ năm tức là giới tinh thần hay Thiên giới. Đức Christ đã đến để chỉ con đường đi vào giới tiến hóa này.

Mỗi lần nghĩ về hai từ “Điểm đạo”, ngoài việc nghĩ mông lung theo cảm tính, tôi luôn cảm thấy mình ở cách xa nó, và có cái gì đó ngại ngần mà không muốn nhìn thẳng vào sự thật ẩn dấu bên trong là cái gì? Rõ ràng, về Phụng sự, về sự Hy sinh tôi không hề ngại ngần. Về hiểu biết MTTL, tôi rất kém cỏi. Thày đã giải thích cho tôi trong bài phúc trình nào đó, rằng chuyện đó là bình thường, và tôi cũng đã nhận ra. Hình như có vẻ, tôi cần sự tự do; có vẻ tôi mắc vào ảo cảm nào đó rất tinh vi chứ không “lồ lộ” như trước đây tôi tự kiểm về ảo cảm của mình. Thành thử, khi đọc đoạn này:

Điểm đạo là sự đơn giản hóa. Do đó, đơn giản hóa những năm còn lại của em bằng cách hành động “như thể.” Thông qua quá trình sống này, em sẽ đánh mất những ngọn lửa của sự hiểu biết. Tôi tự hỏi tôi có làm một số ý tưởng về giá trị rõ ràng với em hay không? Hãy luôn hành xử “như thể” sự hiểu biết thiêng liêng của em đã hoàn thiện, và kết quả trong cuộc sống hàng ngày của em sẽ “như thể” tất cả những ảo cảm ẩn giấu và tất cả những màn che lừa gạt đều không tồn tại. Người đệ tử hành động “như thể” anh ta là điểm đạo đồ và sau đó phát hiện ra rằng “một người suy nghĩ như thế nào trong trái tim thì y sẽ như thế nấy,” bởi vì trái tim là cái cất giữ quyền năng của sự tưởng tượng. Sự tưởng tượng được phóng thích vào hoạt động sáng tạo khi người đệ tử hành động “như thể” y là linh hồn biểu hiện đầy đủ, “như thể” Chân sư luôn biết được những hành động của người đệ tử của Ngài, “như thể” y bước đi trong sự giải thoát hoàn toàn một cách có ý thức. Đối với em, hai từ này sẽ mang lại sự giải thoát và hạnh phúc[62], tôi chưa thật hiểu nhưng tôi đã bị cuốn vào nó và tôi xin chép vào đây.

Điểm đạo lần thứ nhất

Cuộc điểm đạo thứ nhất ở trong tầm tay của nhiều người, nhưng sự nhất tâm cần phải có, niềm tin vững chắc vào thực tại sắp đến, cùng với quyết tâm thà hy sinh tất cả chứ không hề thối lui, là những điều làm nhiều người nản lòng

Điểm đạo lần 1 không có nghĩa là Chân Ngã hoàn toàn kiểm soát được phàm ngã. Nó chỉ biểu thị rằng mầm mống của sự sống linh hồn đã truyền sinh lực và đưa thể tinh thần bên trong vào sự sống hoạt động, lớp vỏ của con người tinh thần bên trong, để Chân thần có cơ hội biểu lộ sự sống đầy đủ đó một khi người được điểm đạo đồ dần dần đồng nhất hóa một cách hữu thức với Sự Sống Duy Nhất. Giữa cuộc điểm đạo thứ nhất và thứ hai, như đã thường được tuyên bố, nhiều thời gian có thể trôi qua và nhiều thay đổi phải được thực hiện trong nhiều giai đoạn của con đường đệ tử[63].

Linh hồn bất tử trong mỗi người chuẩn bị cho y được điểm đạo lần thứ nhất, bởi vì chính linh hồn này biểu hiện với tư cách trẻ thơ Christ và xuất hiện trong người ấy ở thế gian. Đây là sự sinh ra lần thứ hai. Những gì đã và đang dần dần thai nghén trong hành giả thì rốt cuộc được sinh ra. Bấy giờ, Đấng Christ, hay linh hồn, ra đời một cách tỉnh thức. Trong mỗi người bao giờ cũng sẵn có hạt giống Christ hằng sống, dù còn tiềm ẩn. Nhưng đúng lúc, đúng mùa tiết, trẻ thơ linh hồn xuất hiện, giúp hành giả được điểm đạo lần đầu trong năm cuộc điểm đạo[64].

Một người đã được điểm đạo lần thứ nhất, đích thực là người đã tiến bước đầu tiên vào giới tinh thần, đã dứt khoát ra khỏi giới nhân loại để nhập vào giới siêu nhân loại[65]

Thực ra, những điều kiện điểm đạo 1 cũng không hoàn toàn có vẻ đơn giản như trước đây tôi từng nghĩ rằng nếu người chí nguyện đã đạt được tính khoan dung, tử tế, sùng tín, thiện cảm, cố gắng thực hiện lý tưởng, kiên nhẫn và bền chí, tức là y đã đạt được những điều kiện chủ yếu cần phải có, rồi người ấy lại chiến đấu và chiến thắng với ba mặt tối của Thể xác: sắc dục, tiện nghi, tiền bạc thì ok. Cụ thể là, vào cuộc điểm đạo thứ nhất, việc chế ngự thể xác của Chân nhân phải đạt đến mức cao. “Các tội lỗi của xác thịt”, nói theo ngôn từ của Thiên Chúa giáo, phải được thống trị; tính tham ăn uống, và lối sống buông thả chạy theo sắc dục tình dục không được còn ảnh hưởng. Sự tuân phục của thân xác phải thực sự là tự động. Chân nhân không còn chiều theo các đòi hỏi phải có tiện nghi đầy đủ sang trọng; không còn nhao theo những cám dỗ về vật chất về việc phải có thật nhiều tiền tiêu xài vô lý khoa trương và thu vén cho cá nhân cho gia đình mình, không đòi hỏi quyền lực mong cầu những lợi ích mang đến cho cá nhân. Tức là sự chế ngự phải hoàn toàn và sự cám dỗ phải chấm dứt. Bây giờ đọc và nghiên cứu kỹ hơn, tôi hiểu rằng ngoài những thành tựu đạt được kể trên, chúng phải được bổ sung bằng sự thấu hiểu thông minh và khai mở trí tuệ để có thể hợp tác với các kế hoạch dành cho nhân loại, một cách khôn ngoan và thích hợp. Trước đây tôi nhận thức được cần có sự cân bằng giữa trí óc với tâm hồn, và trí năng phải được tình thương bổ sung và biểu lộ thông qua tình thương. Tuy nhiên, tình thương ấy nhiều khi mang sắc thái tình cảm. Tình cảm thì gây nên xúc động và thiên biến vạn hóa, đổi thay liên tục. Ta quý ai tôn trọng ai thì có vẻ như tình thương trong ta lớn lên, ta thương ai đau khổ bất hạnh trong đời thì ta đến với họ thông qua từ thiện (nếu không quen biết), thông qua chia sẻ trực tiếp trợ giúp về vật chất an ủi về tinh thần chia sẻ những tâm tư sâu lắng những gì mình đã trải nghiệm, thế là có bác ái tình thương, và tôi từng tự nhận là có cung 2 linh hồn với tình thương thuần khiết kiểu Đấng Christ. Nhưng Tình thương thuần khiết về bản chất là một thuộc tính thiêng liêng của linh hồn, vốn bao gồm tất cả. Nó mang lại mối liên giao giữa chúng ta với Thượng Đế, và giữa mọi người một cách kiên định. Nó hòa đồng và hòa hợp, cảm thông, diễn giải và tổng hợp mọi hình tướng, mọi biểu hiện, mọi nguyên nhân và mọi chủng tộc, vào trong trái tim yêu thương duy nhất luôn bừng cháy. Nó không hề biết đến bất cứ điều gì phân chia, tách biệt hoặc bất hòa. Để có sự biểu lộ thiêng liêng này trong đời sống hằng ngày, chúng ta phải vận dụng tối đa nội lực của mình. Để làm một điểm đạo đồ, hành giả phải vận dụng mọi năng lực trong mọi phương diện của bản tính mình. Đó không phải là điều dễ làm. Để đối mặt với những thử thách không thể tránh mà nhất định hành giả sẽ gặp khi dấn bước trên con đường mà Đức Christ đã đi qua, y phải có tính can đảm, kiên cường thuộc loại rất hiếm hoi. Để hợp tác một cách khôn ngoan và lành mạnh với Thiên cơ, và hòa hợp ý chí của mình với Ý chí Thiêng liêng, hành giả phải khơi hoạt không những tình thương sâu xa trong tâm, mà còn phải vận dụng những quyết tâm kiên định của trí năng. Một thái độ chung về sự tuân phục Chân Ngã phải được đạt đến, và sự sẵn lòng vâng lời phải rất mạnh. Cuộc điểm đạo thứ nhất được các Chân sư xem như có ý nghĩa được chấp nhận vào Thánh Đạo. “Con người mới” được sinh ra ở kỳ điểm đạo thứ nhất phải và sẽ bước theo con đường huyền linh học hay con đường khoa học, có nhận thức chắc chắn và khoa học rằng Thượng đế là Năng lượng và sự sống.

Ứng cử viên cho cuộc điểm đạo thứ nhất: bao gồm những người thông minh tiên tiến, cũng như những nhà thần bí nhạy cảm; những người thể hiện một phàm ngã mạnh mẽ và các mục tiêu vật chất vẫn còn mạnh nhưng sẽ có những khởi đầu để vươn tới cái gì đó cao hơn, tốt hơn, đẹp hơn. Họ sẽ có những nỗ lực để kiềm chế những ham muốn vật chất, chẳng hạn như nhịn ăn; thúc đẩy lòng ham muốn phát triển thể chất lành mạnh—chơi thể thao, thể dục, chú ý đến chế độ ăn uống, ăn kiêng, xem xét việc ăn chay, tiêu khiển và giải trí để phát triển và mở rộng tâm trí, tham gia các nhóm phát triển cá nhân, tích cực tham thiền huyền môn v.v.

Vào cuộc điểm đạo thứ nhất, môn sinh trở nên ý thức đến mức nào đó về phần việc, tương đối chưa rõ ràng, mà y phải thi hành trong đời sống cá nhân y, trong khoảng thời gian sau đó, từ lúc được khải thị cho đến cuộc điểm đạo thứ nhì. Điều này có thể cần thêm một hay nhiều kiếp sống. Y biết được chiều hướng mà các kiếp sống này nên theo, phần nào nhận thức được phận sự của mình trong việc phụng sự nhân loại; y thấy Thiên Cơ là toàn thể, trong đó y là một miếng khảm nhỏ bé bên trong mô hình tổng quát; y ý thức được làm cách nào với loại trí tuệ của mình, với khả năng, trí năng và những kiến thức khác, y có thể phục vụ, và phải hoàn tất những gì trước khi y có thể lại an trụ vào Bản tính Thiêng liêng và nhận được một sự khải thị rộng lớn hơn.

Vào cuộc điểm đạo thứ nhất, điểm đạo đồ ý thức được trạng thái thứ ba, thông tuệ linh hoạt, là trạng thái thấp nhất của Chân nhân. Y được đối diện với sự biểu hiện đó của Đấng Thái dương thiên thần cao cả (là Từ phụ) là chân ngã, là chính y. Nay không còn là mơ hồ lẫn lộn, y biết rằng sự biểu hiện thông tuệ đó là Thực thể vĩnh cửu, qua bao thời đại đã và đang biểu dương các quyền năng ở cõi trần, trong các kiếp sống liên tiếp của y.

Vào cuộc Điểm đạo chính yếu lần thứ nhất, sự sống Christ sinh ra trong tâm người đệ tử. Bấy giờ lần đầu tiên y nhận thức được sự phóng rải nguồn Bác ái thiêng liêng nơi chính mình. Y cũng trải qua sự thay đổi kỳ diệu khiến y cảm thấy mình là một với cả chúng sinh. Đây là sự ‘Sinh ra lần Thứ hai,’ là dịp khiến cho những người trong cõi thiêng liêng đều hoan hỉ, vì y được sinh vào ‘thiên giới,’ như một người ‘em nhỏ,’ như một ‘trẻ thơ.’ – tên gọi này bao giờ cũng được dùng cho các tân Điểm đạo đồ. Đó là ý nghĩa những lời của Đức Jesus, khi Ngài nói rằng mỗi người phải trở thành trẻ thơ mới có thể đi vào Thiên giới.”[66]

Luân xa nào liên quan và hoạt động nhất vào thời điểm cuộc điểm đạo thứ nhất và tại sao?

Vào cuộc điểm đạo thứ nhất, hành giả tự do khỏi sự kiểm soát của thể hồng trần và các ham muốn của nó. Đó là “Sự Chuyển dịch đầu tiên – năng lượng từ luân xa xương cùng đến luân xa cổ họng[67], và sẽ dần tập trung vào những nỗ lực sáng tạo khác ngoài việc theo đuổi tình dục và tiền bạc. Con người bình thường bị kiểm soát bởi ham muốn thấp kém, do đó y tuôn mãnh lực của mình thông qua ba luân xa thấp có liên quan đến những ham muốn này – luân xa đáy cột sống, luân xa xương cùng, và luân xa tùng thái dương. Nhưng khi con người đã tiến hoá trên con đường phát triển, sẽ có một sự chuyển dịch năng lượng trật tự từ các trung tâm lực thấp đến các trung tâm lực cao. Điều này có thể xảy ra trong quá trình tiến hóa, hoặc có thể được đẩy nhanh thông qua việc huấn luyện cưỡng bức cho các đệ tử. Mục tiêu tâm linh là chuyển trọng tâm từ các luân xa thấp đến các luân xa cao. Ở cuộc điểm đạo lần thứ nhất, ứng với cuộc giáng sinh của Đấng Christ, các luân xa hoạt động chủ yếu là luân xa tim, luân xa tùng thái dương và luân xa cổ họng. Trong đó, luân xa tim là luân xa thường được khơi hoạt, để nhằm chế ngự thể cảm dục hữu hiệu hơn, và phụng sự nhân loại lớn lao hơn. Luân xa cổ họng tạo khả năng sử dụng các thành đạt của hạ trí vào công việc phụng sự Chân sư và trợ giúp nhân loại. Nó cũng tạo khả năng cho ra và phát ra những gì hữu ích, có thể bằng lời nói, nhưng chắc chắn là bằng một lối phụng sự nào đó. Hành giả cũng được cho thấy nhu cầu của thế giới, và thấy thêm một phần của Thiên Cơ. Bấy giờ, quan điểm của cá nhân được hòa nhập vào nhu cầu của toàn thể, bao gồm việc Chân nhân hoàn toàn chế ngự thể trí cụ thể.

Những hành tinh và cung nào kiểm soát sự điểm đạo thứ nhất và vai trò của chúng trong quá trình này là gì?

Pluto và Vulcan cai quản lần điểm đạo thứ nhất: “Ảnh hưởng của Vulcan đạt đến độ sâu của bản chất, trong khi Pluto kéo lên bề mặt và phá hủy tất cả những vật cản ở những vùng thấp hơn.”[68] Nếu một người có vẻ như là một ứng cử viên cho cuộc điểm đạo thứ nhất, các hành tinh này phải nổi bật hoặc mạnh mẽ trong lá số chiêm tinh, và / hoặc phải được nhấn mạnh. Chúng chỉ vào bản chất của công việc thanh lọc được thực hiện, và ở lãnh vực nào trong cuộc sống mà điều này sẽ xảy ra. “Vulcan và Pluto thanh luyện những ai đang tiến gần đến cuộc Điểm đạo thứ Nhất”. [69]Cung 1 (Cung của Nhà phá hoại) chảy qua Vulcan và Pluto”. [70]. Cung 1 có ảnh hưởng, biểu lộ qua Pluto và Vulcan, chỉ được cảm nhận theo một cách tích cực trên Con đường đệ tử. Sức mạnh cung 1 này chỉ mới được nhân loại trải nghiệm gần đây nói chung khi nhân loại đến gần giai đoạn trở thành đệ tử trên thế gian, và một số tương đối lớn ở trên Con Đường Đệ Tử và Con Đường Dự Bị.

Trước đây, tôi tự tưởng tượng mình không buông lung tình dục, không chạy theo vật chất tiện nghi tiền bạc,…tự hình dung năng lượng từ luân xa xương cùng đang chuyển lên trung tâm lực luân xa cổ họng với biểu hiện sáng tác truyện ngắn, hồi ký, thơ…một cách khá dễ dàng; và có những biểu hiện về bác ái nhân từ vị tha đồng thời luôn kiên trì rèn luyện 5 giới răn, khắc phục những trở ngại của việc hợp nhất phàm ngã với linh hồn, tự nguyện phụng sự trong một số mảng hoạt động (xin xem phần phụng sự cụ thể ở Phần VIII) thì chắc việc điểm đạo 1 không có gì quá khó khăn. Chỉ ngại là chính bản thân mình cũng chẳng muốn đạt được điều đó vì phàm ngã không muốn từ bỏ những thói quen sống bình dị nhuốm mầu bác ái (vậy là đủ) đó thôi. Suy nghĩ ấy thật cảm tính và thô sơ, có điều là thực sự tôi chưa bao giờ có ý tự chuẩn bị cho điểm đạo. Tôi đã kiên trì tham thiền, học hỏi giáo lý của chân sư D.K. qua hệ thống đào tạo của nhà trường, đó là quá trình làm việc tương đối có hệ thống dẫn đến phát triển thể trí một cách tự nhiên, dần dần và bằng quá trình gian lao khó nhọc để chế ngự thể cảm dục. Nhưng tôi chưa có nhận thức rõ ràng rằng tất cả những cố gắng ấy là nhằm ứng đáp được với ba loại rung động: rung động đến từ linh hồn, từ chân sư, từ các huynh đệ, mặc dù ở đâu đó tôi cũng cứ viện dẫn nhắc nhở đến mở rộng tâm thức, hòa hợp rung động với tất cả – “rào rào” theo kiểu câu chữ ở bên ngoài, rằng là Rung động đến từ các huynh đệ của tôi đang ở khắp chung quanh; rằng Linh hồn đang dẫn dắt tôi trong nhiều sự kiện của đời sống khiến tôi bình ổn; rằng cứ mỗi lần trong một số bài thiền nhắc đến Chân sư D.K. là một lần tôi tưởng như mình nhận được sự rung động phát ra từ Người; cứ thế cứ thế nên cuối cùng, tôi đang trở nên ngày càng nhạy cảm với những hân hoan, đau thương và buồn khổ của những người tôi tiếp xúc hằng ngày, nhất là những gì trùng hợp tôi từng trải qua, nhưng không vì thế mà giảm suy năng lực. Thôi thì âu cũng là AS IF…

Mười bốn qui luật được đưa ra, trích từ một loạt các giáo huấn, sưu tập cho những người cố gắng để được điểm đạo lần thứ nhất[71].

Phần V. KIỂM LẠI BẢN THÂN NGƯỜI CHÍ NGUYỆN TRÊN CON ĐƯỜNG DỰ BỊ, TRỞ NGẠI VÀ THUẬN LỢI

Trên đây, tôi đã trình bày một số nội dung liên quan đến điểm đạo và điểm đạo lần 1. Mặc dù có những đoạn đã cố gắng liên hệ với bản thân để hiểu thực chất, nhưng vẫn còn loay hoay bám nhiều vào câu chữ trong sách vở tài liệu nên có thể rất rời rạc. Tôi luôn không tự bằng lòng với chính mình, nhưng bất lực. Chính trong lúc này đây, tôi tự thoát ra khỏi phàm ngã của mình, nhường chỗ cho linh hồn nhìn xuống, để coi thử tôi đang ở mức độ nào khi đối chiếu đến điểm đạo đồ bậc 1, mà dứt khoát không đọc bài viết nữa:

1. Tôi đã thoát ra khỏi sự ràng buộc của sắc dục, tình dục.

2. Tôi không bị lôi cuốn vào thú vui của tiện nghi của tiền bạc tiêu xài cho mình. Tôi rất nhẹ nhàng khi cần CHO ĐI về tiền bạc, nhưng cho đi để người nhận loanh quanh là những phàm ngã (người thân, bạn bè gặp khó khăn, từ thiện…) nhiều hơn là đóng góp cho quỹ tinh thần như MF Donation. Tôi vẫn buộc mình vào trách nhiệm giúp đỡ chia sẻ và quan tâm đến con người ở đời sống thường nhật. Mặc dù tôi có nhiều thay đổi trong việc sử dụng tiền bạc cho mục tiêu tinh thần, nhưng còn rất xa xa lắm với cách sử dụng tiền bạc của người đệ tử.

3. Tôi thanh tinh luyện thể xác tương đối tốt nhưng chưa triệt để trong việc ăn chay. Tôi vẫn cảm thấy cơ thể cần một số đồ ăn bổ dưỡng theo nghĩa khá PHÀM, trước tình trạng sức khỏe của tôi luôn ở trong trạng thái bị thử thách. Tôi rất hay chìm đắm vào sự tưởng tượng đúng hơn là cố học thuộc dù máy móc về năm trung tâm luân xa trong con người tiểu vũ trụ của mình để móc nối liên hệ hình dung khi cần, đặc biệt mỗi khi thấy thể chất đi xuống:

a. Trung tâm lực ở đáy xương sống, trung tâm lực duy nhất giải quyết những gì có một hiệu quả vật chất.

b. Trung tâm lực nằm ở tùng thái dương, quan trọng nhất trong cơ thể theo quan điểm cõi cảm dục.

c. Trung tâm lực ở cổ họng, quan trọng nhất theo quan điểm cõi trí.

d. Trung tâm lực nơi vùng tim, vốn có mối liên hệ huyền bí với cõi Bồ đề.

e. Trung tâm lực đỉnh đầu, là bí huyệt vương miện, và có liên quan với cõi Niết Bàn.

4. Tôi đã từ bỏ tới 80-90% hoạt động cho thế giới bên ngoài để tập trung vào đời sống tinh thần. Chính bản thân tôi cũng ngạc nhiên vì sự thay đổi của mình.

5. Tôi không tiếc công sức và đã có tự giác tham gia vào công việc của nhóm, nhưng thường còn chọn việc phù hợp và né tránh một số sinh hoạt bàn luận vì tập trung cao nhất vào việc hoàn thành bài vở trong khi theo học MF. Tôi không quá căng thẳng nhưng nỗi sợ hãi vẫn còn. Tôi sợ không hoàn thành đúng hạn, tôi sợ chất lượng bài viết kém. Tôi sợ thày giáo và các bạn thất vọng về tôi. Tôi sợ thời gian trôi quá nhanh và thể chất của tôi xuống dốc ngoài ý muốn. Tôi sợ không đáp ứng được yêu cầu của học viên mà tôi phụ trách. Tôi sợ cả những thành công đến với mình khiến cho người khác để ý khiến tôi không thích…Và tôi lo ngại … việc trở thành đệ tử, việc được điểm đạo!

Xuất phát từ ý chí thanh tinh luyện hạ thể và mối liên quan đến hoạt động nghiên cứu và làm phúc trình, đến sự tu tập đi trên đường đạo, tôi đã tập đối diện với nỗi sợ tìm ra nguyên nhân để vượt qua, từ việc nhỏ cho tới việc rất lớn là … ngại ngần lo lắng đủ thứ khi nghĩ đến tu tập rèn luyện rồi trở thành đệ tử, rồi được điểm đạo. Đúng là “con đường huyền môn không dành cho người yếu bóng vía”. Bản chất vẫn là tôi nghĩ đến TÔI. Phàm ngã không muốn làm đảo lộn những gi quen thuộc, không muốn bị ràng buộc. Phàm ngã muốn tự do. Tôi phải làm sao để không còn là người yếu bóng vía? Nếu làm khóa luận thấy khó thì phải lùng sục kiến thức từ sách chân sư nghiền ngẫm xem hoạch đắc cái gì và biến luôn thành hành động phụng sự và nghiền ngẫm qua tham thiền chứ những vấn đề này không phải chỉ tham thiền theo chủ đề hàng ngày và tham thiền nhóm theo định kỳ. Còn thích tự do ư? Tự do của phàm ngã là tự do trở về với những ham muốn vật chất, với những toan tính vị kỷ mà không biết gì về sự tự do của linh hồn “do nhận thức được sự giải thoát phải đạt qua sự đau thương, hình phạt, thống khổ, và hiểu được sự tự do chỉ đến do sự hy sinh hình tướng, nhờ các loại lửa thanh luyện, nên các Ngài có đủ khả năng hành động cương quyết, vẫn kiên trì ngay cả khi hình tướng có thể dường như đã trải qua đầy đủ đau khổ, và một tình thương để thắng lướt mọi trở ngại, vì nó được dựa trên sự kiên nhẫn và kinh nghiệm”. [72] Có vẻ như mọi thứ đều rối rắm quá khi tâm thức tôi còn … rất phàm ngã, nhưng tôi cứ muốn ghi lại lời Chân sư ở đây để sau này (?) giở lại xem mình có giác ngộ hơn chút nào chăng.

6. Tôi không có nhu cầu phải tiến nhanh trên đường đạo, không có dục vọng cũng không có khát vọng. Hiểu được rằng sau này, sẽ có sự điểm đạo tập thể và mọi hoạt động và phụng sự gắn theo nhóm, nhưng tôi không thấy có hứng khởi gì đặc biệt. Tôi chỉ biết mình đang kiên nhẫn luôn luôn hoàn thành phúc trình trên cơ sở tập trung nghiên cứu trả lời theo chủ đề, viết nhật ký tâm linh, duy trì kỷ luật, nhắc nhở mình về lòng biết ơn, về lời cam kết theo học QU … và Ánh sáng trên thánh đạo, Ánh sáng của linh hồn dường như dần dần chiếu rọi trong tôi một cách thầm lặng. Choáng ngợp trong khối lượng kiến thức mỗi khi phân tích từng môn, tôi thấy như đâu cũng là mắc mớ đâu cũng mờ mờ ảo ảo biết mà chẳng biết cái gì, hiểu mà chẳng hiểu cái gì…thôi thì vẫn cứ phải đọc, vẫn cứ ghi chép là đọc tài liệu nào, từ ai, nhận thức có gì mới, mình đã nói cái gì và nói với ai, thỉnh thoảng thể hiện trung thực nhất đến mức có thể khi viết bài chia sẻ, khi làm phúc trình báo cáo với Thày cô giáo; rồi tiếp cận webinar tiếng anh, tập dịch, đọc sách chân sư một cách hình thức, chỉ quanh quẩn mấy cuốn cũ, mở rộng sang viễn cảm, điểm đạo, giáo lý bí truyền, nhưng thật hời hợt và thỉnh thoảng lại cưỡi ngựa xem hoa chả tiếp thu được điều gì cho ra ngọn ngành ngoài việc “gật gù” bái phục Chân sư, ngưỡng mộ các Thày cô giáo uyên thâm và đức độ. Có điều tôi luôn tự nhắc mình dù là đọc sách gì, cách thức đọc, và mức độ nhiệt tình say mê như thế nào, thì vẫn phải trả lời câu hỏi, mình đã phối hợp Nghiên cứu Tham thiền Phụng sự chưa? đặc biệt là mình đã phụng sự ra sao trong thực tế, đặc biệt là phụng sự trên cuộc sống tinh thần. Cứ lan man vô định thế đi để rồi có lúc: “người tìm chân lý sẽ thức tỉnh với nhận thức rằng toàn bộ khuynh hướng tiến hóa đã là để đưa y đến sự mở rộng tâm thức và khai ngộ này, và sự thành đạt của tiến trình điểm đạo và việc nhập vào giới thứ năm không phải là điều hảo huyền hay ảo ảnh rồ dại, mà là một sự kiện được thiết lập trong tâm thức”.[73]

7.Trong số đầy rẫy những hạn chế và tiêu cực, còn “may” là ý chí trong học hành, tu tập và luôn tuân theo kỷ luật của nhà trường là điểm mạnh trong tôi. Chỉ đơn giản là tôi tự tâm niệm mình là con của Thượng đế, Mà Thượng đế thì có Ý chí (cùng Tình thương và Thông tuệ) thì hà tất gì mình lại nhụt chí? cùng với đặc điểm cung 1 phàm ngã (tôi tạm tự đánh giá thế không biết có đúng không) tôi vượt qua được những khó khăn, vượt qua được những trì trệ, “đại lãn” của người có cung hoàng đạo Hổ cáp khi chịu dẫn truyền cung 4 trên khía cạnh tiêu cực. Tôi luôn ghi nhớ và ít nhiều đã tuân thủ “Chủ âm của người chí nguyện là “Kỷ luật”; mục tiêu là “Thanh luyện và kiểm soát các ham muốn thấp kém.” [74]

8.Tôi tham thiền đều đặn có lúc còn hơi tham có lẽ do kiên trì xuất phát từ ý thức kỷ luật và tôn trọng hướng dẫn của nhà trường. Tôi kết hợp với Thiền phản tỉnh để nhận ra những tiêu cực, những ảo cảm của mình và dũng cảm nói ra một cách chân thực, mong muốn diệt trừ ảo cảm, chịu khó thử tập kỹ thuật dùng ánh sáng, cố gắng phát huy tư tưởng tich cực, trụ vào thể trí thường xuyên, sống thiền khi thanh tinh luyện thể xác. Nhưng khi tham thiền có vẻ như tôi sa đà mạnh hơn ở khâu phân tích qua hạ trí, phân tích này cũng là cần nhưng không đủ. Tôi ghi nhớ lời Thày Hiệu trưởng: “Thước đo thành công của chúng ta trong thiền định sẽ được chứng minh bằng chất lượng phụng sự của chúng ta đối với nhân loại[75]. Tôi thiền tương đối nhiều, nhưng thành công thì chưa dám chắc. Có điều tôi tự nhận thấy, tôi tự nguyện Phụng sự hơn trước đây.

9. Tôi tin trong tôi đã có sự chuyển hóa một phần năng lượng từ luân xa xương cùng lên luân xa cổ họng. Và đang có sự chuyển năng lượng từ luân xa tùng thái dương lên luân xa tim, không phải chỉ vì tôi giữ nếp thiền đều đặn bài thiền nhóm DINA I và II.

10. Tôi hoàn toàn không có ánh sáng chớp lóe bao giờ kiểu kết nối phàm ngã với linh hồn.

11. Cái trí của tôi chả biết thực sự phát triển ra sao, tôi chỉ cảm nhận rằng nó đã linh hoạt hơn, tăng khả năng phân biện hơn trước. Nhưng cái trí trừu tượng là yếu. Tôi chỉ hay thích hợp với vài việc lẩn mẩn kiểu dùng hạ trí cụ thể và tương đối cầu toàn nên nhiều khi cũng mất thời gian không cần thiết.

12. Tôi có những thay đổi gì trong nhận thức, lời nói và hành động mang tính tâm linh? Phạm vi và ý thức phụng sự của tôi đã có sự thay đổi, từ phụng sự ngoài đời sang cuộc sống tinh thần, nhưng khái niệm phụng sự nhân loại còn xa vời; Phụng sự và Hy sinh thể hiện trong đời sống của phàm ngã vẫn là nhiều vì … tôi quen rồi.

Tôi có chú tâm giải quyết mối quan hệ giữa đời thường và cuộc sống tinh thần. Sự sốt ruột và lo lắng về khối lượng kiến thức đồ sộ có giảm bớt dần, tôi hiểu được rằng phải “tiêu hóa” dần. Việc hay quên một phần được “đổ” cho hạn chế của tuổi già, nhưng thực ra đa phần do tôi cứ bị ngợp lên rồi đọc linh tinh không nghiêm túc không kỹ lưỡng. Tôi đang xem xét vấn đề này để thay đổi mình. Trước bất kỳ vấn đề gì đó xảy ra tôi cũng tham chiếu đến thái độ sống của người tìm đạo để điều chỉnh thái độ của bản thân. Tôi nhớ lời Thày dạy khi mới vào QU1, nên tôi bám mục tiêu học QU là để “đi theo bước của Chân sư” chứ không đơn thuần là hoàn thành yêu cầu viết phúc trình và khóa luận. Tiếng Anh là trở ngại cho việc tim hiểu và thu thập kiến thức. Nhưng tôi biết rằng đây cũng là chỗ để bản thân phải có ý chí mới cải thiện được.

13. Những bước ngoặt của tôi khi tiến bước trên con đường tinh thần, từ chỗ tự tham thiền hoặc học khóa ngắn hạn theo những trường phái khác nhau (Thiền động Osho, Thiền Phật giáo nguyên thủy Vipassana, Thiền Kim cang, Thiền Việt, Thiền ánh sáng, thiền quan sát thân tâm,…), tôi đã nộp đơn xin vào học Khóa Thiền cơ bản MQ và được nhà trường chấp nhận. Rồi sau khi tốt nghiệp MQ, GQ1, GQ2 tôi phân vân đấu tranh tư tưởng để có học tiếp QU1 tiếng Việt không? Tôi đã và đang “tìm thấy bất cứ người nào mà y tôn kính, gương của người đó gợi hứng cảm cho y hoạt động, thì đó sẽ là một trợ giúp lớn cho sự vượt qua giai đoạn chuyển tiếp của y, bằng không y có thể bỏ dở cuộc tiến hóa vào lúc đó”. [76] Rất may mắn là tôi đọc được những dòng này, và tôi có cảm tưởng như những dòng ấy viết cho chính tôi. Nếu không có nó, có khi tôi “bỏ cuộc” rồi. Xin cảm ơn những người “tôi tìm thấy”. Tôi đã nhìn vào những tấm gương tìm thấy ấy để quyết định học tiếp QU. Có thể nói, hình ảnh tận tụy của họ luôn ở trong trái tim tôi. Sự nhiệt tình đam mê của bạn bè (đa phần còn rất trẻ) cũng khích lệ tôi cố gắng, để tôi không dừng lại. Mặt khác, tôi dùng “Ý chí con của Thượng đế” chạy thử sức vượt xa khả năng bình thường của một người cao tuổi để lấy động lực tự tin vào sự kiên nhẫn của bản thân mà bước vào khóa học QU1 này. Liệu sẽ còn bước ngoặt nào nữa, tiến lên hay dừng lại hay tiến chậm? Tôi chưa rõ lắm, chỉ biết rằng tôi luôn ở trong tình trạng cuộc chiến giữa phàm ngã và linh hồn của một môn sinh có cung Mặt trăng Kim Ngưu và cung Mặt trời Hổ Cáp, đồng thời có cung Mọc Hổ Cáp vẫy gọi. Tôi cũng cần dè chừng bất cứ lúc nào, phàm ngã cũng có thể kéo lui mình trở lại. Trong những lúc ấy, “Gậy chống” của tôi là gì? Phải chăng Chân sư đã biết và huấn thị đây: “dưới áp lực nặng quá của thế sự, trong sự vất vả tranh đấu cho đời sống cá nhân, trong sự mệt mỏi của việc làm hàng ngày, với những hậu quả ốm đau, bệnh tật hoặc suy nhược thể chất, không khỏi có lúc người đệ tử cảm thấy sự nhiệt thành hăng hái lúc đầu đã nguội bớt và đâm ra nhàm chán những cố gắng thường xuyên liên tục mà công việc phụng sự đòi hỏi không ngừng. Người đệ tử phải tập đừng để ý những biến đổi vô thường đó trong đời sống hàng ngày vì y biết rõ lý lẽ nhị nguyên tương đối của sự vật và sự tác động của định luật chu kỳ. Tuy nhiên tôi muốn vạch rõ mối nguy hiểm đó vì nó là một nguy cơ thật sự và yêu cầu chư môn đệ hãy tiếp tục công việc dường như nó vẫn mới mẽ và đầy hứng thú”.[77]

và “một đệ tử ít kinh nghiệm hơn cần có sự cảnh giác (watchfulness) thực sự của linh hồn trước nguy cơ làm lệch hướng sự chú tâm của đời sống ra khỏi các mục tiêu tinh thần sang các sự chú ý và các quan tâm của phàm ngã[78]

14. Tôi là ai trong sự kết nối với NGWS? Tôi vẫn thiền đều đặn trong sự kết nối với NGWS qua thiền lúc 4h50-5h05 và tham thiền chuẩn bị cho sự tái lâm của Đấng Christ từ 5h05 đến 5h30 chiều thứ năm hàng tuần, trong tham thiền EUN hàng ngày, nhưng cứ mỗi khi nghiên cứu về chín nhóm NGWS, tôi lại ở trong tâm trạng rất thích thú mường tượng về ý tưởng vĩ đại của Chân sư D.K. và hình dung tương lai mọi sự đổi thay đến chóng mặt thế nào, đồng thời lại chững lại khi thấy toàn là khó khăn đang và sẽ đến…Cuối cùng đành tự nhủ với bản thân, từ từ sang các kiếp khác tiếp theo, tôi trở lại trẻ trung, sẽ tiếp tục tu luyện, tôi sẽ thực hiện các mục tiêu của linh hồn là phụng sự hướng về hoạt động của hai nhóm “Chữa lành theo huyền môn” và “Giáo dục theo nội môn” như đã từng bày tỏ trong một vài phúc trình của khóa học QU1.

15. Tôi có những rung động với Chân sư D.K. trong một số bài thiền, nhưng tôi cho rằng, tôi bị cảm xúc chi phối là chính. Tôi sẽ chú ý đến Thiền trăng tròn, thường thiền theo nhóm MF VN vào chủ nhật trước kỳ trăng tròn, với lời Chân sư hướng dẫn (trước đây tôi không biết): ”Tôi yêu cầu tất cả chư môn đệ hãy cố gắng tiếp xúc vào ngày trăng tròn mỗi tháng. Hãy chịu khó hy sinh để thiết lập sự giao tiếp định kỳ hàng tháng, trong khi ấy, tôi cũng tự điều chỉnh để tiếp xúc với chư môn đệ. Tôi muốn nhấn mạnh rằng cần giữ ý niệm về sự tiếp xúc ấy trong ba ngày liền trước ngày trăng tròn với nguyện vọng và tin tưởng, và trong ba ngày sau đó với niềm hy vọng và cậy trông. Điều quan trọng nhất là hãy coi việc đó như một sinh hoạt tập thể chứ không phải là sự tiếp xúc cá nhân. Hãy bắt tay vào việc với sự nhận thức rõ mối liên hệ tập thể với các bạn đồng môn và với tôi, vì chỉ khi nào mỗi người tìm cách tiếp xúc với tôi trong tư thế của một đệ tử trong một nhóm tập thể, thì mức độ thành công mới đáng kể.

Vì thời giờ cấp bách và nhu cầu khẩn trương của công việc phụng sự, tôi là một trong những vị Đạo Sư đã tu luyện, trong những năm tới đây dành 12 giờ trước khi trăng tròn mỗi tháng để tiếp xúc với các đệ tử, để cho bất cứ lúc nào trong 12 giờ đó, những đệ tử và những người phụng sự thế gian có thể cố gắng để giao tiếp với chúng tôi. Việc ấy làm cho việc giao tiếp được dễ dàng hơn vì chư môn đệ không cần giữ đúng giờ trăng tròn trừ phi điều này có thể được dễ dàng. Vấn đề phụng sự trong thời buổi này có sự chú ý và theo đuổi trường kỳ vì công việc rất nhọc nhằn lao khó. Không phải lúc nào Chư môn đệ cũng có thể cố gắng giao tiếp đúng giờ trăng tròn, tuy rằng vào giờ đó, chư môn đệ luôn luôn có thể trong im lặng và âm thầm, nâng cao tâm hồn để hướng về ĐẤNG VÔ CÙNG. Nhưng bất cứ lúc nào trong 12 giờ chư môn đệ cũng có thể tìm cách dò đường mở cuộc giao tiếp. Khi việc ấy được làm đúng cách, chư môn đệ sẽ gặp tôi đang đợi chờ. Hãy bắt tay vào việc đó với một tầm nhởn quang sáng suốt, một tấm lòng ưu ái và một tình thương thông cảm. Chừng đó nhiều kết quả sẽ được thực hiện[79]

16. Tôi thấm nhuần luật Nhân quả, sẵn sàng chấp nhận những nghiệp quả và luôn coi chúng như những cơ hội cho mình, và hoàn toàn không sợ cái chết đến với mình.

17. Tôi thực hiện chương trình PIPIII, qua phân tích của Chương trình về bản thân mình, tôi dự định sắp tới đây sẽ cần có kế hoạch từng bước tham thiền và suy ngẫm về những khao khát cần phát triển và những tiêu cực cần loại bỏ:

a. 7 điểm khát khao sau đây mà tôi quan tâm theo thứ tự ưu tiên (chọn từ 14 điểm [80])

1.9. (cung 2) Tôi khao khát một sự hiểu biết sâu sắc và trực quan sâu sắc và đầy đủ về cuộc sống để tôi có thể dạy và soi sáng.

2.2. (cung 2)Tôi khao khát một sự hiểu biết sâu sắc, trực quan, yêu thương mọi người để tôi có thể nuôi dưỡng họ, và giúp họ phát huy tiềm năng cao nhất của họ.

3.13. (cung 6) Tôi khao khát với đức tin hoàn toàn và sự tận tâm hết mình để phục vụ “Thượng đế” là nguyên nhân tốt nhất, hay “lý tưởng cao nhất” mà tôi quan niệm.

4.6. (cung 6) Tôi khao khát được sống với niềm tin mãnh liệt và cam kết đam mê, trung thành với hệ thống các giá trị của mình và thực hiện những lý tưởng cao nhất của tôi – “tầm nhìn về lẽ phải” của tôi.

5.4. (cung 4) Tôi khao khát thể hiện nghệ thuật tuyệt vời trong mọi khía cạnh của cuộc sống của tôi, từ đó truyền cảm hứng cho người khác để sáng tạo hơn và một tình yêu lớn hơn và nhịp nhàng hơn.

6. 8. (cung 1) Tôi khao khát phá vỡ xiềng xích, giải phóng con người khỏi mọi hình thức tù túng và áp bức.

7.11. (cung 4) Tôi khao khát trở thành một người hòa giải, một người hòa hợp, – một người điều khiển các cuộc xung đột của con người và là một công cụ hòa bình.

b. 7 điểm tiêu cực sau đây mà tôi quan tâm theo thứ tự ưu tiên (chọn từ 28 điểm [81])

1-6. (cung 6) Cường độ cảm xúc quá mức

2-10. (cung 2) Yêu thích được yêu

3-15. (cung 4) Xu hướng tự mâu thuẫn, không nhất quán và không thể đoán trước

4-21. (cung 3) Lãng phí năng lượng thông qua hoạt động quá mức, sống rải rác và bồn chồn

5-23. (cung 2) Sợ hãi vì quá nhạy cảm

6-26. (cung 2) Cho đi – quá dễ dàng

7-28. (cung 4) Đấu tranh suy nhược, rắc rối và hỗn loạn

Phần VI. XÂY CẦU ANTAHKARANA

Trong suốt ba năm học MQ, GQ1, GQ2, cầu Antahkarana đối với tôi chỉ là câu chữ. Khi tôi tỏ ra sốt ruột vì đợi chờ những tia chớp lóe lên từ ánh sáng của linh hồn, tôi đã được Mentor Ngọc Lan chỉ dẫn: ”Chúng ta vẫn có kết nối với linh hồn qua sutratma, tuy nhiên, con đường đó có thông suốt, rộng mở hay không mà thôi, để cho ánh sáng linh hồn thường xuyên qua đó, soi sáng cho phàm ngã trong đời sống hằng ngày. Chỉ có con đường từ phàm ngã lên linh hồn và lên chân thần qua qua Tam Thượng Thể (con đường Antahkarana) là còn thiếu để đưa ánh sáng từ Chân Thần đến phàm ngã và chúng ta phải xây dựng nó”. Tôi cảm ơn Mentor rồi từ đó yên tâm tham thiền, nhưng tôi cũng chẳng tìm hiểu gì đến Sutratma và con đường Antahkarana.

Bây giờ thì tôi hiểu, bình thường ra thì con người dù đang tu tập hay tiến hóa một cách tự nhiên đều có chung cấu tạo là chân thần – linh hồn – và phàm ngã. Chân thần ở cõi Đại Niết bàn, linh hồn ở cõi Thượng trí, phàm ngã gồm cấc hạ thể thể xác dĩ thái (ở cõi Hồng trần), thể cảm dục (ở cõi Cảm dục) thể hạ trí (ở cõi Hạ trí).

Thoạt tiên, ai cũng có hai tuyến năng lượng:

  1. Thứ nhất Sutratma gọi là tuyến linh hồn xuất phát từ Chân thần, đi qua linh hồn đến phàm ngã.
  2. Tất cả mọi liên lạc của Chân Thần với các cõi nằm dưới cõi Chân Thần đều đi xuyên qua Sutratma, tức sinh mệnh tuyến (life-thread), nơi mà các nguyên tử thường tồn được xâu vào đó. Sinh mệnh tuyến đó—được làm bằng chất liệu của cõi thứ nhì—đi từ nguyên tử thường tồn cõi Niết Bàn đến nguyên tử thường tồn cõi Bồ Đề, từ nguyên tử thường tồn cõi Bồ Đề đến nguyên tử thường tồn cõi thượng trí và từ cõi thượng trí tái nhập vào cõi Niết Bàn, như thế tạo thành “Tam Giác Ánh Sáng” (“Triangle of Light”) trên các cõi cao. Chúng ta cũng đã thấy thêm rằng từ một cạnh của Tam giác này trên cõi Bồ Đề phát ra một sợi chỉ tức Sutratma của các cõi thấp, mà trên đó tam hạ thể treo vào[82].

  1. Thứ hai là tuyến năng lượng gọi là tuyến tâm thức[83] hay quan năng của tri thức linh hồn. Nó xuất phát trực tiếp từ linh hồn và an trụ trong trung tâm của đầu, điều khiển bộ phận đáp ứng mà chúng ta gọi là bộ óc, và chỉ đạo hoạt động gây ra nhận thức khắp cơ thể thông qua phương tiện của hệ thống thần kinh.

Như thế, con người ta sống và hoạt động được là nhờ ở hai tuyến năng lượng này. Họ biết ăn, ở, đi lại, học hành, theo đuổi đủ thứ với tư cách của một phàm nhân, rất “hồn nhiên” không biết gì đến linh hồn và chân thần của mình, và trải qua vô số kiếp luân hồi cho tới khi có sự thay đổi hướng đến cuộc sống tinh thần, họ muốn có sự kết nối với các thể cao là linh hồn, chân thần thì Cầu Antahharana chính là một cầu vồng bảy sắc, là kênh năng lượng nối phàm ngã (qua hạ trí) đến linh hồn, và từ linh hồn đến Chân thần mới dần dần trở nên cần thiết, cần được xây dựng để đáp ứng sự kết nối ấy, tức là năng lượng từ linh hồn tam phân có thể tuôn đổ xuống phàm ngã, và từ chân thần với tam nguyên tinh thần có thể tuôn đổ xuống phàm ngã thông qua linh hồn.

Cầu Antahkarana có hai mức độ: Cầu nối cấp thấp nối từ phàm ngã đến linh hồn. Thông thường cầu nối này dường như bị cản lại, bị tắc bởi sự chống phá của phàm ngã luôn suy nghĩ hành động phục vụ cái TÔI ích kỷ nhỏ nhen tham lam … của con người. Nhờ có tham thiền, chúng ta trở nên tỉnh thức hơn. Cầu nối này dần dần được thông thương và rộng mở tạo điều kiện cho linh hồn tác động lên phàm ngã dễ dàng, làm cho sự rung động của linh hồn hòa hợp với phàm ngã, tức là phàm ngã được “mài giũa” trở nên thanh khiết tử tế hơn, tiến hóa cao hơn và sau đó có thể biểu lộ linh hồn. “Đối với người đệ tử trung bình, mục tiêu là tiếp xúc linh hồn, gia tăng phụng sự thế gian và được điểm đạo lần thứ nhất và thứ hai. Phân nửa này được xây bằng chất liệu trí tuệ[84]. Cầu nối cấp cao nối từ linh hồn đã hòa hợp với phàm ngã đến Tam nguyên Tinh thần.Tam nguyên Tinh thần này được xem như là phàm ngã của chân thần (tinh thần) và có mối quan hệ với chân thần tương tự như phàm ngã và ba hạ thể liên hệ với linh hồn.Tam nguyên Tinh thần gồm có Manas – thượng trí, Bồ-đề – trực giác thuần khiết, và Atma – ý chí của chân thần.

Trước khi biết cách xây dựng Antahkarana một cách có ý thức, con người đã xây dựng nó một cách vô thức thông qua những trải nghiệm sống, các hoạt động sáng tạo, và những phản ứng đối với tác động của môi trường xung quanh. Phần hay phân đoạn Antahkarana được kiến tạo trong giai đoạn sơ khởi này thuộc về một tuyến thứ ba gọi là Sáng Tạo Tuyến, thoạt tiên kết nối các phương diện khác nhau của phàm ngã lại để trở thành phàm ngã tích hợp. Rồi Antahkarana thực sự gồm hai phân đoạn: phân đoạn nối từ phàm ngã đến linh hồn, và từ phàm ngã đã hòa hợp với linh hồn đó đến Tam nguyên tinh thần, cuối cùng là Chân thần của mình. Người đệ tử ngoài việc tham thiền, xây dựng cầu một cách có chủ ý, còn được chân sư hướng dẫn theo phương pháp của Thánh đoàn. Hoặc với trường nội môn như MF, hình như khi lên các lớp QU cao hơn, học viên chúng tôi sẽ được truyền dạy.

3. Giai đoạn sơ khởi kiến tạo Antahkarana vô ý thức là giai đoạn của người chí nguyện và đệ tử dự bị. Trong giai đoạn này, người chí nguyện thỉnh thoảng có những khoảnh khắc tiếp xúc với linh hồn của mình, và việc tiếp xúc này xảy ra ngày càng nhiều hơn. Đôi khi có những lúc hiếm hoi sự tiếp xúc vươn cao lên đến cõi Bồ đề và người chí nguyện có những loé sáng trực giác chân thật. Thông qua những loé sáng trực giác như vậy, Tam nguyên tinh thần phóng chiếu “sợi tơ mảnh mai” bằng năng lượng để kết nối với phàm ngã. Đó là những khoảnh khắc đặc biệt, là “đôi khi”, tôi sẽ phân tích liên hệ sau này.

Bây giờ tôi đi vào xem xét các quá trình xây cầu theo các yếu tố cần thiết trong phương pháp xây dựng Antahkarana của Chân sư DK là:

A. Người môn sinh phải hiểu rõ từng giai đoạn của tiến trình, tại sao phải làm thế.

B. Sử dụng trí tưởng tượng sáng tạo. Do đó cần thuần thục phương pháp tham thiền huyền môn, thành thạo kỹ thuật hình dung.

C. Cầu Antahkarana được xây dựng bằng chất liệu thượng trí, do đó người môn sinh phải có trí trừu tượng phát triển, phải dần dần tập trung trên cõi trí. (Cầu Antahkarana được xây dựng trên cõi thượng trí và trên đó nữa)

D. Yếu tố thứ tư là ý chí. Cầu Antahkarana được xây dựng thông qua đáp ứng của Tam nguyên tinh thần với lời cầu khẩn của phàm ngã, mà Tam nguyên tinh thần thể hiện ý chí.

E. Người môn sinh cũng cần biết cung của chân ngã và phàm ngã của mình. Điều này đòi hỏi phải học hỏi về bảy cung và tâm lý học nội môn.

F. Người mới bắt đầu kiến tạo đường Antahkarana thường rối trí hoặc nản chí, bởi vì đây là công việc trừu tượng, không thấy được kết quả cụ thể.

A. Con người tạo ra sợi dây sáng tạo (sáng tạo tuyến–creative thread) nối liền ba thể của phàm ngã với linh hồn như thế nào?

Trước hết, tôi gắng hình dung thông qua những trải nghiệm sống (là các hoạt động sáng tạo), và phản ứng đối với tác động của môi trường xung quanh để kết nối các phương diện khác nhau của phàm ngã lại, trên cơ sở đó tạo lập đường sáng tạo tuyến. Theo chân sư D.K. thì có những mức độ khác nhau của sự tích hợp (integration) trong tâm thức của con người. Có người chỉ mới tích hợp được giữa thể dĩ thái và thể xác đậm đặc (con người sơ khai). Có người đã tích hợp thêm thể cảm dục vào hai thể trên (thể hồng trần) (người phân cực vào cảm xúc). Có người đã vươn đến cõi trí tuệ và ba thể dần tích hợp thành phàm ngã tích hợp. Các đệ tử thì cố gắng tích hợp phàm ngã đã tích hợp với linh hồn, với Tam nguyên tinh thần.

Với con người sơ khai, thể xác và thể dĩ thái đã được tích hợp thì với các môn sinh như chúng tôi, chắc mặc nhiên đạt được điều ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn đi sâu vào từng sự tích hợp và liên hệ bản thân mình để hiểu cơ chế của nó. Thứ nhất là xem xét sự hợp nhất hay tích hợp của hai thể thấp nhất là thể xác đậm đặc và thể dĩ thái.

Mỗi người đều có một đối phần năng lượng, được biết đến trong ngôn ngữ bí truyền như là thể dĩ thái (sau này sẽ được khoa học làm sáng tỏ và phải thừa nhận). Nó tiếp nhận, đồng hóa và truyền tải sinh khí prana – là các dòng năng lượng vĩ đại đến từ mặt trời và các hành tinh đi vào xuyên qua các trung tâm lực trong ma trận dĩ thái; truyền qua trung tâm lực Lá lách – nơi chuyển hóa rút lực rung động và năng lượng của Đại vũ trụ, biến đổi cho con người sử dụng rồi sau đó truyền đến trung tâm tim. Sau khi phân phối trên khắp cơ thể xuyên qua lưới dĩ thái, nó biểu lộ thành bức xạ ở mặt ngoài dưới hình thức hào quang sức khoẻ. Có một sự nối kết chặt chẽ giữa lá lách với đỉnh đầu liên quan đến thể dĩ thái. Hình tướng càng được thanh luyện và cải thiện bao nhiêu, thì tác nhân tiếp nhận prana sẽ càng hiệu quả. Khi cá nhân tiến hóa, nó không chỉ có thể làm sống động/cung cấp năng lượng cho thể xác mà còn thể hiện những chức năng phức tạp tùy thuộc vào giai đoạn tiến hóa của cá nhân đó chẳng hạn chuyên chở nhiều dạng năng lượng khác nhau như năng lượng cảm dục, năng lượng tâm trí và cuối cùng là năng lượng linh hồn. Các thể hồng trần thô thiển, non nớt là mối nguy hiểm gây nên tất cả các bệnh tật của thể dĩ thái do chức năng của nó ảnh hưởng đến sự tiếp thu prana, hoặc thuộc về tổ chức ảnh hưởng đến sự phân phối prana, chẳng hạn các mô bị hủy hoại vì trúng nắng (quá nhiều prana) hoặc ngược lại ít prana vì ở tù túng trong căn nhà tối tăm quá không tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Nghĩa là có các xáo trộn do sự tắc nghẽn thể dĩ thái với hiện tượng hoặc có quá nhiều sinh lực hoặc mất sinh lực. Phân cách giữa thể xác và thể cảm dục là mạng lưới dĩ thái, nếu lớp phân cách này bị phá hủy như bị rách bị thủng thì có thể những luồng cảm dục từ bên ngoài đi vào mà con người không kiểm soát được. Như thế, khi chúng ta sống có ý thức quan tâm đến thanh tinh luyện thể xác (ăn uống điều độ, hợp lý, thức ăn sạch), thường xuyên tập luyện, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời một cách vừa phải, chúng ta tránh tiếp xúc với cõi trung giới qua hình thức như lên đồng, gọi hồn…để bảo tồn thể dĩ thái của mình, chúng ta không quá tập trung vào một luân xa cụ thể nào trong khi tham thiền với ý định là mở luân xa cho nhanh, tất cả những việc đó là chúng ta đã tạo điều kiện hợp nhất thể xác với thể dĩ thái một cách yên ổn, an toàn.

Thứ hai là sự hợp nhất giữa thể xác dĩ thái và thể cảm dục. Chúng ta biết rằng, thể dĩ thái tạo thành nền tảng của hình hài vật chất trọng trược và một khoen nối quan trọng được cấu thành trong chính nó, giữa con người hồng trần với cõi cảm dục. Năng lượng được sử dụng trong việc kết nối con người vật lý và thể cảm xúc trên phương diện tâm thức được tập trung ở luân xa tùng thái dương. Nói cách khác, Trung tâm lực nằm ở tùng thái dương, là quan trọng nhất trong cơ thể theo quan điểm cõi cảm dục. Trong quá trình hợp nhất thể xác và thể dĩ thái, chúng ta cần thanh lọc thể xác. Thì nay để hợp nhất thể cảm dục với thể xác dĩ thái, thì thể cảm dục cũng cần được chăm sóc và thanh tinh luyện, bằng cách kiểm soát dục vọng, nuôi dưỡng đức hạnh, thực hành chánh ngữ. Nếu không, năng lượng từ các dục vọng đớn hèn, các tính xấu, lời nói ác độc, xúc cảm giận hờn, thù hận, những nỗi lo âu phiền muộn… sẽ tác động làm xao động thể dĩ thái tập trung ở trung tâm lực Tùng thái dương, làm ảnh hưởng đến các tuyến nội tiết dẫn đến suy giảm miễn dịch và cơ thể sẽ dễ dàng lâm bệnh. Nếu thể tình cảm được vận chuyển bằng những ước vọng cao thượng, mở ra đón nhận mãnh lực từ các cấp của thể nguyên nhân và trực giác tuôn xuống một cách thông suốt, thì luân xa lá lách cảm xúc phân phối sinh lực cảm xúc cho những phần tương ứng nội tại sẽ phát triển lành mạnh. Liên hệ bản thân, tôi cũng đã và đang thanh tinh luyện thể cảm dục, tránh kìm nén ức chế. Tôi thường chủ động yêu thương và cảm thông với mọi người để cảm xúc đó được truyền đến cơ thể dưới dạng năng lượng cân bằng; không có xung đột cảm xúc thì năng lượng dĩ thái được tăng cường và mạnh thêm. Ai cũng có một linh hồn đáng trân trọng, nên vun đắp tình huynh đệ để tránh các ghen ghét, giận dỗi, tham lam, chán nản, u buồn và gieo tiêu cực cho người khác. Tôi tránh xúc động thái quá, không để sự sợ hãi, lo lắng hay bận tâm nào làm lay động thể cảm dục mà mình đang tự coi là người chí nguyện tập phụng sự cho tất cả. Tôi cố gắng như vậy, nhưng thực ra tôi hay lo lắng bâng quơ, tôi luôn phải tự nhủ: “An tĩnh thì mới tốt, nếu lo sợ thì thể cảm dục không truyền năng lượng cho thể dĩ thái, không bảo vệ được cơ thể!” , và “Hãy trau dồi sự thanh thản, ổn định và một cảm giác lạc quan tin cậy chắc chắn vào Thiên luật!”. Đối với bất kỳ thái độ không tinh khiết nào, tôi tạo ra một “thái độ tinh thần đối kháng” và sống thiền định trong trạng thái đó. Tôi cũng rất thấm thía với lời giải thích của chân sư D.K “ Vấn đề xúc cảm có thể là khó khăn, nhưng chỉ có người đệ tử mới tự mình giải quyết được mối thương cảm riêng tư và chấm dứt cơn bão tố trong nội tâm của mình[85]

Thứ ba là hợp nhất thể trí với hai thể hồng trần và cảm dục, và con người trở thành phàm ngã tích hợp. Trung tâm lực ở cổ họng là quan trọng nhất theo quan điểm cõi trí. Ở đây, thể trí cần được thanh lọc bằng suy nghĩ chân chính, hay như Phật dạy, là chánh tư duy để khắc phục dần tình trạng thể trí bị xáo trộn và vấy bẩn tư tưởng độc hại, nhằm cân bằng và làm tinh khiết do rung động của thể trí được nâng cao tiếp nhận ảnh hưởng của thượng trí, tức là có cơ may tiếp cận chân ngã. Nó cũng tạo ra một tâm trí yên tĩnh khiến khả năng tập trung trí tuệ và các giác quan được kiểm soát tốt hơn, cùng với ý chí mạnh mẽ, năng động giúp luân xa lá lách trí tuệ phân phối sinh lực trí tuệ cho những phần tương ứng cũng sẽ lành mạnh, và các hình tư tưởng sẽ được năng lượng ý chí làm sống động, Trung tâm lực ở cổ họng sẽ hoạt động điều hòa .Tôi thực hiện tham thiền theo nề nếp, phân tích và liên hệ với bản thân, từ đó có ảnh hưởng tốt đến cả cuộc sống, có cảm nhận linh hồn được kết nối nhiều hơn một cách vô hình, hướng bản thân đến những tiến bộ về tinh thần. Những khi có xao động, chán nản với sự yếu kém của bản thân mình, tôi lại nhớ lời Chân sư: “Y phải nhìn nhận rằng sự kết hợp tâm linh còn yếu vì y làm việc trong hai giai đoạn:

Thể chất và xúc cảm

Trí tuệ và linh hồn

Khi thì y ở trong giai đoạn này, khi ở giai đoạn kia và thường rất hay nghiêng hẳn về một bên dù ở giai đoạn nào. Tính chất lưỡng nguyên đó phải được kết hợp lại chặt chẽ và đó là điều mà y phải chú trọng trong khi y cố gắng, thiết lập, giữ gìn sự tổng hợp cần thiết và sự hợp nhất Phàm Ngã với Linh hồn[86]

Với ba sự hợp nhất ấy, phàm ngã trở nên được tích hợp và Sáng tạo tuyến là tuyến tam phân[87] được con người tạo ra một cách chậm chạp theo thời gian. Nó chỉ được tăng tốc khi môn sinh thực sự sống động từ quan điểm ý thức trí tuệ và ham muốn tự thể hiện mình đầy đủ. Ba tuyến nhỏ tự tạo này tạo thành tuyến thứ ba của đường Antahkarana, cuối cùng sẽ nối dài:

1.Từ xác thân đến thể dĩ thái, đi từ tim đến lá lách, và từ đó đến thể dĩ thái, (vì luân xa lá lách là bộ phận trung chuyển chính của prana hay sinh lực cho cơ thể vật lý, chức năng quan trọng nhất của nó là hấp thụ và phân phối sinh khí sang các luân xa khác); và kết hợp với mãnh lực từ các cánh hoa ý chí của chân ngã.

2. Từ thể dĩ thái đến thể cảm xúc. Sợi này đi qua luân xa tùng thái dương đến tim và từ đó đến thể cảm xúc, tích hợp năng lượng của sợi với mãnh lực từ các cánh hoa bác ái của chân ngã.

3. Từ thể cảm xúc đến thể trí. Tuyến này đi qua từ luân xa Ajna đến luân xa đỉnh đầu và từ đó đến thể trí, tích hợp năng lượng của hai tuyến đã đề cập ở trên với mãnh lực từ các cánh hoa tri thức của chân ngã. Khi con người tiến hoá, họ tạo ra tuyến sáng tạo tam phân như hình minh hoạ sau đây [88]:

Và khi con người làm việc với phàm ngã của y, thanh luyện nó [291] và hướng nó cho việc phụng sự ý chí tinh thần, thì y tự động nâng các năng lượng của các bí huyệt trong cơ thể lên bí huyệt Ajna. Đây là bí huyệt giữa hai chân mày, pha trộn và dung hợp năm loại năng lượng vốn được truyền đến và được pha trộn với nó, đó là năng lượng của ba bí huyệt dưới cơ hoành, và của bí huyệt cổ họng và bí huyệt tim.

Bên cạnh bí huyệt Ajna, ở đầu còn có bí huyệt đầu, được thức tỉnh nhờ việc tham thiền, việc phụng sự và đạo tâm, và chính là qua trung tâm này mà linh hồn tạo được sự tiếp xúc của nó với phàm ngã.

Khi phân tích về sự hợp nhất các hạ thể, tôi dẫn cụ thể một số biểu hiện thanh tinh luyện chúng, nhưng bao quát đầy đủ hơn đó là cần phải rèn theo các giới răn, vượt qua các chướng ngại của sự hợp nhất với linh hồn, tuân thủ các quy luật, bám sát 8 phương tiện của Raija Yoga – điều mà trong các khóa học cũng như sách vở đã đề cập đến đầy đủ.

B. Tìm hiểu tác động đến xây cầu Antahkarana của các bài tham thiền

Vâng, trên đây tôi đã hình dung quá trình hợp nhất các hạ thể, còn thực ra khi tham thiền, thừa hưởng các kết quả đạt được trong thực hành thanh tinh luyện, trong tu tập, tôi đã và đang thực hiện chỉnh hợp các hạ thể làm yên tĩnh chúng trong sự bất động của thể xác, yên bình của cảm dục và cân bằng của hạ trí rồi tập trung từng bước theo những phương tiện của Raija Yoga. Và chính trong quá trình này, dù vô tình hay hữu ý, tôi nghĩ mình đã có những tác động và chịu sự tác động của linh hồn, của các đấng cao cả đến Sáng tạo tuyến này tùy theo nội dung của các bài thiền khác nhau:

1. Các bài tham thiền hữu chủng phân tích theo các chủ đề với mantram trong các khóa thiền MQ, GQ: Đầu tiên, Chỉnh hợp Tham thiền căn bản (* trong tài liệu nghiên cứu của khóa học) rồi vào tham thiền phân tích. Cái trí được tập trung, được cho “bùng nổ” các ý tưởng từ mantram và tôi thường liên hệ bản thân để có nhận thức cụ thể và sâu sắc hơn. Đó là sự tác động của cá nhân đến Sáng tạo tuyến.

2. Thiền nhóm DINA I và II

Tôi thiền bài DINA I được khoảng hơn 3 năm và DINA II khoảng gần hai năm, ngày nào cũng thiền một lần, chỉ mấy tháng gần đây mới giảm bớt tuần còn 3 ngày. Trước đây tôi chỉ hiểu mang máng là thiền nhóm theo hướng dẫn của chân sư là để hòa hợp với linh hồn nhóm, với toàn nhân loại rồi năng lượng được điều chuyển từ luân xa này sang luân xa khác cho thông suốt thì cứ theo thế mà làm, chả có gì tưởng tượng sâu xa. Bây giờ liên hệ về cầu Antahkarana, tôi mới để ý kỹ hơn về điều mà tôi biết lâu rồi nhưng chưa quan tâm lắm: “Đức D.K dạy rằng có ba luân xa trong con người tiếp nhận năng lượng của Tam thể thượng (Spiritual Triad) khi đường Antahkarana đã thiết lập, nối liền phàm ngã và chơn thần. Luân xa đỉnh đầu khi đó tiếp nhận năng lượng từ Atma, hay Khía cạnh Ý chí thiêng liêng. Luân xa tim tiếp nhận năng lượng từ Buddhi, hay Tình thương thiêng liêng, còn luân xa cổ họng tiếp nhận năng lượng từ Manas, hay Trí tuệ đại đồng. Trong quyển Đường đạo trong kỷ nguyên mới, quyển II, Đức D.K có dạy cho nhóm các đệ tử Ngài 6 bài tham thiền, trong đó bài Tham thiền số I và II dùng để chuyển hoá năng lượng của luân xa tùng thái dương vào luân xa tim và đỉnh đầu[89]. Tôi đã và đang tham thiền đều đặn, và bằng cách thể hiện ý chí trong đời sống hằng ngày của mình như tổ chức cuộc sống một cách có tổ chức và kỷ luật, thì việc khai mở luân xa đỉnh đầu chính là được thực hiện từng chút một và riêng trong bài thiền nhóm này, tôi hiểu là mình đang tiếp nhận sự huấn luyện của Chân sư để từng bước xây nửa cầu thấp, phàm ngã hướng lên và linh hồn đi xuống. Tất cả đều thuộc về sự di chuyển và chuyển hóa năng lượng trên con đường tiến hóa của người chí nguyện, mà năng lượng liên quan mật thiết đến hoạt động khai mở của luân xa. Ở bài DINA I thì năng lượng được chuyển từ luân xa tim lên luân xa đầu. Ở Bài DINA II thì năng lượng được chuyển từ Luân xa Tùng Thái dương lên luân xa tim, rồi Tùng Thái Dương lên Đầu.

3. Thiền Liên hiệp quốc nội môn EUN[90]

Kết nối với linh hồn các thành viên EUN, với NGWS trong sự hợp nhất sâu sắc, rồi hướng lên Sambala với ý chí hướng thiện, thì đó là biểu hiện bản thân tác động đến Sáng tạo tuyến. Dòng năng lượng từ Đấng Christ qua Thánh Đoàn tuôn đổ đến linh hồn nhóm qua 5 trung tâm lực tinh thần (ngôi sao 5 điểm London, Darjeling, Newwork, Geneva, Tokyo). Liên minh EUN NGWS trở thành một lực lượng trung gian tiếp nhận năng lượng Ánh sáng Tình thương và Thiện chí này chuyển đến linh hồn các nước khi khấn nguyện, giúp nâng cao tâm thức nhân loại, làm tăng cường bản thể tâm linh đang nhen nhóm trong nhân loại ở kỷ nguyên mới, chuẩn bị trái tim và trí tuệ cho nhân loại đón sự kiện trọng đại là Đấng Christ lâm phàm mang thiên đường xuống trái đất. Thì quá trình này là chịu sự tác động của linh hồn và các Đấng cao cả đến Sáng tạo tuyến.

4.Thiền về Đấng Thái dương Thiên thần: [91] Tưởng tượng Ngài đã hòa nhập vào Chân Ngã của tôi trên cõi thượng trí với sự hiện diện, tình thương, trí tuệ và quyền năng của Ngài. Đó là tác động của cá nhân đến Sáng tạo tuyến.

Hình dung Linh hồn nhập thể; và tưởng tượng rằng năng lượng của Đấng TDTT đang tuôn đổ thông qua tôi và mọi thành viên của nhóm và có sự hỗ trợ của Mãnh Lực Đấng Christ khi chúc lành cho nhân loại. Đó là tôi chịu sự tác động của linh hồn, của Đấng TDTT cao cả đến Sáng tạo tuyến

5. Thiền Đức Thày trong trái tim: Chỉnh hợp các hạ thể với phàm ngã, hình dung mình như là chân ngã trên cõi thượng trí là hoa sen hay mặt trời tỏa rạng thì đó là tác động của cá nhân đến Sáng tạo tuyến. Hình dung linh hồn nhập thể, và tưởng tượng dòng ánh sáng vàng kim từ chân ngã ở cõi thượng trí tuôn đổ xuống qua ba hạ thể, đó là tôi chịu sự tác động của linh hồn đến Sáng tạo tuyến.

6. Thiền chữa lành huyền môn:

Khi hình dung nâng tâm thức lên cao trong đầu, rồi nâng xuyên qua thể cảm dục qua thể trí tới linh hồn để bước vao Trung tâm Hoa sen Chân ngã (HSCN), tưởng tượng mình là phàm ngã và là linh hồn. Và từ trên cao quan sat, thấy pham ngã bên duoi với năng lượng tuôn chảy tự do trong cột sống dĩ thái; thì khi đó là tác động của cá nhân đến Sáng tạo tuyến.

Khi tưởng tượng ánh sáng linh hồn với tình thương (màu xanh chàm) xuống luân xa gốc, rồi từ từ đi lên cột sống dĩ thái qua các luân xa tới luân xa trán và lên luân xa đỉnh đầu trở về HSCN thì đó là chịu sự tác động của linh hồn đến Sáng tạo tuyến. Thực chất của quá trình tuôn đổ năng lượng này là tam giác linh hồn.

Sau giai đoạn sơ khởi tích hợp được các hạ thể vào phàm ngã như trên đã nêu, rồi chúng ta tham thiền hướng về linh hồn thì nghĩa là phàm ngã bắt đầu chú ý đến Linh hồn, muốn và sẵn sàng chịu sự kiểm soát của linh hồn. Quá trình này đồng thời với việc lập hạnh, xây dựng các đức tính tốt. Ngược lại, Linh hồn trên cõi giới riêng của mình cũng thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến phàm ngã trong ba cõi thấp, và đức DK đã nhận xét “dường như thể một từ trường đã được thành lập và hai đơn vị, hay hai nhóm năng lượng, từ tính và rung động đi vào phạm vi ảnh hưởng của nhau”. Từ trước đến giờ cả hai dường như là các đơn vị tách biệt, giờ thì vùng rung động của cả hai được nới rộng ra và phủ trùm lên nhau, “một vùng từ trường được thành lập”. Từ trường có tính thu hút, cả hai thu hút lẫn nhau.

Do sự tương tác giữa linh hồn và phàm ngã mà một tuyến năng lượng được thành lập giữa hai bên. Đây chính là “nửa cầu thấp của Antahkarana”, nối liền phàm ngã và linh hồn, được hoàn tất vào kỳ điểm đạo lần thứ 3. Song song với vùng từ trường của Linh hồn và phàm ngã mở rộng và hòa nhập vào nhau, trên cõi trần và trong đầu của người đệ tử, vùng từ trường xung quanh tuyến tùng (biểu hiện của Linh hồn) và tuyến yên (biểu hiện của Phàm ngã) cũng mở rộng và hòa vào nhau tạo thành một vùng từ trường thống nhất.

Đó là về mặt nguyên tắc chân sư đã chỉ dạy, còn thực tế tôi nghĩ rằng nhiệm vụ của chúng tôi là kiên nhẫn tham thiền theo kỹ thuật hình dung tưởng tượng, kèm theo đó là một đời sống thiền định và một lòng phụng sự nhất tâm, thì một cách tự nhiên nó sẽ đánh thức toàn bộ hệ thống và đặt phàm ngã vào dưới ảnh hưởng và sự kiểm soát của chân ngã, khoảng cách vốn có từ luân xa cổ họng tới luân xa Alta Major sẽ được thu hẹp dần. Còn tới ngày ai đó trong chúng tôi được điểm đạo thì để chính thức xây nửa cầu thấp nối từ phàm ngã lên linh hồn, người ấy sẽ được chỉ dậy được huấn luyện từ các Chân sư, Thánh đoàn. Điều này chưa xảy ra, tôi chưa chứng kiến nên không thể đề cập và phỏng đoán gì được, ngoại trừ niềm hy vọng và một phần tin tưởng nếu được học tiếp QU thì sẽ được các thày cô giáo chỉ dẫn và cung cấp tài liệu đến mức có thể.

Quay trở lại về tia sáng lóe lên khi tham thiền “nơi nào mà Antaskarana không phải là một thực tế được hoàn thành, được thiết lập, thì tuyến rất nhỏ của “lối thoát” được xây dựng một phần, dưới áp lực và kích thích rất lớn, bắn ra phía trước như một dãy ánh sáng run rẩy, và trong giây lát Chân Ngã chạm vào ánh sáng đó. Đó là sự xuất thần và trạng thái vô cùng hạnh phúc. Nhưng điều đó không kéo dài, và không thể được phục hồi lại một cách hữu thức cho đến khi có được cuộc điểm đạo thứ ba”, [92] tôi biết rằng thực sự tôi chưa thấy bao giờ, tôi chỉ nhận được nhiều loại hình ánh sáng với đủ sắc mầu tình cờ xuất hiện. Và đôi lúc tôi có nhận được những ý nghĩ nào đó khác lạ với suy nghĩ bình thường của mình, nhưng tôi ngờ rằng đó chỉ là suy diễn của hạ trí trong lúc tập trung tham thiền (tập trung kéo dài) mà thôi. Dù sao thì lâu nay rồi, tôi không băn khoăn thắc mắc gì cả, cứ để tự nhiên, miễn sao tôi nhận ra sự thay đổi của mình có chiều hướng tích cực thì tôi yên tâm rằng mình đã tu tập đúng.

C. Phát triển khả năng trừu tượng

Tham thiền là quan trọng nhưng mới chỉ là một việc. Vì cầu Antahkarana được xây dựng trên cõi thượng trí và trên đó nữa, nên môn sinh cần phát triển khả năng trí trừu tượng. Phần tam nguyên tinh thần thấp nhất là thượng trí, trong thượng trí bao gồm các trí ý tưởng, trí trừu tượng và trí tưởng tượng, với trí trừu tượng được phát triển, thì người đệ tử mới xây dựng được cầu Antahkarana này, bởi vì linh hồn dùng trí trừu tượng để truyền tải hay “impress” lên hạ trí những gì nó hiểu và ghi nhận trên cõi giới của nó. Trí trừu tượng là những gì nằm đằng sau những hình tướng cụ thể. Khi nghiên cứu giáo lý MTTL, luôn phải tìm ra ý nghĩa, ẩn ý đằng sau các câu chữ, phải hình dung tưởng tượng chứ chẳng phải đọc một cái là hiểu được. Làm sao để phát triển trí trừu tượng thường là trăn trở trong tôi, nhưng trước khi có được trí trừu tượng, chắc vẫn phải tìm cách thu thập thông tin, cung ứng kiến thức và các sự kiện, rèn luyện hạ trí về mặt trí tuệ và khoa học để theo thời gian, nó có thể trở thành một nền tảng vững chắc của Minh triết thiêng liêng đã. Rồi sau này, Minh triết sẽ thay thế cho kiến thức. Mặt khác, thể trí cần hoạt động với một cách thức mới vì bên cạnh việc rèn luyện hạ trí hay trí cụ thể; sẽ có “tác nhân chuyển hóa là linh hồn, trong khi đó tác nhân biến hóa là Tam Nguyên Tinh Thần, hoạt động thông qua thượng trí hay trí trừu tượng.[93] Và mục tiêu nghiên cứu kết hợp tham thiền rồi phụng sự của nhà trường phải được tuân thủ, có sự mở mang tâm thức tương ứng với mức độ tiến hóa thì trí trừu tượng sẽ được phát triển dần. Điều quan trọng cần nhớ là kiến tạo antahkarana song hành với việc sử dụng thể trí trong thiền định.

D.Yếu tố ý chí

Tôi hình dung tưởng tượng có sự kết nối giữa linh hồn và phàm ngã trong khi tham thiền, còn thực tế tôi không biết chắc là đạt được đến mức nào, nhưng sự kiên nhẫn thực thi đều đặn, thì đó chính là tham gia xây dựng Sáng tạo tuyến. Và vô hình chung nó thể hiện định luật “cầu khẩn và đáp ứng“. Khi ta cầu khẩn chân thành, thì sẽ có sự đáp ứng. Có điều lâu nay, tôi khẩn cầu sự kết nối linh hồn với phàm ngã chứ chưa bao giờ khẩn cầu xây dựng cầu Antahkarana! Tôi cứ hay rạch ròi câu chữ chứ thực ra Cầu Antahkarana được xây dựng thông qua đáp ứng của Tam nguyên tinh thần với lời cầu khẩn của phàm ngã, mà Tam nguyên tinh thần thể hiện ý chí thì cầu khẩn ở đây cũng mang ý nghĩa xin có sự hợp nhất giữa phàm ngã và thực thể cao (linh hồn, chân thần) chứ đâu phải cần “khấn nguyện xin xây cầu” theo cách suy diễn thô thiển của phàm ngã là tôi.

Sang đến giai đoạn xây dựng nửa cầu cao nối Phàm ngã lên Chân thần, tôi chẳng thể hình dung cụ thể, chỉ biết rằng theo như được học, giai đoạn này xây dựng cầu bằng ánh sáng. Bên cạnh những nhận thức rằng:

Trung tâm lực cổ họng liên quan mật thiết với cõi trí.

Trung tâm lực nơi vùng tim, thì có mối liên hệ huyền bí với cõi Bồ đề.

Trung tâm lực đỉnh đầu, là bí huyệt vương miện, và có liên quan với cõi Niết Bàn.

Liên tưởng lại khi thiền tam giác, đọc bình giảng của các thày cô, tôi vẫn nhớ là “năng lượng của linh hồn và tam nguyên tinh thần sẽ có thể được truyền tải qua mạng lưới dĩ thái của nhân loại. Nó sẽ không còn đơn giản mang theo rung động của cảm xúc và hạ trí nữa. Sau đó, mọi vật chất sẽ được nâng lên vì mạng lưới tam giác dĩ thái sẽ mang lại năng lượng nâng cao của linh hồn và tam nguyên tinh thần”. Nhưng tôi chưa xây dựng được nửa cầu thấp, thì lúc hình dung “kết nối với tam nguyên tinh thần bay lơ lửng bên trên bốn thể thấp và phát xạ năng lượng từ ánh sáng vào phân khu chờ đợi của tư tưởng đang hoạt động[94], liệu năng lượng nào chuyển xuống? Phải chăng cũng vẫn tưởng tượng mình là điểm đạo đồ cấp lớn hơn 3 rồi ??? như thế có vẻ quá đáng làm sao, thực sự tôi không hiểu. Hay là với người chí nguyện, khi hướng lên tam thể thượng, có chút ít năng lượng nào đó đã đổ xuống thể dĩ thái thông qua luân xa đầu? Rất mong được Thày chỉ bảo ạ. Thế mới biết, bao lâu nay tôi cứ thiền là thiền thôi, rất chăm chỉ chưa bao giờ bỏ ngày nào không thiền tam giác (từ tháng 6/2019 đến nay là hơn một năm rồi), nhưng bây giờ tìm hiểu sâu mới lộ ra tôi chưa hiểu gì cả. Tôi không muốn nói rằng tôi bi quan, nhưng quả thực, tôi phải xem lại cách tham thiền và liên tưởng của mình trong thực tế, nếu không e rằng hiệu quả sẽ rất ít ỏi chứ không tương xứng với thời gian bỏ ra có vẻ như cố gắng lắm rồi.

Tôi xin phép không đi sâu vào nửa cầu cao này nữa ạ.

E. Biết cung chân ngã và cung phàm ngã của mình.

Từ việc học về 7 cung và Tâm lý học nội môn trong các khóa học GQ1 và GQ2, tôi đã tự xác định cung chân ngã là cung 2, cung phàm ngã là cung 1 và được Mentor chấp nhận giả định này. Hồi đầu năm nay, tôi thực hiện chương trình PIP III của Thày Hiệu trưởng Michael D. Robbins, một lần nữa biểu đồ năng lượng cũng thê hiện tương đối khớp như vậy. Có điều, tôi chưa được biết sự phân biệt thiền theo các cung khác nhau, nên chỉ thiền chung theo các bài hướng dẫn của nhà trường. Còn biểu đồ cung (và biểu đồ chiêm tinh nữa) thì giúp tôi nhận biết những đặc điểm tích cực và tiêu cực ở các cung của mình hoặc liên quan đến mình để mà chủ động phát huy và loại bỏ trong quá trình thanh tinh luyện các hạ thể mà thôi (xin xem Phần VII Một số yếu tố trong biểu đồ chiêm tinh).

F. Rối trí và nản chí

Trước đây tôi chưa có ý thức xây cầu Antahkarana nên tôi “vô tư”, nay được học và tìm hiểu thì có ý thức nhưng tôi không có gì rối trí hoặc nản chí. Tôi chỉ luôn xác định cần phải kiên nhẫn.

Và tựu trung lại, về cầu Antahkarana, tôi cần nhớ ba điều:

1. Có hai tuyến linh hồn đổ năng lượng xuống cho con người, đại diện cho Vật chất và Tinh thần. Linh hồn về cơ bản là một biểu hiện của ba loại năng lượng – sự sống, bác ái và trí thông tuệ. Đối với việc tiếp nhận ba năng lượng này, phàm ngã tam phân đã được chuẩn bị, và khía cạnh thông tuệ tự phản ánh trong thể trí, bản chất bác ái phản ánh trong thể tình cảm, và sự sống phản ánh trong và qua thể dĩ thái hoặc sinh lực. Về phần thể xác trong biểu lộ dày đặc hơn của nó (vì thể dĩ thái là trạng thái hay biểu lộ tinh anh hơn của thể xác), linh hồn bám chặt vào hai dòng năng lượng tại hai điểm tiếp xúc: dòng sự sống ở tim và dòng tâm thức ở đầu.

Trạng thái tâm thức này bản thân nó có tính kép, và cái mà chúng ta gọi là ngã thức được khai mở và hoàn thiện dần cho đến khi bí huyệt Ajna, hoặc bí huyệt giữa hai chân mày, được thức tỉnh. Tâm thức tập thể tiềm tàng, vốn mang sự nhận thức về Tổng Thể vĩ đại hơn, im lặng trong phần lớn chu kỳ tiến hóa, cho đến khi quá trình tích hợp đã tiến đến một mức độ mà phàm ngã đang hoạt động. Bấy giờ bí huyệt đầu bắt đầu thức tỉnh và con người trở nên có ý thức theo ý nghĩa rộng hơn. Bấy giờ đầu và tim liên kết nhau, và con người tinh thần xuất hiện trong sự biểu lộ đầy đủ hơn.

2. Phàm ngã cần tạo lập con đường hợp nhất với linh hồn (ứng nửa cầu thấp) để linh hồn đồng thời hưởng ứng, truyền cho phàm nhân những ánh sáng của ý chí tình thương bác ái và thông tuệ, để linh hồn thực sự là trung gian liên giao giữa tinh thần và vật chất, dẫn dắt toàn bộ cuộc sống của phàm nhân trên nền tảng của tinh thần tập thể, phụng sự cộng đồng và nhân loại.

3. Sau khi đạt được điều 2, Phàm ngã tiếp tục xây dựng con đường lên cao nữa (ứng nửa cầu cao) để tiếp cận được với Chân thần. Khi đó, Chân thần có thể tuôn đổ xuống đối tượng đang tu tập năng lượng của các cõi cao và dắt dẫn sự phụng sự Thiên cơ cũng như quay trở lại trợ giúp nhân loại hiệu quả hơn trên con đường phát triển mở rộng tâm thức, tiến hóa trở về hợp nhất với Thượng đế vinh quang. Trong giai đoạn xây nửa trên của cầu Antahkarana để nối linh hồn tới tam nguyên tinh thần, trí trừu tượng là phần rất quan trọng.

Phần VII. MỘT SỐ YẾU TỐ TRONG BIỂU ĐỒ CHIÊM TINH

Lá số chiêm tinh của tôi thể hiện cung Mặt trăng Kim Ngưu, cung Hoàng đạo Hổ cáp và cung Mọc Hổ cáp. Tôi đã có bài viết về lá số của mình trong trang MTTL[95] . Ở đây tôi bổ sung thêm một số cảm nhận sau khi nghiên cứu môn 150 mặc dù tôi được miễn học vì đã hoàn thành hai Khóa luận DHY của GQ1 và GQ2.

1.Tôi hiểu rằng Hổ Cáp cần phải chiến đấu cho đời sống tâm linh, tức vẫn là một chiến binh, nhưng không phải chiến đấu với những người khác quanh mình, mà chiến đấu với những mặt tối bên trong chính mình, chiến đấu với một tâm thức cao hơn. Xét châm ngôn về phàm ngã: “Hãy để ảo ảnh phát triển, và hãy để sự lừa dối cai trị”. Hổ Cáp là dấu hiệu hành thủy, nó có thể gây ra ảo ảnh, sự lừa dối và thiếu rõ ràng, bởi vì mọi thứ được nhìn xuyên qua làn nước cảm xúc của một người. Tự kiểm mình đôi khi có ý phóng đại lên khá tinh vi, tức là chưa trung thực, nên thực tế mình phải rèn luyện nhiều, luôn xem nói dối là cái gì kinh khủng để tránh, phải nói thật – dù thật đến mức khó bộc lộ.

Với linh hồn, trận chiến diễn ra giữa phàm ngã với linh hồn mà bản chất là phàm ngã là thủy quái 9 đầu:

Trên cõi trần: Ba đầu thủy quái là sắc dục tình dục (sex), sự tiện nghi thoải mái, và tiền bạc. Tôi không vướng vào hai điều Tình dục và Tiền bạc. Tôi không ham mê thậm chí lảng tránh nó, từ khi còn trẻ. Tôi nhận ra sự vô nghĩa của đồng tiền một khi chỉ vì tiền mà con người có thể nhao theo bất luận đổi lấy sự thiệt hại tới tính mạng của người khác. Tôi thổ lộ một điều bí mật đây, ông chồng tôi luôn hỏi “Em có yêu anh không?” Tôi phải thề sống thề chết là tôi yêu anh ấy lắm lắm, đừng nghi ngờ tôi mà tội nghiệp, vì sao thì chắc mọi người hiểu rồi. Nhưng sự thoải mái thì vẫn còn. Chứng cứ là tôi cậy vào nhịn ăn thải độc rồi, tự điều chỉnh hướng về CHAY rồi nhưng chưa có tuyệt đối, vẫn thích hòa đồng với mọi người trong tiệc cưới, rồi vẫn mơ màng ngại không đủ chất, thực ra là viện cớ thôi. Việc chuyển hóa sang sự sáng tạo, sang phụng sự xã hội ở tôi là có chút ít. Tôi đã say sưa viết hồi ký kể trung thực về cuộc đời mình, hơn 700 trang ấy [96] đã được bạn đọc đánh giá cao về giá trị nhân văn và lịch sử, đã lấy đi nước mắt của nhiều người, cùng với hai tập thơ truyện ngắn khác cũng được hưởng ứng bình luận về sự chân thành của chúng.

Trên cõi cảm dục: sự sợ hãi, thù hận, tham vọng quyền lực.

Tôi sợ nhiều thứ: sợ mọi người không yêu thích mình. Tôi sợ không còn thời gian để học, không còn sức khỏe, trí minh mẫn để đọc và hiểu giáo lý chân sư, sợ không hoàn thành được nhiệm vụ của học viên và của Mentor. Tôi sợ không hòa đồng được với mọi người vì sự cách biệt về tuổi tác, tâm lý. Tôi không thù hận ai bao giờ nhưng gieo tình cảm tiêu cực, suy diễn, ngầm đánh giá…tức là phá vỡ sự bình yên của họ, là một biểu hiện của “trộm cắp trên cõi trí”. Tôi tham lam “thích được yêu” (ảo cảm cung hai), tham lam xen vào câu chuyện của người khác, có lúc làm việc không phải của mình. Còn tham vọng trên đường đạo (để có thể biến thành khát vọng) thì chưa có. Điều đó chứng tỏ tôi là người còn rất sơ cơ.

Trên cõi trí: Khó nhất là đối diện với sự kiêu căng, chia rẻ, độc ác. Tôi không độc ác, nhưng chia rẽ thì có, chia rẽ trong chính bản thân mình giữa ba thể, chia rẽ kiểu ảo cảm “cô đơn và tách biệt”, bên ngoài mình luôn vui vẻ hòa đồng với mọi người, nhưng bên trong thì tự tách mình ra với những mặc cảm riêng (ảnh hưởng cảm xúc nêu trên). Sự kiêu căng không biểu lộ hẳn ra nhưng thích áp đặt ý của mình lên người khác nhất là người thân, tin tưởng mình mới hành xử đúng, nghĩ đúng…, hay ngầm phán xét thái độ, tư tưởng của người khác từ đó có thể dẫn đến nghi ngờ, thiếu tin tưởng…

2.Các mặt tối đó là 9 điểm tương ứng 9 đầu thủy quái của phàm ngã, cần hướng về Ánh sáng của Linh hồn tức là hướng về thượng trí, chiến đấu từ cấp độ tri thức mới giải quyết được. Tôi nhận ra rằng đối với Vật chất Hình tướng, thanh tinh luyện phàm ngã không phải tiêu diệt nó, mà phải chuyển hóa để nó trở thành vận cụ của linh hồn. Trong đời thực, tôi đã trải qua nhiều sự cố trong đó khi nào linh hồn thắng thì giải quyết luôn được kiểu 3 trong 1, 4 trong 1…nếu không thì thật mệt mỏi. Tôi nghĩ vẩn vơ mong mỏi giá có “công tắc” ai đó bật hộ lên hai chữ LINH HỒN để tôi có thể tỉnh ngộ mà thoát ra khỏi sự tung tác của PHÀM NGÃ (!)

3.Tôi có Biểu đồ cung dự đoán cung 1 phàm ngã, cung 2 linh hồn, cung 3 thể xác, cung 5 thể trí, cung 6 cảm dục. Đồng thời tôi chịu tác động của cung 4 dẫn truyền của Hổ cáp, cung 6 sao Hỏa, Vulcan và Diêm vương tinh cung 1. Khi chạy chương trình PIP III thì tôi thấy năng lượng cung 1, 2, là lớn, nhất là cung 2.

Tôi tự thấy ở mình toát lên đặc điểm mạnh về ý chí, can đảm, tự quyết không dựa dẫm (cung 1), nặng tình yêu thương và khoan dung (cung 2) nhưng trụ về cảm dục nhiều rối ren phức tạp về tình cảm (cung 6), chi tiết tỉ mỉ kiên nhẫn (cung 5) và luôn phải trải qua sự xung đột hơi quá mức không cần thiết để tạo nên sự hài hòa, bình ổn (cung 4).

4.Về nhà và hành tinh liên quan trực tiếp tới Hổ cáp:

  • Nhà 8 đại diện cho bám chấp tình cảm mạnh mẽ (do Hổ cáp cai quản). Chủ tinh nội môn của Hổ Cáp là sao Hỏa, sẽ giải phóng bản thân tôi khỏi những chấp trước không lành mạnh về mặt tâm lý bằng sự mạnh mẽ là lòng can đảm, năng lượng thể chất, sức mạnh của sự khẳng định giúp đối diện với khó khăn và áp lực trong cuộc sống hàng ngày. Vì ở Hổ cáp, sao Hỏa đại diện cho năng lượng, sức mạnh nguồn lực khi lôi mọi thứ lên bề mặt, đưa ra ánh sáng. Mặt khác Thiên vương tinh (coi là huyền bí gia) xuất hiện trong ngôi nhà này mang lại trí tuệ huyền linh, và ảnh hưởng năng lượng của nó sẽ hỗ trợ quá trình trên.

Tôi thấm thía rằng, với con đường đạo nói chung và tham thiền nói riêng thì sự can đảm và kiên trì là những phẩm chất thiết yếu. Với Hổ Cáp khi chiến đấu với những mặt tối của mình, thì cũng vậy, nhưng không bao giờ được quên cần có khả năng phân biện và khiêm tốn “Chúng ta vươn lên bằng cách quỳ xuống, chiến thắng bằng quy phục, đạt được bằng từ bỏ”.

  • Đối với linh hồn, nhà 12 đại diện cho một nơi tĩnh tâm tĩnh lặng để suy tư và thiền định. Ở nhà 12 của tôi có Thủy tinh mang lại tâm trí nhanh nhạy và trực cảm – “Thủy tinh cũng là chủ tinh của antahkarana—chiếc cầu vồng—và cai quản việc xây dựng cây cầu đó[97] khiến tôi có chút hy vọng dù rất mơ hồ. Nhà 12 có Hải vương tinh phát triển tâm thức huyền bí, sự tận hiến, lý tưởng, tính nhạy cảm, tình yêu thương và Kim tinh với tình thương trí tuệ, tôi hy vọng được tiếp nhận năng lượng quý giá này và cũng là để soi vào mình mà kiên trì tu tập cùng với sự thanh lọc mạnh mẽ và nhắc bản thân đi vào kỷ luật cần thiết của Vulcan, sao Hỏa, sao Diêm vương, sao Thổ.

5. Đọc bản tổng kết của Thày Hiệu trưởng Michael D. Robbins về cung Hổ cáp đối với người chí nguyện, đệ tử,[98] liên hệ tôi thấy ở mình có những điểm yếu sau :

  • Xung đột sâu sắc. Chiến tranh giữa linh hồn với phàm ngã ở nơi sâu thẳm nhất của tâm hồn.
  • Những căng thẳng chưa được giải quyết như một nguyên nhân của sức khỏe – thể chất, cảm xúc và tinh thần.
  • Sợ thất bại, cùng với nỗi sợ chiến thắng mạnh mẽ không kém.
  • Về Con Đường Kỷ Luật: có can đảm đối đầu và vượt qua mọi tiêu cực về phàm ngã đã được phát hiện.
  • Nâng cao chuyên môn trong việc hiểu khủng hoảng và can thiệp vào các tình huống khủng hoảng.
  • Có khả năng Tư vấn khủng hoảng. (Cung thứ hai và Scorpio cũng tham gia vào lĩnh vực này.)
  • Thích hợp cho việc thực hành tâm lý trị liệu.

Về cung Mọc Hổ Cáp

1.Linh hồn cung 2, có ba cách khác nhau để thể hiện: theo cách của nhà huyền bí học, thể hiện kiến thức huyền bí một cách chi tiết tỉ mỉ/cách của tình thương thuần khiết, là cách của đức Christ/và cách thức minh triết của Đức Phật. Tôi rơi vào tình thương thuần khiết, thể hiện trong cuộc đời, thể hiện trung thực qua các tác phẩm sáng tác về hồi ký, thơ và truyện ngắn.

2.Với cung mọc Hổ cáp, điều mà linh hồn muốn phàm ngã vun trồng là sự can đảm chấp nhận cái chết của mình để được hồi sinh trong ánh sáng của linh hồn với Minh triết và Bác ái “Tôi là chiến binh, từ trong trận chiến tôi chiến thắng”. Tôi luôn ghi nhớ “Chúng ta vươn lên bằng cách quì xuống” học cách khiêm tốn và hạ thấp mình xuống. “Nâng thủy quái lên” nghĩa là đưa bất kỳ vấn đề, suy nghĩ ảo tưởng hoặc đe dọa nào ra ánh sáng xua tan của linh hồn, giữ nó ở đó cho đến khi ánh sáng xuyên qua. Lá số chiêm tinh được xây dựng xung quanh cung mọc, với chủ tinh nội môn cai quản, chuyển tải định mệnh tinh thần của người học đạo, cung cấp cơ hội để biến các giá trị vật chất thành giá trị tinh thần cao hơn. Với tôi nó thể hiện ở nhà 2, nơi có Hỏa tinh là chủ tinh nội môn; có Mộc Tinh, nhân tố cung hai của tinh thần Đấng Christ.

3. Cai quản nhà 2 là Kim Ngưu về phương diện tinh thần đó là sự khai sáng giác ngộ:

  • Với Hổ cáp, tôi đang học thanh luyện, chấp nhận dần những cái chết của phàm ngã để được hồi sinh trong ánh sáng của linh hồn. Tôi là chiến binh chiến đấu với mảng tối của mình là một mặt, mặt khác linh hồn bảo tôi phải làm gì nữa chứ?

Vâng kiếp này tôi đang là học viên của MF, lại được làm Mentor với một số bạn học khóa Thiền cơ bản, rồi tôi cũng đang theo học khóa chữa lành theo huyền môn. Những kiếp tiếp theo tôi có thể được tái sinh với những cung khác không còn là Hổ cáp nữa, nhưng chắc rằng vẫn tu tập. Năng lượng và bài học của Hổ cáp vẫn còn đó, tôi sẽ tiếp tục phấn đấu mà phụng sự trong các kiếp tiếp theo nữa, chẳng hạn sẽ tham gia vào Sự nghiệp Giáo dục trong kỷ nguyên mới (nối tiếp kiếp này làm việc trong môi trường huấn luyện huyền môn của MF) và Trị liệu theo huyền môn. Tôi sẽ còn trải qua nhiều cái chết của phàm ngã để thực sự được linh hồn và các Đấng cao cả dắt dẫn trên con đường tiến hóa. Tôi xin được nhắc lại lời Thày Hiệu trưởng Michael D. Robbins: ”Scopio nhắc nhở chúng ta về chuyển động hướng tới Ánh sáng từ bóng tối, hướng tới sự chiêm nghiệm và đổi mới tinh thần!

  • Với chủ tinh nội môn của nó là Vulcan thanh lọc khớp với Vulcan vốn có trên lá số, linh hồn sẽ dạy tôi phát triển các giá trị cao hơn ở chỗ nào phụng sự được theo kiểu chữa trị/nhà tâm lý theo phép chuyển hóa hoặc bí truyền, vì sự thiện hảo cao cả của tập thể. Hổ Cáp được liên kết với việc chữa bệnh và tâm lý học, thông qua Diêm vương tinh [99]. Một điểm nữa là hành tinh Chiron xuất hiện trong lá số cũng là nguồn năng lượng dồi dào của chữa lành. Tôi quan tâm đến Nhóm “Chữa lành theo huyền môn” là vì vậy và cũng có thể là vì một số dẫn dắt từ linh hồn đến với hoạt động này. Tôi vẫn đang giúp bạn bè về chữa lành, chữa lành bệnh tật, chữa lành những mệt mỏi do khủng hoảng tư tưởng trong cuộc đời bất hạnh, chủ yếu xuất phát từ tình thương và khi nghĩ là vận cụ của linh hồn thì ok không bị ảnh hưởng gây đau đớn cho bản thân giống với người bệnh. Sang các kiếp tiếp theo, chắc rằng tôi tiếp tục việc theo học chữa lành theo huyền môn kiểu như ở lớp học do các cô giáo MF giảng dạy hướng dẫn (phát xạ truyền chuyển tình thương và các phương pháp khác sau này).

4.Mặt khác linh hồn cung 2 cùng với tác động và chịu ảnh hưởng trực tiếp của Thủy tinh ở Hổ cáp liên quan những nghề trong việc truyền đạt và chia sẻ ý tưởng như giáo dục, cố vấn và người giải quyết mâu thuẩn…và gián tiếp của các dấu hiệu Ma Kết, Nhân Mã trong nhà 2, có thể tôi sẽ tham gia vào Sự nghiệp Giáo dục trong kỷ nguyên mới (bây giờ đang được giao nhiệm vụ Mentor cho một số học viên MQ), Sao Mộc ở nhà 2, sao Mộc là chủ tinh nội môn của Bảo Bình, đòi hỏi sự đóng góp phần mình một cách đầy đủ và cơ bản vào nỗ lực tập thể của nhân loại.

Phần VIII. NHỮNG PHỤNG SỰ BẢN THÂN ĐÃ THỰC HIỆN

8.1. Phụng sự trong đời thường cho gia đình, bạn bè, một số tập thể – qua trao đổi on-line hoặc tiếp xúc trực tiếp. Chia sẻ với cá nhân và cộng đồng [100] về trải nghiệm nhịn ăn thải độc, giảm bớt bệnh tật, và rèn luyện thể chất đối diện với tuổi già và những trở ngại cụ thể của cá nhân mình, có tác dụng lan tỏa được bạn bè hưởng ứng và khích lệ. Chia sẻ tư vấn cho bạn bè (cá nhân) trước những khủng hoảng của họ trong quan hệ gia đình, hoặc sức khỏe và bệnh tật của họ.

8.2. PHỤNG SỰ TRÊN CON ĐƯỜNG TU TẬP

1.Tự giác và nghiêm túc thực hiện các bài Tham thiền: Thiền Đức thày trong trái tim, Thiền tam giác – Thiền nhóm với chú nguyện hợp nhất – Thiền NGWS – Thiền Đấng Thái dương thiên thần – Thiền trăng non, trước trăng tròn và trăng tròn – Thiền EUN – Thiền Chữa lành theo huyền môn – Thiền Thu hút tiền bạc cho Mục tiêu của Thánh Đoàn, Thiền Chuẩn bị cho sự tái lâm của Đấng Christ…với sự thành kính bao gồm đọc lời Đại khấn nguyện chúc lành cho hành tinh, mọi giới trong tự nhiên và nhân loại.

2.Tham gia các hoạt động của nhóm MF Việt Nam: viết các bài chia sẻ (về ảo cảm của bản thân, liên hệ “vài điều khó khăn của đời sống nội tâm[101], việc làm từ thiện và ủng hộ quỹ donation cho MF, trải nghiệm tham thiền, dịch một số bài viết và webinar về coronavirus, tham gia dịch bình giảng của Thày M.D.R. về một lá số chiêm tinh, video thiền tam giác,…), chia sẻ các bản ghi âm của bản thân trong trị bệnh không dùng thuốc.Tích cực tham gia ý kiến, hòa đồng với nhóm và có tinh thần xây dựng, hòa hợp. Tôi có ý thức đối chiếu với 3 mục tiêu sinh hoạt nhóm:

“a) Hòa hợp tập thể bằng tư tưởng, hiểu biết lẫn nhau và thường xuyên ban rải tình thương.

b) Thiền định tập thể … như một nhóm thiền sinh, đặt nền móng vững vàng cho nhóm ấy trong cõi giới linh hồn và tăng cường tất cả những đệ tử liên hệ.

c) Hoạt động tập thể … đưa đến kết quả trợ giúp lẫn nhau trong vấn đề tánh hạnh trau dồi chứ không phải vấn đề sửa đổi hoàn cảnh. Chư môn đệ hãy suy gẫm về sự dị biệt này” [102].

3.Tham gia một số nhóm:

  • Dự án Thiền Liên hiệp quốc nội môn EUN (họp theo chương trình sinh hoạt của dự án hàng tháng, từ các tháng 5,6,7,8,11,12 năm 2020 hàng ngày tôi đăng tải thông tin liên quan đến từng nước/tổ chức[103] theo bản thông tin trong lịch Thiền khấn nguyện của Dự án, và gần đây qua Forum [104] của các thành viên EUN. Trong trường hợp không có thông tin về nước nào thì tôi tự tìm thông tin trên mạng đăng trong comments để các bạn tham khảo thêm. Viết bài chia sẻ về thiền EUN trong tuần làm nhiệm vụ tam giác bảo vệ).
  • Nhóm học chữa lành theo huyền môn (tích cực học tập, tham thiền nghiêm túc và tập trung cả trong buổi học chính thức hàng tháng và các sáng thứ bảy hàng tuần theo nhóm, thường đặt câu hỏi nhờ cô giáo giải đáp…).
  • Nhóm học tập Thông thiên học và Giáo lý của Chân sư D.K. tôi tiếp thu được những kiến thức bổ ích từ cô giáo Ngọc Lan và bạn bè tham gia.
  • Nhóm đọc sách của Chân sư và chia sẻ kiến thức huyền môn, ở đó tôi luôn có tinh thần trách nhiệm xây dựng và đoàn kết, khiêm tốn học hỏi. Bên cạnh đó, khi có nảy sinh vấn đề gì cần thiết phải làm rõ quan điểm của mình, có lẽ linh hồn đã xui khiến tôi thể hiện thẳng thắn với thái độ ôn hòa, hiếm khi không giấu hết được sự chán nản của phàm ngã từ sâu xa bên trong.

4. Với học viên khóa thiền cơ bản được giao làm Mentor, tôi tận tình, luôn có những liên lạc mật thiết và trợ giúp cần thiết cho các em, hướng dẫn kỹ lưỡng và có tinh thần trách nhiệm, thường xuyên động viên các em kiên trì trên con đường tu tập. Nhưng thực tế đã có tình trạng học viên bị choáng ngợp không phải vì chương trình học, mà vì dạo quanh các nhóm sinh hoạt của học viên MF, thấy mọi người bàn luận trích dẫn trao đổi về giáo lý Chân sư mông lung khó hiểu, gặp những luồng ý kiến xung đột khi nhìn nhận về sự kiện bầu cử Tổng thống Mỹ. Có trường hợp học viên sau khi học một hồi thì thấy mệt và căng thẳng kiểu trầm cảm nhẹ. Tôi nghĩ có lẽ vốn họ đã có những khủng hoảng, tưởng rằng vào MF học sẽ thoát khỏi nó hóa ra phải vận động trí não cho những khái niệm mới lạ, cách thiền khác biệt với sự yên lặng thong thả thiền theo hơi thở tự nhiên của Phật giáo nguyên thủy hoặc một vài phương pháp thiền đơn giản ở bên ngoài đang phổ biến. Cho nên họ thấy hơi choáng và dừng lại khiến tôi cũng chịu ảnh hưởng về tâm lý. Tôi không phải ân hận áy náy gì về sự cố gắng động viên giải thích chân tình của mình, vì gần như đã phát huy mọi khả năng để thuyết phục để trợ giúp nhưng khi không đạt cũng thấy hơi nản, thấy con đường đạo đúng là không thích hợp với người “yếu bóng vía”. Và tôi lại tự hỏi chính mình, mình có như vậy không? Tôi xin lỗi, thực ra những lời viết ở trên cũng chỉ là suy diễn của phàm ngã tôi nhất thời mà thôi, làm sao tôi hiểu được đúng về các em, nên tôi thực sự chỉ thương các em và vẫn liên hệ động viên quan tâm đến họ.

5. Duy trì trong tư tưởng và hành động sự phụng sự chân thật và vô kỷ.

6. Điềm tĩnh và an vui khi thu hẹp phạm vi phụng sự đời thường ĐỂ CÓ NHIỀU THỜI GIAN HƠN CHO ĐỜI SỐNG TINH THẦN. Nói vậy không có nghĩa là tôi tuyệt đối tránh xa các hoạt động của đời thường. Tôi luôn có ý thức lồng ghép những hiểu biết của mình về linh hồn , thái độ sống tích cực, hành động phụng sự … khi tiếp xúc với bạn bè khiến môi trường trở nên thân thiện, bao dung, có tình thương vô kỷ. Đấy là đại thể, còn về chi tiết, tôi đã và đang lảng tránh nhiều hoạt động ngoài đời để tập trung cho việc tu tập. Nhưng về thể chất và cuộc sống đời thường cũng có những trở ngại và bất ổn, tôi thường bị phân tán và mệt mỏi nhất là trong thời gian viết và từng bước hoàn thành DHY hiện nay. Tôi đang cố gắng điều chỉnh mọi việc cho hài hòa và hợp lý đến mức có thể. Cách đây vài tuần, nghe lời nhận xét của con gái út tôi bỗng giật mình: ”Con thấy hồi này mẹ có cái gì không ổn. Trước kia, mẹ tập luyện rất đều đặn, có thể là khiêu vũ, là đi bộ chạy bộ và khỏe hơn, vui hơn. Còn nay mẹ hầu như không tập tành gì, ngoại trừ nhân thể đi ra chợ thì mẹ đi bộ quãng ấy. Mẹ cũng không thích tiếp xúc với mọi người. Suốt ngày suốt đêm mẹ xoay vần vào việc học MF, trừ khi thỉnh thoảng tập đánh đàn thì mẹ còn có vẻ say mê. Mẹ rất ít ngủ nữa. Trông mẹ thấy hiện rõ sự mệt mỏi. Mẹ hầu như không quan tâm đến việc ăn uống. Trước đây mẹ cũng ăn uống đơn giản không phải cầu kỳ nhưng dù sao con vẫn thấy được mẹ có để ý đến nó để khỏe mạnh hơn. Con rất ngạc nhiên và khó yên tâm được khi thấy mẹ nấu cơm với một món gì đó rồi bỏ vào tủ lạnh mẹ ăn suốt trong mấy ngày liền không thay đổi. Con nghĩ là mẹ nên điều chỉnh lại cuộc sống của mình. Nếu mẹ yếu đi, mẹ không có sức khỏe tốt thì muốn học mẹ cũng chẳng học được nữa. Con nói thế là con lo lắng thật sự, con không có ý ngăn cản việc học hành của mẹ ở MF”. Mẹ mệt, đi đường xa, vất vả mà vẫn cố lẽo đẽo về nơi ở cũ để họp chi bộ, để họp cuộc nọ cuộc kia làm gì cơ chứ? Tại sao phải như thế?

Tôi trả lời con không chút gì miễn cưỡng:”Ừ ừ…Mẹ hiểu…Mẹ sẽ điều chỉnh. Cảm ơn con. (Nhưng Tại sao? Tại sao?… à, dễ trả lời lắm nhưng mẹ không có đủ can đảm để trả lời…). Thực sự hiện nay tôi đang phải đối diện với những trở ngại từ các hạ thể.

7.Luôn quan tâm đến người yếu kém, hoạn nạn, bất hạnh hơn mình, sẵn sàng giúp đỡ họ về cả vật chất và tinh thần. Sự “cho đi” của tôi thực sự khiến tôi thấy hài mãn an vui. Trong khi giúp đỡ bạn, tôi thường nhớ lời dạy của Chân sư “Hãy từ bỏ việc nhấn mạnh quá đến “ý muốn thương yêu” và hãy nhấn mạnh trong tâm thức mình những nhu cầu của kẻ khác đòi hỏi sự thông cảm, chú ý, trợ giúp và lòng từ ái”.

8. Thiền “Thu hút tiền cho mục tiêu của Thánh đoàn” với nhận thức sâu sắc và góp quỹ Donation đều đặn. Ngày trước, Donation cho MF chủ yếu tôi nghĩ đến việc giống như đóng góp học phí, sau thay đổi dần. Đó là lòng biết ơn, là nhận ra ý nghĩa của việc Donation từ bài Tham thiền Thu hút tiền bạc cho mục tiêu của Thánh Đoàn, nên ngoài việc trực tiếp donation hàng năm cho MF, tôi đã tham gia đều đặn vào góp quỹ ủng hộ trong học viên MF VN. Tới đây, có thể học viên chúng tôi sẽ có bàn luận trao đổi trực tiếp trong cuộc họp nhóm MF VN kỳ chủ nhật trước / trong trăng tròn về quỹ ủng hộ này để động viên rộng rãi học viên tham gia (vẫn là tự nguyện và hình thức tế nhị như đang làm), và mở rộng sang một vài mục tiêu hỗ trợ phụng sự khác ở Việt Nam (như in sách dịch giáo lý Chân sư D.K. …).

9. Trước đây tôi phụng sự ngoài đời là nhiều. Việc phụng sự ấy nhiều khi như là một bản năng. Nó mang đến cho tôi sự tín nhiệm tin tưởng quý mến của nhiều người. Tôi dường như luôn được sống dưới ánh sáng rạng rỡ của sân khấu cuộc đời mà tôi là một diễn viên không chuyên nhưng có chút gì “năng khiếu”. Rồi khi vào đường đạo, tôi tự nhủ vẫn còn tham gia việc đời để coi thử những phản ứng của phàm ngã ra sao mà thanh tinh luyện, và thực sự đúng là như vậy. Nó cũng giúp tôi nhận ra những gì tinh vi của phàm ngã mà trước đây vô tình không nhận ra vì tôi quá hòa động với cái vỏ bọc che đậy linh hồn. Và một sự chuyển biến khác nữa là tôi thoát ra khỏi việc đời với tỷ lệ lớn 80-90% như đã nêu ở phần trước mà không cảm thấy có gì khó khăn. Có điều mỗi khi mệt mỏi nản chí với những thách thức của công việc tinh thần, thì tôi mới lại bị phàm ngã lôi kéo lại. Nó đặt ra cho tôi hàng loạt câu hỏi: Tại sao mọi khi tôi làm nhiều việc tốt thế, vì mọi người đấy chứ có phải vì tôi đâu, còn bây giờ tôi chả giúp gì được ai, chả gặp nhau để mà chia sẻ khuyên răn, chả đi thăm ai trong bệnh viện nữa,…Hỏi thì cứ hỏi băn khoăn thì cứ băn khoăn, giờ đây tôi đã nghiêng các hoạt động sang phụng sự cho đời sống tinh thần rồi, như tôi có tự kiểm. Tôi tin rằng tôi sẽ ổn dần.

10. Hàng tuần vào thứ năm, đều đặn Thiền chuẩn bị cho sự tái lâm của Đấng Christ làm tăng nhận thức và trách nhiệm của mình trong việc tham gia dự án EUN.

GIẢI PHÁP LÀM TĂNG NHẬN THỨC VỀ PHƯƠNG PHÁP PHỤNG SỰ

Tôi luôn thường trực về ý nghĩ phụng sự để thực thi trong cuộc sống, và khi đã trải qua thực tế thì nhận thức về phụng sự sẽ sâu sắc hơn.

Phụng sự đã trở thành lẽ tự nhiên vì nghiên cứu tìm hiểu và áp dụng về các định luật của linh hồn như định luật hy sinh, định luật phụng sự, tâm thức tập thể nhóm, vì noi theo tấm gương phụng sự của các Thày, Cô và các bạn đồng môn.

Phần IX. HIỂU VÀ THỰC HIỆN 6 QUY LUẬT TRÊN ĐƯỜNG ĐẠO

Tôi được học 6 quy luật trên đường đạo từ khi là học viên khóa thiền cơ bản MQ, nay vào QU1 được học lại. Tôi không quên các quy luật này, nhưng thường xuyên giở lại thì không, mới đây khi đọc lời chia sẻ chân tình của thày Hiệu Trưởng MF “Tôi đã học thuộc lòng các Qui Luật này và tôi nhắc lại nó với bản thân hàng tuần. Việc thuộc lòng các qui luật sẽ giúp các bạn dễ phát hiện ra ngay lập tức khi các bạn vi phạm một trong các qui luật[105], tôi nhận ra và đã học theo Thày.

Quy luật 1. Mỗi người tiến trên Đường đạo trong ánh sáng thanh thiên bạch nhật, tỏa chiếu trên Đường bởi những Vị hướng đạo hiểu biết. Bấy giờ hành giả không thể che giấu điều gì, và đến mỗi khúc quanh trên Đường Đạo y phải đối diện với chính mình.

  • Con Đường ở đây có thể hiểu là Con Đường Đạo. Khi được theo học MF, có thể nói đó là lần đầu tiên trong kiếp sống này, tôi tiếp cận với con đường đạo đầy vinh quang và cũng nhiều thử thách. Tôi được nhà trường hướng dẫn, truyền đạt MTTL thông qua giáo lý của Chân sư D.K. và những đệ tử của Ngài, thông qua các bài bình giảng sâu từng vấn đề thiết yếu cần cho học viên mà Thày Hiệu trưởng thực hiện, Thày Minhtrietmoi dịch với ngôn từ trong sáng dễ hiểu. Tôi được các Thày, Cô giáo (Mentors) trợ giúp tận tình và đó là những tấm gương sáng về Phụng sự vô kỷ để tôi noi theo. Đó chính là tôi được hướng đạo trong ánh sáng Minh triết Bác ái thiêng liêng qua từng bước đi trên Đường Đạo. Ánh sáng ấy tỏa ra từ Sách của Chân sư D.K. của bà Alice Balley và các vị đệ tử của chân sư, từ hình ảnh Chân sư D.K. luôn hiển hiện tại luân xa tim – kết quả từ tham thiền về Đức thày trong trái tim, từ nhà trường và các thày cô giáo … Gần đây tôi được giao nhiệm vụ làm Mentor cho một số học viên mới nhập trường, tôi đã cố gắng làm tròn nhiệm vụ một cách tận tâm với các em và cảm thông vì các em mới vào còn nhiều bỡ ngỡ. Nghĩa là tôi với một tay hướng về trên, hướng về các vị Hướng Đạo; một tay hướng về dưới để giúp đỡ những cá nhân đang đi sau. Bên cạnh đó, tôi có thêm hiểu biết khi chứng kiến kết quả qua Tham thiền Nghiên cứu và Phụng sự của các bạn đạo. Những tấm gương từ các bạn cũng là nguồn cảm hứng của tôi thêm vững bước trên con đường tu tập.
  • Trong quá trình tu tập, theo học các khóa thiền của MF, tôi luôn trung thực, không che giấu bất cứ điều gì kể cả những điều chưa nói với ai bao giờ, thể hiện qua báo cáo trong các phúc trình, qua chia sẻ trong nhóm MF Việt Nam. Tôi phải đối diện với chính mình khi xảy ra “cuộc chiến” giữa phàm ngã và linh hồn, mỗi lần nao núng có nên học tiếp nữa không do phàm ngã tung tác, kéo lui mình trở về với những thói quen lâu đời kìm giữ và lôi cuốn, với nỗi sợ hãi và bi quan mệt mỏi trước hạn chế của sức khỏe và tuổi già. Tuy nhiên, nói trung thực là nói vậy và về cơ bản là vậy, nhưng thực tế trong tôi vẫn không tránh khỏi những giây phút phàm ngã đã chiến thắng với tất cả những biểu hiện tinh vi của nó. Tôi luôn nhìn thẳng vào mình, không lảng tránh, và thường nhận ra không quá muộn để chủ động dùng những tư tưởng tích cực tác động, “xoay chuyển” tình thế cho mình trở lại khỏi đi chệch đường, mà thực chất đấy chính là khúc quanh – ở đó có luồng ánh sáng lớn soi rọi từ linh hồn. Nó chiếu đến từng ngóc ngách để phơi bày những gì là vị kỷ, là phản lại tâm thức nhóm, là ngược lại với MTTL, điều mà phàm ngã tự đắc rằng mình tiến bộ là cơ bản rồi, còn mình “biết giả dối” bằng cách đôi khi hơi phóng đại trong một vài đoạn phúc trình, hay có những hành vi và tư tưởng tiêu cực được che đậy một cách khôn khéo thì âu cũng do mình còn là người chí nguyện thì đã sao nào? Chỉ những thoáng qua ít ỏi như thế thôi, còn tôi đã xác định cho mình, kiểu gì thì mọi thứ đều phải được tỏ lộ về mặt bản chất.Tôi là ai, tôi như thế nào thì phải là những sự thật như chúng đang là vì tôi đang đi trên đường đạo, có các đấng cao cả, các bậc giác ngộ hơn tôi đưa đường chỉ lối, tôi đi cùng các bạn đồng môn của mình, và chính các bạn cũng là những linh hồn hợp nhất với linh hồn tôi kia mà. Làm sao tôi có thể lừa dối tất cả? Tôi luôn tự nhủ mình, đừng sợ ánh sáng phơi bày những bất cập của phàm ngã, mà trái lại, ánh sáng ngày càng rọi chiếu mới là điều đáng mừng vì bản thân mình đang vượt qua từng khúc quanh co – để được tích hợp với linh hồn mà nhận biết Thiên cơ, biết mình đang được phụng sự cho sự sống thiêng liêng Thượng đế đã tạo lập vì sự an vui hạnh phúc của toàn thể nhân loại, không phải chỉ bó hẹp trong gia đình, cộng đồng bé nhỏ xung quanh mình.

Quy luật 2. Trên Đường Đạo, những điều che giấu được phô bày. Mỗi người thấy và biết điều quấy của mình. Thế nhưng, sự phô bày đó không khiến họ lùi bước, bài bác lẫn nhau, hoặc chao đảo trên Đường Đạo. Đường Đạo trở nên sáng tỏ.

  • Những khiếm khuyết, ảo cảm của tôi được phô bày trong các bản phúc trình gửi lên Mentor phụ trách, qua các bài viết chia sẻ công khai trên nhóm MF Vietnam và MF Hanoi. Tôi nhận được những khích lệ động viên từ thày cô giáo và bạn đạo về sự thẳng thắn này. Không ai chỉ trích bài bác gì tôi. Nhưng khi đọc lời của Chân sư: “Chúng ta sẽ rơi vào tội lỗi của sự chia rẻ. Khi làm việc với chúng ta, trong đánh giá của các Ngài, những người chí nguyện trung bình thì “ngu dốt và vô minh, ích kỷ, cá nhân”, những đặc điểm không vui vẻ chút nào có sẵn trong chúng ta. Sự ngu ngốc được che dấu” thì tôi xấu hổ quá, vì đúng mình từng là như thế. Lâu nay tôi kín như bưng, nhưng bây giờ tôi phải lấy ví dụ luôn. Tôi viết bài trên nhóm MF, nếu tôi được LIKE nhiều thì tôi thích. Nhưng cũng là bài tôi viết, thuật lại rằng bạn tôi bảo điều này điều nọ mà cũng được LIKE nhiều thì tôi không mấy quan tâm, mặc dù chính tôi có tâm đắc với bạn thì tôi mới đăng chứ. Tất nhiên đó là cái nhỏ chẳng làm phương hại gì đế bạn tôi và đến ai, nhưng rõ ràng, ánh sáng linh hồn từng chỉ ra cho tôi biết, từ trong sâu xa, tôi chỉ thích mình thôi, thích mình được người khác thích (ảo cảm “Yêu thích được yêu”). Tôi có người bạn thân bị tật nguyền, tôi thương và yêu quý em ấy lắm, vậy mà khi em ấy được khen thưởng về tấm gương vượt lên số phận, cộng đồng chúc tụng thì tôi cũng chúc mừng thật lòng, nhưng sau đó khi thấy cứ ồn ào náo nhiệt mãi về chuyện này thì tôi bớt quan tâm đến em so với trước vì tôi nghĩ em đã có nhiều người động viên rồi. Đấy là cái gì trong thâm căn cố đế nếu không phải là sự ghen tỵ quá đỗi tầm thường và vô lý? Nếu kiểu này mà bị lây lan mở rộng sang các vấn đề lớn hơn thì chưa biết tôi sẽ là người thế nào và gây hậu quả gì do những cảm xúc tiêu cực nữa. Tôi đã nghiêm khắc tự kiểm mình về những thái độ nhỏ nhen này.
  • Cũng may là tôi không chao đảo trên đường đạo khi những khiếm khuyết được lộ rõ. Nếu có chao đảo chỉ đơn thuần là biểu hiện cuộc chiến thầm lặng giữa phàm ngã với linh hồn tôi mà thôi. Hôm nay trong khóa luận này chắc linh hồn tôi đã mách bảo rằng tuy tôi đã trung thực nhưng vẫn còn xa lắm mới đạt đến sự trung thực tuyệt đối cần có nên tôi mới can đảm đưa ra hai ví dụ trên; và nếu có điều gì tôi không qua được Mentor của tôi và “những đôi mắt của nhóm” thì tôi tự nhủ mình chớ có mà tự ái!
  • Tôi cũng không bài bác gì ai cả, có gì trái ý mình thì đa phần tôi chịu đứng ở thái độ quan sát và kiềm chế sự nóng nảy bực bội, rồi sau đó phân biện về những cái đúng của cả hai bên vì sao lại vẫn khác nhau. Rất hiếm khi tôi có vài lời nói bột phát dưới dạng vui đùa nhẹ nhàng nhưng vẫn hàm ý phê phán bạn một cách hơi thô nếu tôi cho rằng mình đang quan tâm đến tập thể nhóm, tôi nhận ra ngay sau đó và xin lỗi bạn luôn. Có thể cung hoàng đạo Hổ cáp cho tôi niềm hy vọng ánh sáng của Hổ cáp là ánh sáng ban ngày trên đường đạo sẽ giúp tôi trở thành chiến binh dũng cảm nhưng phải chân thành, tràn đầy tình thương yêu chứ không phải hung hăng trong chia rẽ.
  • Quá trình kết hợp Tham thiền Nghiên cứu Phụng sự của tôi giúp cho đường đạo ngày một sáng tỏ hơn. Tuy nhiên, sự sáng tỏ trên đường đạo còn phụ thuộc vào thái độ của bản thân có OPEN hay không. Nếu không OPEN, có thể vướng vào những nghi ngại vì tự gô mình vào những định kiến, hiểu biết của cái trí “vốn là kẻ phá hoại sự thật”. Tới đây, tôi sẽ quan tâm đến điều này hơn. 👍

Quy luật 3. Trên Đường Đạo hành giả không đi lang thang một mình. Không có gì hấp tấp, hay vội vàng. Và cũng không có thời gian bỏ phí. Hiểu được điều này, mỗi khách hành hương dấn bước tiến lên, và thấy quanh mình có các bạn đồng hành. Một số tiến phía trước; y theo sau. Một số đi sau; y dẫn lối. Y không tiến bước một mình.

  • Tôi đang học hành tu tập cùng các bạn trong trường nội môn Morya Federation. Tôi được các thày cô giáo hướng dẫn tận tình. Như vậy tôi không thể là người đi một mình trên đường đạo.
  • Tôi không vội vàng và nôn nóng chờ đợi mình phải có những kết quả gì vì hiểu rằng đường đạo là con đường dài cần kiên trì trên từng bước đi nhỏ. Có sốt ruột thì chỉ đơn thuần là những kỹ thuật cụ thể tôi chưa làm được, nhưng tôi đã kịp thời vượt qua, bình tĩnh trở lại vì nhiều khi do tôi chưa hiểu kỹ bản chất của các hiện tượng (Ví dụ thấy ánh sáng, biểu hiện kết nối linh hồn….)
  • Tôi không bỏ phí thời gian. Gần bốn năm qua từ khi theo học MF tôi đã luôn cố gắng, dành nhiều thời gian và tâm huyết cho Tham thiền Nghiên cứu và Phụng sự. Tôi đã tự khắc phục nhiều hạn chế về sức khỏe, tật bệnh để duy trì những việc cần làm. Chỉ có điều, sự hạn chế về tuổi tác về sức khỏe cụ thể có lúc làm tôi mệt mỏi phải tạm dừng lại chút ít chứ không phải bỏ bễ liên tục. Sự bố trí thời gian cho tham thiền cho nghiên cứu (và trong nghiên cứu thì nghiên cứu những gì) có thể còn chưa hợp lý.
  • Tôi đã nhìn vào những tấm gương của Thày, Cô và Bác Trân Châu để quyết định học tiếp QU. Có thể nói hình ảnh tận tụy của Thày, Cô, Bác luôn ở trong trái tim tôi. Sự nhiệt tình đam mê của bạn bè (đa phần còn rất trẻ) đã khích lệ tôi cố gắng. Tôi hòa đồng vào nhóm MF Hà Nội và hiện tại là nhóm MF Việt Nam, luôn thấy rõ chúng tôi đang đồng hành trên đường đạo, và đa phần là họ đi trước, tôi theo sau một cách yên bình tin tưởng. Nhưng đôi khi tôi “GATO” với họ, tự ty mặc cảm về mình, dẫn đến cái gì đó căng thẳng trong im lặng. Điều này tôi cần khắc phục.
  • Với những bạn vào học sau, tôi hết lòng trao đổi những gì có thể, nhưng thực chất họ học sau không có nghĩa là họ thua kém tôi, mà ngược lại, có những bạn tôi rất thích nghe họ chia sẻ về kiến thức, tôi nhận biết về sự tu tập của họ mà tôi biết chắc rằng … sẽ chẳng bao giờ tôi có thể theo kịp họ. Đương nhiên tôi hiểu, mỗi người đều đang tiến hóa với mức độ trưởng thành của riêng mình, không có gì phải lo lắng cả. Có so sánh chỉ để biết mà cố gắng chứ không phải để sốt ruột, ghen tỵ và khó chịu.
  • Với học viên mới MQ mà tôi được phân công làm mentor, tuy chưa đến kỳ trăng tròn để họ làm phúc trình đầu tiên, nhưng tôi đã tiếp nhận những băn khoăn, câu hỏi của họ qua liên lạc E-Mail. Tôi trả lời, chia sẻ tận tình bằng tình cảm cùng trách nhiệm của mình, và được phản hồi về sự hài lòng của họ. Rồi từ đó đến nay, tôi đã qua những kỳ trăng tròn nhận được Phúc trình của học viên, tôi làm việc nghiêm túc và tận tình. Tôi cảm thông với những ngày mới nhập học của họ, còn chưa quen với phương pháp tham thiền, nghiên cứu của Raija Yoga nên tôi chú ý động viên và chỉ dẫn trong phạm vi hiểu biết của mình. Nhưng tôi cũng hiểu rằng rồi có ngày họ sẽ tiến bộ và vượt lên bỏ tôi lại phía sau thì cũng là bình thường. Tôi sẽ lại đi theo sau họ như tôi đã đi theo các bạn đồng môn lâu năm hơn của tôi. Vậy mà gần đây, hai học viên (trong đó có một em mà tôi rất quý rất tin tưởng) tạm thời dừng việc làm Phúc trình, khiến tôi lúc đầu hơi chao đảo, nhưng rồi tôi đã bình tĩnh trở lại, và vẫn có quan hệ trao đổi mật thiết quan tâm khích lệ động viên các em.
  • Với bạn bè ngoài đời, chưa bước vào cuộc sống tinh thần, tôi quan tâm chia sẻ những gì có thể để họ sống tốt hơn, yêu thương và yên bình hơn.

Đấy là tôi nhắc đến những biểu hiện tích cực của mình khi đối chiếu với quy luật 3 trên đường đạo. Điều này có vẻ dễ dàng để “thao thao bất tuyệt”. Nhưng thật ra đi sâu vào bên trong, không đơn giản như thế. Tôi thực sự khiêm tốn và nhận biết sự hạn chế kém cỏi của mình so với các bạn trẻ, tôi không giả vờ, tôi không hô hoán hình thức, nhưng do chưa thoát khỏi ảo cảm “cô đơn và tách biệt” nên nhiều khi tôi chẳng có nhiệt tình làm một vài việc mà lẽ ra có thể làm được. Tôi chỉ chăm lo chủ yếu cho việc hoàn thành nhiệm vụ của học viên ở khóa QU (1) mà đối với tôi là khó hơn hẳn ba năm qua (MQ, GQ1, GQ2) vì rất nhiều lý do cả khách quan và chủ quan và việc hoàn thành trách nhiệm Mentor mà thôi. Nhưng gọi là chăm lo vậy, chứ tôi chưa sử dụng tốt thời gian và tập trung cho nó.

Tôi vẫn còn chạy vòng quanh và lãng phí năng lượng. Tôi vẫn còn những lo lắng mơ hồ trong xúc cảm, và có khi chả biết mình đang ở đâu, đang đi trên đường đạo cùng các bạn như phân tích ở quy luât 1,2 hay đang chơ vơ quay lại quá khứ tự bằng lòng về sự trung thực, nhân ái và tính xây dựng, thẳng thắn của mình trong cuộc sống, khi tiếp xúc với đủ các tầng lớp trong nhiều môi trường khác nhau và coi thế là đã đủ.

Quy luật 4. Khách hành hương phải tránh ba điều: Đội mũ trùm đầu, hoặc dùng mạng che mặt không cho người khác thấy; mang theo bình nước chỉ đủ cho mình dùng; vác trên vai chiếc gậy không có móc để cầm giữ.

  • Tôi đã “tránh đội mũ trùm đầu, hoặc dùng mạng che mặt không cho người khác thấy” tức là tránh tiêu cực trong thể trí với sự ích kỷ, không chia sẻ hiểu biết của mình cho ai cả, và như vậy cũng khó tiếp nhận sự chia sẻ của bạn đồng hành và khó tiếp nhận minh triết thiêng liêng từ trên dội xuống. Tôi đã mạnh dạn tiết lộ những phẩm tính bên trong với những người tiếp cận và làm việc với mình, cụ thể là với Thày Cô giáo với cộng đồng MF Việt Nam âu cũng là một yếu tố của sự trung thực. Vì tôi hiểu với các huynh đệ của mình, những người mà tôi làm việc cùng, có một cái nhìn của nhóm— thì tôi phải cởi mở với cái nhìn đó, bởi vì nhiều thứ có thể được học hỏi vì lợi ích của nhóm. Tôi không sợ nói về sự thiếu hoàn hảo hoặc sai lầm của chính mình ngoại trừ thỉnh thoảng có những biểu hiện “tinh vi” thì cũng ngài ngại không phải đã “báo cáo” ngay, nhưng có chậm thì cuối cùng cũng không che giấu. Tôi làm vậy là để răn mình khắc phục những tồn tại và cũng có hàm ý mong mỏi nếu bạn mình vấp phải bất cập tương tự thì sẽ loại bỏ cùng mình.
  • Tôi “tránh mang theo bình nước chỉ đủ cho mình dùng” là tránh tiêu cực về thể tình cảm là không tuôn đổ tình thương đến cho bạn đồng hành. Khi đồng hành với họ, tôi cần quan tâm đến sự độ lượng và tinh thần từ ái theo cách xử sự của linh hồn chứ không phải bằng phàm ngã, nghĩa là có ý thức tự rèn luyện, bồi dưỡng lòng thiện cảm với mọi người. Do vậy tôi tự cảm thấy thoải mái, chứ không băn khoăn họ có thấy tôi “tử tế” không. Trên bình diện khác, khi đi trên đường đạo, nước mang hai ý nghĩa nữa: Nghĩa đen là nước để uống cho đỡ khát, tôi hình dung có lúc tôi có thể nhường nước cho bạn, cũng có lúc tôi nghĩ bạn phải tự lo nước cho mình, không ai được ỷ lại dựa dẫm vào ai cả. Nghe qua cũng có vẻ có lý, nhưng thực ra đó vẫn là lòng ích kỷ. Nghĩa bóng là sự trưởng thành về tinh thần. Tôi giữ nước cho riêng mình là hàm ý tôi chỉ biết đến sự tiến bộ của mình trong tu tập, học hành còn với nhóm, tôi bỏ qua sự quan tâm một cách nhiệt thành. Điều này cũng thể hiện ở những tình huống, thấy bạn mình lơi lỏng việc học hành, chểnh mảng nộp phúc trình… tôi có khơi dạy ở bạn điều gì đó nhưng còn ngại ngần, ngại sự can thiệp vào sự tự do của mỗi người nên không tích cực, không tìm ra cách nào tinh tế mà vẫn kéo bạn trở lại với những nề nếp cần có. Điều này có thể có nguyên nhân là chúng tôi còn khách sáo với nhau, chưa đủ độ thân thiết để thẳng thắn cởi mở, và biết đâu chả có những thời khắc nào đó tôi đã tặc lưỡi với đúng phong thái của một phàm ngã chỉ biết mình…Đó là tôi tự kiểm trung thực về toàn bộ quá trình, còn gần đây tôi đã thẳng thắn với các bạn hơn rất nhiều. Tôi đã chia sẻ thật lòng, đã hiểu suy nghĩ của từng bạn và khuyên các bạn sớm quay lại với MF, hoặc chí ít ra cần có lời xin phép nhà trường nghỉ tạm một thời gian chứ không nên bỏ lửng chẳng nói gì. Tôi luôn động viên các em mới vào trường kiên trì học hành tu tập, và kịp thời trao đổi ý kiến của mình mỗi khi các em gặp khó khăn hay nản chí.
  • Tôi “tránh vác trên vai chiếc gậy không có móc để cầm giữ” là phải rèn luyện để thể xác trở nên tinh khiết hơn, mạnh khỏe hơn thì mới trụ vững được, phải phát triển nội tâm của bản thân hướng đều đến ba hạ thể. Khi sử dụng cây gậy không có móc tôi tưởng tượng treo đồ vật lên sẽ dễ bị rớt xuống. Những đồ vật này có thể là hành trang hỗ trợ trên Đường Đạo – niềm tin vào Thượng đế, vào Linh hồn – tình thương Huynh Đệ, cũng có thể là những kiến thức đã thu hoạch trong quá trình học tập, có thể là kết quả của sự thanh tinh luyện thể dĩ thái và thể xác… “Rớt xuống” tức là những gì thấy cần giữ thì tôi không thể giữ được theo ý muốn. Tôi sẽ èo ọt với chính bản thân, và như thế tôi cũng khó lòng trợ giúp được ai, vì chẳng ai “bám” được vào cái gậy trơn tuột ấy. Một cách diễn tả rõ ràng khúc triết hơn, như Thày Minh Triet Moi có lần chia sẻ : “Chiếc gậy có móc và chiếc gậy không móc có công dụng khác nhau rõ rệt. Với chiếc gậy có móc, ta có thể giúp người khác thông qua cái móc, họ có thể nắm giữ cái móc đó để trụ vững hay nương tới, tiến bước. Chiếc gậy không móc thì người khác rất khó cầm giữ nếu bạn chìa nó ra cho họ”. Tôi hiểu là cần sẵn sàng giúp đỡ người khác một cách tận tâm, không ngại những lúc nào đó phải dừng lại vì người ta cần đến mình, nhất là trong đời sống tinh thần khi họ nghiêng ngả (như chính mình đã từng nghiêng ngả). Ý này cũng có thể đề cập lại tương tự như việc phân tích về giữ nước cho riêng mình ở trên. Tôi rất tâm đắc với lời bình sâu sắc của Thày Hiệu trưởng Michael D. Robbins: ”Cái móc là phương diện cung 2 nó cho thấy sự quan tâm của bạn đối với người khác. Bạn đang tiến về phía trước và gặp ai đó đang gặp khó khăn. Khi đó, bạn phải dừng lại và dùng cái móc để giúp đỡ. Bạn phải làm những gì bạn có thể—bằng trò chuyện, cầu nguyện, tham thiền, hay bất cứ điều gì—để giúp người đó trở lại Thánh Đạo. Nhưng nếu bạn không có điều đó, bạn chỉ thực hiện con đường riêng của mình. Vâng, bạn sẽ đạt đến đó, bạn sẽ giác ngộ, nhưng bạn không phải là vị Bồ tát, vị Bồ tát với cây gậy có móc”.[106] Trong thực tế, vâng như trên tôi đã chia sẻ, thấy bạn dừng học MF, tôi đã trò chuyện chân tình và có những lời khuyên cần thiết cho bạn một cách tôn trọng, nhưng tôi chưa nghĩ đến và thực hiện cầu nguyện, tham thiền, tôi cần theo gương Thày Hiệu trưởng về việc này.

Tóm lại, tôi cần thanh tinh luyện cả ba thể: Thể Trí, thể Cảm dục và Thể xác dĩ thái. Loại bỏ sự ích kỷ, chia rẽ. Phát triển tình thương vô kỷ, sự bao gồm, chia sẻ. Rèn luyện thể xác cho khỏe mạnh nhờ thể dĩ thái được truyền tải những năng lượng tích cực. Chú ý củng cố, xây dựng và thống nhất nhóm để mỗi người có thể làm việc trong sự hòa hợp trí năng và hợp tác tâm linh một cách chặt chẽ với bạn mình. Chú ý rèn luyện thái độ dung hòa khoan hậu và sự ban rải tình thương đến mọi người.

Quy luật 5. Mỗi Khách hành hương trên Đường đạo phải mang theo những gì y cần: một bầu lửa, để sưởi ấm các bạn đồng hành; một ngọn đèn với những tia sáng chiếu ra từ tâm của mình và cho các bạn đồng hành thấy bản tính sự sống ẩn tàng nơi mình; một túi vàng, y không vung vãi trên Đường, mà để chia sẻ cho người khác; một chiếc bình niêm kín, trong đó y mang theo toàn cả tâm nguyện của mình để đặt dưới chân Đấng đang chờ chào đón y ở cửa Đạo – một chiếc bình niêm kín.

  • Áp dụng trong tu tập của mình, với “mang theo một bầu lửa, để sưởi ấm các bạn đồng hành” – tôi thể hiện tình yêu thương (tưởng tượng từ trong linh hồn) tuôn đổ đến huynh đệ của mình. Đó là tình yêu thương xuất phát tự trái tim ấm áp, chân thành, không phải là tình yêu thương viết bằng câu chữ. Nó thể hiện bằng sự tôn trọng, bằng thiện chí. Khi nhìn vào bản tính linh hồn của bạn, những nét đẹp của mỗi người hiển hiện thật khác nhau và tôi tìm thấy ở đó những tấm gương sáng để mình soi vào, học hỏi bạn. Tôi hình dung cả nhóm đang lan tỏa cho nhau những bầu lửa từ trái tim mỗi người, chúng xua tan những phút giây có một ai đó cảm thấy lạnh lẽo vì phàm ngã bất cập nổi lên. Nó đủ ấm áp để bình yên, giúp nhau khai mở phát triển mà không phải là bầu lửa thiêu đốt hủy diệt. Tôi cũng sẽ dè chừng lúc nào lãng khỏi sự tu tập coi chừng trái tim mình trở thành giá lạnh không còn giữ bầu lửa ấm áp được nữa thì sẽ phải tỉnh thức trở lại đi tiếp.
  • “một ngọn đèn với những tia sáng chiếu ra từ tâm của mình và cho các bạn đồng hành thấy bản tính sự sống ẩn tàng nơi mình” – đó là ngọn đèn của sự giác ngộ, lan tỏa ánh sáng một cách khiêm tốn luôn nhắc nhở mình rèn giũa để hãy là tấm gương, hãy luôn chia sẻ giúp đỡ mọi người. Và nếu tấm gương ấy còn những tì vết thì cũng cần dũng cảm chấp nhận, hãy để nhóm nhìn thấy và mình tiếp tục “miệt mài lau” cho nó sáng lên.
  • “mang theo một túi vàng, y không vung vãi trên Đường, mà để chia sẻ cho người khác” vâng nó tượng trưng cho sự hỗ trợ tài chính cho toàn bộ công việc phụng sự, nó được trù tính cẩn trọng không phải phục vụ cho cuộc sống vật chất của riêng mình một cách lãng phí, nó gợi nhắc trách nhiệm và tình cảm của mỗi môn sinh – học viên trong ý thức từ việc nhỏ như tự nguyện ủng hộ về tài chính cho nhà trường triển khai rất nhiều mảng kỹ thuật, truyền bá kiến thức…MTTL, đến việc lớn và xa hơn là thấm nhuần đồng thời thể nghiệm sự “thu hút tiền bạc cho mục tiêu của Thánh Đoàn”.
  • “mang theo một chiếc bình niêm kín, trong đó y mang theo toàn cả tâm nguyện của mình để đặt dưới chân Đấng đang chờ chào đón y ở cửa Đạo” có ý nghĩa liên quan đến nguyện vọng tinh thần của cá nhân. Tôi đã và đang tự nguyện rèn luyện sao cho có thể xác tinh khiết, cảm xúc không vọng động và tâm trí vững vàng để tiến bước trên đường đạo “Một chiếc bình niêm kín”? Vì sao niêm kín? Vâng đó là ẩn dụ về sự nỗ lực tự nguyện đi trên đường đạo với những khát vọng để vào đó, khát vọng cũng là năng lực, là năng lượng. Nó không phải để phát đi lung tung “khoe” rằng tâm thức tôi mong mỏi những gì, tâm thức tôi đã mở rộng đến đâu, tôi đạt được những tiến bộ gì trên đường đạo. Chiếc bình khát vọng ấy được niêm kín để giữ gìn năng lượng của chính mình khi đi trên đường đạo. Khát vọng đó sẽ thúc đẩy bản thân ngày càng làm điều đúng đắn, học điều đúng đắn, thành công hơn về mặt tinh thần trong việc giúp đỡ nhiều người. Và ở cuối con đường trong kiếp sống của mình, chiếc bình quý giá ấy được trân trọng dâng lên Chân sư mà không cần phải phá vỡ sự niêm kín để bảo tồn năng lượng, để đánh dấu về những cố gắng trong phụng sự, rồi sẵn sàng để có một chiếc bình mới sau đó. Tôi hình dung sẽ có chân sư đang chờ để chào đón đệ tử tại “chiếc cửa” của con đường đạo, trên con đường đó hành giả cần vượt qua nhiều thử thách và tâm thức dần được mở rộng, nhận thức ngày càng rõ hơn về sự sống thiêng liêng mà thượng đế đã thể hiện qua vạn vật trong vũ trụ, trong đó cá nhân mình là một phần của cái toàn thể. Về điểm này, đó là NGHĨ, là HÌNH DUNG, có những lúc phàm ngã xui khiến tôi “CLOSE”. Tôi cần “OPEN” hơn, và không có gì khác là phải tiếp tục Tham thiền – Nghiên cứu – Phụng sự.

Quy luật 6. Khi dấn bước trên Đường, Khách hành hương phải có tai nghe tỏ rõ, bàn tay giúp đỡ, chiếc lưỡi im lặng, tâm hồn tự chủ, tiếng nói vàng, chân nhanh nhẹn, mắt rộng mở đón nhận ánh sáng. Y biết mình không độc hành.

  • Trong quá trình tu tập, tôi tự nghe tiếng nói của chính mình bớt dần sự vô minh và thể hiện dần hạnh phân biện. Tôi lắng nghe được lời kêu cầu giúp đỡ của những người đau khổ – nghe ở đây không có nghĩa là nghe cụ thể âm thanh, tiếng nói mà chỉ là sự hình dung, và có khi với một chút thần giao cách cảm, tôi tự nguyện đến với họ an ủi, giúp đỡ (nhất là với người tàn tật, người bất hạnh trong đời tư…) Cũng tương tự như thế, một số trường hợp tôi “nghe” được tiếng Vô Thinh của Linh hồn, xui khiến dẫn dắt mình có những hành động cử chỉ yêu thương chia sẻ với mọi người. Điều này cũng gắn kết với hình ảnh “bàn tay giúp đỡ” của huynh đệ với nhau và với mọi chúng sinh.
  • Tôi thường cẩn trọng, tôn trọng mọi người và không tự mãn nói năng tùy tiện, chú ý vào việc xây dựng lời nói của mình, nói một cách chính xác, chân thành, không thô lỗ. Chiếc lưỡi cần phải biết im lặng khi không cần nói những chuyện vô bổ, những điều không nên nói – điều mà tôi còn phải chú tâm rèn luyện, nghĩa là cần chú ý “nói những lời của linh hồn với những điều thực sự có thể giúp khôi phục con người về bản chất linh hồn thực sự của họ” như Thày Hiệu trưởng bình giảng.
  • chân nhanh nhẹn: cần mẫn tiến bước trên đường đạo, không trì trệ. Sự di chuyển không chỉ mang ý nghĩa bàn chân bước đi, mà còn là phóng xuất tư tưởng tích cực đến một nơi nào đó, có thể là chia sẻ với bạn bè trong học tập, làm việc nhóm. Trong tương lai xa hơn, nếu được kêu gọi được yêu cầu có mặt ở một nơi nào vì phụng sự thì không ngại ngần, điều này tôi hình dung được nhưng có vẻ như nó liên quan đến mình ở những kiếp nào tiếp theo không phải ở kiếp này đang chỉ là người chí nguyện.
  • mắt rộng mở đón nhận ánh sáng: Khiêm tốn và cởi mở đón nhận tri thức về Minh triết thiêng liêng từ nhà trường, từ sách của Chân sư và các nhà huyền môn, từ tủ sách Thông thiên học, từ sự trao đổi chia sẻ của bạn đạo. Tôi ghi nhớ lời bình của Thày Hiệu trưởng về sự tu tập trên đường đạo dần dần giúp cho mình có con mắt nhìn một cách tổng hợp, đón nhận ánh sáng của Linh Hồn, ánh sáng của Thiên Cơ, ánh sáng của Tam nguyên tinh thần, ánh sáng của Chân thần, ánh sáng của Ý Chí Thiêng liêng, mà khả năng này thực sự xảy ra từ khi được điểm đạo đồ bậc 1, điều mà tôi và các bạn đang cùng đi đang hình thành và phát triển tâm thức nhóm, và biết đâu rằng một ngày nào đó chúng tôi lại cùng được điểm đạo tập thể, để cùng nắm tay nhau, để những bàn tay huynh đệ cùng giơ cao nguyện thề cam kết mạnh mẽ hơn về việc phụng sự nhân loại, theo bước chân của các vị chân sư đáng kính.

Tựu trung lại, với các quy luật trên đường đạo, tôi cố gắng tìm ra ý nghĩa tìm ra bản chất để mình nương theo mà phấn đấu, còn thực tế được đến đâu, tồn tại những gì thì qua các phúc trình chân thực không giấu giếm bất cứ điều gì, các thày cô giáo đều biết rõ về tôi. Tôi hiểu được vị trí của mình trong vũ trụ và hình dung được rõ hơn về phẩm tính cần trau dồi trên đường đạo, rằng tôi và cộng đồng MF đang tiến bước trên Đường Đạo từ vị trí hiện tại của mình, đến Đấng đang chờ đợi ở cuối Đường Đạo, và cho biết rằng chúng ta đang tiến bước với cả nhân loại. Tôi biết mình không độc hành.

Tôi đang giữ theo bên mình những tấm thẻ xinh xinh để thường xuyên đọc lại các quy luật trên đường đạo, để được nhắc nhở về những gì rất cao đẹp và cần thiết mà môn sinh cần tu luyện thực hiện.

Phần X. Đề án thứ hai (trình bày 27 mục đích của 9 nhóm hạt giống của NGWS) đối với môn 170 thực hiện vào tháng 12/2020.

KẾT LUẬN

Bản Khóa luận Tổng hợp DHY QU1 “Từ Con Đường Dự Bị đến Con Đường Đệ Tử–Hành trình tâm linh của một người chí nguyện” của Bùi Thị Kim Thư được hoàn thành sau khi tiếp nhận những chỉ dẫn rất chi tiết của Thày Minh Triet Moi và học viên đã chỉnh sửa nghiêm túc. Nội dung trong khóa luận về mặt lý luận mới chỉ đề cập đến một phần rất nhỏ trích từ giáo lý của Chân sư D.K., còn phần liên hệ của bản thân thì về cơ bản là đầy đủ và trung thực. Tôi đã viết Khóa luận này trải qua nhiều cung bậc của cảm xúc với xung đột của các cặp đối lập: nỗ lực-chần chừ, say mê-hờ hững, thích thú-chán nản, tự tin-tự ty, …. Nhưng tôi biết rằng, từ những câu chữ tôi viết bao gồm trích dẫn từ giáo lý của Chân sư và các đệ tử, nhận thức của tôi và liên hệ bản thân, tôi còn cần tiếp tục NGHIÊN CỨU – THAM THIỀN – PHỤNG SỰ không mệt mỏi, và tâm niệm: “Mỗi linh hồn phải xác định cho chính y, và phải tìm thấy điều đó trong chính y, luôn luôn nhớ rằng Thiên giới vốn ở nội tâm, và chỉ những điều nào được nhận thức trong tâm thức mỗi cá nhân như là những chân lý thì mới có giá trị đích thực”.[107]

Xin được bày tỏ lòng biết ơn của tôi đến Morya Federation, đến Thày Cô Hiệu trưởng MF, đến các Thày, Cô của MF và MF Việt Nam, và đặc biệt đến Thày Minh Triet Moi, Hiệu trưởng Chi nhánh MF Việt Nam – Mentor trực tiếp dắt dẫn tôi trong năm qua, năm đầu tiên tôi bước vào QU 1 với lời thề luôn canh cánh bên lòng để có thể tiếp bước trên đường đạo một cách tinh tấn đến mức cao nhất có thể. Xin cảm ơn các bạn học viên MF Việt Nam luôn đồng hành và động viên, chia sẻ để tôi được tu tập trong sinh hoạt nhóm gắn kết.

Học viên Bùi Thị Kim Thư

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Ánh sáng của Linh hồn, (The Light of The Soul (LOS)), Alice A. Bailey, Trân Châu biên dịch có tham khảo bản dịch của Trần ngọc Lợi
  • Bài của Thày Hiệu trưởng M.D.R. trong Tapestry III khi dự Hội thảo toàn cầu lần thứ 34. Đó là “7 Rays &12 Signs All Essential Energies Combined, Contrasted, and Compared”
  • Bài bình giảng của Thày Michael D. Robbins về 1 trong 4 yêu cầu của đệ tử (yêu cầu số 3 “Không chú ý đến bất kỳ sự quan tâm thế tục nào”- bản dịch tiếng Việt phần 2 của Thày Minh Triet Moi (Tìm hỏi về Thánh Đạo), buổi giao lưu với sinh viên MFVN ngày 15/12/2019.
  • Bình giảng của Thầy M.D.R. về các Giai đoạn của Thánh đạo
  • Các Cung và Điểm Đạo, (Rays and Initiations (RI)), Alice A. Bailey
  • Các Qui Luật của Đường Đạo — P1 Thày Minh Triet Moi lược dịch từ bình giảng của Thày Hiệu Trưởng Michael D. Robbins
  • Chia sẻ về Phụng sự của tác giả G.S. ARUNDAL
  • Chiêm tinh học nội môn (Esoteric Astrology (EA)), Alice A. Bailey
  • Chương trình PIP III, Michael D. Robbins
  • Dưới chân thày”, Nguyên-Tác At The Feet of The Master Tác Giả Alcyone (Krishnamurti)
  • Điểm Đạo Trong Nhân Loại Và Thái Dương Hệ, (Iniatiation, Human and Solar (IHS)), Alice A. Bailey
  • Đường Đạo trong Kỷ Nguyên Mới tập I, II,

    (Discipleship In The New Age I, II (DINA I, II)), Alice A. Bailey

  • ESOTERIC UNITED NATIONS Short Basic Daily Meditation (3-5min)
  • Giảng luận Ánh sáng trên Thánh đạo, (Light on The Path), Annie Besant and C.W. Leadbeater
  • Luận về Huyền linh thuật, (A Treatise on White Magic (TWM)), Alice A. Bailey
  • Luận về Lửa Càn Khôn, tập I, (A Treatise on Cosmic Fire I (TCF I)) Alice A. Bailey
  • Minh triết cổ truyền, Annie Besant (tủ sách Thông thiên học)
  • Nền Giáo dục trong Kỷ nguyên mới, (Education in the New Age (ENA)) Alice A. Baley; Biên dịch Huỳnh Văn Nhiêu và Trân Châu
  • Nghề nghiệp liên quan các cung và hành tinh trong

    Careers through the Rays and Astrology_VN

  • Tài liệu của khóa QU1 tiếng Việt
  • Tapestry III, Michael D. Robbins
  • Tâm lý học nội môn tâp II, (Esoteric Psychology II (EPII)), Alice A. Balley, bản quyền © Renewed 1970 bởi Lucis Trust
  • Tham thiền “Đức Thày trong trái tim”, “Đấng Thái dương Thiên Thần” trong tài liệu hướng dẫn Tham thiền của QU1
  • Thày Minh Triet Moi dịch từ Compilation-on-Rays-from-Tapestry-of-Gods của Thày Hiệu trưởng M.D.R
  • Thông thiên học (Theosophy), Annie Besant
  • Thư về Tham thiền huyền linh (Letters On Occult Meditation (LOM)), Alice A. Bailey
  • Trị liệu theo huyền môn, (Esoteric Healing (EH)), Alice A. Baley, Lucis Press LTD London
  • Trích bình luận về ảo cảm của Thày Hiệu trưởng Michael D. Robbins do Thày Minh Triet Moi dịch
  • Từ Bethlehem đến Calvary, Các cuộc điểm đạo của Chân sư Jesus, (From Bethlehem to Calvary), Alice A. Bailey
  • Vài điều khó khăn của đời sống nội tâm (Some Difficulties of The Inner Life), Annie Besant, Dịch giả Bạch Liên
  • Vận mệnh các quốc gia (The Destiny of The Nations (DA)), Alice A. Bailey
  • Video Triangles of light – The evolving soul humanity
  • Viễn cảm và thể dĩ thái (Telepathy and The Etheric Vehicle (TEV)), Alice A. Bailey
  • Webinar 2, 4, 5, 7. 8. 9. 12 Thày Michael D. Robinns bình giảng về các định luật của linh hồn (Laws of Soul) thể hiện trên Tâm lý học nội môn tập II, Alice A. Bailey
  • Webinar của Thầy M.D.R. về điểm đạo 1
  • Web https://www.minhtrietmoi.org/ về cầu Antahkarana, Nhân quả, Con đường Dự bị, Con đường Đệ tử và Chia sẻ của học viên HMQ
  1. Trang 241 Tâm lý học nội môn tập II, Alice A. Bailey

  2. Trang 253-254 Ánh sáng của Linh hồn, Alice A. Bailey

  3. http://moryafederation.net/course/view.php?id=119

    Phật Hoàng Trần Nhân Tông by Bui Thi Kim Thu

  4. Therese Neumann by Bui Thi Kim Thu

  5. Trang xii Ánh sáng của Linh hồn,Alice A. Bailey, Trân Châu biên dịch có tham khảo bản dịch của Trần ngọc Lợi

  6. https://www.minhtrietmoi.org/WPress/chia-se-cua-mot-hoc-vien-ve-qua-trinh-hoc-o-truong-morya-federation/

  7. https://www.minhtrietmoi.org/WPress/chia-se-cua-mot-hoc-vien-sau-3-nam-hoc-tap/

  8. viết tắt là MTTL

  9. Tham khảo từ mạng Internet. Tác giả Tiểu luận tự đặt tên “Tâm lý học ngoại môn”

  10. còn gọi là “Chiêm tinh bí truyền”

  11. Tác giả Tiểu luận tự đặt tên “Y học ngoại môn”

  12. Tham khảo “Trị liệu theo huyền môn” Quyển IV trong bộ luận về 7 cung, Alice A. Baley.

    Tác giả Tiểu luận tự đặt tên “Y học nội môn”

  13. Trang 23-24, Trị liệu theo huyền môn, Alice A. Bailey (Pages 17-18, Eoteric Healing)

  14. Trang 23-24, Trị liệu theo huyền môn, Alice A. Bailey (Pages 17-18, Eoteric Healing)

  15. Tác giả Tiểu luận tự đặt tên “Giáo dục học ngoại môn”

  16. Tham khảo “Nền Giáo dục trong Kỷ nguyên mới” của Alice A. Baley; Biên dịch Huỳnh Văn Nhiêu và . Trân Châu. Tác giả Tiểu luận tự đặt tên “Giáo dục học nội môn”

  17. Trang 97, Nền Giáo Dục trong Kỷ Nguyên Mới, Alice A. Balley

  18. Bài viết của Hồ Minh Quang trong nhóm Học tập Thông thiên học và Giáo lý của Chân sư D.K., có tham khảo tài liệu Thông thiên học, Annie Besant và https://www.minhtrietmoi.org/WPress/luat-nhan-qua-chuong-2/

  19. https://www.minhtrietmoi.org/WPress/luat-nhan-qua-chuong-2/

  20. Tham khảo từ các bình giảng của Thày Michael D. Robbins trên các Webinar về các định luật của linh hồn; và từ Minh triết cổ truyền, Annie Besant (tủ sách Thông thiên học)

  21. Tham khảo trích đoạn bài bình giảng của Thày Michael D. Robbins về 1 trong 4 yêu cầu của đệ tử . (yêu cầu số 3 “Không chú ý đến bất kỳ sự quan tâm thế tục nào”- bản dịch tiếng Việt phần 2 của Thày Minh Triết Mới (Tìm hỏi về Thánh Đạo), buổi giao lưu với sinh viên MFVN ngày 15/12/2019.

  22. Webinar 2 Thày Michael D. Robinns bình giảng về các định luật của linh hồn (Laws of Soul) gồm các trang 87- 89 Tâm lý học nội môn tập II, Alice A. Bailey

  23. Webinar 7 Thày Michael D. Robinns bình giảng về các định luật của linh hồn (Laws of Soul) gồm các trang 101-103 Tâm lý học nội môn tập II, Alice A. Bailey

  24. Webinar 2 Thày Michael D. Robinns bình giảng về các định luật của linh hồn (Laws of Soul) gồm các trang 87-89 Tâm lý học nội môn tập II, Alice A. Bailey

  25. Webinar 4 Thày Michael D. Robinns bình giảng về các định luật của linh hồn (Laws of Soul) gồm các trang 93-96 Tâm lý học nội môn tập II, Alice A. Bailey

  26. Webinar 2 Thày Michael D. Robinns bình giảng về các định luật của linh hồn (Laws of Soul) gồm các trang 87-89 Tâm lý học nội môn tập II, Alice A. Bailey

  27. Webinar 5 Thày Michael D. Robinns bình giảng về các định luật của linh hồn (Laws of Soul) gồm các trang 95-99 Tâm lý học nội môn tập II, Alice A. Bailey

  28. Webinar 7 Thầy Michael D. Robinns bình giảng về các định luật của linh hồn (Laws of Soul) gồm các trang 101-103 Tâm lý học nội môn tập II, Alice A. Bailey

  29. Webinar 8 Thầy Michael D. Robinns bình giảng về các định luật của linh hồn (Laws of Soul) gồm các trang 103-105 Tâm lý học nội môn tập II, Alice A. Bailey

  30. Webinar 4 Thày Michael D. Robinns bình giảng về các định luật của linh hồn (Laws of Soul) gồm các trang 93-96 Tâm lý học nội môn tập II, Alice A. Bailey

  31. Webinar 8 Thày Michael D. Robinns bình giảng về các định luật của linh hồn (Laws of Soul) gồm các trang 103-105 Tâm lý học nội môn tập II, Alice A. Bailey

  32. Webinar 9 Thày Michael D. Robinns bình giảng về các định luật của linh hồn (Laws of Soul) gồm các trang 105-109 Tâm lý học nội môn tập II, Alice A. Bailey

  33. Trang 119, Tâm lý học nội môn tập II, Alice A. Bailey

  34. Đường Đạo trong Kỷ Nguyên Mới tập I, Alice A. Bailey

  35. Tài liệu học QU1

  36. Trích từ sách chia sẻ về Phụng sự của tác giả G.S. ARUNDAL

  37. Trích trong cuốn “Dưới chân thày”, Nguyên-Tác At The Feet of The Master

    Tác Giả Alcyone (Krishnamurti)

  38. Tham thiền “Đức Thày trong trái tim” theo chương trình tham thiền 100.1 của khóa QU1

  39. Trang 59, Đường Đạo trong Kỷ Nguyên Mới tập II, Alice A. Bailey

  40. https://www.minhtrietmoi.org/WPress/diem-dao-chuong-7-con-duong-du-bi/

    Chương 7, Điểm Đạo Trong Nhân Loại Và Thái Dương Hệ, Alice A. Bailey

  41. Trang 661, Đường đạo trong kỷ nguyên mới tập II (DINA II), Alice A. Bailey

  42. Trang 660, Đường đạo trong kỷ nguyên mới tập II (DINA II), Alice A. Bailey

  43. Trang 274, Giảng luận Ánh sáng trên Thánh đạo, Annie Besant and C.W. Leadbeater

  44. Thackeray đã mô tả quá trình hình thành “số phận” con người

  45. Trang 267, Bức thư 8, Thư về Tham thiền huyền linh (Letters On Occult Meditation), Alice A. Bailey

  46. Trang 115, Thư về Tham thiền huyền linh (Letters On Occult Meditation), Alice A. Bailey

  47. Chương 8, Điểm Đạo Trong Nhân Loại Và Thái Dương Hệ, Alice A. Bailey

  48. Trang 47, Chương 8, Điểm Đạo Trong Nhân Loại Và Thái Dương Hệ, Alice A. Bailey

  49. Trang 90, Chương 8, Điểm Đạo Trong Nhân Loại Và Thái Dương Hệ, Alice A. Bailey

  50. Trang 91, Chương 8, Điểm Đạo Trong Nhân Loại Và Thái Dương Hệ, , Alice A. Bailey

  51. Trang 92, Chương 8, Điểm Đạo Trong Nhân Loại Và Thái Dương Hệ, Alice A. Bailey

  52. Trang 93, Chương 8, Điểm Đạo Trong Nhân Loại Và Thái Dương Hệ, Alice A. Bailey

  53. Trang 95, Chương 8, Điểm Đạo Trong Nhân Loại Và Thái Dương Hệ, Alice A. Bailey

  54. Trang 97, Chương 8, Điểm Đạo Trong Nhân Loại Và Thái Dương Hệ, Alice A. Bailey

  55. Trang 97, Chương 8, Điểm Đạo Trong Nhân Loại Và Thái Dương Hệ, Alice A. Bailey

  56. Trang 27, Phần III, Đường đạo trong kỷ nguyên mới tập I (DINA I), Alice A. Bailey

  57. https://www.minhtrietmoi.org/WPress/cac-giai-doan-tren-con-duong-de-tu-phan-4-giai-doan-de-tu thuc-thu-chinh-thuc/

  58. Trang 320 Luận về Huyền linh thuật, Alice A. Bailey

  59. Trang 88, Đường đạo trong kỷ nguyên mới tập I, Alice A. Bailey

  60. Trang 91, Điểm đạo trong nhân loại và thái dương hệ, Alice A. Bailey

  61. Trích từ Luận về Lửa Càn Khôn, tập I, Alice A. Bailey

  62. HUẤN THỊ CÁ NHÂN CHO I.B.S (PHẦN 4) trong Web Minh triết thiêng liêng

  63. Trang 19, Tâm lý học nội môn tập II, Alice A. Bailey

  64. Từ Bethlehem đến Calvary, Các cuộc điểm đạo của Chân sư Jesus, Alice A. Bailey

  65. Trang 7, Điểm đạo trong Nhân loại và Thái dương hệ, Alice A. Bailey

  66. Trang 36, Từ Bethlehem đến Calvary, Các cuộc điểm đạo của Chân sư Jesus, Alice A. Bailey

  67. Trang 520/6 Tâm lý học nội môn tập II, Alice A. Bailey

  68. Trang 70, Chiêm tinh học nội môn (EA 70), Alice A. Bailey

  69. Trang 70, Chiêm tinh học nội môn (EA 70), Alice A. Bailey

  70. Trang 84, Vận mệnh các quốc gia (DN 84), Alice A. Bailey

  71. Trang 130-140 Điểm đạo trong Nhân loại và Thái dương hệ, Alice A. Bailey

  72. Trang 39, Điểm đạo trong Nhân loại và Thái dương hệ, Alice A. Bailey

  73. Trang 41, Điểm đạo trong Nhân loại và Thái dương hệ, Alice A. Bailey

  74. Trang 520, Tâm lý học nội môn tập II, Alice A. Bailey

  75. Bình luận của Thày Michael D. Robbins trên web 12 về các định luật của Linh hồn với các trang 118-124 Tâm lý học nội môn tập II, Alice A. Bailey

  76. Trang 101, Giảng luận Ánh sáng trên Thánh đạo, Annie Besant và C.W. Leadbeater

  77. Trang 91- 92, Đường đạo trong kỷ nguyên mới, Alice A. Bailey

  78. Trang 37- 41, Viễn cảm và thể dĩ thái (Telepathy and The Etheric Vehicle), Alice A. Bailey

  79. Trang 37, Đường đạo trong kỷ nguyên mới, Alice A. Bailey

  80. Kết quả qua thực hiện Chương trình PIP III của Bùi Thị Kim Thư

  81. Kết quả qua thực hiện Chương trình PIP III của Bùi Thị Kim Thư

  82. Web https://www.minhtrietmoi.org/ về Cầu Antahkarana

  83. https://www.minhtrietmoi.org/WPress/khoa-hoc-ve-antahkarana-4-sutratma/

  84. Web https://www.minhtrietmoi.org/ về cầu Antahkarana

  85. Trang 72, Đường đạo trong Kỷ nguyên mới, Alice A. Bailey

  86. Trang 72-73, Đường đạo trong kỷ nguyên mới, Alice A. Bailey

  87. https://www.minhtrietmoi.org/WPress/khoa-hoc-ve-duong-antahkarana-3-kien-tao-con-duong/

  88. https://www.minhtrietmoi.org/WPress/khoa-hoc-ve-duong-antahkarana-3-kien-tao-con-duong/

  89. Trích bình luận về ảo cảm của Thày Hiệu trưởng Michael D. Robbins do Thày MTM dịch

  90. ESOTERIC UNITED NATIONS Short Basic Daily Meditation (3-5min)

  91. Bài Tham thiền Đấng Thái dương Thiên Thần (MDR) trong tài liệu hướng dẫn Tham thiền của QU1

    MDR là viết tắt tên Thày Hiệu trưởng Michael D. Robbins

  92. Trang 103, Tâm lý học nội môn tâp II, Alice A. Baley

  93. Trang 598, Cung và Điểm Đạo, Alice A. Bailey

  94. Trích từ bài Thiền Tam giác

  95. https://www.minhtrietmoi.org/WPress/chia-se-cua-mot-hoc-vien-sau-3-nam-hoc-tap/

  96. Hồi ký Nước Mắt và Nụ Cười – Tập I – Bùi Thị Kim Thư http://calameo.download/001933781e5c6dd985818

    Hồi ký Nước mắt và Nụ cười – Tập II – Bùi Thị Kim Thư http://calameo.download/001933781b9a16bfb4f10

  97. Trích từ trang 37 Bản Thày MTM dịch từ Compilation-on-Rays-from-Tapestry-of-Gods của Thày Hiệu trưởng M.D.R

  98. Tham khảo từ một bài của Thày Hiệu trưởng M.D.R. trong Tapestry III khi dự Hội thảo toàn cầu lần thứ 34. Đó là “7 Rays &12 Signs All Essential Energies Combined, Contrasted, and Compared”

  99. Tham khảo nghề nghiệp liên quan các cung và hành tinh trong

    Careers through the Rays and Astrology_VN

  100. Nhóm “Nhịn ăn Khoa học và Thanh lọc Thân Tâm” trên Facebook

  101. Vài điều khó khăn của đời sống nội tâm (Some Difficulties of The Inner Life), Annie Besant, Dịch giả Bạch Liên

  102. Do chân sư D.K. chỉ dẫn ở “Đường đạo trong kỷ nguyên mới”, Alice A. Bailey

  103. Nhóm EUN 28/12/2026 trên Facebook

  104. http://www.esotericun.org/forums/

  105. Trang 3, Các Qui Luật của Đường Đạo — P1 Thày MTM lược dịch từ bình giảng của Thầy Hiệu Trưởng Michael D. Robbins

  106. Trang 4, Các Qui Luật của Đường Đạo — P4

    Thày MTM lược dịch từ bình giảng của Thầy Hiệu Trưởng Michael D. Robbins

  107. Trang 41, Điểm đạo trong Nhân loại và Thái dương hệ, Alice A. Bailey

Leave Comment